1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

"Hợp tuyển văn box Du lịch 2010 - Quyển số 4 - Link download trang 8" nhé.

Chủ đề trong 'Kho tư liệu của Box Du lịch' bởi ga_ru_21, 20/09/2010.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. thuongbr0k

    thuongbr0k Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/03/2009
    Bài viết:
    55
    Đã được thích:
    0
    Deadline rồi, hy vọng mình còn kịp ^^
    Bài 1:

    Lào – hành trình đi tìm quá khứ


    Khi mới biết đọc, biết viết tôi rất thích vẽ những ngôi nhà có vườn hoa lên tường, nhưng đặc biệt tôi lại thích viết những ký tự lạ lùng vào bất kỳ cuốn sổ nào có bìa đẹp và cuốn nhật ký của bố đã trở thành một nạn nhân điển hình.

    Ngày … tháng … năm 197…
    Đoàn quân tiến vào đất Lào, một nơi đầy nắng và gió …


    Chả hiểu sao sau hơn 20 năm, dòng chữ mà tôi nhớ nhất trong cuốn nhật ký của bố chỉ vỏn vẹn có một câu. Nhưng cũng từng ấy năm, Lào trong tôi là một nơi mà tôi ước ao được bước đi trên mảnh đất đầy nắng và gió đó, ước ao được viết lại cuốn nhật ký của bố với cái nhìn của tôi.

    Hơn 30 năm sau khi bố tôi viết những dòng trên, chuyến đi của tôi được bắt đầu.

    Chuyến xe khách đưa chúng tôi vào đất Lào từ cửa khẩu Cầu Treo, khi vừa đặt chân xuống thị trấn LakSao, tôi đã được đón chào bằng cái nóng bức, oi ả phả vào mặt, lúc đó tôi đã lên tinh thần cho hành trình phía trước sẽ là một chuỗi những ngày nắng nóng như thế.

    Ngày …tháng 04 năm 2010
    Mekong mùa nước cạn


    Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Vientaine, thủ đô được ngăn cách tự nhiên với Thái Lan bằng dòng Mekong. Những tưởng tôi sẽ gặp một Mekong mênh mang nước như ở Việt Nam, nhưng sao mùa này nước cạn quá, nhiều bãi cát lớn cứ kéo dài dọc theo bờ sông, những đống đá nằm ngổn ngang trên bờ. Phía bên kia biên giới, cảm giác chỉ bơi là cũng có thể sang đến đất Thái mà không khó khăn gì. Còn sát bờ là con đường đất đỏ được san phẳng để chúng tôi có thể đi dạo vào buổi tối đầy gió.

    Ngày … tháng 04 năm 2010
    Kayak trên dòng Nam Song


    9h sáng, Vang Vieng thử thách ý chí của chúng tôi bằng một trận mưa lớn trên đường ngược sông Nam Song để chèo kayak. Ngồi co ro trên xe và phân vân không biết lựa chọn này có chính xác không, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng và vẫn đi. Đến điểm dừng chân, mưa đã tạnh hẳn và trời bắt đầu hửng nắng, chúng tôi học sơ qua một vài động tác và bắt đầu chinh phục dòng Nam Song để trở về Vang Viêng. Sông Nam Song có những đoạn quá đỗi yên bình với hai bên là rừng cây xanh mướt, dòng nước thì cứ yên ả trôi, thi thoảng tôi lại dừng chèo để nằm ngắm những đám mây trắng bồng bềnh, mây hồng hờ hững bay cao trên trời. Không chỉ có thế, dòng Nam Song đôi khi chào mừng những tay chèo ít kinh nghiệm với gềnh đá, với những khúc cua mà có thể nước đẩy thuyền va vào bụi gai phía bên kia bờ. Nhưng điều đó lại làm chúng tôi thêm hào hứng, mong muốn được đối đầu với những khó khăn, thử thách trước mắt. Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến kayak đầu tiên, những cú nhảy jumping đầu tiên từ độ cao hơn chục mét xuống nước, không thể quên nụ cười rạng rỡ của người dẫn đường đã đi suốt hành trình trên sông ngày hôm đó.

    Ngày … tháng 04 năm 2010
    Đêm trăng trên đèo


    Chuyến xe đêm đưa chúng tôi từ Vang Vieng lên Luang Prabrang vòng qua vô số đèo dốc. Tôi luôn cảm thấy lo lắng khi đi những chuyến xe đêm như thế này, một thói quen của tôi là căng mắt nhìn thật xa vào bóng đêm như để tìm kiếm nhưng cũng chẳng biết mình tìm gì, đôi khi tôi thấy ánh trăng tròn vành vạnh cứ dập dình bên cửa sổ, đôi khi lại thấy trăng như dẫn đường cho xe chạy. Nửa đêm, trăng đã lên cao đến đỉnh, xe giảm dần tốc độ để xuống dốc, tôi phóng tầm mắt ra xa thì thấy một thung lũng dát vàng ánh trăng với rừng cây xanh thẫm trải dài với những ngọn núi nhấp nhô xa xa, phía trước là một đoạn đèo được điểm sáng bằng đèn pha ô tô lượn quanh triền núi ôm lấy từng khúc cua rồi biến mất trong bóng đêm.

    Ngày … tháng 04 năm 2010
    Lạc giữa cánh đồng chum Xiêng Khoảng


    Trải dài trước mắt chúng tôi giờ đây là một khoảng đồi cỏ xanh mướt mà khi lên tới đỉnh đồi thì có thể bao quát cả một vùng rộng lớn với núi non trùng điệp. Từ triền đồi này nối liền với triền đồi khác là những chiếc chum có hơn một nghìn năm trước. Cái nào cũng loang lổ màu rêu chết khiến tôi cứ lang thang như lạc vào quá khứ xa xưa, vào thế giới của người Mon-KhMer để hỏi họ về sự tích những chiếc chum to lớn mà lạ lùng. Cứ bước về phía trước, tôi chợt bắt gặp những hố bom, chính chúng đã kéo tôi từ xa xưa trở lại hơn ba mươi năm trước, với những trận đánh, những quả bom của quân Pháp đổ xuống mảnh đất này. Chợt nghe đâu đó tiếng gọi của bạn, tôi trở về với thực tại, với ráng chiều phía cuối chân trời. Mặt trời đã xuống núi rồi, phía đó giờ đây chỉ còn đỏ quạch một dải nắng, gió đã bắt đầu lạnh thêm, màn đêm buông xuống lặng lẽ nơi phố núi đầy những điều diệu kỳ.

    Với tôi, giờ đây Lào không chỉ có nắng, gió mà còn có những điều kỳ bí, những nụ cười của con người và những kỷ niệm không bao giờ quên.

    Ngày 30 tháng 04 năm 2010
    Tôi, tự hào đứng trên mảnh đất mà bố và đồng đội đã đi qua.
  2. thuongbr0k

    thuongbr0k Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/03/2009
    Bài viết:
    55
    Đã được thích:
    0
    Bài 2:

    Đêm mưa ở Luang Prabang

    Phía sau những con phố sầm uất đông nghịt khách du lịch là dòng Nam Khan đang uốn những khúc cuối để hòa chung với sông Me Kong.

    Nếu đứng trên bờ vào buổi trưa ta sẽ có cảm giác yên bình với gió mát dịu nhẹ, với những vệt nắng chiếu xiên qua bên kia bờ, nhưng khi thả bộ xuống dưới thì mới có thể nghe và thấy tiếng trẻ con cười đùa rộn ràng, chúng thi nhau bơi lội, hò hét và í ới gọi nhau trên một khúc sông vắng. Trên đó một đoạn, vài người câu cá đang đứng ở dìa sông và cố quăng cần ra thật xa, hoặc có người bủa lưới để cố bắt được những con cá béo, thi thoảng lại có chiếc thuyền gỗ lững lờ xuôi dòng.

    Đáp lại cái oi bức của khí trời vào buổi chiều là cơn mưa dai dẳng từ chập tối đến tận nửa đêm. Nếu có vội vàng chạy khỏi phố chính để tránh mưa có thể bất ngờ ta được đối diện với Nam Khan, thì một cơn mưa nhỏ cũng khiến ta phải dừng bước để ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, không, đó không còn là cảnh vật nữa, đó là một bức tranh động mà tĩnh, dữ dội mà yên ả. Con đường dưới chân đột nhiên dài hun hút được nhấn cách đều nhau bằng những ngọn đèn vàng. Phía bên này sông là dãy nhà gỗ nằm sát nhau sau những bức tường cây xanh thẫm điểm vài khóm hoa giấy hay hoa phong lan. Hai bờ sông Nam Khan được nối liền với những chiếc cầu treo nhỏ đang đung đưa trong gió như nối từ thực tại tới một điểm vô tận trong bóng tối. Nước sông Nam Khan ban ngày hiền hòa là thế mà giờ đây đầy những xoáy nước đua nhau cuộn thành những vòng tròn nhỏ. Mưa bắt đầu nặng hạt hơn, dưới ánh đèn những hạt mưa thi nhau rơi xuống tạo thành dòng chảy loang loáng trên mặt đường. Bức tranh của tôi còn có cô gái mặc váy đỏ đang đứng một mình đưa tay ra hứng những giọt mưa. Về đi thôi khi những chiếc đèn đã tắt, về đi thôi khi gió đã thổi mạnh, về đi thôi khi những giọt mưa đã làm ướt nhòa khuôn mặt, thế nhé, bức tranh tự nhiên lại trở về một mình.

    Đêm mưa ở Luang Prabang, cứ men theo những bức tường phủ đầy cây và hoa, ta sẽ nghe thấy tiếng sông Nam Khan đang chảy xết, tiếng mưa rơi bên đường, hãy đi thật chậm để thấy gió đưa mùi hoang hoang hoải của đất, của rừng cây quấn quanh người.

    Lạ quá một đêm mưa ở Luang Prabang!
  3. thuongbr0k

    thuongbr0k Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/03/2009
    Bài viết:
    55
    Đã được thích:
    0
    Bài 3:

    Sơn Trà nơi tiếng cười lẫn vào mây

    Sơn Trà một buổi chiều đầy nắng, chúng tôi vòng vèo theo triền núi lên trên bán đảo, bỏ lại thành phố ở phía sau. Từ lưng chừng núi là có thể nhìn thấy thành phố nhộn nhịp nằm sát biển xanh bao la, bên này là những dãy núi chạy dài ra biển như vòng tay ôm lấy biển và thành phố vào lòng.

    Lên cao hơn, chúng tôi bắt gặp những đám mây mù che lấp con đường. Muốn chạm tay vào mây, muốn ôm lấy mây như mây đang ôm núi, thế giới của chúng tôi lúc này là mây, cùng đùa nghịch với mây và cứ thế chỉ còn nghe thấy tiếng cười, tiếng cười lẫn vào mây. Rồi bất chợt mây tan ra nhẹ nhàng, những nụ cười xuất hiện trở lại với những chiếc khăn rực rỡ sắc màu tung bay dưới ánh mặt trời.

    Hoàng hôn đang chiếu những tia nắng cuối ngày xuống thành phố, thành phố thấp thoáng ánh đèn xa xa; những tia nắng chiếu xuống biển, biển ánh lên những mảng màu vàng rồi bất chợt lại tan ra, vỡ thành sóng nước dập dềnh. Rồi mặt trời xuống núi, chúng tôi cứ đứng nhìn, như thấy thời gian ngưng lại, cái ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối nhòa lẫn vào nhau rồi bóng tối ôm trọn lấy biển, lấy núi và cả thành phố. Khi bất chợt nhận ra mặt trời đã biến mất thì ánh mắt tôi bắt đầu đi tìm những áng mây, chúng đang hờ hững trải dài từ thành phố ra đến biển rồi vòng qua bên kia triền núi.

    Và thế là những nụ cười đang bỏ mây bỏ núi về thành phố về với bãi cát trải dài bên bờ biển.

    Đà Nẵng, tháng 11/2009
  4. thuongbr0k

    thuongbr0k Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/03/2009
    Bài viết:
    55
    Đã được thích:
    0
    Hi hi, chả biết có được đăng bài nào không nhỉ?
  5. taxi101080

    taxi101080 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2008
    Bài viết:
    258
    Đã được thích:
    0
    Mình post hộ bạn mình một bài.


    XISHUANGBANNA tươi đẹp chẳng giữ được chân ba
    Thượng Hải phồn hoa nhưng con chẳng có nhà....

    NHẬT KÝ CHUYẾN DU LỊCH BỤI XISHUANGBANNA (Tác giả: Nguyễn Anh Thư)

    Từ bé mình đã thích những chuyến đi xa. Nhiều khi, đến gần ga hoặc thấy tàu đang chạy là mình lại ước đang ngồi trên con tàu đó, chỉ để đi, đi và đi. Tuy cũng thích nhưng đầu năm Canh Dần mới thực hiện được chuyến đi du lịch bụi đầu tiên – đi Xishuangbana. Về nhà, tự nhiên hứng thú ngồi ghi lại một vài nét về chuyến đi này.

    - Tối mùng 3 Tết lên tàu: 10h05 tàu chạy.
    So với buổi off line lần cuối, số thành viên đoàn đã tăng gấp đôi, từ 4 lên 8 người, bao gồm: Bạn Tuấn Anh - trưởng đoàn, Chị Quế Thanh, Bạn Sơn, Bạn Nga, Bạn Tuấn Linh, và 2 em Phượng, Hạnh và mình – Anh Thư. Trong đoàn, chỉ có mình và em Hạnh là “người mới”, còn lại mọi người đều đã quen nhau và là dân du lịch bụi có thâm niên. Nghe mà ghen tị. Sau những hỏi han thì mới thấy thế giới thật nhỏ và các mối quan hệ thiệt là chằng chịt. Nhưng nhờ đó, đoàn chúng ta quen nhau và có chuyến đi chơi này. Tạ ơn trời đất.

    Lên tàu, mình ngồi cạnh Sơn và đối diện chị Thanh.
    Trời ơi, 2 ghế cứng cuối toa, gần ngay toalet. Vô cùng “đại tiện” lợi. Hương hoa thơm ngát từ thiên nhiên. Bạn Tuấn Linh cẩn thận phát cho mấy người khẩu trang, bảo là để chống em “rau mùi”. Hứ, thế mà không phát cho những người cần nhất là chị Thanh, Sơn và mình. Ghi sổ rồi nhé.
    Đêm trên tàu, trời ơi là lạnh. May mà mình vác theo cái khăn len của mẹ, không chắc biến thành cục thịt đông lạnh mất. Đề nghị Chị Thanh, Sơn cảm ơn mình đi nhé. Cái chăn chia 3.
    À há, hôm nào phải đề nghị Sơn phát biểu cảm tưởng về cặp giò trứ danh của chị Thanh, sau 1 đêm bên nhau mới được. Theo cảm quan “lọ mọ” (tối mò mò, đông cứng cả người vì lạnh) thì đó là một cặp barie có độ dài vừa phải (đủ để vắt từ ghế đối diện sang ghế đối diện), thỉnh thoảng lại ngọ ngoạy, ơ mà tự tìm vào chỗ ấm. Thế có sướng không cơ chứ!

    Giữa đêm, có 03 em “vé phụ” lên tàu, ngồi đúng ghế chị Thanh, mình và Sơn mới đau chứ. Úi chà, 03 nhân trên 01 cái ghế gỗ. Đau khổ. Được cái đoàn mình toàn người tốt tính, không ai phản đối gì, nhẫn nhục, lầm lũi ngồi dịch vào để đón 3 người mới (“Mỵ lầm lũi như con rùa đen trong xó nhà” - trích “Vợ chồng A phủ”). Đêm tối, trời lạnh, ghế chật, tình người đột ngột trở nên ấm áp. Chị Thanh ngồi trong cùng, tựa đầu vào chị gái ngồi giữa, ngủ ngon lành. Bà chị ngồi giữa và chị ngồi ngoài cùng ôm cứng lấy nhau để cùng ngủ gật. Khó hiểu! Quen hay không quen nhau không nhỉ? Bên ghế mình đời còn thảm hơn thế. Bạn Sơn vốn bé nhỏ, chỉ chiếm diện tích ngang một con khủng long là cùng. Bình thường ngồi 2 người đã thấy .... tạm đủ. Bi giờ thì xong đời. Mình bị ép bẹp dí vào thành tàu, theo chiều hơi nghiêng nghiêng. Cấm có nhúc nhích được. Thậm chí muốn lôi cái găng tay ở túi áo cạnh sườn cũng không xong. Cha mẹ ơi. Mỗi lần tàu dừng, mình lại tranh thủ đứng lên ra ngoài vặn vẹo một chút. Không biết có nên nói là qua khó khăn mới thấy chân tình, qua hoàn cảnh mới thấy người tốt không. Khách quan mà nói: Sơn hơi quá tốt! ôm chặt “em gái” mới lên tàu, để cho em giấc ngủ ngon (hummm, chả biết gã có ý đồ gì mờ ám không!?). Sơn thì không biết có ngủ được không. Thỉnh thoáng lại lo “em gái” bay xuống đất nên lại ngồi dịch vào một tí. Người mình càng ngày càng mỏng lại thì phải. Humm, đứng từ góc độ của mình, làm bạn với “người tốt” trong hoàn cảnh này chả thú chút nào cả. Thà làm “người xấu” còn hơn.

    Đêm cứ thế trôi qua cùng giấc ngủ chập chờn....với sự ê ẩm và cả những hồi hộp về chuyến đi chơi với những người bạn mới. Mình không quan tâm nhiều đến điểm đến như thế nào mà băn khoăn hơn là liệu mọi người có chấp nhận mình không? liệu mình có hòa nhập được không hay chỉ là những ngày dài im lặng. Thế thì phí cả chuyến đi. Hôm off line, mình cũng cảm thấy mọi người nói chuyện với nhau khá là thoải mái, nhưng liệu khả năng “dung nạp” người mới đến đâu. (Có lẽ do mình chưa quen với việc tự tập hợp theo các loại nhóm, nên hơi quá lăn tăn về việc này, chứ chả mấy người quan tâm).

    - Sáng mùng 4 đến Lào Cai.
    Đến ga, “em gái” của Sơn gọi chồng ra đón. Câu chuyện “chuyến tàu đêm” với những cảnh quay lãng mạn, gay cấn và nhiều “đau …………………………..mỏi” của những người trong cuộc đã kết thúc như thế, vào một buổi sáng mù sương, lạnh giá. Một bối cảnh hết sức rò man tíc. Một cái kết vô nhẹ nhàng, hợp lý, đầy hơi thở của cuộc sống thực tiễn. Những người trong cuộc đều cảm thấy phấn khởi, vì “chuyện tình cảm 1 đêm” đã kết thúc có hậu: tàu đến ga, mình chia tay nhau và nếu có gặp lại thì hãy …….. trên một chuyến tàu mềm nằm nhé. Đó có lẽ là cảm giác sau cùng của 6 diễn viên, bao gồm cả 2 nhân vật nam nữ chính và 4 nhân vật phụ.

    Hehe. Ngáp một cái. Dụi mắt mấy cái cho tỉnh táo nào.

    Đau hết cả người vì ngồi ghế cứng cả đêm, cộng thêm bị chèn ép, người bẹp như cái bánh mì ta vứt ở góc balo. Đến giờ vẫn còn thấy khiếp. Chị Thanh và Sơn có lẽ cũng chả khá hơn mình. Tuy nhiên chắc vì đi nhiều nên cũng quen, chả có ý kiến gì. Sau buổi tối khó quên đó, mọi lần di chuyển khác trong chuyến đi đều trở thành “chuyện nhỏ không có gì đáng phải ầm ĩ”.
    Sáng ra Nga bảo là tối qua sang hỏi thăm mình, thấy mình yên ổn rồi mới yên tâm về chỗ ngủ ngon. (hình như mình còn gục gặc đầu trả lời cơ mà). Bạn Nga thiệt là nhiệt tình, cẩn thận, tốt bụng. Sợ mình đi du lịch bụi lần đầu, không chịu được khổ nên quan tâm hơn.
    Lạnh cắt da cắt thịt. Khoác thêm cái khăn len của mẹ. Mọi người nhìn mình lạ lẫm, hình như hơi buồn cười thì phải (mà vì còn lạ nên tế nhị không nói gì). Chắc không quen nhìn đứa nào đi du lịch bụi có 4 ngày mà vác cả cái ba lô to tổ bố đi cùng, lại còn khoác cái khăn trông giống cái chăn nữa chứ. Kệ em. Em mới đi lần đầu mà. Lần sau sẽ rút kinh nghiệm.

    Đón xe điện lên cửa khẩu. Mất khoảng 2 tiếng làm các loại thủ tục thông quan. Đến khoảng 10h là đã đặt chân lên đất Trung Quốc. Hai bên biên giới mà bên Tàu có vẻ ngon lành hơn thì phải.
    Sang bên kia biên giới, ơ, sao tự nhiên thấy bớt lạnh hẳn. Lạ thật.
    Bữa cơm trưa đầu tiên trên đất khách: hic, bà con đã cố chọn cửa hàng có vẻ to, tử tế và đông khách nhất ở đó. Ai dè... đó là bữa ăn ĐẮT GIÁ nhất cả chuyến đi. Độ đắt chắc cũng ngang ngửa với độ dở hơi của món ăn. Thịt mặn, rau mặn. Ôi thôi, cái gì cũng mỡ màng, trừ cơm. Canh....hummm, là cái thứ gì ý nhỉ!? Hơn 300 tệ, tính ra gần 1 triệu đồng việt nam. ối giời ơi... Cả nhà thất vọng tràn trề, nhưng đều im lặng ăn. Cam chịu. Nhẫn nhục. Hé hé.
    Ăn uống xong xuôi, lượn một tí cho tiêu cơm, đoàn bắt xe đi Xishungbana.

    - Còn nữa - :-*
  6. taxi101080

    taxi101080 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2008
    Bài viết:
    258
    Đã được thích:
    0
    - Sáng sớm mùng 5: đến một bến xe Côn Minh.
    Bà con định đến bến xe trung tâm nào đó ở đâu đó. Nói thế vì mình dốt đặc địa lý và thực ra cũng chả quan tâm gì đến việc đến đâu. Việc duy nhất là bám sát đoàn và bám sát đoàn. Thía thôi. Đoàn đi đâu, đặc biệt là trưởng đoàn (người duy nhất biết nói tiếng Trung là bạn Tuấn Anh), đi đâu thì em xin đi tới đó. Chớ có để lạc mất dấu vết. (hic, điều này quan trọng đấy vì đại đa số người tàu quyết ko học và nói tiếng anh, kể cả nhân viên lễ tân khách sạn và làm việc, buôn bán ở các khu du lịch. Còn đoàn mình, sau nhiều nỗ lực – vỗ tay một cái nào – thì mọi người đều đã biết tiếng Trung ở mức độ ... biết hỏi giá tiền. Đến giờ lại quên mất câu đó rồi).
    Theo kinh nghiệm cũng như sở thích của Tuấn Anh là đi taxi nên đi theo kiểu thỏa thuận (không dùng đồng hồ cây số) cho rẻ. Và thế là chúng ta bắt một chuyến taxi dù, đúng kiểu thỏa thuận – trọn gói đến tận bến chúng ta cần. Sau một hồi thỏa thuận đầy vui vẻ, thân tình!!!! và nhiệt tình quá xá cỡ với bà chủ xe, đoàn chúng ta đã lên xe với một tâm trạng phấn khởi, hào hứng. Một mức giá cực hữu nghị (mọi người còn đánh giá là hời) để tới bến xe bus của Xishungbana cho 30 cây số di chuyển (theo như bà chị chủ xe nói). Thật vui vì sau nhiều năm kinh nghiêm chinh chiến ở các chiến trường Lệ Giang, Lào, Hông Kông – Ma Cao, nhiều bạn trong đoàn ta về cơ bản đều tự tin là khả năng mặc cả ngày càng được nâng cao. Bà chị chủ xe cũng rất có vẻ mặt đầy phấn khởi, tíu tít trò chuyện với Tuấn Anh. Đúng là Trung Quốc – Việt Nam, 2 nước anh em, núi liền núi sông liền sông, tình cảm đậm đà, thắm thiết thật.
    ......Ơ, ớ, ờ, ờ, vấn đề là sao đi một tí đã tới nơi. Thôi rồi, thế là xong đời. CHÚNG TA BỊ LỪA. Hic, một cái giá khá là đắt cho một đoạn đường đầy khiêm tốn. Tuyệt thật. Kinh nghiệm cho thấy, ra đường, đừng tin bố con thằng nào, nhất là “thằng….bạn Tàu”.
    Đến một bến xe, bắt xe đi tiếp. Xe nằm. Cả đêm.

    Bỏ qua kinh nghiệm đau thương nói trên. Điểm đến kế tiếp của đoàn chính là một bus station của Xishuangbana (vì có mấy bus station cơ).

    Tuấn Anh vào trao đổi chán chê với chị bán hàng vặt trong bus station, hỏi đường đi nước bước, mua hẳn bản đồ du lịch và ra quyết định đi ra ăn sáng rồi đi tìm nhà trọ khác. Giá phòng ở bus station có vẻ cao.

    Bữa sáng đầu tiên trên đất khách nên mọi người đều có vẻ hứng thú, xúm xít ngó ngó nghiêng nghiêng và chụp ảnh tưng bừng. Thật ra là một quán ăn sáng vỉa hè thôi. Có lẽ chẳng khác gì mấy bác Tây đi ăn phở hoặc ngồi quán nước mà chụp ảnh toanh toách.
    Hummm, mà bọn mình ăn món gì vậy nhỉ? món gì đó có sợi dài, trắng và nhiều thứ nước sốt, rau củ ngâm ăn kèm. Hic, nó có vẻ giống món phở...trộn. Quyền lợi tối đa/khách hàng = 1 ghế cao... làm bàn và 1 ghế thấp.... để ngồi, tự bưng bê như phở Bát Đàn. Đoàn mình chỉ được hưởng quyền lợi loại 2 - khách vãng lai, mỗi người được 1 ghế cao làm bàn và ghế ngồi chính là thành bồn hoa vỉa hè. Cảm giác thật thư giãn, giống như ở nhà. Hay thật.
    Cả đoàn ngồi ăn sáng trong cái lạnh, lờ mờ sáng và bầu không khí trong lành của Xishungbana (Giờ sớm hơn Hà Nội 1 tiếng). Thành phố sáng muộn, đường cũng vắng.
    Đói quá, nên người khó tính nhất cũng bảo là ăn được (dù sau đó ngồi gẩy gẩy, và hình như bỏ gần hết), còn người dễ tính nhất thì khen ngon tíu tít và húp xì xụp. Nhìn chung, bữa sáng đầu tiên trên đất khách được đón nhận với sự dễ dãi quen thuộc của người Việt Nam. Và nói thật là bà con trông đều còn có vẻ hơi ngơ ngác, bần thần. Chuyện này cũng dễ hiểu.

    Ăn xong, cả đoàn lên cơn lười đi bộ. Quyết định vào hỏi thăm lại gía phòng. Càng ngày càng thấy người trung quốc, hic, thật cao thủ trong buôn bán. Tận tình chỉ vẽ hết cỡ. 01 chị nhân viên, 01 chị quản lý bao vây bạn Tuấn Anh, quyết không cho chạy thoát. Tìm đâu ra mấy con gà béo thế này. Hí hí, toàn 8x mà có bạn đúng là còn mang dấu ấn xã hội chủ nghĩa trong tư tưởng nhé. Bạn nào phát ngôn là đây là nơi làm ăn nghiêm túc, giá cả hợp lý, rõ ràng ....chỉ với 1 lý do đó là đơn vị quốc doanh, cơ sở kinh doanh của nhà nước. Hic, giờ này mà còn tin vào điều đó, để mà không mặc cả, thế thì chỉ có nước các bác đem bán chúng em đi. ............Giờ lâu ngã giá, GIÁ CẢ PHÚT CHÓT còn khoảng 1/3 thì phải. Hic, con số cụ thể thì em hỏng nhớ, chỉ nhớ là mặc cả và thông báo với cả đoàn xong, các bạn cười cười sung sướng (vì mặc cả được nhiều và ko phải đi tiếp) vừa hơi có vẻ mếu máo (vì giá thuê phòng đắt hơn nhiều so với dự tính và so với lần trước mọi người đi Lệ Giang). Thôi thế cũng xong. Bài học kinh nghiệm quý báu và không bao giờ cũ ở trên đất Trung Quốc: mặc cả, mặc cả và mặc cả.
    Lên phòng tắm rửa nghỉ ngơi thôi nào. Chờ đợi mãi.
    Phát hiện ra em Phượng và bạn Tuấn Linh khá là thích uống cà phê. Dỡ đồ ra là ngồi chén anh chén em ngay. Hợp với mình đây, dù mình chỉ thích chén cà phê sữa, thật nhiều nhiều sữa.

    Thư giãn xong xuôi, trao đổi dăm câu ba điều, cả đoàn kéo nhau đi chơi luôn. Đường đi giống như đoạn từ Bắc Kạn vào hồ Ba Bể của mình, núi một bên và sông uốn lượn ở bên còn lại (Thật ra thì không đẹp bằng đâu). Thú thật! Mở toang cửa kính. Không khí sạch và mát, nắng nhè nhẹ, gió mơn man trên mặt. Ước gì được đi mãi như thế này.

    Điểm đến như kiểu làng văn hóa – du lịch của mình. Ăn trưa ở quán người Thái. Mấy chị bán hàng mặc váy duyên dáng. Rút kinh nghiệm và cũng để tiết kiệm, đoàn ta chọn ăn trọn gói 200 tệ thì phải, đâu có khoảng 8 – 10 món. Ăn được. Cái gì cũng cay. Mới hay, dân du lịch chuyên nghiệp như chị Thanh thế mà khá kén ăn, nhiều thứ không ăn, bao gồm có cả hành lá ta??? Chả hiểu ở nhà bà này ăn uống kiểu gì với kiểu kiêng khem như thế! Bạn Nga chắc đói nên ăn món gì cũng khen ngon, tớ thích ăn cái nọ… tớ thấy món kia cũng ngon quá…. món này ăn hay đấy chứ…. món mới kia có ngon không hả mọi người, gắp cho tớ với… Sơn thì có vẻ khá dễ tính trong ăn uống, cái gì cũng chén được, ngon thì ăn nhiều, không thì ăn ít, không kêu ca (nhưng hình như cũng chả khen cái gì bao giờ. Điều này không biết có được coi là ưu điểm không nhỉ?). Những người còn lại đều cặm cụi ăn.
    No nê, chúng mình kéo quân đi chơi. Hình thức, chất lượng phù hợp với một khu du lịch nội địa mới khai thác???
    Mấy cái máy ảnh “hàng khủng” của bạn Tuấn Anh và Tuấn Linh chuyên trị để chụp cảnh. Còn cái máy của bạn Nga cũng trở thành “hàng khủng” với khả năng mang vác của Nga. Đau khổ. Được cái vác cái máy đấy trông pro hơn hẳn. Xin lỗi Nga nhé. May mà có bạn Sơn galăng, tốt bụng thỉnh thoảng chịu khó vác hộ cái túi (không chỉ lần này mà còn trong cả chuyến đi nhé), nếu không thì khả năng tác nghiệp của Nga còn độ 1/3. Đây có lẽ là ưu điểm nổi bật của Sơn và cũng nhận được không ít lời khen ngợi của Nga. Tặng bạn Sơn mấy sao nào! Vậy là chỉ còn 2 cái máy ảnh du lịch của mình và em Hạnh là chuyên chụp ảnh người, thay phiên chụp lẫn nhau.

    Tách đoàn. Lạc nhau. Ối ối, trưởng đoàn ơi, khả năng nhớ đường và định hướng của em kém tới mức không tưởng tượng được, thế mà đi đâu mất rồi. Thế này thì có chết tôi không cơ chứ. May mà Nga, Hạnh, Phượng vẫn còn ở loanh quanh đấy. Đi một hồi gặp lại Tuấn Linh. Cả nhóm xem bản đồ (cái này đầy rẫy trong công viên) và ngày càng có vẻ về gần chỗ cần đến, bãi đỗ xe. Phục vụ nhu cầu mua sắm, Tuấn Linh và Phượng về trước. Hạnh, mình và Nga dừng lại để mua bán. Nhận được mấy cuộc gọi từ ông lái xe. Đã không biết tiếng, cả nhóm lại thi nhau tự chỉ đạo (bó tay) là cứ nghe đi, biết đâu Tuấn Anh,…gọi. Chả lần nào nghe hiểu gì cả, lại còn nói bằng tiếng Việt là …. không hiểu. Hic, cái này đúng là bó cả tay, cả chân, cả đầu. Mấy lần thế, cứ đau bụng vì cười. Lại nhìn bản đồ, đi một hồi, ……..về chỗ cũ (giữa công viên, gần vòi phun nước và chỗ nghe ca nhạc). Vỗ tay vì khả năng tìm đường tuyệt hảo cái nào. Giải pháp cuối cùng được 3 con gà nhất trí cao độ: đi xe điện (cái này cũng đầy rẫy). Nhưng một câu hỏi lớn đặt ra làm sao bảo nó chở mình đi đâu? (Đấy, đi du lịch không biết tiếng khổ thế đấy). Hic, lọ mọ ra gần chỗ mấy cái xe điện, ngó nghiêng xem gần đó (may quá) có cái bản đồ. Chạy ra chỉ trỏ một hồi để em giai lái xe điện hiểu là phải vào gần bản đồ để chỉ. May quá, mãi em cũng hiểu. Ti nữa là mình túm áo em í kéo vào rồi (ui, thiệt là ngại, nhưng sốt ruột, đường cùng khéo cũng phải làm thế lắm). Chỉ vào chữ P to đùng trên bản đồ. Và chúng ta nhất trí với nhau về điểm đến với giá cả là 10 tệ/chuyến xe. Giữa đường, bắt thêm khách, giá cả hạ xuống còn 7 tệ. Em Hạnh chịu chơi, chịu hết chi phí chuyến đi. Hehe. Về đến nơi, mới biết, các bạn sốt ruột đã cử cả Tuấn Anh và Sơn đi tìm. Tuấn Linh và Phượng đang chờ, mặt mũi hơi bị ... thê lương. Mọi người chỉ nghĩ là anh em đi chơi quá đà, không ai nghĩ là mấy gà bị lạc trong công viên. Sò rí các bạn nhé. Ai bảo ….. cho chúng em đi cùng. Phải chịu thôi.

    Đến Đại Phật Tự mới. Tiếc tiền vì giá vẻ vào Đại Phật Tự mới đâu hơn 100 tệ. Chụp ảnh ngoài cửa. Ở đây có vụ lùm xùm đáng nhớ nhất chuyến đi: vụ suýt mất hộ chiếu của em Phượng. Khi đến một điểm chơi bời khác thì em Phượng phát hiện ra là quên mất áo ở Đại Phật Tự mới. Cả đám hốt hoảng quay lại. Bồ Tát phù hộ chúng con, toàn đứa ăn ở hiền lành (hy vọng thế), chỉ có mấy bạn chót nhỡ mồm bất kính. May quá, quay lại tìm được áo, do mấy nhân viên ở đó giữ hộ. Tạ ơn trời đất. Mất thì toi. Hỏng cả chuyến đi. Hic, nếu là do bệnh đãng trí của mình, thì xin được ngàn lần tạ lỗi với em Phượng và cả đoàn nhé. Thề rằng đi nước ngoài không bao giờ giữ hộ quần áo có kèm các giấy tờ quan trọng. Mà bít đâu được đấy để tránh. (Thế rồi vẫn phải ôm quyển hộ chiếu của Nga đến tận sau khi về Việt Nam). Nên thề để mà thốt thôi.

    Buổi tối, kéo nhau đi ăn. Cố công tìm một quán ăn “xịn” xả xì trét. Đường dài tới vương quốc ăn uống “far far away”, bà con kêu đói ầm ĩ, nhưng Tuấn Anh chắc do đã lại sức nên vẫn vui vẻ vừa đi vừa chụp ảnh. Phhhhù phhhhù cuối cùng đã tìm được một dãy quán nướng, kiểu nướng thập cẩm. Mình phát hiện ra một điều Tuấn Linh có vẻ nhanh đói, và khi đói khá dễ cáu kỉnh, giận dỗi. Về điểm này tương đối giống anh trai mình đây. Cái hay là gương mặt Tuấn Linh có vẻ giận dỗi theo phong cách rất “biếm họa”. Nhưng khi chưa quen thì khá xì trét nhé bà con. (Xin mở ngoặc ở đây là mình còn chụp được một bức ảnh chân dung “xịn” của bạn Tuấn Linh nhé. Tính chân thực đủ để đem đi tống tiền). Bạn Linh còn có một câu kinh điển là “đập bẹt bẹt bẹt”, đập cái gì, xin thưa là mặt của bạn bè đó. Hic, may mà mình ít làm phật lòng bạn Linh, chứ không mấy lần thì mặt mình từ bánh rán phồng biến thành bánh đúc mất. Ơ, nhưng lúc viết đoạn này, chả hiểu sao bất giác sờ lên mặt mình thì thấy hình như độ cao của mũi đã giảm xuống còn cánh mũi lại bự ra. Ai chót dại “bất kính” với voi Tuấn Linh cũng tự kiểm tra lại đi nhé.

    Cả đám đói ngấu, nên ai cũng muốn kêu nhiều đồ. Ăn uống xì xụp, gắp tới tấp. Chắc sốt ruột cho ngân sách của đoàn nên Tuấn Anh ra lời kêu gọi ăn uống từ tốn, tăng cường gọi thêm rau (giá đĩa rau chỉ bằng một nửa đĩa thịt). Kệ. Có ai nghe thấy gì đâu. Bà con tiếp tục chén thịt tới tấp. Lần nào chị Thanh đứng dậy, quay về mặt mũi cũng hớn hở với lời thông báo đã gọi thêm thịt bò, thịt ba chỉ,… Tâm trạng hào hứng, phấn chấn ... vì “đủ đạm” kéo dài đến tận cuối bữa ăn. Không kể đến món rượu “mở khóa cổ” của Tuấn Anh thì đúng là một thiếu sót. Tiếc là không vác được cái bình gốm nào về.
    Hehe, rượu vào lời ra (nói nhỏ nhé, mình tin là cả 3 bạn nam chưa ai say cả, chỉ hơi lơ mơ là cùng). Cũng không có gì quá đà, nhưng bầu không khí thoải mái hơn. Hèn gì, muốn kết thân và khi đã thân, người ta hay rủ nhau đi ăn uống. Đường đến trái tim đi qua dạ dày. Chí lí. Chí lí.
    Ăn xong, đã 12 giờ. Mấy bạn nam kéo nhau đi chụp ảnh đêm. Đám chị em thì kéo nhau đi chợ. Vấn đề sở thích cả thôi. Chợ đã đi qua lúc trước khi đi ăn, có vẻ chuyên bán đồ lưu niệm thì phải. Nhiều nhất là các cửa hàng ngọc, đá. Chớ dại mà mua đồ đắt tiền ở đây. Các chủ cửa hiệu bao gồm cả người ấn, người thái (thái lan) và thái (kiểu thái tây bắc của Việt Nam). Hay nhất là kiểu mặc quần (có mặc không nhỉ) và quấn một khúc vải ở ngoài của mấy anh trai (quấn quấn độ 2 vòng và giắt vào cạp). Chị em chọn chán chê được mấy cái mũ (Chủ hàng chán đến mức ra hiệu chọn nhanh để còn sập cửa về. Kệ). Mình và Nga cũng đã chọn được mấy cái gương làm quà. Khá là đẹp, chắc đám bạn sẽ thích thôi. Bạn Nga còn chết mê chết mệt … một đôi dép nhựa. Bà bán hàng quá đáng, không chịu bán ngay, để Nga ta về nhà mất ngủ mất thôi.
    Về ngủ. Chưa ngủ ngay còn nằm tâm sự với Nga chán chê. Biết bao nhiêu điều chưa từng nói với nhau. Hiii, thì ra vì bấy lâu nay ít chơi với nhau, nên tâm sự không triệt để. Thì ra mình và Nga cũng có nhiều điểm chung lắm, từ sở thích, cách suy nghĩ, mong muốn,… Thế đấy, muốn hiểu nhau phải chịu khó đi chơi và “đi ngủ” với nhau mới được. Đêm tối hoặc tình trạng “lờ mờ” có vẻ có tác dụng làm con người ta dễ xích lại gần nhau nhỉ! Hehe. Vỗ tay hoan hô chuyến đi chơi nào. Chí ít mình biết mình sẽ có thêm một người bạn “thân trở lại”.
    Giữa đêm bị Tuấn Linh và Tuấn Anh đánh thức dậy để lấy chìa khóa và mượn toalet. Đi chơi cùng bạn bè cũng có cái hay thế đấy. Thoải mái và đại tự nhiên chủ nghĩa.
  7. taxi101080

    taxi101080 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2008
    Bài viết:
    258
    Đã được thích:
    0
    - Sáng mùng 6
    Do tác nghiệp về muộn, nên sáng ra cả đám đàn ông, không ai dậy sớm nổi. Hẹn 8h, 10h cả đám mới lóc cóc lên đường. Cắt luôn bữa sáng, càng tiết kiệm. Có đìều mặt mũi có chiều hơi đau khổ.
    Đến công viên 100 tệ. Mình sẽ gọi theo giá nhé (vì chả nhớ nổi là gì, thậm chí cả giá cũng chính xác tương đối, vì nó có thể đảo chỗ cho nhau). Đặc điểm là gì nhỉ, có biểu diễn tạp kỹ. Hic, mình cứ tưởng là sơn đông mãi võ, cứ canh me để xem mãi. Múa toàn tập. Anh em cứ tấm tắc khen mấy cô diễn viên múa xinh. Chả hiểu xem múa hay xem cái gì. Công viên rộng, có cây, có nước, có mấy cái quán bán hàng và một dúm người vào chơi. Hết. Chị em kéo nhau đi chụp ảnh lòng vòng. Xem xong tạp kỹ, anh em tha lôi nhau đi chụp ảnh. Chả còn trò gì làm, chị em tự thư giãn ở các quán ăn vặt trong công viên. Chả có gì nhiều để mà ăn. 1 xiên thịt, 3 miếng thịt mỏng dính, 2 hay 5 tệ gì đấy. Một cốc chè giá cũng chừng đấy. Mình và Nga giống nhau ở điểm thích ăn món lạ, kêu thêm 1 tô “gì gì” trộn ăn thử. Chả ra làm sao. Nhưng thôi, ăn cho biết, không về lại ăn năn. Có lẽ chả bao giờ quay lại đây nữa. Hic. nghe câu đó hơi thảm nhỉ nhưng lần sau dù có được mời cũng còn phải suy nghĩ chán.

    Đến công viên Vườn hoa giấy (tên gốc của nó là Công viên vườn nhiệt đới). Mình gọi thế vì kỳ vọng vào nó quá lớn. Mặc dù còn 1 lựa chọn “miễn phí” khác nhưng bạn Nga quyết chí đến đây vì nó là một điểm “khuyên đến” trong Lonely Planet thì phải. Hic, đến rồi, vào rồi, đi rồi, lòng đau như cắt vì …..tiếc tiền (hình như 40 tệ thì pải). Dọc cổng vào có một dẫy chậu hoa bỏng, đỏ... đau cả lòng, vì đầy ở Việt Nam, một cái hồ con con nhiều cá vàng to to (đại loại như ao cá Bác Hồ, nhưng kém xa về độ lớn và mật độ). Chỉ thắc mắc không biết món cá vàng om dưa có ngon không!? Vào sâu trong, ôi, một màu hoa giấy. Mà thật ra thì cũng chỉ có một góc có hoa giấy thôi, như công viên Lê Nin. Còn lại cây cối tươi tốt, nhưng theo mình thì tơi tả, vì chả có cái cóc gì có hoa cả. Quên, ngoại trừ một hai bãi cỏ hoa vàng (chị Thanh gọi là hoa đậu gì gì đó). Cố chụp mấy cái ảnh vì tiếc tiền. Xong cả đoàn thất thểu cố đi cho hết công viên. Bỏ qua vườn cao su, mấy chị em đã định tiến bước vào vườn quả nhiệt đới (tên hấp dẫn hơn hẳn), thì bị các chàng gọi giật ra. Tuyên bố chính thức là chắc không có gì đâu, ra thôi, về ăn còn kịp chuyến xe.

    Thời gian đi chơi chính thức của chuyến đi kết thúc từ đây.

    Về ăn trưa, bữa trưa ăn dự trữ cho chặng đường di chuyển sắp tới vì theo lời khuyên của mọi người là sắp tới lại di chuyển trên ô tô, phải ăn nhiều vào. Một bữa cơm bụi điển hình.

    Nga kéo mình, Hạnh, Phượng, Sơn, Tuấn Anh đi mua đồ. Tuấn Anh, Sơn về trước. Còn lại mấy chị em xúm xít tư vấn cho Nga mua bằng được đôi dép nhựa. Từ 30 tệ hôm trước còn 17 tệ giá mua. Tuy nhiên, nó suýt trở thành đôi dép nhựa đắt giá nhất Việt Nam: suýt trễ chuyến xe buýt của 4 chị em (mỗi vé giá 200 tệ), nếu trễ thì nó sẽ trị giá 817 tệ và có thể còn hơn thế, nếu phát sinh các chi phí khác. May thay, về vừa kịp. Hộc tốc lôi đồ xuống, leo lên xe.

    Lại một lần di chuyển dài khác, nằm suốt cho đến sáng hôm sau. Tuy nhiên, đó là chuyện của ngày hôm sau, mà không thể quên kể về bữu tối của ngày mùng 6 – bữa tối/bữa đêm khó quên trong đời tôi. Chuyến xe đêm dừng lại ở một quán ăn ven đường. Lạnh ngắt. Điểm đi thì nóng, điểm trung chuyển thì lạnh toát. Quấn chặt 2 cái khăn quàng cổ của Nga, theo chân mọi người, mình lao xuống xe, phi thẳng vào quán ăn. Ôi, sao đã thấy chị Thanh ngồi đó với bát cơm trước mắt, tay đũa tay thìa. Sau này mới biết đó là do mọi người đã có kinh nghiệm tương tự từ chuyến xe trước. Dừng xe là phải lao xuống ăn thật nhanh để còn đi tiếp. Đoàn tập hợp đủ. Ăn uống xì xụp. Có trứng sốt cà chua (xa quá ko gắp được, tối quá nhìn không rõ, chả hiểu có phải trứng sốt cà chua không nữa), thịt dim ah (ko nhớ chính xác), ….nhưng nhớ nhất là canh chân gà đen. Ai cũng thích. Chén một tô cơm (3 tệ), thật nhanh, vừa ăn vừa đu đưa người vì lạnh. Đó thực sự là một bữa ăn ấn tượng. Một bữa ăn trong giá lạnh giữa đêm khuya. Nhưng lại vui vì là bữa ăn khuya với bạn bè. Nếu ăn một mình, chắc là chảy nước mắt vì tủi thân. Lên xe, tráng miệng bằng nải chuối “mua theo cân” của bạn Nga bằng những đồng nhân dân tệ sót lại, sau sự “uất hận” vì không trả giá được một món đồ lưu niệm. Trò chuyện mấy phút. Mọi người chìm dần vào giấc ngủ.

    Ngoài trời lất phất mưa. Đau người, không ngủ được. Nghe bài Hold me for a while từ máy em Phượng. Rung rinh ~ ~ ~
  8. taxi101080

    taxi101080 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2008
    Bài viết:
    258
    Đã được thích:
    0
    - Sáng mùng 7 Tết
    Sau một chuyến ô tô nằm dài, ta lại về đến một bến xe nào đó. Sau một hồi hỏi han, cả đoàn tiếp tục leo lên 1 cái xe buýt, đi thêm 1 đoạn đến 1 cái bến xe khác. Hihi, quả thật đến đoạn này mình chả nhớ là nó là điểm đến nào nữa. Cứ làm lạc đà đi theo đoàn thôi.
    Tại cái bến xe kế tiếp này, bọn mình tình cờ gặp 1 ngôi chùa ở gần đấy. Hình như đang chuẩn bị làm lễ cầu cúng gì đó đầu năm. Tiếc là không có thời gian để ngồi xem. Có 1 bác mặc đồ Mãn Thanh đang thắp hương và đốt pháo. Hí hí, mấy cây hương đại to đùng, dài thượt, cứ tưởng là pháo bông. Thôi thì không được tự đốt pháo (niềm mơ ước của mình và Nga từ đầu chuyến đi) thì cũng được nghe ké và hít hà ké mùi pháo ở ngôi chùa này.

    Hết màn ngắm nghía, chuyển sang màn ăn sáng kiêm ăn trưa. (Tuấn Linh đã lại hơi cáu rồi. Ôi sợ quá). Lúc cũng 9-10 giờ í nhỉ. Đoàn ta hùng dũng tiến vào một quán phở. Hic, cái tô loại bé nhất cũng to gấp hơn 2 lần cái tô múc canh ở nhà mình. Cả đoàn chỉ dám gọi loại bé nhất là 6 tệ. Hình như có loại hơn 40 tệ. Chả hiểu dân Trung Quốc ăn uống kiểu gì. Khiếp! Nga và Tuấn Anh bình luận là đây chính là loại “phở qua cầu” lừng danh của đợt đi trước, mà mình cứ chờ đợi ăn mãi. Hic, nói nó ngon tuyệt thì thực là tự dối lòng. Mô tả chi tiết nhé: bát to bự, nhiều nước, bánh sợi to hoặc nhỏ tùy ý - để riêng, tự đổ vào tô nước. Vật phẩm kèm theo trong bát là tóp mỡ, một ít thịt lợn, gà. Ặc. Một đĩa dưa chua nhỏ xíu, miễn phí, ăn hết lại lấy. Bạn Nga và em Hạnh xem ra ăn ko được hào hứng. Mình thì cái gì cũng chén được. Tuấn Linh tai quái. Nhất quyết chọn gương mặt xinh xắn của em Hạnh làm cơ sở để thực hiện một kiểu ảnh nghệ thuật đánh giá độ lớn của cái tô phở. Vuuiiii nhất là vụ những cái tô to quá là to. Là lá la.

    Ăn sáng xong xuôi, đoàn lại lên xe tiến thẳng về biên giới Trung – Việt. Bây giờ mới nhớ ra, trong suốt cả chuyến đi, mình cũng đã bị kiểm tra hộ chiếu tới mấy lần. Làm chặt ra phết.
    Đầu giờ chiều, về đến biên giới. Làm xong thủ tục, nhanh, gọn, nhân viên nhiệt tình (còn ra hướng dẫn, viết hộ tờ khai).
    Một thoáng là đã qua cầu, đứng trên đất Việt Nam.
    Xe điện chặt chém, đòi 100.000 đồng. Cả đoàn vừa cú, vừa nổi máu anh hùng, quyết định đi bộ. Giời ạ. Lúc đi ko biết, lúc đến nơi mới biết mình đã cõng cái balô nặng ịch đi được 2,5 cây số. (hèn gì về nhà mấy ngày vẫn còn đau lưng với đau chân). Thề rằng lần sau không nổi máu nữa…..

    Cả đoàn thuê 1 phòng để để đồ và té đi chợ Cốc Lếu chơi. Tuấn Linh, Phượng, Sơn hơi bị nhanh chân. Đến nơi đã gặp bà con đứng đó, cười nhăn nhở. Đi chán tầng 2 ko mua được quần áo gì, xấu khủng khiếp. Xuống tầng 1, gặp Tuấn Anh đang mua đồ linh tinh, chị em nổi máu bon chen, cũng xông vào mua lấy mua để. Cái ông bán hàng duyên dễ sợ, cười nói rối rít. Tiêu thụ được một đống thắt lưng, móc treo chìa khóa, túi xách.
    Có người quá, cắt thắt lưng đến mấy lần. Hé hé. Nói ai thì bà con biết cả rồi đấy.

    Câu chuyện về “bữa lẩu bình dân” của đoàn: Về nhà trọ, lại gặp được chị chủ, người đâu mà dẻo miệng, nhiệt tình thế nhở. Lúc mới xuống xe thì mời uống nước, tư vấn xe cộ, gọi hộ xe điện để đi chợ (50.000 đồng/chuyến, trong khi đi taxi vốn chỉ hết có 25.000 đồng), lại còn mời ăn uống “lẩu thắng cố giá bình dân”. Nghi lắm, đã bảo hỏi giá trước rồi. 500.000 đồng/nồi. Chấp nhận được. Lúc ăn cũng đầy đặn. Chị chủ lo đàn em nhỏ nhạt miệng, nên nồi nước dùng phải cho nhiều mì chính cho ngọt. Báo hại Tuấn Anh ăn xong bị đơ đơ một lúc. Bà con còn lại không sao. Thế mới biết Tuấn Anh có tiềm năng làm người giàu, ăn mì chính không được, chỉ dùng nước xương hầm thôi nhé. Bên cạnh đó, chị chủ yêu quý còn tính 500.000 đồng/nồi nước lẩu (có gồm đám thịt trôi trong nồi), còn rau tính riêng (100.000 đồng/đĩa). Cắt cổ hơn cả Hà lội của em, chị ơi. Bữa lẩu “giá bình dân” đội lên 800.000 đồng, và làm thâm hụt ngân sách của đoàn.
    Tuy nhiên, bữa ăn cuối cùng của chuyến đi thực sự đã giúp mọi người hiểu hơn về nhau rất nhiều, về cuộc sống, sở thích. Những lời tâm sự, chia sẻ, những câu chuyện đến từ quá khứ, những tiếng cười rộn rã đã kéo mọi người lại gần nhau rất nhiều, rất nhiều.
    Á à à, đoàn này toàn loại đầu nhiều thứ tóc rồi (từ tóc đen, tóc sâu, tóc xoăn, tóc nhuộm,...) mà vẫn còn tròn xoe cả mắt ra xem một bộ phim từ ngày xửa ngày xưa: chính xác về mọi nghĩa, phim này khéo sản xuất từ những năm 70, kỹ xảo thì thô sơ, kịch bản thì còn kém các bộ phim hoạt hình ngày nay,... he he, được cái cả đoàn đều đồng lòng nhất trí là phim có pha tí hành động, tí tình cảm lãng mạn, kiểu anh hùng cứu mỹ nhân, thế là “nhắm mắt”.... “xem được”. Cười đau cả bụng. Ôi chao, cái này lại thành quan điểm nhất quán trong đoàn mất rồi. Lại còn sở thích vừa xem phim vừa bình loạn lung tung nữa. Chả bít nói gì hơn.
    ... Thế mới biết, những dấu ấn, những kỷ niệm từ thời ấu thơ vĩnh viễn ở lại với chúng ta, chỉ là nằm khuất ở một góc nào đó, khi có cơ hội là thể hiện “vai trò” của mình, vì nó đã trở thành một phần con người, một phần tâm hồn của chúng ta.
    “Trong mỗi người đều có một đứa trẻ ...” câu này mình nghe được ở đâu nhỉ?
  9. xttran23

    xttran23 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    07/05/2007
    Bài viết:
    577
    Đã được thích:
    0
    Cứ POST nhiều những bài hay và giàu cảm xúc về những chuyến đi là cơ hội có bàn được đăng là cao lắm.. Tiếp đi em ..


    Em cảm ơn chị TAXI nhiều nhiều (hug)
  10. taxi101080

    taxi101080 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2008
    Bài viết:
    258
    Đã được thích:
    0
    Và bạn có nghĩ rằng, chúng ta vẫn sẽ chỉ là những người “quen biết nhau” nếu không tiếp cận, không hiểu được “những góc khuất” đó ...
    Thật đáng tiếc cho những ai không tìm được người để chia sẻ, thiếu cơ hội chia sẻ. Mà môi trường công việc và cuộc sống hiện nay đang thực hiện “khá tốt” việc đó.

    Một câu chuyện cũng nên kể khác là “chuyến xe bão táp” của đoàn: Về từ đầu giờ chiều, cháy vé tàu, cháy vé xe (đến “vé sàn” cũng không còn – tức là vé ngồi sàn xe. Thuật ngữ chuyên ngành “vận chuyển du lịch bụi” mà mình mới biết). Mấy con giời mặt đã nghệt ra. Thứ 2 mới về nhà được ah? Thế này thì điên lên vì tiếc tiền mừng tuổi chứ chả chơi (ai nhỉ?). Thế nào mà vớt vát được mấy cái vé nằm của Viet bus, mừng húm. Vé 8h, 8h15 xe chưa về vì trục trặc kỹ thuật. Chùi ui, đi xe đường dài mà chưa đi, xe đã trục trặc kỹ thuật. Khiếp quá! Thế mà vẫn chưa xong. Tài xế còn say rượu, cãi cọ gì đó với chủ xe, đòi lãn công sao đó. 9h30 xe khởi hành. Hãng xe khách “vừa delay vừa sorry” xin kính chào quý khách. Chúc quý khách có một chuyến xe bình yên. Lạy giời đất cho con về đến nhà bình an.

    - Sáng mùng 8 Tết: về đến Hà Nội
    Lại sau một giấc ngủ dài, đau hết cả người và lạnh toát, đoàn đã về đến Bến xe Mỹ Đình. Hà Nội yêu dấu. Bọn mình đã về đến nhà. An toàn cả nải.

    Rất nhiều đoàn cũng vừa về đến nơi, mọi người cũng đi du lịch như mình. Bến xe thực sự là một nơi thể hiện mạnh mẽ sự chuyển động của cuộc sống. Hà Nội tinh mơ, Hà Nội còn đang chìm trong giấc ngủ. Nhưng bến xe, một phần cơ thể của Hà Nội đang chuyển động, âm thầm mà mạnh mẽ, như điểm bắt đầu một ngày mới của thành phố thân yêu.

    Lần đầu tiên mình được ngồi uống nước chè nóng vỉa hè vào một buổi sáng tinh mơ, lại được ngồi nói chuyện xí xớn với bạn bè. Thật thú vị biết bao.

    Cũng lâu lắm rồi mới đi xe buýt. Chen chúc. Chả hiểu tuyến nào nữa, nên nhắm mắt đi theo Tuấn Anh và Sơn. Được cái Tuấn Anh tốt bụng, và “sợ trách nhiệm” (đoạn này so ri Tuấn Anh nhé) nên quyết định thực hiện bổ sung “dịch vụ giao hàng tận nhà”. Hé hé.
    Đi xe máy trong một buổi sáng tinh mơ mang đến một cảm giác thật nhẹ nhàng, thanh bình. Dễ dàng hơn cho người ta lắng nghe ...
    Trời vẫn còn tờ mờ, nhưng với mình, bình minh như đã bắt đầu. Rộn rã. Vui sướng. Ngày mai lại đi làm. Mọi thứ lại bắt đầu, những khó khăn, thách thức, cơ hội, những trăn trở về con đường phía trước … biết bao điều phải bận tâm. Nhưng kệ nó đi, niềm vui đang tràn ngập trong mình. Một ngày mới, một năm mới đang chờ đợi mình sau một chuyến đi xa thú vị.


    Dăm câu gọi là Tổng kết chuyến đi
    Thế là chuyến du lịch bụi đầu tiên của mình đã kết thúc.


    Ai hỏi, mình cũng nói rằng, cảnh sắc nơi đến không thật sự thu hút. Nhưng điều đó có quan trọng gì. Cảnh sắc đâu bằng con người. Bạn đi đến đâu, ở đâu, như thế nào, mọi thứ đều không quan trọng. Quan trọng là bạn đi với ai. Nhìn nhau, cảm thấy vui. Nhìn nhau, cảm thấy hiểu nhau. Nói chuyện với nhau, cảm thấy đó là người có thể tin cậy, có thể chia sẻ và được chia sẻ. Bạn còn đòi hỏi điều gì hơn nữa?

    Mình đã được đi xa như mong muốn và lại đi cùng những người bạn đáng yêu. Mỗi người mỗi tính: Bạn thì xôn xao trò chuyện, bạn thì hay nhăn nhó (hơn mình), bạn thì rất nhiệt tình, thật thà (?), thẳng tính, bạn thì điềm tĩnh, thận trọng,… tất cả tạo nên sự phong phú về mặt tính cách và sự thú vị cho chuyến đi.

    Những tình cảm mới đã nảy nở. Những mối quan hệ mới đang bắt đầu. Như mình và Nga, khoảng cách bao nhiêu năm dường như đã tan biến, chỉ sau 4 ngày bên nhau,…Chúng mình hay chat hơn và cũng hiểu nhau hơn. Một số suy nghĩ, cảm xúc đã có thể nói khá rõ ràng, thoải mái. Nào ai có thể biết….

    Theo thời gian, ký ức sẽ mờ dần, những cảm xúc rộn rã, hồi hộp, vui sướng cũng sẽ phai nhạt dần cùng với những âu lo và vòng quay của cuộc sống thường nhật. Nhưng với những dòng ghi chép này, một lúc nào đó giở ra xem, mình sẽ lại thấy lại những gương mặt lấp lánh cười của bạn bè, nhớ đến tiếng cười rộn rã lúc ban mai…
    Tuy nhiên, nếu thực sự có thể có bạn bè xung quanh thì tốt biết mấy. Mỗi người một hoàn cảnh. Nhờ chuyến đi chúng ta đã hiểu thêm về nhau rất nhiều. Có quá lãng phí không nếu chỉ tập hợp nhau cho chuyến đi chơi kế tiếp. Liệu những tình cảm, sự đồng cảm, sẻ chia mà chúng ta đã xây dựng được trong chuyến đi có thể được vun đắp thường xuyên cho “chuyến đi dài của đời người” hay không. Có và còn rất nhiều điều để nói với nhau. Nếu mình chìa tay ra...

    “Cuộc đời ơi, sao lắm lúc lạ kỳ
    Có những năm tháng đi qua mà không thành nỗi nhớ
    Nhưng có khi chỉ một lần gặp gỡ
    Một thoáng nhìn cũng trăn trở trong nhau…”
    (thơ trích thôi nhé)

    Ngày mai của những ngày mai… sẽ như thế nào nhỉ? Chẳng ai biết.
    Chỉ biết rằng những chuyến đi mới, những chân trời mới đang chờ đợi mình, một kẻ ưa những chuyến đi xa.
    Nếu đó cũng là sở thích của bạn, chúng ta có thể là bạn đồng hành trong những chuyến đi sắp tới.

    Kỷ niệm chuyến du lịch bụi đầu tiên của tôi
    Một sự khởi đầu may mắn, thú vị cho những chuyến đi xa khác

    - Nguyễn Anh Thư -


    Có thể bài hơi dài, có thể được chọn hay không chọn in, nhưng mình tin rằng đây là một chia sẻ xúc động. Và mình rất hãnh diện vì đã "dụ dỗ được một người vào đời" =))

Chia sẻ trang này