1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hạnh phúc lang thang

Chủ đề trong 'Du lịch' bởi chipchina, 18/04/2011.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vvindysmile

    vvindysmile Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/06/2008
    Bài viết:
    16
    Đã được thích:
    0

    ...Xạ điêu, cương 1102, lastwalk vào nhận muội muội à...hí hí
  2. chipchina

    chipchina Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2007
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0
    XÊ DỊCH

    [​IMG]

    Sở dĩ tôi viết những dòng này là vì ngay tối hôm qua, tôi nhận được một tin nhắn từ một số máy lạ: Chào cô gái của chủ nghĩa xê dịch!

    Bỗng dưng thảng thốt, mình coi xê dịch là chủ nghĩa, là lý tưởng sống từ bao giờ vậy?

    Chẳng lẽ đến mình lại không biết, và người lạ kia lại biết tỏ tường? Không, bạn ấy chưa đúng. Đam mê khác với lý tưởng, và tôi chưa một lần tôn thờ bất kể điều gì, để biến chúng trở thành thái quá. Lý tưởng sống của tôi không phải là chuyển động, là ngày ngày mải miết đi hết hành trình này cho đến hành trình khác. Đó tôi gọi là đam mê.

    Ngày bé, tôi vẫn nhớ, mỗi độ năm mới về, gia đình tôi lại cùng nhau dọn dẹp và kê lại đồ đạc trong gia đình. Đôi khi chỉ là di chuyển cái tủ quần áo từ chỗ này sang chỗ khác, chưa chắc điều ấy sẽ thuận tiện hơn. Hay như mới đây thôi tôi đùng đùng đòi chuyển cái giá sách to oạch vào nhà vệ sinh… Chúng tôi thường không có đồ đạc mới để thêm vào, nhưng ngôi nhà của chúng tôi sau mỗi lần như vậy, bỗng dưng mới lạ. Tôi phát hiện ra rằng, sự mới mẻ đôi khi lại tồn tại ngay trong tâm thức.


    Những chuyến đi cũng như vậy, chúng ta chuyển động, từ thành phố này qua thành phố khác, từ vùng miền này qua vùng miền khác, và hơn thế là từ đất nước này cho đến đất nước khác… Cứ cho là di chuyển, chúng ta có những bức hình mới, được ăn những món ăn mới, hơn nữa là mua được những đồ mới… Nhưng điều quan trọng hơn cả, mà đôi khi không phải ai cũng nhận ra, chúng ta đã thay đổi. Tôi đã thay đổi rất nhiều sau mỗi chuyến đi, tôi học được cách ứng biến với những tình huống, đối mặt với thời tiết, tôi biết cách trân trọng những mối quan hệ, biết thương kẻ khó, biết nén nỗi đau… Tôi lớn thêm, già đi và hiểu rõ về mình.


    Cụ tôi là một người chưa bao giờ rời xa lũy tre làng, cả đời cụ chỉ quanh quẩn buôn bán trong những phiên chợ quê nghèo khó, nay cuốc đất, mai cấy cày. Ngày lìa trần, khi ấy tôi còn rất nhỏ, vẫn không sao quên được câu nói cụ nói trước lúc lâm chung: “Cả đời tôi, có một điều mà tôi muốn nhưng chưa làm được, là một lần đi qua cái dốc làng.” Và giờ khi nhìn lại về nơi mình đã đến, những con đường mà mình đã trải nghiệm, tôi biết rằng, chính bước chân từ những ngày lên 3 rời xa làng ấy, đã nuôi tôi lớn.


    Những câu chuyện về những chuyến đi của mỗi người sẽ còn được viết tiếp. Bởi có rất nhiều người đã, đang và sẽ chuyển động. Tôi nhìn theo họ, thậm chí bước theo.


    Cuộc sống, nếu ta cũng biết thu dọn và sắp xếp lại mọi thứ, sẽ luôn mới mẻ. Như cách mà gia đình tôi vẫn kê lại mọi thứ khi Tết đến vậy. Mỗi một năm qua đi, không hẳn chúng ta từ bỏ cái cũ để đón cái mới, gia đình tôi vẫn giữ lại tất thảy những đồ đạc cũ, từ cái hòm đựng đạn của Liên Xô, cho tới những cái muôi, cái chậu mà bố mẹ được tặng từ hồi mới cưới. Nếu không dùng đến, chúng tôi xếp nó vào kho.


    Có người lựa chọn cách xếp gọn những đam mê lại để kiếm sống. Có người chọn cách xếp lại những áp lực cơm áo gạo tiền để đi xa. Mỗi thời điểm, chúng ta đều có quyền lựa chọn. Tôi không đặt hai phạm trù ấy lên bàn cân, cũng chẳng thiên về hướng nào, chỉ là luôn tìm cách hài hòa chúng.


    Cách đây vài hôm, một người bạn gửi cho tôi một bài báo có cái tên Sống gọn, được đăng từ khá lâu rồi, kể về một cô gái bỏ việc và lên đường cho những chuyến đi. Đó quả nhiên là một bài báo ý nghĩa… Tôi đã từng như thế, và có thể sẽ như thế, ai mà biết trước. Với những quyết định lớn, chúng ta luôn phải cân nhắc thật kỹ để sau này, khi nhắm mắt xuôi tay, chẳng bao giờ ta phải hối hận và nuối tiếc.


    Vậy đấy, tôi không phải là người theo chủ nghĩa xê dịch, chỉ là tôi luôn sắp xếp cuộc sống của mình sao cho nó phù hợp với tâm tưởng của bản thân. Nếu như những chuyển động của các bạn, của tôi không làm biến động cuộc mưu sinh, thì tại sao không thử một lần đi và làm mới cuộc đời mình?


  3. hellmelody

    hellmelody Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/11/2008
    Bài viết:
    390
    Đã được thích:
    0
    Rất thích câu này của bạn, và mình cũng chưa từng hối tiếc về những việc mình đã làm. Dù nó có sai hay ko như mình mong muốn, n dù sao người ta vẫn nói: Người ta sống cho tương lai chứ ko vì quá khứ, quá khứ giúp chúng ta thêm động lực để sống cho tương lai
  4. chipchina

    chipchina Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2007
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0
    Có một câu chuyện, tôi muốn kể cho các bạn nghe trước - Một câu chuyện không còn xa lạ với bạn bè và người thân của tôi. Đó không hoàn toàn là một chuyến du lịch, nhưng lại là chuyến đi lớn nhất cuộc đời tôi. Và nếu ai đó có sợ hãi khi đọc nó, thì hãy tìm tôi, người đã đi qua nó và chưa một lần sợ hãi...
    Một câu chuyện rất dài và hoàn toàn có thực. Tôi không phải một nhà văn, tôi chỉ là một người bình thường kể chuyện. Để thực hiện chuyến đi này, tôi đã bỏ một công việc tốt.. Nhưng không hối hận, vì tôi đã tìm được...quá nhiều!

    HÀNH TRÌNH ÂM – DƯƠNG

    ( Một câu chuyện chân thực, không dám hư cấu – Một câu chuyện đã đưa tôi đi về với cõi âm giữa cuộc đời, không nao núng, không sợ hãi )


    CÂU CHUYỆN BẮT ĐẦU TỪ MỘT GIẤC MƠ


    Ông nội tôi mất đã 40 năm. Sự ra đi của một người lính trong chiến tranh chống Mỹ xảy ra không chỉ với một gia đình. Những mất mát sau ngần ấy năm đã nguôi ngoai, nhưng không khỏi day dứt, bởi gia đình tôi chưa tìm được mộ ông. Bà nội tôi giờ đã ở tuổi gần đất xa trời, cái mong mỏi duy nhất là tìm được mộ chồng.


    Sau ngày ông mất, gia đình tôi nhận được giấy bảo tử chỉ toàn ký hiệu đơn vị. Những năm chiến tranh ác liệt, đến phần mộ của những người lính cũng không dám ghi danh. Giấy báo tử đâu phải là thứ giấy tờ bảo mật. Trải qua 40 năm, những cố gắng tìm kiếm của gia đình tôi hoàn toàn vô ích. Đơn vị của ông như chưa từng tồn tại trên đất nước này… Có biết bao người lính xa nhà đi chiến đấu, và chẳng được trở về dù trong hình hài của một nắm xương tan?

    Chiến tranh nghiệt ngã là vậy, nhưng những gì nó để lại là những khoảng trống không thể lấp đầy.
    Bố tôi thương bà, dù cũng là một người lính, luôn tin vào chủ nghĩa vô thần, vẫn chấp thuận để gia đình đi gọi hồn, với cái hi vọng mong manh: có điều kỳ diệu nào đó xảy ra? Chúng tôi tìm đến với những nhà ngoại cảm tên tuổi ( Tôi mạn phép không nhắc tên họ ở đây )
    Tôi còn nhớ đó là một ngày giáp Tết, dù chẳng bao giờ tin vào thế giới bên kia, tôi vẫn đến áp vong cùng gia đình tại nhà của một nhà ngoại cảm. Tôi là người đến muộn nhất, vì còn phải thu xếp công việc ở cơ quan. Cảnh đầu tiên và cuối cùng đập vào mắt tôi là tiếng người khóc và kêu gào trong làn khói hương mù mịt trong những tấm chiếu ngồi ngay sát Ban thờ. Sau ấy, tôi không còn nhớ gì. Chỉ lờ mờ có tiếng người nói, người khóc, mọi âm thanh cứ hỗn loạn trong một khoảng thời gian mê mệt.
    Đó là lần đầu tiên tôi bị nhập hồn. Mọi người kể lại, tôi bị ông nội nhập, nhưng không nói 1 lời nào.
    Sau cái chiều hôm ấy, dù được mọi người trong gia đình kể lại rõ ràng, tôi vẫn không tin vào cái gọi là cõi âm, hay hiện tượng siêu nhiên nào hết. Đó có thể là một tình trạng thôi miên, hoặc là ảo giác, hoặc là … một cái gì đó khác.

    Nhưng đó không phải lần duy nhất tôi bị áp vong. Với bất kể nhà ngoại cảm nào mà gia đình tôi tìm đến, mỗi lần bước qua cánh cửa nhà họ, tôi đều bị nhập. Sau này, bố tôi vì thực sự lo lắng cho tôi, đã không dám dẫn tôi đến những nơi như thế nữa…

    Mỗi nhà ngoại cảm cho chúng tôi một địa chỉ của ông nội, thật kỳ cục, tôi chỉ có một ông nội, nhưng có tới 3 ngôi mộ?

    Chính điều ấy đã khiến cho gia đình tôi bỏ cuộc, chúng tôi sẽ tin ai? Hay tất cả. Một thời gian dài, chúng tôi không còn nhắc đến chuyện đi tìm mộ ông bằng sự mách bảo của những nhà ngoại cảm, cho dù họ là ai và nổi tiếng đến cỡ nào.


    Một đêm đầu tháng 3, tôi tỉnh dậy trong một cơn mơ lạ. Những tưởng mọi chuyện về ông nội đã được gác lại, vậy mà giờ đây tôi lại gặp ông trong giấc mơ của mình. Ông không giống với bức ảnh trên ban thờ mà bố tôi thuê người vẽ truyền thần vẽ lại. Ông đã nói với tôi thật nhiều, kể cho tôi về chiến tranh, ông dẫn tôi đến nghĩa trang nơi ông đang ở. Rất nhiều hình ảnh trôi qua, tôi đã khóc. Một con bé chưa từng ý thức về ông nội từ ngày bé, giờ lại gặp ông trong một giấc mơ hoang. Tôi cố gắng hỏi ông về cái nghĩa trang ấy, ông nói không biết tên, chỉ biết ông nằm ở chiến trường Đông Nam, ngôi số 2, hàng thứ 10, theo hướng Tây Nam của nghĩa trang “ Chỉ cần cháu đi tìm ông, nhất định sẽ thấy”

    Tôi tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi, cố gắng ghi nhớ lại hình ảnh về cái nghĩa trang trong giấc mơ ấy, khuôn mặt ông, tất cả… Tôi gọi bố, miệng run run. Trong suốt 40 năm kể từ ngày ông mất, chưa một ai trong gia đình tôi mơ thấy ông. Đêm hôm ấy, dài như một dòng sông.

    TÔI ĐI TÌM ÔNG


    Vài tháng trôi qua, nhưng những ký ức về giấc mơ đêm ấy cứ quanh quẩn trong tôi, tôi không thể làm việc, không thể ngủ ngon… Mọi thứ tôi làm mỗi ngày một luẩn quẩn. Không thể để tình trạng này tiếp diễn, tôi xin phép bố mẹ, và tôi đi tìm ông.

    Hành trang của tôi là một tấm bản đồ, vài thông tin cóp nhặt từ mạng về đơn vị KB của ông, tò giấy bảo tử và vài vật dụng tưởng như vô thưởng vô phạt khác.
    Tôi đi về chiến trường Đông Nam của tổ quốc – Tây Ninh.
    Bố mẹ tôi đã để tôi đi như thế, vì biết cũng không thể giữ tôi lại. Khi những ám ảnh ngày một tăng, lòng mỗi ngày càng thêm giục giã, nhất định tôi phải đi tìm ông. Cho dù thấy hay không thấy, ít nhất tôi cũng không tủi hổ với lòng mình. Bố tôi vì quá lo lắng cho tôi, đã nghiễm nhiên trở thành một người bạn đồng hành.
    Chuyến tàu SE đưa 2 bố con rời xa Hà Nội, mỗi người mang theo một suy nghĩ. Tôi biết khi ấy bố tôi không tin tôi, không tin vào giấc mơ tôi kể, nhưng tôi biết ông thực sự lo cho tôi. Tôi không một mình…
    Chúng tôi đến Tây Ninh, trong 3 địa chỉ mà 3 nhà ngoại cảm nhắc đến, có một nghĩa trang ở Tây Ninh, ít nhất điều này cũng trùng hợp với suy nghĩ của tôi, vì nó nằm ở chiến trường Đông Nam cũ: Nghĩa trang liệt sỹ Châu Thành.

    Đó là một nghĩa trang nằm ngay trên đường quốc lộ, cách trung tâm thị xã chừng 3km. Sở dĩ tôi luôn bám theo suy nghĩ đi tìm ông trong một nghĩa trang bởi trong giấc mơ ông đã từng nói: Ông không còn nằm trong rừng nữa, người ta đã tập kết mộ ông về nghĩa trang rồi. Một trưa tháng 5 nắng chói chang, sau một chặng đường dài mệt mỏi, không dừng chân ở bất kể thành phố nào, bố con tôi đến thẳng nghĩa trang Châu Thành.

    [​IMG]
    Ngay khi đứng trước khuôn viên lạnh lẽo ấy, tôi đã đòi quay bước: Bố à, không phải nghĩa trang này, con chắc chắn mộ ông không ở đây, giấc mơ con bảo thế…

    “ Đã bảo không nhắc đến giấc mơ nữa cơ mà, cứ vào đây, thắp hương đã rồi đi” Bố tôi kéo tay tôi lại.
    Hôm ấy và nhiều đêm sau đó, chúng tôi ngủ lại nghĩa trang. Bố tôi muốn dừng chân vì ông đã mệt và muốn thử xem nhà ngoại cảm kia chỉ có đúng không. Cuối cùng chúng tôi phát hiện ra mộ bà ấy chỉ là một cái mộ không vô danh, của một người khác… Thật buồn cười. Trong cái hoàn cảnh nửa trái khoáy, nửa bi hài ấy, tôi thầm nghĩ đến tên tuổi của bà… Cái sự đúng sai ở đời, nhiều khi cũng chỉ dựa vào những thứ thật vô nghĩa.

    Tôi ngủ lại nghĩa trang, không phải do mệt mà tôi muốn có linh cảm. Không có sự sợ hãi nào hết, cũng không có một giấc mơ nào về ông. Tôi biết ông tôi chưa từng ở đây…


    Những ngày ở đó, tôi đã nghe rất câu chuyện của người quản trang già, nửa tin, nửa ngờ. Ông kể về những đêm mất ngủ bởi những tiếng lạch cạch ở bàn nước, tiếng người trao đổi cười nói… ngay tại cái bàn mà tôi và bố đang ngồi. Lúc đầu tôi cho rằng, những gì ông kể chỉ là do những ám ảnh về chiến tranh mà người lính năm xưa không quên được, những ký ức của ông bám lấy cuộc đời ông…
    Nhưng tôi cảm động vô cùng, khi mỗi bữa cơm tôi nhìn thấy ông luôn sắp một bộ bát đũa khác, rót một cốc bia đầy… để mời đồng đội. Cái tình của những người đi qua chiến tranh khiến cho tôi xiêu lòng. Chúng ta có bao giờ được như thế?
    Nếu như ai đó nói với ta rằng, thôi đừng có nhắc đến chiến tranh nữa, nó có tồn tại nữa đâu, nhưng những câu chuyện, chắc chỉ có những người đi xuyên qua nó mới hiểu. Tôi thấy bố trầm ngâm. Bố tôi 50 tuổi, nhưng đã từng đi qua cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt năm 1979, những đồng đội của bố tôi ngày ấy, giờ chẳng còn mấy ai…Họ đã ngã xuống cho tổ quốc, bố tôi nói bản thân ông là người may mắn.

    Tôi có mang theo một đôi đũa và vài quả trứng gà từ nhà. Tôi nghe mọi người bảo rằng, đi tìm mộ, người ta thường thử trứng. Ấy là cách người ta đặt quả trứng sống lên 1 chiếc đũa, nếu quả trứng đứng được thì đó là mộ nhà mình. Tôi thử cắm ở miếng đất không, quả trứng vội vàng rơi khỏi đầu đũa. Bố tôi thử nó ở một ngôi mộ trong nghĩa trang Châu Thành, lại thêm một quả trứng vỡ.
    Đến lượt tôi thử trên một ngôi mộ. Kỳ lạ là quả trứng khẽ rung trên đầu đũa, và đứng im. Tôi lần lượt thử trứng trên dãy mộ vô danh quanh đó, không một lần nào trứng rơi. Người quản trang già nhân hậu nhìn tôi: Chắc ai cũng muốn về cùng cháu, cháu thực sự có tâm đấy!
    Ở đời, có những chuyện kỳ lạ mà chúng ta không bao giờ lý giải được.

    Những ngày ở đó, sống trong khuôn viên của một thành phố chết, tôi thường lang thang thắp hương dọc các khu mộ, sau đó đi bộ vào khu vườn trồng toàn cao su, lá xanh ngút ngàn. Ở nơi này, hoa đẹp đến kỳ lạ. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ ở trong một nghĩa trang, và thấy nó dễ chịu thế này.
    [​IMG]

    Bố tôi vẫn kiếm tìm thông tin về đơn vị của ông nội. Chúng tôi được người quản trang dẫn tới một nghĩa trang khác, nghĩa trang Tân Biên ( hay còn gọi là nghĩa trang đồi A82), cách đó 40km. Tấm lòng của bố con tôi làm người lính già cảm động, dành hẳn một ngày đưa bố con tôi đi tìm thông tin về ông nội. Có lẽ ông ngạc nhiên lắm khi có người như bố con tôi, đi tìm mộ khi trong tay chẳng có thông tin gì đáng giá hết, chỉ có lòng tin…

    Tôi đứng suốt trên chuyến xe Bus đi Tân Biên, giữa cái nắng tháng 5, tôi không hề thấy mệt. Những hi vọng là sẽ tìm được ông cứ nhen nhóm từ ngày này qua ngày khác trong suốt cuộc hành trình. Rồi 3 chúng tôi cũng đến được nghĩa trang đồi A82. Đó là một nơi rộng không ngờ, có hàng trăm nghìn ngôi mộ tràn trên khắp một dải đồi. Người ta nói, nơi đây đã từng là một chiến trường khốc liệt những năm 70…
    Vừa bước vào cổng, nắng hè rực rỡ biến mất, một làn sương mù lạnh thấu da thịt tôi. Tôi và bố quay sang nhìn nhau, không ai nói một câu nào. Tại sao sương lại đổ giữa hè?

    Sau khi dò tìm danh sách những liệt sỹ trong nghĩa trang, không có ông, ,mà chúng tôi biết chắc là không có. Mộ ông tôi là mộ vô danh, tôi đã từng thấy trong giấc mơ. Chúng tôi đi vào trong nghĩa trang, nắng đã quay trở lại.
    Bóng 3 con người – 3 thế hệ lầm lũi bước đi theo một con đường hun hút gió.
    [​IMG]
    Hàng chữ Tổ quốc ghi công gần lại, tôi thắp một nén nhang lên ban thờ chung. Cả lư hương bỗng nhiên bốc cháy. Tôi đứng lùi lại phía sau, lặng lẽ khóc. Không có sự sợ hãi, đó là nước mắt cho những liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ và cuộc chiến tranh biên giới Việt - Cam, cho ông tôi và những đồng đội. Tôi biết ông tôi đã từng đi qua đây…

    Chúng tôi cố gắng thắp hương cho những ngôi mộ lạnh lẽo, giữa cái nắng chói chang, ai cũng hiểu rằng, không có đủ hương cho tất cả… Chúng tôi chỉ có đủ tấm lòng. Tôi đã ngất đi, giữa hàng cây phượng vỹ đang đổ đầy máu đỏ. Và khi tỉnh dậy ngay sau ấy, tôi thấy mình thật may mắn vì có bố làm bạn đồng hành.
    [​IMG]

    Rời xa những nghĩa trang, bố con tôi trở về Sài Gòn mang theo cái nhìn đau đáu của người quản trang Châu Thành. Rồi có ngày tôi sẽ quay trở lại thăm ông và đồng đội ông... Vẫn như lúc bắt đầu lên đường, những manh mối về ông nội tôi chỉ là con số 0.

    Sài Gòn một ngày vội vã. Bố con tôi bắt taxi để đi đến quân khu 7 theo thông tin mà tôi cóp nhặt được trong một trang web tìm mộ liệt sỹ, có nhắc đến đơn vị KB: http://www.nhantimdongdoi.org/?mod=chitiet&subcate=3&id=2120
    Vì bố tôi là quân nhân, nên thủ tục vào quân khu 7 cũng khá dễ dàng. Tôi thất thểu ngồi ngoài phòng đợi, gọi điện về cho mẹ. Lúc này đây, khi tưởng như mọi hi vọng bị dập tắt, tôi chỉ còn biết tìm sự an ủi từ gia đình. Tôi vẫn luôn tin, tôi chưa hề sai khi quyết định lên đường đi tìm ông nội.
    Và bố con tôi đã không uổng công khi đến Quân khu 7. Chúng tôi có 2 dòng thông tin về ông: Liệt sỹ … mất tích ngày … tại Ba Xoài, An Giang. Họ nói muốn rõ hơn thì về Quân khu 9, may ra sẽ có thông tin về ông tôi.

    Ngày hôm sau, bố con tôi rời thành phố, bắt chuyến xe Mai Linh đi Cần Thơ. Trong chuyến đi đó, những cốc cà phê rẻ tiền, những dĩa cơm suất ven đường như tiếp thêm cho tôi nguồn năng lượng vô cùng tận, không mệt mỏi.
    [​IMG]
    Chúng tôi không có thời gian để dừng chân tại những nhà hàng sang trọng, hay những quán cà phê nhấp nháy xanh đỏ… Tôi cứ đi bằng niềm tin của chính mình, tôi đã truyền nó sang cho bố mình từ lúc nào không hay. Giấc mơ kia giờ không chỉ của riêng tôi…


    [FONT=&quot]Tôi vẫn nhớ bữa trưa hôm ấy, bữa trưa của những món ăn ngọt như chè ở đất Cần Thơ. Bố tôi buông đũa, ngồi uống bia, nhìn tôi lặng lẽ... Tôi không hiểu ông đang nghĩ gì, có phải chăng là một lời băn khoăn cho chính con đường mà hai bố con đang đi. Không ai biết nó sẽ dài hay ngắn, hạnh phúc hay khổ đau, chỉ biết rằng chưa thể dừng lại... [/FONT][FONT=&quot]
    [/FONT]
    [FONT=&quot]Chúng tôi thuê 1 phòng lớn của nhà khách T92, thuộc quân khu 9. Con đường chạy qua khu đó nối thẳng tới sân bay, những con xe to kềnh càng như những người khổng lồ thép cứ vun vút chạy qua trước mặt. Miền Tây đang mùa mưa, mưa ào một thoáng, rồi lại nắng. Chiều hôm ấy, tôi ở lại trong phòng khách sạn với đống báo chí mượn của đồng chí lễ tân, còn bố tôi, ông sang quân khu 9 tìm thông tin.[/FONT]

    [FONT=&quot]Khi bố tôi trở về, với điếu thuốc dang dở trên tay, tôi biết chúng tôi chẳng có gì thêm về ông nội nữa. Từ rất lâu rồi, mỗi lần bố tôi thất vọng, ông hay ngồi thừ mặt nhìn vào gương không nói gì, khuôn mặt lúc nào cũng đăm chiêu như thể đang suy nghĩ, và thuốc lá bao giờ cũng châm lên để đó. [/FONT]
    [FONT=&quot]Ở nơi này, tôi thấy buồn vô hạn, thành phố náo nhiệt là thế, nhưng dường như, ở riêng cái góc này, có 2 người đang lặng lẽ thở. Bố tôi vốn là người nói rất nhiều, mà cái giờ phút ấy nghiễm nhiên im lặng. Tôi thấy ông ra khỏi phòng và bước qua đường...[/FONT][FONT=&quot]
    [/FONT]
    [FONT=&quot]Bố tôi thuê một chiếc xe của ông chủ quán cà phê, nghe đâu cũng là người Phú Thọ. Ở miền này, người ta vẫn ác cảm với dân Ba ke ( một cách gọi hàm ý châm chọc ), nên việc bố thuê được 1 chiếc xe máy làm tôi ngạc nhiên. Ông bảo tôi: “Lái xe đi, con muốn đi chơi đâu thì đi, bố làm ôm, rồi mai mình về nhà” Tôi lặng lẽ lên xe và hướng về trung tâm thành phố. [/FONT][FONT=&quot]
    [/FONT]
    [FONT=&quot]Tôi đã đưa bố tôi đi thăm chợ nổi, chạy qua cầu Cần Thơ, đi nhậu lai rai... cứ như thể bố tôi mới là một đứa trẻ, và cần an ủi lúc này. Chỉ khi ta thực sự đi qua cái cảm giác mất người thân – người mà mình yêu quý nhất chắc mới hiểu được cảm giác của bố tôi lúc này, những nỗi đau tưởng chừng đã chìm vào quên lãng, nay trở về dấy lên trong lòng người con đầu đã hai thứ tóc.
    [/FONT]
    [FONT=&quot]Lúc ấy, tôi nhớ đến người đàn ông mà chúng tôi gặp ở Phòng chính sách tỉnh Tây Ninh tuần trước. Đó là người đàn ông cỡ ngoài 40 tuổi, người Vĩnh Phúc, vào Tây Ninh đã 10 năm. Ông kể cho tôi nghe về hành trình đi làm thuê để kiếm mộ cha – những năm tháng chôn mình trong rẫy cao su xanh bạt ngạt. Người đàn ông ấy vẫn đang cố gắng tìm cho dù trên tay ông cũng chẳng có gì ngoài tờ giấy báo tử sơ sài. Những câu chuyện nghẹn lòng khi gặp, để rồi khi chia tay người ấy, tôi vẫn không quên nổi. Cuộc đời này, ai dám bảo chữ Hiếu đã phai tàn?[/FONT][FONT=&quot]
    [/FONT]
    [FONT=&quot]TÔI ĐÃ BỎ CUỘC[/FONT]

    [FONT=&quot]Chúng tôi lại chia tay quân khu 9 để đi An Giang, không phải là về nhà mà đi tìm Ba Xoài như trong thông tin có được từ quân khu 7. Tôi gọi điện tới tổng đài 1080 để tìm hiểu thông tin về địa danh ấy, chỉ nhận được câu trả lời là: Em không biết, trong bản đồ không có.[/FONT]
    [FONT=&quot]Những ấp chiến lược năm xưa giờ đã thay tên đổi họ, nên địa danh mà tôi hỏi chắc thế hệ bây giờ mấy người còn biết. Trên chuyến xe khách rẻ tiền, những ánh mắt nhìn bố con tôi nói chuyện với nhau một cách tò mò. Thôi thì cứ đi...[/FONT]

    [FONT=&quot]Vậy là tôi và bố, cứ đi từ thành phố này qua thành phố khác, một hành trình mà chẳng ai trong chúng tôi dám nghĩ đến sự kết thúc. Chúng tôi cũng đi từ thất vọng này tới thất vọng khác, khi những hi vọng chỉ còn như một tia sáng yếu ớt lúc tàn ngày...[/FONT]

    [FONT=&quot]Tôi thì vẫn tiếp tục làm một đứa con gái ngoan, ngồi chờ bố trước Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang.
    Long Xuyên nắng chói chang... Một thành phố lạ lẫm trong mắt tôi không còn là điều thu hút nữa, lúc này tôi chỉ còn biết chờ đợi. Một người lính thời bình, chính xác gọi là như thế, nhìn thấy tôi ngồi ấy mà lòng ái ngại. Khi bố tôi trở ra giống y như lúc bước vào, tôi hiểu, mọi hi vọng có thêm thông tin đã chấm dứt.
    [/FONT]

    [FONT=&quot]Chính tại cái thời điểm ấy, người lính mà tôi nhắc đến kia đã quay trở lại. Đó là một đồng hương Bắc. Bố con tôi thật may mắn khi gặp được chú và gia đình chú ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Chú đưa chúng tôi về nhà, dẫu chỉ là một căn nhà cấp 4 sơ sài, cũng đã quý lắm rồi. Chúng tôi đã ở đó, nhiều ngày sau. Khi thì tôi sang nhà một chị gần đó để nấu bánh canh, khi thì dẫn mấy đứa trẻ con trong nhà ấy đi xem biểu diễn trăn ngoài đường, khi thì vắt vẻo nằm võng đọc báo, khi thì đạp xe qua khu chợ đêm rực rỡ những sắc màu... Còn bố tôi, ông đi theo những người lính già, nghe những câu chuyện chiến tranh đến tối mịt.[/FONT]

    [FONT=&quot]Một buổi sáng, bố tôi gọi tôi vào phòng. Nói là phòng cho oách, chứ thực ra có đúng 1 cái phản gỗ và 1 cây quạt điện. Ông bảo, “Con đã đi lâu rồi, mà giờ cũng vô vọng lắm, con đặt vé máy bay rồi về Sài Gòn đi, ở đây vất vả, con về còn bố ở lại thêm vài hôm nữa xem có thông tin gì không?” Và hôm ấy, tôi đã nghe lời bố. Chuyến bay khởi hành vào tối ngày hôm sau.[/FONT]

    VÀ ... GẶP LẠI ÔNG

    [FONT=&quot]Đêm cuối tháng 5, sau khi chuẩn bị gọn ghẽ hành lý của mình để trở về, tôi chìm vào giấc ngủ sâu. Có tiếng mở cửa, tôi choàng dậy.[/FONT]
    [FONT=&quot]Ông nội tôi đang đứng ở đó, quay lưng về phía tôi hút thuốc. Bố tôi kể, ông tôi nghiện thuốc lá nặng lắm, ngày ông đi công tác, bố tôi còn bé lắm, khuôn mặt ông bố tôi còn không nhớ, nhưng chuyện ông hút thuốc suốt thì bố tôi không quên.[/FONT]

    [FONT=&quot]Tôi cất tiếng gọi: "Ông? Ông phải không ạ?"[/FONT]
    [FONT=&quot]“ Sao cháu lại về, cháu đi đúng hướng rồi đấy, tại sao lại về? Sắp đến nhà ông rồi... Ông đã bảo chỉ cần cháu đi là sẽ thấy!”[/FONT]
    [FONT=&quot]Tôi cố gắng bật dậy và chạy ra phía cửa. Ông tôi không còn ở đó nữa. Nghe thấy tiếng động, bố tôi ở phòng bên cạnh cũng dậy. Bố tôi nói, bố vừa gặp ông.[/FONT]

    [FONT=&quot]Sáng sớm hôm sau, tôi vội vàng hủy vé máy bay, 2 bố con tôi lên đường đi Châu Đốc, tiến gần về khu vực miền biên giới[/FONT][FONT=&quot]. Chiến tranh đã lấy đi không biết bao người chồng, người cha, người con... trên tổ quốc này, vĩnh viễn không trả lại. Chỉ khi bạn đến tận nơi những nghĩa trang liệt sỹ, mới thấy mất mát sao quá nhiều. Và còn biết bao thân xác đang nằm lại nơi sơn cùng, núi hiểm. Những con số ở trên giấy tờ ... Còn nỗi đau thì ở trong tim![/FONT]

    [FONT=&quot]Trên chuyến xe bus lúc nhúc người, những con người sạm sày vì mưa nắng chen chúc nhau. Họ mang cả thúng mủng, quang gánh lên xe, thậm chí cả gia cầm. Tôi kiếm được một chỗ ngồi ở giữa xe, vội vàng kê đôi dép nhựa xuống và ôm chặt lấy chiếc balo của mình để ngủ. Không biết từ khi nào, tôi mất hoàn toàn cảm giác say xe. Những chuyến đi cứ kéo dài từ ngày này qua ngày khác tôi nghiễm nhiên coi ô tô là chiếc giường tốt, tuy không khí xung quanh không được trong lành, hơi lắm tiếng ồn và chẳng êm ái gì... Từ nhỏ tôi đã luyện cho mình thói quen ngủ trong bất kể hoàn cảnh khắc nghiệt nào. [/FONT]

    [FONT=&quot]Nắng tháng năm nắng đến xé lòng, mà cái nắng của cái xứ sở nửa Cam nửa Việt này như thiêu đốt số phận người. Ai cũng có những khuôn mặt tối mù mịt, làn da dạn dày để chống chọi lại với thời tiết. Mảnh đất này khiến tôi nghĩ đến một đất nước khác, chứ không phải là miền Tây sông nước có những hàng dừa xanh như trong sách giáo khoa. Cái nắng nơi đây cũng biến tôi thành người như họ, cũng đen nhẻm, cũng nhếch nhác đồ đạc, cũng quấn khăn rằn đỏ trắng trên trán như ai... [/FONT]

    [FONT=&quot]Hai bố con tôi tạm dừng lại ở đền thờ Bà Chúa Xứ. Tôi đã từng học và đọc rất nhiều về đền Bà, nên muốn dừng lại thắp vài nén nhang. Tôi chẳng dám xin gì nhiều, tôi chỉ xin Bà cho tôi tìm thấy ông nội. Thời gian này, đền đang chuẩn bị cho lễ tắm Bà nên rất đông. Chúng tôi phải luân phiên trông đồ đạc để vào đền. Chen qua những hàng người đen đúa đang quỳ lạy xì xụp, tôi vào trong đền. Sự tương phản hiện lên khá rõ ràng, trong ngôi đền to lớn, với rất nhiều vàng bạc, trang sức và ngọc ngà, là dòng người nghèo khổ sùng bái đến lạ kỳ. Lúc này tôi mới thấm thía câu: của cải không nuôi sống con người mà là niềm tin. Có rất nhiều dân tộc, tộc người trên thế giới này có niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo. Những người tới đây cũng không nằm ngoài số ấy. Tôi thì khác, tôi tin mình sẽ tìm thấy ông.[/FONT]

    [FONT=&quot]Đã trưa, tôi thấy đói và thấm mệt. Quãng đường đi bộ từ bến xe bus vào đền khá dài, và có rất nhiều hàng ăn uống phục vụ cho người dân đi lễ lạt. Những món ăn được bày ra đường, ngay cạnh bên rãnh nước, trông nhộn nhạo và nguội ngắt. Hai bố con tôi lếch thếch đi dọc trở ra đường cái, ngó nghiêng tìm, hi vọng có cái gì bỏ bụng được, nào là chim quay trên bếp ga du lịch, rồi mấy món bún riêu lềnh phềnh, trái cây dầm thì đỏ quạch màu ớt bột. Vốn là đứa khá dễ dãi trong chuyện ăn uống, nhưng nhìn những món ăn ấy, tôi rùng mình. Thôi thì uống tạm chút nước, tôi và bố lại lên đường.[/FONT]
    [​IMG]
    [FONT=&quot]Lại là chuyến xe gập ghềnh, lại là tiếng quát the thé của người lơ xe, tiếng gà vịt oang oác tràn ngập trong không gian chật hẹp... nhưng tôi linh cảm ông nội đang ở rất gần. Con đường chúng tôi đang đi, dẫn tới Ba Xoài. Ông tôi đã từng đến đây, và chiến đấu trên mảnh đất này, và yên nghỉ. Có tiếng lá reo vi vu trong gió mùa hè.[/FONT]

    [FONT=&quot]Và bố con tôi dừng lại, bước xuống xe ngay trước một nghĩa trang: Nghĩa trang Dốc Bà Đắc. Không biết điều gì đã buộc bố con tôi dừng bước, chỉ biết rằng không được đi xa hơn nữa. Những hình ảnh thân quen hiện ra trước mắt tôi, giấc mơ lần đầu về ông ùa về nhức nhối. Trước mắt tôi, là một nghĩa trang trông hoang vu, tựa lưng vào một quả đồi, trông đến tội nghiệp. Có cái gì đó cô đơn và lạnh lẽo lắm ở nơi này khi đặt chân vào. Ừ thì có trồng xoài, trồng cây cảnh đấy... mà sao như không có đôi tay người vun vén. Cảm giác của tôi lúc này, y hệt như giấc mơ đêm hôm ấy. Tôi đã từng không tin có một nghĩa trang nào buồn bã như thế, vậy mà giờ đây gặp lại, tôi không khỏi xao lòng “Có phải ông đang ở đây? Bố con cháu đã đến rồi...”[/FONT]

    [FONT=&quot]Trong khi bố tôi nói chuyện với người quản trang, tôi đi dạo vòng quanh các khu mộ. Cỏ ở đây mọc cao tới mức nhấn chìm những hàng mộ, ngỡ như cả năm qua không ai buồn cắt. Những bát hương độ tàn đã lâu lắm rồi. Không khí ở đây khá trong lành và yên ổn, không có tiếng phố xá ồn ã, không có tiếng xe cộ qua lại, chỉ có tiếng chim ríu rít và tiếng gió lá xôn xao.[/FONT]

    [FONT=&quot]Nghĩa trang này phải chăng chính là nơi nhấn chìm quá khứ đau thương một thời, nơi năm lại của bao trái tim tuổi trẻ sôi sục. Ở đó, những anh hùng sống mãi, với lứa tuổi mười tám đôi mươi. [/FONT][FONT=&quot]
    [/FONT]

    [FONT=&quot]Đến thời điểm này tôi không cảm thấy vội vàng tìm kiếm mộ ông nội nữa, bởi tôi tin ông đã dẫn bố con tôi đến đây. Được người quản trang sắp xếp cho một chỗ nghỉ trong khuôn viên nghĩa trang, bố bảo tôi rửa mặt rồi chờ bố đi mua cho tôi cái gì bỏ bụng. 12h, trời tự dưng mù sương bất thường, tôi thấy lạnh. Một cảm giác khó tả len lỏi sau gáy, có cảm giác có rất nhiều người đang ngồi nhìn tôi. Tôi có gắng nhắm mắt lại.[/FONT]

    [FONT=&quot]Phải khá lâu sau bố tôi mới trở về, ông mua cho tôi xuất cơm chan nước mắm, có vài ba miếng thịt ngọt lừ, cố gắng lắm tôi mới nuốt nổi những hạt cơm rời rạc ấy vào bụng. Thôi thì tạm cho qua bữa, ngày xưa... chắc gì có thế này mà ăn. Đôi khi con người cũng thật kỳ lạ, phàm những lúc khó khăn thì hay ví von với cái ngày xưa xa lắc lơ, thậm chí còn chẳng nhớ nó thực hư thế nào mà cứ ví. Tôi đâu có biết quá khứ của mảnh đất này, nhưng cứ có cảm giác mình đã từng ở đây, như từ lâu lắm.[/FONT]

    [FONT=&quot]Chiều hôm ấy, hai bố con tôi đi thắp hương vòng quanh nghĩa trang. Cố gắng lắm thì mỗi hàng mộ cũng chỉ thắp được đôi ba nén. Có quá nhiều những ngôi mộ vô danh... Mỗi người lính khi lên đường đều mang theo cái tên cha mẹ đặt cho, vào quân ngũ thì có tên chiến đấu, vậy mà khi ngã xuống, cái tên cũng chìm vào đất sỏi. Tôi đã òa khóc giữa những khu mộ vô danh ấy như một đứa trẻ khi nghĩ: nếu một ngày mình cũng bị lãng quên như thế, mình sẽ thế nào?[/FONT]

    [FONT=&quot]Bố tôi tiếp tục tìm kiếm tên ông trong danh sách quản lý mộ liệt sỹ của nghĩa trang. Dĩ nhiên là không có. Bỗng dưng tôi nhớ đến lời ông nội tôi đã nói với tôi đêm xưa: Mộ ông là mộ vô danh, ông được chôn trong hố chôn tập thể, mới được chuyển về nghĩa trang này. Cháu cứ đi theo hướng Tây Nam sẽ thấy. Và cứ thế tôi nhìn theo hướng mặt trời để định hướng và đi về góc Tây của nghĩa trang.
    [/FONT]

    [FONT=&quot]Quỳ gối trước hàng mộ hoang vắng, tôi thì thào: “Ông ơi cháu đến rồi này”. Không có tiếng ai trả lời, chỉ có nắng cháy trên đầu và gió lùa cay khóe mắt.[/FONT]
    [FONT=&quot] Có tiếng người nói chuyện, tôi giật mình quay lại thấy bố và người quản trang đang đi về phía tôi: “ Đây anh này, đây là khu mộ mới được bốc lên từ hố chôn tập thể ở khu vực Núi Cấm, là căn cứ Ba Xoài ngày xưa đấy, có cả thảy 31 ngôi mộ, nhưng chỉ có một ông có biển tên. Là lính đặc công thủy ngày xưa được ngoài Bắc điều vào đấy. Khổ lắm anh ạ, hôm chúng tôi tìm thấy khu mộ tập thể này, đào lên thì mỗi ông mặc có 1 cái quần xà lỏn, như quần bơi bây giờ ấy. Nghe đâu ngày xưa bị quân Mỹ giật hàng rào điện chết hết thảy, rồi chúng nó lấy máy ủi gạt hết xuống hố. Lúc đào lên thì xương ông nọ lẫn vào xương ông kia cả, giờ tách mộ ra cho nó có hình thức thôi...”[/FONT]

    [FONT=&quot]Tai tôi ù đi, đúng là ông nội rồi. Tôi không cần phải thử trứng gì hết nữa, cũng không cần nhà ngoại cảm nào hết. Tôi thấy ông đang đứng đó, nhìn tôi mỉm cười.[/FONT][FONT=&quot]
    [/FONT]

    [FONT=&quot]Chiều hôm ấy, chúng tôi may mắn gặp được 2 người lính già vào nghĩa trang này thăm bạn bè cũ. Hai người lính ấy, là đồng đội của ông tôi năm xưa. Họ kể chuyện cho bố con tôi nghe về trận chiến ông tôi hi sinh, và đưa bố tôi đến chiến trường cũ, nơi trận đánh rạng sáng 27.3.1970 diễn ra.[/FONT]

    [FONT=&quot]Còn tôi, tôi ở lại một mình trong nghĩa trang. Người quản trang khi ấy đã về nhà ăn tối. Đang cuối tháng 5, vậy mà chiều ấy trời lạnh run người. Không rõ do ảo giác hay do sương lạnh đang bao trùm nơi tôi đang đứng. Tôi gọi điện thoại cho một người bạn, kể lể ba hoa cho đỡ sợ. Nhưng tôi cũng chẳng bớt lạnh thêm chút nào. Lững thững, tôi lại đi bộ ra khu mộ của ông, mang dao ra phát cỏ và đốt. Lửa cháy lan ra rất nhanh, khói mù mịt. Tôi cứ đứng đó hàng tiếng đồng hò nhìn lửa cháy. Khi bố tôi trở về đã giật mình chạy đi tìm nước để dập, bởi tôi cứ đứng giữa những hàng mộ đầy khói và lửa bập bùng như thế. Điều kỳ lạ là lửa chẳng cháy đến một ngôi mộ nào, cũng chẳng cháy đến nơi tôi đứng... Lửa chỉ làm ấm lòng một người đang cô độc là tôi.[/FONT]

    [FONT=&quot]Rồi bố con tôi lại ngồi đó, cạnh 31 ngôi mộ im lìm. Tất cả đều có máu xương của ông nội và những đồng đội. Biết là chẳng thể mang ông về như tâm nguyện của bà nhưng tôi thấy an lòng. An lòng vì biết ông đã và sẽ ở đây, cùng bạn bè, đồng chí. Ông tôi không cô độc.[/FONT]
    [FONT=&quot]
    [/FONT]

    [FONT=&quot]Buổi tối, cả nghĩa trang chìm vào khoảng không tĩnh mịch. Hai bố con lững thững kéo nhau đi tìm nhà dân để ăn tối, bỗng bố tôi hét thất thanh: Ma!
    [/FONT]

    [FONT=&quot]Trước tượng đài là hình ảnh sáng trắng lập lòe, tôi kéo tay bố rồi bảo: “Đi thôi bố, nghĩa trang thì phải có ma chứ, mà mình ở cùng ma cơ mà.” Thực ra khi ấy tôi cũng rất sợ, nhưng cố nói mấy câu để bố yên lòng. Suốt quãng đường đi bộ hơn 1km, hai bố con tôi chẳng ai nói với ai câu nào, bố tôi đi trước, tôi đi sau, và sự sợ hãi đi giữa.[/FONT]

    [FONT=&quot]Hai bố con tôi đã đi qua một đêm dài thật là dài. Khi thấy người quản trang đóng cửa đi ngủ từ sớm, và còn mang cả bô vào trong phòng, bố con tôi nhìn nhau cười. Nhưng phải thực sự đi qua đêm ấy, tôi mới hiểu nguyên do cho hành động kỳ lạ của người đó.
    [/FONT]

    [FONT=&quot]Ở giường bên này, tôi thấy bố trở mình liên tục. Dù cũng chẳng ngủ được, nhưng tôi cố giả vờ ngủ say. Khi mới thiêm thiếp ngủ, tôi nghe thấy tiếng động nhẹ ngoài cửa. Rồi cửa mở và đóng vào rất nhanh. Điếu thuốc lúc chiều bố tôi chưa kịp hút đặt trên cửa sổ bỗng nhiên đỏ lên và tàn dần như có người đang hút. Tôi cố nhắm mắt thật chặt để không nghĩ mình bị ảo tưởng. “ Con mời bố ngồi, bố khẽ thôi cho cháu nó ngủ, nó mệt lắm rồi” Tiếng bố thôi thì thào, nhưng không có ai đáp trả. Tôi mở mắt ra thấy bố tôi vẫn nằm đó như đang say ngủ, không có ai khác. Tôi nín thở, ngoài trời gió mỗi lúc một to.[/FONT]

    [FONT=&quot]Nghĩ là mình mơ, do mệt quá, tôi lại cố đếm cừu để ngủ lại, quên đi nỗi sợ hãi đang đè chặt lên ***g ngực. Được một lúc sau, tôi tỉnh dậy bởi tiếng gọi của bố: “ Con, dậy nghe này, nghe đi” Tôi im lặng và lắng nghe. Có tiếng hát quốc ca, rồi tiếng người lao xao gọi nhau dậy tập thể dục, tiếng kèn, tiếng người hô 1, 2, 3... Cho đến khi ấy, tôi mới thực sự tin về mội thế giới khác. Và hai bố con tôi đã chạm đến ranh giới của sự sống và cái chết. Không có cái chết nào là vĩnh viễn, nó chỉ là khởi đầu của một cuộc sống mới...[/FONT]

    [FONT=&quot]Sáng hôm sau, bố tôi nói sẽ bỏ thuốc, bố tôi bảo đêm qua bố đã nói chuyện với ông, ông muốn ở lại đây với đồng đội của mình, ông khuyên bố tôi đừng nghiện thuốc nặng như ông, như thế hay ốm lắm. Bố tôi kể rất nhiều... Tôi nghĩ về đêm trước, những điều tôi thấy hoàn toàn không phải là mơ.[/FONT]
    [​IMG]
    Khu nhà tôi ở trong nghĩa trang Dốc Bà Đắc

    [FONT=&quot]Cầm tờ giấy xác nhận của nghĩa trang và phòng chính sách huyện Tịnh Biên rằng mộ ông tôi ở đây, bố con tôi bắt chuyến xe sớm của ngày để trở về thành phố. Ai đi xa rồi cũng phải trở về![/FONT]

    [FONT=&quot]Có thể chúng tôi không thể mang hài cốt của ông về được, nhưng tôi tin linh hồn ông đã về cùng quê hương bản quán. Gia đình tôi đã gặp lại ông ở một nơi quá đỗi xa xôi, mà ngỡ như cuộc ly biệt ấy không bao giờ có ngày hội ngộ.
    [/FONT]

    [FONT=&quot]Máu xương ông nội tôi nằm lại với núi rừng, với đồng đội, với những người dân bản xứ thân thiện, với những ly cà phê sóng sánh và những hàng thốt nốt ngọt ngào như chính cuộc gặp gỡ định mệnh này.[/FONT]

    Nhất định tôi còn quay trở lại...

    HẾT

  5. goodmorning

    goodmorning Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/04/2011
    Bài viết:
    2
    Đã được thích:
    0
    Chị đây, (vừa ngồi cafe với em lúc chiều ý)
    Câu chuyện này, chị nhớ là đã được nghe em kể vào một hôm rất lạnh, ngồi co ro bên bếp thịt nướng để mừng sinh nhật em (Quà sinh nhật là sô cô la vẫn còn đang trong tủ lạnh nhà chị :)) Hôm đấy nghe thực sự đã thấy rất xúc động ( cả sợ nữa) mà lúc nãy ngồi đọc lại vẫn thấy rưng rưng.
    Thế nên lại hì hục ngồi lập lại nick vì muốn là người đầu tiên comment cho bài viết có ý nghĩa này.
    Có thể không nhiều người tin vào câu chuyện mà em đã, đang và sắp kể tiếp nhưng chị tin, và luôn mong là cũng có những điều thần kì tương tự như vậy xảy ra đối với gia đình chị vì đến trước khi ông ngoại chị mất, điều vẫn làm ông day dứt mãi là chưa tìm được mộ em trai của ông đã hi sinh trong chiến tranh.
  6. chipchina

    chipchina Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2007
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0
    Cuối cùng vì những dòng tâm sự của em, chị lại lập nick nhỉ? Có những lời này của chị em an lòng rồi. Những câu chuyện là tài sản mà chúng ta thường mang khoe với nhau, bằng cách này hay cách khác. Hôm nay tự dưng em muốn nhắc tới câu chuyện cũ rích này... Nhớ hôm sinh nhật em, nghe chuyện của chị, em cũng hoàn toàn tin... Cuộc đời không phải ai cũng có thể gặp được những điều ấy, chỉ có những người một lần chạm phải mới hiểu hết được.
    Em cũng mong gia đình chị sẽ gặp được một điều kỳ diệu... :x
  7. favourite

    favourite Administrator - Một người gắn bó TTVNOL Staff Member

    Tham gia ngày:
    05/03/2007
    Bài viết:
    99.678
    Đã được thích:
    9.967
    Anh đã nghe và tìm hiểu rất nhiều về những câu chuyện đi tìm người thân sau cuộc chiến... Bản thân anh cũng từng chứng kiến kha khá chuyện kỳ lạ xảy ra với mình, nhưng ko bao giờ đủ đề hiểu hết về cuộc sống sau cái chết...

    Rất mong được nghe tiếp phần kết câu chuyện của em ^^
  8. vari_ty_xyz_new

    vari_ty_xyz_new Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/03/2002
    Bài viết:
    1.519
    Đã được thích:
    0
    Lâu lắm rồi, mới thấy một topic thu hút mình đến thế. Ngày nào cũng vào, và chờ đọc từng bài viết của em.

    Tiếp tục em nhé, có lẽ 1 mình em ra được hẳn 1 tuyển tập hay đấy.
  9. chipchina

    chipchina Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2007
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0
    Thực ra chẳng có ai hiểu được về cuộc sống sau cái chết cả... Có điều những gì em kể chỉ là một phần nhỏ mà em đã trải qua thôi anh. Để rồi những nơi em đã đến trong cuộc hành trình kỳ lạ này, hàng năm vẫn đau đáu muốn quay lại thăm...
  10. meo-87

    meo-87 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/02/2011
    Bài viết:
    53
    Đã được thích:
    0
    .

Chia sẻ trang này