1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ẩm thực du lịch - Trên đường lượt phượt . . .

Chủ đề trong 'Du lịch' bởi DuGia, 19/11/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. DuGia

    DuGia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/05/2005
    Bài viết:
    5.696
    Đã được thích:
    3


    Lợn Mường cắp nách - đặc sản mới và nỗi nhớ rừng....
    Khách vào bản mua lợn, cứ ra ven rừng đuổi bắt được chú nào thì lấy chú ấy. Con to con bé đều bằng giá nhau, thế mới lạ chứ! Chủ nhà thủng thẳng: Lần sau khách vào nhà thì con bé đã thành con to rồi mà, to bé có khác gì nhau (!)...
    Trong đời một người đàn ông có thể có rất nhiều những ngày giờ vui sống. Mà trong vô vàn các niềm vui ấy, chẳng có gì có thể làm ta sao lãng đi những bữa ấm cúng bên cạnh những tâm hồn tri kỷ lâu ngày hội ngộ. Và trong k?Zý ức hồn nhiên của những người đàn ông ham vui, sự chiều chuộng đãi đằng quanh bàn rượu là cả một bầu trời ấm áp.
    Làm sao để bạn mình được sung sướng ngạc nhiên, làm sao để mà mình thấm cho hết tình sâu nghĩa nặng mà bạn dành cho. Đấy là một trong các l?Zý do để làm cho một ngành công nghiệp độc đáo luôn luôn phát triển dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua. Ngành này vừa là công nghệ vừa là nghệ thuật, nó được dẫn dắt bởi những tâm hồn chân thực và được gọi tên một cách nôm na là ngành đặc sản bốn phương.
    Những câu chuyện về đặc sản bốn phương thì người đàn ông nào cũng sẵn, và tiện đây xin cống hiến một câu chuyện nhỏ vào trong kho tàng văn hoá ẩm thực vô tận của muôn nhà.
    Đấy là vào một buổi chiều muộn. Xe vừa tới cổng khách sạn, ba lô túi xắc chưa kịp khuân vào thì chuông đã reo. Mở máy ra, thấy số đầu 020, biết ngay là người gọi đang ở ngay đây, tức là Sapa. Kinh nghiệm đi xa cho tôi biết, chưa tới nơi mà đã có người đón gọi thế này là hên lắm đấy. Quả nhiên, mấy ông bạn lâu ngày không gặp, biết tin chiều nay tôi lên, đã chờ sẵn ở trên núi. Hôm nay họ sẽ đãi tôi một món đặc sản, lên đó rồi sẽ biết là món gì. Dẫu sao tôi cũng phải về phòng tắm táp qua loa cho sạch bụi trần. Cứ để người ngợm bụi bặm mà ngồi trong mây trắng Sapa thì thật là có tội với tạo hoá quá.
    Ra khỏi cổng khách sạn thì trời đã mờ tối, lại càng may vì giờ này người bán vé đã nghỉ, cứ việc đi lên không mất tiền vé. Tôi như bơi trong biển mây mờ đục, nhắm theo những quầng ánh vàng xa xa của mấy ngọn đèn chìm trong bóng mây mà lần theo các bậc thang xếp đá đi lên. Chân đã bắt đầu thấy mỏi và đang ngơ ngác định hướng thì trời như chiều mình, lớp mây tự nhiên mỏng đi, hàng cây ven đường rõ dần ra. Không biết là mây đang lên cao hay đang hạ xuống. Có khi mây đang trôi ngang cũng nên. Ngẩng lên đã thấy ánh đèn lung linh chiếu ra từ trong ngôi nhà sàn sẫm tối đứng sừng sững ngay trước mặt.
    Ngồi vào bên bếp lửa ấm, còn đang tíu tít chào hỏi và chưa cạn chén gặp mặt thì đã thấy thức ăn đưa ra. Món đầu tiên là gì nào? Năm bát tiết canh con con. Tôi đưa mắt nhìn, quanh bếp chỉ có ba người và tôi nữa là bốn, chắc còn một ông bạn nữa chưa tới. Thấy tôi chần chừ, một ông bạn giải thích rằng phần tôi hai bát. Đã coi là thân thiết thì khỏi khách sáo.
    Chờ tôi ăn xong một bát, các bạn mới hỏi: - Đố ông biết đấy là tiết con gì? Tôi trả lời thật thà rằng tôi cũng đang tự hỏi như vậy. Đặc như thế này, chắc không phải tiết vịt rồi. Chó cũng không phải mà trâu thì lại càng không vì tôi thấy những miếng gan bé tẹo nhưng mà lại chắc hơn cả gan ngỗng.
    Hoá ra hôm nay các bạn chiêu đãi tôi món lợn Mường. Nguyên cả một chú, chỉ đánh được có đúng năm bát tiết bé xíu. Loài lợn này, bây giờ dân Sapa gọi là lợn cắp nách. Đi chợ mua về, hành hẹ rau cỏ xách nặng hai tay còn chú lợn chỉ cần kẹp vào nách cũng xong. Mỗi chú chừng 4-5 ký, bé hơn con cẩu. Dân từ bản xa mang lợn ra chợ thường buộc chân vào cái que tre, vắt ngang miệng gùi, đầu đuôi còn ngắn hơn bờ vai người đeo.
    Cách đây không lâu, loài lợn này gần như tuyệt diệt vì không bán được, dân bản chả ai buồn nuôi nữa. Bỗng nhiên bây giờ lợn Mường lên ngôi, trở thành món đặc sản Sapa được du khách hâm mộ. Đến khi món thịt nướng củi đưa lên thì quả thật, tôi phải công nhận rằng, bất cứ món gì đã được dân sành điệu đánh giá đều đáng phải thưởng thức cả. Vừa ăn các bạn tôi vừa bình luận rằng, cái câu ?osống ở trên đời ăn miếng dồi chó? bây giờ ''''quê'''' rồi, dồi lợn Mường mới là cực kỳ !!!
    Chó thì vỗ tay một cái, có hàng nghìn con, lợn Mường thì đâu có mà sẵn. Các khúc dồi đều tăm tắp, bằng đúng cái thân bút bi Thiên long. Tả chi li ra xem ngon miệng như thế nào thì rất khó, tốt nhất là ai mà đã lên đến Sapa, xin chớ quên tìm món lợn Mường mà tự thưởng thức. Vả lại trong hệ thống lý luận chặt chẽ của nghệ thuật ẩm thực thì hễ cứ hiếm, cứ lạ ắt phải là ngon.
    Nhưng xin quý vị chú ý, kẻo ăn nhầm phải lợn Mường rởm. Vẫn là con lợn bé tẹo, đen thui, cái đuôi xoắn tít nhưng lại nuôi bằng cám bã, ngô gạo thì chả ra gì. Lợn Mường Sapa được thả rông ven rừng, ăn cỏ dại, dũi củ rừng mà sống. Cả năm chả thấy lớn nhưng được cái chả tốn ngô sắn công sức gì cả.
    Khách vào bản mua lợn, cứ ra ven rừng đuổi bắt được chú nào thì lấy chú ấy. Con to con bé đều bằng giá nhau, thế mới lạ chứ! Chủ nhà thủng thẳng: Lần sau khách vào nhà thì con bé đã thành con to rồi mà, to bé có khác gì nhau (!).
    Chuyện này là do anh chàng đầu bếp vui tính kể lại chứ thú thật, tôi đã bao giờ được vào bản bắt lợn đâu. Vừa ăn vừa nghĩ đến một giấc mơ không tưởng, mơ rằng phải chi có được những ngày thanh thản để mà sống hồn nhiên, để mà còn có thì giờ rủ nhau kéo vào bản xa theo chân mấy cô gái miền sơn cước đuổi bắt lợn trong rừng. Thần Jupiter ngày xưa trên Olympic mà nghe thấy chắc cũng phát thèm.
    Mây lạnh tràn vào quanh bếp lửa, mang theo hương rừng đêm ngan ngát. Tôi bỗng nhớ, mình đang ngồi giữa trập trùng núi rừng. Trước kia rừng phủ khắp nơi, người ta đã từng ăn thịt lợn rừng quanh năm. Rồi khi biết cách chăn nuôi, các con lợn nhà được quý trọng và coi là đặc sản, chỉ có người nghèo mới phải ăn lợn rừng. Giống lợn nhà ở Sapa ngày xưa còi cọc vì đến cả người còn không đủ ngô sắn mà ăn, lợn phải tự tìm rau dại, củ rừng gần như là lợn rừng vậy, chỉ những khi thiếu thốn người ta mới nhớ đến chúng.
    Khoa học phát triển, lợn lai kinh tế béo mượt, trắng nõn lên ngôi. Đã có lúc người sành ăn đi lùng bằng được miếng thịt lợn lai kinh tế có lớp mỡ dày cộm để đãi bạn nhậu, và những người vẫn còn phải ăn lợn ta đen xì thì nhìn họ một cách ngưỡng mộ. Khắp nơi người ta tìm lợn lai về nuôi. Đã có những ngày không ở đâu có thể thấy bóng những con lợn ta lưng võng da nhăn đen xỉn, chứ đừng nói đến loài lợn Mường còi cọc.
    Nhai mãi cái thứ thịt công nghiệp nhàn nhạt, mềm như bông ấy, người ta lại thấy chán. Các bà sành nội trợ thì quay ra tìm lợn ta mới mua, còn dân ham của lạ đi lùng thịt lợn rừng. Cách đây chưa lâu, cái mốt lợn rừng vẫn còn là đặc sản cao cấp và chẳng được mấy năm thì đến giờ, lợn rừng hầu như tuyệt chủng.
    Dẫu sao vẫn phải có thứ gì quý hiếm để mà nhâm nhi chứ, và trong tình thế hiện nay, Sapa đã nhớ lại nhữmg con lợn còi còn sót lại và đã nhanh chóng cống hiến cho văn hoá ẩm thực nước nhà một đặc sản đậm đà bản sắc địa phương: lợn Mường cắp nách được thả rông trong rừng ôn đới lạnh giá ở độ cao hơn 2000 mét trên mực nước biển!
    Lợn Mường thực sự thả hoang trong rừng đã rất hiếm vì bây giờ chả còn mấy bản làng ở được gần rừng, mà lại trong rừng tít trên núi cao thì lại càng hiếm lắm. Với các tiêu chuẩn này thì đặc sản lợn Mường Sapa có lẽ còn khó kiếm hơn cả lợn rừng cũng nên ?!
    Món này có thể gọi là thịt rừng nhưng lại không phải là thịt rừng. Trong miếng thịt cảm được cả hương vị của rừng hoang mà lại không ''''mắc tội'''' tiêu diệt động vật hoang dã, thật là tuyệt vời.
    Nhưng có lẽ chỉ khi được ngồi giữa mây núi Sapa, bên bếp lửa hồng với bầu rượu ngô cùng những người bạn hiền thì mới thấy hết cái tinh khôi của rừng tích tụ trong mỗi miếng ăn này. Lòng tôi thầm cảm tạ nhân duyên của Đất Trời đêm nay.
    Nguồn Báo Lao cai .
  2. Saobang_2029

    Saobang_2029 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    23/04/2006
    Bài viết:
    149
    Đã được thích:
    0
    Góp vào danh mục ẩm thực quê hương đây các bác ạ...
    ĐẾN PHỔ CHÂU ĂN MẮM VUA

    Hồ Liệt Sơn - Đức Phổ - Quảng Ngãi. Về đây, bạn có thể thưởng thức món mắm nhum
    TTO - Vào thời vua chúa, người làng Phổ Châu - Đức Phổ (Quảng Ngãi) có tục hàng năm mang mắm nhum, là sản vật quý dâng lên cho vua. Từ đó lưu truyền lại cái tên; mắm vua, mắm tiến.
    Nhum có nhiều tên địa phương khác nhau như: con chôm chôm, cầu gai, nhím biển. Có 3 loại nhum thường được khai thác như; nhum đen, nhum bạc, nhum giang. Trong những năm qua, thị trường nhum giang xuất khẩu sang Trung Quốc nên cạn kiệt. Hiện nay sản lượng đánh bắt nhiều nhất là nhum đen, gai vỏ dài, đen như gai bồ kết. Ngoài yếu tố thời tiết, khai thác nhum phải chọn ngày tối trời. Ngày sáng trăng bụng nhum rỗng tuếch không có thịt.
    Mùa khai thác nhum làm mắm ở Phổ Châu bắt đầu từ tháng tư, kéo dài đến đầu tháng tám. Chọn ngày nắng tốt, trời quang mây tạnh, lặng sóng, hai người đi cặp với nhau, mang theo cơm nước bám bãi đến chiều. Thợ lặn nhum phải ngụp lặn hơn tám tiếng đồng hồ mỗi ngày dọc theo bờ biển ở độ sâu 15-20 mét. Dụng cụ mang theo để lặn là một móc sắt khèo nhum, gương lặn, giỏ đựng nhum. Gai nhum nhọn hoắt như gai chùm kết, không thể thoải mái lấy tay mà bốc được. Bình quân một ngày người lặn có thể khai thác chế biến được 5-6 lít mắm nhum. Thu nhập từ 200-240 ngàn đồng.
    Một tô thịt nhum trộn với một nắm muối ăn. Nếu muốn ăn ngay thì muối nhạt. Theo kinh nghiệm, muối mắm nhum không nên đổ đầy chai, chỉ đổ lưng. Sau vài ngày thịt nhum nở dần lên miệng, sủi bọt lăn tăn như có ga. Đong đầy chai nút sẽ nổ bung như sâm panh. Hương thơm toả khắp nhà.
    Nhum ngoài món muối mắm còn chế biến được một số món ăn dân dã khác. Hòa thịt nhum vào trứng gà đổ chả. Ngon tuyệt! Nấu cháo nhum ngồi bên bếp lửa nổ lách tách, cay cay khói lá dương liễu. Cháo để nguội ăn đến đâu thấm cái ngon đến đó. Hoặc vắt chanh vào thịt nhum tươi cho chín tái. Sản lượng nhum đánh bắt hàng năm không được nhiều, vì vậy nhum trở thành hàng hiếm, lạ, độc đáo.
    Khẩu vị mắm nhum thích hợp nhất là ăn với món thịt heo ba chỉ xắt lát, quấn rau sống. Ăn với bún tươi dằn thêm chút ớt kim, củ tỏi. Hương vị mắm nhum béo, ngọt, bùi. Ăn xong đọng mãi trên đầu lưỡi, thưởng thức một lần không thể quên. Lựa chọn mắm nhum ngon phải quan sát loại mắm có màu đỏ đặc trưng như màu ngói, sủi bọt đặc sệt, mùi thơm hơi chua. Không mua loại màu đỏ bầm, loãng, do khai thác nhum con hoặc làm mắm chưa gạt hết gân máu để lẫn với thịt nhum.
    Trong tương lai, mắm nhum sẽ sánh ngang các món ăn ngon đồng quê đất Việt, trở thành mắm "vua" trong các loại mắm.
    LÊ VĂN CHƯƠNG (Quảng Ngãi)
    (Từ Báo Tuổi Trẻ)
    Được saobang_2029 sửa chữa / chuyển vào 10:07 ngày 12/10/2006
  3. NguyenLeTrang

    NguyenLeTrang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/04/2006
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    kiến thức của các bác là biển cả còn của em chỉ là một giọt nước. Bái phục bái phục.
    Em sẽ cố gắng tìm hiểu món bánh đa cua quê em.
    các bác chờ em chút
  4. caybachduong

    caybachduong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/05/2005
    Bài viết:
    70
    Đã được thích:
    0
    " Quê em miền trung du ............. "
    Thanh Thủy với đặc sản ?oDê núi, cá sông, gà đồi?
    Thanh Thủy là huyện của Phú thọ có địa thế khá đẹp, phía trước là đồng bãi phù sa mầu mỡ chạy sát tới bờ sông Đà trải dài trên 30km.
    Sau lưng là hướng tây bắc, tựa vào vùng đồi xen với những dải núi đá vôi cuối cùng từ các xã Hương Cần, Tất Thắng, Cự Thắng, Thạch Khoán... (Thanh Sơn) chạy ra nối tiếp với các xã Phượng Mao, Trung Nghĩa, Sơn Thủy, La Phù... (Thanh Thủy). Khí hậu ở đây bốn mùa mát mẻ. Phong cảnh ?osơn thủy hữu tình?.
    Những năm trước đây do chưa biết khai thác những tiềm năng thiên nhiên vốn có nên Thanh Thủy là miền đất khó, ít người biết đến. Từ ngày thực hiện nền kinh tế mở, đặc biệt là từ khi phát hiện ở đây có nguồn tài nguyên nước khoáng nóng quý và nền văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng, hấp dẫn thì Thanh Thủy đã trở thành điểm hẹn của nhiều nhà đầu tư và du khách thập phương tìm về.
    Trước tiên là món ?oDê núi đá?. Dê là loài động vật chuyên ăn các loại lá cây, có đặc điểm đầu và chân nhỏ nhưng bụng lại rất to nên đi lại rất khệ nệ. Tỷ lệ thịt một con dê mổ ra rất thấp, thường chỉ đạt 1/4 trọng lượng cơ thể.
    Thịt dê nạc, nhiều chất đạm, ăn ngọt và bổ. Nhưng dê thả trên núi đá ở đây thì ăn lại ngon và bổ hơn rất nhiều. Hàng ngày đi kiếm ăn trên núi đá vôi, dê phải đi lại, leo chèo, lên xuống, luồn lách từ mỏm đá này sang mỏm đá khác để ăn đủ các thứ lá cây, trong đó có nhiều loại là những vị thuốc quý như: Lá xương cá, mạch môn, cúc tần, đỏ ngọn, đinh lăng, sim, mua... Với đặc điểm đi lại và ăn như thế nên con dê nào cũng béo khỏe, bụng đõn, tuyến hôi giảm, bắp thịt săn chắc, tỷ lệ thịt cao, ăn ngon và bổ hơn thịt dê bình thường rất nhiều.
    Món đặc sản thứ hai mà nhiều người biết đến ở đây là món ?oCá sông Đà?. Sông Đà chảy qua địa phận huyện Thanh Thủy với địa hình tương đối bằng phẳng nên nước quanh năm chảy chậm.
    Ven bờ có một số ghềnh đá như ghềnh La Phù, ghềnh Bợ tạo thành một số vụng vòng sâu vào bờ, nước sâu, yên tĩnh, mát mẻ, vì vậy đây là nơi tập trung sinh sống của nhiều đàn cá quý trên sông. Ngoài ra bên bờ sông còn có nhiều cửa ngòi, lạch từ rừng núi Thanh Sơn chảy ra đem theo nhiều phù du sinh vật là nguồn thức ăn dồi dào, hấp dẫn cho đủ các loài tôm cá.
    Với đặc điểm môi trường sinh sống như vậy nên cá sông Đà thuộc địa phận Thanh Thủy rất béo và nhiều loại ngon, quý hiếm. Tiêu biểu là cá đục, cá ngạnh, trạch trấu, chép, trắm đen, măng, chiên, quất... nhiều loại trị giá từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/kg như cá chiên, quất, ngạnh... thi thoảng người dân nơi đây còn đánh được cả cá anh vũ giá tới 150.000 đồng/kg.
    Món đặc sản thứ ba là ?oGà ri đồi sỏi?. Gà ri là loại gà truyền thống, được nuôi từ rất lâu đời ở các vùng thôn quê, miền núi. Gà ri là giống gà rất nhỏ, nuôi thả vườn, nở ra độ 2- 3 tuần đã nhú lông đuôi, một tháng đã đủ lông cánh, mào đỏ chót, phân biệt rõ trống mái. Nuôi một năm con lớn nhất cũng chỉ 1kg đến 1,2kg là cùng.
    Gà ri có thân hình nhỏ, thịt chắc, ăn rất ngọt và thơm. Song gà ri ở Thanh Thủy nhiều nhà nuôi thả vườn nơi đồi sỏi, ăn còn ngon và quý hơn nhiều. Suốt ngày gà đi bới móc trên đồi sỏi kiếm mồi nên hai đùi chắc nịch, thân hình tròn lẳn, thịt săn chắc, ăn dai ngọt và rất thơm.
    Hiện nay, trên địa bàn thị trấn huyện Thanh Thủy có tới gần 10 nhà hàng ăn uống thường xuyên phục vụ khách đầy đủ ba loại đặc sản trên với nhiều món ăn khá phong phú hấp dẫn. Từ ?oDê núi đá? nhiều đầu bếp khéo léo đã chế biến ra tới 5 món ăn khác nhau khá hấp dẫn như: Tái, hầm, sào lăn, nướng, lẩu... Từ ?oCá sông Đà? chế biến ra tới 9 món: Om, nướng, rán, kho, lẩu, chả, hấp, thính, gỏi... Và từ ?oGà ri đồi sỏi? làm ra 6 món khác nhau. Luộc, rang, nướng, rán, quay, tần (sen, ngải, sâm)... là những món ăn, vị thuốc rất bổ dưỡng.
    Về Thanh Thủy tắm nước khoáng thiên nhiên, dạo mát bên bờ sông Đà thơ mộng và thưởng thức những món ăn đặc sản do bàn tay lành nghề, khéo léo của những nhà đầu bếp nổi tiếng ở đây chế biến, chắc chắn quý khách sẽ hài lòng và nhớ mãi về miền đất anh hùng, giàu lòng mến khách này.



    Nguyễn Văn Ngọ
  5. anvanau

    anvanau Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/08/2006
    Bài viết:
    61
    Đã được thích:
    0
    Mình ít có điều kiện đi du lịch khắp nơi như D nhưng rất thích khám phá nét riêng của ẩm thực các vùng đất nước. Xin góp cho topic này những gì sưu tầm được:
    Gỏi cá trích Phú Quốc

    Đặt chân đến đảo Phú Quốc (Kiên Giang), du khách sẽ bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của những bờ biển, dòng suối, rừng nguyên sinh... Thêm nữa là hương vị các món ăn đặc sản, khiến vừa dời chân ta đã mong trở lại, đó là món gỏi cá trích đặc biệt của người miền biển.
    Sau những chuyến ra khơi đánh bắt hải sản trở về, người dân xứ đảo thường chọn 1 trong 5 loại: cá nhồng, cá bớp, cá đục, cá nù, cá trích để chế biến thành món gỏi, góp phần cho bữa ăn gia đình thêm phong phú. Dần dà, khẩu vị hầu hết người ăn đã "tuyển chọn" gỏi cá trích là món ăn ngon nhất.
    Cách ăn món này thật đơn giản nhưng khâu chuẩn bị lại rất công phu: làm cá, nạo dừa, hái rau, rang đậu... và ít nhiều cũng cần có "bí quyết"! Anh Trịnh Công Phát, chủ Khu du lịch Vườn Táo, Phú Quốc đã tiết lộ bí quyết của món ăn khoái khẩu này.
    Chọn cá trích tươi, vảy còn bóng trắng đem cắt bỏ đầu, mổ bụng thật sạch rồi lóc bỏ xương sống, lấy hai mảnh phi-lê toàn thịt đỏ. Trong lúc chuẩn bị gia vị, cho thịt cá vào đá cây ướp lạnh. Nước sốt chua có thể làm bằng giấm hoặc chanh, nhưng để hương vị đậm đà nên sử dụng giấm được nuôi bằng trái ổi chín vốn có rất nhiều ở Phú Quốc, nêm tí muối, tí đường. Nước chấm làm bằng nước mắm biển ngon, nguyên chất, thêm đường, bột ngọt, ớt, khi ăn cho thêm đậu phộng rang giã nhuyễn. Thông thường nước chấm được làm ăn liền, song một số người lại có "bí quyết" cho nước chấm lên men để mùi vị thêm phần hấp dẫn. Trước khi dọn gỏi cá lên mâm, đem bánh tráng bột gạo nhúng vào nước cốt dừa. Nước cốt dừa hơi loãng chứ không đậm đặc. Tỉ mỉ, khéo léo nhúng một mặt bánh rồi xếp đôi lại (mặt khô nằm bên trong) nhẹ nhàng đặt lên đĩa theo thứ tự để khi ăn dễ dàng lấy từng cái một mà không bị dính.
    Chuẩn bị xong đâu đấy, sắp cá vào đĩa, phủ lớp mỏng rau răm, củ hành tím, ớt sừng xắt nhỏ. Rưới nước sốt thật đều lên thịt cá. Gắp từng miếng cá đặt vào bánh tráng, cho miếng dừa nạo, rau sống vào rồi cuốn lại, chấm vào nước chấm. Đặc biệt, ăn gỏi cá trích phải đủ rau rừng và rau trồng. Rau rừng 8 món: đọt bứa, bằng lăng, kim cang, soi nhái, trâm sắn, trâm kiềng kiềng, trâm dòi, trâm ba vỏ. Rau trồng gồm: xà lách, húng cay, rau thơm, dấp cá. Từ từ đưa vào miệng cuốn gỏi cá để cảm nhận thịt cá mềm giòn, ngòn ngọt, chua chua; vị beo béo của dừa, đậu phộng hòa với rau răm, hành tím nồng cay và vị chan chát của rau rừng. Chính vị chát rau rừng giúp ngừa chứng đau bụng với những ai không quen ăn gỏi có nước cốt dừa, đậu phộng.
    Cá trích tươi chỉ 8.000-10.000 đồng/kg, nhưng khi chế biến thành món gỏi trong các quán ăn, nhà hàng thì khoảng 30.000 đồng/đĩa (2 người ăn). Ai ăn lần đầu thường có cảm giác sờ sợ. Ăn miếng đầu thấy lạ, miếng thứ hai thấy ngon, thêm miếng thứ ba, thứ tư... rồi đĩa gỏi sạch sành sanh lúc nào không biết.

  6. ngovankhoai

    ngovankhoai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/03/2006
    Bài viết:
    40
    Đã được thích:
    0
    Ở Tiên Yên còn có món món rất ngon mà bác Du Già chưa kể. Đó là con Cà Sáy. Cà sáy theo như người dân địa phương là tác phẩm lai giữa ngan và vịt. Chỉ có F1 thui vì đến con cà sáy thì không sinh sản nữa. Cà sáy được chế biến thành hai món chủ đạo là tiết canh và thịt luộc. Thịt cà sáy luộc có màu hơi tim tím, để nguội lạnh mà mùi vị vẫn bốc lên thơm lừng (không hề có mùi hôi kiểu như ngan và vịt), ăn cùng với bánh gật gù và làm vài chén rượu Ba Kích thì khỏi phải bàn. Ở Quảng Ninh bi h hình như chỉ còn hai quán bán cà sáy thui, một ở thị trấn Tiên Yên (chủ quán hình như tên là Trường), một ở đường Lê Thánh Tông (Hạ Long) không bít đã chuyển chỗ khac chưa.
  7. NguyenLeTrang

    NguyenLeTrang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/04/2006
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    em có sưu tầm đc một số món ăn đây.
    các bác cho ý kiến nhé:
    Bông Điên Điển - món ăn mùa nước nổi
    Mỗi năm, cứ vào đầu mùa nước nổi, nơi các bờ sông, bờ rạch, bờ ruộng, những cây điên điển chết héo từ những tháng ngày nào tự nhiên xanh tươi trở lại làm đẹp thêm phong cảnh Đồng bằng sông Cửu Long. Chừng một vài tháng sau, khi con nước tràn ngập các bờ sông, bờ ruộng, cũng là lúc điên điển trổ đầy cành những đóa hoa vàng rực màu nắng phương Nam, phất phơ trong ngọn gió hoặc rũ oằn trong những cơn mưa.
    Trước đây không lâu, người nông dân nghèo khổ dùng bông điên điển nấu cháo cầm cự với cơn đói của những tháng ngày không có khả năng kiếm được tiền. Ngày nay, với những người nghèo, bông điên điển giúp họ có thêm thu nhập bên cạnh việc đánh bắt cá, tép trên những cánh đồng trắng xóa một màu nước nổi. Nhưng để trở thành món ngon, cách giản dị nhất là người ta dùng bông điên điển làm dưa.
    Chỉ cần ngâm bông điên điển đã lặt rửa sạch với giá sống trong nước muối có độ mặn vừa chuẩn, chừng ba ngày sau là đã có một dĩa dưa vừa chua vừa giòn chấm với nước tương giằm ớt ăn đã ngon mà chấm với cá hoặc thịt kho lại càng ngon hơn. Đến Châu Đốc (An Giang), trong những ngày mùa nước nổi, bạn sẽ được thưởng thức tô bún nước lèo độc đáo. Tô bún ở đây cũng giống như tô bún nước lèo ở Sóc Trăng hoặc tô bún mắm ở Cần Thơ nhưng rau thì khác. Nếu như ở những địa phương trên người ta ăn bún với rau ghém được làm bằng giá, hẹ, bắp chuối xắt nhuyễn thì ở Châu Đốc bạn sẽ được thưởng thức hương vị lạ kỳ của chỉ độc một loại bông điên điển mà thôi.
    Muốn có phong vị thời khẩn hoang, người ta nấu một nồi mắm kho, nhúng bông điên điển cùng một vài loại rau sống khác. Mùa nước nổi cũng là mùa cá linh từ Biển Hồ (Campuchia) trôi dạt xuống sông Tiền, sông Hậu. Nấu một cái lẩu cá linh với me sống (hoặc nặn chanh) vừa chua, người địa phương chỉ nhúng độc một thứ hoa vàng rực này vào. Với bông điên điển, cả hai món ăn này sẽ cho bạn hân thưởng một bữa tiệc dân dã mà không phải nhà hàng nào ở thành phố cũng có được. Món ngon này sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn nếu có vài bạn ?otâm đầu? bên ly rượu đế, chuyện mùa màng, chuyện làm ăn, chuyện thời sự quốc tế rôm rả trong những buổi chiều bảng lảng bóng hoàng hôn.
    Tình làng nghĩa xóm sao mà đậm đà đến vậy! Bông điên điển cũng còn được dùng để nấu canh chua cá rô, xào tép, làm nhân bánh xèo,... cho ta những món ăn vừa ngon vừa ngọt vừa giòn giòn. Ngon là vậy nhưng sao tôi vẫn nhớ đến dĩa mắm chay bông điên điển của những ngày còn đi học ở Sài Gòn trước năm 1975, trong quán ?ocơm xã hội? do một thánh thất Cao Đài trên đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ, quận Ba, TP.Hồ Chí Minh bây giờ) bán. Dĩa mắm chay được làm bằng bông điên điển là chính cùng một vài thứ phụ gia, ngon không thể tả mà từ đó đến giờ tôi không thể nào có dịp được thưởng thức!
    Bánh cuốn trứng Hà Giang
    Nơi miền đá lạnh Hà Giang, người ta phải ăn món gì thật nóng, thật cay để chống chọi không khí u ám tỏa ra từ đá núi. Nhưng bánh cuốn trứng, đặc sản của miền địa đầu tổ quốc này, lại là ?omón lạnh?, dùng cùng chén nước lèo ninh xương nóng hổi, ngọt lừ.
    Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ quán bánh cuốn trứng tại thị xã Hà Giang, thoăn thoắt tráng bột gạo trên bếp, đậy nắp xửng trong vòng 1 phút. Sau đó, bà nhanh tay đập quả trứng gà lên mặt miếng bánh cuốn đã chín, lại đóng nắp xửng trong 1 phút, rồi xúc dọn ra đĩa. Khách ăn ngồi trước đĩa bánh cuốn trứng, chén nước lèo rồi tha hồ chọn các gia vị để nêm nếm cho vừa khẩu vị.
    Thích ăn cay, có ớt bột; cần ấm bụng, có gừng xắt sợi và hạt tiêu. Muốn không ngán, ăn kèm đu đủ xanh muối chua. Người phương Nam ưa mặn mòi, nêm thêm thìa nước mắm tỏi ớt.
    Chén nước chấm hoàn thành, bạn chỉ cần khẽ gắp miếng bột ướt mỏng tang, bên trong ẩn hiện màu đỏ lòng đào của trứng, nhận chìm tất cả trong chén nước tự pha chế, rồi cảm nhận khẩu vị lạ mà khoái khẩu của miền đất tận cùng.
    Có đến Hà Giang, bạn nên ghé đường Lê Quý Đôn để thưởng thức bánh cuốn trứng
    Cơm Nị - Cà Púa : Món ăn truyền thống của người Chăm Châu Giang
    Cơm nị ?" cà púa là hai món ăn truyền thống của người Chăm Châu Giang (Châu Đốc, An Giang).
    Cơm nị thường là gạo nấu với sữa nhưng có người lại thích thêm nho khô vào để tăng thêm khẩu vị.
    Trước khi làm món cà púa, người ta nạo dừa khô, một phần dùng để lấy nước cốt, phần còn lại đem rang vàng. Thịt bò phải được khử mùi. Bắc chảo lên bếp lửa, đổ rượu và gừng vào. Khi chảo đã thật nóng mới cho thịt bò vào xào. Cho cà ri (bí quyết gia truyền của từng gia đình chế biến), hành ớt muối (không dùng nước mắm) vào chảo thịt bò. Khi thịt bò thấm đều, đổ nước cốt dừa vào, hầm thật mềm, cuối cùng trộn đều dừa nạo, củ hành, rắc thêm đậu phộng rang.
    Cơm nị ?" cà púa đã chín được dọn lên bàn, thực khách gắp miếng cà púa cho vào miệng, lùa cơm vào, các hương vị thấm trên mặt lưỡi. Hạt cơm mang vị ngọt béo của sữa, vị bùi của đậu phộng, vị mặn ngọt của thịt bò cùng với vị cay xè của ớt. Thực khách nhẩn nha nhai, lâu lâu bắt gặp vị ngọt của nho khô, ngẩn ngơ lòng. Tất cả đem lại cho người ăn một cảm giác thơm ngon, thật lạ miệng, no bụng mà chẳng no miệng.
    Khoai Lang Mắm Sống Cuốn Lá Cách
    Trong lần về nói chuyện về âm nhạc cổ truyền Việt Nam ở Vĩnh Long, Giáo sư Trần Văn Khê được nhà ăn Tỉnh ủy đãi món khoai lang cặp với mắm sống cuốn lá cách. Giáo sư ăn vài miếng, gật đầu khen ngon: ?oMón ăn dân dã này hoàn toàn có thể nâng cấp lên để có tên trong các nhà hàng, quán ăn?.
    Khoai lang mắm sống cuốn lá cách là món ăn có từ thời khẩn hoang ở Nam bộ, hiện còn tồn tại ở vùng chuyên canh khoai lang phía Bắc Quốc lộ 1A thuộc huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Nằm sát bên dòng sông Hậu, vào mùa nước nổi, tôm cá hội tụ về, người dân ở đây tranh thủ đánh bắt, cá dư thừa làm khô, ủ mắm. Trong đó các loại mắm mà họ làm thì mắm cá trèn, cá linh, cá sặt... là đặc sản nổi tiếng của vùng này. Vào mùa thu hoạch khoai, bà con nông dân thường đem cả hũ mắm ra đồng. Khoai mới dỡ đem luộc cả nồi to tướng.
    Hái mấy trái dừa rám vỏ (dừa đã cứng vỏ nhưng chưa khô), lá cách, cùng mớ rau cải ?oquơ? ở quanh ruộng là đã thành một món ăn khoái khẩu trong giữa giờ lao động cho hàng chục người. Khoai luộc xong bóc bỏ vỏ, cặp với một con mắm sống vàng ươm, thơm lừng, rắc dừa nạo lên cùng rau cải các thứ, thêm chút ớt, sau cùng gói bằng chiếc lá cách to. Món ăn này vừa có vị ngọt bùi của khoai lang, vừa có mùi vị mặn đậm đà của mắm (ngon nhất là mắm cá trèn sông Hậu), vị béo của cơm dừa nạo, vừa có mùi thơm đặc trưng của lá cách, rau vườn, tất cả hòa quyện thành một món ăn dân dã ngon khó tả. Cuộn khoai lang mắm sống lá cách này cứ liên tục được những người lao động vừa ăn vừa ca hát, nói cười rôm rả, thắm đượm tình làng nghĩa xóm. Dần dà món khoai lang mắm sống cuốn lá cách thành món ăn khai vị trong các bữa nhậu, tiệc tùng, đãi khách ở địa phương.
    Hiện nay nhiều người ở thành thị sau khi dùng thử món ăn này đều cho rằng: khoai lang sau khi luộc, bóc vỏ nên xẻ thành từng miếng nhỏ; mắm lựa thứ ngon nhất; dừa nạo, rau cải các thứ cuốn lá cách cho đẹp rồi bày ra dĩa trông cũng ?olịch sự? lắm chứ. Như thế món ngon dân dã này sẽ nghiễm nhiên có mặt tại các quán ăn, nhà hàng, trở thành món khoái khẩu cho những thực khách hâm mộ món ngon vật lạ.
    Kính các bác
  8. NguyenLeTrang

    NguyenLeTrang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/04/2006
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    Xôi cọ - món ăn đặc trưng của Phú Thọ
    Xôi cọ tạo nên thú ẩm thực dân dã mà đậm đà hồn cốt hương rừng của xứ sở trung du này. Xôi cọ là món đặc trưng riêng có ở một số vùng thuộc tỉnh Phú Thọ, nổi tiếng nhất là vùng đất Cầm Khê.
    Bất kỳ người con xa quê nào, cứ đến tháng 9 tháng 10 lại nhớ nao lòng món xôi cọ ngọt ngào, thơm phức từ bàn tay hồn hậu, ấm nồng tình thương yêu của bà, của mẹ. Tạo hóa cũng thật hài hòa khi dành cho xứ sở trung du những thực phẩm bình di mà ắp đầy hương say này. Xôi cọ là một món ăn cần một bàn tay công phu và khéo léo.
    Đến mùa cọ, người ta lên đồi trảy những buồng cọ sai trĩu quả và chín xuống để om, để xôi. Cọ dùng để xới là những trái cọ bầu tròn căng, nâu bóng được phủ một lớp mỡ thiên nhiên, nhìn đã thấy thích mắt. Những trái cọ bứt ra, rửa qua nước cho sạch. Dùng một dúm nứa vụn rắc nhẹ và đều tay lên rá cọ (chỉ dùng phần cật nứa). Sau đó xóc đều rá cọ nhẹ tay như người đãi gạo hồi lâu tìm sạn.
    Lớp vỏ lụa đen nâu, mỏng tang bao bọc trái cọ đã bị cật nứa sắc lẹm cứa gọn ngọt, thay vào đó là những viên kẹo hồng hồng. Đây là một công đoạn khá quan trọng bởi lẽ chất chát đắng của quả cọ nằm ở lớp vỏ lụa này. Dùng nước nóng (70-80 độ C) để om cọ. Khoảng mươi mười lăm phút sau hương cọ tỏa ra ngào ngạt cả góc bếp. Cọ chín, dùng ngón tay tách nhẹ nhàng từng phần thịt trái cọ này, vàng óng. Thịt cọ ấy đem trộn đều với gạo nếp hương (nếp cái hoa vàng) xóc chút muối rồi cho vào chõ xôi, đun nhỏ lửa, đồ chín. Khi xôi chín, ta trộn thêm hành mỡ đã phi thơm vào khiến cho món xôi cọ càng hấp dẫn.
    Xôi cọ chấm với muối vừng, đưa nhẹ vào lưới cũng đủ thấy mê ly. Hương rừng, hương đồng quyện thắm, giao hòa tinh tế trong tình người Cẩm Khê thân thương, thuần hậu.
    Rêu Đá - Món ăn độc đáo vùng Thanh Sơn Phú Thọ
    Sang thu, tiết trời vùng cao chớm lạnh. Những mái nhà sàn xam xám của đồng bào Mường nhòe đi trong màu sương bàng bạc của núi rừng. Về trưa, nắng bắt đầu hồng dần trên những nương lúa, nương ngô, rồi đỏ ửng trên đôi má những cô gái xuống suối ?obắt? rêu.
    Hầu hết các xã Đồng Sơn, Thu Cúc, Thượng Cửu? mà tôi có dịp đặt chân tới đều coi rêu đá như một món rau sạch đặc biệt của vùng cao. Người miền xuôi lên đây, phải được đồng bào quý lắm mới có dịp thưởng thức. Muốn ăn rêu sạch, non phải chọn nơi nước suối chảy xiết, có nhiều tảng đá to (nơi rêu bám vào để phát triển). Đồng bào gọi là ?obắt? rêu vì coi nó là một loại thực phẩm như cá hay cua suối. Rêu được ?obắt? thành từng dây dài, tùy từng khúc suối sâu hay nông mà có màu xanh lục hay xanh non. Rêu được bỏ vào rổ, giặt qua nước suối nhằm loại bỏ cát hoặc chất bẩn, bỏ lên một tảng đá to, có mặt bằng phẳng rồi dùng một khúc gỗ to để đập. Sơ chế rêu cũng đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn vì phải giặt và đập rêu tới vài lần mới sạch. Cả một rổ rêu đá lúc này chỉ còn đủ dùng trong một bữa. Màu rêu đá xanh đậm, sờ vào mềm và mát như lụa.
    Rêu đã làm sạch được tẩm ướp gia vị. Đó là tỏi thái mỏng, muối, mì chính, cộng thêm hành và chút mỡ lợn rồi trộn đều, dùng lá đu đủ gói thành nhiều lớp buộc chặt lại. Thông thường món ăn này được làm vào buổi tối vì đó là lúc có mặt đông đủ mọi thành viên trong gia đình. Bên bếp lửa bập bùng, họ vừa nấu cơm, vừa vùi rêu vào than hồng. Lớp lá đu đủ bén lửa bốc lên mùi cay cay, thơm thơm.
    Đợi đến khi những lá đu đủ bên ngoài chuyển thành màu đen, họ mới bóc từng lớp lá ra. Mùi tỏi và hành quyện với mùi nồng nồng của rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng. Tôi nếm thử món ăn đặc biệt này. Rêu giờ đây giống như món tảo biển có vị ngầy ngậy, mềm mềm, ngon mà không ngấy.
    Đến với vùng núi cao Thanh Sơn, nói tới ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc, người ta thường nghĩ tới món thịt chua làm từ lợn lửng hay món cơm nếp nương thơm khắp cả gian nhà, mà ít ai nghĩ rằng món rêu đá- món rau bình dị nhưng cũng thật lạ chính là nét độc đáo, ít nơi có được.
    Xôi Đăng Đen - Món ăn truyền thống của người Tày
    Xôi "đăm đeng" nấu từ gạo nếp và các loại lá rừng, lên mầu sặc sỡ rất đẹp mắt. Đây là món ăn truyền thống của dân tộc Tày.
    Từ khi bé thơ đến khi về bên kia thế giới, người Tày gắn bó cùng xôi "đăm đeng". "Đăm đeng" có mặt trong những phiên chợ dân dã, trong thực đơn ngày cưới tươi vui, trong lễ tảo mộ linh thiêng.
    Những người phụ nữ ra chợ mua về nhà những bó hoa rừng thơm ngát, có mầu vàng nhạt, treo lên để khô, đến sát ngày tao mộ mới đem ra rửa lại rồi đun kỹ lấy nước. Đó chính là thứ nước đặc biệt để ngâm gạo nếp, giúp cho xôi có mầu vàng tươi và mùi thơm dễ chịu.
    "Đăm đeng" không chỉ có mầu đỏ, đen như tên gọi. Người phụ nữ Tày được coi là khéo léo, phải là người làm được món xôi có đủ các mầu: đỏ, tím, vàng, đen, xanh, trắng...
    Độc đáo ở chỗ: tất cả các mầu sắc ấy không tạo ra bằng phẩm mầu, mà lấy từ hương sắc cây cỏ.
    Loại lá được người dân tộc gọi là lá cẩm, chính là "nguyên liệu" tạo mầu xôi. Phần còn lại tùy thuộc vào "tay nghề" của đầu bếp. Nếu dùng lá giã ra cho thêm một chút vôi rồi ngâm với gạo nếp, khi đồ lên, sẽ có mầu xanh cổ cò quyến rũ. Nếu cũng dùng lá đó giã ra ngâm với nước tro của rơm lúa nếp sẽ có xôi mầu xanh thẫm đặc trưng...
    Để xôi có đủ mầu người cầu kỳ còn lên rừng hái thêm một vài loại lá nữa. Xôi "đăm đeng" có mùi thơm rất riêng không hề lẫn với một thứ xôi nào khác: Hạt xôi bóng nhưng không ướt, khi nguội hạt se lại nhưng vẫn mềm, không cứng. "Đăm đeng" thường được ăn với muối lạc giã nhỏ, giống như món cơm lam.
    Xôi "đăm đeng" ăn với muối lạc càng nhai lâu càng thơm, càng bùi.
  9. NguyenLeTrang

    NguyenLeTrang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/04/2006
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    các bác đi nhiều được thưởng thức nhiều mà chả up lên gì cả. Em thấy bác Dugia bj thất bại rùi.
    Cổ vũ cho bác em up phát nữa.
    Bún sứa Phan Rang
    Quán nhỏ. Không bảng hiệu. Chủ quán cũng ít ai biết tên. Nhưng vì thị xã nhỏ. Và quán là duy nhất. Nên bạn chỉ dừng ở bất kỳ đâu ở nội thị và hỏi bất kỳ anh xe ôm hay chị công chức nào cũng đều được chỉ đúng nơi, đúng chỗ.
    Đạt được sự nổi tiếng ở vỉa hè ấy là bà chủ quán phải trải qua hơn 10 năm chung thuỷ với món ăn này. Chỉ có những vòng khuấy và nêm gia vị, nước lèo hình như có "chuyên nghiệp", điêu luyện hơn, vừa miệng khách hơn mà vẫn thể hiện được cái vị riêng không lẫn vào đâu.
    Tháng 2 là mùa tạo sứa già. Bà chủ quán phải gửi mua hàng từ Nha Trang mang vào, con sứa già chắc và dày thịt, mỗi đốt sứa trong vắt như thể lõi cơm của trái chôm chôm, ngâm nước ấm, khi ăn, cho vào tô "đẳng cấp bún cá" cùng rắc chút hột đậu phộng rang, lập tức "tăng level". Và cái "level" ấy chỉ đạt đỉnh khi sứa phải có chút mắm ruốc cộng với rau sống (có bắp chuối thái mỏng, sợi rau muống, xú-plơ?) trộn đều, cho ít ớt cay thái nhuyễn? ăn rất thấm. Và đó cũng là cách ăn bún sứa của người Phan Rang ở quán bà Hoà.
    Những tháng còn lại trong năm, sứa hơi hiếm, nên chủ quán phải độn thêm ít sứa khô, một loại sứa được sản xuất ở Hà Nội theo công nghệ Đài Loan. Một phần sứa khô hai phần sứa tươi như là một bài tung hứng khá đẹp và tự nhiên trong bản nhạc dân gian bún sứa đa thanh. Cái cảm giác vị sứa giòn, hơi nồng lợ mùi biển ngọt tan dưới kẽ răng cùng vị hanh hanh của nó với mùi mắm tôm, đậu phộng rang "thơm cay nhức óc"? Với vị đậm của ruốc, bà chủ luôn chủ động phóng khoáng về lượng rau trong mỗi khẩu phần.
    Khi được hỏi vì sao 10 năm rồi không mở rộng quán để kinh doanh lớn, bà Hoà xuề xoà: "Một mình một chợ. Vả lại nấu ít mà ngon là được rồi"!
    Lưu ý, khi đến thị xã Phan Rang, có ý định ăn bún sứa quán bà Hoà (hay cô Kiều), thì bạn nhớ đi vào khoảng thời gian từ 15h đến 18h30. Ăn tô bún sứa ngon toát mồ hôi hột xong, có khi ai đó bảo rằng, bún sứa là món có gốc gác từ xứ xương rồng cát trắng, có khi bạn? đâm ra tin tưởng cũng nên!
    Nhái Kho Sả Dừa
    Đây là món ăn dân dã, cây nhà lá vườn. Nhưng món ăn này không dễ kiếm trong thực đơn các quán nhậu, tiệm cơm.
    Đi bắt nhái có thú riêng. Vào lúc 7 - 8 giờ tối, các chú nhái cơm, nhái mén, bù tọt... từ các hang hốc, mương rạch nhảy ra đi tìm mồi. Do thói quen sống và đi tìm mồi kiếm ăn ban đêm nên nhái không thích nghi với ánh sáng. Người soi nhái chuẩn bị chiếc đèn pin buộc chặt ở trán, một tay cầm cây chĩa dài, tay kia cầm giỏ đựng nhái. Ánh sáng làm chúng lóa mắt, giảm chức năng phòng vệ, chúng chỉ biết ngồi nhìn, dùng chỉa đâm bắt từng con bỏ vào giỏ...
    Nhái cắt bỏ đầu, bàn chân, lột da, bỏ ruột, rửa sạch để ráo nước, cắt ra làm đôi, cho vào nồi đất ướp với sả xắt mịn, giã nát, vài trái ớt bằm nhuyễn, muối, bột ngọt, đường, cho một ít bột cà ri để lấy hương vị, đặc biệt tạo màu vàng đẹp mắt, trong khoảng một giờ. Dùng quả dừa khô nạo nhuyễn vắt nước cốt lọc lấy 1 chén, tiếp tục cho nước nóng vào dừa vắt tiếp để lấy chén thứ hai. Bát nước dừa thứ hai đổ vào nồi kho đến khi nhái chín, nước sền sệt thì tiếp chén nước cốt còn lại vào kho tiếp, nước sôi vài phút thì tắt lửa, tránh để nước dừa thành dầu, mất ngon.
    Thế là nồi nhái kho sả dừa thơm ngát đã chín, dọn ra ăn ngay. Để điều hòa vị béo của dừa ta chuẩn bị đĩa rau sống đủ loại như chuối chát, bông súng, khế, rau muống.
    Nhái không chỉ hầm sả dừa mà còn chế biến nhiều món ăn đồng quê như nhái xào mướp, kho mắm, nấu cháo... Món nào cũng mang hương vị dân dã đặc biệt của người Nam bộ.
    Món Lạ Từ Đà Điểu
    Thác Yangbay ở độ cao 100m so với mặt biển, cách thành phố Nha Trang khoảng 45km, nằm lọt giữa rừng nguyên sinh màu mỡ và những dãy núi đá vạm vỡ. Thế nhưng, du khách đến với Yangbay không chỉ bởi khí hậu trong lành và mát dịu của cảnh quang thiên nhiên, mà còn bởi ẩm thực của nơi đây cực kỳ hấp dẫn.
    Yangbay ngày nay đã khá quen thuộc với rất nhiều thực khách qua các món ăn độc đáo được tạo ra từ thịt đà điểu cùng những hương vị khác nhau đến từ chính quả cây ở vùng rừng núi nơi này. Các món ăn Đà điểu vốn đã chẳng xa lạ gì, tuy vậy, đến Yangbay để thưởng thức và cảm nhận cái lạ, cái sáng tạo của những món ăn này thì không phải ai cũng có được cơ hội đó.
    Nhà hàng Yangbay, nằm ngay trong vùng rừng núi Yangbay, là nơi hội tụ của nhiều món ăn nổi tiếng gắn với thiên nhiên, mảnh đất và cả con người nơi đây. Và tại nơi này, thịt đà điểu đã được chế biến theo một cách riêng rất lạ. Người ta đã nghĩ ra cách cho thịt đà điểu vào bên trong quả sa-kê, và cùng với hương vị của quả sa-kê, đã làm cho thịt đà điểu trở thành một món ăn rất là độc đáo.
    Sa-kê cũng chỉ là một trong số nhiều loại quả rừng, chất liệu thiên nhiên quí giá của Yangbay, được dùng để chế biến với món thịt đà điểu. Mỗi loại quả lại mang trong mình mỗi hương vị khác nhau, chính nhờ đó mà các món đà điểu được chế biến cùng lại có được cái hương thơm và mùi vị đặc trưng hiếm có đến như vậy. Và cái giống "nửa chim nửa gà" đó vì thế mà trở thành những món ăn ngon đặc trưng thật tinh tế trong đó có cả món đà điểu pháo, một sản phẩm tinh hoa của người đầu bếp nghệ sĩ, từ tên gọi đến cách trình bày đều rất thu hút người ăn.
    Một phong cảnh sông nước hữu tình, và cả một vừng rừng cây nguyên sinh hùng vĩ qua bao tháng ngày đã ẩn chứa trong mình một phong cách ẩm thực độc đáo và hấp dẫn đến kì lạ. Chỉ có ở Yangbay, các chất liệu đơn sơ vốn có trong thiên nhiên được sử dụng như những chất liệu độc đáo tạo thành những món ăn ngon thật khó quên.
    Em sưu tầm hết đấy. Các bác đừng bắt tội bản quyền nhá..........
  10. nhatrangmuathu

    nhatrangmuathu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/09/2005
    Bài viết:
    2.468
    Đã được thích:
    0
    Bánh canh Nha Trang
    Xa quê hơn 30 năm, lần nào có dịp về nhà, nơi bà Tuyết ghé đến đầu tiên bao giờ cũng là một hàng bánh canh nhỏ nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng, hàng ?oBánh canh cô Bảy?. Bà nói: ?oTheo tôi biết, có lẽ đây là hàng bánh canh xưa nhất ở Nha Trang. Tôi đã ăn bánh canh ở đây từ hồi còn rất nhỏ, mà năm nay tôi đã gần 80 tuổi rồi?.
    Bánh canh là một món ăn rất quen thuộc của người Nha Trang và chỉ ở Nha Trang mới có cách nấu bánh canh như vậy. Chính vì thế, với những người xa Nha Trang, món ăn làm họ nhớ đến nhiều nhất bao giờ cũng là bánh canh.
    Tuy không có điều kiện thống kê, song theo quan sát, tìm hiểu và ai cũng dễ dàng nhận thấy là ở Nha Trang hàng bánh canh được bày bán nhiều nhất. Gần như đường nào cũng có, từ đường Nguyễn Trãi, Ngô Gia Tự, Lê Thánh Tôn, Lý Thánh Tôn, Yersin đến Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu? Thậm chí có đường còn có đến vài hàng. Những hàng bánh canh nổi tiếng bao giờ cũng đi kèm với tên chủ nhân để trở thành ?othương hiệu? một cách rất dung dị và dễ nhớ: Bánh canh cô Bảy, Bánh canh bà Thừa, Bánh canh cô Lộc, rồi cô Loan?
    Nhưng có lẽ, đúng như bà Tuyết nói, Bánh canh cô Bảy là hàng bánh canh xưa nhất ở Nha Trang. Một vật dụng mang đầy dấu tích thời gian là tĩn đựng nước mắm sứt miệng bằng đất màu nâu sẫm tồn tại đến hơn 5 đời. Điều khá đặc biệt là bánh canh ở đây không giống bất cứ hàng bánh canh nào khác ở Nha Trang. Nó được nấu bằng một thứ bột đặc biệt tự làm và dù đã trải qua 5 đời nó vẫn giữ nguyên hương vị đặc biệt như thời xa xưa. Chỉ vào chiếc cối bằng gỗ cũ kỹ nằm ở góc nhà cùng với một chiếc chày lớn tựa như chiếc chày giã gạo của sóc Bombo, cô Bảy cho biết: ?oChiếc cối và chày này cũng đã được truyền tới 5 đời. Ngày trước, bà của cô vẫn thường giã bột từ chiếc cối này và bán bánh canh tại rạp hát cô Hai (tức Siêu thị Sách Tân Tiến bây giờ)?. Cô Bảy không lập gia đình nên hàng bánh canh giờ truyền lại cho một người cháu trai. Để có nồi bánh canh bán vào mỗi sáng, cả nhà cô phải dậy từ lúc 2 giờ sáng để giã bột. Đặc biệt, loại bột này phải giã bằng tay mới có độ dẻo và dai vừa phải. Bột giã xong được cán mỏng thành từng lá, xắt nhỏ và đem nấu ngay. Để có nồi bánh canh đặc sánh, ngọt và thơm, cá để nấu phải là cá thật tươi và to. Bánh canh cô Bảy không ăn kèm với chả cá mà chỉ ăn cùng chả lụa Thành. Khách hàng của cô Bảy đông nhất là người già và trẻ em.
    Nha Trang còn có một hàng bánh canh khác nổi tiếng không kém đó là hàng bánh canh bà Thừa. Tô bánh canh ở đây khác hẳn ?oBánh canh cô Bảy? - nó gần như là một dạng biến tấu của bánh phở tươi. Nước dùng trong vắt, những sợi bánh mềm dẻo vừa phải và ngọt thơm đậm vị cá biển. Bà Thừa cho biết: ?oBí quyết của tôi là nước dùng phải nấu bằng cá thu thật tươi và thật to. Cá càng tươi thì bánh canh sẽ càng ngọt và không tanh?. Đặc biệt bà không nấu một lần một nồi to, mà nấu thành từng nồi nhỏ để bột thấm, dẻo mà không bị nát. Món chả cá được bán kèm ở đây cũng ngon tuyệt. Chả được xắt thành từng miếng nhỏ hình thoi đều tăm tắp, ăn kèm với hành tây xắt nhỏ và ớt tương xay. Hàng bánh canh bà Thừa cũng có thâm niên đến vài chục năm.
    Nha Trang còn nhiều quán bánh canh đặc biệt khác như bánh canh thịt bò ở đường Trần Thị Tính, bánh canh giò heo ở đường Lê Thánh Tôn chỉ bán vào ban đêm? Và có thể nói đó là một món ăn đặc biệt gắn bó với người Nha Trang.
    (Báo Khánh Hoà)

Chia sẻ trang này