1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hồi ức của ông ngoại em

Chủ đề trong 'Lịch sử Văn hoá' bởi Oshin, 02/10/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0
    Hồi ức của ông ngoại em

    Ông ngoại em tên là Phan Đình Công. Hồi ức này do ông kể và thầy Yên Tri ghi lại vào năm 2000, trước khi ông mất mấy tháng (ông mất vào rằm tháng Giêng năm Tân Tỵ), lúc đó ông đã ngoài tám mươi tuổi. Ông ngoại sống giản dị, hòa đồng và luôn lấy cái tâm để đối đãi với người. Em thấy ông đúng là một người CS chân chính.

    Hồi ức này chỉ kể một phần của cuộc đời ông, từ những ngày ấu thơ, nhà nghèo phải tự lập sớm xa gia đình, rồi giác ngộ cách mạng, và chủ yếu là thời gian kháng chiến chống Pháp.

    Ông ngoại người miền Trung nên đoạn đầu, ông nhắc nhiều về lịch sử xứ Quảng. (bà ngoại em người Nam-vùng đất đỏ Bà Rịa, ông bà nội em người Bắc, nên cả 3 miền đất nước Việt Nam mình đều có chút tình quê hương của em :)).

    Box mình dạo này cũng vắng vẻ, chẳng còn mấy ai, các bác kêu gọi post bài. Em thấy cuốn hồi ức của ông ngoại cũng là một góc nhìn nhỏ chân thật của một người đi trước về lịch sử (vì chính ông đã trải qua mà), nên em post ở đây. Chắc là mỗi ngày em sẽ post một đoạn ngắn.
  2. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0

    1.
    Tôi là người xứ Quảng.
    Xứ Quảng là vùng đất nhiều đổi thay về mặt địa lý lịch sử . Lược kể đôi nét để ai đọc hồi ức này nắm bắt được những thay đổi lớn, cũng là điều bổ ích.
    Sách Đại Nam Nhất Thống Chí (của Quốc sử quán triều Nguyễn ) ghi : Quảng Nam "xưa là đất Việt Thường thị; đời nhà Tần thuộc Tượng quận, đời Hán thuộc quận Nhật Nam"
    Sách Hán Thư chép : quận Nhật Nam có huyện Châu Ngô (thuộc Thừa Thiên sau này) và huyện Lư Dung (chính là Quảng Nam).
    Dải đất miền Trung này sau bị nước Lâm Ấp chiếm khoảng đầu Công Nguyên. Đời nhà Tùy, sử Trung Quốc ghi là đất Chiêm động. Nền văn hóa Chăm chịu ảnh hưởng Ấn Độ sâu sắc trong thời gian dài, rõ nét nhất trong các kiểu xây dựng đền, tháp đạo Bà-la-môn. Đời Đường Thái Tông (627-650), nước Lâm Ấp đổi thành nước Hoàn Vương. Năm 808, vua nước Hoàn Vương đổi quốc hiệu là Chiêm Thành (nay sử nước ta gọi là nước Chămpa). Quốc gia của người Chămpa đại thể từ phía Nam đèo Ngang kéo dài tới Bình Thuận ngày nay.
    Năm 1306, đời vua Trần Anh Tông, công chúa Huyền Trân về làm dâu Chiêm Thành. Chàng rể Chế Mân dâng hai châu Ô, Lí làm sính lễ. Vua Trần đặt châu Ô là Thuận châu (phạm vi tỉnh Quảng Trị sau này), châu Lí là Hóa châu (phạm vi Thừa Thiên và phủ Điện Bàn).
    Nước Chiêm Thành hay đánh phá biên cương phía nam của Đại Việt , có ý đồ bành trướng ra phía Bắc. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông mang quân chinh phạt, hạ thành Đồ Bàn, bắt được vua Trà Toàn. Vua Lê lấy đất này đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, chia làm ba phủ. Địa danh Quảng Nam chính thức ghi trong sử sách từ đây. Năm 1602, chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) lấy Điện Bàn (vốn thuộc phủ Triệu Phong) đặt làm huyện; năm 1605 thăng làm phủ Điện Bàn thuộc dinh Quảng Nam. Đất Quảng hồi đó bao gồm ba tỉnh và một thành phố bây giờ : Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
  3. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0

    Quảng Nam là một phần của Ngũ Quảng : Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi - là địa đầu Liên Khu 5 (nói gọn là khu 5) - suốt hai thời kì kháng chiến dài ngót một phần ba thế kỷ. Từ Ngũ Quảng, hơn ba trăm năm trước, một bộ phận dân cư- phần lớn là người nghèo- đã tiến vào khai phá vùng đất hoang hóa mênh mông phương Nam. Dưói triều Nguyễn, Điện Bàn hai lần được chọn làm tỉnh lị tỉnh Quảng Nam. Thời Gia Long, tỉnh lị đặt ở Thanh Chiêm (xã Điện Phương bây giờ); thời Minh Mạng dời về La Qua (xã Điện Minh); ngày nay thị xã Tam Kì là tỉnh lị từ sau khi tách Quảng Nam -Đà Năng thành hai đơn vị hành chính mới.
  4. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0

    Quê hương tôi là làng Bảo An, tổng Đa Hòa, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn (nay là hai thôn thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Đó là một làng khá lớn vùng Gò Nổi nằm ven sông Thu Bồn. Tên cũ con sông theo sách Sử học bị khảo (của Đặng Xuân Bảng) là Sài Giang hay sông Sài Thị (sông Chợ Củi). Ở quãng này, con sông lượn lờ hiền hòa như vòng tay ôm lấy vùng đất Gò Nổi. Dòng sông chảy giữa hai bờ tre thùy mị xõa tóc. Ruộng không nhiều, đất bãi khá rộng. Bây giờ người ta phá rừng đầu nguồn không thương tiếc, nước lũ hàng năm làm sạt lở bãi, ruộng sâu vào trong khoảng hai ba chục mét. Trong hơn nửa thế kỷ, làng mất đi một nửa diện tích đất trồng, không cần đến "trăm năm trong cõi người ta" mới thấy cảnh nương dâu biến đổi để "đau đớn lòng".
    Dãy Trường Sơn nằm chắn chân trời phía Tây của đồng bằng Quảng Nam nhỏ hẹp như vạt áo, nên sông Thu Bồn không dài, từ nguồn tới biển Đông khoảng 150 km, nước cạn gần như quanh năm. Chỉ vào mùa thu-đông, khi bão tố từ biển Đông kéo vào thì mưa lớn, nước lũ mới dâng cao đột ngột.
    Hình như không năm nào miền Trung không có một vài cơn bão ập vào, đúng là tai họa trời giáng. Từ thuở nhỏ, tôi từng thấy nhiều lần lũ lụt quê tôi dữ dội, đột ngột, gây bao tang tóc đau thương : mùa màng mất hết, nhà cửa bị cuốn trôi, cát bồi lấp ruộng...Hồi xưa, dưới chế độ thực dân-phong kiến, ai sống thì sống, ai chết mặc ai nhà cầm quyền hết sức thờ ơ, chẳng hề cứu giúp nạn nhân chủ yếu là đông đảo nông dân nghèo.
    Đã nghèo mà lại bóc ngắn cắn dài, làm bữa nào lủm hết bữa đó, khi có thiên tai thì sống làm sao ? Chính thiên nhiên khắc nghiệt đã buộc người dân miền Trung phải căn cơ, tiết kiệm; cũng là một tính tốt cần duy trì.
    Mùa hè là mùa nóng khô có gió Lào thổi, lòng sông Thu Bồn cạn tới đáy phơi ra những bãi cát nóng bỏng, có chỗ xắn quần lội qua được. Tuy không phải chịu cảnh mùa đông giá lạnh như miền Bắc song có khi mưa dầm kéo dài hàng nửa tháng trở lên, quần áo giặt phơi mãi không khô, người dân nghèo chạy ăn từng bữa, mà không dành dụm thì lấy gì bỏ vào bao tử ?
  5. cdtphuc

    cdtphuc Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    19/10/2001
    Bài viết:
    726
    Đã được thích:
    0
    Bravo Oshin ! Bài hay lắm. Tiếp tục nhé !
    ---------------------------------------------------

    Quand je la regarde, moi l'homme loup au coeur d'acier
    Devant son corps de femme, je suis un géant de papier
  6. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0

    Hic, thank iu vinamilk bác Phúc đã động viên nhé !
    Làng Bảo An trồng nhiều tre, thứ cây thân thuộc gắn bó với mọi nhà, từ tre người ta làm ra vô số đồ dùng cần thiết cho đời sống. Nhưng làng không có lũy tre bao quanh như xóm làng miền Bắc, đó là kiểu làng mở. Có nhà phong thủy ngắm thế đất, bảo đây là vùng đất chảy, một phần không nhỏ cư dân nơi đây khi lớn lên đã ra đi, làm ăn thành đạt, nổi tiếng ở xứ người về đấu tranh cách mạng, về kinh doanh buôn bán, về đỗ đạt học hành...song đau đáu hướng về quê cũ với bao thương nhớ :
    Ngó lên ngó xuống thì vui
    Trông về quê mẹ ngậm ngùi nhớ thương​
    Hoặc có thể tập Kiều :
    Dẫu lìa quê cũ còn vương tơ lòng​
    Bảo An ít ruộng, (nay càng ít ruộng hơn, tính theo đầu người) hồi xưa chỉ trồng lúa một vụ, ăn nước trời. Đất bãi không màu mỡ như đất bãi sông Hồng, thành phần cát vụn bở trội hơn chất phù sa mịn. Ven sông, bà con trồng khoai lang - thứ cây dễ tính ít cần chăm bón, dâu nuôi tằm và mía. Ca dao Quảng Nam có câu :
    Bảo An có thợ nấu đường
    Vôi vừa thêm khéo, chẳng nhường nhịn ai.​
    Khoảng sau Tết, từ tháng hai ta trở đi, che ép mía kẽo kẹt quay thì các lò đường thủ công bắt đầu tỏa khói. Mẹ tôi mua từng hũ đường đỏ của bà con trong vùng mang về. Rút chiếc nút ở đáy hũ, để ít lâu thì mật chảy hết, bấy giờ đường có màu ngà, đem phơi thật khô, cà nát thành đường cát trắng. Bà thuê chung ghe chở xuống Hội An bán cho nhà buôn người Tàu. Trong làng có vài nhà cũng làm như thế.
    Bảo An còn nổi tiếng về dệt lụa, dệt vải. Vào những năm 30, dân làng học dệt đũi (tussor) từ tơ tằm, hồi đó là mặt hàng ăn khách bán đi khắp nơi. Tiếng thoi đưa lách cách ngày đêm xua bớt cái đói nghèo. (Ngã tư Bảy Hiền TP.HCM trở thành vùng dệt nổi tiếng vì dân xứ Quảng vào đây lập nghiệp đông đảo từ sau hiệp định Genève 1954. Có người bảo đó là Quảng Nam ở giữa Sài Gòn). Các cô gái làm nghề tầm tang thường ít ra nắng gió nên có tiếng xinh đẹp. Tương truyền một cô gái hái dâu phủ Điện Bàn trở thành Đoàn quý phi, thời nhà Nguyễn truy tặng miếu hiệu Hiếu Chiêu hoàng hậu.
    Bảo An nằm trong vùng văn hóa lừng danh, là nơi địa linh vì từng sản sinh nhiều nhân kiệt. Từ lâu, làng tôi nổi tiếng là đất học. Sử chép Lương Văn Hanh đậu cử nhân khoa thi hương năm 1813 được mời ra Huế làm thầy dạy hoàng tử Miên Tông-sau này là vua Thiệu Trị. Bảo An từng có 17 cử nhân, 2 phó bảng, 27 tú tài...Một số người nặng lòng yêu quý quê hương đã góp sức, góp tiền viết cuốn Bảo An - Đất và Người để giáo dục các thế hệ sau này, tiếc quá tôi chưa được đọc, chỉ nghe nói mà cũng thấy tự hào.
    Làng Bảo An có năm dòng họ lớn : Phan, Nguyễn, Phạm, Ngô, Thái. Mỗi họ đều đông con cháu, tỏa ra lập nghiệp tứ xứ. Tôi đoán chừng dòng họ Phan chúng tôi gốc Nghệ Tĩnh, tổ tiên vào Bảo An không dưới bốn trăm năm. Đó cũng là một kiếng họ (hoặc cự tộc, theo lối gọi của quê tôi). Tiếc là chưa có ai đứng ra lập lại tộc phả để con cháu bây giờ hiểu quá trình phát sinh, phát triển dòng họ. Cho nên tôi viết hồi ký này mong góp phần nhỏ bé vào công trình tộc phả tương lai. Giá như việc này làm từ năm, mười năm trước, trí nhớ còn tốt, ắt tôi có thể kể lại nhiều chuyện lý thú. Năm nay (2000), tôi đã tám mươi tư, quá cái tuổi xưa nay hiếm hơn một con giáp, cơ thể lão hóa, sức khỏe giảm nhiều nên chỉ kể lại những việc chính, sơ sót nhiều, song mạnh dạn làm.
  7. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0

    2.
    Cha mẹ tôi là dân nghèo thất học. Cha tôi-ông Phan Văn Qui-có tật lãng tai, từ trẻ tới khi đứng tuổi đi làm mướn cho mấy nhà giàu trong làng : cửu Bốn, cửu Bảy (là em ruột của cửu Bối), Hai...Cửu là nói tắt cửu phẩm, ngạch quan chức thấp nhất hồi xưa, cũng có thể là chức nhà giàu bỏ tiền ra mua. Mang danh nhưng ông Hai không giỏi chữ nghĩa, những người có học trong làng bình luận vậy, tôi nghe lóm được. Cha tôi cày ruộng, làm mọi việc nhà nông, có lúc nấu cao hổ cốt cho các gia đình này đi bán. Mãi đến khi lớn tuổi, ông được làng giao cho làm thủ quỹ ban quí tế đình làng vì là người đứng đắn cẩn thận và gia tư đảm bảo tiền dân góp không bị mất mát, thâm hụt.
    Làng Bảo An có ngôi đình cổ không lớn lắm so với các đình khác trong phủ. Đình là nơi hàng năm diễn ra hai kì lễ cầu an vào mùa xuân và mùa thu, cũng là nơi hương chức làm việc. Đáng tiếc là ngôi đình này bị tàn phá thời kháng chiến chín năm, nay chỉ còn lại mấy bệ gạch làm nơi cúng tạm ! Chùa làng không lớn, dưới con mắt tôi-lúc đó còn ở tuổi thiếu niên- chỉ có các bà đi lễ Phật vào ngày rằm, mùng một; đàn ông ít đi chùa, trai tráng càng ít nữa.
    Mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Qui, dân làng thường gọi là bà thủ Qui. Mọi việc lớn, nhỏ trong nhà đều do một tay bà lo lắng thu vén, giải quyết hết. Tuy không được học nhưng bà ăn nói sắc sảo đâu ra đấy, người làng đánh giá bà ưa lý sự, đúng với câu cửa miệng "Quảng Nam hay cãi". Bà không sợ ai, dám cãi cả xã trưởng Thạc-cũng là người trong họ- đã lâu không ghé qua thăm hỏi mà còn hạch sách điều gì đó :
    -Tôi nói cho chú biết : bần cùng thì thân thích ly; bần cư trung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm... (nghèo thì người thân xa lánh; nghèo ở ngay giữa chợ chẳng ai hỏi, giàu ở giữa rừng cũng có khách tìm.----> Bà mỉa mai ông này sống thiếu nghĩa tình đạo lý ! ).
    Cha mẹ tôi sinh hạ bảy người con : năm gái, hai trai (là anh Ba (Phan Sâm) và tôi thứ bảy (Bảy Công)). Tôi ra đời vào tháng 10-1917, cùng năm Cách mạng tháng Mười Nga thành công. Tuy nhà nghèo, anh chị em chúng tôi rất thương yêu nhau, không bao giờ cãi cọ lộn xộn. Cha tôi nghiêm khắc, nói ít nhưng con cái sợ nem nép. Người tích cực dạy dỗ bọn tôi là mẹ. Bà uốn nắn từng lời ăn nết ở của con cái, bà không mắng con nặng lời mà phân tích giảng giải khiến bọn tôi nể và sợ, nói như sách Tàu là tâm phục, khẩu phục.
  8. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0

    Hồi nhỏ, tôi cùng lũ trẻ trong làng hay tắm ở bến Đường. Con sông Thu Bồn đẹp lắm, đúng như nhà thơ Trinh Đường mô tả :
    Quê hương tôi có con sông xanh biếc
    Nước gương trong soi tóc những hàng tre​
    Nước sông Thu Bồn thực ra màu xanh lục, phản chiếu bầu trời miền Trung quang mây xanh ngắt ***g lộng chói nắng mùa hè. Từ bến Đường, ghe thuyền có thể ra Đà Nẵng, Hội An và vô tận Tam Kì dễ dàng theo con sông đào Vĩnh Điện-có tên là sông Câu Nhí :
    Từ ngày Tây lại đắp đàng
    Đào sông Câu Nhí, khai vàng Bông Miêu.
    Thiếp dặn chàng ai dỗ đừng xiêu
    Ở mà nuôi phụ mẫu, sớm chiều có nhau !​
    Làng Bảo An là địa phương sớm lập trường tiểu học có đầy đủ từ lớp năm (cours enfantin) đến lớp nhất (cours supérieur) rất sớm...Biển trường bằng tiếng Pháp đề : Ecole primaire complémentaire de Bao An. Ngoài số trẻ em trong làng, trường còn thu hút học trò mấy xã chung quanh. Vì nhà nghèo nên các anh chị tôi chỉ được học một, hai năm, biết chữ sơ sơ đã phải nghỉ học giúp đỡ việc nhà. Chỉ có tôi được học nhiều nhất đến lớp nhì năm thứ hai (cours moyen deuxième année). Chịu ảnh hưởng người đi trước, tôi sớm hiểu việc học rất cần thiết để mai sau vào đời. Biết chữ, dù còn nhỏ, tôi say sưa tìm mượn đọc nhiều loại sách báo, và khi có chút vốn tiếng Pháp, tôi lao vào đọc nguyên tác Victor Hugo, Lamartine...
  9. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0

    Tôi rất khâm phục các gương Trần Quí Cáp, Phan Thành Tài, Trần Cao Vân, Thái Phiên...hi sinh oanh liệt vì nước vì dân, trên đoạn đầu đài không hề tỏ chút run sợ. Người ta không dám công khai kể chuyện các ông mà chỉ nói với nhau ở chỗ ít người. Lứa tuổi bọn tôi khi đang học lớp nhì đã thuộc lòng nhiều bài thơ của hai nhà yêu nước họ Phan, mỗi khi đọc thơ các cụ lại thấy máu trai trẻ sục sôi, lòng đầy phán chấn, hào sảng và mong mau lớn để thực hiện ước nguyện của các bậc đi trước.
    Năm 1926, nhà chí sĩ Phan Chu Trinh qua đời ở Sài Gòn. Một số vị ở làng tôi lén làm lễ truy điệu nhà ái quốc.
    Anh Phan Thanh là vai anh thuộc phái thứ hai dòng họ Phan; tôi ở phái thứ ba, cùng họ nội tộc. Khi tôi đang học, anh là dân biểu nghị viện Trung kì, cụ Huỳnh Thúc Kháng làm viện trưởng. Lợi dụng diễn đàn thực dân, anh hăng hái cãi, chống lại các mưu mô bóc lột của địch tại Hội đồng kinh tế lí tài Trung kì, bọn tôi đọc báo mê lắm. Năm 1936, anh qua đời, gây bao thương tiếc cho đồng bào. Hồi đó có cả một bài vè trong dân gian ra đời nói về anh. Thầy dạy lớp nhì năm thứ hai của tôi là nhà thơ Khương Hữu Dụng có làm đôi câu đối viếng :
    "Là nghị viên đắc lực, là chiến sĩ tận tâm, trang sử tương lai, tên bạn viết to hàng chữ trước.
    Vì hạnh phúc hòa bình, vì lợi quyền giai cấp, bước đường tranh đấu, hồn anh nâng mạnh gót người sau".​
    Bài vè và đôi câu đối lưu truyền rộng, kích động lứa tuổi thiếu niên chúng tôi dữ lắm. (Sau năm 1954, tập kết ra Bắc, tôi gặp lại thầy, nhắc lại chuyện này rất tương đắc).
    Ngoài ra chúng tôi còn chuyền tay nhau cuốn sổ tay chép nhiều bài kích động lòng yêu nước. Tôi nhớ và chép lại đây một đoạn bài "Cha khuyên con" dù đã ngoài sáu chục năm trôi qua.
    "Cha khuyên con mấy lời cha dặn
    Những lời này thấu tận tâm can
    Làm người ta đứng giữa trần hoàn
    Phải biết điều sỉ nhục mới giữ tròn cho sự tự do
    Nếu bằng chỉ biết ấm no
    Ấy là cái túi cơm, cái giá áo nào có ích chi cho nhân quần
    Con ơi ngấc mặt mà trông muôn dặm quan hà
    Nào rừng vàng, nào biển bạc
    Biết bao là những của thiên nhiên
    Nòi giống ta so sánh với đời
    Cũng hơn hai chục triệu con người, có ít ỏi gì đâu
    Cũng tai, cũng mắt, cũng mày râu
    Trong gương tiến hóa lắm màu vẻ vang
    Sao mà nay cha trông nước non như mây tỏa, như khói tàn
    Con đỗ quyên kêu khắc khoải gọi đàn cho cuộc tương thân
    Trông giống nòi nghĩ lại thêm càng
    Canh đàn gần sáng mà còn những mơ màng trong giấc chiêm bao.
    Con ơi, tuy nay con còn đang độ trẻ thơ
    Việc tương lai xã hội phải trông chờ vào bọn các con đây
    Con phải gắng công luyện tập đêm ngày
    Sao cho đạt đức, thành tài mà tự lập lấy thân
    Đem công tâm mà đối đãi quốc dân
    Sao cho non sông nòi giống lắm phần vẻ vang
    Chớ những ai áo mão xênh xang
    Vào luồn ra cúi cho thế gian nực cười
    Những ai sa chân vào chốn cạm đời
    Việc nhà lơ láo, việc người gọi dạ bảo vâng
    Con ơi, chớ những ai ỷ thế cậy thần
    Nặn dân, bóp chúng để riêng phần được sự vinh hoa...

    Bài này còn rất dài, nội dung khuyên đám thiếu niên chúng tôi lớn lên cố làm những điều ích nước lợi dân. Tuy lời lẽ không văn chương chải chuốt, lớp trẻ ngày nay đọc có thể thấy không có gì hấp dẫn, nhưng đáp ứng đúng yêu cầu thời đại đó nên bọn tôi thuộc rất nhanh, sau này giúp tôi đi theo cách mạng khá dễ dàng.
    Vì tôi đi học trễ, tám chín tuổi mới vào lớp đồng ấu nên khi lên tới lớp trung đẳng nhị niên thì đã lớn, quá tuổi, không được lên lớp nhất (cours supérieur) để đi thi tiểu học (lấy bằng primaire) như mọi bạn bè khác. Tôi còn tương đối nhỏ tuổi nhưng cảm nhận chế độ đang sống là chế độ ngu dân; nói ngay với mấy thầy trong đó có thầy Khương Hữu Dụng. Các thầy an ủi song lòng tôi sục sôi bất mãn. Tôi đi học tư thêm khoảng hơn một năm-chủ yếu là tiếng Pháp-để nâng cao hiểu biết rồi vì gia cảnh phải nghỉ học.
  10. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0

    3.
    Người anh rể Trương Đình Tần-chồng chị Tư tôi- làm loong- toong (platon) chạy giấy cho đại lí hãng Vận tải biển (Messageries Maritimes) của Pháp ở Đà Nẵng thấy tôi biết tiếng Tây tương đối thạo, giúp tôi tìm việc. Tôi được hãng này nhận cho làm việc ghi chép việc bốc dỡ hàng hóa từ tàu lên bờ hoặc xếp hàng xuống tàu trở về Pháp, chức danh này là pointeur (nhân viên chấm công). Công việc nói chung nhàn vì hồi đó tàu bè ra vào cảng Đà Nẵng ít. Lâu lâu có chuyến tàu cặp bến thì công việc dồn dập suốt ngày đêm. Còn những ngày khác vừa làm sổ sách vừa chơi. Đồng lương đối với người độc thân như tôi thì sống đủ. Tôi ăn ở luôn nhà anh chị.
    Làm được khoảng mấy tháng, một bữa, tôi bị tên Pháp gốc đảo Corse hách dịch mắng chửi dù không có lỗi gì. Công việc của tôi chẳng đụng chạm đến ai, chẳng hiểu sao bữa đó hắn sạc tôi một trận. Là người tự trọng, cũng hiểu biết đôi chút về lịch sử nước Pháp, tôi mới cự lại :
    -Mày dân Corse cũng dân thuộc địa như tao, mày hống hách với tao làm chi...Mày chẳng nên lên mặt tự hào về thân phận nô lệ của mày...
    Do tự ái dân tộc, tôi bỏ việc ngang, chỉ nói với anh Tần :
    -Thôi tôi không làm cho Tây được, tôi về ! Anh ráng chịu đựng để làm nuôi mấy đứa cháu...

Chia sẻ trang này