1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

TÌNH HÌNH ĐIỆN ẢNH NGA HIỆN NAY

Chủ đề trong 'Điện ảnh (MFC)' bởi NgoayTai, 11/12/2001.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. NgoayTai

    NgoayTai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/08/2001
    Bài viết:
    90
    Đã được thích:
    0
    TÌNH HÌNH ĐIỆN ẢNH NGA HIỆN NAY

    TÌNH HÌNH ĐIỆN ẢNH NGA HIỆN NAY

    Anatoli Sokolov
    Phương Hoa dịch


    Giờ đây có cảm giác rằng toàn bộ lịch sử điện ảnh Nga sau năm 1991 là một giai đoạn của các phim không thành công. Trong buổi đầu của công cuộc cải tổ mỗi năm Liên xô cho ra đời gần 300 phim. Vào năm 1993-1994 sau đó, công nghiệp điện ảnh của Nga hầu như suy sụp và giờ đây mặc dù có rất nhiều cố gắng vẫn không thể khôi phục lại sức mạnh ngày xưa. Có thể nói theo kiểu thời thượng hiện giờ trong điện ảnh đang diễn ra khủng hoảng hệ thống. Chúng ta thử xem xét thực trạng hiện nay.

    Trước hết chúng ta nên nhớ rằng hiện nay ở nước Nga, trong ngành xuất bản, trong thế giới âm nhạc, trong nghệ thuật tạo hình, tình hình có khác đôi chút - ở đó quan hệ thị trường xuất hiện tức thì. Chẳng hạn trong lĩnh vực xuất bản, các tác giả cũng như các nhà xuất bản ngay lập tức buộc phải phục vụ cho người tiêu dùng, như điều đó vẫn xảy ra trên thế giới. Vậy mà trong điện ảnh, các nhà sản xuất phim của Nga từ năm 1988 đã không thể định hướng tới người tiêu dùng. Nhà phê bình phim và nhà xã hội học nổi tiếng người Nga, ông Danil Dondurei nhận xét rằng, các nhà làm phim Nga đã quen với thái độ coi thường công chúng người Nga của mình, tức là bất cứ một đạo diễn Nga nào nếu tự cho mình là một nghệ sĩ chân chính thì đều cho rằng cần phải làm phim chỉ dành cho Liên hoan phim Cannes, để được làm ứng cử viên cho giải Oscar dành cho phim nước ngoài hay nhất nhưng không cần phải làm phim cho chính các khán giả của mình. Do đó một thời gian dài các nhà làm phim của Nga làm việc trong một hệ thống được gọi là "tự đặt hàng". Người đạo diễn kiếm được tiền cho phim của mình và dựng phim như anh ta muốn, tức là sao cho thoả mãn được bản thân, đưa lên màn ảnh quan điểm của anh ta về việc cần phải dựng phim như thế nào và như khán giả muốn. Nhân đây tôi muốn nói tới việc tại một trong nhiều buổi họp gần đây của cán bộ cục điện ảnh quốc gia Nga có sự tham dự của Bộ trưởng văn hóa Mikhail Svidkôi. người ta đã đề cập đến vấn đề các đạo diễn nổi tiếng, những người, như một bài báo của nhà phê bình Victor Mitizen (báo "Tin mới") đã viết "Trên cơ sở phục vụ điện ảnh Xô viết đòi hỏi những đơn đặt hàng từ quốc gia không Xô viết". Cũng bài báo này đã nêu lên một nguyện vọng cấp thiết là "những đạo diễn đó đếm được trên đầu ngón tay phải ngăn họ lại bằng "bức màn sắt" và cứ bốn năm một lần cấp cho họ một số tiền nhất định để làm cho được một sản phẩm bất hủ, khi họ tới 65 tuổi thì cho họ về nghỉ danh dự". Và khi đó, theo ý của nhà báo, sau 15 năm nước Nga sẽ có một nền điện ảnh có chất lượng về khán giả.

    Và còn thêm một điểm nữa. Trước đây các nhà sản xuất phẩm của Nga không đặt ra cho mình mục tiêu thu lợi nhuận - họ mong muốn "'chiếm dụng tiền", tức là chỉ tiêu tiền chứ không muốn kiếm ra tiền. Dẫn tới một thực trạng hoàn toàn ngược với những gì có trên toàn thế giới. Nhà sản xuất phim của Nga ngay từ ban đầu đã biết rằng anh ta không thu được lợi nhuận từ phim, do đó anh ta nghĩ trước hết tới các lợi ích vật chất cho riêng mình (căn hộ, nhà nghỉ...) do đó nước Nga hiện nay hầu như không có các nhà sản xuất theo đúng nghĩa của từ này. Và hậu quả là nền công nghiệp điện ảnh Nga tiếp tục phát triển theo mô hình cũ, phi thị trường.



    Mỹ hoá điện ảnh

    ở nước Nga những năm 90 đã diễn ra những quá trình xã hội sâu sắc, dẫn tới việc hình thành một lớp khán giả điện ảnh hoàn toàn mới. Ví dụ xuất hiện chợ video đưa ra cho khách hàng khoảng 5000 tên băng một năm, tức là đủ cả các phim Mỹ, âu, á mới nhất xuất hiện ngay trên thị trường băng của Nga. Nhân tố thứ hai - sự thay đổi tận gốc hệ thống chiếu phim trên truyền hình. Trước cải tổ, truyền hình Xô viết hầu như không chiếu phim nước ngoài. Chỉ phát Sóng phim các nước XHCN và rất hiếm khi có phim ý hoặc Pháp. Hiện nay khán giả truyền hình Nga, được sử dụng 6 kênh truyền hình chính, có thể xem phim với thời lượng tới hơn 10 ngàn tiếng đồng hồ một năm. Còn ở Moskva, nơi có tới 12 kênh truyền hình trên thực tế thì cứ 15 phút lại có thể xem một phim mới hoặc một bộ phim khác. Trong một ngày đêm trình chiếu 20-30 phim và bằng ấy phim nhiều tập. Do đó một người Nga bình thường (nhất là dân của thành phố lớn) nghĩ rằng: Việc gì tôi phải tới rạp chiếu phim vừa cũ kỹ, bẩn thỉu lại lạnh lẽo (mà giờ đây đã trở thành cửa hàng đồ gỗ hoặc cửa hàng dụng cụ gia đình). Tất nhiên anh ta ở nhà và sẽ xem vô tuyến. Một phần các rạp đã đóng cửa, số khác chỉ chiếu vài buổi một tháng để duy trì chế độ ưu tiên được hưởng như là các cơ sở văn hóa. Hiện nay phát hành phim của Nga đã suy sụp: rất hiếm khi được xem phim Nga tại rạp. Phần lớn các phim được chiếu trong rạp là phim Mỹ. Có năm Nga mua tới 200 phim Mỹ một năm. Giờ đây tình hình ổn định hơn một chút, Nga chỉ mua gần 100 phim nước ngoài trong đó 60% là phim Mỹ. Như thế nghĩa là hơn một lần trong một tuần phát hành phim cho trình chiếu những phim mà cả ở Nga lẫn ở các nước khác đều được công chiếu lần đầu.

    Nước Nga hiện đại đang tích cực tham gia vào quá trình điện ảnh thế giới, nhưng bản thân nền công nghiệp điện ảnh của Nga lại không đủ sức cạnh tranh. Và nguyên nhân chủ yếu không phải ở chỗ phim Mỹ rẻ hơn mà ở chỗ phim Mỹ đáp ứng được những mong đợi của khán giả đại chúng. Mà đó chính là những câu chuyện đặc biệt, các loại nhân vật đặc biệt, các giá trị toàn nhân loại, những hiệu quả đặc biệt và nhất định phải có một kết thúc vui vẻ "happy end". Điện ảnh Nga hiện nay còn chưa thể đem lại cho khán giả trong nước tất cả những điều đó. Các đạo diễn Nga vẫn chưa nói được về cuộc sống (mà trước hết là cuộc sống hiện đại) để hàng triệu người nhận ra được thời đại của mình qua các tác phầm điện ảnh như một khi nào đó họ đã nhận ra được trong Bài ca người lính và Đàn sếu bay qua.

    ở nước Nga đã diễn ra những thay đổi to lớn, trong khi đó tư duy vẫn như trước đây hay nói đúng hơn nó bị biến dạng đi. Giờ đây thanh niên nghĩ khác đi và sống cũng khác đi. Không phải ngẫu nhiên mà các đạo diễn nổi tiếng nhất và tài năng nhất lại làm các phim về hiện tại - về việc ngày nay những con người bình thường sống ra sao, họ làm việc thế nào, họ yêu và ghét ra sao... Làm phim về chiến tranh còn dễ hơn làm phim về hiện tại. Chỉ có những đạo diễn rất tài năng mới có khả năng làm phim về quá khứ mà trong đó. vẫn thể hiện rõ hình ảnh của tương lai. Và còn một điều quan trọng nữa mà các đạo diễn và nhà sản xuất của Nga quên mất. Ngày nay khán giả của các rạp chiếu hiện đại đắt tiền (và chính những rạp này đem lại 90% thu nhập của ngành phát hành phim) - đó là thanh niên tuổi từ 15 đến 28. Do đó phải làm phim cho họ. Đối với những khán giả này có thể làm phim về mọi vấn đề cấp thiết và quan trọng đối với thanh niên. Trên thực tế, kết quả là các đạo diễn Nga làm phim cho các khán giả ngồi trước máy thu hình. Trong khi tới các rạp chiếu phim là những khán giả hoàn toàn mới.



    Khán giả mới của điện ảnh

    Sự suy thoái của nước Nga năm 1998 đã đẩy nước này tới thị trường. ở mọi lĩnh vực đời sống đã xuất hiện thực tại hoàn toàn mới, trong đó cả điện ảnh xuất hiện một lớp khán giả mới. Đó chủ yếu là những người từ môi trường hoạt động có tốc độ phát triển nhanh ngân hàng, internet, thương mại quốc tế, các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động chứng khoán... Đó là những thanh niên được giáo dục tốt, những người thu nhập không dưới 300-400 đô la một tháng cho mỗi thành viên trong gia đình. Đó cũng là những sinh viên vẫn đang đi học nhưng đã định hướng tới một nếp sống thành đạt và năng động.

    Những người đầu tiên hiểu được nguyện vọng và nhu cầu của lớp người tiêu dùng mới của công nghiệp điện ảnh chính là người Mỹ. Họ đã biến câu lạc bộ cũ kỹ của báo "Tin tức" (bên cạnh rạp "Nước Nga" mà hiện giờ gọi là rạp "Pushkin") thành một rạp kiểu mới "Kodak - Thế giới phim". Rạp chiếu phim mới này lập tức thu được lợi nhuận cao, lợi tức hàng năm của nó hiện giờ là gần 3 triệu đô la. Dần dần ở nước Nga cũng bắt đầu các rạp chiếu phim và các phòng chiếu theo kiểu mới này. Theo những số liệu của Nhà xã hội học điện ảnh Danil Dondurei, những người làm các công việc được gọi là hàng đầu chiếm gần 9-20% dân số, tức khoảng 10 triệu người. Thậm chí nếu chỉ 5% trong số họ thường xuyên đến rạp thì đã có 500 ngàn người sẵn sàng một tháng một lần hoặc thường xuyên hơn trả tiền theo giá châu âu để mua vé vào rạp: 4-5 đô la ở Moskva, 2-2,5 đô la trung bình trên khắp nước Nga. Ngoài ra nếu họ có bạn đi kèm tới rạp thì có lẽ họ mua thêm chút đồ uống, đồ ngọt, quà tặng, và thế là họ để lại rạp 15-20 đô la, tức là còn rẻ hơn tới nhà hàng hay casino. Điện ảnh - đó là một sự thoả mãn dễ đạt được, nhưng là một sự thoả mãn ở tầm cỡ thế giới. Để cho những khán giả mới, khán giả này có thể cảm thấy dễ chịu, phải có những điều cần thiết: các rạp chiếu chất lượng, các phòng chiếu tiện nghi với các ghế ngồi tiện lợi, phim "Kodak" màn ảnh đẹp với các hiệu quả đặc biệt, nhân viên phục vụ là các thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp và niềm nở, chỗ đỗ xe thuận tiện... Để có được cảm giác thoải mái họ đã tới các rạp chiếu phim như thế.

    Tất nhiên những rạp như vậy trước hết dành cho những người khá giả. Hiện giờ ở nước Nga con số đăng ký chính thức là 1.560 rạp chiếu phim, trong số đó 1500 rạp nằm trong tình trạng có thể nói là nửa đóng nửa mở: đôi khi họ cho trình làng một buổi chiếu trong ngày, đôi khi một buổi chiếu trong một tuần. Năm 1999 những rạp chiếu phim như vậy bán được gần 37 triệu vé, lợi nhuận thu được là 5 triệu đô la. Còn những khán giả trẻ, tới các rạp chiếu hoặc phòng chiếu kiểu mới (Kodak - Thế giới điện ảnh, Ro lan, Chân trời, Mũi tên ..) mua khoảng 10-12 triệu vé và chi trọn gói 45 triệu đô la, tức là nhiều hơn 9 lần so với số khán giả còn lại ở nước Nga. Có một thực trạng nữa là một lớp khán giả mua một vé một năm cho hai người, và một lớp khác mua 10-12, thập chí 20-25 vé một năm. Do đó đối với nền công nghiệp điện ảnh Nga phải đặt ra câu hỏi vậy thì phải làm phim cho những khán giả nào? Một vài nhà phê bình điện ảnh người Nga từ lâu đã khẳng định rằng trong nước không sản xuất được các phim để phục vụ lớp khán giả mới hay nói cách khác: các phim Nga không có khả năng cạnh tranh trên thị trường Nga. Trong thời gian gần đây chỉ có 2 phim Nga thu thành công về mặt kinh tế (phát hành). Đó là phim Người thợ cạo Xibêri, thu được 2,5 triệu đô la (hơn một phim Mỹ bình thường) và Người anh - 2 thu 1 triệu đô la. Các khán giả mới (các doanh nhân, các nhà quản lý...) tung hô những phim đó, những phim Nga còn lại họ đều không muốn xem: hoặc là họ thấy khó hiểu (Sokurov, German), hoặc là họ thấy không hay.

    Phát hành phim - đó là thị trường, đó là kinh doanh, và nếu giá vé là 2 đô la, tức là gần 70 rạp (mà đó là giá vé rẻ nhất để vào các rạp đã được trang bị mới ở Nga) thì các phim nội lập tức bị loại khỏi danh mục phim của các rạp vì các phòng chiếu sẽ vắng tanh, thậm chí đó là phim mới của Eldar Fìiazanov hay Vladimir Menshov. Các phim của Nga không thể cạnh tranh với các phim của Mỹ và Tây âu. Khán giả lựa chọn phim có hình ảnh đẹp, có chất lượng, và họ thể hiện điều này bằng cách chi tiền.



    Điện ảnh, truyền hình và kinh tế

    Thật đáng tiếc khi phải thừa nhận rằng phần lớn các nhà làm phim Nga hiện còn chưa ý thức được rằng tình hình đã biến đổi, rằng khán giả muốn có một nền công nghiệp điện ảnh mới chứ không phải như những gì mà người ta đưa cho họ theo truyền thống và thói quen. Do đó truyền hình hoạt động rất tích cực, việc xây dựng các phim truyền hình trong nước đã được tiến hành. Giờ đây truyền hình mỗi năm dựng 300-350 bộ phim, sau đó sẽ tăng lên 700 bộ. Chỉ riêng truyền hình Trung ương một năm đã trình chiếu 2000 giờ các phim truyền hình. Do đó dĩ nhiên điện ảnh Nga phải kết hợp với truyền hình - tức là trong tương lai các đạo diễn Nga sẽ làm phim truyền hình là chủ yếu.

    Một vấn đề nữa là kinh tế. Chừng nào mà kinh tế Nga còn chưa ổn định thì việc thu tiền từ điện ảnh ngày càng khó khăn hơn. Thậm chí chính phủ đã yêu cầu các nhà hoạt động điện ảnh phải hoàn trả dù chỉ một phần số tiền mà họ nhận được từ ngân sách. Và giờ đây các đạo diễn và nhà sản xuất phải suy nghĩ một cách nghiêm túc ai sẽ xem phim của họ và những phim đó sẽ được hoàn vốn như thế nào. Nếu một bộ phim mới của Nga được chiếu trong 2-3 buổi chiếu tại một Liên hoan phim nào đó của Nga (ở Sochi, Anap, Vyborg...) thì điều đó không có nghĩa là phim đó thu được thành công trước đại chúng hay thành công về thương mại. Chỉ có thể nói về thành công về công chúng khi bán được 200 ngàn vé đầu tiên. Còn để có thể hoàn trả lại tiền đã chi phí cho sản xuất của bộ phim phải có vài triệu người mua vé xem nó. Nhưng hiếm hoi lắm mới có một phim Nga có thể thu hút được thậm chí chỉ 200 ngàn khán giả, tức là nếu nhìn từ khía cạnh kinh tế thì chỉ là con số không.



    Định hướng ?" thị trường

    Theo ý kiến của nhiều nhà phê bình điện ảnh, để làm cho phim Nga vươn tới được thị trường, phải kinh qua vài bước. Thứ nhất, một số đạo diễn chuyển sang làm cho truyền hình và dựng các phim truyền hình, đó là một trường học thị trường không tồi. Thứ hai, dần dần thay đổi ngay bản thân thị trường điện ảnh: các nhà sản xuất tìm kiếm. Các đạo diễn có khả năng làm được phim có khả năng cạnh tranh. Sẽ tạo điều kiện cho sự xuất hiện của thế hệ mới các nhà chuyên nghiệp (ví dụ đi học hoặc thực tập ở nước ngoài). Phải bắt đầu quá trình liên kết với công nghiệp điện ảnh phương Tây. Những điều cơ bản nhất là các nhà sản xuất phải buộc các tác giả chia tay với các khuôn mẫu của chính mình và còn một vấn đề nữa. Trong điện ảnh Nga hiện đại thiếu ngôi sao theo đúng nghĩa của từ này. Vâng, đã có rất nhiều các diễn viên tài năng, có tay nghề cao. Nhưng không có một nữ diễn viên - ngôi sao nào (ví dụ như Liubov Orlova) để cho các thiếu nữ, các phụ nữ phải bắt chước, khâm phục và chiêm ngưỡng: phải làm tóc như thế nào, đi đôi giầy nào, mặc những bộ váy nào... Tức là, phải xây dựng nên các ngôi sao điện ảnh của riêng nước Nga. Khán giả sẽ hiểu ngay phim nào có khả năng cạnh tranh, và phim nào không. Ví dụ, các bộ phim của Nga rất nổi tiếng như Chết rất dễ (đạo diễn Aleksandr Xoan), 8 1/2 đô la (đạo diễn Grigory Kontantinopolsky), đã thu được qua phát hành 50 ngàn đô la mỗi phim, còn chi phí cho mỗi phim là 600-700 ngàn đô la. Trong khi đó còn phải trả cho các rạp chiếu nửa số tiền. Để hoàn vốn cho một bộ phim tốn hết 500 ngàn đô la cho sản xuất, phải thu được 1 triệu đô la cho phát hành.

    Giờ đây người ta đang thảo luận ý tưởng xây dựng hệ thống các rạp chiếu phim rẻ tiền, đã từng tồn tại ở Mỹ hồi đầu thế kỷ 20 để thu hút đông đảo các tầng lớp dân chúng hơn nữa. Tuy nhiên các nhà xã hội học nghi ngờ khả năng thực hiện ý tưởng đó ở nước Nga. Thứ nhất, để các khán giả tới những rạp như vậy cần phải chiếu các phim hay (trước hết là phim Mỹ) mà vé cho chúng không thể thấp. Nghĩa là về mặt kinh tế kiểu rạp như vậy không thể rẻ được. Thứ hai, nếu thậm chí ở đó chiếu các phim nội thì khán giả cũng không tới xem. Những người từ 40-50 tuổi đã từ bỏ thói quen tới rạp chiếu phim. Ngoài ra, khán giả sẽ không tới rạp để xem những phim mà họ đã quen xem trên vô tuyến truyền hình ở nhà của mình. Thứ ba, những người thuộc thế hệ cũ không có thói quen giết thời gian ngoài nơi công cộng. Ngoài ra hiện nay ở Nga, họ nghèo hơn người trẻ rất nhiều. Hiện chỉ có một phần thị trường Nga là phát triển, hội nhập với hệ thống phát hành phim thế giới - với cùng một công nghệ, cùng một giá cả, thời hạn trình chiếu, mức độ tiện nghi...

    Từ tất cả những điều trên có thể rút ra kết luận tương đối lạc quan: để có thể đủ khả năng cạnh tranh, điện ảnh Nga không cần phải hướng tới những người giàu mà phải hướng tới những người đã thích nghi, đang phát triển và cảm thấy bình thường trong cuộc sống mới. Và hiện nay tất cả sẽ phụ thuộc vào việc làm sao để tăng số lượng những người gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của các mối quan hệ thị trường ở nước Nga. Và nếu như họ phát triển bình thường thì trong ngành điện ảnh mọi điều cũng sẽ được ổn định.



    Nhà nước và điện ảnh

    Để có thể tồn tại bình thường như một ngành, điện ảnh Nga phải sản xuất được 100-120 phim một năm. Với số tiền thu được từ các nguồn khác nhau thì hiện nay giỏi lắm cũng chỉ là được 50-60 phim. Bên cạnh đó còn phải hiện đại hóa tất cả các rạp chiếu phim. Ngân sách của nước Nga năm 2001 dành 700 triệu rạp cho toàn bộ ngành điện ảnh - hơn 40% so với năm 2000. Trong đó để hỗ trợ cho phim truyện là 314 triệu rúp (năm 2000 là 206 triệu rúp). Nhưng số tiền đó không đủ, cần phải có 7 lần hơn như thế.

    Theo một vài số liệu, năm 2000 dựng được 60 phim truyện nhựa (trong đó 31 phim nhờ hỗ trợ của nhà nước). Đó không phải là ít thậm chí so với thời kỳ Liên xô cũ: 40 phim tại xưởng Mosphim, 20 phim làm tại xưởng Gorky, và 20 phim tại Len phim.

    Theo ý kiến của bộ trưởng văn hóa Mikhail Shvydkoi thì nhiệm vụ chủ yếu của nhà nước là tạo điều kiện trong đó điện ảnh có thể tự lấy thu bù chi được. Điều đó có nghĩa là chủ thể của hoạt động sáng tạo và kinh tế - xưởng phim - nhận tiền để xây dựng chiến lược và chiến thuật của mình. Tiếp theo, nhà nước có thể hỗ trợ 20% cho tác phẩm điện ảnh hay nhất hoặc cho điện ảnh thiếu nhi, còn 80% còn lại của sản phẩm điện ảnh phải hoàn trả lại tiền chi phí. Chính Bộ Văn hóa có ý định xây dựng cơ chế hoàn trả này. Một số văn bản đã được soạn thảo có thể thay đổi cơ bản tình hình của ngành điện ảnh Nga.

    Những phim được yêu thích trong năm 2000, hay chủ nghĩa yêu nước mới của nước Nga.

    Năm 1997 đạo diễn Aleksei Balabanov dựng phim Brat (Người anh em), năm 2000 phần tiếp Brat-2 đã ra mắt khán giả. Đó là phim thành công nhất của Nga trong năm 2000. Phần tiếp theo của một bộ phim thành công thường kém chất lượng hơn phim đầu, nhưng ở đây thì Người em lại mạnh mẽ và thông minh hơn anh và đạt được thành công về mặt tư tưởng. Aleksei Balabanov đã làm được điều mà trước anh chưa một ai của điện ảnh Nga làm được ?" trình bày trước công chúng hình ảnh một tên giết người chuyên nghiệp với tư cách là nhân vật chính. Để bao biện cho nhân vật của mình đạo diễn đã đưa ra tất cả những đặc điểm có thể cho anh ta đôi mắt trong sáng và nụ cười quyến rũ và diễn viên Sergei Bodrov, biến anh ta thành chiến sĩ tham gia chiến tranh ở Chesnia, gán cho anh ta tình cảm anh em hiếm có, và minh oan cho số tiền anh ta có được bằng một mục đích - giúp đỡ người em của người bạn chiến đấu đã chết và gửi anh sang Mỹ.

    Phim đã được giới trẻ say mê và gây nhiều tranh cãi trên báo chí. Nhiều nhà phê bình đã đặt một tên nữa cho phim này là "giết người theo kiểu Nga", ám chỉ số lượng xác chết trong phim và mong muốn của nhân vật muốn chứng tỏ chân lý: lẽ phải thuộc về kẻ bắn nhanh hơn. Còn một nguyên nhân nữa giải thích thành công của bộ phim được các nhà báo nhìn thấy là ở chỗ phim đã thể hiện những yếu tố bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc dưới hình thức cô đọng và thông minh. Theo ý kiến của nhả phê bình điện ảnh và nhà xã hội học Danil Dondurej, một người phê phán bộ phim nói trên, thì bộ phim Brat-2 do những người tài năng làm ra. Và dưới hình thức một trò giải trí thông thường họ đã đưa ra một quan niệm tư tưởng hết sức nghiêm túc. Ông cho rằng, phim là một bản tuyên ngôn, trong đó đưa ra một bức tranh chính xác và toàn diện về thế giới, đưa ra một sơ đồ đơn giản để giải thích những sự kiện đang xảy ra. Bản chất của quan điểm này là. tất cả mọi người đều được phân chia thành của mình, của chúng ta, và xa lạ, không phải chúng ta, tức là kẻ thù. Bộ phim này chiếm vị trí đầu bảng trên thị trường băng hình ở Nga, hàng trăm ngàn băng đã được bán

    Phương Hoa dịch

    Bài của nhà nghiên cứu A. Xôcôlốp viết riêng cho tạp chí Điện ảnh
  2. hoacuctay

    hoacuctay Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/11/2001
    Bài viết:
    2.683
    Đã được thích:
    0
    Mệt quá!..ngứt xỉu tại trận

    Cúc tây là loài hoa thân thiện nhất thế giới.Nó tượng trưng cho một tình bạn trong sáng,cởi mở mà chân hành ,nồng ấm
  3. hastalavista

    hastalavista Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/05/2001
    Bài viết:
    4.785
    Đã được thích:
    1
    Các bạn tham khảo thông tin thêm ở chủ đề này trong box Nga nhé:

    Điện ảnh Nga
    (Một số tin bằng tiếng Nga)

Chia sẻ trang này