1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ngày này - Năm xưa

Chủ đề trong 'Thiên văn học' bởi Hero_Zeratul, 01/01/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0

    06/02
    06/02/1970 : Liên Xô phóng tàu vũ trụ Luna-1970A
    Luna-1970A là tàu vũ trụ thứ 5 của Liên Xô được phóng đến Mặt Trăng với mục đính chính là lấy mẫu đất đá trên vệ tinh này chuyển về Trái Đất. Trước đó, trong năm 1969, Liên Xô đã phóng lần lượt các tàu Luna-1969B, Luna-1969C, Cosmos-300, Cosmos-305 với mục đích tương tự nhưng đều gặp thất bại khi tên lửa đẩy gặp sự cố ngay trong những giai đoạn đầu của quá trình bay đến Mặt Trăng. Luna-1970 là một tàu vũ trụ dạng đổ bộ loại Ye-8-5. Những tàu vũ trụ loại này được thiết kế để có thể hạ cánh mềm xuống Mặt Trăng, khoan lấy một khối lượng nhỏ đất đá cho vào hộp chứa rồi sau đó phóng hộp chứa về Trái Đất. Ye-8-5 có khối lượng tổng cộng khoảng 5.6 tấn, được phóng đến Mặt Trăng bằng tên lửa Proton.
    Tuy nhiên, tên lửa đẩy của Luna-1970A lại tiếp tục gặp sự cố khi phóng. Liên Xô một lần nữa gặp thất bại trong nỗ lực lấy mẫu đất đá trên Mặt Trăng.
    Ngày 20/09/1970, Luna-16, tàu vũ trụ thứ 6 thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu đất đá trên Mặt Trăng đã hạ cánh thành công xuống thiên thể mục tiêu (Luna-16 cũng là tàu đổ bộ dạng Ye-8-5). Ngày 21/09, hộp đựng 101 gam mẫu vật lấy từ Mặt Trăng của Luna-16 đã được phóng trở lại Trái Đất. Ngày 24/09/1970, hộp mẫu vật đã rơi xuống Dzhezkazgan, Kazakhstan và được Liên Xô thu hồi. Đây là lần đầu tiên con người lấy được các mẫu đất đá từ Mặt Trăng bằng các tàu vũ trụ không người lái (1).
    [​IMG]
    Ảnh: Luna-16 (Luna-1970A có cấu tạo tương tự)​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Wikipedia, 02/2010. Luna Programme, http://en.wikipedia.org/wiki/Luna_programme
    [2]Wikipedia, 01/2010. Luna 1970A, http://en.wikipedia.org/wiki/Luna_1970A
    [3]Wikipedia, 09/2009. Luna 16, http://en.wikipedia.org/wiki/Luna_16
    ====
    Ghi chú:
    (1) Lần đầu tiên con người lấy được mẫu đất đá từ Mặt Trăng và mang về Trái Đất bằng tàu vũ trụ có người lái là nhiệm vụ Apollo-11 (tháng 7/1969).
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 00:37 ngày 06/02/2010
  2. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    Bổ sung thông tin cho bài viết cũ
    Ngày sinh kỹ sư không gian, phi công vũ trụ Liên Xô Konstantin Petrovich Feoktistov (07/02/1926 - 21/11/2009)
    [​IMG]
    Ảnh: Konstantin Petrovich Feoktistov (07/02/1926 - 21/11/2009)​
    Konstaintin Petrovich Feoktistov sinh ra tại thành phố Voronezh, tây nam nước Nga. Thế chiến thứ II nổ ra, Feoktistov tham gia chiến đấu chống quân phát xít Đức khi mới chỉ 16 tuổi. Trong một nhiệm vụ trinh sát, ông bị quân Đức bắt và đem bắn. Rất may là mặc dù viên đạn xuyên qua cằm và cổ nhưng đã không giết chết Feoktistov. Sau đó ông đã tìm về lại được với Hồng Quân.
    Chiến tranh kết thúc, Feoktistov tiếp tục học và trở thành kỹ sư vào năm 1949, sau đó ông bảo vệ thành công luận án tiến sỹ Vật lý. Năm 1955, Feoktistov bắt đầu làm việc trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Ông đã tham gia vào các dự án Sputnik, Vostok, Voskhod và Soyuz dưới sự chỉ đạo của Sergey Korolyov. Ông cũng được huấn luyện thành một phi công vũ trụ và đã tham gia vào chuyến bay ngày 12/10/1964 trên tàu Voskhod-1 (chuyến bay đầu tiên của tàu vũ trụ có nhiêù người lái). Tàu Voskhod-1 đã bay tổng cộng 16 vòng quanh Trái Đất trong thời gian 1 ngày 17 phút.
    Sau Voskhod-1, Feoktistov không thực hiện thêm chuyến bay vũ trụ nào nữa vì lý do sức khoẻ. Ông tiếp tục làm việc trong ngành hàng không vũ trụ, giữ vai trò lãnh đạo trong việc thiết kế các trạm không gian Salyut và Mir. Sau khi nghỉ hưu năm 1990, ông là giáo sư giảng dạy tại trường Kỹ thuật Bauman, Mat-xcơ-va.
    Tên ông được dùng để đặt cho một crater trên Mặt Trăng.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]. Today in Science History, 1999 ?" 2010. FEBRUARY 7 - BIRTHS, DEATHS, EVENTS, http://www.todayinsci.com/2/2_07.htm
    [2]. Wikipedia, 01/2010. Konstantin Feoktistov, http://en.wikipedia.org/wiki/Konstantin_Petrovich_Feoktistov
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 01:58 ngày 07/02/2010
  3. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    Bổ sung thông tin cho bài viết cũ
    07/02/1984: Lần đầu tiên con người "bay tự do" ngoài không gian
    Ngày 07/02/1984, trong nhiệm vụ STS-41-B (tàu Challenger), hai phi công vũ trụ Hoa Kỳ Bruce McCandless II và Robert L. Stewart đã thử nghiệm thành công thiết bị di chuyển có điều khiển (Manned Maneuvering Unit, MMU). Đây là thiết bị phản lực gắn sau lưng cho phép con người có thể di chuyển ngoài không gian mà không cần dây nối với phi thuyền mẹ. McCandless đã trở thành người đầu tiên "bay tự do" ngoài không gian với khoảng cách xa nhất đối với tàu con thoi lên tới 98 mét (ông cũng là người đã tham gia vào quá trình thiết kế và chế tạo MMU).
    Tuy nhiên, vì lý do an toàn nên MMU chỉ được sử dụng trong tổng cộng 3 nhiệm vụ với tàu con thoi năm 1984 (STS-41-B, STS-41-C, STS-51-A). Hiện nay, phiên bản nhỏ hơn của MMU là SAFER (Simplified Aid for EVA Rescue) được trang bị cho các nhà du hành như một thiết bị cứu trợ khi thực hiện các hoạt động ngoài không gian (có dây nối) trên trạm ISS.
    Một số hình ảnh của McCandless và Stewart trong nhiệm vụ STS-41-B:
    [​IMG]
    Ảnh: McCandless​
    [​IMG]
    Ảnh: McCandless​
    [​IMG]
    Ảnh: McCandless​
    [​IMG]
    Ảnh: McCandless​
    [​IMG]
    Ảnh: Stewart​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]. Today in Science History, 1999 ?" 2010. FEBRUARY 7 - BIRTHS, DEATHS, EVENTS, http://www.todayinsci.com/2/2_07.htm
    [2]. Wikipedia, 01/2010. Manned Maneuvering Unit, http://en.wikipedia.org/wiki/Manned_Maneuvering_Unit
  4. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    Sửa bài viết cũ
    (Một số bài liên quan đến trạm Skylab trong topic này viết năm 2007 bị sai vì hồi đó tôi chưa hiểu rõ quy trình vận hành của trạm Skylab)
    08/02/1974: phi hành đoàn cuối cùng của Hoa Kỳ rời trạm Skylab
    Skylab là trạm không gian đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này do Hoa Kỳ độc lập chế tạo và sử dụng. Trạm có chiều dài 36.12 m, đường kính chỗ lớn nhất 6.58 m, thể tích không gian làm việc của phi hành đoàn : 361 mét khối, tổng khối lượng khi phóng là 76.295 tấn. Skylab chuyển động trên quỹ đạo mà điểm cao nhất cách mặt đất 439 km, điểm thấp nhất cách mặt đất 427 km. Trạm không gian bay 1 vòng quanh Trái Đất hết 93.4 phút. Để đưa phi hành đoàn lên làm việc tại Skylab, Hoa Kỳ sử dụng command/service module (CSM) của các tàu Apollo.
    Skylab được phóng thành công lên quỹ đạo ngày 14/05/1973. Tổng cộng đã có 3 chuyến bay đưa các nhà du hành lên làm việc tại Skylab. Thành viên của mỗi chuyến bay bao gồm 3 người.
    (Ký hiệu nhiệm vụ; phi hành đoàn; ngày phóng - ngày hạ cánh; thời gian làm việc trên trạm)
    + SL2, Pete Conrad, Paul Weitz và Joseph Kerwin; 25/05/1973 - 22/06/1973; 28.3 ngày
    + SL3, Alan Bean, Jack Lousma và Owen Garriott; 28/07/1973 ?" 25/09/1973; 59.46 ngày
    + SL4, Gerald Carr, William Pogue và Edward Gibson; 16/11/1973 ?" 08/02/1974; 84.04 ngày
    [​IMG]
    Ảnh:Phù hiệu SL4​
    Phi hành đoàn SL4 đã bay 1214 vòng quanh Trái Đất, thực hiện nhiều thí nghiệm y học, quan sát Mặt Trời, tài nguyên Trái Đất và sao chổi Kohoutek. Sau khi phi hành đoàn SL4 rời khỏi Skylab, trạm không gian vẫn tiếp tục ở trên quỹ đạo cho đến khi rơi trở lại vào bầu khí quyển ngày 11/07/1979. Tổng cộng Skylab đã ở trên quỹ đạo 2249 ngày (trong đó 171 ngày có phi hành đoàn), bay được 34981 vòng xung quanh Trái Đất.
    [​IMG]
    Ảnh: Skylab 4 trên quỹ đạo (chụp bởi các nhà du hành sau khi rời khỏi trạm)​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]. Today in Science History, 1999 - 2007. February 8 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/2/2_08.htm
    [2]. Wikipedia, 07/2008. Skylab, http://en.wikipedia.org/wiki/Skylab
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 02:38 ngày 08/02/2010
  5. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0

    10/02
    Ngày mất nhà thiên văn học người Hy Lạp Eugène Michel Antoniadi (01/03/1870 - 10/02/1944)
    [​IMG]
    Ảnh: Eugène Michel Antoniadi (01/03/1870 - 10/02/1944)​
    Eugène Michel Antoniadi sinh ra ở vùng Tatavla, bán đảo Tiểu Á (Anatolia), nay thuộc khu vực ngoại vi thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù theo học chuyên ngành kiến trúc, Antoniadi đã bộc lộ năng khiếu thiên văn từ rất sớm và bắt đầu công bố những kết quả quan sát từ khi còn thiếu niên. Năm 1893, ông đến Pháp, làm việc tại đài thiên văn Juvisy (gần Paris). Từ đó cho đến cuối đời, ông chủ yếu sống và làm việc tại Pháp.
    Lĩnh vực nghiên cứu của Antoniadi tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu các đặc tính bề mặt của các thiên thể trong hệ Mặt Trời. Ông đã vẽ bản đồ rất chi tiết và xác định chính xác đặc điểm địa lý của nhiều khu vực trên bề mặt các hành tinh. Antoniadi là một trong những nhà thiên văn trong giai đoạn đầu thế kỷ XX khẳng định các kênh đào trên bề mặt Sao Hoả chỉ là sản phẩm của ảo giác khi quan sát, không hề tồn tại trên thực tế.
    Tên ông được dùng để đặt cho một crater trên Sao Hoả, một crater trên Mặt Trăng, một khu vực trên Sao Thuỷ.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]. Today in Astronomy, February 10: Eugène Michel Antoniadi, http://todayinastronomy.blogspot.com/2009/02/february-10-eugene-michel-antoniadi.html
    [2]. McKim, Richard J., 1993 "The Life and Times of E.M. Antoniadi, 1870-1944. Part I: An Astronomer in the Making",Journal of the British Astronomical Association 103: 164?"170, http://adsabs.harvard.edu/abs/1993JBAA..103..164M
  6. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    Bổ sung thông tin cho bài viết cũ
    11/02/1970: Nhật Bản phóng thành công vệ tinh Ohsumi
    Ohsumi (1) có khối lượng tổng cộng 24 kg, dài 1 mét, đường kính chỗ lớn nhất 48 cm. Vệ tinh chuyển động trên quỹ đạo mà điểm thấp nhất cách Trái Đất 350 km, điểm cao nhất cách Trái Đất 5140 km. Ohsumi bay một vòng quanh Trái Đất hết 145 phút. Vệ tinh được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Lambda-4S.
    Đây là lần đầu tiên Nhật Bản phóng thành công vệ tinh nhân tạo lên không gian. Với thành công này, Nhật Bản đã trở thành nước thứ 4 trên thế giới phóng vệ tinh vào vũ trụ (sau Liên Xô, 1957; Hoa Kỳ, 1958; Pháp, 1965).
    [​IMG]
    Ohsumi hoạt động trên quỹ đạo (ảnh minh hoạ)​
    [​IMG]
    Ảnh: Tên lửa Lambda-4S​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. February 11 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/2/2_11.htm
    [2]. Japan Aerospace Exploration Agency - JAXA, 2008. Japan''s first satellite - OHSUMI, http://www.isas.ac.jp/e/enterp/missions/ohsumi.shtml
    ====
    Ghi chú:
    (1) Do trước đó, Nhật Bản đã thất bại tổng cộng 4 lần nên một số tài liệu còn gọi vệ tinh nhân tạo đầu tiên được Nhật Bản phóng thành công lên không gian là Ohsumi-5.
  7. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0

    23/03
    23/03/1965: NASA phóng thành công tàu Gemini-3
    [​IMG]
    Ảnh: Phù hiệu Gemini-3​
    Gemini-3 là chuyến bay có người lái đầu tiên thuộc chương trình Gemini. Mục đích chính của chuyến bay này là nhằm kiểm tra khả năng điều chỉnh quỹ đạo của các tàu vũ trụ có người lái của NASA. Đây cũng là chuyến bay có nhiều người lái đầu tiên của Hoa Kỳ (sau Voskhod-1 và Voskhod-2 của Liên Xô). Phi hành đoàn Gemini -3 là Virgil I. Grissom và John W. Young.
    [​IMG]
    Ảnh: Phi hành đoàn Gemini-3, từ trái sang phải : John W. Young, Virgil I. Grissom​
    Gemini-3 được phóng lên không gian vào lúc 14h24 UTC ngày 23/03/1965. Ban đầu, tàu vũ trụ chuyển động trên quỹ đạo 161.2 km x 224.2 km (điểm gần nhất cách Trái Đất 161.2 km, điểm xa nhất cách Trái Đất 224.2 km). Vào cuối vòng bay thứ nhất trên không gian, Gemini-3 đã thực hiện thành công quá trình hiệu chỉnh quỹ đạo bằng động cơ gắn trên phi thuyền. Tàu vũ trụ chuyển sang quỹ đạo 158 km x 169 km. Sau đó, Gemini-3 tiếp tục bay thêm 2 vòng quanh Trái Đất trước khi đổ bộ an toàn xuống Đại Tây Dương.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]. Mark Wade, 1997-2010. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, March 23, http://www.astronautix.com/thisday/march23.htm
    [2]. Wikipedia, 15/03/2010. Gemini 3, http://en.wikipedia.org/wiki/Gemini_3
  8. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0

    17/07
    17/07/1975: Cái ?obắt tay vũ trụ? giữa hai siêu cường
    Tháng 7 năm 1975, Liên Xô và Hoa Kỳ hợp tác tiến hành Dự án Thử nghiệm Apollo-Soyuz (the Apollo-Soyuz Test Project, ASTP). Mục tiêu của dự án là tiến hành kết nối trên không gian giữa 1 tàu vũ trụ Apollo của Hoa Kỳ và 1 tàu vũ trụ Soyuz của Liên Xô.
    [​IMG]
    Ảnh: Phù hiệu Apollo-Soyuz Test Project​
    Tham gia ASTP, phi hành đoàn Hoa Kỳ bao gồm 3 thành viên:
    + Thomas P. Stafford
    + Vance D. Brand
    + Donald K. Slayton
    Phi hành đoàn Liên Xô gồm 2 thành viên:
    + Alexey Leonov
    + Valery Kubasov
    [​IMG]
    Ảnh: Các phi công vũ trụ Hoa Kỳ và Liên Xô trong Apollo-Soyuz Test Project​
    Do các khác biệt về cấu tạo, công nghệ giữa các tàu Apollo và Soyuz nên 2 tàu vũ trụ đã dùng thêm một module hỗ trợ để tiến hành kết nối. Module này được phóng lên cùng với tàu Apollo của Hoa Kỳ.

    Ngày 15/07/1975, tàu Soyuz và Apollo lần lượt được phóng lên quỹ đạo cách nhau 7 tiếng rưỡi. Vào lúc 16:19:09 UTC ngày 17/07/1975, hai tàu đã tiến hành kết nối thành công trên quỹ đạo. Ba tiếng sau khi kết nối, chỉ huy của phi hành đoàn hai bên là Stafford và Leonov đã thực hiện ?ocái bắt tay vũ trụ đầu tiên? giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô. Phi hành đoàn 2 bên đã sang thăm phi thuyền của nhau, trao đổi cờ và quà (trong đó có hạt giống cây mà sau đó được trồng ở cả Hoa Kỳ và Liên Xô), ký vào văn bằng xác nhận, tiến hành chung các thí nghiệm khoa học, ...
    Sau 44 giờ kết nối, hai phi thuyền tách khỏi nhau. Tàu Apollo đã di chuyển và che Mặt Trời, tạo ra hiện tượng ?onhật thực nhân tạo? để phi hành đoàn tàu Soyuz chụp ảnh vành nhật hoa. Sau đó, hai tàu lại kết nối với nhau thêm lần nữa trong một khoảng thời gian ngắn. Sau khi tách ra, tàu Soyuz còn ở lại trên không gian 5 ngày, tàu Apollo còn ở lại trong 9 ngày. Trong quá trình hạ cánh, trục trặc kỹ thuật đã xảy ra đối với phi hành đoàn Apollo. Khí N2O4 (nitrogen tetroxide) tràn vào khoang lái, rất may là đã không xảy ra thiệt hại về tính mạng.
    Đây được coi là một thành công lớn về cả mặt kỹ thuật và quan hệ quốc tế, là tiền đề cho các hợp tác trong tương lai như: giai đoạn hợp tác sử dụng trạm Mir (Shuttle-Mir program), xây dựng và sử dụng trạm ISS. Đây cũng là chuyến bay cuối cùng vào không gian của các tàu Apollo, sau đó Hoa Kỳ chuyển sang sử dụng các tàu con thoi.
    [​IMG]
    Ảnh: Tàu Soyuz và tàu Apollo chụp bởi phi hành đoàn 2 bên trong quá trình tiếp cận​
    [​IMG]
    Ảnh: Tàu Soyuz và tàu Apollo tiến hành kết nối (ảnh minh họa)​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2010. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, July 17, http://www.astronautix.com/thisday/july17.htm
    [2]. Wikipedia, 07/2010. Apollo?"Soyuz Test Project, http://en.wikipedia.org/wiki/ASTP
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 00:27 ngày 18/07/2010
  9. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0

    30/07
    30/07/1971: Module đổ bộ của tàu Apollo-15 hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng
    [​IMG]
    Ảnh: Phù hiệu Apollo-15​
    Apollo-15 là nhiệm vụ thứ 5 có mục đích đưa con người đổ bộ xuống Mặt Trăng trong chương trình Apollo của Hoa Kỳ. Phi hành đoàn Apollo-15 bao gồm 3 thành viên:
    + David R. Scott: chỉ huy
    + Alfred M. Worden : phi công module điều khiển (Command Module). Trong nhiệm vụ Apollo-15, tên gọi của module này là Falcon.
    + James B. Irwin: phi công module đổ bộ (Lunar Module). Trong nhiệm vụ Apollo-15, tên gọi của module này là Endeavour.
    [​IMG]
    Ảnh: Phi hành đoàn Apollo-15, từ trái sang phải: Scott, Worden, Irwin​
    Được phóng đi từ ngày 26/07/1971, 22 giờ 16 phút (UTC) ngày 30/07, module đổ bộ của tàu Apollo-15 đã hạ cánh an toàn xuống bề mặt Mặt Trăng. Tổng cộng hai nhà du hành đã ở trên Mặt Trăng trong vòng 66 giờ 54 phút, thực hiện 3 lần các hoạt động ngoài phi thuyền. Trong thời gian này, Command/Service Module do Alfred Worden điều khiển vẫn tiếp tục bay xung quanh Mặt Trăng.
    [​IMG]
    Ảnh: James Irwin chào cờ trên Mặt Trăng​
    Chiếc xe chuyên dụng do hãng Beoing chế tạo, được thiết kế để chở 2 người, hoạt động bằng năng lượng mặt trời. Chiếc xe có trọng lượng 209 kg, có thể gấp lại dưới dạng một hộp chữ nhật. Mỗi bánh xe hoạt động nhờ một động cơ riêng. Sử dụng xe, các nhà du hành có thể di chuyển đến những vị trí xa hơn, thu thập được nhiều mẫu vật hơn. Trong nhiệm vụ Apollo-15, 2 nhà du hành đã dùng xe di chuyển tổng cộng 28 km, thu thập khoảng 76 kg đất đá trên Mặt Trăng. Trong nhiệm vụ Apollo-14 (chưa được trang bị xe), hai nhà du hành Shepard và Mitchell đã di chuyển tổng cộng 4 km . Những chiếc xe kiểu này còn tiếp tục được trang bị cho hai phi thuyền Apollo-16 và Apollo-17.
    Ngày 02/08/1971, Scott và Irwin đã sử dụng bộ phận cất cánh của module đổ bộ để bay lên ghép nối với Command/Service Module rồi sau đó hiệu chỉnh quỹ đạo bay trở lại Trái Đất. Ngày 07/08, module điều khiển của Apollo-15 đã hạ cánh an toàn xuống Thái Bình Dương (mặc dù một trong 3 chiếc dù đã không mở).
    Tài liệu tham khảo:
    [1] Mark Wade, 1997-2010. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, July 30, http://www.astronautix.com/thisday/july30.htm
    [2] Wikipedia, 07/2010. Apollo 15, http://en.wikipedia.org/wiki/Apollo_15
  10. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0

    31/07
    31/07/1999: Tàu thăm dò Lunar Prospector kết thúc nhiệm vụ khảo sát Mặt Trăng
    [​IMG]
    Ảnh: Lunar Prospector khảo sát Mặt Trăng (ảnh minh họa)​
    Lunar Prospector là tàu vũ trụ không người lái kiểu vệ tinh của NASA với nhiệm vụ thám hiểm Mặt Trăng ở quỹ đạo thấp. Mục đích chính của Lunar Prospector là:
    + Khảo sát thành phần cấu tạo của bề mặt Mặt Trăng,
    + Tìm kiếm sự tồn tại của băng ở các vùng cực của Mặt Trăng
    + Đo đạc từ trường và trường hấp dẫn của Mặt Trăng
    + Khảo sát sự thoát khí của Mặt Trăng
    Lunar Prospector có phần thân hình trụ tròn, cao 1.28 mét, đường kính 1.37 mét. Tàu vũ trụ có 3 cần dài 2.5 mét để gắn các thiết bị khoa học. Ở đầu mỗi cần lại được nối dài thêm 1.1 mét để gắn các từ kế. Tổng khối lượng của tàu vũ trụ khi phóng là 296 kg. Lunar Prospector còn mang theo một chút tro của nhà thiên văn học Hoa Kỳ Eugene Merle Shoemaker (28/04/1928 ?" 18/07/1997) với ý nghĩa tưởng niệm, mai táng ông trên Mặt Trăng.
    Lunar Prospector được phóng lên không gian vào lúc 02:28:44 UTC ngày 07/01/1998 (nếu tính theo EST thì sẽ là ngày 06/01/1998) bằng tên lửa đẩy Athena II. Tàu vũ trụ mất 105 tiếng để bay đến Mặt Trăng. Sau quá trình hiệu chỉnh, từ ngày 16/01/1998, Lunar Prospector chuyển động ổn định trên một quỹ đạo gần như tròn, cách Mặt Trăng 100 km, vuông góc với mặt phẳng xích đạo và có chu kỳ 118 phút. Vào giai đoạn cuối năm 1998, đầu năm 1999, tàu vũ trụ chuyển xuống qũy đạo thấp hơn (cách Mặt Trăng 40 km) để có được những kết quả quan sát có độ phân giải cao hơn. Từ ngày 28/01/1999, Lunar Prospector kết thúc nhiệm vụ chính thức, bắt đầu nhiệm vụ mở rộng với qũy đạo elíp mà điểm gần nhất cách Mặt Trăng 15 km, điểm xa nhất cách Mặt Trăng 45 km.
    [​IMG]
    Ảnh: Lunar Prospector rời khỏi Trái Đất, tiến đến Mặt Trăng (ảnh minh họa)​
    Ngày 31/07/1999, Lunar Prospector đã được điều khiển để đâm vào một crater tại cực nam Mặt Trăng. Các nhà khoa học đã hi vọng sự va chạm này sẽ làm tung lên nước ở dạng băng được tích lũy trong crater và có thể quan sát từ Trái Đất. Tuy nhiên, các quan sát từ Trái Đất đã không ghi nhận được đám vật chất bị tung lên do sự va chạm của Lunar Prospector.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]. Mark Wade, 1997-2010. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, July 31, http://www.astronautix.com/thisday/july31.htm
    [2]. NASA, National Space Science Data Center, 07/2010. Lunar Prospector, http://nssdc.gsfc.nasa.gov/nmc/spacecraftDisplay.do?id=1998-001A
    [3]. Wikipedia, 06/2010. Lunar Prospector, http://en.wikipedia.org/wiki/Lunar_Prospector
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 18:53 ngày 31/07/2010

Chia sẻ trang này