1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Sự Hợp Nhất Giữa Đại Ấn và Đại Toàn Thiện

Chủ đề trong 'Yoga - Khí công - Nhân điện - Thiền' bởi Prahevajra, 05/09/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Sau khi chết, chúng ta sẽ kinh nghiệm tình trạng bardo, trạng thái trung gian. Chúng ta có thể tìm hiểu rất nhiều văn bản chi tiết về trạng thái trung gian. Trong bardo, chúng ta kinh nghiệm nỗi kinh hoàng và sợ hãi tột cùng. Các âm thanh, màu sắc, ánh sáng hóa hiện. Một người không có thiện nghiệp thanh tịnh, chưa phát triển tri thức thấu hiểu vô ngã, sẽ tùy thuộc vào khuynh hướng trong quá khứ mà tái sinh vào một trong các dạng sống luân hồi, như là một con thú hoặc tương tự.

    Trong trạng thái trung gian, sự biểu hiện của ngũ độc có thể khiến chúng ta cảm giác như thể đang bị truy quét bởi một quầng lửa khổng lồ, hoặc như thể chúng ta đang rơi xuống vực thẳm, hoặc đang chìm xuống một đại dương. Nhiều dạng kinh nghiệm khủng khiếp xuất hiện. Âm thanh, ánh sáng và màu sắc sẽ mãnh liệt gấp hàng trăm lần những gì chúng ta trải qua khi còn sống. Tất cả những hiện tượng nghiệp này dường như đều khó chịu. Chúng ta có thể nghe thấy tiếng quát: “Giết nó! Đánh nó! Bắt nó! Chặt nó ra từng mảnh!” Trong khi kinh hoàng tột độ, chúng lại chỉ là các hiện tượng nghiệp. Tuy không có nhiều cảm giác dễ chịu trong bardo, nhưng nếu chúng ta có thể nhớ các giáo lý và nghỉ ngơi trong sự bình thản của cái thấy, chúng ta sẽ có được những kết quả hết sức tốt lành. Nhận ra bản tính được cho là rất khó vào lúc này, nhưng nếu chúng ta có thể nhận ra nó, chúng ta sẽ ngay lập tức hoàn thiện được quá trình tu luyện và đạt được sự vững vàng. Tuy nhiên, vì đang hốt hoảng và sợ hãi, để nhớ và nhận ra bản tính và duy trì trong sự điềm tĩnh là rất khó khăn. Giống như lúc này, nhớ về tính không và từ bi dường như rất khó khi chúng ta đang khó chịu và giận dữ, phải không?

    Khi mọi thứ đều tốt lành, dạ dày của chúng ta no đủ, còn mặt trời thì tỏa sáng, ta cảm thấy ấm áp và dễ chịu. Lúc đó rất dễ nhớ đến tính không và từ bi, chỉ việc ngồi xuống thiền với một nụ cười mãn nguyện. Tương tự, khi thầy của chúng ta ân cần, đưa chúng ta các vật liệu, giảng bài lôi cuốn, chúng ta cảm thấy tin tưởng và sùng kính mạnh mẽ. Nếu ông ta đối xử không đặc biệt tử tế hoặc nói điều gì đó chúng ta không thích, chúng ta gần như mất niềm tin ngay lập tức. Nếu những người khác tử tế và nhiệt tình với ta, ta cảm thấy niềm từ ái tuyệt vời đối với họ, nhưng khi ai đó đối xử tệ bạc với ta, ta trở nên giận dữ, hoàn toàn quên mất từ bi. Do vậy, dường như ngay lúc này chúng ta đã thấy khó duy trì cái thấy. Sẽ còn khó hơn nữa nếu muốn nhận ra bản tính trong bardo.

    Phowa pháp thân được thực hiện bởi một người đã được nhận các giáo lý từ một vị thầy hoàn hảo và đã thực hành các giáo lý đó viên mãn, nói cách khác là người đã có cái thấy của hoặc là Đại Ấn, hoặc Đại Toàn Thiện và đạt được sự ổn định trong sự chứng ngộ đó ngay trong cuộc đời này, thì vào lúc chết, sẽ không có ai di chuyển từ nơi này tới bất cứ nơi nào khác, không có sự chuyển di của vật chất nào từ cõi này tới cõi khác. Người ta chỉ đơn giản hội nhập vào pháp giới. Vì vậy, phowa pháp thân được gọi là “thoát khỏi sự di chuyển và cái gì đó bị di chuyển.” Nó đơn giản là nghỉ ngơi trong sự bình lặng của pháp giới.

    Khi một người đạt được phowa pháp thân vào lúc chết, có nhiều dấu hiệu bên ngoài xuất hiện. Bầu trời trên đầu sẽ hoàn toàn trong trẻo không mây. Dấu hiệu bên trong là thân thể sẽ không mất đi độ sáng bóng, cũng không bị trương phù hoặc cứng đơ. Dấu hiệu trong cùng là các hạt xá lợi hoặc được gọi là ringsel để lại trong lễ hỏa táng, cũng như các mẫu hình tự xuất hiện, như biểu tượng chữ AH trên sọ hoặc các mảnh xương, biểu hiện sự giác ngộ pháp thân bất sinh. [Hiện tại, một học trò của Tulku Chokyi Nyima ở thung lũng Kathmandu sở hữu một chiếc sọ có một hình ảnh rõ ràng tự xuất hiện của chủng tự AH.]
    Lần cập nhật cuối: 14/07/2017
  2. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Các dấu hiệu đạt được phowa báo thân là sự xuất hiện của cầu vồng và nhiều ánh sáng khác nhau trên trời. Về thân thể, một lỗ nhỏ xíu trên đỉnh đầu sẽ tiết ra một chút nước trong và những giọt máu, chỉ bằng một cái sờ chạm. Tóc xung quanh vùng này sẽ rụng ra rất dễ dàng. Nhiều khi, đỉnh đầu còn xuất hiện một vùng bị phồng lên. Còn dấu hiệu bên trong cùng, các dấu hiệu của ngũ sắc cầu vồng, nhiều hình ảnh khác nhau của các vị thần bản tôn và biểu tượng của các gia đình Phật có thể xuất hiện trên các mảnh xương và sọ.

    Dấu hiệu bên ngoài của thành tựu phowa ứng thân vào lúc chết là ánh nắng và mưa sẽ xuất hiện cùng lúc, các giọt mưa bụi lớn nhẹ nhàng rơi xuống, gọi là mưa hoa. Dấu hiệu bên trong là một ít giọt nước trong hoặc máu chảy ra từ lỗ mũi bên trái, chỉ dấu rằng người đó đã ra đi vì lợi ích của chúng sinh. Nhiều vật thể dạng viên thuốc, xá lợi, còn lưu lại trong tro sau hỏa táng, và các dấu hiệu như các bánh xe hoặc gươm sẽ xuất hiện trên xương cho thấy những hoạt động vì lợi ích của tha nhân.

    Phowa có chủ định hoặc chuyển di thần thức được thực hiện khi chúng ta hoàn toàn chắc chắn là thời điểm cái chết đã tới. Có nhiều dấu hiệu khác nhau biểu thị cái chết đang đến gần, các kinh nghiệm cụ thể chính xác đi kèm theo sự tan rã của các yếu tố, chẳng hạn như kinh nghiệm về yếu tố đất tan rã vào yếu tố nước, vân vân. Khi biết chắc là sắp chết, chúng ta mới nên thực hiện chuyển di thần thức. Nếu không, việc thực hiện phowa trước thời điểm chết thực sự sẽ gây ra hậu quả rất tiêu cực.

    Sự chuyển di của thần thức là cực kỳ quan trọng vì chúng ta có thể dễ dàng tự thực hiện, nếu cần thiết, một vị thầy đủ trình độ có thể làm hộ cho chúng ta vào lúc chết. Nếu làm đúng, cho dù chúng ta chưa đạt được cái thấy đúng ổn định, thực hiện pháp môn này và xuất thần vào lúc chết sẽ đảm bảo chúng ra không bị tái sinh vào ba cõi thấp.

    Loại cuối cùng của chuyển di thần thức, vào một thân thể khác, được gọi là drongjug và mặc dù chúng ta vẫn còn văn bản ghi chép, sự truyền thừa để áp dụng giáo lý vào thực tế đã không còn. Nó đã được giữ kín trong vòng bí mật để chỉ được đơn truyền từ một thầy, trong một thời kỳ, tới một trò. Sau khi Marpa Đại dịch giả trở lại Tây Tạng, ông truyền lại cho con trai, Dharma Dodey, người thừa tự duy nhất của dòng truyền này. Một hôm có lễ hội ở gần làng và Marpa được mời tới dự. Tuy ông và Dharma Dodey đang trong khóa nhập thất ba năm ở tại nhà, Dharma Dodey vẫn quyết định đi. Ngay khi vừa rời nhà, mẹ anh ta chặn lại và xin đừng đi. Anh khăng khăng muốn đi để đại diện gia đình nên cuối cùng bà đành chấp nhận nhưng nhắc nhở: “Được rồi, cứ đi nếu con thấy cần, nhưng hứa với mẹ điều này: không ngồi ở đầu bàn, không nói gì, không uống chút rượu nào, và cuối cùng là không tham gia đua ngựa.”

    Tất nhiên, anh ta làm mọi việc đó. Đầu tiên, anh liên tục đòi ngồi đầu bàn cho tới khi được chấp nhận. Sau đó, anh đòi uống rượu và uống tới khi khá là say. Cuối cùng, để ủng hộ cho mẹ của chú mình, anh đồng ý tham gia một cuộc đua ngựa. Không may, trên đường về nhà, anh bị văng ra rơi xuống núi, bị nứt sọ, và chết sau đó. Vì đã có giáo lý “drongjug” chuyển di thần thức và biết cách thực hành, không lâu trước khi chết, các đệ tử của Marpa cố gắng tìm một thân thể khác cho Dharma Dodey sử dụng vì thân xác của anh đang chết dần. Nhưng chẳng có người nào chết thời điểm đó nên họ mang về một con chim bồ cầu vừa mới chết. Anh chuyển di vào thân xác con chim và ở lại với Marpa vài ngày tới khi ông dạy anh những giáo lý cuối cùng cùng những lời khuyên, rồi hướng cho anh bay tới Ấn Độ. Vì Dharma Dodey có được thân xác con người khi anh tới Ấn Độ và sau đó trở thành một yogi vĩ đại, sự truyền thừa không được tiếp nối, do đó thất truyền.
    Lần cập nhật cuối: 21/08/2017
  3. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Không có sự suy xét xem người ta bám luyến đến mức độ nào,

    Người ta vẫn chết, cho dù cố gắng nắm giữ.

    Vì thịt và xương mà người ta được sinh ra vẫn phải bỏ đi,

    Sẽ là điều vô nghĩa khi bám luyến vào họ hàng và sự giàu có.

    Vì vậy hãy thầm dâng hiến bạn bè, họ hàng và sự giàu sang cùng với thân thể của bạn,

    Tới vị thầy của bạn và Tam Bảo.

    Dâng cúng mà không chút lo nghĩ rằng ai sẽ lấy những thứ đó

    Hoặc chúng sẽ thuộc về ai, chỉ như thứ gì đó vô chủ.

    Người giàu thường giữ gìn tài sản, nhà cửa, vàng và mọi thứ khác mà họ tích lũy được, còn người nghèo thì giữ những chiếc túi da cũ kỹ. Chúng ta đều bám giữ thứ gì đó, nhưng để thành công trong pháp chuyển di, điều được dạy là, sẽ có chướng ngại nếu tâm trí dính mắc vào của cải.

    Tài sản và sự giàu có mà bạn gây dựng được trong đời này hẳn nhiên sẽ phải bỏ lại phía sau khi cái chết đến. Ngay cả thân thể của bạn được sinh ra từ tử cung của mẹ, cũng sẽ phải bỏ lại hoặc chôn cất, thiêu đốt, thả trôi sông hoặc bất cứ kiểu gì khác. Do đó, thật là ngu ngốc khi bám luyến vào thân xác hoặc bà con họ hàng, sự giàu có và của cải. Vào lúc chết, thậm chí trước khi chết, điều quan trọng là thầm dâng cúng tới vị thầy của bạn cùng với Tam Bảo, tất cả bà con thân thuộc, bạn bè, giàu sang, cả thân xác của bạn, không nắm giữ thứ gì cho dù là cây kim hay sợi chỉ. Bạn không cần lo lắng điều gì sẽ xảy ra cho những tài sản này sau khi bạn chết. Để cho bất cứ ai muốn, lấy chúng, như những đồ vật vô chủ.

    Quán tưởng thân thể bạn là bản tôn, Đấng Đại Từ Bi.

    Hình dung trên đầu bạn là vị thầy của bạn,

    Như đức Phật A Di Đà, hiện thân của mọi Đấng Cao Quý, và dâng cúng tới ngài.

    Chặn tám lỗ hổng của bạn bằng chủng tự HRIH.

    Trong thân bạn là kinh mạch trung ương, kích cỡ của một cây cung tre thông thường.

    Trong tâm luân là tâm trí của bạn như là chữ HRIH trắng.

    Đẩy nó lên lặp đi lặp lại và hòa tan nó vào trong tâm luân của Phật A Di Đà.

    Thực hành quán tưởng này một trăm hoặc hai mốt lần.

    Sau đó, không nghĩ ngợi về bất cứ điều gì,

    Nghỉ ngơi trong nhận thức sáng chói của thực hành bản tính tâm trí.

    Vào lúc chết, quán tưởng bản thân bạn chính là bản tôn, đấng Đại Từ Bi Quan Thế Âm. Nghĩ rằng thân thể bạn trống rỗng, được làm từ các tia sáng cầu vồng như một chiếu lều ánh sáng với một cái sào chống bên trong, một cái cọc tre trống rỗng như là kinh mạch trung ương. Nó mở ra trên đỉnh và đóng lại dưới đáy. Ở luân xa tim của bạn, nó hẹp lại một chút và có một đóa hoa sen. Trên hoa sen này là một quả cầu khí prana, với chủng tự HRIH, tượng trưng cho tâm trí của bạn. Quả cầu khí và tâm trí của bạn nhẹ và nổi, như khí gas, và sẵn sàng để bay lên. Cái ống tre như được gọi này cũng được làm từ ánh sáng. Hẹp lại dưới đáy, nó rộng hơn trên đỉnh, nơi nó mở ra trên đỉnh đầu bạn.

    Khởi đầu thực hành, trước tiên tỏa các chữ HRIH ra để chặn tất cả các lỗ hổng của thân thể, các lỗ mũi, lỗ tai, mồm, vân vân, để ngăn ngừa tâm thức của bạn thoát ra qua bất kỳ lỗ nào khác ngoài lỗ được phép là đỉnh đầu của bạn. Sau đó bạn đã sẵn sàng để thực hành. Các chi tiết về việc làm thế nào để thực sự triển khai phần thực hành có thể là khác biệt đối với từng người khi người đó đã sẵn sàng để tự thực hiện. Có nhiều hệ thống khác nhau trong pháp này. Đôi khi, có một tiếng quát như PHAT, HIK, hoặc HRIH. Sau đó chủng tự ở tâm luân bay lên rồi chạm vào bàn chân Phật A Di Đà nơi hai ngón cái của ngài đang bít lại lỗ hổng trên đỉnh đầu. Ngài ngồi trên đỉnh đầu hành giả với bàn chân đặt lên lỗ hổng trên đỉnh đầu. Chủng tự nâng bàn chân lên một chút, nhưng lại bị đẩy xuống nên nó không bị bay ra ngoài. Điều này rất quan trọng. Nó được lặp đi lặp lại nhiều lần. Phần luyện tập được thực hiện từ một đến ba tuần, nhưng một thiền giả giỏi có thể hoàn thiện nó rất nhanh, thậm chí trong hai ngày, đến mức một dấu hiệu cụ thẻ xuất hiện. Những người có sức chú tâm mạnh sẽ có một ít tóc và một vài giọt nhầy tự bay ra. Nếu không một lama hoặc vị thầy của bạn có thể kiểm tra để xem có hay không một lỗ nhỏ được tạo ra nơi một cọng rơm nhỏ có thể nhét vừa. Sau đó, bạn có thể được đảm bảo là đủ khả năng để thực hiện chuyển di thần thức theo cách giống như vậy vào lúc chết.

    Bạn cũng có thể giúp người khác vào lúc chết, khiến họ dễ dàng thành công trong phowa bằng cách kết hợp sự quán tưởng của chính bạn với họ và hướng dẫn tâm thức của họ vào lúc chết. Để làm được điều này, cần phải được nhận các hướng dẫn khẩu truyền. Ví dụ, các phương pháp sẽ khác nhau tùy theo chứng bệnh khác nhau. Đối với các bệnh truyền nhiễm, để hòa nhập tâm trí của ta với họ là không tốt. Thay vào đó, chúng ta phải quán tưởng một thân thể khác bên cạnh người bệnh và cùng làm với thân thể này. Việc này ngăn ngừa ảnh hưởng xấu của căn bệnh có thể gây ra cho bạn. Ngoài ra, sự quán tưởng đưa ra ở đây khác với việc áp dụng vào lúc chết, chẳng hạn như hòa tan vào tâm luân của Phật A Di Đà, nên bạn cần các hướng dẫn khẩu truyền chính xác để có thể thực hành.
    Lần cập nhật cuối: 24/08/2017
  4. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Bất kể cái gì xuất hiện trong các giai đoạn tan rã,

    Dù nó là ‘hình ảnh’ , ‘tăng cường’, hay ‘đạt tới’,

    Bạn chẳng cần phải xác định chúng từng thứ một,

    Vì chẳng có gì xuất hiện mà không phải là chính tâm trí của bạn.

    Chỉ cần nhìn vào bản tính của bất cứ thứ gì hóa hiện ra.

    Sau phép quán tưởng, một lần nữa nghỉ ngơi trong sự tỉnh biết sáng suốt của thực hành về bản tính của tâm, không nghĩ ngợi về bất cứ cái gì. Việc này cũng được thực hiện vào lúc kết thúc thực hành. Vào lúc chết, bất cứ cái gì xuất hiện trong các giai đoạn tan rã như: hình ảnh, tăng cường và đạt tới, chúng ta không cần xác định từng thứ một vì chẳng có gì hiện ra mà không phải là chính tâm trí của chúng ta. Chỉ cần nhìn vào bản chất của bất cứ thứ gì hóa hiện ra.

    Khi hơi thở bên ngoài dừng lại, nhưng bên trong thì chưa,

    Sự sáng tỏ nền tảng, như bầu trời không mây,

    Sẽ ló rạng trong bạn, hãy nghỉ ngơi trong sự liên tục của nó.

    Nếu bạn duy trì trong một thời gian dài, điều đó gọi là ‘giữ vững thực hành’.

    Như một dấu hiệu của việc đó, nước da của bạn sẽ đẹp và đôi mắt của bạn sẽ mở một nửa.

    Và, như được dạy, miệng của bạn sẽ biểu lộ như đang cười.

    Được biết rằng khi hơi thở bên ngoài ngừng lại nhưng hơi thở bên trong vẫn còn, đó là khoảnh khắc dễ nhất để chuyển di thần thức. Như văn bản cho biết, lúc đó “sự sáng tỏ nền tảng, như bầu trời không mây, sẽ ló rạng trong bạn, hãy nghỉ ngơi trong sự liên tục của nó.” Duy trì trạng thái này lâu dài được gọi là ‘giữ vững thực hành’, có nghĩa là kéo dài sự bình lặng của cái thấy. Dấu hiệu bên ngoài là nước da của người ta sẽ đẹp, không bị xanh xao vàng vọt, mắt người ta sẽ mở một nửa, chẳng trợn trừng cũng chẳng nhắm nghiền. Một số người trông như thể chết trong hoảng loạn, khiếp sợ, hoặc tuyệt vọng, nhưng trong trường hợp này miệng người ta trông sẽ như đang cười, khuôn mặt trông rất thư thái từ bi và sắc mặt sẽ bình thản. Đây là dấu hiệu bên ngoài của việc giữ vững thực hành.

    Tư thế ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân, hoặc thế ngủ sư tử

    Bất kể cách thức nào người cử hành tang lễ sắp đặt cho bạn

    Thực ra chẳng có gì khác nhau giữa nằm xuống hay ngồi dậy.

    Nếu người ta không giữ vững thực hành hoặc người ta không có ai hỗ trợ,

    Sẽ có lợi ích to lớn nếu thần thức của bạn có thể thoát ra qua ‘lỗ hổng Phạm Thiên’,

    Bằng cách thực hiện quán tưởng chuyển di vào thời khắc của cái chết.

    Vì pháp này có cùng nguyên lý với ‘chuyển di pháp thân’,

    Nên sẽ chẳng có mâu thuẫn nào giữa hai phương pháp, nên đây là phương pháp đáng tin nhất.

    Sau đó, cho dù nếu bạn có phải lang thang trong trạng thái trung gian,

    Bằng cách nhìn vào bản tính của bất cứ thứ gì xuất hiện

    Nó sẽ trở nên đơn giản là các hình tướng trống rỗng của tâm trí hỗn loạn của bạn.

    Chẳng có gì thực sự tồn tại ngay cả một vị thần bản tôn hiền hòa hoặc phẫn nộ, hoặc Yama.

    Nếu, sau đó bạn vẫn phải tái sinh,

    Bạn đã từng luân hồi từ vô thủy cho tới tận thời khắc này

    Quay vòng qua sáu cõi tái sinh hết lần này tới lần khác.

    Sinh, lão, bệnh và tử lần lượt theo nhau như chuỗi hạt trên dây.

    Bởi vậy, tốt hơn là nên chán nản và quyết định rằng bạn luân hồi đã quá đủ.

    Sự đau khổ của các cõi thấp là không thể chịu đựng nổi.

    Sự sinh và tử của chư thiên và loài người quay vòng như một bánh xe.

    Tư thế của bạn khi chết là không quan trọng, ngồi dậy, ngồi xổm, nằm xuống, vân vân, điều quan trọng là tâm trí. Một người phục vụ tang lễ hoặc họ hàng có thể sắp đặt thân xác trong nhiều tư thế, nhưng điều đó chẳng cần thiết.

    Khi chết, nếu bạn thất bại trong việc thực hiện chuyển di thần thức, ngay cả khi bạn phải lang thang trong trạng thái trung gian, hãy nhìn vào bản tính của bất cứ thứ gì xuất hiện. Các hình ảnh trong trạng thái trung gian sẽ trở nên đơn giản là các hình ảnh từ tâm trí hỗn loạn của bạn. Chẳng có bất cứ một vị thần bản tôn nào cho dù là hiền hòa hay phẫn nộ thực sự tồn tại, kể cả Yama, Diêm Vương. Tuy vậy, nếu bạn vẫn không nhận ra tất cả những hóa hiện này là chính tâm trí của bạn, sẽ đến lúc bạn phải tái sinh. Nhiều kinh nghiệm cụ thể sẽ giáng xuống trong trường hợp này, chẳng hạn như nhìn thấy một ngôi nhà trống rỗng, nơi bạn cảm thấy buộc phải đi vào, hoặc bạn nhìn thấy những vết nứt trong các tảng đá mà bạn cảm thấy buộc phải đi vào. Có nhiều loại chỉ dấu xuất hiện với ý nghĩa bạn sắp đi vào một lần tái sinh mới. Khi điều này xảy ra, hãy suy nghĩ theo cách này: “Từ luân hồi vô thủy cho đến lúc này, mình đã quay vòng tái sinh hết lần này tới lần khác qua sáu cõi, trải nghiệm sinh, lão, bệnh và tử, cái nọ theo sau cái kia như các hạt trên một xâu chuỗi. Vì vậy, mình đã mệt mỏi, chán chường và quyết định rằng luân hồi như vậy là đã đủ. Sự đau khổ trong các cõi thấp là không thể kham nổi và việc sinh tử của thiên chúng cũng như nhân loại quay vòng như bánh xe hết lần này tới lần khác.”
  5. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Nghĩ rằng: “Bây giờ mình phải tới một nơi hạnh phúc thoát khỏi mọi đau khổ,

    Mình sẽ tới nghe giáo pháp thiêng liêng từ đức A Di Đà

    Trong cõi Cực Lạc ở tây phương!”

    Bạn cần từ bỏ tất cả những gì còn quyến luyến, dính mắc và ra đi.

    Chẳng cần thiết phải du hành bằng bước chân,

    Cũng như cần phải bay như chim bằng đôi cánh,

    Thân thể tâm trí của bạn sẽ tới ngay lập tức bởi ý định tới nơi đó.

    Khi được sinh ra ở đó, sẽ được hạnh phúc vĩnh viễn mà không có bất cứ đau khổ nào,

    Và bạn thậm chí có thể phục vụ lợi ích của chúng sinh.

    Khi đã thành tựu các phẩm, bạn có thể đáp ứng nguyện ước của chúng sinh thông qua các hóa thân.

    Khi chết, hãy hòa tan vào tâm luân của Phật A Di Đà.

    Để tới được cõi Cực Lạc, bạn không cần du hành bằng chân hoặc bay trên đôi cánh như chim. Trong trạng thái trung gian, chúng ta không có thân thể vật lý, mà là thân của thần thức, vào lúc nghĩ tới một địa điểm, chúng ta sẽ tới đó ngay lập tức. Thân của thần thức do vậy sẽ tới cõi Cực Lạc ngay vào khoảnh khắc có ý định đi tới đó.

    Khi được sinh ra ở cõi Cực Lạc, bạn sẽ tái sinh bằng cách đột nhiên xuất hiện trong một bông sen trong sự hiện diện của Phật A Di Đà. Sau đó bạn có thể nhận các giáo lý và tiến tu theo các các địa bồ tát cùng với năm con đường và cuối cùng đạt đến giác ngộ hoàn hảo. Ở đó có hạnh phúc vĩnh cửu mà không có chút đau khổ nào và bạn còn có thể giúp ích cho muôn loài. Khi đã đạt được các địa, bạn có thể lưu xuất ra các hóa thân để thành toàn các ước nguyện của chúng sinh. Bởi vậy, khi chết, hãy hòa tan bản thân bạn vào luân xa tim của Phật Vô Lượng Quang.

    Để đáp lại với lòng biết ơn vì sự cúng dường các trang giấy viết

    Từ người đưa hàng sùng đạo Budu,

    Những bài thơ nhỏ này về thực hành trong tám chương

    Được dựa trên các ghi chú của các giáo lý ngắn được giải thích trong thời khóa ba ngày.

    Chúng được hoàn thành bằng văn bản bởi Raga Asye

    Vào ngày thứ hai của tháng thứ tư của năm con Hổ.

    Mangalam.

    Vì tôi chỉ đơn giản viết xuống bất cứ thứ gì xuất hiện trong tâm trí, ngay lúc đó,

    Nếu có bất cứ sai sót hoặc mâu thuẫn nào,

    Tôi xin nhận lỗi trước toàn thể chư vị trí thức.

    Nhờ công đức này, mong sao tất cả đều được tái sinh trong cõi giới hạnh phúc của Cực Lạc.

    Đến đây là kết thúc các giáo huấn của Karma Chagmey về Sự Hợp Nhất giữa Đại Ấn và Đại Toàn Thiện. Nếu thực sự áp dụng những giáo huấn này, chúng ta sẽ có được lợi ích to lớn. Vì vậy, hãy thực hành!
  6. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    HỎI VÀ ĐÁP

    HỌC VIÊN: Trước đây chúng ta đã nói về việc người phương tây tới học Pháp. Liệu phương pháp dạy mà thầy thực hiện ở đây có khác với cách thức mà người Tây Tạng học Pháp?

    RINPOCHE: Việc học Pháp đối với người Tây Tạng không phải là vấn đề lớn bởi vì họ nói cùng ngôn ngữ và có thể hỏi vị thầy cũng như nhận các giáo huấn dễ dàng. Theo truyền thống, người ta bắt đầu với các phần chuẩn bị chung, bốn chuyển hóa tâm, tiếp theo là các thực hành chuẩn bị đặc biệt, sau đó dần dần đi vào thực hành chính, từng bước một trong một thời gian rất dài. Tuy nhiên đối với người phương tây tới phương đông, việc này hơi phức tạp vì trước hết bạn tới từ xa và khó mà ở được lâu. Chẳng nói tiếng Tây Tạng, sẽ rất khó khăn để nhận các giáo huấn từ những vị thầy quan trọng mà không tìm được một người phiên dịch. Ngoài ra, để thực hành các giáo lý từng bước như truyền thống có thể tốn nhiều năm. Nên làm gì? Bạn nên đọc nhiều bản dịch tốt có sẵn bằng tiếng Anh. Nghiên cứu thật kỹ rồi làm một danh sách những điểm quan trọng mà bạn chưa hiểu rõ ràng. Đến với các vị thầy có trình độ để làm sáng tỏ các vấn đề đó, hỏi các câu hỏi mà bạn không hiểu và phải thật rõ ràng rằng các giáo lý là như thế nào và làm sao để thực hành chúng. Nhận các giáo lý từ nhiều vị thầy, càng thường xuyên càng tốt. Tuy nhiên, lý thuyết kiến thức là vô hạn; bạn muốn học bao nhiêu sẽ có bấy nhiêu. Các giáo Pháp vô cùng bao la rộng lớn. Điều quan trọng là đưa nó vào trong tâm, tiêu hóa điều bạn vừa học và đưa chúng vào thực hành. Đây là phương cách đúng đắn để tiến bộ và đạt tới giác ngộ.

Chia sẻ trang này