1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

100 bài thơ hay nhất VN thế kỷ 20

Chủ đề trong 'Lạng Sơn' bởi tbls, 07/04/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    100 bài thơ hay nhất VN thế kỷ 20

    Được phát động từ đầu năm 2005, cuộc thi Chọn những bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 đã lựa ra được 100 thi phẩm xuất sắc và công bố trong Đêm Nguyên tiêu của Ngày thơ Việt Nam (3/3). Nhưng sự vắng mặt của nhiều bài thơ nổi tiếng trong danh sách này không khỏi khiến người yêu thơ phải nuối tiếc.

    Không thiếu những Tràng giang - Huy Cận; Ông Đồ - Vũ Đình Liên, Đất nước - Nguyễn Đình Thi, Núi Đôi - Văn Cao, Tây tiến - Quang Dũng, Người về - Hoàng Hưng..., cuộc bình chọn do Trung tâm văn hóa Doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức đã góp phần tôn vinh những sáng tác nổi bật của một thế kỷ thi ca Việt Nam. 100 bài thơ, chia đều cho 100 tác giả, không một ai được vinh dự góp mặt với hơn một sáng tác. Hiện tượng này khiến không ít độc giả ngậm ngùi tiếc nuối khi Xuân Diệu có Nguyệt cầm nhưng không có Đây mùa thu tới hay Vội vàng... Hoàng Cầm có Bên kia sông Đuống nhưng không có Lá diêu bông... Nguyễn Duy có Đò lèn nhưng lại vắng Tre Việt Nam hay Hơi ấm ổ rơm...
    Tỏ ra thích thú trước kết quả cuộc bình chọn, Mỹ Anh, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết: "Đây là một bộ sưu tập những bài thơ hay của Việt Nam. Tôi biết phần lớn các bài thơ trong top 100 này, nhưng cũng có nhiều bài tôi chưa hề nghe tên, ví như Một vị tướng về hưu của Nguyễn Đức Mậu, Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương của Việt Phương... Chắc chắn tôi sẽ tìm đọc thêm những tác phẩm này".
    Phong trào Thơ Mới góp mặt trong danh sách với số lượng tác giả, tác phẩm lớn nhất. Tiếp đó là những sáng tác có ảnh hưởng sâu nặng đến suy nghĩ và hành động của bao thế hệ độc giả qua hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp. Nhà văn Lê Lựu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, cho biết: "Chúng tôi nhận được rất nhiều bài viết công phu, thể hiện tình yêu và thái độ trân trọng với thơ ca. Có những độc giả viết đến hàng chục trang bình chọn và đưa ra nhiều lý lẽ bảo vệ cho sự lựa chọn của mình".
    100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 đã được Nhà xuất bản in thành sách và phát hành rộng rãi.
    Danh sách 100 bài thơ hay nhất
    (Ngoài Nguyên Tiêu, 99 bài còn lại được sắp xếp theo tên tác giả dựa vào bảng chữ cái).
    1) Nguyên Tiêu - Hồ Chí Minh.
    2) Ngày Hòa bình đầu tiên - Phùng Khắc Bắc.
    3) Những bóng người trên sân ga - của Nguyễn Bính.
    4) Tạm biệt Huế - Thu Bồn.
    5) Vào chùa - của Đồng Đức Bốn.
    6) Sư đoàn - Phạm Ngọc Cảnh.
    7) Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc - Văn Cao.
    8) Núi Đôi - Vũ Cao.
    9) Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm.
    10) Tràng Giang - Huy Cận.
    11) Dọn về làng - Nông Quốc Chấn.
    12) Quê hương - Nguyễn Bá Chung.
    13) Say đi em - Vũ Hoàng Chương.
    14) Miền Trung - Hoàng Trần Cương.
    15) Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ.
    16) Anh đừng khen em - Lâm Thị Mỹ Dạ.
    17) Nguyệt cầm - Xuân Diệu.
    18) Cô bộ đội ấy đã đi rồi - Phạm Tiến Duật.
    19) Tây tiến - Quang Dũng.
    20) Lên Côn Sơn - Khương Hữu Dụng.
    21) Đò lèn - Nguyễn Duy.
    22) Chiều - Hồ Dzếnh.
    23) Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà.
    24) Cha tôi - Lê Đạt.
    25) Mẹ và quả - Nguyễn Khoa Điềm.
    26) Núi mường Hung dòng sông Mã - Cầm Giang.
    27) Mắt buồn - Bùi Giáng.
    28) Hai sắc hoa tigôn - T.T.KH.
    29) Đọc thơ ức Trai - Sóng Hồng.
    30) Bài thơ tình ở Hàng Châu - Tế Hanh.
    31) Trở về quê nội - Ca Lê Hiến.
    32) Đêm mưa - Hoàn.
    33) Những đứa trẻ chơi trước cửa đền - Thi Hoàng.
    34) Cửu Long giang ta ơi - Nguyên Hồng.
    35) Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ.
    36) Nỗi niềm Thị Nở - Quang Huy.
    37) Đường khuya trở bước - Đinh Hùng.
    38) Người về - Hoàng Hưng.
    39) Đồng chí - Chính Hữu.
    40) Khi con tu hú - Tố Hữu.
    41) Lên Cấm sơn - Thôi Hữu.
    42) Lời nói dối nhân ái - Trang Thế Hy.
    43) Gánh nước đêm - Á Nam Trần Tuấn Khải.
    44) Tỳ bà - Bích Khê.
    45) Gửi bác Trần Nhuận Minh - Trần Đăng Khoa.
    46) Thu điếu - Nguyễn Khuyến.
    47) Bến Mi Lăng - Yến Lan.
    48) Tháp Chàm - Văn Lê.
    49) Ông đồ - Vũ Đình Liên.
    50) Đèo cả - Hữu Loan.
    51) Viếng bạn - Hoàng Lộc.
    52) Tiếng thu - Lưu Trọng Lư.
    53) Nhớ rừng - Thế Lữ.
    54) Một vị tướng về hưu - Nguyễn Đức Mậu.
    55) Những mùa trăng mong chờ - Lê Thị Mây.
    56) Dặn con - Trần Nhuận Minh.
    57) Hội Lim - Vũ Đình Minh.
    58) Khóc người vợ hiền - Tú Mỡ.
    59) Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ.
    60) Quê hương - Giang Nam.
    61) Thị Màu - Anh Ngọc.
    62) Nhớ - Hồng Nguyên.
    63) Trời và đất - Phan Thị Thanh Nhàn.
    64) Người đàn bà ngồi đan - Ý Nhi.
    65) Nhớ máu - Trần Mai Ninh.
    66) Mẹ - Nguyễn Ngọc Oánh.
    67) Bông và mây - Ngô Văn Phú.
    68) Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương - Việt Phương.
    69) Đợi - Vũ Quần Phương.
    70) Tên làng - Y Phương.
    71) Lời mẹ dặn - Phùng Quán.
    72) Có khi nào - Bùi Minh Quốc.
    73) Tự hát - Xuân Quỳnh.
    74) Áo lụa Hà Đông - Nguyên Sa.
    75) Bài thơ của một người yêu nước mình - Trần Vàng Sao.
    76) Người đẹp - Lò Ngân Sủn.
    77) Đồng dao cho người lớn - Nguyễn Trọng Tạo.
    78) Tống biệt hành - Thâm Tâm.
    79) Dấu chân qua trảng cỏ - Thanh Thảo.
    80) Đất nước - Nguyễn Đình Thi.
    81) Những người đàn bà gánh nước sông - Nguyễn Quang Thiều.
    82) Nghe tiếng cuốc kêu - Hữu Thỉnh.
    83) Bao giờ trở lại - Hoàng Trung Thông.
    84) Bờ sông vẫn gió - Trúc Thông.
    85) Bến đò ngày mưa - Anh Thơ.
    86) Thăm lúa - Trần Hữu Thung.
    87) Cổ lũy cô thôn - Phạm Thiên Thư.
    88) Nói sao cho vợi - Thu Trang.
    89) Mưa đêm lều vó - Trần Huyền Trân.
    90) Bên mộ cụ Nguyễn Du - Vương Trọng.
    91) Nhớ Huế quê tôi - Thanh Tịnh.
    92) Màu thời gian - Đoàn Phú Tứ.
    93) Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử.
    94) Nhớ vợ - Cầm Vĩnh Ui.
    95) Em tắm - Bạc Văn Ùi.
    96) Một ngày ta ngoái lại - Đinh Thị Thu Vân.
    97) Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên.
    98) Bếp lửa - Bằng Việt.
    99) Vườn trong phố - Lưu Quang Vũ.
    100) Thương vợ - Trần Tế Xương.
  2. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    Mình đã sưu tầm đủ 100 bài thơ này và sẽ post lần lượt lên diễn đàn coi như là quà cưới tặng Quỳnh Nga hôm trước không đi được vì trùng với đám cưới của mình. Và để xây dựng diễn đàn
    Được tbls sửa chữa / chuyển vào 13:46 ngày 07/04/2007
  3. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    1. Đầu tiên là bài Rằm Tháng Riêng (Nguyên Tiêu) của Hồ Chí Minh viết năm 1948:
    Bản chữ Hán:
    Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
    Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
    Yên ba thâm xứ đàm quân sự
    Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
    Dịch nghĩa:
    Đêm nay, rằm tháng giêng, trăng vừa tròn
    Sông xuân, nước xuân liền với trời xuân
    Sâu trong khói sóng, bàn việc quân
    Nửa đêm trở về, ánh trăng đầy thuyền
    Dịch thơ (bản dịch của Xuân Thuỷ):
    Rằm xuân lo^`ng lộng trăng soi
    Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
    Giữa dòng bàn bạc việc quân
    Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
    Được tbls sửa chữa / chuyển vào 13:48 ngày 07/04/2007
  4. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    2. Ngày Hoà Bình Đầu tiên - Phùng Khắc Bắc.
    Đôi chút về tác giả:
    Tên thật: Phùng Khắc Toàn
    Sinh năm: 1944
    Mất năm: 1990
    Bút danh: Phùng Khắc Bắc
    Nơi sinh: Thạch Thất - Hà Tây
    Thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết.
    Bài thơ Ngày Hoà Bình Đầu Tiên viết năm 1985:
    Anh về lại ngôi nhà mình
    Sau mười năm chiến tranh.
    Mẹ đón anh buổi bình minh nhập nhoạng,
    Cơn mưa đón anh buổi hừng đông chạng vạng,
    Mưa? Mưa? Mưa?
    Mưa ngoài trời
    Khắp nơi,
    Mưa ngoài sân,
    Nhưng cũng mưa cả trong nhà?
    Sau lời mẹ là lời mưa reo ca?
    Nhà dột.
    Chỗ nằm chỉ còn đủ độ dài giữa hai chiếc cột
    Chiều rộng bằng khuôn chiếc tăng.
    Mắc võng.
    Lại mắc võng.
    Vẫn là cây theo anh từ rừng về đây làm cột.
    Võng đưa sẽ ướt,
    Nhưng đã có con mọt trong cột làm âm thanh đung đưa
    Ngày xưa,
    Chỗ ướt mẹ nằm, sau mười năm
    Vẫn chỗ mưa mẹ đứng
    Mẹ trao cho anh chiếc đèn và bảo
    Đừng để ngọn lửa rụng!
    Mẹ xếp những thùng, chậu, nồi, xoong?
    Khúc nhạc mưa nhà dột tấu lên
    Ru êm cánh võng.
    Người lính nằm im,
    Nghe âm thanh chiến tranh trong người mình cất giọng
    Trong đêm hoà bình đầu tiên.
    II
    Không có trái bom nào rơi đúng nhà mẹ,
    Không có viên đạn nào bắn thủng mái nhà mẹ
    Chỉ có đứa con trai đi xa
    Chỉ có sự chờ đợi nặng nề giọt xuống
    Đã xuyên thủng mái nhà thành những lỗ to lỗ nhỏ khác nhau
    Nắng mưa lọt vào sau
    Xuyên
    Xối
    Những sợi nắng, những sợi mưa nếu có thể nối, cũng chỉ dài
    Bằng một phần sự mong đợi
    Và những hạt nắng, nhưĩng hạt mưa nếu đem xếp lại, có thể cao hơn mọi trái núi.
    Mười năm, cũng chỉ là thoáng qua,
    Vì tuổi mẹ sáu bẩy lần hơn,
    Mẹ vẫn nói đời mình như nắng trận mưa cơn?
    Mái rạ của mẹ cũng không thủng lỗ chỗ
    Nếu con chỉ đi ra đồng, ra chợ
    Chứ không phải chiến tranh.
    Có phải những viên đạn trong vô hình ý nghĩ
    Bắn lúc đêm khuya vào đứa con thơ bé
    Đã để những lỗ thủng lốm đốm trên màu tóc mẹ
    Như nững hạt nắng hạt mưagiọt sót vào đây,
    Để ai ai cũng phải nhìn và vội ngoảnh đi ngay?
    Và đêm nào mẹ cũng khấn, để phập phồng một lần tin, một lần vui,
    Nhưng tai ác hơn, mái nhà cứ thủng.
    Chẳng có na-pan, lân tinh, phốt-pho
    Chỉ có mưa nắng,
    Sự xa vắng, Khiến mái rạ mục mủn, bạc như màu tóc bạc,
    Đôi sẻ tự tình bị hẫng hốt hoảng vù lên, bụi mù như tro bay?
    Mong đợi
    Yêu đương,
    Giả định: sống chết
    Của mẹ về con, làm cho con được sống.
    Con trở về giản dị,
    Cái ngỏ nhỏ, mái nhà quê, biến thành cổng trời, thành lâu đài trong mắt mẹ đón con.
    Buổi sớm,
    Nắng xiên nghiêng,
    Anh nằm ngửa,
    Mái nhà có mắt nhìn anh
    Người lính
    Lần đầu tiên giật mình?
    Những hạt bụi nhảy múa rung rinh,
    Những con đường sang lên như nắng
    Và mỗi người là hạt bụi lung linh.
    Mẹ vẫn lên nhà xuống bếp một mình,
    Chiến thắng của mẹ là anh
    Niềm vui của mẹ là anh.
    Nỗi buồn của anh không phải trong chiến tranh?
    Njhững sợi nắng xuyên qua nhà mình
    Thành những mũi tên
    Thành những viên đạn,
    Bắn tiếp vào anh không gì che chắn
    Phải nhận tất cả,
    Vẫn anh.
    Hôm qua chưa nhận một viên đạn
    Hâm nay nhận những lỗ thủng
    Anh về quê không mang sung
    Vũ khí lúc này
    Hai bàn tay.
    Mẹ giục:
    - Ăn cơm, con!
    Hoà bình trong canh cua, mồng tơi, cà

    Mùi ổ rơm.
  5. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    3. Những Bóng Người Trên Sân Ga - Nguyễn Bính.
    Nguyễn Bính tên thật: Nguyễn Bính Thuyết
    Sinh năm: 1918
    Mất năm: 1966
    Bút danh: Nguyễn Bính Thuyết
    Nơi sinh: Vụ Bản, tỉnh Nam Định
    Thể loại: Thơ
    Bài thơ Những bóng người trên sân ga viết năm 1937:
    Những cuộc chia lìa khởi tự đây
    Cây đàn sum họp đứt từng dây
    Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
    Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.
    Có lần tôi thấy hai cô gái
    Sát má vào nhau khóc sụt sùi
    Hai bóng chung lưng thành một bóng
    "Đường về nhà chị chắc xa xôi ?"
    Có lần tôi thấy một người yêu
    Tiễn một người yêu một buổi chiều
    Ở một ga nào xa vắng lắm
    Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.
    Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
    Kẻ ở sân toa kẻ dưới tàu
    Họ giục nhau về ba bốn bận
    Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.
    Có lần tôi thấy vợ chồng ai
    Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
    Chị mở khăn giầu anh thắt lại:
    "Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi !"
    Có lần tôi thấy một bà già
    Đưa tiễn con đi trấn ải xa
    Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
    Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.
    Có lần tôi thấy một người đi
    Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
    Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
    Một mình làm cả cuộc phân ly.
    Những chiếc khăn màu thổn thức bay
    Những bàn tay vẫy những bàn tay
    Những dôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
    Buồn ở đâu hơn ở chốn này ?
  6. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    4. Tạm Biệt Huế - Thu Bồn.
    Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng
    Sinh năm: 1935
    Mất năm: 2003
    Bút danh: Thu Bồn
    Nơi sinh: Điện Bàn - Quảng Nam.
    Thể loại: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn
    Bài thơ Tạm Biệt Huế viết năm 1980:
    ?oBởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
    Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu
    Những lăng tẩm như hoàng hôn
    Chống lại ngày ngày quên lãng
    Mặt trời vàng và mắt em nâu
    Xin chào Huế một lần anh đến
    Để ngàn lần anh nhớ trong mơ
    Em rất thực nắng thì mờ ảo
    Xin đừng lầm em với cố đô
    Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
    Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền
    Nón rất Huế mà đời không phải thế
    Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
    Nhịp cầu cong và con đường thẳng
    Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu
    Con sông dùng dằng con sông chảy ngược
    Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
    Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt
    Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
    Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
    Anh trở về hoá đá phía bên kia
  7. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    5. Vào Chùa - Đồng Đức Bốn:
    Đang trưa ăn mày vào chùa
    Sư ra cho một lá bùa rồi đi
    Lá bùa chẳng biết làm gì
    Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
    6. Sư Đoàn - Phạm Ngọc Cảnh:
    Sẽ có những sư đoàn thép
    Bất kỳ nơi đâu
    Không khuất phục tù đày chém giết
    Nơi đâu
    Người sống nợ nần người đã chết
    Bất kỳ nơi đâu
    Từ một cây "mút nhét"
    Một sải xuồng bơi
    Một nọc ong châm góp làm sự nghiệp
    Gốc tre xanh thắng trận cả ba đời
    Ba mươi triệu tấm lòng xông ra tuyến lửa
    Vạch lối điều quân
    Vai chảy xe thồ
    Trồng cây xanh che chở
    Mỗi bước quân đi
    Đánh trận trường kỳ
    Đêm trước nấp trong lùm bắn tỉa
    Sớm sau dàn trận chính qui
    Đến trận bão hiệp đồng cả nước
    Mỗi sư đoàn mang gió lốc bay đi...
    Đất giải phóng thênh thang
    Sẽ cho ta dàn đội ngũ - sư đoàn
    Phía trước gọi ta
    Những Điện Biên vòng đai thép tung ra làm chiến dịch
    Đòn gánh hậu phương vượt đèo đi phản kích
    Hành quân
    Hành quân
    Trùng điệp những sư đoàn
    Đi lên phía Bắc
    Tràn về hướng Nam
    Những vị tướng lại cầm quân đi đánh giặc
    Trải bản đồ
    Còn nguyên
    Vạch chỉ đỏ thắt quanh hầu giặc Pháp
    Bài học chiến tranh nhân dân
    Lại tiếp
    Trang ấp Bắc - Plây me
    Và chiến công lên ngực áo những binh nhì
    Đất nước sẽ cho ta
    Những chùm con số đẹp
    Làm tên gọi khai sinh sư đoàn thep
    Này đây
    Doi cát Cửu Long xanh
    Sư đoàn Châu Thổ
    Giữa bãi sú, rừng tràm
    Vụt đứng dậy sư đoàn Nam Bộ
    Sư đoàn Tây Nguyên
    Từ hầm chông bẫy đá cung tên
    Này đây Cực Nam Phan Rang - Phan Thiết
    Này đây Quảng Ngãi - Phú Yên
    Trên nguồn xa Ô Lâu - Thạch Hãn
    Sẽ tiến về
    Sư đoàn Trị Thiên
    Lại có một ngày
    Mọi cửa ô xanh Sài Gòn hớn hở
    Như Hà Nội đã từng
    Ba mươi sáu đường hoa tung sóng đỏ
    Phất rừng cờ thổi hồng ngọn gió
    Đón con em
    Đón những sư đoàn
    Mang chiến thắng trở về
    Rập bước
    Ca vang!
  8. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    7. Chiếc Xe Xác Qua Đường Dạ Lạc - Văn Cao:
    Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa
    Chập chờn ảo hóa tà ma...
    Đôi dãy hồng lâu cửa mở phấn sa
    Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục
    Lạnh ngắt tiếng ca nhi phách giục
    Tình tang... Não nuột khóc tàn sương
    áo thế hoa rũ rượi lượn đêm trường
    Từng mỹ thể rạc hơi đèn phù thể
    Ta đi giữa đường dương thế
    Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây...
    Tiếng xe ma chở vội một đêm gầy
    Xác trụy lạc rũ bên thềm lá phủ
    Ai hát khúc thanh xuân hờ ơi phấn nữ
    Thanh xuân hờ thanh xuân
    Bước gần ta chút nữa thêm gần
    Khoảng giữa tuổi thanh xuân nghe loạn trùng hút tủy
    Ai hủy đời trên tang trống nhỉ?
    Hay ác thần gõ quách nạo mồ khuya!
    Đảo điên... mê say... Thể phách chia lìa
    Nghe reo mạnh, chuỗi tiền cười lạnh lẽo!
    Tiền rơi! Tiền rơi! chùm sao huyền diệu
    Lấp lánh hằng hà gạo rơi! Tiền rơi!
    - Vàng mấy lá thừa đãi mây phủ chiếu
    Ngã tư nghiêng nghiêng chia nẻo
    Dặt dìu cung bậc âm dương
    Tàn xuân nhễ nhại mưa cô tịch
    Đầm đìa rả rích phương Đông
    Mang mang thở dài hồn đất trích
    Lưỡi thép trùng trùng khép cố đô
    Cửa ô đau khổ
    Bốn ngả âm u
    (Nhà ta thuê mái gục tự mùa thu
    Gác cô độc hướng về phường Dạ Lạc)
    Đêm đêm, dài canh tan tác
    Bốn vực nhạc động, vẫy người
    Giãy đèn chao thắp đỏ quạnh máu đời
    Ta về gác chiếu chăn gào tự tử
    Trên đường tối đêm khỏa thân khiêu vũ
    Kèn nhịp xa điệu múa vô luân
    Run rẩy giao duyên khối nhạc trầm trầm
    Hun hút gió nâng cầm ca nặng nhọc
    Kiếp người tang tóc
    Loạn lạc đòi xương chất lên xương
    Một nửa kêu than, ma đói sa trường
    Còn một nửa lang thang tìm khoái lạc
    Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
    Đi vào ngõ khói công yên
    Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền
    Hương nha phiến chập chờn mộng ảo
    Bánh nghiến nhựa đường nghe sào sạo
    - Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
    Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
    Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực
    Mưa, mưa hằng thao thức
    Trong phố lội đìu hiu
    Mưa, mưa tràn trên vực
    - Hang tối gục tiêu điều
    Mang linh hồn cô liêu
    Tiếng xe càng ám ảnh
    Tiếng xa dần xa lánh
    Khi gà đầu ô kêu.
  9. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    8. Núi Đôi - Vũ Cao
    Bảy năm về trước em mười bảy
    Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng
    Xuân Dục Đoài, Đông hai cánh lúa
    Bữa thì anh tới, bữa anh sang.

    Lối ta đi giữa hai sườn núi
    Đôi ngọn nên làng gọi là Núi Đôi
    Em vẫn đùa anh: Sao khéo thế
    Núi chồng núi vợ đứng song đôi.

    Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới
    Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau
    Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn
    Đâu ngờ từ đó mất tin nhau.

    Anh vào bộ đội lên đông bắc
    Chiến đấu quên mình năm lại năm
    Mỗi bận dân công về lại hỏi
    Ai người Xuân Dục, Núi Đôi chăng?

    Anh nghĩ quê ta giặc chiếm rồi
    Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi
    Mỗi tin súng nổ vùng đai địch
    Sương trắng người đi lại nhớ người.

    Đồng đội có nhau thường nhắc nhở
    Trung du làng nước vẫn chờ trông
    Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
    Em vẫn đi về những bến sông?

    Náo nức bao nhiêu ngày trở lại
    Lệnh trên ngừng bắn, anh về xuôi
    Hành quân qua tắt đường sang huyện
    Anh ghé thăm nhà, thăm Núi Đôi.
    Mới đến đầu ao, tin sét đánh
    Giặc giết em rồi, dưới gốc thông
    Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa
    Em sống trung thành, chết thuỷ chung,

    Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
    Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen
    Nắng lụi bỗng đưng mờ bóng khói
    Núi vẫn đôi mà anh mất em!

    Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo
    Em còn trẻ lắm, nhất làng trong
    Mấy năm cô ấy làm du kích
    Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng.

    Từ núi qua thôn đường nghẽn lối
    Xuân Dục Đoài, Đông cỏ ngút đầy
    Sân biến thành ao, nhà đổ chái
    Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay.

    Cha mẹ dìu nhau về nhận đất
    Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau
    Nứa gianh nửa mái lều che tạm
    Sương nắng khuây dần chuyện xót đau.

    Anh nghe có tiếng người qua chợ:
    Ta gắng mùa sau lúa sẽ nhiều
    Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
    Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu!

    Nhưng núi còn kia anh vẫn nhớ
    Oán thù còn đó, anh còn đây
    Ở đây cô gái làng Xuân Dục
    Đã chết vì dân giữa đất này?

    Ai viết tên em thành liệt sĩ
    Bên những hàng bia trắng giữa đồng
    Nhớ nhau anh gọi: em, đồng chí
    Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

    Anh đi bộ đội, sao trên mũ
    Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
    Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
    Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
    1956
  10. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    9 Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm
    Em ơi ! buồn làm chi
    Anh đưa em về sông Đuống
    Ngày xưa cát trắng phẳng lì
    Sông Đuống trôi đi
    Một dòng lấp lánh
    Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
    Xanh xanh bãi mía bờ dâu
    Ngô khoai biêng biếc
    Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
    Sao xót xa như rụng bàn tay
    Bên kia sông Đuống
    Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
    Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
    Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
    Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
    Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
    Ruộng ta khô
    Nhà ta cháy
    Chó ngộ một đàn
    Lưỡi dài lê sắc máu
    Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
    Mẹ con đàn lợn âm dương
    Chia lìa đôi ngả
    Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
    Bây giờ tan tác về đâu ?
    Ai về bên kia sông Đuống
    Cho ta gửi tấm the đen
    Mấy trăm năm thấp thoáng
    Mộng bình yên
    Những hội hè đình đám
    Trên núi Thiên Thai
    Trong chùa Bút Tháp
    Giữa huyện Lang Tài
    Gửi về may áo cho ai
    Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu
    Những cô nàng môi cắn chỉ quết trầu
    Những cụ già bay tóc trắng
    Những em sột soạt quần nâu
    Bây giờ đi đâu... Về đâu...
    Ai về bên kia sông Đuống
    Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    Chợ Hồ chợ Sủi người đua chen
    Bãi Tràm Chỉ người dăng tơ nghẽn lối
    Những nàng dệt sợi
    Đi bán lụa màu
    Những người thợ nhuộm
    Đồng Tỉnh, Huê Cầu
    Bây giờ đi đâu... về đâu...
    Bên kia sông Đuống
    Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
    Dăm miếng cau khô
    Mấy lọ phẩm hồng
    Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm
    Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
    Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
    Xì xồ cướp bóc
    Tan phiên chợ nghèo
    Lá đa lác đác trước lều
    Vài ba vết máu loang chiều mùa đông
    Chưa bán được một đồng
    Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
    Bước cao thấp bên bờ tre hun hút
    Có con cò trắng bay vùn vụt
    Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu...
    Mẹ ta lòng đói dạ sầu
    Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ
    Bên kia sông Đuống
    Ta có đàn con thơ
    Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
    Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
    Lấy mẹt quây tròn
    Tưởng làm tổ ấm
    Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
    Ú ớ cơn mê
    Thon thót giật mình
    Bóng giặc dày vò những nét môi xinh
    Đã có đất này chép tội
    Chúng ta không biết nguôi hờn
    Đêm buông xuống dòng sông Đuống
    - Con là ai - Con ở đâu về
    Hé một cánh liếp
    - Con vào đây bốn mảng tường che
    Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
    Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng
    Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
    Những chuyện muôn đời không nói năng
    Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
    Bộ đội bên sông đã trở về
    Con bắt đầu xuất kích
    Trại giặc bắt đầu run trong sương
    Dao lóe giữa chợ
    Gậy lùa cuối thôn
    Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
    Ăn không ngon
    Ngủ không yên
    Đứng không vững
    Chúng mày phát điên
    Quay cuồng như xéo trên đống lửa
    Mà cánh đồng ta còn chan chứa
    Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
    Gió đưa tiếng hát về gần
    Thợ cấy đánh giặc dân quân cày bừa
    Tiếng bà ru cháu xế trưa
    Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
    ?oÀ ơi... cha con chết trận từ lâu
    Con càng khôn lớn càng sâu mối thù?
    Tiếng em cắt cỏ chiều xưa
    Căm căm gió rét mịt mờ mưa bay
    ?oThân ta hoen ố vì mày
    Hờn ta cùng với đất này dài lâu...?
    Em ơi ! Đừng hát nữa ! Lòng anh đau
    Mẹ ơi ! Đừng khóc nữa ! Dạ con sầu
    Cánh đồng im phăng phắc
    Để con đi giết giặc
    Lấy máu nó rửa thù này
    Lấy súng nó cầm chắc tay
    Mỗi đêm một lần mở hội
    Trong lòng con chim múa hoa cười
    Vì nắng sắp lên rồi
    Chân trời đã tỏ
    Sông Đuống cuồn cuộn trôi
    Để nó cuốn phăng ra bể
    Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
    Bao nhiêu nước mắt
    Bao nhiêu mồ hôi
    Bao nhiêu bóng tối
    Bao nhiêu nỗi đời
    Bao giờ về bên kia sông Đuống
    Anh lại tìm em
    Em mặc yếm thắm
    Em thắt lụa hồng
    Em đi trảy hội non sông
    Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
    Việt Bắc, tháng 4- 1948

Chia sẻ trang này