1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

HÀNH TRÌNH HÀ NỘI - MÙ CANG CHẢI - SAPA – MỘC CHÂU – HÀ NỘI

Chủ đề trong 'Hồi ức về các chuyến đi' bởi Chothuehoitruong25t2, 13/03/2017.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Chothuehoitruong25t2

    Chothuehoitruong25t2 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/03/2017
    Bài viết:
    10
    Đã được thích:
    1
    Kể tiếp chuyện về hành trình thứ hai trong tháng 9 của mình, một hành trình dạt dào trải nghiệm và những bài học.



    Ngày thứ nhất.



    Chuyến đi này có cả Ngọc và bạn Ngọc (Tuấn) đi cùng, anh xế mình (anh Khánh) và anh chị họ của anh ấy (anh Chiến, chị Hiệp mình quen gọi là anh chị Kiếm Hiệp) – những người bạn đồng hành mình đã kịp quen thân. Đoàn lần này đi xa hơn, mình những tưởng sẽ ít xe hơn nhưng lên tới 20 xe cả thảy. Do còn chờ 2 bạn đi thi về muộn nên 10.30 sáng thứ 6 đoàn mình mới xuất phát chạy theo đường Sơn Tây lên Phú Thọ, qua Tú Lệ chụp choẹt rồi lên thẳng Nghĩa Lộ khi trời đã tối. Lúc qua Tú Lệ mình ko biết là cốm ở đấy ngon dã man con ngan thế (tối hôm sau có bạn cho ăn ké mới biết) nên thấy đắt là ko mua, giờ nghĩ lại vẫn tiếc mãi. Ngoài ra, ở Tú Lệ có tập tục nam nữ già trẻ tắm chung một bể, cũng thích hóng nhưng chả biết họ tắm lúc nào ở đâu còn món xôi ngũ sắc của đồng bào thì lúc lên Sapa mình có mua được, hương vị xôi nếp cẩm thơm lắm nhưng mình cảm nhận là xôi gấc với xôi vàng (ngâm nước nghệ) thơm hơn, bị thiếu 2 màu nữa, lần sau sẽ cố tìm ăn cho đủ. (Chết thật, tâm hồn chỉ nghĩ đến ăn :3).



    Tối ấy, cả đoàn dựng lều bên dòng suối, các chị em vào tắm nhờ nhà một gia đình tốt bụng và ai muốn ngủ trong nhà thì ngủ, còn lại ngủ lều. Các anh em tắm suối. Nước suối mát lắm, dễ chịu cực kì. Cả đoàn tụ tập ăn uống tại đó, mình ngứa nghề lại bày trò chơi, quen thêm bao nhiêu người. Thật may là cả Ngọc và mình đã đỡ ốm nên quẩy nhiệt tình đến khuya mới đi ngủ.


    Ngày thứ hai.



    Sáng hôm sau, thu dọn đồ đạc, chào anh chị cả đoàn lại lên đường đến trường THCS Phúc Sơn (Huyện Văn Chấn) và THCS đợi tí, đang hỏi trên facebook chưa thấy ai trả lời, à đây rồi, trường THCS Noong Khoang (bản Noong Khoang II, Xã Nghĩa Sơn), đem bánh kẹo quần áo cũ lên cho các em, nhiều bánh lắm vì mỗi xe chật vật chở theo 1 thùng cơ mà, thậm chí xe anh Huyền Thoại chở tận 3 thùng lận, sau đó vào thăm nhà một em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn rồi lên đường lên Mù Cang Chải. Lúc ở trường THCS Noong Khoang, mình móc trong túi ra 1 thỏi kẹo chia cho các em nhỏ, còn 4 cái kẹo lạc to, nghĩ bụng đưa cho mấy đứa chia nhau nhưng tận mấy lớp đứng đấy lận nên mình đưa bừa cho mấy nhóc. Có một anh trong đoàn chạy đến bảo “Em ơi, lần sau em đừng làm như thế nhé, mình cho một số em sẽ không công bằng với các em khác, không nên”. Mình lại nhận thêm một bài học quý.



    Đoàn tiếp tục rong ruổi lên Mù Cang Chải. Cảnh quan bên đường mới thật tuyệt diệu. Những mảnh ruộng bậc thang được đồng bào canh tác một cách tài tình trông mới đẹp làm sao, từng dải lúa chín vàng đều khắp từng bậc, hương lúa ngào ngạt khắp con đường, mùi rơm mới tươi mát gợi cho mình nhớ về cánh đồng quê nhà, cảm giác bình yên ào đến, thật dễ chịu. Mình gọi hương lúa là hương vị làng quê, còn phân trâu là hương vị lê thê triền núi, mình đeo khẩu trang dày thế vẫn thấy đậm mùi, sợ thật :P



    Chặng đường này thật là nhẹ nhàng và vui vẻ, mình còn phởn phơ làm thơ cơ mà.



    [​IMG]



    Trời xanh, mây trắng bồng bềnh vây quanh, bên cạnh là lúa vàng, núi xếp đều hai hàng bao quanh khung cảnh tuyệt đẹp đó, thật ấn tượng. Đi lên cao hơn, đến Mù Cang Chải mình hơi ngỡ ngàng vì lúa bị gặt khá nhiều rồi, trông cánh đồng như chìm dần vào nỗi buồn của núi, nơi mà những người bạn lúa đã đi xa, đi vào dạ dày người ta, thế nên để lên dây cót tinh thần cho anh em, đoàn chạy vèo lên Sapa ngắm tuyết, nhầm, ngắm cảnh đẹp tuyệt, mà công nhận đẹp thiệt, lại chạy đêm. Đêm nay đúng ngày rằm Trung thu, Sapa đang tổ chức cuộc thi rước đèn ***g vui lắm, thấy các em học sinh chia nhóm chia tổ làm những chiếc đèn ***g to ngang cái thùng xe tải nhỏ, đèn sáng lung linh những hình cậu bé dân tộc nào đó ngồi trên lưng trâu thổi sáo, con cá to, con thỏ to nốt, con **** khổng lồ, máy bay thu nhỏ,… nhiều lắm ko nhớ được hết.



    Nhiệt độ Sapa khi đó là 14 độ, lạnh khỏi bàn, mình tính toán mang quần áo đủ mặc nhưng do đánh giá chưa chuẩn nhiệt độ Sapa nên chủ quan mặc mỗi cardigan và áo gió một lớp của Ngọc, áo gió của mình ấm hơn, mình cho anh Đủ mượn, trông ông ý khoác mỗi chiếc áo sơ mi mỏng manh rõ thương. Kết quả là mình bị lạnh. Anh xế của mình còn lạnh hơn, hứng hết gió cho mình ấm mà, then I embraced him.



    Tối ấy, cả đoàn ăn cơm ngoài rồi tự do tắm rửa dạo chơi. Lúc ấy mình chỉ có một cảm xúc: Mệt! Nhưng vẫn nhiệt tình đi chơi lắm á. Mình, Ngọc và khoảng hơn chục anh chị em nữa ra nhà thờ đá đánh đàn hát hò chụp choẹt. Khổ, toàn những bài nhạc cũ mình chẳng biết lời gì hết trơn hết trọi nên chỉ ngồi ngắm mọi người hát thôi à hì hì. Một lúc sau mấy đứa về cả. Mình cố hít trọn chút không khí đặc biệt của Sapa, cái luồng gió như có sức mạnh mãnh liệt khiến ai đã trót gặp là yêu liền, yêu da diết một Sapa luôn hoài cổ mà hiện đại, một Sapa mình luôn mong trở lại, một Sapa thay đổi thật nhanh khiến mình không bao giờ ngưng cảm giác thèm được khám phá nơi này. Lúc này là hơn 2h sáng. Có hề gì cho một cuộc vui chơi ở nơi vừa xa lạ vừa thân thuộc. Giá mà được ở lại đây vài ngày, sẽ có thêm biết bao kỉ niệm về mảnh đất tinh nghịch này.



    Ngày thứ ba.



    Chuyến hành trình ba ngày hai đêm của mình vậy là sắp kết thúc rồi đó. Hôm nay là chủ nhật, cũng là mười lăm tháng 8, rằm trung thu. Năm nay, mình sẽ đón một Trung thu khác biệt hoàn toàn với Trung thu của 21 năm trước, một Trung thu vắng tiếng trống, vắng đèn ông sao (từ hồi học đại học bố ko mua cho nữa rồi), vắng cả không khí vui nhộn quanh lều trại ở nhà và không gian nhộn nhịp của phố cổ với hàng người nối đuôi nhau không dứt và việc thở cũng làm mình lao lực. Trung thu năm nay mình trên núi, ngâm mình trong cái lạnh đột ngột của Sapa, chìm đắm trong không gian đậm màu nghệ thuật của nơi này với những biệt thự thiết kế kiểu Pháp sừng sững hơn trăm năm nay đan xen những tòa nhà mới mọc mang phong cách thiết kế của toàn thế giới (mình hiểu thế quái nào được), ngoài kia, trong dòng người xen lẫn mọi ngóc ngách con đường của thành phố sương mù này Đông có, Tây có, người bản địa có, thể hiện tất cả các style của mình, từ phong cách đường phố với áo tank top kết hợp quần short cá tính bụi bặm đến váy vóc các kiểu con đà điểu xen lẫn trong màu xanh đỏ trắng đen của thời trang phượt thủ và phảng phất trang phục truyền thống của đồng bào người Dao, người H’mông,… tạo thành một bức tranh vô cùng sặc sỡ đến bỡ ngỡ vì mình chẳng nhìn ra nó giống cái gì cả. Cảm nhận vớ vẩn vậy. Hì.



    3 xe: xe mình, xe Ngọc, xe chị Hiệp dẫn nhau đi ăn sáng tại một quán phở đồng hương. Ngay khi muỗng nước lèo đầu tiên chạm lưỡi mình đã vui mừng nhận ra vị phở quê hương rồi, cảm giác gặp đồng hương nơi đất khách quê người thấy thích thú lắm, cứ như là gặp cố nhân vậy, lần sau có lên Sapa mình sẽ quay lại đấy, gặp lại những người đồng hương vui vẻ của mình.



    Chuyến hành trình dạo chơi trong hai giờ lại bắt đầu, đích đến tiếp theo là chợ Sapa, địa điểm mình đã bỏ lỡ trong chuyến du lịch Sapa trước. Chợ Sapa không giống như chợ Nhổn nhà mình tí nào. Trong khi chợ Nhổn chuyên bán các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của dân cư trong vùng thì chợ Sapa chuyên bán các sản vật dành cho đối tượng khách hàng mục tiêu là khách du lịch với phân đoạn thị trường là các sản phẩm giá tương đối rẻ, dao động trong khoảng từ 5.000-200.000đ. Các sản phẩm này không cần marketing nhiều, báo chí đã làm giúp điều đó rồi, còn chất lượng thì khỏi bàn, chẳng ai kiểm chứng cả, thật giả lẫn lộn, chắc cũng toàn hàng Tàu. Không có đối thủ cạnh tranh. Hay đấy! Có lẽ đó là một phần lý do giải thích tại sao nơi này ngày càng sầm uất và phát triển đến vậy. Sản phẩm bày bán trong chợ không đa dạng lắm, chia là 3 loại sản phẩm chủ yếu. Thứ nhất là thuốc và đặc sản miền núi và non-miền núi, chẳng hiều miền gì, chắc miền núi Trung Quốc. Đại diện cho nhóm này gồm có lá tắm người Dao, hạt dẻ rừng, hạt mắc ca và quả óc chó. Mình có tìm hiểu khá nhiều về hạt mắc ca, được biết loại cây này đang được nhân rộng quy mô trồng ở Tây Nguyên và Tây Bắc, cụ thể là Sơn La và Điện Biên, không thấy có tài liệu nào ghi là loại hạt này được trồng rộng rãi ở Lào Cai cả, thế mà sạp nào cũng thấy bán, chắc trồng dưới lòng đất, báo chí chưa kịp tiếp cận. Trong khi đó, ở nước Tàu Của hàng xóm, loại hạt này đang được xuất khẩu ồ ạt với giá rẻ mạt chỉ bằng một nửa, một phần tư giá nhập khẩu ở các nước còn lại. Nghi ngờ lắm! Nên không mua đâu. Dung rất tỉnh và xinh gái nhá! Ấy thế mà vẫn bị mấy chị bán hàng ở chợ Sapa lừa. Thấy quảng cáo vòng bạc giá rẻ mạt tin ngay, cứ đinh ninh là bạc pha về nhà mà đen vẫn làm trắng lại được chứ, ai dè chúng được làm bằng Niken. Đắng lòng! Đã tỉnh táo hỏi xin số điện thoại, tên sạp, bà ý ko cho mà chẳng nghi ngờ gì, hốt ngay cái vòng, đeo được 2 ngày đen xừ nó rồi. Thôi đành rút kinh nghiệm lần sau đi mua đồ trang sức tránh xa mấy cái chợ ra. Đó cũng là đại diện điển hình cho nhóm sản phẩm thứ hai được bày bán trong chợ, gồm các món đồ chị em bồ kết nhất đó là quần áo váy vóc mang màu sắc và phong cách dân tộc pha lẫn hiện đại (thay vì được dệt bằng khung cửi theo cách truyền thống với loại vải truyền thống, các nhà cung cấp Trung Quốc đã giúp bà con bớt nhọc bằng cách in họa tiết lên vải thun và các loại vải giá rẻ khác, thế là xong, chi phí giảm, giá thành giảm, lợi nhuận gấp ba, quá ổn cho công việc buôn bán của bà con ở ngắn và trung hạn nhưng sẽ gây hậu quả nặng nề ở dài hạn. Nhìn vào cái trước mắt thì chỉ sống được trước mắt. Ngoài ra, nhóm sản phẩm này còn bao gồm đồ trang sức, túi xách, ba lô, dụng cụ leo núi, đồ dùng phượt thủ, túi ngủ,… Mấy thứ đồ dùng một lần này có vẻ tiện nhưng tỷ suất sử dụng/giá thành thì nhỏ quá! Nhóm sản phẩm thứ ba là cuốc thuổng gậy gộc à nhầm dụng cụ nông nghiệp, được bày bán ít hơn 2 nhóm kia và mình cũng chẳng quan tâm lắm.



    Lang thang trong chợ một lúc nữa thì cả nhóm đi về homestay thu dọn đồ đạc chuẩn bị lên đường ngược về xuôi. Nơi ấy không có những ngọn núi trồng được ngô, lúa mà thay vào đó là những ngọn núi thẳng đứng vuông vức trồng người, nơi ấy không có mùi thơm tươi mát của cỏ cây, chỉ có mùi nước hoa nồng nặc, nơi ấy không dùng để thư giãn hay hành xác mà đã làm cho mình tan tác, xơ xác với biết bao áp lực, công việc, học tập bộn bề. Nhưng nơi ấy là sự bắt đầu cho mảnh đất du lịch ngọt ngào này. Về thôi. Dài dòng quá. Cả đoàn lại rong ruổi đi, lại đi lạii đi trời xanh thêm. Quang cảnh nơi đèo Ô Quy Hồ đẹp thật đấy, vừa hoang sơ vừa hùng vĩ, nhiều đoạn còn lung linh huyền ảo nữa chứ. Ngày xưa mình thấy hinh ảnh “súng ngửi trời” trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, chỉ tưởng tượng thôi đã thấy thích thú lắm rồi ấy vậy mà ngày nay mình được chính mắt thấy “núi ngửi trời” (chắc trời thơm lắm nên núi mới ngửi nhỉ? Chết chết! Lại ném đá vào nghệ thuật rồi, cô giáo dạy văn mình đọc được chắc tính bỏ nghề mất). Theo mình cảm nhận thì khung cảnh đèo Ô Quy Hồ đẹp hơn đoạn đèo Khau Phạ. Cũng phải thôi, đoạn đèo dài 50km với địa hình hiểm trở, núi mây ngút ngàn, độ cao lên đến 2000m so với mặt nước biển, lại còn kéo thêm những khúc cua bất tận như thế làm sao có thể không hấp dẫn và thú vị chứ. Tuy nhiên nói về độ quanh co và dốc đứng của những cung đường thì Khau Phạ soán ngôi “đệ nhất sợ” rồi. Còn Ô Quy Hồ là “đệ nhất hãi” (như nhau cả thôi). Thế là hành trình này mình đã đi qua 2 đèo trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc rồi đấy. Còn 2 đèo nữa là Mã Pí Lèng và Pha Đin để dành năm sau vậy. Mã Pí Lèng đẹp lắm, đi cho hết những năm tháng tuổi trẻ. TUỔI TRẺ LÀ PHẢI ĐIÊN!!! (nhưng có chừng mực thôi, vào Trâu Quỳ nhạt lắm!)



    Những chiếc xe từ bốn phương trời đã hội tụ ở nơi rừng núi này chắc tay phanh tay số nối đuôi nhau về Sơn La. Chuyến đi có lẽ sẽ còn là những niềm vui nối tiếp dài nếu như chuyến hành trình về có quá nhiều điều không may xảy đến với đoàn. Liên tục có xe thủng xăm, hỏng lốp, 6 xe bị xòe, 5 xe bị nhẹ thôi, trong đó có xe mình. May mắn làm sao trước khi đi mình có thắp hương và anh xế của mình rất nhanh trí xử lý tình huống, nên cả hai đều ổn. 5h sáng thứ hai, cả đoàn vẫn đang ở thành phố Sơn La. Đoạn đường từ Sapa về xấu quá khiến cả xế cả ôm đều căng thẳng cực độ, chỉ một sự mất tập trung nhỏ thôi, không ai lường trước được chuyện gì xảy ra cả. Bên cạnh đó, không chỉ có việc lái xe và truyền tín hiệu suốt chặng đường từ chiều tới đêm khiến xế và ôm kiệt sức mà một phần còn do lúc trước đó quẩy sung quá nên là hết hơi. Lần đầu tiên trong đời, mình bỏ qua tất cả ánh mắt mọi người xung quanh, làm những gì mình thích thú: hò hét, gào toáng lên, nhảy theo nhạc, reo hò ầm ĩ, ngay cả việc cười cũng tự nhiên hơn bình thường vậy. Đêm ấy vui lắm, mình sẽ nhớ mãi. Các xe khác còn bất ngờ đem bánh kẹo vào mừng tết Trung thu các em nhỏ trong bản nữa. Chắc các em ấy vui lắm, phần quà tuy nhỏ nhưng chất chứa biết bao tình nghĩa của những phượt thủ giàu tình yêu thương. Lúc anh Thoại đem bánh kẹo vào cho em nhỏ gần đấy mình cũng hóng hớt đi theo để quan sát nhà sàn của đồng bào. Căn nhà khoảng 35m2, bên dưới là chỗ nuôi gia súc, bên trên là phòng bếp kiêm phòng ngủ lẫn phòng khách và các loại phòng còn lại, giường 2 tầng được thiết kế để tiết kiệm diện tích, không gian ở giữa là phòng khách, bên hông nhà là bếp, tất cả không có vách ngăn nên trông rộng rãi hơn.



    Buổi tối, bố và mẹ đêu gọi cho mình, lần đầu tiên trong 1 tối bố và mẹ đều gọi thì phải. Hai cuộc trò chuyện ngọt ngào. Bố mẹ thương con gái xa nhà, chắc Trung thu nhớ nhà lắm, không biết đi chơi có vui không. Con gái thấy bố mẹ lần đầu tiên Trung thu gạt hết mọi lo toan sang một bên dành thời gian vui chơi một chút thì mừng lắm, mong bố mẹ luôn vậy, dành thêm thời gian cho bản thân mình. Bố mẹ đã hy sinh vì 2 đứa quá nhiều rồi. Mình kể cho mẹ nghe mình đang đi làm từ thiện, một chuyến đi giàu ý nghĩa và vui vẻ, cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn. Chắc bố mẹ thấy con gái đã trưởng thành, chín chắn hơn, cũng mừng.



    Viết đến đây thôi thì vừa đẹp nhỉ, mọi thứ đều đẹp nhưng hơi mĩ lệ hóa mất rồi. Lại kể lúc tờ mờ sáng ở Sơn La, có một xe bị thủng xăm nên cả đoàn dừng lại chờ vá, mỗi người chọn một ví trí để ngủ lấy sức, đúng kiểu gầm cầu ghế công viên, chỗ nào cũng ngủ được. Tài thật. Mình ngủ đoạn dưới của cây cầu trượt trẻ em cho đỡ đau lưng. Nhìn ảnh mọi người đăng lên về các kiểu ngủ trông ngộ lắm. Hôm sau mình còn ngủ dưới cống (khô ráo nhé). Chiếc xe mà mình vừa nhắc trên kia vừa vá xong thì tụi mình phát hiện ra xe mình cũng thủng rồi, do một cái đinh 2cm cắm chéo vào lốp để lại lỗ li ti trên xăm, mãi mà không phát hiện ra, chỉ còn cách chờ sáng hôm sau thay xăm thôi. Nhưng mà buổi sớm thứ hai sắp đến rồi, mấy tiếng nữa thôi, nhiều người không muốn nghỉ làm cả buổi chiều nên chạy cố, số còn lại thuê nhà nghỉ ngủ lại mấy tiếng nữa. Mình mệt đến nỗi trèo lên giường cái là ngủ không biết gì, được tiếng rưỡi anh xế gọi dậy, bảo đoàn đi trước xảy ra tai nạn, một người bị gãy xương. Trong lúc ngái ngủ mình tắt điện thoạt ngủ nướng thêm vài phút nữa. Mấy chị cùng phòng thắc mắc hỏi nhau xem ai bị ngã thế, cái tai mình dỏng lên nghe ngóng. CHẾT RỒI!!!!!!! Ngọc đi với đoàn trước mà! Ối giời, lúc ấy sao mà tỉnh nhanh thế, không biết có đến 3s không, mình bật dậy gọi cho Ngọc, gọi vài cuộc nó không bắt máy. Sự hoảng hốt chạm đến từng nơ-ron thần kinh của mình. Không biết Ngọc có bị làm sao không? Lúc nãy thấy xế nó mệt mỏi lắm rồi mà không thuyết phục được 2 đứa ở lại. Lỡ nó làm sao thì giờ nó đang ở đâu rồi? Biết nói với bố mẹ nó làm sao khi mà hai đứa không nghe lời đưa nhau đi trốn? Mà nếu may mắn không làm sao chắc con bé giờ còn sợ hãi ám ảnh nhiều lắm, không biết tinh thần nó giờ thế nào? Bao nhiêu câu hỏi chạy loạn xạ trong đầu mình. Mình ôm đồ phi ra ngoài tìm anh xế của mình. Là anh Chiến không may tông vào con chó, chị Hiệp bị gãy xương bả vai. Nghe tin xong khuôn mặt mình còn thất kinh hơn trước, kiểu như sét đánh ngang tai ấy. Mình hỏi dồn dập thông tin về hai anh chị, rồi cũng thấy đỡ lo hơn một chút xíu, vẫn còn lo lắm, không biết anh chị về đến Hà Nội chưa, đường xóc thế này ngồi ô tô chắc chị đau lắm. Lo mà không dám gọi, để cho anh Chiến toàn tâm trí lo cho chị.



    Từ lúc ấy, đoàn mình đi từ tốn hẳn, đổ đèo chỉ 40km/h thôi, lúc sau nhanh lắm chỉ 60km/h, hết rồi giải “Bát hương vàng mở rộng” với vận tốc “bàn thờ” 80, 90 tử thần. Ngay khi đoàn mình gặp đoàn trước (dừng lại ngủ sau tai nạn của chị Hiệp), mình quên hết tất cả chạy đến chỗ Ngọc, vẫn những suy nghĩ lúc trước đeo đẳng, mình lo cho nó lắm, chạy đến ôm lấy nó. Con bé đang ngủ lồm cồm bò dậy tưởng thuật chi tiết sự việc rồi tỉnh xừ luôn. Mấy anh chị em buôn chuyện khoảng một tiếng thì cả đoàn tiếp tục chạy từ tốn về Hà Nội.



    Đoạn này mình thực sự không muốn viết, giờ viết xong thấy đầu óc lại căng thẳng như lúc ấy rồi, nên dừng lại ở đây thôi.



    Một chuyến hành trình dài với 1200km đầy trải nghiệm và kỉ niệm, với biết bao cung bậc cảm xúc: phần khích, vui vẻ, hào hứng, đan xen sợ hãi, hoảng loạn,…



    Có cái sau này kể với con cháu:



    TUỔI TRẺ CỦA TUI ĐÃ ĐIÊN NHƯ THẾ NÀO?



    còn nữa...(những cảm nghĩ của anh XẾ trên cả chuyến đi )
  2. tuncheese

    tuncheese Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    27/03/2014
    Bài viết:
    221
    Đã được thích:
    3
    hay quá, trải nghiệm đáng nhớ trên tuyến đường hạnh phúc
  3. haiphong2234

    haiphong2234 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2017
    Bài viết:
    60
    Đã được thích:
    0
    Bài viết rất hay , thanks chủ thớt đã chia sẻ

Chia sẻ trang này