1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Sự Hợp Nhất Giữa Đại Ấn và Đại Toàn Thiện

Chủ đề trong 'Yoga - Khí công - Nhân điện - Thiền' bởi Prahevajra, 05/09/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    SỰ HỢP NHẤT GIỮA ĐẠI ẤN VÀ ĐẠI TOÀN THIỆN:
    NHỮNG CHỈ DẪN TRỰC TIẾP VỀ ĐẤNG ĐẠI TỪ BI

    (The Union of Mahamudra and Dzogchen: The Direct Instructions of the Compassionate One)

    Tác giả: Karma Chagmey Rinpoche

    Bình luận: Chokyi Nyima Rinpoche

    Việt dịch: Tuyết Sơn

    (Dịch toàn bộ các khổ thơ của Karma Chagmey, lược dịch phần giới thiệu và bình luận của Chokyi Nyima Rinpoche)

    GIỚI THIỆU VỀ NGƯỜI BÌNH LUẬN CHOKYI NYIMA RINPOCHE

    Chokyi Nyima Rinpoche sinh ra gần Lhasa ở trung tâm Tây Tạng năm 1951. Khi 18 tháng tuổi, ông được đức Pháp vương Gyalwang Karmapa công nhận là tái sinh thứ bảy của yogi vĩ đại Gar Drubchen, một hóa thân của Long Thọ. Sau đó một thời gian ngắn, ông tới tu viện của người tiền nhiệm, Drong Gon Tubten Dargye Ling, ở Nakchuka phía bắc Lhasa. Rinpoche rời Tây Tạng trước năm 1959.

    Từ 1959, ông nhận nhiều hướng dẫn trực tiếp từ những bậc thầy Phật giáo lỗi lạc nhất của thế kỷ này mà đứng đầu là đức Pháp vương Gyalwang Karmapa, Dudjom Rinpoche, Dilgo Khyentse Rinpoche, cha của ông là Tulku Urgyen Rinpoche, đại sư đáng kính Kalu Rinpoche, Khenchen Thrangru Rinpoche, Kunu Rinpoche, Khenpo Rinchen và Khenpo Dazer.

    Năm 1974, ông tới Boudhanath, gần Kathmandu, và giúp cha ông xây dựng tu viện Ka-Nying Shedrup Ling. Sau đó ông được đức Pháp vương Karmapa giao nhiệm vụ chăm lo sức khỏe thể chất và tinh thần cho cộng đồng tu sĩ. Đáp ứng nguyện vọng vị thầy của mình, ông đã có hai thập kỷ miệt mài cống hiến thời gian và sức lực để truyền dạy cho mọi người từ khắp nơi trên thế giới.

    Chuyên đề nghiên cứu năm 1985, được giới thiệu ở học viện Rangjung Yeshe của tu viện, dựa trên một văn bản nhan đề Sự hợp nhất giữa Đại Ấn và Đại Toàn Thiện, những chỉ dẫn trực tiếp về Đấn Đại Từ Bi, sáng tác bởi Karma Chagmey đời thứ nhất (1605 – 1670). Văn bản này trình bày những chỉ dẫn rõ ràng và ngắn gọn về những thực hành của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện, có thể được áp dụng ngay, kể cả với những người mới bắt đầu.

    Tulku Urgyen Rinpoche gợi ý rằng Sự hợp nhất có thể phù hợp với các học viên mới ở Pháp hội hàng năm. Để chuẩn bị, một bản dịch văn tự gốc của Karma Chagmey đã được soạn thảo, những điểm khó hiểu đã được giải thích và làm sáng tỏ bởi chính Chokyi Nyima Rinpoche. Trong hội nghị chuyên đề, Chokyi Nyima Rinpoche đã có 20 bài nói chuyện, sau đó đã được ghi lại, chỉnh sửa và in thành cuốn sách này. Tôi vô cùng biết ơn Rinpoche và tôi thật vinh dự được chia sẻ giáo lý này với những hành giả nhiệt thành.

    Những lời dạy trực tiếp từ một vị thầy đang còn sống là vô cùng quý báu bởi vì chúng biểu lộ tinh túy của tất cả các kinh thư mà vị thầy đó đã từng nghiên cứu và những giáo lý mà ông từng thọ nhận, vốn là những điều vượt ngoài tầm với của đa số người bình thường. Điều quý giá hơn là Rinpoche, bằng tài năng và trí tuệ của mình đã soạn ra những bài giảng phù hợp với các học viên của thời đại ngày nay.
    (Erik Pema Kunsang - Hang động Asura, 1989)


    DẪN NHẬP GIÁO LÝ

    Giải thích tiêu đề

    Những giáo lý trong cuốn sách này dựa trên văn bản có nhan đề Sự Hợp Nhất giữa Đại Ấn và Đại Toàn Thiện: Chỉ dẫn trực tiếp về Đấng Đại Từ Bi, bởi Karma Chagmey Rinpoche đời thứ nhất.

    Cụm từ “Chỉ dẫn trực tiếp” cho biết những giáo lý này dành cho những người có ý định ứng dụng chúng trực tiếp vào thực hành. Trong tất cả các giáo huấn hướng dẫn trực tiếp về Đại Ấn và Đại Toàn Thiện, giáo huấn này có bản chất cốt lõi là làm thế nào để thực hành. Đây là tinh túy của tất cả các giáo lý được cô đọng lại thành những điểm chính yếu.

    “Đấng Đại Từ Bi” là Quan Âm Bồ Tát. Con đường Bồ tát đã được đi qua bởi tất cả các vị Phật trong quá khứ, những người, bằng đức hạnh hoàn hảo của Bồ Tát, sáu ba la mật, đã đạt đến giác ngộ rốt ráo. Tất cả các vị Phật trong tương lai cũng sẽ trải qua con đường của Bồ tát. Những người hiện tại đang trên con đường thực hành để hướng tới giác ngộ cũng thực hành Bồ tát đạo giống như vậy. Quan Âm Bồ Tát là hiện thân của đức tính từ bi và yêu thương vô điều kiện.

    “Sự hợp nhất giữa Đại Ấn và Đại Toàn Thiện” nghĩa là không có sự tách biệt giữa hai pháp môn. Cả Đại Ấn và Đại Toàn Thiện đều chứa đựng ba phần. Trong Đại Ấn, có ba phần là Kinh, Mật Cốt tủy Đại Ấn. Trong Đại Toàn Thiện, chúng được gọi là Tâm, Không gian Các chỉ dẫn. Không có sự khác biệt trong cái thấy tối thượng của hai pháp môn này.

    Cái thấy đúng là thoát khỏi mọi thái cực. Đó là trạng thái nằm ngoài mọi khái niệm, siêu việt mọi tạo tác tinh thần, không thể nói ra được, không thể hình dung và không thể diễn tả. Nếu có bất cứ dính mắc nào, người ta sẽ không thể có cái thấy đúng: cái thấy đúng là không có sự bám chấp. Với ý nghĩa của cái thấy như vậy, không có sự mâu thuẫn nào giữa Đại Ấn và Đại Toàn Thiện, chúng không tách biệt, mà thống nhất.

    Sách này bao gồm các hướng dẫn về những tu tập dự bị bên ngoài của bốn chuyển hóa tâm: thân người quý giá, vô thường và cái chết, nhân và quả của hành động, và sự đau khổ của luân hồi. Ngoài ra còn có các tu tập dự bị đặc biệt bên trong, cũng như thực hành chính của các giai đoạn phát sinhthành tựu, với nội dung chỉ dạy làm thế nào để quán tưởng chính chúng ta trong thân tướng của hóa thần Quan Thế Âm. Mục cuối trình bày các giáo lý về cái thấy của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện.

    Những câu thơ gốc của Karma Chagmey còn nói về bản tính của tâm, trạng thái tự nhiên, sự tỉnh thức tự hiện diện trong mỗi chúng ta. Các câu thơ giải thích về trạng thái tự nhiên này, nó vận hành thế nào, có những đặc điểm ra sao, và làm thế nào để nhận ra nó. Bên cạnh đó, Karma Chagmey cũng đề cập đến những lợi ích khi nhận ra nó, sự bất lợi khi không nhận thức được nó, và làm thế nào nó được thừa nhận thông qua sự chỉ điểm của một vị thầy đủ tiêu chuẩn. Khi đã nhận ra bản tính tự nhiên của tâm, chúng ta có còn phải thực hành thêm pháp môn nào nữa không, hay như vậy là đã đủ? Chúng ta thực hành tiếp thế nào? Những sai sót hay lỗi lầm nào chúng ta có thể mắc phải? Nếu chúng ta chệch hướng, làm thế nào để điều chỉnh? Đây là những chủ đề của giáo huấn này và các câu hỏi mà quyển sách này cố gắng trả lời.

    Về Tác Giả

    Tác giả của văn bản này là Thành Tựu Giả người Tây Tạng Karma Chagmey (1613 – 1678), còn được biết đến là Raga Asya, là một bậc thầy vĩ đại, thông qua nghiên cứu đã hấp thu được những kiến thức sâu rộng về Pháp, thông qua nghiền ngẫm đã xóa tan những gì chưa sáng tỏ và mơ hồ, cuối cùng, thông qua thực hành đã đạt được giác ngộ viên mãn. Ngài dành phần lớn thời gian trong đời để thiền định trong các hang động hẻo lánh trên núi.

    [​IMG]

    Karma Chagmey đời thứ nhất là một hành giả vĩ đại, đã dành cả đời cho các khóa nhập thất chuyên tu trên núi, và đã đạt đến giác ngộ vô thượng. Ngài là một người rất đơn giản, có rất ít dự định và các hoạt động thế gian. Khi ngài biên soạn giáo huấn nào đó thì chỉ bởi vì có người đã yêu cầu ngài chỉ dẫn. Ngài nói: “Được thôi. Giấy và bút đâu?” Ngài viết ra, đưa cho họ và chỉ đơn giản như vậy. Sau khi ngài tịch, không một người nào có đủ toàn bộ các giáo huấn của ngài, vì các tác phẩm của ngài nằm trong tay nhiều người. Một số văn bản được tập hợp sau đó, nhưng chắc chắn chưa đủ.

    Karma Chagmey dạy những đệ tử thành tâm, quan tâm sâu sắc đến các giáo lý và siêng năng thực hành. Ngài dạy không vì danh tiếng, uy tín hoặc mong đợi có được vị trí cao, mà chỉ đơn giản vì sự chân thành và lòng trắc ẩn đối với mọi người.

    Karma Chagmey cùng thời với Sharmapa Chokyi Wangchuk, người sống vào đầu thế kỷ 17.

    [​IMG]

    Karma Chagmey như một người hành hương và khất sĩ ở Tây Tạng, cuối cùng tới tu viện Tsurphu, nơi ở của các vị Đại Bảo Pháp Vương, Karmapa. Vị Pháp vương lúc đó đã viên tịch, và Sharmapa là người tạm thời kế vị. Theo tiểu sử của ngài, khi Karma Chagmey gia nhập tu viện như một khất sĩ, các sư tăng nghĩ rằng ngài vô tích sự và gây ra cho ngài một quãng thời gian đầy khó nhọc. Về sau, khi ngài thực hành Sáu Yoga của Naropa và Đại Ấn một mình trong các hang động, ngài nhanh chóng đạt được giác ngộ viên mãn. Sau này, mọi người nói rằng chẳng có ai được như Karma Chagmey trên khắp Tây Tạng.

    Dữ liệu về tiểu sử Karma Chagmey đời thứ nhất được rút ra từ cuốn Từ điển Tiểu sử của Tây Tạng và Phật giáo Tây Tạng, tập VII của Ven. Khetsun Sangpo.

    Karma Chagmey được truyền dạy thiền định từ lúc năm tuổi bởi chính cha mình. Từ đó về sau ông luôn cố gắng sống tỉnh thức không sao lãng.

    Lên mười hai tuổi, ông nhận quán đỉnh từ Situ Rinpoche và sau đó ẩn thân tu luyện hành trì chân ngôn. Từ cha mình, ông nhận tất cả các chỉ dẫn về nghi quỹ thuộc hệ thống Cổ Mật Nyingma. Sau đó, khi trình bày sở ngộ của mình với Trungpa Kunga Namgyal (1555 – 1628), ông được ban truyền hướng dẫn trực tiếp. Theo lời khuyên của Trungpa Rinpoche, ông gia nhập tu viện của Sadam.

    Một dịp ông thăm Tsurphu và gặp Karmapa thứ mười và Sharmapa thứ sáu, Chokyi Wangchuk (1584 – 1630), những người đã cho phép ông ở lại đó. Ở Tsurphu, ông học Du già sư địa luận của Di Lặc và Mật điển Hevajra (Hỷ Kim Cương) cũng như các luận giải của Karmapa thứ ba về thực hành Kim cương thừa như Sabmo Nangdon, Nội nghĩa thậm thâm. Trong thời gian này, ông chuyên tâm vào nghi quỹ Văn Thù Trắng và trở nên nổi tiếng vì không thể bị đánh bại trong tranh luận. Một lần khi đang cầu nguyện ở ngôi mộ của Sharmapa thứ sáu, trí tuệ Văn Thù lóe sáng trong tâm trí ông. Sau đó ở Nedo, ông dành một quãng thời gian dài để ẩn tu. Trong một linh kiến của Sharmapa Cholyi Wangchuk, ông được giao phó sứ mạng truyền thụ các giáo lý của Đại Ấn. Ngoài ra, ông được tiên đoán rằng nhờ cống hiến trọn đời cho việc hành trì, ông sẽ có thể hoằng truyền những giáo lý tinh yếu đó.

    Ông có vô số linh kiến về bản tôn của mình. Các vị Hộ Pháp nguyện làm người phụ tá cho ông. Tất cả những ấn chứng trong quá trình tu hành trên đạo lộ và thập địa đều hiện lộ và ông được thiên phú cho thần nhãn cùng với các thần thông nhiệm màu. Trong khi còn sống, ông đã đạt tới cấp chứng ngộ “trên cả nhất vị”. Có nhiều người đã giác ngộ trạng thái bản nhiên chỉ đơn giản nhờ nhận quán đỉnh, nghe chỉ dạy hoặc đọc thư hướng dẫn từ ông.

    Năm 64 tuổi, Karma Chagmey qua đời và vãng sinh vào cõi Liên Hoa Quang, cõi tịnh độ của đại sư Liên Hoa Sinh. Trong lễ hỏa táng, ánh sáng cầu vồng xuất hiện và mưa bụi rải rác. Tro của ông có nhiều xá lợi và những hình ảnh tự nhiên.

    Karma Chagmey có ảnh hưởng to lớn lên các dòng truyền thuộc Kagyu và Nyingma. Ông là tác giả của hơn 55 văn bản. Các tác phẩm của ông được viết theo lối giản dị mà những người bình thường cũng có thể hiểu được. Nổi tiếng nhất trong số đó là Chagmey Richo, Thực hành trên núi của Chagmey, và Một tuyển tập lời khuyên cho các thiền sinh. Trong ba thế kỷ từ sau khi ông qua đời, vô số ẩn sĩ và thiền giả đã khắc ghi Những chỉ dẫn trực tiếp về Đấng Đại Từ Bi vào tâm khảm và sử dụng tác phẩm này như chỉ nam cho việc hành trì tâm linh của họ.
  2. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Làm thế nào để nghe Pháp

    Lắng nghe một giáo pháp với mục đích để đạt đến giác ngộ cho bản thân được gọi là động lực vị kỷ. Nếu lắng nghe với ý định áp dụng những lời dạy vào thực hành để cuối cùng hướng dẫn tất cả chúng sinh đạt đến giác ngộ được gọi là động lực vị tha hoặc bồ đề tâm. Hành động nghe và học các giáo pháp nên gắn liền với động lực vị tha này.

    Điều quan trọng nhất là giữ một thái độ minh bạch, nên nghĩ rằng: “Tôi sẽ lắng nghe các giáo lý và học tập để phát triển bồ đề tâm, trí tuệ và tính siêng năng. Qua đó, mong sao tôi có thể làm lợi lạc cho bản thân và mọi người.” Cách đúng đắn để nghiên cứu và thực hành là đi kèm với động lực này. Nhưng nếu một người có những ý định khác, như có ham muốn nâng cao địa vị, mở rộng ảnh hưởng, hoặc thậm chí để ngăn chặn những người khác trở nên hiểu biết hơn, thì cho dù chúng ta học một giáo lý thanh tịnh, sự học hành của chúng ta sẽ mang lại những kết quả bất tịnh.

    Trong số các cảm xúc gây phiền não, hai loại khó nhận biết nhất bên trong chúng ta là tự mãnghen tị. Hai loại này sẽ ngăn cản các phẩm tính tốt lành phát sinh. Có một câu tục ngữ: “Những lời hùng biện cũng có thể được nghe thấy từ miệng một đứa trẻ.” Người ta có thể học hỏi được từ bất cứ ai, không nên xem thường những người vô học, nghĩ rằng: “Họ chẳng biết gì cả. Vì hiểu biết hơn nên Tôi quan trọng hơn.” Cũng có câu: “Quả bóng sắt của tính kiêu ngạo không bao giờ ngấm nước, kể cả khi bị dìm xuống nước.” Một tâm trí kiêu căng và tự mãn không thể hấp thu những đức tính chân thiện.

    Ý nghĩa của Pháp

    Theo truyền thống, từ Pháp (Dharma), một từ tiếng Phạn, có mười nghĩa khác nhau. Trong mười nghĩa đó, nghĩa có liên hệ nhiều nhất với từ này là Pháp đích thực, chân lý tối thượng, hoặc bản chất tự nhiên của vạn sự như chúng là. Nếu không có sự trợ giúp của ngôn từ và các khái niệm, người ta sẽ không thể giác ngộ chân lý tối thượng, và nếu không có sự giác ngộ này, người ta không thể đắc quả giải thoát.

    Con người cần một phương pháp hoặc phương tiện để hiểu được chân lý rốt ráo. Trong ý nghĩa đó, Pháp có thể được coi như một liều thuốc giải, một phương thuốc hoặc một cách chữa trị để thúc đẩy các thay đổi tích cực, hay còn gọi là chuyển hóa. Từ “Pháp” có ý nghĩa này: là phương tiện để giác ngộ chân lý.

    Làm thế nào để tiếp thu Pháp

    Tới đây, bước vào Pháp, chúng ta gắn liền với ba phương diện của kiến thức: kiến thức có được từ học tập, kiến thức có được từ sự nghiền ngẫm và kiến thức có được từ thiền định (Văn, Tư, Tu).

    Khi học Pháp hoặc lắng nghe một giáo pháp, chúng ta nên giống như một con dê núi đang lắng nghe âm thanh từ một cây sáo – hoàn toàn tập trung và không phân tâm. Chúng ta nên bám sát vào những gì đang được giảng giải mà không để sự chú ý của mình lang thang đi nơi khác, lắng nghe kỹ lưỡng và lưu tâm vào từng từ.

    Khi nghiền ngẫm các giáo lý, chúng ta nên giống như những người phía bắc Tây Tạng đang cắt lông cừu, hoặc như thợ cắt tóc đang cắt tỉa cho khách, hoặc như những người dệt thảm đang làm thảm. Những người này đều phải không ngừng chú ý vào công việc của mình và liên tục cảnh giác để các ngón tay của mình không phạm lỗi. Tương tự, khi suy ngẫm về ý nghĩa chính xác của các giáo lý, chúng ta nên cảnh giác và chú tâm, không nên bỏ sót hoặc nhảy từ điều này qua điều khác.

    Khi thiền định về các giáo lý, chúng ta hãy như người câm nếm mật: rõ ràng có hương vị, nhưng người câm không thể mô tả được nó. Điều này có nghĩa là chúng ta nên nhiệt thành đưa các giáo lý vào thực hành thông qua thiền định với niềm hạnh phúc, say mê và nỗ lực phi thường.

    Thực hành Pháp không phải là chỉ có thiền định, mà còn là thực hiện bất cứ việc thiện nào có thể. Khi thực hành Pháp, chúng ta nên giống như con trâu yak đói đang ăn cỏ. Ngoạm một miếng sẽ không thể đầy bụng và thỏa mãn nó được. Khi mới nhai đầy mồm miếng này, nó đã nhìn trừng trừng vào đám cỏ để chuẩn bị ăn miếng khác. Tương tự, nếu chỉ thực hành một chút ít và nghĩ: “Như vậy là đã đủ,” rồi chuyển sang việc khác, thì người ta sẽ không bao giờ thành công. Hãy giống như con trâu yak đói ăn. Ngay khi bạn nghe được một giáo huấn, hãy lập tức nghĩ về nó. Sau đó hãy đưa nó vào thực hành và áp dụng luôn.

    Kết quả của quá trình học tập, suy ngẫm và thiền định như mặt trời trên một bầu trời không mây. Chúng ta nên thực hành mà không tách rời ba công đoạn. Nếu chúng ta chỉ học và tư duy về các giáo lý, trong khi thất bại trong việc đưa chúng vào hành trì thì chúng ta chỉ phát triển tính tự mãn và cao ngạo. Sẽ khó mà đạt đến giác ngộ nếu chỉ thực hành mà không học tập và suy ngẫm về các giáo lý. Chúng ta cần dựa vào một số phương pháp để thực hiện, cũng như cần có kiến thức hiểu biết về việc chúng ta đang làm. Do đó, không bao giờ tách rời học tập, suy ngẫm và thiền định, chúng ta sẽ như mặt trời không bị che khuất bởi mây đen.
  3. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    BÀI CA TÓM LƯỢC GIÁO LÝ THẬM THÂM

    Namo Mahakarunikaya

    Emaho!

    Kinh điển, mật điển và các bộ luận nhiều vô kể

    Tuy nhiên cuộc đời thì ngắn ngủi mà trí tuệ thì có hạn, thật khó có thể tìm hiểu hết được

    Bạn có thể hiểu biết rất nhiều, nhưng nếu không đưa chúng vào thực hành

    Thì cũng giống như chết khát trên bờ của một hồ nước lớn

    Tương tự, đôi khi một xác chết tầm thường cũng được tìm thấy trên giường của một đại học giả.

    ***

    Những kinh điển hiển, mật, trước tác của các học giả và thành tựu giả người Ấn Độ, Tây Tạng

    Tất cả đều được ban phúc, nhưng người thường khó có thể lĩnh hội được

    Cho dù chúng rất cần thiết để giảng dạy trong các tu viện

    Nhưng để thực hành chuyên biệt, chúng ít được sử dụng

    Hướng dẫn chỉ thẳng dễ hiểu này có lợi ích cho tâm trí của bạn hơn tất cả.

    ***

    Hằng sa giáo lý thâm sâu, như Đại Ấn và Đại Toàn Thiện

    Đều chính xác và đáng tin cậy trong mỗi văn bản gốc

    Không thể thiếu khi truyền dạy các học trò, những người sẽ nắm giữ dòng truyền Pháp

    Nhưng đối với thực hành cá nhân, vì lợi ích của tương lai

    Sẽ là sáng suốt hơn khi cô đọng tất cả thành một.

    ***

    Để thấu hiểu chính xác và không nhầm lẫn các truyền thống đa dạng của Pháp

    Điều cần thiết là giữ gìn và duy trì các giáo lý

    Nhưng nếu bạn quan tâm đến hạnh phúc tương lai của mình

    Sẽ là sáng suốt hơn khi rèn luyện với một tinh thần bất bộ phái, nhìn nhận tất cả các truyền thống một cách khách quan

    ***

    Điều cần thiết là tập trung mối quan tâm của bạn vào một vị thầy đủ tiêu chuẩn

    Nếu bạn là đệ tử thân cận của ông ta

    Nhưng nếu bạn ước mong có được kinh nghiệm và sự giác ngộ bừng sáng bên trong mình

    Sẽ là sáng suốt hơn khi kết hợp tất cả các vị thầy bạn đã từng gặp vào thành một

    Và quán tưởng ông ta như vị Phật an tọa trên đỉnh đầu bạn và cầu nguyện tới ông.

    ***

    Việc tụng đọc các nghi quỹ thực hành trong giai đoạn phát sinh

    Của nhiều vị hóa thần trong các tantra

    Là không thể thiếu nếu bạn được ban quán đỉnh để trở thành một vị đại sư

    Tuy nhiên, nếu cần một phương tiện để thanh lọc các che chướng của bản thân và đạt được thành tựu

    Sẽ là sáng suốt hơn khi thực hành một vị hóa thần và một mantra bao hàm tất cả.
  4. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Vô số thực hành của giai đoạn thành tựu, có hoặc không có nguồn tham khảo

    Là không thể thiếu để trình bày cặn kẽ các tài liệu thiền vốn nhiều vô kể

    Nhưng để là một phương tiện giúp cho kinh nghiệm giác ngộ bừng sáng bên trong bạn

    Sẽ là sáng suốt hơn khi duy trì bản chất tâm giác ngộ, là hiện thân của tất cả giáo pháp.

    ***

    Có rất nhiều cách để biểu thị cái thấy

    Như cắt đứt sự tạo tác tinh thần từ bên ngoài hoặc bên trong

    Tuy nhiên, giống như khói sẽ biến mất khi lửa trong lò sưởi bị dập tắt

    Sẽ là sáng suốt hơn khi cắt qua gốc rễ của tâm trí.

    ***

    Cho dù có rất nhiều phương pháp hành thiền, có sử dụng hoặc không sử dụng các khái niệm

    Sẽ là sáng suốt hơn khi thực hành sự hợp nhất tính sáng và tính không

    Giai đoạn phát sinh được hoàn thành chỉ bằng cách hồi tưởng

    ***

    Tuy có nhiều phương thức xử thế, cao quý hay hạ tiện, thô thiển hay tinh tế

    Nhưng sẽ là sáng suốt hơn khi nỗ lực hết mình thực hành tăng trưởng tính thiện và từ bỏ tính ác

    ***

    Mặc dù có nhiều kiến thức được dạy về trạng thái thành tựu, thời điểm gặt hái kết quả

    Sẽ là sáng suốt hơn khi sở đắc các đặc điểm chính xác và rõ ràng của sự thành tựu

    Sau quá trình thực hành không nhầm lẫn về cái thấy, thiền định và hành động (kiến, thiền, hành).

    ***

    Các vị Bồ Tát khi đắc các quả vị của hàng thập địa

    Không bị mê mờ kể cả khi tạo tác các nghiệp thập ác vì lợi ích hoằng dương giáo lý

    Nhưng những người sơ cơ như chúng ta nên biết sợ các nẻo ác luân hồi

    Sẽ là sáng suốt hơn khi ngăn ngừa, không dính líu vào các hành động xấu và những lỗi lầm nghiêm trọng

    ***

    Khi không vị kỷ và hướng đến lợi ích của tất cả chúng sinh

    Sẽ là sáng suốt hơn khi gắn liền với các thực hành như cúng dường và bố thí, sao chép các giáo lý và học thuộc lòng

    Kèm theo hồi hướng công đức mà không có khái niệm kẻ cho, người nhận và hành vi thiện hạnh

  5. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    BÀI CA VỀ LỢI ÍCH CỦA THÂN NGƯỜI KHÓ GẶP

    Kyemaho!

    Trải qua nhiều kỷ nguyên, hiếm có thời nào chánh pháp được hưng thịnh

    Có nhiều cõi giới, nhưng hiếm có nơi nào Phật đà xuất hiện

    Kể cả khi một vị Phật xuất hiện, hiếm khi chánh pháp được trường tồn

    Trong lục đạo luân hồi, rất khó để có được thân người.

    ***

    Trong bốn đại bộ châu, hiếm ai được sinh ra ở Nam thiên bộ châu

    Trong Nam thiên bộ châu, hiếm khi chánh Pháp được hoằng dương

    Cho dù được sinh ra ở đây, chẳng phải ai cũng có đầy đủ các giác quan

    Cho dù có đầy đủ các giác quan, hiếm ai có suy nghĩ về chánh Pháp.

    ***

    Cho dù người ta muốn thực hành, hiếm khi gặp được một vị thầy đủ tiêu chuẩn

    Kể cả khi gặp được một vị thầy, hiếm khi được chỉ dẫn thực hành

    Kể cả khi được dạy thực hành, hiếm khi chủng tử giác ngộ chín muồi thông qua các cấp quán đỉnh

    Cho dù những điều này cùng đạt được, hiếm có ai nhận ra được bản tính của tâm.

    ***

    Tất cả những điều kiện hiếm có trên nay bạn đã có được

    Điều này không phải dễ - đó là kết quả của khát vọng từ nhiều kiếp trước

    Ngay bây giờ, hãy quay lưng lại với luân hồi

    Nếu không thể làm vậy, bạn sẽ chẳng là gì hơn

    Ngoài một kẻ tay trắng trở về từ hòn đảo đầy châu ngọc

    Những điều kiện như vậy sẽ hầu như không trở lại trong tương lai.

    ***

    Cụ thể hơn, con đường Mật Chú, Kim cang thừa vô thượng

    Sẽ không được dạy bởi hàng ngàn vị Phật bắt đầu từ đức Di Lặc

    Sẽ không có hy vọng để được nhận giáo lý này trong những kiếp tương lai.

    ***
  6. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Nay đã có được thân người quý giá, khó gặp

    Nếu bạn không sử dụng, nó sẽ bị ruồng bỏ và đào thải bất cứ lúc nào

    Chỉ để điểu táng hay hỏa táng

    Vì vậy, hãy tận dụng lợi thế ngay bây giờ, nếu không nó sẽ trở nên vô dụng.

    ***

    Hãy giữ gìn nghiêm cẩn các giới nguyện, samaya bạn đã thọ nhận

    Trai tịnh một ngày vào những hôm mùng một, ngày rằm và ngày mùng tám .v.v.

    Dùng đôi tay bạn, thực hiện một trăm lễ lạy hàng ngày

    Dùng đôi chân bạn, nhiễu quanh các thánh vật

    Dùng tiếng nói của bạn, trì niệm lục tự đại minh

    Dùng của cải của bạn, nhiệt tâm tích tập công đức

    Dùng tâm trí của bạn, rèn luyện trong từ bi và trí tuệ tánh không

    ***

    Hãy sử dụng thân xác huyễn ảo mà bạn tạm thời vay mượn từ tứ đại

    Nếu cần thiết, có thể hy sinh nó

    Như một du khách được chuẩn bị đầy đủ hành trang với con vật thồ

    Trên hành trình, bạn sẽ không bị khổ cực.

    ***
  7. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    BÀI CA SUY NGẪM VỀ VÔ THƯỜNG, NHÂN VÀ QUẢ

    Kyema kyihu atsamana ang!

    Khi thế giới này tan hoại, nó sẽ bị hủy diệt bởi lửa và nước

    Năm là vô thường, chu kỳ năm liên tục xoay vần

    Tháng và mùa, nóng và lạnh

    Thời gian dần trôi qua

    Mặt trời, mặt trăng luân phiên mọc và lặn.

    ***

    Chúng sinh trong thế giới đều sinh ra, lớn lên, ốm yếu và chết

    Sự biến đổi của vô thường như vô vàn gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ

    Chẳng thể tìm được sự vật nào tồn tại mãi mãi trong toàn thể các hiện tượng

    Kết cục của sinh là tử, kết cục của mọc lên là lặn xuống

    Kết cục của tuổi trẻ là tuổi già, kết cục của hợp là tan

    Kết cục của đoàn tụ là chia ly – những điều này không ai tránh khỏi.

    ***

    Đấng Toàn Giác, các vị Phật độc giác và các vị A la hán

    Cùng tất cả những người đã đạt đến quả vị thành tựu giả tối thắng và thông thường

    Cuối cùng đều phải rời bỏ thân xác

    Còn có ai siêu việt hơn họ?

    Cho dù Đại Phạm Thiên Vương, Đế Thích và các vị chúa tể vũ trụ

    Trị vì một nửa thế giới

    Cũng như tất cả các vị hoàng đế vĩ đại của Ấn Độ, Tây Tạng, Mông Cổ và các quốc gia khác, đều phải chết

    Có điều gì chắc chắn hơn là cái chết sẽ đến với những người bình thường?

    ***

    Có bốn trăm loại ốm đau, một trăm ngàn kiểu chướng ngại

    Vô số nguy hiểm rình rập cuộc sống và thân thể

    Như một ngọn đèn trước gió, bạn có thể mất mạng bất cứ lúc nào

    Như một tử tù đang được dẫn ra pháp trường

    Bạn tiến gần đến cái chết sau mỗi năm, mỗi tháng, mỗi giờ trôi qua

    Một ngày, bạn sẽ gặp Yama, vị chúa tể bên kia cửa tử.

    ***

    Khi thuốc thang, sự bảo hộ và năng lực chữa lành của các nghi lễ huyền bí đã không còn tác dụng

    Sẽ có ngày bạn trở thành một xác chết

    Giống như mặt trời mọc sẽ lên cao dần trên đỉnh núi

    Sẽ có ngày cái chết của bạn chẳng thể trì hoãn một giây

    Trong khi bạn không thể mang theo họ hàng, thân thích

    Sẽ có ngày bạn phải ra đi đơn độc

    Bạn có thể rất giàu có, nhưng không thể mang theo lương thực dùng cho một ngày

    Sẽ có lúc bạn phải ra đi tay trắng

    Lang thang vô định một mình tới những xứ sở vô danh

    Sẽ tới lúc bạn kết thúc trong định mệnh

    Vô vàn đau đớn sẽ chẳng thể chia sẻ cùng ai

    Sẽ tới lúc bạn trải qua những khổ ải như vậy.
  8. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Nếu không nhận ra được các giai đoạn hòa tan hoặc sự biểu hiện rõ ràng của các “hình tướng” và “ sự tăng trưởng”

    Sẽ đến lúc bạn mất định hướng cần phải làm gì

    Khi các âm thanh, màu sắc, ánh sáng, các vị thần hiền hòa và phẫn nộ xuất hiện

    Một người với nhiều nghiệp xấu sẽ cảm thấy như bị bao vây bởi một đội quân rợp trời

    Sẽ tới lúc xuất hiện những con đau khủng khiếp, hoảng loạn và sợ hãi tột cùng.

    ***

    Những thông điệp kinh hoàng được truyền tải từ tử thần Yama

    Những vị thần thánh và ma quỷ của bạn sẽ bộc lộ những hành vi thiện và ác của chính bạn

    Nói dối chẳng giúp được gì, vì quá khứ đã được ghi nhận và phản chiếu rõ ràng trong “tấm gương thực tại”

    Sẽ tới lúc bạn hối hận về những hành động ác

    Bạn sẽ khao khát các công đức, nhưng khi đó, chẳng thể vay mượn được ở đâu

    Vị Chúa tể của Cái chết sẽ phân định rạch ròi các hành vi thiện và ác

    Nếu bạn không muốn hối hận vào lúc đó nhưng lại chẳng muốn thực hành ngay bây giờ

    Bạn đang lừa gạt chính mình, thật ngu dại.

    ***

    Vào lúc này, bạn không thể chịu đựng một tàn lửa dính trên da

    Lửa địa ngục còn bảy lần nóng hơn lửa dương thế

    Làm sao bạn có thể chịu đựng khi bị đun sôi và thiêu đốt trong nhiều đại kiếp

    Trong khi không có khả năng để chết dưới âm ty?

    ***

    Bạn không thể chịu đựng khi mặc áo mỏng chỉ một ngày mùa đông

    Bạn sẽ làm gì, khi không có khả năng để chết

    Mà vẫn luôn bị dính chặt vào băng đá, không quần áo, lạnh buốt trong nhiều kỷ nguyên?

    ***

    Hiện tại, khi bạn thực hành nhịn ăn – tịnh khẩu, bạn cảm thấy choáng váng quay cuồng

    Sau này, trong hàng ngàn năm, thậm chí không được nghe thấy từ “thức ăn và nước uống”

    Bạn sẽ làm gì lúc đó khi không có khả năng để chết?

    Lúc này, nếu ai đó gọi bạn là “con chó già”, bạn sẵn sàng rút dao

    Nhưng sẽ ra sao nếu bạn thực sự tái sinh vào thân xác của một con chó?

    Ngay bây giờ, chỉ cần trốn tránh kẻ thù là đủ

    Nhưng bạn sẽ làm gì nếu bạn tái sinh vào cõi giới của các chiến thần atula?

    Hiện tại, bạn cảm thấy thất vọng khi bị mất thể diện chút ít

    Tuy nhiên nỗi đau khổ tuyệt vọng của chư thiên bại trận là không thể tưởng tượng hình dung.

    ***

    Nỗi thống khổ trong ba cõi thấp là quá sức chịu đựng

    Những khoái lạc của chư thiên và loài người chỉ là nhất thời và thoảng qua

    Sinh, lão, bệnh, tử như những làn sóng trên mặt nước

    Biển khổ luân hồi sâu thẳm mênh mang.

    ***

    Khi đã thấy sợ chuỗi đau khổ vô cùng, không có cơ may nào để trốn thoát

    Bạn hãy tránh xa các ác hạnh như thuốc độc chết người

    Và hãy noi theo giáo lý mầu nhiệm này để mang lại lợi lạc như thuốc giải

    Nương tựa Tam Bảo, như nguồn che chở luân hồi.
  9. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Nếu bạn không hiểu những gì tôi giải thích trước đây

    Hãy xem những ví dụ này rõ ràng hơn

    Khi các vị lãnh chúa tập hợp đạo quân của họ

    Khó có thể tuyển mộ nhiều hơn ba mươi ngàn người

    Hiếm khi thấy một vương quốc chư hầu có nhiều hơn ba trăm ngàn nhân khẩu.

    ***

    Số côn trùng mùa hè trên một dốc núi

    Vượt xa số người trong lãnh địa của một ông vua vĩ đại

    Số lượng kiến trong một tổ kiến còn nhiều hơn số lính của một nhà cầm quyền

    Hãy xem phải chăng thân người khó được, hãy nghĩ về ví dụ trên.

    ***

    Nghĩ về những người anh em khỏe mạnh sinh ra bởi cùng cha mẹ - có người giàu, có người nghèo, có người cơ cực

    Có người tuổi thọ ngắn, nhiều bệnh tật và tràn ngập đau khổ

    Có người hiếm khi ốm đau, tuổi thọ cao và thường vui vẻ hạnh phúc

    Mặc dù họ tương đồng nhau khi có được thân người quý giá

    Có người đầy quyền uy, còn những người kia lại bần hàn

    Người thì giầu, còn những người kia đói rách, bơ vơ

    Điều này không phải vì người này khỏe mạnh còn những người kia ốm yếu, người này thông minh còn những người kia ngu ngốc

    Mà hãy khảo sát thực tế này để biết rằng đó là kết quả của nghiệp từ các tiền kiếp.

    ***

    Mọi người đều biết là có cái chết và mọi người cần Pháp khi sắp chết

    Chúng ta tự đánh lừa bản thân bằng ý nghĩ đời còn dài

    Ngày nay tuổi thọ trung bình được cho là khoảng bốn mươi năm

    Hãy xem có bao nhiêu người đã chết

    Trong khi đang cùng độ tuổi hoặc thậm chí còn trẻ hơn bạn.

    ***

    Chúng ta nghĩ mình sẽ không chết ngay lập tức

    Tiêu tốn thời giờ để đánh bại kẻ thù, chăm sóc họ hàng thân thuộc

    Sửa soạn cho những kế hoạch bất tận và hưởng thụ khoái lạc trong ác hạnh

    Sẽ chẳng bao giờ được thỏa mãn đầy đủ, chúng ta đều bị cuốn đi bởi Tử thần

    Hãy nhận ra rằng bạn chẳng phải là ngoại lệ, và thực hành giáo Pháp chuyên cần.

    ***

    Cách thức để nảy sinh động lực thực hành và đi vào Pháp

    Và để đạt tới sự hoàn hảo trong việc thực hành giáo Pháp là suy nghĩ nghiêm túc về cái chết

    Nếu bạn không mang suy nghĩ về cái chết vào trong tâm khảm

    Quá trình thực hành giáo Pháp của bạn sẽ chỉ đi lạc đường làm phát triển huyễn ngã và cử hành các nghi lễ chỉ để nhận thù lao

    Lời khuyên sâu sắc là đưa vào trong tâm suy nghĩ về cái chết ba lần mỗi ngày.
  10. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    BÀI CA VỀ THIỀN

    Ema!

    Giờ đây đối với thiền định sẽ là giáo huấn về thực hành chính

    Có vài điều cần thấu hiểu và vài điều để rèn luyện

    Trước hết, phải hiểu được những gì cần hiểu

    Sau đó, thực hành các khóa thiền càng nhiều càng tốt về các chủ đề được truyền trao.

    ***

    Vì không ai khác có thể cứu bạn khỏi đau khổ của luân hồi

    Hãy giao phó bản thân mình nơi Tam Bảo

    Phật, Pháp, Tăng, theo kinh điển

    Guru, Hóa thần và Không hành mẫu, theo mật điển

    Tất cả cuối cùng đều được bao hàm trong Thân, Khẩu, Ý của Guru

    Giao phó bản thân bạn cho sư phụ với tất cả niềm tin chính là “quy y”.

    ***

    Bởi tất cả chúng sinh đều từng là cha mẹ bạn

    Sẽ là không đủ nếu chỉ đạt đến Phật quả cho riêng mình

    Hạt giống bồ đề chính là khát vọng vô bờ bến

    Mong giáo hóa hết thảy tới giác ngộ viên minh.

    ***

    Chư Phật và chúng sinh đều bình đẳng về lợi ích

    Bậc giải thoát đạt đến giác ngộ vẹn toàn

    Nhờ bởi thực hành sáu ba la mật với chúng sinh

    Nếu không sẽ chẳng có con đường nào đi đến bờ giác.

    ***

    Những người nghèo khổ cơ hàn là đối tượng để thực hành bố thí

    Đối tượng để trau dồi từ tâm là những chúng sinh đau buồn

    Kể cả kẻ thù gây ra các chướng ngại, hãy lấy ân báo oán

    Sẽ giúp ích con đường giác ngộ khi tu dưỡng nhẫn nhục bằng lòng

    Nhờ hiểu ra điều này sẽ phát triển khát khao mạnh mẽ

    Nguyện bằng chính sức mình cứu độ vô biên chúng hữu tình

    Đi đến Phật quả vô thượng chánh đẳng giác

    Giáo lý thâm sâu đó gọi là “phát triển Bồ Đề tâm”.

    ***

    Nếu không thực hiện sám hối, một sai lầm nhỏ có thể trở nên nguy hiểm khôn lường

    Mỗi ngày trôi qua, nó dần tăng cường và phát triển

    Giống như y áo bẩn có thể giặt sạch bằng nước

    Nếu bạn sám hối thành tâm, không có ác hạnh nào không được thanh tẩy

    Gây nên hành vi sai trái trong quá khứ cũng như nuốt chất kịch độc

    Nếu bạn cảm thấy hối hận, chúng sẽ dễ dàng được thanh lọc

    Nhưng nếu ngạo mạn cho rằng mình có thể xử lý hậu quả, sẽ rất khó để tiêu trừ ác nghiệp

    Vì vậy hãy kiên quyết không tái phạm

    Chớ nghĩ bạn có thể gieo ác nghiệp rồi sau đó chỉ cần sám hối để giải trừ

    Đức Phật dạy làm như vậy sẽ không có tác dụng thanh tẩy tâm hồn.

Chia sẻ trang này