1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ai cho mày chê con tao xấu?

Chủ đề trong 'Lịch sử Văn hoá' bởi Trinity, 17/10/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Trinity

    Trinity Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    22/07/2001
    Bài viết:
    506
    Đã được thích:
    0
    Ai cho mày chê con tao xấu?


    (Thảo Hảo - TTVH 27.09.02)
    ---
    Tôi xin tóm tắt một tí cho tiện dòng theo dõi:
    Phim Vua Bãi Rác được chiếu ở rạp. Tôi đi xem về và viết bài chê. (*)
    Sau đó đạo diễn của phim (ông Ðỗ Minh Tuấn) viết lại một bài chê cái bài chê của tôi, mắng là tôi đã chê sai. (**)
    Rồi bây giờ tôi được phép viết thêm một bài nữa.
    Nhưng lần này tôi không đi cãi nhau chuyện Vua Bãi Rác làm gì nữa. Cái việc khen chê là của người đi xem phim (cũng như tôi đã là người đi xem phim). Vả lại chê thế là đủ rồi, cũng "hết chỗ chê" rồi, tôi đang thấy những chân trời mới hé lộ ra tươi sáng hơn cho bài tuần này đây.
    Ðó là tôi thấy cái bệnh:


    AI CHO MÀY CHÊ CON TAO XẤU?

    1.

    Hãy tưởng tượng, bạn là nhà đạo diễn phim, 50 năm sau, nếu may mắn phim của bạn chưa mốc trong kho lưu trữ, nó sẽ được chiếu lại trong rạp. Rồi một khán giả về nhà viết lại cảm xúc hôi hổi của mình về bộ phim. Bài viết đăng lên báo. Bài viết có thể sai bét (theo bạn), người viết chẳng hiểu gì ý đồ của bạn, không thấy hết cái mà bạn muốn nói, lại còn áp đặt những ý đồ của anh ta vào...
    Giả sử, lúc đó bạn đã "xanh cỏ" rồi, bạn làm gì nào?
    Bạn hiện hồn về bóp cổ?
    Bạn đi đến từng nhà độc giả của tờ báo, nói thì thầm ma quái giữa cơn mơ: "Sai bét rồi!"?...
    Tóm lại, bạn chẳng làm gì được. 300 năm sau, người ta khóc hay cười cho phim của bạn, bạn cũng phải chịu thôi.

    2.

    Một trong những cái thú nhất của người chuyên làm báo tường trong cơ quan như chúng tôi là: rình rập.
    Khi báo dán lên cái bảng chung rồi, cả bọn nhấp nhổm rình xem phòng tài vụ đã lên đọc chưa? Phòng quản trị đã tới xem chưa? Có cười không? Có cau mày không?... Ai cau mày không hiểu thì xông ra hỏi liền, vì sao cau mày? Rồi giải thích ngay, viết thế có nghĩa là thế này, thế này... Một cái cơ quan bé tí, chỉ có chừng 40 nhân viên, rình chừng hai ngày là đã có đủ danh sách ai thích, ai không thích, và cũng có thể thu phục hết cái đám không thích mình.
    Nhưng ở một nước 70 triệu dân, thì rình mò dư luận như thế là chuyện thật không nên làm (làm sao cho xuể!), chưa nói đến chuyện cố bịt dư luận, là việc nghệ sĩ (thật) không nên bắt chước bọn làm báo tường mà dính vào.
    Một bộ phim anh chiếu ra, thì tốt nhất là anh nên coi nó như sự đã rồi, và mình đã chết rồi. Tiền (nhà nước) đã mất, tâm sức (anh) đã bỏ vào, việc bây giờ là của người xem. Anh không có nhiều phép như Tôn Ngộ Không để hóa thành 100 anh con con, bám vào tai của 100 khán giả trong rạp, thuyết minh cho họ cái chủ đề của anh, giải thích cái triết lý của anh, ngăn chặn kịp thời cái cau mày của họ. Họ có quyền có những nhận xét của họ, tùy theo kinh nghiệm và trình độ cá nhân, và cái tính đa chiều lắm hướng đó trong cảm nhận tác phẩm mới là cái hấp dẫn của nghệ thuật.
    Chưa kể, quay lại phần 1 của bài, nếu anh đã chết rồi, thì vô phương, nghệ sĩ ạ. Tác phẩm của anh như con mồ côi, anh không bảo vệ nó được nó rồi. Muốn bảo vệ nó, đáng ra anh phải chuẩn bị cho nó có những phẩm chất đủ để chống chọi ngay khi không có mặt anh kìa. Có nghĩa là, thưa đạo diễn, phim của ông làm ra rồi thì cũng như con ông vứt ra giữa chợ. Chúng tôi thấy nó xinh thì chúng tôi khen. Chúng tôi (mắt mù) thấy nó xấu thì chúng tôi chê. Ðó là quyền của khán giả - người đi chợ. Nếu ông hỏi: "Ai cho chúng mày chê con tao xấu?", thì chúng tôi sẽ trả lời: "Tại ông đã tự nguyện vứt nó ra giữa 'rạp đời'."

    3.

    Hỡi nghệ sĩ, đừng bắt chước bọn báo tường chúng tôi. Hãy tập câm, tập mù, tập điếc. Ai khen không cười, ai chê không giận, cắm cúi mà làm việc. Người ta không hiểu mình trong khi mình có giá trị thật thì trăm năm sau thể nào cũng có thằng sáng mắt nhìn ra. Mà nếu may thì có khi cũng chẳng phải đến trăm năm sau, ngay tuần sau, số báo sau, đã có người nhận ra mình rồi, và kinh phí làm phim năm sau lại rơi vào tay mình tiếp. Chưa kể còn hàng ngàn khán giả âm thầm khen mà mình không biết (tại họ không viết thành bài), và cũng không loại trừ được trường hợp xấu là có hàng ngàn khán giả khác đang chê ở nhà mà mình không hay. Hì hục phá cái chóp con của tảng băng trôi làm gì cho nó mệt.

    Nhưng thôi, tôi chưa có con, hoặc đứa con tinh thần của tôi cũng vớ vẩn, nên tôi chưa hiểu được tâm lý quý con. Có lẽ phải làm nghệ thuật thực thụ, mà là làm nghệ thuật như một số người ở Việt Nam kìa, chừng đó mới thông cảm được với những bậc phụ huynh múa gậy giữa đường cấm không cho ai chê con mình xấu.

    (*) (đăng ở TTVH số 74, ra ngày 20.09.02)
    (**) (đăng ở TTVH, số 77, ra ngày 24. 9. 02)


    Được trinity sửa chữa / chuyển vào 17/10/2002 ngày 12:36
  2. Dawson

    Dawson Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/06/2002
    Bài viết:
    46
    Đã được thích:
    0
    Tác giả bài viết trên (Thảo Hảo) đang mắc chính căn bệnh mà tác giả muốn đề cập đến trong nội dung bài báo của mình.
    Cho rằng đạo diễn phim Vua ăn mày - Đỗ Minh Tuấn ko nên phản ứng trước dư luận mà cụ thể ở đây là bài chê bai của tác giả nhưng bài viết này của t/g Thảo Hảo có khác nào hành động đáng phê phán trong bài báo trên đâu? Khuyên người ta phải chịu, khuyên người ta đã "vứt con ra giữa chợ thì phải chấp nhận cả lời khen lẫn lời chê...trong khi tác giả (Thảo Hảo) viết và cho đăng bài báo trên với mục đích gì nếu ko phải là " Ai cho mày chê con tao xấu? "
    Thử hỏi đạo diễn **T im lặng thì tác giả sẽ yên trí rằng mình chê đúng? rằng đứa con "Vua ăn mày " thực sự là đứa con xấu?
    Thật là nực cười !
    Một nhà báo đi phủ nhận chức năng của báo chí hay là đang phản ánh thực quyền của báo chí VN? "Tập câm, tập mù, tập điếc.Ai khen không cười, ai chê không giận, cắm cúi mà làm việc. Người ta không hiểu mình trong khi mình có giá trị thật thì trăm năm sau thể nào cũng có thằng sáng mắt nhìn ra."
    và "Mà nếu may thì có khi cũng chẳng phải đến trăm năm sau, ngay tuần sau, số báo sau, đã có người nhận ra mình rồi, và kinh phí làm phim năm sau lại rơi vào tay mình tiếp"
    Những gì báo chí nói thì ko nên(được) phản ứng lại? Không được quyền phản đối?
    Chưa hết , đoạn này mới buồn cười và ngây ngô nữa:
    "Chưa kể còn hàng ngàn khán giả âm thầm khen mà mình không biết (tại họ không viết thành bài), và cũng không loại trừ được trường hợp xấu là có hàng ngàn khán giả khác đang chê ở nhà mà mình không hay. Hì hục phá cái chóp con của tảng băng trôi làm gì cho nó mệt. "
    Giọng văn đầy giọng Akay và thiếu lý lẽ thuyết phục này có lẽ dùng để nói khi tán gẫu thì được. Không hiểu đã có bài viết nào đáp trả bài viết vừa rồi của tác giả Thảo Hảo chưa nhỉ?
    Được Dawson sửa chữa / chuyển vào 18:17 ngày 17/10/2002
  3. Koibeto81

    Koibeto81 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    02/01/2002
    Bài viết:
    1.250
    Đã được thích:
    0
    Đề nghị bác Trinity bin luôn hai cái (*) và (**) đó lên nhỉ ! Cãi nhau về Quả mà không biết gì về Nhân...không sướng
    Sống...đi tìm C(g)ái đẹp

  4. Dawson

    Dawson Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/06/2002
    Bài viết:
    46
    Đã được thích:
    0
    Thảo Hảo 20.09.2002
    Cái bệnh hòn non bộ
    Năm nào cũng thế, cứ đến dịp Tết là có hội Hoa Xuân, thi mai kiểng, lan đủ màu, với hòn non bộ. Tôi rất thích xem khu hòn non bộ. Ðúng như một bài viết, lâu rồi (của nhà văn Sơn Nam? Trên Tuổi Trẻ?), đã giải thích vì sao người ta thích hòn non bộ, ấy là vì cái gì nó cũng có: một tí nước, một tí núi, một tí cá, một tí tiều phu, một tí lãng mạn, một tí hoang sơ, một tí chỉn chu, một tí hùng vĩ, một tí tí...
    Nhưng không phải cứ "một tí" là thích. Cho nên mới có hòn non bộ đẹp và hòn non bộ xấu.
    Một người chơi non bộ nói với tôi: hòn non bộ đẹp khác hòn non bộ xấu ở chỗ có để lộ ra cái tính chất "mỗi thứ một tí" đó của mình hay không. Hay nói cách khác nữa, hòn non bộ đẹp là thu vạn vật lại trên một đầu kim, trong khi hòn non bộ xấu là lấy kim chọc mỗi nơi một tí.
    Nếu bạn đang ở Hà Nội, bạn có thể đến Fansland, xem một bộ phim Việt Nam có tên là Vua Bãi Rác. Tôi gọi phim này thuộc nhóm "hòn non bộ xấu".
    **
    Khoảng 20 phút đầu của phim quả thật đã làm được cái mà các phim Việt Nam khác hiếm khi làm được, đó là: cuốn hút người xem.
    Câu chuyện mở ra bằng một anh chàng đi chơi gái. Anh gặp một cô gái trinh trắng, bị bố ép làm "gái". Anh đưa cô về nơi mình sống. Hệt như chuyện Vua Sáo, cô biết được người yêu mình chính là một ông vua, với vương quốc là bãi rác ngoại thành Hà Nội, cùng những thần dân móc rác một lòng kính nể, và những luật lệ chỉ có ở riêng đây...
    Quả thật, một cái tứ khởi đầu như thế đã có thể là một miếng mồi ngon cho nhiều nhà biên kịch. Chỉ khai thác đời sống lạ lùng ở bãi rác, cùng cá tính của ông vua rác kia thôi, mà khai thác đến cùng, hợp logic, thì đã có thể hấp dẫn hết sức; bởi đó là mảnh đất (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) mà đa phần chúng ta không biết gì về nó. (Chúng ta chẳng phải đã từng bị những phim về maphia, về gái điếm, về đua xe... thu hút sao? Với điều kiện, thông tin về những thế giới xa lạ ấy phải "thật", phải "giàu có"...)
    Nhưng trong Vua Bãi Rác, bạn chỉ gặp một bãi rác uể oải, nhợt nhạt, không mùi, thiếu thông tin, đến mức bạn có thể thay bãi rác bằng bãi gì cũng được: bãi bốc vác, khu chích hút, bãi cá... Có vẻ như một hôm, cái tứ hay hay "làm-vua-trên-đống-rác" bay qua đầu đạo diễn, và thế là ông quyết định xin kinh phí làm phim; Chứ bộ phim không phải là một sự thôi thúc đến điên người của tác giả, muốn làm cho được một bộ phim, để thể hiện cho hết những hiểu biết của mình về đời sống cơ cực tại bãi rác, về số phận một ông vua bãi rác; hay để trình bày một triết lý về người-trong-rác... đủ sâu, đủ đầy.
    Và có lẽ cũng là cái bệnh chung của phim ta. Hình như luôn luôn cái tứ (là cái tóm tắt trong 2- 3 dòng, đủ cho nghệ sĩ rung đùi) thì nhiều, còn phần tư liệu, phần vốn sống (là phần mồ hôi, khổ nhọc đi thực tế của nghệ sĩ) để nâng cái tứ đứng được, thì mỏng. Thiếu thông tin của bối cảnh xảy ra câu chuyện, thiếu một triết lý đủ sâu sắc và mạch lạc, chỉ với cái tứ đơn thuần và chút chi tiết hời hợt, người làm phim không tài nào đi hết được 90 phút phim.
    Ý chính không đủ lớn để đi hết đường, thì sa vào ôm đồm ý tưởng (vặt). Và thế là lâm vào thế "chọc mỗi nơi một tí" của hòn non bộ xấu. Quả thật, bộ phim "Vua Bãi Rác" như một người dùng một cái que cời rác chọc vào mỗi nơi một tí (sau khi đã chọc vào bãi rác một cách hời hợt): chọc vào du côn, chọc vào tình yêu, chọc vào tình người, chọc vào tranh vẽ, chọc vào (cả) nghệ thuật sắp đặt...
    Chọc vào mỗi nơi một tí xong hình như lại hoang mang, sợ mình không đủ cao, không đủ sâu, không đủ trữ tình, không đủ dữ dội..., và thế là cứ đắp thêm vào tiếp, tung ra tiếp trăm thứ bà rằn cho cái tư tưởng của phim dầy dặn lên, bề bộn lên.
    Nhưng, tung ra cho lắm rồi không quản nổi, nhân vật, tình huống như con nhà đông anh em, bỏ đi lúc nào, bất nhất lúc nào, chết lịm đi ở đâu..., đạo diễn cũng như buông tay, tặc lưỡi cho rồi. Phim cứ đuội dần, đuội dần theo các câu chuyện giải quyết vội vàng, đơn giản. Cái hấp dẫn trong khoảng 20 phút đầu đã bị cái ham muốn làm hòn non bộ đè cho nhợt nhạt suốt 70 phút còn lại.
    **
    Viết đến đây, tôi nhớ ra và phải nói ngay, rằng nếu bạn chưa xem, thì có lẽ bạn nên thuê băng về xem, một bộ phim của Mỹ có tên là "Chiến Hữu".
    Phim lâu rồi, cốt truyện không có chuyện. Chỉ là một quãng đời của một tay anh chị. Cả phim là lời kể. Toàn là những chuyện bình thường, sinh hoạt "bình thường": lấy vợ đẻ con buôn thuốc phiện giết người... của tay anh chị; và đạo diễn chỉ tập trung vào cái gọi là "chiến hữu" trong thế giới maphia ấy; Dùng tất cả kiến thức của mình về thế giới maphia, với dày đặc chi tiết đời sống (mà hẳn là đã phải khổ công tìm hiểu), cắm cúi đi theo một chủ đề, bám theo nó tới cùng. Xem xong phim, đảm bảo bạn sẽ ngẩn ngơ mất ít nhất nửa ngày, như nhớ lại một cuộc thám hiểm một thế giới lạ lùng, và ngẫm nghĩ mãi về điều mà đạo diễn muốn nói, (đạo diễn nói gì, tôi xin không nói lộ ra với bạn.)
    Nhưng thôi, đó là phim người ta, nói nhiều bạn lại bảo tôi là vọng ngoại. Quay lại với "Vua Bãi Rác", nếu bạn vẫn còn đọc tới đây, thì tôi khuyên bạn nên đi xem ngay phim này. Ít ra bạn được thấy 20 phút đầu hấp dẫn hiếm hoi của phim Việt Nam. Còn khoảng 70 phút sau, nếu bạn đang học lớp biên kịch trường Ðiện Ảnh, thì bạn thử làm bài tập này xem: rằng bạn có thể san bỏ bớt phần nào, đào sâu thêm khúc nào, để khối chất liệu làm phim đó không trở thành một hòn non bộ xấu.
  5. Dawson

    Dawson Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/06/2002
    Bài viết:
    46
    Đã được thích:
    0
    Ðỗ Minh Tuấn 24.09.2002
    Kiểu khán giả chọc rác
    (Trao đổi với Thảo Hảo)
    Lâu nay, người ta cứ có thói quen đọc tên phim để đoán nội dung phim. Cái tên phim trở thành cái bị để đựng ý tưởng phim.Vì thế, thấy tên phim là Vua bãi rác, Thảo Hảo vội bám vào đó để nằng nặc đòi phim phải đi sâu vào ý nọ tứ kia, nào là làm-vua-trên-đống-rác, nào là triết lý về người-trong-rác v.v.
    Thực ra, cái đầu đề chỉ là một cái quai để xách nội dung phim. Ðã có lúc, cũng vẫn là ngần ấy thông tin, vốn sống, ý tưởng, mồ hôi, bộ phim kia suýt được đặt tên là Con chim xanh thay vì Vua bãi rác. Sở dĩ có cái tên này vì trong phim có bài hát Con chim xanh anh xẩm hay hát, lại có con vàng anh tiếng hót bắt chước chuông điện thoại di động làm thằng bé thích. Con vàng anh cũng là một kiểu rác văn hoá vì tiếng hót tự nhiên đã bị ô nhiễm văn minh. Nhưng việc những người bới rác trong phim góp tiền mua con vàng anh về để dỗ trẻ con là chi tiết khắc hoạ tình thương đầy nhân bản. Ðến khi anh xẩm mù làm triển lãm sắp đặt lại xuất phát từ tình người với chị bán chuối để chỉ đạo hoạ sĩ kết một con chim xanh khổng lồ bằng lá chuối. Từ bài hát chim xanh cổ lỗ sĩ, đến con chim vàng anh thời thượng và cuối cùng tới con chim nghệ thuật tết bằng lá chuối là sự bập bềnh, lặn ngụp, cộng sinh của biểu tượng chim thuần khiết giữa bao nhiêu rác rưởi và ý tưởng. Ðó là cái tứ khác gợi ý một tên phim khác. Cũng may, nếu đặt tên là Con chim xanh thì chắc Thảo Hảo sẽ lại dè bỉu là phim về chim mà chỉ có tý chim mỏng dính, lẽ ra phải nhiều chim hơn, chim dày hơn, như bộ phim Tây kia làm về chim thật đã đời, lẽ ra phải khai thác cái tứ chim-trong-người, chim-báo-bão v.v..(!)
    Thảo Hảo lên lớp dạy nghệ sĩ trình bày thật nhiều chất liệu cuộc sống. Thật chẳng khác nào căn cứ vào khối lượng đồng của dàn nhạc nhà binh để đánh giá bản hoà tấu kèn đồng. Ðó là tư duy của các bà đồng nát. Thực ra, những người làm phim Vua bãi rác đã tước bỏ rất nhiều chất liệu "dày", " thực" về cuộc sống nơi bãi rác như cảnh ruồi bâu kín tivi, mỗi lần xem mặt các vị nguyên thủ quốc gia, các ca sĩ ngôi sao hay các cô hoa hậu các cư dân bãi rác lại phải "vén" ruồi ra, cảnh người bới rác nhặt được chiếc gối bẩn thỉu của một ông già bị bệnh con cháu vứt đi sau khi chết, mở ra thấy đầy tiền v.v. Một tác phẩm hay không phải là khúc dồi nhồi nhét chật căng vốn sống mà là sự sáng tạo ra những trật tự mới, những lô gích mới, có thể chỉ là những nét chấm phá theo kiểu phương Ðông để gợi ra cái thần của hiện thực. Trong Vua bãi rác, rác không phải là mục tiêu nghệ thuật mà chỉ là chất liệu như gỗ lũa hay gốc sắn vậy thôi. Một bức tượng bằng gỗ lũa hay gốc sắn bao giờ cũng có một phần gốc cây rễ cây để nguyên dạng. Ðó là 20 phút đầu phim. Người biết thưởng thức nghệ thuật không ai lại dí mắt vào gốc sắn để tiếc rẻ rằng giá mà những phần đã gọt tỉa để thăng hoa khỏi chất liệu thành bức tượng kia cũng đầy đủ gốc rễ như thế này thì hay quá.
    Tác phẩm nghệ thuật giống như một khối rubích, có người xoay được một hai mặt, có người khác lại xoay đủ sáu mặt sáu màu, có người không xoay được mặt nào thì bĩu môi chê cái rubích là tý xanh, tý đỏ, tý trắng, tý đen, người có máu văn phiệt hay thi phiệt thích áp đặt ý tưởng thì lại lớn tiếng phán rằng lẽ ra cái rubích phải có thêm mặt Y, màu Z. Cái đáng buồn cười của những văn phiệt này là họ luôn luôn có thái độ của người nghĩ rằng mình đã nắm được chân lý trong tay, rằng cách đọc, xem, nghe, thấy của mình là duy nhất, là chuẩn xác. Vì thế nên Thảo Hảo mới hồn nhiên khoe rằng mình nắm được ý tưởng của phim Chiến hữu nhưng giữ bí mật không nói cho người khác (!). Khi khuyên độc giả đi thuê băng Chiến hữu về xem (chứ không phải vào rạp mà xem), Thảo Hảo đã để lộ văn hoá màn ảnh nhỏ đằng sau những động tác ăn theo áp đặt kia. Người xem băng video thường không chịu ngồi yên cho hình tượng điện ảnh tác động theo cách của nó như khi xem phim trong rạp, mà luôn luôn can thiệp vào tác phẩm (điều chỉnh màu sắc và ánh sáng, tắt tiếng để vừa xem vừa tiếp khách, bật tiếng oang oang để ngồi trong toa-let theo dõi tiếp chuyện phim, tua ngược để xem thêm đoạn nọ, tua nhanh đi để bỏ qua đoạn kia). Nói theo cách làm xiếc chữ nghĩa của Thảo Hảo thì đây cũng là một kiểu khán-giả-non-bộ : tý toa lét, tý giường ngủ, tý chủ nhà, tý đầu bếp, tý bệnh nhân, tý người hâm mộ... Hắn ta cầm cái điều khiển như cầm que chọc rác, chọc kênh này một tý, chọc kênh kia một tý, chọc vào màu sắc, chọc vào âm thanh, bới ngược bới xuôi để nhăm nhăm khều lấy những thứ mà mình thích.
    Bản chất của kiểu khán-giả-chọc-rác này là hắn ta không thể xem đến nói đến chốn một bộ phim mà luôn ngọ nguậy muốn phá nát bộ phim để áp đặt ý mình. Với đại chúng, điều ấy là bình thường, tiện lợi vì thực ra ti vi cũng chỉ như cái chuồng nuôi gà vịt tinh thần trong nhà để vặt lông, cắt tiết hàng ngày. Nhưng nếu ai đó ảo tưởng rằng mình có thể đem bộ phận điều khiển ti vi và cái cốt cách xem đĩa xem băng vào rạp xi-nê để sáng tạo lại bộ phim nhựa đang chiếu trên màn ảnh rộng thì đó là một hội chứng vĩ cuồng của nghệ sĩ Ka ra ô kê, ngồi trong rạp xem nhạc sống vẫn cứ đòi tắt lời ca của ca sĩ đi để ông ổng hát theo nhạc đệm và lấy đó làm hãnh diện.
    (Thể thao-Văn hoá, 24.09.2002)
  6. Trinity

    Trinity Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    22/07/2001
    Bài viết:
    506
    Đã được thích:
    0
    Cái post của em vốn dĩ là Nhân và được dùng làm nhân chứ không phải Quả đâu bác Kòi ạ. Em cũng định post nốt mấy cái * để ai quan tâm cuối tuần có thứ giải trí, nhưng chưa kịp manh động thì bác Đao đã ra tay trước rồi. Em cảm ơn bác.
  7. falling-rain

    falling-rain Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2002
    Bài viết:
    1.197
    Đã được thích:
    0
    Các bác type lại hay copy thẳng từ site xuống vậy? Nếu copy thì cho tớ xin cái site báo Thể thao Văn hoá được không? Thanks các bác!
    FR
  8. Koibeto81

    Koibeto81 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    02/01/2002
    Bài viết:
    1.250
    Đã được thích:
    0
    Em cám ơn bác Dawson, đã tìm và post hai bài tranh luận giữa bác Đỗ Minh Tuấn và bác Thảo Hảo...phục vụ em và các bác khác có quan tâm
    Giờ ta sang phần cãi nhau bác nhé
    Cho rằng đạo diễn phim Vua ăn mày - Đỗ Minh Tuấn ko nên phản ứng trước dư luận mà cụ thể ở đây là bài chê bai của tác giả nhưng bài viết này của t/g Thảo Hảo có khác nào hành động đáng phê phán trong bài báo trên đâu? Khuyên người ta phải chịu, khuyên người ta đã "vứt con ra giữa chợ thì phải chấp nhận cả lời khen lẫn lời chê...trong khi tác giả (Thảo Hảo) viết và cho đăng bài báo trên với mục đích gì nếu ko phải là " Ai cho mày chê con tao xấu? "
    Thử hỏi đạo diễn **T im lặng thì tác giả sẽ yên trí rằng mình chê đúng? rằng đứa con "Vua ăn mày " thực sự là đứa con xấu?
    Thật là nực cười !
    Đoạn này bác viết rất khó hiểu, nhưng đã chấp nhận cãi nhau với bác, em cũng đành cố hiểu vậy. Theo em thấy, đoạn trên của bác có hai ý chính :
    1. Bác Thảo Hảo viết bài *** trả lời cho bài ** đối với bài * của mình là đã vô tình rơi vào một cái vòng luẩn quẩn do chính bác ý vẽ ra. Cụ thể thì cái vòng đó nó là thế này, bác Thảo Hảo viết bài *** nhằm mục đích nhắc khéo bác Đỗ Minh Tuấn là cần cẩn thận với căn bệnh Ai cho mày chê con tao xấu !!!. Tuy nhiên, theo bác Dawson, bác Thảo Hảo làm vậy thì lại chứng tỏ là chính bác ta cũng đang mắc làm căn bệnh Ai cho mày chê con tao xấu !!!.
    2. Bác Thảo Hảo thật nực cười khi yêu cầu bác Đỗ Minh Tuấn không nên, không được...bảo vệ con đẻ của mình kể cả khi đứa con đó bị Chê là một kiểu "non bộ xấu". Bác Thảo Hảo cũng lại thật nực cười ở chỗ dám "yên chí là mình chê đúng", dám cho rằng "đứa con Vua Ăn Mày thực sự là đứa con xấu", cho nên bác Đỗ Minh Tuấn bênh con là không có nực cười tẹo nào hết.
    Bác Dawson, em hiểu ý bác như vậy, có gì sai thì bác chỉ cho em để em sửa còn nếu đúng thì bác cũng ừ một tiếng để em biết đường em trả lời cho đoạn đó của bác...Báo cáo bác, em là em định bênh bác Thảo Hảo một phát đấy bác ạ.
    Tiếp nhé...
    Những gì báo chí nói thì ko nên(được) phản ứng lại? Không được quyền phản đối?
    Bác hiểu sai ý bác Thảo Hảo rồi bác ạ...bác xem lại xem. Nếu xem lại mà vẫn không hiểu tại sao em bảo bác sai, bác bảo em một câu, em sẽ chỉ cho bác thấy bác sai ở đâu.
    Đoạn cuối...
    Chưa hết , đoạn này mới buồn cười và ngây ngô nữa:
    "Chưa kể còn hàng ngàn khán giả âm thầm khen mà mình không biết (tại họ không viết thành bài), và cũng không loại trừ được trường hợp xấu là có hàng ngàn khán giả khác đang chê ở nhà mà mình không hay. Hì hục phá cái chóp con của tảng băng trôi làm gì cho nó mệt. "
    Giọng văn đầy giọng Akay và thiếu lý lẽ thuyết phục này có lẽ dùng để nói khi tán gẫu thì được. Không hiểu đã có bài viết nào đáp trả bài viết vừa rồi của tác giả Thảo Hảo chưa nhỉ?

    Em dốt...nên phiền bác chỉ rõ cho em một vài điểm sau : đoạn đó nó "buồn cười và ngây ngô" ở chỗ nào? Nó "thiếu lý lẽ thuyết phục" ở điểm nào? Tại sao kiểu lập luận này lại "có lẽ" được "dùng để nói khi tán gẫu"? Dựa vào đâu bác suy ra rằng tình cảm chủ đạo của bác Thảo Hảo khi viết đoạn này là...Akay?
    Em chờ câu trả lời của bác !!!
    ( * : bài đầu tiên của bác Thảo Hảo, chê bộ phim Vua Bãi Rác của bác Đỗ Minh Tuấn.
    ** : bài viết của bác Đỗ Minh Tuấn trả lời cho *
    *** : bài "Ai cho mày chê con tao xấu" của bác Thảo Hảo.)
    PS: bác Trinity...có bài gì hay nữa bác cứ Post lên đi, em lấy làm tư liệu em cãi nhau chơi.
    Về chuyện Nhân Nhân Quả Quả...nếu bác thích cãi nhau với em về chuyện này, bác cũng cứ nói để em tính. Thực ra chả có gì để cãi nhau về Nhân với Quả ở đây hết, ý em đúng, ý bác cũng đúng...có điều không đúng giống nhau thôi
    Cuối cùng, bác nào mà còn gọi em là Kòi thì ...
    Sống...đi tìm C(g)ái đẹp

    Được koibeto81 sửa chữa / chuyển vào 04:56 ngày 18/10/2002
  9. Dawson

    Dawson Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/06/2002
    Bài viết:
    46
    Đã được thích:
    0
    Xin lỗi mọi người vì tôi post mà quên không trích dẫn nguồn. Xin được bổ sung : Hai bài tôi post ở trên copy từ www.talawas.org.
    Giờ ta sang phần cãi nhau bác nhé ===> Định rủ rê cãi nhau à? Tôi không biết cãi nhau. Làm thế nào bây giờ nhỉ?
    ====> Hiểu sai rồi à? Thế ý của bác Thảo Hảo (theo Koi hiểu ) là thế nào? ( Đã hỏi lại bác Thảo Hảo chưa ko bác ấy lại bảo Koi hiểu nhầm thì khổ )
    Koi ko thấy buồn cười và ngây ngô à? Cũng phải. Koi ko phải là tôi. Giống như đọc một truyện cười , người thì cười rũ rượi, người thì ko hề nhếch mép. Thế thì ai dốt? Chả ai dốt cả. Tại trung tâm điều khiển gây cười hoạt động khác nhau thôi
    Nói túm lại, Ai cho Koi chê con tui xấu?
  10. Trinity

    Trinity Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    22/07/2001
    Bài viết:
    506
    Đã được thích:
    0
    Đồng chí có chiện gì mà bức bối xế huh? ??oAi cho bác gọi em là Kòi????
    À bác Dawson này, mọi sự so sánh, tất nhiên rồi, đều khập khiễng, nhưng cứ giả thử đặt mình vào hoàn cảnh của ông ĐD Đỗ Minh Tuấn thì bác sẽ xử sự thế nào, sau khi đã thưởng thức ??oCái bệnh hòn non bộ????

    Đêm chờ ánh sáng
    Mưa đòi cơn nắng
    Mặt trời lấp lánh trên cao vừa xa vừa gần

    Được trinity sửa chữa / chuyển vào 01:48 ngày 19/10/2002

Chia sẻ trang này