1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Sự Hợp Nhất Giữa Đại Ấn và Đại Toàn Thiện

Chủ đề trong 'Yoga - Khí công - Nhân điện - Thiền' bởi Prahevajra, 05/09/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Không có định kiến, nhìn tự nhiên vào bản chất của bất cứ thứ gì xuất hiện

    Người nhìn và cái được nhìn sẽ hòa lẫn vào làm một

    Mà không có khái niệm nào về “nhìn” và “thiền”.

    Thực hành “nhìn” một cách tự nhiên nghĩa là duy trì trong trạng thái tự nhiên. Khởi đầu, dường như có “người thiền” và cái gì đó “được thiền”, nhưng nhờ quá trình thực hành tiến bộ, người nhìn và cái được nhìn hòa lẫn làm một, như đoạn trích của Lingie Repa ở trên.

    Các giáo lý của Đại Toàn Thiện nói về điều này như là “thì thứ tư của đại bình đẳng.” Thứ mà chúng ta gọi là thời gian chỉ là một sự chế tác của tinh thần. Để vượt qua sự chế tạo tinh thần về ba thì quá khứ, hiện tại và tương lai thì phải nhờ trung gian của thì thứ tư của đại bình đẳng.

    Như một người bình thường thoát khỏi các tư tưởng về điều này điều kia,

    Sẽ có thời điểm khi mọi thứ duy trì bình thường

    Tất cả các mục tiêu và hành động cùng với mọi thứ khác đều tiêu biến

    Bạn sẽ thoát khỏi các kinh nghiệm trước đó về hỷ lạc, sáng tỏ, vô niệm.

    Người học chưa đến nơi sẽ nghĩ “Công phu thiền của mình mất rồi!”

    Cố gắng để quay lại trạng thái cũ mà không được, và bạn thất vọng.

    Nếu là người tự tin thái quá, bạn có thể nghĩ mình đã đạt tới “cảnh giới không thiền.”

    Nhưng thật ra, đây chỉ đơn giản là “nhìn vào bản chất.”

    Đó là việc nhận ra tâm trí trần trụi bình thường.

    Đại Ấn nền tảng không bị thoái hóa bởi sự mông muội của chúng sinh và cũng hoàn toàn chẳng hề được cải thiện nhờ đạt tới giác ngộ. Nó không thể được trau dồi hoặc chế tạo ra bằng bất cứ phương tiện nào, không thể là một đối tượng của tư duy như một điểm tham chiếu chẳng hạn. Nó không bao giờ có chút thay đổi nhỏ nhặt nào. Sau quá trình thực hành đầy đủ, bạn sẽ trở nên giống như một người bình thường. Bạn sẽ cảm thấy như một người bình thường mà không có bất cứ suy nghĩ cụ thể nào về điều này điều kia. Bạn sẽ không cảm thấy như trước, khi có nhiều kinh nghiệm đặc biệt xảy ra như vô niệm, sung sướng, bình lặng, hoặc sáng tỏ. Lúc đó bạn nghĩ rằng “Chắc hẳn mình đang có những nhận thức siêu việt.” Tất cả những kinh nghiệm này sẽ tan biến, nhưng đối với người chưa được học đầy đủ có thể sẽ nghĩ: “Ôi không! Công phu thiền của mình mất rồi. Chẳng có gì xảy ra nữa. Giờ mình chỉ như một người bình thường.”

    Tới giai đoạn này, vì mọi trạng thái và kinh nghiệm thiền trước đây đã biến mất, bạn sẽ có cảm cảm giác mất mát và cố gắng nhào nặn lại những kinh nghiệm đó. Nếu chúng không xuất hiện trở lại, bạn sẽ chán nản và thất vọng, cho rằng “Mọi thứ không còn nữa!” Đây là hậu quả của việc học chưa đến nơi. Ở một trường hợp khác, có người do được học nhiều hơn, cộng thêm tính tự mãn có thể nghĩ rằng, “Mình đã chứng đạt pháp thân của cảnh giới không thiền!” Tuy nhiên thực tế, đó chưa phải là cảnh không thiền, mà chỉ là trạng thái nhìn vào bản chất đúng như thật mà không bị méo mó, cải biến hoặc chỉnh sửa. Nó chỉ đơn giản là “nhìn vào bản chất của tâm trí”, chưa trọn vẹn đạt đến cảnh không thiền, mà chỉ là nhận ra tâm bình thường. Đây chỉ là bước đầu của việc nhận ra bản thể của tâm. Bạn sẽ còn phải hoàn thiện thực hành thêm nữa và đạt tới độ vững chắc ổn định. Bạn cần phải tiếp tục duy trì trạng thái “nhận ra.”
  2. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Quan niệm rằng mọi thứ là biểu hiện của chính tâm trí bạn,

    Tâm trí đó là tính không, nằm ngoài các biểu hiện, suy nghĩ, hoặc mô tả.

    Mặc dù chẳng có gì phải làm ngoài việc nghỉ ngơi tự nhiên trong trạng thái không tạo tác,

    Đôi khi bạn vẫn trở nên xao lãng,

    Bạn quên không nhận ra bản tính của mình và rơi vào tình trạng tạp loạn thông thường.

    Nhận ra tình trạng đó, thông qua sự chú tâm và hối hận, suy nghĩ: “Mình vừa xao lãng!”

    Chừng nào bạn không duy trì sự tỉnh biết, bạn vẫn là một người bình thường.

    Tuy vậy chỉ bằng cách giữ vững sự tỉnh biết, bạn sẽ quay trở lại việc thực hành.

    Lúc này, hãy nhắc nhở bản thân thông qua sự tỉnh biết.

    Cho rằng mọi kinh nghiệm của bạn chính là tâm trí của bạn, và tâm trí đó là tính không vượt ngoài mọi tư duy và diễn đạt. Ngoài việc nghỉ ngơi tự nhiên trong thiền, chẳng có việc gì khác cần làm. Tuy nhiên thỉnh thoảng bạn vẫn trở nên xao lãng, quên không nhìn vào bản tính của mình, và bị cuốn theo tâm trí xao động bình thường. Hãy tỉnh táo và nhận ra bạn vừa bị xao lãng. Khi bạn quên không duy trì sự tỉnh biết, bạn chỉ là một người bình thường. “Người bình thường” ở đây nghĩa là một người với sự xao động thông thường, chứ không phải là một người có tâm trí phàm tục như thường.

    Sự tỉnh biết làm nên khác biệt chủ chốt. Chỉ đơn giản bằng cách giữ vững sự tỉnh biết, công phu thực hành sẽ quay trở lại. Gợi nhớ bản thân bạn, lặp đi lặp lại thông qua sự hiện diện của tâm trí đó. Điều này là tối quan trọng! Karmapa đời thứ ba, Rangjung Dorje lưu ý rằng: “Nhận ra bản tính của tâm chẳng đáng ngạc nhiên, chẳng phải điều gì đặc biệt lắm. Điều quan trọng là không ngừng duy trì nó.”

    Sau khi nhận ra cái thấy của Đại Ấn, trạng thái tự nhiên bất khả phân giữa tâm tỉnh biết và tính rỗng rang, bạn nhất định phải tăng cường nhận thức về vấn đề này: đạt được cái thấy ổn định bền vững thông qua thực hành.

    Theo Đại Ấn, cái thấy của hành giả được tăng cường thông qua tu luyện Sáu Yoga; còn theo Đại Toàn Thiện là thông qua thực hành Tõgal. Hành giả cũng có thể đến những nơi khủng khiếp như các hầm mộ để thực hành Chõ, dâng cúng thân thể mình cho các loài ma quỷ. Chõ được biết đến là cách cải thiện đáng kể cái thấy cùng với công phu thiền định của hành giả.
  3. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Bằng cách giữ vững cái nhìn lặp đi lặp lại, sự sáng tỏ sẽ tăng trưởng.

    Thỉnh thoảng tu luyện chuyên nhất trong cô tịch,

    Đôi khi đưa thực hành vào cuộc sống hàng ngày.

    Lúc này, khi bạn đọc các kinh văn

    Và tất cả các giáo lý của các vị thành tựu của Ấn Độ và Tây Tạng,

    Họ sẽ dung hòa với tâm trí của bạn.

    Thỉnh thoảng, bằng cách thay đổi cái nhìn và chuyển đổi tư thế thân thể, người ta có thể cải thiện việc thực hành. Nếu cảm thấy hôn trầm, bạn nên nâng cái nhìn lên cao và nhìn lên bầu trời. Sự sáng tỏ sẽ được tăng cường. Vào lúc khác, nếu cảm thấy tán loạn, hãy hạ thấp cái nhìn. Vào mọi lúc, hãy đưa thực hành vào các hoạt động thường ngày. Trong lúc ăn, nói chuyện hoặc đi bộ, hãy vẫn duy trì thực hành. Khi nằm nghỉ, cố gắng tối đa giữ sự tỉnh biết, kể cả khi đang buồn ngủ. Đôi khi, thực hành trong hoàn cảnh tách biệt là rất quan trọng, nơi thân được riêng tư, khẩu được im lặng, còn ý thoát khỏi các mối bận tâm thế tục. Việc thực hành nhất định sẽ tiến bộ trong những điều kiện như vậy.

    Khi đã đạt được mức độ vững chắc nào đó trong tu luyện, bạn sẽ phát hiện những điều phù hợp với tâm trí mình trong tất cả các kinh văn đọc được, trong tất cả các giáo lý khác nhau của các vị thầy thành tựu từ Ấn Độ và Tây Tạng. Chúng đều có ích theo cách nào đó. Các giáo lý đều nói về bản thể tự nhiên của tâm hoặc làm thế nào để hoàn thiện việc rèn luyện cái thấy. Tất cả dường như đều thích đáng và đầy ý nghĩa.

    Nếu bạn thực sự chuyên cần chăm chỉ, bạn sẽ liên tục nhận ra các giấc mơ của mình.

    Nếu bạn chểnh mảng, số lần nhận ra sẽ ít hơn.

    Nỗ lực cố gắng là rất quan trọng, nhưng không phải theo cách cứng nhắc. Sự chăm chỉ phải như dòng chảy đều đều của một con sông. Hành giả không nên đôi khi ép mình vào thực hành khắc nghiệt, rồi lúc khác lại từ bỏ tất cả. Sự chuyên cần có nghĩa là không gián đoạn và đều đặn.

    Nói về Đại Ấn, đức Karmapa và các bậc thầy vĩ đại khác cho biết: “Suốt cả ngày, tôi không bao giờ xao lãng khỏi cái thấy. Ngay cả sau khi buồn ngủ, trong lúc mà đối với người thường được gọi là “thói quen điển hình của giấc mơ”, tôi cũng không bao giờ để lạc mất cái thấy. Tôi có thể duy trì thực hành liên tục, mặc dù lúc buồn ngủ có một khoảng thời gian ngắn tương đối khó khăn.” Do vậy, người ta có thể giữ vững việc thực hành không gián đoạn.
  4. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Làm được như vậy, cả thế giới bên ngoài và chúng sinh của nó,

    Cho dù biểu hiện bề ngoài của chúng là riêng biệt và rõ ràng,

    Trong bản thể, như băng tan chảy và trở thành nước,

    Chúng sẽ hòa lẫn không tách biệt với tính không và tâm trí.

    Nếu bạn thiền, chúng là tâm trí và nếu bạn không thiền, chúng vẫn là tâm trí.

    Sau đó bạn sẽ nhận ra tâm trí là trống rỗng, chẳng tồn tại ở dạng vật chất từ khởi nguyên

    Đây là điểm trọng yếu của tính không nguyên thủy, vốn vô phân biệt,

    Ví như thiền hoặc không thiền, xao lãng hay không xao lãng.

    Ở đây, dù bạn có thiền hay không, mọi thứ chỉ là tâm trí. “Tâm trí” ở đây ám chỉ cái được gọi là rigpa, tính giác bất nhị. Bạn sẽ nhận ra tâm trí là trống rỗng, không có biểu hiện vật chất từ thuở ban sơ, vốn là điều tối quan trọng của tính không nguyên thủy. Nó hoàn toàn thoát khỏi mọi sự phân biệt như thiền hoặc không thiền, xao lãng hay không xao lãng. Mọi thứ chỉ là tính giác.

    Tâm trí của toàn thể chư Phật và tâm trí của lục đạo chúng sinh,

    Từ khởi thủy vốn rỗng rang, chẳng phân biệt trong bản thể,

    Cái thấy này, ý nghĩa của sự bất khả phân giữa luân hồi và niết bàn,

    Chẳng phải cái biết khô khan từ sách vở hoặc lời giảng từ các bậc thầy,

    Sẽ ló rạng bên trong bạn.

    Khi điều này xảy ra, đừng tự tâng bốc bản thân

    Chỉ bởi vì nhận danh hiệu “người chứng ngộ.”

    Tâm trí của toàn thể thập phương chư Phật, chư Bồ tát, và chúng sinh sáu cõi thuở ban sơ vốn trống rỗng và đồng nhất trong bản thể. Xin nhắc lại, “tâm trí”ở đây ám chỉ tính biết, tính giác bản nguyên.

    Chẳng giống cái biết khô khan có được từ nghiên cứu sách vở hoặc nghe giảng từ các vị thầy, cái thấy này, sự bất khả phân giữa luân hồi và niết bàn, sẽ ló rạng trong bạn. Bạn sẽ sở đắc kinh nghiệm và hiểu biết thực thụ, chẳng phải lý thuyết vay mượn. “Lý thuyết” như miếng vá; sau khi mặc một lúc nó sẽ rơi.

    Mới đầu, sau khi có được cái hiểu kiến thức, người ta có một chút nhận thức về điều được dạy để đưa vào thực hành. Ở đây, “lĩnh hội trọn vẹn ý nghĩa” được chúng tôi gọi là kinh nghiệm. Người ta sau đó sẽ không chỉ có một khái niệm về những điều được dạy là gì, mà sẽ thực sự có được kinh nghiệm từ bên trong.

    Đại Ấn bao gồm cả con đường của các phương tiện - sáu yoga của Naropa, và con đường của giải thoát - bản thân cái thấy. Ở đây chúng ta đang nói về cái thấy.

    Đại Toàn Thiện cũng có hai khía cạnh: Trekcho hoặc cắt đứt, và Togal hoặc vượt qua. Tại đây chúng tôi đang dạy về cái thấy Trekcho của trạng thái thanh tịnh ban sơ.

    Người ta trước tiên cần được giới thiệu vào cái thấy. Sau khi nhận ra nó nhờ được hướng dẫn truyền khẩu trực tiếp từ vị thầy, người ta cần kéo dài nó liên tục, để duy trì bản thể tự nhiên. Nếu chỉ đơn giản nhận ra cái thấy một lần thì chưa đủ. Người ta phải duy trì sự nhận biết đó không ngừng mà không được sa vào bất cứ sai lầm nào, hoặc những tình trạng tương tự, như đã được đề cập trong văn bản này. Những ngã rẽ sai lầm có thể khiến người ta lạc vào những cõi cao hơn trong luân hồi, như Sắc giới và bốn cõi tri giác vô hạn của Vô Sắc giới. Do đó, người ta phải cảnh giác tránh mắc phải các sai lầm này. Quá chú trọng vào thiền định cũng có thể khiến người ta rơi vào trạng thái “tịnh chỉ của Thanh Văn.”

    Khi duy trì cái thấy, nó không được có bất kỳ định kiến nào, chẳng tầm hoặc tứ, và chẳng hành thiền nhào nặn hoặc tạo dựng bất cứ cái gì. Trở nên thông thạo trong thực hành này, người ta đôi khi có thể được gọi là “thiền giả cao cấp” hoặc “người chứng ngộ.”
  5. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Tôi đang tiết lộ với các bạn những điều này từ chính kinh nghiệm của tôi, với một mục đích trong sáng.

    Nếu tôi có tiết lộ bất cứ bí mật nào, tôi xin nhận tội với bản tôn và các vị thầy của mình.

    Kinh nghiệm và sự học của tôi không tiến xa hơn những điều này.

    Vì vậy nếu bạn muốn học nó, hãy xem tất cả kinh điển.

    Văn bản này chứa đựng nhiều giáo lý vốn thường được giữ bí mật. Các vị hộ pháp, như Mahakala và Mahakali vân vân, thường bảo vệ những giáo lý này. Trước các vị này và trước các vị thầy của ông, Karma Chagmey nhận lỗi về mình nếu bất cứ bí mật nào bị tiết lộ sai trái.

    Giáo lý Kim cương thừa thường được giấu kín trong sáu giới hạnbốn phương thức *. Vì đã làm sáng tỏ và “phơi bày tới cốt lõi” một số giáo lý bị che giấu này, nếu chúng lọt vào tai một người không xứng đáng, Karma Chagmey nói rằng: “Tôi rất xin lỗi!”

    Tinh túy của hết thảy vô vàn các giáo lý thuộc chín thừa, bản lai, sự hợp nhất giữa Đại Ấn và Đại Toàn Thiện, được giải thích rất ngắn gọn súc tích và rõ ràng ở đây. Nếu ai đó còn muốn các giáo lý chi tiết và dài dòng hơn nữa, người đó nên nghiên cứu nhiều kinh văn khác.

    *(Sáu kiểu giới hạn trong việc giải thích chi tiết giáo lý: ý nghĩa phù hợp, định nghĩa, nói bóng gió, không nói bóng gió, giải thích theo nghĩa đen, và giải thích nhiều hơn nghĩa đen.

    Bốn phương thức làm sáng tỏ: nghĩa đen, giải thích chung, ý nghĩa ẩn giấu, giải thích tận cùng.) (Người dịch bổ sung)

    Về cái gọi là “ niêm phong” bằng phương tiện của hồi hướng với “ba thanh tịnh”

    Trong tất cả các công đức có điều kiện và vô điều kiện –

    Như ví dụ về việc điều khiển ngựa bằng dây cương,

    Có nhiều cách giải thích ba thanh tịnh này,

    Tuy nhiên sẽ là đủ khi hồi hướng công đức từ trong trạng thái của thực hành này.

    Khi kết thúc một thời khóa thực hành, chúng ta nên “niêm phong” thực hành bằng việc hồi hướng công đức với ba thanh tịnh. Ba thanh tịnh có nghĩa là hồi hướng công đức mà không dính mắc vào ý tưởng về ba khía cạnh: chủ thể, đối tượng và hành động. Công đức có điều kiện là thực hành không đi kèm ba thanh tịnh, công đức vô điều kiện là thực hành đi kèm ba thanh tịnh. Phương pháp hồi hướng công đức này là cách để kéo dài mọi công đức ra vô hạn. Giống như khi điều khiển ngựa bằng dây cương: kéo cương về phía nam, con ngựa sẽ đi về hướng nam, kéo về phía bắc, con ngựa sẽ quay về hướng bắc. Công đức có thể được dẫn lối giống như vậy, do đó, hồi hướng là việc quan trọng. Mặc dù ba thanh tịnh này có thể được diễn giải theo nhiều cách, chỉ đơn giản hồi hướng công đức từ trong trạng thái của thực hành này là đủ. Khi đang duy trì tình trạng bất khả phân giữa từ bi và tính không, hãy hồi hướng công đức bằng cách giữ vững trạng thái đó mà không có khái niệm về ba thanh tịnh. Vậy là đủ.
    Lần cập nhật cuối: 30/05/2017
  6. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Hãy nuôi ước vọng được vãng sinh Tịnh Độ,

    Vì thật dễ dàng để được tái sinh vào đó và có vô số lợi ích.

    Vứt bỏ hết mọi nghi ngờ rằng bạn có thể tái sinh vào đó hay không,

    Vì điều chắc chắn là được tái sinh vào đó chính là khát vọng của chư Phật.

    Chúng ta nghe rất nhiều về các cõi tịnh như Sukhavati, cõi cực lạc của Phật A Di Đà, nhưng thực tế, thuật ngữ cõi tịnh ám chỉ kinh nghiệm của hành giả khi nó trở nên thanh tịnh. Khi tri giác của bạn thanh tịnh, thì ngay bản thân nó đã là một cõi tịnh độ. Khi nhận ra thực tại tối hậu như thị (như nó là), sẽ chẳng có Sukhavati nào ngoài chính điều đó. Tuy vậy, theo nghĩa tương đối, nhờ nguyện lực và bi tâm của chư Phật, chắc chắn những cõi tịnh độ có tồn tại và là nguồn khích lệ lớn để thực hành. Núi Màu Đồng, cõi tịnh độ của Guru Rinpoche và Cõi Cực Lạc Sukhavati là những ví dụ. Hành giả có thể ước nguyện tái sinh vào một trong những cõi đó. Nếu bạn chưa tu chứng cái thấy cao cấp, nhưng gây dựng rất nhiều công đức thì bạn có thể tái sinh vào một cõi tịnh độ. Sau khi chết, nhờ một lòng thành tâm và từ ái, bạn có thể tái sinh vào một nơi như vậy theo ước nguyện của mình.

    Theo tâm nguyện của Phật A Di Đà, sẽ dễ dàng để được tái sinh vào Sukhavati. Tại đó, người ta sẽ ở lại trong sự hiện diện của Phật A Di Đà và các vị Bồ tát. Do được nhận giáo lý Đại thừa và thông qua thực hành, người ta sẽ mau chóng tiến bộ trên năm con đường và mười địa, và cuối cùng sẽ trở nên bất khả phân với trạng thái giác ngộ của chính Phật Ai Di Đà. Ngoài chuyện dễ dàng được tái sinh vào đó, nó còn có vô vàn lợi ích: người ta không thể sa vào các cõi luân hồi một lần nữa. Bằng lòng sùng kính sâu sắc và nhất tâm hướng tới mục tiêu, như một mũi tên bắn ra từ dây cung, người ta thực sự có thể đi tới một cõi tịnh độ vào lúc chết. Vì lý do này, bạn nên không ngừng nuôi khát vọng được vãng sịnh vào một cõi tịnh độ.

    Vào lúc hấp hối, bạn phải vứt bỏ hết mọi nghi ngờ về việc liệu bạn có được vãng sinh Cực Lạc hay không, việc tái sinh vào đó hoàn toàn tùy thuộc niềm tin, khát vọng và công đức của bạn.

    Khi bạn nhận ra mình đang lang thang trong trạng thái trung gian,

    Điều chắc chắn là bạn sẽ đi tới cõi tịnh độ.

    Muốn vậy, ngay vào lúc này, hãy giữ vững niềm tin đó trong tâm trí

    Và bạn sẽ tới đó ngay lúc bạn nhớ ra nó trong trạng thái trung gian.

    Khi đã sinh ra, bạn nhất định sẽ chết. Chẳng có cách nào thoát được. Sau khi chết, thần thức người ta sẽ lang thang qua trạng thái trung gian. Lúc đó, điều quan trọng sống còn là chỉ đơn giản nghỉ ngơi trong trạng thái tỉnh thức tự nhiên như đã được chỉ dẫn bởi chân sư. Nhờ đó người ta chắc chắn sẽ xuất hiện trong một cõi tịnh độ của ba thân. Để điều đó xảy ra, người ta buộc phải rất quen thuộc với thực hành này ngay trong lúc còn sống, thông qua nghỉ ngơi trong tỉnh thức tự nhiên hoặc nhờ quán tưởng rằng người ta giờ đây đang trong trạng thái trung gian và suy nghĩ: “Mình nên làm gì bây giờ?” Người ta phải chắc chắn là sẽ có khả năng nhớ lại được công phu hành trì của mình trong trạng thái trung gian. Điều này rất quan trọng.
  7. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    GIẢI ĐÁP THẮC MẮC

    HỌC VIÊN: Thưa Rinpoche, “thực hành sơ bộ” và thực hành này của Đại Ấn có mối liên hệ nào không?

    RINPOCHE: Nhìn chung, các thực hành sơ bộ được coi là quan trọng như nền tảng cơ sở cho thực hành chính, như khi xây một ngôi nhà, người ta cần bắt đầu với một nền móng vững chắc để ngôi nhà sau đó không bị sụp đổ. Giống như vậy, các thực hành sơ bộ mang lại một nền tảng kiên cố cho phần tu tập chính. Tóm lại, các thực hành sơ khởi được cho là để tạo điều kiện thuận lợi cho sự giác ngộ của hành giả.

    Người ta vẫn có thể tu tập các pháp sơ khởi cùng lúc với các thực hành chính. Khi thực hành thiền và tụng niệm mật chú của ngài Kim Cang Tát Đỏa, ví dụ vậy, người ta quán tưởng và trì tụng. Đây là giai đoạn phát sinh, nhưng ở phần kết thúc có một điểm, nếu người ta đã có cái thấy, người ta sẽ nghỉ ngơi trong tâm bản nhiên của của Đại Ấn. Người sơ cơ chưa có cái thấy về trạng thái tự nhiên thì chỉ đơn giản nghỉ ngơi trong thiền chỉ bình thường.

    Mục đích cụ thể của bốn tu tập dự bị là để thanh tẩy các che chướng, tích lũy hai tư lương, và đặc biệt thông qua guru yoga để được nhận lực gia trì nhanh chóng chứng ngộ cái thấy của Đại Ấn.

    HỌC VIÊN: Trong văn bản có một đoạn dường như phê phán các kinh nghiệm, nhưng ở đoạn khác lại nói rằng các kinh nghiệm là dấu hiệu của sự chứng ngộ. Tôi không phân biệt được hai vấn đề này. Rinpoche, thầy có thể giải thích điều này được không?

    RINPOCHE: Khác biệt cơ bản bắt nguồn từ chỗ người ta có bị cuốn vào để đeo bám, lưu luyến hoặc cố ý chỉnh sửa kinh nghiệm hay không. Đó là sai lầm, lạc lối. Nếu không bám giữ hoặc chỉnh sửa kinh nghiệm thì sẽ không có sai sót. Cụm từ “tâm bình thường” là rất quan trọng. “Bình thường” nghĩa là không làm méo mó, không sửa sai, và hoàn toàn không tạo dựng; chỉ đơn giản là để cho nó diễn ra như nó là.

    HỌC VIÊN: Rinpoche, kinh nghiệm thiền quán về việc quan sát người hành thiền khác với thiền chỉ không có điểm nương tựa như thế nào?

    RINPOCHE: Trước hết, thiền chỉ, có chỗ dựa hoặc không chỗ dựa, có hoặc không tập trung vào một đối tượng, thì vẫn là thiền chỉ. Nó vẫn là tâm trí ngưng đọng lại trên một cái gì đó, duy trì yên lặng trên một kinh nghiệm. Cho dù nó có một chỗ dựa hay không, về cơ bản nó vẫn giữ nguyên tình trạng như vậy. Thiền quán, mặt khác, là quan sát xem “Cái gì đang thiền?” Nếu chưa được truyền trao hướng dẫn trực chỉ, người ta sẽ không thể đi đến bất cứ một kết luận đáng kể nào cả. Chỉ nghĩ rằng: “Ai đang thiền?” thôi thì cũng là một tư tưởng. Tuy nhiên nó không phải là vô nghĩa, bởi vì khoảnh khắc quan sát xem “Cái gì đang thiền?” có thể được sử dụng vào việc khác. Ví dụ, chúng ta ban đầu để tâm trí ngưng đọng lại vào chủng tự HRI ở tâm luân, sau đó ta quan sát xem cái gì đang thiền. Vào lúc đó mọi thứ biến mất. Đó là cơ hội quan trọng để chỉ ra bản chất của tâm trí. Có sự khác biệt lớn giữa “quan sát” và chỉ đơn giản là “duy trì”.

    HỌC VIÊN: Khi nói về con đường Đại Ấn, thầy trích lời Milarepa rằng mặc dù Đại Ấn không có nguyên nhân, niềm tin và lòng sùng mộ mạnh mẽ là nguyên nhân để chứng ngộ Đại Ấn. Rinpoche có thể giải thích nó diễn ra như thế nào?

    RINPOCHE: Truyền thống Kagyu gọi nó là sự truyền trao qua lòng sùng mộ. Lòng sùng mộ, hoặc khao khát mãnh liệt là quan trọng vì Đại Ấn không thể được chứng ngộ thông qua nghiên cứu và học hỏi kiến thức. Bất kể siêng năng thế nào, người ta cũng không thể giác ngộ Đại Ấn nếu chỉ thông qua thiền định, hoặc chỉ đơn giản thông qua tích lũy công đức và thanh tẩy các che chướng. Vậy làm sao để giác ngộ Đại Ấn? Các bậc thầy Đại Ấn, và cụ thể là các thầy trong dòng truyền Kagyu nói rằng: “Khi lòng sùng mộ mạnh mẽ hướng tới một vị thầy mà người ta có thể tin tưởng và nương tựa trọn vẹn, sẽ có cơ hội để ngộ được Đại Ấn.” Niềm tin và lòng sùng kính vì vậy rất quan trọng.

    Nhờ lòng sùng kính mà người ta được ban phúc. “Ban phúc” trong văn bản này không có nghĩa là một vật chất cụ thể nào đó được truyền từ người này sang người khác, nhưng chúng ta vẫn phải gọi nó là một thứ gì đó. Chúng ta nói là “được ban phúc” bởi vì một sự truyền trao trí tuệ đã diễn ra. Chúng ta không được bàn giao “một thứ gì đó” từ thầy, nhưng vào thời điểm đó của lòng sùng kính, tất cả các khái niệm và cảm xúc xao động đồng thời biến mất và việc nhận ra bản chất của tâm trí sẽ rất dễ dàng. Cơ hội để giác ngộ chính là thứ được gọi là “Ban phúc.” Tuy nhiên chỉ niềm tin và lòng sùng mộ thì chưa đủ mang lại sự kiện này. Lòng bi mẫn sâu sắc cũng đem lại cơ hội tương tự như một cú sốc hoặc giật mình đột ngột. Những yếu tố bất ngờ này có thể gây nguy hiểm vì người ta có thể bị tổn thương nếu tâm trí người đó không thật sự mạnh mẽ. Với lòng sùng mộ và bi mẫn, sẽ chẳng có bất cứ nguy hiểm nào.

    HỌC VIÊN: Gần cuối bài ca này, việc nhận ra các giấc mơ được lặp đi lặp lại. Rinpoche có thể cho chúng tôi biết điều đó có nghĩa gì?

    RINPOCHE: Có nhiều kiểu ngủ khác nhau vào ban đêm. Một số người ngủ trong một tình trạng hoàn toàn ngu độn và tăm tối, chẳng có bất cứ sự chú ý nào. Một số người khác có giấc ngủ thanh nhẹ hơn. Họ kinh nghiệm nhiều dạng khác nhau của ảo cảnh, đi từ chuyện này sang chuyện khác, lặp lại kinh nghiệm lúc ban ngày. Đó chỉ là tình trạng lú lẫn, gọi là “lú lẫn gấp đôi”, bởi vì lúc tỉnh đã lú lẫn thì lúc ngủ mơ sẽ là gấp đôi. Tuy nhiên nhờ có chút vững vàng trong thực hành vào lúc thức, lúc ngủ người ta có thể đưa sự sáng tỏ vào giấc ngủ rồi sẽ ngủ trong tình trạng sáng tỏ. Điều này khó để bàn luận vì nó liên quan tới trình độ kinh nghiệm trong thực hành.

    HỌC VIÊN: Rinpoche, thầy nói rằng lòng sùng kính, bi mẫn hoặc cú sốc là ba cách để giác ngộ Đại Ấn. Thầy đã giải thích lòng sùng mộ tác động ra sao, nhưng tôi còn thắc mắc về lòng bi mẫn. Nó diễn ra thế nào và chúng tôi có thể thực hành bi tâm để khiến điều đó xảy ra?

    RINPOCHE: Giáo lý này là để dành cho người đã có một vị sự phụ đủ trình độ, chẳng phải dành cho người với chút niềm tin hoặc bi tâm. Nếu không được nhận hướng dẫn trực chỉ thì cả lòng sùng mộ lẫn bi tâm vẫn chỉ là tư tưởng. Chúng chẳng phải là cơ hội dẫn đến giác ngộ. Đối với người đã nhận được những chỉ dẫn đúng đắn, sự giác ngộ có thể diễn ra vào khoảnh khắc lòng bi mẫn phát triển mãnh liệt.

    HỌC VIÊN: Kiểu sốc nào có thể mang lại sự giác ngộ?

    RINPOCHE: Sốc điện. [Cười lớn] Thật đó! Bạn thử xem [Cười lớn] Không! Tôi đùa thôi. Địa hạt này tiềm ẩn nguy hiểm khi bước vào, và chỉ thuộc về trách nhiệm của một vị thầy đủ trình độ. Nếu chúng ta cố ý hù dọa nhau, chúng ta có thể gặp nhiều biến chứng.

    Lấy ví dụ, có nhiều câu chuyện ngày xưa về một hành giả tu luyện gian khổ trong nhiều năm, thực hiện hàng triệu lần lễ lạy và chẳng có gì đặc biệt xảy ra. Thầy của anh ta, vốn chẳng phải tầm thường, có thể biết tâm người khác, nhận thấy rằng đã tới lúc để học trò mình lên núi ở một mình. Trong lúc đó, ông cũng cử một người khác đi ngược hướng và bất ngờ nhảy ra òa một tiếng “boo”. Vị thầy cũng ở đó, và tức khắc đưa ra hướng dẫn chỉ thẳng, nói rằng: “Chính là nó! Bây giờ con đã có nó.” Nếu một người bình thường cố ý làm như vậy, điều này gọi là một con sói bắt chước bước nhảy của con sư tử. Một con sư tử có thể nhảy từ vách núi này sang vách khác, đáp an toàn sang phía bên kia với niềm tự hào và vẻ oai nghiêm. Nếu con sói bắt chước, nó chỉ có thể rơi xuống vực, tru tréo, dập lưng và chết.

    HỌC VIÊN: Thầy đã nói về các giấc mơ. Nếu ta biết rằng mình đang mơ và suy nghĩ khởi lên: “À, giờ thì mình biết là mình đang mơ, mình nên làm gì? Mình có thể làm bất cứ thứ gì.” Có điều gì cụ thể để thực hiện không?

    RINPOCHE: Trước hết, khi ta nhận ra giấc mơ, nó luôn là một ý nghĩ. Ta tưởng ra đang nhận ra giấc mơ, nhưng thực ra nó chỉ là một tư tưởng khác. Nó là một phần của giấc mơ, không phải thực sự nhận ra, hoặc tỉnh thức nhận biết trạng thái mơ. Đó chỉ là đang mơ rằng mình nhận ra giấc mơ. [Cười lớn] Thực ra, rất khó để thực sự nhận biết và có khả năng làm bất cứ điều gì người ta muốn, hoàn toàn tự do, và hầu như không thể nếu chưa được rèn luyện qua Sáu Yoga trước đó.

    HỌC VIÊN: Thầy có thể làm rõ hơn về sự khác nhau giữa thiền chỉ và thiền quán?

    RINPOCHE: Về cơ bản, thực hành thiền chỉ có nghĩa là nghỉ ngơi, hoàn toàn bình thản và yên lặng, không có bất cứ sự xao động hoặc hoạt động tư tưởng nào. Thiền quán theo nghĩa đen là “thấy rõ”, “xem xét một cách sinh động.” Trong văn bản này, nó nói về sự hiện diện của tâm tỉnh biết, hoặc tính giác, hoặc trí tuệ. Đại Ấn dạy rằng thiền quán không thể được phát triển nếu chưa có nền tảng của thiền chỉ. Đầu tiên người ta phải thực hành thiền chỉ, sau đó mới được giới thiệu vào thiền quán. Theo Đại Toàn Thiện, có nhiều cách khác nhau, nhưng thiền chỉ nhìn chung không được chú trọng nhiều.
  8. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    BÀI CA CỦA SỰ TĂNG TRƯỞNG

    Mặc dù vị thầy và tâm trí của bạn có thể là không tách rời trong bản chất

    Và “nhất vị” như tính không của pháp giới,

    Quán tưởng trên đầu bạn vị thầy như đức Phật A Di Đà,

    Biểu hiện không chướng ngại của tính giác, và khẩn cầu ngài.

    Nhờ năng lực gia trì, bạn sẽ có được sự tiến bộ trong nhận thức.

    Vì lý do này, hãy thực hành Guru Yoga hàng ngày.

    ***

    Mặc dù bạn nhận thức rằng bản tôn

    Là biểu hiện hình tướng của chính tâm trí bạn,

    Hãy quán tưởng thân bạn trong hình tướng bản tôn, Đấng Đại Từ Bi,

    Và trì tụng chú sáu âm.


    Đó là sự tương đồng giữa việc gieo trồng hạt giống của các sắc thân

    Và giáo lý Mật chú về hợp nhất giai đoạn phát sinh và thành tựu.


    Mặc dù chúng sinh lục đạo luân hồi có thể không biểu hiện rõ ràng,

    Với tấm lòng từ bi bao la

    Đối với chúng sinh thiếu hiểu biết

    Lang thang trong luân hồi,

    Hít vào theo hơi thở của bạn những ác hạnh và đau khổ của lục đạo chúng sinh

    Và hòa tan tất cả vào trong bạn.

    Nghĩ rằng tất cả hữu tình từ nay không còn đau khổ.

    ***

    Cùng với hơi thở ra của bạn

    Hãy để mọi phẩm tính và công hạnh bạn đã từng gieo trồng hòa nhập vào tất cả chúng sinh,

    Và nghĩ rằng chúng sinh được phú cho niềm hạnh phúc khôn tả

    Phương tiện không thể thiếu để đạt đến Phật quả

    Là quán tưởng “cho và nhận” này, cốt tủy của các giáo lý thậm thâm.

    Đại Ấn và Đại Toàn Thiện mỗi pháp có đặc trưng riêng về kiến, thiền, hành và đạo quả. Theo Đại Ấn, thể là bất sinh, tướng là bất tuyệt, còn sự hóa hiện là hợp nhất của cả hai. Theo Đại Toàn Thiện,bản thể là trống rỗng, trạng thái nguyên thủy là tính biết hoặc tính sáng tỏ và từ ái là hợp nhất của cả hai. Cái thấy đúng được chỉ điểm, và có thể được gọi là Đại Ấn hoặc Đại Toàn Thiện, nhưng nó thực ra là bản chất giác ngộ của người ta. Để chứng ngộ bản thể tự nhiên của tâm trí, trước hết nó phải được trực chỉ. Sau khi chứng ngộ, người ta phải được rèn luyện trên đạo lộ sao cho sự chứng ngộ đó được vững vàng ổn định. Cuối cùng, người ta đạt được mười hoặc mười ba địa.

    Cái thấy khởi đầu này có thể được đào sâu hơn hoặc mở rộng ra theo nhiều cách trong quá trình đào tạo, và ở đây chúng ta cần dựa vào những chỉ dạy truyền khẩu. Theo Đại Ấn, sáu Yoga của Naropa là cần thiết để hoàn thiện cái thấy. Sáu yoga, như yoga giấc mộng, thân huyễn, trung ấm, … được truyền thừa từ Naropa. Khi thực hành các pháp môn này, nếu chỉ luyện các bài tập yoga về khí và mạch thì chưa đủ. Phần thực hành này bắt buộc phải đi kèm với cái thấy của Đại Ấn mà hành giả đã chứng ngộ, rồi sau đó các bài luyện mới có thể được dùng để tăng cường cái thấy.

    Cái thấy của Đại Toàn Thiện được gọi là Trekcho hoặc cắt đứt, và cái cần được chỉ điểm là bản thể thanh tịnh nguyên thủy, còn được gọi là tâm tỉnh thức tự hiện diện cũng như các tên gọi khác. Pháp thiền được gọi là Togal. Văn bản này từ đầu đến cuối dạy về cái thấy Trekcho, nhưng phép thiền Togal thường được giữ bí mật. Khi chưa chứng ngộ cái thấy, chúng ta vẫn có thể áp dụng thực hành này về Quan Âm Bồ Tát với tâm từ ái và kết hợp nó với thiền chỉ và thiền quán. Cuối cùng, thông qua thực hành thiền quán, chúng ta sẽ được giới thiệu vào cái thấy của tính giác nằm ngoài mọi khái niệm.

    Một hành giả theo truyền thống thường bắt đầu với sự nghiền ngẫm về các thực hành dự bị chung bên ngoài, bốn thay đổi tâm. Theo đó, để đạt được hiệu quả tốt nhất, người ta cần thực hành các chuẩn bị đặc biệt bên trong, gồm bốn lượt một trăm ngàn lần lễ lạy, trì tụng mật chú Kim Cang Tát Đỏa, cúng dường mandala và guru yoga. Sau đó, người ta thực hành quán tưởng bản tôn để được nhận gia trì của dòng truyền cho đến lúc cái thấy của thực hành chính được chỉ điểm. Sau khi đạt đến độ ổn định và thành thạo trong thực hành cái thấy một thời gian, sẽ đến thực hành Togal.

    Bằng cách nhìn với đôi mắt khép một nửa lên những tia mặt trời

    Vào buổi sáng sớm và chiều, sẽ có sự hóa hiện

    Của cầu vồng, ánh sáng, tia sáng, các vòng tròn lớn và nhỏ, các chủng tự và hình tướng của các vị thần bản tôn.

    Nhìn, trong khi hòa nhập phần thực hành với bản thể tâm trí,

    Và bạn sẽ thấy cõi báo thân của sự hợp nhất giữa tính sáng và tính không.

    Không để cho cái thấy duy trì chỉ như một sự giả lập,

    Điểm thâm sâu của Đại Toàn Thiện có thể nhìn thấy trực tiếp.


    [Ghi chú từ văn bản gốc: Ở thời điểm đưa Togal vào thực hành, người ta cần giữ bí mật và chỉ thực hành sau khi đã được nhận quán đỉnh, truyền trao kinh văn, và hướng dẫn bằng lời nói từ một vị thầy đủ trình độ. Nếu thực hành này được giảng giải cho những người không có tín tâm ôm giữ các tà kiến, các vị hộ pháp sẽ trừng phạt. Vì vậy, hãy giữ giáo lý bí mật].

    Để đưa Togal vào thực hành, trước hết người ta phải được nhận các hướng dẫn từ một vị thầy đủ trình độ, và đã phải đạt được sự ổn định trong cái thấy của Trekcho. Người ta phải được nhận quán đỉnh, truyền thừa, và chỉ dẫn truyền khẩu liên tục. Có một lý do cho những điểm thiết yếu này. Sẽ là vô nghĩa khi áp dụng Togal nhằm làm tăng cường cái thấy của Trekcho trong khi chưa có độ vững vàng của cái thấy. Nó còn có thể nguy hiểm, trở nên hoảng sợ, khiến tâm trí mất tự chủ và rối loạn. Thông tin chi tiết của Togal cần phải được giữ gìn tránh xa những người không đủ tín tâm, và những người chưa được nhận sự trao truyền thích hợp. Vì vậy, điều quan trọng là giữ gìn giáo lý Togal một cách riêng tư và cẩn mật.
  9. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    GIẢI ĐÁP THẮC MẮC

    HỌC VIÊN: Chúng tôi đã nghe về tình yêu, từ bi và trí tuệ, mọi phẩm tính hiền hòa. Quan Thế Âm là vị bản tôn hiền hòa, nhưng tại sao lại có các vị bản tôn phẫn nộ trong Phật giáo?

    RINPOCHE: Bạn có yêu thương con mình không?

    HỌC VIÊN: Có.

    RINPOCHE: Vậy có phải bạn luôn luôn chỉ ân cần và mềm mỏng đối với chúng?

    HỌC VIÊN: Không.

    RINPOCHE: Thỉnh thoảng bạn còn làm gì?

    HỌC VIÊN: Tôi không cảm thấy tốt và thương chúng. Tôi cảm thấy kích động hoặc tức giận.

    RINPOCHE: Bạn chưa chạm tới kinh nghiệm mà tôi muốn giải thích, bởi vì con bạn còn nhỏ quá. [Cười] Khi đứa bé lớn hơn chút nữa và nghịch ngợm những trò không được phép, như không chịu mặc quần áo ấm khi trời lạnh, hoặc không chịu ăn, vân vân, một số vị phụ huynh làm mặt tức giận hoặc đánh nó một hai lần vào lúc thích hợp. Đây không phải sự kích động hoặc thù địch từ chúng ta, nếu xem xét, người ta sẽ thấy đó là vì lòng tốt. Đối với đưa trẻ, nó sẽ thấy vẻ phẫn nộ, như thể cha mẹ chúng đang tức giận. Đó không phải là sự tức giận thực sự mà người ta thể hiện đối với kẻ thù. Tỏ ra tức giận với một đứa bé, nếu có lợi cho nó, thì là vì lòng tốt và yêu thương.

    Tương tự, khi chư Phật, nhờ trí tuệ và phương tiện thiện xảo, quán xét chúng sinh, thấy một số người có thể được thuần phục nhờ yêu thương ân cần, số khác lại nhờ phẫn nộ. Vẻ thịnh nộ không phải là tức giận, mà là từ bi vô bờ, bởi vì chư Phật hiện thân trong các hình tướng khác nhau tùy nhu cầu và thiên hướng của chúng sinh. Hình tướng phẫn nộ được cho là hóa hiện từ pháp giới vì lòng từ bi, chẳng phải tức giận.

    STUDENT: Để giác ngộ tính không của chúng ta, ta đồng hóa chính mình như một nhân vật tưởng tượng ra, như một vị thần bản tôn? Truyền thống Hindu cũng có một kỹ thuật quán tưởng người ta là mọi thứ. Sự khác nhau là gì?

    RINPOCHE: Quán tưởng mình là thần bản tôn chỉ là một kỹ thuật, chẳng phải là tối thượng trong chính mục đích đó. Giờ đây, chúng ta có một thân vật thể vật chất, tuy nhiên khi chúng ta hình dung chính mình trong thân tướng của một cái gì đó không thực chất như cầu vồng, sự dính mắc đến những thứ có vẻ là thật sẽ bị loài trừ và chúng ta sẽ có được hạnh phúc lớn lao. Nếu người ta nghĩ rằng đó là quan kiến tối thượng, trở thành một vị thần bản tôn, thì điều đó là sai.

    HỌC VIÊN: Vài hôm trước Rinpoche nói rằng “Biết một giải thoát tất cả.” Tôi nghĩ thầy đang nói về các hướng dẫn của Milarepa cho Gampopa. Thầy có thể giải thích ý nghĩa của điều này?

    RINPOCHE: Câu châm ngôn truyền thống là “Biết trăm thứ nhưng thiếu một. Biết một giải thoát tất cả.” Hãy hình dung là bạn đang du lịch ở một nơi như Tây Tạng với rất nhiều dòng suối chảy qua khe núi, khoảng 100, mà bạn phải vượt qua. Bạn có thể lội qua hoặc cố gắng nhảy qua từng dòng, nhưng làm vậy thì rất khó nhọc và phiền toái. Tuy vậy, phía dưới thung lũng, mọi dòng suối đều hợp lưu và có một chiếc cầu. Đi qua chiếc cầu này sẽ giải phóng bạn khỏi rất nhiều khó nhọc. Bạn sẽ nhanh chóng qua phía bên kia, an toàn và khô ráo. Giống vậy, mặc dù có rất nhiều giáo lý, thâm diệu nhất, Đại Ấn hoặc Đại Toàn Thiện bao gồm mọi thừa khác. Nó bao hàm tất cả nên bạn không cần các giáo lý khác để thanh tẩy che chướng và xử lý các cảm xúc tiêu cực. Có khoảng năm hoặc sáu nọc độc tâm trí, thậm chí lên tới 84,000, nhưng đối với người đã chứng ngộ và biết cách làm thế nào để giữ vững được tâm tỉnh thức tự hiện diện, hoặc tâm bình thường, thì mọi thứ đã hoàn thành trọn vẹn trong đó, và chẳng còn cần gì nữa. Đây là ý nghĩa của “Biết một giải thoát tất cả.”

    Các thừa thấp hơn có nhiều pháp tu khác nhau dành cho các loại nọc độc tâm trí. Ví dụ, để ngăn ngừa tham ái, người ta nên quán xét đối tượng của tham ái. Nếu đó là một mẫu đồ sành sứ tuyệt đẹp, cần nghĩ rằng: “Nó thực sự là cái gì?” Chỉ là chút đất sét nung, với ít sơn và men tráng lên đó. Nếu người ta xem xét nó cặn kẽ sẽ thấy nó không hoàn hảo, có thể là bẩn thỉu và ố mầu. Theo cách này, sự dính mắc bị giảm bớt. Tương tự, khi quán xét một người khác giới, nghĩ về thực tế là cái thân thể quyến rũ đó bao gồm da với thịt và xương bên dưới, ruột, phổi, tim, tĩnh mạch và động mạch. Nếu tất cả phơi bày xuống sàn thì sự dính mắc của người ta có còn không? Thông qua cách quán xét chi tiết này, sự dính mắc sẽ bị giảm thiểu. Theo các thừa thấp hơn, để thanh lọc vô minh, người ta quán xét về mười hai nhân duyên; để đối trị sân hận người ta trưởng dưỡng từ bi. Tuy nhiên trong Đại Toàn Thiện, người ta không cần phải quán xét như vậy.

    HỌC VIÊN: Các giáo lý cần được giữ bí mật ở lĩnh vực nào?

    RINPOCHE: Các giáo lý chung hoặc phổ thông là thứ chúng ta có thể thường thảo luận hoặc bàn với người khác, nhưng các giáo lý đặc biệt như Trekcho - cái thấy của trạng thái thanh tịnh nguyên thủy của tâm trí, hoặc Togal, hoặc chuyển di thần thức, vân vân, là những chủ đề chúng ta không nên dạy cho người khác vì nếu chúng ta chưa tu chứng cho bản thân, tác dụng sẽ không tốt lắm. Đặc biệt là phowa, chuyển di thần thức, có thể gây nguy hiểm nếu được thảo luận công khai.

    HỌC VIÊN: Các văn bản khác, như Cơn Mưa Trí Tuệ, nói về các kinh nghiệm tích cực như hỷ lạc, sáng tỏ và vô niệm. Rinpoche có thể cho biết thêm chi tiết?

    RINPOCHE: Trước hết, các kinh nghiệm về hỷ lạc, sáng tỏ và vô niệm là những kinh nghiệm nhất thời. Chúng sẽ không kéo dài mãi. Khi quá thích thú với các kinh nghiệm này, người ta có nguy cơ bị dính mắc vào chúng. Xu hướng này là lầm đường, sẽ lạc vào ba cõi trời. Nếu người ta hoàn toàn không dính mắc vào các kinh nghiệm, sẽ không có gì nguy hiểm. Liên quan đến chuyện coi các ý niệm là pháp thân, cần nhận ra sự khác nhau giữa “các ý niệm là pháp thân” và “bản thể của các ý niệm là pháp thân.” Nói rằng: “Các ý niệm là pháp thân”là hơi thái quá. Chúng ta có thể nói: “Bản thể của các ý niệm là pháp thân,” bởi vì bản thể của ngay cả các triền cái như tham, si, và tương tự, là pháp thân.

    HỌC VIÊN: Rinpoche, thầy khuyến khích chúng tôi thực hành cả thiền chỉ lẫn thiền quán. Tôi nghĩ rằng thiền quán là cái gì đó chỉ xảy ra sau khi thực hành thiền chỉ một thời gian. Thầy có thể nói thêm về sự khác nhau giữa thiền quán và thiền chỉ, và làm thế nào để thực hành thiền quán?

    RINPOCHE: Như bạn nói, thiền quán tự nó không diễn ra, mà xuất hiện sau quá trình thực hành thiền chỉ. Nó sẽ không xảy ra, bởi bất kỳ cách nào, khi bản thể tâm trí chưa được chỉ thẳng. Theo các giáo lý Đại thừa trong con đường truyền thống của thiền chỉ được hoàn thành bởi một hành giả Tiểu thừa, được cho rằng vào cuối con đường, trong khi đang duy trì ở tình trạng gọi là tịnh chỉ, các tia sáng tỏa ra từ đỉnh đầu của chư Phật từ mười phương đánh thức hành giả rồi gia nhập vào con đường Đại thừa và đạt đến giác ngộ viên mãn.

    Theo Kim cương thừa, đặc biệt là Đại Ấn, người ta thực hành thiền chỉ như nền tảng cho các thực hành sau này, nhưng nếu quá độ, trạng thái thiền định sẽ trở thành một chướng ngại, một trở lực. Lúc đầu người ta thực hành thiền chỉ có điểm nương tựa hoặc không, hoặc xen kẽ nhau. Ví dụ người ta có thể tập trung vào một viên đá, thứ gì đó chắc đặc, nhưng nếu người ta cố định tâm trí vào đó quá độ, sự cố định đó sẽ trở thành một chướng ngại. Do đó, người ta đan xen giữa thiền chỉ không điểm nương tựa, nghỉ ngơi với cái nhìn lên bầu trời, sử dụng không gian như một đối tượng, và thiền chỉ có điểm nương tựa, thiền về một đối tượng vật chất. Nhờ phát triển được một sự vững vàng trong thiền chỉ hoặc yên lặng, người ta sẽ có thể tăng cường khả năng kiểm soát tâm trí và các hoạt động tinh thần, và ở trình độ đó, trong hệ thống Đại Ấn, người ta được giới thiệu vào lĩnh vực thiền quán.

    HỌC VIÊN: Sau đó người ta cần một vị thầy có trình độ để chỉ ra kinh nghiệm thiền quán?

    RINPOCHE: Nói chung một vị thầy đủ trình độ sẽ khai ngộ bản thể tâm trí, nhưng trong tiểu sử của các vị thầy trong quá khứ có những câu chuyện cho thấy nó còn xảy ra theo nhiều cách khác. Trong những trường hợp này, những hiện thân khác nhau là do vị thầy gốc của họ hóa hiện ra, như một người ăn xin hoặc những người đi ngang qua đường, đột nhiên đưa ra hướng dẫn chỉ thẳng, tuy nhiên họ luôn thấy những người này không phải người thường, mà là hiện thân của thầy họ. Một vị thầy đủ trình độ không chỉ giới hạn trong số những người có danh hiệu “Đức thầy.”

    HỌC VIÊN: Thỉnh thoảng, khi chúng ta thực hành thiền ở đây và tôi nghe thấy hướng dẫn về phát triển bồ đề tâm, tôi cảm thấy không rõ ràng. Tôi biết người ta có thể sử dụng rất nhiều kỹ thuật, chẳng hạn như đặt mình vào vị trí người khác, nhưng tôi thực sự không biết mình cần làm gì. Nó giống như đương đầu với một người ăn xin trên phố. Tôi không có đủ thông tuệ để biết là nên đưa tiền cho người đó hay là việc này có lẽ chẳng giúp ích gì cho anh ta. Tôi muốn phát triển bồ đề tâm, nhưng tôi cũng muốn phát triển trí tuệ. Có cách nào đơn giản để thực hiện chăng?

    RINPOCHE: Bạn nên học thêm về điều đó. Có nhiều chi tiết về cách làm thế nào để phát triển bồ đề tâm, là thứ có ích để học thêm. Cái hiểu của bạn sẽ rõ ràng hơn. Trong bản chất, cách rất đơn giản là chỉ nghĩ: “Cầu cho mọi chúng sinh hạnh phúc. Cầu cho tất cả hữu tình không còn đau khổ.” Vì cách duy nhất để thoát khỏi đau khổ là thông qua giải thoát hoàn toàn, nên cần nghĩ: “Cầu cho tất cả chúng sinh đạt đến giác ngộ viên mãn.” Liên quan tới những người ăn xin, hãy cho những gì bạn có thể, bất cứ thứ gì thích hợp, nếu không, ít nhất hãy cố ngăn chặn đừng để phát sinh cảm giác tức giận và duy trì cảm giác bình thường.
  10. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    BÀI CA LẤY CÁI CHẾT LÀM CON ĐƯỜNG


    Tiếp theo đây bài ca cuối cùng là phowa, chuyển di thần thức. Có nhiều pháp phowa như: phowa pháp thân, phowa báo thân, và phowa hóa thân. Chúng ta sẽ đề cập ngắn gọn trong chủ đề này.

    Chúng ta thường được dạy về tầm quan trọng của một vị đạo sư có trình độ, nhưng một vị đạo sư có trình độ là như thế nào? Nói về một bậc thầy thiêng liêng và hoàn hảo, có chín phẩm tính, gọi là chín phương diện hoàn hảo. Một vị thầy như vậy cần có kỹ năng thuần thục trong việc giải thích các giáo lý, trong viết lách và trong tranh luận; ông ta nên có học thức, thanh cao và có đạo đức trong sạch; ông ta đã hoàn thiện ba lĩnh vực: nghiên cứu, nghiền ngẫm và thiền định. Các tiêu chuẩn quan trọng nhất trong số những phẩm tính trên là tinh thần của ông ta biểu hiện từ bi, bồ đề tâm và có trí tuệ thấu triệt bản thể tự nhiên của tính không. Một vị thầy sở đắc ba phẩm tính trên sẽ có khả năng chỉ thẳng bản tính giác ngộ cho trò, và sẽ là một người hướng đạo tin cậy trong việc dẫn dắt chúng ta thoát khỏi bể khổ luân hồi. Ông ta sẽ không mắc phải những lỗi lầm có thể đưa học trò đọa xuống các cõi thấp. Chúng ta phải tìm kiếm một vị thầy như vậy.

    Giáo lý của Tiểu thừa, Đại thừa và Kim cương thừa cho thấy nhiều kiểu đạo sư cũng như những giới luật và thệ nguyện mà các vị đạo sư đó phải trì giữ, nhưng tốt nhất là một vị thầy cần mang giới nguyện giải thoát cá nhân ở bên ngoài, bồ tát giới ở bên trong, và các giới nguyện kim cương trong tận cùng.

    Tuy nhiên nếu chỉ đơn giản đi theo một vị thầy như vậy là chưa đủ, chúng ta phải nhận các giáo lý. Chỉ gặp và tiếp xúc một vị thầy thì không đủ, chúng ta cần có khả năng hấp thụ các phẩm tính trí tuệ của ông ta vào trong tâm hồn mình. Ngày nay, việc này dường như không thể thực hiện được nếu không sử dụng ngôn từ, các giáo lý bằng lời. Nhưng nếu chỉ nghe lời giảng và nói: “Bây giờ tôi đã nhận giáo lý. Thầy dạy và mình đã nghe!” rồi sau đó chỉ để đấy thì sẽ không có hiệu quả. Chúng ta phải thực sự hấp thu các giáo lý đó vào trong cuộc sống của mình, thực sự đưa chúng vào trong tâm khảm sao cho lúc chết, chúng ta thực sự tự tin để biết rõ ràng và chính xác cần phải làm gì. Nghe giảng Pháp có rất nhiều lợi ích và gieo trồng được chút công đức, nhưng chúng ta không tiến bộ trên hành trình đi tới giác ngộ. Nếu chỉ nghe một phần tư dòng giáo lý mà đưa nó vào trong tim rồi hấp thụ nó thì sẽ có được lợi ích lớn lao.

    Emaho!

    Mục đích của các giáo lý từ bậc đạo sư và việc thực hành giáo pháp thiêng liêng của người ta

    Là bởi vì có một nhu cầu mốn biết rõ ràng và chính xác cần làm gì vào lúc chết.

    Nếu không có nó, chẳng có bất cứ thứ gì chắc chắn giống như tình trạng tâm trí của chúng sinh.

    Hãy luôn giữ trong nhận thức sự không chắc chắn về thời gian của cái chết.

    Chúng ta đưa vào trong tim các giáo lý của đạo sư và thực hành giáo Pháp thiêng liêng để biết rõ ràng và chính xác cần làm gì vào lúc chết. Vì mọi người ở đây đều sẽ chết, chúng ta phải học những điều này ngay bây giờ.

    Vào lúc chết, cách tốt nhất là thực hiện dharmakaya phowa - chuyển di thần thức pháp thân, tiếp theo là sambhogakaya phowa – chuyển di báo thân, và sau đó là nirmanakaya phowa – chuyển di hóa thân. Vì chẳng có gì chắc chắn lúc nào chúng ta sẽ chết cũng như chuyện gì sẽ xảy ra lúc đó, chúng ta nên chuẩn bị ngay từ bây giờ. Ba kiểu chuyển di áp dụng vào trình độ thực hành cá nhân, và không thể định rõ cụ thể ở nơi công cộng. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là vào thời điểm lâm chung, nếu chúng ta có bất cứ dính mắc nào đối với tài sản của mình, cho dù chỉ là một mũi kim, sợi chỉ, thì việc thành công trong chuyển di thần thức vào lúc đó sẽ trở nên khó khăn. Hoàn toàn thoát khỏi sự lưu luyến vào bất cứ thứ gì, sẽ rất dễ dàng để thực hiện.

    Lúc chết, nếu chúng ta có thể áp dụng phowa, “chuyển di thần thức”, cho dù pháp thân, báo thân hay hóa thân, thì đều có lợi ích lớn lao. Tuy nhiên để thực hiện được điều đó, giờ đây chúng ta phải biết chính xác cần làm gì.

Chia sẻ trang này