1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

A Pa Chải: Một mình vào Ngã ba biên giới [Ký sự Nguyễn Huy Minh]

Chủ đề trong 'Hồi ức về các chuyến đi' bởi Atom_heart, 12/12/2010.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Atom_heart

    Atom_heart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/04/2005
    Bài viết:
    45
    Đã được thích:
    1
    A Pa Chải: Một mình vào Ngã ba biên giới

    Chỉ cần với chút khả năng viết lách làm ngòi, và bơm đầy ống mực bằng cái máu phiêu lưu của mình, bất kỳ ai trong hội nhà Phượt cũng có thể trở thành thi sĩ. Thì rõ ràng, với những cung đường, cảnh vật như vậy, một kẻ khù khờ cũng có thể để lại những bài viết xuất chúng để đời.

    Tôi đã ngộ ra, đã xách ba lô lên đường cách đây 2 năm, cũng vì tìm đọc được những bài viết phiêu và lai láng như vậy. Mục đích của tôi lập ra topic này, để quy tụ những bài viết đầy cảm xúc, những sáng tác "xồ ra" bất chợt trên vệ đường hay những lúc đang tây tây rượu ngô trên những đỉnh cao nơi cực bắc tổ quốc; để lưu lại, để cổ xúy cho phong trào "xê dịch", để nhiều người khác tìm và đọc, và cũng ngộ ra nhiều thứ như tôi. Rất mong sự ủng hộ nhiệt thành và cung cấp các bài viết "ko ngừng nghỉ" của các bác.
    \:D/\:D/\:D/
    cuong1102 thích bài này.
  2. Atom_heart

    Atom_heart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/04/2005
    Bài viết:
    45
    Đã được thích:
    1
    Chúng tôi xách balo lên và ra đi vào giữa tuần. Có 1 số người gọi điện hỏi rằng nán lại cuối tuần để đi cùng cho vui được ko? Có vẻ như kế hoạch đã lên, ko nên ngưng lại vì bất kỳ lý do gì.

    Công việc của tôi thì ko giới hạn về thời gian. CònT. thì vừa được thông báo trong diện "Cắt giảm 60% biên chế" của Văn phòng, sẽ ra đi vào tháng 1 năm sau, nên cũng chẳng có gì phải tiếc vài ngày nghỉ giữa tuần để đi chơi cho thỏa thích. Chúng tôi gọi đùa chuyến đi này là: "Đi để trị liệu tâm lý".

    Nó đã được dùng để trị liệu cho tôi khá hiệu quả vào những năm 2008, 2009. Khi cuộc sống xung quanh bạn bị lục tung lên, có chút cảm giác quá tải và shock; bạn chỉ cần ngưng lại một chút, bỏ đi đâu đó một thời gian. Khi đi thăm thú xung quanh, ngắm nhìn và cảm nhận cuộc sống của những người dân nơi bạn đến, để đất trời bao la của núi đồi, biển cả xoa dịu tâm hồn bạn, bạn mới thấy rằng cuộc sống này vẫn còn nhiều điều khiến bạn đáng để ý hơn là những thứ đang vuột khỏi tầm tay mà bạn đang cố níu kéo lại; và thực sự thì bạn đã có rất, rất nhiều thứ; bạn thực sự giàu có, mọi thứ xung quanh bạn ổn cả; nếu ko tin, hãy làm một chuyến đi lên những vùng núi phía bắc, xem xem những con người ở đó họ có gì? và họ đang sống vì cái gì? Vì một tiền đồ thăng hoa, nổi tiếng; hay đơn giản chỉ là những bắp ngô, củ sắn thu hoạch được, nhóm được lửa bên bếp Mường là ấm áp của mùa đông buốt giá rồi ?

    Một chiếc xe máy, một chiếc balo, hai con người và rất nhiều những cảm xúc trái chiều, chúng tôi xuôi theo con đường Quốc lộ 6 lên Mộc Châu. Tôi thường xác định mình đã đi xa được bao nhiêu, bằng cách nhìn vào sự thay đổi biển số xe của dòng xe trên đường: 29 - 33 - 28 - 26; hay nhìn vào sự thay đổi địa hình, cảnh vật 2 bên: đường bằng - lên dốc - núi đá. Chúng tôi đến MC lúc 3h chiều ngày hôm đó. Tuyệt nhiên cả thị trấn NTMC ko có khách du lịch nào khác ngoài 2 chúng tôi. Và có vẻ 2 đứa nhóc từ Hà Nội lên, chụp ảnh, ăn uống và cày xới những luống hoa cải trên MC, ko đủ để làm dịch chuyển chút gì cuộc sống thường ngày ở nơi đây. Các hàng quán vẫn đóng cửa, tắt đèn sau 9h tối, đường đi lại tối om ko đèn điện, những người bán hàng ăn hay dịch vụ du lịch buồn rầu co quắp trong những chiếc áo phao tránh rét, xem tivi hay ngồi đực mặt nhìn ra đường vắng tanh, những con chó lười nhác nằm sưởi nắng đầy 2 bên lề đường. Trong những phút đầu tiên đặt chân đến MC, tôi đã tự hỏi mình là có hợp lý ko khi vượt 200 km rét mướt lên đến đây, để thấy "ko gì cả".

    --------------------------------------------------------------------------------
    --------------------------------------------------------------------------------

    Thực ra mọi điều đều có cái lý của nó. Chỉ cần bạn chuyển động chậm lại. Khi bạn chuyển động chậm lại và ngắm nhìn xung quanh, bạn sẽ tìm kiếm được những điều mà những người chuyển động nhanh đôi khi bỏ sót lại. Việc sống chậm lại và hoàn thành mọi việc chậm rãi, sẽ khiến nó ko còn là công việc nữa, mà trở thành một sự vui thú, trở thành một nghệ thuật sống và cảm nhận mọi thứ xung quanh.

    Nắng đã lên vào ngày thứ 2 tại MC, T. đã có những bãi hoa cải trắng để tự do thao tác những bức ảnh nhí nhố của mình. Tôi có một bãi cỏ dài để đốt lửa, và để nằm nhẩn nha nhìn trời, đọc một vài trang sách.

    Những triền đồi thoai thoải chất ngang 2 bên đường thị trấn NTMC, muốn ra được đó bạn phải men theo những con đường nhỏ qua khu dân cư. Một trong những trở ngại ở đây là nhà nào cũng nuôi một vài con chó, và chúng hay có xu hướng sủa nhặng lên và rượt theo bạn khi đi vào những con đường nhỏ này. Lần này chúng tôi bị chó đuổi theo xe máy 4 lần. Quay lại nhìn thì thấy mặt T. xanh và đần cả ra, nhưng thật may mắn là ko có sự vụ gì xảy ra cả.

    Chúng tôi vào chợ mua một con gà đã làm sẵn, một bao diêm, 3 lon bia Hà Nội; và vượt qua được lũ chó đói để ra được cánh đồng hoa cải. Tôi chụp một vài kiểu ảnh, còn T. thì cứ say mê tạo dáng trước ống kính của mình trên cánh đồng. Nhìn T. như vậy, tôi tự hỏi tại sao bọn con gái thích chụp ảnh trên cánh đồng cải trắng như thế. Có thể mỗi năm, họ lại phới đến cánh đồng hoa cải trắng trên MC, hay hoa cải vàng ở Thuận Thành - Bắc Ninh một lần, để chụp ảnh. Cho dù cánh đồng nó vẫn vậy, khuôn mặt vóc dáng họ vẫn vậy, những tư thế chụp vẫn vậy, chỉ khác là một bộ quần áo khác. Thế nhưng họ vẫn thích. Và bạn có thể thấy rằng trong máy tính của họ sẽ lưu những file ảnh như: Hoa cải no.1; hoa cải no.2; hoa cải no.3; và sẽ ko biết đến no. thứ bao nhiêu nữa. Điều đó khiến bạn tự hỏi: Sao ko đi 1 chuyến và mang theo vali quần áo theo; chụp hình và sẽ có đủ mọi thể loại no. họ thích. Chắc con gái nó thế, và mình là con trai thì ko thắc mắc, vì đó ko phải chuyện của mình.

    Còn tôi nhìn xung quanh và kiếm được ít bùi nhùi, cành khô, một bãi đất trống để nhen lửa. Khi lửa được nhen lên, luôn có một điều gì đó làm bạn phấn chấn. Tôi thường bắt gặp những đám nhỏ cảm thấy bị kích động thế nào khi chúng đốt được một cái gì đó bùng lên, và chúng có thể chơi với đống lửa đó cả ngày bằng việc liên tục bỏ thêm vào lửa những giấy, cành khô, hay bất kỳ thứ gì chúng muốn đốt, quăng vào lửa, và dán mắt vào nó để xem cái vật nó vừa quăng bị quăn queo, bắt đầu bốc cháy và chuyển sang màu đen như thế nào. Từ thành thị đến nông thôn, cả những nơi hẻo lánh xa xôi, tôi đều bắt gặp những đứa trẻ như thế; và có khi ngay cả tôi cũng thế.

    Hãy xem chúng tôi có gì,
    một ngày trời hửng nắng, một vùng thiên nhiên bao la những hoa cải trắng, cải tím, những hàng cây mận khẳng khiu, những triền đồi xanh miết im lặng, ko người, và cũng ko chó. Chúng tôi có một con gà được làm sạch lòng, mổ phanh bụng, ko tẩm ướp và đầy những hạnh phúc chứa trong những thớ thịt đó. Chúng tôi có diêm, có bùi nhùi, có cành khô, và đã tạo nên một đống lửa. Chúng tôi có một chiếc áo mưa đôi để trải ra thảm cỏ và nằm xuống. Chúng tôi có ít bột canh và một quả chanh, để làm sạch tay và nước chấm gà. Chúng tôi có 3 lon bia, một ít để rửa sạch khói bám vào gà, phần lớn còn lại để nhâm nhi. Và chúng tôi có 2 cuốn sách mang theo bên mình. Và còn có thể muốn gì hơn thế nữa?

    Có thể nói đây là con gà ngon nhất mà tôi từng ăn. Có đôi chỗ cháy đen, có đôi chỗ chưa chín kỹ, nhưng nhìn chung là ăn được, thơm mùi khói, và ăn một cách khá bản năng bằng tay ko. Có thể xét cho cùng, nó ko phải là một thứ cao lương mỹ vị và rất đắt tiền khó mua. Nhưng bằng cái cách bạn tạo ra lửa, tự tay làm nó, và tự tay xé nó ra nhấm nháp với ít bia và ít muối chanh, bạn đã biến nó thành những dư vị khó quên nhất.

    Rồi buổi chiều nắng ngả bóng, chúng tôi phới một vòng lên nông trường MC, ngắm nhìn những đồi chè được phun đẫm sương, xanh bóng dưới ánh nắng mặt trời, chụp ảnh những ngọn lau trĩu nặng, và ngồi lười nhác trên đồi cỏ xanh, đọc sách cho nhau nghe, theo dõi bóng của mình mỗi lúc dài thêm ra trên cỏ, và nhìn những người dân qua lại phía ngoài đường, nhìn chúng tôi tò mò.

    ------------------------------------------------------------------------------
    ------------------------------------------------------------------------------

    Trở về nhà, nhìn người mẹ quen thuộc, con mèo quen thuộc, căn phòng quen thuộc và những công việc còn dở dang quen thuộc. Mọi thứ vẫn thế, nhưng tôi có cảm giác khang khác, mới mẻ, và vui tươi hơn khi về lại. Chuyến đi đã truyền cho tôi một cảm hứng mới để tổ chức lại cuộc sống luộm thuộm buồn tẻ của mình. Như Trịnh Công Sơn đã nói: "Mỗi ngày, tôi chọn một niềm vui ..."

    Cuộc đời này có nhiều thứ đáng để bạn quan tâm hơn thế. Có thể sẽ rất nhiều người mãi ko bao giờ hiểu 1 thằng Hà Nội có thể tìm thấy gì ở những nơi khỉ ho cò gáy, lặn lội sâu xa đến như thế. Có thể ko vì mục đích gì thật ! Nhưng chỉ cần bạn dũng cảm vượt ra ngoài những nếp sống thường nhật kia thôi, lên đường với tất cả những gì bạn có trong tay và tổ chức chuyến đi theo khả năng của bạn, bạn sẽ bắt đầu thôi biện luận về những điều đó. Càng đi nhiều, bạn sẽ càng ít biện luận hơn. Và đôi khi bạn sẽ chỉ nhún vai nói rằng:

    "Đi chỉ để đi, thế thôi !"
  3. k_ngan124

    k_ngan124 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/11/2010
    Bài viết:
    3.212
    Đã được thích:
    5
    có những người đến rồi đi , nhưng cũng có những người đi qua luôn in lại bóng hình trong ta


  4. Atom_heart

    Atom_heart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/04/2005
    Bài viết:
    45
    Đã được thích:
    1
    MỘT MÌNH VÀO NGÃ 3 BIÊN GIỚI


    Nguyễn Huy Minh


    4.
    Chặng đầu tiên là ngược sông Đà. Sông Đà ở thượng nguồn danh bất hư truyền, ko giấu giếm phô diễn sức mạnh hoang dại của nó. Sông Đà quanh năm nguy hiểm. Mùa lũ đổ về, có những khúc sông rộng thêm hàng trăm mét, nước ngầu đỏ thúc điên cuồng vào các khối núi chắn đường, tạo nên các vực xoáy khổng lồ, nhấn chìm từng thân đại thụ lạc dòng nhẹ nhàng như bèo tấm rồi quăng khỏi mặt nước ở mãi dưới xa. Mùa khô, lòng sông cạn phơi đầy đá tảng, biến thành những chuỗi cạm bẫy dài vô tận, gầm réo suốt ngày đêm. Ngày tôi đi, thủy chế ở mức trung bình nhưng sông Đà lại che giấu trong lòng mình một ẩn họa ko ai lường trước được: những cây gỗ bị lũ lột truồng cành lá lăn vô định dưới đáy nước là ma trận thiên biến vạn hóa, mà chỉ có những hoa nước nhỏ nở lục bục trên mặt sông là dấu hiệu duy nhất ngầm báo sự có mặt của chúng. Chiếc xuồng gỗ 40 mã lực dài tới gần 10 mét, mũi cong vút như cánh cung chỉ là một trò chơi con trẻ của dòng nước dữ. Lái xuồng ngược sông Đà có đoạn cần tới hai người nữa: một tát nước tràn vào, một ngồi ở mũi căng áo mưa chắn bọt nước cho người sau khỏi ướt. Lại có những đoạn sông Đà đột nhiên yên ả, phẳng lặng đến lạ thường. Đá ngũ sắc trên các miền núi thẳng đứng soi vẻ thiên kiều bá mị xuống lòng sông trải dài như một tấm gương. Khói xanh từ các mái nhà sàn người Cống, người Thái nằm vắt vẻo trên những đỉnh đồi cho khách lữ hành một cảm giác thanh bình tuyệt đối. Người Mường Tè bảo: sông Đà dữ nhưng ko ai sợ sông Đà, có lẽ chẳng sai vì sông Đà đẹp quá. Ngày trở về, nghe tiếng thác sông Đà gào thét từ tận bên kia hai dãy núi mà kẻ xuyên rừng lâu ngày vui mừng như nhận ra tiếng gọi của người thân.

    Chừng một giờ xuồng nữa sẽ đến biên giới Việt - Trung, tôi xin xuống. Từ đây tôi chỉ còn có một mình. Cứ theo lối tay người chỉ mà đi. Đèo Pác Ma thực chất là một bờ sông lớn, dốc thót ruột, leo được một nửa đã chực muốn quay về. Cho đến khi sương chiều dăng đầy đồi núi vẫn ko thấy bóng dáng một nóc nhà sàn. Sau một sườn đèo, bỗng vỡ òa tiếng trẻ con cười nói, tiếng chày giã gạo của dân bản Si Nế vọng tới từ bên kia thung lũng - mệt mỏi lập tức tuột ra khỏi người, trong cảm giác hạnh phúc được nghe thấy âm thanh đồng loại.


    5.
    Si Nế đang hoan hỉ đón sự trở về sau 35 năm xa bản nhỏ của thầy giáo Anh hùng Nguyễn Văn Bôn - huyền thoại của một thời hóa giải lời nguyền "Người Hà Nhì lội qua suối bị lừa ăn mất chữ". Bây giờ dăm ngày người Si Nế mới gặp một dấu chân trâu rừng bên suối, một cây dổi bị gấu bẻ cụt ngọn, chứ thuở thầy Bôn mới đặt chân đến đất này, hươu nai đi thành từng đàn lớn, rừng ko có đường mòn, ruồi vàng, bọ chó nhiều vô kể. Ngày ấy người Hà Nhì ở Si Nế ko một ai biết tiếng phổ thông, đói bẻ ngọn sậy non mà ăn, rét lấy tro khô trong bếp rắc lên chân cho đỡ lạnh. Năm 1959, theo tiếng gọi của Đảng, thầy giáo Bôn cùng vài người bạn lặn lội lên đây, khi đó thầy mới 21 tuổi. Nhờ một người bản xứ công tác dưới huyện Mường Tè làm phiên dịch, suốt hai tháng trời, thầy Bôn qua lại bảy bản ở Mù Cả, vận động tất cả trẻ con 8-12 tuổi về học tập trung, được tổng cộng 40 em cả trai lẫn gái, ghẻ đầy mình, chấy đầy đầu, khi đến mang theo ... 40 cái bàn đèn thuốc phiện cổ bằng đồng. Thầy Bôn nhờ dân chặt tre làm trường, làm ký túc xá dân lập đầu tiên trong cả nước ở vùng cao. Dầu thắp ko có, bút viết ko có, thầy dạy trò cầm que viết lên không cho quen cổ tay, rồi viết xuống đất, viết lên lá chuối, ngày học chữ, tối nhảy múa. Biết chữ rồi, người có trình độ già lớp 1, non lớp 2, lại quay về bản dạy cho dân mình. Thế mà cuối cùng có được tới gần 200 học sinh tất cả, nhiều người sau này về tỉnh nên danh phận, thậm chí trở thành Đại biểu Quốc hội. Những cái tên như Lý Khai Phà, Lý Xé Hừ, Lý Pờ Sơ ... là niềm tự hào của tất cả mọi cư dân ở ngã 3 biên giới.

    Nghe tin thầy về thăm đất cũ, có những người đàn ông bạc đầu chắp tay lạy thầy rồi sụp xuống khóc. Thầy rời bản Mù Cả về đây, bà con còn đi sau tiễn tới nửa ngày đường, kêu qua thung lũng "Ơ, thầy giáo ơi". Tôi ngồi ghi câu chuyện cũ của người thầy giáo già trong bóng đèn dầu tù mù, ngẩng đầu lên đã thấy bà con đến xem ngồi chật nếp nhà gianh... Gần nửa đêm, bà con kéo nhau ra một sườn đồi khá rộng hát, xòe. Con gái mặc áo thí mo, mũ uxo, váy dài tự khâu bằng vỏ chăn con công múa ko biết mệt - đây là điệu Là le mi só le, kia là điệu Lá lá so phà... Con trai đệm đàn nà khơ, nhị xí gó, làm bằng hộp xà phòng và dây câu cá, thổi sáo mế đu, khoét từ thân cây đót vẫn làm chổi quét nhà trong tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng lép bép của lửa đêm. Ai cũng phải hát, phải xòe. Giữa đêm, mọi người kéo nhau về nhà trưởng bản, cơm gạo nương đỏ đựng vào xô, rượu uống bằng bát, rau thơm hái trên núi về để cả rễ chấm lụ khạ pá xì vừa chát vừa cay, ko say ko đứng dậy. Uống xong là mổ lợn treo nuôi lên xà nhà để xẻo thịt ăn dần và lại giã gạo, nhảy múa, gõ trống cho đến sáng.

    Đêm ấy, trong tiếng sáo bố lố của Pờ Phí Chừ, một người đàn ông bị gấu vồ rách mặt thổi ru thầy, Lương Đức Cường, lính biên phòng đồn 315 về gác cho dân, ôm tôi ngủ chung cho đỡ lạnh. Cường quê ở Hải Dương, mới ốm dậy từ một trận sốt rét ko có thuốc tiêm, tưởng chết. Cường nhập ngũ cách đây 2 năm, bạn bè đưa ra bến xe, biết phải đi Lai Châu đều khóc. Thế mà người lính ấy, trong câu chuyện xa quê đã kể rằng, Tết miền xuôi năm nay ko về dù đã được ra quân. Chưa chia tay mà đã nhớ thượng nguồn, thác ghềnh, sương gió và đá núi, nhớ những chủ nhân của ngã 3 biên giới.

    ( Còn nữa )
  5. Atom_heart

    Atom_heart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/04/2005
    Bài viết:
    45
    Đã được thích:
    1
    A Pa Chải: Một mình vào ngã 3 biên giới (P2)


    6.
    Sáng hôm sau tôi dậy sớm, ăn dăm miếng bánh cha le, giống như bánh bột lọc dưới xuôi, chấm mật mía cho đúng lệ đồng bào rồi tiếp tục hành trình đã định. Lại một thân, một mình men theo con suối Nậm Ma. Ngày ở đây chỉ nắng dăm tiếng ban trưa, thời gian còn lại ngập chìm trong sương mù đặc quánh. Người Hà Nhì đi nương, đi săn chỉ có đôi chân trần, đi từ bản nọ đến bản kia mới dùng đến dép. Tôi cứ lần theo dấu dép hằn trên đất đồi, rêu đá, in trên tầng lá mục đầy muỗi, vắt mà đi. Sau những góc núi khuất, chim rừng giật mình đập cánh bay từng đàn lớn. Rừng ko bao giờ yên tĩnh bởi gió, cành khô rơi, nước chảy và những tiếng sột soạt kéo dài vô tận. Lại có những lối mòn yên tĩnh đến lạnh sống lưng, khiến cho người đi phải khua gậy vào thân cây ven đường mòn cho bớt sợ.

    Tôi đến bản Mù Cả khi trời vừa sụp tối. Người Mù Cả cũng hiếu khách như bất kỳ người của bản Hà Nhì nào khác - nhà dù đói rách đến đâu cũng có riêng một giường cho người qua đường nghỉ lại. Khách đến bản vào nhà nào cũng được, có thể để ba lô ở nhà này, lại ăn cơm ở nhà kia. Tôi nghỉ nhà Toán Ma Tơ. Trong khi tôi vừa ngâm chân bằng nước nóng hòa muối và cao Sao Vàng vừa hỏi chủ nhà đủ thứ chuyện, thì vợ anh ngồi cặm cụi hong quần áo, giầy ướt cho khách trên bếp lửa. Ngày hôm sau sẽ rất mệt mỏi trên con đường chừng 30 cây số mà dân bản địa gọi là "đường ngựa đứt hơi", tôi xin phép đi nghỉ sớm. Nửa đêm chợt tỉnh vì gió lạnh thổi sương luồn vào chăn mỏng, tôi nghe tiếng con gái Ma Tơ nói chuyện với một chàng trai trên giường ngay cạnh. Sẩm tối vào nhà, rõ ràng cô bé này chưa tròn 15 tuổi. Hóa ra con gái Hà Nhì yêu rất sớm, chuyện chăn gối với người mình yêu ngay tại nhà bố mẹ đẻ cũng tự nhiên như việc hít thở khí trời vậy. Nay có thể yêu người này, mai người khác ko ai cấm,nhưng khi cưới nhau rồi thì phải chung thủy cho tới tận ngày nằm xuống đất. Khách đến, con gái chủ nhà ở trong buồng rũ chăn, rũ chiếu mà khách ko "biết điều" vào ngủ cùng thì tối đó ko có chăn mà đắp, sáng dậy ko có cơm nắm mà mang đi đường. Vậy mà khi tôi ngồi nói chuyện, có tới ba cô mặc rất diện vào túm tay lôi đi, nói một tràng gì đó. Ma Tơ bảo, nó khen cán bộ đẹp trai, rủ ra đồi đêm chụp ảnh. Tôi nhờ Ma Tơ nói lại rằng trời đầy sương thế này thì làm sao mà chụp được, với lại cán bộ đau như rụng mất chân rồi.


    7.
    Toán Ma Tơ đập tôi dậy thật sớm, bắt uống rượu thật nhiều:"Cán bộ uống cho ấm, đi cho đỡ mệt". Quả thật đoạn đường từ Mù Cả đến Ma Ký dài 7 cây số chỉ đi mất gần hai giờ. Nhưng tan rượu thì lạnh thấu xương, khớp chân rã rời ko tuân theo ý mình nữa. Qua Ma Ký chừng hai tiếng thì điều lo sợ nhất đã xảy ra. Hết một khe suối nhỏ, đường mòn chia thành sáu ngả. Ngồi đợi gần nửa giờ mà chẳng có ai qua để hỏi đường, tôi đánh liều đi vào một ngả, một lát thì hết lối. Đường thứ hai càng đi càng rậm rạp, thiếu dấu chân người. Có dăm nóc nhà sàn thấp thoáng, tôi đi cố đến để hỏi đường. Ko một bóng người, cái bản ma quỷ này đã chết từ lâu trong sương gió. Lạc đường. Trời đầy mây mù, ko còn biết đâu là phương hướng, tôi đã thành một thứ trò chơi của rừng già. Chưa bao giờ tôi có cảm giác cụ thể hơn về sự cô độc đến vậy. Tôi ko dám đứng ở đó lâu, rẽ cỏ tìm dấu chân mình quay ngược trở lại, đoạn nào đi được thì đi, đoạn nào chạy được thì chạy, lộn về Mù Cả.

    Dân bản cho hay, nếu tiếp tục đi xuyên qua cái bản hoang tàn đó ba giờ nữa sẽ sang đất Trung Quốc, còn con đường tôi cần đi cách ngã sáu chưa đầy 50 mét, nằm trên lưng chừng vách đá. Một lát sau tôi có khách đến thăm, đó là Vương Đình Châu, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng 315 được một người lính đi kèm dìu đến. Anh Châu bị sốt rét đã ba ngày, người xanh rớt, từ bản Mù Sung gắng gượng chống gậy về được đến đây, thấy vết giầy lạ đoán là có khách dưới xuôi lên nên tìm xin thuốc cảm. Anh Châu bảo:"Em quay về đi, từ đây vào A Pa Chải còn 70 cây số nữa, xuống sức em ko đến nổi đâu". Tôi nghĩ bốn ngày quay về còn ngại hơn, nên quyết định đi tiếp, rồi muốn ra sao thì ra. Tối anh Châu đi tìm khắp bản, có Vù Á Hoa ngày mai đi sâu vào Ma Ú, dặn đi dặn lại cho tôi được theo cùng.

    Á Hoa dáng đi hơi cúi, người gầy nhỏ nhưng sẵn lòng mang hộ ba lô, có đoạn còn cõng tôi qua suối, cởi giầy, bắt vắt cho tôi. Lòng tốt của anh lúc đầu khiến tôi ngờ vực. Tôi thử rút tiền gửi nhưng Á Hoa ko lấy, cởi áo tặng ko nhận, cho thuốc cảm ko nghe. Mãi sau mới rõ Á Hoa nghiện suốt 8 năm, bị nhiều người xua đuổi. Còn tôi, người Kinh miền xuôi, chịu đi cùng, chịu nghe kể lại những đoạn đời này là một điều gì đó anh chưa bao giờ dám mơ tới. Á Hoa mời tôi vào nhà ăn cơm trưa bằng được, lụt cụt chạy xuống suối đánh cá, ra đồi đuổi gà làm cơm. Giữ tôi ở lại chờ ngày trăng tàn vào mỏ muối Mồ Pá Chù săn nai ko được, Á Hoa mang ba lô tiễn tôi gần 5 cây số. Á Hoa bắt tôi nhớ khi đi đến đoạn suối có rất nhiều cổ thụ, ong làm tổ thành từng đàn lớn thì đặt vào tảng đá ven hồ nhỏ hai điếu thuốc lào và đi tiếp, ko được quay đầu nhìn lại. Gặng hỏi mãi Á Hoa mới kể rằng, đoạn suối đó có ma thiêng, trâu bò ko dám lội, dù giông gió thế nào cũng ko một chiếc lá rơi được vào mặt nước. Người xưa đến đây dựng bản kể lại, ngồi để tay ra sau lưng cầu xin còn được ma cho bát, cho nồi. Á Hoa tháo con dao găm có vỏ da rất đẹp đeo bên người tặng bạn để hộ thân. Chào nhau, Á Hoa khóc. Sau này mới biết thêm rằng, Á Hoa đã đóng một mảnh giấy vào thân cây ven đường mòn nhờ người qua lại, có ai gặp tôi thì gửi lời mời hẹn ngày quay về Ma Ú uống thêm với anh vài bát rượu.

    ( Còn nữa )
  6. hieupn49

    hieupn49 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    16/03/2009
    Bài viết:
    284
    Đã được thích:
    0
    haiz, topic để mốc meo hết cả, lãng phí đất quá, cha "au tùm" này chuyên gia kiểu thế +_+, mau mau lên viết tiếp đi, cho ảnh vào đọc cho đỡ bùn ngủ, văn chán mà viết dài ngoãng, nhiều chữ quá
  7. Atom_heart

    Atom_heart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/04/2005
    Bài viết:
    45
    Đã được thích:
    1
    A Pa Chải: Một mình vào ngã ba biên giới (P.3)

    Nguyễn Huy Minh

    8.
    Càng vào sâu vùng ngã ba biên giới càng thấy nghèo đói. Trẻ con bản Gò Cứ thấy khách miền xuôi, trần truồng chạy theo đông như kiến. Bản Gò Cứ, theo cách nói của bà con, rẽ cá mới thấy nước, ra vườn hái rau ko nhanh bằng xuống suối quăng chài, mà dân thiếu thốn đủ bề. Người Gò Cứ hầu hết mù chữ, ko nói được tiếng Kinh - cả bản có 82 nóc nhà nhưng chỉ có 9 hộ đủ ăn mùa giáp hạt. Lưỡi cày thiếu, dao phát nương cũng thiếu. Đã thế đêm nào lợn rừng cũng về hàng đàn hai, ba mươi con phá sắn, phá ngô. Lồ Ô Vô mới 32 tuổi đầu mà có tới 10 con, vợ quanh năm chỉ nằm ở nhà mà đẻ. Sốt rét triền miên, mỗi lần cử người về Pác Ma xin thuốc chỉ được 30 viên đựng ko đầy một bát, cả bản dành dụm bẻ đôi chia nhau cũng ko đủ. Trưởng bản Pờ O Xá người như ma rừng, quần áo rách ko có kim chỉ để khâu, phải buộc túm bằng lạt, nửa đêm còn làm thịt một con chó ba cân đãi khách. Anh Xá lo rằng một năm nữa Gò Cứ sẽ ko còn người có trình độ lớp 5, đi họp ở xã biết ghi cái chữ ra giấy về phổ biến lại cho bà con, thay anh làm trưởng bản. Lời nguyền "người Hà Nhì lội qua suối bị lừa ăn mất chữ" đến giờ vẫn còn dai dẳng. Trẻ con giỏi lắm chỉ hết lớp 2, muốn học tiếp phải về Mù Cả theo con đường "ngựa đứt hơi" đến người lớn còn phải mất 9 tiếng, sao đi nổi? Người ta quên mất những bản làng heo hút này, hay ko làm gì nổi? Nghỉ dừng chân ở nhà nào, dù chỉ uống một bát nước đun sôi, tôi cũng vờ để quên một cái gì đó: áo mưa, đèn pin, dao cạo râu, bật lửa... Một chút cũng có thể giúp họ đỡ nhọc nhằn.

    Từ Gò Cứ lên Sen Thượng, người ở đây gọi là "con đường khỉ". Đường dài gần 20km dọc suối, bám vách đá bên này chán lại bì bõm cắt dòng sang bám vách đá bên kia suối. Suối Mo Phí có chỗ lội sâu mang bụng, nước lạnh buốt xương, lính biên phòng mới nhập ngũ lên đây dân bản phải túm thắt lưng dắt đi từng bước một. Lội Mo Phí, đã ngã là chết, đầu gối va vào đá sẽ ko đứng lên được nữa, cứ thế bị nước cuốn trôi. Trước ngày tôi đến hai tuần, một thiếu nữ A Pa Chải đội muối bị nước cuốn, dân bản vừa khóc vừa đuổi theo tìm suốt 7 ngày trời mới thấy. Đó ko phải là xác nữa mà là một cái túi da người lổn ngổn xương vụn vì ghềnh thác, tóc rối bời vì nước xoáy.

    Trên những doi cát dài bốc hơi ngùn ngụt trong nắng trưa, thỉnh thoảng lại xuất hiện những dấu chân hươu to như miệng bát. Cá suối đuôi đỏ như lửa nghe tiếng chân người, chạy bắn nước. Trong những vực sâu, vẫn còn những con to như đứa trẻ, muốn bắt phải dùng sào đuổi ra dòng cạn rồi dùng súng bắn. Những con rắn khoang đen, khoang trắng nhỏ như chiếc đũa cuộn mình ngủ ngon lành trong các hốc đá, mặc người đi lại; những vạt cỏ gianh dài hai, ba trăm mét muốn vượt qua ko phải là đi, mà là chui, lá sắc cào rách bất kỳ phần cơ thể nào lộ ra ngoài quần áo. "Năm nay mưa nhiều cỏ rậm, rồi hai tháng nữa lửa rừng sẽ lại cháy suốt đêm thôi" - người Sen Thượng nhìn trời bảo thế.


    9.
    Bản Sen Thượng đón chào tôi bằng hai cô gái trần truồng tắm suối, té nước líu lo rủ khách xuống tắm cùng. Một cô chạy lên bờ chả ngại ngùng gì: "Cán bộ ơi, cho A Nhí xin một ít xà phòng thơm đi". A Nhí đợi tôi cho xà phòng mỏi cả chân trần. Chủ tịch HĐND xã Xín Thầu - Chu Xế Chừ, tiếp khách lạ mà như đón bạn cố tri, mời thịt gà rừng, cá pà xì, tối đến tự tay anh đem cao trăn ra nướng trên than hồng hòa rượu. Sau ngày chiến tranh biên giới, đã gần 20 năm rồi ko có nhà báo dưới xuôi vào Sen Thượng. Đó là một lý do và anh cũng cho riêng mình một lý do nữa. Anh đã từng là một người lính *****, ra quân về quê nhà và ko đi đâu thêm được nữa. Xế Chừ coi tôi là một dịp may chưa từng có, có thể đem giùm anh lá thư về Hà Nội cho người bạn một thời điếu thuốc hút chung trên đường hành quân. Khi bà con nghe tin nhà báo về bản kéo đến chật nhà, kể biết bao chuyện buồn vui đã về hết, tôi chứng kiến Xế Chừ ngồi chong đèn, mắt ướt viết thư cho bạn. Sen Thượng xa lắm Hà Nội ơi. Thế mà còn phải một ngày dầm mình trong suối lạnh suốt đoạn đường 24 cây số nữa mới đến được A Pa Chải.

    Sáu giờ chiều, trước mặt tôi là A Pa Chải, là bản cực Tây của Tổ quốc, của giống nòi tự do, nơi một con gà gáy ba nước nghe tiếng. Tôi dựa lưng vào vách núi đá ngắm nhìn ước mơ từ thời cấp 3 của mình và nhận thấy đã hoàn toàn kiệt sức. Chấn thủy rất đau vì gan phải làm việc liên tục, uống rượu quá nhiều, ko đêm nào dám ngủ đẫy giấc, ko đỉnh đèo nào dám ngồi nghỉ quá lâu. Hành trình dài mà người làm báo vẫn gọi là "conscience tour - chuyến đi của lương tâm" đã tới được nơi cần đến.



    10.
    Còn có nơi nào xa xôi hơn A Pa Chải? Một bát muối mang lên được đến đây giá 12.000đ, gia đình nào trong bản có người bệnh tật mà quân y đồn 405 ko cứu nổi, có nghĩa là chết. Dân A Pa Chải cấy được lúa, nuôi được trâu, rau trồng ra để cho già chết đi mà ko bán đi đâu được, ko làm sao giàu có nổi. Năm 1982, thấy dân cõng một tấn lúa nhọc nhằn ra được đến huyện đổi muối, đổi dầu ko bằng xách một cân thuốc phiện, một số vị lãnh đạo đã xót ruột, cho trồng thuốc phiện. Chỉ một mùa rẫy, hoa anh túc nở bạt ngàn trên các sườn đồi. Đó là thảm họa đến nay còn đeo đẳng. Có người hút thuốc phiện ngót nghét hai mươi năm, nằm bẹp trong nhà, ôi thiu quần áo, ko bao giờ sờ tay lại đến cái cày, cái cuốc. Có người bỏ sang Lào đi ở để được hút cho thoải mái, trong 6 tháng trời mà hút hết 38 lạng. Đầu năm, trạm biên phòng đi một buổi chiều thu được 70 bàn đèn thuốc phiện. Đến từng nhà vận động đi cai thì dân oán. Nghiện nặng nhất bản là vợ chồng Vàng Lá Lụ - Pờ Xà Mé, mà người mẹ của 8 đứa con này thời thiếu nữ đi cắt cỏ gianh còn vật ngã được cả thanh niên, nay tàn tạ như con ma rừng. Bộ đội khuyên can gẫy lưỡi cũng ko chịu. Giờ đã đỡ hơn nhiều, cha đã về với con, chồng đã về với vợ, đi đâu cũng tươi tỉnh hát hò, gặp bộ đội ở đâu là chào hỏi.

    Sống vắt vẻo trên những sườn non cao như người Mông, nhưng người Hà Nhì luôn quần cư ở những nơi thuận tiện với phương thức canh tác của mình. Đồng bào ở nhà đất có tường trình chắc chắn dày 30-40cm chống sương gió lạnh. Nhà người Hà Nhì ở vùng Y Tí, A Lú (Bát Xát - Lào Cai) tường cao đến 3-4m, mái dốc, ngắn, ko hiên và chỉ có một cửa ra vào. Bên trong lại dựng thêm một lần tường có tác dụng phòng thủ và hỗ trợ chống rét. Lớp tường ngoài và tường trong cách nhau chừng 1m50, tạo nên khoảng trống gọi là hiên trong. Ở bức tường thứ hai mở một hoặc hai cửa để vào nhà. Hai gian ở hai đầu được ngăn thành hai buồng riêng cho vợ chồng chủ gia đình và con cái. Khoảng 1/3 chiều rộng của hai gian giữa là phần đất, còn lại được dựng thành sàn. Phần đất có bếp lò nấu cơm, cám lợn, có chạn bát. Phần sàn là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nơi ngủ của con gái, khách đến chơi nhà. Trên sàn có bếp lửa cháy suốt ngày đêm. Nhà người Hà Nhì ở ngã ba biên giới thì lại có tường và mái thấp hơn với hàng hiên phía trước, nhà chỉ có một tường, thường chia ba gian, độ rộng dài tùy theo sức người, sức của. Rất nhiều kiểu nhà được xây dựng ở A Pa Chải với vật liệu, kiến trúc khác nhau mà tôi chưa từng gặp trong suốt dải hành trình. Có nhà dựng hai lầu, lầu trên mở cửa bốn hướng, lại là nơi sinh hoạt chính của cả gia đình, được dựng bởi thợ xây từ bên biên giới sang làm giúp - kiểu kiến trúc giao thoa của rất nhiều dân tộc anh em chỉ có ở bản cực Tây của Tổ quốc này. 40 giờ ở A Pa Chải, Chủ tịch xã Pờ Dần Sinh vai đeo đài pin đưa tôi đi ngó nghiêng, thăm thú khắp nơi. Anh có một vóc dáng hoàn hảo làm người ta kinh ngạc và một ước mơ cũng làm người ta ko quên được: "Một ngày nào đó, mảnh đất này sẽ là... thành phố A Pa Chải". Nhưng trước hết Pờ Dần Sinh mong mỏi một con đường để ngựa có thể chở lúa, người có thể dắt trâu đi lại suốt ngày đêm.



    11.
    Ở A Pa Chải ko ai ko biết đến "hai con hổ xám" của một thời: Pờ Xí Tài và Tô Minh Điến. Pờ Xí Tài cao tới gần mét tám, ngày còn trai trẻ sức vật trâu ngã, một mình một súng trận, một ngựa chiến suốt 10 năm rong ruổi, ngủ tai phải thức tai trái tiễu phỉ, gọi hàng. Tô Minh Điến là trưởng đồn biên phòng, sống 26 năm với bà con A Pa Chải. Tôi vào thăm Pờ Xí Tài, huyền thoại một thời bây giờ ngồi suốt ngày trên ghế mây giữa nhà, vì bệnh tật. Năm ngoái Pờ Xí Tài tự mình đi đánh bẫy gấu lớn, mổ ngay lấy mật nuốt sống mà bệnh cũng ko đỡ được là bao. Thích nhất là nghe Pờ Xí Tài kể chuyện các chuyến đi săn. Có chuyến đi rình hổ dữ thì gặp nó đang rình lại mình trong rừng sạt. Con hổ gầm lớn rồi quật đuôi chồm tới. Pờ Xí Tài giật bắn mình ngã ngửa ra sau, theo phản xạ thả bừa một loạt liên thanh. Con hổ thành tinh khiến dân A Pa Chải phải đi sơ tán đổ vật xuống người Pờ Xí Tài như một cây gỗ nặng. Hôm tôi đến, hổ dữ lại về A Pa Chải, người ta thấy vết chân nó ngang ngược dẫm cả vào những lối mòn xung quanh bản. Tôi theo dõi Pờ Xí Tài ***g lộn khi nghe tin báo có tiếng gầm của hổ chỉ cách bản một giờ đường, vào buồng lôi cây súng trận của ông giờ chỉ giành riêng để bắn ác thú, vuốt ve mãi cái nòng thép xanh biếc có lỗ tỏa nhiệt mà thở dài bất lực. Ko ai bảo vệ nổi người A Pa Chải trước thiên nhiên hoang dại, ngoại trừ chính họ.

    Còn Tô Minh Điến là một quân nhân quê ở Thái Bình, biết kích từng treo giải rất hậu cho ai chặt được đầu ông. Tô Minh Điến ra quân từ năm 1988, suốt từ đó đén nay ko quay trở lại. Người ở đây nghe tin dữ rằng, Tô Minh Điến ở quê thấy côn đồ hành hung hàng xóm bước ra can, bị dao xuyên qua người thiệt mạng. Cả A Pa Chải làm ma cho Tô Minh Điến. Trong cuộc rượu uống với thịt nai tươi vừa bắn được khi chiều, già Chang Vang Sinh, chú Sừng Sừng Khai nhờ tôi về xuôi hỏi lại tin của Tô Minh Điến. Nếu gặp được ông thì nhắn là già Sừng Là Vù đã mất rồi, gửi hộ lời bà con mời ông đến chơi, lên say. Người ta ko tin một người như Tô Minh Điến lại có thể sớm qua đời như vậy được. Chiến tranh đã lùi xa, Pờ Xí Tài và Tô Minh Điến, hai nhân vật huyền thoại của ngã ba biên giới đang dần đi vào ký ức. Bây giờ, ai giàu có, ai học hành nên người ở A Pa Chải sẽ là những huyền thoại mới. Nhưng biết đến bao giờ mới có, khi những đứa trẻ A Pa Chải quần áo ko có mà mặc, muối ko có mà ăn, suốt ngày nô đùa trong phân trâu, bò tù đọng?

    Tôi ở hai đêm với những người lính trấn giữ cửa khẩu quốc gia A Pa Chải, những người ba, bốn năm trời ko thấy một bóng phụ nữ mặc quần hai ống; những người nghỉ phép một tháng mà ko dám về quê vì đường dài đi ko kịp. Có người sau khi nhập ngũ đã ở đây vừa đúng 6 năm tròn. Ko có sức mà chuyển lương, tám người lính A Pa Chải phải tự đục đẽo cày bừa, làm tất tật để nuôi mình. A Pa Chải là nơi những lá thư nhà hai tháng mới gửi lên được đến nơi, có bức vợ giận chồng rằng: "Mẹ đang ốm, con đang ốm, em trăm lần xin anh, ngàn lần xin anh mau gửi tiền về cho mẹ, cho con". Ko có người về từ A Pa Chải thì đau lòng bao nhiêu cũng đành phải chịu.

    Chia tay, có đêm mất ngủ ở A Pa Chải của những người lính nhớ nhà, có rượu mật ong, cao sơn dương, cao hổ cốt, rượu lục phủ ngũ tạng hổ bà con mời uống để tôi đủ sức mà về. Già Chang Vang Sinh gọi tôi qua nhà bảo:"Con à, Ata đặt cho con một cái tên để ở trên này bà con dễ gọi. Chang là họ của Ata, Hừ Giá là to, là nhanh nhẹn. Ata đặt cho con tên này để về sau con còn về uống rượu với Ata. Có trở lại ko con?". Tôi cúi đầu ko biết thưa lại ra sao. Từ xưa đến nay, người đã ra đi chưa ai một lần quay lại A Pa Chải. Còn tôi, lời thề khi đi lạc rừng vừa đói vừa khát ở Ma Ký - đến bằng được để ko bao giờ quay lại A Pa Chải - bây giờ tan thành nước. Tôi đã là người Hà Nhì, là con của ngã ba biên giới. Có thể hàng chục năm nữa, một khách lữ thứ ghé thăm A Pa Chải, sẽ vẫn được nghe những câu hỏi ngây thơ đau xé ruột gan:"Từ đây về Hà Nội có xa đến một tỉ cây số ko con? Có phải người Liên Xô biết bay cả rồi phải ko cán bộ?". Nhưng anh ta có thể sẽ được nghe kể thêm về một nhà báo đã một mình lặn lội lên đây, đã được là máu thịt của A Pa Chải. Người ấy tên là Chang Hừ Giá. Người ấy ko làm được gì cho những cuộc đời tăm tối và ngay cả những dòng chữ như chắt từ nỗi xót đau này cũng ko biết bao giờ mới đến được với A Pa Chải. Với người ấy, một lần nữa quay lại Gò Cứ, Sen Thượng, Tả Long San, Lỳ Mà Tá, A Pa Chải... ko còn là một khái niệm vô cảm như "conscience tour", mà chỉ giản đơn hai chữ: Trở về.

    ( Hết )
  8. LeonardoZheng

    LeonardoZheng Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/12/2010
    Bài viết:
    5
    Đã được thích:
    0
    Hay quá bác ơi. Em ngưỡng mộ bác nhiều lắm đó. Thời điểm trong câu chuyện mà bác đi là thời gian nào nhỉ. Em thấy giờ lên Apachai đỡ vất vả hơn trong truyện này nhiều.
  9. Atom_heart

    Atom_heart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/04/2005
    Bài viết:
    45
    Đã được thích:
    1
    Đây ko phải là mình, mà là ký sự của Nguyễn Huy Minh bạn ạ. Mình đọc thấy hay, nhặt nhạnh post lên đây cổ vũ chủ nghĩa xê dịch của mọi người.
  10. DuGia

    DuGia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/05/2005
    Bài viết:
    5.696
    Đã được thích:
    3
    Chuyến đi này của Huy Minh hình như khoảng năm 2001 ,2002 ?! Tôi cũng rất ngưỡng mộ Huy Minh.
    Nói thêm một chút lý do mà tôi ngưỡng mộ Huy Minh dù chưa được gặp !Năm 2005 đoàn chúng tôi chinh phục APC ,thông tin cực kỳ thiếu thốn ,mù mờ .Chỉ biết đến đ/c Như Phong ,Đỗ Doãn Hoàng,Thế Vinh .Đường vào APC không có trên bản đồ,hỏi được Doãn Hoàng thì không nhớ địa danh trên cung đường ,chỉ có một vài chi tiết để phỏng đoán ...
    Như Phong là nhà báo đầu tiên vào APC ,sau đến Huy Minh . Đỗ Doãn Hoàng và Thế Vinh đi cùng nhau sau đó khoảng 2002-2003.
    Huy Minh khi đó mới học báo chí ra trường công tác tại báo Gia đình Xã hội (rất trẻ),một mình lang thang vào APC bằng đường Mường Tè qua dốc Mù Cả ( tổng thời gian đi khoảng 1 tháng đi bộ ). Một mình vào APC vào thời gian đó (2001-2002) thật là điều đáng nể, phải có lòng quyết tâm và nghị lực khác người mới đi bộ vào APC bằng ấy thời gian !!!
    Cám ơn bạn đã trích dẫn để anh em biết !
    -----------------------------Tự động gộp Reply ---------------------------
    Chuyến đi này của Huy Minh hình như khoảng năm 2001 ,2002 ?! Tôi cũng rất ngưỡng mộ Huy Minh.
    Nói thêm một chút lý do mà tôi ngưỡng mộ Huy Minh dù chưa được gặp !Năm 2005 đoàn chúng tôi chinh phục APC ,thông tin cực kỳ thiếu thốn ,mù mờ .Gần như là mù đường .Chỉ biết đến đ/c Như Phong ,Đỗ Doãn Hoàng,Thế Vinh .Đường vào APC không có trên bản đồ,hỏi được Doãn Hoàng thì không nhớ địa danh trên cung đường ,chỉ có một vài chi tiết để phỏng đoán ...

    Như Phong là nhà báo đầu tiên vào APC ,sau đến Huy Minh . Đỗ Doãn Hoàng và Thế Vinh đi cùng nhau sau đó khoảng 2002-2003.
    Huy Minh khi đó mới học báo chí ra trường công tác tại báo Gia đình Xã hội (rất trẻ),một mình lang thang vào APC bằng đường Mường Tè qua dốc Mù Cả ( tổng thời gian đi khoảng 1 tháng đi bộ ). Một mình vào APC vào thời gian đó (2001-2002) thật là điều đáng nể, phải có lòng quyết tâm và nghị lực khác người mới đi bộ vào APC bằng ấy thời gian !!!

    Cám ơn bạn đã trích dẫn ký sự để anh em biết !

Chia sẻ trang này