1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

ĐỌC BÁO GIÙM BẠN

Chủ đề trong 'Thái Bình' bởi Thu_6, 28/07/2011.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Thu_6

    Thu_6 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/12/2003
    Bài viết:
    8.454
    Đã được thích:
    0
    Thêm ký tự F, J, W, Z trong bảng chữ cái tiếng Việt



    TT - Đó là đề xuất đã được đưa vào dự thảo thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trên môi trường sách giáo khoa và máy tính của Bộ GD-ĐT.

    Tối 8-8, ông Quách Tuấn Ngọc - cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), người trực tiếp soạn thảo thông tư trên - cho biết dự thảo sẽ công bố trong tháng 8-2011 để xin ý kiến các nhà ngôn ngữ học, tiếp tục hoàn chỉnh và dự kiến ban hành chính thức vào tháng 10-2011.

    Giải thích về việc bổ sung các ký tự trên vào bảng chữ cái tiếng Việt, ông Ngọc cho rằng chữ viết của VN hiện nay được sáng tạo trên việc sử dụng ký tự Latin để ghi âm tiếng Việt nhưng đã phức tạp hóa bằng các chữ kép thay thế cho nhóm ký tự F, J, W, Z khiến cho tiếng Việt khó hòa nhập quốc tế.

    Tuy nhiên, trong cộng đồng người sử dụng máy tính thì các ký tự trên đã trở nên quen thuộc, chủ yếu phục vụ việc gõ các ký tự riêng của tiếng Việt là ă, â, ê, ơ, ư. Vì vậy, việc thừa nhận nhóm ký tự trên trong bảng chữ cái tiếng Việt là cần thiết để thống nhất sử dụng về chuẩn chính tả tiếng Việt trên môi trường máy tính và sách giáo khoa.

    Dự thảo thông tư trên còn một nội dung khác là làm rõ xung quanh chữ “y” và “i” trong những trường hợp phát âm giống.

    Nếu thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trên môi trường sách giáo khoa và máy tính được ban hành, bảng chữ cái tiếng Việt sẽ bao gồm 33 ký tự.

    VĨNH HÀ

    http://tuoitre.vn/Giao-duc/450349/Th...ieng-Viet.html

  2. Thu_6

    Thu_6 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/12/2003
    Bài viết:
    8.454
    Đã được thích:
    0
    Không biết mọi người nghĩ thế nào chứ em thấy đây là một việc rất chi là "vớ vẩn". Chả hiểu các bác nghĩ thế nào là "hòa nhập quốc tế"? Những nước tiên tiến như Hàn, Nhật sao không thay đổi cả bảng chữ cái của nước họ cho hòa nhập với quốc tế đi. Từ trước tới giờ, trong ngôn ngữ Việt có sử dụng những ký tự "j, f,w,z" đâu mà phải thêm vào? Bổ sung chỉ làm biến dạng ngôn ngữ Việt thôi. Mà nguyên nhân sâu xa của việc đề nghị này cũng chỉ từ một chữ "THAM" mà ra. Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong bảng chữ cái TV thì tất cả các sách giáo khoa cho cấp 1 sẽ phải " làm lại", vả chỉ với cái "làm lại" đó các bác sẽ "xin" ngân khố nhà nước hàng nghìn tỉ động và không ít số tiền ấy sẽ rơi vào túi các bác...

    Lại nhớ cách đây khá lâu có một bác cao cấp trong ngành giáo dục đề nghị đổi thứ tự chữ cái trong bảng chữ cái. Nếu nhớ ko nhầm thì bác ấy muốn chữ M phải đứng đầu vì theo bác ấy từ đầu tiên mà đứa trẻ thường nói là Mẹ, là Mama, là Mom nên phải cho nó lên đầu. Buồn cười quá đi mất. Em chả biết có phải đứa trẻ nào từ đầu tiên cũng nói là "mẹ", là "mama" hay không chứ con em thì nó lại gọi "bà", nếu thế thì chả biết chữ M hay B mới đứng đầu đây?

    Sao các bác không thống nhất trong vấn đề phát âm chữ B là Bờ hay Bê để chúng em còn dạy trẻ học cho chuẩn nhỉ? Mà lại cứ nghĩ đến những vấn đề không đâu như thế.

    Chán !



  3. Thu_6

    Thu_6 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/12/2003
    Bài viết:
    8.454
    Đã được thích:
    0
    Em vợ lấy anh rể mù và cuộc hôn nhân “vô tiền khoáng hậu”
    24/08/2011 14:21 (GMT +7)


    Một người tự nguyện lấy anh rể mù lòa, thay người chị đã mất chăm sóc anh và hai đứa con tật nguyền. Một người nguyện dâng hiến cả tuổi trẻ cho người đàn ông nhiễm chất độc da cam...

    Người thì bảo họ dại, người thì cảm phục sự dũng cảm, đức hy sinh của họ. Hai người phụ nữ ấy đã cùng nhau viết nên một câu chuyện sâu đậm tình người. Các chị là Vũ Thị Xuân và Vũ Thị Tâm, ở xã Đông Quang, Đông Hưng (Thái Bình).


    [​IMG]Chị Xuân ngày ngày chăm sóc người con tật nguyền của chị gái
    “Nối dây tình” với anh rể

    Năm 1978, chị Vũ Thị Rần lấy anh Trần Minh Thuận, thương binh hạng 4/4, bị mù hai mắt vì di chứng chất độc da cam. Chị sinh đứa con đầu lòng nhưng không ra hình dạng con người và cháu đã mất ngay khi lọt lòng. Hai đứa con tiếp theo cũng bị di chứng chất độc da cam nên điên điên dại dại.

    Cậu con trai Trần Văn Tộ, sinh năm 1979, toàn thân trắng toát, đôi mắt chỉ có thể nhìn mờ mờ, miệng u ơ vài tiếng vô nghĩa. Đứa con thứ hai là Trần Thị Điệp, sinh năm 1984, phát bệnh điên ngay từ khi lên 8 tuổi. Chị Rần đã cố gắng làm lụng, nuôi nấng 2 con và người chồng mù. Thế nhưng, nỗi bất hạnh chưa dừng lại, chị Rần bị bệnh ung thư và đã vĩnh viễn ra đi. Gia đình lâm vào cảnh túng quẫn cực độ. Cả xóm làng không ai có đủ điều kiện để giúp đỡ.

    Lúc này, chị Vũ Thị Xuân - em gái chị Rần - đang làm công nhân tại một xí nghiệp nhỏ ở Điện Biên trở về thăm nhà. Chứng kiến cảnh anh rể mò mẫm đút cơm cho 2 cháu và dắt díu nhau đi từng bước, chị quyết định ở lại quê nhà “nối dây” với anh rể và chăm 2 cháu. Hàng xóm láng giềng dù cảm thông với anh chị nhưng vẫn không khỏi điều ra tiếng vào.

    Hàng ngày chị đầu tắt mặt tối lo cho 3 con người khốn khổ. Từ việc dìu anh Thuận đi tắm rửa, giặt giũ quần áo đến việc bón từng miếng ăn. Chăm anh Thuận đã vất vả, chăm 2 đứa cháu không biết gì kia còn vất vả gấp trăm lần. Các cháu suốt ngày chỉ biết vò đầu rứt tóc, la hét ầm ĩ. Nhiều hôm 3 giờ sáng, Điệp lao ra ngoài rồi nhảy xuống sông. Chị Xuân phải mò mẫm tìm Điệp suốt đêm.

    Nhiều lần chị đi cấy thuê mệt rã người về nhà muốn nằm nghỉ thì Điệp lại hò hét đập phá. Những người hàng xóm cũng thấy xót xa. Ông Tuyển gần nhà, nói: “Tôi chưa bao giờ thấy một người phụ nữ nào nhẫn nhịn, chịu vất vả, hy sinh như chị Xuân".

    Cuộc hôn nhân “vô tiền khoáng hậu”

    Một lần tình cờ biết được câu chuyện đầy nước mắt của gia đình chị Xuân, chị Vũ Thị Tâm - người cùng xã, chủ động đến thăm hỏi. Thế rồi mối cảm tình cứ ngày một nhân lên; chị Tâm năng qua lại chăm nom, đỡ đần. Và chẳng biết tự lúc nào, những thành viên đáng thương của gia đình đó đã như ruột thịt với chị.

    Qua bao đêm trằn trọc, Tâm đã đưa ra một quyết định khiến không ít người ngỡ ngàng: Làm vợ người con cả tật nguyền trong gia đình, anh Trần Văn Tộ. Tâm nghĩ, người đàn ông như Tộ, nếu không vì chất độc da cam chắc hẳn cũng khao khát một mái ấm gia đình riêng lắm.

    Đêm đêm trong sự tĩnh lặng của làng quê, hai người đàn bà lại cùng nhau tâm sự. Họ động viên và khích lệ nhau cố gắng để tiếng cười được vang lên trong ngôi nhà của họ. Gia đình chị Tâm biết tin phản đối nhưng lòng chị đã quyết. Lời ra tiếng vào, chị Tâm chỉ im lặng. Năm 2002, chị Tâm cùng người thân dẫn anh Tộ ra xã đăng ký kết hôn.

    Ông chủ tịch xã đã rơi nước mắt vì xúc động. Không có đám cưới linh đình, không xe hoa cỗ bàn, nhưng khắp trong thôn ngoài xã người ta đều nói về cuộc hôn nhân “vô tiền khoáng hậu” này như một sự sẻ chia. Từ đó, chị Tâm chính thức trở thành vợ anh Tộ.

    Đêm tân hôn nằm bên chồng mà như không, trắng đêm chị không chợp mắt. Đối với chị, đó là đêm dài nhất trong cuộc đời của mình. Thời gian trôi qua với bao khó khăn, nỗi vất vả đã hằn lên khuôn mặt của chị để rồi nhiều lần nhìn vào gương mà chị giật mình thảng thốt: “Sao mình lại già nhanh thế này!”. Nhưng chị chưa bao giờ rời xa ngôi nhà ấy...



    TheoHà Hải
    Dân Việt
    -----------------------------Tự động gộp Reply ---------------------------
    Đọc bài báo thấy thật sự xúc động. Hóa ra cuộc sống bây giờ vẫn còn nhiều tấm lòng cao cả lắm lắm.@}
  4. dactalangnhang

    dactalangnhang Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    15/04/2002
    Bài viết:
    279
    Đã được thích:
    0
    Chuyện viết tiếng việt
    Một câu hỏi đang được đặt ra là "có cần thêm một số chữ cái latinh vào bộ chữ tiếng Việt, ví dụ như F, J, W, Z? ".
    Nguyên tắc chung, nếu nhu cầu là rõ ràng, thì sự đáp ứng là cần thiết. Còn sử dụng cụ thể như thế nào những chữ cái thêm vào này là công việc tiếp theo.

    Chữ cái vẫn dùng mà không chính thức hóa

    Trước hết, trong đời sống tiếng Việt hôm nay, chúng ta thực tế đã sử dụng những chữ này!

    Nếu bạn đọc dòng văn bản "Thông báo của TW Hội LHPNVN" thì bạn hiểu rằng chữ W ở đây định nói cái gì, tuy có khi bạn chưa học chữ này bao giờ. Người ta không viết "TW" là "TƯ", vì lo đọc chuyện này lại thành ra chuyện khác.

    Người nông dân chúng ta thì đã quen với chuyện lợn lai: lợn F1 hay lợn F2, chứ không phải lợn PH1 hay lợn PH2.

    Câu "từ A đến Z" ai cũng nói cũng viết, và nếu bạn nói và viết "từ A đến Y" thì không ai hiểu bạn muốn gì.

    Nhưng câu chuyện không dừng ở đây.

    Hôm nay, thế giới đã mở ra với chúng ta. Việc mỗi người cần học để biết lấy một đến vài ngoại ngữ đã trở nên cần thiết. Và có lẽ chẳng mấy mà chúng ta sẽ phải giảng dạy khoa học, trước hết là các khoa tự nhiên, khoa công nghệ, khoa thương mại, bằng song ngữ Anh -Việt, trên phạm vi đại trà, nếu chúng ta lập chí hiện đại hóa dứt điểm.

    Khái niệm du nhập

    Chưa đến mức đó, thì việc sử dụng các khái niệm du nhập đã bắt chúng ta phải đọc thông viết thạo các chữ cái latinh "chưa được đưa vào chính thức".

    Tìm hiểu khái niệm WTO, đó là bổn phận và lợi ích sát sườn của người Việt hôm nay đã tham gia tổ chức này. Phải biết chữ W.

    Mỗi xứ sở có điểm mốc "Zero","cây số không" (không viết "Dê rô") của mình, để tính khoảng cách đi tới trung tâm này từ trên các quốc lộ hướng tâm này. Phải biết chữ Z.

    Đo độ dài còn có "Foot": 1 Foot US (ft) = 0,3048006 mét. Phải biết chữ F.

    Nghe nhạc thì cũng có "Jazz", không viết nhạc "Giagigi". Phải biết chữ J.

    Viết tên riêng

    Phổ biến hàng ngày hơn nữa, là việc đọc và viết tên riêng.

    Sau những thói quen ban đầu cố gắng mòn mỏi để hán-việt hóa bằng được các tên riêng trên thế giới cho bùi tai mình, chúng ta đã vượt được dần ra khỏi cái thói quen cố hữu lấy mình làm trung tâm này. Nhiều bạn trẻ hôm nay khó biết đâu là Á Căn Đình, đâu là Gia Nã Đại, ai Là Mạnh Đức Tư Cưu, ai là Nã Phá Luân. Yêu bóng đá thì hôm xưa có Zico, hôm qua có Zidan khắc trong trí nhớ mình, không phải viết dịch Di Cô hay Di Đan.

    Tôi phản đối việc nhất nhất cố gắng viết chuyển dịch các tên Đông Á sang Hán - Việt. Điều đó gây ra những cảm xúc phản nhận thức. Từ bao giờ chúng ta tự cho mình có nghĩa vụ phải chuyển âm Hán - Việt các tên riêng Trung Hoa hay Triều Tiên, và rồi từ đó chúng ta có cảm giác như họ gần gũi với mình hơn cả những người láng giềng Lào hay Miên, thậm chí gần gũi hơn cả các tên riêng của người thiểu số trên đất mình! Đó là tự lừa mình. Tất nhiên khi bạn gọi "Hoa Thịnh Đốn" hay "Mạc Tư Khoa", bạn sẽ có cảm giác tương tự, "thân thiết hơn", vì âm thanh này quen thuộc và bùi tai chúng ta hơn. Nhưng nay bạn đã gọi Washington, Moscow, có lẽ rất nên gọi Beijing, Pyongyang để mà tinh thần ta có được sự bình đẳng, bình tâm sáng suốt trong nhận thức.

    Tên người cũng thế, tại sao ngay cả với người Nhật, chúng ta không cố sống cố chết Hán - Việt hóa tên riêng của họ, trong khi mọi tên người Trung Hoa chúng ta cứ như có bổn phận phải Hán - Việt hóa chúng bằng được? Nếu không phải lo Hán - Việt hóa tên ông tổng thống Mỹ là "Ô Bá Mã", tên ông thủ tướng Nga là "Bá Tín", thì cũng rất nên gọi tên ông thủ tướng Trung Hoa theo âm là Wen Jiabao, và bạn sẽ tìm thông tin về thủ tướng Trung Hoa trên Internet bằng tên đó dễ dàng hơn nhiều, thay vì mù tịt khi phải tìm hiểu về ông ấy vì chỉ biết cái tên đã Hán - Việt hóa.

    Giữa cái tên ghi âm và cái tên Hán - Việt hóa nhiều khi có khoảng cách rất xa, ví dụ tên ông chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il được hán-việt hóa là Kim Chính Nhật, không biết đâu mà lần.

    Một thói quen nữa là ngay ở Đông Á, nơi đâu "thân thiện" thì người ta gắng Hán - Việt hóa, bằng không thì thôi. Hongkong xưa là nhượng địa của Anh, nên thôi, không cần gọi là "Hương Cảng". Các tên riêng ở Đại Hàn cũng khỏi bị cố gắng được Hán - Việt hóa nhiều vì "không thân lắm". Tên riêng của Nhật Bản thì miễn phải Hán - Việt hóa.

    Phải học tránh sự thiên vị trong nhận thức, bởi vô hình chung chúng ta cổ vũ cái lý tưởng "đồng văn đồng chủng" cho dân chúng, thông qua việc nhất nhất Hán - Việt hóa tên riêng của Trung Hoa hay của Triều Tiên trên thông tin đại chúng. Từ đó thậm chí ta hình dung như họ có họ hàng với mình khi suy từ tên gọi!

    Từ kép

    Một vấn đề rất quan trọng khi viết tiếng Việt là vấn đề từ kép.

    Khi bạn đọc câu "học sinh vật cô Na", bạn không có cách gì để xác định nghĩa thực của câu này.

    Các ngôn ngữ dùng hệ thống chữ cái đều biết ghép các từ bằng cách viết liền chúng lại. Nếu trong tiếng Anh bạn có "net" là mạng lưới, "inter" là nối kết, bạn sẽ tạo ra chữ "internet" mà không phải là "inter net". Và bạn có thể ghép nhiều hơn hai chữ để có một chữ mới.

    Bạn ghép chữ "sinh" và "vật", bạn phải có một chữ mới, đáng lẽ là "sinhvật", chứ không phải là "sinh vật" cạnh nhau.

    Khi bạn đọc câu "học sinh vật cô Na", bạn phải cố làm một thao tác tinh thần để nối "học sinh" thành "họcsinh", rồi kiểm tra xem có được hay không theo hiểu biết chủ quan của bạn. Bạn thấy được, và bạn tiếp tục kiểm tra câu này, và bạn nghi ngờ "được, nhưng chắc không phải thế".

    Tiếp đến bạn phải cố làm một thao tác tinh thần khác để nối "sinh vật" thành "sinhvật", rồi kiểm tra xem có được hay không theo hiểu biết chủ quan của bạn. Bạn thấy được, và bạn tiếp tục kiểm tra câu này, và bạn tự bảo "được, chắc là thế".

    Hơn thế nữa, một người nước ngoài học tiếng Việt thì sẽ đánh vật với cái câu vô định này!
    Lối viết tách rời các từ trong một từ kép làm tăng tính mất chính xác của câu chữ, khuyến khích tính chủ quan thẩm định, làm giảm tốc độ đọc hiểu, làm tốn kém lưu trữ trên giấy tờ văn bản hoặc trên các bộ nhớ điện tử, làm khó khăn cho người nước ngoài học tiếng Việt.
    Tất cả nguyên do chỉ vì xưa kia chúng ta dùng chữ vuông! Mỗi chữ vuông phải kê cách nhau ra, không có thì không ai hiểu!

    Và công cuộc xây dựng chữ quốc ngữ dùng bảng chữ cái latin đã thiếu cái chí đi đến cùng để giải chuyện này. Chính chúng ta là người phải giải nó.

    Đây là một dịp để tưởng nhớ tới người có công lao đề xuất giải pháp viết từ kép này đã từ rất lâu, ông Hoàng Xuân Hãn. Ông đã soi rằng việc viết chữ kép như thế sẽ có rất hãn hữu trường hợp có thể gây nhầm nghĩa, và trong trường hợp đó thì một dấu gạch ngang sẽ là giải pháp.

    Hy vọng rằng người Việt chúng ta sẽ đến lúc đủ quyết tâm để thực hiện ý tưởng đơn giản và tuyệt vời này của ông Hoàng Xuân Hãn.

    Không cần phải ngay một lúc viết liền hết các từ kép: chỉ cần chúng ta tiến lên từng bước một, thống nhất từng chữ kép một, và chúng ta sẽ đi dần được rất xa. Công việc này có thể được giao cho một tổ chức có năng lực và thẩm quyền.

    Để làm ví dụ giống như ông Hoàng Xuân Hãn đã làm trước đây, tôi chép đoạn cuối của bài viết ra đây nhưng viết liền các từ kép để chúng ta cùng đọc thử, và để thấy chúng ta sẽ được lợi về đủ đường: chính xác, tốc độ, và tiết kiệm lưu trữ.

    Từkép

    Một vấnđề rất quantrọng khi viết tiếng Việt là vấnđề từkép.

    Khi bạn đọc câu "học sinh vật cô Na", bạn không có cách gì để xácđịnh nghĩa thực của câu này.

    Các ngônngữ dùng hệthống chữ cái đều biết ghép các từ bằng cách viết liền chúng lại. Nếu trong tiếng Anh bạn có "net" là mạnglưới, "inter" là nốikết, bạn sẽ tạo ra chữ "internet" mà không phải là "inter net". Và bạn có thể ghép nhiều hơn hai chữ để có một chữ mới.
    Bạn ghép chữ "sinh" và "vật", bạn phải có một chữ mới, đáng lẽ là "sinhvật", chứ không phải là "sinh vật" cạnh nhau.

    Khi bạn đọc câu "học sinh vật cô Na", bạn phải cố làm một thaotác tinhthần để nối "học sinh" thành "họcsinh", rồi kiểm tra xem có được hay không theo hiểubiết chủquan của bạn. Bạn thấy được, và bạn tiếptục kiểmtra câu này, và bạn nghingờ "được, nhưng chắc không phải thế".

    Tiếp đến bạn phải cố làm một thaotác tinhthần khác để nối "sinh vật" thành "sinhvật", rồi kiểmtra xem có được hay không theo hiểubiết chủquan của bạn. Bạn thấy được, và bạn tiếp tục kiểmtra câu này, và bạn tự bảo "được, chắc là thế".

    Hơn thế nữa, một người nướcngoài học tiếng Việt thì sẽ đánhvật với cái câu vôđịnh này!
    Lối viết táchrời các từ trong một từ kép làm tăng tính mấtchínhxác của câuchữ, khuyếnkhích tính chủquan thẩmđịnh, làm giảm tốcđộ đọchiểu, làm tốnkém lưutrữ trên giấytờ vănbản hoặc trên các bộ nhớ điệntử, làm khókhăn cho người nướcngoài học tiếng Việt.

    Tấtcả nguyêndo chỉ vì xưakia chúngta dùng chữ vuông! Mỗi chữ vuông phải kê cách nhau ra, không có thì không ai hiểu!

    Và côngcuộc xâydựng chữ quốcngữ dùng bảng chữ cái latin đã thiếu cái chí đi đến cùng để giải chuyện này. Chính chúngta là người phải giải nó.

    Đây là một dịp để tưởngnhớ tới người có cônglao đềxuất giảipháp viết từkép này đã từ rất lâu, ông Hoàng Xuân Hãn. Ông đã soi rằng việc viết chữ kép như thế sẽ có rất hãnhữu trườnghợp có thể gây nhầm nghĩa, và trong trườnghợp đó thì một dấu gạchngang sẽ là giảipháp.

    Hyvọng rằng người Việt chúngta sẽ đến lúc đủ quyếttâm để thựchiện ýtưởng đơngiản và tuyệtvời này của ông Hoàng Xuân Hãn. Chỉ cần tiếnlên từng bước một, thốngnhất từng chữkép một, và chúngta sẽ đi được rất xa.
    (Nguồn: tiasang.com.vn)

  5. Thu_6

    Thu_6 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/12/2003
    Bài viết:
    8.454
    Đã được thích:
    0

    CỘT CỜ HÀ NỘI CHUYỂN TÊN THÀNH ... KỲ ĐÀI


    - Đến với Hà Nội, nhiều du khách chỉ ước mơ được một lần chiêm ngưỡng “Cột cờ Hà Nội”, một cái tên, một địa danh thiêng liêng đã đi vào sử sách, vào thơ, vào nhạc. Thế nên, không ít người đã đứng tần ngần trước dòng chữ “Kỳ đài”..
    Cụm từ đã đi vào tâm thức
    Trên đường Điện Biên Phủ, ngay gần cửa Bảo tàng Quân sự có một tấm biển đề hàng chữ: “Di sản văn hóa thế giới: Di tích Kỳ đài”. Không cứ gì du khách, nhiều người dân Hà Nội đi qua đây đã rất ngỡ ngàng với câu hỏi: “Tại sao không phải là “Cột cờ Hà Nội” mà lại là “Kỳ đài”? Nghe thật lạ lẫm!”.
    Thắc mắc của người dân xét về mặt ngữ nghĩa và về mặt tinh thần đều có lý. Từ “Kỳ đài” là từ Hán Việt trong đó nghĩa từng từ kỳ là cờ, đài là nhà làm cao để có thể nhìn xa. Trong sử sách, kỳ đài là một hạng mục không thể thiếu đối với những thành quách ở kinh đô và cựu đô ở thời Nguyễn. Kỳ đài Thăng Long theo sách Đại Nam nhất thống chí chép, “đời vua Gia Long năm thứ tư, sai quan đốc sức việc xây đắp, trong thành dựng kỳ đài”.
    Cũng theo sử sách, mặc dù tại Kỳ đài Hà Nội trên đỉnh có biển đề hai chữ “Kỳ đài” nhưng đã từ lâu người dân Hà Nội quen với tên gọi “Cột cờ Hà Nội” và địa danh này được coi như một biểu tượng của Hà Nội... Nơi đây đã từng trải qua những phen binh lửa khi quân Pháp chiếm Hà Nội, chứng kiến sự hy sinh oanh liệt của hai quan Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, cũng như những sự kiện lịch sử hào hùng của cách mạng Việt Nam sau này.
    Như vậy, cả về mặt ngữ nghĩa, lẫn tinh thần, cụm từ “Cột cờ Hà Nội” đã thực sự gắn bó, ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân Thủ đô nói riêng và người Việt Nam nói chung. Còn nhớ, lúc sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết: “Nhà tôi 24 Cột Cờ/ Ai yêu thì ghé, hững hờ thì qua”. Còn theo cuốn “Đường phố Hà Nội” của Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá (NXB Hà Nội, 1979), ngày 7-5-1954, con đường chạy dưới chân Cột cờ Hà Nội đã từng được gọi tên là đường Cột Cờ. Sau này, “ngày 7-5-1954, trong không khí toàn dân tưng bừng kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, vào lúc 17h30, quân và dân Hà Nội đã tổ chức lễ trọng thể đổi tên đường Cột Cờ là đường Điện Biên Phủ”.
    [​IMG]
    Cột cờ Hà Nội
    Dùng từ Hán - Việt tùy tiện, nên chăng?
    Người viết bài này không phải là nhà ngôn ngữ học nên không dám lạm bàn sâu về câu chuyện ngôn ngữ. Chỉ biết rằng, vấn đề dùng từ Hán - Việt thế nào cho phù hợp, để bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt không phải bây giờ mới được nhắc đến.
    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khi nói và viết, Người không bao giờ dùng từ Hán -Việt nếu từ đó có thể thay thế bằng những từ thuần Việt. Ví dụ, Người nói hoặc viết “học sinh trai”,”học sinh gái” chứ không phải là “nam học sinh”, “nữ học sinh”, trong những năm chống Mỹ, Bác Hồ đã thay thế từ “nữ dân quân” bằng từ “dân quân gái”; phong trào thi đua “Ba đảm nhiệm” bằng phong trào thi đua “Ba đảm đang”...
    [​IMG]
    Biển hiệu “Di tích Kỳ đài”
    Mặc dù là người thông thạo nhiều ngoại ngữ, nhất là Hán ngữ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương cho chúng ta về làm trong sáng tiếng Việt - trách nhiệm của mỗi người Việt Nam thực thụ. Nhiều từ thuần Việt, khi được Người mạnh dạn thay thế đã được báo chí sử dụng theo và sau đó, các từ mới này đã hoàn toàn chiếm ưu thế.
    Tuy nhiên, Người cũng rất am hiểu sự tinh tế, sức sống riêng của những từ Hán - Việt và kể cả những từ có nguồn gốc nước ngoài khác trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam. Chính vì thế, khi sắp đi xa, trong Di chúc, Người viết “tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Thử nghĩ xem nếu “nhi đồng” được thay bằng “trẻ con” - là từ thuần Việt tương ứng, tương tự như “Hội phụ nữ” thay bằng “Hội đàn bà” trong những ngữ cảnh này là không phù hợp chút nào.
    Gần đây, trong văn phong báo chí, có tình trạng lạm dụng từ Hán - Việt quá nhiều. Không những thế, còn lạm dụng sai. Đơn cử như từ “cứu cánh”, theo Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh thì “cứu cánh” có nghĩa đúng là “mục đích cuối cùng”, nhưng khá nhiều người thường hay hiểu từ này với nghĩa là “cứu giúp” hoặc “cứu vãn”...
    Do đó, một câu hỏi đặt ra ở đây là dùng từ Hán - Việt tùy tiện, nên chăng? Nhất là khi bản thân người dùng không hiểu rõ về từ đó mà chỉ dùng như một thói quen, hoặc từ đó đã có từ thuần Việt thay thế và đang được người dân yêu thích sử dụng như ví dụ về “Kỳ đài” và “Cột cờ Hà Nội” đã nói ở trên.
    http://hcm.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/cot-co-ha-noi-chuyen-ten-thanh-ky-dai-c46a406253.html

Chia sẻ trang này