1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Truyện dài - Tôi và... Ấu thơ - Hà Thái

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi muoidotinox, 27/03/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. muoidotinox

    muoidotinox Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    10/12/2004
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    4
    [​IMG]

    Truyện từng được đăng 6 chương đầu trên Yume với bút danh Lãng Du.
    Giới thiệu truyện:
    Tôi viết truyện này không chỉ cho dành cho trẻ con.
    Tôi viết truyện này còn dành cho các bạn 8X như tôi, và bất kì ai từng là trẻ con.
    Truyện xoay quanh những câu chuyện giản dị, những trò chơi thơ ấu của một cô bé và các bạn ở một vùng quê miền núi.

    P/S: Nếu bạn thích truyện, xin hãy Thank hoặc comment. Nếu bạn thấy truyện có những điều cần góp ý, xin hãy comment. Tôi rất cần sự ủng hộ của các bạn.
  2. muoidotinox

    muoidotinox Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    10/12/2004
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    4
    (1) Sao chúng mày lại buồn?

    Nhà tôi ở gần trường. Ngôi nhà nhỏ xíu ở dưới chân một sườn đồi thoai thoải. Trên cái sườn đồi ấy, nằm ngay phía bên trên nhà tôi là hai nhà: nhà bà tôi và nhà chú Lâm tôi. Các nhà hàng xóm cũng vậy. Tuy nhiên, vì nhà cửa san sát nhau nên thật khó để nhận ra là nhà bạn đang ở trên một quả đồi trừ khi bạn đi lên cái vườn sau lưng nhà chú tôi, rồi chợt nhận ra rằng mình đang đứng trên đỉnh đồi, còn bên kia là một sườn đồi thực sự, toàn cây cối và chả có ngôi nhà nào.

    Tóm lại là quê tôi rất nhiều đồi. Thế nên trường tôi cũng nằm trên đồi, không phải một mà là hai quả đồi khác nhau. Một bên được gọi là “trường cấp một”, còn bên kia được gọi là “trường cấp hai”. Nói vậy chứ, trường cấp một chỉ có lèo tèo vài phòng học nên chúng tôi học chung ở cả hai khu. Các anh chị cấp hai học buổi chiều, còn chúng tôi học buổi sáng. Phần giữa hai khu tạo thành một khoảng rộng với đường đi ở giữa, khi nào học sinh tập đội hay xuống đó tập. Mọi người đều gọi đó là “sân trường” mặc dù mỗi khu trường trên đồi đều có sân riêng.

    Từ nhà tôi đi một tí là ra đến sân trường. Buổi tối, cô Hậu hay dẫn tôi với cái Ngọc ra sân trường chơi. Cô đem chiếu ra trải trên phần đất nhô cao khá phẳng phía bên trường cấp một, rồi bảo chúng tôi múa hát trên đó. Gió thổi mát lịm. Hôm nào có trăng thì càng tuyệt. Ánh trăng bàng bạc chiếu khắp nơi làm cảnh vật xung quanh thật huyền ảo. Tôi thích hát bài “Ông trăng tròn tròn là ông trăng tròn ơi, một mình trên đấy sao không xuống đây chơi với em.” Cái Ngọc là em gái tôi. Nó mới bốn tuổi. Nó cũng thích múa hát lắm nhưng lại nói ngọng. Nó chuyên trị hát: “Chú voi đon ở bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ đon”, nhưng không hiểu sao mẹ tôi và các cô chú rất thích, cứ bảo nó hát mãi.

    Cô Hậu không chỉ đi một mình với chúng tôi ra sân trường chơi. Cô còn rủ thêm cô Phượng. Cô Phượng là bạn học của cô Hậu. Nhà cô cũng ở gần nhà tôi, chỉ cách qua một cái ruộng. Nhà cô Phượng có rất nhiều cái đặc biệt. Cái đặc biệt thứ nhất là nhà cô có một cây đào bích to ở ngay trước cổng. Trong xóm chả nhà nào có đào bích, nên cứ Tết đến là mọi người đều thi nhau đến nhà cô xin lấy một cành về cắm trong nhà. Năm ngoái, vì bố tôi sang xin muộn mà chỉ được một cành bé tí teo mà lại ít nụ.

    Cái đặc biệt thứ hai là nhà cô Phượng có một cái ti vi đen trắng. Cứ đến gần sáu giờ chiều là mẹ tôi với hàng xóm xung quanh, cả người lớn lẫn trẻ con, lại kéo nhau sang đó xem phim. Phim “Người giàu cũng khóc” có cô diễn viên chính tóc vàng xinh ơi là xinh, mẹ tôi vừa xem phim vừa khóc sụt sùi. Phim “Đơn giản tôi là Ma-ri-a” mà bọn trẻ con chúng tôi cứ hò nhau đọc bài vè không biết từ đâu ra:

    Ma-ri-a là nhà tạo mốt
    Hoan Các-lốt là người bỏ đi
    Bà Ma-chi là người nhân hậu
    Con rắn độc là mụ Lo-ren
    Người hay ghen là anh Víc-to
    Người hay lo là anh Các-lốt
    Người hay hốt là cô Lo-ra…


    Nhưng cái đặc biệt thứ ba mới là thứ làm tôi thích sang nhà cô Phượng nhất, đấy là nhà cô làm bánh chưng để bán. Cô Phượng gói bánh chưng giỏi ơi là giỏi. Cô xếp lá, đổ gạo, cho nhân đỗ rồi gói lại, vèo cái đã thành một cái bánh chưng xinh xắn. Cô còn tước lá dong bằng cách bẻ nhẹ sống lá rồi lấy răng tước roạt một cái. Lá nào cũng đều đẹp, chẳng đứt gãy chỗ nào. Chẳng riêng gì cô, ông bà Vân Đại bố mẹ cô với chú Quyết anh trai cô cũng đều giỏi như thế.

    Tôi thích sang nhà cô Phượng vào giữa chiều, lúc ấy nhà cô đang gói bánh. Tôi ngồi đó cho đến cuối buổi, lê la buộc lạt, tước lá dong hoặc lăng xăng lấy cái nọ cái kia khi được ai nhờ. Bốn người nhà cô Phượng, người tước lá, người gói bánh, người buộc lạt, người thì làm việc này việc nọ. Vừa làm, họ vừa nói chuyện. Nào là chuyện mọi người vừa đi đập con chó dại nhà ông Vượng hôm nọ. Nào là chuyện con cô Thơm bị ốm vào viện, vẫn chưa đến thăm. Thi thoảng, ông bà Vân Đại cũng nói về nhà tôi, rằng mẹ tôi là cô dâu tốt như thế nào, hai đứa tôi và cái Ngọc xinh xắn, ngoan ngoãn thế nào. Về cơ bản là tôi thích thú. Nhưng đôi khi có cảm thấy chán thì tôi vẫn cố gắng ở lại đến tận cuối buổi. Lúc đó, cô Phượng sẽ nắm cho tôi một nắm nhân đỗ nho nhỏ bằng chỗ nhân đỗ cô cố ý để dành lại như một phần thưởng cho cái sự tận tụy của tôi cả buổi chiều. Nắm đỗ xanh đã được đồ chín, có vị mằn mặn của muối, bùi bùi, đặm đặm, ngon không thể tả. Tôi lần nào ăn xong cũng vẫn thấy thòm thèm.

    Một hôm, tôi sang, lúc cô Phượng không gói bánh. Cô đang ngồi đóng những thanh gỗ trong vườn. Tôi mon men lại gần, hỏi:

    - Cô đang làm gì đấy?

    - Cô đang làm chuồng thỏ.

    Nghe thấy thế, mắt tôi sáng lên.

    - Ôi, nhà cô có thỏ à? Mà cô biết làm chuồng thỏ, giỏi thế!

    - Ừ. Biết chứ. – Cô Phượng lên giọng tự hào. - Nhà cô chuẩn bị nuôi thỏ nên cô làm cho nó cái chuồng.

    - Thế cô cho thỏ ăn gì?

    - Cô cho ăn rau. Thỉnh thoảng mày sang đây cho thỏ ăn cho cô nhé.

    Nghe cô Phượng nói thế, tôi thích lắm. Tôi chưa nhìn thấy thỏ bao giờ, thế mà bây giờ còn sắp được cho thỏ ăn nữa. Tôi sẽ dẫn cả cái Ngọc sang cho nó xem thỏ cùng tôi mới được.
    Tôi chỉ vào mấy thân cây chuối để ở gốc cây khế, hỏi:

    - Mấy cây chuối kia cũng để làm chuồng thỏ ạ?

    - À không. Để cô làm bè.

    - Làm bè? Để làm gì hả cô? – Tôi tròn mắt.

    - Để cô đi trong ao nhà cô. Giống như trong phim Tôn Ngộ Không ấy.

    Nhớ lại cảnh Tôn Ngộ Không chèo bè đi qua biển, xung quanh vang lên khúc nhạc hùng tráng, tôi thích quá. Tôi liền níu áo cô:

    - Khi nào làm xong, cô cho cháu đi bè trong ao với cô nhé.

    - Ừ. Yên tâm. Sang đây cô cho đi cùng.

    Lời hứa của cô Phượng làm tôi phấn khởi lắm. Nhưng hôm sau tôi lăn ra ốm, cả tuần không sang nhà cô được. Tuần sau, tôi dẫn cái Ngọc sang, thấy cô đang chẻ lạt ở hè. Tôi hỏi cô:

    - Cô ơi, cô làm xong bè chưa?

    - Cô làm xong rồi.

    - Thế cô có bơi trong ao không?

    - Có chứ, cô chèo nó bơi quanh ao nhà cô mấy vòng. Nhưng nó hỏng rồi.

    Giọng cô Phượng chùng xuống. Lời nói của cô làm tôi cứ ngỡ mình rơi xuống hố. Tôi thảng thốt.

    - Sao lại hỏng hả cô?

    - Ừ, cô đang chèo thì nó đứt dây, bung ra. Cô phải bơi vào bờ, ướt hết quần áo.

    Nếu như bình thường thì tôi sẽ ngạc nhiên hỏi “Ôi, cô biết bơi cơ à?”, nhưng lần này tôi chỉ để ý đến cái bè bị đứt. Tiếc quá. Nếu tôi không bị ốm thì có khi đã được chèo quanh ao cùng cô rồi. Tôi rụt rè hỏi cô:

    - Thế cô có làm lại cái khác được không?

    Cô Phượng lắc đầu, le lưỡi:

    - Không được đâu. Ông bà mắng chết.

    Tôi im lặng. Ngó sang cũng thấy mặt cái Ngọc buồn thiu. Lúc đi tôi đã quảng cáo cho nó biết bao nhiêu điều về cái bè và lũ thỏ, nó hứng khởi lắm. Thế mà… À đấy, còn lũ thỏ nữa. Tôi hỏi cô Phượng về lũ thỏ. Nhưng cô Phượng nói, giọng buồn buồn:

    - Thỏ chết hết rồi. Cô cho nó ăn rau có nước, thế là chúng nó đau bụng chết hết.

    - Ôi…

    Cái Ngọc kêu lên, mặt nó phụng phịu. Tôi cũng buồn thiu, mắt thấy như muốn ngân ngấn nước. Vừa thương lũ thỏ, vừa tủi thân, vừa tiếc. Giá mà mình không bị ốm, thì vừa được cho thỏ ăn, lại vừa được đi bè. Hai đứa chúng tôi chào cô Phượng đi về mà mặt buồn rười rượi, đến mức cô phải cười mà bảo:

    - Ơ, hai cái đứa này buồn cười nhỉ. Thỏ nhà cô chết mà chúng mày còn buồn hơn cả cô là thế nào?
    ZzYaozZ thích bài này.
  3. muoidotinox

    muoidotinox Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    10/12/2004
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    4
    (2) Đi học

    Tôi thích đi học.
    Thế nên là khi được đi học ở lớp 1A của cô Dịu chủ nhiệm thì tôi phấn khởi lắm. Hồi chưa đi học, tôi đã suốt ngày dẫn cái Ngọc, có khi cả cái Anh và thằng Hùng min bạn nó, lên trường chơi. Tôi lấy những mẩu phấn thừa viết chữ lên bảng. Tôi biết được mấy chữ cái thôi, nhưng so với mấy đứa kia thì thế là oách lắm rồi. Nhưng tôi thích nhất là vẽ. Chú Lâm ngày trước thi thoảng có dẫn tôi lên trường. Chú lấy phấn vẽ lên bảng cho tôi xem. Chú vẽ rất đẹp. Con chó, con gà, con mèo, nhưng khó nhất vẫn là con khỉ. Về nhà, tôi cũng hì hụi lấy than củi vạch ra sân bắt chước chú vẽ, nhưng vẽ mãi mà chỉ vẽ được con chó với con gà trống. Sau này thì tôi biết vẽ người nữa. Nhưng vẽ người thì không phải là chú Lâm dạy mà là mẹ tôi dạy. Một hôm lúc tôi đang lăn lê bò càng ra sân vẽ người thì mẹ đi qua. Chắc trông hình vẽ của tôi tức cười quá nên mẹ bảo:

    - Để mẹ bảo cách vẽ cho này.

    Mẹ cầm lấy viên than vẽ. Dưới nét vẽ của mẹ, hình một cô gái rất xinh hiện ra. Mắt còn có cả lông mi, tóc thì phi dê như cô Mơ ở xóm ngoài. Tôi thích chí vẽ theo cách mẹ dạy. Hai mắt vẽ trước, rồi đến mũi, miệng, đến khuôn mặt, rồi mới đến tóc, tai. Đúng là trông cân đối hơn thật. Sau này tôi vẽ người riết, hết người này đến người khác. Mẹ tôi thì tóc búi sau gáy, có lúc lại cặp lại bằng cặp ba lá, cô Huyền thì để xõa tóc ngang vai, mặc áo tay bồng, cái Ngọc thì tóc cụt ngủn đến tai, lại còn thò lò mũi xanh... Mọi người khen tôi vẽ đẹp. Tôi oai lắm. Nhất là trước bọn cái Ngọc thằng Hùng min thì càng oai. Tôi hay lấy quả mùng tơi bóp ra lấy nước rồi ngâm những mẩu phấn vào đó và phơi khô. Đến những lúc giả làm cô giáo trên trường, tôi mới lôi mẩu phấn màu tim tím đó ra vẽ. Cái Ngọc mê những hình vẽ tim tím đó của tôi đến mức nó cũng bò ra tập vẽ, những nét vẽ nguệch ngoạc, xấu hoắc.

    Nhưng ở lớp thì tôi không oai như thế. Bởi vì ở lớp tôi có thằng Đức. Thằng Đức là lớp trưởng, lại rất xinh trai. Nhà nó chỉ cách qua sân trường có một đoạn cũng bằng từ nhà tôi đến. Thi thoảng tôi cũng gặp nó khi ra sân trường nhặt quặng. Nhưng quan trọng nhất là thằng Đức vẽ giỏi. Nó biết vẽ rất nhiều thứ. Nào là bình hoa có hoa đồng tiền, hoa hồng, hoa huệ. Nào là con mèo vồ chuột, nào là ông tướng đang cưỡi ngựa. Cô Dịu rất thích những bức tranh của nó và thường khen nó “có năng khiếu”.

    Thằng Đức không chỉ vẽ giỏi. Môn toán của nó cũng không kém tôi một điểm mười nào. Chỉ có môn tập đọc là nó dốt hơn tôi. Đấy là vì nó nói ngọng. Lần đầu tiên nó đứng lên hô: “Các bạn chuẩn bị đứng nghiêm. Chúng em “cứn” chào cô giáo ạ!” làm cả lớp lăn đùng ra cười. Ngược lại, tôi đọc rất sõi. Khi bắt đầu học sang quyển học vần thì vừa mới học bài đầu tiên là “a nờ an” thì tôi đã giở ra những bài sau và tự biết được là “á nờ ăn”, “ớ nờ ân”, “a nhờ anh”… Tôi giở từ đầu đến cuối cuốn sách thơm thơm mùi giấy để xem những bài học, xem những hình con ngan, em bé, ngôi nhà… một cách say sưa, thích thú.

    Nhưng có một môn tôi không giỏi. Đấy là môn tập viết. Ở nhà, cô Hậu thường xem tay tôi mà xuýt xoa: “Ôi trời, cái Thái có chín cái hoa tay. Thế này thì viết đẹp lắm đây!” Tôi hứng chí lắm. Thực tình mà nói thì tôi cũng thấy tôi viết đẹp. Nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy. Có lần kiểm tra, tôi nắn nót từng nét bút chì. Khi viết xong, tôi ngắm nghía lại bài của mình, trong dạ hài lòng lắm. Thế mà chỉ được điểm sáu! Còn thằng Nghĩa ngồi cạnh tôi là được điểm mười. Thằng Nghĩa học hành rất lẹt đẹt. Nó chỉ toàn được điểm bốn với năm. Nó lại chỉ có mỗi cái hoa tay ở ngón tay cái. Tôi ngó vở thằng Nghĩa, lòng hoang mang không biết chữ thằng Nghĩa đẹp hơn chữ tôi ở chỗ nào mà hơn tôi tận đến bốn điểm. Nhưng cô Dịu đã chấm thế, chắc chắn không sai được. Chắc là chữ tôi xấu hơn chữ nó thật!

    Về nhà, cái Ngọc xem vở của tôi, le lưỡi, nói ngọng líu ngọng lô: “Chị vết đẹp đế này mà được đểm sáu. Đế đì em được mấy đểm?” Tôi nhìn vào cái điểm sáu đỏ chót, lòng buồn hiu hắt. Đêm đó, trong giấc mơ của tôi, những điểm mười chập chờn nhảy múa trong khi tôi đang bò ra nhà tập viết.
    ZzYaozZ thích bài này.
  4. doccochemgio

    doccochemgio Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/06/2012
    Bài viết:
    1.773
    Đã được thích:
    4
    Truyện ý nghĩa phết đấy chứ!
    muoidotinox thích bài này.
  5. muoidotinox

    muoidotinox Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    10/12/2004
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    4
    Cám ơn bạn. Mình sẽ post truyện lên từ từ. Cũng sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ viết, vì mình viết rất chậm. :D
  6. muoidotinox

    muoidotinox Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    10/12/2004
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    4
    (3) Phép thần thông ơi...

    Hồi ấy, tôi hay chơi với cái Châm. Nhà nó ngay gần trường, lại học cùng lớp tôi. Nó có vẻ mặt lầm lì nhưng lại rất mau miệng. Cái Châm là một kho truyện ma. Nó kể cho tôi ti tỉ chuyện. Nào là chị Xuân nó đi đến lớp lúc năm giờ sáng để trực nhật thì bất chợt thấy một bàn chân trắng toát thò xuống từ mái nhà. Nào là anh Văn nó đi đến cổng nhà bà Định thì bị ma nhảy ra dọa. Nào là chú nó bị ma nhập. Nào là bố nó…, mẹ nó… Tóm lại là họ hàng xa gần nhà nó, tất tần tật đều đã gặp ma. Tôi tin sái cổ. Vừa sợ, vừa thích thú lại vừa khâm phục nó. Sao lại có nhà nào mà liên tục được gặp ma thế cơ chứ!
    Tôi chưa được gặp ma bao giờ. Chỉ có một lần khi thức dậy vào ban đêm, tôi thấy trên cửa sổ có những hình người tí hon như trong cái đồ chơi của cái Anh đang đu quanh những song cửa sổ. Chúng nhảy múa, vui đùa, thích chí lắm. Tôi mở to mắt thích thú nhìn. Rồi không kềm được mình, tôi lại gần, chộp tay vào những hình người. Tay tôi chỉ chộp vào song cửa. Lũ người vẫn nhảy múa. Tôi cứ mải miết chộp cho đến khi mẹ tôi tỉnh dậy và bắt tôi ngủ tiếp. Nếu gọi đấy là ma thì ấn tượng về ma trong tôi thật đẹp. Nhưng ma trong những câu chuyện của cái Châm thì chẳng đẹp tí nào. Nó rùng rợn và rất đáng sợ. Nhưng điều đó chỉ làm tôi càng thích thú.

    Cái Châm không chỉ có truyện ma. Nó còn nhiều câu chuyện kì bí khác.

    Tôi và cái Châm đều học ở lớp 1A. Mà ở lớp 1A thì lại có một đứa là cái Hân. Cái Hân người to gấp rưỡi tôi, rất đanh đá. Nó sẵn sàng gây sự với người khác. Nó có một bộ mặt lì lợm trông rất sát thủ. Nó rất lì đòn, chuyên đánh nhau với bọn con trai trong lớp. Cái Hân rất thích bắt nạt cái Thúy đơ. Nhà cái Thúy ở ngay sát nhà tôi, chỉ cách qua nhà cái Anh. Nó hơi ngốc nghếch nên mọi người mới gọi là Thúy đơ. Cái Thúy bị cái Hân bắt nạt như cơm bữa. Nó bị tạt tai, bị dứt tóc, bị xô ngã, còn bị tụt quần ngay giữa sân trường. Mỗi lần như thế nó chỉ ngồi khóc rưng rức. Tôi thi thoảng mới bị cái Hân chọc ghẹo, nhưng thấy cái Thúy bị hành hạ thì thấy tội nghiệp nó và ghét cái Hân lắm. Nhưng khốn nỗi tôi nhỏ con gần nhất lớp nên chẳng làm được gì nó. Thế là cứ mỗi lần đứng trên hè nhìn cái Thúy khóc dưới sân, tôi lại ngước lên trời, lòng ước gì mình có phép như Tôn Ngộ Không để dạy cho cái Hân một bài học.

    Tôi đem điều này kể cho cái Châm. Nó bảo:

    - Mày cứ cầu trời thế chả có ích gì. Phải đi tu luyện như bác tao mới được.

    - Bác mày có phép hả? – Tôi trố mắt.

    - Có chứ. – Cái Châm vênh mặt. – Bác tao có thể nhảy một phát lên mái nhà, tay không chém vỡ gạch, lại còn biết gọi mưa gọi gió nữa.

    Tôi nhìn cái Châm. Cái mặt nó trông chắc cú thế kia thì chắc là thật rồi. Tôi chỉ thắc mắc không biết ông bác này là bác nào của nó, có phải ông bác gặp ma gà trong Bổ Túc, hay ông bác bị ma trêu ở bụi tre nhà bà Sở, hay ông bác bị ma giấu ở Hợp Hòa.

    Nhưng cái Châm khoát tay bảo:

    - Không phải mấy bác đấy. Là bác Vĩnh tao, ở xa cơ chứ không ở gần đây. Chứ có phép như bác ấy, ma nào dám dọa.

    - Thế bác ấy học phép như thế nào? – Tôi hồi hộp hỏi.

    - Bác tao phải đi xa lắm, mang theo một bao cơm nếp to, để ăn được một tháng cơ. Mà phải đi bộ đấy. Sau khi về thì bác ấy có phép.

    Tôi chưng hửng. Chỉ đi thôi mà cũng có phép á? Nếu chỉ đi thì có vẻ đơn giản, tôi cũng đi được. Tôi được nghỉ hè ba tháng, đến hè tôi dành một tháng để đi thế là xong. Thế là tôi bảo cái Châm:

    - Có thật là chỉ đi không thôi là có phép không? Thế bác ấy đi đâu?

    - Tao biết thế nào được. Bác ấy không nói. – Cái Châm nguýt tôi. Nó có vẻ tự ái vì tôi “coi thường” cái việc “đi lấy phép” của bác Vĩnh nó. – Mày tưởng ai đi cũng được phép à? Đầu tiên mày phải được trời cho phép bay vào bụng, sau đấy mới đi thử thách, trời bảo đi đâu thì đi đấy, hết một tháng, thì mới được.

    - Thế à? – Tôi thất vọng. – Thế làm thế nào để phép bay vào bụng được?

    Cái Châm nhìn ra xa, bảo tôi.

    - Mày có nhìn thấy tảng đá kia không?

    Tôi nhìn theo tay nó chỉ. Đó là tảng đá – thực ra là phải ba bốn tảng đá to tạo thành một cái gò ở giữa cái ruộng cạn. Cái Châm bảo:

    - Hồi trước bác tao đứng ở đó, tự dưng phép ở trên trời bay vào bụng. Mình ra đứng đó, biết đâu may mắn cũng được trời cho phép.

    Tôi với đó chạy ra đó, trèo lên gò đá. Giữa những kẽ đá lún phún cỏ, trông rất thi vị. Giống y như đứng trên núi. Hai đứa cứ hết đứng lại ngồi, mắt nhìn lên trời giữa nắng chang chang. Mãi mà không thấy tia sáng đỏ nào xẹt qua như cái Châm bảo.

    Tôi ra gò đá đó đứng mấy chiều mà không có kết quả gì, trong lòng rất thất vọng thì một hôm vừa đến lớp, cái Châm khều tôi:

    - Tao bảo này…

    - Bảo gì?

    - Bí mật. Đi ra đây.

    Nó dẫn tôi ra đằng sau lớp, chỗ mấy cây bạch đàn, thì thào:

    - Tao hỏi bác tao rồi. Chúng mình ra đứng ở hòn đá ấy không được phép đâu. Chỉ được một người, là bác tao thôi. Phải làm cách khác.

    Nghe nó nói, tôi mừng quýnh. Nhưng tôi vẫn thắc mắc.

    - Bác mày ở xa cơ mà, sao mày hỏi được?

    Cái Châm sầm mặt:

    - Hôm qua bác đến nhà tao chơi. Thi thoảng phải về thăm quê chứ.

    Tôi gật gù, hỏi tiếp:

    - Ừ nhỉ. Thế mày nói đi, làm gì để mình có phép?

    Giọng cái Châm tỉnh bơ.

    - Mình cầu trời.

    Tôi há miệng định cãi là “sao hôm nọ mày bảo cầu chả ích gì” thì nó lừ mắt.

    - Nhưng phải cầu đúng cách. Mai mày lấy một nén hương, một lá táo với mấy hạt muối, tao đem bật lửa, chúng mình lên trường cấp một cúng cụ. Nếu mà trời ưng thể nó phép cũng từ trên trời lao vào bụng mình. Cách này mình sẽ không phải đi đâu hết mà có phép luôn.

    Nghe vậy, tôi mừng lắm, hẹn nó chiều mai sẽ gặp trên trường cấp một. Từ nhà tôi đến trường cấp một, ngoài cái đường đường đường chính chính tôi đã giới thiệu đi thẳng ra sân trường thì còn một con đường khác. Đấy là trèo lên cái đồi sau nhà chú Hạnh tôi, rồi đi qua khoảng đồi nhà thằng Hùng min là tới. Tất nhiên là đường kia gần hơn một tí, nhưng những thời khắc trọng đại thế này, phải đi đường này mới thể hiện sự quan trọng. Tôi lén lấy một nén hương, lên nhà chú Hạnh hái mấy cái lá táo. Tôi còn cẩn thận hái thêm cả quả táo nữa vì ngày trước có lần hái táo ra trường chơi, gặp một thằng nhóc hỏi mua, thế là cũng bán được mấy đồng. Lần này đem quả táo theo, biết đâu cũng may mắn giống như lần ấy. Gói thêm mấy hạt muối vào tờ giấy nhỏ xíu, chúng tôi đi theo đường đồi lên trường.

    Chúng tôi ở đây có nghĩa là tôi, cái Ngọc em tôi và cái Thúy đơ. Dù ở lớp tôi không dám chơi với cái Thúy đơ nhiều vì sợ bị cái Hân bắt nạt, nhưng vì nó ở sát sịt nhà tôi nên ở nhà nó hay sang nhà tôi chơi lắm. Tôi kể cho hai đứa nghe chuyện này và chúng nó xem chừng rất thích chí. Hơn ai hết cái Thúy chỉ muốn thoát khỏi cái Hân. Cái Ngọc thì không có vấn đề gì. Nó mới bốn tuổi, chả gây sự với ai. Nhưng nghe thấy có phép thần thông như Tôn Ngộ Không thì cũng thích.

    Thế là tôi, cái Ngọc, cái Thúy đơ và cái Châm tụ tập trên trường cấp một. Chủ nhật nên trường chả có ai. Chúng tôi cắm cây hương vào cái khe ở bàn học, đặt muối lên trên lá táo rồi đặt chung nó cạnh mấy quả táo trước cây hương. Khi chúng tôi đang chắp tay vái lấy vái để, miệng lẩm bẩm: “Cúng cụ. Cúng cụ. Cầu trời cho con có phép” thì nghe thấy tiếng mẹ tôi gọi. Nhìn qua cửa lớp, thấy mẹ tôi tất tả chạy đến, cái Châm với cái Thúy đơ ù té chạy mất. Mẹ tôi rút cây hương ra vứt đi, bảo tôi:

    - Các con làm cái gì thế? Không được thắp hương lung tung, nghe chưa. Phải tội đấy. Thôi, về tắm rửa ăn cơm thôi.

    Tôi với cái Ngọc lếch thếch theo mẹ ra về, ngẩn ngơ tiếc rẻ. Trên đường về, trong lòng tôi cứ vẩn vơ mãi: nhỡ mà ông Trời thương cho tôi phép thật thì tia phép có biết đường theo về nhà mà chui vào bụng tôi không?
    ZzYaozZ thích bài này.
  7. ZzYaozZ

    ZzYaozZ Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    10/07/2014
    Bài viết:
    90
    Đã được thích:
    28
    rất hay
  8. Hoanganhtt

    Hoanganhtt Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    31/03/2015
    Bài viết:
    101
    Đã được thích:
    12
    đúng là đáng để chúng ta bỏ thời gian ra đọc
  9. muoidotinox

    muoidotinox Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    10/12/2004
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    4
    Nếu có ai còn quan tâm đến truyện này, các bạn có thể đọc tiếp ở http://hathaiakahongque.blogspot.jp/, chủ thớt đã chuyển nhà qua đó.
    Trân trọng.
  10. ZzYaozZ

    ZzYaozZ Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    10/07/2014
    Bài viết:
    90
    Đã được thích:
    28
    link hình như lỗi bạn ơi

Chia sẻ trang này