1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

100 bài thơ hay nhất VN thế kỷ 20

Chủ đề trong 'Lạng Sơn' bởi tbls, 07/04/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    BÀI SỐ 97
    CHẾ LAN VIÊN
    Nhà thơ, tên thật Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 14/1/1920 ở Cam Lộ, Quảng Trị. Lên 7 tuổi cả nhà chuyển vào Bình Ðịnh, bút danh Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. 17 tuổi, nổi tiếng với tác phẩm Ðiêu tàn. Năm 1939, Chế Lan Viên ra Hà Nội học, vào Sài Gòn làm báo, lại về Huế dạy học. Khoảng 1942, ra Vàng sao, viết tập truyện ngắn Gai lửa. Sau Cách mạng tháng 8, làm báo Quyết thắng của ********* Trung Bộ... Năm 1949, Chế Lan Viên vào Ðảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều năm ông tham gia ban lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam, Ðại biểu Quốc hội các khóa 4, 5, 6, 7.
    Tác phẩm: Tập thơ Gửi các anh (1955), Ánh sáng và Phù sa (1960), Hoa ngày thường, Chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Ðối thoại mới (1973), Hái theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984).
    Truyện ký: Thăm Trung Quốc (1963), Những ngày nổi giận (1967), Giờ của số thành (1967).
    Viết phê bình: Phê bình văn học (1962), Suy nghĩ và bình luận (1970), Bay theo đường dân tộc đang bay (1976), Từ gác Khuê văn đến quán Trung Tân (1980), Nghĩ cạnh dòng thơ (1982).

    Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
    (CHẾ LAN VIÊN)

    Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
    Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
    - Chưa đâu! Và cả trong những ngày đẹp nhất
    Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
    Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
    Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc,
    Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...
    Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả
    Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn:
    Trái cây rơi vào áo người ngắm quả,
    Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn,
    Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ,
    Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn...
    Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời,
    Cửa vẫn đóng và Đời im ỉm khóa
    Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời.
    Văn Chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi!
    Có phải cha ông đến sớm chăng và cháu con thì lại muộn?
    Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút bây giờ
    Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng,
    Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ,
    Thịt xương ta, giặc phơi ngoài bãi bắn
    Lại tái sinh từ Pắc Bó, Ba Tơ...
    Không ai có thể ngủ yên trong đời chật
    Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng,
    Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt,
    Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm,
    Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt,
    Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng...
    Ôi! Trường Sơn vĩ đại của ta ơi!
    Ta tựa vào người, kéo pháo lên đồi,
    Ta tựa vào Đảng ta, lên tiếng hát,
    Rồng năm móng vua quan thành bụi đất,
    Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười!
    Đều lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác
    Chim cu gần, chim cu gáy xa xa...
    Ruộng đoàn tụ nên người thôi chia cắt,
    Đêm no ấm, giọng chèo khuya khoan nhặt,
    Lúa thêm mùa khi lúa chín về ta.
    Rồi với đôi tay trắng từ Đinh, Lý, Trần, Lê... Đảng làm nên công nghiệp,
    Điện trời ta là sóng nước sông Hồng
    An Dương Vương hãy dậy cùng ta xây sắt thép,
    Loa thành này có đẹp mắt Người chăng ?
    Ong bay nhà khu Tỉnh ủy Hưng
    Mật đồng bằng mùa nhãn ngọt môi em
    Cây xanh ngắt đất bạc màu Vĩnh Phúc...
    Ôi! Cái thuở lòng ta yêu Tổ quốc
    Hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên ?
    Ôi! Cái buổi sinh thành và tái tạo
    Khi thiếu súng và khi thì thiếu gạo
    Nhưng phù sa này đẻ ra những Cà Mau thịnh vượng mai sau.
    Dẫu là Chúa cũng sinh từ ruột máu,
    Ta đẻ ra đời, sao khỏi những cơn đau?
    Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn!
    Ôi! Thương thay những thế kỷ vắng anh hùng,
    Những đất nước thiếu người cầm thanh gươm nghìn cân ra trận,
    Nhà thơ sinh đồng thời với mưa phùn và những buổi hoàng hôn,
    Cả xứ sở trắng một màu mây trắng,
    Ai biết mây trên trời buồn hơn hay thơ mặt đất buồn hơn ?
    Chọn thời mà sống chăng? Anh sẽ chọn năm nào đấy nhỉ ?
    - Cho tôi sinh ra buổi Đảng dựng xây đời,
    Mắt được thấy dòng sông ra gặp bể,
    Ta với mẻ thép gang đầu là lứa trẻ sinh đôi,
    Nguyễn Văn Trỗi ra đi, còn dạy chúng ta cười...
    Cho tôi sinh giữa những ngày diệt Mỹ,
    Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy
    Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi.
  2. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    híc híc BÀI SỐ 97 Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
    của CHẾ LAN VIÊN mình post lên diễn đàn cũng lại báo là vi pham nội quy thế là sao nhỉ. Không biết post kiểu gì đây
    Được tbls sửa chữa / chuyển vào 15:25 ngày 07/04/2007
  3. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    Bằng Việt (tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng) sinh năm 1941 tại phường Phú Cát, thành phố Huế. Lớn lên ở Hà Tây. Học phổ thông tại Hà Nội. Năm 1961 được cử đi học luật tại Matxcơva (Liên Xô). Từng làm việc ở Hội Luật học, Hội nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Nội.
    Đã in các tập thơ: Hương cây - Bếp lửa (chung với Lưu Quang Vũ), Những gương mặt - Những khoảng trời, Đất sau mưa, Khoảng cách giữa lời, Phía nửa mặt trăng chìm, Ném câu thơ vào gió,...
    Những năm giữa thập kỷ sáu mươi, công chúng văn học đã chứng kiến sự xuất hiện của một loạt cây bút mới mà chỉ ít lâu sau đã trở thành chủ lực của thi đàn. Đó là Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Bế Kiến Quốc, Vương Anh, Phan Thị Thanh Nhàn... Vài năm sau lại là Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Nhuận Cầm, Anh Ngọc... Trong đội ngũ đông đúc này, Bằng Việt là một gương mặt riêng, có một chất riêng, không bị khuất lẫn, ''mất hút'' trong một dàn đồng ca. Cái chất riêng ấy là gì? Nhiều người từng biểu dương phần ''trí tuệ'', phần suy tưởng mà vẫn sinh động, gần gũi với cuộc sống của một cây bút trí thức sớm bộc lộ từ phần ''Bếp lửa'' in chung với Lưu Quang Vũ. Thật ra Bằng Việt chỉ thật sự khẳng định được mình ở tập thơ thứ hai: tập Những gương mặt - Những khoảng trời (1973). Đây có thể coi là kết quả của chuyến ''đi thực tế'' nhớ đời của nhà thơ trẻ vốn được số phận ưu đãi này. Cả tập thơ là một sự ngạc nhiên lớn, một sự cảm động chân thành của người trí thức trẻ khi tham gia trực tiếp vào cuộc sống rộng lớn của nhân dân, đất nước, trước hết là với cái tập thể trẻ trung, dũng cảm ở Trường Sơn. Thơ Trường Sơn của Bằng Việt khác với những nhà thơ lính vô danh đã đành, cũng rất khác với thơ của ''ông vua'' thơ Trường Sơn là Phạm Tiến Duật. Phạm Tiến Duật là một người lính thực sự đã sống đủ, sống kỹ cái đời sống Trường Sơn, từ đó cất lên tiếng thơ độc đáo không thể trộn lẫn. Bằng Việt là người của hậu phương đến với Trường Sơn. Anh không thể hiểu cảnh và người Trường Sơn bằng những người lính làm thơ, nhưng anh có những lợi thế của người mới đến, các giác quan chưa bị mòn nhẵn, trơ lì. Khoảng cách giữa ''người hậu phương'' và người Trường Sơn không xa như giữa các nhà thơ ''tiền chiến'' và người lính chống Pháp nhưng dù sao vẫn là khoảng cách. Khoảng cách này cắt nghĩa vì sao Bằng Việt hay dùng giọng bình luận, thuyết minh trong nhiều bài thơ, chẳng hạn ''Có gì cảm động đơn sơ lắm: Cái ngủ thời nào vẫn ngủ trưa nay!'' (Nhà giữ trẻ); hoặc ''Thế đấy, cuộc đời/ Có những phút bất thần thành hạnh phúc!'' (Trước cửa ngõ chiến trường)... Bằng Việt bình luận, thuyết minh, thuyết phục ai? Cho những ''người hậu phương'' như anh, nhiều khi là cho chính anh, một Bằng Việt của mơ mộng, của thi ca, sách vở ''ngày xưa'', đôi khi chưa là một với một Bằng Việt hôm nay đang hào hứng, quyết tâm đi vào cuộc sống chiến đấu của hàng triệu, hàng triệu người. Khi hai con người ấy hòa làm một, Bằng Việt đã có bài thơ Mẹ (1972), một trong những bài thơ hay nhất của anh và cũng là một bài thơ xứng đáng trong mọi tuyển tập thơ về giai đoạn ấy. Khác với giọng kể lể đôi khi dài dòng ở một số bài mang tính ''triết luận'' vu khoát, mông lung, ở bài ''Mẹ'', Bằng Việt khá gọn gàng, mực thước. Tình cảm chân thật khiến anh không cần nhiều lời mà giọng thơ vẫn thấm thía, lay động lòng người:
    Con bị đau, nằm lại một mùa mưa
    Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
    Nhà yên ắng. Tiếng chân đi rất nhẹ
    Gió từng hồi trên mái lá ùa qua...
    Hình bóng mong manh của người mẹ nghèo, tuổi già, bản vắng, đường xa, chiến tranh, cuộc gặp gỡ tình cờ... đặt giữa khung cảnh Trường Sơn khắc nghiệt khiến đứa con - tác giả - tiên liệu trước cuộc từ biệt cũng là vĩnh biệt. Sự biết ơn trước tấm lòng cao cả của nhân dân trong chiến tranh không cần nói ra người đọc vẫn cảm nhận được đầy đủ. Bài thơ đạt đến độ hàm súc, ''ý tại ngôn ngoại''.
    Trong Tuyển Thơ 135 bài đương soạn, Bằng Việt tự xếp thơ mình vào ba phần. Phần I có tên chung Chứng tích một thời, phần II Tự bạch, phần III Những trải nghiệm. Anh giải thích: "làm như thế là học cách kết cấu của một bản giao hưởng, mở đầu là sôi nổi, cuốn hút, tiếp theo là trầm lắng, trữ tình và phần cuối là đúc kết. Nếu cần chọn một đại diện cho phần II, có lẽ bài Nghĩ lại về Pauxtôpxky là thích hợp hơn cả". Những năm 60 của thế kỷ trước, nhà văn Nga - Xô-viết Pauxtôpxky là thần tượng của cả một lớp thanh niên Việt Nam vào đời với đầu óc thấm đẫm tình cảm lãng mạn (tích cực). Bài thơ của Bằng Việt, như thường thấy, là sự tranh biện với chính mình và thế hệ mình. Về lý trí, dường như tác giả muốn ''dứt khoát'' với những ảo tưởng lãng mạn kiểu Pau ''Đưa em đi...
    Tất cả thế xong rồi
    Ta đã lớn.
    Và Pauxtôpxky đã chết!'' Nhưng cả bài thơ tỏ ra rằng, tác giả sẽ còn luyến nhớ lâu lắm, có lẽ là mãi mãi, ''cái thời lãng mạn'' ấy.
    ''Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu...''. Nghe nói, nhờ bài thơ này và nhiều bài thơ dịch của Onga Bécgôn mà Bằng Việt trở thành thần tượng của cánh sinh viên khoa văn các trường đại học một thời. Những câu thơ chấm phá rất ''sương khói'', sự hiểu biết và đồng cảm về một chân trời văn học đương có sức hấp dẫn lớn, giọng thơ là lạ và mới vào thời điểm ấy (1969) là những nguyên nhân khiến bài thơ neo được vào tâm trí bạn đọc. Cần nói thêm về giọng thơ: Bằng Việt có cái kiểu dàn trải rất ''Bằng Việt'', ở người khác thì có thể là một nhược điểm nhưng ở anh thì lại tạo ra một cái duyên riêng. Cái giọng ấy có từ bài thơ nổi tiếng ''Trở lại trái tim mình'' (1967), Bằng Việt tự nhận là ''viết theo giọng Nêruđa''. Từ cái tứ rất bình thường, trở lại với Thủ đô là ''trở lại trái tim mình'', Bằng Việt đã có những câu thơ, đoạn thơ rất giàu hình ảnh, tinh tế, một nhạc điệu tha thiết tuy chưa đến mức nồng nhiệt nhưng chân thành, nhờ thế bài thơ đã đứng được với năm tháng. Anh còn một số bài khác thành công theo kiểu này nhưng cũng không ít bài sự dài dòng, nhiều lời khi cảm xúc không đủ độ chín khiến bạn đọc hờ hững. Tôi có thiện cảm với thơ lục bát của Bằng Việt. Thật ngạc nhiên là một cây bút ''Tây'' như thế lại có thể vận dụng thể thơ dân tộc rất nhuần nhị. Đó là Truông nhà Hồ, Cuối năm, Về Huế đêm rằm... nhất là Về Hương Sơn năm sơ tán ấy (1974) và Lục bát cầu may (2000). Lục bát của Bằng Việt viết thoải mái, cứ như là phóng bút viết chơi, không kỳ khu chặt chẽ quá cả về cấu tứ lẫn vần điệu, không đẩy tâm trạng đến mức độ đau đớn, cực đoan mà chỉ bàng bạc, khơi gợi ''Lanh tanh vẫn nước lòng khe/ Ngẩn ngơ chim núi se se dặm rừng''; hoặc ''Nếu em là kiếp bềnh bồng/ Thì tôi vĩnh viễn phải lòng phù du/ Nếu em khoát mở sa mù/ Thì tôi vĩnh viễn hóa bờ bến xa''... Phải chăng tâm hồn phóng túng mang đậm dấu vết của văn hóa Nga được dồn nén trong ''khuôn phép'' của thể thơ cổ truyền Việt Nam đã làm nên phong vị riêng cho lục bát của Bằng Việt?
    Trong ''thế hệ sáu mươi'', ''thế hệ Trường Sơn'' trên văn đàn, Bằng Việt có vị trí khá ổn định và vững chắc. Tập thơ mới nhất Ném câu thơ vào gió (2000) chứng tỏ sức sáng tạo của anh còn dồi dào. Có được một tiểu sử văn học phong phú như anh không phải là điều dễ dàng.
  4. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    BÀI SỐ 98
    BẾP LỬA
    (Bằng Việt)
    Một bếp lửa chờn vờn sương sớm,
    Một bếp lửa ấp iu nồng đượm,
    Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.
    Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói,
    Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
    Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy.
    Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu,
    Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay.
    Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa,
    Tu hú kêu trên những cánh đồng xa.
    Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà ?
    Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế,
    Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế.
    Mẹ cùng cha bận công tác không về,
    Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
    Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
    Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc.
    Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà,
    Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa ?
    Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi,
    Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi,
    Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh.
    Vẫn vững lòng, bà dặc cháu đinh ninh:
    "Bố ở chiến khu bố còn việc bố,
    Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
    Cứ bảo nhà vẫn được bình yên".
    Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen!
    Một bếp lửa lòng bà luôn ủ sẵn,
    Một bếp lửa chứa niềm tin dai dẳng,
    Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa!
    Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ,
    Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm,
    Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
    Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi,
    Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui,
    Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ.
    Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa!
    Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu,
    Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
    Nhưng vẫn chẳng bao giờ quên nhắc nhở:
    - Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ?
    (1963
  5. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    Bài 99 - Vườn Trong Phố Lưu Quang Vũ
    Trong thành phố có một vườn cây mát
    Trong triệu người có em của ta
    Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật
    Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra
    Vườn em là nơi đọng gió trời xa
    Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng
    Con nhện đi về giăng tơ trắng
    Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi
    Nơi ban mai cỏ ướt sương rơi
    Một hạt nhỏ mơ hồ trên má
    Hơi lạnh nào ngón tay cầm se giá ?
    Suốt cuộc đời cũng chẳng hiểu vì sao...
    Nơi đêm khuya vọng lại tiếng còi tàu
    Bỗng nhớ xa xôi những miền đất nước
    Nơi bài hát lên đường ta hẹn ước
    Nơi góc vườn ta để quên chùm hoa...
    Nơi vòm lá rì rào xao động cơn mưa
    Quả ngọt chín khi mùa ve lại đến
    Những chân trời màu hồng, những chân trời màu tím
    Những ngôi sao bàng bạc cả hoàng hôn
    Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
    Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
    Se sẽ chứ, không cánh buồm bay mất
    Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi
    Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài
    Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ
    Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ
    Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa
    Đến bây giờ đánh giặc anh đi xa
    Nhìn lại mảnh vườn xưa thấy hẹp
    Biết bao điều anh còn chưa nói được
    Rối rít trong lòng một nỗi em em
    Rừng rậm đèo cao anh đã vượt lên
    Theo tiếng gọi con tàu ngày bé dại
    Vườn không níu được bước chân ở lại
    Nhưng lá còn che mát suốt đường anh
    Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh
    Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật
    Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất
    Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về
  6. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    Bài 100 - Thương Vợ - Trần Tế Xương
    Quanh năm buôn bán ở mom sông
    Nuôi đủ năm con với một chồng.
    Nuôi đủ năm con với một chồng
    Lặn lội thân cò khi quãng vắng
    Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
    Một duyên hai nợ, âu đành phận
    Năm nắng mười mưa, dám quản công
    Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!
    Có chồng hờ hững cũng như không!
  7. tbls

    tbls Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/05/2006
    Bài viết:
    139
    Đã được thích:
    0
    Vậy là mình đã post đủ 100 bài thơ rồi. Có 2 bài khi post lên diễn đàn báo phạm quy, chờ họ kiểm tra nội dung có gì sẽ post sau. Mời mọi người vào đọc và đưa ra ý kiến thảo luận về 100 bài thơ trên.
  8. Lang_Chi_Na_VNPT

    Lang_Chi_Na_VNPT Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/04/2006
    Bài viết:
    303
    Đã được thích:
    0
    Ặc ặc... mấy hôm nay nhìn bác bận bịu quá chẳng dám bàn chuyện gì cả... thế mà bác vẫn bố trí thời gian để đóng góp cho diễn đàn 98 bài thơ.. bái phục, bái phục.
  9. blue_danube500

    blue_danube500 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/03/2006
    Bài viết:
    179
    Đã được thích:
    0
    Xì pam.ngưỡng mộ đóng góp của bác
  10. th_tr321

    th_tr321 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/02/2007
    Bài viết:
    374
    Đã được thích:
    0
    Cảm ơn bác ! Đóng góp ngần ấy thời gian cho 100 bài thơ

Chia sẻ trang này