1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

84 Thành Tựu Giả Đại Ấn

Chủ đề trong 'Yoga - Khí công - Nhân điện - Thiền' bởi vinhlac, 03/07/2015.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. vinhlac

    vinhlac Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/07/2015
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    34) Mahasiddha Dhobipa: Người thợ giặt

    [​IMG]


    Chẳng biết từ thuở nào
    Ta từng giặt sạch bao vết bẩn
    Nhưng không thể nào giặt than đen thành trắng
    Chỉ có giáo pháp của chân sư
    mới gột rửa được tâm ta


    Truyền thuyết


    Thuở nọ, tại vương quốc Pataliputra có một gia đình làm nghề giặt ủi.


    Một hôm, anh thợ giặt đang bận bịu với công việc thường ngày thì một nhà sư Du-già chợt đến để khất thực.


    Anh thợ trẻ dù đang bận rộn cũng tỏ ra hoan hỷ cúng dường vật thực cho vị sư, đồng thời hỏi nhà sư có cần giặt hộ thứ gì không.


    Sư bèn đưa ra một mẩu than: “Hiền hữu có thể giặt tẩy cái này chăng?”


    “Thưa ngài, tôi không thể làm cho cục than đen thành trắng được.”


    “Hiền hữu nói chí phải. Cũng thế, không thể dùng thứ gì để tẩy sạch vết nhơ trong tâm. Nhưng ta có một bí quyết chỉ cần giặt một lần là tinh khiết mãi mãi.”


    Nghe sư nói thế, người thợ giặt lấy làm vui mừng khẩn khoản xin sư truyền cho bí quyết ấy.


    Sư làm phép điểm đạo rồi truyền phép Tam mật (Mật ấn, Mật chúMật tưởng) cho chàng.


    Trải qua 12 năm tu tập, dùng Mật ấn (Mudra) để thanh tịnh thân, dùng Mật chú (Mantra) để thanh tịnh khẩu, và dùng Mật tưởng (Samadhi) để thanh tịnh ý, người thợ giặt chứng đắc thần thông Đại thủ ấn (Mahamudra).


    Sư dạy:


    Nước hoả ấn tẩy trừ thân nghiệp
    Nuớc chân ngôn tịnh hoá khẩu phàm.


    Từ đó về sau, ai đưa giặt thứ gì, người thợ ấy đều giặt sạch một cách nhanh chóng, và lạ thay, vật ấy không hề bị vướng bẩn trở lại, khiến mọi người lấy làm ngạc nhiên.


    Mãi về sau, mọi người mới phát hiện ra người thợ giặt ấy đã chứng quả thánh và thường được người gọi là Chân sư Dhobipa.

  2. vinhlac

    vinhlac Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/07/2015
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    35) Mahasiddha Aryadeva: Độc nhãn đại sư

    [​IMG]

    Chư Phật trong ba đời
    Chỉ có một điều bí mật
    Trực giác được điều này
    Thì ngươi hiểu được tâm ngươi
    Hãy đi lại tự tại
    Hãy đắm mình trong chân lý
    Xoá bỏ ưu tư và phiền não
    Ngươi chính là một hành giả Du-già


    Truyền thuyết


    Truyền thuyết kể rằng ngài Aryadeva sinh ra từ một đoá sen. Ngay khi đủ tuổi, ngài thụ pháp tại tu viện Sri Nalanda và về sau trở thành Tu viện trưởng ở đấy.


    Ngài từng là giáo thọ của hàng ngàn tăng chúng, là bổn sư của vô số các nhà học giả, trí thức đương thời, tuy nhiên ngài vẫn chưa chứng đắc. Vì thế, ngài bèn tìm đến Bồ Tát Long Thụ.


    Rời Nalanda, ngài đi về phía nam. Khi ngang qua một cái hồ nước rộng mênh mông, ngài gặp Bồ Tát Văn-thù (Manjuri) đang giả dạng làm người câu cá.


    Aryadeva vái chào và hỏi nơi ở của Bồ Tát Long Thụ. Bồ Tát Văn-thù bảo rằng vị thánh ấy ở trong một cánh rừng già gần đây và đang luyện thuốc.


    Theo hướng chỉ của bồ tát, Aryadeva tìm đến nơi thì thấy Bồ Tát Long Thụ đang điều chế độc dược thành thuốc trường sinh.
    Aryadeva đảnh lễ vị chân sư và xin được thu nhận làm đệ tử.


    Bồ Tát Long Thụ nhận lời thỉnh cầu, điểm đạo cho Aryadeva và cho phép ngài ở lại để tu tập thiền quán.


    Hằng ngày, hai thầy trò rời khu rừng đi đến các khu lân cận để hoá duyên.


    Trong khi, ngài Long Thụ vất vả mới xin được thức ăn thì Aryadeva thường trở về với rất nhiều thức ăn ngon.


    Thấy thế, ngài Long Thụ quở mắng: “Vật thực của ngươi kiếm được chỉ thuần do mấy con mụ dâm đãng trao cho, thật là bất tịnh. Vì vậy, từ đây trở đi ngươi chỉ được phép dùng vỏ chuối thay cho bình bát, kim nhọn để gắp thức ăn mà thôi.”


    Aryadeva vâng lời thầy, mỗi ngày khi ăn ngài dùng mũi kim găm từng hạt cơm đưa vào miệng.


    Thấy thế, đám phụ nữ càng ngưỡng mộ, lại làm đủ thứ bánh ngon dâng lên ngài.


    Nhưng ngài nhất mực không dùng đến, lại đem cúng dường cho thầy.


    Cho đến một hôm. Aryadeva báo với thầy rằng ngài đã đắc pháp.


    Bồ Tát Long Thụ bèn ra lệnh cho Aryadeva phải ở lại trong lều không được ra ngoài khất thực.


    Aryadeva vâng lệnh thầy. Nhưng lần này, Mộc thần định đến cúng dường.


    Nữ quái ăn vận hở hang, để lộ nhiều phần da thịt nõn nà đến gặp ngài. Sau đó, ả giả vờ lân la trò chuyện cùng Aryadeva.
    Aryadeva mang thức ăn mà nữ quái cúng dường ngài dâng lên cho thầy và kể lại sự việc.


    Bồ Tát Long Thụ nghe kể chuyện bèn đi đến nơi nữ quái ẩn mình. Nghe gọi tên, nữ quái hiện lên, thò đầu ra ngoài, còn thân thể vẫn giấu bên trong thân cây.


    Sư hỏi: “Tại sao ngươi không phô thân ngươi cho ta xem mà lại làm thế với đệ tử của ta?


    Nữ quái đáp: “Tôi làm thế là vì đệ tử của ngài đã đoạn trừ được tham ái vi tế, còn ngài thì không.”


    Từ đó, Long Thụ đặt tên cho ngài là Aryadeva (Thanh tịnh thánh nhân).


    Sau khi Long Thụ Bồ Tát điều chế xong rượu trường sinh, ngài nếm thử vài giọt rồi đưa cả bát cho Aryadeva uống.


    Nhưng Aryadeva ném cả bát rượu trường sinh vào gốc cây. Lập tức rượu ấy biến thành một chiếc lá dính liền vào thân cây.


    Ngài Long Thụ bảo: “Ngươi làm phí rượu của ta như thế. Hãy làm lại cái khác cho ta.”


    Aryadeva lấy một bình chứa nước, tiểu vào trong đó rồi dùng que khuấy lên, đoạn đưa cho thầy mình.


    Bồ Tát Long Thụ bảo: “Nhiều quá!”


    Aryadeva liền đổ bớt phân nửa bình nước tiểu vào một thân cây, trăm hoa hốt nhiên nở rộ.


    Bồ Tát Long Thụ nói: “Nay ngươi đã giác ngộ. Đừng đi vào luân hồi nữa.”


    Nghe những lời này, Aryadeva cất mình bay lên không trung. Nhưng ngay khi ấy có một người đàn bà tiến đến gần cung kính đảnh lễ ngài. Người đàn bà này lâu nay vẫn đi theo ngài như bóng với hình. Thấy vậy, Aryadeva hỏi: “Vì sao ngươi lúc nào cũng đi theo bên ta?”


    Bà ấy đáp: “Tôi theo ngài vì tôi cần một con mắt của ngài.”
    Aryadeva bèn móc con mắt bên phải trao cho bà. Kể từ đó ngài được gọi là Đạo Sư Độc nhãn (Kamaripa).


    Hành trì


    Thác sinh từ hoa sen có nghĩa là sinh ra từ sự giác ngộ. Tuy nhiên, trước khi nhận ra tánh Phật, hành giả cần phải trải qua con đường tu tập từ thế học đến đạo học.


    Sử liệu


    Theo Phật sử có hai vị Long Thụ. Mỗi vị cũng đều có một đệ tử mang tên Aryadeva. Cả hai vị Aryadeva đều là truyền nhân của thầy, đồng thời là những bậc văn tài lỗi lạc.


    Vị Aryadeva thứ nhất rất nổi tiếng nhờ vào những tác phẩm luận về Bồ Tát đạo. Tác phẩm Catuhsataka được coi là bộ luận về Bồ Tát đạo nổi tiếng nhất của ngài. Bộ luận giải thích Bồ Tát nên hành sử như thế nào trong giai đoạn sơ chứng.


    Ở đây, cần minh định rằng vị Aryadeva thuộc thế kỷ thứ 8 không hề viết luận thuyết về Rasayana, mà chính vị Long Thụ ở thế kỷ thứ 10 đã viết các bộ luận về Satuspitha Tantra. Vị này vốn là chân sư (guru) của môn Rasayana.


    Vị Aryadeva trong truyền thuyết kể trên vốn sinh ra từ một đoá sen trong vườn thượng uyển của đức vua xứ Śrỵ Lanka. Sau khi được truyền ngôi báu, ngài thoái vị để xuất gia.


    Sau khi nắm được yếu chỉ của Tam tạng kinh điển, ngài hành hương sang Ấn Độ và gặp được Long Thụ Bồ Tát ở đây.

    Aryadeva xây dựng rất nhiều tu viện ở miền nam Ấn Độ.
  3. vinhlac

    vinhlac Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/07/2015
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    36) Mahasiddha Santipa: Học giả

    [​IMG]


    Từ thuở hoang sơ khi chưa có sự bắt đầu
    Những cái rễ của cây vô danh
    Được vun tưới bằng những cơn mưa
    Của thói quen vọng tưởng
    Chúng lớn mạnh thành những nhánh vô minh
    Hôm nay ta đốn cây vô minh ấy
    Bằng chiếc rìu giáo pháp của chân sư
    Bạn ơi! Hãy nghĩ suy, cân nhắc mà tu tập


    Truyền thuyết


    Santipa còn được gọi là Ratnakasanti, vốn là một vị giáo thọ nổi tiếng uyên bác về Ngũ minh môn (five arts and sciences) thuộc Tu viện Vikramasila ở xứ Magadha.


    Thuở ấy, Śrỵ Lanka (Tích Lan) nằm dưới quyền trị vì của vua Kapina, một bậc minh vương có đầy đủ phẩm hạnh và công đức.


    Nhà vua từng nghe nói đến pháp vi diệu của Phật và tiếng tăm lừng lẫy của đại sư Santipa, nhưng đạo Phật lúc bấy giờ chưa được truyền sang nước ngài.


    Ngưỡng mộ đạo hạnh của sư, vua sai sứ mang vô số vật thực đến cúng dường cho tu viện, đồng thời gửi một điệp văn cho sư, đại ý như sau: “Trẫm và dân chúng trong nước lâu nay ngưỡng mộ oai đức của đại sư. Nay cúi xin đại sư rủ lòng bi mẫn chiếu soi đèn pháp vào bóng tối vô minh, dội cơn mưa pháp dập tắt lửa tham, bẻ gãy gươm sân mà cứu vớt chúng sinh ngu muội. Trẫm ngày đêm mong đợi được kề cận thánh tăng, như con đỏ mong mẹ hiền. Cúi mong đại sư một lần dời bước đến tệ quốc cho thoả lòng quy ngưỡng.”


    Chấp nhận lời thỉnh cầu của quốc vương Śrỵ Lanka, sư và một tăng đoàn gồm 2.000 vị tỳ-kheo mang theo Tam tạng kinh điển khởi hành đến Śrỵ Lanka.


    Đoàn người đi qua các vùng Nalanda, Odantapuri, Rajagrha, Vajrasaha (tức Bồ-đề đạo tràng) và cuối cùng đến vùng biển thuộc Śrỵ Lanka.


    Nhà vua cùng triều đình và toàn thể dân chúng vui mừng ra đón tiếp tăng đoàn. Họ cúng dường đầy đủ tất cả vật dụng cần thiết để chư tăng có thể lưu lại trong thời gian ba năm để truyền bá giáo pháp Đại thừa.


    Sau ba năm giáo hoá, sư cùng đại chúng quay về cố hương. Chuyến trở về lại theo một lộ trình khác, dài hơn, băng ngang qua nhiều xứ, nên khi về đến tu viện thì sư Santipa đã già yếu. Các môn đồ phải di chuyển ngài bằng xe bò.


    Khi được 100 tuổi, sư nhập thất để thiền định trong 12 năm. Cũng trong khoảng 12 năm ấy, môn đồ của ngài là Kotapila cũng nhập thất tu luyện.


    Trong Tam tạng kinh điển chia làm kinh, luậtluận thì Santipa uyên bác về luận.


    Trong thiền quán, ngài dùng trí phân biệt để quán sát các pháp. Trái lại, môn đồ của ngài là Kotapila lại dùng trí vô phân biệt để quán sát các pháp.


    Kotapila tu tập 12 năm thì chứng ngộ. Khi ngài đắc Đại thủ ấn (Mahamuddra) thì chư thiên hiện ra chung quanh rưới mưa hoa ca tụng công đức của ngài. Các thiên vương khẩn cầu ngài cai quản 33 cõi trời Dục giới nhưng ngài từ chối.


    Ngài bảo chư thiên: “Nay ta vào được đạo tràng của chư Phật là nhờ oai đức dạy dỗ của chân sư. Ta cần phải vấn an thầy ta trước hết. Bởi trong kinh nói rằng chân sư là Phật, chân sư là Pháp, chân sư là Tăng-già, chân sư là Tam bảo.”


    Nói xong, sư dùng hoá thân đi đến Magadha trong thời gian nhanh như khảy móng tay.


    Đến nơi, ngài đảnh lễ thầy mình và chào hỏi các đạo hữu nhưng không ai đáp lời vì họ không thể nhìn thấy pháp thân vô tướng của ngài.


    Cuối cùng Kotapila phải hiện nguyên hình để đảnh lễ đại sư Santipa. Sư lấy làm lạ, hỏi: “Ngươi là ai?”


    “Đệ tử vốn là môn đồ của ngài.”


    “Ta có vô số môn đồ, làm sao nhớ hết.”
    Kotapila bèn thuật lại tự sự. Sư nhớ ra lấy làm hoan hỷ. Thầy trò hàn huyên tâm đắc. Đoạn, sư hỏi: “Kết quả tu tập bấy lâu của ngươi ra sao?”


    “Bạch thầy! Đệ tử thấy các pháp vốn do duyên sinh, không có tự tánh, không dơ, không sạch, nên vào được cảnh giới của Đại thủ ấn.”


    Sư ngửa mặt than rằng: “Ấy là ta dạy ngươi! Tiếc thay, ta chưa hề thân chứng cảnh giới ấy. Nay ngươi hãy vì ta mà nói lại pháp tu tập kẻo ta quên đi mất.”
    Vâng mệnh thầy, Kotapila nói lại những gì mà sư Santipa trước đây đã dạy ngài.
    Sau đó đại sư Santipa thiền định thêm 12 năm nữa thì chứng đắc.


    Hành trì
    Truyền thuyết này nêu lên một sự phê phán nghiêm túc về sự nghiệp tu hành của một bậc giáo thọ. Nó nhằm chỉ trích tất cả những nỗ lực tu học có tính chất kinh viện, lối tu lan man, phương pháp thiếu thực tiễn, lòng tự mãn và thiếu quan tâm đến môn đệ của một bậc thầy.

  4. vinhlac

    vinhlac Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/07/2015
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    37) Mahasiddha Vinapa: Nhạc sĩ

    [​IMG]

    Từ thuở hoang sơ khi chưa có sự bắt đầu
    Những cái rễ của cây vô danh
    Được vun tưới bằng những cơn mưa
    Của thói quen vọng tưởng
    Chúng lớn mạnh thành những nhánh vô minh
    Hôm nay ta đốn cây vô minh ấy
    Bằng chiếc rìu giáo pháp của chân sư
    Bạn ơi! Hãy nghĩ suy, cân nhắc mà tu tập


    Truyền thuyết


    Vinapa vốn là hoàng tử con vua xứ Gauda. Đạo sư của ngài là Buddhapa. Là con duy nhất, nên Vinapa rất được cha mẹ cưng chiều. Thuở nhỏ, Vinapa đã tỏ ra say mê âm nhạc và rất có năng khiếu về bộ môn nghệ thuật này. Ngài chơi đàn vina rất thành thạo và đam mê đến nỗi không còn quan tâm đến việc học hành.


    Triều đình cùng hoàng tộc lấy làm lo lắng cho cơ đồ của giang sơn xã tắc, vì Vinapa là người sẽ kế vị ngai vàng. Ngài cần phải học cách cai trị thần dân hơn là trở nên một nhạc sĩ.


    Để giải quyết chuyện này, nhà vua mời đạo sư Buddhapa pháp thuật cao cường, tài trí vô song đến để chữa trị chứng say mê âm nhạc của hoàng tử.


    Quả nhiên, phong cách và đạo hạnh của vị thánh tăng này làm cho hoàng tử có phần lung lạc. Sau một thời gian gần gũi, tiếp xúc với hoàng tử, đại sư thấy đã đến lúc hoá độ cho Vinapa, bèn gợi ý về chuyện tu tập. Hoàng tử đáp: “Thầy nói rất đúng. Nhưng đối với ta, âm nhạc là thiền định. Vả lại ta rất bận học chơi đàn vina, ta lại còn mê âm thanh của đàn tambura nữa. Nếu thiền định của nhà Phật vi diệu thì cần gì buộc ta phải từ bỏ âm nhạc?”


    Đại sư nói: “Ta sẽ dạy con thiền định bằng âm nhạc. Con không cần phải từ bỏ âm nhạc mà sẽ dùng âm nhạc như một phương tiện để để thiền định.”


    Hoàng tử nghe thế liền hoan hỷ nhận lời.


    Sư bèn điểm đạo và khai tâm cho hoàng tử. Ngài dạy cho hoàng tử cách chú tâm vào tiếng đàn. Dừng lại tất cả sự can thiệp của tâm tưởng vào âm thanh. Chấm dứt tạp niệm để chú tâm thưởng thức âm thanh thanh tịnh.


    Hoàng tử tuân theo giáo pháp, tu luyện trong 9 năm thì dứt được vô minh, tâm trí trở nên thanh tịnh. Ánh sáng bùng lên trong tâm ngài như một ngọn đèn. Chính lúc ấy hoàng tử đắc Đại thủ ấn và các thần thông tự nhiên hiển lộ.


    Hành trì


    Vina là một loại nhạc cụ có 7 dây, thùng đàn làm bằng quả bầu khô, phía cuối cần đàn lại gắn một quả bầu thứ hai để khảy lên âm thanh phát ra lớn và vang lâu. Còn tambura là nhạc cụ có 4 dây dùng để đàn đệm theo đàn vina. Trong cổ nhạc Ấn Độ, người ta quan niệm rằng âm thanh trầm bổng của đàn tambura chính là âm thanh của vũ trụ. Đó là âm om. Tiếng đàn vina là giọng âm và tiếng đàn tambura là giọng dương.


    Sự kết hợp âm thanh của hai nhạc cụ này hàm chứa tất cả âm thanh trong vũ trụ.


    Tất cả âm thanh của vũ trụ hợp lại thành âm sabda, tức âm chỏi với âm nada được phát ra từ thanh quản. Ở Tây Tạng không có sự phân biệt như thế, vì âm sgra trong Tạng ngữ bao hàm cả hai nguyên lý này.
  5. vinhlac

    vinhlac Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/07/2015
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    38) Mahasiddha Khadgapa: Bậc thầy ăn trộm

    [​IMG]


    Người chiến binh
    không trang bị vũ khí khi ra trận
    Đại bại là lẽ thường tình
    Cho dù y có ngoan cường trong chiến đấu.
    Vì thế
    Ta luôn luôn mang theo lưỡi gươm tỉnh thức
    Chiến đấu để dẹp giặc thù trong ba cõi
    Nhiệm vụ đã hoàn thành
    Ta vui đón vinh quang


    Truyền thuyết


    Gia đình của Khadgapa từ đời ông đến đời cha chàng đều làm nghề nông, nhưng đến đời chàng thì Khadgapa lại trở thành một tướng cướp.


    Một hôm sau một vụ đánh cướp lớn, Khadgapa may mắn thoát khỏi cuộc truy bắt liền tìm đến chốn mồ hoang để ẩn mình. Tại đây, Khadgapa tình cờ gặp một nhà sư Du-già tên là Carpaty đang thiền định. Anh ta liền hỏi: “Sư làm gì nơi chốn hoang địa này?”


    “Ta đang tu tập thiền định. Vì ta sợ vòng luân hồi sinh tử.”
    Tên cướp ngạc nhiên: “Sư làm như vậy thì đạt được gì?”


    “Ta sẽ được an vui mãi mãi. Nếu ngươi làm theo như ta thì ngươi cũng được hạnh phúc vô biên.”


    “Tôi có nghe Phật pháp vi diệu, nhưng rảnh rỗi đâu mà ngồi suốt ngày lim dim đôi mắt? Vả lại, quan quân ngày đêm săn lùng tôi. Đôi khi tôi phải chống chọi kịch liệt mới được toàn mạng. Tốt nhất là ngài dạy cho tôi pháp thuật để tự bảo vệ lấy thân.”


    Vị sư đồng ý, điểm đạo và truyền pháp thuật cho anh ta. Sau đó, vị sư dặn: “Trong thành Magadha có một ngôi đền tên là Gauri Sankak. Trong đền ấy có một tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngươi hãy đến và cầu nguyện trước pho tượng ấy trong 21 ngày đêm không được ngưng nghỉ. Cho đến khi nào ngươi nhìn thấy một con rắn xuất hiện từ trong pho tượng chui ra. Hãy mạnh dạn, không được ngần ngừ hay sợ hãi, phải chộp ngay đầu con rắn ấy. Nếu ngươi làm đúng lời ta dặn thì sẽ trở thành kẻ vô địch thiên hạ.”


    Tên cướp vâng theo lời vị sư dạy.
    Sau 21 ngày đêm cầu nguyện, một con rắn đen to lớn trườn mình ra khỏi pho tượng, Khadgapa bình thản chộp lấy đầu nó.
    Con rắn trở mình biến thành một thanh gươm. Khadgapa nhìn lại, thấy mình đang cầm cây gươm Trí Tuệ. Ba nghiệp của Khadgapa trở nên thanh tịnh, toàn thân nhập vào pháp giới
  6. vinhlac

    vinhlac Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/07/2015
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    39) Mahasiddha Camaripa: Thợ sửa giày

    [​IMG]


    Ta, Camaripa thợ sửa giày thần thánh
    Đắp tấm da kiến chấp quanh chiếc khuôn từ bi
    Mũi khâu là trí giác
    Ta khâu bằng sợi chỉ tương tục
    Thoát khỏi tám nỗi ám ảnh của thế gian
    Ta sửa xong đôi giày pháp giới


    Truyền thuyết


    Khu phố Visnunagar ở miền đông Ấn Độ có một thợ giày tên là Camaripa. Công việc thường ngày của ông ta là đóng những đôi giày mới và sửa những chiếc giày cũ.


    Công việc đơn điệu, tẻ nhạt và nhàm chán, nên đôi khi ông có ý nghĩ rằng mình sinh ra không phải để làm thợ giày mà là để làm một điều gì đó khác hơn.


    Cho đến một hôm, tình cờ có một vị sư Du-già đi ngang qua cửa hiệu, anh ta liền vất bỏ dụng cụ để chạy theo nhà sư. Anh ta gieo mình xuống đất, khẩn khoản nhà sư: “Bạch thầy! Con đã quá chán ngán cuộc sống đầy dẫy ngu si, ham muốn và cực nhọc này. Cúi mong thầy từ bi chỉ giáo.”


    “Ta sẵn lòng ban cho giáo pháp nếu ngươi xét thấy có thể tu tập thiền định.”


    “Đội ơn thầy! Thỉnh thầy dùng bữa cơm đạm bạc nơi chốn nghèo hèn.”


    “Được, ta sẽ đến vào lúc hoàng hôn.”


    “Đúng hẹn, vị sư đến nhà người thợ giày và sau khi dùng cơm xong, sư bảo: “Tu tập cũng chẳng khác gì công việc làm giày. Chỉ có điều, thay vì làm ra những đôi giày tầm thường thì nay người làm nên làm một đôi giày pháp (Dharmakaya).


    Đoạn sư đọc một bài Pháp kệ:


    Từ bi làm khuôn
    Kim là giáo pháp
    Khâu chỉ vui, buồn
    Thì thành giày pháp.


    Nghe xong, người thợ giày vui mừng vì nắm bắt được ý chỉ của sư, lại hỏi: “Bạch thầy, khi con tu tập pháp này, điều gì sẽ xảy ra?”


    “Trước tiện, ngươi sẽ thấy vòng luân hồi (Samvara) xoay ngược. Kế đó, ngươi sẽ thấy tướng thực của các pháp thế gian.”
    Nói xong, vị sư biến mất.


    Người thợ giày sau khi thọ pháp bèn tìm nơi vắng vẻ để tu tập trong 12 năm. Trong thời gian 12 năm ấy, vị thần cai quản nghề thủ công cùng quyến thuộc hiện ra làm thay công việc thường ngày của người thợ giày.

  7. vinhlac

    vinhlac Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/07/2015
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    40) Mahasiddha Tantipa: Người thợ dệt

    [​IMG]


    Người thợ dệt từng khung vải
    Ta dệt bằng giáo pháp của chân sư
    Ta dệt những tao dây của tri kiến
    Sợi là sự rỗng không của năm tịnh thức
    Thoi là giáo pháp của chân sư
    Khung cửi là trí tuệ Bát nhã
    Vải pháp giới kia đã dệt xong
    Sản phẩm của hư không cùng tri kiến


    Truyền thuyết


    Tại Sendhonagar có một người thợ dệt suốt đời lao động cực nhọc, chắt chiu tiền bạc để gầy dựng sự nghiệp. Kết quả là ông ta trở thành một trong những người giàu có trong làng thợ.


    Khi ông được 90 tuổi thì người vợ qua đời, và vì già yếu ông không còn lao động được nên các con phải nuôi dưỡng và chăm sóc ông hằng ngày.


    Nhưng chẳng bao lâu, sự già nua lẩm cẩm của ông khiến cho các nàng dâu lấy làm khó chịu. Họ cho rằng sự có mặt của ông cụ là điều phiền nhiễu mỗi khi có khách sang trọng đến viếng.
    Vì thế, họ cùng nhau dựng một túp lều trong ngôi vườn rồi đưa ông cụ ra sống ở đấy, hằng ngày đem cơm nước đến.


    Cho đến một ngày nọ, sư Jalandra tình cờ du hoá sang miền Sendhonagar. Ngài dừng chân trước ngôi nhà người thợ dệt xin thức ăn.


    Con trai của người thợ dệt nhận lời nhưng bảo sư chờ vì cơm còn đang nấu. Khi cơm chín, người con thỉnh sư vào trong để dùng bữa.


    Sau đó, anh ta mời sư nghỉ chân qua đêm nhưng sư bảo không quen nằm giường cao chiếu rộng. Vì thế, họ đưa Sư ra vườn để nghỉ ngơi.


    Nghe tiếng động lạ, người thợ dệt già cất giọng hỏi: “Ai đấy?”
    “Bần tăng là kẻ qua đường, tạm dừng chân đêm nay. Chẳng hay cụ là ai?”


    “Trước đây tôi từng là chủ nhân ngôi nhà này, quán xuyến mọi việc làm ăn buôn bán. Nay tuổi già sức yếu không thể lao động được nữa, nên các con tôi đối xử tệ bạc với tôi. Thật là tủi nhục. Chúng sợ người khác thấy cái già nua, lẩm cẩm, hom hem của tôi nên đem tôi giấu ở nơi này. Cuộc sống sao mà giả dối!”


    Đại sư nói: “Tất cả những gì chúng ta đóng góp cho cuộc sống này chỉ là những vai diễn trong vở kịch đã qua. Còn sống là còn phải nếm mùi cay đắng, đau khổ. Chỉ có Niết-bàn là cõi tịnh lạc. Cụ có muốn chuẩn bị cho mình một cái chết thanh thản không?”


    Người thợ dệt già đáp: “Thưa vâng.”


    Sư điểm đạo và truyền pháp thiền cho cụ, rồi ra đi.


    Người thợ dệt già bắt đầu hành trì giáo pháp được trao. Mặc dù hoàn cảnh sống của cụ không có gì tiến bộ hơn trước nhưng chỉ có một điều là cụ không còn than vãn về con cháu nữa.


    Sau 12 năm tu tập trong sự câm lặng, ông cụ đắc được các pháp thần thông. Sự tu tập thành công của cụ vẫn chưa bị khám phá, cho đến một ngày, khi nàng dâu mang cơm nước đến sớm hơn thường lệ.


    Đứng bên ngoài túp lều, nhìn vào bên trong, người con dâu trông thấy một cảnh lạ thường. Có mười lăm thiếu nữ mặc y phục xinh đẹp, tay cầm những đĩa thức ăn đầy cao lương mỹ vị đứng vây quanh một ngọn đèn lớn đang tỏa sáng rực rỡ. Y phục và trang sức của các thiếu nữ đẹp đẽ, sang trọng như không hề có ở thế gian!


    Nàng dâu lấy làm lạ lùng chạy ngay về báo lại với chồng. Người con trai vội vã đến chỗ cha thì thấy cụ già đang hấp hối. Nghe chuyện lạ, mọi người đến xem, họ bảo nhau: “Người thường không có khả năng làm những việc như thế. Lão già này chắc chắn là tôi tớ của quỷ dữ.”


    Sáng hôm sau, dân chúng thành Sendhonagar nghe được tin đồn, họ rủ nhau đến xem, vài người trong bọn cung kính vái chào.


    Khi ấy thân thể ông già biến thành dáng một thiếu niên 16 tuổi, từ đó chiếu ra một thứ ánh sáng rạng rỡ, chói loà khiến mọi người đang hiện diện phải lấy tay che mắt. Cảnh giới chung quanh trở nên hoàn toàn thanh tịnh trang nghiêm.


    Kể từ đó, người thợ dệt già được tôn vinh là Đạo Sư Tantipa.

  8. vinhlac

    vinhlac Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/07/2015
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    41) Mahasiddha Putalipa

    [​IMG]


    Phật tính nằm trong mỗi chúng sinh
    Đừng theo con đường chấp thủ
    mà trí giác đã từ bỏ
    Cố gắng quay về nẻo Phật tâm
    Hiển nhiên ngươi sẽ chứng được đạo
    Ai được Chân sư ban pháp lực
    Người ấy thâm nhập vào pháp giới
    Nếm được vị chung của Tuyệt đối
    Dấu ấn Kim cương ấn lên người



    Truyền thuyết


    Putalipa sinh trưởng ở vùng Bangala, do cơ duyên từ kiếp trước nên được một nhà sư Du-già điểm đạo vào mandala Samputa, và truyền cho phép thiền định Hevajra.

    [​IMG]

    Vị Chân sư trao cho Putalipa một bức họa Mạn-đà-la, trong đó có tượng của Thủ thần Hevajra và căn dặn: “Ngươi hãy đeo bức họa này ở trước ngực trên đường hành đạo.” (Quán tưởng mandala ở tâm luân)


    Putalipa vâng lời thầy, tu tập trong 12 năm thì chứng đắc, nhưng không một ai có thể nhận biết điều kỳ diệu này.


    Một hôm, Putalipa đến khất thực tại hoàng cung, Đức vua bỗng để ý thấy vị Thủ thần Hevajra trong bức họa đứng trên vị thần mà nhà vua lâu nay thờ phụng.


    Hình ảnh này khiến nhà vua cảm thấy bị xúc phạm, ngài quát lớn: “Có đúng là vị thần của người ngồi lên trên vị thần của ta như ngồi trên một chiếc ngai không?”
    Sư từ tốn đáp: “Bức họa này không do tôi vẽ. Nó là kiệt tác của một nghệ sĩ đích thực. Có lẽ hình vẽ này phạm thượng, nhưng sự thật đúng là như vậy.”
    Nhà vua có vẻ nguôi giận, nói: “Bức họa rất đẹp và đường nét tinh xảo, nhưng cớ sao vị thần của ngươi lại sử dụng vị thần của ta như một cái ngai?”


    “Tâu Bệ hạ! Vị thần của tôi cũng là vị thần của Bệ hạ.”
    “Ngươi có thể chứng minh cụ thể pháp lực vô biên nơi vị thần của ngươi chăng?”


    “Tâu Bệ hạ! Điều này không khó. Chỉ cần Bệ hạ sai người vẽ một bức họa mà trong đó vị thần của Bệ hạ ngồi bên trên vị Thủ thần của bần tăng. Trải qua một đêm, vị trí của hai Thủ thần sẽ đảo ngược.”
    “Nếu sự việc đúng như lời, trẫm thề sẽ qui y Phật pháp.”


    Đoạn vua cho vời họa sĩ đến vẽ một bức họa theo lời đề nghị của Sư. Quả nhiên, sáng hôm sau vị trí của các Thủ thần đã đảo ngược lại.
    Quá cảm phục pháp lực của nhà sư, Vua cùng triều thần đều xin quy y Tam bảo.

  9. vinhlac

    vinhlac Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/07/2015
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    42) Mahasiddha Dharikapa: Vua nô lệ

    [​IMG]

    Cảnh giới thanh tịnh
    sẵn có trong mỗi chúng ta
    Nhưng vô minh che phủ
    khiến ta không nhìn thấy
    Hãy tích lũy công đức và quán chiếu.
    Cho dù chúng ta nỗ lực trong nhiều kiếp
    Nhưng không có Chân sư
    chúng ta cũng khó nhìn ra


    Truyền thuyết


    Sau một cuộc săn bắn, Đức vua Indrapala trên đường quay về hoàng cung. Ngài đi ngang qua một khu chợ lúc giữa trưa.


    Đức vua nhận ra Đạo sư Luipa trong đám đông đang vái chào ngài. Vua bảo với sư Luipa: “Ngài là một trang nam tử tướng mạo khôi ngô tuấn tú. Đừng ăn những thứ ươn thối nữa. Ta sẽ cung phụng đầy đủ cho ngài tất cả những thứ cần thiết, thậm chí cả vương quốc của ta, nếu ngài muốn.”


    “Nếu bệ hạ có thể cúng dường sự trường sinh bất lão, bần tăng sẽ vui lòng đón nhận.”


    “Ta không có điều ấy, nhưng ta có thể tặng ngài vương quốc lẫn công chúa, con của ta.”


    “Tâu Bệ hạ! Điều đó chẳng mang lại ích lợi gì cho bần tăng.”


    Đức vua cảm thấy phân vân, ngài xoay người lại bảo với vị đại thần bà-la-môn của ngài: “Quả thật đúng như lời nhà sư kia nói. Ngai vàng, điện ngọc chỉ mang lại cho ta những phiền toái. Trên đời này, ta chưa hề thiếu thốn một thứ gì, kể cả những món ngon, vật lạ, y phục sang trọng, phụ nữ mỹ miều. Nhưng mọi thứ đều làm ta chán ngắt!”


    Sau cuộc kỳ ngộ ấy, vua Indrapala thoái vị, nhường ngôi lại cho thái tử. Ngài cùng một vị quan đại thần tìm đến nơi sư Luipa ẩn cư để học đạo.


    Sư ân cần tiếp đón và theo ước nguyện của hai người, Luipa truyền cho vua Đàn pháp Samvara.

    [​IMG]

    Cả hai không có vật gì cúng dường cho Sư nên họ đi đến quyết định cúng dường chính bản thân họ như những người nô lệ.


    Kế đó, Sư dẫn hai môn đệ này đến vùng đất Orissa, băng qua xứ Bhiraputi để tới Jantipur. Đây là một thành phố lớn có ba trăm ngàn hộ gia đình. Trong thành phố này có một ngôi đền lớn. Sống trong ngôi đền là bảy trăm nữ vũ công chuyên trách về nghi thức cúng tế.


    Luipa tìm đến gặp bà chủ ngôi đền tên là Darima, hỏi xem bà ta có cần mua nô lệ hay không.


    Darima nhìn thấy tướng mạo nhà vua, bèn bằng lòng ngay và trao cho sư Luipa một trăm đồng tiền vàng, sau khi thoả thuận hai điều kiện: Một là nhà vua được phép ngủ riêng, hai là nhà vua sẽ được trả tự do sau khi phục vụ đủ thời gian tương xứng với số tiền đã bán.


    Nhận tiền xong, sư Luipa cùng vị đại thần ra đi.


    Nhà vua phục vụ bà chủ ngôi đền trong 12 năm. Hằng ngày, ông rửa chân, dọn dẹp và làm đủ mọi thứ công việc vặt vãnh khác.


    Tuy vậy, nhà vua không hề xao lãng lời dạy của Chân sư. Nhà vua luôn luôn tỏ ra tử tế làm thay công việc cho những nô lệ khác, nên rất được mọi người thương mến.


    Một hôm nọ, có một nhà vua tên là Kunci mang theo 500 đồng tiền vàng đến ngôi đền để giải trí. Mỗi lần được phục vụ, vua Kunci thưởng cho nhà vua trong lốt nô lệ bảy đồng tiền vàng.


    Vào một đêm trời nóng, vua Kunci cảm thấy khó chịu trong người, ông đi ra bên ngoài để dạo chơi. Chợt nghe có mùi hương thơm kỳ diệu và nhìn thấy ánh sáng phát ra từ một lùm cây, nhà vua tò mò tìm đến. Và thật ngạc nhiên, nhà vua thấy kẻ nô lệ kia đang ngồi trên một ngai vàng, chung quanh là 15 thiếu nữ vẻ đẹp như tiên nga đứng hầu. Vua lập tức báo cho bà chủ Darima.


    Bà này chạy vội đến nơi, quỳ gối thưa: “Chúng con người phàm mắt thịt nên không nhận biết ngài là bậc Thánh tăng. Xin ngài tha thứ cho chúng con tội bất kính đã khiến ngài phục vụ như kẻ tôi tớ.”
    Sư chỉ mỉm cười, lặng lẽ bay vào không trung.
  10. vinhlac

    vinhlac Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/07/2015
    Bài viết:
    97
    Đã được thích:
    0
    43) Mahasiddha Courangipa: Người không chân tay

    [​IMG]


    Courangi là một hoàng tử bị cắt cụt hết chân tay. Một hôm khi đang ngồi chơi trong rừng, do quán xét thấy mối liên hệ nghiệp quả giữa thầy và trò, đạo sư yoga Acinta hiện hình làm lễ điểm đạo và truyền thụ cho ông phép luyện nội hoả. Vị Guru bảo hoàng tử: "Khi con đạt được quả vị shiddhi, thân thể con sẽ trở lại nguyên vẹn như trước." Courangi chăm chỉ thiền định như đã được dạy.

    12 năm sau, một nhóm thương nhân hoàng gia mang nhiều bảo vật đi qua chỗ ở của Courangi. Vùng đất này nổi tiếng với nạn cướp bóc nên các thương nhân đều cẩn thận. Khi màn đêm xuống, Courangi nghe tiếng bước chân các thương gia và hỏi: "Ai đó?" Các thương gia sợ rằng Courangi là một tên cướp liền đáp lại: "Chúng tôi là người buôn than." Hoàng tử đáp: "Vậy sẽ thành sự thật."

    Khi đoàn thương nhân tới nơi, họ ngạc nhiên thấy các bảo vật đã hoá thành than. Họ không hiểu sao chuyện này lại xảy ra. Sau khi nhớ ra, họ quay lại khẩn cầu hoàng tử không chân tay hãy rút lại lời nói của sự thật. Courangi bảo họ các bảo vật sẽ trở lại như cũ.

    Các thương nhân quay về và phát hiện mọi thứ lại như trước đây. Họ quay lại tặng hoàng tử nhiều quà và kể chuyện đã xảy ra. Hoàng tử nhớ lại lời Guru Acinta dặn bèn nói: "Thân thể ta hãy hồi phục lại tình trạng ban đầu!" Linh ứng, chân tay hoàng tử mọc lại đầy đủ.

    Hoàng tử đắc được quả vị shiddhi và thực hiện rất nhiều phép màu. Các giáo lý quan trọng ông truyền lại cho mọi người vẫn tồn tại đến ngày nay.

Chia sẻ trang này