1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Mưa ở kiếp sau - Đoàn Minh Phượng

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi CuZin, 18/11/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. CrassPunkIsDead

    CrassPunkIsDead Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/01/2006
    Bài viết:
    88
    Đã được thích:
    0
    Câu chuyện tả nội tâm rất sâu, tình tiết hấp dẫn và cách xử sự thông minh.
    Lúc đầu đọc thấy chưu aháp dẫn lắm nên chỉ lướt qua, càng về sau càng bị lôi cuốn, tác giả hẳn rất từng trải.
    Tớ chờ phần tiếp!
  2. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    12. Vị mặn đầu tiên
    Một chiều chủ nhật tôi được gọi ngồi mẫu cho một khách, chỉ có một người thôi. Cô Tâm cho tôi biết là khách trả tiền để nhìn và vuốt ve tôi, chỉ vậy thôi. Cô chưa để cho ai đi quá giới hạn đó, vì tôi không muốn. Cô đứa hứa không bắt tôi chịu đựng những gì tôi không muốn, và nói thêm rằng cô muốn giữ trinh tiết cho tôi. Khách vẫn sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để ngắm nhìn một trinh nữ Cô nói rằng những người đàn ông lịch lãm nhìn màu của đầu ngực, đường cong của hông và biết rằng đứa con gái có còn trinh trắng hay không.
    Buổi làm việc diễn ra như mọi ngày khác. Tôi nằm nghiêng, chân duỗi dài trên một chiếc đi văng. Một miếng vải đen quấn ngang đôi mắt và cả miệng tôi, còn hai cổ chân thì buộc vào nhau bằng một dải lụa hồng. Khách ngồi uống rượu ngắm tôi một mình. Lần sau, ông ấy mới vuốt ve thân thể tôi bằng một tay, vì tay kia ông ta cầm ly rượu. Trong những phút như lúc này, nếu tôi không mơ màng ở vùng biên giới của giấc ngủ, tôi đã quen nghĩ tới một chuyện nào đó ở một nơi nào khác, vào một ngày nào khác. Nhưng hôm đó, khi bàn tay người khách bắt đầu chạm tới vai và mới đi xuống nửa đường lưng, tôi đã bắt đầu cảm thấy bất an. Bàn tay chậm chạp như nó đang thưởng lãm làn da một cách bình tĩnh, nhưng thực ra nó hơi lo âu và tàn tệ. Tôi không biết làn da tôi nhận ra sự thiếu kiểm soát của người đàn ông như thế nào, nhưng tôi đã cảm thấy sự hiểm nguy sắp xảy đến. Tôi nghe thấy tiếng thở bồn chồn của ông ấy, và mọi thứ càng lúc càng như tiến gần đến một biến cố không tránh được.
    Tôi nghe tiếng ông khách làm rơi ly rượu xuống sàn nhà có trải thảm, dù thảm êm cái ly cũng vỡ ra vì thuỷ tinh rất mỏng. Ông khách ôm ngang hông tôi, úp mặt vào bụng tôi và với tay xuống phía chân mở cái nơ của dải lụa màu hồng đang buộc hai cổ chân tôi với nhau Tôi co đầu gối, gập lưng lại để lùi bụng tôi khỏi mặt ông. Mắt, miệng tôi vẫn còn bị bịt, tôi không la được, hai cổ tay tôi vẫn còn bị buộc vào nhau. Ông khách dằn tôi xuống và cố mở hai chân tôi ra. Tôi vùng vẫy bằng tất cả sức lực. Ông ta nắm tóc kéo ngược ra phía sau để tôi bớt vùng vẫy. Tôi thấy đau ở cổ nhiều hơn nơi chân tóc. Tôi biết nếu khách làm quá những điều đã thoả thuận, những người làm của cô Tâm sẽ vào cứu tôi. Họ luôn luôn ở đâu đó trong một gian phòng bên cạnh để trông chừng và can thiệp khi có chuyện khác thường. Ý nghĩ đó làm tôi an tâm đôi chút. Tôi cố khép chân và co hai đầu gối lên bụng, cố tuột người khỏi vòng ôm của ông khách, một phút nữa, ba mươi giây nữa thôi là người làm của cô Tâm sẽ tràn vào phòng.
    Nhưng họ không vào, không bao giờ vào. Tôi không có đủ sức lực để trườn ra khỏi chỗ tôi nằm bên dưới người ông khách. Nỗi tuyệt vọng và sợ hãi tràn xuống từ đó, thôi chắc không có cách gì gìn giữ được tấm thân. Tôi bớt vùng vẫy, ông khách không buông tôi, nhưng ông chậm lại bớt, vì ông nghĩ tôi đã quy phục. Ông bắt đầu vuốt ve má tôi, rồi chiếc cổ, rồi bờ vai, tay ông đã chạm tới linh thiêng và nhục nhằn của đời con gái. Lúc đó chợt cúp điện, tôi biết vậy vì tôi nghe tiếng máy lạnh tắt. Ông khách buông một tiếng chửi thề rồi ngồi đứng dậy. Nửa phút sau tôi nghe tiếng bật lửa. Ông khách loay hoay một lúc. Tôi biết ông đang châm nến, rồi tìm chỗ cắm cây nến xuống một nơi nào đó.
    Ông cầm chai rượu quay lại với tôi. Bây giờ tôi đã biết rằng sẽ không có ai cứu tôi, cô Tâm đã bán tôi rồi. Sự tuyệt vọng lấy đi chút sức lực cuối cùng, tôi không biết cách nào để vùng vẫy tự cứu mình nữa. Tôi chống chọi ít hơn. Bây giờ ông khách bắt đầu lại một cách chậm rãi, thỉnh thoảng lại ngưng để uống rượu. Máy lạnh tắt rồi, căn phòng càng lúc càng nóng. Và ông khách càng lúc càng mê muội tàn tệ hơn.
    Sự tàn bạo cuối cùng đang đến, tôi cắn môi chờ nhận lấy vết đâm đau thương nhất một đời. Tôi muốn ngất đi, không thở được. Trong phút đó, giây đó, tôi chợt biết là căn phòng đang bừng sáng lên. Không khí nóng hừng hực. Ông khách cuống cuồng buông tôi ra. Căn nhà đang bốc cháy.
  3. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Tôi thức dậy trong căn hộ nhỏ trên tầng cao tôi thuê cho riêng mình, trong bộ quần áo ngủ tôi vẫn thường mặc. Trên chiếc bàn nhỏ ở cạnh giường vẫn có ly nước lọc tôi mang vào phòng hàng đêm khi đi ngủ. Tôi không biết đêm ấy ai đã mở dây trói tay cho tôi. Tôi không nhớ rõ lắm mình đã mặc quần áo vào như thế nào và chạy khỏi căn phòng có lửa như thế nào. Hình như tôi đi bộ một đoạn đường xa, vừa đi vừa khóc. Đêm rất khuya. Có nhiều người chạy xe máy kè kè mời tôi lên xe. Có thể họ là khách chơi đi kiếm gái, có thể họ chỉ chạy xe ôm. Tôi không nhớ mình lên taxi lúc nào, như thế nào, chỉ nhớ khi về đến nhà không có đồng nào để trả. Ông tài xế nói cô đi xe phải trả tiền chớ, đi chùa tụi tui lấy gì nộp cho hãng , lấy gì mua cơm ăn. Tôi nói bác chờ một chút, cháu chạy nhanh lên nhà lấy tiền mang xuống. Khi tôi xuống, chiếc xe chạy đi mất rồi. Ông ấy không tin lời tôi nói. Không biết vì sao một chuyện nhỏ như vậy trong một cơn bão cũng làm cho tôi thấy buồn. Một nỗi buồn mang mang thêm vào trong một nỗi buồn lớn. Thành phố lạnh tanh vì không có một ai tôi có thể tin. Người duy nhất tôi gặp, ông tài xế taxi, cũng không tin tôi.
    Tôi không muốn ra khỏi nhà, không bao giờ còn muốn ra khỏi nhà nữa. Tôi còn gạo và mì gói, cũng đủ sống một số ngày. Tôi nấu cháo ăn. Chiếc điện thoại di động đã mất rồi. Tôi tháo dây điện thoại bàn, lấy một chai nước lọc đặt bên cạnh giường, rồi đi ngủ.
    Tôi ngủ. Mỗi khi thức giấc, mỗi khi nhớ lại cuộc đời mình đang sống, tôi ước gì cuộc đời ấy ngưng lại, đừng có chuyện gì xảy ra nữa. Tôi không muốn tự tử, chỉ muốn bỏ đi một ngày, một nghìn ngày, một vạn ngày. Tôi muốn ở một nơi không có thời gian, không có tiếng động, không có đàn bà và đàn ông. Tôi muốn ngủ, chỉ ngủ thôi. Ở giữa những giấc ngủ tôi không làm gì khác ngoài nằm chờ giấc ngủ trở lại.
    Tôi không biết khi tôi ngủ, linh hồn tôi lắng xuống - chết một cái chết hững hờ - hay lặng lờ trôi qua những vùng đất tối nào tôi không biết. Có đôi lần tôi tưởng như tôi đã đánh mất sự liên lạc của ý thức, có những khi thức giấc tôi không biết tên mình. Tôi nằm nhớ lại ngày hôm trước, nhớ lại những câu chuyện, nhớ lại nỗi buồn dở dang mà tôi đã đặt qua một bên khi nhắm mắt ngủ. Về lại với đoạn nối tiếp, nhớ lại những cảm giác của mình, tôi nhớ lại mình là ai, biết mình vẫn còn đó. Điều đó đủ làm cho tôi buồn kinh khủng. Tôi nhớ lại câu chuyện đó. Điều đó đủ làm cho tôi buồn kinh khủng. Tôi nhớ lại câu chuyện của tôi, nhưng câu chuyện đó không liền lạc. Có những khoảng tối chen vào giữa, những câu chuyện, những kinh nghiệm không có tiếng nói và không len được vào trí nhớ, nhưng chúng vẫn có đó. Những câu chuyện nằm trong vùng đất tối có còn là của tôi hay không? Tôi không biết.
    Tôi không thiết những câu chuyện ban ngày. Tôi nằm nhớ lại giấc chiêm bao tôi thấy vào đêm qua và vào đêm trước, đêm qua một đêm trước đó và và muôn nghìn đêm trước đêm ấy nữa. Những giấc mộng như những chiếc lá rừng rơi xuống mặt đất ẩm ướt, chồng chất lên nhau. Những giấc mơ mới như những chiếc lá vừa rơi còn nửa xanh nửa vàng phủ lên những chiếc lá bên dưới, càng xuống sâu càng ẩm mục và ở một tầng nào đó đã mang màu của đất, đã một nửa biến thành đất nơi chúng đã rơi xuống. Khi nhớ lại những giấc mộng tôi không nhớ câu chuyện nào nằm trong giấc mộng nào, những đường ranh giữa giấc mộng này và giấc mộng kia đã tan đi những chiếc lá mục đã tan vào nhau vào những ngày trở về đất. Dường như có một sợi dây, một sự mạch lạc nào đó trong những câu chuyện trong mơ, dù khi tôi nhớ về chúng, chúng chỉ là những mẩu chuyện chập chờn, vô lý và rời rạc. Tôi cũng không nhớ những câu chuyện trong những giấc mộng đến với tôi bằng hình ảnh, bằng lời lẽ, hay bằng một thứ nhận thức huyền hoặc nào tôi không đặt được tên. Những giấc mơ không muốn nói với tôi điều gì, chúng không màng tới thứ ngôn ngữ mà tôi hiểu. Nhưng chúng có đó, chúng là ánh sáng hắt ra từ những khung cửa sổ của một gian phòng, một gian phòng của một thế giới khác. Tôi không biết tôi ở trong thế giới đó hay thế giới đó ở trong tôi.
    Trong một giấc mơ, tôi đang đi trên phố hay một con đường làng, đường tôi đi có bóng cây và một chút gió, trong ánh nắng lại có lất phất vài hạt mưa mỏng. Bỗng có một hình người làm bằng nắng ở trước mặt tôi, một đứa con gái làm bằng ánh sáng lung linh nhưng tóc lại ướt vì cơn mưa trong nắng. Nó chập chờn ở phía trước, thỉnh thoảng lại quay người lại nhìn tôi. Nó cầm một cây que. Nó vạch xuống mặt đường một lằn gạch, nó chạy - hoặc là bay - về phía trước, kéo dài lằn gạch ra ngun ngút đến chân trời. Nó đã vạch một lằn ranh chia thành phố làm hai bên. Tôi không biết bên nào là phía của sự sống và bên nào là xứ chết, tôi chỉ biết mình đang đi trên cái lằn đứa con gái đang vừa cười vừa vạch ra, tôi đi trên đường biên giới đó. Ở một nơi tôi nghe có tiếng người nhưng khi đến gần thì hình như đó là tiếng đập cánh của một bầy chim lạ. Tôi đi vào giữa bầy chim đang tìm chỗ ngủ đêm trên một bãi đất tối. Đó là lúc ý thức tôi bị một thứ mực loãng nhuộm tím và dần tắt đi. Điều lạ là chính tôi là người biết rằng mình không còn ở đó nữa. Tôi nhớ từng hình ảnh dù chúng rất mông lung. Tôi nhớ cảm xúc của mình trong giấc mơ. Hình như cũng có một câu chuyện, nhưng mọi ý nghĩa đều ở quá xa, hoặc là không có ý nghĩa nào cả.
    Tôi không thể trốn mãi vào bên trong những bức tường của những giấc chiêm bao lênh đênh chập chờn. Tôi phải dậy, nếu nằm mãi, tôi sẽ chết trong khi ý thức mình lãng đãng ở một nơi không có mặt đất, đường đi. Tôi sẽ đến trường. Trên đường về nhà tôi sẽ ghé đâu đó mua một chiếc áo mới, nước gội đầu, vài ba đĩa hát, một quyển sách.
    Tôi dậy lúc bốn giờ sáng. Tôi mang bài ở trường ra đọc. Sáu giờ tôi nấu nước sôi đổ vào ba bát mì gói và đậy bát lại. Tôi bưng bát mì lên bàn học. Tôi dỡ cái đĩa úp trên miệng bát ra. Một ít khói bay lên. Tôi nhìn chút hơi nước đó. Tất cả hơi ấm của đời này còn lại bấy nhiêu, một chút nữa nó sẽ tan đi. Tôi nhớ mẹ. Tôi cô đơn, nhưng ý nghĩ đó chợt trở nên nhỏ nhoi, vì tôi linh cảm nỗi cô đơn của mỗi người đàn bà trong dòng máu chúng tôi sẽ còn mênh mông hơn nhiều, giống như một đại dương. Tôi chỉ mới nghe tiếng gió biển thổi vào đất liền, chứ chưa thực sự ra khơi.
  4. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Khi nhớ lại đêm ấy ở Muôn Hoa, tôi nhớ mình đã trườn người ra khỏi hai cánh tay của ông khách, ngồi dậy và đi đến chiếc bàn nhỏ đặt ở cạnh cửa sổ. Tôi nhìn cây nến ông khách đã cắm vội nghiêng nghiêng trên mặt bàn. Tôi ngắm nó một lúc rồi đưa tay hất nó xuống đất. Nó vướng vào bức màn nên rơi rất nhẹ nhàng, nó chạm đất không một tiếng động. Bên trong bức màn nhung có một lớp màn bằng vải voan mỏng mơ màng và dễ bắt lửa. Một lúc sau khi lửa đã nhen rồi tấm màn nhung cũng nhập vào đó, rồi khung cửa bằng gỗ, thảm bằng len... Ngọn lửa ban đầu ngập ngừng loáng thoáng, trong đôi phút đã bừng bừng đam mê. Tôi ngắm lửa một lúc, rồi bỏ đi.
    Nhưng tôi cũng nhớ bằng cùng một trí nhớ về cùng một biến cố, rằng tôi đã nằm tuyệt vọng dưới thân thể to lớn của người đàn ông, trong hai cánh tay bằng sắt của ông ta. Tôi nhớ lại nỗi kinh hoàng, cơn nghẹn ngào uất ức người đàn bà đã bán tôi cho khách trong lúc mắt tôi bị bịt và tay tôi bị trói. Tôi không biết gì về cây nến đổ, không hề biết căn nhà sắp cháy. Làm sao tôi có thể vừa nằm đó, vừa đứng dậy gạt đổ cây nến trên bàn? Có lẽ trong nỗi sợ sát sao cái chết, một phần ý thức tôi đã bước ra ngoài thân thể. Tôi tưởng tượng mình có thể đi lại được trong phòng và nhìn thấy mọi thứ. Rồi điều tôi tưởng tượng trở thành ký ức, trở thành một thứ sự thật trong tâm tưởng.
    Nhưng ai đã hất cây nến xuống đất?
  5. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    13. Những con đường lạ
    Tôi không để dành được bao nhiêu tiền. Tôi sắp không còn tiền để trả tiền nhà, rồi tiền ăn cũng không có.
    Tôi đến căn nhà có cánh cổng gỗ chạm hoa.
    Người giúp việc đưa tôi vào gặp cô Tâm trong phòng khách riêng của cô ấy Tôi chưa bao giờ biết căn phòng này. Nó có nhiều cửa sổ lớn nhìn ra khoảng sân rộng có trải sỏi và có suối giả. Cô đang ngồi trước một cái giá vẽ. Người mẫu của cô là một cô gái tóc dài, không mặc quần áo, cổ đeo khánh, đang nửa ngồi nửa quỳ trên một chiếc gối thêu. Cần của một chiếc đàn tì bà gác ngang trên đầu gối. Cô nghiêng đầu chạm những dây đàn, không phải bằng những ngón tay, mà bằng một nhánh hoa.
    Cô Tâm ngắm bức tranh mình đang vẽ, nói với tôi:
    "Em thấy Trà Mi có đẹp không? Đâu phải chỉ đàn ông mới yêu con gái khoả thân. Và con gái khoả thân lúc nào cũng để ********".
    Từ nãy giờ tôi vẫn đứng. Tôi không trả lời cô. Cô ấy nói tiếp:
    "Cô lập ra hội Muôn Hoa cũng chỉ vì yêu cái đẹp. Yêu nghệ thuật."
    Tôi vẫn không biết nói gì.
    "Em đến xin đi làm lại đó à?"
    "Không. Cô bán em cho khách không nói cho em biết. Em bị cô lừa. Em không bao giờ đi làm nữa. Em đến để lấy tiền. Cô còn nợ em tiền."
    "Bao nhiêu?"
    "Có bốn buổi cô chưa gửi em tiền."
    "Đâu có nhiều đâu em."
    "Đúng vậy, khoản đó chỉ là nhỏ. Cô bán trinh em cho ông khách, em muốn lấy số tiền đó."
    "Ông ấy nói với em ông ấy đã đưa tiền cho cô à? Bao nhiêu?"
    "Em không biết."
    Cô Tâm cười. Cô gái ngồi mẫu động đậy vì bồn chồn, nhưng vẫn không dám đổi dáng ngồi của mình. Cô Tâm nhìn về hướng cô ấy khiến cô gái ngồi im trở lại, mắt nhìn vào nhánh hoa. Cô Tâm vẽ vài nét cọ rồi nói với tôi:
    "Thôi được, em không biết thì cô nói cho em biết: số tiền ấy là ba ngàn. THeo nội quy của Muôn Hoa, em được chia một nửa. Bao giờ em đi làm lại, cô sẽ đưa."
    "Em đã nói với cô rồi, em không bao giờ đi làm nữa. Xin cô đưa tiền của em cho em. Rồi em xin về."
    "Sao em không đi làm nữa?"
    "Em bị lừa."
    "Em giận cô à? Lại đây!"
    Cô Tâm vẫy tôi lại ngồi bên cô, nhưng tôi vẫn đứng yên. Cô nói với tôi, nhưng mắt đăm chiêu nhìn cô gái ngồi mẫu:
    "Con gái vào đời sẽ có một lần bị lừa thôi. Hoặc là nhiều lần. Đời có những bài học mà đứa con gái không có cách nào khác để học hết, chỉ có cách đó. Em trưởng thành hơn sau những lần như thế. Em chưa hiểu đời, nên em còn giận cô. Ai không đến với cô thì thôi, chứ đã đến cô đều thương mến như em gái vậy. Cô với người ta khác nhau ở chỗ, sau mỗi lần để cho em mình va chạm với đời để lớn ra, cô phải làm sao cho đứa em đứng dậy được, tự tin hơn, đáng yêu hơn. Người khác thì cứ để mặc đứa con gái tự gượng dậy, đứa nào gãy đổ, cũng không ai màng."
    "Em xin cô. Em đang cần tiền. Cô cho em nhận tiền của em, rồi em về."
    "Đươc rồi. Cô sẽ bảo Hoa ứng cho em vài triệu. Còn khoản kia, cô nói rồi, cô giữ cho em. Bao giờ em đi làm lại cô sẽ đưa. Nếu em không đi làm nữa, thì đành mất vậy."
    Tôi biết mình thua cuộc, nhưng tôi không ngạc nhiên. Tôi khẽ cúi đầu:
    "Em về."
    "Lại đây với cô một chút đi. Lại đây xem cô vẽ Trà My có giống không này."
    Tôi bước về phía giá tranh, nhưng nửa chừng nỗi bất mãn lạ lùng ngăn bước chân tôi lại. Tôi đứng đó không biết nói gì. Cô Tâm nói:
    "Thôi em muốn về thì để hôm khác sẽ xem tranh vậy. Với lại cô vẽ cũng chưa xong, trông còn chưa thật mềm mại."
    Người làm của cô Tâm đưa tôi ra. Ở cổng, chị ấy đưa cho tôi bốn triệu đồng và chiếc điện thoại di động mà tôi bỏ quên vào buổi tối có lửa cháy, trong một căn nhà nào đó của những căn nhà Muôn Hoa. Chị dặn tôi đừng tắt di động, em tắt đi thì không ai biết em ở đâu.
    Tôi ra bưu điện, gửi ba triệu ra cho mẹ. Tôi không còn có thể viết thư, tôi không biết con gái viết thư cho mẹ phải mở đầu như thế nào và kết thúc ra sao. Tôi bắt đầu hiểu sự im lặng. Nó không phải là một lựa chọn, nó là một thứ định mệnh. Những cây cầu bắc qua con sông đã gãy đổ. Tuổi thơ ở phía bên kia sông, xa mù mịt trong khói sương. Tôi ở bên này không còn tiếng nói, không có lời nào gửi cho mẹ tôi về nỗi nhớ thương tràn mọi ngõ trong tâm tưởng tôi từng giờ.
    Tối tôi viết thư cho dì Lan. Dì đã viết cho tôi một bức thư rất dài, cuối thư dì nhờ tôi làm một việc quan trọng. Con hãy lựa nơi, lựa lúc, lựa lời mà hỏi cha con. Tôi đã không làm được việc đó. Vì sao Chi chết, chết vào giờ nào, và nhất là người ta chôn tấm thân nhỏ xíu của nó ở đâu. Không còn nơi nào, lúc nào, lời nào nữa. Tôi không biết cha tôi là ai, chưa bao giờ biết ông, làm sao tôi có thể hỏi một người dưng, một người lạ chuyện gì đã xảy đến với em tôi. Dì tôi muốn biết Chi chết như thế nào. Em bệnh, em lạnh, em chảy máu, em ngạt thở, hay em đói, em khát? Dì muốn biết để có thể chôn em được, không phải nắm xương chắc không còn, mà là ký ức của dì về em, chôn sự dằn vặt, sự bất lực, nỗi thảng thốt trước cuộc đời. Tôi ước làm sao dì có thể làm được chuyện đó. Tôi ước gì gió trùng trùng thổi về nơi dì ở, mang theo cát bụi mịt mù của một trăm năm quên lãng phủ lên mọi đau buồn và lo sợ.
    Nhưng tôi vẫn đã luôn luôn linh cảm rằng Chi không muốn cho ai chôn nó. Nó còn ở đây, ở ngoài trời đêm, hay trong góc nhà, trong làn nước tôi vục lên rửa mặt buổi sáng, hay ở giữa những chân tơ kẽ tóc của tôi.
    Tại sao tôi là đứa mơ thấy Chi chứ không phải Chi mơ thấy tôi? Tại sao trong hai đứa, dì Lan lại mang nó đi và để tôi ở lại ăn hết, cướp hết phần sữa của nó mà sống sót. Tôi ở bên phía người gặp nạn, hay bên phía người gây tội, bên phía của kẻ mất, hay của người được trong câu chuyện này?
    Tôi phải trả lời thư cho dì Lan. Lúc mười một giờ tôi đã đặt lên bàn một tờ giấy từ hộp giấy tôi mua để dành viết thư. Tờ giấy màu vàng rất nhạt, nhạt như màu chiếc áo cánh dì Lan đã mặc trong đêm đầu tiên dì ngủ ở nhà tôi ở Hà Nội, đêm dì trong cơn mộng du đến ngồi bên tôi lúc nửa đêm. Tôi tìm một cây bút nét nhỏ. Tôi đã bắt đầu ở góc phía trên, bên phải, Sài Gòn, ngày thứ năm, 16 tháng 11...
  6. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Bây giờ đã một giờ khuya mà tôi vẫn chưa viết được gì. Tôi không biết viết gì. Tôi thấy buồn ngủ. Tôi đi ngủ, trang thư vẫn còn trắng, vẫn nằm đó trên bàn. Đêm mai tôi sẽ viết nó vậy.
    Tôi ngủ sâu và yên lành. Sáng tôi dậy muộn vì quên để đồng hồ báo thức. Tôi vội đánh răng, rửa mặt, thay quần áo. Tôi cắm điện nấu nước nhưng lại rút dây điện ra vì không còn giờ để nấu cà phê. Tôi bước về phía chiếc bàn học để lấy sách vở đến thư viện ôn thi. Trên bàn, tờ giấy viết thư đêm qua vẫn còn nằm đó.
    Khi tôi đứng ở cạnh bàn nhìn xuống, tôi thấy tờ thư không còn trắng, nó đầy chữ. Tôi xiết bao kinh ngạc. Đêm qua tôi chỉ đề ngày rồi không viết thêm được một chữ nào hết. Bây giờ dòng chữ đề ngày vẫn còn đó, do tay tôi viết. Nhưng phần còn lại của trang giấy không phải là chữ của tôi. Ai đã vào đây chép đầy cả hai mặt của tờ thư này? Tôi hốt hoảng nhìn cánh cửa. Cửa vẫn đóng, chốt cài bên trong.
    Tôi bàng hoàng ngồi xuống giường cầm tờ thư lên đọc. Thư viết nét đậm nét nhạt, chữ khi to khi nhỏ, thỉnh thoảng có một chữ tôi không đọc được vì quá nhạt. Có những khoảng trống nhỏ, như thể người viết không tìm được chữ, để trống để điền sau rồi không tìm ra chữ hay quên đi.

    Đến bao giờ Mai mới chịu tin là hai chị em mình cùng ở với nhau, chia nhau một thân thể? Mai đã biết như vậy từ lâu lắm rồi, vậy mà bây giờ em viết thành chữ, Mai lại thấy sợ. Em làm gì để Mai đừng sợ bây giờ? Mai thường thấy em, đôi môi tím ngắt không phải vì em không có máu, em có máu chứ, máu của Mai, của chị em mình. Môi em tím vì em không nói được. Em chưa bao giờ nói một lời nào, khi muốn nói chuyện với Mai, em chỉ biết buông mái tóc của em ra cho Mai bị huyễn hoặc, Mai quên bớt đi lý trí, và chịu hiểu em đôi chút. Hôm nay em nói được rồi, từ nay Mai sẽ thấy môi em hồng.
    Em biết nói là vì Mai đã học nói, biết viết là nhờ Mai đã học viết. Chị em mình giống nhau lắm, vì cùng chung một số kiếp. Nhưng một hôm nào đó chúng ta sẽ chính vì sự giống nhau mà vỡ tan, em linh cảm như vậy. Chúng ta có cùng một nỗi buồn, nhưng Mai không nhìn thấy nó. Lúc thai chúng ta chớm trong bụng mẹ, trên trời có một ngôi sao băng. Một tia lửa từ cái đuôi của nó đã rơi vào vũ trụ riêng của chị em mình, và nó bay mãi, rơi mãi, bởi vì nó rơi ra từ một mặt trời đã tan vỡ, nó không thể ngừng rơi, không còn nơi để trở về.
    Mai không nhìn thấy ánh chớp. Nhưng Mai đã bắt đầu đi tìm nó. Dì Lan viết thư cho Mai, nhờ Mai đi tìm. Mai không tìm xác thân con bé giờ này đã chỉ là một chút bụi. Mai đi tìm cơn bão. Em sẽ gầy nên cơn bão.
    Tai Mai sẽ có khi nghe tiếng sóng ầm ầm của nỗi buồn em đánh vào vách đá, miệng Mai nghe vị mặn của một nỗi buồn nghiệt ngã, rồi chân Mai sẽ có khi đi vào những con đường lạ.... Bởi vì tai Mai cũng là tai của em, miệng Mai cũng là miệng của em, chân Mai cũng là chân của em. Dù Mai không hiểu nỗi buồn của em, cũng có khi Mai nghe tiếng của nó vọng về.
    Chân Mai sẽ có khi đi vào những con đường lạ. Bởi nỗi buồn của em dẫn đi.
  7. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Tôi thức dậy ở một nơi không phải nhà tôi. Trời đã sáng, nhưng căn phòng còn tối, vì cửa sổ được màn kéo phủ kín. Tôi nhìn quanh và bàng hoàng không biết tại sao mình ở đây, bàng hoàng vì tôi biết tôi đang ở đâu, dù tôi chưa bao giờ vào căn phòng này. Tôi gắng nhớ lại những gì đã xảy ra đêm qua, nhưng trí nhớ chỉ có loáng thoáng vài mảnh vụn mơ hồ. Đêm qua tôi đã đi ngủ, trên chiếc giường của tôi, trong căn phòng của tôi. Tôi đã thay quần áo ngủ bằng vải bông, đặt ly nước lọc trên chiếc bàn thấp ở đầu giường. Trong một đoạn khác tôi đang ở trên một con đường vắng, tất cả nhà cửa đều im lìm, tôi đi bộ một quãng dài. Hình như có một chiếc xe điện đón tôi. Tôi không nhớ có nói chuyện với người lái chiếc xe đó.
    Tôi mở cửa phòng. Bên ngoài là góc vườn nhỏ, ánh nắng chan hoà. Tôi chưa biết góc vườn này, nhưng tôi biết nó nằm phía sau, trong khuôn viên của một trong những căn nhà thuộc về Muôn Hoa. Căn phòng tôi ngủ đêm qua thuộc về dãy nhà phụ của ngôi biệt thự. Tôi đi dọc hành lang dãy nhà, mong gặp một ai đó.
    "Em đã dậy rồi đây. Sáng chị có mua bánh mì, để chị vào rán mấy quả trứng, hai chị em mình ăn sáng với nhau." Tôi nghe tiếng quay lại, đó là chị Hoa.
    Tôi đến ngồi ở một cái bàn và mấy cái ghế đặt dưới một gốc cây chờ. Trời có một chút gió, làm cho lá cây lao xao và ánh sáng lấp lánh.
    Chúng tôi ngồi ăn sáng, có cả cà phê và nước cam, dưới tàng cây thưa, bên trên là một bầu trời rực rỡ. Tôi đang ngồi trong một ngày đầy nắng, không phải trong một giấc mơ. Tôi hỏi chị Hoa:
    "Đêm hôm qua ai đưa em đến đây?"
    "Anh Nam."
    "Anh Nam là ai?"
    "Anh Nam lái xe cho chị Tâm. Em đến đây bằng xe của chị Tâm".
    "Tại sao em lại ngồi trong xe của cô Tâm?"
    "Em hỏi lạ không? Quá nửa đêm chính em gọi điện thoại cho chị nhờ chị đón mà."
    "Đón ở đâu, tại sao lại phải đón em?"
    "Đáng lẽ em phải nói cho chị biết thì em lại hỏi chị."
    "Không thể được, hôm qua em đi ngủ... trên chiếc giường của em, trong căn phòng của em..."
    "Đây, em đã gọi cho chị lúc quá nửa đêm."
    Chị Hoa mở nắp điện thoại, bấm vài nút, và trao cho tôi xem. Tôi đã gọi lúc 1:22am ngày hôm nay.
    "Đêm qua em có uống rượu không?"
    "Không. Em không biết uống rượu. Nhà em không có rượu. Đêm qua xe đón em ở đâu?"
    "Ở đoạn đầu đường NNK, gần NHC. Chính em đã đọc tên đường cho chị."
    Tôi không biết đoạn đường đó. Những con đường lạ, tôi nhớ tới thư của Chi viết cho tôi. Nỗi buồn của em sẽ dẫn Mai đi đến những con đường lạ. Tôi đã làm gì ở những nơi đó? Và để làm gì khi cuối cùng chúng dẫn tôi về lại Muôn Hoa. Muôn Hoa không phải là một con đường lạ. Muôn Hoa là một tầng nào đó của địa ngục, nơi có những căn phòng màn nhung chấm đất, những chiếc đèn thuỷ tinh nhiều tầng lung linh. Nơi luôn luôn có một thứ mùi hương lạ lùng, đám con gái thở thật khẽ để không phải hít vào quá nhiều mùi của những thứ mà chúng không hiểu hết thuộc về thế giới của những người làm chủ.
    Điện thoại của chị Hoa reo. Chị nghe xong nói với tôi:
    "Cô Tâm muốn gặp em."
    Cô Tâm xin lỗi về chuyện đã xảy ra vào đêm có lửa cháy. Cô nói ông khách đó rất tốt. Ông muốn cô sắp xếp cho ông một buổi tối với một cô gái còn trinh; ông thích sự vùng vẫy, giống như một vụ cưỡng bức, giống thôi, chứ không phải cưỡng bức thật. Cô dặn chị Hoa phải sửa soạn thật hoàn hảo, ở Muôn Hoa mọi thứ đều phải thật hoàn hảo. Rồi không hiểu chị Hoa hiểu lầm ý cô, hay chị cố ý giữ sự ngây thơ - nỗi sợ cũng phải ngây thơ - cho em nên không bàn với em trước. Cuối cùng giống như cô đã lừa em.
    Không ngờ lại có vụ mất điện, và thật không may, máy phát điện không khởi động được. Ông khách trong cơn xúc động đã cắm cây nến gần màn, cắm không vững, nó ngã vào màn làm bắt cháy, ông đã gửi tiền giúp cô sửa lại nhà, trang trí lại căn phòng. Sau đó ông có nói cho cô biết là lúc lửa cháy ông chưa làm gì em. Tiền ông đã đưa trước rồi. Chị Hoa gọi cho em không được, vả lại, chị nghĩ em không thể làm lại một đêm giống như đêm hôm ấy, nên chị đã cho một đứa con gái khác thay em.
    Chị Hoa không bàn với em trước không phải do cố ý, nhiều khi, để có được tinh tế trong công việc nó cần một hy sinh nho nhỏ như thế. Em biết mà, cô rất cầu toàn, và chị Hoa đã học điều này ở cô.
    Thôi chuyện qua rồi. Cô hứa sẽ không bao giờ có chuyện gì xảy ra mà em không được báo trước và không đồng ý. Em cứ ngồi mẫu trở lại.
    Tôi sẽ đi làm bốn tháng. Đó là một lời hứa, chính xác bốn tháng và không hơn một ngày nào hết. Trong bốn tháng đó tôi sẽ có thì giờ để học thi và thi, sẽ để dành tiền mua xe máy đi học, gửi tiền về cho mẹ xây phòng tắm trên gác để mẹ không phải tiếp tục dùng nhà tắm tập thể. Tôi sẽ ghi vào một quyển sổ riêng tất cả các khoản tiền kiếm được, và không phung phí một đồng nào.
    Tôi biết Chi đã đưa tôi trở lại Muôn Hoa. Nhưng tôi hoàn toàn không hiểu tại sao Chi lại làm vậy, điều khiển thân thể tôi trong lúc tôi đang ngủ, bắt tôi đến Muôn Hoa, đi trên dãy hành lang hẹp giữa mặt đất và địa ngục, dãy lan can không có tay vịn và luôn luôn chao dao. Tất cả các lời nói của cô Tâm đều ấn chứa bất trắc, và đó là tất cả tôi có thể dựa vào như một thứ tay vịn bất trắc của hãy hành lang đó. Tại sao?
    Tôi muốn nói với Chi rằng Chi nói đúng, tôi đang đi tìm Chi. Tôi muốn biết Chi chết như thế nào; dì Lan nhờ tôi hỏi cha tôi chuyện đó. Nhưng tôi đã thất bại vào buổi sáng đầu tiên, trong căn phòng thênh thang êm mát của Quỳnh. Thất bại vì tôi đã nói dối tôi là bạn của Quỳnh hay vì tôi đã chạm tới một thứ ký ức gây sợ hãi? Dù sao, bắt đầu của tôi đã sai và tôi không còn cơ hội quay lại căn nhà của cha tôi nữa. Tôi chưa có đủ sức lực để viết thư nói với dì Lan tôi không làm được chuyện đó. Dì Lan vẫn đang tin rằng tôi ở với cha.
    Chi đã đưa tôi quay lại. Tôi sẽ đi làm ở Muôn Hoa trong bốn tháng. Mười bảy tuần và không thêm một ngày duy nhất nào cả. Đây là lần cuối cùng tôi tuân theo ý Chi. Sau đó, Chi phải để tôi yên và đừng bắt tôi làm những việc mà tôi không muốn làm.
    Sau đó, dù tìm được hay không câu trả lời cho câu hỏi của dì Lan, chúng tôi cũng phải chôn câu chuyện của Chi đi, và Chi phải rời bỏ nơi đây, rời bỏ tôi, đi đến nơi mà tất cả các linh hồn đều đi đến, dù đã chết một cái chết êm đềm hay oan khiên. Tất cả cái chết đều oan khiên, không có gì khác biệt hết.
  8. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    14. Vội vàng hoa rơi
    Tôi sẽ ngồi mẫu ở Muôn Hoa trong bốn tháng, nhưng chỉ hai tuần sau ngày tôi quay lại, cô Tâm gọi tôi vào để nói chuyện.
    "Con gái phải có hơi đàn ông thì mới thực sự đẹp được, chắc em biết?"
    "Dạ..."
    "Em ngồi mẫu được bao lâu rồi nhỉ?"
    "Dạ... nếu tính ngay từ đầu thì độ một tháng..."
    "Em yêu thích công việc chứ?"
    Tôi không biết nói sao, nhưng cô Tâm cũng không quan tâm đến câu trả lời. Cô hỏi tiếp:
    "Em cần chuyên nghiệp hơn Mai à."
    "Dạ... em biết là em phải luôn luôn cố gắng."
    "Em cần phải trở nên một người phụ nữ toàn vẹn. Đẹp và gợi cảm."
    "Em cũng muốn em được như thế."
    "Em phải biết đàn ông."
    "Lúc đầu chị có nói, khách thích nhìn con gái còn trinh. Chị cứ cho em tiếp tục như hiện nay."
    "Gái còn trinh làm sao đẹp bằng một người phụ nữ thực sự. Người ta thích con gái còn trinh chỉ vì một ngày nào đó họ sẽ được hưởng trinh tiết đó. Chứ giữ trinh mãi chỉ làm người ta chán. Em có còn trẻ lắm đâu."
    Tôi đứng im.
    "Có một khách, một vị khách, chị nói thế vì ông ấy giàu có lịch lãm lắm, ông để ý em từ lâu. Chị sẽ sắp xếp một ngày, phải là một ngày thật đặc biệt."
    Tôi im lặng.
    Tôi sẽ không đến Muôn Hoa nữa. Tôi sẽ trả căn phòng thuê giường có nệm dày, êm ái và yên tĩnh. Trong phòng tắm của dãy nhà trọ tập thể sẽ không có chỗ để tôi đặt những lọ nước hoa. Tôi sẽ không có một cái gương dài thấy cả người trong phòng riêng (tôi cũng không muốn tự ngắm mình làm gì nữa). Tôi chán mặc váy ngắn đứng gắp đá nữa, bỏ đá vào những ly bia có quai bằng thuỷ tinh rẻ tiền trên những bàn ăn nhầy nhụa. Tôi sẽ không bao giờ trở lại đại học. Tôi sẽ đi làm công nhân, sẽ yêu rồi cưới một anh công nhân, như con gái của Yuri Zhivago. Chỉ tiếc cha tôi không phải là bác sĩ, không nhảy xe điện, không băng qua đường để tìm mẹ tôi.
    Tôi mang về phòng những chiếc thùng giấy không. Tôi mở chúng ra, đặt ở giữa phòng. Tiền nhà đã đóng trước, đến cuối tháng mới phải trả nhà, nhưng tôi phải cất đồ đạc và sách vở của mình vào những cái thùng giấy, để tự nhắc nhở mình rằng tôi không thuộc về sự êm ái, yên tĩnh dễ chịu nơi đây. Tôi phải đi.
    Nhưng ba ngày rồi mà những thùng giấy vẫn còn trống không. Tôi đứng nhìn hàng sách của tôi nằm trên kệ mà tôi phải lấy xuống, rồi bỏ ra ngồi trên chiếc ghế thấp nhìn ra ngoài cửa sổ bằng kính. Tôi từng đọc về những người trong đời thật và trong điển tích, theo Phật, theo Lão hay là vô thần, những người đã từ bỏ vật chất để sống đời thanh đạm gần với cội nguồn hay chân lý của mình hơn. Tôi cũng sẽ rời bỏ nơi này, nhưng tôi không có cội nguồn nào để quay về, không có chân lý nào để tìm kiếm.
    Tôi ngồi nhìn ra ngoài. Nhiều giờ trôi qua, trời tối dần. Xuyên qua màn kính của khung cửa từ trên ca, thành phố trông thật xa; tôi không có cảm giác mình đang ở trong thành phố đó. Những ngọn đèn thắp lên. Ánh đèn xe nối nhau xuôi ngược trông như những chuỗi hoa màu vàng và màu đỏ được kết vào nhau, chuyển động, lấp lánh không tiếng động: một sự thanh bình không có thực. Tôi thích khung cửa này, chỗ ngồi này, vì nó nhấc tôi lên khỏi nỗi cô đơn dưới mặt đất. Khi tôi xuống phố, đường phố càng đông người thì tôi càng thấy bơ vơ và lo sợ. Quá nhiều những gương mặt, những cuộc đời, những câu chuyện; nhưng không có một thứ gì cho tôi biết họ là ai, và họ mê say toan tính những thứ gì. Họ làm tôi nhớ tới một giấc mơ: Có một người dẫn tôi đi xem địa ngục. Chúng tôi bước vào một gian phòng rộng và tối, và có rất nhiều người, vô số người. Người dẫn đường đưa tôi lên phía trên, chúng tôi đứng ở một lan can bằng gỗ nhìn xuống. Phòng rì rầm một thứ âm thanh không phải là tiếng người, không phải là tiếng máy, không hẳn là nhạc nhưng nó chập chùng theo một nhịp nhất định nào đó. Tất cả mọi người đang múa, không hẳn là múa, mà họ chỉ ngã người vào nhau, hết chiều này đến chiều kia, trông như những ngọn lúa rạp mình trong gió, nhưng gió ở đây không phải là gió, mà là những làn ánh sáng màu tím hay xanh tái quét qua gian phòng tối, và những người trong phòng lượn lờ theo ánh sáng đó, theo thứ âm thanh giống như là nhạc đó. Không ai có một gương mặt, và vì vậy, không có biểu lộ nào của nỗi buồn hay sự sung sướng, của cơn phấn khích hay chán chường. Tôi hỏi người dẫn đường, địa ngục là đây sao? Sao không có tiếng người kêu thương vì đoạ đày, ân hận, đau đớn? Người dẫn đường nói không, em thấy rồi mà, ở địa ngục không có một nỗi buồn khổ nào hết. Địa ngục là nơi con người không có ý chí. Chỉ với một chút ánh sáng thôi, một bóng đèn 500W có thể điều khiển cho vài nghìn người ngả qua nghiêng lại. Thế ai rọi những ngọn đèn đó? Không ai cả. Không cần lính canh hay quỷ sứ nơi con người không có ý chí.
    Khi thức dậy, nhớ lại giấc mơ đó, tôi nghĩ về chữ ý chí và nhận ra mình không thực sự hiểu nghĩa của chữ đó. Một lần tôi có vào thư viện, qua lại những kệ sách, nhưng tôi không biết tôi sẽ đọc được ý nghĩa của chữ đó trong quyển sách nào, nằm đâu trên những hàng kệ này.
    Tôi không hiểu chữ duy nhất đọng lại từ giấc mơ đó, vậy thì cuối cùng tôi không hiểu giấc mơ. Tôi có thể quên giấc mơ ấy đi, đàng nào nó cũng không phải là câu trả lời cho một câu hỏi khẩn khoản nào, vì tôi chưa bao giờ nghĩ về ý nghĩa xác thực hay trừu tượng của địa ngục. Nhưng những hình ảnh lạ lùng và thứ âm thanh rì rầm trong đó vẫn ở lại, lắng xuống một nơi nào đó trong tâm tưởng. Và nó trở về tối nay, vào một hôm mà tôi cảm thấy tôi thiếu thốn ý chí. Nhưng ý chí là gì, tôi thiếu thốn điều gì mà cảm thấy mình ở gần cánh cửa địa ngục, nơi không có buồn đau, chỉ có sự vô cảm và lệ thuộc?
    Nếu thiếu thốn ý chí, ít ra tôi phải nương theo một thứ nề nếp hay bổn phận nào đó để giữ lấy chút cân bằng tối thiểu. Tôi tự buộc mình đứng dậy, bắt đầu bỏ đồ đạc sách vở vào những chiếc thùng giấy, để sửa soạn dọn nhà. Đèn vẫn chưa bật.
    Lúc đứng trước kệ sách, xoay lưng về khung cửa kính, tôi chợt có cảm giác là trong phòng có người. Một đứa con gái vừa đến và ngồi xuống chiếc ghế tôi đã ngồi suốt buổi chiều nhìn xuống thành phố. Tôi không quay đầu lại vội: đứa con gái chỉ là một cảm giác, và cảm giác ấy cần thời gian để trở nên rõ rệt hơn, hoặc là tan biến đi. Nếu tôi quay đầu lại ngay, tôi sẽ không nhìn thấy nó, nhưng cũng không có nghĩa là không có nó trong phòng. Tôi lấy những cuốn sách xuống thật khẽ. Tôi vẫn còn thấy sợ, nhưng có lẽ nỗi cô đơn của tôi đã làm cái sợ loãng đi, lẫn vào trong một chút mơ màng. Có ai đó nhìn thấy mình vẫn hơn không có ai nhìn thấy mình, dù người đó là ma, hay là một ảo giác.
    "Mai ở lại căn phòng này, không nên dọn đi đâu hết. Ngày mai Mai sẽ trở lại Muôn Hoa."
    Câu nói như một mệnh lệnh, nhưng nó thật dịu dàng. Tôi quay lại nhìn. Chi đang ngồi trên chiếc ghế trước khung kính trong một căn phòng chưa bật đèn. Nó chỉ là một bóng đen với mái tóc dài. Khung cửa kính phía sau lấp loáng ánh sáng từ thành phố bên dưới, ngoài xa.
    Tôi nghe một chút gì dễ chịu, một chút ấm áp rất khẽ khàng chỉ đủ làm dịu đi một phần, chứ không phải tất cả nỗi sợ.
    "Không bao giờ còn có Muôn Hoa nữa", tôi nói.
    "Mai ngồi xuống đi. Hai chị em mình là một câu chuyện dài để nói."
    Tôi đi đến ngồi xuống giường, tựa lưng vào thành gỗ đầu giường. Chúng tôi ngồi cách nhau gần hết chiều ngang của căn phòng. Vì chiếc ghế Chi ngồi đặt xoay mặt ra ngoài cửa, nên từ chiếc giường ở phía phải của khung kính, tôi nhìn thấy vai phải của Chi và đường nét gương mặt nhìn nghiêng của nó. Chi không xoay ghế về hướng tôi, tôi nghi ngờ một hồn ma có thể di chuyển được đồ đạc.
  9. Dimple

    Dimple Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/05/2003
    Bài viết:
    46
    Đã được thích:
    0
    bạn cuZin post tiếp nhé. Mình ngày nào cũng ra vào vài lần để đọc truyện này.... Many Thanks!
  10. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    "Mai cứ bật đèn lên đi, nhưng đừng bật đèn lớn."
    Tôi vặn cái nút tròn của cái công tắc đèn nơi đầu giường. Ánh sáng loang ra từ chỗ tôi ngồi, nó không sáng đến chỗ Chi, nhưng đủ làm rõ hơn đường viền của cánh tay, bờ vai, một bên má Chi. Tôi biết Chi giống tôi, nhưng cũng không giống. Tóc nó dài hơn, dường như mái tóc có thể chạm đến bất cứ điểm nào nó thích. Đôi mắt cũng dài và mi đen hơn, gương mặt gầy, có lẽ trông già dặn hơn tôi, và cũng đẹp hơn. Bỗng dưng tôi nói:
    "Chi đẹp lắm."
    "Thật hở? Em cám ơn Mai. Em cũng muốn em đẹp, dù cái đẹp của em, không có thực. Em chỉ mượn gương mặt, thân người của Mai, rồi tô vẽ thêm đôi chút. Đôi chút tôi hôi, như khi một hoạ sĩ chỉnh lại ánh sáng chiếu nghiêng bên má một người mẫu, để cho gương mặt sắc cạnh và lung linh hơn."
    Chi im đi một lúc rồi nó nói trong lúc nhìn ra bên ngoài:
    "Mai phải quay lại Muôn Hoa. Không thể nào không quay lại."
    "Tại sao?"
    "Tại vì như thế Mai sẽ có tiền để trả tiền nhà, tiền sách vở, và gửi cho mẹ. Có lẽ mẹ nên có một nhà tắm riêng, một cái chăn mới, một chiếc áo đẹp. Cả đời mẹ may được mấy chiếc áo lụa màu Mai có biết không?"
    Tôi không trả lời.
    "Nhưng chuyện tiền bạc chỉ là chuyện phụ, một chuyện phụ cần thiết. Chuyện chính là ở Muôn Hoa Mai sẽ trưởng thành, Mai sẽ hiểu được sự thật, và nhờ sự thật đó mà chúng ta được giải thoát."
    "Sự thật nào? Tại sao Mai phải quay lại Muôn Hoa để tìm nó?"
    "Người ta cần một dòng sông, để thò tay chạm được trăng. Và trăng chỉ chạm được, khi nó vỡ."
    Tôi không hiểu. Tôi lặng yên.
    "Tại sao Mai không muốn quay lại Muôn Hoa?"
    "Cô Tâm muốn bán Mai... bán trinh của Mai."
    "Mai cũng nên làm như vậy đi. Thôi không bám víu vào ý nghĩ rằng mình là một cô con gái nhỏ nữa."
    "Bán trinh là một chuyện tồi tệ và đau đớn."
    "Mai sợ đau sao? Không ghê gớm lắm đâu. Cắn mạnh răng vào môi, để cái đau tự mình gây ra làm loãng đi cái đau do người khác làm. Nó qua nhanh thôi."
    "Mai sợ cái đau tinh thần, sợ sự sụp đổ khi đánh mất thứ quý giá nhất của người con gái."
    "Không lẽ Mai giữ trinh suốt đời sao? Buồn cười lắm."
    "Không, Mai chỉ giữ cho đến lúc..."
    "Đến lúc nào?"
    "Mai không biết. Đến lúc lấy chồng. Hoặc đến lúc có người yêu. Một mối tình thật, một mối tình dài lâu."
    Tôi vừa nói vừa cảm thấy tất cả sự trừu tượng và xa lạ của câu mình nói. Dường như nói không có quyền có giấc mơ đó, giấc mơ của những đứa con gái lớn lên trong êm ấm.
    Chi cười. Nó nhắm mắt, duỗi người, vươn hai cánh tay lên trần, quay mặt vào cánh tay để ngáp.
    "Cứ cho là Mai sẽ gặp anh ấy, mối tình thật, mối tình dài lâu của chị. Nhưng tại sao lại phải để dành tiết trinh cho anh ấy? Tiết trinh của chị cứ có phải của anh ấy nhờ chị cất giùm đâu."
    "Mai muốn để dành cho người yêu điều quý giá nhất của con gái."
    "Mai vừa nói hay ai nói đó? Miệng của Mai chỉ nên để dành nói những điều Mai nghĩ. Còn lời của người khác nghĩ thì Mai không nên để nó đi ngang qua hai bờ môi hồng kia mà thoát ra ngoài."
    "Mẹ nói như vậy. Mai nói lời của mẹ không được sao? Trinh tiết là thứ thiêng liêng. Nếu chúng ta không màng gì tới nó, thì ít nhất cũng phải hiểu rằng nó không phải là thứ mua bán được, chỉ có thể dâng hiến."
    Tôi chợt thấy buồn ghê gớm vì nhắc đến mẹ trong một đêm như đêm nay. Chi cũng im lặng một lúc lâu. Cuối cùng Chi nói, giọng nó bây giờ cũng buồn:
    "Mai dại khờ lắm. Cái gì Mai cũng học của mẹ, mà mẹ thì dại khờ nhất trong dòng giống dại khờ nhà mình.
    Mai chưa nhận ra Mai là ai, được sinh ra như thế nào hay sao? Nhiều lúc em muốn Mai chết đi, rồi sống lại thành một người hết dại khờ. Em nói thật đó. Em muốn chị chết đi."
    "Chi im đi. Mai không muốn nghe, cũng không muốn thấy Chi nữa."
    Tôi nhắm mắt lại. Nếu tôi quyết liệt không chấp nhận rằng Chi đang ngồi đó, quyết liệt xua đuổi hình bóng của đứa con gái tóc dài và gương mặt tựa như tôi, thì khi mở mắt ra nó sẽ không còn đó.
    Trong bóng tối mà tôi thấy bên trong đôi mắt nhắm, những vùng sáng mờ mờ trôi rất chậm. Căn phòng yên lặng lạ thường. "Tôi chỉ có một mình", tôi nghĩ, và nghe ý nghĩ đó lặp lại một lần, rồi một lần nữa, một lần nữa, lặp lại mãi như tiếng vang từ vách núi trong hang động. Khi tiếng vang tắt đi, tôi mở mắt ra nhìn về phía khung cửa.
    Chiếc ghế trống. Chi không còn ngồi ở đó nữa, và lạ lùng thay, tôi cảm thấy buồn. Xua đuổi Chi rồi tôi còn phải xua đuổi nỗi buồn nó để lại.
    Không, mẹ không nuôi tôi lớn lên để làm như vậy, chính Chi đã nói câu đó. Tôi phải rời bỏ nơi chốn này, xoá đi mọi ký ức về Muôn Hoa, về Chi. Tôi sẽ bắt đầu lại cuộc đời mình ở một nơi khác.
    Tôi bật sáng tất cả đèn trong phòng. Tôi sắp đồ đạc, quần áo, sách vở vào những chiếc thùng giấy không, chỉ để lại bên ngoài ít món cho vài ngày còn lại ở đây. Tôi dán nắp các thùng giấy lại, và đi ngủ.
    Giấc ngủ êm ái. Tôi dần rơi vào một vùng tối, nơi không khí rất mỏng, nơi ý nghĩ và ký ức trở thành sương loang ra rồi tan dần vào cái chết thinh vắng.

Chia sẻ trang này