1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hạnh phúc lang thang

Chủ đề trong 'Du lịch' bởi chipchina, 18/04/2011.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. AZ0201

    AZ0201 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/11/2008
    Bài viết:
    81
    Đã được thích:
    0
    cám ơn Chip đã viết lại những cảm xúc, kỷ niệm trên cung đường này, một chuyến đi đẹp và sẽ còn nhắc lại nhiều. Nhưng tiếc cho 2 đồng chí không được khép trọn cung, làm mình cũng mất sướng đi một nửa :D Hóng tiếp duyên hải miền Trung, anh thì nhớ mãi hôm trời gió lộng xe nào cũng nghiêng nghiêng và vượt đèo Cả trong mưa, đẹp!
  2. dualcpu

    dualcpu Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    08/06/2004
    Bài viết:
    465
    Đã được thích:
    0
    He he he ! Đọc làm anh lại nổi máu lên !!! có khi cũng phải viết hồi ký phượt thử cái !=))=))=))
  3. moonlight176

    moonlight176 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/05/2009
    Bài viết:
    359
    Đã được thích:
    0
    Chip viết càng ngày càng nhiều cảm xúc, c định năm ni đi ít thui nhưng cứ mò vào topic nì lại "nóng"
  4. chipchina

    chipchina Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2007
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0
    NHỮNG CON ĐƯỜNG LẦM BỤI (2)

    Vậy là tôi lại vác balo lên và một mình đi về phía con đường cũ, bằng chính sự giục giã trong mình. Hà Nội tiễn tôi bằng một cơn mưa nhạt nhoà bên ngoài chiếc taxi 7 chỗ. Tôi thấy chênh vênh khi nhìn sang bên cạnh chỉ thấy hình ảnh của chính mình qua tấm kính ô tô. Cậu bé lái taxi tò mò buông mấy câu hỏi, thấy sự nhiệt thành trong câu trả lời tôi không có, nên được lúc lại lặng im. Chuông điện thoại đổ liên hồi, tôi không muốn nhìn vào màn hình, đưa tay ấn nút giữ nguồn.

    Đã quá lâu rồi, tôi mới có thể đi một mình, dẫu ngay ngày hôm qua, chẳng ai tin là tôi sẽ đi thật. Bọn bạn còn lôi chuyến đi của tôi ra cá cược. Và khi tôi đã đi rồi, mấy đứa lặng lẽ kéo nhau đi ăn, hiển nhiên là không có tôi.
    Hành trang chỉ gói gọn trong chiếc ba lô nhỏ, chỉ có trái tim là nặng đam mê. Tôi cảm thấy bình yên và viên mãn dù hành trình mới chỉ bắt đầu.

    Chiếc máy bay lác đác vài chục hành khách, chỉ mình tôi trên một băng ghế dài. Cuối năm, ai cũng tất tả, tôi lặng lẽ cắm mặt vào đọc cuốn Me tây được một người bạn tặng trước lúc lên đường. Chẳng có gì phải vội, khi sự ích kỷ đang chiếm đầy trong tâm trí, tôi dành tặng chuyến đi này cho tôi, như một món quà bước qua tuổi 25.

    Tôi ở lại Sài Gòn theo sự níu giữ của một người bạn, không lâu nhưng vừa đủ để tôi ngủ một giấc ngắn, tắm táp và lượn lờ qua mấy con phố tưởng chừng đã đi mòn lối một thời. Sự thay đổi thời tiết chóng vánh khiến tôi mệt rã rời. Mới ban sáng, tôi còn đang so mình trong chiếc áo bông thì chiều nay tôi phải lục lọi trong hành lý của mình kiếm một chiếc áo mai ô mát mẻ. Tạm biệt Sài Gòn đêm, tôi nhét vào miệng 2 viên thuốc ngủ rồi yên vị nằm trên xe để đi về Đà Lạt.
    Có một bầu trời trong xanh đã ở đó đợi tôi...

    Sáng sớm, phải khó khăn lắm bác tài xế mới lôi tôi ra khỏi cái tổ của mình, dư vị của liều thuốc ngủ khiến tôi ngủ mê mệt, cũng chẳng quan tâm rằng tất cả hành khách đã xuống xe. Tôi ì ạch xách balo vào restroom của bến xe, gật gù bóp đầy kem đánh răng ra tay. Đến nỗi một chị phải nhắc hờ. Bên ngoài lao xao tiếng mấy bác xe ôm đang cá cược tôi là người Tàu hay người Nhật? Tự nghĩ: mình cứ tự kỷ thế này, chả trách thiên hạ dán cho mình mác Khoai tây, ai ngờ mình lại Khoai lang cả rổ...

    Đà Lạt lạnh, nhưng vẫn ấm áp hơn Hà Nội lúc này. Tôi hít sâu trong không khí chút yên lành của buổi sớm, hai bên đường ban trắng xoá. Tự dưng thấy cồn lên cơn đói.
    Khách sạn tôi ở nằm ở ngay trung tâm thành phố, có ban công hướng ra phố chính. Một cô bạn Hàn Quốc ngỏ ý ở chung nhưng tôi từ chối, dù rất thích bớt tiền phòng, nhưng tôi không muốn ai đó phải chịu sự lộn xộn vô tổ chức của mình. Vứt hành lý vô tủ, tôi ôm máy ảnh đi theo con đường nhỏ ra hồ Xuân Hương, vừa kịp nhét vào bụng một tô bún giò heo...

    Tôi chui vào một quán cà phê vỉa hè, gọi một ly nâu đá, mua một tờ báo An ninh thế giới để giải quyết khâu oai. Thi thoảng hóng tai sang nghe cánh đàn ông bàn về vụ án nóng gần đây. Tôi không phải là một kẻ tọc mạch, nhưng phàm những khi đi một mình tôi rất thích hóng chuyện đời, như chuyện rẫy cà phê bao giờ tưới, hoa ly bao giờ cắt, lợn đã sắp thịt được chưa...? Tóm lại là hầm bà lằng các thứ trên đời đều có khả năng thu hút tôi.

    Đây là lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt một mình, thuê chiếc xe Win 100 của bà chủ khách sạn, tôi yên tâm lòng vòng qua từng khu phố nhỏ, ngắm nhìn khu biệt thự phố Sương Nguyệt Ánh còn đang đắm chìm trong màn sương mù ma mị, trong vườn, những trái hồng treo lắc lẻo trên cành trơ khấc lá. Tôi sợ cái không khí ảm đạm của mảnh đất này, nhưng lại không thích những chốn đông kẻ vào ra. Chạy tới chạy lui, hết Thác Camly, Hồ Than Thở, đồi thông 2 mộ, Thung lũng tình yêu, vườn hoa thành phố, Thiền viện Trúc Lâm,... tôi nhận ra rằng nơi này không dành cho những kẻ một mình. Tôi còn nhớ như in lời hứa của một người, tại Đà Lạt. Điều tốt nhất có lẽ là lãng quên, tôi xách xe chạy về phía huyện Lạc Dương, rời xa thành phố, rời xa những ngôi biệt thự mái đỏ đang hiện dần ra trong nền trời xanh vắt.
    [​IMG]

    Những cơn mưa xuân cứ vài phút lại kéo đến một lần, không làm ướt áo nhưng cũng đủ làm nhoà mắt kính. Tôi không biết Langbiang có hấp dẫn không, nhưng mấy que cá viên chiên bán ở ven đường thì ngon tuỵêt. Đứng ở ngoài khu du lịch, tôi lầm lũi quay xe đi, sau lưng, tiếng chuông gió bằng tre vẫn va vào nhau lách cách. Người và xe cứ thế phóng thẳng xuống con dốc toàn đá hộc, dẫn về một bản văn hoá của người Chàm. Tôi mua mấy gói kẹo ở một cửa hàng tạp hoá rồi chui vào một trường cấp 1 chơi với bọn trẻ con. Tôi nhận ra rằng, những đứa trẻ Tây Nguyên nhút nhát hơn hẳn những đứa trẻ xứ Bắc. Chúng tìm mọi cách trốn tránh chiếc máy ảnh, như trốn một thứ tà ma.
    [​IMG]

    Trên đường tôi qua, vẫn còn đó sắc vàng hoa quỳ dại, thứ hoa mọc lên từ đất đỏ Tây Nguyên như càng mạnh mẽ hơn, hoang hoải hơn... Lũ chim trời nháo nhác bay về phía rừng thông, một cơn dông đang kéo đến. Tôi đứng trước hiên một ngôi nhà hoang, hát một mình.

    Tôi chẳng hiểu mình lần mò thế nào mà cứ từ làng văn hoá này sang làng văn hoá khác, cho tới khi một mình đứng giữa một con đường đầy đá hộc, dốc cứ trôi mãi về dưới, tôi mới nhận ra mình chẳng còn có thể nghe bất kể thứ âm thanh gì ngoài tiếng động cơ xe mình. Tôi căng người ra bóp côn, cái máy ảnh cứ dồn về phía tay lái, tôi buông tay ra chỉnh lại thì bánh xe trượt vào một cái rãnh, xe chết đánh khực. Loay hoay mãi không đạp nổi máy, tôi nhìn ngược lên con dốc mình vừa lao xuống, khẽ rùng mình.
    Chả hiểu nghĩ thế nào tôi bóp tay côn để xe tiếp tục trôi theo đà. Lần này đi tôi để hết đống bản đồ - bảo bối bất ly thân ở Hà Nội, chiếc điện thoại mang theo cũng thuộc loại cục gạch chỉ có chức năng nghe gọi. Như thế có nghĩa, nếu lạc thì tôi phải tự tìm cách ứng xử, như lúc này. Tôi lâm vào tình huống dở khóc dở cười, xe chết máy, trên đầu mây đen vần vũ. Giờ mà mưa thì coi như xong trận.
    Đến ngã ba thì con đường hiện ra chính xác là một con đường mòn vào rừng, tôi dựng xe lại lăn ra ngủ. Mặc kệ mọi thứ, nhưng cũng chẳng được lâu vì tiếng sấm làm tôi tỉnh giấc.

    Tôi thử đạp xe thêm lần cuối, ai dè nó nổ bon bon. Tôi quay xe chạy thẳng về hướng lúc nãy xuống tìm đường cái, vừa ra tới tỉnh lộ bóng loáng, trời mưa lã chã.
    Tôi không chạy xe về hướng thành phố, mà ngược dốc chạy thẳng lên thung lũng vàng. Con đường vắng chẳng thấy bóng người qua lại, qua mắt kính nhoè đi vì nước mưa, tôi thấy bóng một chiếc Vespa Super chạy ngược chiều. Xe chạy qua chừng chục mét mà người đàn ông lái xe vẫn ngoái lại nhìn thôi. Chẳng hiểu sao tôi quay ngược trở lại, xuôi dốc đuổi theo bóng chiếc xe đang chạy một mình trong mưa.

    Tôi luôn phải lòng những chiếc Vespa bằng cách này hay cách khác, tuy nhiên việc đuổi theo một người đàn ông thì chưa bao giờ xảy ra. Có lẽ tôi thấy con dốc phía trước dài quá, mà trời thì mưa, tôi thì đơn độc.

    Nghiễm nhiên từ giây phút ấy, tôi có bạn đồng hành. 2 chiếc xe cứ thế đi song song cạnh nhau về đến thành phố. Anh dẫn tôi đến trưởng hội Vespa Đà Lạt, ngắm nghía mấy con xe thuộc hàng zin, cứ như thể quen thân từ lâu lắm. Anh kể cho tôi về cuộc đời anh - về cái tên thằng ********* bị dân xứ này gán cho chỉ vì bố anh là người làm cách mạng. Anh có đôi mắt đẹp mà buồn quá, tôi sợ không dám nhìn thẳng vào đấy.
    Anh đưa tôi đi thăm mấy ngôi biệt thự thuộc dạng cổ quái ở Đà Lạt, một buổi chiều có phần u ám, ít nhất là trong tôi. Sau khi chở anh vào thăm vườn ly, tôi nằng nặc đòi về, lấy vội số điện thoại của anh, hẹn anh tối nay ở quán nhạc Trịnh gần dinh Bảo Đại, tôi phóng xe chạy suốt một quãng dài để trở về phòng.

    Buổi tối, tôi lang thang một mình, sau khi đã ăn hẳn 2 suất cơm gà cho ấm bụng. Ngồi trong một quán Bar nhỏ uống bia, tôi thấy mình như kẻ có lỗi với anh. Dù sao người đó cũng rất nhiệt tình...
    Tôi bắt xe ôm, ra quán nhạc anh hẹn. Không khí trong phòng trà khiến tôi khó thở, nó không ngột ngạt, nhưng tôi cảm thấy tức ngực. Tôi vốn không mê nhạc Trịnh, nhất là trong một buổi tối thế này.
    " Thuê bao quý khách vừa gọi không đúng..." Đó là câu trả lời khi tôi gọi vào số máy của anh, rõ ràng lúc chiều anh còn gọi cho tôi bằng chính số này.
    Sông lưng tôi ớn lạnh. Những câu chuyện ám ảnh về Đà Lạt như một thước phim quay chậm trong đầu tôi lúc này.
    Tôi vội vã đi như chạy về phía ánh sáng của khu trung tâm...
    Cho đến buổi sáng rời Đà Lạt, hình ảnh một thành phố buồn bã trong sương không đủ ám ảnh bằng ngôi nhà treo toàn thư sáp, và mùi thuốc vẽ ngai ngái của anh.
    Tôi nhớ ra mình còn không kịp hỏi tên anh.

    Con đường từ Lâm Đồng về Đắc Lăk gập ghềnh, bụi làm mờ cả cửa kính ô tô. Tôi nhìn vô định ra khoảng trời mây trắng, đang ôm lấy cánh rừng bị đốt chỉ còn trơ gốc. Nạn phá rừng làm rẫy vẫn còn đó, khắp Tây Nguyên này.
    Hai bên đường, hoa cà phê trắng muốt đến tận chân trời. Tôi không ngờ mình lại có cơ hội bắt gặp loài hoa rất đặc biệt này sớm như vậy. Cứ như thể tôi đang đắm mình trong một chuyến đi cũ.

    Tôi nhớ Dualcpu hay cãi lộn những vẫn lầm lũi xách hành lý của tôi.
    Tôi nhớ Dark đứng thong dong hút thuốc ở lưng đèo, mặc kệ ôm đứng chân cụp chân xoè chờ chụp ảnh.
    Tôi nhớ bạn Hùng hay kể chuyện Tam quốc, tay run run không cầm được chìa khoá xe ở rừng Easup
    ...
    Một năm qua đi với bao điều cũ mới. Vẫn con đường kéo dài trên cao nguyên, nhưng hôm nay với tôi thật khác. Lúc tôi xuống hồ Lak ngang đường, một người bạn vô tình gọi điện hỏi thăm, cuống cuồng hỏi: Em lại bị đuổi xuống giữa đường à? Cứ như thể tôi có truyền thống bị tài xế đuổi khỏi xe. Chuyện đó xảy ra có 1 lần, cách đây 2 năm nhưng lại là sự sợ hãi của những người sống quanh tôi. Lần ấy, tôi bị đuổi xuống giữa đường mòn Hồ Chí Minh lúc 3h sáng. Tôi sẽ kể trong một câu chuyện khác.

  5. chipchina

    chipchina Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2007
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0
    Người ta lạ lắm khi thấy một đứa con gái đi một mình, tay lăm lăm cái máy ảnh.
    Người ta thi thoảng cũng lo cho tôi, như thể tôi là một đứa mỏng manh có thể ngã gió bất cứ lúc nào.
    Nhưng tôi vẫn luôn để mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt bớt hiếu kỳ hơn. Như cách tôi tự trả cho cốc cà phê của mình khi có 2 người lái xe gốc Bắc mời tôi uống nước. Khi đó, tôi dừng lại, không phải vì lời mời chào, tôi dừng vì cái quán nhỏ ấy có bóng cây Kơ nia râm mát, vả lại tôi cũng bắt đầu phải dừng để chuẩn bị cho cú Hitch-hide đầu tiên trong chuyến đi của mình. Đôi chân dù có khoẻ cỡ nào, cũng có lúc mỏi. Cũng như con người vậy, tôi biết rằng đến một ngày nào đó, tôi sẽ ngồi nhớ về những năm tháng tuổi trẻ - những năm tháng này đây.

    Tôi ra đến đường cái trời đã quá trưa, may mắn là hôm nay không phải một ngày nắng gắt, chỉ là có rất nhiều gió. Chiếc xe Bus về thành phố đã bỏ xa tôi chừng 1 cây số. Tôi nhìn theo làn khói đen khẽ tiếc nuối. Nhưng thật may mắn, trên đầu đường, bóng một chiếc công nông 3 bánh đang chạy lại gần. Tôi vui mừng khua tay loạn xạ như trẻ con. Tất cả những người trên xe ( chắc đi làm đồng ) nhìn tôi bằng ánh mắt chỉ toàn lòng trắng, hỏi bâng quơ mấy câu rồi kéo tôi lên chiếc xe chen chúc toàn người. Ngay cạnh tôi là một người đàn ông tóc dài, trên đầu còn vương những trứng chấy, toàn thân bốc lên một mùi hôi nồng. Nếu như không phải là " xe mui trần" chắc tôi đã lăn ra mà nôn thốc tháo. Bụng bảo dại những lúc thế này, được quá giang đã là điều quá tuyệt vời.

    Từ chỗ họ thả tôi xuống, đi bộ chừng vài quãng là đến núi đá Voi. Trời ngả về chiều, khói bếp bay lên từ những mái nhà nằm khuất sau rặng tre, tôi còn đủ thời gian để về thành phố trước khi trời tối.
    Hoàng hôn đến rất bình yên với tôi trên đỉnh đá Voi - một bữa ăn nhẹ với dâu tây và bánh ngọt như tạm quên đi đôi chân đang đau nhức vì đi bộ và leo dốc quá nhiều. Tôi nhìn xuống thung lũng phía xa, tự dưng thấy yêu quá cái nơi có mặt hồ yên ả và bầy trâu bò đang được ai đó tất tả lùa về chuồng.

    Rồi cũng phải trở về với việc lên đường. Tôi đứng mãi bên đường cứ tưởng như hàng thế kỷ đã trôi qua, chẳng có một chiếc xe nào đi qua nói gì đến được đi nhờ. Mấy cô bé người M Nông cứ đạp xe vòng quanh đoạn đường tôi đứng, nói với nhau bằng tiếng dân tộc, như thể bàn tán về tôi. Một vài thanh niên da đen, mắt trắng, tóc nhuộm vàng đi qua rú lên cười thích thú. Tôi nhắn tin cho bạn mình: Em đang rèn sự kiên nhẫn anh ạ!
    Bình thường ở nhà tôi là đứa thiếu kiên nhẫn, tôi hay cáu và làm những chuyện ngớ ngẩn. Nhưng cứ đi một mình, tôi lại có thể có khả năng làm những việc bất bình thường như việc đứng đợi xe lúc này.

    Một chiếc ô tô đang đi từ trên dốc xuống, tôi nhìn thấy ánh đèn pha được nháy liên tục như thể trêu đùa nhưng vẫn liều mình đưa tay ra vẫy. Chiếc xe phanh gấp, lúc này tôi mới nhìn thấy trên xe là 7 người đàn ông. Không có sự lựa chọn, tôi ngỏ ý muốn quá giang về thành phố.
    Họ nhường cho tôi một chỗ nhỏ trên xe, người ngồi cạnh tôi thì ôm giúp tôi chiếc balô cho đỡ chật.

    Tôi không biết người ta có cho rằng tôi là con bé liều lĩnh không. Nhưng luôn tin chắc mình sẽ về thành phố, trước khi con đường bị màn đêm chiếm lấy. Dẫu chỗ ngồi trên xe không rộng, dẫu những người trong xe trông mặt dữ tợn và quần áo thì toàn bùn đất... Tôi đoán trong bụng, có lẽ họ là công nhân của một công trường nào đó đang trở về nhà, dù sao cũng chỉ là một niềm tin.

    Họ hỏi tôi đôi ba câu, rồi quay ra tán chuyện phiếm, vẫn là đề tài muôn thuở về phụ nữ, những câu chuyện bậy bạ tầm phào. Tôi cố hát theo bài hát Nối vòng tay lớn đang được phát trên đài, lờ tịt đi cuộc đối thoại của họ. Thành phố hiện ra trước mặt, phía chân trời hửng lên ánh sáng cuối ngày. Vừa lúc câu chuyện của những người đàn ông khép lại, không ngờ họ nhiệt tình chở tôi đến tận Buôn Akô Đhông. Lại thêm những người tốt không kịp nhớ mặt, hỏi tên...
    Ông khách Pháp lúc trưa gặp ở Lak thấy tôi, giơ tay lên vẫy tay chào như thể quen biết lắm. Bất giác tôi mỉm cười.
    Trời trưa kịp tối, tôi có đủ thời gian để lượn một vòng quanh buôn, ngồi nói chuyện với bà bán hàng lưu niệm trên căn nhà dài Ê đê.
    [​IMG]

    Nhớ một ly cà phê ở ngã sáu Ban Mê, tôi đi bộ ra phố, đôi chân như nặng thêm. Trong túi lúc này còn vẻn vẹn 6 nghìn đồng, tôi lẩm nhẩm: vừa đủ tiền uống nước, rồi tung tăng đi tiếp. Tôi không mang theo nhiều tiền mặt, chỉ cầm theo mấy cái thẻ ATM để rút tiền mặt hàng ngày, đó là một cách hạn chế chi tiêu, nhưng nhiều khi cũng đẩy tôi vào tình huống trái khoáy như lúc này.
    Nếu cà phê không còn giá 6 nghìn? Tôi vẫn bước vào quán cà phê vỉa hè, lòng hồi hộp như chơi giải ô chữ. Thứ 6 ngày 13, thật may mắn là cà phê đen có giá 6 nghìn.
    Rút được tiền, ăn tối xong tôi trở về buôn. Nhìn đồng hồ, 8h tối, tất cả các ngôi nhà dài đều cài cửa im lìm. Đâu đó vang lên tiếng chó sủa váng óc, một cậu choai choai hỏi tôi dăm câu, rồi thủng thẳng bảo: Tối đến là bà con đi ra phố chơi hết rồi, không ai ở nhà đâu.
    Văn minh văn meo, âu cũng là cái liễn.

    Khi đang viết những dòng này, tôi đang mở cửa và ôm Netbook ngồi trên ban công, bên cạnh là ly cà phê sữa đá. Tôi có thể ngắm nhìn bầu trời Ban Mê đầy sao, để gió lùa vào tóc. Sáng mai, tôi sẽ dậy thật sớm, tôi sẽ đi dọc con suối cuối buôn làng, để nghe kể về câu chuyện nguồn nước chung của mảnh đất Tây Nguyên.

    Bất giác lúc này, tôi nghĩ đến câu thơ mình nhặt nhạnh trên mạng:
    "Tây Nguyên nắng gió
    Tây Nguyên bụi đỏ
    Tây Nguyên đi mãi mà vẫn còn đường..."
    [​IMG]
  6. chipchina

    chipchina Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2007
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0

    [​IMG]
    Tôi lại về với Pleiku
    Với mùa khô mịt mù bụi đỏ
    Những nẻo đường bốn mùa lộng gió
    Núi đồi trập trùng
    như câu hát trầm bổng ngân nga
    ...
    Mấy tháng qua tôi vẫn treo câu thơ này trên Gmail cá nhân như một lời hẹn, chẳng hiểu sao cái buổi chiều lần đầu tiên đến với phố núi này, tôi lại rủ rỉ với xế của mình: em thích nơi này quá. Có phải vì thích cái cảm giác đi trên những con đường cong như võng, vừa xuống khỏi dốc lại bắt đầu hối hả ngược gió để leo lên một con dốc khác. Hay là phải lòng cái gió quần quần như đẩy lùi xe về phía ngược dòng. Chỉ có những mùa khô thôi, gió mới nhiều như thế. Chả vậy mà người ta tháo hết yếm để đi cho nhanh, hồi đầu tôi cứ tưởng họ hay đi rẫy, đi rừng, nên tháo yếm cho khỏi ngã. Hóa ra chỉ vì gió, chờ mùa mưa về, yếm xe mới được lắp đủ đầy.

    Vượt đèo Buôn Hồ trong làn sương mờ mịt, khẽ thót tim khi thấy một người bạn độc hành đeo khăn rằn đang vượt lên trước mũi xe, rồi lại thảnh thơi đi giữa những rừng cao su trơ lá ngay sát 2 bên đường, tôi về với Pleiku.
    Vẫn còn đó cảm giác bàn tay run lạnh vì đi vội vã không mang cho mình một đôi găng tay, cảm giác mắt kính sương mờ ướt nhẹp, cảm giác ngất ngây khi đứng lại nghỉ chân, uống một ly cà phê sóng sánh.

    Nếu Krông Nô làm tôi nhớ đến những ngôi nhà dài của người M' nông nằm lẫn trong những vườn cà phê hoa trắng, thì Buôn Hồ lại làm tôi nhớ tới những đứa bé chạy tung tăng trong vườn hồ tiêu xanh cao. Tất cả những con đường tôi đã qua, đều có gì đó rất riêng.
    Không có những phiên chợ đầy sắc màu của xứ Bắc, Tây Nguyên chỉ khép mình trong nhịp thở của cuộc sống giản đơn, sáng lên rừng lên rẫy, chiều tất tả trở về trong ánh hoàng hôn, để lại quây quần ngồi bên nhau trước thềm của ngôi nhà sàn, kể cho nhau nghe chuyện đẻ đất đẻ nước.

    Với những nơi đã đến trong hành trình một năm trước, tôi không quay trở lại. Chỉ thoáng bồi hồi khi nhìn thấy cái biển Quốc lộ 14C - 60km mà lần trước mình đã từng chọn. Vẫn những rừng cao su nghiêm trang dưới trời xanh, hay chăng chỉ còn vài ba chiếc lá còn sót lại trên thân cây bàng bạc. Tôi đã đi qua 2 mùa khô của Tây Nguyên...

    Tìm mãi rồi cũng đến được làng văn hóa Plei ốp, hỏi mãi người dân trong thành phố thì cũng có người đồng ý dẫn đường. Làng nghèo quá, nên dân bỏ đi tứ xứ hết, chỉ còn lại vài ba người già và trẻ nhỏ đang dắt díu nhau trong trưa nắng. Nếp nhà Rông đầu làng sàn để lâu đã mục, cánh cửa nhà khép chặt bằng chiếc khóa Việt tiệp. Trên cây nêu dựng trước, vải xanh đỏ đã bạc màu.
    [​IMG]

    Lũ trẻ con thấy người lạ trốn biệt sau những gốc cây to, chúng nhất định không lấy bánh kẹo tôi cho, cứ vừa chạy vừa nói bằng tiếng bản địa.
    Những ngôi nhà sàn Giarai nghèo nàn, chân xếp toàn củi khô xen lẫn giữa những ngôi nhà vôi vữa mới cất. Có lẽ những ngôi nhà mới là của những người đi làm ăn xa.
    [​IMG]
    Tôi cứ đi hết các con đường đất để vào làng, rồi lặng đi khi bắt gặp những tượng gỗ đầy sắc thái xung quanh khu nhà mồ. Tôi vẫn nhớ thầy giáo tôi đã nói rằng: nhà mồ Giarai là đẹp nhất. Tôi cũng không biết nói thế nào là đẹp, chỉ là cảm giác run rẩy khi đi trên lớp lá khô xào xạc của từng ngôi mộ. Tôi đứng giữa hoang tàn, nghe hàng chục tượng gỗ âm dương kể chuyện, chuyện cuộc đời và cái chết...
    [​IMG]

    Sau những khoảnh khắc chậm chạp, tôi lại trở về guồng của chuyến đi, vội vã gửi trả xe về Ban Mê, vội vã đuổi theo chiếc xe Bus nèn chặt người để lên Kontum, vì tôi sợ, nếu mình chậm lại, dù một chút thôi, tôi sẽ bỏ lỡ một hoàng hôn bên sông Đak Bla,cũng như bỏ lỡ một buổi chiều được đi bộ trên chiếc cầu treo Konklor nối liền hai bờ sông.
    [​IMG]
    Tôi đã nghe kể rằng, vùng đất ven sông Đăk Bla xưa là rừng thiêng nước độc, theo tiếng Bana, Đăk có nghĩa là nước, Bla có nghĩa là cọp. Vài chục năm trước, khi người ta chưa bắc cầu Konklor để nối làng với phố, vùng núi này chỉ toàn cọp dữ, nhưng lại sống thuận hòa với người Bana. Người Bana chia nguồn nước với cọp, chia núi rừng với cọp, và cùng chung vui trong lễ hội nước đầu năm. Dĩ nhiên tất cả chỉ là chuyện cũ, giờ thì con đường và cây cầu, nối bản làng cổ KonKtul với cả thành phố Kontum và quốc lộ 14 rồi, cái chữ cũng đã về làng.

    Bóng chiều đổ xuống, người lái xe ôm già chở tôi đi ven sông, về với bản làng cổ nhất Kontum. Dòng sông đẹp, giữ lại trong mình bóng đổ của những nếp nhà Rông ven đó. Cứ hết bản này qua bản khác, tôi chỉ biết định hình nhờ những mái nhà cao vút trong nắng chiều rơi.
    Hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp ở làng KonKtul là cậu bé Bana đạp xe hối hả trước ngôi nhà Rông bằng tre cũ.
    [​IMG]
    Tôi đã bước lên chiếc thang gỗ, rồi chụp ảnh cho bọn trẻ Bana. Những gì tôi giao tiếp, chỉ có những bức ảnh mà thôi. Một chú bé mặt buồn so ngồi chờ mẹ về trên bậu cửa nhà sàn, một ông lão ngậm tẩu thuốc, mắt nhìn về phía dòng sông, một đám trẻ con nuối đuôi nhau làm thành đoàn tàu đi trong ánh chiều chạng vạng... tất cả đều rất đẹp!
    [​IMG]
    Tôi đã không uổng phí sự vội vã của mình cho ngày về với Kontum, để được đắm mình trong sự thân thiện của người Bana. Một buổi chiều, vứt lại tất cả những xô bồ cận tết, vứt lại hành trang trên bờ, tôi ùa mình xuống dòng nước hiền hòa của con sông Đăk La, cùng tắm với những thiếu nữ Bana đẹp như rừng núi.
    Những chiếc thuyền độc mộc trên đường trở về nhà, thấp thoáng phía xa, chỗ tôi tắm, 3 chiếc thuyền cũng đã neo chặt chẽ.
    Nếu đã từng được ngắm những cô gái Thái hòa mình trong giai điệu nước của Tây Bắc, bạn cũng như tôi, thèm một lần được đắm mình trong dòng nước Tây Nguyên.
    [​IMG]
    Tôi mặc kệ quần áo đã ướt hết, mặc kệ chiếc máy ảnh vứt lăn lóc trên bờ, cả người lái xe ôm già đang nhìn tôi nghi hoặc. Tôi đã làm được điều mà mình thèm muốn bấy lâu.

    Sông vẫn chảy, và vẫn kể cho tôi nghe chuyện về dòng nước, về cuộc đời của họ. Họ khép mình với cuộc đời hiện đại, nhưng lại hòa mình trong dòng chảy thiên nhiên. Một mùa lễ hội sắp đến, cồng chiêng sẽ không còn im ngủ trong góc nhà Rông, cây nêu sẽ dựng lên, con trâu tốt sẽ được chọn, và ảnh lửa sẽ lại bập bùng bên những ché rượu cần ấm nóng, già làng sẽ lại kể những câu chuyện muôn đời không cũ... như lúc này, tất cả vẫn đang rộn rã trong tôi!
    ...


  7. ovuong

    ovuong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2008
    Bài viết:
    837
    Đã được thích:
    0
    Mi làm tau thèm quá rồi đấy Chip hâm kia à...
    Về đê...
    Để dành tháng 3 mà đi nữa....
  8. chipchina

    chipchina Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2007
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0

    [​IMG]
    Hòa bình đã trải mình trên mảnh đất Tây Nguyên, những lá cờ đỏ treo cạnh mái nhà Rông như một lời nhắc nhở với buôn làng : máu xương dân tộc ta đã đổ xuống để nuôi dưỡng mảnh đất và tâm hồn này. Hòa bình về, rồi nhiều năm sau đó, cây cầu treo KonKlo được xây dựng trong thời kỳ đất nước đổi mới đã làm vơi đi những bóng thuyền độc mộc mỗi sớm chiều chèo ngang con sông Đắk Bla - con sông huyền thoại có dòng nước chảy về phía Tây. Chẳng hiểu sao tôi lại thích nghĩ về con sông này, dù chiều hôm ấy, tôi phải dứt lòng quay lưng đi, phía sau tôi những ngôi mộ trong khu nhà mồ thấp lè tè, là bóng 2 cậu bé đạp xe vun vút đi trong buổi chiều có ánh hoàng hôn màu tím. Dưới bánh xe là con đường lạo xạo đá, trên đầu là ánh mặt trời lẩn quấn trốn tìm cùng những bóng chít lau...

    Thật khó để vứt lại đó một cuối năm bộn bề tổng kết và men say, mà đi như lần này. Cũng thật khó để tự dành cho mình một con đường rộng, tự dưng thấy run run khi nghĩ đến những ngày đi xa, đông đúc và vội vã. Nhưng tôi chẳng ngại ngần mặc chiếc váy ngắn, mặc cho đôi chân chi chít sẹo sau những lần ngã xe, hệt như việc chẳng ngại ngần mà ùa mình xuống dòng nước mát trong một buổi chiều đáng nhớ nhất chuyến đi.

    Tôi trở về thành phố Kontum để lại uống một ly cà phê khác, để thấy cái đắng cũng dễ chịu muôn phần. Thành phố nhỏ vẫn đó, vẫn là nhà thờ Gỗ, nơi bọn trẻ trong tu viện ùa ra chơi đùa mỗi buổi chiều, vẫn phố xá nhộn nhịp chen đôi ba sắc màu thâm trầm của những chiếc xà rông.
    Có ai đó nói với tôi rằng: Kontum là xứ sở đa thần, đa sắc tộc. Tôi thì chỉ nghĩ rằng Kontum là xứ sở của những sắc màu. Không phải là sắc hoa tết, sắc xanh đỏ của những ô cửa sáng đèn, đó là sắc màu của văn hóa, của nguyên sơ.
    Chẳng thể kiếm đâu ra những quán hàng lưu niệm san sát bán toàn đồ tàu ở những bản làng tôi đi qua, chẳng có nhà hàng- khách sạn nào ở bất kể buôn nào tôi đến, chỉ có con người và cuộc đời họ, lầm lụi trong bụi đỏ.

    Tôi rời Tây Nguyên trong một ngày nắng đẹp, chiếc ba lô nặng hơn vì có thêm chút quà cho lũ bạn ở nhà, nhưng tâm hồn thì nhẹ bẫng. Tôi đã đi hết những gì còn khuyết trong chuyến đi một năm trước, tôi có thể mỉm cười vì mình vẫn còn đó đôi chân độc hành không chùn bước, và con đường tôi thì rộng thênh thang. Tôi trở về để tìm chính mình trong mùi hương trầm năm mới, nấu một nồi bánh chưng ý nghĩa thân tình, và hơn hết là được ủ mình trong chiếc chăn của mùa đông xứ Bắc.

    Tôi sẽ nhớ Tây Nguyên rất nhiều, nhưng cũng dám bỏ lại phía sau những bóng cây chạy ngược chiều gió thổi, những nắng ấm cao nguyên, những con đường đất bazan quấn lấy người hay là bỏ lại con đường lầm bụi của mình để quay về với thủ đô quen.
    Chỉ một cái nhắm mắt, tôi đã về Hà Nội, Hà Nội ướt át đón tôi, và mời tôi một ly nước gạo nóng ở đường tàu Trần Phú trước khi trở về nhà.

    01/2012
  9. chipchina

    chipchina Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2007
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0
    Khai quật lên, chiều viết bài:D
  10. sauthienthu2

    sauthienthu2 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/06/2008
    Bài viết:
    217
    Đã được thích:
    0
    Đêm rồi sao chưa thấy bài đâu?

Chia sẻ trang này