1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Watershed 1967 - India’s Forgotten Victory Over China

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi vuthanhbinh1993, 23/09/2022.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    Chiến tranh, ở nghĩa hẹp nhất, là xung đột giữa hai quốc gia mà trong đó cả hai đều sử dụng các lực lượng vật chất để tiếm đoạt một mục tiêu chính trị cụ thể. Tuy nhiên, ở bất kỳ mức độ nào, hình thức nào, thì định nghĩa chiến tranh luôn phải phụ thuộc vào định nghĩa chính trị của mỗi bên tham chiến. Nếu tiếp cận định nghĩa chiến tranh theo cách hiểu này, thì chiến tranh không phải là một hành vi bạo lực để buộc đối phương phục tùng ý chí của mình. Nó có thể là một hình thức bạo lực chính trị nhằm thiết lập sự ổn định trong một khoảng thời gian nhất định để củng cố và bồi đắp sức mạnh tổng thể cũng như mở ra một phương hướng mới hoặc đem lại một lựa chọn mới trong chiến lược phát triển quốc gia.

    Chiến tranh không phải là hành động mở đầu cũng không phải là hành động kết thúc cho một tiến trình phát triển, mà là một ngả rẽ, một bước ngoặt trong việc lựa chọn chiến lược hoặc có thể là một xác quyết tính đúng đắn của định hướng phát triển. Thắng hoặc thua trong một cuộc chiến tranh như vậy không quan trọng về mặt chính trị, ở tổng thể. Tuy nhiên, chiến thắng trong một trận chiến khẳng định phẩm giá của quân nhân, đặc biệt nếu như chiến thắng đó tạo ra bước ngoặt chiến lược trong tổng thể cạnh tranh giữa các quốc gia.

    Sau 1945, chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc không chỉ xảy ra một lần. Cạnh tranh nước lớn là bản chất các cuộc xung đột giữa hai quốc gia liền kề này. Chúng ta thường nghe nói về chiến tranh Ấn-Trung năm 1962, nhưng thực chất xung đột biên giới giữa hai nước này luôn âm ỉ như một hòn than nóng chỉ chờ gió hoặc một chút củi vụn là sẽ bùng lên rực rỡ. Với các lợi thế của mình, Trung Quốc luôn ở cửa trên so với Ấn Độ. Dù vậy, hơn 50 năm qua, về tổng thể, biên giới giữa hai nước luôn trong tình trạng hòa bình. Vì sao lại như vậy? Watershed 1967 - India’s Forgotten Victory Over China, một cuốn sách 200 trang của một cựu sỹ quan Ấn Độ, có lẽ, sẽ đưa ra một phần nào đó của một câu trả lời thỏa đáng.

    Em chưa đọc hết cuốn sách này nhưng biết chắc chắn rằng đây là một cuốn sách hay, phù hợp cho các sỹ quan cấp trung đoàn trở xuống và cũng là một cuốn sách thích hợp cho những ai muốn chỉ huy các tướng lĩnh (như em). Động lực thôi thúc em làm việc này là em đang tạm rảnh, thứ hai là em còn mắc một món nợ với Vệ phủ cho cuốn sách lịch sử WW2 của Canada, nên coi việc làm này như một sự chuộc lại lời năm nào xa ngái. Mod @macay cứ pin up cái thớt này lên coi như một lời nhắc nhở em hăng say làm việc, thứ nữa cũng là để em không chây ì, hay ngần ngại mỗi khi nhìn thấy nó. Mỗi ngày 2-3 trang chắc cũng không có gì là khó. Thank mod.
    --- Gộp bài viết: 23/09/2022, Bài cũ từ: 23/09/2022 ---
    [​IMG]
    Rains2009, viagraless, ngthi961 người khác thích bài này.
  2. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    LỜI GIỚI THIỆU

    Ấn Độ và Trung Quốc là những láng giềng có nhiều điểm chung. Đất đai rộng lớn, những thành phố chật ních và dân cư đông đúc. Một phần ba dân số trái đất sống ở hai quốc gia này, các sự kiện lịch sử của hàng trăm năm xâm lấn, áp bức bạo tàn, nạn đói và, dĩ nhiên rồi, đạo Phật và Đạt Lai Lạt Ma. Họ cũng chia sẻ những khác biệt có tính quyết định: những khác biệt về ý thức hệ (một bên là chuyên chính cộng sản và một bên là nền dân chủ) và lựa chọn bạn bè cũng là một sự khác biệt (Pakistan, bất chấp mọi thay đổi, là bạn với một bên và là kẻ thù địch với một bên khác). Sáu mươi năm qua, phần lớn lịch sử của họ xoay quanh cuộc chiến khốc liệt trên dãy Himalaya.

    Cuộc chiến năm 1962, mà Trung Quốc giành chiến thắng, là một sự kiện có ý nghĩa trong mối quan hệ giữa hai nước và là một hồi ức nhức nhối nhạy cảm đối với người Ấn Độ. Thất bại buồn thảm đó đã giáng một đòn tàn khốc vào niềm kiêu hãnh của một nền văn minh lâu đời vĩ đại và một đất nước vừa mới được độc lập trước đó mười lăm năm. Ảnh hưởng của thất bại đó vẫn còn đọng lại trong suy nghĩ của người Ấn Độ về những nguy cơ đối kháng với Trung Quốc.
    Lần cập nhật cuối: 23/09/2022
    Rains2009viagraless thích bài này.
  3. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    Nhưng phần lớn mọi người không nhớ đến một sự kiện có ý nghĩa tương tự đã diễn ra năm năm sau cuộc chiến 1962. Năm 1967, Ấn Độ và Trung Quốc lại lao vào một trận chiến trên hai ngọn đèo trên dãy Himalaya có tên là Cho Na và Nathu La nằm ở biên giới giữa Trung quốc và bang Sikkim (Ấn Độ). Cuốn sách này kể lại câu chuyện về chiến thắng lạ thường nhưng đã bị lãng quên của người Ấn Độ trước Trung Quốc

    Câu chuyện được chia làm ba phần. Khởi đầu ở Phần 1, ba năm sau cuộc chiến tranh Ấn Độ - Trung Quốc năm 1962. Thời điểm đó, giới lãnh đạo Ấn Độ vẫn đang khôi phục lại nhuệ khí đã bị tổn thương của mình. Sau thất bại 1962, Ấn Độ bắt đầu sở hữu vũ khí và trang thiết bị, chưa kể đến việc gia tăng số lượng các sư đoàn nhằm củng cố khả năng phòng thủ. Những phát triển nhanh chóng như vậy đã thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo Pakistan, họ tin rằng một Ấn Độ được chuẩn bị và trang bị tốt hơn sẽ khó bị áp đảo trong tương lai. Một liên minh chống Ấn Độ đã được ký kết giữa Pakistan và Trung Quốc, phù hợp với cả hai nước. Đối với Pakistan, vấn đề Kashmir chưa được giải quyết là động lực để dồn ép Ấn Độ khi nước này kiệt sức, trong khi đó Trung Quốc đồng minh tự nhiên như Pakistan, dựa vào mối thù hận lịch sử giữa Ấn Độ và Pakistan, có thể được sử dụng để tham gia một cuộc chiến tranh ủy nhiệm thích hợp nhằm củng hố hơn nữa thêm ưu thế vượt trội của nó trước Ấn Độ. Năm 1965, hai điểm rất dễ tổn thương - Kashmir ở phía bắc và Sikkim ở phía đông - tạo cơ hội cho Trung Quốc và Pakistan kéo dài hoạt động triển khai quân sự của Ấn Độ ở cả hai bên sườn và phá hủy khả năng phòng thủ của nước này. Trên cả hai mặt trận đều tồn tại những hành lang địa lý hẹp mà nước nào đánh chiếm được chúng đều có thể chia cắt được Ấn Độ.

    Cuốn sách bắt đầu bằng một câu chuyện về âm mưu quốc tế và một kế hoạch hợp lực xảo quyệt được ấp ủ bởi Pakistan và Trung Quốc nhằm tấn công Ấn Độ vào năm 1965. Kế hoạch đầy mưu mẹo này đã được chia sẻ một cách khôn ngoan với một chính trị gia nổi tiếng người Kashmir để cố gắng giành được sự ủng hộ của địa phương cho một cuộc tấn công của Pakistan chống lại Ấn Độ. Thời điểm đó, các điệp viên Mỹ và CIA, nhận thức được khúc quanh của các sự kiện, đã để mắt đến một cuộc chiến tiềm tàng liên quan đến ba nước - Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan.

    [​IMG]
    Rains2009viagraless thích bài này.
  4. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    Rốt cuộc, tháng 8 năm 1965 chiến tranh cũng đã nổ ra giữa Ấn Độ và Pakistan. Pakistan sử dụng cách kết hợp những phương pháp tiếp cận bí mật và thông thường để tiến hành chiến tranh ở Kashmir và sau đó là ở Punjab, trong khi Trung Quốc đe dọa nhà nước Sikkim được Ấn Độ bảo hộ, khi đó nằm dưới sự kiểm soát của chế độ quân chủ. Kế hoạch là đoạt lấy Kashmir và chiếm đóng Sikkim, sau đó buộc Ấn Độ ngồi xuống thương lượng trao đổi giữa hai quốc gia. Nhưng màn trình diễn thành công của Ấn Độ trong cuộc chiến chống Pakistan năm 1965 đã chặn đứng các kế hoạch của Trung Quốc và Pakistan. Tuy nhiên, mối đe dọa Trung Quốc ở biên giới phía đông vẫn chưa được giải quyết. Chiến tranh kết thúc với việc Ấn Độ giành được lợi thế trước Pakistan nhưng cũng dẫn đến sự hiện diện thường xuyên của Trung Quốc ở biên giới Sikkim. Sân khấu được thiết lập để Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu tại Sikkim.

    Phần thứ hai của cuốn sách kể lại các sự kiện từ cuối cuộc chiến năm 1965 và dẫn đến các trận chiến lịch sử năm 1967. Hoàng gia Sikkim muốn Sikkim trở thành một quốc gia độc lập, gây nhiều khó chịu cho chính phủ New Delhi. Và Trung Quốc đã không ngừng cố gắng bắt nạt và hăm dọa Ấn Độ. Giai đoạn này, giữa New Delhi và Bắc Kinh thường xuyên xảy ra các vấn đề tranh chấp như tranh chấp lãnh thổ Doklam của Bhutan, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các phong trào nổi dậy ở Ấn Độ, bao gồm cả phong trào Naxal mới ở Bengal. Đây là những năm mà mọi thứ liên tục sôi sục: thường xuyên có các cuộc giao tranh ở biên giới Sikkim và Trung Quốc, thậm chí vụ bắt giữ hai nhà ngoại giao Ấn Độ ở Bắc Kinh và sự ngược đãi ăn miếng trả miếng các nhà ngoại giao Trung Quốc ở New Delhi. Atal Bihari Vajpayee thậm chí còn dẫn một đàn cừu đến cổng đại sứ quán Trung Quốc ở Delhi để phản đối sự hiếu chiến của Bắc Kinh.

    Quan hệ Ấn – Trung đang ở trên một con dốc trơn trượt. Tháng 9 năm 1967, quân đội hai nước đã đụng độ tại Nathu La xung quanh việc đặt hàng rào thép gai để đánh dấu biên giới Sikkim-Trung Quốc. Trận chiến kéo dài vài ngày. Dưới sự lãnh đạo của Trung tướng Sagat Singh, các sĩ quan và binh lính trẻ của Ấn Độ đã đánh bại quân Trung Quốc tại Nathu La. Nhiều người thiệt mạng ở cả hai phía nhưng cuối cùng Ấn Độ đã trả được nỗi nhục năm 1962. Xấu hổ và rối loạn căng thẳng sau sang chấn, người Trung Quốc lại giao chiến với Ấn Độ mười lăm ngày sau trong một trận chiến khác tại Cho La, trong cùng khu vực. Một lần nữa, các lực lượng của Sagat đã chứng tỏ được nhiều hơn cả việc thực hiện một nhiệm vụ khó khăn. Trung Quốc lại bị đánh bại và lần này, gánh nặng tâm lý khi thảm bại hai trận liên tiếp trong vòng một tháng rơi xuống người Trung Quốc.
    Rains2009viagraless thích bài này.
  5. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    Phần thứ ba của cuốn sách thăm dò hậu quả chiến lược của các chiến thắng tại Nathu La và Cho La. Chiến thắng năm 1967 và quyết định táo bạo của Sagat Singh vào thời điểm đó là chiếm lĩnh đường biên giới tại Nathu La, phớt lờ sự đe dọa của Trung Quốc và thậm chí bất chấp mệnh lệnh của cấp trên của ông, đóng vai trò quyết định trong việc Trung Quốc không tham gia tích cực vào cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan 1971. Điểm yếu ở Hành lang Siliguri, dải đất mỏng nối phần đông bắc Ấn Độ với phần còn lại của đất nước này và là nơi Trung Quốc có thể dễ dàng tiến vào nếu họ thắng trận Nathu La, không thể cảm nhận được nhiều hơn trong suốt cuộc chiến năm 1971. Nếu Trung Quốc có quyền kiểm soát Nathu La thì họ có thể dễ dàng kết nối với các lực lượng Đông Pakistan và cắt đứt cánh phía đông của Ấn Độ với phần còn lại. Nhưng những chiến thắng trong các trận chiến 1967 đã ngăn chặn sự can thiệp của Trung Quốc vào Hành lang Siliguri năm 1971 – và là một điều gì đó đã cứu Ấn Độ thoát khỏi một thảm họa rõ ràng.

    Những chiến thắng có tính bước ngoặt của Ấn Độ không được ghi nhận như là những ngả rẽ trong lịch sử và đã giúp định hình cách tiếp cận của Ấn Độ trước các xung đột sau này với Trung Quốc. Những trận chiến này xác định khuôn mẫu quân sự cho các hành động hung hăng của Ấn Độ ở thế đối đầu, chẳng hạn như ở Sumdorong Chu năm 1986 và Doklam năm 2017. Năm mươi năm sau những trận chiến này, Trung Quốc và Ấn Độ chưa bao giờ xảy ra chiến tranh. Có nhiều lý do quan trọng nhưng không thể đánh giá thấp vai trò của các trận chiến năm 1967 khi tạo ra một hình mẫu trong đối đầu quân sự.

    Hai chiến thắng ở Cho La và Nathu La chỉ được theo dõi qua các mảnh thông tin báo chí và các bài nói chuyện. Cuốn sách này, dựa trên các cuộc phỏng vấn sâu rộng với những quân nhân có mặt tại hiện trường, ghi lại sự kiện một cách trung thực và nhằm mục đích sửa chữa điểm mù trong lịch sử. Điều này quan trọng đối với cá nhân tôi, một cựu sĩ quan quân đội.

    Ngày nay, Nathu La là một điểm thu hút khách du lịch nhộn nhịp trên biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. Hàng nghìn du khách đổ về biên giới nơi lính gác Ấn Độ và Trung Quốc đứng đối diện nhau. Những câu chuyện về sự hy sinh của những người lính trên dãy núi Himalaya nhằm khôi phục lòng tự tôn của một quốc gia và mở ra một kỷ nguyên hòa bình là không có gì có thể so sánh. Câu chuyện về chiến thắng đã bị lãng quên của Ấn Độ trước Trung Quốc.

    Đèo Nathu La ngày nay

    [​IMG]
    Rains2009oanh89 thích bài này.
  6. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    Lời bình dành cho LỜI GIỚI THIỆU

    Thông tin về tác giả của cuốn sách này, Probal Dasgupta, không nhiều. Chúng ta chỉ có thể biết sơ lược rằng ông ta là một cựu sĩ quan Ấn Độ, từng phục vụ dăm năm trong Trung đoàn Gorkha danh tiếng với thành phần binh sỹ chủ yếu thuộc sắc dân thiểu số Gorkha. Sau khi giải ngũ, Probal Dasgupta tham gia vào nghề viết với không nhiều các bài bình luận (sắc sảo) về quan hệ quốc tế, quan hệ quân sự quốc tế… và có lẽ Watershed 1967 là tác phẩm đầu tay của ông ta, dù vậy đây là một tác phẩm thu hút được sự chú ý của nhiều người ở các lĩnh vực liên quan đến lịch sử quân sự với các review, đánh giá tích cực. Vì thế, cuốn sách này cũng có thể là bước đệm để Dasgupta trở thành khách mời của đại học Columbia, New York (Mỹ).

    Bỏ qua cách sử dụng các cụm từ có từ đồng nghĩa khá khó chịu, có lẽ là đặc trưng của ngôn ngữ Anh-Ấn, bố cục cho LỜI GIỚI THIỆU là chuẩn mực, nội dung rõ ràng và sự thẳng thắn mang tác phong của người đã qua quân đội khẳng định rõ ràng chính đề của cuốn sách cũng như tham vọng ‘sửa chữa điểm mù trong lịch sử’ của tác giả. Chỉ chừng đó thôi cũng đã đủ khơi gợi tính hiếu kỳ của bất cứ ai quan tâm đến các vấn đề trong lịch sử quân sự. Tuy nhiên, bất kỳ tham vọng nào cũng luôn tiềm ẩn rủi ro của thành kiến, ngay cả khi Probal Dasgupta quả quyết rằng cuốn sách của ông chỉ là cố gắng mô tả các sự kiện. Phương pháp quy nạp, tổng hợp các dữ kiện rút ra kết luận để chứng minh chính đề, là cách thức thông dụng của giới sử học và vì vậy nó không thể tránh khỏi những thiếu sót cố hữu của phương pháp này – đó là thiếu sót các dữ kiện (lớn hoặc nhỏ) quan trọng, khiến cho bức tranh mà tác giả vẽ ra chắc chắn sẽ có những điểm mà ở đó những gam mầu bị lệch lạc hoặc sai trong toàn cảnh. Thêm một điểm nữa. Tác giả thực hiện cuốn sách này bởi một sự thôi thúc nội tâm như ông ta đã thú nhận. Điều này không có gì là sai trái hoặc mâu thuẫn với các sự kiện lịch sử mà tác giả trình bày, nhưng nó khiến cho người đọc sẽ không thể suy luận theo kiểu bắt bẻ, vạch lá tìm sâu, từ các câu chữ của tác giả, mà buộc phải so sánh và đối chiếu các sự kiện từ các nguồn khác. Đó là khó khăn cho người đọc.

    Như đã nói, Watershed 1967 là một tác phẩm thu hút được sự chú ý của nhiều người và được các cơ quan truyền thông lớn của Ấn Độ đánh giá và đăng tải. ‘Làm sáng tỏ những sự thật ít được biết đến… Những nét mờ ảo của những mưu đồ được tấu lên giống như những nước đi trên bàn cờ vua… tạo cho cuốn sách của Probal DasGupta trở nên quan trọng đối với bất kỳ ai theo dõi sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc’, trong các trích đoạn ngợi ca cuốn sách, nhận xét của Husain Haqqani, cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ được đặt ở dưới cùng là nhận xét gây tò mò nhất. Hy vọng là chúng ta sẽ không thất vọng.
    Rains2009, viagralessngthi96 thích bài này.
  7. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    PHẦN I

    CON ĐƯỜNG ĐẾN NĂM 1967

    1

    Những mánh khóe bí mật: Điệp viên, Binh lính và Chiến thuật Khai cuộc

    Đó là ngày đầu tiên của tháng 10 năm 1967. Debi Prasad và đồng đội đang giao tranh ác liệt với quân Trung Quốc tại đèo Cho La trên biên giới Sikkim - Trung Quốc. Thét lên tiếng xung trận ‘Jai Maa Kali, Ayo Gorkhali’,[1] chàng trai trẻ người Gorkha biến thành một con hổ giận dữ, lao về phía những người lính Trung Quốc được vũ trang đầy đủ. Trong nháy mắt, anh rút ra con dao khukri [2] chết chóc, nâng nó lên trời và hạ xuống giết tươi một xạ thủ súng máy hạng nhẹ Trung Quốc trước khi ngón trỏ của hắn kịp bóp cò.

    Debi di chuyển nhanh như chớp khi quăng quật, đung đưa và chém giết, để mặc cho lưỡi dao găm truyền thống sáng bóng nhấp nhô tấn công trong một trận chiến tay đôi đáng sợ. Anh ta băng phá qua tuyến phòng thủ đầu tiên của Trung Quốc, cắt phăng 5 cái đầu trong khi những người lính ngã xuống xung quanh anh ta. Sức mạnh trong các vị trí tiền tiêu của kẻ thù không đủ để ngăn cản chàng trai trẻ thấp bé nhưng mãnh liệt này. Vào thời điểm một viên đạn tuyệt vọng hạ gục anh ta, Debi Prasad đã phá hủy hoàn toàn bức tường phòng thủ được tán dương rất nhiều của Trung Quốc.

    Lưỡi dao khukri của Debi tiếp tục ám ảnh người Trung Quốc. Lòng quả cảm của anh hướng Ấn Độ tới một chiến thắng rõ ràng, một kết quả sẽ thay đổi vĩnh viễn mối quan hệ Ấn - Trung.

    Tuy nhiên, mầm mống các trận chiến giữa Ấn Độ với Trung Quốc trong năm 1967 đã được gieo rắc hai năm trước đó, vào năm 1965, khi các dấu hiệu của một mưu đồ nham hiểm bắt đầu lộ ra, xa xăm, mơ hồ.

    Nữ thần Kali trong thần thoại Hindu
    [​IMG]

    _________________

    Jeddah, thành phố cảng cổ xưa của Saudi Arabia, nằm bên bờ Hồng Hải, là cánh cửa mở ra thế giới thương mại và là điểm dừng chân của những người hành hương. Kể từ thế kỷ 7 sau Công nguyên, nó là một cảng biển chính cho các tuyến đường thương mại trên Ấn Độ Dương. Khung cảnh của Nghìn lẻ một đêm Ả rập, Jeddah là vùng đất của những bí ẩn và bí mật.

    Thời điểm nào đó đầu năm 1965, Duane Ramsdell Clarridge bay đến Jeddah từ Washington DC để gặp một người đàn ông đã hứa với anh về một bí mật nguy hiểm. Duane biết rằng đây có thể là một chuyến đi ngốc nghếch và vô ích. Anh không lạ gì với những thất vọng. Tuy nhiên, Duane đã ở đó, trên con đường không thể đoán trước.

    Trong khi chờ đợi nguồn tin của mình, Duane hy vọng nó sẽ xứng đáng với chuyến bay dài. Rốt cuộc, đây là đỉnh điểm của một cuộc đuổi bắt đã bắt đầu cách đây vài năm khi anh sống ở Ấn Độ. Cuối cùng thì nguồn tin cũng xuất hiện và tiết lộ bí mật, Duane run lên vì sợ hãi. Anh biết một chút rằng điều này sẽ trở thành một điểm quyết định trong lịch sử.

    Với người cha làm nghề nha sĩ, Duane lớn lên trong một gia đình cộng hòa trung thành ở Nashua, New Hampshire. Một người hàng xóm đã đặt biệt danh cho anh là Dewey, theo tên của Thomas E. Dewey, thống đốc New York, người trong năm 1944 đã tranh cử tổng thống chống lại Franklin D. Roosevelt. Đẹp trai và có tài ăn nói, anh theo học Đại học Brown và sau đó là Trường Quốc tế và Công cộng Columbia trước khi gia nhập CIA vào năm 1955 với hy vọng có cơ hội chống lại những người cộng sản. Thay vì như vậy, anh tự nhận ra mình đang đi du lịch ở Ấn Độ, nơi phần lớn thời gian của anh được dành cho giao lưu, chơi polo ở Delhi và chuyên tâm với những người cung cấp thông tin ở Madras.

    Sau khi đã phát triển tính kiên trì và bản năng nhạy bén trong việc thu thập thông tin tình báo, Dewey để mắt đến Sheikh Abdullah, một chính trị gia lôi cuốn nhưng gây tranh cãi. Chính phủ ở New Delhi, do Jawaharlal Nehru đứng đầu, xem ông ta như một người bất đồng chính kiến, một kẻ nổi loạn ở Kashmir. Năm 1948, Abdullah đã trở thành thủ tướng của bang Jammu và Kashmir (J&K). Năm 1953, ông bị phế truất và bị cầm tù mà không một lời buộc tội nào được đưa ra. Ông được trả tự do một thời gian ngắn vào năm 1958 nhưng bị bắt lại, lần này với tội danh là đặc vụ Pakistan. Cuối cùng khi được phóng thích vào ngày 8 tháng 4 năm 1964, Abdullah được chào đón bởi đám đông hơn hai mươi nghìn người và đó là lúc Dewey hoàn toàn chú ý đến ông ta. Abdullah mảnh mai và đẹp như một pho tượng với sức hấp dẫn lôi cuốn của một nhà lãnh đạo cộng đồng được yêu mến. Mỗi khi cười, ông ta đều để lộ một bộ răng to bất thường. Đồng thời, ông ta vừa ấm áp vừa bốc đồng, là kiểu nguồn tin mà CIA thích nuôi dưỡng. Sau khi ra tù, ông ta rời đến Paris. Cuối năm đó, Dewey thấy mình đang đi bộ xuống một con đường tồi tàn ở tả ngạn Paris, từ đó đưa anh đến khách sạn sang trọng nơi Abdullah đang ở.

    ____________________

    [1] ‘Hỡi Nữ thần Kali, đây là người Gorkha”. Trong thần thoại Hindu, Nữ thần Kali biểu trưng cho Giận dữ, Dũng cảm, Sức mạnh và Bất khả chiến bại. Vì vậy, người lính sắc tộc Gorkha kêu tên nữ thần trong chiến đấu để thể hiện sự tôn kính đối với thần thánh đầy quyền năng và đón nhận lời chúc phúc của nữ thần Kali giúp họ trên chiến trường. Không rõ tiếng thét xung trận này có tính thuộc linh hay không, nhưng người Gorkha tin chắc rằng nó mang lại lòng dũng cảm to lớn trong chiến đấu. (ND)

    [2] Khukri: một con dao thép cong với một cạnh sắc như dao cạo được người Gurkha sử dụng trong chiến đấu; có ý nghĩa văn hóa và tôn giáo ở Nepal. (ND)

    Dao Khukri của người Gorkha

    [​IMG]
    Lần cập nhật cuối: 24/09/2022
    Rains2009, oanh89, viagraless2 người khác thích bài này.
  8. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    Tôi là người của chính phủ Hoa Kỳ. Tôi muốn đến gặp và nói chuyện với ngài’, qua điện thoại ở quầy lễ tân anh đã giới thiệu mình như vậy. Ngay sau đó, một Dewey lo lắng và ngập ngừng vội vã đi lên cầu thang ọp ẹp của khách sạn để cuối cùng đối mặt với Abdullah. Thật không may, cuộc gặp gỡ đã hóa thành một câu chuyện nhạt nhẽo và kết thúc với việc Abdullah hứa sẽ gặp lại với những thông tin quan trọng, lần này là ở Jeddah.

    Dewey chắc chắn rằng đây không phải là sự theo đuổi vô ích, vì anh cảm thấy Abdullah không phải là một gã bình thường – rất có khả năng rằng hắn đang nằm trong bí mật quốc tế lớn.

    Sau khi được trả tự do, Abdullah đi đến nhiều nước và những nhận xét của ông ta về Kashmir đã khuấy động nên một cuộc tranh cãi. Một bài báo ông viết ủng hộ quyền tự quyết cho Kashmir trên một tạp chí Mỹ đã thu hút được sự đồng tình có chừng mực từ Pakistan và những lời chỉ trích từ Ấn Độ. Những hành động như vậy đặt ông ta vào hệ thống dò tìm của chính quyền Trung Quốc và Pakistan. Nuôi dưỡng một nhà lãnh đạo Kashmir bất đồng chính kiến có được sự ủng hộ của quần chúng mà Ấn Độ đang phải dè chừng nằm trong lợi trong lợi ích của họ.

    Vài tháng sau cuộc gặp Dewey ở Paris, Abdullah đến Algiers vào tháng 2 năm 1965 để tham dự Hội nghị Á Phi lần thứ hai, nơi đó ông ta gặp Thủ tướng Trung Quốc Zhou Enlai (Chu Ân Lai – ND). Zhou, một chính trị gia thận trọng, đã tiết lộ một kế hoạch mà Pakistan và Trung Quốc đang ngấm ngầm cùng nhau thực hiện. Cùng trong năm đó, khi Abdullah đang ở Haj, nhiều gián điệp Pakistan đã tiếp cận ông ta và xác nhận tin tức. Họ tìm kiếm phản ứng của ông đối với âm mưu tấn công Ấn Độ của Pakistan và Trung Quốc. Phản ứng của Abdullah được cho là thuận lợi, điều này sẽ đảm bảo với giới lãnh đạo Pakistan rằng hành động quân sự của quân đội nước này chống lại Ấn Độ ở Kashmir sẽ được người dân địa phương ủng hộ.

    Tin tức được Dewey chuyển về trung tâm đầu não CIA từ Jeddah gây ra sự náo động mạnh: Pakistan sẽ tấn công Kashmir vào cuối mùa hè năm 1965. Các chi tiết mà anh ta cung cấp khá thấu đáo: Các đơn vị du kích Pakistan sẽ âm thầm xâm nhập Kashmir và kích động một cuộc nổi dậy của dân chúng. Kashmir sẽ bùng cháy và trong khi chính quyền Ấn Độ bị cầm chân ở đó, quân đội chính quy của Pakistan sẽ phát động một cuộc tấn công quy ước trên toàn tuyến. Mục đích là cắt rời Kashmir ra khỏi phần còn lại của Ấn Độ. Sau khi chiếm đóng bang này, Pakistan sẽ buộc Ấn Độ từ bỏ Kashmir. Hỗ trợ họ về mặt quân sự trong kế hoạch này là Trung Quốc.

    Trong khi tin tức đó khiến Dewey sởn tóc gáy, thì phản hồi từ Langley lại thấp đến cực điểm. Niềm phấn khích của một điệp viên trẻ tuổi, đầy tham vọng đã bị chế ngự bởi sự lãnh đạm thản nhiên như thường lệ, ở vẻ bề ngoài. Chắc chắn về thông tin của anh ta, nhưng Dewey vẫn còn tương đối mới ở CIA và bị hăm dọa bởi một chuỗi chỉ huy. CIA đã nghi ngờ rằng có một dàn xếp quân sự đang diễn ra giữa Trung Quốc và Pakistan, có thể bao gồm một kế hoạch tấn công Ấn Độ. Thông tin của Dewey đã xác thực điều này và cũng tiết lộ rằng một cuộc tấn công du kích sẽ xảy ra trước cuộc chiến tranh thông thường, đó là tin tức cho CIA.
    Lần cập nhật cuối: 24/09/2022
    Rains2009, viagralesskuyomukotoho thích bài này.
  9. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    __________​

    Các buổi sáng tháng Hai tại Viện Phân tích Quốc phòng – một think-tank do chính phủ hỗ trợ ở Arlington, Virginia (Hoa Kỳ) - thường chậm rãi và thư thái. Tuy nhiên, vào một buổi sáng thứ Năm tháng 2 năm 1965, Viện này đột nhiên bận rộn một cách bất thường, với một nhóm các học giả, nhà phân tích và nhà khoa học chính trị đi lang thang thơ thẩn. Họ được tập hợp lại để tham dự một cuộc mô phỏng xung đột quốc tế tiềm tàng giữa các quốc gia sẽ được giải quyết bằng hòa bình hoặc bằng chiến tranh. Họ gọi đó là trò chơi khủng hoảng. Trước đó, viện này đã tái tạo lại những xung đột quá khứ giữa các đối thủ để đánh giá kết quả của các tình huống giả định. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 khiến Mỹ và Liên Xô tiến gần đến chiến tranh đã giúp hình thành nên trò chơi khủng hoảng nghiêm trọng tại Arlington. Ngày đó, vấn đề được đưa ra là một xung đột tiềm tàng ở Nam Á, trọng tâm là ba tay chơi - Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Họ thử nghiệm các kịch bản chiến tranh: các cuộc không kích theo kế hoạch, các cuộc tấn công quân sự và các nguyên tắc phòng vệ, thiết kế các chuyến tàu hậu cần và dựng lên các các đòn phản kích ngoại giao. Lần này thì khác, bởi xung đột vẫn chưa diễn ra.

    Một trong những nguyên lý vận hành của trò chơi khủng hoảng là đảm bảo các tình huống là giả định. Tuy nhiên, ngày hôm đó kịch bản được thiết lập cho trò chơi rất gần với thực tế với việc đặt tên Kashmir là tâm điểm của cuộc xung đột. Trò chơi giả thiết một tiểu lục địa Ấn Độ bị chia cắt và đổ máu bởi cuộc xung đột gần đây – không nghi ngờ gì nữa điều này đã là như vậy. Như Gautam Das đã lưu ý trong cuốn sách Trung Quốc - Tây Tạng - Ấn Độ: Cuộc chiến năm 1962 và Chiến lược quân sự trong tương lai, Ấn Độ và Pakistan đã giao tranh một thời gian ngắn vào năm 1948 và sau đó Ấn Độ chiến đấu với Trung Quốc vào năm 1962 - khi họ gặp phải thất bại thảm hại trước nước láng giềng phía Bắc. Sự việc cũng đã được Bertil Lintner (trong tác phẩm China’s India War) và Neville Maxwell (cuốn India’s China War) đề cập đến.

    Những người tham gia trò chơi khủng hoảng lưu ý rằng trận thua này đã bộc lộ sự chuẩn bị phòng ngự của Ấn Độ kém hiệu quả đến thế nào. Là một quốc gia không liên kết có khuynh hướng nghiêng về nhà nước cộng sản Liên Xô, Ấn Độ đã buộc phải kêu gọi Hoa Kỳ viện trợ khi các lực lượng Trung Quốc đe dọa một cuộc xâm lấn sâu hơn. Mặt khác, Pakistan được coi là một nền kinh tế đang lên, một quốc gia chống cộng sản, đã được thừa nhận là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO), một tổ chức phòng thủ khu vực được thành lập vào năm 1954 nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản đối với các nước trong khu vực. Và Pakistan cũng là nước thường xuyên nhận viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ.

    Những người tham gia trò chơi đã phân tích tình trạng đối địch ngày càng gay gắt giữa Ấn Độ và Pakistan và đánh giá sức mạnh chính trị và quân sự của hai nước. Đây là hai quốc gia mới được tự do đang tự vạch ra những con đường khác biệt: Pakistan, quốc gia nhỏ hơn, là một nền kinh tế tư bản, dẫn đầu bởi một cựu quân nhân tóc hoa râm, một người căm ghét Liên Xô, yêu thích nước Mỹ, thích ngựa và rượu whisky. Theo người Mỹ, ông ta là một người tốt - mặc dù vị thế tốt của ông ta sẽ không còn kéo dài lâu nữa. Ở bên kia, Ấn Độ, quốc gia lớn hơn, được xem như một gã khổng lồ đầy mạng nhện và không liên kết. Năm 1964, Lal Bahadur Shastri, một người mà Mỹ coi là vô danh, thay thế Jawaharlal Nehru. Ấn Độ cạn kiệt động lực quân sự và hầu như rơi vào một mớ hỗn độn không thể kiểm soát. Sau thất bại năm 1962, Ấn Độ buộc phải từ bỏ lập trường không liên kết và ký kết nhận các thiết bị quân sự từ Liên Xô. Bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và thất bại gần đây của Ấn Độ trước Trung Quốc, Pakistan cảm thấy dễ bị tổn thương từ mối đe dọa quân sự từ Ấn Độ, quốc gia có quân đội lớn hơn nhiều. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ đối đầu?

    Những người tham gia trò chơi khủng hoảng dự đoán rằng: chiến tranh có khả năng nổ ra trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 năm 1966, với sự cộng tác giữa Pakistan và Trung Quốc (gần với thông tin tình báo từ Abdullah cho rằng cuộc chiến sẽ xảy ra trong năm 1965). Vào ngày 31 tháng 8, các lực lượng Pakistan sẽ vượt qua Giới tuyến ngừng bắn (CFL) ở Jammu và Kashmir và tấn công Ấn Độ. Trong tuần đầu tiên của tháng 9, giao tranh sẽ khốc liệt. Vào ngày 6 tháng 9, các lực lượng Pakistan sẽ chiếm được sân bay Srinagar và tiến về Jammu. Đồng thời, các lực lượng Trung Quốc sẽ kích động một trận chiến ác liệt ở biên giới phía đông của đất Ấn Độ.

    Trò chơi khủng hoảng đã xác định Sikkim là điểm dễ bị tổn thương đối với Ấn Độ. Sikkim là một vương quốc nằm trên dãy Himalaya yên bình chia tách Ấn Độ khỏi Trung Quốc (trước đó là Tây Tạng). Theo một hiệp ước được hai bên nhất trí, Sikkim là một nước được bảo hộ của Ấn Độ, nước này trông coi các vấn đề về biên giới và quốc phòng của mình. Vào ngày 6 tháng 9, các lực lượng Trung Quốc sẽ xông vào vương quốc nhỏ bé nay; PLA sẽ đánh chiếm được thủ đô Gangtok và tiến xa hơn. Bởi Sikkim đã đòi hỏi quyền tự trị từ Ấn Độ trong một vài năm, người dân Gangtok sẽ rất vui mừng khi có sự xuất hiện của quân đội Trung Quốc, những người sẽ được ca ngợi như là những người giải phóng.

    Các cuộc hòa đàm ngoại giao điên loạn bao gồm Hoa Kỳ, Liên Xô và các quốc gia khác sẽ dẫn đến sự can thiệp của Liên Hợp Quốc. Họ sẽ đi đến một thỏa thuận ngừng bắn với việc Trung Quốc đồng ý rút khỏi biên giới Sikkim để đổi lấy việc Ấn Độ giao Kashmir cho Pakistan. Trò chơi kết thúc: tranh đoạt Kashmir từ Ấn Độ và xâm lược Sikkim, từ đó phủ nhận tư cách là người bảo hộ của Ấn Độ. Trung Quốc sẽ thiết lập sự ưu trội hoàn toàn lên trên Ấn Độ.

    ___________

    Rains2009, oanh89, ngthi961 người khác thích bài này.
  10. vuthanhbinh1993

    vuthanhbinh1993 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/11/2014
    Bài viết:
    597
    Đã được thích:
    1.049
    ____________
    Vài tháng sau, chính trong năm 1965, quả thực giữa Ấn Độ và Pakistan đã nổ ra chiến tranh; giống như các chuyên gia nhìn thấy trước trong quả cầu bói toán ngày hôm đó tại Arlington, một cuộc chiến đã nổ ra, cho dù sớm hơn một năm so với dự đoán của họ.

    Abdullah khẳng định đã thông báo cho đại sứ Ấn Độ ở Algiers - với ý định chuyển thông điệp tới chính phủ ở Delhi - cuộc thảo luận của ông ta với Zhou Enlai. Nhưng chuyến đi châu Âu và sự ủng hộ tự do cho Kashmir của ông ta đã không được hoan nghênh ở Delhi. Các chính trị gia Ấn Độ đã yêu cầu bắt giữ và tịch thu hồi hộ chiếu của Abdullah. Cuộc gặp của ông với thủ tướng Trung Quốc đã khiến chính phủ Ấn Độ vô cùng tức giận. Ngoại trưởng Ấn Độ Swaran Singh cảm thấy hành vi của Abdullah trong việc ‘tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc’ cho Kashmir là ‘có thể bị phản đối cao độ’. Thủ tướng Shastri thông báo rằng Abdullah sẽ không được phép đến thăm Trung Quốc. Các cơ quan tình báo Ấn Độ đã nghi ngờ những cuộc gặp của Abdullah với người Pakistan và Trung Quốc. Tất cả những điều này dẫn đến việc nhà lãnh đạo Kashmir đã bị bắt khi đến Ấn Độ vào tháng 5 năm 1965 bởi chính phủ của Lal Bahadur Shastri và bị đưa đến một nhà tù ở Ootacamund, Tamil Nadu, cho đến năm 1968. Ông ta đã trải qua vài năm tiếp theo trong một chu kỳ bắt giữ, giam giữ và lưu đày, và chỉ được trả tự do vào năm 1972.

    Nhưng CIA đã nhầm lẫn ngày giờ của cuộc tấn công như thế nào? Tại sao Pakistan lại chống lại Ấn Độ vào năm 1965, chứ không phải vào năm 1966, giống như CIA đã dự đoán trước đó?

    Sau thất bại trước Trung Quốc năm 1962, mà khi đó Ấn Độ mất khoảng 3.250 binh sĩ và 14.000 dặm vuông lãnh thổ, Delhi đã bắt đầu tăng cường những khả năng chiến lược của mình và nhập khẩu vũ khí và khí tài từ Liên Xô, Mỹ và Pháp. Các vũ khí từ Mỹ đã đến vào năm 1964 và vẫn còn đang được biên chế trong các lực lượng vũ trang của Ấn Độ. Ấn Độ đã chi rất nhiều để tăng cường lực lượng vũ trang và ngân sách chi tiêu quốc phòng tăng từ 2,1% GNP năm 1961–62 lên 4,5% GNP trước năm 1965.

    Kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Ấn Độ bao gồm 45 phi đội không quân, 10 sư đoàn sơn cước trang bị mới và đầy đủ và một triệu lính lục quân mạnh mẽ cùng một hải quân được tân trang lại. Một hiệp ước mới được xây dựng với Liên Xô trong năm 1964 cũng đã dẫn đến việc chuyển giao vũ khí và công nghệ cho Ấn Độ. Đến năm 1965, quân đội Ấn Độ bao gồm 870.000 quân trong 16 sư đoàn bộ binh. Hai trong số các sư đoàn này được bố trí ở Kashmir và 8 sư đoàn bố trí dọc theo biên giới phía tây và phía đông với Pakistan trong khi 6 sư đoàn bố trí ở biên giới Trung Quốc - mặt trận mà Ấn Độ cực kỳ cảnh giác. Ngược lại, Pakistan có tổng cộng 7 sư đoàn đóng quân đối diện với Ấn Độ ở Tây Pakistan trong khi một sư đoàn vẫn ở Đông Pakistan (nay là Bangladesh).

    Ở cấp độ chiến thuật, súng trường tự động (SLRs) 7,62 mm do Nhà máy súng Ishapore sản xuất đã được đưa vào các đơn vị bộ binh, đây là một cải tiến đáng kể so với kiểu súng trường .303 cũ được sử dụng trong cuộc chiến năm 1962. Pakistan biết rằng một khi các đơn vị đã quen với những loại vũ khí này, quân đội Ấn Độ có thể dễ dàng áp đảo khả năng của Pakistan.

    [​IMG]
    Súng trường Ishapore 2A/2A1 dùng đạn 7,62mm NATO (một trong các biến thể SLR) được biên chế trong quân đội Ấn độ từ năm 1963. Nói chung, dòng súng trường do Ishapore chế tạo giai đoạn này đều là biến thể của Lee Enfield SM.

    Đối với Pakistan, tính cấp bách trong chuyển dịch chống lại Ấn Độ vào lúc quân đội nước này vẫn đang tiến hành đại tu và triển khai vũ khí, trang thiết bị. Đây là lý do tại sao cuộc tấn công đến sớm hơn dự đoán. Pakistan cũng đã tích cực xây dựng lực lượng, tăng tỷ lệ binh sĩ trên dân số từ 7% năm 1961 lên 10% vào năm 1964 (tăng một chút dưới 50%), có nghĩa là cứ 100 người Pakistan thì có 10 người ở trong các lực lượng vũ trang. Lực lượng dân quân vũ trang hạng nhẹ được gọi là Lực lượng thường trực Azad Kashmir đã được bổ sung vào quân số. Các năm 1963 và 1964, Pakistan đã chi lần lượt 3,1% và 3,2% GNP cho quốc phòng, nhưng vào năm 1965, ngân sách quốc phòng đã tăng vọt lên 6%.

    Một lý do khác để tấn công vào năm 1965 thay vì một năm sau đó, là Pakistan muốn tận dụng sự thay đổi chính trị mà Ấn Độ đang trải qua. Ấn Độ không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng cũng như sự chuyển tiếp chính trị sau cái chết của Nehru, người đã giữ chức thủ tướng trong mười bảy năm dài, mà còn bởi Kashmir cũng đang sôi sục trong hai năm qua.

    Một buổi sáng lạnh giá tháng 12 năm 1963, người dân tỉnh giấc trước tin sốc về sự biến mất của Moi-e-Muqaddas - một sợi tóc linh thiêng được cho là của Nhà tiên tri Muhammad - từ lăng mộ Hazratbal ở Srinagar. Bạo loạn và bạo lực xé nát toàn bang, đặc biệt là nhắm vào tài sản và các tòa nhà của chính phủ. Vài tuần sau, sau khi di vật bị mất đã được tìm lại bí ẩn giống như khi nó bị biến mất, Nehru nói với B.N. Mullick, giám đốc tình báo, rằng Kashmir vừa được cứu giúp. Nhưng vụ việc ngẫu nhiên này đã làm bùng phát cơn giận dữ tiềm ẩn đang thối rữa ở Kashmir, cái vốn đang trở nên trầm trọng hơn do lo sợ bị gạt ra ngoài lề ở đất nước Ấn Độ có đa số theo đạo Hindu và những sự cố như vụ giam giữ Sheikh Abdullah kéo dài hàng thập kỷ. Cuộc khủng hoảng diễn ra sau khi Abdullah được ra tù vào tháng 4 năm 1964.

    ______________​
    Rains2009, viagraless, kuyomuko2 người khác thích bài này.

Chia sẻ trang này