1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Biên Hoang truyền thuyết - Chia sẻ cảm nhận

Chủ đề trong 'Kiếm hiệp cốc' bởi cunhonho, 22/10/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. cunhonho

    cunhonho Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/08/2006
    Bài viết:
    9
    Đã được thích:
    0
    Biên Hoang truyền thuyết - Chia sẻ cảm nhận

    Các bác ai đã từng đọc BHTT đến hồi 100 rùi, xin cho cảm nhận với.Em thấy là rất hay, hình ảnh của Yến Phi trước và sau khi trởi lại Biên Hoang Tập sao mà giống hình ảnh của cả 2 người TTL&KT .
  2. kieuphong

    kieuphong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    5.781
    Đã được thích:
    0
    Tớ vừa đổi tên chủ đề cho phù hợp. Cunhonho nên lưu ý lần sau đặt tên chủ đề tránh viết hoa toàn bộ và những ký tự kô cần thiết.
    Ngoài ra nếu muốn xin link truyện thì nên post đúng nơi đúng chỗ. Lần này tớ chỉ xóa phần kô phù hợp thôi.
    -----------
    Cá nhân tớ đọc Biên Hoang thấy có sự lặp lại trong cách xây dựng nhân vật của Huỳnh Dị. Yến Phi thì thấp thoáng bóng dáng của Từ Từ Lăng; Lưu Dụ với Thác Bạt Quy có hình ảnh của Khấu Trọng. Còn cô nàng Kỷ Thiên Thiên chả khác gì so với cô nàng Kỷ Yên Nhiên là mấy.
    Về võ công thì chỉ có 1 bài thực chiến rồi nâng cao công lực, bên cạnh may mắn ăn phải tiên đơn gặp được bí cấp, từ ĐĐSL cho tới PVPV, giờ qua BHTT cũng kô khác gì mấy. Bắt đầu cảm thấy hơi chán!
    Cái làm tớ hứng thú là những đoạn viết về Tạ An, về lịch sử. Ngoài ra ý tưởng về Biên Hoang Tập quả là đặc sắc, dĩ nhiên là trong bối cảnh xã hội phong kiến và không gian truyện kiếm hiệp.
  3. vinhattieu

    vinhattieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    2.169
    Đã được thích:
    0
    He he những tên chiêu thức và binh khí của Huỳnh Dị đặt trong bộ này cũng hay đấy chứ. Cửu thiều Định âm kiếm của Tạ Huyền chẳng hạn.
    Nhân vật thì bạn không dám bàn nhiều, vì bạn mới đọc vài hồi Biên hoang, còn Đại Đường song long và Phúc vũ phiên vân thì hầu như chưa đọc. Nhưng đại để là có cảm nhận thế này. Truyện của Huỳnh Dị xây dựng trên một bối cảnh lịch sử có thật, và thật đến mức hoành tráng. Những con người trước kia mình chỉ biết qua vài dòng ngắn gọn sơ sài như Tạ An, Tạ Huyền, Phù Kiên, thì bây giờ hiện ra rõ mồn một, cứ như có kính lúp soi vào. Tất nhiên cá tính, ngôn ngữ, võ công của họ đều là do một tay Huỳnh Dị xây dựng mà thành. Nhưng như thế đã đủ thấy cái bút lực hùng hậu nhường nào.
    Cách Huỳnh Dị thêu dệt và chắp nối mối quan hệ giữa các nhân vật rất giỏi, nhờ vậy mà hình thành nên một mạch truyện cũng không kém phần hoành tráng. Có điều việc tồn tại quá nhiều nhân vật thuộc nhiều tuyến khác nhau khiến cho độc giả khó theo dõi, cảm giác như bị lạc vào ma trận. Nhiều khi đang đọc lại bảo khéo phải vẽ cả một cái sơ đồ phe phái ra cho dễ theo dõi, biết thằng nào thuộc về phe nào, lợi ích đụng độ nhau ra sao.
    Nhưng có một cái đọc Huỳnh Dị cảm thấy không sướng - ít ra đây là cảm nhận từ hai bộ Tầm Tần ký và Biên hoang. Đại Đường chắc cũng thế, may ra chỉ Phiên vân phúc vũ là khác. Đó là cách Huỳnh Dị miêu tả diễn biến phát triển trong tính cách và võ công của nhân vật hơi cứng và phần nào mang tính áp đặt cảm nhận lên khán giả.
    Bậc đại hành gia phải là người ẩn đằng sau câu chữ, miêu tả mọi thứ một cách khách quan, thậm chí là hơi tưng tửng, để đánh giá và cảm nhận lại cho người đọc. Tỉ như Kim Dung miêu tả Vi Tiểu Bảo, rất ít khi có những đoạn miêu tả suy nghĩ của gã thật kỹ lưỡng, nhưng qua hành động, qua ngôn ngữ của gã, cá tính của nhân vật hiện lên rõ mồn một. Còn Huỳnh Dị hay có lối viết: Yến Phi cảm thấy thế này... Lưu Dụ thấy mình thế kia... Như thế khiến người đọc chỉ còn biết gật đầu lia lịa thừa nhận, mất đi quyền chủ động đánh giá. Đọc thế không sướng.
    Huỳnh Dị hơi thiếu những câu thoại "đinh", làm người ta nhớ mãi và gắn liền nó với hình tượng nhân vật. Cái này còn thua Kim Dung nhiều. Một câu "Mẫu đơn hoa hạ tử, cốt quỷ dã phong lưu" có thể nói là đóng đinh hình tượng Đoàn Chính Thuần. Nói "Thí cổ hướng hậu, bình sa lạc nhạn" là đích xác Lệnh Hồ Xung. Trong thiên hạ lão phu chỉ phục ba người rưỡi, cũng chỉ không phục ba người rưỡi. Câu này phi Nhậm Ngã Hành không ai nói nổi.
    Nữ nhân của Huỳnh Dị đọc cũng không sướng. Hay ít ra là cho đến những gì mà bạn đã đọc thì chưa có ai thực sự làm bạn sướng. Đệ nhất tài nữ Kỷ Thiên Thiên có đẹp mê hồn, quyến rũ mê hồn thì cũng là do Huỳnh Dị tả, bắt độc giả phải thừa nhận. Trong Thần điêu hiệp lữ, số người mê mẩn Tiểu Long nữ rõ ràng là rất ít, thua xa Kỷ Thiên Thiên - quanh đi quẩn lại có ba mạng - Dương Quá, Hoắc Đô, Doãn Chí Bình. Nhưng không ai không thừa nhận Tiểu Long nữ là giai nhân tuyệt thế. Chỉ cần một cảnh dưới Tuyệt Tình cốc, khi Dương Quá bảo: Tôi tưởng bệnh ấy phải dùng máu tươi mới chữa được, nàng đau lòng thổ huyết, so ra còn đẹp bằng mấy Kỷ Thiên Thiên hoa dạng ở bến Tần Hoài. Hay như Lâm Thi Âm, chẳng thấy Cổ Long tả nàng bao giờ, nhưng cứ nghĩ đến bức tượng Lý Tầm Hoan dùng tiểu đao điêu khắc mà thành, cũng đủ cảm thấy nàng đẹp đến nhường nào.
    Ái tình nam nữ của Huỳnh Dị tả cũng chưa đến độ trời rung đất chuyển. May ra có Cận Băng Vân trong Phiên vân Phúc vũ là nhiều triển vọng - bạn rất hy vọng bộ này. Còn những gì diễn tiến trong Biên hoang hay Tầm Tần ký thì nói thực là chưa đủ làm người ta nhớ và rung động như Kim Cổ.
  4. kemetmoi

    kemetmoi Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    21/09/2003
    Bài viết:
    648
    Đã được thích:
    393
    Vi huynh ơi! Nếu Huỳnh Dị mà có thêm được những thứ như huynh nói chắc đã trở thành tân nhiệm minh chủ của Kiếm hiệp rồi, đâu còn chỗ cho Kim Dung sửa lại truyện lần ba!
    Huỳnh Dị cuốn hút người khác ở kết cấu rộng tình tiết biến hóa huyền hoặc cơ mưu trùng trùng rộng lớn, đặc biệt tả những trận đại chiến rất sướng, cái này em chưa thấy tác giả nào đạt tới, phong cách võ công cũng rất độc đáo. Còn đi sâu vào tình tiết tính cách nhân vật thì so với Kim Cổ vẫn có điểm còn kém hơn.
    Chỉ có điều lão nhân gia vẫn tiếp tục viết, chỉ mong sao sau này có lúc ổng đại phát hùng phong tung ra một tác phẩm để đời, lúc đó thì thật may mắn cho mấy con sâu truyện lắm lắm.
    Được kemetmoi sửa chữa / chuyển vào 15:32 ngày 24/10/2007
  5. vinhattieu

    vinhattieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    2.169
    Đã được thích:
    0
    He he, nghĩ đi nghĩ lại thì Kim Dung điểm xuyết sử trên nền hiệp. Cổ Long thì chỉ hiệp không sử. Huỳnh Dị thì ngược lại lấy sử làm nền cho hiệp. Chính thế nên Phúc vũ Phiên vân mới là bộ gây cho bạn nhiều tò mò hơn cả, vì bộ này không có bối cảnh lịch sử, để xem Huỳnh Dị xử lý tình huống như thế nào. Cảm nhận khi đọc qua vài hồi đầu là rất được.
    Về mặt nội tâm nhân vật thì Huỳnh Dị thua cả Ôn Thụy An và Thương Nguyệt, hai người này đều có nét đặc sắc riêng.
    Họ Ôn viết truyện dài thì hơi thiếu khí lực, nhưng viết truyện ngắn lại cực hay. Cái này hơi giống Trình Giảo Kim đánh ba búa là hết sức. Không hiểu sao đọc mấy phần của Tứ đại danh bộ cảm thấy đa phần hơi cứng nhắc sáo rỗng về chuyện hiệp nghĩa đạo lý. Trong khi đó một phần cũng liên quan tới Tứ đại danh bộ là Sát Sở (Phương Tà Chân hệ liệt) thì đọc lại khác hẳn. Đến mấy truyện ngắn đăng trên nhohue.org của anh Tưởng thì lại càng khác, tả tình cảm rất uyển chuyển hiểm hóc, trong chính có tà, trong tà có chính, vừa có nét của Kim Dung, lại có vị của Cổ Long. Xin mượn phu nhân dùng tạm, Đường Phương nhất chiến, mấy truyện đó đọc đều sướng.
    Thương Nguyệt thì truyện đọc rất ra phong vị nữ nhân. Có người nói đàn bà không nên viết kiếm hiệp, kiếm hiệp không phải thứ dành cho đàn bà. Câu này hơi cực đoan. Hiệp khách đã có nữ nhân, thì lẽ nào tác giả kiếm hiệp không thể có nữ nhân? Truyện của Thương Nguyệt tình nặng mà hiệp nhẹ, chung quy chỉ lấy chữ hiệp để tô điểm cho cái hào tình của nhân vật. Ở Thương Nguyệt có nhiều nét đột phá độc đáo, Kim Dung hay Cổ Long đều không bằng được. Cái không bằng này cũng chẳng phải là vì Thương Nguyệt thanh xuất ư lam hay sóng sau xô sóng trước gì. Chỉ đơn giản vì hai vị kia đều là đàn ông, có những chuyện đàn ông tả không bao giờ hay bằng đàn bà.
    Thính Tuyết lâu hệ liệt có tất thảy mười mấy truyện. Có truyện cực hay, có truyện hay vừa, có truyện kém. Bệnh rất hay. Thính Tuyết lâu cũng hay. Bái Nguyệt giáo chi chiến hay mà không toàn bích. Hỏa diệm diên vĩ đi vào chỗ sáo. Cái này khó tránh, đến Kim Cổ còn có truyện hay truyện dở, nói gì một cô gái mới ngoài hai mươi tuổi. Nhưng đọc Thính Tuyết lâu có cái sướng, ấy là ngôi lầu nghe tuyết ấy tựa như cái đài sen nằm ở chính giữa, mỗi truyện là một cánh sen. Bất luận nhìn cánh hoa nào cũng thấy đẹp, thấy thích thú. Lùi ra xa mà nhìn, lại thấy cả bông sen mỹ lệ. Viết truyện mà như thêu hoa, vụ này quả là chỉ đàn bà mới làm được.
    Được vinhattieu sửa chữa / chuyển vào 20:15 ngày 24/10/2007
  6. toingannamdoi

    toingannamdoi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/11/2002
    Bài viết:
    1.308
    Đã được thích:
    0
    151 hồi Biên hoang tại hạ chưa đọc chương nào (đợi xong đọc một thể) nhưng cảm nhận của tại hạ về văn phong Huỳnh Dị là rất được. Cái khó của Huỳnh gia là đi sau, muốn tạo nét khác với Kim, Cổ tất phải có nét độc đáo trong bút pháp, có thể vì thể mà khi xây dựng nhân vật đặt ra rất nhiều tuyến (đến nối nhiều lúc người đọc cũng lẫn lung tung), quả thật trong mấy bộ thì Phúc Vũ Phiên Vân khá hơn cả (mới đọc đến 123 thì Tieudaotu tạm thời ngừng), nhưng đọc những bộ khác thấy cũng khá hứng thú (nhất là Đại Đường Song Long vì so với phim quả là một trời một vực).
    Vi huynh, đọc mấy dòng nhận định của huynh thấy quả sâu sắc.
  7. TVEMaKhang

    TVEMaKhang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/10/2007
    Bài viết:
    14
    Đã được thích:
    0
    @vinhattieu: 2 bài luận của bạn thật xuất sắc, triết lý đầy đủ. Đã lâu lắm rồi mình không có đọc bài luận nào hay như vậy. Nhưng cũng xin cho phép mình phản bác chút xíu. Mỗi tác giả đều cho ta cảm giác khác nhau, lối xuy nghĩ mỗi người mỗi khác, không thể nói tác giả này kém hơn tác giả kia được, chỉ có thể nói là mình đọc có thích hay không thôi.
    Vài lời thô thiễn, có gì phật lòng mong bạn bỏ qua cho.
  8. DaiTrac

    DaiTrac Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2006
    Bài viết:
    21
    Đã được thích:
    0
    Huỳnh Dị rất giỏi mô tả sự kiện hành động và liên kết các nhân vật, còn diễn biến tâm lý và tính cách thì không được như vậy.
    Thoạt tiên cũng thấy hơi lạ, bút lực của Huỳnh tiên sinh như vậy chứng tỏ ông phải là người rất sâu sắc, tại sao lại có sự cập kênh ấy? Đọc thật kỹ nguyên bản Phúc Vũ Phiên Vân và Đại Đường Song Long mới phát hiện ra, có lẽ Huỳnh lão gia đã chủ ý lược đi tâm trạng để tập trung vào hành động.
    Có thể đoán được vài lý do cho chủ ý đó:
    Thứ nhất, ai xem phim kiếm hiệp bộ Hồng Kông lâu năm đều nhận ra, từ những năm 1980 qua những năm 1990 đến 2000, cách làm phim của HK thay đổi hẳn. Phim chưởng bộ những năm 1980 kỹ xảo ấu trĩ, bối cảnh sơ sài nhưng diễn xuất lại rất sâu, hơn hẳn các phim mới về sau này. Không phải vì trình độ làm phim của HK kém đi mà là vì gu thưởng thức của khán giả đã thay đổi. Cuộc sống ngày càng nhanh và mệt mỏi, người ta không cần những bộ phim sướt mướt hay xem một lần phải u uất hàng mấy ngày sau nữa, người ta cần giải trí ngay lập tức, xem xong có thể nhẹ nhàng quên đi để làm việc khác. Phim đã thế, văn học giải trí cũng không khác được. Phúc Vũ Phiên Vân (1997), Tầm Tần Ký (1996) hay Đại Đường Song Long (2000) đều được viết ra trong thời sau này rồi, Huỳnh Dị biết rất rõ kiểu cách thưởng thức của độc giả HK nên không chú trọng vào diễn biến tâm trạng mà chỉ tập trung vào sự kiện, đọc nhanh, cuốn hút nhưng đọc xong là xong, không cần nhiều suy tư dằn vặt như thời Kim Cổ nhị vị nữa.
    Thứ hai, thực ra thì cái tạng của Huỳnh lão gia là như vậy, thích miểu tả sự kiện hơn là phân tích tâm lý nhân vật. Có nhiều chỗ đọc thấy rõ ràng Huỳnh Dị bỏ qua tâm lý để theo kịp hành động. Đó thực ra là một khiếm khuyết vì các nhân vật của Huỳnh Dị phần lớn là cao nhân nên hành động của họ thường phát xuất từ những suy nghĩ hoặc cảm xúc rất sâu xa, nếu không dành một khoảng thích hợp cho các suy nghĩ hay cảm xúc này thì văn trong truyện sẽ có phần không cân bằng. Dịch Phúc Vũ Phiên Vân vì thế rất vất vả vì nhiều khi có cảm giác tác giả nói chưa đến, phải vắt óc chọn từ chọn ngữ sao cho trong phạm vi nội dung của nguyên tác tìm ra được cách diễn tả sâu nhất, có lúc phải viết ra hơn ba mươi câu mới chọn được một câu ưng ý.
    Nói đi thì thể, nghĩ lại mới thấy truyện của lão gia chưa có nhiều tâm lý đã dài như vậy, thêm vào thì biết đến bao giờ mới hết? Vả lại con người ta nhân vô thập toàn, viết được như lão gia hỏi trên đời có được mấy người?
  9. vinhattieu

    vinhattieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    2.169
    Đã được thích:
    0
    Nói chung, sáng tác văn học cũng như chơi mấy game RPG. Nếu viết truyện có mấy yếu tố như tình tiết, cốt truyện, lời thoại, nhân vật, tâm lý, hành động, ngôn ngữ etc; thì nhân vật trong game cũng có các loại chỉ số: strength, magic, dexterity, vitality, stamina etc. Có người mạnh cái này, có người mạnh cái kia, chẳng ai là trọn vẹn.
    Nhưng khi đọc truyện là mình đọc cả một tác phẩm trọn vẹn, tổng hòa tất cả các yếu tố đó, nói thô thiển là cộng hết các chỉ số lại - tất nhiên không đơn giản thế, nhiều khi magic lại phải kết hợp với dexterity chẳng hạn. Nhưng rốt cục thì sẽ vẫn có người hơn người kém. Một anh tả cảnh 8 tả tình 8 thì chắc chắn đọc sướng hơn một anh tả cảnh 10 tả tình 5 rồi. Kim Dung là người toàn bích nhất, nên mới đứng ở ngôi minh chủ.
    Truyện của Huỳnh Dị dụng công rất nhiều - không dụng công nhiều thì không thể viết nổi tiểu thuyết trường thiên, nhưng những đoạn dụng tâm thực sự thì hơi ít. Thực sự là tôi đọc 150 hồi Biên hoang rồi mà vẫn chưa thấy có đoạn nào gọi là kinh tâm động phách về tình cảm cả. Thực sự tôi cảm thấy là ông tả ái tình nam nữ chưa tới, không hiểu vì sao. Yến Phi - Kỷ Thiên Thiên, Lưu Dụ - Vương Đạm Chân chẳng hạn, đọc thấy không rung động bao nhiêu. Trong khi Cổ Long chỉ dùng vài ba câu để tả chuyện luyến ái của một đôi nhân vật phụ là Hoa Mãn Lâu và Thạch Tú Vân mà cũng khiến người đọc khó quên. Trong khi đó ông tả giao đấu thì lại có những đoạn rất được, căng thẳng, hồi hộp. Đoạn Yến Phi đụng độ Nhậm Dao hay Lưu Dụ đấu với Tôn Ân đọc kinh khủng đấy chứ.
    Bạn gì lấy phim bộ ra giải thích tôi thấy hơi không ổn. Đây là viết truyện chứ không phải viết kịch bản phim. Chắc cũng chẳng có nhà văn nào xác định mình viết truyện để được dựng thành phim, để từ đó nhìn vào khẩu vị của khán giả xem phim rồi quyết định phải viết thế nào. Hơn nữa ưu thế của truyện so với phim chính là chỗ dùng văn bản viết để miêu tả những cái vi tế mà phim không thể hiện được, không ai lại bỏ sở trường đi dùng sở đoản.
    Vả lại một người mua nhà giữa hồ rồi bế môn viết truyện như Huỳnh Dị thì không đời nào lại là người chạy theo thế tục, chiều theo khẩu vị độc giả. Mà nếu chạy theo thế tục thì không đời nào ông lại đi viết những truyện như Biên hoang truyền thuyết, lấy bối cảnh Nam Bắc triều là một thời kỳ lịch sử cực kỳ phức tạp và mù mờ đối với ngay bản thân người dân Trung Quốc. Để viết nổi Biên hoang hay Đại Đường, tôi nghĩ là Huỳnh Dị phải lao tâm khổ tứ tra tìm điển tịch tư liệu hàng năm trời. Tôi đọc Biên hoang thỉnh thoảng lại giật nảy mình vì nhân vật nào cũng có thật. Tôi không nghĩ là có người nào hao tổn tâm huyết khủng khiếp đến thế, viết ra đến hai ba ngàn trang sách chỉ với mục đích là cho bà con đọc thấy nhẹ nhàng cuốn hút mà xong là xong.
    Mà không hiểu có ai đọc những truyện kiểu Huỳnh Dị mà lại thấy nhẹ nhàng được không? Tôi thì nói thực là tôi rất mệt, sướng nhưng mà cực kỳ mệt. Vì nội dung nó quá dài và phức tạp, không căng óc lên thì đừng hòng theo nổi. Chính những truyện ái tình sướt mướt như Quỳnh Dao thì đọc mới dễ quên, chứ truyện nhiều âm mưu trá ngụy thì đọc mệt lắm.
    Về tạng thì tôi nghĩ là bạn nói đúng, Huỳnh Dị ưa để nhân vật hành động. Mà chính thế đọc lại càng mệt, vì nhân vật cứ hối hả hành động không ngừng nghỉ, tình tiết câu chuyện không ngừng phát triển, mình càng phải theo không dừng lại được.
    Phê bình thì cứ phê bình thế thôi, nghĩa là phải khách quan, chứ có một người như Huỳnh Dị nổi lên đã là điều đáng mừng lắm rồi, có những chuyện chỉ có thể được mà không thể cầu.
  10. weingarten

    weingarten Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/05/2007
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Huỳnh Dị viết Tầm Tần ký,dán được cho Hạng Thiếu Long câu Quyền lực tuyệt đối chỉ làm cho con người sa đoạ tuyệt đối cũng tàm tạm.Nhưng cũng chỉ có mỗi câu ấy,đúng là thiếu thật.Hình như cái ngọn lửa bao ngày qua âm ỉ cháy,bấy lâu nay chỉ đủ để Bức vương nung nóng thanh sắt cời lò rồi thi thoảng rút ra chọc vào người kẻ khác vừa thoáng bùng lên...

Chia sẻ trang này