1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hà Nội có bao nhiêu phố bắt đầu bằng chữ "Hàng"

Chủ đề trong 'Public Hà Nội' bởi Vulnerable0202, 30/12/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Vulnerable0202

    Vulnerable0202 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    09/07/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội có bao nhiêu phố bắt đầu bằng chữ "Hàng"

    Nguoihanoi hắn là ai, tôi cũng không biết nữa, nhưng hắn có những bài post rất hay về Hà Nội. Để em copy lại lên đây cho mọi người cùng đọc.
    ------------------------------------------------------------------------------------------------------------

    Cứ theo thực trạng hiện nay, Hà Nội có 53 phố và ngõ bắt đầu bằng chữ Hàng, nếu xếp theo a,b,c thì là Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng Bè, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Bột (ngõ), Hàng Buồm, Hàng Bún, Hàng Chai, Hàng Cháo, Hàng Chỉ (ngõ), Hàng Chiếu, Hàng Chĩnh, Hàng Chuối, Hàng Cỏ (ngõ), Hàng Cót, Hàng Da, Hàng Dầu, Hàng Đào, Hàng Đậu, Hàng Điếu, Hàng Đồng, Hàng Đường, Hàng Gà, Hàng Gai, Hàng Giày, Hàng Giấy, Hàng Hành, Hàng Hòm, Hàng Hương, Hàng Khay, Hàng Khoai, Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Mành, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Ngang, Hàng Nón, Hàng Phèn, Hàng Quạt, Hàng Rươi, Hàng Than, Hàng Thiếc, Hàng Thùng, Hàng Thịt (ngõ), Hàng Tre, Hàng Trống, Hàng Vải, Hàng Vôi. Nhưng trong thực tế lịch sử thì còn nhiều phố Hàng nữa. Có điều là đã bị thay thế dần cùng thời gian. Ví dụ ngày trước còn có Hàng Hài (nay là đoạn đầu Hàng Bông), Hàng Mụn (nay là Hàng Bút). Còn Hàng Bút vốn là đoạn cuối của phố Thuốc Bắc. Hàng Bừa và Hàng Cuốc (nay gộp lại là phố Lò Rèn), Hàng Tàn tức Hàng Lọng (nay là đoạn đầu phố Lê Duẩn), Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng), Hàng Chè (nay là đoạn đầu phố Đinh Tiên Hoàng), phố Hàng Giò (đoạn đầu phố Bà Triệu), Hàng Kèn (đoạn phố Bà Triệu từ ngã năm Trần Hưng Đạo đến ngã năm Nguyễn Du), phố Hàng Đàn (nay là phố Hàng Quạt), phố Hàng Màn (nay là đoạn đầu phố Hàng Giày), phố Hàng Lam (đoạn đầu phố Hàng Ngang), phố Hàng Lờ (cuối Hàng Bông), phố Hàng Nâu (nay là Trần Nhật Duật), phố Hàng Tiện (nay là đoạn đầu Hàng Gai), phố Hàng Sơn (nay là Chả Cá), phố Hàng Đẫy (nay là đoạn đầu phố Nguyễn Thái Học), phố Hàng Mã dưới và phố Hàng Mây (nay gộp lại thành phố Mã Mây), phố Hàng Trứng (đoạn cuối phố Hàng Mắm), phố Hàng Gạo (phố Đồng Xuân), phố Hàng Thêu (nay là đoạn cuối Hàng Trống), phố Hàng Sắt (nay là đoạn đầu phố Thuốc Bắc)...

    Như vậy là có đến trên hai chục phố có tên bắt đầu bằng chữ Hàng, song nay đã đổi ra tên khác hoặc gộp vào thành một phố dài. Có một số phố vẫn giữ được mặt hàng truyền thống như Hàng Bạc còn đó với một số hiệu vàng, bạc mà xưa kia là nơi sản xuất vòng, xuyến, kiềng, vàng cho lớp người giàu sang. Hàng Khay vẫn còn một số thợ khảm trứ danh từ mảnh gỗ, vỏ trai mà tạo nên tác phẩm thực sự, óng ánh... Hàng Than nổi tiếng với món bánh cốm ngon lạ thường chỉ có Hà Nội mới có, gợi nhớ đến mùa cưới của người Hà Nội. Hàng Đào vẫn phấp phới màu sắc của quần áo nhắc nhở đến những phiên chợ tơ năm xưa. Hàng Trống cho đến ngày nay còn một số nhà có nghề làm trống cổ truyền, dựng tang trống, thuộc da, lên mặt trống đều bằng phương pháp thủ công. Hàng Mành vẫn làm mành. Hàng Thiếc làm thùng tôn, cắt kính. Hàng Mã vẫn bán đồ chơi Trung thu cho trẻ em... Bên cạnh đó, nhiều phố mang tên cũ nhưng không còn một ai làm nghề cũ như Hàng Gà, Hàng Cá, Hàng Gai, Hàng Bún, Hàng Cót, Hàng Bồ...

    Qua những chữ "Hàng" chúng ta thấy nét đặc trưng riêng của phố Hà Nội, một khía cạnh của không gian văn hoá cổ Thăng Long Hà Nội - Thủ đô hôm qua và mai sau.

    Tô Hoài - Nguyễn Vinh Phúc


    [/black]
    "Inter is a lovely illness which leaves forever scars"
    [/black]
  2. Vulnerable0202

    Vulnerable0202 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    09/07/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Tiện tay thêm 1 bài "Hàng" tiếp :
    Hà Nội ba mươi sáu phố phường
    Tìm em chẳng thấy Hàng Đường, Hàng Ngang
    Tìm em chẳng thấy Hàng Ngang
    Đi sang Hàng Bạc, rẽ sang Hàng Đào
    Tìm em chẳng thấy Hàng Đào
    Anh ra phố Thợ Tiện, rẽ vào Hàng Gai
    Tìm em chẳng thấy Hàng Gai
    Hay là em ở Hàng Hài, Hàng Son
    Tìm em chẳng thấy Hàng Son
    Hay là em ở Hàng Đòn, Hàng Khay
    Tìm em chẳng thấy Hàng Khay
    Sang chùa Quan Thượng, rẽ ngay Hàng Bè
    Tìm em chẳng thấy Hàng Bè
    Kìa lên Bến Bạc, Hàng Tre, Cội Đồng
    Lại lên Bến Mắm mà trông
    Kìa Ô Quan Chưởng, Cầu Đông, Hàng Đường
    Đồng Giọt, sau chùa Thái Cam
    Hàng Thớt lao màn
    Hàng Ngỗng, Hàng Ngan, Hàng Gà
    Trở về Hàng Nón, Hàng Da, Hàng Giày
    Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Mây
    Hôm qua là chín, hôm nay là mười
    Lòng anh dở khóc dở cười
    Đêm đêm tơ tưởng một người tình nhân
    Tìm xa rồi lại tìm gần
    Tìm hết Nhà Hỏa, bãi Nghênh Xuân, Hàng Lờ
    Tìm em chẳng thấy Hàng Lờ
    Đi ra Hậu Giám chơ vơ ngoài thành
    Đồn rằng em ở Cầu Canh
    Anh ra Cầu Giấy thanh danh vui cười
    Đi đâu có một đôi người
    Đi thì lặn suối qua đồi trèo đê
    Một thôi cho đến bến Phùng
    Hỏi thăm cậu mợ đùng đùng chạy ngay
    [/black]
    "Inter is a lovely illness which leaves forever scars"
    [/black]
  3. Vulnerable0202

    Vulnerable0202 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    09/07/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Rủ nhau chơi khắp Long Thành
    Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
    Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
    Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay
    Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày
    Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn
    Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than
    Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng
    Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông
    Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
    Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre
    Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà
    Quanh đi đến phố Hàng Da
    Trai xem phường phố, thật là cũng xinh
    Phồn hoa thứ nhất Long Thành
    Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ
    Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
    Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền
    [/black]
    "Inter is a lovely illness which leaves forever scars"
    [/black]
  4. Vulnerable0202

    Vulnerable0202 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    09/07/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Bài này là cua Hương Linh chứ không phải của nguoihanoi
    Hàng Đào
    Phố Hàng Đào dài 260 mét, đi từ phố Hàng Ngang đến đầu phố Hàng Gai.
    Đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã ghi tên phố này vào sách Dư địa chí của ông: "Phường Hàng Đào nhuộm điều". Thế nghĩa là dân phường này, ở thời đó, đã có làm nghề nhuộm và chuyên về nhuộm màu đỏ, màu hồng, màu hoa đào.... Nhưng tới thế kỷ XVIII thì phố này nhận nhuộm thêm nhiều màu khác, còn nhận cả "chuột" tơ lụa cho trắng nõn ra.
    Cho tới trước thời Pháp thuộc, phố Hàng Đào là nơi tập trung bán tơ lụa. Hai bên phố là những cửa hàng bán đủ loại mặt hàng dệt bằng tơ tằm: the, lĩnh, lụa, lượt, là, cấp, nái, kỳ cầu, nhiều gấm vóc, sa, xuyến.... Cũng tại đây mỗi tháng có họp phiên chợ ngay trên đường phố vào các ngày 1 và ngày 6, gọi là chợ Hàng Tơ, Người các làng La Khê. La Cả ra bán the. Người làng Mỗ ra bán cấp, đũi. Người Vạn Phúc, Kẻ Bưởi đem lĩnh tới... Trừ gấm vóc là dệt bằng tơ đã nhuộm, còn các thứ khác thì để mộc. Dân Hàng Đào mua về đem nhuộm điều, nhuộm đỏ, hoặc giao cho người ở chợ Dầu Đình Bảng, ở làng Tây Hồ, ở Hàng Thợ Nhuộm đem nhuộm thâm, hoặc nhờ bên Cầu Gỗ chuội trắng.... Ngày ấy ở Hàng Đào cũng có vài hiệu bán vải nhưng thứ hàng này đã có một phố riêng là phố HàngVải.
    Tới đầu thế kỷ XX, một số người ấn Độ tới mở hiệu bán các thứ vải vóc len dạ nhập từ phương Tây. Cũng vào thời kỳ này,mọc lên một số hiệu tạp hoá, vàng bạc, làm mũ.... nhưng chủ yếu Hàng Đào vẫn là phố tơ lụa. Cho nên thực dân Pháp đã đặt tên cho phố này là "phố hàng tơ lụa" (rue de la Soie).
    [/black]
    "Inter is a lovely illness which leaves forever scars"
    [/black]
  5. Vulnerable0202

    Vulnerable0202 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    09/07/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Hàng Điếu
    Phố Hàng Điếu dài 267 mét, đi từ phố Hàng Gà đến phố đường Thành. Đây nguyên là đất thôn Yên Nội tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ. Tổng này vốn có hai thôn Yên Nội, một là Yên Nội Cổ Vũ tức là khu vực phố Hàng Da, và một là Yên Nội Đông Thành tức khu vực phố Hàng Điếu, Hàng Nón. Phố này thời trước có bán các loại điếu hút thuốc lào như điếu ống bịt bạc bịt vàng, điếu cày....Giữa phố, chỗ số nhà 30 là ngôi đền Hoả Thần, còn gọi là đền Nhà Hoả, thờ ''Ngũ hiển hoa quang đại đế" tức một ông thần có uy lực trừ được hoả hoạn. Đền này dựng từ năm Minh Mạng thứ 19 (tức 1838), có một quả chuông khá to, hễ quanh đấy có đám cháy là thỉnh chuông này lên.
    Thờ Pháp thuộc, phố này có nhiều cửa hàng bán giày dép hơn là cửa hàng bán điếu, song vẫn gọi là "rue des Pipes" tức là dịch tên tiếng Việt "phố Hàng Điếu". Sau Cách mạng đã chính thức hoá tên gọi cổ truyền này.
    [/black]
    "Inter is a lovely illness which leaves forever scars"
    [/black]
  6. Vulnerable0202

    Vulnerable0202 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    09/07/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Hàng Bài
    Phố Hàng Bài dài 616 mét, đi từ cuối phố Tràng Tiền đến phố Hàm Long. Gọi là Hàng Bài vì có một thời ở đoạn đầu phố là nơi tập trung những nhà làm bán các cỗ bài lá, như tổ tôm, tam cúc... Phố này nằm trong khu vực bọn thực dân mở rộng ngay từ những nặm đầu của thời Pháp thuộc. Ngay từ năm 1888 chúng đã gọi đây là đại lộ Đồng Khánh, niên hiệu của tên vua bù nhìn triều Nguyễn (1886-1888).
    Sau Cách mạng ta đổi tên đại lộ Đồng Khánh ra đại lộ Triệu Quang Phục. Trong thời tạm chiếm (1947-1954) chính quyền bù nhìn khôi phục tên cũ. Sau ngày hoà bình lập lại, ta đã xoá bỏ tên gọi đó và thay bằng tên phố Hàng Bài cổ truyền.
    [/black]
    "Inter is a lovely illness which leaves forever scars"
    [/black]
  7. Vulnerable0202

    Vulnerable0202 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    09/07/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Hàng Bè
    Phố Hàng Bè dài 172 mét, đi từ phố Hàng Mắm đến phố Hàng Dầu. Đây nguyên là đất thôn Nam Hoa, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đến giữa thế kỷ XIX thôn này đổi tên là Nam Phố và tổng Hữu Túc cũng đổi ra là Đông Thọ. Thủa đó, do thôn này ở gần cửa ô Mỹ Lộc (chỗ phố Hàng Mắm nối với phố Hàng Bạc) giáp bờ sông Hồng, các bè luồng nứa được đưa lên bán ở đó nên người mua kẻ bán hợp thành chợ gọi là chợ Hàng Bè. Mới đầu chợ ở đầu phố Hàng Tre chỗ bây giờ là nhà máy cơ khí Đồng Tháp, sau mới dời dần vào phố Hàng Bè ngày nay, do đó thành tên phố.
    Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố này từng là căn cứ chỉ huy của ban lãnh đạo Liên khu I cùng tiểu đoàn 101 là tiểu đoàn chủ lực của Liên khu.
    Thời Pháp thuộc gọi là "rue des Radeaux" tức là dịch chữ "phố Hàng Bè". Sau Cách mạng ta đã chính thức hoá tên gọi cổ truyền này.
    [/black]
    "Inter is a lovely illness which leaves forever scars"
    [/black]
  8. Vulnerable0202

    Vulnerable0202 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    09/07/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Hàng Bồ
    Phố Hàng Bồ dài 272 mét, đi từ phố Hàng Ngang đến phố Hàng Thiếc, nối liền phố Hàng Bạc với phố Bát Đàn. Đây nguyên là đất thôn Xuân Hoa (đoạn phía Đông) và thôn Nhân Nội (đoạn phía Tây), tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Gọi là phố Hàng Bồ vì ở đoạn giữa phố, cho tới đầu thời Pháp thuộc, là nơi tập trung những cửa hàng bán các thứ bồ đan bằng tre nứa. Còn đoạn đầu phố, chỗ tiếp giáp phố Hàng Đào, Hàng Ngang thời xưa có tên là phố Hàng Dép. ở đây tập trung các cửa hàng bán guốc dép. Đủ loại guốc: guốc đẽo bằng gốc tre, guốc gỗ khắc hoa quai da láng, guốc giày có đế gỗ mà mũi bọc da mộc... Và đủ loại giày dép: dép quai ngang, dép cong, giày hạ (cho nam giới), giày cườm và giày mang cá (cho nữ giới)....
    [/black]
    "Inter is a lovely illness which leaves forever scars"
    [/black]
  9. Vulnerable0202

    Vulnerable0202 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    09/07/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Hàng Bạc
    Phố Hàng Bạc dài 280 mét, đi từ phố Hàng Mắm đến chỗ tiếp giáp giữa phố Hàng Ngang và phố Hàng Đào. Đây là dải đất đã thành phường phố từ lâu đời. Thời Lê là phường Đông Các, đã từng là bối cảnh của truyện "Mẹo lừa" trong Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ. Cũng chính truyện này đã cho ta biết rằng phường Đông Các thời đó (thế kỷ XVIII) đã là nơi đổi chác, mua bán bạc nén. Sang đầu thế kỷ XIX, đây là đất đai hai thôn Đông Thọ (đầu phía Đông) và Dũng Hãn (đầu phía Tây) giữa thế kỷ XIX hai thôn này nhập lại, thành ra thôn Dũng Thọ (tổng Hữu Túc cũng đổi ra là tổng Đông Thọ).
    Cho tới những năm đầu thế kỷ này, phố Hàng Bạc vẫn còn là một phố cổ, với hai dãy nhà "chồng diêm", với những hiệu "thợ bạc" mà "thiết bị" và bài trí thì giống y như nhau tức là chỉ gồm có một cái bễ nhỏ, một cái đe và một cái tủ con có yểm mặt kính, trong treo vài cái vòng, khánh, bộ xà tích, ống vôi, chóp nón....
    Đối với lịch sử chiến đấu của Thủ đô, phố Hàng Bạc có một ngôi nhà nay trở thành kỷ niệm đầy tự hào của Hà Nội. Đó là rạp hát Chuông Vàng, số nhà 74. Nơi đây, giữa những ngày chống Pháp ác liệt nhất, vào sáng hôm 14-1-1947, đại đội quyết tử quân của Liên khu I đã làm lễ tuyên thệ.
    [/black]
    "Inter is a lovely illness which leaves forever scars"
    [/black]
  10. Vulnerable0202

    Vulnerable0202 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    09/07/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Hàng Cân
    Phố Hàng Cân dài 104 mét, đi từ phố Lãn Ông đến phố Hàng Bồ. Đây nguyên là đất thôn Hữu Đông Môn và thôn Xuân Hoa, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.
    Sở dĩ có tên gọi là Hàng Cân vì thời xưa nơi này sản xuất và bày bán các loại cân ta, tức cân vọt ngang có quả cân bằng đồng hoặc bằng sắt.
    Thời Pháp thuộc gọi là "rue des Baalances" tức là dịch tên tiếng Việt "phố Hàng Cân".
    Sau Cách mạng ta chính thức hoá tên gọi này.
    [/black]
    "Inter is a lovely illness which leaves forever scars"
    [/black]

Chia sẻ trang này