1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ai đã đọc " Nhân trường hợp chị thỏ bông"? Ai thích Thảo Hảo?

Chủ đề trong 'Văn học' bởi rantanflan, 28/07/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. itakeni

    itakeni Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    521
    Đã được thích:
    0
    bạn post lên cho đọc ké với, đang thích ..
    ai co'' ba`i To^i muo^''n đo*`i to^i ma`u gi` post le^n luo^n đi, ca''m o*n nhe''
    Được itakeni sửa chữa / chuyển vào 20:42 ngày 05/09/2004
  2. dom_rocker

    dom_rocker Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/02/2003
    Bài viết:
    946
    Đã được thích:
    0
    Toàn các em "nữ sinh và tương lai" ,fan hoa học trò 2 lặn lội văn chương topic này à, khiếppppppppppppp...
    Vàng Anh vừa viết vừa cưa sừng làm nghé, tỏ ra khôn ngoan lanh lợi cuối cùng cũng chẳng bằng ai.
    Trừ " mèo con đi học chẳng mang cái gì " ra thì chả được cái gì ra hồn.
    Bỏ đi cho lớn lên các bé ạ
    Đọc Y Ban cho sắc sảo lên, đọc Thu Huệ cho buồn đi, đọc Ngọc Tư cho hồn nhiên nữa các bé nhé...
    Thương ghê cơ...
  3. BupBeDepXinh

    BupBeDepXinh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/06/2003
    Bài viết:
    1.046
    Đã được thích:
    0
    Em bé này tốt nghiệp ĐH được mấy năm rồi mà mạnh mồm thế nhỉ? Hay vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường mà phê phán các chị ghê thế? Haha, đọc Thu Huệ cho buồn đi hả, kiểu này em chưa đi thự c tế rồi, thực tế còn ghê hơn mấy cái Hậu Thiên Đường của Thu Huệ nhiều, đọc Ngọc Tư thấy hồn nhiên hả, đây chỉ thấy "mệt" thêm thôi, những câu chuyện cậu Năm cậu Bảy đờn ca tài tử mệt quá à.
  4. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0
    Thôi các bác ạ cho em xin đi.... dĩ hoà vi quý.... thích cũng được mà không thích cũng chả sao! Vậy nhé!
    Trời ạ đọc lại mấy bài viết của Thảo Hảo không nhịn được cứ phải viết cái gì đấy cho bà con xem. Trời ạ (lại trời ạ...) hay quá nhỉ, dù là cái thông tin đã nguội ngắc nguội ngơ mà đọc lại trong lòng cứ thấy hôi hổi thế nào ấy... Mới biết ai dám bảo bút không sắc, ngày xưa cụ đồ Chiểu đã từng bảo "Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà". Còn hôm nay Thảo Hảo đâm mấy thằng tham, mấy thằng thiếu trách nhiệm, mấy thằng chơi tình vờ... qua cách viết có thể thấy Thảo chắc đa đoan lắm đây. Chỉ tiếc có một điều gai góc quá. Phụ nữ mà như vậy là khổ... Còn điều nữa cô viết nhiều nên không tinh, vẫn có bài thấy hơi ép, gượng chút... chắc tại thiếu ý đâm ra nhàm và hơi nhạt chút (mà cũng chẳng biết có phải do mình đọc Thảo Hảo nhiều quá hay không). Nhưng không đáng kể, vậy là hay lắm rồi...
    honghoavi
  5. laterain

    laterain Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/07/2004
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    hix hix, chờ mỏi mắt không thấy honghoavi post lên cho anh em xem ké với.
    Tớ cũng thích Phan Thi Vàng Anh lắm đây.
    Mà ai bảo đọc văn Nguyễn Ngọc Tư cho hồn nhiên thì đúng là chưa hiểu NNT thật. Truyện NNT đằm thắm mộc mạc mà sâu, nhiều khi đọc xong lặng cả người, thương, buồn, cảm, nhớ, ...
  6. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0
    Đây theo yêu cầu của bakon....
    Thảo Hảo 20.09.2002
    Cái bệnh hòn non bộ
    Năm nào cũng thế, cứ đến dịp Tết là có hội Hoa Xuân, thi mai kiểng, lan đủ màu, với hòn non bộ. Tôi rất thích xem khu hòn non bộ. Ðúng như một bài viết, lâu rồi (của nhà văn Sơn Nam? Trên Tuổi Trẻ?), đã giải thích vì sao người ta thích hòn non bộ, ấy là vì cái gì nó cũng có: một tí nước, một tí núi, một tí cá, một tí tiều phu, một tí lãng mạn, một tí hoang sơ, một tí chỉn chu, một tí hùng vĩ, một tí tí...
    Nhưng không phải cứ "một tí" là thích. Cho nên mới có hòn non bộ đẹp và hòn non bộ xấu.
    Một người chơi non bộ nói với tôi: hòn non bộ đẹp khác hòn non bộ xấu ở chỗ có để lộ ra cái tính chất "mỗi thứ một tí" đó của mình hay không. Hay nói cách khác nữa, hòn non bộ đẹp là thu vạn vật lại trên một đầu kim, trong khi hòn non bộ xấu là lấy kim chọc mỗi nơi một tí.
    Nếu bạn đang ở Hà Nội, bạn có thể đến Fansland, xem một bộ phim Việt Nam có tên là Vua Bãi Rác. Tôi gọi phim này thuộc nhóm "hòn non bộ xấu".
    **
    Khoảng 20 phút đầu của phim quả thật đã làm được cái mà các phim Việt Nam khác hiếm khi làm được, đó là: cuốn hút người xem.
    Câu chuyện mở ra bằng một anh chàng đi chơi gái. Anh gặp một cô gái trinh trắng, bị bố ép làm "gái". Anh đưa cô về nơi mình sống. Hệt như chuyện Vua Sáo, cô biết được người yêu mình chính là một ông vua, với vương quốc là bãi rác ngoại thành Hà Nội, cùng những thần dân móc rác một lòng kính nể, và những luật lệ chỉ có ở riêng đây...
    Quả thật, một cái tứ khởi đầu như thế đã có thể là một miếng mồi ngon cho nhiều nhà biên kịch. Chỉ khai thác đời sống lạ lùng ở bãi rác, cùng cá tính của ông vua rác kia thôi, mà khai thác đến cùng, hợp logic, thì đã có thể hấp dẫn hết sức; bởi đó là mảnh đất (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) mà đa phần chúng ta không biết gì về nó. (Chúng ta chẳng phải đã từng bị những phim về maphia, về gái điếm, về đua xe... thu hút sao? Với điều kiện, thông tin về những thế giới xa lạ ấy phải "thật", phải "giàu có"...)
    Nhưng trong Vua Bãi Rác, bạn chỉ gặp một bãi rác uể oải, nhợt nhạt, không mùi, thiếu thông tin, đến mức bạn có thể thay bãi rác bằng bãi gì cũng được: bãi bốc vác, khu chích hút, bãi cá... Có vẻ như một hôm, cái tứ hay hay "làm-vua-trên-đống-rác" bay qua đầu đạo diễn, và thế là ông quyết định xin kinh phí làm phim; Chứ bộ phim không phải là một sự thôi thúc đến điên người của tác giả, muốn làm cho được một bộ phim, để thể hiện cho hết những hiểu biết của mình về đời sống cơ cực tại bãi rác, về số phận một ông vua bãi rác; hay để trình bày một triết lý về người-trong-rác... đủ sâu, đủ đầy.
    Và có lẽ cũng là cái bệnh chung của phim ta. Hình như luôn luôn cái tứ (là cái tóm tắt trong 2- 3 dòng, đủ cho nghệ sĩ rung đùi) thì nhiều, còn phần tư liệu, phần vốn sống (là phần mồ hôi, khổ nhọc đi thực tế của nghệ sĩ) để nâng cái tứ đứng được, thì mỏng. Thiếu thông tin của bối cảnh xảy ra câu chuyện, thiếu một triết lý đủ sâu sắc và mạch lạc, chỉ với cái tứ đơn thuần và chút chi tiết hời hợt, người làm phim không tài nào đi hết được 90 phút phim.
    Ý chính không đủ lớn để đi hết đường, thì sa vào ôm đồm ý tưởng (vặt). Và thế là lâm vào thế "chọc mỗi nơi một tí" của hòn non bộ xấu. Quả thật, bộ phim "Vua Bãi Rác" như một người dùng một cái que cời rác chọc vào mỗi nơi một tí (sau khi đã chọc vào bãi rác một cách hời hợt): chọc vào du côn, chọc vào tình yêu, chọc vào tình người, chọc vào tranh vẽ, chọc vào (cả) nghệ thuật sắp đặt...
    Chọc vào mỗi nơi một tí xong hình như lại hoang mang, sợ mình không đủ cao, không đủ sâu, không đủ trữ tình, không đủ dữ dội..., và thế là cứ đắp thêm vào tiếp, tung ra tiếp trăm thứ bà rằn cho cái tư tưởng của phim dầy dặn lên, bề bộn lên.
    Nhưng, tung ra cho lắm rồi không quản nổi, nhân vật, tình huống như con nhà đông anh em, bỏ đi lúc nào, bất nhất lúc nào, chết lịm đi ở đâu..., đạo diễn cũng như buông tay, tặc lưỡi cho rồi. Phim cứ đuội dần, đuội dần theo các câu chuyện giải quyết vội vàng, đơn giản. Cái hấp dẫn trong khoảng 20 phút đầu đã bị cái ham muốn làm hòn non bộ đè cho nhợt nhạt suốt 70 phút còn lại.
    **
    Viết đến đây, tôi nhớ ra và phải nói ngay, rằng nếu bạn chưa xem, thì có lẽ bạn nên thuê băng về xem, một bộ phim của Mỹ có tên là "Chiến Hữu".
    Phim lâu rồi, cốt truyện không có chuyện. Chỉ là một quãng đời của một tay anh chị. Cả phim là lời kể. Toàn là những chuyện bình thường, sinh hoạt "bình thường": lấy vợ đẻ con buôn thuốc phiện giết người... của tay anh chị; và đạo diễn chỉ tập trung vào cái gọi là "chiến hữu" trong thế giới maphia ấy; Dùng tất cả kiến thức của mình về thế giới maphia, với dày đặc chi tiết đời sống (mà hẳn là đã phải khổ công tìm hiểu), cắm cúi đi theo một chủ đề, bám theo nó tới cùng. Xem xong phim, đảm bảo bạn sẽ ngẩn ngơ mất ít nhất nửa ngày, như nhớ lại một cuộc thám hiểm một thế giới lạ lùng, và ngẫm nghĩ mãi về điều mà đạo diễn muốn nói, (đạo diễn nói gì, tôi xin không nói lộ ra với bạn.)
    Nhưng thôi, đó là phim người ta, nói nhiều bạn lại bảo tôi là vọng ngoại. Quay lại với "Vua Bãi Rác", nếu bạn vẫn còn đọc tới đây, thì tôi khuyên bạn nên đi xem ngay phim này. Ít ra bạn được thấy 20 phút đầu hấp dẫn hiếm hoi của phim Việt Nam. Còn khoảng 70 phút sau, nếu bạn đang học lớp biên kịch trường Ðiện Ảnh, thì bạn thử làm bài tập này xem: rằng bạn có thể san bỏ bớt phần nào, đào sâu thêm khúc nào, để khối chất liệu làm phim đó không trở thành một hòn non bộ xấu.
    honghoavi
  7. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0
    Và đây nữa...
    Thảo Hảo 25.10.2002
    Nhân trường hợp chị thỏ bông
    Bạn tôi, vợ về quê thăm mẹ. Anh ở nhà, vào đúng ngày chủ nhật, thì buồn. Alô cho một người bạn, và cả hai đi mát-xa.
    Cô gái làm mát-xa cho anh rất xinh, mặt tỉnh bơ, vừa làm vừa kể chuyện cười. Cô kể chuyện chị thỏ bông đi lạc.
    "Chị thỏ bông có chồng là anh thỏ bông. Một hôm chị thỏ bông đi vào rừng tìm cà rốt. Lúc quay trở ra thì bị lạc. Chị đi một đoạn thì gặp anh thỏ trắng. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ trắng bảo, ''muốn biết thì ở lại đây đêm nay''. Chị thỏ bông đành ở lại.
    Ngày hôm sau, chị đi tiếp, mãi vẫn không thấy đường. Chị nhìn thấy anh thỏ nâu. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ nâu nói, ''muốn biết thì ở lại đây đêm nay''. Chị thỏ bông cắn răng ở lại đấy một đêm.
    Hôm sau nữa, chị đi tiếp. Vẫn lạc đường. Lần này thì gặp anh thỏ đen. Chị đến hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ đen cũng nói, ''muốn biết thì ở lại đây đêm nay''. Chị thỏ đen tặc lưỡi ở lại.
    Sáng hôm sau, chị tỉnh dậy, và lên đường. Ði được một đoạn thì thấy nhà, với anh thỏ bông đang đánh răng trước cửa. Chị về nhà được hai hôm thì biết mình có mang."
    Cô mát-xa đố: "Em đố anh, con của chị thỏ bông sẽ có màu gì?"
    Bạn tôi đoán, cà phê sữa bông, khoang đen bông..., mãi cũng sai, đành hỏi cô.
    Cô bảo: "Muốn biết thì ở lại đây đêm nay".
    Ðương nhiên là bạn tôi không phải thỏ bông nên không ở lại. Chỉ cười khà khà, tí sau rút ví ra, cho tiền boa, và về kể tôi nghe, tấm tắc khen mãi cô gái massage tinh ranh làm anh buồn cười - cái việc mà cả mấy năm nay vợ anh không làm được.
    *
    Thưa chị em phụ nữ,
    Không làm chồng cười được là một cái tội rất to. Nó khiến cho chồng các chị phải đi tìm nụ cười ở những nơi khác. Và đó là một cái quyền của đàn ông.
    Cái này không phải là mình tôi nghĩ ra và phát ngôn. Mà điều này, báo (dành cho phụ nữ) nào cũng có nói. "Khi anh ấy có người khác, bạn hãy xem lại mình." Nghe như một châm ngôn.
    Bởi vì các chị không biết kể chuyện chị thỏ bông, cho nên các anh phải đi nghe người khác kể lại câu chuyện ấy.
    Bởi vì các chị không biết mát-xa, cho nên các chị không thể cấm các anh đi mát-xa.
    Bởi vì các chị không biết quá nhiều thứ nên các anh phải đi lấy kiến thức từ nơi khác.
    Bởi vì các chị biết quá nhiều thứ nên các anh sẽ đi phổ biến kiến thức cho nơi khác.
    Bởi vì các chị quá hiền,
    Bởi vì các chị quá dữ,
    Bởi vì các chị quá ngăn nắp,
    Bởi vì các chị quá bừa bộn...
    Kiểu gì, như báo đã nói, cũng là lỗi của các chị thôi.
    Và báo (có lẽ đã ăn hối lộ của đàn ông) mà đề cao quá sức cái công dung ngôn hạnh, gần như đặt hẳn các chị lên bàn thờ, khiến các chị không leo xuống được để đấu tranh bình đẳng với đàn ông, cho nên các chị đành ở đó mà vui vầy với bếp núc cùng con cái.
    Trong khi đó,
    Thưa các chị,
    Một món quà nhân ngày phụ nữ mà tôi muốn tặng cho các chị, dù mở ra các chị có thể nhăn mặt, thấy vô đạo đức, gói lại không nhận, là phần phân tích sau vụ việc chị thỏ bông vừa qua để các chị biết thực lực các chị đến đâu:
    Các chị dễ rơi vào tình huống "chị thỏ bông" hơn các anh
    Có lẽ, chẳng ai nói cho chồng các chị biết rằng: phụ nữ có khả năng sa ngã hơn đàn ông rất nhiều. Lại không phải kiểu sa ngã ăn-bánh-trả-tiền-một-lần-rồi-quên như đàn ông, mà đây là sa ngã tinh thần, thương thương nhớ nhớ mà chồng các chị có biết thì chỉ có nát tim gan. Không báo nào răn đe người đàn ông rằng nếu anh cứ để bụng bia đi lại nghênh ngang trong nhà mà quăng quật vợ, thì vợ anh, tuy cúi mặt hiền thục nấu ăn trong bếp cho anh đó, nhưng tâm trí là hướng về người khác rồi; như một nơi an ủi, như một chốn yêu thương; chỉ rất may cho anh, rằng chị đã ở cái thế "bàn thờ" của phụ nữ Á đông, nên ít khi để cho mọi việc đến nơi đến chốn, chứ còn không thì...
    2. Luôn có những người khác mà chị không biết
    Chị thỏ bông chỉ cần đi ra đường cũng đã thấy muôn sắc thỏ đón chào mình. Anh thỏ bông có thể thấy vợ là nhàm, nhưng những anh thỏ khác thì không thế.
    Các chị cũng thế, để ra một ngày nhìn quanh mình đi, rồi các chị sẽ thấy, nếu các chị bật đèn xanh, sẽ có vài người đàn ông mong được các chị cười với họ một cái, hay ăn một bữa cơm của các chị nấu, hay được các chị xoa đầu.
    Lâu nay các chị vẫn được giáo dục trở thành một bông hồng duy nhất cho một người duy nhất. Ðó hình như là chiến lược của cánh đàn ông. Ðàn ông không nói với các chị rằng, nếu càng nhiều người ngắm, thì họ càng quý bông hồng của mình. Không đời nào họ nói như thế. Họ chỉ muốn an toàn, nên cố hướng dẫn các chị nở mãi một cách, tỏa hương mãi một loại; loại nào, cách nào công dung ngôn hạnh tiết liệt nhất. Thế rồi sau đó, khi đã đúc được chị thành bông hoa nhựa rồi, họ lại chỉ muốn tìm đến những bông hoa dại biết kể chuyện thỏ bông.
    Thường bao giờ họ cũng bắt các chị lựa chọn: hoặc là hoa dại và không có anh ấy, hoặc là thành hoa nhựa và có anh ấy; các chị sẽ chọn ngay con đường hoa nhựa.
    Các chị không biết, rằng nếu các chị cứng đầu làm hoa dại, thì các chị sẽ không mất gì cả, mà còn kích thích người ta giữ các chị lại hơn.
    Gia đình còn hay mất là do đạo đức các chị
    Chị thỏ bông có cái khả năng đi ba đêm về mà anh thỏ bông vẫn không biết, và trên đường có rất nhiều anh thỏ đen, nâu, trắng sẵn sàng rủ chị phiêu lưu. Cái gia đình thỏ bông thật ra còn hay mất là do chị, do đạo đức của chị đến đâu. Chị thỏ bông hoàn toàn có thể tạo ra những vụ việc đi lạc lần nữa để phiêu lưu mà chẳng mất gì. Nhưng trời phú cho chị thỏ bông (cũng như cho các chị em phụ nữ) cái khả năng nghĩ về đạo đức rất mạnh, cho nên anh thỏ bông mới còn vợ cùng nhai cà rốt với mình.
    **
    Tóm lại:
    Sau vụ việc chị thỏ bông này, hẳn các anh đã thấy mình cũng cần cảnh giác mà giữ vợ?
    Bởi vì con đường hư hỏng của phụ nữ không cần mất công như các anh đâu. Theo một thống kê mật, những lời đề nghị của phụ nữ được chấp nhận tới 8/10, trong khi đàn ông chỉ có 1.5/10 mà thôi.
    Bình đẳng với phụ nữ là cho họ biết vũ khí mà họ có, và để họ tùy nghi xử dụng sau khi đã cân nhắc được mất.
    Hôm nay, nhân vụ chị thỏ bông, tôi lấy lại chút bình đẳng cho các chị. Còn bây giờ, tôi phải đi. Có người đang đợi tôi để hỏi: muốn làm hoa dại hay hoa nhựa.
    Tôi nghĩ kỹ rồi. Tôi chỉ hung hăng thế thôi. Ðể không mất anh ấy, tôi sẽ làm hoa nhựa.
    (Thể thao-Văn hoá 18.10.2002)
    honghoavi
  8. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0
    Tiếp đê...
    Thảo Hảo
    Tôi muốn đời tôi mầu gì?

    Ngày đầu năm lạnh ngăn ngắt, nhận được rất nhiều lời chúc: hạnh phúc, sức khỏe, may mắn, thành đạt?, xong rồi ra đường, mắt đeo cái kính xanh nên nhìn gì cũng xanh xanh. Ngoài đường, ai nấy áo lạnh, đèo trẻ con che mặt bằng khăn voan trông thật đáng yêu.
    Chúc Mừng Năm Mới!
    Nhưng năm mới là gì?
    Mới hôm qua ngồi trên tàu, nghe trộm tầng dưới, có hai người nói với nhau, "năm mới là một lời đếm ngược nữa, ăn lậm vào tuổi đời có hạn của mình, có gì đáng mừng? Chẳng lẽ tiêu dần đến những đồng tiền cuối mà lại hỉ hả!" Lúc ấy đã định trèo xuống mà cãi lại, thôi đi hai ông, cái thói bi quan. Đời thì có hạn, chẳng phải đã biết trước rồi sao? Sao cứ nấn ná không muốn rời, đến mức thấy gì cũng là buồn chán! Thật chẳng khác gì trẻ con, mẹ cho về quê một tuần. Trước khi đi đã cam kết đàng hoàng, đến ngày thứ năm, nghĩ tới cảnh sắp về lại thành phố mà não nề, mếu máo nì nèo, đến mất cả vui hai ngày còn lại.
    Sáng nay, tôi đi vung vẩy trên đường với cái kính xanh, nghĩ đến việc mình thế là đã có mặt trên đời chừng ấy năm, mà lòng vui quá. Nhưng chừng ấy năm đã trải được gì? Chẳng được gì nhiều. Vẫn chỉ quanh quẩn thành phố lớn, cơ quan tốt, bạn bè hiền. Buồn thì cũng có lúc, nhưng cũng chẳng được lâu. "Thế thì muốn gì?" Bạn sẽ hỏi. "Muốn bất hạnh hả? Muốn đói khát hả?" Và bạn chắc đang chửi rủa tôi, "đúng cái đồ tiểu tư sản!"
    Chẳng ai muốn khổ cả. Nhưng nghĩ đến lúc nhắm mắt xuôi tay mà vẫn không biết thế nào là khổ, thì chắc cũng giống như đi du lịch mạo hiểm về, hỏi có leo núi không. Không. Hỏi có vượt thác không. Không. Hỏi có cảm giác rùng mình không. Cũng không. Chỉ có cảm giác vui vui nhàn nhạt, rồi mỉm cười nhắm mắt.
    Không, nếu được nói trắng trợn ra mà không bị mắng, thì cho sống êm đềm bằng phẳng như thế tôi không muốn sống. Tôi chỉ có mỗi một cuộc đời, nên muốn được thử nhiều kinh nghiệm, trải lắm cảm giác. Nhưng tôi cũng lại không muốn đời mình kết thúc trong nghèo khổ, bệnh hoạn triền miên. Tôi muốn như phim rẻ tiền kìa, rùng rợn ly kỳ, mà nhân vật chính lúc nào cũng thoát ra, sống nhăn, phẳng phiu. Tôi muốn khi sang tới thế giới bên kia (nếu quả thực có thế giới bên kia), mình phải là một con ma có nhiều chuyện để kể.
    *
    Nếu được chia thế giới, tôi sẽ chia làm hai: một nửa có Năm Mới cho những người mừng năm mới (trẻ con đang lớn, thanh niên đợi đủ tuổi có bằng lái xe?), và một nửa không Năm Mới, cho những người không muốn nghĩ tới quỹ thời gian mình đang cạn (thí dụ như hai cái ông đi tàu kia).
    Với nửa chia thứ hai này, nhìn từ trên xuống, người ta như đi triền miên trên một tấm thảm dài, không ngắt đoạn tháng, năm, chỉ liên tục ngày và đêm luân chuyển. Từ một đường dọc giữa thảm tỏa ra hai bên là nhiều lối rẽ tự chọn. Thường trời sáng người ta tạt vào lối rẽ cơ quan, ghé hàng ăn, trời tối thì đi chơi rồi tạt vào giường ngủ. Những hoạt động như thế làm nên những đường dệt nền. (Cẩn thận: làm mãi một cơ quan, sống mãi một nơi, ăn mãi một quán? sẽ cho một tấm thảm đời tẻ nhạt!) Thỉnh thoảng, những biến cố rơi xuống trên mặt thảm: bệnh tật, nhặt được tiền, có người xéo lên thảm của mình,? tạo những hoa văn đặc biệt, nhưng dù sao cũng vẫn chỉ là những hoa văn "ngẫu nhiên". Muốn có những hoa văn cổ quái, màu sắc cực kỳ tăm tối hay vô cùng rực rỡ thì phải dấn thân mà tự dệt? Hết một đời, tấm thảm mỗi người được cuộn lại. Có tấm sặc sỡ sau đó được mở ra mở vào mãi. Có tấm chán mắt bị đóng mãi im lìm. Lại có tấm bị bỏ qua oan uổng?
    "Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông", tôi thì trong một đoạn ngắn có 700 chữ đã lặp lại hai lần cái ước muốn được sống một cuộc sống "giật gân" hơn bây giờ. Bập bềnh nổi sóng nhè nhẹ mãi thế này, tôi chán quá đi mất.
    Nhưng mà, chúc mừng năm mới chẳng ai chúc nhau: "Một năm ly kỳ, gay cấn." Lại nghĩ, người tiền sử chui vào hang đá là để tránh sấm sét, mưa giông. Người hiện đại chui ra ngắm trời chẳng lẽ lại mong hứng mưa giông sấm sét! Đấy, cuộc cách mạng thay đổi đời sống của tôi mới đi đến 2/3 bài cũng đã bị chính tôi dập tắt. Những nghĩ ngợi lưỡng lự, nhút nhát cứ thế mà làm tấm thảm đời tôi nhìn từ trên xuống hẳn toàn những hoa văn nửa chừng, màu nhu nhu, loại để cắt ra lót ấm trà.
    Và cũng cứ như thế, đến năm sau, cũng trên cái báo này, thể nào bạn cũng gặp lại tôi cho mà xem; lại như bao nhiêu người, than vãn cho một năm cũ chưa làm gì được, một năm cũ thiếu sắc màu? và đổ hết gánh nặng hy vọng lên đầu một năm mới sắp đến.
    Thể thao-Văn hoá, 13.01.2004
    honghoavi
    Được honghoavi sửa chữa / chuyển vào 17:41 ngày 06/09/2004
  9. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0
    Híc chẳng biết lúc này sao server cứ busy hoài....
    Chứ nếu không post nhiều nhiều lên cho ba kon dọc...
    Ai cho mày chê con tao xấu?
    thảo hảo

    Tôi xin tóm tắt một tí cho tiện dòng theo dõi:
    Phim Vua Bãi Rác được chiếu ở rạp. Tôi đi xem về và viết bài chê. (*)
    Sau đó đạo diễn của phim (ông Ðỗ Minh Tuấn) viết lại một bài chê cái bài chê của tôi, mắng là tôi đã chê sai. (**)
    Rồi bây giờ tôi được phép viết thêm một bài nữa.
    Nhưng lần này tôi không đi cãi nhau chuyện Vua Bãi Rác làm gì nữa. Cái việc khen chê là của người đi xem phim (cũng như tôi đã là người đi xem phim). Vả lại chê thế là đủ rồi, cũng "hết chỗ chê" rồi, tôi đang thấy những chân trời mới hé lộ ra tươi sáng hơn cho bài tuần này đây.
    Ðó là tôi thấy cái bệnh:
    AI CHO MÀY CHÊ CON TAO XẤU?
    1.
    Hãy tưởng tượng, bạn là nhà đạo diễn phim, 50 năm sau, nếu may mắn phim của bạn chưa mốc trong kho lưu trữ, nó sẽ được chiếu lại trong rạp. Rồi một khán giả về nhà viết lại cảm xúc hôi hổi của mình về bộ phim. Bài viết đăng lên báo. Bài viết có thể sai bét (theo bạn), người viết chẳng hiểu gì ý đồ của bạn, không thấy hết cái mà bạn muốn nói, lại còn áp đặt những ý đồ của anh ta vào...
    Giả sử, lúc đó bạn đã "xanh cỏ" rồi, bạn làm gì nào?
    Bạn hiện hồn về bóp cổ?
    Bạn đi đến từng nhà độc giả của tờ báo, nói thì thầm ma quái giữa cơn mơ: "Sai bét rồi!"?...
    Tóm lại, bạn chẳng làm gì được. 300 năm sau, người ta khóc hay cười cho phim của bạn, bạn cũng phải chịu thôi.
    2.
    Một trong những cái thú nhất của người chuyên làm báo tường trong cơ quan như chúng tôi là: rình rập.
    Khi báo dán lên cái bảng chung rồi, cả bọn nhấp nhổm rình xem phòng tài vụ đã lên đọc chưa? Phòng quản trị đã tới xem chưa? Có cười không? Có cau mày không?... Ai cau mày không hiểu thì xông ra hỏi liền, vì sao cau mày? Rồi giải thích ngay, viết thế có nghĩa là thế này, thế này... Một cái cơ quan bé tí, chỉ có chừng 40 nhân viên, rình chừng hai ngày là đã có đủ danh sách ai thích, ai không thích, và cũng có thể thu phục hết cái đám không thích mình.
    Nhưng ở một nước 70 triệu dân, thì rình mò dư luận như thế là chuyện thật không nên làm (làm sao cho xuể!), chưa nói đến chuyện cố bịt dư luận, là việc nghệ sĩ (thật) không nên bắt chước bọn làm báo tường mà dính vào.
    Một bộ phim anh chiếu ra, thì tốt nhất là anh nên coi nó như sự đã rồi, và mình đã chết rồi. Tiền (nhà nước) đã mất, tâm sức (anh) đã bỏ vào, việc bây giờ là của người xem. Anh không có nhiều phép như Tôn Ngộ Không để hóa thành 100 anh con con, bám vào tai của 100 khán giả trong rạp, thuyết minh cho họ cái chủ đề của anh, giải thích cái triết lý của anh, ngăn chặn kịp thời cái cau mày của họ. Họ có quyền có những nhận xét của họ, tùy theo kinh nghiệm và trình độ cá nhân, và cái tính đa chiều lắm hướng đó trong cảm nhận tác phẩm mới là cái hấp dẫn của nghệ thuật.
    Chưa kể, quay lại phần 1 của bài, nếu anh đã chết rồi, thì vô phương, nghệ sĩ ạ. Tác phẩm của anh như con mồ côi, anh không bảo vệ nó được nó rồi. Muốn bảo vệ nó, đáng ra anh phải chuẩn bị cho nó có những phẩm chất đủ để chống chọi ngay khi không có mặt anh kìa. Có nghĩa là, thưa đạo diễn, phim của ông làm ra rồi thì cũng như con ông vứt ra giữa chợ. Chúng tôi thấy nó xinh thì chúng tôi khen. Chúng tôi (mắt mù) thấy nó xấu thì chúng tôi chê. Ðó là quyền của khán giả - người đi chợ. Nếu ông hỏi: "Ai cho chúng mày chê con tao xấu?", thì chúng tôi sẽ trả lời: "Tại ông đã tự nguyện vứt nó ra giữa ''rạp đời''."
    3.
    Hỡi nghệ sĩ, đừng bắt chước bọn báo tường chúng tôi. Hãy tập câm, tập mù, tập điếc. Ai khen không cười, ai chê không giận, cắm cúi mà làm việc. Người ta không hiểu mình trong khi mình có giá trị thật thì trăm năm sau thể nào cũng có thằng sáng mắt nhìn ra. Mà nếu may thì có khi cũng chẳng phải đến trăm năm sau, ngay tuần sau, số báo sau, đã có người nhận ra mình rồi, và kinh phí làm phim năm sau lại rơi vào tay mình tiếp. Chưa kể còn hàng ngàn khán giả âm thầm khen mà mình không biết (tại họ không viết thành bài), và cũng không loại trừ được trường hợp xấu là có hàng ngàn khán giả khác đang chê ở nhà mà mình không hay. Hì hục phá cái chóp con của tảng băng trôi làm gì cho nó mệt.
    Nhưng thôi, tôi chưa có con, hoặc đứa con tinh thần của tôi cũng vớ vẩn, nên tôi chưa hiểu được tâm lý quý con. Có lẽ phải làm nghệ thuật thực thụ, mà là làm nghệ thuật như một số người ở Việt Nam kìa, chừng đó mới thông cảm được với những bậc phụ huynh múa gậy giữa đường cấm không cho ai chê con mình xấu.
    (*) (đăng ở TTVH số 74, ra ngày 20.09.02)
    (**) (đăng ở TTVH, số 77, ra ngày 24. 9. 02)
    (Thể Thao-Văn Hoá, 27.09.2002)
    honghoavi
  10. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0
    Tiêptục ....
    Thảo Hảo 04.10.2002
    May mà không biết vẽ

    Nếu giữ cái mục này mà cứ viết một cách cầu kỳ, vòng vo, bé xé ra to mãi thì e rằng sớm muộn gì tôi cũng phải ngưng.
    Quả thực lâu nay có những điều "nghe", điều "thấy" đáng để nói. Thế mà rồi chỉ vì cứ loay hoay tìm hình thức diễn đạt mà cuối cùng đành bó tay.
    Tôi nghĩ thế là không nên.
    Lần này tôi sửa sai. Tôi nói thẳng vào cái điều mình thấy. Ðó là:
    May mà không biết vẽ
    Hay nói một cách cụ thể hơn, theo vốn sống ít ỏi của tôi, là may mà không biết vẽ ở Sài Gòn. Ở đâu tôi không biết rõ nên không dám nói, chứ ở đây, tôi dám nói, là may cho ai không biết vẽ.Vì nếu biết vẽ, thì tranh sẽ triển lãm ở đâu?
    Ðã có thời đi làm thuê cho một phòng tranh, tôi biết. Một bức tranh là một vật thể có đời sống chẳng độc lập tí nào. Cái gì cũng có thể làm nó xấu đi hoặc đẹp lên được: mảng tường treo nó, ánh đèn chiếu sáng nó, cái khung của nó, miếng "bo" xung quanh, ngay cả miếng nhãn tên tranh dán bên cạnh cũng có thể làm ảnh hưởng đến cái đẹp của bản thân bức tranh.
    Những nguyên tắc sơ đẳng đó, phòng tranh lớn nhỏ nào của tư nhân hình như cũng (ít nhiều) nắm. Nhưng phòng triển lãm của nhà nước thì có vẻ tuyệt nhiên không.
    Ðến Nhà Trưng bày và Triển lãm TPHCM trên đường Lê Thánh Tôn, bạn sẽ phải nghĩ, rằng nếu nó thuộc về một tư nhân thì hẳn số phận họa sĩ Sài Gòn đã khá hơn rồi. Tôi nói nghiêm túc.
    Bởi vì họa sĩ vẽ tranh, bên cạnh phần để bán, còn vô vàn phần là để treo. ("Cái quyền tối thiểu của một bức tranh là được treo lên và được ngắm".)
    Không có một phòng triển lãm nơi công cộng, tranh của họa sĩ sẽ chỉ được xem trên báo, trong những phòng tranh tư nhân, treo sít sít, nơi sinh viên không thể đường hoàng kéo nhau vào từng đám, đứng gần và lùi xa để thưởng thức hàng giờ.
    Vậy mà bây giờ, khi Nhà Trưng bày và Triển lãm đã có rồi, cái quyền được treo (đẹp) của tranh vẫn không được bảo đảm. Chỉ vì nó rơi vào tình trạng "cha chung", nằm trong tay những người có lẽ chẳng yêu tranh và có lẽ cũng chẳng yêu công việc.
    Phải là không yêu lắm thì mới để cho cái nhà to đùng ấy, ở một nơi đắc địa nhường ấy, đông người đến xem nhường ấy, mà trông nhếch nhác chẳng ra sao. Ở một góc phòng, vào ngày triển lãm tranh (18.8.02), một đám các ông ngồi ăn cơm, ghế nhựa đỏ ngổn ngang. Trên tường tranh treo lổn nhổn tầng này lớp nọ. Không có nhãn tên tranh, chỉ là những mẩu giấy dán xộc xệc trên tường, ký hiệu B-5, hay C-12, thí dụ vậy. Ðèn chiếu sáng nhợt nhạt, chẳng khác gì đèn nhà tôi, nếu bây giờ có chê tranh xấu cũng có thể oan, bởi treo tranh trong tình trạng như thế này thì tranh đẹp cũng thành xấu...
    *
    Ðến một công trình văn hóa nào thuộc quốc doanh, gần như bao giờ cũng thế, bạn nảy ra trong đầu câu hỏi: "Ai mà xây cái này đây?"
    Trong khi nhà mới của tư nhân thi nhau mọc, như lâu đài, với bố trí hợp lý, hiện đại, cùng nội thất sang trọng, tinh tế..., chứng tỏ tầng lớp kiến trúc sư tài năng chưa bị diệt vong; thì các công trình văn hóa công cộng của nhà nước cứ như là giao cho một đám thầu khoán quen tay, thực hiện.
    Cũng như vậy, khi vẫn có những phòng triển lãm tư nhân rất xinh xắn và sang trọng, chứng tỏ những chuyên gia về triển lãm vẫn còn sống, thì cái phòng xem tranh chung của dân toàn thành phố lại có vẻ như chỉ được giao cho những người chỉ biết cho thuê phòng.
    Chất xám và lòng yêu nghề của những chuyên gia tốt nhất, ở nước ta, hình như không chảy về khu vực quốc doanh. Dù việc nó không chảy về là chủ động hay bị động, thì đó cũng là chuyện đáng buồn. Bởi vì, người bị thiệt hại đầu tiên chính là những người dân bình thường.
    Quay trở lại với cái Nhà Trưng bày và Triển lãm trên kia, cái cơ hội được treo cho ra treo của tranh, cũng như cơ hội được ngắm cho ra ngắm của người xem tranh, đã bị cướp mất. Và các họa sĩ Sài Gòn sẽ không có một không gian thật đẹp, như một lời hứa hẹn và khích lệ (của nhà nước, để mà vẽ), rằng nếu anh có tác phẩm hay, anh sẽ được bày ra trang trọng cho mọi người cùng xem, và chúng tôi sẽ chăm chút cho đứa con của anh, từ cái khuy, cái áo...
    (Mà không phải chỉ trong chuyện vẽ tranh, trong chuyện nào thuộc về văn hóa cũng vậy, cái sự khích lệ cụ thể của nhà nước sao mà khó thấy, chưa kể nhiều khi nó còn làm người ta cụt hứng, nản lòng.)
    Thế nên, quay lại với chuyện vẽ vời, trong khi chưa có một bà bảo mẫu yêu nghệ thuật và thương người làm nghệ thuật như thế, thì theo tôi, không biết vẽ là tốt nhất, mà cụ thể là không biết vẽ ở Sài Gòn, như vậy sẽ khỏi rơi vào nỗi buồn vẽ-rồi-chẳng-có-ai-xem, hoặc xem-rồi-thì-thêm-tức.
    (Thể Thao&Văn Hoá, 2002)
    honghoavi

Chia sẻ trang này