1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Thắc mắc về bài thơ Anh là thợ mộc Thanh Hoa!

Chủ đề trong 'Văn học' bởi phuongvu7681, 12/12/2008.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. phuongvu7681

    phuongvu7681 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/02/2008
    Bài viết:
    29
    Đã được thích:
    0
    Thắc mắc về bài thơ Anh là thợ mộc Thanh Hoa!

    Bài thơ như sau:
    Anh là thợ mộc Thanh Hoa
    Làm cầu làm quán làm nhà khéo tay
    Lựa cột anh dựng đòn tay
    Bào trơn đóng bén nó ngay một bề
    Bốn cửa anh chạm bốn dê
    Bốn con dê đực chầu về tổ tông
    Bốn cửa anh chạm bốn rồng
    Trên thì rồng ấp dưới thì rồng leo
    Bốn cửa anh chạm bốn mèo
    Con thì bắt chuột con leo xà nhà
    Bốn cửa anh chạm bốn gà
    Trên là gà mái dưới là gà con...

    Đại khái như thế vì học cũng đã lâu rồi, hình như ở lớp 10, năm 1992 thì phải nên cũng không nhớ chi tiết lắm. Tuy nhiên, từ lúc học đến giờ vẫn còn thắc mắc, không dám hỏi ai, nhất là lúc học không dám hỏi cô giáo. Thắc mắc như sau:
    Về 4 con dê: Tác giả chỉ nói là chạm 4 con đực, không nói về trạng thái của nó là tĩnh hay động, nhưng đồng nhất về giới tính. Về 4 cửa anh chạm 4 gà: gồm gà mái và gà con, cũng không nói về trạng thái động hay tĩnh, thống nhất về ý, có gà mái thì có gà con.
    Về 4 con mèo, không nói về giới tính nhưng nói về trạng thái, con thì bắt chuột, con leo xà nhà, đều ở trạng thái động.
    Về 4 cửa chạm 4 hoa, trên là hoa sói, dưới là hoa sen, ý đều là các loài hoa đẹp, thanh cao.
    Nhưng:
    Tại sao trong câu: Bốn cửa anh chạm bốn rồng
    Trên thì rồng ấp, dưới thì rồng leo.
    Bỏ qua giới tính của những con rồng này thì chúng ta thấy có 2 ý không thống nhất với nhau, đó là: Rồng ấp- trạng thái tĩnh và Rồng leo- trạng thái động. Như vậy, liệu có đúng là trong nguyên tác, bài thơ này đã viết như vậy hay là bị sửa đi cho đỡ hiểu nhầm. Vì nếu cùng là trạng thái tĩnh thì ngoài ý rồng ấp thì câu dưới rất khó tìm ý khác cũng về trạng thái này mà lại hài thanh với câu trên. Còn nếu cùng về trạng thái động thì nó phải là: Trên thì rồng lộn, dưới thì rồng leo
    Cũng chính vì ý này mà bao nhiêu năm nay không dám hỏi ai, nhưng cũng xem qua thì thấy nhiều bài thơ cũng có ý như vậy lắm chứ, ví dụ trong ca dao kháng chiến chống Pháp có bài:
    Cắc bụp là cắc bụp xòa
    Ba thằng giặc Pháp bắt gà bắt heo
    Cắc bụp là cắc bụp xèo
    Ba thằng giặc Pháp bắt heo bắt gà.
    Cái từ cắc bụp cũng đọc ngược lại được chứ,
    Hay trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận cũng có câu
    Thuyền ta lái gió với buồn trăng,
    Lướt giữa mây cao với biển bằng
    Từ Lái gió cũng đọc ngược lại được.
    Hay trong bài Tiểu đoàn Ba Lẻ Bảy của Nguyễn Bính:
    Ai đã từng qua sông Cửu Long Giang
    Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy.
    Từ Cửu Long Giang cũng đọc ngược lại được, chỉ phát âm hơi khác một tí.
    Vậy tại sao trong bài thơ trên, chúng ta không để cho ý thơ hài hòa đồng nhất, hay là vì sao. Các bạn cho ý kiến xem nào!
  2. Sota

    Sota Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    02/10/2004
    Bài viết:
    3.401
    Đã được thích:
    0
    em lạy bác, Huy Cận với Nguyễn Bính x phải Hồ Xuân Hương, nhá, suy diễn thế này các cụ sống lại nhổ vào mặt con cháu mất
  3. nguvanbaochi

    nguvanbaochi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2007
    Bài viết:
    2.607
    Đã được thích:
    8
    Thật ra khi giảng cho HS về bài thơ "Anh là thợ mộc Thanh Hoa", từ trước đến nay chúng ta vẫn thường coi bài thơ này là sự ca ngợi tài năng của người thợ mộc.
    Nhưng bây giờ, lại có ý kiến cho rằng bài thơ này là ngầm chê anh thợ mộc chỉ giỏi múa mép khua môi, chứ thực ra chẳng có tài cán gì hết. Bởi chẳng có thợ mộc nào lại đi chạm trổ mèo, gà với dê cả (rồng thì có thể).
    Hình ảnh những con vật như rồng, mèo, gà, dê... thực ra để ám chỉ đến câu tục ngữ "ăn rồng cuốn, nói rồng leo, làm mèo mửa" mà thôi.
    Còn nữa, mình không nhớ rõ đây là bài thơ hay ca dao. Nhưng mình nghĩ, người làm bài này thật ra cũng không để ý đến trạng thái tĩnh - động như bạn suy nghĩ đâu. Bởi đọc bài thơ thì có thể dễ dàng nhận ra tư duy khá chất phác của người sáng tác.
    Được nguvanbaochi sửa chữa / chuyển vào 16:08 ngày 23/12/2008
    Được nguvanbaochi sửa chữa / chuyển vào 16:09 ngày 23/12/2008
  4. vxyNNS

    vxyNNS Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/02/2008
    Bài viết:
    877
    Đã được thích:
    1
    Bài này làm cái liên tưởng hơi...vớ vẩn...
  5. tieudien

    tieudien Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/12/2008
    Bài viết:
    18
    Đã được thích:
    0
    .....dựng đòn tay
    Bào trơn đóng bén....
    Dê chầu?
    Rồng ấp, rồng leo?
    Bắt chuột, leo xà?
    Trên gà mái, dưới gà con?
    Hehe
    Dựng, bào, đóng, chầu, ấp, leo, bắt, trên, dưới...
    Đúng là anh thợ mộc ?. khéo thật.
    Ỡm ờ thế này mà cũng cho là nghiêm túc đưa vào SGK kể cũng ...tài.
    Mấy ông cố tìm ý tưởng trong mấy con vật rồng, dê, mèo, gà,... mà anh thợ mộc dùng để chuyên chở những từ ẩn ý cho việc bào trơn đóng bén lại càng tài hơn.
    Được tieudien sửa chữa / chuyển vào 10:04 ngày 27/12/2008
  6. HanDiep

    HanDiep Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/05/2006
    Bài viết:
    372
    Đã được thích:
    0
    Anh là thợ mộc Thanh Hoa,
    Làm cầu, làm quán, làm nhà... khéo thay!
    Lựa cột anh dựng đòn tay,
    Bào trơn đóng bén nó ngay một bề.
    Bốn cửa anh chạm bốn dê
    Bốn con dê đực chầu về tổ tông,
    Bốn cửa anh chạm bồn rồng,
    Trên thì rồng ấp, dưới thì rồng leo.
    Bốn cửa anh chạm bốn mèo,
    Con thì bắt chuột, con leo xà nhà.
    Bốn cửa anh chạm bồn gà,
    Đêm thì nó gáy, ngày ra ăn vườn.
    Bốn cửa anh chạm bốn lươn,
    Con thì thắt khúc, con trườn bò ra.
    Bốn cửa anh chạm bốn hoa,
    Trên là hoa sói, dưới là hoa sen.
    Bốn cửa anh chạm bốn đèn,
    Một đèn dệt cửi, một đèn quay tơ.
    Một đèn đọc sách ngâm thơ,
    Một đèn anh để đợi chờ nàng đây.
    Thực ra bài ca dao này chính là một lời tâm sự, một lời "tỏ tình khéo" của chàng trai đến cô gái mà anh ta đã đem lòng thương nhớ mà thôi.
    Bạn gì nói là đúng là không ai lại chạm mèo, gà, dê, lươn vv cả nhưng thực ra đó là những con vật gần gũi với đời sống hàng ngày của người dân Việt nam xưa kia nhất. Nó gợi lên cuộc sống đầm ấm no đủ của một gia đình chăm chỉ làm ăn. Đến như con rồng cũng không phải uy nghiêm cầu kỳ như "lưỡng long chầu nguyệt" mà là "rồng ấp, rồng leo" thôi. Từ những con vật thường ngày, chuyển đến hoa sen hoa sói cũng rất quen thuộc ở làng quê anh thợ mộc chuyển sang chạm đèn. Đèn dệt cửi, đèn quay tơ, đèn đọc sách và đèn thứ 4 cũng là đèn cuối là anh "thắp" để đợi nàng, chờ nàng gật đầu ưng thuận là anh rước nàng "về dinh" ngay lập tức...Thật ranh mãnh và cũng rất tình tứ như anh chàng đã "đãng trí bỏ quên áo trên cành sen" ở bài ca dao kia...
    @ chủ topic: bỏ qua trạng thái động-tĩnh mà nhấn mạnh đến hoạt động (ấp và leo đều là động từ) của rồng thì sao?
  7. nguvanbaochi

    nguvanbaochi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2007
    Bài viết:
    2.607
    Đã được thích:
    8
    Khen tài năng người thợ mộc, lời tỏ tình khéo léo... như tôi đã nói, đó là cách mà giáo viên vẫn giảng cho HS. Cũng không có gì phải bàn cãi về điều đó cả.
    Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng quan điểm ngầm chê anh thợ mộc bất tài không phải là không có lý. Bởi vì sao? Bởi nếu nó là một lời tỏ tình, thì e là quá mộc mạc, thô vụng chứ không được duyên dáng như: "Hôm qua tát nước đầu đình, bỏ quên cái áo trên cành hoa sen".
    Mà dân gian ta, nói đến tình yêu, thì kín đáo và ý nhị ghê lắm!
    Tuy nhiên, chúng ta không thể giảng cho học sinh như thế, mà nó chỉ là một hướng để nghiên cứu thôi. Để đưa ra một kết luận hoàn toàn ngược lại với những gì vẫn nói từ trước đến nay thì cần phải có thời gian.
    Trường hợp này giống như bài "Bạn đến chơi nhà" của Nguyễn Khuyến:
    Đã bấy lâu nay bác đến nhà
    Trẻ thời đi vắng chợ thời xa
    Ao sâu nước cả khôn chài cá
    Vường rộng rào thưa khó đuổi gà
    Cải chửa ra hoa cà mới nụ
    Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa
    Đầu trò tiếp khách trầu không có
    Bác đến chơi đây ta với ta.
    Giáo viên sẽ giảng cho HS thế nào? Chắc chắn là một tình bạn cao cả vượt ngoài vật chất thông thường. Nhưng thử phân tích theo hướng khác nhé!
    Vẫn biết nhà Nho xưa thì ai cũng nghèo, nghèo nhưng rất trọng bạn văn. Việc đến nhà nhau chơi, ở lại dăm bữa nửa tháng là chuyện hết sức bình thường thời. Còn chủ nhà, dù không có gì trong nhà, vẫn có thể cố gắng để đàng hoàng thết bạn cơm ba bữa với rượu.
    Vậy mà Nguyễn Khuyến lại kể lể đủ thứ khó khăn, thậm chí đến "miếng trầu là đầu câu chuyện" cũng không có-điều hết sức vô lý, vì nó là phong tục tập quán ở người dân Việt Nam. Mình ở quê thì biết, ngày xưa, miếng trầu têm sẵn để trong nhà nó đơn giản như việc trong bình có nước vậy.
    Nguyễn Khuyến như thể bày sẵn lên một mâm cỗ ngon lành "gà, cá, rau..." trước mặt khách, để rồi lại sai dọn đi vậy!
    Phân tích này dựa trên cơ sở: Người khách trong bài thơ này, vốn là một người mà Nguyễn Khuyến rất ghét, tuy cùng là nhà Nho, nhưng ông ta nấu rượu (ngày xưa nhà Nho mà làm giầu thì bị coi là Nho trọc). Nguyễn Khuyến cũng ngầm chửi ông ta qua một bài thơ khác là "Đến thăm bạn lụt" (mình không nhớ chính xác tên bài thơ này).
    Và sau bài thơ "bạn đến chơi nhà", hai người tuyệt giao hẳn. Mới thấy là Nguyễn Khuyến thật "thâm Nho".
    Tất nhiên đây là chuyện bên lề làng văn. Đây cũng không hẳn là cơ sở để khẳng định chắc chắn điều mình đã phân tích ở trên. Nhưng qua đó để thấy rằng, có thể có nhiều cách hiểu, có những uẩn khúc hoặc những "nghi vấn văn học" cần làm sáng tỏ.
    Bởi một tác phẩm, có thể có nhiều cách hiểu, và cần nghiên cứu chúng trong sự tương quan với lịch sử, trong hoàn cảnh cụ thể để có được một cái nhìn toàn diện, bao quát và sâu sắc hơn.

    Được nguvanbaochi sửa chữa / chuyển vào 13:49 ngày 31/12/2008
  8. HanDiep

    HanDiep Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/05/2006
    Bài viết:
    372
    Đã được thích:
    0
    Tôi chưa được giảng về bài ca dao này mà ý kiến của tôi chỉ hoàn toàn xuất phát từ cảm nhận cá nhân mà thôi.
    Đồng ý là trong dân gian có những câu tỏ tình rất kín dáo và ý nhị, nhưng cũng không thiếu những lời rất thẳng thắn:
    "Đường xa thì thật là xa,
    Mượn mình làm mối cho ta một người.
    Một người mười chín, đôi mươi,
    Một người vừa đẹp, vừa tươi như mình"
    đôi khi còn "thô hơn nữa"
    "Cô kia áo trắng lòa lòa,
    Lại đây đập đất, trồng cà với anh.
    Bao giờ cà chín, cà xanh,
    Anh cho một quả để dành mớm con"
    Cá nhân tôi cho rằng câu
    Bốn cửa anh chạm bốn đèn,
    Một đèn dệt cửi, một đèn quay tơ.
    Một đèn đọc sách ngâm thơ,
    Một đèn anh để đợi chờ nàng đây.
    tuy chưa ý nhị văn hoa như "trên cành hoa sen" nhưng cũng không đến mức thô vụng như bạn đã nói đâu.
    Thông tin này cũng lý thú đấy nhưng nếu bạn đưa ra được chứng cớ xác thực hơn - cụ thể là danh tính người bạn và cả nội dung bài thơ thứ hai thì sẽ thuyết phục hơn.
    Riêng tôi lại cho rằng Nguyễn Khuyến đã vượt qua nhưng nghi lễ thông thường như bạn đến chơi nhà phải "cơm rượu đãi đằng" hay ít ra cũng có miếng trầu cho thêm phần đậm đà. (Khi NK từ quan đã sống rất thanh đạm, hệt như một người dân nghèo". Đọng lại cuối cùng là một tình bạn nồng hậu, lấy chân tình để đãi chân tình mà thôi.
  9. tieudien

    tieudien Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/12/2008
    Bài viết:
    18
    Đã được thích:
    0
    Nếu hiểu 1 cách trong sáng thì đúng như bạn Hàn Diệp. Nhưng với tớ lại thấy khác.
    Anh là thợ mộc Thanh Hoa,
    Làm cầu, làm quán, làm nhà... khéo thay!
    2 câu đầu tự giới thiệu bản thân: quê quán (Thanh Hoa), nghề nghiệp (thợ mộc), chuyên môn (làm cầu, làm quán, làm nhà), tay nghề (khéo), quả không có gì đường hoàng rõ ràng hơn.
    Nhưng ngay sau đó, anh chàng này đã khiến người nghe nghi ngờ những điều anh nói:
    Lựa cột anh dựng đòn tay,
    Công việc xây nhà xưa kia với 1 anh thợ mộc nếu đúng phả là: dựng cột, gác đòn tay. Việc anh dựng đòn tay quả là đáng nghi tất cả sự giới thiệu anh là thợ khéo ở trên. Nhưng ngay câu tiếp theo nghi vấn đã được hé lộ:
    Bào trơn đóng bén nó ngay một bề.
    Bào trơn đóng bén - Câu thành ngữ này mượn việc thổ mộc để ám chỉ tính giao (tự nhiên bật cười nhớ lại truyện Mảnh đất lắm người nhiều ma cũng dùng thành ngữ này cho sinh hoạt của vợ chồng bà Son ). Đến đây, hóa ra dựng đòn tay ám chỉ 1 trong những bước trước khi bào trơn đóng bén nó ngay 1 bề mà thôi .
    Bốn cửa anh chạm bốn dê
    Bốn con dê đực chầu về tổ tông,
    Bốn cửa anh chạm bồn rồng,
    Trên thì rồng ấp, dưới thì rồng leo.
    Bốn cửa anh chạm bốn mèo,
    Con thì bắt chuột, con leo xà nhà.
    Bốn cửa anh chạm bồn gà,
    Đêm thì nó gáy, ngày ra ăn vườn.
    Bốn cửa anh chạm bốn lươn,
    Con thì thắt khúc, con trườn bò ra.
    Bốn cửa anh chạm bốn hoa,
    Trên là hoa sói, dưới là hoa sen.
    Bốn cửa anh chạm bốn đèn,
    Một đèn dệt cửi, một đèn quay tơ.
    Cả 1 khổ dài mà anh thợ này huyên thuyên nói gần nói xa chẳng qua là nói...vòng vèo. :
    Chầu, ấp, leo, bắt, trên, dưới... - 1 lần nữa, những từ ám chỉ tính giao được anh thợ khéo léo gài ***g vào việc mộc. Trước kia, việc chạm khắc cho công trình gì, cho ai... được qui định chặt chẽ, nhưng anh bất chấp . Anh chạm tuốt tuột, từ dê đến gà, từ rồng đến lươn, từ mèo đến chuột, từ hoa đến đèn chả gì k chạm miễn là chuyển tải được ý của anh.
    Đến câu chốt cuối cùng sau một hồi chỉ trăng nói đèn, chỉ mây nói gió mới thật là tài:
    Một đèn anh để đợi chờ nàng đây.
    Sao hẹn không phải là ban ngày, không phải là nơi trăng thanh gió mát, không phải vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa. Một đèn anh đợi - chưa phải vợ chồng mà sao lại hẹn tại phòng riêng lúc tối trời 1 cô gái k hề được nhắc tới chỉ hiện lên bởi 1 từ nàng duy nhất cuối câu. Quả là 1 cái bẫy đã được giăng sẵn chờ đợi người nhẹ dạ. E rằng, nếu cô gái y hẹn mà đến sẽ lâm vào cảnh:
    Đèn thương nhớ ai mà đèn không tắt
    Mắt thương nhớ ai mà mắt không khô
    mà thôi.
    Viết thêm:
    Đọc lại 1 lần nữa tự nhiên lại bật cười bởi anh thợ lém lỉnh này:
    Lươn thì thắt khúc rồi thì bò trườn ra . Ám chỉ....
    Gà thay vì gáy sáng lại... gáy đêm. Nhớ đến câu:
    Nửa đêm gà gáy o o
    Hỡi người quân tử kia bò đi đâu.
    Nhưng nếu giảng cho học sinh hay mấy cô đầu óc trong sáng thì nên hiểu theo cách bạn HD. Thật đấy .
    Được tieudien sửa chữa / chuyển vào 07:15 ngày 03/01/2009
  10. nguvanbaochi

    nguvanbaochi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2007
    Bài viết:
    2.607
    Đã được thích:
    8
    1. Về bài ca dao.
    Cái câu "một đèn anh để đợi chờ nàng đây" tất nhiên là không thô vụng rồi. Nhưng nếu xét cả bài thơ, thì cái cách dẫn dắt để kết bằng câu tỏ tình thì quả là vụng về.
    Những câu ca dao mà bạn đưa ra không phải là thô vụng, mà phải nói là thẳng thắn, mộc mạc đúng với bản chất của người nông dân Việt Nam. Thẳng thắn, mộc mạc nhưng cũng hết sức duyên dáng đấy chứ, có thô chút nào đâu?
    @ bạn Tieudien: Bạn nói có ý đúng, tuy nhiên cái mà bạn gọi là " tính giao-hợp" ấy không xuất phát từ ý thức (có nghĩa là người sáng tác không hoàn toàn ý thức được cách diễn đạt của mình). Mà vì Việt Nam vốn có văn hoá "phồn thực", văn hoá này được thể hiện rõ trên văn hoá của trống đồng Đông Sơn (tư thế của người nam và người nữ). Rất nhiều nơi còn thờ sinh thực khí của nam nữ, và nó cũng thể hiện rất rõ nét trong thơ Hồ Xuân Hương.
    Cái văn hoá phồn thực ấy ngấm vào con người một cách vô thức, bởi vậy mà không chỉ "anh là thợ mộc Thanh Hoa", mà rất nhiều bài thơ hay ca dao khác cũng mang đậm dấu ấn của loại hình văn hoá này.
    2. Về "Bác đến chơi nhà" của Nguyễn Khuyến
    Tên của nhà Nho - ông bạn mà Nguyễn Khuyến ghét, là Bùi Văn Quế (quê ở Từ Liêm). Trước đây hai người là đồng môn, cùng đỗ đạt, rất thân với nhau theo lối thế gia.
    Khi về làng, Nguyễn Khuyến dạy học, Bùi Văn Quế bốc thuốc. Nhưng sau đó ông ta kiêm thêm nghề trồng nếp cái nấu rượu và nuôi lợn cái lấy lãi. Với nhà Nho thì đó là những nghề ô trọc, không chấp nhận được.
    Nguyễn Khuyến đã đánh tiếng chê Bùi Văn Quế, Bùi Văn Quế lặn lội đến nhà Nguyễn Khuyến thanh minh thì Nguyễn Khuyến làm bài thơ "Bạn đến chơi nhà" như một cách "dắt chó tiễn khách".
    Hãy chú ý đến câu "bác đến chơi đây ta với ta". Hai người ở thế đối lập nhau đấy, nó có nghĩa "ông mà tử tế thì tôi cũng tốt đẹp, còn nếu không thì tôi cũng không khách sáo".
    Nếu như Tú Xương là tiếng cười quyết liệt, thì Nguyễn Khuyến là tiếng cười vô cùng thâm thuý, sâu sắc. Nên nếu hiểu thơ Nguyễn Khuyến theo bề nổi, thì sợ là chưa đi đến tận cùng những lớp ý nghĩa mà nhà thơ gửi gắm.
    Hơn nữa, Nguyễn Khuyến là nhà Nho, nhưng thuộc hàng "phú Nho" (theo "Văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20 đến 1945"). Hãy để ý xem, cái gì Nguyễn Khuyến cũng có ("gà, cá"), vườn thì đủ các loại rau, kể cả tiền để đi chợ (nhưng không đi được vì "trẻ đi vắng"). Thứ ăn ngay cũng có, mà đợi một thời gian nữa cũng có (các loại rau). Vậy nên cái cớ là "vườn rộng rào thưa" và "ao sâu nước cả" có vẻ như vô lý.
    Sau bài thơ này, Nguyễn Khuyến có làm bài "Lụt hỏi thăm bạn":
    Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu
    Lụt lội năm nay bác ở đâu?
    Mấy ổ lợn con rày lớn bé
    Vài gian nếp cái ngập nông sâu
    Phua thua suy tính càng thêm thiệt
    Tuổi cả chơi bời hoạ sống lâu
    Em cũng chẳng no mà chẳng đói
    Thung thăng chiếc lá rượu lưng bầu.
    Lụt lội "em" thì uống rượu đi chơi thong dong, khổ thân bác phải lo lắng nào lúa, nào lợn... Phen này thì trắng tay.
    Thâm thế đấy! Và tất nhiên, sau cú đánh này nữa thì 2 ông tuyệt giao hẳn.

Chia sẻ trang này