1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Paul Carell - Hitler mặt trận miền Đông

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi huytop, 30/10/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Khi Model tới nắm quyền chỉ huy Cụm Tập đoàn quân Trung tâm vào ngày 28/6/1944, ông ta vẫn giữ lại Hans Krebs làm tham mưu trưởng.Họ quá hiểu về nhau, bởi vì Krebs từng làm Tham mưu trưởng Tập đoàn quân IX trong các trận chiến tại vòng cung Rzhev. Đánh giá tình hình từ những kinh nghiệm trong quá khứ, Model cho rằng người Nga sẽ gặp không ít khó khăn về hậu cần khi mà họ tiến được khoảng cách là 100 dặm trở xuống; nên họ sẽ tạm dừng tấn công để củng cố và tăng cường tiếp tế. Tuy nhiên, trong thời gian này, Hồng quân đã cho thấy rằng họ đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong việc cải thiện hậu cần nhằm phục vụ cho các mục đích chiến lược. Tính đến hết tuần đầu tiên của tháng Bảy, Hồng quân đã tiến sâu tới 125 dặm và vẫn đang ào ạt đua tốc độ về hướng tây. Thực tế trên chiến trường đã cho thấy họ di chuyển quá nhanh khiến cho các nhóm tàn quân thuộc Cụm Tập đoàn quân Trung tâm không thể quay trở lại, tập trung lại lực lượng, đào công sự chui sâu xuống đất và kháng cự…

    Thời điểm này, các lực lượng dưới quyền Model gần như đang trong tình trạng hỗn loạn và tan rã hoàn toàn. Toàn bộ Tập đoàn quân Panzer III đang trong tình trạng rút lui, họ chỉ còn lại một Quân đoàn yếu kém (Quân đoàn IX của Wuthmann) cùng với Sư đoàn an ninh hậu tuyến 201 chỉ có trong biên chế khoảng 2 Trung đoàn Bộ binh không đủ sức mạnh và không hề có lấy một khẩu pháo. Các Tiểu đoàn chiến đấu thuộc Quân đoàn tác chiến độc lập D quân số chỉ còn 40-50 người/1 tiểu đoàn mặc dù họ có thể nhặt nhạnh thêm được từ 50-80 người bị thương nhẹ hoặc bị lạc đơn vị trong khu vực hoạt động của mình. Sư đoàn bộ binh 252 của Trung tướng Walter Melzer (thuộc Quân đoàn IX) đã báo về : họ “gần như tan tác ra từng mảnh” trước đòn tấn công cuối cùng của người Nga và chỉ còn khoảng 300 tay súng. Họ không thể giữ nổi Lepel trên sông Essa nữa và vấn đề càng tồi tệ hơn, khi họ không kịp thời thổi bay những cây cầu quan trọng trước khi người Nga ập tới. Tập đoàn quân Panzer III chỉ còn lại 40 khẩu pháo sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục rút lui.

    Chiến đoàn von Saucken có trách nhiệm phải giữ được khu vực mặt trận nằm tiếp giáp giữa Tập đoàn quân Panzer III và Tập đoàn quân IV, nhưng ai cũng biết đây là nhiệm vụ bất khả thi. Như chúng ta đã thấy, von Saucken có một đơn vị xuất sắc, đó là Sư đoàn tăng số 5, nhưng các lực lượng còn lại mà von Saucken đang kiểm soát chỉ là nhóm quân của von Gottberg, một đơn vị đặc biệt được tạo thành từ các tiểu đoàn cảnh sát, các đơn vị bảo vệ an ninh hậu tuyến, những kẻ bị tụt hậu, và những thành phần lặt vặt khác. Họ được dẫn dắt bởi Trung tướng SS Curt von Gottberg (*), khó có thể làm nên trò trống gì và vẫn chỉ ở trong tình trạng tập hợp với nhau lại…

    Model cố gắng ổn định tình hình bên sườn trái. Một khi việc này được hoàn thành, có lẽ ông sẽ ổn định lại tình hình các vị trí tại khu vực trung tâm, giúp ông có thể ngăn chặn được đòn tấn công của người Nga. Còn Tập đoàn quân số II, hiện đang bảo vệ bên sườn phải có vẻ an toàn hơn, ít ra là vào thời điểm này. Vấn đề lớn nhất là ở khu vực trung tâm thộc Cụm Tập đoàn quân. Ngày 28/6/1944, trong một ngày mà có cả 2 viên Tư lệnh mới; đó là Model và Tướng thiết giáp Nicolaus von Vormann, người mới nắm quyền chỉ huy Tập đoàn quân IX đã ghi lại trong nhật ký của ông : ”Tập đoàn quân hầu như không còn tồn tại nữa, tất cả đều đã hoàn toàn mất sức chiến đấu..”. Láng giềng của họ, Tập đoàn quân IV, tình hình cũng không tốt hơn là bao. Phải bảo vệ một phòng tuyến có chiều dài tới 100 dặm của sườn phía nam, họ chỉ còn có 4 Tiểu đoàn bảo vệ an ninh hậu tuyến cùng với một vài đơn vị ứng cứu khẩn cấp, được hỗ trợ bởi một số ít pháo tự hành. Tuy thế, Sư đoàn tăng 12 đang trên đường tới hỗ trợ. Nhiệm vụ của Model rất đơn giản nhưng đồng thời lại phức tạp tới mức khủng khiếp. Ông ta phải ngăn chặn đà tiến như vũ bão của Hồng quân, cùng với hy vọng mong manh là phần lớn 2 Tập đoàn quân IV và IX đang bị hợp vây vẫn ngoan cường chiến đấu theo cách của mình để quay trở lại phòng tuyến Đức. Vấn đề là Model không còn đủ lực lượng có trong tay để hoàn thành nhiệm vụ này. Không những thế, ông ta phải cầm chân Hồng quân bằng được, không cho phép họ vươn tới Đông Phổ, giữ cho Tập đoàn quân Panzer III thoát khỏi bị hợp vây, đồng thời bảo vệ cho Cụm Tập đoàn quân Bắc không bị rơi vào cạm bẫy của người Nga. Thời điểm này, mọi đường quốc lộ đến Lithuania, Riga và bờ biển Baltic hầu như không còn quân bảo vệ, và Cụm Tập đoàn quân Bắc (bao gồm Tập đoàn quân XVI, XVIII và Tập đoàn quân độc lập Narva) có nguy cơ bị cắt rời và bị cô lập tại Latvia….
    ..................................
    (*).Curt von Gottberg sinh năm 1896 ở gần Koenigsberg (Đông Phổ), và gia nhập Quân đội Hoàng gia với tư cách là một tình nguyện viên vào năm 1914. Lúc đầu, ông phục vụ trong một trung đoàn kỵ binh trên Mặt trận phía Đông. Chuyển đến Potsdam năm 1915, ông đã hoàn thành khóa huấn luyện sĩ quan và nhận nhiệm vụ mới. Năm 1917, trong khi phục vụ ở Trung đoàn Vệ binh 1 trên Mặt trận phía Tây, ông bị thương nặng. Rõ ràng, ông thấy khó có thể theo đuổi cuộc đời quân ngũ nên ông xin giải ngũ vào năm 1920, với quân hàm Trung úy. Ông làm việc trong lãnh vực nông nghiệp từ sau chiến tranh. Gia nhập Đảng Quốc xã ngay từ thập niên 20, Gottberg gia nhập SS-Verfuegungstruppe (tiền thân lực lượng Waffen-SS) với tư cách là một chỉ huy tiểu đoàn và Đại úy SS từ năm 1933. Nắm 1933, ông lên tới chức Đại tá SS, phụ trách văn phòng Race and Resettlement tại Berlin (là một tổ chức chịu trách nhiệm "bảo vệ chủng tộc" tinh khiết "của lực lượng SS" trong nước Đức Quốc xã. Một trong những nhiệm vụ của nó là giám sát các cuộc hôn nhân của nhân viên SS theo chính sách chủng tộc của Đức Quốc Xã).

    Năm 1939, khi được chuyển đến Praha, ông cũng nắm giữ cương vị tương tự. Trở lại Berlin năm 1941, ông gia nhập “Đội Cận vệ Quốc trưởng” và được thăng chức Thiếu tướng Cảnh sát vào ngày 20/4/1941. Ông tình nguyện ra mặt trận vào đầu năm 1942 và phục vụ và chỉ đạo các chiến dịch chống du kích tại Mặt trận miền Đông. Gottberg được phong chức Gruppenfuehrer (Trung tướng SS) vào năm 1944, đồng thời được coi là một trong những chỉ huy SS và Cảnh sát cấp cao tại miền trung nước Nga, đặt trụ sở ở Minsk.Ông ta đã được trao Huân chương chữ thập sắt vào ngày 30/6/1944 và ngày 11/7 được trao danh hiệu Tướng Waffen-SS và Cảnh sát.Khoảng 3 tuần sau, von Gottberg trở lại Đức nhận nhiệm vụ mới, sẽ nắm quyền chỉ huy Quân đoàn SS XII đang trong quá trình xây dựng.Tiếp theo, ông ta lãnh những chức vụ chỉ huy mới tại Mặt trận miền Đông cũng như tại biên giới Đức – Hà lan sau đó. Tuy nhiên, ngày 18/10/1944, von Gottberg buộc phải tạm dừng công việc vì lý do sức khỏe. Ông ta phải mất 2 tháng nằm viện vì chứng nhồi máu cơ tim. Sau khi rời khỏi bệnh viện, von Gottberg được Himmler phong lên chức Phó Tư lệnh Tập đoàn quân Dự bị mặc dù ông ta chưa hoàn toàn bình phục. Ông ta kết thúc với Thếi chiến thứ hai trong khi phục vụ tại Bộ chỉ huy khu vực Tây Bắc nước Đức(OB Northwest) cùng với Thống chế Ernst Busch. Curt von Gottberg qua đời trong ngày 31/5/1945 tại Grundhof, Schleswig-Holstein…
    Lần cập nhật cuối: 06/12/2018
    ngthi96, huymaya, tatpcit4 người khác thích bài này.
  2. danngoc

    danngoc Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    24/08/2004
    Bài viết:
    3.760
    Đã được thích:
    1.327
    Chiến đoàn là cái gì vậy anh?
  3. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Ở các phần trước là Nhóm quân (xung kích)
    mang tên người đứng đầu...nhưng nếu sử dụng nhiều quá thì dễ lẫn sang Cụm quân...cho nên mình lấy văn phong ngày xưa ở Tập 1 hay gọi là chiến đoàn mà...
    ngthi96 thích bài này.
  4. vacbay03

    vacbay03 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    07/08/2007
    Bài viết:
    329
    Đã được thích:
    859
    Chiến đoàn là đoàn quân chiến đấu, vậy cũng hỏi :)
    danngoc thích bài này.
  5. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Chiến đoàn (Group) - một lực lượng do người người Đức thành lập, nhiều khi lên tới mức độ cấp Sư đoàn, thậm chí là Quân đoàn là một đoàn quân luôn mang tên người đứng đầu, chỉ cần thực hiện một nhiệm vụ cấp tốc như bao vây, thọc sườn, phá vây, yểm trợ….xong là giải thể……
    DepTraiDeu thích bài này.
  6. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    qui mô từ vài tiểu đoàn đến vài trung đoàn gọi là chiến đoàn , binh đoàn (chẳng hạn binh đoàn le Page..) vài sư trở lên thì gọi Cụm.
    DepTraiDeuhuytop thích bài này.
  7. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Vài Sư trở lên có khi gọi là Cụm tác chiến độc lập em nhỉ.....
    bloodheartvnngthi96 thích bài này.
  8. Mr_Hoang

    Mr_Hoang Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    23/12/2004
    Bài viết:
    8.750
    Đã được thích:
    10.161
    Kampfgruppe là tổ chức đặc thù của Đức, khá là khó dịch. Lúc bắt đầu chiến tranh thì thường chỉ là vài nghìn người, thực hiện một nhiệm vụ cụ thể nào đó trong vài ngày như chiếm cầu, chục thủng một đoạn phòng tuyến này kia. Sau này đánh nhau to, bắt đầu tổ chức cấp độ lớn do tướng chỉ huy thì quân số của một Kampfgruppe có thể lên đến chục nghìn người, nhiệm vụ nhiều khi kéo dài cả tháng.

    Theo mình thì ở cấp độ nhỏ thì có thể dịch là chiến đoàn, ở cấp độ lớn thì nên dịch thành mặt trận, hay bộ tư lệnh. Coi như tương đương với cơ cấu tổ chức bộ tư lệnh các chiến dịch của quân đội VN.
  9. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Tớ thấy Chiến đoàn(nhỏ) và Cụm tác chiến độc lập(lớn) có vẻ êm tai nhất...
    bloodheartvn thích bài này.
  10. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Vào lúc Thống chế Model tới nắm quyền chỉ huy Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, người Nga chỉ còn cách đông nam thủ đô, đồng thời là một thành phố lớn nhất Belorussia và là nơi đặt địa điểm Sở chỉ huy Cụm Tập đoàn quân Trung tâm có 8 dặm đường. Ông ta cương quyết cố gắng giữ vững phòng tuyến nhằm mở ra các hướng rút lui cho Tập đoàn quân IX, nhưng giờ đây mọi thứ trong trạng thái hoàn toàn vô tổ chức, kể cả ở trên phòng tuyến lẫn hậu phương, và đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến Xô-Đức, toàn bộ quân đội Đức đang ở tình trạng tan rã…

    Trong khi đó, phần lớn Tập đoàn quân IV, đang cố gắng trốn thoát qua sông Berezina trên chiếc cầu tại khu vực Berezino, nhưng Không quân Đỏ đã đánh sập khoảng 30 mét cầu vào ngày 29/6/1944. Công binh Đức cố gắng sửa lại, nhưng Không quân Sô-viết không tha, tiếp tục oanh tạc cầu và đánh bay một nhịp cầu dài 45 mét. Hạm đội Không quân VI của Greim không thể can thiệp được vì họ chỉ có không đầy 40 máy bay chiến đấu, và các khẩu pháo trên máy bay được sử dụng trong vai trò yểm hộ, hỗ trợ các lực lượng trên mặt đất trong vai trò như các loại vũ khí chống tăng. Các xe vận tải Đức đang cố gắng trốn thoát khỏi bờ đông, nối đuôi nhau ken đặc thành 2- 3 hàng xe suốt 30 dặm đường liên tiếp bị nổ tung vì những đợt oanh kích của các máy bay Nga. Ngày hôm sau - 30/6/1944 – hầu hết Tập đoàn quân IV đã bị kẹt lại khi các mũi tiên phong Sô-viết ập vào dưới sự yểm trợ của của hỏa lực pháo binh tại cây cầu ở Berezino. Trong lúc này, Tập đoàn quân IX phải ra sức giữ vững con đường lộ tại phía nam Minsk nhằm mở đường máu cho các đơn vị quân đội bị mất tinh thần cũng như các đơn vị đang trong tình trạng tan vỡ chạy trốn về phía tây. Phần lớn trong số họ buộc phải phá hủy hoặc bỏ lại các loại vũ khí hạng nặng của mình.

    Phía bắc thành phố Minsk, trọng tâm chính của tuyến phòng vệ lúc này đã ập xuống đôi vai của Tướng Decker và Sư đoàn 5 Panzer, nơi họ đang phải chịu áp lực nặng nề đến từ Tập đoàn quân xe-tăng Cận vệ V Sô-viết, lúc này họ đã vượt qua con sông Berezina. Tuy nhiên, trong lúc này, Trung đoàn xe-tăng 31 đã kịp thời tới nơi và sát cánh cùng với Sư đoàn tăng số 5 cố gắng cầm cự trước làn sóng xe-tăng Sô-viết,mặc dù trong quá trình tác chiến họ mất hầu như toàn bộ số xe-tăng của mình. Cho đến ngày 8/7/1944, Sư đoàn tăng và Tiểu đoàn tăng hạng nặng 505 đã phản kích, loại khỏi vòng chiến đấu được 295 xe-tăng Nga, nhưng họ đã bị mất tới 117/125 xe-tăng kể cả toàn bộ 29 chiếc Tiger chủ lực của họ (Tuy thế, hầu hết các xe tăng Tiger đã được đưa về tuyến sau phục hồi, bảo dưỡng, sửa chữa và tiếp tục sử dụng lại…).

    Trong đêm 27 rạng 28/6/1944, hệ thống thông tin liên lạc giữa Tập đoàn quân IX và Quân đoàn Panzer XLI (41) được thiết lập lại. Tướng Hoffmeister, đang tạm thời nắm quyền chỉ huy Quân đoàn từ ngày 20/6 đã thông báo rằng ông đã gặp các Tư lệnh Sư đoàn tăng 20, các Sư đoàn Bộ binh 36, 45, 134 và 707. Vì lý do muốn phá vỡ vòng vây của quân Nga đang kẹp chặt tại Bobruisk, ông yêu cầu cho phép ông được tự do toàn quyền hành động. Yêu cầu của ông đã được Tập đoàn quân IX chuẩn y vào lúc 8.35 sáng ngày 28/6 nhưng vào sáng hôm sau nó được sửa đổi. Hitler nhấn mạnh là vẫn phải để một Sư đoàn bảo vệ thành phố (nhằm giữ danh dự cho người lính Đức). Không còn cách nào khác, Hoffmeister buộc phải chọn Sư đoàn mà ông từng nắm quyền chỉ huy vài ngày trước – Sư đoàn Bộ binh 383 – dành cho nhiệm vụ tự sát này (giờ đây Sư đoàn 383 nằm dưới quyền chỉ huy của Trung tướng Adolf Hamann, nguyên là Tư lệnh lực lượng phòng vệ Bobruisk *). Tướng Hoffmeister đã được thông báo rằng ông phải tự thân vận động, sẽ không thể mong đợi bất kỳ một sự giúp đỡ nào từ bên ngoài, ngoại trừ một vài sự tiếp tế, hỗ trợ nhỏ có giới hạn đến từ Hạm đội không quân VI Đức….

    Tại thời điểm này, ở phía tây thành phố Bobruisk, sâu trong hậu phương thuộc Tập đoàn quân IX, đoàn tàu đầu tiên trong số 53 đoàn tàu chở Sư đoàn tăng 12 đã tới nơi. Tổng quân số của Sư đoàn là 12.300 người (trong đó có 700 Hiwis – là những người Nga tình nguyện phục vụ cho Wehrmacht), nhưng không phải toàn bộ số người này đang trên tàu tới Cụm Tập đoàn quân Trung tâm. Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn tăng 29 đã quay trở lại Đức để trang bị lại xe-tăng Panther. Cho nên hiện giờ chỉ còn lại 1 Tiểu đoàn tăng bao gồm 35 chiếc PzKw IV và 9 PzKw Ill. Mới chỉ có một đại đội thuộc Tiểu đoàn chống tăng là đang ở trên tàu, còn lại các Tiểu đoàn trinh sát, Tiểu đoàn pháo phòng không cũng như phần lớn Tiểu đoàn công binh thuộc Sư đoàn thì không thấy tăm hơi đâu vì hầu hết đang bị kẹt ở các nước thuộc khu vực Baltic. Không những vậy, chỉ có 1 trong 4 Tiểu đoàn Bộ binh cơ giới thuộc Sư đoàn được trang bị bằng các xe vận tải bọc thép (Armored personnel carriers - SPW), 3 Tiểu đoàn còn lại chỉ toàn là xe tải làm hạn chế khả năng cơ động đi rất nhiều. Thậm chí, kể cả Tư lệnh Sư đoàn – Trung tướng Baron Erpo von Bodenhausen cũng không có mặt, ông ta đang về Đức và Đại tá Gerhard Mueller (**), một cựu chiến binh được thưởng rất nhiều huân chương tại Quân đoàn Afrika đã tạm thời nắm quyền chỉ huy. Mueller đã mất một tay trong chiến dịch El Alamein và chứng tỏ đã đánh mất rất nhiều hiệu quả trước đây của mình trên cương vị chỉ huy….

    ………………………..

    (*).Adolf Hamann sinh năm 1885 tại Mecklenburg và gia nhập Quân đội Hoàng gia với tư cách là một sĩ quan học viên vào năm 1901.Khi Thế chiến thứ II nổ ra, ông ta đeo lon Đại tá, ông ta phụ trách một khu vực phòng thủ thuộc biên giới Ba-lan (1939), Trung đoàn bộ binh dự bị số 3 (1940-41), tiếp sau đó là các Trung đoàn Bộ binh 327, 523, 660 (1941-42). Tiếp theo, có lẽ vì tuổi đời đã cao , ông ta được phân công chỉ huy các khu vực phòng thủ ở sâu trong hậu phương như là Orel, Bryansk, và Bobruisk. Ông bị người Nga treo cổ ở Bobruisk năm 1945.

    (**).Gerhard Mueller giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn chống tăng 33 (1938-39), Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung đoàn tăng 33 (1941), và Trung Đoàn tăng số 5 (1942). Sau đó, ông làm Tư lệnh Sư đoàn tăng 116 ở Mặt trận phía Tây và được thăng chức Thiếu tướng vào ngày 1/9/1944. Vài ngày sau, các nhân viên tham mưu đã bất tuân thượng lệnh chống lại ông buộc ông phải từ nhiệm. Chiến tranh đã kết thúc khi ông đang giữ chức chỉ huy phó khu vực Pilsen. Giờ đây ông đang sống tại vùng Silesian…
    caonam_vOz, bloodheartvn, meo-u3 người khác thích bài này.

Chia sẻ trang này