1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Những ngôi sao ban ngày- Ônga Becgôn

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Lithium4ever, 02/06/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Lithium4ever

    Lithium4ever Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/10/2003
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    0
    Những ngôi sao ban ngày- Ônga Becgôn

    Ônga Phi-ô-đô-rốp-na Bécgôn (1910-1975) là nhà thơ Xô Viết nổi tiếng. Bà được độc giả yêu thích ngay từ các tác phẩm đầu tay viết về những kế hoạch 5 năm đầu tiên ở Liên Xô: Thơ (1924);Sách hát(1936).

    Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, khi thành phố Lêningrát bị phát xít Đức bao vây, bà ở lại thành phố, làm phóng viên cho Đài phát thanh Lêningrát và cộng tác với nhiều tờ báo. Thời gian này bà viết những tác phẩm hay nhất, ca ngợi chủ nghiã anh hùng của nhân dân và quân đội Xô viết: Trường ca Lêningrát (1942), Con đường của anh(1945). Đề tài Lêningrát còn thể hiện trong các vở kịch Họ đã sống ở Lêningrát(1944), Trên đất chúng tôi(1947),và kịch bản phim Bản giao hưởng Lêningrát viết chung với Ma-cô-gô-nhen-cô.

    Tác phẩm văn xuôi nổi tiếng Những ngôi sao ban ngày (1959) là 1 tập kí viết về những con người và cuộc chiến đấu ở Lêningrát xen kẽ những hồi ức về thời niên thiếu và cuộc đời riêng của tác giả, "cuộc sống riêng hoà nhập với cuộc sống chung của dân tộc". Tập sách được viết dưới 1 dạng khó xác định, như chính lời bà nhận định. Đây là 1 tập văn xuôi bàng bạc chất thơ, hay cũng có thể gọi là 1 tập thơ bằng văn xuôi. Ônga Béc-gôn kết hợp những ghi chép tại chỗ như của 1 nhà báo với những lời bộc bạch trữ tình, ***g quá khứ vào hiện tại, khắc hoạ chân dung những con người thật và tư duy những vấn đề trừu tuợng về triết học, mỹ học... Rất đáng chú ý là những suy nghĩ của bà về chức năng tính chất của văn học nghệ thuật, về cái riêng và cái chung, về tính kế thừa và cách tân trong xã hội Xô Viết. Có thể nói, đây là 1 tác phẩm xúc động tận đáy sâu tâm hồn người đọc.
  2. Lithium4ever

    Lithium4ever Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/10/2003
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    0
    TRỞ VỀ THĂM THÀNH PHỐ CỦA TUỔI THƠ
    Giấc mơ
    Mỗi chúng ta hẳn đều có giấc mơ của mình, giấc mơ yêu chuộng nhấy, giấc mơ tốt đẹp nhất trong những giấc mơ, mà ta mơ đi mộng lại suốt đời. không phải van nài, giấc mơ ấy khắc đến với ta lúc nào nó thích. Nó có thể biến mất trong nhiều năm nhưng đằng nào rồi cũng sẽ trở về để ban cho ta vẫn một niềm vui ban đầu ấy.
    Cũng như mọi người, tôi có giấc mơ của tôi. Giấc mơ ấy diễn ra trong thành phố của tuổi thơ tôi, ở Ugơlích. mẹ tôi đưa em gái và tôi từ Pê-trô-grát đến đây năm 1918. Và trong thời gian cha tôi đi chiến đấu chống bọn Bạch quân ở nơi rất xa xôi, đâu như miền nam, gia đình tôi đã sống ở đấy gần 2 năm rưỡi, chuyển từ phố này sang phố khác , từ nhà này sang nhà nọ để cuối cùng có được một nơi cư ngụ có thể lâu dài hơn cả trong một nhà tu nữ, tu viện Êpiphani.
    Chính quyền thành phố trưng dụng 1 căn buồng ở đó cho chúng tôi. Cái chái nơi gia đình chúng tôi sống nằm ở tận cùng, áp vào tường tu viện, cạnh 1 khu vường cây cối rậm rịt. Cái chái đó trông ra 1 mảnh ao sâu nấp dưới những cây bồ đề tô tướng. Đề đến trường học, nhiều khi chúng tôi không băng qua đường phố mà đi men theo một hành lang tối om xây bằng đá phía trong bờ luỹ. Đi trong ấy chúng tôi rất sợ. Được cái là vào dạo tuyết tan thì đi đường này không phải lo dầm ướt những đôi giày bằng nỉ. Đó là một ngôi nhà xây bằng gạch đỏ, có tên là "Những buồng xem hát", đối diện với ngôi nhà thờ lớn có năm nóc tròn sơn màu xanh da trời và có điểm những ngôi sao vàng lớn.
    Chúng tôi đã sống trong căn buồng hẹp ấy suốt mùa hè, mùa thu và mùa đông. Nhất là mùa đông năm 1920. Ôi! những đêm dài lạnh buốt nặng mùi khét bốc lên từ những ngọn đèn dầu tù mù trôi qua trong tiếng gầm thét của chuông nhà thờ đằng trước và nỗi nhớ nhung da diết thành phố Pê-trô-grát thân yêu cuả chúng tôi. Cho dù mẹ tôi có nói đi nói lại mãi rằng mẹ cho chúng tôi đến đây là để chúng tôi khỏi phải chết đói, nhưng chúng tôi nhớ rõ rằng hồi ở Pê-trô-grát gia đình chúng tôi ăn uống khá hơn nhiều: ở dưới ấy bữa ăn có thịt, bên trên bàn ăn lại có treo cả một ngọn đèn có chao. Ngọn đèn treo ấy, chúng tôi nghĩ đến nó như nghĩ đến 1 vật sống, 1 người thân trong gia đình, hiện nay ở dưới ấy có lẽ người ta vẫn tiếp tục thắp sáng, mặc dù mẹ tôi đã giảng giải cho chúng tôi nghe rằng đã từ lâu lắm rồi, ông nội, bà nội và Ơđôxi, u già của chúng tôi, cũng chỉ còn có mỗi ngọn đèn con và ăn uống còn kham khổ hơn cả chúng tôi ở đây, bởi vì chúng tôi ít ra cũng còn có món hạt gai dầu,thỉnh thoảng cí cá dày khô và khá nhiều tấm kiều mạch để nấu món cháo đông, chứ ở Pê-trô-grát thì... Nói đến đây mẹ tôi lặng im. Tuy vậy, chúng tôi vẫn không làm sao tin đưọc rằng, ở tất cả các thành phố khác, nhất là ở Pê-trô-grát thân yêu của chúng tôi, mà cũng lạnh, cũng tối và cũng đói như trong căn buồng bé tẹo này. Không! Chắc chắn ở Pê-trô-grát người ta vẫn thắp sáng nó, ngọn đèn treo của chúng tôi...
    Tối tối, mẹ tôi đi làm bên trường học, ngay ở trường của chúng tôi, mẹ tôi dạy lớp xoá mù chữ cho những bà già đến đấy tập đọc như nhưng cô gái bé tí .Mẹ khoá trái cửa lại, để chúng tôi ở nhà một mình trong cái vòm cao lạnh của căn buồng chật chội. Chuông nhà thờ gào thét đến phát sợ. Các cửa sổ, bên trên xây cuốn như cửa tò vò, trở nên tối om. Cách đấy, không xa , là nghĩa địa với những nấm mồ của các cụ đạo, các bà phuớc bảo trông nom lớp học nhiều lần giảng cho chúng tôi nghe rằng những cụ đạo ấy thỉnh thoảng vẫn đi ra khỏi mồ, và giá chúng tôi không có con Tu-jích. con chó đói lông hung hung thường quấn quýt bên chị em chúng tôi suốt mùa đông năm ấy, hẳn chúng tôi đã chết vì khiếp đảm. May thay chúng tôi đã nài nỉ được mẹ cho mang con chó sói ấy vào trong nhà. Chúng tôi lén lút chia sẻ với nó những bữa ăn thanh đạm của mình, và đền đáp lại bằng một sự quyến luyến mặn mà, nó bo bo canh giữ chúng tôi. Trong khi 2 chị em học bài, người cuốn chặt trong chăn, ngọn đèn hôi hám kề sát nách, không dám thở mạnh chỉ lo tắt mất đèn để phòng ngừa , mẹ đã để lại cho chúng tôi một que diêm, mỗi một que thôi lấy trong số diêm để dành, thì con Tu-jích ngồi trước cửa, ra dáng con nhà binh, đôi tai hình tam giác màu nâu nhạt vểnh lên, sàng chồm dậy cắn cổ những lão cụ đạo nào dám rời kỏi quan tài mò đến đây xâm nhập nhà của chúng tôi.
  3. Lithium4ever

    Lithium4ever Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/10/2003
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    0
    Thế nhưng một tối không may hơi thở dài của Muxia làm tắt phụt ngọn đèn. Que diêm độc nhất để phòng ngừa gẫy đôi trong bàn tay tôi. Dĩ nhiên là không thể nào tìm được đầu diêm có thuốc, và thế là bóng tỗi với nỗi khủng khiếp úp chụp xuống đầu chúng tôi.
    -Chúng mình chết đến nơi rồi- Muxia nói giọng thều thào như từ dưới mộ vẳng lên.
    -Bậy nào !- Tôi lắp bắp- Mẹ sắp về rồi. Bởi vì chị vừa nghe tiếng chuông nguyện, lớp học chắc đã tan rồi, em biết đấy, phải tan học để cho các bà cụ về đi nhà thở cầu kinh chứ...
    Thật ra tôi còn khiếp đảm hơn cả em gái tôi.
    Vừa lúc ấy con Tu-jích đến. nó đặt đôi chân lên hai đầu gối tôi và thong thả liếm mặt chúng tôi. Lưỡi nó ram ráp nóng hổi, làm yên lòng người. Rõ ràng trong ba chúng tôi, chính nó là ngưòi chị cả.
    Tôi nói tiếp những lời khích lệ:
    -Mùa xuân chẳng lâu la gì nữa. Chị em mình sẽ đi vào rừng... Để cùng tham gia những ngày thứ bảy cộng sản chủ nghĩa,,, Chúng mình sẽ đi hái hoa linh lan cho xí nghiệp dược phẩm và nhặt quả thông cho nhà máy điện... Em cùng đi với chị chứ, Muxia?
    -Em chỉ muốn trở về Pê-trô-grát thôi !-Em gái tôi trả lời, giọng bi ai thống thiết.
    Tôi nói rõ thêm:
    Tất cả mọi chuyện đều tại thằng Kôn sắc mà ra cả. Ở trường cô giáo đã giảng cho chị nghe như vậy. Chính tại vì nó mà chúng ta phải ăn đói! Mọi sự đều tại nó tất...
    Căm thù thấm thía trào lên chẹn lấy cổ họng tôi. Câu chuyện giữa chị em tôi chấm dứt ở đấy. Căn buồng chật chội không còn quá tối như lúc đầu, khi ngọn đèn vừa tắt ngấm và que diêm gãy đôi, bây giờ có thể đoán thấy mờ mờ hình dáng cái lò sưởi, những chiếc gối để trên giường và cái thùng chứa nước. Các khung cửa sổ sáng lên một cách kì diệu và toả vào buồng một ánh sáng mờ ảo tựa sáng trăng, đó là ánh hồi quang phơn phớt xanh của tuyết cữ giữa đông.
    Có con Tu-jích là bạn, chúng tôi đã sống như vậy suốt mùa đông để chờ đợi mùa xuân êm dịu miền sông Vônga, chờ hết chiến tranh, chờ ngày trong thấy lại thành phố Pê-trô-grát, ba chúng tôi trở về, gặp lại gia đình, ăn lại bánh mì và nhìn thấy ánh sáng tràn trề toả ta từ ngọn đèn treo trên bàn ăn.
    ... Mười năm sau, khi đã là một thiếu nữ, tôi bắt đầu mơ đến cái chỗ ở ảm đạm hồi ấu thơ, vào thời kì nội chiến, đến căn buồng chật chội, góc sân của tu viện nơi có những cây bồ đề cổ thụ, và nhất là đến ngôi nhà thờ lớn màu trắng với năm cái nóc tròn như năm cái đầu trước trường học. Tôi mơ đến tất cả những thứ đó, dường như đấy là nơi trong sáng và hội hè, nơi đầy hạnh phúc tuyệt diệu.
    Trong mơ tôi thấy mình đang ở Ugơlích, ở đó có một con đường rất dài, rất rộng, mọc đầy một loại cỏ xanh li ti. Lúc ấy bình minh vừa hửng, vào lúc rạng đông sắp chuyển thành ban mai, hay có lẽ là vào buổi chiều , khi trời còn sáng nhưng đêm đang ập đến. Dù là vào rạng đông hay sẩm tối thì cả bầu trời, không khí, nhà cửa , cây cối lúc ấy cũng đều tắm trong một luồng ánh sáng lung linh màu sữa, hơi ngả sang bạc với một nét chấm phá màu xanh ở trên cao. Và tận cuối con đường xanh màu lá cây ấy,chính giữa vùng sáng lấp lánh ấy, ngời lên ngôi nhà thờ trắng đồ sộ. Tôi phải đi cho tới được nơi ấy: Ở đó, về phía sau, có trường học của chúng tôi, có khoảnh vườn với những cây bồ đề lớn đang vỗ cánh làm xào xạc tất cả những ngọn lá tròn, phát thành tiếng, như những chiếc đĩa bằng sắt tây. Và tôi biết rằng bao giờ tới được ngôi nhà thờ, tới được các cây bồ đề là tôi sẽ đưọc hưởng thụ sự diệu kì của niềm hạnh phúc trọn vẹn. Tôi đang đi lang thang trên những con đường chi chít dưới ánh sáng hoàng hôn kì lạ. Ngôi nhà thờ gần lại mãi. Và càng gần nó lại càng sáng ngời hơn. Tôi nghe dậy lên trong tâm hồn hương vị báo trưóc hạnh phúc. Một cái gì tuyệt diệu run rẩy và rung động trong tôi: một luồng ánh sáng chói chang gần như nhức nhối khi ngôi nhà thờ mỗi lúc mỗi xích lại gần. Thế rồi đột nhiên, tất cả đều chấm dứt: tôi vừa tỉnh giấc. Và cứ như vậy đấy, đã nhiều năm rồi, ngay cả trong mơ, tôi không bao giờ tới được " ngôi nhà thờ của tôi". Mà cho đến nay , chúng ta xa Ugơlích đã 32 năm trời...
    Năm ngoái tôi quyết định đi đến nơi ấy, nhưng là đi thực kia: đi cho đến tận ngôi nhà thờ, tận trường học, tận niềm hạnh phúc đau nhói mà tôi mơ ước đã bao lâu. Cần thiết như vậy, nhưng xin cho tôi kể lại trước chuyến đi trở về Pê-trô-grát của chúng tôi hôm đó đã. Bởi vì chuyến đi ấy, không phải trí nhớ tôi đã cảm thụ một cách máy móc, bằng cách ghi lại đơn thuần sự việc và địa danh, mà là một kí ức sống động đã lưu giữ mọi cảm giác và cảm tưởng lúc bấy giờ, một kí ức gói buộc tất cả kỉ niệm lại thành một lượm, không cho tàn úa mất một kỉ niệm nào, để cho tất cả đều trở nên vĩnh viễn chân chất và vĩnh viễn hiện tại, loại kí ức ấy thiên hạ khi thì gọi là hình phạt cho con người, khi thì gọi là diễm phúc. Có lẽ cả cái này lẫn cái kia, nhưng giá có ai bảo tôi đánh đổi kí ức ấy lấy tất cả những vàng bạc ở trên đời, tôi cũng sẽ không buông ra, không đánh đổi, cho dù đó chỉ là một cực hình mà thôi.
  4. Lithium4ever

    Lithium4ever Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/10/2003
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    0
    Ba về
    Tôi lên mười, em gái tôi lên tám... Một buổi sáng ngủ dậy, tôi thấy một chú bộ đội đứng giữa buồng lưng quay về phía giường của chúng tôi. Chiếc áo khoác ngoài của chú không cài khuy. Tay phải chú cầm một cái túi, tay trái chú ôm cổ mẹ chúng tôi và vỗ vỗ lên vai mẹ, khe khẽ nhắc đi nhắc lại:
    -Kìa bình tĩnh chứ em, có gì đâu !...
    Một tia sáng bừng xuyên qua trí óc, tôi hét lên:
    -Muxia, dậy đi em! Hết chiến tranh rồi! Ba đã về!
    Thế là ba tôi quay lại mấy bước đến giường chúng tôi nằm, và chúng tôi sững sờ vì khủng khiếp: đầu ba tôi cạo trọc, mặt thì gầy nhom, rám nắng và râu ria nhẵn thín. Mà chúng tôi nhớ rõ ba tôi lắm, ba tôi có bộ râu mép rất đẹp và mái tóc uốn quăn. Chúng tôi nhớ như vậy đã bảy năm nay, từ ngày ba tôi lên đường đi đánh nhau với tên vua nước Đức Vinhem. Chúng tôi biết như vậy qua bức ảnh ông chụp khi còn là sinh viên, còn con người ba tôi bằng xương bằng thịt ra thế nào thì trí óc chúng tôi đã hoàn toàn quên mất.
    Muxia hỏi khá lễ phép:
    -Có phải chú đúng là ba không ạ?
    -Đúng rồi đấy.
    Ba tôi đáp và ngồi xuống mép giường.
    Chiếc áo khoác của ba tôi toả ra nhiều mùi lạ: mùi da thô, mùi thuốc lá nhà binh và mùi khói. Người ba tôi sực mùi chiến trận và có vẻ đúng là ba tôi thật rồi đây.
    Ba tôi cũng vậy, có lẽ ông cũng chưa quen với các con gái, người có vẻ rất không tự nhiên. Ba tôi đưa bàn tay trái vuốt tóc tôi, rồi vuốt tóc Muxia. Nhưng tay phải của người vẫn cầm khư khư cái túi và tôi nghĩ hẳn ba tôi lúc nào cũng phải cầm chặt trong tay như vậy để cho bọn trộm cắp và bọn buôn gian bán lận không cuỗm đi mất. Cuối cùng mẹ tôi phải giằng cái túi khỏi tay ba tôi và bảo:
    - Mình hôn các con đi chứ.
    Nhưng ba tôi không hôn chúng tôi. Người như bị Muxia thôi miên và chỉ trả lời:
    Em hãy cho các con miếng đường trong xắc của anh.
    Đây là lần đầu tiên từ 3 năm nay chúng tôi đưọc ăn đường. Chúng tôi cắn một cách dữ dằn cho miếng đường vỡ tan trong mồm, rồi nuốt vội nuốt vàng và cứ nhìn chằm chặp vào ba, cho quen mắt dần.
    Tôi hỏi:
    -Ba ơi ba, có phải hết đói rồi phải không ba? Có phải là thật hết rồi phải ko hở ba?
    Tôi lắp đi lắp lại không biết chán: Ba, ba...
    Ba tôi đáp:
    -Hết thật rồi.
    -Và chúng ta sẽ đi Pê-trô-grát chứ, có phải không ba?
    -Đúng thế,ba về đưa các con đi Pê-trô-grát đây.
    -Sắp đi rồi chứ hở ba?
    -Ba hôm nữa.
    Chúng tôi vỗ tay hét lên mừng rỡ, vỗ tay cũng không phải là việc dễ vì đường cứ làm cho 2 bàn tay dính bết vào nhau. Ba tôi tủm tỉm cười. Đây là nụ cười đầu tiên: ba tôi cũng vậy, đến lúc này ba tôi mới quen lại với chúng tôi. Và đột nhiên, trông ba tôi giống hệt bức ảnh người chụp khi còn là sinh viên.
    -Nhưng còn tàu thuỷ trên sông Vônga nữa đâu!-Muxia thốt lên, con bé ấy là chúa hoài nghi, và nó không tin là mình có thể hạnh phúc đến mức ấy-Đi làm sao được cơ chứ ?
    -Chúng ta sẽ thuê thuyền, thuê một chiếc thuyền to. Các con đã từng trông thấy thuyền rồi chứ ? Chúng ta sẽ đi thuyền đến ga Vônga. Từ đấy chúng ta sẽ đi xe lửa về Pê-trô-grát, xe lửa chạy xình xịch ấy mà.
    Ba tôi phá ra cười. Chúng tôi cũng cười: chúng tôi điên lên vì sung sướng, và chúng tôi trìu mến nhìn người ba vừa bắt được trở lại này.
    Ngày hôm sau bắt đầu sửa soạn lên đường. Nhiều người lạ mặt mang để vào căn buồng hẹp của chúng tôi những chiếc hòm lớn đóng bằng gỗ dán và những cuộn vải gai, làm cho mùi ba tôi còn pha trộn thêm mùi đường sá, một thứ mùi gay gắt của gỗ tươi, của không khí quang đãng bên ngoài và của vải gai. Chúng tôi đâm yêu mê yêu mệt những đồ đạc huyền bí ấy với một tình yêu chưa từng có bao giờ. Chúng tôi chui vào các hòm gỗ, xem thử ngồi đấy có thích không. Rồi chúng tôi khoác các cuộn vải gai lên người. Và trong khi hai chị em đang đi quanh buồng trong bộ áo quần kì quặc ấy thì ba tôi bắt đầu gắt. Vẻ mặt rất nghiêm khắc, ba tôi truyền cho chúng tôi không được nghịch dại như thế nữa. Đuợc nghe ba gắt cũng thú vị lắm: từ nay thế là chúng tôi có một người ba thật rồi. Mọi sự đâu đã lại vào đấy, và như để chứng thực cho điều đó, ba tôi nói thêm:
    -Tốt hơn là các con hãy chọn lấy những thứ gì các con muốn mang theo về Pê-trô-grát.
    Chúng tôi chạy đi soát những tài sản trẻ con còm cõi của mình như sách vở đồ chơi... và chẳng mấy chốc hầy hết những gì ngày hôm qua còn làm cho chúng tôi vui thích, tất cả những gì chúng tôi ưa chuộng nhất , đều tỏ ra không xứng đáng với Pê-trô-grát: những chú lính đẽo bằng gỗ, những mảnh gốm vỡ nhiều màu, cho đến cả cái môi gỗ lớn cuốn giẻ bên ngoài, mà chúng tôi gọi là "anh chàng Ivan nhỏ bé" của chúng tôi.
  5. hoatambaban

    hoatambaban Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1
    Đã được thích:
    0
    Hay quá, bao nhiêu điều mà nhiều người chưa biết về một cuộc chiến tranh, một dân tộc.
    Bạn chịu khó post hết chuyện nhé. Cảm ơn bạn!
  6. Lithium4ever

    Lithium4ever Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/10/2003
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    0
    Con gấu chỉ còn có mỗi một mắt (một chiếc khuy giày ống) và bụng nó thì đã bung ra thật rồi. Nhưng con gấu ấy thì hiển nhiên là chúng tôi sẽ mang theo về Pê-trô-grát bởi vì nó vốn từ dưới ấy theo chân chúng tôi đến Ugơlích mà. Còn những mảnh gốm , các chú lính và anh chàng Ivan kia thì chúng tôi quyết định để nguyên tại chỗ. Em gái tôi thì thầm hỏi:
    -Còn ông cụ già, chúng ta mang theo chứ ?
    Tôi trả lời không kém phần kín đáo:
    -Tất nhiên!
    Bỏ dở việc sửa soạn, chúng tôi chạy đi tìm ông cụ già.
    Chúng tôi bắt được ông cụ ấy vào đầu xuân, trong vườn, dưới một bụi tường vi dại đã trụi lá, ông ngồi chồm hỗm , còm cõi, đen thui, hai bàn tay quăn queo buông thõng đến mặt đất, cái đầu xồm xoàm râu tóc ngoẹo sang bên phải một cách ngộ nghĩnh, trông vẻ vừa tư lự vừa cáu kỉnh. Chui vào tận nơi, chúng tôi nhận ra đây không phải là một cụ già bằng xương bằng thịt mà là một gốc cây, kì lạ thật đấy, bởi vì rõ ràng là ông già ấy sống, nhưng ông chỉ sống khi nào có chúng tôi thôi. Trước mặt những người khác thì ông cụ già chết, để cho người ta nhầm đấy là một khúc rễ cây, cái ông lão tinh quái thế cơ đấy! Chúng tôi biết tỏng lão ta rồi...
    Dưới một cây thông nhỏ ảm đạm và rậm rịt lạ lùng, chúng tôi đã dựng cho ông cụ một ngôi nhà giống hệt như một lều vải (chúng tôi không thể mang ông cụ vào trong buồng vì đây không phải là một đồ chơi mà là một con người thuộc thế giới khác, thế giới người thường không thể đến nơi), và ông cụ già của chúng tôi sống dưới gốc thông của ông ta như trong cảnh thâm nghiêm của một điện thờ bí mật. Chúng tôi dọn cho ông những mẩu bánh vụn li ti và ông cụ ăn hết, ông cụ uống nước chúng tôi rót cho trong một cái nắp đồ hộp, nhưng dĩ nhiên là ông cụ không ăn uống khi có mặt chúng tôi. Không một ai khác biết có ông và cuộc đời ở ẩn của ông, cả chúng tôi mặc dù đã cố gắng hết sức , vẫn không bao giờ bắt chộp được điều huyền bí của ông cụ. Nhưng chúng tôi đoán biết được hết và kể lại cho nhau nghe: ban đêm, ông cụ lóc cóc đi trong vườn, đôi tay quăn queo của ông sờ đủ mọi thứ, thỉnh thoảng ông cụ lại nổi hứng lên và đào những lỗ nhỏ nữa, và vì không có chân ông cụ đi bằng mông như con lật đật. Ít ra thì chúng tôi cũng tin tưởng chắc chắn như vậy. Điều đó khơi gợi đến điên lên và cũng hơi gớm ghiếc là khác, cho nên chúng tôi vừa sợ vừa rất yêu ông cụ.
    Vớ được một mảnh vải cũ kẻ ô vuông, lòng thành kính nhưng cũng khá khiếp đảm vì sự táo tợn cảu mình, chúng tôi rước ông cụ già ra khỏi gốc thông. Nhìn lại một lần cuối cùng cái điện thờ trống rỗng, tôi mới tin hẳn là chúng tôi sắp trở về Pê-trô-grát thật. Còn ông cụ già, còm cõi và đen thui, ông cóc cần biết đến chuyện đó, ông vẫn tiếp tục cuộc trầm tư, cái đầu vẫn ngoẹo về một bên với dáng điệu buồn cười như trước, và vẻ mặt vẫn tư lự vừa ương ngạnh như bao giờ. Rất nhanh, để khỏi ai trông thấy, tôi bọc ông cụ vào trong mảnh vải. Và vì có mặt ông cụ, chúng tôi nói chuyện thì thầm:
    -Vào trong nhà không nên mở ra, phỉ không chị Ônga?
    -Nhất định là không nên rồi, mẹ sẽ trông thấy.
    -Ừ, cả ba nữa, bởi vì ba đã về rồi cơ mà.
    -Đúng là ba đã về...
    -Chị Ônga này, về Pê-trô-grát, biết cho ông cụ ở đâu nhỉ, ông cụ già ấy?
    -Ở trong vườn chứ còn ở đâu nữa. Muxia này, em còn nhớ cái vườn nhà ta chứ, rộng quá nhỉ?
    -Có chứ. Em nhớ rõ lắm: đúng là một thửa vường mênh mông.Cả ngôi nhà nữa! Cứ mỗi lần nghĩ rằng chỉ còn ba hôm nữa thôi, chúng mình sẽ lại về đấy...
    Chúng tôi nhìn nhau, hơi thảng thốt vì bấy nhiêu hạnh phúc và cùng phá lên cười sằng sặc:
    -Chúng ta vào sắp xếp đồ đạc nhanh lên thôi!
    Ôm chặt vào lòng cụ già bọc trong mảnh giẻ, tôi lật đật chạy về. Em gái tôi theo sau. Những cây bồ đề của tu viện vui vẻ khua động những chiếc lá tròn trên đầu chúng tôi. Một làn gió phơi phới và ấm áp phảm phất mùi mật ong thổi vào mặt. Chúng tôi ba chân bốn cẳng chạy, thở không ra hơi vì vui suớng và vì đột nhiên, con Tu-jích vọt ra từ bụi rậm.
    Nó đứng lên trên hai chân sau, chồm vào tôi, rồi vào em gái tôi, vừa rán sủa to lên một cách đau đớn. Chúng tôi đứng lại sững sờ: Con Tu-jích đã hiểu. Nó biết chúng tôi sắp đi Pê-trô-grát và nó cũng biết hôm qua cha mẹ chúng tôi đã nói với một giọng hết đường cãi lại rằng chúng tôi không được phép mang theo con chó. Nó đã hiểu tất cả, do những mùi lạ kia- mùi ba tôi, mùi những hòm gỗ, mùi những cuộn vải gai- mùi vị chua xót của những buổi ra đi. Và nó đã biết chắc rằng chúng tôi sẽ không mang nó đi theo. Thế nhưng nó vẫn hy vọng.
  7. Lithium4ever

    Lithium4ever Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/10/2003
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    0
    Hôm lên đường , với những mánh khoé của người làm trò ảo thuật, chúng tôi đã giấu được ông cụ già của chúng tôi vào đáy một chiếc hòm lớn, dưới một tấm chiếu gai. Sau khi những người lạ mặt đóng đinh các nắp hòm lại mà xếp lên xe, trong lúc chúng tôi theo xe ba gác đi ra bến thuyền thì con Tu-jích, hiểu rõ phận sự của nó, chạy lon ton bên cạnh không rời chúng tôi một bước, quyết đi theo cho đến tận Pê-trô-grát. Muxia và tôi, lòng rầu rĩ vì thấy rõ sự phản bội của mình, chúng tôi câm như khóc, không quay lại lể cả để nhìn một lần cuối cùng tu viện và cái nhà thờ mà từ bấy trở đi tôi sẽ thấy trong mơ suốt bao nhiêu năm như một điều diệu huyền không thể nào với tới được.
    Hành lý đã xếp lên chiếc thuyền to, ba tôi, mồ hôi nhễ nhại và mỗi ngày một thêm gầy ôm hôn bạn bè và những người quen biết ở Ugơlích rồi giục chúng tôi nhanh lên. Nhưng , ôm hôn tất cả mọi người xong, chúng tôi vẫn khôn thể nào dứt nổi, từ biệt nổi con Tu-jích tội nghiệp đã giúp chúng tôi qua biết bao đêm tối hãi hùng trong căn buồng chật chội không đèn, không lửa, bụng lép kẹp; chúng tôi vừa hôn lấy hôn để nó vừa khóc như mưa như gió...
    Một bác đẩy xe chở đồ đạc cho chúng tôi, hỏi bằng một giọng trầm bổng:
    -Con chó này của ai?
    Tôi trả lời là của chúng tôi và nhìn kĩ bác: bác ta có khuôn mặt tròn hiền hậu. Tôi thốt lên:
    -Bác hãy nhận lấy nó đi, bác. Nhưng bác sẽ nuôi nó tử tế chứ, bác? Đừng để cho nó chết bác nhé.
    Bác già gật đầu:
    -Được! Tôi nhận nó cho lũ trẻ. Con chó này vui tính. đối với trẻ con chỉ cần có thế.
    Bác thò tay vào cái túi sâu thăm thẳm của chiếc quần bằng vải sọc kẻ lấy ra một sợi dây, buộc một đầu vào cổ con Tu-jích và giữ đầu kia trong tay.
    Ba tôi càng vội vã. Người ra lệnh:
    -Nào các con, xuống thuyền đi chứ. Và chớ có khóc lóc như vậy, các con sắp được gặp lại ông bà ở Pê-trô-grát cơ mà!
    Chúng tôi xuống thuyền. Thuyền nhổ sào. Con Tu-jích rị sợi dây một cách tuyệt vọng. Nó sủa, nó cắn, nó tru đến lạc giọng. Tưởng chừng chính nó cũng đang nức nở. Và để hoà theo, em tôi và tôi, cũng khóc hu hu.
    -Tạ ơn Chúa!- mẹ tôi thốt lên- Các con hãy nhìn Ugơlích một lần cuối cùng: chúng ta đã sống ở đây lắm lúc đến là gian nan!
    Tôi ngẩng đầu. Mặt tôi hẳn sưng húp lên vì khóc, và qua màn nước mắt của tôi, Ugơlích run rẩy , dường như đắm chìm trong lụt lội. Rất cao trên bãi sông, thành phố cổ xưa nổi rõ lên bầu trời những đường nét lượn và trên nền màu xanh lá cây ấy, ngôi nhà thờ lớn trắng toát của chúng tôi nhô lên năm cái đầu xanh lơ lốm đốm sao. Lâu đài cảu sa-rê-vích (hoàng tử) Đimitơri chấm một vệt đỏ thẫm ngay trên bờ sông, trước tu viện Phục sinh một chút, tất cả cảnh vật đỏ được bao phủ trong lớp sương mù bàng bạc mùa hè và lâỹ bẫy sau màn nước mắt của tôi. Những sợi tơ bồ đề trắng mịn bay lơ lửng trong không trung. Và một tình yêu mến chưa từng cảm thấy bao giờ bỗng dưng xâm chiếm lấy hồn tôi đối với thành phố đang khuất dần ngoài tầm mắt. Ugơlích giờ đây không chỉ là những ngày ăn đói. Chính ở nơi đây đã phát lộ những phút tự hào đầu tiên của đời tôi: những ngày thứ bảy cộng sản chủ nghĩa tham gia cùng với những người cộng sản thật và những đoàn viên thanh niên, những khi hát Quốc tế ca, chúng tôi cảm thấy mình không hkác gì người lớn, mình cũng đang thật sự đánh nhau với quân phản cách mạng, với tên Kôn-sắc đáng ghê tởm... Vả lại nơi đây còn có trường học của chúng tôi, có con Tu-jích, có những ngày hội, nhất là những ngày hội mùa xuân...
    Hồi ấy, tôi không nhận thức được rõ ràng như bây giờ. Tôi chỉ nhớ, qua kí ức của trái tim, những điều tôi cảm thấy lúc bấy giờ: tôi cảm thấy mình đã để lại ở Ugơlích một cái-gì-không-rõ thật là sáng chói, một ánh huy hoàng mà tôi sẽ không bao giờ tìm thấy được ngay cả ở Pê-trô-grát, và trong cổ họng tôi có một sợi dây đàn cao vút đang rung lên một khúc nhạc đau đớn.
  8. Lithium4ever

    Lithium4ever Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/10/2003
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    0
    Đường sông đi mất trọn một ngày đêm. Ban đêm, lúc đầu thì cũng khá thú vị. Giá biết cách, chắc chắn là tôi có thể câu được những ngôi sao bạc trong dòng nước ấm và đen thui này! Hai bên bờ, chen chúc đám đông: những ánh sáng nhỏ, niềm nở như những tổ ấm. Rồi tôi buồn ngủ ghê gớm. Trong đống hòm xiểng ngổn ngang ấy, loay hoay mãi mới tìm được một chỗ nằm tàm tạm. Cuối cùng, hai chị em chúng tôi rúc vào nhau như những con chó con , và tôi ngủ thiếp đi.
    Ngủ chỉ được một lát, người ta đánh thức tôi dậy: thuyền đã đến Vônga, trong một vầng sương mù hồng thẫm. Thuyền đỗ sát bãi sông. Tôi buồn ngủ và mọi việc diễn ra tựa hồ như trong mộng: leo mãi, leo mãi lên 1 bờ đất ẩn ướt và lạnh, sương phủ xanh, chờ đợi trong một túp lều hôi hám, cuối cùng laị lên đường bằng xe ngựa, chiếc xe rít lên gớm ghiếc. Chúng tôi tới nhà ga khi mặt trời đã mọc. Tôi tưởng như vừa đi thẳng một mạch từ nhà đến đây.
    Thật lạ lùng: cơn buồn ngủ của tôi tan biến ngay tức khắc, trong tim tôi không còn rung nữa tiếng dây đàn cao vút. Người nằm la liệt: nằm trong căn nhà ga cửa kính cáu ghét( hoặc đã vỡ mất), trên sân ga, giữa mặt đất, dọc chân các bờ tường. Tất cả những con người ấy đều có chung mộ khuôn mặt không phải là mặt đàn ông không phải mặt đàn bà không phải mặt người già không phải mặt trẻ con, một khuôn mặt vàng như một khúc nến thắp ở nhà thờ, với những quầng mắt xanh, to và những mái tóc hoa râm dính bệt vào nhau thành từng mảng cứng, khuôn mặt mà tôi sẽ thấy lại trên các tranh cổ động vẽ về nạn đói. Bất kì họ nằm duỗi ra, kiệt sức, trên sàn nhà, trên cả mặt đất, hoặc là họ đứng ,họ ngồi, tất cả đám ấy đều kêu la, động đậy, khoa chân múa tay. Một điểm tàn phá và cùng cực dữ dội toát ra từ đống người nhợt nhạt :đi đến đâu cũng chỉ gặp độc một khuôn mặt ấy, trong cảnh ồn aò những tiếng kêu cứu xen lẫn tiếng trẻ con gào khóc và một mùi hôi dai dẳng vừa khen khét vừa khai như nước tiểu. Một suy luận chớp nhoáng nảy ra trong trí tôi :" Hết chiến tranh rồi. Mọi người đều trở về. Như chúng tôi. Trở về Pê-trô-grát. Mọi người trở về Pê-trô-grát. Chúng tôi cũng như họ, Chúng ta đều giống nhau tất. Tất cả chúng ta đều trở về Pê-trô-grát." Đột nhiên tôi cảm thấy người mình bị những cơn xúc động mãnh liệt cuốn đi, và tôi chợt hiểu ra khá rõ ràng: tôi không còn sự tồn tại nào là riêng của bản thân tôi nữa.
    Mẹ tôi, Muxia và tôi ngồi trên sân nhà ga, giữa đám đông, gần một người đàn bà hiền lành, mặt bì bì, giống mẹ tôi một cách lạ lùng, làm tôi không thể nào rời mắt đi nơi khác. Chúng tôi ngồi ở đấy rất lâu, mãi cho đến chiều và với một nỗi tò mò vô độ, hoàn toàn mới lạ, tôi quan sát đám người bị đói khát gặm mòn, tai khao khát vểnh lên đón tất cả những tiếng rên la hoà hợp với nhau, lắng nghe với tất cả con người tôi, với một sự kích động và kinh hãi lẫn lộn, dấy lên trong tôi cái điều hoàn toàn mới mẻ, tối tăm, không thể nào hiểu nổi: cảm giác thấy mình tồn tại.
    Cảnh chen chúc lên tàu thật khủng khiếp , khác nào một cảnh con người lao vào cái chết. Ba tôi nhấc gọn Muxia và tôi luồn qua cửa sổ cho một người đàn ông chúng tôi không quen, và ông này tung cả hai chúng tôi như những cái bị, lên một chiếc giường nằm trên cao. Rồi những người đã ào được lên tàu bătý đầu chống lại cuộc tấn công của những kẻ đang cố leo cửa sổ mà vào. Dưới ánh sáng vàng vọt và run rẩy của những ngọn nến, người ta gào la, rên rĩ, giãy giụa trông càng thương tâm hơn cả khi ở nhà ga. Và cái cảnh ấy gớm ghiếc đến nỗi tôi ngủ thiếp ngay khi vừa đặt đầu xuống ghế.
  9. Thocontaidai

    Thocontaidai Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    25/07/2001
    Bài viết:
    167
    Đã được thích:
    0
    TRUYỀN THUYẾT VÀ ÁNH SÁNG​
    Một bàn chân đầy lông mịn màng, mát rượi lướt qua và ve vuốt mặt tôi.
    Đúng là một con sóc rồi! Tôi chẳng lấy điều đó làm ngạc nhiên chút nào và ngay lúc đó tôi mơ thấy một khu rừng thông màu da cam với những cây thông khá thẳng, khu rừng rực một màu vàng đỏ choé loang loáng những sọc bóng tối và những tia sáng xen kẽ vào nhau, như có ai cầm một tấm gương quật qua quật lại. Trời rất nóng. Hai bàn tay và hai gò má tôi đều nhơn nhớt dầu, mọt thứ dầu nóng bỏng, sáng chói cộng với ánh nắng và những màu sặc sỡ kia làm cho không khí trở nên ngột ngạt. Tuy vậy con sóc vẫn tiếp tục mơn man mặt tôi. Nhờ bộ lông mịn màng của nó, nghe man mát, dịu dàng. Và nó khéo léo chải bộ tóc rủ xuống trán tôi.
    Con sóc ấy, tôi thích nó lắm. Tôi cười, tôi nói với nó, lúng búng vì lưỡi tôi ngượng nghịu thế nào ấy.
    - Con sóc đáng yêu kia ơi, tao sẽ bắt mày và mày sẽ cùng tao đi Pêtrôgrát...
    Tôi đưa tay lên mặt. Tôi mở choàng mắt.. Và lập tức cơn khao khát dữ dội hôm qua trở về, tôi lại nhìn, lại nghe và cũng chỉ có thể nghe và nhìn.
    Bánh xe va vào đường sắt. Ánh rạng đông ngập ngừng và bẩn thỉu không muốn soi sáng toa tàu. Tôi nhìn xuống bên dưới tôi: thật là huyền hoặc. Tất cả những người đêm qua kêu la, chen lấn nhau, bây giờ đều đã tìm được chỗ ngồi. Và họ ngủ. Tất cả đều ngồi mà ngủ, dể chiếm thật ít chỗ, họ ngồi rúc vào nhau không chút ngại ngần, dầu gục xuống đầu gối, mặt úp vào hai lòng bàn tay hoặc gối lên những bàn tay đan chặt với nhau dưới gáy. giữa tất cả những tấm lưng tròn cùng còng xuống ấy, tôi không thể nhận ra đâu là ba, đâu là mẹ tôi mà chắc chắn cũng đang ngủ như những người khác. Cả cái khối xam xám ấy im lìm và cúi gục tuồng như chìm đắm trong cơn suy tưởng cần mẫm và sâu xa. Từ trên cao nhìn xuống tưởng chừng như đấy là những viên sỏi tròn lớn được chiếu sáng vụng về bởi ánh bình minh nhợt nhạt.
    " Đức vua Áctua, Ngài ngủ rồi.
    Những hiệp sỹ bàn tròn, họ đều ngủ cả rồi..."


    Cái cảnh tượng đó giống lời thơ mà tôi không nhớ đã đọc được ở cuốn sách nào, giống đến nỗi câu đó đột ngột dội vang trong tôi với cái điều trang nghiêm buồn buồn của nó.
    Họ ngủ mệt nhoài, câm lặng, mãi mãi ngập sâu trong cơn suy tưởng đau thương. Họ vẫn ngủ trong khi bánh tàu vẫn lăn đưa họ trở về Pêtrôgrát. Và sự im lặng của họ lâu lâu mới bị khuyấy động bởi một tiếng rên khe khẽ hoặc một tiếng ú ớ đứt đoạn. Có lẽ là mê sảng đấy. Chả là nhiều người đã bị nhiễm phải bệnh thương hàn rồi cơ mà.
    "Họ đã ngủ rồi, những hiệp sỹ bàn tròn.."Con sóc đã chạy đi dâu mất nhỉ? Sap nó vẫn cứ mơn man da mặt tôi.. Không, con sóc ấy chính là làn gió nhẹ lúc rạng đông. Qua cửa kính đóng không kín gió luồn vào toa tàu nồng nực, và mở cái miệng khát đến cháy cổ, nín thở tôi đến đứng vào chỗ có luồng gió làm tỉnh người ra ấy...
    Không phải tất cả mọi người đều ngủ thiếp: Phía dưới giường tôi nằm, có hai người mà tôi không trông thấy đang thì thầm nói chuyện với nhau. Bên kia cửa kính các cánh đồng trải dài giống như những sa mạc trải dài xam xám ngập trong sương mù. Một ngôi nhà gỗ bị cháy mất một nửa vút qua như một mũi tên. Sương mù dày thêm. Có tiếng sắt ầm ầm: tàu chúng tôi đang cẩn thận chạy qua một chiếc cầu cạn. Sau cửa sổ, những cột gốc khung cầu đen thui ẩm ướt, nối tiếp lướt qua. Một người lính mặc quần áo nhưn bô lông chim xù xụ , đứng trên ố cầu nhô ra một cách kỳ quặc, ngước đầu nhìn tôi; và bốn mắt chúng tôi đột ngột nhìn nhau... Xa xa dưới kia, sau những cột sắt có ánh nước mơ hồ, con sông tái nhợt và rét mướt trùm trong làn hơi nước toả rộng trên những cánh đồng cô quạnh, ở đó có hình dáng các cây con mờ đi trong ánh bình minh chập choạng. Và bỗng nhiên tôi có cảm tưởng thấm thía, gần như đau đớn, rằng tát cả những thứ đó đã cùng diễn ra trong đời tôi; đất này, nước này, sương mù này và cả người líh không quen biết kia, vột lên từ khoảng không bàng bạc sương mù, vừa đưa mắt nhìn thẳng vào mắt tôi...

Chia sẻ trang này