1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hạnh phúc lang thang

Chủ đề trong 'Du lịch' bởi chipchina, 18/04/2011.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. chipchina

    chipchina Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2007
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0
    Đáng lẽ cũng kịp viết vài dòng, mà gia đình độ này lại quay lại câu chuyện tìm mộ ông nội. Nên em đành khất vậy nhé! Nếu có thể sẽ chia sẻ hành trình đi tìm ông nội thêm, nhưng chưa biết thế nào. Quay về trả nợ xong Tibet hết, rồi trả nợ HPLT vậy!
  2. hattieu1983

    hattieu1983 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/03/2012
    Bài viết:
    8
    Đã được thích:
    0
    [r2)]he, bạn này có sở thích giống hệt mình, chỉ thích lang thang 1 mình. mình thì chỉ thích độc hành tây bắc va những con đèo:-bdmình đã chinh phục được 2 em, tháng 5 này mình chinh phục Vua đèo tây bắc: Ô Quy Hồ. Còn em PhaĐin chắc để sau.:))
  3. haphuongnguyen20

    haphuongnguyen20 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/10/2010
    Bài viết:
    21
    Đã được thích:
    0
    "Đôi khi ta thèm lang thang như gió. Đôi chân vô định về miền hư vô"

    Vào topic xong lại thèm quá những chuyến đi
  4. nunachan

    nunachan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/07/2008
    Bài viết:
    72
    Đã được thích:
    0
    Mình vẫn đang theo dõi những hành trình của bạn... bạn viết hay quá, cảm xúc thật chân thật...
  5. satthurungxanh

    satthurungxanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/07/2012
    Bài viết:
    4
    Đã được thích:
    0
    Chưa đọc xong bài viết nhưng comt về cái ava của anh phát: Thực sự thích. Qua cái ava cũng biết anh là dân hay đi chính hiệu rồi. ;). Em cũng có sở thích chụp lại đôi chân của mình ở những nơi đã từng qua. ;)
  6. chipchina

    chipchina Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2007
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0
    :-"Anh là con gái em ạ
  7. chipchina

    chipchina Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2007
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0
    Trong khi ấp ủ dự định làm từ thiện dịp trung thu, mình lại nghĩ về Ngọc Chiến, hay là làm ở đó nhỉ. Nhớ cái nơi vừa gần gũi vừa xa xôi đó quá:(


    Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt; mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;} [FONT=&quot]CƠN SAY NGỌC CHIẾN - CHIPCHINA[/FONT]
    [FONT=&quot]Hôm qua cậu bạn mới mang qua chai rượu Ngô Thanh Vân, bảo: Đấy, quà Hà Giang đấy. Tôi lại cất chai rượu lên tủ bếp, nào có biết uống đâu.
    Thế mà cũng đi qua bao mùa ngô, bao mùa thương nhớ. Tủ bếp nhà tôi thi thoảng lại có vài chai Lũng Phìn, Sim San... là quà của bạn giang hồ. Rượu nào với tôi cũng cay. Tôi chỉ biết giữ lại, những món quà nhỏ hay chăng là niềm yêu thương của những kẻ qua đường.
    Nhấp một ngụm, thấy cổ họng xé rát. Thành phố đắm chìm trong mưa.
    Thế nào mà tôi lại nhớ về đêm Ngọc Chiến.
    Ngày ấy một mình một ngựa, qua cây cầu nhỏ, tưởng mình đã bị mưa cuốn xuống con suối toàn đá hộc. Mà cây cầu tre bắc qua chẳng muốn gánh điều gì trên lưng nó, cứ chênh chao, như muốn đẩy tôi và chiến mã xuống dòng nước.
    Ngày ấy, đúng mùa mưa bão, thế nào tôi lại buộc ba lô lên xe mà đi. Đi về những ngôi nhà sàn người Thái nằm chênh vênh giữa chân đồi và con nước.
    Chiều ấy, nếu không dừng lại quá lâu dưới gốc gạo sù sì, tôi đã chẳng phải tắm trong mưa mùa lũ quét. Mưa xối xả... Suốt một đời lang bạt, tôi chưa từng gặp lại một cơn mưa nào đáng sợ và lạnh lùng như thế.
    Trong đêm, tôi thấy mưa có vị mặn, hay chăng là vị nước mắt mình. Ai bảo tôi không sợ hãi, ai bảo tôi gan dạ, kiên trường. Chẳng ít làn, tôi khóc lóc như một đứa trẻ vừa mới rời xa vòng tay mẹ. Tôi là con gái, mà có đi hàng vạn cây số vẫn cứ là con gái. Hành trình đi tìm cái tôi quả thật lắm thác ghềnh.
    Ai bảo mê rừng mê rú, mê sàn nhà bằng nứa kêu cọt kẹt dưới chân, mê cả những đêm gió rừng xào xạc lá, tiếng chim đêm khắc khoải gọi đàn.
    Tôi mặc áo mưa kín mít, mà sao nước cứ tràn từ cổ áo, khiến toàn thân tôi run rẩy. Trời muộn rồi, tôi thì cứ mò mẫn trong mưa, con đường mỗi lúc một hẹp, bóng điện chạy bằng sức nước tù mù mãi đằng xa. Chiếc xe cứ giật lên xuống như tắc thở, có lẽ nước đã vào chế hòa khí. Tôi hiểu rằng mình chẳng cố được bao nhiêu.
    Trong đêm mưa, ánh sát yếu ớt của một chiếc đèn pin khiến tôi vừa hốt hoảng vừa mừng rỡ. Một người đàn ông đi tìm bò lạc từ chiều, tay cầm dao sáng loáng.
    Ánh chớp khiếp tôi giật mình. Con dao rất dài, rất sắc. Tôi chẳng còn nghĩ được gì, cả cơ thể mềm oặt như một cục bột nhão, bị ngâm nước quá lâu.
    - Mày đi đâu?
    - Tôi... tôi bị lạc
    - Lạc đi đâu?
    - Lạc ở đây
    Một cuộc đối thoại luẩn quẩn. Người đàn ông có vẻ thấy sự thành thật trong đôi mắt sũng lệ, khi rọi đèn pin vào thẳng khuôn mặt tái dại đang được che đậy bởi cơn mưa, nghĩ ngợi một lúc rồi buông một câu:
    - Đi theo tao!
    Tôi lặng lẽ dắt xe máy theo sau, như thể mình là con bò anh bị lạc hồi chiều, không phản kháng, thậm chí không dám lên tiếng.
    Người đó mở cửa tre, buộc hờ vào những phiến đá hàng rào xếp ngăn nắp, dẫn tôi vào nhà. Tiếng trẻ con khóc léo nhéo khiến tôi thở phào nhẹ nhõm.
    Thằng bé lớn nhất trong nhà chạy ra sau bê nồi cơm nguội, luộc vội một đĩa dau dớn trong khi bố nó – chủ nhà rót rượu từ cái hũ to sang một chai nhỏ để tiếp vị khách lạc đường đang ngồi lau tóc trong góc nhà sàn.
    Bàn tiệc đơn sơ chẳng có gì, chỉ có rượu là uống mãi không hết. Đứa lớn vừa cời bếp lửa, vừa ôm em nó.
    Tôi nhìn quanh chẳng thấy chị vợ đâu. Như hiểu được ý tôi, anh cầm bát rượu, uống cạn, mắt đỏ ngầu, kể chuyện.
    - Vợ tao bỏ đi rồi, hồi đẻ xong thằng kia, nó đi về phía đường cái, rồi từ đó chẳng về. Tao nuôi đứa này bằng sữa người Kinh, với nước cơm. Mà nó khóc ghê lắm, cứ đêm mưa nó khóc càng dữ. Tao vẫn đang chờ con vợ tao về, cho nó bú. Lúc nãy thấy mày, tao tưởng vợ tao...
    Đôi mắt anh hướng ra ngoài cửa chính, khung cửa hiện ra như một hố đen sâu hoắm, không lối thoát. Trời mưa ghê lắm, vợ anh vẫn không về. Mà sau chuyến đi, có lần anh gọi điện cho tôi, anh chỉ kể là thằng con út đã thôi uống sữa, nó biết ngồi dưới sàn sàn, vãi ngô cho gà ăn. Nhưng đó là chuyện sau này.
    Còn đêm ấy, tôi uống nhiều lắm. Mà tôi có biết uống rượu đâu. Nhưng quý cái tình và thương cái phận người đàn ông và hai đứa con côi, mà tôi cứ bưng bát lên, uống cho cạn.
    Rượu ấy – khi đắng cay – khi ngọt bùi, và về sau tôi không quên được. Khi vào nằm ôm hai đứa bé, tôi biết mình đã say. Nước mắt lại trào ra.
    Tôi say cho đến tận hôm sau, cánh tay nặng trĩu, mặt trời đã lên tới ngọn tre mà không thể nào ngóc đầu dậy được. Tôi nhìn qua cửa sổ, thấy bầy sẻ líu ríu. Nhà chẳng có ai, gần bếp có bát cơm trắng, trên có con cá suối nướng, chắc bố con anh để phần từ sớm. Còn hũ rượu đã được gác lên chỗ cũ.
    Tôi không thấy đau đầu, chỉ thấy trong mình có một cảm giác gì đấy nhẹ nhõm, trong xót xa. Tôi là một kẻ độc hành, và bố con nhà này cũng vậy. Nhưng trong ngực họ, là nỗi buồn, chứ không phải là sự tự do như tôi.
    Đến chiều, tôi nghe thấy tiếng bước chân đang leo cầu thang, sàn nứa kêu cót két, biết là bố con anh về. Anh không vào nhà ngay, mà ngồi dựa lưng vào cánh cửa, nhìn vè dãy núi xa xôi. Một bầu không khí im lặng phủ lên căn nhà, dưới sân, thằng anh đang gỡ chiếc địu có thằng em ra, rồi múc một thau nước, thả em nó vào để tắm.
    Ông bố ném cái một khúc củi khô vào phía chúng nó, quát bằng tiếng dân tộc. Rồi hai đứa trẻ lại địu nhau lên nhà, ngồi vào cái góc tối tăm quen thuộc.
    Tôi ráng lắm, mới nói lời từ biệt chủ nhân ngôi nhà. Anh không giữ, chỉ gật đầu, rồi ghi số điện thoại của tôi lên vách, bảo khi nào có dịp ghé chơi. Tôi không đi tiếp mà trở về theo đường cũ. Trong đầu, một cảm giác mông lung cồn lên.
    ...
    Thời gian cứ thế qua đi, tôi đổi số điện thoại. Sự vô tâm vốn có làm tôi quên đi mất gia đình nhỏ, đã từng cứu sống và che chở tôi trong đêm mưa Ngọc Chiến ấy. Bỗng một ngày, một người bạn kể mới đi cung Ngọc Chiến – Mường La. Tôi giật mình nhớ về cơn say cũ. Cơn say mà ngỡ tưởng đã tỉnh rồi. Tôi lại xách xe lên rừng, lên Ngọc Chiến để tìm gia đình anh.
    Căn nhà theo năm tháng đã mục, hoang tàn. Trên sân còn chỏng chơ đôi dép nhựa màu nâu.
    Lần hỏi mãi, tôi mới được nghe một ông cán bộ kể lại:
    - Thằng bé con về với Mường trời rồi, nó bị sốt rét, đến mùa đông năm kia thì bỏ bố con Khằm Leo. Thằng Khằm Leo dẫn thằng lớn đi về phía núi, cái núi cao nhất kia kìa.
    Tôi lặng đi, nhìn theo tay ông cán bộ, nhớ ra ánh mắt Khằm Leo buổi chiều ngồi ở bậu cửa. Vậy mà tôi tưởng ánh mắt ấy vô hồn.
    Đứa bạn đi cùng chẳng nói gì, khi thấy nước mắt trên má tôi. Lại là những giọt nước mắt cho đêm say Ngọc Chiến, đến bao giờ nỗi thương nhớ này mới qua đi.
    Tôi không dám quay về mảnh đất ấy, dù tình người còn nóng hổi nơi tim...
    Núi ơi, sao cứ lặng im, không hát ru để gọi người về.


    [/FONT]

  8. chipchina

    chipchina Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2007
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0
    Có một Miền Tây xứ Nghệ của riêng tôi


    Đường vô xứ nghệ quanh quanh
    Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

    Có ai dám chắc mình đã đi hết những nẻo đường xứ Nghệ, cái xứ tưởng mòn đường mà rộng rãi rông dài như ngày tháng. Bức tranh họa đồ xứ Nghệ được tạo hóa ban cho, vậy mà giữa thế kỷ này, vẫn đang ngủ giữa bầu trời xanh quên lãng.
    Tôi nghe kể rất nhiều về những con đường bên bờ sông Lam hiền hòa, để rồi khi cái nắng đầu hè mang theo cơn gió Lào ngai ngải, dắt lối tôi đi tìm một miền Tây xứ Nghệ.
    Chẳng đẹp đẽ phồn hoa, chẳng hiên ngang ngạo nghệ, Tấy Nghệ An lại hút hồn những người lữ khách lang thang bằng chính sự bình lặng của những mảnh đời.
    Tôi đến sông Giăng theo câu chuyện kể, về những người Đan Lai ở bản Cò Phạt họ sống tách biệt ở tận cuối dòng nước ấy, mà con sông phải chăng là sự kết nối duy nhất với văn minh đô thị? Những con người ấy đã từng bị quá khứ ám ảnh, để rồi họ sống khép lại, trong một bản làng và những hoang sơ còn nguyên vẹn, bám đất, bám sông để tồn tại…
    Cậu bé lái thuyền đưa tôi đến gần với nơi ấy, và cũng đưa tôi rời xa họ trong một buổi chiều sắc trời xanh biêng biếc. Có cái gì đó nửa lưu luyến, nửa e dè đang trong tôi…



    Thật khó để quên được bữa cơm bên đập Phà Lài với những món ăn đặc sản của con sông bình lặng, cũng như chẳng thể quên lũ trẻ đang thi nhau biểu diễn vũ điệu sông nước dọc bờ sông Giăng trong một buổi chiều trời xanh và nắng vàng như thế.

    Những khoảnh khắc thường rất ngắn ngủi, tôi lại lên xe, men theo quốc lộ 7 đi về vùng biên giới. Dọc đường đi người ta bắc những cây cầu, nối liền những bản làng với con đường huyết mạch của xứ Nghệ. Những cây cầu sắt, theo năm tháng đã sờn rỉ, để rồi khi thoáng nghe tin bão, hình ảnh cây cầu sắt gãy đôi ở Mường Xén làm tôi thấy nao nao. Đó có phải là câu cầu mà tôi đã đi qua, vào tận một bản để chia kẹo cho lũ trẻ nghèo, quần áo không đủ mặc.
    Nghèo đói dường như vẫn bao trùm lấy mảnh đất này, dù người lớn muôn phương tứ xứ kiếm sống, cũng chẳng đủ nuôi đàn con nheo nhóc ở nhà.
    Nơi đây, cuộc sống cứ như vốn dĩ nó phải thế, trong ánh mắt và những lời kể chuyện, tôi thấy người dân Tây Nghệ cảm thấy yên ổn với cách họ sống, không đòi hỏi cũng chẳng quá lo toan.


    Tài sản vô giá của tôi chính là những chuyến đi như thế, những phút giây được trải lòng mình giao hòa cùng với thiên nhiên và con người. Tây Nghệ An mê hoặc tôi bằng cái bình yên trong những khoảng trời cao xanh vòi vọi, bằng cái hoang dại vô thường, hệt như những chùm hoa xương rồng, đang rộn ràng đua nở dưới hàng hiên.


    Năm ngày dành cho mảnh đất này không phải là dài, nó chỉ đủ để chúng tôi có một cảm giác khác lạ tại một vùng đất mới. Một lũ người ở phố, cứ lần mò từ bản này qua bản khác, có lúc tôi còn ngồi trong một ngôi nhà gỗ H’Mông ẩm ướt, gần cửa sổ, để nghe chủ nhà bập bẹ kể chuyện.
    Chuyện kể rằng xưa lắm, cứ men theo con sông, đi hết các bản người Thái, rồi lên bản người Mông, cứ đi mãi, đi mãi cho đến khi không con đường nữa, ta sẽ gặp thung lũng ma. Ở đó, hoa anh túc nở rực rỡ dưới ánh mặt trời. Nhưng đó là chuyện cũ, tôi cũng không hi vọng mình sẽ bắt gặp thung lũng ấy.
    Với tôi Mường Lống cũng đủ rồi.


    Tôi nói với người bạn đường của mình: “Nếu có thể, em sẽ dựng một căn nhà gỗ dựa lưng vào phiến núi gần cổng trời, trồng một vườn đào, bắc máng tre lấy nước trong từ núi đá. Và em sẽ trồng hoa thược dược ở Mường Lống. Em muốn mảnh đất này có nhiều sắc hoa hơn.”
    Tôi biết mình khó có thể làm được điều mình nghĩ.


    Đàn bà, họ mơ mộng viển vông. Đàn bà, họ hợp với việc ngồi se sợi ở bậu cửa và nhìn ra bầu trời mà vẽ cuộc đời. Tôi cũng thế, những ước mơ thường rất đàn bà. Tôi chẳng muốn nghĩ đến nhà lầu, xe bốn bánh. Tôi chỉ muốn mình như con chim nhạn, được bay đi, và dừng lại ở bất kể nơi nào tôi muốn, dẫu chỉ là một mái nhà.


    Có một buổi sáng sớm, chúng tôi kéo nhau ra suối, hái rau lợn. Gọi là rau lợn nhưng thực chất là cải xoong, ở vùng này, thứ rau ấy chỉ dành cho lợn. Thế mà hạnh phúc lắm. Bữa sáng được cải thiện vì mỳ tôm có rau mới hái và xúc xích mang từ nhà.
    Có ngại ngần gì khi bước chân mình theo dấu chân của bà con đi làm nương rẫy. Phía xa kia, núi rừng vẫn ôm lấy bao bọc mảnh đất này. Tôi đã có bữa cơm chỉ ăn với rau luộc và cá mặn chat, có cả đêm ấm cúng bên ly rượu nhạt truyền tay với bạn đồng hành. Vậy tôi mong gì hơn ở miền sơn cước này nữa.


    Sau một đêm thức trắng vì gió lạnh, gió rít qua khe gỗ dưới sàn nhà, đứa nào đứa nấy mặt phờ phạc. Nghĩ đến con đường nhầy nhụa bùn mà hôm trước mất một ngày đường để bò qua, tôi khẽ ớn mình.


    Đi và trở về, điều tất yếu của những chuyến du hành là như thế. Chúng tôi chia tay miền núi phía Tây xứ Nghệ bằng những cái vẫy tay từ giã chấp chới sau thùng xe tải. Giữa một đống người và xe máy, chúng tôi hát quốc ca. Nắng miền Tây rát bỏng, đường miền Tây chông chênh, còn chúng tôi – ai cũng thấy yêu thêm tổ quốc mình.

  9. hattory_vn

    hattory_vn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/05/2005
    Bài viết:
    461
    Đã được thích:
    0
    Sẽ đẹp hơn biết bao khi trên con đường ta đi ta không còn cảm thấy đơn độc. Đôi khi sự tự do vẫn có thể song hành cùng gắn bó và yêu thương
  10. chipchina

    chipchina Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/10/2007
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0
    LỜI KẾT: MỌI CON ĐƯỜNG ĐỀU DẪN VỀ NHÀ

    Suy cho cùng, mọi con đường đều dẫn về nhà.

    Mẹ tôi vẫn nói với tôi rằng: Con gái bây giờ có thể đi xa, thậm chí rất xa. Nhưng cuối cùng thì cũng sẽ về nhà. Tôi đã từng không tin vào điều ấy, không tin vào cái trách nhiệm ràng buộc một người phụ nữ hiện đại vào trong một khuôn khổ nào đó. Gần 10 năm trôi qua, tôi đã sống đúng với cá tính của mình. Và không ngần ấy thời gian, đã có những lần tôi phải hối hận. Tuy nhiên, thời gian qua đi, tôi thấy mình trưởng thành lên từ những bài học cuộc sống chắp nhặt trong từng chuyến đi của tuổi trẻ.

    25 tuổi, dừng lại có sớm không? Dĩ nhiên là sớm rồi, tôi còn trẻ và còn có thể lang bạt đến mọi xứ sở nếu chân tôi còn đủ vững, tay tôi còn đủ chặt, ví tôi còn đủ dày…
    25 tuổi, tôi sẽ vấn bước đi đến một vùng đất xa lạ nào đó để sống thật với mình, gác lại toan lo cuộc sống … nhưng sẽ không là một mình.

    Vĩnh biệt cô gái độc hành ngông cuồng trong hạnh phúc lang thang. Tôi để lại cho em tuổi trẻ, sức khỏe và những quyết định chỉ một mình mình hiểu. Tôi để lại em những tháng ngày đơn độc giữa bốn bể giang sơn. Tuổi trẻ qua đi nhanh lắm, dù bây giờ đôi lúc tôi ứa nước mắt trong trạng thái cơ thể yếu đuối hơn xưa, tôi hiểu rằng, mình nên dừng lại, dừng những con đường độc hành của mình lại.

    Chuyến đi cuối cùng độc hành Tây Bắc bằng xe đạp đã thất bại ở lưng chừng dốc. Hình ảnh về một cô gái nằm bất động giữa đường rừng hoang vu là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời một kẻ lang thang. May mắn thay, tôi vẫn sống, nhưng lại mất đi quá nhiều điều. Vả chăng sự trở về chỉ là một sự an ủi bé nhỏ. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi hiểu thế nào là giá trị của một người bạn đồng hành. Cho đến khi ngủ vùi trong vòng tay ấm của người ấy, tôi đã nhủ lòng mình, từ bây giờ, sẽ không ai còn thấy tôi đơn độc trên một con đường nào đó của đất nước mình nữa.
    Tôi xin được lùi lại, theo sau một người đàn ông hay một người bạn đường nào đó trong cuộc đời này.
    Tôi xin đóng lại những trang nhật ký viết trong một ngày cô độc cùng cực.
    Tôi xin được về nhà.

    Nói đến nhà, tôi lại nghĩ đến hình xăm mà mình đã xăm tại Sri Lanka cách đây hơn nửa năm. Một hình xăm theo tôi có thể làm thay đổi vận mệnh của con người. Chữ Nhà được gắn vào chân tôi bé nhỏ, để nhắc tôi mọi bước chân tôi đều dẫn lối về nhà. Thế mà Nhà có lúc sao xa xôi quá.

    Tôi biết mẹ sẽ giận tôi vô cùng nếu biết được những năm tháng tuổi trẻ tôi đã nói dối quá nhiều để được lên đường. Tôi biết bố tôi sẽ trầm ngâm lôi rượu ra uống nếu biết tôi đã gặp quá nhiều tai nạn trên những con đường tôi từng đi. Tôi biết anh tôi sẽ thôi tự hào về tôi nếu biết tôi thường bỏ đi công việc đáng mơ ước chỉ vì một chuyến đi. Tôi biết người đàn ông của tôi sẽ không nắm chặt tay tôi nữa nếu biết không ít lần tôi định bỏ anh lại.
    Nhưng ở thời điểm này, tôi chấp nhận điều đó. Tôi trở về sống thật thà với những sai lầm trong quá khứ, và hi vọng được sửa chữa những sai lầm mà mình phạm phải. Ngôi nhà của tôi đang chờ đón tôi trở lại, sống cuộc đời giản đơn của một người phụ nữ.
    Nói vậy không có nghĩa, tôi sẽ dừng mọi chuyến đi của mình lại, chia cắt đam mê của chính mình. Chỉ là tôi sẽ sống thật hơn, trân trọng hơn những giá trị cuộc đời. Vì cuộc đời đâu phải là những chuyến đi. Chúng ta phải sống cho hiện tại, cho gia đình, cho bản thân chúng ta nữa. Tôi sẽ không hoang phí tuổi trẻ, sức khỏe và tình yêu để dành mình trọn vẹn cho đam mê.

    Chuyến độc hành xe đạp khép lại, nỗi đau bám lấy dai dẳng, miên man. Và chỉ riêng tôi hiểu được, thế giới quẩn quanh của mình rốt cuộc cũng cần có lối thoát. Tôi đã từng chờ đợi suốt bao năm qua, một đôi tay có thể giữ mình ở lại. Để đến bây giờ, tôi lại nhận ra rằng, thực tế, không cần ai giữ tôi lại hết, chỉ là mình tự giữ lấy mình thôi. Tôi không muốn một cô gái nào đó sẽ sống như tôi từng sống, liều lĩnh và hoang dại. Hãy làm khác đi, kiêu hãnh nhưng cũng cam phận hơn.

    Khi sức khỏe xuống dốc, tôi thấy mình như một kẻ mất trọng lượng, hoang mang rằng quá khứ mà mình đã từng đi qua có thực sự còn đúng đắn hay không. Đam mê độc hành mà mình theo đuổi liệu có phải là sai lầm hay không? Phải chăng, vào một ngày sương mù buồn thảm nào đó, con người thường có ý nghĩ tiêu cực như tôi bây giờ.

    Hạnh phúc của tôi bây giờ có lẽ chỉ là được ngồi lại bình yên bên cạnh một người nào đó. Nó không còn là những giây phút vắt vẻo trên xe, hát nghêu ngao mấy khúc nhạc buồn. Nó không còn là được chạy xe như điên dại qua những con núi quanh co, uốn lượn… Hạnh phúc là được đi theo sau ai đó, để được che gió, để được cầm lấy tay.

    Mọi người sẽ cười khi nghĩ đến tôi, rằng một Chipchina từng ngang tang như vậy, giờ lại đớn hèn muốn bước theo sau. Có sao đâu, miễn sao hiện tại của tôi, tôi thấy đủ.

    PS: Xin được mạn phép đóng topic lại, như một lời giã biệt với chốn quen thân trong diễn đàn của những đam mê. Xin được phép không công bố toàn bộ những bài viết đáng lẽ tôi sẽ viết trên topic Hạnh phúc lang thang này. Vì một ngày gần đây nhất, cuốn sách của tôi, viết về tuổi trẻ độc hành của tôi sẽ được xuất bản. Như một sự trả nợ cho chính mình, gia đình và những người tôi yêu quý, cả những người tôi từng gặp, từng đi chung một con đường hoặc chưa từng bao giờ biết đến tôi.

    From Chipchina

Chia sẻ trang này