1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

[cờ tướng] Học cờ tàn phải tuần tự và yếu lĩnh học bố cục

Chủ đề trong 'Cờ' bởi Go_player, 02/02/2011.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Go_player

    Go_player Box cờ - Moderator

    Tham gia ngày:
    18/03/2003
    Bài viết:
    1.863
    Đã được thích:
    18
    [cờ tướng] Một số lưu ý khi học cờ tàn và yếu lĩnh học bố cục

    Học cờ tàn phải tuần tự
    (xem sau khi xem Quy trình học cờ của Lưu Điện Trung)

    1. Đầu tiên học các cách chiếu hết (sát pháp) cơ bản: lộ mặt tướng (đối diện tiếu), 2 xe lệch (song xa tỏa), câu ngư mã, cao điếu mã (mã điền cao bên ngoài-trong đòn xe mã nghiêng), song mã ẩm tuyền, tiền mã hậu pháo, nhị quỷ bá môn (2 tốt hoặc 2 xe kẹp cổ), pháo ***g v.v… (tìm xem các sách sơ cấp để biết nhiều cách khác)

    2. Học cờ tàn thực dụng ở các sách chuyên môn, đây là giai đoạn quan trọng để tạo lập kiến thức cơ sở về cờ tướng.

    3. Nghiên cứu các tàn cục thực chiến của cao thủ (cũng có nhiều sách về tàn cục thực chiến của đại sư và đặc cấp đại sư-nên sưu tầm và lập kế hoạch xem dần dần, tùy theo trình độ có thể hiểu được tương đối thuận lợi mới nên xem)

    4. Học tập các đòn phối hợp, cờ tàn nghệ thuật, cờ thế (nhiều người bỏ qua giai đoạn này, cho rằng cờ tàn nghệ thuật hay cờ thế đều do con người sáng tác, trong thực chiến chẳng bao giờ gặp, không thực dụng-nhận định này có sai lầm lớn)
    Cờ thế trong môn cờ cũng giống như các bài quyền trong võ thuật. Luyện võ thuật có cần học bài quyền không? Bởi vì các bài quyền đều chắt lọc các đòn đánh, động tác tinh hoa của võ học, qua quá trình tập bài quyền thành thục, thì các động tác ấy mới có thể ứng dụng vào thực tế chiến đấu một cách khéo léo và hiệu quả. Trong cờ tướng cũng vậy, cờ thế là bài quyền mà người xưa đã cố gắng biên tập, giúp người học cờ thế có thể nhuần nhuyễn phương pháp sử dụgn các dạng binh chủng, thành thục cờ thế rồi, uy lực của mỗi quân cờ mạnh thêm mấy phần, giữa các binh chủng lại còn có mỗi liên hệ hữu cơ khi phối hợp chúng.
    – Một người chưa hề nghiên cứu qua thế cờ “khưu dẫn hàng long”, thì không thể nào sử dụng xe tốt ở trình độ xuất thần nhập hóa được.
    – Một người không hề nghiên cứu “Dã mã tháo điền” cũng không thể phối hợp xe mã ở trình độ cao thâm, nhuần nhuyễn.
    – Ngoài ra còn có: “thất tinh tụ hội”, “thiên lý độc hành” v.v…

    Tôi cảm giác nhiều người học cờ lại tưởng rằng: chỉ cần có trí thông minh hơn người, thì học mỗi thứ một ít, trong thời gian thật nhanh, tìm cách học ngắn nhất, ví như theo các mẫu mà máy tính điện tử đã nghiên cứu, hoặc học thuộc-bắt chước nước đi của cao thủ thì sẽ có thành tựu nổi bật ngay. Có người còn cho rằng, với phương tiện hiện đại như bây giờ, thì học cờ tướng trong 1 tháng sẽ cao lên rõ rằng! TỐT, nhưng chuyện đó không có khả năng xảy ra.

    Học ra quân như thế nào?
    (trích dịch từ sách "Tượng kì bố cục tinh yếu""Tượng kì bố cục tinh yếu" tác giả ĐCĐS Lưu Điện Trung)

    Thường có câu nói: "Vạn sự khởi đầu nan"-khởi đầu tốt là gần một nửa thành công. Người mới học cờ mà muốn học tốt cách ra quân, bày trận-lại là một việc không đơn giản vậy. Cần phải kinh qua nghiên cứu đối trận thực tiễn, nghiên cứu phương pháp lí luận và hệ thống hóa-chứ không phải cứ đi theo mẫu mà trở thành cao thủ. Trong quá trình học tập, ngoài sự nỗ lực bản thân, lại tuyệt đối không được xa rời kinh nghiệm quý báu của người đi trước, lại còn phải có phương pháp học tập khoa học.
    Phương pháp học tập và nội dung học tập hợp lí, thì tiến bộ cũng nhanh thôi, ngược lại, nếu nhầm hỏng trong phương pháp và nội dung, sợ rằng dẫn đến mất công nhiều mà hiệu quả chẳng được bao nhiêu (sự bán công bội-事半功倍) Muốn giải quyết triệt để vấn đề này (lựa chọn phương pháp và nội dung), đầu tiên nên tìm hiểu xem nên học cái gì (nội dung) sau là tìm cách học nào có vẻ khoa học, hợp lí (phương pháp học tập).

    Yếu lĩnh học tập BỐ CỤC của chúng ta có thể khái quát trong một câu này: lí luận là chủ đạo, từ nông đến sâu, cái gì cần dùng gấp thì học trước, phù hợp với phong cách, kế hoạch khoa học, trước sâu-sau rộng, từng bước hệ thống hóa, kết hợp nghiên cứu thực chiến

    1. Lấy lí luận là chủ đạo
    Biến hóa trong Bố cục rất đa dạng, mà mỗi nhánh đều có nét đặc sắc riêng, mà lí luận của bố cục lại mang tính bất hủ (không bao giờ lạc hậu), đối với mỗi loại-mỗi dạng biến hóa trong bố cục, thì lí luận bố cục đều có những hướng dẫn chỉ đạo mang ý nghĩa tổng kết . Đó là do lí luận bố cục là quy luật, khoa học và kinh nghiệm được người ta tổng kết ra từ vô vàn biến hóa trong bố cục.
    - Sử dụng lí luận bố cục để phân tích, phán đoán sự được mất, so sánh ưu thế-kém thế trong bố cục thường được kết quả tương đối hợp lí, rất có hiệu quả.
    - Sử dụng lí luận bố cục để lựa chọn biến hóa trong bố cục cũng thường đạt kết quả chính xác.
    “Được thua nhất thời là do lực mạnh hay yếu, thành bại muôn thủa là do lí luận đúng hay sai.”– người mới học cờ nhất định phải coi trọng việc học tập các quy luật khách quan của cờ tướng. Trong số những người mới học, có vẻ không có nhiều người nhìn nhận được tầm quan trọng của kiến thức về lí luận bố cục. Vì vậy, mọi người nên trong lúc học tập các biến hóa cụ thể của bố cục, đồng thời học tập các tri thức về lí luận liên quan, lại phải không ngừng tự tổng kết, như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học, tác dụng có thể kể ra: nắm bắt biến hóa sẽ nhanh hơn, dễ dàng lí giải các yếu lĩnh, điểm quan trọng và tư tưởng chủ đạo của thế trận, cuối cùng là nhanh chóng nâng cao trình độ bố cục. Đây là công việc cần thiết phải làm trong quá trình học tập: chú ý thu gom lấy kiến thức, qua quá trình giác ngộ kiến thức mà tổng kết thành lý luận, nhất là nắm được các mục tiêu của giai đoạn bố cục của mỗi loại biến hóa.

    2. Thứ tự từ nông đến sâu
    Khi học lí luận và biến hóa cụ thể của bố cục, người mới học cần theo thứ tự từ nông đến sâu, từng bước nắm được những quy luật khách quan, với trình độ trung tàn tương đối của bản thân (tức là nên chuẩn bị hiểu biết về bắt tướng trước khi học bố cục) mà học lấy một vài biến hóa đơn giản và một số lí luận rõ ràng, dễ hiểu của bố cục, rồi sơ bộ nắm được một số yếu lĩnh và tri thức thông thường trong bố cục để làm cơ sở, sau đó từ thực tiễn và học tập sẽ từng bước đào sâu và mở rộng hiểu biết cơ sở này, chỉ có như vậy thì việc tiến bộ mới vững chắc từng bước.
    Quan trọng là không được tham nhanh, tham nhiều để tránh trường hợp nửa đường nản chí để rồi mãi mãi vẫn không thể nâng cao trình độ.

    3. Cái gì cần dùng gấp thì học trước
    Trong khi học tập để hoàn bị phần kiến thức cơ sở, cũng nên kết hợp với như cầu ứng dụgn của bản thân trong thực chiến để học trước loại bố cục nào liên quan đến loại thường sử dụng, ví như có thể học trước những biến hóa có tính thực dụng cao (với bản thân) hay học những cạm bẫy mà trong quá trình đánh cờ có thể va vấp. Như thế không chỉ tăng cường hiệu quả học tập, mà lại nâng cao hứng thú, đam mê-nhất là kích thích đầu óc cho dễ nhớ, đẩy nhanh quá trình tiến bộ.

    4. Phù hợp với phong cách
    Do trong mỗi cá nhân đều tồn tại những đặc điểm riêng, khác người khác-nên phong cách và thói quen chơi cờ của từng người cũng không thể giống nhau hết được, nếu trong khi học tập bố cục mà có thể lựa chọn học trước những biến hóa phù hợp với tính cách, sở thích của mình (người thì ham thích mau chóng đối công, người thì muốn bày binh bố trận cẩn mật trước đã…) thì sẽ lợi về phát triển sở trường bản thân, dễ tiến bộ, lại còn giữ được hứng thú nồng nhiệt với học tập. Ví dụ: bạn ham thích công sát, thì nên lựa chọn các loại bố cục đối công kịch liệt để học trước, sẽ dễ phát huy điểm mạnh, tránh điểm yếu (sau này có hiểu biết tạm tạm rồi, sẽ quay về khắc phục điểm yếu sau)-nếu đã thích công sát, mà lại học các loại bố cục có hình trận ổn chắc, thì sở trường không được phát huy, dễ bị ức chế, không lợi cho việc tiến bộ.
    Đương nhiên, sau khi đã học tập được một số kiến thức cơ sở để chuẩn bị rồi, thì vẫn phải tìm hiểu và nghiên cứu những loại bố cục khác, hoặc biến hóa khác với phong cách của mình, để lấy mạnh bù yếu-sửa chữa thiếu sót và hoàn thiện bản thân. Việc này cũng rất là quan trọng.

    5. Kế hoạch khoa học
    Khi học tập bố cục, nhất định thiết lập kế hoạch học tập sao cho khoa học, kế hoạch phải đầy đủ mục tiêu tổng thể và sắp xếp thời gian, cách thức thực hiện từng bước cụ thế. Sắp xếp kế hoạch cần kết hợp chi tiết và tổng thể, từng bước mở rộng, vừa cần đầy đủ các loại bố cục, và cần có phương hướng, mục tiêu rõ ràng cho mỗi giai đoạn học tập (lúc nào, thì học sâu đến đâu?) Thiệt lập kế hoạch xong, lại phải chấp hành kế hoạch chuẩn xác (cả về chất lượng kiến thức và khối lượng kiến thức), phải dốc sức vào việc thực hiện kế hoạch và đạt được mục tiêu đề ra, mới có thể nhanh chóng hình thành hệ thống bố cục của bản thân. Nếu không, se dẫn đến lan man (đông đánh 1 chùy, tây vẩy 1 gậy), cuối cùng thì hiểu biết về bố cục cũng chả bao giờ tới đầu tới đũa, trong tay chẳng có thứ vũ khí gì đáng kể. Kế hoạch làm ra là do bản thân mình sử dụng, nếu phù hợp thì dùng để mà học, không phù hợp phải đi hỏi người có kinh nghiệm hướng dẫn cho cách học, cách làm kế hoạch, sao cho kế hoạch phải hợp lí và khả dụng thì thôi. Bởi vì kiến thức trong phạm vi bố cục là rất rộng nên dù thế nào, cũng phải có kế hoạch mới học được.

    6. Trước sâu, sau rộng
    Mục đích của việc thiết lập kế hoạch học tập là giúp cho việc hệ thống hóa từng bước được thuận lợi, kinh nghiệm rất tốt là: ban đầu học ít loại hình bố cục, nhưng mà học sâu từng loại để hiểu rõ, sau đó mới lại mở rộng ra học nhiều loại bố cục và cách học là không quá sâu, để phát huy hiểu biết về tổng quan-như vậy, giúp cho việc hệ thống hóa và sắp đặt kế hoạch học tập có hiệu quả.
    Giả như bạn là kỳ thủ ưa thích hình cờ ổn định, chắc là đầu tiên nên xem phi tượng, bắt đầu nghiên cứu từ góc độ đi tiên nước cờ V3.5, tìm các ứng đối khả thi của bên hậu (Pháo đầu, quá cung pháo, pháo tai sỹ, lên mã, thúc tốt, lên tượng…) mỗi loại nên học vững một vài biến hóa, rồi sau tùy theo điều kiện thực chiến, lại đào sâu một vài biến hóa hay dùng. Rồi tìm vài phương án (1-2 phương án) của bên đi sau đối phó với đối thủ đi trước dùng V3.5 để nghiên cứu và ứng dụng. Như vậy, đã giảm bớt nhiều loại hình bố cục đi tiên khác (pháo đầu, thúc tốt…)- đối với bố cục đi hậu, cũng giảm bớt không phải học đa số các biến hóa đối phó với phi tượng (đã học trong lúc học đi tiên rồi) như thế gọi là học ít mà sâu. Đối với các loại bố cục khác cũng có thể dùng theo cách đó.
    Rộng nghĩa là trên cơ sơ hiểu biết sâu về một vài loại bố cục sở trường (đã học ở giai đoạn đầu-học sâu), từng bước mở rộng khu vực biến hóa của bố cục.
    Phương pháp học trước sâu, sau giảm sâu mà tăng rộng (trước sâu, sau rộng) có lợi về khai phá đường hướng suy nghĩ, sâu và rộng hỗ trợ lân nhau, cái nào tốt thì phát huy.

    7. Từng bước hệ thống hóa
    Hệ thống hóa bố cục là nhu cầu quan trọng đối với kiến thức và phục vụ rất tốt cho thực chiến. Ban đầu học ít mà sâu, người học nhất định đã thông tỏ một vài biến chính của bố cục sở trường tự chọn. Sau rồi từng bước tiến vào lĩnh vực nghiên cứu mở rộng các chủng loại bố cục khác. Tiếp tục học sâu các biến hóa của những bố cục mới mở rộng thêm. Trong quá trình học này, luôn luôn chú ý hệ thống hóa từng bước và nâng lên thành lí luận (vì yếu lĩnh 1: lấy lí luận làm chủ đạo) đó chính là thành tựu và kết quả của học tập.

    8. Kết hợp nghiên cứu và thực chiến
    Kết hợp nghiên cứu và thực chiến nghĩa là lấy thực chiến để kiểm tra kết quả học tập, có điều kiện để xem xét cách học, nội dung học là đúng hay là sai? Tục nói là: “Luyện tập trong chiến đấu”. Chí có không ngừng học tập kết hợp thực chiến, thì lí luận và thực tế mới kết hợp được nhuần nhuyễn, mà từng bước làm phong phú và hoàn thiện hệ thống bố cục của bản thân-mới có thể theo kịp sự phát triển đổi mới không ngừng của thời đại.

    Mấy bài dịch này tôi từng đăng ở một trang chuyên về cờ, rồi một số bạn bè cờ tướng copy truyền nhau hoặc public ở một vài diễn đàn cờ tướng khác. Nhưng hầu hết bọn họ đọc mà hiếm người lĩnh hội đầy đủ, ít tác dụng. Tiếc rẻ đem về đây, may chăng đối với bạn bè chưa từng vào mấy diễn đàn kia có hữu ích phần nào. Nhất là đối với anh em cờ vây, nếu lại có thể qua cái này hiểu cái khác,thì thật không uổng công.

    kế hoạch dịch tiếp theo 中国象棋要领63条 欲成高手必熟练掌握
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này