1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Paul Carell - Hitler mặt trận miền Đông

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi huytop, 30/10/2015.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    [​IMG]
    CÒN CHƯA ĐẦY 12 TIẾNG NỮA LÀ ĐẾN GIAO THỪA...CHÚC ĐẠI GIA ĐÌNH ĂN TẾT VUI VẺ NHÉ...NGÀY TET TỚ VẪN POST ĐỀU......ĐỂ CHO MỌI NGƯỜI VỪA UỐNG RƯỢU VỪA THƯỞNG THỨC.....
    caonam_vOz, tonkin2007, huymaya7 người khác thích bài này.
  2. viagraless

    viagraless Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    23/07/2004
    Bài viết:
    698
    Đã được thích:
    357
    Cảm ơn bạn rất nhiều, chúc bạn và gia đình năm mới nhiều sức khoẻ, an khang thịnh vượng
    meo-uhuytop thích bài này.
  3. tatpcit

    tatpcit Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    13/03/2007
    Bài viết:
    288
    Đã được thích:
    890
    Cảm ơn huytop. Chúc mừng năm mới bạn và tất cả anh em.
    huymaya, meo-u, huytop1 người khác thích bài này.
  4. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    [​IMG]
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2018
    --- Gộp bài viết: 16/02/2018, Bài cũ từ: 16/02/2018 ---
    [​IMG]
    THÊM CHÚT CÂU ĐỐ CHO VUI
    caonam_vOz, huymaya, meo-u2 người khác thích bài này.
  5. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927


    CHƯƠNG IV.


    GIAO CHIẾN TẠI PHÒNG TUYẾN WOTAN





    Chiếc xe lăn của Tolbukhins hướng về Melitopol – 30 lần Người Nga tấn công ; 30 lần họ bị đẩy lùi – Tập đoàn quân VI Đức chỉ còn lại 25 xe tăng – Quân đoàn chiến đấu để thoát ra – Một Tập đoàn quân được cứu – Nhưng Crime bị cắt đứt…



    Zaporozhye không phải là một chiến thắng ngoạn mục cho người Nga. Không hề có tổn thất lớn dành cho người Đức được công bố trên các bản Thông báo tình hình chiến sự. Tuy nhiên, nó có thể là một trong những chiến thắng quan trọng và sâu rộng nhất Hồng quân Liên xô trên vùng Dnieper năm 1943. Cuốn Lịch sử cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã ghi nhận : "Với việc giải phóng Thành phố Zaporozhye, tình hình chiến sự tại miền Nam Ukraine đã có sự thay đổi lớn về căn bản. Đó là sự đánh giá đúng đắn. Giờ đây, cánh tay người Nga có thể vươn tới vùng hạ lưu Dnieper, tới cửa sông Dnieper và các hướng tiếp cận đến bán đảo Crimea. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Đại bản doanh Sô-viết tối cao đã không ngần ngại mở một cuộc tấn công toàn diện vào Tập đoàn quân VI của người Đức.

    Không có một đội quân nào trên thế giới có thể duy trì sức mạnh chiến đấu liên tục trong hàng năm trời với những cuộc rút lui bị tiêu hao cũng như các chiến dịch phòng thủ hết sức khốc liệt, mà không có nhiều lực lượng tiếp viện hoặc không được cung cấp đầy đủ vũ khí, đạn dược. Sự chênh lệch về số lượng có thể thấy khác biệt rõ ràng tại vùng hạ lưu sông Dnieper so với mọi nơi. Sáu Tập đoàn Sô viết chỉ phải đối mặt với 1 Tập đoàn quân duy nhất của người Đức. Quân số dưới quyền Đại tướng Hollidt chỉ bao gồm 11 sư đoàn rưỡi của Đức cùng với 2 Sư đoàn Rumani – lực lượng này đã bị bào mòn trong nhiều tháng chiến đấu phòng vệ cũng như bị tiêu hao trong các cuộc rút lui chiến lược.

    Các Sư đoàn thuộc Quân đoàn XXIX đã kịp thời rút lui trở lại phòng tuyến Wotan. Trong quá trình thoát khỏi tình thế khó khăn này, Trung đoàn Vệ binh 55 thuộc Sư đoàn Bộ binh 17 đã tiêu diệt được 40 chiếc T-34 trong vòng 3 ngày. Nhưng ngay cả những lực lượng dũng cảm nhất cũng không thể đứng vững một cách lâu dài và đẩy lùi các cuộc tấn công của 6 Tập đoàn quân Liên sô trên một khu vực thảo nguyên mà không hề có bất cứ một sự yểm trợ, bảo vệ nào. Bắt đầu từ tháng Mười năm 1943, Hồng quân tấn công vào Phòng tuyến Wotan với một lực lượng hùng hậu lên tới 45 Sư đoàn Bộ binh, 2 Quân đoàn Cơ giới hóa cùng với 3 Quân đoàn Xe-tăng cũng như 2 Quân đoàn kỵ binh….

    800 chiếc xe tăng quân Nga đang di chuyển. 400 khẩu pháo hạng nặng và 200 dàn súng cối hỗ trợ cho tấn công. Tập đoàn quân VI (Đức) đang quay cuồng trước đòn tấn công này. Hai Sư đoàn Panzer kết hợp với 3 Tiểu đoàn Pháo tự hành đang cố gắng để chống đỡ trước một đòn tấn công mang sức mạnh kinh hồn của người Nga. Họ chỉ có vẻn vẹn 181 xe tăng và pháo tự hành trong tay.

    Các trung đoàn yếu ớt thuộc các sư đoàn Bộ binh đang phải ra sức đào công sự trên những mảnh đất khô cằn thuộc Thảo nguyên Nogay. Những người lính Vệ binh, Khinh binh Sơn cước cùng với những người lính thuộc Sư đoàn Không quân dã chiến biết rất rõ điều gì đang đe dọa. Họ phải giữ bằng được khu vực rộng lớn hình tam giác với 3 đỉnh là Zaporozhye, biển Azov, và cửa sông Dnieper. Bằng không, Tập đoàn quân XVII bị bao vây và vùng bán đảo Crimea sẽ bị người Nga giải phóng.

    Nhưng làm sao họ có thể đạt được mục tiêu của họ trong vùng thảo nguyên bí ẩn này? Không hềcó những con lộ trải nhựa đường cứng cáp, chỉ có những con đường đất cũng như đường mòn dành riêng cho người đi bộ từ khu vực Dnieper tới mặt trận, xuyên qua một vùng bao la, rộng lớn thuộc Thảo nguyên Nogay. Giờ đây, luôn xảy ra những cơn bão cát mùa thu đã cuốn phăng tất cả đất cát bằng toàn bộ sức mạnh của nó. Giữa các vị trí đang đóng quân của người Đức và bờ biển không hề có một dòng sông nào tồn tại để họ có thể đào được các công sự chiến đấu bảo vệ ở 2 bên bờ, cũng như không hề có một ngọn đồi, ngọn núi cao để giúp họ tạo nên các ổ đề kháng để bám chắc và và cầm cự trước sức mạnh tấn công ghê gớm của quân thù. Pháo binh của người Đức cứ đứng trơ khấc phơi bày lộ thiên trên mặt đất bằng phẳng. Không có cây hay bụi cây nào có thể che giấu họ được trước sự quan sát của những người lính trinh sát hoặc các đài quan sát của người Nga.

    Phòng tuyến Wotan vốn được tán dương, ca tụng rất nhiều trên thực tế chỉ là một dải hào chống tăng được thiết lập khẩn cấp, được bảo vệ bởi các công sự, chiến hào cùng với các lực lượng bộ binh Đức chạy dọc bên rìa của thảo nguyên Nogay. Chỉ có các bờ thượng lưu thuộc con suối Molechnaya mới là một trở ngại tự nhiên thực sự khiêm tốn. Đây chính là một đấu trường mà sau đấy, số phận của bán đảo Crimea và Rumania đã được quyết định.
    ..............................
  6. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Trong hai tuần, từ ngày 27 tháng Chín đến ngày 8 tháng Mười, Tập đoàn quân VI ra sức xây dựng và củng cố tại phòng tuyến. Rồi cũng sẽ đến lúc thử thách khả năng phòng thủ của họ. Lúc 10.00 sáng ngày 9 tháng Mười, hoàn toàn trái với thông lệ trước đó, Tolbukhin mở màn trận chiến vĩ đại. Bắt đầu với màn hỏa lực pháo binh như mở ra những địa ngục chết chóc dành cho người Đức trong suốt một tiếng đồng hồ. Trong thời gian này, tổng cộng Hồng quân đã dội xuống đầu Tập đoàn quân VI tới 15.000 quả đạn pháo trong một dải đất chỉ rộng có 9 dặm vuông. Trung bình mỗi mét đất thì đón nhận một quả đạn pháo. Sau đó đến lượt bộ binh Sô-viết bắt đầu xông lên. Họ rất tự tin về chiến thắng, vai kề vai cùng hét lớn:"Urrah!". Sau màn hỏa lực pháo binh chết chóc dành cho các trận địa kẻ thù, bất kỳ người lính Nga nào cũng tin chắc rằng sẽ không hề có một cuộc chống trả nào từ phía những người lính phòng vệ Đức – nhưng tại chính những nơi này, họ đã gặp một cú sốc khủng khiếp. Hướng về thảo = nguyên, có những khẩu đại liên đã cày nát cả một đội hình tấn công của người Nga. Những khẩu lựu pháo dã chiến thi nhau nã trả vào quân Sô-viết. Hỏa tiễn Nebelwerfer liên tục rú rít trên bầu trời. Các Trung đoàn xung kích của Tolbukhin bị sụp đổ. Họ buộc phải rút lui. Sau đó họ tiếp tục tiến lên. Rồi họ lại bị người Đức đẩy lùi. Ngày chủ nhật sau đó, người Nga lại lì lợm xông lên phía trước. Một lần nữa vào thứ hai, thứ ba, thứ tư. Rồi ngày nào cũng như thế. Liên tiếp trong 2 tuần lễ.....

    “Mục tiêu là tiêu diệt Tập đoàn quân VI của bọn phát-xít. Lúc đó thì cánh cửa vào bán đảo Crimea sẽ mở toang trước mặt chúng ta..!” – Cứ mỗi buổi sáng, Đại tướng Tolbukhin lại thuyết trình cho những tướng lĩnh Sô-viết dưới quyền thuộc Phương diện quân Ukraina IV (Tên mới của Phương diện quân Nam từ ngày 20/10/1943) như vậy. Ông ta còn tuyên bố : "Mục tiêu là sự quyết định cao nhất cho kết quả chiến tranh, đó là lý do biện minh cho bất kỳ sự hy sinh nào."

    Trận chiến ác liệt bùng nổ xung quanh thành phốMelitopol trên cánh phía nam thuộc tuyến phòng thủ Wotan. Trên chiến trường la liệt xác chết của những người lính Hồng quân. Quân đoàn Xe-tăng Sô-viết XI đã tổn thất hàng trăm chiếc T-34. Tập đoàn quân VI của Hollidt phải ra sức chiến đấu để xua tan những bóng ma của Stalingrad - vì Tolbukhin đã nghĩ đến việc hốt trọn các Sư đoàn của Hollidt là chính là diệt hết mọi di sản của Stalingrad trên dòng sông Donest

    Cuộc chiến ở Melitopol không hề kém cạnh với Stalingrad về sự dã man, tàn bạo… ( Sự thực Tập đoàn quân VI mới của Đức của Hollidt là được thành lập lại sau trận chiến Stalingrad để thay thế cho Tập đoàn quân VI cũ của Paulus đã bị tiêu diệt hoàn toàn vào tháng Hai năm 1943. Một điều rất quan trọng là bộ khung sĩ quan thuộc Tập đoàn quân VI mới này là những sĩ quan đã di tản kịp thời theo mệnh lệnh đặc biệt của Hitler trong những thời khắc cuối cùng khi vòng vây Stalingrad được khép lại – ND)…

    Bogdanovka, Oktyabrskoye Pole, Akimovka, Danilo-Ivanovka, và các vườn cây thuộc phía nam Melitopol là tên của các chiến trường ít được biết đến trong lịch sử chiến tranh so với các trận chiến liên quan đến bi kịch Stalingrad - tuy nhiên chúng lại nằm trong số những địa danh đẫm máu nhất trong những năm tháng cuối cùng của mặt trận miền Đông. Riêng tại khu vực Oktyabr - Skoye Pole, 30 lần quân Nga xông lên và cả 30 lần họ đều bị đánh bật về vị trí ban đầu.

    Đó là những ngày tồi tệ nhất cho những lính khinh binh thuộc Sư đoàn 3 Sơn cước, cho các lính Vệ binh thuộc 2 Sư đoàn Bộ binh 258 và 17 cũng như cho các người lính dưới quyền của Thiếu tá von Gaza trong thành phần nhóm chiến đấu đặc nhiệm thuộc Sư đoàn Panzer 13. Hồng quân đã mất tới 62 xe tăng trong những cuộc đụng độ quan trọng tại khu vực này.

    Các Trung đoàn Đức đang chiến đấu trong các vườn cây thuộc phía nam Melitopol cũng đạt được những thành công tương tự. Nhiều người lính Đức đã từng tham dự những trận giao tranh giữa khu vực Zaporozhye và biển Azov vào thời điểm đó thì sẽ không nhớ số lượng các Sư đoàn Đức đã chiến đấu ở đây. Nhưng dấu hiệu chiến thuật thì họ không bao giờ quên được. Và khi những người lính nhìn lên các tấm biển báo , họ sẽ biết rằng có thể dựa vào bên trái hay bên phải họ - đó là Sư đoàn Bộ binh 79 với cây thập giá vùng Lorraine ; viên kim cương trắng, biểu tượng cho Sư đoàn Bộ binh 111; ngôi sao chín cánh dành cho Sư đoàn Bộ binh 9 Hessian ; còn Sư đoàn Bộ binh 336 Westphalian với chiếc đầu chó cũng như cái lưỡi lê trên nòng súng củaSư đoàn Bộ binh 17 Franconian….

    Trên cánh phía bắc, những chiếc xe tăng của Sư đoàn Panzer 17, kết hợp cùng với lực lượng Vệ binh thuộc Sư đoàn Khinh binh 101 và Sư đoàn Bộ binh 302, cũng đang lao vào các cuộc chiến đấu rất khốc liệt. Tiểu đoàn Trinh sát Thiết giáp 13 dưới sự chỉ huy của Đại úy Schütz đã phải ra sức bảo vệ hai bên sườn đang bị lộ thiên với những người lính lái mô-tô cũng như các phân đội trinh sát thiết giáp. Họ là những đơn vị chiến đấu hết sức dũng cảm và có kỷ luật rất cao cho đến tận giây phút cuối cùng. Tuy nhiên, các trận chiến thuộc phía đông hạ lưu Dnieper đã vô vọng với Đại tướng Hollidt ngay từ lúc đầu bởi vì lý do rất đơn giản : làm sao có thể cầm cự lâu dài với chiến thuật biển người được trang bị các loại vũ khí tối hậu của người Nga….
    Lần cập nhật cuối: 17/02/2018
  7. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Melitopol đã thất thủ trong ngày 23 tháng Mười năm 1943. Điều đó đã dành cho người Nga một cơ hội để xộc thẳng theo hướng nam về phía bán đảo Crimea. Đại tướng Nga Tolbukhin đã tung tất cả những gì mình có trong tay để dành cho một bước đột phá quyết định. Ông ta ném ngay 3 Quân đoàn Bộ binh đang sung sức vào mặt trận. Riêng về xe tăng, ông ta tập trung một quả đấm thiết giáp gồm tới 400 chiếc tại điểm đột phá khẩu. Ngày 24 tháng Mười, ông ta mở một cuộc đột kích ồ ạt vào phòng tuyến của Quân đoàn XLIV (44) tại phía tây nam Melitopol với sáu Sư đoàn Bộ binh cùng với hai làn sóng xe tăng. Các ổ đề kháng của những người lính Vệ binh Đức đã bị người Nga đập tan ngay trên những hố chiến đấu cá nhân của họ. Những đơn vị mới được thành lập một cách vội vàng cũng những khẩu pháo tự hành đã ra sức chiến đấu để chống lại những đòn tấn công dữ dội của người Nga. Tolbukhin cũng mất tới 94 xe tăng và cuộc tấn công buộc phải tạm thời đình chỉ. Đó là những ngày tàn bạo nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh.

    Giờ đây những thử thách nặng nề đến với Cụm Panzer của von Hake. Với những chiếc xe tăng, pháo tự hành, lực lượng Bộ binh tùng thiết trên các xe thiết giáp thuộc Sư đoàn Panzer 13, Đại tá von Hake đã biến mình thành những chiến lũy để ngăn chặn các đòn tiến công của quân Sô-viết. Đó cũng ngày dành cho các Trung đoàn Pháo binh 336 và 370 cũng như Tiểu đoàn Thợ săn tăng hạng nặng 93, họ đã đứng vững tại các vị trí phòng thủ và chiến đấu tới khi sức cùng lực kiệt. Đầu tiên họ chống lại bằng pháo binh kết hợp với các khẩu pháo tự hành, sau dần dà đến súng tiểu liên, lưỡi lê, dụng cụ đào hào và cuối cùng là những trái lựu đạn. Họ đã chiến đấu cho đến những người lính cuối cùng.

    Vào buổi trưa ngày 27 tháng Mười, Sư đoàn Bộ binh 73 đã báo cáo họ chỉ còn có vẻn vẹn 170 người – tức là 1/100 sức mạnh trên danh nghĩa của một Sư đoàn. Cũng nên nói lại là Sư đoàn này mới gia nhập vào Tập đoàn quân VI trong ngày 4 tháng Mười năm 1943.

    Sư đoàn Bộ binh số 111 chỉ còn lại có 200 người có thể chiến đấu được. Các thiết bị vũ khí hạng nặng trực thuộc Sư đoàn và Quân đoàn đã bị thiệt hại tới 60%. Toàn bộ Tập đoàn quân VI chỉ còn có vẻn vẹn 25 xe tăng và pháo tự hành có thể hoạt động. Sự thực, các cơ sở kỹ thuật sửa chữa của họ đã làm việc suốt ngày đêm để phục hồi thêm càng nhanh càng tốt các xe tăng và thiết bị vũ khí hạng nặng khác, kể cả trong quá trình rút lui nhưng tổn thất đến với họ là quá lớn. Người Nga cũng đã phải chịu thương vong khủng khiếp và mất đi hàng trăm xe tăng. Tuy nhiên, ở mọi nơi và mọi lúc, người Nga luôn có hơn một Tiểu đoàn, Trung đoàn hoặc một Quân đoàn khi đối mặt với Hollidt. Theo các nguồn tin từ phía Liên Xô, họ có một sự vượt trội gấp 10 lần ở mỗi thời điểm xảy ra trận chiến. Do vậy, các lực lượng thiết giáp dưới quyền của Trung tướng Sô-viết Kreyzer – Tư lệnh Tập đoàn quân LV (55) đã gặt hái được thành công trong việc đột kích theo hướng bắc cánh phải thuộc vùng trách nhiệm của Sư đoàn Bộ binh 73 Franconian tại khu vực Melitopol và mở ra một lỗ thủng rộng tới 9 dặm trên phòng tuyến quân Đức.

    Đại tướng Hollidt đã không còn có lực lượng dự trữ nào trong tay để nhanh chóng bịt được lỗ thủng nguy hiểm này. Giống như một con đập bị vỡ, các cạnh của nó càng ngày càng mở rộng ra. Các Sư đoàn Tolbukhin tràn vào như nước vỡ bờ. Phía bên cánh phải Tập đoàn quân LV (55) Sô-viết và Quân đoàn tăng XIX là Tập đoàn quân Cận vệ II dưới sự chỉ huy của Trung tướng Zakharov đã ném vào đó một Quân đoàn cơ giới cực mạnh, đè bẹp tất cả các nhóm chiến đấu nhỏ bé của quân Đức còn bị kẹt lại tại các vị trí chiến đấu và nhanh chóng mở rộng chiều rộng của lỗ thủng lên tới 28 dặm.

    Một thảm họa ‘vỡ đập’ khủng khiếp sẽ xảy ra? Phần lớn Tập đoàn quân VI ’mới’ của người Đức – mới được xây dựng lại sau bi kịch Stalingrad đã bị quét sạch trơn một lần nữa, lần này trong Thảo nguyên Nogay đầy gió và cát ? Không thể bịt được lỗ thủng trên phòng tuyến rộng tới 28 dặm. Tập đoàn quân VI bị cắt rời thành hai mảnh – mảnh yếu hơn ở phía nam và một nhóm ở phía bắc, cả hai nhóm đều chống trả một cách tuyệt vọng trong tình trạng bị người Nga bao vây…

    Tại phía nam, Quân đoàn XLIV (44) của tướng Angelis đã phải đối mặt với một tình huống hết sức khó khăn. Một lực lượng Hồng quân có khả năng vượt trội đang đứng trước mặt và phía sau hậu phương của họ. Khoảng cách giữa Quân đoàn và vùng hạ lưu sông Dnieper được ngăn cách bằng một sa mạc rộng tới 30 dặm và không có lấy một giọt nước.
    --- Gộp bài viết: 18/02/2018, Bài cũ từ: 18/02/2018 ---
    [​IMG]
    BẢN ĐỒ SỐ 41 : CUỘC CHIẾN TẠI VÙNG HẠ LƯU SÔNG DNIEPER DẪN ĐẾN VIỆC CẮT ĐỨT BÁN ĐẢO CRIMEA VỚI ĐẤT LIỀN. KHU VỰC NIKOPOL ĐƯỢC COI LÀ MỘT BÀN ĐẠP NHẰM KHÔI PHỤC LẠI MỐI LIÊN KẾT ĐÓ TRONG TƯƠNG LAI..…
    caonam_vOz, tonkin2007, gaume19 người khác thích bài này.
  8. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Nhưng bây giờ, những người lính Đức cho thấy tinh thần chiến đấu thực sự của họ. Sư đoàn Sơn cước số4 của Thiếu tướng Braun đã tỏ ra vững chắc như mỗi chiến lũy bằng gỗ nặng thời xưa để bảo vệ cho sự rút lui của Quân đoàn. Một nhóm thiết giáp nhỏ bé của Trung đoàn Panzer 13 dưới sự chỉ huy của Đại tá von Hake đã tăng cường vào nhóm xung kích chiến đấu thêm vài chiếc xe tăng nhưng vẫn bảo vệ được khu vực bên sườn của các Sư đoàn.

    Chiến đấu quên mình là tất cả những gì họ dành cho phòng tuyến Dnieper. Ngay tại phía nam của họ, Cụm xung kích Becker với Sư đoàn Bộ binh số 370, tàn quân Sư đoàn Bộ binh 336, và các trung đoàn của Rumanian vừa chiến đấu để thoát phía tây trước sự truy kích của kẻ thù. Tập đoàn quân Sô-viết LV (55) đang đua tốc độ theo hướng nam cùng một lúc bị hai nhóm xung kích Đức đánh tạt vào sườn.

    Trong lúc này, Tập đoàn quân Cận vệ II Sô-viết đã lao thẳng theo hướng tây và đang mở tốc độ lao đến cửa sông Dnieper. Nhưng đòn thọc sâu nguy hiểm này của người Nga đã bị đẩy bật trở lại. Vào đầu tháng 11 năm 1943, Cụm xung kích Becker, Sư đoàn Panzer 13 và đám tàn quân thuộc các Trung đoàn Rumania đã về tới các chốt đánh chặn của Sư đoàn Sơn cước số 4. Họ đã vượt qua sông Dnieper tại thành phốKherson bằng phà hoặc bằng cầu phao dã chiến.

    Thế là Quân đoàn XLIV (44) Đức đã được cứu thoát. Ngoài ra, có tới 15.000 xe cơ giới, một số lượng lớn những xe ngựa vận tải cũng như các loại vũ khí hạng nặng đã được di tản kịp thời. Cuộc đột kích lớn nhất của Hồng quân cũng như những nỗ lực truy đuổi người Đức đã không đạt được mục tiêu đề ra như mọi người hằng mong đợi. Tập đoàn quân VI Đức đã kịp thời tạm rút về các vị trí trên dải phòng thủ mới giữa Crimea và Nikopol, và tất cả mọi lính Đức đều sẵn sàng lao vào những trận chiến cũng như thiết lập một khu vực mặt trận mới bên dòng sông Dnieper.

    Nhưng - đây là một điều quan trọng nhất - những con đường tiếp cận tới bán đảo Crimea, vốn đang thống trị trong sự suy nghĩ của Hitler và các quyết định của Bộ Tư lệnh Lục quân (OKH) suốt vài tháng qua, đã bị rơi vào tay Hồng quân. Bán đảo Crimea, nơi mà Tập đoàn quân XVII Đức vẫn còn đang đóng chốt tại đó, giờ đây đã bị cắt đứt từ tất cả các thông tin, đầu mối liên lạc với đất liền. Lại một tấn bi kịch khủng khiếp sẽ được bắt đầu. Đã hết thời gian dành cho những nỗ lực rút lui của Tập đoàn quân XVII Đức.

    Sự phát triển tình hình theo chiều hướng đi xuống của cụm quân Hollidt ở phía nam cũng có nghĩa là người Nga có thời gian chi phối với sự hoạt động của hai quân đoàn Đức tại nhóm phía bắc. Điều này chứng minh một điều không thể nào khôi phục được mối liên hệ với đất liền đã bị người Nga cắt đứt theo các hướng tiếp cận từ phía bắc của bán đảo Crimea. Thậm chí OKH (Bộ Tư lệnh Lục quân Đức) cũng phải từ bỏ ý định này. Các Quân đoàn thuộc nhóm phía bắc của Tập đoàn quân VI đã buộc phải quay trở lại trận địa của họ.

    Những chỉ dẫn dành cho họ giờ đây là cấp tốc thiết lập một bàn đạp đổ bộ rộng lớn tại bờ nam (hữu ngạn) sông Dnieper, ngay trước mặt thành phố Nikopol, để bảo vệ các mỏ quặng mangan quan trọng. Nhưng đó chỉ là một nửa mục tiêu. Trong tâm trí của Hitler, ông ta còn muốn nhiều hơn thế…

    Nửa mục tiêu còn lại cũng quan trọng không kém các khu mỏ mangan – đó là hy vọng tổ chức ngay tức khắc một đòn tấn công từ mấu lồi Nikopol, hướng về các đường tiếp cận với Crimea, do đó cắt ngang qua các lực lượng Sô-viết mạnh mẽ đã tiến tới cửa sông Dnieper, để khôi phục một hành lang tiếp tế với Tập đoàn quân XVII đang bị “cô lập” tại bán đảo Crimea .

    Đó là một kế hoạch tốt trên giấy tờ. Nhưng ý tưởng không phải là vấn đềchiến lược tốt, chỉ là một sự ước muốn chứ không hề dựa trên tình hình thực tế. Tuy nhiên, vài tuần tới người Đức đã tạo ra được cảm hứng từ niềm hy vọng đó…..

    ..................................
    caonam_vOz, tonkin2007, gaume16 người khác thích bài này.
  9. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927




    CHƯƠNG V. PHÍA TÂY NIKOPOL





    Quân Tình nguyện Kalmyks chống lại du kích – Chiến dịch "Xin lỗi các bà" dành cho Cụm quân Schörner – Những Cận vệ của Chuykov muốn giành chiến thắng – Giáp lá cà – Bão tuyết tại Maryinskoye - 16 feet rơm ngăn cách chiến tranh và hòa bình – 16 Sư đoàn chỉ còn quân số được cứu thoát - Túi vây Nikopol bị xé nát….




    Vào đầu tháng Hai năm 1944, tại một thị trấn nhỏ thuộc Hạ Bavaria, cha mẹ của người lính Sơn cước Gerhard Ertl đã nhận được bức thư từ đài quan sát dã chiến, nơi người con trai họ đang chiến đấu. Trong bức thư, Gerhard Ertl đã viết :”Cha mẹ có biết thành phố Nikopol cách Munich bao nhiêu dặm đường không ? 1.055 dặm …Con biết điều này từ một tín hiệu mà bạn pháo thủ của con đưa ra tại một vị trí đóng quân của họ !”..

    Địa điểm Nikopol cách Munich về phía đông 1055 dặm. Để tiện so sánh, chúng ta lấy Thánh địa Tôn giáo nổi tiếng của Ý tại Monte Cassino, vốn được xuất hiện ngay sau đó trong các thông cáo quân sự của Đức hết ngày này qua ngày khác, đã ở gần hơn rất nhiều. Khoảng cách từ Mu-nich đến Monte Cassino - miền Trung nước Ý - chỉ có 440 dặm, nơi đây những người lính Vệ binh và lính dù Đức từ tháng Hai năm 1944 đang ra sức chống trả những người lính Mỹ với mục đích ngăn ngừa, không cho phép họ vượt qua dãy núi Alpine.....

    Nói một cách nghiêm túc, dưới chế độ kiểm duyệt khắt khe trong quân đội Đức, thư từ cá nhân của Gerhard Ertl không được phép đề cập vị trí của đơn vị anh ta đang triển khai chiến đấu tại đầu cầu Nikopol. Hoặc là Ban kiểm duyệt sẽ dùng mực xóa đi. Nhưng từ đầu năm 1944 trở đi, công việc kiểm duyệt có vẻ chểnh mảng hơn. Không những thế, cha mẹ của Ertl đã biết vị trí đóng quân của anh ta từ một người đồng đội bị thương, và những lời nhận xét của anh bạn đồng ngũ chính là một câu trả lời cho những nghi vấn của mẹ anh ta.

    Khó có thể ngạc nhiên khi các bà mẹ ở Munich, Vienna, Düsseldorf, Schwerin, Königsberg, Breslau, cũng như Dresden đều quan tâm đến Nikopol. Tất cả mọi người dân ở Đức đều biết tên của Thành phố ni-ken Sô-viết trên sông Dnieper vào những ngày đầu tiên thuộc năm 1944. Chỉ ngay trong tuần đầu tiên của tháng Giêng, hầu như các bản Thông cáo về tình hình chiến sự từ Bộ Tư lệnh tối cao Đức đều bắt đầu với giòng chữ : ”Tại đầu cầu Nikopol ..."

    Vào tháng Hai năm 1944, từ ngữ đã thay đổi với một sắc thái đáng kể. Các tin tức trong bản Thông cáo của Bộ Tư lệnh Tối cao Đức thường được bắt đầu như sau:

    Ngày 4 tháng Hai : "Ngày hôm qua, trong khu vực Nikopol…..”

    Ngày 5 tháng Hai
    : "Trong các trận đánh tại Nikopol, Liên Xô đã tăng cường ..."

    Ngày 6 tháng Hai
    : "Tại khu vực Nikopol các sư đoàn của chúng ta vẫn tiếp tục ..."

    Ngày 7 tháng Hai
    : "Trong khu vực Nikopol, kẻ thù tiếp tục tấn công với lực lượng mạnh mẽ ..."

    Ngày 9 tháng Hai :
    "Chiến đấu với tinh thần mẫu mực, những người lính của chúng ta trong các trận chiến phòng thủ tại Nikopol đã đẩy lùi ..."

    Vào ngày 10 tháng Hai : "Tại Mặt trận miền Đông, mọi cố gắng của kẻ thù nhằm thâm nhập vào phía tây Nikopol lại gặp thất bại ...”

    Và cuối cùng vào ngày 11 tháng Hai : "Một lần nữa, những người lính của chúng ta trên Mặt trận miền Đông đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công mạnh mẽ của quân Sô-viết tại phía tây Nikopol và nam Krivoy Rog.."

    Sau đó, trong vòng bảy ngày, cái tên Nikopol dần dần biến mất khỏi các bản Thông cáo về tình hình chiến sự. Đã có sự im lặng về đầu cầu đổ bộ trên khu vực Dnieper. Điều gì đó đang bị bưng bít?...

    Vào buổi sáng ngày 15 tháng Hai, một trận bão tuyết khủng khiếp bùng phát tại hạ lưu sông Dnieper. Nhiệt kế nhanh chóng chỉ ở mức 15 độ âm. Những cơn gió băng lạnh cắt da cắt thịt và bóng tối được tạo ra bởi một lượng tuyết khổng lồ che phủ kín mặt đất đã tạo lên màn kết của tấm bi kịch tại Nikopol.

    Các vị trí thuộc khu vực đầu cầu đổ bộ nằm ở phía nam Dnieper đã lọt vào tay Hồng quân trong vòng 2 tuần lễ. Trên thực tế, người Nga đã không thành công trong việc phá vỡ các ổ đề kháng của người Đức. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng thủ khốc liệt thuộc phía nam con sông Dnieper, Sư đoàn Panzer 24 đến từ Đông Phổ đã đạt được thành công cứu vãn được mọi tình huống nguy kịch bằng những cú giáng trả mạnh mẽ đến từ các nhóm thiết giáp xung kích. Sư đoàn đã phá huỷ 290 xe tăng địch, 130 khẩu pháo chống tăng, 60 khẩu pháo cỡ lớn, 31 súng cối, và bắn rơi 25 máy bay cũng như bắt được 800 tù binh. Số thương vong của chính họ là 500 người, trong đó có một sĩ quan xuất sắc, Đại úy Georg Michael, một người đến từ Hamburg, đã được ân thưởng Lá Sồi (Oak Leaves)…

    Nhưng mọi sự dũng cảm cá nhân không thể quyết định kết quả của một trận chiến. Hồng quân đã tung vào phía bắc Tập đoàn quân Cận vệ VIII với thành phần bao gồm 9 Sư đoàn Bộ binh kết hợp với một số Lữ đoàn thiết giáp ồ ạt lao vào những lỗ thủng trên phòng tuyến do Sư đoàn Vệ binh Panzer 16 phụ trách ở hậu phương đầu cầu Nikopol. Điều này đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện tình hình chiến sự tại Nikopol trong những ngày cuối cùng của tháng Giêng năm 1944.....

    ............................
    caonam_vOz, huymaya, tonkin20077 người khác thích bài này.
  10. huytop

    huytop Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    16/11/2014
    Bài viết:
    1.406
    Đã được thích:
    5.927
    Người chỉ huy của quân đội Đức tại khu vực đầu cầu là Tướng Sơn cước Ferdinand Schörner. Ở đây Hitler đã ủy quyền một vị trí nguy hiểm dành cho một người đàn ông rất thích hợp trong việc hoàn thành nhiệm vụ kiểu này. Năm 1942, Schörner vẫn chỉ huy Sư Đoàn Sơn cước Austrian mà chúng ta đã từng đề cập đến tại khu vực Murmansk; chức vụ tiếp theo của ông là Tư lệnh Quân đoàn Sơn cước XIX trên Mặt trận Bắc cực. Kể từ tháng Mười năm 1943, ông ta giữ vị trí Tư lệnh Quân đoàn Panzer XL (40) đầy kinh nghiệm, kết hợp với đội ngũ sĩ quan tại Sở chỉ huy đổi tên thành Cụm Schörner hoặc gọi là Cụm tác chiến độc lập Nikopol. Tại đây, ông ta đã bắt đầu tiến hành công việc bảo vệ khu vực đầu cầu từ ngày 25 tháng 11. Mọi tướng lĩnh tham mưu đều hiểu rõ những khó khăn đang chờ đợi vị Tư lệnh chiến trường phải giải quyết.

    Schörner là một vị tướng có tiếng tăm về sự dũng cảm, dẻo dai và sự quyết tâm rất lớn, là vị tướng có kỹ năng chiến thuật tuyệt vời cũng như có một niềm tin sắt đá. Không hề có từ sợ hãi ẩn chứa trong con người ông ta. Ở Thế chiến thứ nhất, với tư cách là một Trung úy trẻ tuổi đang phục vụ trong Trung đoàn Bộ binh Bavarian trực thuộc Quân đoàn Alpine Đức, ông đã tấn công Pháo đài trên núi Monte Kolowrat cùng với Rommel cũng như Tiểu đoàn Sơn cước Württemberg của anh để rồi nắm quyền kiểm soát ngọn đồi 1.114 xa hơn phía sau mặt trận Isonzo bị chọc thủng .

    Ngày 24 tháng Mười năm 1917, để vinh danh thành tích này, ông được trao Huân chương cao quý nhất dành cho sự dũng cảm của Quân đội Hoàng gia – Huân chương Thập tự xanh hoặc gọi cách khác là Huân chương Quân công (Pour le Merite). Còn Rommel, với những người lính khinh binh Württemberg của mình thuộc Trung đoàn Bộ binh Bavarian đã mở một cuộc tấn công trực diện vào vùng núi Monte Matajur cách đó 30 dặm về phía đông bắc. Chính vì thành tích này nên Rommel cũng được ân thưởng Huân chương Thập tự xanh (Pour le Merite) trong một quyết định vào ngày 27 tháng Mười. Thế là 2 viên Trung úy trẻ tuổi táo bạo, liều lĩnh, không hề biết sợ hãi là gì trong năm 1917 dần dần trở thành những vị chỉ huy nổi bật nhất trong Thế chiến thứ hai.


    Tướng Schorner đã tổ chức việc bảo vệ đầu cầu Nikopol chống lại một kẻ thù vượt trội với một sức mạnh cũng như sự thận trọng vốn có trong con người ông ta. Đó là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Chiều dài của mấu lồi trong khu vực này lên tới 75 dặm. Chiều sâu thì lại không nhiều. Chỉ từ 6-9 dặm sau tuyến phòng thủ chính là dòng sông Dnieper có chiều rộng từ 650 đến 1300 thước Anh. Hơn nữa, trong vùng đất trũng và đầm lầy Plavna thì rất rộng lớn. Đã thế lại còn đầy rẫy các lực lượng du kích Sô-viết. Những lực lượng này ẩn nấp sâu trong đầm lầy mà người Đức không thể tiếp cận nổi sẽ là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đe dọa đến phòng tuyến người Đức và cho chính cả bản thân Thượng sĩ Willi Lilienthal. Người đàn ông xuất thân từ Hamburg đến đây vào cuối tháng 11 cùng với Thiếu tá Abushinov trong lực lượng tình nguyện viên Kalmyk. Cùng đi với Abushinov có 5 đội kỵ binh bao gồm 1.200 tình nguyện viên đã tự nguyện rời bỏ những ngôi nhà bằng đất, có mái vòm thân yêu của họ tại thảo nguyên Kalmyk. Họ chính là những kẻ thù của người Nga đã đứng trong hàng ngũ người Đức kể từ mùa hè năm 1942. Họ cùng với vợ và gia đình đã xa những vùng đất rộng lớn bao bọc xung quanh Elista để rút về phía tây cùng với Sư đoàn Vệ binh Panzer 16 Đức. Không có những người thám báo, thợ săn nào làm tốt hơn họ trong việc truy lùng đội ngũ du kích. Họ đã khống chế được những người du kích (Francs-tireurs) thuộc vùng đầm lầy Plavna trong tầm kiểm soát của mình.

    Có hai Quân đoàn XXIX và IV được đặt trong sự điều hành chung của Quân đoàn Panzer XL (40) đã chiến đấu ở đây từ những ngày đầu tiên tạm thời được đặt tên là Cụm Schörner. Tổng cộng có 9 Sư đoàn Bộ binh, cộng với Sư đoàn Panzer 24 là đơn vị dự trữ chiến thuật duy nhất của ông. Sau đó, Cụm Schörner được tăng cường thêm Quân đoàn XVII của Tướng Kreysing. Vị Tham mưu trưởng khôn ngoan, sắc sảo của Schörner - Đại tá von Kahlden – đã trở thành một người bạn đồng hành lý tưởng cho người chỉ huy cứng rắn và kiên quyết. Tướng Schörner thường tuân theo quyết định của Hitler để bảo vệ khu vực phòng tuyến mặt trận thuộc mấu lồi Nikopol cho dù tình hình có khó khăn đến đâu. Nhưng khi Tập đoàn quân Cận vệ VIII của Tướng Sô-viết Chuykov trong ngày 31 tháng Giêng và ngày 1 tháng Hai đã phát động đòn vu hồi chết người từ hướng bắc xộc thẳng vào khu vực hậu phương thuộc đầu cầu Nikopol, Schörner không hề do dự, lưỡng lự tại thời điểm đó hoặc chờ đợi bất kỳ quyết định nào đưa ra từ Führer. Chiến dịch "Xin lỗi các bà" đã được đưa ra ngay tức thời. Đó là vào ngày 2 tháng Hai và có nghĩa là, trái với tất cả mệnh lệnh từ Hang sói (Wolfsschanze), các vị trí đề kháng bên kia sông Dnieper buộc phải di tản. Các lực lượng thuộc Cụm Tập đoàn quân Nam (Đức) cố gắng vượt qua sông bằng những cây cầu phao đầy nghẹt những người rút lui tại Nikopol và Lepetikha để rồi sau đó thiết lập ngay các vị trí để chống lại Quân đoàn Cơ giới Cận vệ IV cũng như các lực lượng khác thuộc Tập đoàn quân Cận vệ VIII Sô-viết đang ào ạt từ hướng bắc đổ xuống.

    ...........................
    caonam_vOz, meo-u, huymaya7 người khác thích bài này.

Chia sẻ trang này