1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

ĐỒI THỊT BĂM TRẬN ĐÁNH TÀN KHỐC TRÊN NÚI A BIA TỪ NGÀY 11 ĐẾN NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 1969

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi ngthi96, 08/01/2018.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. trancannam13

    trancannam13 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    24/05/2006
    Bài viết:
    1.597
    Đã được thích:
    5.079
    • Họ viết rất rõ ràng, chi tiết.
  2. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    Việc trại thất thủ là 1 quả đắng mà phe đồng minh phải nuốt và nó càng thêm đắng vì cái cách nhục nhã đã diễn ra. Có lẽ họ cũng muốn giấu nhẹm tin này trước giới truyền thông. Tuy nhiên khi về lại Phú Bài, trung tá House đã được phóng viên John Laurence của kênh truyền hình CBS phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn này, House nói toạc ra hết, từ sự ngu ngốc và vô vọng của sứ mệnh lẫn hành vi hèn nhát của lính CIDG VNCH. Bức xúc của House cũng được phản ánh trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Jim Lucas với đại úy Blair, chỉ huy trại A Sầu. 1 phần câu chuyện đã được đăng trong chuyên mục của Lucas số ra tháng 3 dài 14 cột.

    Điên tiết vì bị lộ tẩy, TQLC đã gửi thư khiển trách cho House. Sau đó đến lượt Văn phòng của bộ Quốc phòng cũng lệnh cho cả MACV lẫn Lực lượng thủy bộ III ngay lập tức mở cuộc điều tra về việc "cung cấp thông tin ko có lợi cho báo chí" của câu chuyện trên tại Mỹ.

    Tuy nhiên cả 2 cuộc điều tra này đều diễn ra khi đã quá trễ. Ảnh hưởng cũng đã xảy ra rồi và câu chuyện về sự thất thủ của trại giờ đã tràn lan các mặt báo cả nước khiến chính phủ Mỹ bị 1 phen bẽ mặt.

    Thế nhưng thứ khiến cho giới chỉ huy phải lúng túng đó mà giới truyền thông ko phát hiện ra là mối rạn nứt giữa Lục quân và TQLC ngày càng rộng thêm. Nhiều sĩ quan TQLC bắt đầu tỏ ý hoài nghi về năng lực, hiệu quả của LLĐB; những kẻ mà họ mô tả là màu mè, lười nhác, thiếu tác phong quân sự. Đến lượt mình, nhiều lính mũ nồi xanh tin rằng TQLC quá vụng về trong nỗ lực cứu hộ và đừng nên thực hiện những cuộc hành binh kiểu như thế nữa.

    Dù cho sự thật thế nào đi nữa thì việc trại A Sầu thất thủ cũng là niềm đau khó phai nhạt của các vị tư lệnh đồng minh mà theo như sử gia chuyên về chiến tranh VN là Shelby Stanton nhận định ko chỉ "gây ảnh hưởng lớn đến tương lai cuộc chiến" mà còn dẫn đến cả "trận đánh tàn khốc trên đỉnh A Bia", nơi mà những người lính tham chiến ở đó sẽ đặt tên nó thành "đồi thịt băm."






    Chương 4


    DƯỚI QUYỀN KIỂM SOÁT CỦA ĐỐI THỦ



    Giống như đối thủ chính của mình là tướng Võ Nguyên Giáp, đại tướng William Westmoreland, tư lệnh MACV cũng coi việc làm chủ vùng cao là ưu tiên hàng đầu. Khi ông ta lên nắm quyền chỉ huy MACV năm 1964, thì quân Giải phóng không những đã kiểm soát được phần lớn vùng này mà dường như còn sắp cắt rời nó ra khỏi các vùng còn lại của miền nam VN nữa. Dù cách giải quyết của mình đối với vấn đề cao nguyên còn bị nhiều chuyên gia quân sự chỉ trích, Westmoreland đã phản ứng mạnh trước mối đe dọa của đối phương và duy trì nó trong suốt phần còn lại của cuộc chiến. 1 trong những phụ tá của Westmoreland là tướng TQLC John Chaisson đã nói: "Cứ rung chuông tại đây là tướng Westmoreland sẽ nhào tới ngay như ruồi bâu kít vậy và 2 quả chuông có thể tạo ra phản ứng này khi rung chính là A Sầu và Tây nguyên."

    Westmoreland theo dõi chặt chẽ trận đánh ở trại A Sầu và rất bối rối khi thấy nó thất thủ. Dù đã bác bỏ kế hoạch tăng viện cho khu trại trước đó ông vẫn mở ra khả năng tổ chức chiến dịch tìm - diệt qui mô lớn ở 1 nơi khác trong thung lũng và tiếp theo đó là lập nên 1 trại biệt kích khác.

    Tướng Nguyễn Văn Chuân, tư lệnh vùng I chiến thuật, cũng ủng hộ kế hoạch này. Trên thực tế, ông ta còn khuyến khích Westmoreland điều quân trở lại thung lũng trước khi quân Giải phóng củng cố chỗ đứng chân tại đây. Thế nhưng Chuân chẳng hề muốn sử dụng tới các đơn vị dưới quyền vốn được giành để bảo vệ cho các thành phố, mục tiêu quân sự chiến lược ven biển mà chỉ muốn dùng TQLC Mỹ.

    Nhưng TQLC Mỹ lại chẳng hào hứng gì với đề xuất của Chuân cả. Cũng tương tự như vậy họ đâu hề muốn đụng vào cái thung lũng ấy. Họ đã chứng kiến lính VNCH 'ù té' khỏi A Lưới và Tà Bạt nhanh như thế nào và rồi sau khi dính tới sự thất thủ của A Sầu, thì chẳng ai còn ảo tưởng tới khả năng tiến hành 1 chiến dịch thành công tại đây nữa. Giữa lúc diễn ra trận A Sầu thì Lực lượng thủy bộ III từng giành ra tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 TQLC với ý đồ nếu cần sẽ phản kích. Thậm chí trung tá Sullivan, chỉ huy tiểu đoàn 1, còn đáp máy bay bang ngang qua cái trại bị vây hãm để điều nghiên phục vụ cho trận phản kích nữa. Tuy nhiên sau khi tận mắt chứng kiến cường độ hỏa lực đối phương và sau cuộc nói chuyện với trung tá House cách đó 1 hôm, thì Sullivan kiên quyết chống lại bất kỳ cuộc phản kích nào mà TQLC đang định nhằm vào thung lũng.

    Với Sullivan thì A Sầu chả là cái gì cả trừ việc "là chỗ để xảy ra thảm họa". Ông ta lập luận rằng muốn quay lại đó sẽ phải cần ít nhất là 2 tiểu đoàn, với 1 trung đoàn làm dự bị. Đó là gần hết số TQLC đóng tại Phú Bài, căn cứ cực bắc trong số 3 căn cứ của họ rồi còn gì. Kiến nghị của Sullivan được các thượng cấp hoàn toàn ủng hộ và chuyển đến cho tướng Westmoreland. Bị cự tuyệt, vị tướng này thì giờ chỉ còn trông cậy vào Lục quân, nhưng cũng vậy, cả Lục quân cũng ko đủ nhân lực để có thể đóng mãi tại A Sầu. Đến thời điểm này của cuộc chiến, lục quân đã có 126.000 binh sĩ tại VN - cao gần gấp 5 lần số TQLC. Gần 23.000 người trong số đó biên chế trong LLĐB quản lý hàng chục trại và tiền đồn trên miền núi; số còn lại được phân tán mỏng khắp 3 vùng chiến thuật khác. Westmoreland giờ phải đối mặt với 2 chọn lựa cuối cùng: thứ nhất là lập 1 trại biệt kích khác tại A Sầu và chuẩn bị đón nhận 1 thất bại sẽ đến trong tương lai; thứ nhì là chấp nhận nhường quyền kiểm soát thung lũng cho quân Giải phóng. Ông ta chọn cách thứ nhì dù bị quyết định này dày vò suốt 2 năm sau đó.
  3. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    Những binh sĩ đồng minh cuối cùng vừa rời thung lũng thì Quân Giải phóng lập ức chớp thời cơ tiến hành các công việc cần thiết để biến A Sầu thành 1 căn cứ hậu cần khổng lồ và bàn đạp yểm trợ cho các mũi tiến công xuống vùng duyên hải các tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam. Đây là kế hoạch đầy tham vọng nhưng quân Giải phóng có dư thừa nhân lực cũng như biết cách làm thế nào để thực hiện được điều đó.

    Công việc được quân Giải phóng ưu tiên hàng đầu là xây dựng hệ thống đường xá đi qua các ngọn núi ở mặt tây nam phía bắc thung lũng. Không như những đỉnh núi ở đầu phía bắc tạo thành 1 chuỗi liền mạch, núi non trên mặt tây nam có tính độc lập hơn nằm riêng biệt ngăn cách với nhau bởi những thung lũng sông dài và hẹp.

    Quanh chân núi và trên những thung lũng nhỏ hẹp ấy là vô số những lối mòn ngoằn ngoèo được người Thượng sử dụng. Với hàng trăm dân công cùng hàng chục xe ủi đất, những toán công binh Bắc Việt bắt tay mở rộng phần lớn chúng thành đường mòn đủ cho xe đạp và xe bò đi lại cũng như nâng cấp 1 số con đường, như đường 922, cho xe tải sử dụng. Sau khi hoàn thành, mạng lưới đường xá trên sẽ được nối sang phía tây với căn cứ 611 cùng đường Trường Sơn chạy qua Lào, và nối sang phía đông bằng đường 548 chạy ven sông A Sáp qua trung tâm thung lũng. Cuối cùng họ tiến tới nâng cấp toàn bộ con đường 548 dài 27km và nối nó với đường 547 cùng 1 số con đường mòn lớn len lỏi từ trung tâm thung lũng xuống vùng đồng bằng ven biển quanh Huế. 2 bên đường 548, quân Giải phóng dùng xe ủi tạo ra 1 số đường nhánh dẫn đến các bãi xe, những trạm sửa chữa kín đáo nấp dưới tán rừng già, và mở rộng, đào sâu thêm các hang động biến chúng chở thành kho hàng nhằm đón số lượng vũ khí, lương thực, đạn được đang ùn ùn được đưa đến.

    Để bảo vệ mạng lưới đường giao thông cùng các kho hậu cần đang ko ngừng mở rộng trên, quân Giải phóng đã thiết lập nhiều nơi đóng quân lớn trên khắp thung lũng. Nhiều quả núi đã bị biến thành những ‘pháo đài’ nhỏ với hệ thống phòng ngự vòng tròn gồm các có hầm hào kiên cố còn trên chóp núi thì tua tủa toàn súng phòng không lẫn súng cối.

    Thời điểm cuối năm 1966, tướng Westmoreland chưa quan tâm lắm đến việc trở lại A Sầu. Ông có nhiều vấn đề cấp thiết cần lo lắng hơn vào lúc đó. Ước tính số lượng bộ đội Bắc Việt xâm nhập vào miền nam VN lên tới 5000 người mỗi tháng; phong trào đấu tranh chống chính quyền của học sinh, sinh viên cùng Phật tử ở Huế và Đà Nẵng ngày càng mạnh mẽ. Nhằm khai thác những bất ổn này, vào ngày 6 tháng 6, sư đoàn 324B Bắc Việt đã vượt khu phi quân sự tiến vào tỉnh Quảng Trị. (tài liệu của ta thì đây là sư 324, chủ lực quân khu, do thượng tá Chu Phương Đới làm tư lệnh, thượng tá Nguyễn Tiến Lợi làm chính ủy. ND) Nhận thấy động thái của đối thủ ở phía bắc cộng với những rối loạn chính trị lớn đang diễn ra ở Huế và Đà Nẵng ko những có thể khiến các tỉnh này bị mất mà còn có thể khiến chính quyền VNCH sụp đổ, tướng Westmoreland mới lệnh cho tướng Walt cùng lực lượng TQLC của mình phải chặn sư 324B lại.

    Vào ngày 7/7, trong 1 chiến dịch có tên là Hastings-Deckhouse II, 5 tiểu đoàn TQLC cùng 4 tiểu đoàn VNCH được cơ động cấp tốc tới chiếm lĩnh vị trí bên dưới khu phi quân sự và tấn kích sư đoàn 324B, mở màn cho 1 trận đánh gay go sẽ diễn ra liên tục ko ngừng nghỉ suốt 3 tuần sau đó. Vào lúc ấy đây là trận giao tranh có qui mô lớn nhất. Khi chiến dịch kết thúc vào ngày mùng 3 tháng 8, ước tính quân Bắc Việt bị chết 900 người, sư đoàn 324B bị thiệt hại nặng và phải rút qua bên kia vùng DMZ. (theo nguồn Mỹ trên wiki thì quân ta có khoảng 700 người chết, 17 bị bắt; Mỹ chết 126, bị thương 448; VNCH chết 21, bị thương 40. ND)

    Tuy nhiên TQLC cũng chẳng có thời gian để mà ăn mừng thắng lợi. Trong vòng có 1 tuần, lại có thêm nhiều đơn vị lớn của địch bị phát giác đã vượt qua giới tuyến và Walt lại hộc tốc điều quân lên ngăn chặn đối thủ. Trong 1 trận đánh khác diễn ra cuối tháng 9, TQLC đã diệt thêm 1000 quân địch và đánh bại thêm 1 nỗ lực tiến vào các tỉnh phía bắc của họ. (chắc là chiến dịch Prairie. ND)

    Tuy gặp khó khăn tại Quảng Trị, địch tại A Sầu vẫn chưa bị ảnh hưởng gì nếu ko nói là ngày càng lớn mạnh. Vào cuối năm 1966, những đoàn xe tải Bắc Việt chở đầy đạn dược, đồ tiếp tế di chuyển công khai cả ngày lẫn đêm xuống đường 548 mà chẳng lo bị lực lượng nào của đồng minh ngăn trở.

    Đối phương đã nhận định đúng. Đồng minh ko thể chặn được họ. Do Westmoreland tin rằng mọi cuộc đánh chiếm các tỉnh phía bắc sẽ đều bắt đầu từ khu DMZ nên lúc này ông quyết định tập trung lực lượng của mình ở đó. Tình hình đang phát triển ở A Sầu tuy cũng đáng lo ngại nhưng trên vùng I chiến thuật ông ta chẳng có đủ quân để có thể đối phó với những mối đe dọa của kẻ thù ở cả Quảng Trị lẫn vùng thung lũng.

    Đến cuối năm 1967, điều mà Westmoreland vẫn trông đợi suốt hơn 1 năm trời đã tới; quân Giải phóng rốt cục cũng tiến vào Quảng Trị với qui mô lớn. Những cuộc tiến công vào Thừa Thiên và Quảng Nam nhờ thế mà có cơ khó xảy ra. Sang đến đầu tháng 9, quân Giải phóng tổ chức đánh lớn vào Cồn Tiên, 1 căn cứ của TQLC chỉ cách khu phi quân sự mấy dặm đường. Các pháo thủ đối phương sử dụng pháo tầm xa cùng hỏa tiễn 122mm bắn phá căn cứ suốt 8 ngày liên tiếp với hơn 3000 quả đạn rồi mới cho xung kích vận động chiếm lĩnh vị trí quanh vòng đai phòng thủ của TQLC.
  4. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    Mức độ hỏa lực mà quân Giải phóng dùng để 'làm mềm' Cồn Tiên là chưa có tiền lệ và phản ứng của Westmoreland cũng vậy. Khi bộ đội Bắc Việt xông lên, ông cho máy bay B-52 rải thảm, phi pháo đánh ồ ạt và thậm chí dùng đến cả pháo hạm nữa. Máy bay B-52 đã thả ném hơn 22000 tấn bom xuống phòng tuyến của quân địch. Trong 1 lần oanh tạc, nguyên 1 đại đội địch bị quét sạch trong vòng có mấy giây còn số khác thì phải bỏ công sự chạy. Vào cuối tháng 9, khi trận Cồn Tiên kết thúc, số quân Bắc Việt hy sinh cả ngàn người, phía TQLC có 49 lính tử trận. Số địch quân còn sống sót lại phải rút lui về bên kia khu DMZ.

    Tình hình tương tự ở Cồn Tiên vẫn tiếp tục diễn biến thêm nhiều lần nữa trong các tháng còn lại của năm 1967 khi các đơn vị quân Giải phóng lăn xả vào đánh lính Mỹ trong những 'trận đánh qui ước, mặt đối mặt’ với mức độ bom, pháo rất khủng khiếp. Tại trận đánh kéo dài 2 ngày gần 1 đồn điền cao su ở Lộc Ninh, sư đoàn 9 VC đã mất hơn 1000 quân trong khi tấn công 1 trại biệt kích và 4 tháng sau đó, 4 trung đoàn Bắc Việt bị tổn thất thêm 1200 người nữa sau trận đánh ác liệt gần Đắk Tô với các đơn vị quân Mỹ thuộc sư đoàn 4 bộ binh, sư đoàn 1 kỵ binh bay, và lữ đoàn dù 173.

    Đối với Westmoreland thì năm 1967 là 1 năm tốt lành. Theo Mỹ ước tính, đã có 90.000 quân Giải phóng tử trận, số bị thương nhiều vô kể và đây là những tổn thất ko thể nào bù đắp nổi. Nhưng điều quan trọng hơn cả, theo quan điểm của ông, là số quân Mỹ đang cần để gia tăng phạm vi, qui mô các chiến dịch vẫn đang ùn ùn đổ đến. Chẳng chóng thì chầy, ông sẽ có đủ lực lượng để đánh mạnh lên vùng cao nguyên.

    Trong thực tế, tới cuối năm 1967 Westmoreland đã bắt đầu lên kế hoạch sơ bộ cho 1 loạt 4 chiến dịch, có mật danh là York, được coi là đòn táo bạo và dữ dội của ông nhằm tấn kích đối phương. Bên cạnh cuộc xâm chiếm vào lãnh thổ bắc VN phía trên khu DMZ và vào vùng cán xoong ở Lào, York còn mở ra cuộc càn quét qui mô nhiều sư đoàn trên khắp vùng I chiến thuật kết hợp với 1 mũi tấn công vào A Sầu.

    Trong khi lập kế hoạch đánh vào A Sầu, Westmoreland bỗng bị phân tán bởi hàng loạt thông tin tìn báo cứ đều đều được gửi vệ bộ tư lệnh MACV. Tất cả đều cho thấy những người cộng sản sắp phát động 1 cuộc tổng tiến công trên khắp miền Nam trong vài tháng tới. Tuy ko rõ lắm về tầm cỡ của cuộc tiến công sắp xảy ra, những báo cáo trên cũng khiến ông lo ngại, phải hủy bỏ kế hoạch York và chuẩn bị lực lượng để đối phó.

    Westmoreland đâu biết rằng, suốt 6 tháng qua đã có những tranh luận kịch liệt trong Bộ chính trị Hà Nội giữa 2 phe về phương hướng chiến tranh tại miền nam những năm tới. Tướng Giáp lãnh đạo 1 phe muốn phát động cuộc tổng tiến công ở miền Nam nhằm tạo động lực cho tổng khởi nghĩa lật đổ chính quyền Sài Gòn. Phái còn lại, do Trường Chinh, 1 nhà sáng lập Đảng cộng sản Đông Dương cùng với chủ tịch Hồ Chí Minh, đứng đầu lại muốn giảm cường độ, quay về chiến thuật chiến tranh du kích mà QĐNDVN từng sử dụng rất thành công trong những năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông Trường Chinh đã thấy quá nhiều báo cáo thương vong và cảm thấy quân đội sẽ đi tới chỗ diệt vong nếu cứ tiếp tục tác chiến ở qui mô lớn chống lại hỏa lực Mỹ.

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuy cũng đọc các báo cáo thương vong đó, nhưng lại nhận định theo hướng khác. Tướng Giáp đang lo ngại trước các dấu hiệu ko hay của cuộc chiến. 1 trong số đó, là quân đội đang bị đánh bại trên chiến trường, và mức tổn thất hiện đang cao hơn khả năng bù đắp. 1 điểm nữa mà ông nhìn thấy là việc chế độ miền Nam đang mạnh lên. Chính quyền Sài Gòn, dù vẫn bị nạn tham nhũng hoành hành, đang củng cố dần quyền kiểm soát đất nước, suốt 2 năm qua đã ko xảy ra 1 cuộc đảo chính nào nữa.

    Cũng có 1 số dấu hiệu khác mang tính tích cực, thế nhưng oái oăm thay nó ko xuất hiện ở VN mà lại xảy ra ở Mỹ. Tại đây phong trào phản chiến đang dâng cao mạnh mẽ, làm xói mòn dần ý chí muốn tiếp tục chiến tranh của nhân dân Mỹ. Ông lập luận, 1 chiến thắng lớn của quân Giải phóng ở miền Nam có thể bẽ gãy ý chí này và kéo Mỹ ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Điều tương tự đã xảy ra với Pháp sau trận Điện Biên Phủ trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và tướng Giáp tự tin rằng mình có thể lặp lại điều ấy.

    Được chủ tịch Hồ Chí Minh ủng hộ, kế hoạch của tướng Giáp đã được bộ chính trị chấp thuận và vào khoảng tháng 6 năm 1967, những chỉ thị đầu tiên cho chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân đã được phổ biến. Bên cạnh sự táo bạo, kế hoạch trên còn khá viển vông. Nó đòi hỏi 1 cuộc tổng tiến công đồng thời vào 36 trung tâm hành chính tỉnh, 5 trong số 6 thành phố độc lập, 64 quận lỵ, 54 làng xã miền nam VN. Dẫn đầu cuộc tiến công sẽ là 84.000 quân giải phóng Miền Nam cùng 1 số đơn vị QĐND làm nòng cốt.

    1 trong những mục tiêu đó là thành phố Huế. Ngay sau nửa đêm ngày 30/1, gần 1 sư đoàn quân Giải phóng - trước đó đóng quân và bổ sung tiếp tế tại A Sầu - đã từ 3 hướng khác nhau đánh vào thành phố. Sau 1 số cuộc giao tranh ác liệt ban đầu với các đơn vị nhỏ của Mỹ và VNCH, đối phương đã làm chủ toàn bộ thành phố ngoại trừ bộ tư lệnh sư đoàn 1 VNCH đóng trong Thành Nội và khu phái bộ cố vấn Mỹ.

    11 tiểu đoàn VNCH cùng 3 tiểu đoàn TQLC Mỹ đã tổ chức phản công nhằm chiếm lại thành phố Huế. Vì Huế là 1 trung tâm văn hóa có tầm quan trọng rất lớn nên ban đầu tướng Westmoreland đã cấm các đơn vị tấn công ko được dùng tăng, hay phi pháo. Nhưng đến khi thương vong tăng vọt và thấy rõ sự quyết tử của đối phương, thì ông chỉ thị cho các cấp chỉ huy dưới quyền tùy nghi sử dụng mọi phương tiện cần thiết nhằm hủy diệt quân địch.
  5. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    Đây là 1 trận mà nhiều cựu binh lớn tuổi phải so sánh với những trận đánh trong thành phố khốc liệt nhất hồi Chiến tranh TG II. TQLC Mỹ và lính VNCH cùng xe tăng, súng không giật, xe tăng Ontos đa nòng với sự yểm trợ dồi dào, liên tục của máy bay tiêm kích - bom, trực thăng vũ trang tổ chức đánh chiếm, giành giật từng ngôi nhà, từng con đường, đè bẹp từng ổ phòng ngự địch cho đến khi quân đối phương bị tiêu diệt hết hoặc phải rút về vùng núi non gần thung lũng A Sầu.

    Trận Huế kéo dài đến 23 ngày và đến khi nó kết thúc ngày 25 tháng 2 thì Huế chỉ còn là đống hoang tàn. Tuy Đại Nội cùng 1 số kiến trúc của cung đình may mắn chỉ bị hư hại nhẹ nhưng phần còn lại đều đã bị san phẳng. Trong số 17.000 căn nhà thì chỉ còn 7000 căn là còn đứng vững trong số đó có rất nhiều đã bị cháy rụi. Tuy nhiên thiệt hại về nhân mạng còn kinh khủng hơn nhiều. Có gần 8000 dân thường đã chết, 18.000 người khác bị thương. Để giữ thành phố quân Giải phóng đã hy sinh 5000 quân. Có 384 lính VNCH cùng 142 TQLC Mỹ tử trận. (theo wiki thì Hoa Kỳ có: 216 chết, 1.584 bị thương; VNCH: 452 chết, 2.123 bị thương. ND)

    Thất bại của quân Giải phóng ở Huế cũng được lặp lại trên 100 thành phố, thị xã, làng mạc khác toàn miền nam VN. Thay vì nổ ra cuộc tổng khởi nghĩa như mong đợi, quân Giải phóng đã phải gánh chịu 1 thất bại quân sự lớn nhất trong lịch sử. Tổn thất cao đến kinh khủng. Trong số hơn 80.000 chiến sĩ tham gia tổng công kích, gần phân nửa đã hy sinh; số còn lại thì tinh thần xuống dốc. Trên thực tế sau Tết VC đã bị mất sức chiến đấu buộc Bắc Việt phải gánh trọng trách trong phần lớn các trận giao tranh.

    Dựa vào những dữ kiện trên phe đồng minh có vẻ tạm yên tâm. Thế nhưng khi báo chí viết về cuộc Tổng tiến công Tết thì chúng nhanh chóng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Bị sốc trước những cảnh tàn phá trên qui mô lớn ở các thành phố như Huế và Sài Gòn, rúng động trước những thắng lợi ban đầu mà đối phương giành được, báo chí đã miêu tả cho công chúng Hoa Kỳ thấy Tết là 1 chiến thắng của quân Giải phóng chứ ko phải của phe đồng minh. Những bài báo kia đã khiến dân Mỹ hết hồn hết vía, xuống tinh thần tạo nên 1 kết quả mà trớ trêu thay, tướng Giáp vẫn nghĩ chỉ có thể đạt được bằng chiến thắng trên chiến trường.





    Chương 5


    TRỞ LẠI A SẦU


    Dù rất tức giận trước cái cách mà báo chí đưa tin về cuộc Tổng tiến công Tết, tướng Westmoreland cũng chẳng có nhiều thời giờ để bận tâm nhiều đến việc ấy. Phần lớn nam VN đã trở thành đống gạch vụn; các trận giao tranh đã khiến cho hơn 170.000 ngôi nhà bị phá hủy. Các trại tị nạn vốn đã quá tải thì nay phải vật lộn với thêm 600.000 người vô gia cư đang đổ đến nữa. Lực lượng tác chiến của quân giải phóng miền nam tuy ko còn nhưng hầu hết các đơn vị bộ đội Bắc Việt trong các căn cứ đóng trong rừng già dọc biên giới Lào và Campuchia thì vẫn an toàn, nguyên vẹn. Chính những căn cứ trên đã cung cấp đạn dược, khí tài cho quân giải phóng sử dụng trong dịp Tết và Westmoreland cùng bộ tham mưu MACV đang nhắm vào chúng để hủy diệt.

    Căn cứ mà ông tướng muốn đánh nhất chính là A Sầu. Choáng váng trước những thiệt hại to lớn tại Huế và dựa trên những thông tin tình báo khẳng định A Sầu chính là bàn đạp mà đối thủ đã dùng để tấn công, Westmoreland tin rằng cần phải đánh và đánh mạnh vào thung lũng. Ông ko hề muốn đối phương có đủ khả năng tổ chức thêm 1 trận đánh như trận Huế nữa.

    Đây là 1 quyết định mà mới mấy tháng trước đây ông ko thể làm được. Tuy nhiên trước nguy cơ gặp phải ở Huế cùng với 50.000 quân mới đến vùng I chiến thuật, giờ ông đã cảm thấy cuối cùng mình đã có thể tiến hành các chiến dịch dọc theo biên giới hằng mong ước kể từ năm 1965.

    Thời gian này những chỉ huy chủ chốt của TQLC và Không quân đang kịch liệt phản đối những chiến dịch tìm - diệt, có tính cơ động cao và qui mô lớn như thế mà muốn thay bằng chiến lược đã được hiện đại hóa do tướng James Gavin đề xuất. Theo đó quân đồng minh sẽ bỏ vùng núi non lại cho đối thủ để lo tập trung bảo vệ vùng đồng bằng, duyên hải. Tuy nhiên Westmoreland đã bác bỏ chiến lược trên. Ông có niềm tin mạnh mẽ rằng phải mang chiến tranh đến chỗ quân địch chứ ko phải khoanh tay đợi đối thủ tấn công và tác chiến trên miền núi sẽ tốt hơn phải chiến đấu trong đô thị đông đúc ở vùng đồng bằng ven biển. Tướng Earle Wheeler, tham mưu trưởng Lục quân và là người đứng đầu Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân cũng ủng hộ quan niệm chiến thuật này và kết quả là các cuộc hành quân tìm - diệt vẫn trở thành 1 phần ko thể thiếu trong chiến thuật của phe đồng minh suốt những năm chiến tranh còn lại.

    Vào năm 1966, sau khi trại A Sầu thất thủ, TQLC là những người đầu tiên được xem xét đảm trách cuộc tấn công giành lại thung lũng. Dường như đây là 1 sự lựa chọn hợp lý, đặc biệt nếu xét về lịch sử khi họ vốn là đơn vị xung kích sở trường trong tấn công đổ bộ. Rủi thay A Sầu ko phải là 1 hòn đảo mà là 1 thung lũng kiên cố, và cũng như 2 năm về trước, TQLC chẳng hề muốn đi tiên phong để ‘chui đầu vào rọ'.

    Tuy 1 phần lý do khiến họ ko muốn đi là sợ chuốc lấy thảm bại, nhưng phần lớn chỉ đơn giản là vì khả năng hậu cần chưa đủ để phát động cuộc tấn công lớn như thế. Như tướng Chaisson đã cảnh báo trong buổi họp tại MACV ngay sau Tết; Để đưa TQLC vào A Sầu chẳng những cần tất cả số trực thăng lực lượng này có ở VN mà còn khiến họ phải đình chỉ mọi cuộc hành quân khác, bao gồm cả việc phải rút bỏ những cứ điểm trọng yếu trên khu phi quân sự DMZ, mà điều này thì chẳng ai mong muốn. Chaisson đề xuất nên thay sư đoàn 1 Kỵ binh Không vận vào nhiệm vụ ấy và đề xuất trên đã được đồng ý.
    usadok, hk111333, caonam_vOz8 người khác thích bài này.
  6. hoangtuan231

    hoangtuan231 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/01/2018
    Bài viết:
    3
    Đã được thích:
    0
  7. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    Đây là 1 sự chọn lựa khôn ngoan. 'Kỵ binh bay' vốn được nhiều chuyên gia quân sự công nhận là sư đoàn tốt nhất tại VN và cũng là đơn vị được trang bị ‘khủng’ nhất. Họ sở hữu tới gần 500 máy bay trực thăng, lớn gấp 5 lần số lượng máy bay trong bất kỳ sư đoàn nào khác ở VN của Mỹ và sử dụng chúng rất tài tình. Trước chiến tranh tại căn cứ Fort Benning, họ là sư đoàn đầu tiên phát triển chiến thuật trực thăng vận tân kỳ và đã gọt dũa, cải tiến, hoàn thiện chiến thuật này thêm nữa sau khi sang VN. TQLC thường hay đùa rằng ‘thằng lính nào trong sư đoàn Kỵ binh bay cũng có trực thăng riêng’. Tuy nói thế thì hơi quá nhưng trong thực tế đúng là sư đoàn này coi khinh việc đi hành quân bộ vất vả mà chỉ thích đi bằng máy bay thật. Với trực thăng, họ có khả năng cơ động cao hơn hàng trăm lần so với mọi đạo quân khác trong lịch sử. Sau trận thử lửa thành công ngăn ko cho tướng Giáp chiếm Pleiku và từ đó cắt nam VN làm 2 phần tại thung lũng la Drang năm 1965 thì họ đã trở thành ‘dân prồ’ trong đột kích chớp nhoáng hay hành binh xuất kỳ bất ý..

    Kỵ binh bay giành phần lớn thời gian 4 năm hoạt động ở VN trong địa bàn Vùng II chiến thuật. Đến tháng 1 năm 1968, khi linh cảm đối phương sắp phát động 1 cuộc tấn công lớn vào các tỉnh phía bắc, tướng Westmoreland đã điều sư Kỵ binh bay từ Quảng Ngãi và Bình Định ra Thừa Thiên. Đây được coi là 1 quyết định chiến thuật hợp lý nhất của vị tướng trong cuộc chiến.

    Từ khi ra vùng I, sư đoàn Kỵ binh bay đã gặt hái được 1 chuỗi thắng lợi. Trong dịp Tết, đơn vị đã chặn đứng và buộc 3 trung đoàn địch đang vào tăng viện cho Huế phải rút lui. Rồi sau đó, hầu như ko nghỉ ngơi, họ lại vội vã lên phía bắc đánh vào thị xã Quảng Trị. Từ đây - trong những gì mà các nhà chiến lược sau này gọi là 1 ví dụ kinh điển của hỏa lực và cơ động - họ tung ra 1 đòn đánh chớp nhoáng về phía tây, giải tỏa quốc lộ số 9, đánh bạt các lực lượng đối phương đang phong tỏa Khe Sanh.

    Sau Huế và Khe Sanh thì chẳng ai còn hoài nghi gì về Kỵ binh bay nữa. Rõ ràng đó là đơn vị là cừ nhất. Đến khi Westmoreland chọn sư đoàn Kỵ binh bay đảm trách chiến dịch Delaware, thực hiện đòn đánh đầu tiên vào A Sầu sau hơn 4 năm, thì ông đoan chắc nếu ai đó chọc thủng được cái thòng lọng quanh thung lũng, thì đó chỉ có thể là Kỵ binh bay.

    Tướng Jack Tolson, tư lệnh sư đoàn, cũng chẳng hồ nghi gì về điều này. Là 1 chỉ huy cứng đầu, cương quyết, Tolson rất ấn tượng cách mà sư đoàn mình đã ‘tác nghiệp’ 1 cách trơn tru, chuyên nghiệp ở Huế và Khe Sanh. Ông hằng mong sẽ gặp được những thử thách lớn hơn tại A Sầu.

    Nhưng Tolson nhanh chóng nhận ra có khác biệt đáng kể giữa việc giao chiến với đối thủ trên vùng đồng bằng trống trải gần Huế với với việc tấn công không vận vào trung tâm 1 thung lũng mà địch đã có 4 năm để củng cố trận địa phòng thủ.

    Các toán thám sát đường không (aerial rifle team)của Tolson là những người đầu tiên phát hiện ra điều này. Ngày 14 tháng 4 năm 1968, họ đáp trực thăng Huey bay vào thung lũng trước thời điểm tấn công dự kiến 4 ngày nhằm định vị các vị trí phòng không của đối phương rồi gọi B-52, máy bay tiêm kích - bom, gunship (loại máy bayvận tảicánh cố định vũ trang nặng bằng súng máy, đại bác được thiết kế nhằm mục đích tấn công các mục tiêu trên mặt đất. ND) đến hủy diệt. Thế nhưng, vừa bay vào thung lũng, họ lập tức nhận ra mình mới chính là mục tiêu đã bị đánh dấu để tiêu diệt.

    Tình báo vốn đã dự đoán mức độ tập trung cao của hỏa lực phòng không địch trong thung lũng nhưng nó ko thấm gì so với những thứ mà các toán thám sát vấp phải. Hầu như trên tất cả các đỉnh núi 2 ở bên thung lũng đều có súng phòng không bảo vệ. Tuy phần lớn số này là thượng liên 12,7mm nhưng quân Bắc Việt cũng có rất nhiều pháo cao xạ 37mm nữa. Loại pháo 37mm có bánh xe với kíp pháo thủ gồm 7 người này có khả năng vít cổ máy bay phản lực hay máy bay trực thăng từ độ cao 7620m. Những chiếc trực thăng thám sát vừa bay vào thung lũng lập tức lọt ngay vào lưới lửa dày đặc đạn pháo và đại liên phòng không. Chẳng khó khăn gì lắm để phát hiện mục tiêu vì nhìn đâu cũng thấy chúng. Tuy nhiên muốn diệt được chúng thì chẳng phải là chuyện đơn giản. Trong suốt 6 ngày trời, họ xin máy bay B-52, tiêm kích - bom, và gunship không kích liên miên xuống các vị trí địch; cả thung lũng rung chuyển dưới cơn bão lửa của bom phá, napalm, và rocket. Máy bay B-52 đã thực hiện cả thảy 200 phi vụ, các máy bay chiến thuật của Không quân và TQLC thực hiện thêm 300 phi vụ nữa nhưng kết quả chỉ là số 0 tròn chĩnh. Hầu hết các vị trí địch do đều đào rất sâu vào lòng núi nên chẳng hề hấn gì mấy trước cả bom lẫn rocket. Số ít hỏa điểm bị diệt cũng nhanh chóng được địch thay thế.

    Tolson dự định cho chiến dịch Delaware tiến hành ngày 19/4/1968 với mũi tiến công của tiểu đoàn 1, lữ đoàn 3 xuống bãi đáp gần trại biệt kích VNCH bị bỏ hoang và sân bay A Lưới. Tuy nhiên đến những phút cuối ông đành hủy bỏ vì hỏa lực phòng không địch ở trung tâm thung lũng quá mãnh liệt. Ông phải chọn 1 bãi đáp mới nằm 2 bên con đường mà bộ đội Bắc Việt làm để nối phần bắc thung lũng với Lào. Dù đợt chở quân đầu tiên đáp xuống ven đường an toàn, nhưng những đợt tiếp sau lại được tiếp đón bằng hỏa lực phòng không rất dữ dội. Chỉ trong mấy giờ đồng hồ xạ thủ địch đã bắn rơi 10 chiếc trực thăng và làm hư hỏng nặng 23 chiếc khác.

    Tuy phần lớn tiểu đoàn 1, trung đoàn 7 Kỵ binh rồi cũng đổ bộ xong nhưng họ lại phải đối đầu với quá nhiều rắc rối trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Lệnh trên giao phải lập tức thiết lập 1 trận địa pháo để yểm trợ cho đòn đánh đến A Lưới nhưng thay vì thế họ lại bị hỏa lực địch bố trí từ mọi vị trí trên các đỉnh núi quanh đó ghìm chặt và phải gánh chịu thương vong lớn. Khắp chung quanh toàn là xác máy bay trực thăng cháy với cánh quạt xoắn thành nhiều hình dạng kỳ cục, kính chắn gió vỡ toang, trong khoang máu me bê bết.
    filber70, usadok, whyyouloveme9 người khác thích bài này.
  8. tinhha222

    tinhha222 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    31/01/2013
    Bài viết:
    1.067
    Đã được thích:
    1.394
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    --- Gộp bài viết: 31/01/2018, Bài cũ từ: 31/01/2018 ---
    [​IMG]
    A Sầu ảnh màu
    --- Gộp bài viết: 31/01/2018 ---
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    --- Gộp bài viết: 31/01/2018 ---
    Tư liệu của bọn nhảy dù:
    http://nhayduwdc.org/ls/qsnd/2016/26/qsnd_pb_26_mt68Ahau.pdf
    --- Gộp bài viết: 31/01/2018 ---
    Có gì không phải chủ thớt cứ xóa
    Bonmua, donkisot2711, huymaya4 người khác thích bài này.
  9. ngthi96

    ngthi96 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    10/07/2008
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    8.673
    Trong khi tiểu đoàn 1/7 cố chiến đấu chống lại quân thù có công sự trên cao nhìn xuống chỗ mình thì gần đấy, tại núi Cọp tiểu đoàn 5/7 cũng đang đổ xuống. Giống như tiểu đoàn 1, họ cũng phải tiếp đất dưới lằn đạn và rồi khi đã xuống đất lại phải gấp rút đào công sự để tránh cơn mưa đạn cối bắn sang từ các vị trí địch bên kia biên giới Lào.

    Sau chừng vài tiếng đồng hồ, tiểu đoàn 1 đã củng cố vị trí của mình đủ để lặp lại công tác thiết lập trận địa pháo. Công binh dùng cưa máy đốn cây ko ngơi nghỉ; bộ binh dùng dao rựa phát quang những đám tre và cỏ voi để tạo xạ trường. Khoảng 1 tiếng sau đó, đám trực thăng Chinook khổng lồ xuất hiện, mỗi chiếc móc dưới bụng 1 khẩu lựu pháo 105mm; những chiếc còn lại thì chở theo đạn và các pháo thủ. Pháo thủ rối rít đặt súng và sau đó mấy phút thì đã bắt đầu đáp trả các hỏa điểm địch trên núi. Đến lượt mình, bộ đội Bắc Việt ‘đáp lễ’ bằng 1 trận mưa đạn cối.

    Sáng hôm ấy cả tiểu đoàn 1/7 và tiểu đoàn 5/7 đều tổ chức tấn công. Tiểu đoàn 1 tiến về hướng đông nam tới sân bay A Lưới còn tiểu đoàn 5 thì theo đường lộ tiến đến biên giới Lào. Tiểu đoàn 1 vấp phải sự kháng cự khá quyết liệt. Cứ chốc chốc họ lại đụng độ với các toán nhỏ lính chặn hậu Bắc Việt. Các toán địch này cứ nã súng trường, súng máy vào đội hình quân Mỹ xong là tan biến vào rừng rậm. Cũng như mọi khi, lính bắn tỉa địch lại xuất hiện. Địch cứ ngồi trên những ngọn cây cao hàng chục thước, nấp trong hang hoặc sau mỏm đá mà tỉa lính Mỹ, hạ hết người này đến người khác bằng những phát đạn cực kỳ chính xác. Để giải quyết thương vong, hàng đàn trực thăng tải thương cứ hết bay vào lại bay ra thung lũng. Nhiều trực thăng tải thương chở đầy thương binh và xác lính này cũng đã chở thành nạn nhân sau khi bị bắn lộn cổ hoặc phải hạ cánh bắt buộc.

    Thêm vào những rắc rối trên, thời tiết cũng quay sang chống lại đám 'thiên binh' của Tolson. Sáng ngày 21/4, họ thức dậy dưới bầu trời mù mịt đến độ chẳng tài nào thấy được những đỉnh núi bên trên. Rồi sau đó vào ngày thứ 3 của chiến dịch thì mưa lại đổ xuống. Đây chẳng phải là những cơn mưa phùn ban chiều vẫn thường xảy ra thời gian này trong năm mà là những cơn giông lớn với sấm sét vang trời, nước trút xuống ào ào như thác đổ. Sau mấy ngày mưa thì đáy thung lũng trở thành 1 vũng lầy khiến cho mọi hoạt động đều diễn ra với tốc độ rùa bò.

    Để tiếp tế cho binh sĩ dưới đất, các phi công đã phải thực hiện các phi vụ khiến cho cả Tolson cũng phải thốt lên là 'kinh hoàng'. Trong lúc thung lũng hoàn toàn bị sương mù bao phủ, họ vừa tiếp đất vừa cất cánh chỉ dựa vào đồng hồ bay mình có. Thường thì các chuyến bay từ căn cứ Camp Evans đến thung lũng sẽ mất khoảng 20 phút nhưng nếu trời mưa, có sương mù thì đa số phi công sẽ phải tốn thời gian hơn gấp 4. Ngay cả khi có đồng hồ bay, nhiều phi công cũng đáp sai chỗ hay tệ hơn nữa là cứ bay lòng vòng trên thung lũng mà chả thể biết mình đang ở chỗ nào.

    Dù vậy, Kỵ binh bay cũng đạt được 1 số tiến triển. Từ bãi đáp ban đầu ở bắc thung lũng, lữ đoàn 3 tiếp tục nhận được đồ tiếp tế và các pháo thủ tại đây vẫn nã đạn pháo đều đều lên các vị trí địch trên các ngọn núi. Cùng lúc đó, tiểu đoàn 1 vẫn duy trì được mũi tiến công vượt qua bùn lầy ngập đến mắt cá chân tiến về A Lưới.

    Để mở rộng phạm vi chiến dịch, Tolson biết mình cần phải mang thêm vào nhiều và nhiều hơn nữa khí tài, đạn dược. Để làm được điều đó ông cần phải mở lại cho được sân bay A Lưới. Trực thăng chẳng thể nào cung cấp đủ tiếp liệu để cho lữ đoàn 3 giữ nổi thung lũng trừ phi ông có được các máy bay vận tải khổng lồ C130 của không quân.

    Đến khoảng ngày 21/4, trời tạnh mưa, mặt trời xuất hiện và ‘hong’ khô thung lũng. Tolson nhanh chóng tận dụng ngay dịp may. Thấy tiểu đoàn 1/7 cuối cùng cũng tiến được đến A Lưới, Tolson liền hạ lệnh cho họ kiến tạo 1 bãi đáp để cho tiểu đoàn 2, lữ đoàn 3 đổ quân. 2 tiểu đoàn hợp lực đánh đuổi 1 số đơn vị nhỏ địch quanh A Lưới và chiếm lấy sân bay. Các phân đội công binh cũng đến nsau đó mấy tiếng và làm việc cả ngày lẫn đêm cải tạo phi đạo cũ của Pháp để nó có thể tiếp nhận được máy bay vận tải.

    Sáng ngày 26 tháng 4 thì mọi việc xong xuôi và cuối cùng đến đầu giờ chiều thì các máy bay C130 chở theo hàng trăm tấn vật tư cần thiết để tiếp tục cuộc tiến công vào thung lũng đã bắt đầu đáp xuống. Tái tiếp tế xong, các đơn vị thuộc lữ đoàn 1 tổ chức nống ra phía tây và nam A Lưới. Đối phương rút lui trước bước tiến quân của họ và lính lữ 1 bắt đầu phát hiện ra những nơi giấu vũ khí, lương thực lớn. Họ tìm thấy ở 1 kho có tới 10 đại bác phòng không 37 ly cùng hàng trăm ngàn viên đạn; tại 1 chỗ khác thì thấy cả 1 đội xe tải nhỏ.

    Các đơn vị Kỵ binh bay khác cũng tham gia lùng sục khắp đáy thung lũng tuy nhiên địch trước mặt họ cũng đều rút lui; 1 số rút lên cao trên các ngọn núi còn số khác thì lui về hướng nam về Tà Bạt. Lính Kỵ binh bay đang mong mỏi những trận đánh lớn để có thể tận dụng lợi thế áp đảo về hỏa lực của mình nhưng dường như đối phương lại ko sẵn sáng đáp ứng cái điều ấy.

    2 - 3 ngày sau khi nống ra, trời lại mưa tiếp. Lần này bước tiến của bộ binh dưới đáy thung lũng lại bị những cơn mưa phùn lác đác làm chậm. Mưa cũng kéo theo trần mây thấp chỉ chừng 100m cùng màn sương mù đặc quánh. Xuyên được qua đám mây mù vốn đã khó khăn đối với trực thăng thì nay còn nguy hiểm hơn với những chiếc C130 chở lặc lè. Họ không như đám trực thăng có thể hạ đột ngột độ cao để xuyên mây mà phải chui xuống dưới rồi bay là là hàng dặm mới hạ cánh được. Trên quãng đường C130 hạ cánh, xạ thủ địch chỉ việc nhằm bắn tùy thích. Sau 2 ngày đường băng đi vào hoạt động đã có nhiều chiếc C130 chẳng những bị hư hại nặng mà còn suýt nữa thì bị bắn rơi khiến phải có lệnh tạm hoãn việc chuyển hàng đến A Lưới bằng đường không. Thế rồi việc này phải dừng lại hoàn toàn do mưa giông lại đổ tới.
    --- Gộp bài viết: 31/01/2018, Bài cũ từ: 31/01/2018 ---
    Ảnh chiến dịch Delaware của sư ! Kỵ binh bay năm 1968 do ND sưu tầm

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]'

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]
    xe tải và pháo 37mm của ta bị Mỹ thu được
    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]
    Lần cập nhật cuối: 31/01/2018
    filber70, usadok, Bonmua12 người khác thích bài này.
  10. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Khả năng kể chuyện của tác giả Mỹ cộng với sự dịch thuật, truyền tải tinh thần cuốn sách sang tiếng Viêt của ngthi đã lôi cuốn ngươi đọc một cách xuất sắc.....Cám ơn Ngthi nhé.....
    Bonmua, gaume1ngthi96 thích bài này.
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này