1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Người Trung Quốc xấu xí - bản dịch tiếng Trung

Chủ đề trong 'Ngôn ngữ và văn hoá các nước khác' bởi xdhainm, 06/02/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. xdhainm

    xdhainm Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/07/2002
    Bài viết:
    98
    Đã được thích:
    0
    Người Trung Quốc xấu xí - bản dịch tiếng Trung

    Lời Người Dịch

    Năm năm trước, tôi sang Trung Quốc đọc được quyển sách này rất lấy làm thích thú. Ngay sau đó, từ Trung Quốc về đến Việt Nam, tôi đã chụp lại đưa cho một người bạn ở Hà Nội và động viên anh dịch ra tiếng Việt. Tôi nghĩ rằng người Việt ở trong nước nếu được đọc nó, chắc cũng thích thú như tôi.
    Bản thân tôi trước kia cứ mỗi lần đọc phải những quyển sách kiểu Người Việt cao quý, Người Việt đáng yêu là một lần không những không cảm thấy mình được dự phần vào cái cao quý, đáng yêu ấy một tý nào, mà càng thấy mình thấp hèn và đáng ghét làm sao, chỉ muốn viết ngay một quyển sách khác để nói về những tính hư, tật xấu của mình. Đang lúc lúng túng với nỗi bực dọc ấy thì may thay tôi gặp được quyển sách của Bá Dương.
    Thế mà suốt năm năm qua tôi đã ôm cái hy vọng quyển sách dịch sẽ ra đời ở Việt Nam. Tại sao tôi lại có hy vọng như vậy ? Bởi vì, quyển sách này tuy được viết và xuất bản ban đầu ở Đài Loan, tuy có một cái nhìn độc đáo về văn hóa và các chế độ chính trị Trung Quốc, đặc biệt chỉ trích những phong trào Phản hữu, *****************,v.v...và cả Mao Trạch Đông, nhưng sau đó nó lại được tái bản tại Trung Quốc lục địa (Bản tôi có là bản năm 1989 - 1990 do Nhà xuất bản Hoa Thành, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông ấn hành).
    Không những đã có nhiều sách khác viết về nó, gần đây còn có nguyên cả một quyển sách phỏng vấn Bá Dương về quyển sách này của ông. Các tác phẩm khác của Bá Dương cũng đã lục tục được in ra, và cuối cùng là hai tuyển tập tạp văn lớn của ông vừa được Nhà Xuất Bản Hữu Nghị tại Bắc Kinh phát hành.
    Ngoài ra ở Âu, Mỹ, úc châu hiện nay, đối với những người sắp phải tiếp cận với Trung Quốc, cuốn sách của Bá Dương cũng được xếp vào trong danh sách những quyển cần đọc để có một cái nhìn tổng quát về văn hóa nước này.
    Nước Trung Quốc cộng sản đã chấp nhận và hoan nghênh nó, người Âu Mỹ cũng thế, thì không có lý do gì người Việt Nam lại không thể được đọc nó, cho dù không phải để học hỏi, mà có thể chỉ vì hiếu kỳ, thông tin về một nước láng giềng.
    Đến nay quyển sách dịch vẫn chưa ra đời ở Việt Nam. Và tôi vẫn chưa mất hy vọng, nhưng tôi hơi thấy tiếc cho cái thời gian tính của nó. Chẳng hạn, trong sách có những đoạn nói về tâm sự người Trung Quốc ở Hồng Kông khi mảnh đất này chưa"trở về tổ quốc" thì bây giờ Hồng Kông đã thuộc Trung Quốc lục địa rồi. Vì vậy, mặc dù chỉ võ vẽ tiếng Trung, lại không phải là người quen nghề dịch, tôi cũng đã mầy mò cố dịch nó ra, chắc chắn có nhiều sai sót, ở đây thành thật xin những người cao minh hơn chỉ bảo cho.
    Trong thập niên trước một thiên niên kỷ mới này, người ta hay nói về nền văn minh hậu công nghiệp, hậu hiện đại, cách mạng và văn minh điện tử tin học, đợt sóng thứ ba,... Người Việt Nam vừa thoát ra được cuộc nồi da xáo thịt, còn phải mất hơn 20 năm để chì chiết lẫn nhau, bỗng một hôm tự thấy mình đang đứng bên lề đường phát triển; đói rách, nghèo nàn, lạc hậu, bối rối không biết đi về đâu. Vì cục diện thế giới đã thay đổi quá nhanh, các phe phái, chiêu bài mà mình vì nó mất bao xương máu và cả một thời son trẻ đã chỉ còn là những dấu vết mờ nhạt.
    Trí thức Việt Nam, hoặc những người còn chút suy tư, nhìn sang các nước láng giềng, nhìn ra thế giới cũng hoang mang, lúng túng chẳng kém các cụ nhà Nho cách đây một thế kỷ khi tỉnh dậy vì những tiếng cà-nông của nền văn minh công nghiệp Tây phương bắn vào các cửa biển.
    Trong thời kỳ gọi là"đổi mới" gần đây, các nhà lãnh đạo Việt Nam hay những người tự cho mình có sứ mệnh lãnh đạo, lại phát động phong trào đi tìm kiểu mẫu phát triển, giống phong trào"canh tân" của các cụ đồ ngày xưa.
    Nhưng cái khác với thời hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là ngoài các mô-đen Mỹ, Pháp, Nhật, ngày nay còn có một lô những mô-đen mới nữa, trong đó phải kể mấy con rồng, con cọp châu á ngay sát nách mà ở thời các cụ họ cũng chẳng khác gì mình.
    Người có đầu óc một lần nữa phải thắc mắc tại sao bây giờ lại có sự khác biệt đó?Dân tộc Việt Nam cơ bản khác gì những dân tộc khác để ra nông nỗi này ? Không khỏi có những người, cũng như các cụ Phan ngày xưa, lại đi đào bới trong văn hóa, lịch sử Việt Nam, suy gẫm để tìm cho ra nhẽ. Nhưng số ấy không nhiều như ta tưởng, mà rồi cũng chẳng ai để ý đến những lời tâm huyết của họ, nếu không thì lịch sử và vận mệnh nước nhà cũng đã khác.
    Mặc dù dưới áp lực của xu hướng toàn cầu hóa trên mọi địa hạt, tôi vẫn tin rằng mỗi một dân tộc phải có một phương thức, một giải pháp riêng đối với cái vận mệnh riêng của mình. Cho nên, trước khi đi cóp nhặt các mô-đen, cần nhất phải biết mình là cái thứ gì, và có thể làm được gì ngay trước mắt. Muốn biết được điều ấy không thể chỉ cứ tinh tướng, huyễn hoặc để tiếp tục tự kỷ ám thị hoặc lừa dối nhau, tiếp tục dùng cái lưỡi gỗ để nói những điều cường điệu, hãnh tiến.
    (Còn tiếp)

    Busy in work but free in mind!
  2. xdhainm

    xdhainm Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/07/2002
    Bài viết:
    98
    Đã được thích:
    0
    (tiếp theo)
    Thường trong lịch sử Việt Nam vốn đã rất ít người thật tình có can đảm và trung thực để tìm hiểu, phê bình, những cái xấu, cái dở của dân tộc mình. Gần đây lại chỉ toàn thấy ca tụng đất nước rừng vàng biển bạc, con người cần cù, thông minh, cao cả, đẹp đẽ, kiên cường, anh hùng, trong sáng... Thậm chí lại có cả người lãnh đạo lấy tên giả viết sách để ca ngợi cá nhân mình, có cả nhà văn bịa tên một người nước ngoài để ca ngợi dân tộc mình. Nếu so sánh với những nước giàu mạnh nhất thế giới hiện nay thì lại là cả một chuyện ngược đời.
    Mà cái chuyện tìm những khuyết tật, những cái dở của dân tộc mình thì không ai có thể làm hộ cho mình cả, không thể trông chờ vào người nước ngoài được - mặc dù quá trình lịch sử Việt Nam đã chứng minh ngay đến cả cái chữ viết cũng là do người nước ngoài làm cho (Tôi không cho rằng chữ Nôm là một thứ chữ viết đúng nghĩa của nó. Đó chỉ là một thứ chữ làm từ chữ Hán, chủ yếu dùng để ký âm tiếng Việt cho những người đã biết chữ Hán, quá phức tạp, thiếu quy phạm để được phổ cập và đứng vững).
    Rồi khi người nước ngoài không lo cho nữa thì đến nay nó vẫn ở tình trạng của đầu thế kỷ, không có một canh tân, chuẩn hóa gì thêm, thậm chí một bàn phím máy tính để đánh cái thứ chữ viết đó cũng không hề có nổi ở thời đại xa lộ thông tin này. Trung Quốc đã là một mô-đen lớn của Việt Nam cho đến lúc người Pháp đô hộ chúng ta. Và nếu tôi không lầm thì hiện nay một lần nữa nó vẫn còn là một mô-đen phát triển cho một nước theo chế độ đảng chủ, lại thuộc về thế giới Hán hóa như Việt Nam.
    Quyển sách này soi sáng thêm một bề mặt, có thể là mặt trái của văn hóa Trung Quốc, của dân tộc Trung Quốc. Theo tôi nghĩ nếu lấy cái bề mặt này đem tham chiếu để phản tỉnh, việc này không những chỉ ích lợi cho người Hoa mà còn cho tất cả các cộng đồng có liên quan ít nhiều đến văn hóa Trung Quốc.
    Ông Bá Dương cơ bản chỉ là một nhà báo, một người viết tạp văn và chính ông cũng xác nhận điều này. Bởi vậy chúng ta không nên chờ đợi ở quyển sách những phân tích khoa học sâu sắc, những ý nghĩa triết học cao siêu thường thấy ở mấy trường phái Trung Quốc học tại các đại học Mỹ như Havard hoặc Standford. Phần chính của quyển sách lại gồm những bài diễn thuyết, mang lối hành văn của kẻ nói chuyện, nên có người phê bình là bố cục lỏng lẻo.
    Cho dù có thật sự thiếu trình độ uyên bác và cái chặt chẽ của lý luận, quyển sách lại đem đến cho người đọc nhiều chất liệu cụ thể rút từ lịch sử và đời thường qua cái nhìn của một người Trung Quốc đã bị"nhào trộn như một viên sỏi trong cái máy trộn bê-tông" của lịch sử Trung Quốc hiện đại. Những thứ rất phổ cập và dễ hiểu này cộng với giọng văn châm biếm chua cay mà thành khẩn của Bá Dương đối với một người Việt bình thường dù ở trong hay ngoài nước sẽ là một cống hiến không nhỏ cho việc hiểu rõ hơn về Trung Quốc và qua đó nhìn lại mà đánh giá bản thân, dân tộc và văn hóa của mình trong giai đoạn hiện nay.
    (Còn nữa)
    Busy in work but free in mind!
  3. xdhainm

    xdhainm Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/07/2002
    Bài viết:
    98
    Đã được thích:
    0
    (Tiếp theo)
    Phần cuối sách gồm một số bài của những người phê phán Bá Dương. Phần tranh luận đầy cảm tính này, dẫu không có thêm nhiều phát hiện gì mới, lại là một cái phông cần thiết làm nổi bật thêm tính độc đáo và cú sốc khá mạnh của sự kiện Bá Dương trên cộng đồng người Hoa tại hải ngoại.
    Trong lúc dịch tôi vẫn chưa tìm được ở tiếng Việt từ nào đúng để diễn tả đồng thời hình dáng xấu và tính xấu của một người. Cho nên, tùy mạch văn, lúc tôi dùng chữ"xấu xí" , lúc dùng "xấu xa". Tiếng Trung và Hán Việt vốn có nhiều từ giống nhau, khiến người dịch có khuynh hướng hay sử dụng cái có sẵn, nên câu văn mang vẻ cũ kỹ, tối nghĩa. Vấn đề này khó hơn, nếu có một ấn bản khác tôi sẽ cố gắng thêm.
    Nhân dịp này tôi cũng không thể không nói lên rằng, ngoài những khó khăn gặp phải của một người dùng một thứ tiếng nghèo nàn để dịch một thứ tiếng phong phú hơn, tôi đã gặp phải quá nhiều đau khổ trong việc chế bản và chuyển đổi (đối với quyển này cũng như những quyển trước, vì cho đến nay tôi vẫn chưa tìm được một chương trình soạn thảo văn bản nào đạt tiêu chuẩn, thật đáng buồn! ), nếu không quyển sách này có thể đã ra đời trước đây sáu tháng hay một năm là ít.
    Ngoài ra tôi cũng đã tự ý lược bỏ một số đoạn, không nhiều lắm, vì thấy có sự trùng lặp với các đoạn khác.
    Tôi chỉ mong có nhiều người đọc được quyển sách dịch này, đó là một điều an ủi rất lớn cho cái thiện ý của tôi.
    Paris - Bắc Kinh, 1966-1997
    Nguyễn Hồi Thủ
    Người Trung Quốc xấu xí
    Mục Lục
    Lời Người Dịch
    Thầy Thuốc Và Người Bệnh ở Nước Hũ Tương (Tựa Của Bá Dương)
    Phần I : Các Bài Nói Chuyện
    1. Người Trung Quốc Xấu Xí
    2. Người Trung Quốc Và Cái Vại Tương
    3. Đời Sống, Văn Học Và Lịch Sử
    Phần II : Các Bài Viết ( Phô Bầy Bệnh Già Nua, Lẩm Cẩm )
    . Cái Triết Học Bắt Đầu Bằng Kính Và Sợ
    . Chỉ Trừ Tôi Ra
    . Tại Sao Không Có Thể Mưu Lợi Được ?
    . Giữ Mình Là Thượng Sách
    . Loài Động Vật Không Biết Cười
    . Nước Có Lễ Nghĩa
    . Ba Câu Nói
    . Cả Nước Xếp Hàng
    . Rút Cuộc Là Cái Nước Gì ? (Đám Cưới, Đám Ma, Quán Ăn)
    . Chẳng Kể Thị Phi, Chỉ Nói Đến Chính Đạo
    . Phố Tầu, Một Động Quỷ Nuốt Tươi Người Trung Quốc
    . Nói Chuyện Về Người Trung Quốc Xấu Xí
    . Kiêu Ngạo Hão
    . Noi Gương Tây Phương Nhưng Không Làm Nô Lệ
    . Kỳ Thị Chủng Tộc
    . Lấy Hổ Thẹn Làm Vinh Dự
    Phần III : Sóng Dữ Vỗ Bờ
    . Cái Vại Tương, Một Biểu Tượng Của Căn Bệnh Văn Hóa Trung Quốc
    . Làm Sao Sửa Chữa Cái Bệnh Đến Chết Cũng Không Nhận Lỗi
    . Năng Lực Suy Luận Bị Trục Trặc
    . Nhẩy Ra Khỏi Hũ Tương
    . Cần Dấu Cái Ác Phô Trương Cái Thiện, Đừng Tự Hạ Mình
    . Người Trung Quốc Hèn Hạ
    . Không Hiểu Được Hài Hước
    . Có Cái Văn Hóa Không Có Văn Minh ?
    . Không Thể Bôi Nhọ Văn Hóa Trung Quốc
    . Văn Hóa Trung Quốc, Bôi Nhọ Hay Đánh Phấn ?
    . Người Trung Quốc Vĩ Đại
    (Còn tiếp)
    Busy in work but free in mind!
  4. caballo78

    caballo78 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/08/2003
    Bài viết:
    342
    Đã được thích:
    0
    Bác viết hay đấy, mặc dù chưa vào bài dịch nhưng em vẵn binh cho bác 4 ông sao, con 1 thì để xem bài của bác
  5. xdhainm

    xdhainm Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/07/2002
    Bài viết:
    98
    Đã được thích:
    0
    Hẹ hẹ, dù sao em cũng cảm ơn bác đã bầu em mấy ông sao nhưng nếu em mà viết được như thế này thì có mà.... hic hic trở thành mấy ông ở hội nhà văn hay đeo mục kỉnh rồi
    [red]Busy in work but free in mind!</FONT>
    Được xdhainm sửa chữa / chuyển vào 08:39 ngày 10/02/2004
  6. xdhainm

    xdhainm Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/07/2002
    Bài viết:
    98
    Đã được thích:
    0
    (tiếp theo)
    Vài lời về Tác giả và bản quyền
    Ông Bá Dương sinh năm 1920 ở Trung Quốc lục địa, chạy sang Đài Loan năm 1949 khi cộng sản thắng tại Trung Quốc. Là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo và sử gia. Ông đã bị bỏ tù 10 năm tại Lục Đảo (Đài Loan) vì dịch sang tiếng Trung Quốc một tranh hý họa Popeye (Pôp-pay) mà chính phủ Đài Loan cho là phạm thượng. Năm 1977, khi ra khỏi nhà tù, ông bắt đầu đi nói chuyện về hiện tượng "người Trung Quốc xấu xí". Những bài nói chuyện của ông và của những người tranh luận với ông được tập trung lại thành quyển sách mà các bạn đang cầm ở tay. Ông hiện sống ở Đài Loan với vợ là bà Dương Hương Hoa, một thi sĩ.
    Vì chỉ có một bản in tại lục địa, chúng tôi không biết phải liên lạc làm sao để xin phép ông Bá Dương, nên nhân đây xin lỗi ông về việc đã mạn phép dịch sách của ông ra tiếng Việt trước khi được phép. Tôi nghĩ nếu ông biết được chắc cũng vui lòng tha thứ. Nếu có ai mách cho tôi biết ông ở đâu tôi sẽ trực tiếp xin lỗi ông một lần nữa và chính thức xin phép ông sau.
    (NHT)
    Phần 1
    - 1. Người Trung Quốc xấu xí
    Diễn văn đọc tại Đại học Iowa (Iowa), ngày 24-09-1984.
    Đã nhiều năm nay tôi muốn viết một quyển sách dưới tên gọi " Người Trung Quốc xấu xí ". Tôi nhớ quyển sách " Người Mỹ xấu xí " sau khi viết xong đã được Quốc vụ viện Mỹ dùng làm tài liệu tham khảo cho sách lược của mình. Người Nhật cũng có một quyển " Người Nhật xấu xí ". Tác giả là Đại sứ Nhật tại ác-hen-ti-na. Ngài Đại sứ này (sau khi viết ra cuốn sách đó) liền bị cách chức. Đấy có lẽ là cái khác nhau giữa Đông phương và Tây phương. Trung Quốc so sánh với Nhật Bản có lẽ còn kém một bậc. Giả thử tôi viết quyển sách này, có nhiều khả năng các vị phải vào tận nhà lao để đưa cơm cho tôi. Vì thế tôi vẫn không viết, nhưng luôn luôn tôi tìm một cơ hội nói chuyện về vấn đề này để thỉnh giáo các cấp, các giai tầng trong nước. Thế mà cái chuyện báo cáo bằng miệng này cũng không phải đơn giản. Tại Đài Bắc, người mời tôi đến nói chuyện, chỉ nghe đến đề mục này đã vội bỏ lời mời. Cho nên suốt đời tôi đến nay đây là lần thứ nhất tôi được nói về " người Trung Quốc xấu xí ". Tôi cảm thấy rất là hứng thú. Xin cảm tạ quý vị đã cho tôi cơ hội này.
    Có một lần Đại học Đông Hải tại Đài Trung mời tôi đến diễn giảng. Tôi báo họ về đề mục này. Tôi hỏi Hội trưởng Hội Sinh viên xem có thể gây ra vấn đề gì không. Anh ta bảo: " Tại sao lại thành vấn đề? " Tôi nói với anh ta rằng: " Anh đi thăm dò nơi ông Hiệu trưởng xem sao, bởi vì cá nhân tôi vốn đã là người có vấn đề, lại nói về một đề mục có vấn đề nữa sẽ có thể thành nặng đấy ". Sau khi nói chuyện với Hiệu trưởng, anh ta gọi điện đến Đài Bắc cho tôi bảo : " Vấn đề thì không có, nhưng có thể sửa đổi đề mục không ? Hiệu trưởng bảo cái tít này hơi khó nghe ". Tiếp đó anh đề nghị tôi một đề mục dài lòng thòng, với mũ áo đàng hoàng, rồi hỏi tôi có đồng ý không? Tôi bảo: " Dĩ nhiên là không đồng ý, nhưng nếu anh nhất định phải sửa thì tốt hơn là cứ sửa ". Đó là lần đầu tôi nói chuyện chính thức mà có liên quan đến " người Trung Quốc xấu xí ". Trước khi nói chuyện, tôi bảo : " Tôi mong rằng khi tôi nói sẽ thu băng lại để sau đó tôi có thể chữa lại thành một bài văn ". Anh ta khẳng khái hứa sẽ làm. Sau khi nói xong, lúc nghe băng thâu lại thì chỉ có mỗi vài câu đầu, sau đó toàn băng trắng !
    Năm nay tôi 65 tuổi. Ngày 7 tháng 3, hôm bạn bè ở Đài Bắc làm lễ sinh nhật cho tôi, tôi bảo họ : " Tôi đã sống 65 năm, toàn là những năm tháng gian nan ". ý tôi muốn nói rằng đấy không phải là sự gian nan của riêng tôi, nhưng của tất cả những ai đã làm người Trung Quốc. Bạn bè ngồi đó đều rất trẻ tuổi, đặc biệt bạn bè ở Đài Loan đa số là những người lớn lên trong hoàn cảnh kinh tế sung túc. Cùng các bạn lại nói chuyện gian nan chắc các bạn không thích nghe, lại có thể không tin hoặc không hiểu.
    Sở dĩ tôi nói gian nan đây không phải là vấn đề cá nhân, lại không phải vấn đề chính trị. Cái vấn đề của mọi người Hoa này lại vượt ra ngoài phạm vi cá nhân và chính trị nữa. Đây không phải là gian nan một cá nhân đã trải qua, cũng không phải hoạn nạn của riêng thế hệ cá nhân tôi. Nếu chúng ta không thấu hiểu được cái hoạn nạn này, không hiểu được những nhân tố độc hại của văn hóa Trung Quốc thì vĩnh viễn chúng ta không thể ngăn ngừa được sự tái sinh của nó.
    Chín mươi phần trăm người trong trại tỵ nạn Khao-Y-Đăng ở Thái Lan là người Hoa bị trục xuất từ Việt Nam, Kampuchia, Lào (không nói quốc tịch mà chỉ kể huyết thống và văn hóa). Lúc ấy, có một nữ sinh viên do một viện văn hóa Hoa kiều tại Đài Loan phái đến Thái Lan gia nhập đoàn phục vụ. Đến nơi được vài hôm, cô ta đã không chịu nổi, khóc lóc rồi xin về. Cô ta bảo : " Cái thảm trạng này không ai chịu nổi !".
    Tôi đến Thái Lan sau đó, thấy hoàn cảnh những người tỵ nạn quả tình không thể nào không rơi nước mắt được. Ví dụ người Hoa không được phép có tài sản riêng, không được buôn bán. Nếu áo anh rách, anh trả cho bà cụ bên cạnh nửa bát cơm để bà cụ vá áo cho anh, đó cũng bị xem là một hành vi buôn bán. Cảnh sát Thái vì vậy có thể lột truồng bà cụ này, giải ra tòa án địa phương để tra hỏi : " Tại sao mày lại làm chuyện phạm pháp như vậy ? " Đấy, chỉ đơn cử một sự kiện nhỏ trong những bức nhục người tỵ nạn phải chịu. Ngoài đau xót và phẫn nộ, tôi chỉ có một suy nghĩ sau: Người Trung Quốc đã làm điều gì ác để phải chịu cái cảnh đối xử như vậy?
    Năm trước, hai vợ chồng tôi sang Pa-ri. Từ trong tầu điện ngầm ra, thấy một quầy hàng bán nữ trang, chủ quầy là một phụ nữ trung niên nét mặt á đông. Tôi và vợ tôi vừa xem hàng vừa nói chuyện. Bỗng nhiên chủ quầy dùng tiếng Hoa giải thích cho chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy rất thân thiết bèn hỏi bà ấy : " Tại sao bà lại nói được tiếng Hoa? " Bà bảo: " Tôi là người Hoa, từ Việt Nam trốn sang ". Lại đúng là người đã từ trại tỵ nạn Khao-Y-Đăng. Bà vừa nói vừa nức nở. Tôi chỉ biết an ủi bà rằng : " Thôi, ít nhất là bây giờ cũng đỡ, không bị đói ". Lúc sắp sửa chia tay, bà ta thở dài nói: " Ôi! Làm người Hoa sao mà khổ nhục thế! ". Đối với lời than thở này suốt đời tôi sẽ chẳng bao giờ quên được.
    Thế kỷ thứ XIX, quần đảo Nam Dương - thời nay tức là Đông Nam á, (Thật ra Đông Nam á còn rộng hơn ý ông Bá Dương muốn nói - ND) - còn là thuộc địa của Anh và Hà Lan, có một chuyên viên Anh đóng ở Ma-lai-xi-a nói rằng : " Làm người Trung Quốc ở thế kỷ thứ XIX là một tai họa ". Bởi vì ông này đã thấy cộng đồng người Hoa sống ở quần đảo Nam Dương giống một lũ lợn, vô tri vô thức, tự sinh tự diệt, tùy thời còn có thể bị sát hại hàng loạt. Thế mà tôi thấy người Hoa ở thế kỷ XX so với người Hoa ở thế kỷ XIX tai họa của họ còn lớn hơn.
    (còn nữa)
    Busy in work but free in mind!
  7. xdhainm

    xdhainm Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/07/2002
    Bài viết:
    98
    Đã được thích:
    0
    (tiếp theo)
    Điều làm chúng ta đau khổ nhất là bao mong đợi của người Hoa từ một trăm năm nay cơ hồ như đã bị tiêu tan toàn bộ. Cứ mỗi lần có một mong chờ trở lại, hứa hẹn nước nhà một tương lai sáng sủa hơn, thì kết quả lại càng làm cho chúng ta thất vọng và tình hình lại càng trở nên tệ hại hơn. Một mong chờ khác lại đến, để rồi lại đem về những ảo vọng, thất vọng, những tồi tệ liên miên vô tận.
    Dân tộc cố nhiên là trường tồn, sinh mệnh của cá nhân là hữu hạn. Một đời người có được bao ước vọng lớn? Có được bao lý tưởng lớn, chịu được mấy lần tan vỡ ? Con đường trước mặt sáng sủa thế nào? Hay lại đen tối? Thật khó nói cho hết!
    Bốn năm trước, lúc tôi diễn giảng tại New York, đến đoạn " chối tai ", có một người đứng dậy nói : " Ông từ Đài Loan đến, ông phải nói cho chúng tôi nghe về những hy vọng, phải cổ võ nhân tâm. Sao lại đi đả kích chúng tôi ? ". Con người đương nhiên cần được khích lệ, vấn đề là khích lệ rồi sau đó làm gì nữa ? Tôi từ nhỏ cũng từng được khích lệ rồi. Lúc 5, 6 tuổi, tôi được người lớn nói với tôi : " Tiền đồ của Trung Quốc nằm trong tay thế hệ các cháu đấy ! " Tôi cho rằng trách nhiệm của tôi lớn quá, chắc không thể nào đảm đương nổi. Sau đó tôi lại nói với con tôi: " Tiền đồ của Trung Quốc nằm trong tay thế hệ các con đấy! " Bây giờ con tôi lại nói với cháu tôi: " Tiền đồ Trung Quốc nằm trong tay thế hệ các con đấy! "
    Một đời, rồi một đời, biết bao nhiêu lần một đời ? Đến đời nào thì mới thật khá lên được ? Tại Trung Quốc đại lục rộng lớn, sau thời Phản hữu (Phong trào chống phe hữu năm 1958), tiếp theo lại là Đại ***************** long trời lở đất. Từ ngày loài người có lịch sử đến nay chưa bao giờ thấy được một tai họa do con người làm ra to lớn đến như vậy. Chẳng nói đến tổn thất sinh mạng, cái tổn thương lớn lao nhất là sự chà đạp nhân tính, dầy xéo lên phẩm hạnh cao quý. Con người nếu rời bỏ nhân tính và những đức hạnh cao quý thì sánh với cầm thú có khác gì ? Mười năm tai vạ lớn làm cho bao người đã biến thành cầm thú. Một dân tộc như vậy, phẩm chất sa đọa tới mức đó làm sao có đủ sức lại đứng lên được ? (Mao Trạch Đông tuyên bố dân Trung Quốc từ đây lại đứng lên rồi - ND).
    Tại Mã-lai-á (Malaysia), nơi người Hoa chiếm hơn 30%, có lần tôi đi tham quan bảo tàng viện, bên trong dùng văn tự Mã-lai, có chua cả tiếng Anh, nhưng chẳng có tiếng Hoa. Nói thế không phải cứ có tiếng Hoa là tốt, không có là không tốt, đó là một vấn đề khác. Nhưng hiện tượng này nói lên một phần lòng dạ hẹp hòi của người Mã-lai, một phần lại nói lên tình trạng thiếu lực lượng, địa vị và không được tôn trọng của người Hoa. Người Hoa ở Thái Lan nói : " Chúng tôi nắm chắc trong tay mạch máu của lúa gạo Thái ". Đây chỉ là điều tự mình an ủi mình. Chỉ cần một pháp lệnh được ban hành là các người sẽ chẳng còn gì cả !
    Bây giờ người ta nói nhiều về Hương Cảng [Hồng-Kông]. Bất cứ nước nào, nếu có đất đai bị nước ngoài chiếm cứ đều cảm thấy tủi nhục. Chờ cho đến lúc lấy được về chẳng khác nào lòng mẹ bị mất con. Ai cũng nhớ chuyện nước Pháp lúc phải cắt hai tỉnh Alsace và Lorraine giao cho Đức đã đau khổ như thế nào, lúc lấy lại được về đã sung sướng ra sao.
    Nhưng Hương Cảng của chúng ta chỉ cần nghe đến việc trả về tổ quốc là lập tức hồn bay phách lạc. Chuyện gì mà lạ thế ?
    Còn nói về Đài Loan, hiện nay nhiều thanh niên người tỉnh này hoặc người nơi khác ở đây đều chủ trương Đài Loan độc lập. Tôi nhớ lại 30 năm trước đây, lúc Nhật Bản trả lại Đài Loan cho Trung Quốc (1945), mọi người sung sướng như si cuồng chẳng khác nào đứa con lạc mẹ lại tìm được đường về nhà. Cái gì đã xảy ra sau 30 năm đó để cho đứa con kia lại muốn bỏ nhà ra đi ?
    ở Cộng hòa Síp, một bên là người Thổ-Nhĩ-Kỳ, một bên là người Hi-Lạp, khác nhau về văn tự, ngôn ngữ, chủng tộc, tôn giáo mà còn có thể sống chung được. Tại sao chúng ta, những người cùng huyết thống, cùng mặt mũi, cùng tổ tiên, cùng văn hóa, văn tự, ngôn ngữ, chỉ khác nhau có khu vực địa lý mà lại có thể xảy ra hiện tượng này ?
    Sự kiện trên khiến cho việc " làm một người Hoa " không những gian nan mà còn khổ nhục nữa. Ngay cả đối với những người Hoa sống tại Mỹ cũng vậy, nào cánh tả, cánh hữu, trung lập, độc lập, thiên tả trung, trung thiên hữu, hữu thiên trung, vân vân và vân vân, chẳng biết đường nào mà mò. Người này đối với kẻ nọ đều mang mối cừu thù như nó giết bố mình. Thật không hiểu là thứ dân tộc gì ?
    Trên thế giới không có nước nào có lịch sử lâu đời như Trung Quốc, không có nước nào có một nền văn hóa không đứt đoạn như Trung Quốc, mà cái văn hóa đó lại đã từng đạt đến một nền văn minh cao độ. Người Hy-Lạp thời nay với người Hy-Lạp ngày xưa chẳng liên quan gì với nhau. Người Ai-Cập cũng vậy. Nhưng người Trung Quốc hôm nay thì đúng là hậu duệ của người Trung Quốc cổ đại. Tại sao một nước khổng lồ như vậy, một dân tộc to lớn như vậy ngày nay lại ra nông nỗi xấu xa ấy?Chẳng những bị người nước ngoài ức hiếp mà còn bị ngay dân mình ức hiếp. Nào là vua bạo ngược, quan bạo nguợc, mà cả dân (quần chúng) cũng bạo ngược.
    ở nước ngoài, có lúc tôi dừng lại trong công viên, nhìn trẻ con ngoại quốc, thấy sao chúng sung sướng thế. Trong lòng tôi lúc ấy tự nhiên cảm thấy thèm thuồng quá. Chúng không phải mang gánh nặng, con đường chúng đi bằng phẳng, rộng rãi quá, tâm lý khỏe mạnh, sung mãn, sảng khoái. Con trẻ Đài Loan chúng ta đến trường học, đeo kính cận, mặt khó đăm đăm vì phải đối phó với áp lực bài vở. Mẹ ngất ngã xuống đất, con đến đỡ mẹ dậy, mẹ kêu rống lên : " Mẹ có chết cũng chẳng sao, việc gì đến con! Con đi học bài đi! Đi học bài đi! "
    Vợ tôi lúc dạy học ở Đài Loan, thỉnh thoảng cứ đề cập đến đạo đức làm người, tức thì sinh viên nhao nhao phản đối : " Chúng tôi không cần học làm người, chỉ cần học để ứng phó với việc thi cử ". Lại nhìn về trẻ con ở Trung Quốc lục địa, từ nhỏ đã phải học đánh đấu nhau, lừa dối bịp bợm nhau, lại luyện tập cách lừa bạn, phản đồng chí, lại phải học cách bốc phét, bịa đặt. Một nền giáo dục đáng sợ thay! Một thế hệ nữa những đứa trẻ này lớn lên sẽ như thế nào ?
    Tôi sống ở Đài Loan hơn 30 năm, mười năm viết tiểu thuyết, mười năm viết tạp văn, mười năm ngồi tù, còn mười năm tới sẽ dùng để viết lịch sử. Một sự phân phối rất quân bình.
    Tại sao tôi không viết tiểu thuyết nữa ? Tôi cảm thấy rằng tiểu thuyết thông qua một số hình thức, nhân vật tương đối chỉ nói lên sự thật một cách gián tiếp. Cho nên tôi mới quay qua viết tạp văn. Tôi muốn dùng tạp văn như một lưỡi gươm ngắn trực tiếp đâm vào tim tội ác.
    Nhưng rồi viết tạp văn cũng giống như ngồi cạnh một anh lái xe. Cứ phải luôn nhắc nhở anh ta lúc nhầm đường, lúc rẽ phải, lúc rẽ trái, lúc đừng vượt, lúc có cầu trước mặt, lúc bớt ga, lúc gặp ngã tư, đèn xanh, đèn đỏ, v.v... không lúc nào ngưng nhắc nhở, ngưng kêu. Nhưng nếu kêu nhiều lại có thể bị đi tù. Những kẻ có quyền bính đều biết rằng chỉ cần không có người khám phá ra những sai lầm của mình là mình được xem như không bao giờ sai lầm cả.
    ở trong tù, lúc trầm tư tôi đã tự hỏi: " Tại sao tôi ngồi tù? Tôi phạm tội gì? ". Ra khỏi ngục tôi không ngừng tìm hiểu về cảnh ngộ của tôi. Phải chăng đó là một trường hợp đặc biệt ? Đến lúc tới Iowa (Mỹ), chính thức cùng ở chung với những tác gia từ lục địa đến, tôi mới hiểu những người như tôi là Thượng Đế đã chủ định bắt ngồi tù, dù ở Đài Loan hay lục địa. Họ giải thích cho tôi rằng : " Tính nết của anh như vậy, làm sao sống nổi với Hồng Vệ Binh, làm sao chịu nổi ***************** ? Phong trào Phản Hữu sẽ đánh anh không còn manh giáp ".
    Tại sao một người Trung Quốc chỉ hơi bạo gan sơ xuất nói lên một ít sự thật, lại phải chịu số phận như vậy? Tôi gặp không ít người đã ngồi tù ở lục địa. Tôi hỏi họ : " Tại sao anh bị ngồi tù? " Họ đáp: " Bởi vì tôi đã nói lên một vài sự thật! ". Thì ra vậy. Tại sao nói lên vài câu về sự thật lại phải chịu một số phận như vậy ? Tôi cho rằng đấy không phải là một vấn đề cá nhân, mà là một vấn đề của văn hóa Trung Quốc.
    Mấy hôm trước, có một vị từ Bắc Kinh đến, Bí thư đảng ủy của Hiệp Hội Các Tác Gia Toàn Quốc. Lúc nói chuyện với ông ta, tôi tức đến nghẹn lời. Tôi biết tôi cãi nhau cũng không đến nỗi tồi, nhưng lần ấy tôi đã bị đánh gục. Tuy nhiên tôi cũng chẳng trách anh ta được, mà thậm chí cả cái người đặc vụ đã bắt tôi ở Đài Bắc cũng thế. Bị đặt vào cái hoàn cảnh đó, đi vào quỹ đạo đó, ai cũng đều có phản ứng tương tự và cảm thấy rằng mình làm đúng. Tôi có thể cũng vậy, vì tôi nghĩ mình làm đúng. Thậm chí tôi có thể còn tồi tệ hơn thế nữa. Người ta thường nói : " Mình nắm tương lai mình trong tay mình ". Lúc đã luống tuổi, tôi thấy câu này không ổn; sự thực, có lẽ chỉ nắm được một nửa trong tay mình, còn một nửa lại ở trong tay của kẻ khác.
    (còn nữa)
    Busy in work but free in mind!
  8. xdhainm

    xdhainm Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/07/2002
    Bài viết:
    98
    Đã được thích:
    0
    (tiếp theo)
    Kiếp người trên đời này giống như một cục sỏi trong một máy nhào xi-măng, sau khi bị nhào trộn, thân chẳng tự chủ được. Điều ấy khiến tôi cảm thấy đó không phải là một vấn đề của riêng một cá nhân nào, nhưng là một vấn đề xã hội, văn hóa.
    Lúc chết, chúa Giê-Su (Jesus) bảo : " Hãy tha thứ cho họ, họ đã làm những điều mà họ không hề hiểu ". Lúc trẻ, đọc câu này tôi cho rằng nó chỉ là một câu tầm thường. Lớn lên rồi lại vẫn thấy nó không có gì ghê gớm cả, nhưng đến cái tuổi này rồi tôi mới phát hiện rằng nó rất thâm thúy, thật đau lòng thay ! Có khác nào người Trung Quốc sở dĩ trở thành xấu xí như ngày nay bởi chính vì họ không hề biết rằng mình xấu xí.
    Vì Mỹ và Đài Loan đã cắt đứt bang giao nên khi vợ chồng chúng tôi đi Iowa, kinh phí một nửa do Đại học Iowa đài thọ, nửa còn lại do một tư nhân tên Bùi Trúc Chương tiên sinh đài thọ. Ông Bùi là chủ tiệm ăn Yến Kinh, một người chưa hề biết Trung Quốc là gì. Chúng tôi cũng chưa hề gặp ông bao giờ nên rất cảm động khi biết ông đã gánh vác một nửa chi phí. Sau này, lúc nói chuyện, ông bảo tôi : " Trước khi đọc sách của ông, tôi vẫn tưởng người Trung Quốc là ghê gớm lắm, sau khi đọc sách của ông rồi mới thấy là không phải vậy, cho nên tôi càng muốn gặp mặt để nghe lời chỉ giáo ". Khi đã thấy văn hóa Trung Quốc là có vấn đề, ông Bùi Trúc Chương lại tự hỏi không hiểu phẩm chất người Trung Quốc có vấn đề không ?
    Lúc tôi ra nước ngoài lần đầu tiên, Giáo sư Tôn Quan Hán nói với tôi : " Sau khi trở về lại đây, anh đừng có mà nói với tôi rằng người Trung Quốc ở đâu cũng vẫn là người Trung Quốc nhé! ". Tôi trả lời: " Được rồi, tôi sẽ không nói! ". Sau khi trở về nước lần đó, lúc ông hỏi tôi: " Anh thấy thế nào? " Tôi nói: " Ông bảo ông không cho tôi nói câu ấy, nhưng tôi vẫn phải nói : người Trung Quốc ở đâu cũng vẫn là người Trung Quốc ! ". Ông Tôn chắc hy vọng rằng với thời gian người Trung Quốc sẽ thay đổi mà không thể nào nghĩ được rằng chuyện đó đã không hề xảy ra.
    Thế có phải là phẩm chất của người Trung Quốc đúng là có vấn đề không ? Có phải chăng Thượng Đế đã phú cho chúng ta một cái nội tâm xấu xa ?
    Thật tình tôi không nghĩ rằng phẩm chất chúng ta có vấn đề, mà đấy cũng không phải là một điều an ủi. Người Trung Quốc là một trong những dân tộc thông minh nhất. Tại các đại học Mỹ, những người đứng đầu bảng thường là người Trung Quốc. Nhiều nhà khoa học lớn, gồm cả người cha đẻ của nền nguyên tử Trung Quốc Tôn Quan Hán, người được giải thưởng Nobel như Dương Chấn Ninh, Lý Chính Đạo đều là những bộ óc hạng nhất. Người Trung Quốc quả là không phải loại người có phẩm chất xấu. Phẩm chất này có thể đưa Trung Quốc đến được một thế giới lành mạnh và hạnh phúc.
    Chúng ta có đủ tư cách làm chuyện đó và chúng ta có lý do tin rằng Trung Quốc có thể trở thành một nước rất tốt đẹp. Chúng ta không cần cứ phải muốn có một quốc gia hùng mạnh. Quốc gia không hùng mạnh thì có can hệ gì ? Chỉ cần sao cho nhân dân hạnh phúc rồi thì đi tìm quốc gia hùng mạnh cũng chưa muộn.
    Tôi nghĩ người Trung Quốc chúng ta có phẩm chất cao quý. Nhưng tại sao cả trăm năm rồi, cái phẩm chất ấy thủy chung vẫn không làm cho người Trung Quốc thoát khỏi khổ nạn? Nguyên do vì sao?
    Tôi muốn mạo muội đề xuất một câu trả lời có tính cách tổng hợp : Đó là vì văn hóa truyền thống Trung Quốc có một loại siêu vi trùng, truyền nhiễm, làm cho con cháu chúng ta từ đời này sang đời nọ không khỏi được bệnh.
    Có người sẽ bảo: " Tự mình không xứng đáng, lại đi trách tổ tiên! ". Xét cho kỹ câu nói này có một sơ hở lớn. Trong vở kịch nổi tiếng "Quần ma" (Những con ma) của Ibsen (íp-sen) có kể chuyện hai vợ chồng mắc bệnh giang mai sinh ra một đứa con cũng bị bệnh di truyền. Mỗi lần phát bệnh nó lại phải uống thuốc. Có lần tức quá nó kêu lên: " Con không uống thuốc này đâu! Con thà chết đi thôi! Bố mẹ đã cho con cái thân thể như thế này à! ? " Trường hợp này thì nên trách đứa bé hay trách bố mẹ nó ? Chúng ta không phải trách bố mẹ, cũng không phải trách tổ tiên chúng ta, nhưng nhất quyết phải trách cái thứ văn hóa họ đã truyền lại cho chúng ta.
    Một nước rộng ngần đó, một dân tộc lớn ngần đó, chiếm đến một phần tư dân số toàn cầu, lại là một vùng cát chảy của sự đói nghèo, ngu muội, đấu tố, tắm máu mà không tự thoát được. Tôi nhìn cách cư xử giữa con người với nhau ở những nước khác mà lại càng thèm. Cái văn hóa truyền thống kiểu nào để sinh ra hiện tượng này ? Nó đã khiến cho người Trung Quốc chúng ta mang sẵn trong mình nhiều đặc tính rất đáng sợ !
    Một trong những đặc tính rõ nhất là dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào. Đài Loan đã từng có một dạo phải chống bẩn và chống hỗn loạn, nhưng chỉ được mấy ngày. Cái bếp của chúng ta vừa bẩn vừa lộn xộn. Nhà cửa chúng ta cũng vậy. Có nhiều nơi hễ người Trung Quốc đến ở là những người khác phải dọn đi. Tôi có một cô bạn trẻ tốt nghiệp đại học chính trị. Cô này lấy một người Pháp rồi sang Pa-ri sinh sống. Rất nhiều bạn bè đi du lịch Âu châu đều ghé nhà cô trú chân. Cô ta bảo với tôi : " Trong tòa nhà tôi ở, người Pháp đều dọn đi cả, bây giờ toàn người á đông nhảy vào ! " (Người á đông có khi chỉ người châu á nói chung, có khi lại chỉ người Trung Quốc). Tôi nghe nói vậy rất buồn, nhưng khi đi xem xét tận mắt mới thấy là chỗ nào cũng đầy giấy kem, vỏ hộp, giầy dép bừa bãi, trẻ con chạy lung tung, vẽ bậy lên tường, không khí trong khu bốc lên một mùi ẩm mốc. Tôi hỏi : " Các người không thể tổ chức quét dọn được hay sao? " Cô ta đáp: " Làm sao nổi! "
    Không những người nước ngoài thấy chúng ta là bẩn, loạn, mà qua những điều họ nhắc nhở chúng ta cũng tự thấy mình là bẩn, loạn.
    Còn như nói đến ồn ào, cái mồm người Trung Quốc thì to không ai bì kịp, và trong lĩnh vực này người Quảng Đông phải chiếm giải quán quân. ở bên Mỹ có một câu chuyện tiếu lâm như sau : Có hai người Quảng Đông lặng lẽ nói chuyện với nhau, người Mỹ lại tưởng họ đánh nhau, bèn gọi điện báo cảnh sát. Khi cảnh sát tới, hỏi họ đang làm gì, họ bảo : " Chúng tôi đang thì thầm với nhau ".
    Tại sao tiếng nói người Trung Quốc lại to ? Bởi tâm không yên ổn. Cứ tưởng lên cao giọng, to tiếng là lý lẽ mình mạnh. Cho nên lúc nào cũng chỉ cốt nói to, lên giọng, mong lý lẽ đến với mình. Nếu không, tại sao họ cứ phải gân cổ lên như thế ?
    Tôi nghĩ những điểm này cũng đủ để làm cho hình ảnh của người Trung Quốc bị tàn phá và làm cho nội tâm mình không yên ổn. Vì ồn ào, dơ bẩn, hỗn loạn dĩ nhiên có thể ảnh hưởng tới nội tâm, cũng như sáng sủa, sạch sẽ với lộn xộn, dơ bẩn là hai thế giới hoàn toàn khác xa nhau.
    Còn về việc xâu xé nhau thì mọi người đều cho đó là một đặc tính nổi bật của người Trung Quốc. Một người Nhật đơn độc trông chẳng khác nào một con lợn, nhưng ba người Nhật hợp lại lại thành một con rồng. Tinh thần đoàn kết của người Nhật làm cho họ trở thành vô địch. Bởi vậy trong lĩnh vực quân sự cũng như thương mại người Trung Quốc không thể nào qua mặt được người Nhật. Ngay tại Đài Loan, ba người Nhật cùng buôn bán thì lần này phiên anh, lần sau đến lượt tôi. Người Trung Quốc mà buôn bán thì tính cách xấu xa tức thì lộ ra bên ngoài theo kiểu : Nếu anh bán 50 tôi sẽ bán 40. Anh bán 30 tôi chỉ bán 20.
    Cho nên, có thể nói, mỗi người Trung Quốc đều là một con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên thì chỉ cần thổi một cái là tắt được mặt trời, ở dưới thì tài trị quốc bình thiên hạ có dư. Người Trung Quốc ở một vị trí đơn độc như trong phòng nghiên cứu, trong trường thi - nơi không cần quan hệ với người khác - thì lại có thể phát triển tốt. Nhưng nếu ba người Trung Quốc họp lại với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi, hoặc thậm chí không bằng cả một con giòi nữa. Bởi vì người Trung Quốc có biệt tài đấu đá lẫn nhau.
    Chỗ nào có người Trung Quốc là có đấu đá, người Trung Quốc vĩnh viễn không đoàn kết được, tựa hồ trên thân thể họ có những tế bào thiếu đoàn kết. Vì vậy khi người nước ngoài phê phán người Trung Quốc không biết đoàn kết thì tôi chỉ xin thưa: " Anh có biết người Trung Quốc vì sao không đoàn kết không? Vì Thượng đế muốn thế. Bởi vì nếu một tỷ người Hoa đoàn kết lại, vạn người một lòng, anh có chịu nổi không? Chính ra Thượng Đế thương các anh nên mới dạy cho người Hoa mất đoàn kết ! " Tôi tuy nói thế nhưng rất đau lòng.
    (Còn nữa)
    Busy in work but free in mind!
  9. xdhainm

    xdhainm Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/07/2002
    Bài viết:
    98
    Đã được thích:
    0
    (Tiếp theo)
    Người Trung Quốc không chỉ không đoàn kết, mà mỗi người lại còn có đầy đủ lý do để có thể viết một quyển sách nói tại sao họ lại không đoàn kết. Cái điều này thấy rõ nhất tại nước Mỹ với những hình mẫu ngay trước mắt. Bất cứ một xã hội người Hoa nào ít nhất cũng phải có 365 phe phái tìm cách tiêu diệt lẫn nhau.
    ở Trung Quốc có câu : " Một hòa thượng gánh nước uống, hai hòa thượng khiêng nước uống, ba hòa thượng không có nước uống ". Người đông thì dùng để làm gì?Người Trung Quốc trong thâm tâm căn bản chưa biết được tầm quan trọng của sự hợp tác. Nhưng nếu anh bảo họ chưa biết, họ lại có thể viết ngay cho anh xem một quyển sách nói tại sao cần phải đoàn kết.
    Lần trước (năm 1981) tôi sang Mỹ ở tại nhà một người bạn làm giáo sư đại học - anh này nói chuyện thì đâu ra đấy; thiên văn, địa lý; nào là làm sao để cứu nước... - Ngày hôm sau tôi bảo: " Tôi phải đi đến đằng anh A một tý! ". Vừa nghe đến tên anh A kia, anh bạn tôi trừng mắt giận dữ. Tôi lại bảo : " Anh đưa tôi đi một lát nhé ! ". Anh ta bảo: " Tôi không đưa, anh tự đi cũng được rồi! ".
    Họ cùng dạy học tại Mỹ, lại cùng quê với nhau mà tại sao không thể cùng đội trời chung? Có thể nào nói như vậy là hợp lý được? Bởi vậy việc người Hoa cắn xé nhau là một đặc trưng nghiêm trọng.
    Những người sống tại Mỹ đều thấy rõ điều này : đối xử với người Trung Quốc tệ hại nhất không phải là người nước ngoài, mà chính lại là người Trung Quốc với nhau. Bán rẻ người Trung Quốc, hăm dọa người Trung Quốc lại cũng không phải là người Mỹ mà là người Hoa. Tại Ma-lai-xi-a có một chuyện thế này. Một ông bạn tôi làm nghề khai thác mỏ khoáng sản. Anh ta bỗng nhiên bị tố cáo một chuyện rất nghiêm trọng. Sau khi tìm hiểu mới biết rằng người tố cáo mình lại là một bạn thân của anh ta, một người cùng quê, cùng đến Ma-lai-xi-a tha phương cầu thực với nhau. Người bạn tôi chất vấn anh kia : " Tại sao anh lại đi làm cái việc đê tiện đó ? ". Người kia bảo : " Cùng đi xây dựng cơ đồ, bây giờ anh giàu có, tôi vẫn hai tay trắng. Tôi không tố cáo anh thì tố ai bây giờ ? "
    Cho nên kẻ thù của người Trung Quốc lại là người Trung Quốc.
    Nói ví dụ tại Mỹ, một nước rộng mênh mông, con người như hạt cát trong sa mạc, ai biết anh là người nhập cảnh không hợp pháp ? Nếu có người tố cáo anh, thì đó là ai ? Là ai, nếu không phải là một người Trung Quốc khác, không phải là bầu bạn gần gũi anh ?
    Nhiều bạn ở Mỹ còn bảo tôi : " Nếu sếp của anh là người Trung Quốc anh hãy chú ý! Đặc biệt phải coi chừng! Không những anh không được giúp đỡ mà lúc cần anh lại còn có thể là người đầu tiên bị tống cổ đi để cho người chủ " biểu thị " tinh thần chí công vô tư nữa ".
    Không hiểu vì sao người ta lại so sánh người Trung Quốc với người Do Thái được?Tôi thường nghe nói " người Trung Quốc và người Do Thái giống nhau ở chỗ cần cù ". Điều này phải chia làm hai phần :
    Phần thứ nhất : cái đức tính cần cù từ mấy nghìn năm nay cũng chẳng còn tồn tại nữa, nó đã bị thời kỳ " Tứ nhân bang " (bè lũ bốn tên) phá tan tại lục địa rồi.
    Phần thứ hai: chúng ta còn gì để có thể đem so sánh với người Do Thái được? Báo chí Trung Quốc thường đăng : " Quốc hội Do Thái (Knesset) tranh luận mãnh liệt, ba đại biểu là ba ý kiến trái ngược nhau ", nhưng cố ý bỏ sót một sự kiện quan trọng là sau khi họ đã quyết định với nhau thì hình thành một phương hướng chung. Tuy bên trong quốc hội tranh cãi tơi bời, bên ngoài đang giao chiến, bốn phía địch bao vây, nhưng I-xra-en vẫn tổ chức bầu cử.
    Ai cũng biết cái ý nghĩa của bầu cử là vì có đảng đối lập. Không có đảng đối lập thì bầu cử chỉ là một trò hề rẻ tiền.
    Tại Trung Quốc chúng ta, hễ có ba người sẽ cũng có ba ý kiến, nhưng cái khác nhau là : sau khi đã quyết định xong, ba người đó vẫn làm theo ba phương hướng khác nhau. Giống như nói hôm nay có người đề nghị đi New York, người đề nghị đi San Francisco. Biểu quyết, quyết định đi New York, nếu ở I-xra-en cả hai người sẽ cùng đi New York, nhưng ở Trung Quốc thì một người sẽ bảo : " Anh đi New York đi, tôi có tự do của tôi, tôi đi San Francisco ! "
    Có một lần coi một phim Anh, tôi thấy mấy đứa trẻ cãi nhau xem cùng leo cây hay bơi lội. Sau khi đã biểu quyết leo cây thì tất cả đều đi leo cây. Chuyện này đối với tôi có ấn tượng rất sâu sắc. Bởi vì dân chủ không phải là vấn đề hình thức, mà là một phần của sự sống. Cái dân chủ của chúng ta là dân chủ bề ngoài. Trong lúc bỏ phiếu, các quan lớn cũng cần được chụp ảnh với lá phiếu trên tay ra điều ta đây cũng bõ công tham gia vào cái cuộc chơi bầu cử này đấy. Dân chủ thật ra có là cái quái gì trong sinh hoạt của họ đâu, chẳng qua chỉ là một hành vi để biểu diễn !
    Người Trung Quốc không thể đoàn kết, hay cắn xé nhau, những thói xấu đó đã thâm căn cố đế. Không phải vì phẩm chất của họ không đủ tốt. Nhưng vì con siêu vi trùng trong văn hóa Trung Quốc ấy làm cho chúng ta không thể đè nén, khống chế hành vi của chúng ta được. Biết rõ rành rành là xâu xé nhau, nhưng vẫn xâu xé nhau. Nếu nồi vỡ thì chẳng ai có ăn, nhưng nếu trời sụp thì người nào cao hơn người đó phải chống đỡ.
    Cái loại triết học xâu xé nhau đó lại đẻ ra nơi chúng ta một hành vi đặc thù khác : " Chết cũng không chịu nhận lỗi ". Có ai nghe thấy người Trung Quốc nhận lỗi bao giờ chưa? Giả sử anh nghe một người Trung Quốc nói: " Việc này tôi đã sai lầm rồi ! " Lúc đó anh phải vì chúng tôi mà uống rượu chúc mừng.
    Con gái tôi hồi bé có một lần bị tôi đánh, nhưng cuối cùng hóa ra là nó bị oan. Nó khóc rất dữ, còn tâm can tôi thì đau đớn. Tôi biết rằng đứa con thơ dại và vô tội của tôi chỉ biết trông cậy vào bố mẹ, mà bố mẹ bỗng nhiên trở mặt thì nó phải sợ hãi biết nhường nào. Tôi ôm con vào lòng rồi nói với nó : " Bố xin lỗi con. Bố không đúng. Bố làm sai. Bố hứa lần sau bố không làm như vậy nữa. Con gái ngoan của bố, con tha thứ cho bố nhé ! " Nó khóc mãi không thôi. Cái sự việc này qua rồi mà lòng tôi vẫn còn đau khổ. Nhưng đồng thời tôi lại cảm thấy vô cùng kiêu hãnh bởi tôi đã dám tự nhận lỗi của mình đối với nó.
    Người Trung Quốc không quen nhận lỗi và có thể đưa ra hàng vạn lý do để che dấu cái sai trái của mình. Có một câu tục ngữ : " Đóng cửa suy gẫm lỗi lầm " (Bế môn tư quá). Nghĩ về lỗi của ai ? Dĩ nhiên của đối phương.
    Lúc tôi đi dạy học, học sinh hàng tuần phải viết tuần ký để kiểm thảo hành vi trong tuần. Kết quả kiểm thảo thường là : " Hôm nay tôi bị người này người nọ lừa tôi. Cái người lừa tôi ấy đã được tôi đối xử mới tốt làm sao, cũng bởi vì tôi quá trung hậu ! ". Lúc đọc đến kiểm thảo của đối phương, lại cũng thấy anh học trò kia nói mình quá trung hậu. Mỗi người trong kiểm thảo của mình đều là người quá trung hậu. Thế còn ai là người không trung hậu ?
    (Còn nữa)
    Busy in work but free in mind!
  10. xdhainm

    xdhainm Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/07/2002
    Bài viết:
    98
    Đã được thích:
    0
    (Tiếp theo)
    Người Trung Quốc không thể nhận lỗi, nhưng cái lỗi vẫn còn đó, đâu phải vì không nhận mà nó biến mất.
    Để che đậy một lỗi của mình người Trung Quốc không nề hà sức lực tạo nên càng nhiều lỗi khác hòng chứng minh rằng cái đầu tiên không phải là lỗi. Cho nên có thể nói người Trung Quốc thích nói khoác, nói suông, nói dối, nói láo, nói những lời độc địa.
    Họ liên miên khoa trương về dân Trung Quốc, về tộc Đại Hán, huyên thuyên về truyền thống văn hóa Trung Quốc, nào là có thể khuếch trương thế giới,v.v...Nhưng bởi vì không thể đưa ra chứng cớ thực tế nào nên tất cả chỉ toàn là những điều bốc phét.
    Tôi chẳng cần nêu ví dụ về chuyện nói khoác, láo toét làm gì. Nhưng về chuyện nói độc của người Trung Quốc thì không thể không nói được. Ngay như chuyện phòng the, người phương Tây vốn rất khác chúng ta, họ thường trìu mến gọi nhau kiểu " Em yêu, em cưng " [Bá Dương dùng chữ " đường mật " và " ta linh " để dịch chữ Honey, Darling của tiếng Anh -ND] thì người Trung Quốc gọi nhau là " kẻ đáng băm vằm làm trăm khúc " (sát thiên đao đích).
    Hễ cứ có dính đến lập trường chính trị hoặc tranh quyền đoạt lợi là những lời nói độc địa sẽ được tuôn ra vô hạn định, khiến cho ai nấy nghe thấy cũng phải tự hỏi : " Tại sao người Trung Quốc lại độc ác và hạ lưu đến thế ? "
    Tôi có một người bạn viết tiểu thuyết kiếm hiệp sau bỏ nghề đi buôn bán. Một lần gặp anh tôi hỏi thế nào, làm ăn có phát tài không ?
    Anh bảo: " Tài gì, hiện đang muốn treo cổ tự tử đây! " Tôi hỏi làm sao mà bị thua lỗ? Anh đáp: " Anh không hiểu chứ nói chuyện với thương nhân Trung Quốc cả ngày cũng chả hiểu họ muốn gì ! "
    Nhiều người nước ngoài cũng nói với tôi là giao thiệp với người Hoa rất khó, nói chuyện cả ngày cũng chẳng hiểu trong thâm tâm họ nghĩ gì. Tôi bảo : " Cái đó thì có gì mà kỳ quặc ? Không phải chỉ người Tây phương các anh, mà ngay cả người Trung Quốc chúng tôi cũng gặp vấn đề đó ".
    Nói chuyện với người Trung Quốc anh phải biết quan sát sắc mặt, điệu bộ, cử chỉ, phải biết quanh co úp mở. Hỏi người nào " Anh ăn cơm chưa? ", anh sẽ nghe người đó đáp " Tôi ăn rồi ! " nhưng kì thực anh ta chưa ăn, cứ để ý nghe thì thấy bụng anh ta hiện đang sôi lên sùng sục.
    Lại nói ví dụ về chuyện tuyển cử. Nếu là người phương Tây thì tác phong như sau:" Tôi cảm thấy tôi có khả năng giữ chức vụ đó, xin mọi người hãy bầu cho tôi ! ". Còn người Trung Quốc sẽ xử sự như Gia Cát Lượng lúc Lưu Bị tới cầu hiền (tam cố thảo lư). Nghĩa là nếu được mời, anh ta sẽ năm lần bảy lượt từ chối, nào là " Không được đâu! Tôi làm gì có đủ tư cách! " Kỳ thực, nếu anh tưởng thật mà đi mời người khác thì anh ta sẽ hận anh suốt đời.
    Chẳng khác nào nếu anh mời tôi diễn giảng, tôi sẽ nói : " Không được đâu, tôi chẳng quen nói chuyện trước công chúng ! " Nhưng nếu anh thật sự không mời tôi nữa, sau này nếu nhỡ lại gặp nhau ở Đài Bắc, có thể tôi sẽ phang cho anh một cục gạch vào đầu.
    Một dân tộc hành xử theo kiểu này không biết đến bao giờ mới có thể sửa đổi được lầm lỗi của mình ; sẽ còn phải dùng mười cái lỗi khác để khỏa lấp cái lỗi đầu tiên, rồi lại dùng thêm trăm cái khác để che đậy mười cái kia thôi.
    Có lần tôi đến một trường đại học ở Đài Trung để thăm một vị giáo sư người Anh. Một anh bạn tôi cũng dạy cùng đại học đó chợt đến. Thấy tôi, anh nói : " Tối nay đến đằng tôi ăn cơm ". Tôi đáp: " Xin lỗi, tôi còn có hẹn ". Anh bảo: " Không được, nhất định phải đến ". Tôi trả lời: " Được rồi, ta bàn sau ". Anh lại bảo: " Nhất định phải đến đấy, xin chào ! " Giữa người Trung Quốc với nhau chúng tôi hiểu rõ tâm lý của nhau. Nhưng người Tây phương lại hoàn toàn mù tịt.
    Đến lúc làm việc xong, khoảng giờ cơm tối, tôi bảo: " Thôi, tôi phải về đây! " Người giáo sư Anh nói: " Ê! vừa rồi chẳng phải anh vừa hẹn với anh kia sao? Anh phải tới nhà anh ta chứ! " Tôi bảo: " Làm gì có chuyện ấy? ". Ông giáo sư nói: " Anh ấy nhất định là đã làm cơm chờ anh đấy ! " Người nước ngoài thật khó mà biết được cái kiểu " tâm khẩu bất đồng " này của người Trung Quốc.
    Tình trạng nói trên khiến người Trung Quốc ngay từ thủa lọt lòng đã rất khốn khổ. Bởi vì mỗi ngày đều phải tìm hiểu ý tứ người khác. Nếu là bạn bè đồng lứa thì còn đỡ, nhưng nếu phải tiếp cận với những kẻ quyền thế, quan trên, kẻ có tiền, anh sẽ phải từng giây từng phút khổ công tìm hiểu đến nơi đến chốn, xem họ nghĩ gì. Cái việc này là một sự lãng phí tinh thần kinh khủng.
    Cho nên có câu tục ngữ : " Tại Trung Quốc làm việc dễ, làm người khó ".
    Nghệ thuật " làm người " thuộc về cái " văn hóa thân mềm " (để dễ uốn cong, chui luồn, nghĩa bóng đến từ động vật thân mềm). Các vị ở nước ngoài lâu năm về lại Trung Quốc chắc biết cái sức nặng của câu này như thế nào. Làm việc thì dễ như 2 + 2 = 4, nhưng làm người khó bởi vì có khi 2 + 2 = 5 , hoặc cũng có khi = 1, hay = 853. Anh nói sự thật, nhưng người ta lại cho rằng anh công kích và muốn lật đổ chính quyền. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, nó làm cho chúng ta không thể nào thoát khỏi sự nói khoác, nói suông, nói dối, nói độc.
    Cái bản lĩnh ghê gớm của tôi là có thể ngủ trong hội nghị. Ngủ xong tỉnh dậy thì hội nghị cũng vừa kết thúc. Tại sao thế ? Vì trong hội nghị mọi người đều nói những chuyện mà chính bản thân họ không hề tin, nghe hay không nghe đều như nhau.
    Không chỉ ở Đài Loan mới như vậy, ở lục địa còn nghiêm trọng hơn nhiều. Năm nay (1984) trong " Chương trình các tác gia quốc tế tại Đại học Iowa " có một nữ tác gia nổi danh của lục địa tên là Trầm Dung tham gia. Cô có một tác phẩm mang tên " Chân chân giả giả " (Thật thật giả giả) mà tôi muốn thành thật giới thiệu với quý vị.
    Hoàn cảnh bắt chúng ta nói láo, bắt chúng ta không thành thật, nhưng ít nhất chúng ta phải biết cái xấu là cái xấu. Nếu một khi cái xấu lại được chúng ta xem là điều vẻ vang, hoặc vô thưởng vô phạt, thì đó là lúc mà cái " văn hóa thân mềm " của chúng ta đang bắt đầu xuống cấp.
    Nói thí dụ việc ăn cắp, nếu được coi là chuyện vô thưởng vô phạt, hoặc chẳng phải chuyện quang vinh hay không quang vinh, thậm chí có thể xem là chuyện quang vinh nữa, thì đây là một nguy cơ, nguy cơ mà người Trung Quốc chúng ta đang phải đối đầu hiện nay.Vì người Trung Quốc vẫn liên tục dấu diếm những lỗi lầm của mình, vẫn nói khoác, nói suông, nói dối, nói láo, nói độc, thành thử tâm linh người Trung Quốc hoàn toàn bị phong tỏa, không mở rộng được.
    Trung Quốc diện tích rộng thế, văn hóa lâu đời thế, đường đường là một nước lớn. Thế mà, thay vì có một tấm lòng bao la, người Trung Quốc lại có một tâm địa thật hẹp hòi.
    Cái tấm lòng bao la đáng lẽ chúng ta phải có ấy chỉ đọc thấy được trong sách vở, nhìn thấy được trên màn ảnh. Có ai bao giờ thấy một người Trung Quốc có lòng dạ, chí khí sánh ngang được với tầm vóc nước Trung Quốc không ? Nếu chỉ cần bị ai lườm một cái là đã có thể rút dao ra rồi, thử hỏi nếu có người không đồng ý với mình thì sự thể sẽ ra sao?
    Người Tây phương có thể đánh nhau vỡ đầu rồi vẫn lại bắt tay nhau, nhưng người Trung Quốc đã đánh nhau rồi thì cừu hận một đời, thậm chí có khi báo thù đến ba đời cũng chưa hết. Tại sao chúng ta có thể thiếu lòng bao dung đến như vậy ?
    Không có lòng bao dung, bụng dạ hẹp hòi đưa đến hai điều cực đoan và mất cân đối như sau :
    Một đằng tuyệt đối tự ty, một đằng tuyệt đối tự kiêu. Lúc tự ty thì thành ra tôi tớ, nghĩ mình không bằng đống phân chó. Lúc tự kiêu thì thành ra ông chủ, xem mọi người đều là *** chó hết, chẳng đáng cho mình ngó ngàng đến. Riêng bản thân mình lại không hề biết tự tôn là gì.
    (Còn nữa)
    Busy in work but free in mind!

Chia sẻ trang này