1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

The Beatles, mỗi ngày một câu hỏi

Chủ đề trong 'The Beatles' bởi barrygibson, 01/05/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. barrygibson

    barrygibson Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    29/01/2002
    Bài viết:
    546
    Đã được thích:
    1
    The Beatles, mỗi ngày một câu hỏi

    Tôi mở chủ đề này với mục đích giúp các thành viên khác, những người có câu hỏi thắc mắc về sự nghiệp cũng như cuộc đời của Beatles muốn tìm hiểu nhưng ngại tra cứu tìm được câu trả lời. Mỗi ngày tôi sẽ đăng một câu hỏi và một câu trả lời về những gì liên quan tới Beatles. Ai có câu hỏi nào thắc mắc thì xin gửi PM, tôi sẽ giải đáp trên chủ đề này để mọi người cùng tham khảo. Ai có câu hỏi nào với câu trả lời khá thú vị cũng nên post lên để chia sẻ với mọi người trong box. Hi vọng topic này sẽ vực dậy đời sống online của box.

    1/ John Lennon có thực sự xuất thân từ giai cấp công nhân như anh thường tự nhận không?

    [​IMG]

    Trả lời: "Người anh hùng của giai cấp công nhân" là tựa đề của một bài hát khá nổi tiếng của John Lennon thời hậu Beatles với lời kêu gọi " nếu muốn trở thành người anh hùng thì hãy theo tôi". Từ đó, cụm từ "Working Class Hero" được các phương tiện truyền thông sử dụng triệt để để gọi cựu thủ lĩnh của nhóm Beatles. Từ những ngày còn là một Beatle, John vẫn luôn là tâm điểm của sự chú ý do những ca khúc và những phong trào mang tính cách mạng và phản đối chiến tranh. Sự quan tâm về mặt chính trị của anh sau khi rời nhóm càng được thể hiện rõ ràng hơn ở những năm đầu khiến cho John trong mắt quần chúng hippie nghiễm nhiên trở thành một nhà cách mạng thực sự. Bản thân John cũng nhiều lần trả lời phỏng vấn rằng mình được sinh ra trong một khu lao động nghèo ở Liverpool như để khẳng định mình thuộc về giai cấp công nhân. Nhưng John có thực sự là một người xuất thân từ tầng lớp lao động như anh thường tự nhận không?

    Những người bạn thân của John từ thưở thiếu thời vẫn cười chế giễu John mỗi lần anh tự nhận mình là người của giai cấp công nhân.Mặc dù Liverpool là một thành phố cảng nơi giai cấp công nhân chủ yếu là công nhân bến tàu chiếm số đông và bố John, ông Alfred Lennon xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, điều đó không có nghĩa John đã trải qua cuộc sống cơ cực của một đứa trẻ nghèo khổ thực sự. Ai cũng biết sau khi bố mẹ John chia tay, anh được người dì Mimi và dượng George mang về nuôi như con đẻ. George Smith, chồng của Mimi là chủ của một trại bò sữa ở Liverpool nên về mặt cơ bản, hai vợ chồng dì dượng Mimi thuộc vào tầng lớp trung lưu có của ăn của để. Ngôi nhà của họ số 251 Menlove Avenue nơi John được nuôi dưỡng là một ngôi nhà khang trang, nằm trong một khu phố biệt lập so với khu nhà ở của tầng lớp lao động. Cả căn nhà của dì dượng của John cũng có tên riêng là Mendips và việc đặt tên cho ngôi nhà của mình là một thói quen cuả tầng lớp trung lưu ở Anh. Tuy là cháu, nhưng John được dì dượng chăm sóc và thương yêu như con ruột. John chưa bao giờ phải thiếu ăn thiếu mặc và nhất là chưa phải làm nhưng công việc lao động nặng nhọc để kiếm tiền như những đứa trẻ thuộc tầng lớp lao động. Từ bé, John đã có phòng riêng, có tiền để sắm cho mình những thứ khá xa xỉ thời đó như đĩa hát của Elvis Presley, tranh ảnh của Brigite Bardotte, và cả một cây đàn guitar. Như vậy có thể nói, John được nuôi dưỡng trong một gia đình trung lưu khá giả chứ không phải một gia đình thuộc tầng lớp lao động nghèo khó.
    Sau này dì Mimi của John đã tỏ ra rất khó chịu khi John tự nhận mình thuộc về tầng lớp lao động, bà phát biểu:" Tôi cảm thấy rất bị xúc phạm khi John xây dựng hình ảnh mình như một đứa trẻ lang thang đầu đường xó chợ. John đã có một ngôi nhà khang trang và một tuổi thơ đầy đủ" Paul McCartney và một số nguời khác cũng phản ứng khá gay gắt khi John cố tình xây dựng hình ảnh một người hùng của giai cấp công nhân cho bản thân mình. Paul nói: "John chưa bao giờ hiểu được đời sống thực tế của giai cấp lao động vì đơn giản một điều anh ta chưa bao giờ là một người thuộc giai cấp công nhân!" Pete Shotton, một người bạn thân của nhóm Beatles cũng khẳng đinh: "Công việc lao động tay chân duy nhất mà tôi nhớ John đã làm là khoảng thời gian học việc làm thợ ống nước ngắn ngủi mà sau đó John bị đuổi việc do không thích hợp và cũng không có hứng thú". Năm 1971, khi video của bài Imagine được phát hành, nhiều người đã phản đối kịch liệt và gọi John là kẻ đạo đức giả khi anh ngồi hát về một thế giới không có sở hữu trong ngôi biệt thự lộng lẫy màu trắng ở Tittenhurst.
    Vậy thì lí do nào khiến John luôn tự hào nhận mình là người của giai cấp công nhân? Có nhiều lí do đã ảnh hưởng đến hình ảnh một John Lennon, người anh hùng của giai cấp vô sản. Theo Pete Shotton, John đã bắt đầu đọc cuốn Tuyên Ngôn Cộng Sản của Karl Marx từ lúc còn rất trẻ. Anh tỏ ra thích thú với tuyên ngôn của Marx về sự lật đổ giai cấp tư sản và sự nắm quyền của giai cấp vô sản. Cũng vì thần tượng Karl Marx nên John đã chọn hình của Marx như chính trị gia duy nhất xuất hiện trên bìa đĩa của Sgt. Pepper.
    Một lí do nữa có thể gây ảnh hưởng đến John trong việc lựa chọn hình ảnh của mình chính là do phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản và các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thế giới thứ ba ngày càng trở nên mạnh mẽ. Hình ảnh của người công nhân thuộc giai cấp vô sản vừa mạnh mẽ vừa lãng mạn đã có sức cuốn hút đáng kể đối với nhiều thanh thiếu niên trong những năm 60-70. Trên thực tế, nhiều nhóm nhạc Anh lúc bấy giờ như Gerry and the Pacemakers, hay cả Rolling Stones đều có thành viên xuất thân từ giai cấp lao động. Giữa thập niên 60, nhóm Kinks của anh em nhà Davies đã có nhiều bài hát đả kích thói hưởng thụ của tầng lớp trên như " Sunny Afternoon" nhưng lại tỏ ra thông cảm với cuộc sống của ngưòi dân lao động như "Autumn Almanac" hay "Dead End Street". Tóm lại việc nhận mình thuộc về giai cấp công nhân là một cái mode để thể hiện sự cấp tiến của mình. Điều đó cũng dễ hiểu khi John đã không sáng tác một ca khúc mang tên "Nguời anh hùng của giai cấp trung lưu" để nói về mình.

    Mặc dù được xem là người có tinh thần cách mạng nhất trong bốn tay Beatles, thái độ chính trị của John không bao giờ dứt khoát mà luôn luôn mâu thuẫn. Anh muốn được xem như một người hùng của giai cấp công nhân nhưng không dám từ bỏ ngôi vị siêu sao và những vật chất do nó đem lại. John ủng hộ cách mạng nhưng lại phản đối bạo động. Trong Revolution, anh viết: "Nếu các bạn muốn bàn về chuyện phá hoạ, xin hãy chừa tôi ra" John vừa ủng hộ vừa phản đối Mao Trạch Đông: "Nếu bạn diễu hành mang theo ảnh của Mao chủ tịch, bạn sẽ chẳng thành công đâu" (Revolution). Anh ủng hộ chủ nghĩa xã hội và những người cánh tả nhưng lại chê Liên Xô (cũ) là một nước theo chủ nghĩa phát xít. Tuy nhiên có một điều John đã thực hiện rất triệt để đó là việc đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và chống lại chiến tranh của Mỹ ở VN cũng như đấu tranh cho phong trào đòi quyền bình đẳng chủng tộc ở Mỹ.
    Như vậy, nếu xét về góc độ chính trị thì John chưa bao giờ thực sự là một người hùng của giai cấp công nhân. Nhưng với tư cách một nghệ sĩ và cuộc đấu tranh chống chiến tranh phi nghĩa, trong lòng nhiều fan hâm mộ, John Lennon vẫn là một trong những người hùng không chỉ của giai cấp công nhân mà của cả những người yêu hoà bình trên thế giới.
  2. CHLB

    CHLB Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/06/2003
    Bài viết:
    13
    Đã được thích:
    0
    Cảm ơn bác Barry đã đưa ra một chủ đề thật hấp dẫn. Quả thực quan điểm chính trị của John là mâu thuẫn, không thống nhất. Cũng chính vì thế mà một số đứa bạn của em khi em nhắc tới John là bọn nó lại chê bai, bảo John là thằng đạo đức giả và không thèm nghe gì nữa
    Dù sao thì trong cuộc phỏng vấn với Playboy năm 80 chính John cũng đã thừa nhận anh là nhà tư bản, và chỉ đã từng là người theo xã hội chủ nghĩa những năm trước đây Theo John và Yoko thì mọi người hãy từ bỏ những sự giả dối quanh minh và nên tự chăm sóc mình. Yoko đã nói thẳng ra rằng: ?omuốn thay đổi xã hội, có hai cách để đi. Bằng bạo lực hay bằng sức mạnh của đồng tiền trong hệ thống của nó. Rất nhiều người những năm 60 dính dáng đến những vụ đánh bom và những hành động bạo lực khác. Nhưng nó chắc chắn không phải là cách làm của tôi. Do đó để thay đổi trật tự này? cho dù nếu các anh có trở thành thị trưởng hay cái gì đi nữa? anh phải cần có tiền?
    Theo em có thể tóm lại là cuối những năm 60 đầu những năm 70 khi phong trào phản chiến lan mạnh, thì từ các cuộc biểu tình chống chiến tranh, các nhà hoạt động xã hội trong đó có John và Yoko lan sang các vấn đề khác về công bằng xã hội, giàu nghèo, giai cấp và trở thành những nhà tuyên truyền tích cực. Nhưng về sau khi chiến tranh qua đi, khi sự nhiệt tình đã lắng xuống thì John lại thấy rằng dù sao thì tự lo cho bản thân mình trước mới là hợp lí hơn cả, những cái kia quá xa vời giả dối. Tốt nhất là anh cứ kiếm tiền trở thành giàu có và lo ấm thân anh đi đã.
  3. barrygibson

    barrygibson Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    29/01/2002
    Bài viết:
    546
    Đã được thích:
    1
    2/ Dì Mimi có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp và cuộc sống của John Lennon:
    [​IMG]
    Mary "Mimi" Smith, hay còn được gọi một cách thân mật là Auntie Mimi là người đã thay cho cha mẹ của John Lennon nuôi nấng anh từ thưở nhỏ. Điều này thì ai cũng biết. Những cuốn sách viết về Beatles thường kể về dì Mimi như một người dì nghiêm khắc nhưng rất thương cháu và John luôn coi dì như mẹ ruột của mình. Vậy dì Mimi có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống và sự nghiệp của John Lennon.
    Mary Stanley sinh năm 1903 là con gái đầu lòng trong số năm người con gái của ông bà George Stanley (tức ông bà ngoại của John Lennon). Ông ngoại của John Lennon, ông George Stanley từng có thời gian rất giàu có nhưng sau đó suy sụp do những thất bại trong công việc làm ăn. Là con gái cả, Mary Stanley sớm tỏ ra quyết đoán và kiên định và là cánh tay đắc lực của cha trong việc quản lí kinh doanh. Cũng là người có máu mạo hiểm, bà từng tuyên bố sẽ không bao giờ lấy chồng vì không muốn suốt ngày cắm mặt vào bồn rửa chén.
    Năm 1932, Mary Stanley gặp ông George Smith, người làm cho nông trại sữa gần bệnh viện nơi bà làm việc. Phải mất bảy năm theo đuổi và chịu nhiều sự hắt hủi của gia đình Stanley, ông Smith mới thuyết phục được Mary làm vợ của mình. Sau đó hai vợ chồng mua được căn hộ Mendips số 251 đường Menlove, nơi John Lennon được nuôi nấng trong suốt thời niên thiếu.
    Mặc dù rất thương yêu John, bà Mimi luôn tỏ ra nghiêm khắc với cháu của mình. Từ nhỏ bà đã dạy cho John tập đọc ở nhà. Năm John lên 9, dì Mimi đã để John đến thăm một người dì khác của mình ở tận Durness, Scotland, nơi cách Liverpool hơn 10 tiếng đồng hồ xe bus để tập cho John tính tự lập. Những người biết về dì Mimi đều đồng ý với nhau rằng bà là một người " cứng rắn, thiếu kiên nhẫn và khó tha thứ" tuy nhiên lại "rất hài hước".
    Là người sống rất khuôn khổ, mối quan hệ của bà với cô em út Julia trong thời gian đầu khá căng thẳng nhất là khi Julia lấy ông Afred Lennon, bố của John. Chính bà đã nhận nuôi John một phần cũng vì không muốn John ảnh hưởng tính bay **** của mẹ. Về sau, mối quan hệ đó được cải thiện dần dần. Cũng như John, bà Mimi đã gần như suy sụp sau cái chết của Julia.
    Thái độ của dì Mimi với niềm đam mê âm nhạc của John rất mâu thuẫn. Một mặt bà luôn khẳng định với John rằng âm nhạc không thể kiếm ra tiền và không muốn cháu mình quá sa đà vào việc chơi nhạc, một mặt bà cũng rất tự hào về năng khiếu của John. Khi John xuất hiện lần đầu tiên tại hội chợ làng Woolton với ban nhạc Quarry Men, bà Julia phải lừa dẫn chị mình đến xem ủng hộ John và cảm giác của bà Mimi lúc đó là : "thất kinh khi thấy John trên sân khấu trong bộ dạng của một Teddy boy". Bà cũng tỏ ra đặc biệt có ác cảm với George Harrison vì cách ăn mặc và khẩu âm Scouse (khẩu âm của người lao động Liverpool) đậm đặc của anh. Dì Mimi luôn nhắc nhở John rằng: "Một cây đàn guitar thì không có gì là sai trái nhưng cháu đừng nghĩ rằng sẽ kiếm tiền được với nó!" Sau này khi nhóm Beatles nổi tiếng, John đã khắc nguyên văn câu nói này trên một miếng khảm bằng bạc và tặng lại cho dì Mimi.
    Khi Beatles chơi thường trực ở ****rn Club, một buổi trưa nọ, dì Mimi đã đột ngột xuất hiện khi nhóm Beatles đang biểu diễn. John lúc đó đã phải yêu cầu khán giả đừng la ó và chửi thề còn mình và ban nhạc chuyển sang chơi một số bài ballad thay vì rock and roll. Tuy nhiên, cảnh tượng hàng trăm thanh niên nhảy nhót cuồng nhiệt dưới hầm rượu ẩm thấp đã không tạo được ấn tượng tốt cho dì Mimi. Bà đã hét lên với người đi cùng rằng: "Hãy lôi John ra khỏi chốn dơ bẩn này, nó không thể tiếp tục chơi nhạc ở đây nữa!"
    Xung đột giữa John và dì Mimi diễn ra khá căng thẳng khi John quyết định bỏ học để sang Hamburg cùng nhóm Beatles và khi John xin cưới Cynthia Lennon vì đã lỡ làm cho cô này có mang. Khi Cynthia về ở với dì Mimi ở Mendips, bà luôn có ác cảm với cô và luôn tìm cách để làm khó dễ. Trong hồi kí của mình, Cynthia Lennon nhớ lại rằng phòng ngủ của cô ở Mendips không có lò sưởi. Mỗi buổi sáng Cynthia phải dậy sớm để chăm sóc ba con mèo của bà Mimi và đặc biệt là dì Mimi tỏ ra ganh tị mỗi khi John quan tâm chăm sóc cho Cynthia. Một lần, bà đã thẳng tay ném con gà quay và chiếc gương soi John mua làm quà cho mình từ Hamburg về khi biết được cậu cháu mua tặng cho cô người yêu một chiếc áo khoác da. Trong thời gian ở chung, mỗi khi John gọi điện thoại về nói chuyện, bà đều giành nói và chỉ nhường lại cho Cynthia khi điện thoại gần hết tiền. Tệ hơn nữa là có lần bà Mimi đã không cho mẹ của Cynthia vào nhà để thăm con gái mình. Kết quả là Cynthia cuối cùng đã dọn ra khỏi Mendips cùng với Julian Lennon để về sống với mẹ ruột mình tháng 11/1963. Cynthia Lennon đã cay đắng kể lại trong hồi kí rằng: Tiền, John Lennon và những con mèo là ba thứ quí giá nhất trong cuộc đời của dì Mimi, Julian không có nghĩa lí gì cả! Khi Cynthia và John li dị, bà lên tiếng chỉ trích cô cháu dâu một cách nặng nề là đã không biết giữ chồng. Trái lại, bà lại khá có cảm tình đối với Yoko Ono, gọi người vợ thứ hai của John là một người vợ tốt và Sean Lennon là một đứa trẻ ngoan, giống bố từ bề ngoài cho đến tính cách.
    Khi nhóm Beatles trở nên nổi tiếng, John đã đền đáp công ơn nuôi dưỡng của dì Mimi bằng cách tài trợ cho bà một chuyến đi du lich 5 tháng ở New Zealand thăm bà con và mua cho bà một căn hộ thật đẹp trị giá 25.000 bảng Anh có tên Sandbanks ở Dorset nơi mà bà Mimi sống từ năm 1965 đến cuối đời. John cũng đều đăn gửi cho dì mình một số tiền là 30 bảng Anh hằng tuần để tiêu vặt. Nhưng đến khi phát hiện ra rằng John cũng gửi cho mẹ của Cynthia một khoảng tiền như thế hàng tuần, bà Mimi đã gọi điện thoại cho John làm ầm ĩ và dứt khoát không nhận tiền nữa.
    Từ năm 1971, John Lennon chuyển sang sống ở Mỹ và không có cơ hội trở về Anh cho đến ngày anh bị ám sát. Tuy nhiên anh vẫn liên lạc thường xuyên với dì mình qua thư và điện thoại. Chỉ vài ngày trước khi bị bắn chết, John đã gọi điện cho dì Mimi bảo rằng đang chuẩn bị sắp xếp về Anh vì nhớ nhà.
    Ngày 6/12/1992, bà Mimi mất ở Dorset, thọ 89 tuổi. Trước khi mất bà đã nhắn lại lời xin lỗi với Cynthia: "Dì cảm thấy sợ chết, dì đã từng là một người đàn bà ác độc!" Cả Cynthia, Julian, Yoko và Sean đều có mặt tại đám tang của bà. Ba thành viên còn lại của Beatles cũng gửi vòng hoa viếng tang. Oái oăm thay, cô cháu dâu được bà thương yêu Yoko Ono đã tìm người bán ngay căn nhà của bà Mimi ở Dorset ngay sau khi tang lễ vừa kết thúc.
  4. haitrieu165

    haitrieu165 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/05/2006
    Bài viết:
    416
    Đã được thích:
    0
    [​IMG]
  5. camennpnk92

    camennpnk92 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/04/2007
    Bài viết:
    150
    Đã được thích:
    0
    [​IMG]
    AUNT MIMI, Lennon, and Mimi''s cousin George Mathews
  6. takbeatles

    takbeatles Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/07/2003
    Bài viết:
    929
    Đã được thích:
    0
    Rất cám ơn Barry vi? topic na?y.
  7. PaulLennon

    PaulLennon Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/07/2002
    Bài viết:
    1.235
    Đã được thích:
    0
    woahhh! topic hay tuyệt! dành cho những ai muốn hiểu sâu về Beatles, cảm ơn Bary vì giờ đây mỗi ngày tôi lại có cái để đón chờ và ngâm cứu.
  8. Ree

    Ree Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/12/2005
    Bài viết:
    1.018
    Đã được thích:
    0
    Chuongbeats: lại một topic rất có chất lượng khác của Barry, một món quà ra mắt rất ấn tượng của tân mod.
    Tôi nghĩ quan điểm chính trị của John Lennon tuy hơi mâu thuẫn nhưng cũng dễ hiểu. John yêu hoà bình, hay có cảm tình với CNXH thì cũng dễ hiểu vì giới nghệ sĩ thì thường hay hướng con người về tình yêu, hoà bình, công bằng... những điều mà CNXH luôn nói đến. Tuy hô hào như vậy nhưng John lại là một anh tư bản đích thực, và chẳng ai dại gì vứt bỏ tất cả những gì mình có để được cái tiếng là chung thuỷ với những gì mình viết trong bài hát cả.
    Nếu tôi là một người nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng như John, tôi nghĩ mình cũng khó mà khác được như thế. Chỉ khác một điểm là tôi sẽ công khai bày tỏ cảm tình của mình với Liên xô
  9. barrygibson

    barrygibson Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    29/01/2002
    Bài viết:
    546
    Đã được thích:
    1
    III/ Cái chết thương tâm và bí ẩn của Rory Storm:
    [​IMG]
    Alan Caldwell, được biết đến cái tên Rory Storm, một trong những thần tượng âm nhạc của Liverpool.​
    Những fan của Beatles đều biết rằng trước khi gia nhập Fab Four, tay trống Ringo Starr đã từng là thành viên của nhóm Rory Storm and the Hurricanes, một ban nhạc đồng hương cũng nổi tiếng không kém Beatles tại quê nhà Liverpool và Hamburg. Mặc dù được xem là đối thủ cạnh tranh của Beatles thời kì đầu, thủ lĩnh Rory Storm và các thành viên của Beatles có một mối quan hệ khá mật thiết. Tuy không bao giờ đạt được sự thành công vĩ đại như Beatles, nhóm Rory Storm and the Hurricanes là một huyền thoại của Liverpool nhất là thủ lĩnh của nhóm Alan Caldwell, người mà John Lennon đã từng đánh giá "có khả năng trở thành một Elvis của nước Anh". Cái chết của Alan Caldwell là một trong những cái chết thương tâm và bí ẩn nhất trong lịch sử nhạc rock.
    Khi Beatles mới chân ướt chân ráo sang Hamburg để trình diễn thì nhóm Rory Storm and the Hurricanes đã là một ngôi sao sáng ở đây. Nhóm được ông bầu Alan William, người đầu tiên dẫn dắt nhóm Beatles làm quản lí và được đánh giá là một nhóm có tính chuyên nghiệp cao. Tâm điểm của sự chú ý là ca sĩ chính "Rory Storm", một ca sĩ năng động, một ngôi sao có sức hút thật sự. Những ngày ở Hamburg, nhóm Beatles vẫn thầm ganh tị với thành công và sự nổi tiếng của Rory Storm và the Hurricanes.
    Rory Storm tên thật là Alan Caldwell, sinh ngày 21/9/1939 ở Liverpool trong một gia đình khá giả. Cao to, tóc vàng, điển trai và chơi thể thao rất giỏi, Alan trở thành thần tượng của nhiều thiếu nữ Liverpool lúc bấy giờ. Năm 18 tuổi, anh lập nhóm nhạc đầu tiên mang tên Dracula and the Werewolves. Tuy nhiên, cái tên này có vẻ quá kinh dị trong những năm 50 của thế kỉ trước nên Alan đổi tên nhóm thành The Raving Texans. Năm 1959, Alan gặp tay trống trẻ tuổi Richard Starkey lúc này đang chơi cho nhóm Eddie Clayton Skiffle Group tại một cuộc thi tài mang tên ''6.6 Special và thuyết phục Ritchard Starkey về chơi trống cho nhóm mình. Sau khi Starkey về đầu quân cho Raving Texans, Alan đổi tên nhóm thành Rory Storm and the Hurricanes, đổi tên mình thành Rory Storm, và Richard Starkey cũng đổi tên thành Ringo Starr, cái tên mà sau này được nhiều người biết đến hơn cả tên thật của anh.
    Một điều khá đặc biệt của Rory Storm là anh là một người có tật nói lắp bẩm sinh. Tuy nhiên khi hát, Rory Storm lại không hề bị lắp. Để bù cho khiếm khuyết của mình, Rory Storm ra sức chăm sóc cho vẻ bề ngoài bảnh bao của mình và hoàn thiện phong cách trình diễn. Anh là người đi tiên phong trong việc mặc áo khoác jean đính kim tuyến cùng với quần da bó sát khi biểu diễn. Cũng có lúc Rory Storm xuất hiện trọng bộ vest màu hồng và các thành viên khác của the Hurricanes mặc vest nhung đỏ thẫm khi biểu diễn. Là một cầu thủ bóng ta, một tay việt dã cự phách và một tay bơi có hạng, Rory Storm không ngại ngần thực hiện những pha nguy hiểm khi biểu diễn với ban nhạc. Theo George Harrison, có lẽ Rory Storm là ca sĩ nhạc rock đầu tiên thực hiện trò "dive-in" (nhảy vào đám đông khán giả khi kết thúc bài hát) mà sau này các rocker khác vẫn hay làm. Việc chăm chút đến trang phục và phong cách khiến Rory Storm and the Hurricanes luôn nổi bật và chuyên nghiệp hơn hẳn so với các nhóm nhạc cùng thời.
    Mặc dù là đối thủ của Beatles ở Hamburg và cả ở quê nhà Liverpool, các thành viên của hai nhóm này khá thân với nhau. Những lúc nhóm Beatles thiếu tay trống biểu diễn, Rory Storm đã không ngần ngại cho mượn đỡ Ringo Starr khi nhóm mình đã diễn xong. Paul McCartney có một thời gian ngắn đã hẹn hò với Iris Caldwell, em gái của Rory Storm. Cô này được xem như là nguồn cảm hứng của Paul khi viết ca khúc "I Saw Her Standing There". Violet Stubb, mẹ của Rory Storm tỏ ra đặc biệt thân thiện với George Harrison và John Lennon. Thời gian ở Hamburg, George thường gửi bưu thiếp cho bà Vi (tên gọi thân mật của bà Violet) với những tình cảm như của một đứa con trai dành cho mẹ.
    Sau khi Beatles phỗng mất Ringo Starr, nhóm Hurricanes lâm vào cảnh thiếu tay trống thường trực. Mặc dù Pete Best được đề nghị thay thế cho Ringo Starr nhưng do quá bất mãn với việc bị nhóm Beatles sa thải, Best đã từ chối lời giới thiệu của Beatles để đến với the Hurricanes vì anh cho rằng đó là một sự ban ơn không cần thiết. Không như nhóm Beatles, Rory Storms trung thành với quê hương Liverpool và hài lòng với việc làm vua một cõi với những bản rock and roll cover lại. Thực tế cho thấy rằng trong những năm đỉnh cao của Beatlemania, Rory Storm and the Hurricanes vẫn chiếm vị trí số một tại quê nhà trong khi các con bọ khác tha hồ làm mưa làm gió trên thế giới. Một thời gian dài, Rory Storm được người hâm mộ ở quê nhà phong cho danh hiệu "King of Liverpool".
    Năm 1963, Rory Storm đã liên lạc với ông Brian Epstein đề nghị ông này làm quản lí cho mình sau khi thấy được sự thành công vượt bậc của Beatles. Tuy nhiên ông Epstein không hề có hứng thú với nhóm Hurricanes. Sau thất bại của đĩa đơn "America", một bài hát cover lại từ vở nhạc kịch "West Side Story" với mặt b là bản cover ca khúc "Since You Broke My Heart" của Everly Brothers, Rory Storms dường như có vẻ nản lòng với sự nghiệp thu âm. Sau này Ringo Starr đã tìm cách giúp đỡ nhóm Hurricanes có được những hợp đồng thu âm, nhưng cả Rory Storm và các thành viên khác đều từ chối. Hok chỉ chơi nhạc ở Liverpool và các vùng phụ cận như một nhóm nhạc quán bar thông thường. Năm 1967, nhóm Rory Storm and the Hurricanes tan rã sau khi thành viên Ty Brien đột quị trên sân khấu và mất trên đường đến bệnh viên khi chỉ mới 26 tuổi.
    Sau khi nhóm Hurricanes rã đám, Rory Storm trở thành một DJ ở Amsterdam và làm huấn luyện viên trượt ván nước ở Bernidon từ năm 1967 đến 1972. Thời gian này anh có những dấu hiệu suy sụp rõ rệt về mặt sức khoẻ với những cơn đau ngực thường xuyên khiến Rory Storm phải dùng thuốc ngủ để trấn áp cơn đau.
    Tháng 9 năm 1972, Rory Storm bỏ dỡ công việc ở Amsterdam để trở về Liverpool sau cái chết đột ngột của người cha yêu quí. Cái chết của ông Caldwell là một cú shock lớn đối với cả Rory Storm và mẹ là bà Violet Stubb. Điều đó khiến cho tinh thần của anh ngày càng trở nên suy sụp và những cơn đau ngực trở nên tồi tệ. Ngày 28/9/1972, bà Violet phát hiện con trai mình nằm chết trên giường bên cạnh ống thuốc ngủ. Quá đau đớn vì mất chồng và con trai trong vòng chỉ vài tuần lễ, bà Violet tự sát bằng thuốc ngủ của Rory Storm ngay sau đó. Lúc đầu, người ta cho rằng cả hai mẹ con cùng tự sát do không chịu đựng được nổi đau sau cái chết của chồng và cha. Nhưng sau khi giải phẩu tử thi của Rory Storm, bác sĩ pháp y đã kết luận rằng nguyên nhân gây ra cái chết cho chàng ca sĩ bạc mệnh này là một cơn đau tim đột ngột vì lượng thuốc ngủ trong dạ dày anh không nhiều hơn giới hạn sử dụng là bao nhiêu. Còn cái chết của bà Violet thì đúng là do tự sát.
    Cái chết bi thảm của gia đình nhà Caldwell đã làm chấn động thành phố Liverpool. Hàng ngàn người hâm mộ đã về dự đám tang của anh, tuy nhiên không có thành viên nào của Beatles có mặt. Nhận xét về người đồng nghiệp và đồng hương xấu số, John Lennon đã phát biểu: "Rory Storm là biểu tượng của cái mà người ta gọi là glam rock hiện nay, anh ta năng động, đỏm dáng và hấp dẫn hơn nhiều so với những ngôi sao glam rock như Elton John và David Bowie. Rory Storm đã có thể trở thành một huyền thoại của nhạc rock, một Elvis của nước Anh."
    [​IMG]
    Nhóm Beatles với Pete Best và Alan "Rory Storm" Caldwell chụp tại nhà riêng của Rory Storm. ​
  10. SimplyShady

    SimplyShady Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    210
    Đã được thích:
    0
    Phst biểu cảm tưởng chủ quan tí...
    "Trái lại, bà lại khá có cảm tình đối với Yoko Ono, gọi người vợ thứ hai của John là một người vợ tốt và Sean Lennon là một đứa trẻ ngoan, giống bố từ bề ngoài cho đến tính cách."
    Như John mà ngoan á?
    "Rory Storm là biểu tượng của cái mà người ta gọi là glam rock hiện nay, anh ta năng động, đỏm dáng và hấp dẫn hơn nhiều so với những ngôi sao glam rock như Elton John và David Bowie. Rory Storm đã có thể trở thành một huyền thoại của nhạc rock, một Elvis của nước Anh."
    Vâng rất có thể nhưng mà EM THẤY ZIGGY ĐẸP GIAI ĂN ĐỨT ÔNG NÀY (và Ziggy đẹp trai hơn Elvis)! John mắt toét! Đả đảo... Trên đời còn ai hấp dẫn bằng David Bowie nữa??? Nhưng thôi nhìn theo gu của John thì mọi người cứ đem Yoko ra mà làm tiêu chuẩn nhá...

Chia sẻ trang này