1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ai đã đọc " Nhân trường hợp chị thỏ bông"? Ai thích Thảo Hảo?

Chủ đề trong 'Văn học' bởi rantanflan, 28/07/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo
    Gửi ông X, người ghét Karaoke

    Thưa ông,
    Chắc ông cũng biết, trên cơ thể ta có một số bộ phận mang tính hai mặt. Nếu ta quản được (về mặt đạo đức) thì những bộ phận ấy làm đời ta vui. Nếu ta quản không được, thì mặt tiêu cực của các bộ phận ấy lấn át mặt tích cực. Vì thế, trong trường hợp cái bộ phận ấy còn lành lặn mà lại sinh tiêu cực, thì là do ta quản kém. Ta chỉ cần chỉnh cách ta làm chủ nó, chứ ta không phải cứ thế mà cắt nó đi.
    Nôm na ra, cái mồm ta chẳng hạn.
    *
    Karaoke là một bộ phận của cơ thể xã hội, nhưng vì nó [1]
    có những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Hiện yếu tố tiêu cực ngày càng nhiều, lấn át cả yếu tố tích cực,
    nhiều nơi vi phạm quy định về ánh sáng và âm thanh, không quản được,
    đa số lao động ở quán là nữ, và làm gái ôm, không quản được,
    người đến quán chủ yếu là những người tiêu tiền nhà nước chứ không phải tiền cá nhân, không quản được.
    Cho nên, dù đó là loại hình giải trí rất phổ thông, thì cũng:
    dẹp nó đi.
    Đó là lập luận của ông, người ký vào tờ trình của Bộ Văn hóa Thông tin, gửi Chính phủ ngày 2. 2. 2004, xin chính phủ hạ lệnh đến 01.01.2005 không cho các dịch vụ karaoke hoạt động nữa.
    *
    Thưa ông,
    Bộ Văn hóa Thông tin, như mọi người vẫn nghĩ nôm na, là một bộ đảm bảo sao cho cuộc sống của người dân có?văn hóa. Và muốn làm được thế, với các hoạt động rõ ràng là vô văn hóa, Bộ cần cấm tiệt. Cũng như với các hoạt động rành rành là có văn hóa, Bộ cần khuyến khích.
    Nhưng ở đời không đơn giản thế!
    Có những vấn đề mập mờ, đi chênh vênh trên đường ranh giữa văn hóa với vô văn hóa. Và Bộ Văn hóa này hơn Bộ Văn hóa kia là ở chỗ nghĩ ra những biện pháp để xử lý. Làm sao sau khi xử lý thì cái khối mập mờ tốt xấu ấy "văn hóa" hẳn, cho người dân còn được sử dụng.
    Trong tờ trình gửi Chính phủ, ông có viết: "Qua thực tế khảo sát, karaoke không là nhu cầu thiết yếu của người dân. Nếu tiếp tục cho phép hoạt động, loại hình dịch vụ này sẽ diễn biến phức tạp, làm suy thoái đạo đức." [2]
    A! Tôi tin là mình đã hiểu được "bản chất" của ông rồi.
    Không phải ông giáo điều. Không phải ông cứng nhắc. Không phải ông thù hận, ông ghét con người. Chỉ vì ông là một công chức quan liêu, sợ trách nhiệm thôi. Ông ngồi đấy, bên ấm chè, nghe những báo cáo về cuộc sống ngoài kia đang bộn bề, "phức tạp" mà nẫu cả ruột. Ông chỉ muốn nhàn, chỉ muốn mọi thứ hạ xuống đến mức tối thiểu cho ít việc, cho khỏi suy nghĩ. Mà "phức tạp" là một tính từ nguy hiểm đối với ông, nó không xấu hẳn hay tốt hẳn. Nó phức tạp. Nó làm ông có nguy cơ phải chịu trách nhiệm nếu nó "diễn biến phức tạp". Mà quản lý để nó không "diễn biến phức tạp" lại là một việc hết sức phức tạp, theo ông. Ông làm ngơ trước việc bao nhiêu cơ quan đi chơi cuối tuần ở quán karaoke, tập các bài hát "đỏ" cho hội diễn. Ông cũng làm như không biết karaoke là nơi bọn thanh niên vẫn tổ chức những buổi vừa hát vừa ăn sinh nhật trong lành. Ông muốn rảnh tay thì ông chỉ lấy những mặt xấu của karaoke ra làm cớ để thủ tiêu cái quyền được giải trí của người dân. Mà thưa ông, nói cho đúng, du nhập vào Việt Nam thoạt tiên dưới dạng trong veo, giờ nó trở nên càng ngày càng phức tạp như ông nói, thì đó không phải cũng là từ cái tội quản lý kém của ông sao?
    *
    Cuối cùng, tôi cũng phải thưa với ông: tôi là một phần tử "phức tạp".
    Tôi không tốt hẳn mà cũng không xấu hẳn. Tôi có thể phạm nhiều tội, nhưng tôi chưa phạm tội. Thỉnh thoảng tôi cũng có "diễn biến phức tạp" nhưng nghĩ đến luật pháp, tôi vội dừng lại ngay.
    Cho đến nay, tôi vẫn sống vui vẻ cùng gia đình. Thật là nhờ Trời, nhờ quản lý!
    © 2004 talawas
    --------------------------------------------------------------------------------
    [1]Bài phỏng vấn ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa - Thông tin, báo Thanh Niên, ngày 24. 02. 2004
    [2]Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 24. 2. 2004

    honghoavi
    Được honghoavi sửa chữa / chuyển vào 14:32 ngày 10/11/2004
  2. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo
    Có giáo dục mà vẫn đáng ghét

    Có những tài liệu in đã lâu, nhưng tính thời sự và đúng đắn của chúng vẫn còn thích hợp với ngày hôm nay. Nếu chúng ta đọc được, và đưa ra cho mọi người cùng đọc (thay vì giữ riêng làm tài liệu), thì đó là một cách tiết kiệm chất xám, của người đi trước, cho người đi sau. Ðó là chưa kể đến lợi ích tiết kiệm...giấy, bởi vì sách in ra đâu phải chỉ đọc trong một lần, một thế hệ.
    Ðây là đoạn trích diễn văn khai mạc của Thủ tướng Nehru đọc tại Ðại hội lần thứ X của Tổng liên đoàn Giáo giới Quốc tế, diễn ra tại New Delhi vào năm 1961.
    (Không thấy ghi tên người dịch của bài này. Xin thông cảm. Tít đoạn trích do người chọn đặt)
    Tôi cho rằng khắp nơi mọi người đều lưu tâm đến giáo dục, bởi vì càng ngày người ta càng ý thức được rằng chính bằng giáo dục mà người ta có thể ảnh hưởng đến tâm trí chúng ta một cách thiết thực, và nhờ đó ảnh hưởng đến thời cuộc. Tôi nghĩ về bài mở đầu Hiến chương UNESCO, đã nói rằng chiến tranh khởi sự từ tâm trí con người. Vậy nếu chiến tranh khởi sự từ tâm trí con người chắc chắn như là nó đã xảy ra, thì người ta cần phải gây ảnh hưởng trên tâm trí nam nữ quần chúng.
    ...
    Quý vị hội họp lại đây hôm nay để thảo luận những vấn đề này, trong khi khắp thế giới nhiều vấn đề nghiêm trọng đương diễn ra, và không một người nào có thể nói được việc gì sẽ xảy ra trong vòng mấy tháng sắp tới. Ðây thật là một tình trạng éo le và khó khăn, nhưng có lẽ chính sự khó khăn của tình trạng này có thể dẫn chúng ta đến chỗ suy nghĩ chắc chắn về những sai lầm trong sự suy tưởng của chúng ta - không phải chỉ chúng ta tại nơi này, mà nói chung cho mọi nơi khác. Có một cái gì chắc hẳn lệch lạc. Một bên, chúng ta đi đến kết luận rằng giáo dục cần phải là phương tiện để giải quyết những vấn đề của thế giới. Ðiều này thực rõ ràng. Nhưng chúng ta lại nhận thấy rằng những quốc gia và dân tộc có một nền giáo dục cao độ nhất trên thế giới, có tất cả những thuận lợi về mặt giáo dục kỹ thuật cũng như văn hóa, và đã thành công trong việc bài trừ được một số lớn những tai họa cố hữu mà từ trước nhân loại phải chịu đựng, như nghèo đói, v.v... lại không thể nào chung sống êm đẹp với nhau, mà còn nuôi căm thù đối với nhau.
    Như vậy, đây là hậu quả của các chính sách giáo dục hay của sự thiếu giáo dục? Có phải giáo dục dẫn đến thù hận, mặc dầu có một sự hiểu biết lớn lao? Ðây là một vấn đề mà tôi xin đem ra để quý vị nghiên cứu. Tôi tin chắc rằng giáo dục là điều thiết yếu, và tôi không hề phản đối giáo dục, nhưng sự thật là giáo dục, hay nói đúng hơn - một lề lối giáo dục mà chúng ta đã có trước đây không dẫn đến những phương thức giao tế hòa bình và hợp tác cho thế giới; chính phương thức giao tế ấy là điều cốt yếu cho việc tiến triển, hay nói thẳng ra, cho sự sống còn của thế giới. Ðiều này làm cho tôi bối rối.
    ...
    Và có điều làm cho tôi kinh ngạc, là trong khi nền giáo dục chắc chắn được quý mến, trở nên chính yếu và không thể tránh được, thì tôi lại không thấy những kẻ được giáo dục luôn luôn đáng mến. Thường thường họ có một tầm trí thức hẹp hòi và hay đổ gánh nặng lên những kẻ, mà họ xem như người dưới, họ hành động như vậy với tư cách một cá nhân, một đoàn thể, hay một quốc gia, bất chấp nền giáo dục của họ. Và mặc dầu đã được hấp thụ giáo dục, trên nhiều phương diện, họ cũng chỉ có được một trí óc hẹp hòi. Họ không nhìn vào trí óc người khác, đi sâu vào tìm hiểu, vì họ bắt đầu mọi việc bằng cách nghĩ rằng họ đã tìm được tất cả những gì họ muốn có trong đầu óc họ, và họ không chịu mở rộng trí óc đón nhận những cảm tưởng của kẻ khác. Chắc rằng đó không phải là một kết quả tốt đẹp của giáo dục. Giáo dục cần phải mở mang trí tuệ và làm cho một người có khả năng thấu hiểu những người khác, và để được người khác thấu hiểu họ.
    ...
    Và từ ngày rất xa xưa, các hiền triết và vĩ nhân đã nói với chúng ta rằng: căn bản của một nền giáo dục thực sự là tự biết mình, - dù điều này có thể mang ý nghĩa nào đi nữa - và đôi khi hình như trong khi tìm kiếm sự hiểu biết, chúng ta thâu lượm được một mớ kiến thức mà vẫn không khám phá được sự khôn ngoan thêm, và do đó chúng ra vẫn không hiểu nổi chính chúng ta hay kẻ khác, mặc dù chúng ta thu lượm được vô số những bản thống kê về cách thức người ta ăn như thế nào, người ta ăn bao nhiêu, và người ta làm những gì. Chúng ta có những pho sách lớn, những tài liệu thống kê về kinh tế và về những thứ khác, tuy vậy chúng ta vẫn thiếu đức khôn ngoan và đức khôn ngoan đó thiếu chính vào lúc khó khăn xảy ra. Làm cách nào để luyện được đức tính ấy - một chút khôn ngoan trong bộ máy giáo dục của chúng ta? Phải, đó là một vấn đề đáng cho quý vị nghiên cứu.
    *
    Chớ có giật mình
    Ðoạn trích này (không rõ người dịch) nằm trong một bài phát biểu của Sir Ronald Gould - Chủ tịch Tổng liên đoàn Giáo dục quốc tế - phát biểu tại hội nghị Liên đoàn Giáo dục Quốc tế vào năm 1961. Tựa đề do người chọn đoạn trích đặt.
    Khi đọc "Candida" của Bernard Shaw, tôi cảm động trước tinh thần cao cả và lý tưởng của mục sư Morrell. Thế mà, vợ ông đã chỉ trích ông nặng lời: "Khi có tiền bạc để trao tặng thì chính ông đem cho; còn khi cần từ chối, thì lại chính tôi phải từ chối". Quả vậy, tất cả những gì dễ chịu thì phần ông, những gì khó chịu thì phần bà. Tuy ông có một tinh thần lý tưởng cao cả, chính ông là kẻ tính tình hèn kém hơn, đáng khinh đôi chút nữa là khác, bởi vì ông trốn tránh những trách nhiệm của ông.
    Một nhà kinh doanh có nói với tôi rằng, ông có thể tìm được hàng tá nhân viên có khả năng và vui lòng thi hành các mệnh lệnh, nhưng ít khi ông tìm thấy một người nào nhìn được những gì phải làm và làm công việc ấy với trách nhiệm riêng của mình. Vậy nên không có gì đáng kinh ngạc về việc Truman đã treo trước cửa văn phòng ông ở Bạch Ốc phương châm này: "The buck stops here", nói cách khác, "Ở đây người ta không thể đổ các quyết định cần phản chọn lên lưng kẻ khác."
    ...
    Tôi đã tham dự những buổi họp trong đó người ta phải đương đầu với nhiều công việc, và phải đưa ra những quyết định quan trọng. Tôi nghe một cách nhẫn nại những lời lẽ trống rỗng mà hoa mỹ, và những lời tuyên bố mơ hồ vu vơ không gây nên trách nhiệm nào cho kẻ nói ra.
    George Orwell đã nhận xét: "Kẻ thù lớn nhất của một ngôn ngữ minh bạch là sự thiếu thành thật" và tôi tự hỏi sự mù mờ ấy là do sự không làm chủ được ngôn ngữ một cách đầy đủ, hay là có nguyên nhân sâu kín hơn, và do một sự thiếu thanh liêm đạo đức.
    Tôi ghi lại những câu thường được dùng đến. Người thì nói: "Có lẽ tôi nhầm, nhưng mà...", kẻ khác nói: "Hãy sửa giùm tôi, nếu tôi lầm, vì đây chỉ là ý nghĩ thô sơ." Người thứ ba nói: "Ðây chỉ là một ý kiến ngộ nghĩnh vừa hiện ra trong trí tôi..." Nói như vậy, họ muốn gì? Phải chăng do đức khiêm tốn hay chỉ do sự đớn hèn tinh thần và đạo đức? Tôi để ý đến lối mở câu của họ. Thà rằng họ cứ nói, không cần ẩn ý nào: "Tôi nghĩ rằng...", "tôi tin rằng...", hay "tôi chắc rằng...". Nhưng họ không nói thế, và như thế tránh được việc gánh lấy một trách nhiệm. Trái lại, những người như Churchill, Lincoln đã không bao giờ trút trách nhiệm, họ đã biết chọn những quyết định, và chỉ định đúng vị trí của họ. Khi nói với hiệp hội các luật gia ở Oxford, Lord Atlee đã tuyên bố: "Ðiều cốt yếu trong thể chế Dân chủ là cai trị bằng những cuộc thảo luận, nhưng nền dân chủ sẽ không thể điều hành được trừ phi người ta ngừng nói." Lương tri chỉ rõ cho chúng ta rằng chính nền dân chủ sẽ lâm nguy vì những lưỡng lự tinh thần và đạo đức, và vì sự thiếu hăng hái đảm nhận lấy trách vụ trọn lựa những quyết định và hành động.
    ...
    Tự do và trách nhiệm, cũng như tình yêu và hôn nhân, bia và trò chơi ném đích, cá và khoai tây rán, Sodome và Gomorrhe, không thể nào tách rời nhau. Con người chỉ tự do một khi có trách nhiệm và ngược lại, con người chỉ có thể được xem như có trách nhiệm khi được tự do. Vì vậy Milton đã nói: "Không một người nào có thể hoàn toàn yêu mến tự do, nếu không phải là những người đức độ (nghĩa là những người có tinh thần trách nhiệm). Những người khác không phải yêu mến tự do mà chỉ là yêu mến sự phóng túng." Và đây là một vấn đề căn bản: Chúng ta có muốn các trường học của chúng ta sản xuất nên những người đức độ và những người công dân tốt hay không? Chúng ta có muốn cho các trường học của chúng ta làm việc như là những tổ chức văn minh không? Những người đức độ và những công dân phải là những kẻ chấp nhận một - cách - tự - do những trách nhiệm của họ.
    ... Vậy chức vụ của nhà giáo không phải chỉ việc nói đến tự do và trách nhiệm, mà còn phải dần dần truyền đạt những điều đó cho trẻ em, và nhờ đó dần dà làm cho mình trở nên ít cần thiết hơn đối với chúng.
    Thể thao- Văn hoá 2002
    honghoavi
  3. deny_me

    deny_me Ma Xó

    Tham gia ngày:
    07/03/2003
    Bài viết:
    7.776
    Đã được thích:
    0
    Nhân trường hợp chị thỏ bông" của Thảo hảo là cuốn sách được NXB Hội Nhà Văn in ấn, tung ra cách đây chắc tầm 3 tháng. Nó là một tập hợp những bài đã được đăng trong mục "tôi nghe, đọc, xem, thấy" của báo Thể Thao Văn hoá trong 3 năm: 2002, 2003 và 2004. Đầu cuốn sách giới thiệu như thế. Thường thì cái kiểu Tản Văn trên báo chí, nó là một thể loại được coi là chán nhất [​IMG], nếu chấp nhận có được đăng í thì vì Tổng biên tập thấy mục này dù sao nó cũng thêm một cách trình bày cho báo đẹp hơn ( em để ý thấy bao giờ hoạ sĩ cũng phải chăm chút: làm nền màu, in chữ nghiêng, thậm chí còn có hoa lá chim bay nữa [​IMG] ) Tóm lại là phần mỹ thuật sẽ thêm sinh động. Người đọc chán ỉ ôi, nhiều người mê viết tản văn cũng ngán ít đọc (như em). Ấy vậy mà " nhân trường hợp chị thỏ bông" lại "phá rào"?
    "Nhân trường hợp chị thỏ bông" khác vô cùng với những thể loại kia. Nhưng nó cũng không giống như những phim từa tựa như " những cô gái chân dài" chỉ để nghía cô này váy ngắn, chân dài 1,2m Cô kia có vòng2 giống như đã từng vào thẩm mỹ viện bơm bơm, độn độn gì đó [​IMG] Ở đây ko nói khoác, sẽ có rất nhiều người tự hỏi ko biết tác giả lấy ở đâu mà nhiều thông tin , kiến thức " đông tây kim cổ" thế. Sắc như dao cau, sắc nhưng rất khéo mới chết. Nhưng có một điều chắc mọi người cũng đồng ý với em là thông thường gặp một người con gái sắc sảo, khéo léo như vậy, thể nào đến cuối buổi gặp đó, phải có một cái gì đó để tìm ra khuyết điểm, nhất mình lại là ... phụ nữ [​IMG] và có thể sẽ nói" sắc sảo lắm, nhưng cẩn thận đấy ko lại dễ đứt tay như chơi !!! [​IMG] Nhưng với Thảo hảo thì ko chê vào đâu được. Có ai chê được điều gì ko, nói hộ cái chứ em không tìm được vì đơn giản, Thảo hảo khéo léo theo kiểu biết điều chứ ko phải kiểu xã giao, giả dối.
    Phan Thị Vàng Anh là con của nhà thơ CHế Lan Viên, theo nghề cầm bút của cha. Nhưng giờ thì Vàng Anh không hót ra thơ như bài thơ "mèo con đi học" nữa mà là biên tập cho NXB Trẻ TP HCM, sau khi đã lấy được tấm bằng bác sĩ. Thảo hảo viết tản văn đúng là có tính thời sự báo chí. Lúc nói đến chuyện sách quý bị đánh cắp, rồi tuồn ra ngoài cửa hàng sách cũ, lúc thì nói đến chuyện chim, gà, vịt bị nhiễm H5N1, hay là chuyện phim ảnh đang chiếu ngoài rạp.. hoặc một vài mẹo cho các chị các cô nhân ngày 8.3 Nó cũng là nhân chuyện này, nói chuyện nọ. CHỉ là "nhân" thôi. Nhưng mà không hề thấy lãng đãng tẹo nào. Qua cách nhìn nhận của chị thì khiến cho mình có cảm giác phì cười, khi thì thấm thía, khi thì giật mình ( hiểu tâm lý phụ nữ thế nhỉ [​IMG] ) khi thì hốt hoảng ( sao cái chuyện như thế mà mình ko bao giờ để ý nhỉ)
    Ví như chuyện sách quý bị anh chàng trông coi thư viện đánh cắp, rồi bán cho tiệm sách cũ lấy tiền tiêu xài ( trong bài: tôi cũng muốn ăn cắp) Thảo Hảo lại khen!. Theo đó, thư viện chỉ mở từ 7h30 đến 11h30, chiều từ 13h30 đến 16h30 và chỉ "cấp thẻ cho những người có công việc đàng hoàng". Vậy thì chẳng có ai đủ điều kiện cấp thẻ mà đến thư viện đọc được vào cái giờ oái oăm ấy. Còn người có thời gian rỗi thì lại ko có thẻ. Vậy thư viện chỉ là nơi để các cô văn thư bàn chuyện " con tao tuần sau thi rồi, con mày thi chưa, mẹ chồng tao hôm qua đi ăn giỗ bị ngã gãy cả chân" Sách quý cũng bị"văng miểng" theo, nằm xếp xó làm bạn với bụi. Thế thì anh nhân viên trông coi thư viện kia ăn cắp sách quý rồi tuồn ra ngoài là đáng khen. Vì anh ta đã đưa sách đến tận tay người cần đọc.
    Ngoài ra mọi người có thể tìm mua truyện ngắn mi ni "hoa muộn" mà Phan Thị Vàng Anh đạt giải do tạp chí Thế giới mới tổ chức năm 2003. Vì truyện này khá tiêu biểu cho phong cách viết truyện thảnh thơi, hồn nhiên đến phát thèm của chị [​IMG] Những truyện ngắn khác thì ko thể thống kê được hết và hình như Phan Thị Vàng Anh là thương hiệu để bán sách vậy [​IMG] một cuốn sách " nhân trường hợp chị thỏ bông" Phan Thị Vàng Anh lại tái xuất bằng một bút danh khác : Thảo Hảo, sâu sắc thế, nghe đâu chỉ có giá là 18000 thôi nên có trong tủ sách của bạn.
    Ngoài rìa có thể tham gia ở đây [​IMG] [​IMG]
  4. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo
    Yêu + Hiểu
    Bạn có biết người Cil không?
    "... Ta gặp người Cil từ những vùng cao đầu tiên của Nam bộ cho đến biên giới phía Bắc của Tây Nguyên, bao giờ cũng là ở trên núi, tại những nơi rất khó leo tới, không bao giờ ở trong các thung lũng hay trên các cao nguyên... Chốn cư trú của họ thông thường chỉ có một nhà sàn duy nhất. Những người Cil khác ở cách đó đến ba hay bốn tiếng đồng hồ.
    "Rú và rừng rất quen thuộc với người Cil. Người lạ không khỏi ngạc nhiên khi băng qua những khu rừng hoang dã của Tây Nguyên, họ bỗng khám phá ra một ngôi nhà sàn của người Cil trong khu rừng mà họ cứ ngỡ còn nguyên sinh... Rẫy của người Cil trồng lúa hay ngô. Sản phẩm đủ ăn một phần ba năm; thời gian còn lại, người Cil đi vay mượn và đói.
    "Họ cũng không có chút tiện nghi tối thiểu trong nhà. Trong các kiểu nhà Tây Nguyên, đây là loại nhà thấp nhất, tối tăm, bẩn thỉu nhất. Dê sống chung với người trong ngôi nhà ấy; đôi khi lợn giành những mảnh chăn với người. Bao giờ cũng có một chỗ nước gần nhà, chỉ dùng để nấu ăn: một người Cil đúng kiểu không bao giờ tắm; có thể hình dung da họ màu gì vào kỳ đốt rẫy khi trong rừng chỗ nào cũng là than.
    "... Sức chịu đựng và sự khéo léo của người Cil khiến họ đầy tự tin về mặt thể chất... Sự dai sức trong chuyện đi đường của họ đã thành truyền thuyết; đấy là một con sơn dương bất chấp mọi quy luật thăng bằng. Nếu họ muốn gặp những con người khác những người ở trong căn nhà của họ, họ phải leo núi nhiều giờ, và thường là chẳng có đường sá gì cả... Họ lao đi vững vàng và gấp gáp trên những đống đá lổn nhổn, những tảng đá to tướng trơn trợt vì rêu, trong những khu rừng muôn đời ẩm ướt, leo qua những rễ đa dựng đứng như những bức tường, vượt qua những vực thẳm không biết đâu là cùng trên những thân cây nhún nhảy; và bao giờ cũng trong một bóng tối lạnh buốt, vì các cây to ngăn không cho chút ánh nắng nào rọi được tới nền đất. Trong những dãy núi này, mọi thứ đều nhuộm màu đêm và bốc mùi mùn. Rắn lẫn với dây leo, chim ghẹo người đi qua, những con khỉ, vô hình, rít trên các cành cây cao.
    "Ta hiểu sống trong một khung cảnh như vậy, chỉ có rừng già hoang vu là quen thuộc, đóng kín trong cô đơn tăm tối, quen cảnh khốn cùng, người Cil khó gần, không thích tiếp xúc và chậm tiến...
    "... Cảnh đời họ là như vậy. Rừng già kinh hãi, bụi rậm dày kín, mùi ẩm mốc; nhưng giữa những thân cây thông to lớn khắc khổ, qua một lỗ thủng ở một bụi rậm đầy gai, ta nhận ra xa xa một vệt nhỏ sáng loáng, ánh bạc, trong suốt: bờ biển miền Trung, biển cả... Còn phải dạy cho họ biết nhìn, biết tìm cái điểm lý tưởng đó, giữa những thân cây thông cao lớn khắc khổ, sau một ngày lao động khổ sai..."
    *
    Ðọc những dòng như thơ trên, được viết ra cách đây hơn 50 năm, mà làm tôi tò mò quá. Người Cil giờ sống như thế nào nhỉ? Họ đã đến nhúng mình vào cái điểm lý tưởng qua kẽ lá, là biển cả, chưa? Và biết thế nào là lý tưởng đây: làm một người Cil không tắm một mình bình thản đi trong tịch mịch? Hay làm một người hiện đại như chúng ta loay hoay cho đến lúc chết làm sao để không bị cô đơn?...
    Tác giả là Dam Bo (Jacques Dournes), một nhà Tây Nguyên học người Pháp, đến sống ở đây gần 30 năm. Cuốn "Miền Ðất Huyền Ảo"[1] này là một công trình nghiên cứu về Tây Nguyên, đầy những ghi chép tỉ mỉ lạ lùng, bỏ xa những cái bề nổi nhà mồ nhà rông rượu cần cồng chiêng đóng khố... mà lâu nay ta vẫn biết về Tây Nguyên một cách rất... cưỡi voi xem kơ nia. Dù bạn nói, không, tôi không thích đọc sách nghiên cứu; thì tôi vẫn mong bạn có cuốn này trong nhà; và khi đọc, bạn đừng quên mang theo bút để đánh dấu (dù rằng cái thói quen này có thể làm cho vợ bạn càu nhàu). Ðánh dấu rồi gấp lại mà nghĩ ngợi. Có vô vàn mốc "nghỉ mà nghĩ" khi đọc cuốn này. Thỉnh thoảng nó sẽ làm bạn ngượng nữa, khi so sánh mình với họ, ai mới là văn minh hơn ai. Thêm vào đó, sách lại được viết (và được dịch) bằng một giọng văn rất hay, sinh động.
    Tác giả Dam Bo viết: "Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu." Phải yêu và hiểu lắm thì ông mới có thể tổng kết về người Tây Nguyên như thế này: "Người Tây Nguyên sống giống như trong quá khứ và họ sống bằng quá khứ. Họ không sống đúng thời của mình, trường hợp của họ là một ca lỗi thời... Ðấy là cả một bài thơ và một cuộc sống; Nằm ngoài thời gian, nó không chỉ chăm chăm vào quá khứ, cho nên nó không nhất thiết là một cản trở đối với sự phát triển."
    *
    Ôi Trời!
    Hiểu để mà yêu, yêu để mà hiểu. Cứ nghĩ đến sắp tới, một lô những công trình sách về 1000 năm Thăng Long Hà Nội sẽ được tung ra, chẳng biết có bao nhiêu cuốn được đủ cả "yêu" lẫn "hiểu", và bao nhiêu cuốn chỉ là xào nấu những "hiểu", những "yêu" của người khác? Những công trình dằng dặc tên người thực hiện, tốn bao nhiêu tiền nhà nước, đọc lên chỉ thấy na ná nhau.
    Ừ thì cái gì cũng có giá của nó thôi. Không "hiểu" và không "yêu" khi nghiên cứu, thì suốt đời bao nhiêu tên tuổi cũng chỉ lẫn lộn, na ná nhau. Còn tài hoa lặn lội tỉ mẩn giữa rừng suốt ba mươi năm, thì cái tên Dam Bo người đã đọc rồi sẽ không quên được.
    Thể thao-Văn hoá 01.8.2003
    --------------------------------------------------------------------------------
    [1] Miền Ðất Huyền Ảo, NXB Hội Nhà Văn, 2003. Bản dịch của nhà văn Nguyên Ngọc. Tất cả các đoạn in nghiêng là trích từ trong sách

    honghoavi
  5. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Tản văn Thảo Hảo - cuốn sách bán chạy nhất hiện nay -
    Tập tản văn của Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh) là tập hợp những nghịch lý xã hội, được phát hiện, phân tích và bình luận hết sức sắc sảo. Mỗi bài viết là một mảnh hiện thực qua con mắt săm soi của tác giả. Đó là tình trạng dở khóc dở cười của ngành giáo dục tiểu học trong "Sự nan giải của Tí"; những phiền toái đến ngớ ngẩn của thủ tục hành chính trong "Không có chồng thì đừng có làm giàu"; sự cả tin đến ngô nghê của chị em trong "Nhân trường hợp chi thỏ bông" v.v.
    Bằng một lối viết pha chút châm biếm, xót xa, nhưng không thiếu sự cảm thông và lòng nhân hậu, tập tản văn của Thảo Hảo có sức lôi cuốn mạnh mẽ, từ trang đầu đến trang cuối. Tác giả không chỉ dừng ở việc vạch cho ta thấy những nghịch lý của xã hội, mà bằng sự tinh tế và thiện chí, Thảo Hảo còn chia sẻ với chúng ta những khát vọng đổi thay.
    Với tất cả những phẩm chất đó, cuốn sách của Thảo Hảo đang dẫn đầu về số lượng được bán ra trong những ngày qua.
    Tên sách: Nhân trường hợp chị thỏ bông
    Tác giả: Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh)
    Nxb. Hội Nhà văn, 9/2004.
    Mục lục:
    1. Tôi cũng muốn ăn cắp
    2. Tôi có đủ thuốc ngủ rồi
    3. Học cách chết
    4. Có đức mà không có tài
    5. Cái bệnh hòn non bộ
    6. Ai cho mày chê con tao xấu?
    7. Ra về lúc giải lao
    8. Biết tin ai bây giờ?
    9. Để bóp (gần) chết lòng yêu nghề
    10. May mà không biết vẽ
    11. Ai sẽ làm việc này đây?
    12. Ai khiến mày lạ?
    13. Ở đâu có bán kính viễn vọng?
    14. Sự nan giải của Tí
    15. Giao trứng cho ác
    16. Món nợ của ngành giáo dục
    17. Cuối cùng là lè lưỡi
    18. Nhân trường hợp chị Thỏ Bông.
    19. Không có chồng thì đừng có làm giàu
    20. À ở Việt Nam mình cái đó rất khó nói !
    21. Tư cách con cá
    22. "Nếu tao là nhà nước"
    23. Cụ Rùa thuộc biên chế bộ nào?
    24. 150 diễn viên = 75 cân thịt
    25. Hàng không có biết thương dân?
    26. Cái không thuộc về y đức
    27. Nhật ký (gã) đào đường
    28. Học phí trả bằng máu
    29. Không bao giờ hoàn hảo
    30. Đánh kẻ ngã ngựa
    31. Mì gói, bạn hay thù?
    32. Gửi Đoàn của tôi
    33. Lên đường đi các bác !
    34. Tôi muốn đời tôi màu gì?
  6. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0


    Thảo Hảo
    Tư cách con cá

    Năm 1989, có người từ nước ngoài mang về một ít con ốc bươu vàng, khuyến khích người trong nước nuôi, nói rằng thịt nó ngon, xuất khẩu tốt. Đầu tiên, nuôi thử nó trong hồ xi măng, người ta cho nó ăn xà lách, nâng như nâng trứng, có lẽ sợ nó lệch múi giờ, không ăn tạp được.
    Thế rồi hai sinh viên trường Đại học Nông nghiệp TP.HCM lúc đó là Phạm Uyên Nguyên và Thái Thị Kim Thảo tìm hiểu được, rằng cái con ốc bươu vàng này chẳng phải cảnh vẻ thế đâu, mà ở đâu nó sống cũng được, cái gì nó ăn cũng được, nhất là lúa. Và để cãi lại được những người muốn nuôi con ốc này đại trà, họ đã làm nhiều thí nghiệm, xin tóm tắt sơ lược bằng bảng sau:
    NGƯỜI MUỐN NUÔI ỐC NÓI THÍ NGHIỆM PHẢN CHỨNG KẾT QUẢ
    OBV không sống trên ruộng được, vì vào mùa khô ruộng sẽ khô Treo một xâu ốc lên gác bếp, không cho ăn 6 tháng sau OBV vẫn sống
    OBV không sống trên ruộng lúa được. Vì ruộng mình phun thuốc trừ sâu Pha một chậu nước với nồng độ thuốc trừ sâu gấp 100 lần nông dân vẫn phun OBV sống khỏe
    OBV không sống trên ruộng lúa được, vì ruộng mình nhiều khi nhiễm mặn Thả vào các nồng độ nước mặn, mà cao nhất là đem ra biển OBV chỉ chết trong nước biển (là nồng độ mà lúa đã chết trước ốc)
    OBV không ăn lúa Thả ốc vào mẫu ruộng thí nghiệm, lập lại nhiều lần. Ốc ăn trông có vẻ ngon miệng (thực nghiệm cho biết thêm, ốc có thể ăn 100% mạ mới gieo)
    Hai sinh viên này đã cho đăng báo về con ốc này ("Ốc vàng - nguy cơ hại lúa nghiêm trọng" - Tuổi Trẻ, 1990), nêu rõ "danh tánh" của nó là Pomacea sp.- một loài ốc hại lúa, thịt nhão mà tanh, đến cho vịt ăn vịt cũng chê. Năm 1991, đề tài này được trường nghiệm thu đạt điểm xuất sắc, và đoạt giải Eureka - một giải thưởng khoa học trẻ có uy tín.
    Nhưng bất chấp tất cả những điều đó, đến năm 1995, tức là 5 năm sau, ốc bươu vàng vẫn không bị cấm, đã lúc nhúc trên các đồng ruộng, khiến Quốc hội phải lên tiếng và Thủ tướng chính phủ phải ra tay. OBV lúc này mới được coi là cái nạn cần tiệt trừ.
    *
    Giờ thì đến một câu chuyện khác đang gây xôn xao trong giới nuôi cá và ăn cá:
    Người nuôi cá hiện đang đổ xô nuôi cá ?ochim trắng nước ngọt?. Con cá chim trắng này cùng họ với con cá hổ. Cả hai con cùng đồng hương Nam Mỹ, răng đều sắc như răng sói , ăn tạp, đi thành bầy đàn như nhau, lớn cũng nhanh vùn vụt như nhau. Cá hổ là dân côn đồ không cải tạo nổi, sách vở đã ghi và coi như mối nguy hiểm chết người, bởi nó có thể tấn công người như cá sấu. Nhưng người anh em cá chim trắng thì tư cách còn mập mờ: nuôi trong ao với thức ăn "tĩnh" (cám, xác cá tạp...) thì chỉ mới thấy rất phàm ăn , bơi lội nhanh nhẹn vô hại, còn thả ra sông có theo gót đàn anh mà cắn người và tận diệt các loài thủy sinh vật khác không thì chưa biết.
    Chuyện xác minh tư cách cá với ốc trước khi cho nuôi tràn lan, đến đây, đáng lẽ phải là công việc của các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản, ngay từ khi mới mang "cháu" về, tức là cách đây 5 năm.
    Thế nhưng, nếu như hạnh kiểm của ốc bươu vàng đã được xác định mà suốt 5 năm vẫn được thả rông, thì cá chim trắng nay đã đầy các ao hồ từ Nam chí Bắc mà suốt 5 năm vẫn không ai nói nó là lành hẳn hay dữ hẳn. Khi bị báo chí dồn hỏi: "Có nên nuôi cá chim trắng nữa hay không?", thì vẫn là cái bệnh sợ trách nhiệm ở nước ta, cái câu kết luận cuối cùng được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 đưa ra rất mập mờ là: "Nuôi thì phải có quản lý nghiêm ngặt, không để thất thoát ra ngoài môi trường." Với lại: "Nên hạn chế, không nên phát triển đại trà." [1]
    *
    Úi chao, thưa các ngài!
    Câu trả lời đó của các ngài có cũng như không. Cái gì làm cái ngài không dám nói "Có" hay "Không" một cách rõ ràng? Khoa học chứ có phải văn chương đâu mà có vùng xam xám cho chúng ta núp vào trốn trách nhiệm?
    Hay các ngài đã tính, nếu cái con cá chim trắng kia một ngày kia ra đến sông, trở mặt côn đồ cấu xé trẻ em lội nước, thì khi ấy, các ngài sẽ nói là đã dặn phải quản lý nó nghiêm ngặt trong ao cơ mà, phải không?
    Và vì sao cái Viện ăn lương của các ngài không thể như hai vị sinh viên năm nào, dùng mọi nỗ lực để xếp loại nhanh con ốc bươu vàng vào hàng ngũ "địch" hay "ta" mà cứu lúa? Suốt năm năm trời các ngài uống nước chè ở đâu?
    *
    Thương nhất trong vụ này cuối cùng là anh cá chim trắng (biển). Anh này đắt tiền, lại hiền hòa với đồng loại . Nổi tiếng vì thịt ngon thì cũng nổi tiếng rồi, có cái vụ mập mờ tên với cá chim trắng (nước ngọt) này chỉ gây thêm phiền toái không đáng có, khiến thực khách không sành bỗng nhìn anh như tội phạm.
    Nhưng thôi,
    Anh cá chim trắng (biển) ơi,
    Nếu anh đã đến nằm trên thớt cơ chế nước tôi, thì anh phải hiểu cái sự không rõ ràng nó có trong vô vàn lĩnh vực. Và tập cho người ta dám nói "Có" hay "Không" một cách rõ ràng có lẽ còn phải rất lâu, biết đâu lúc đó những giống ưu việt như anh đã thành tuyệt chủng.
    Thể thao-Văn hoá, 04.07.2003
    honghoavi
  7. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo
    Ở đâu có bán kính viễn vọng?

    "Cái chết của một sao chổi
    Mỗi lần sao chổi tiến đến gần Mặt Trời, sức nóng của Mặt Trời làm nó mất đi hàng triệu tấn bụi khí. Trong lần xuất hiện cuối, sao chổi Halley đã bị mất từ 15 đến 30 tấn nước trong một giây. Ðến một lúc nào đó kho dự trữ nguyên liệu sẽ cạn kiệt và những dấu hiệu già cỗi bắt đầu xuất hiện... Một trong các sao chổi sắp kết thúc cuộc đời là sao chổi Encke. Sao chổi Encke đã biểu lộ những dấu hiệu của một sao chổi già cỗi, không còn khả năng tạo ra một cái đuôi có thể quan sát được. Có lẽ chỉ trong khoảng 100 năm nữa sao chổi nầy sẽ "chết" hẳn và chỉ còn để lại một tảng vật chất chu du đơn độc trong hệ Mặt trời."
    Nhớ khi còn nhỏ, được đọc "Hoàng Tử Bé", đến đoạn Hoàng Tử muốn quay lại cái tiểu hành tinh của mình để gặp lại bông hồng năm ngày ba tật, mà thân xác thì nặng, đành phải nhờ con rắn mổ cho một phát giúp hồn lìa xác; tôi khóc quá là khóc, ra ngoài hiên ngồi nhìn lên trời, và ước gì mình có... cái kính viễn vọng.
    Mấy chục năm sau, lại có cái thôi thúc muốn mua được cái kính viễn vọng con con. Lần này cũng do đọc sách, nhưng là sách khoa học, loại kiến thức phổ thông cho mọi người - cái quyển có đoạn nói về sao chổi bên trên, "Những Lữ Khách Của Hệ Mặt Trời", của tác giả Phạm Thanh Minh.
    Trong sách, những phần công thức tính toán (ít thôi) tôi bỏ qua nhanh, đọc chủ yếu phần nói về các tiểu hành tinh (có cái dạng như củ khoai tây, có cái dạng như quả chuối...), phần giải thích thế nào là sao chổi (là những tảng băng tuyết đường kính vài km, trộn lẫn các hạt bụi bẩn, xuất phát từ một vùng tối tăm, lạnh lẽo của vũ trụ...), rồi giả thuyết vì sao khủng long tuyệt chủng (65 triệu năm trước, một vật thể rơi xuống trái đất...), hoặc rất hay là đoạn tả vệ tinh Giotto đi làm nhiệm vụ bay qua nhân sao chổi Halley để chụp ảnh cho chúng ta xem, rồi bị thương và lạc hướng như một người lính thực thụ.
    Sách hơi ít hình và sơ đồ - cái cần có cho sách loại này. Sách còn một số lỗi chính tả loại Bắc - Nam, và thỉnh thoảng một số chỗ mâu thuẫn nho nhỏ. Nhưng trong hoàn cảnh sách hiện nay, đối với tôi, một cuốn sách như vậy là quá tốt rồi, khoảng trăm rưởi trang để đọc trong khoảng hai ngày, lúc rảnh rỗi, vừa có thêm kiến thức, lại vừa thúc đẩy mình ý muốn có cái kính viễn vọng, nghĩa là làm sống lại cái phần lãng mạn tưởng đã chết từ lâu.
    Phải thú nhận cái phần mơ màng của mình khi đọc sách thì cũng hơi khó, nhưng quả thực đọc sách này có lúc thật là buồn, nhất là cái đoạn: "Chuyện gì sẽ xảy ra khi các nhà thiên văn phát hiện một vật thể có kích thước lớn khoảng vài km đang trên đường hướng vào Trái Ðất? Nếu người ta phát hiện ra nó chỉ 5 năm trước khi nó va vào Trái Ðất, thời gian quá ngắn để có những chuẩn bị đối phó cần thiết và có lẽ người ta sẽ hối hận vì đã không phát hiện ra nó sớm hơn."
    Thật chẳng còn cái chữ nào làm người ta đau lòng hơn cái chữ "hối hận" trong đoạn này. Tôi bỗng nhớ hôm trước nghe chuyện về hai người bạn, một người gọi cho người kia, nói: "Anh đọc trên báo thấy bảo 300.000 năm nữa trái đất sẽ không còn, sao mà buồn quá." Thế là hai người cùng buồn. Họ biết rằng như thế thì có vẻ quá vớ vẩn, những 300.000 năm nữa và đây mới chỉ là giả thuyết. Nhưng mà vẫn cứ lặng cả người, tiếc thì đúng hơn, chừng đó công sức con người, rồi bao nhiêu là tình cảm... Mình là hạt bụi tỉ tỉ năm mới đến cái hành tinh mỏng manh này có một lần, và không bao giờ trở lại được nữa, nhưng sao mà yêu nó vậy!
    Tôi định thế này, mỗi khi có dịp, đọc được quyển sách nào, có cái gì hay, tôi nói cho bạn cùng biết. Có khi cả quyển được có một chương, hay khá hơn là nửa quyển, nhưng có lẽ cũng không nên quá cầu toàn. Như quyển sách trên kia chẳng hạn, còn những chỗ trúc trắc, lại chưa thật là hệ thống, nhưng cái phần kiến thức bổ ích (dù là phổ thông) thu được thì rất nhiều. Chưa kể, nếu chịu khó đọc đi đọc lại thì lại càng an tâm mà đi chơi tối với... cháu, để nó có chỉ lên trời và hỏi câu này câu kia thì mình người lớn cũng có cái mà trả lời.
    Thể thao-Văn hoá 2002
    honghoavi
  8. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo
    Cuối cùng là lè luỡi

    - Lè lưỡi để làm gì?
    - Ðể liếm ghế.
    - Ghế gì?
    - Ghế cô giáo.
    Ai đọc mẩu đối thoại trên mà không hiểu thì đúng là chưa đọc báo Tiền Phong, số ra ngày 9.03.2003, với câu chuyện có thật sau mà tôi xin tóm tắt lại:
    Cô giáo Phương Lan, 26 tuổi, dạy tiếng Anh, vào lớp, thấy ghế của mình đã bị trò nào vẽ đầy phấn. Cô nổi điên, không chịu để lớp thay ghế mới, không chịu để lớp lau ghế cũ, mà bắt thủ phạm phải tự ra khai báo và lau.
    Thủ phạm không đầu thú.
    Hình phạt của cô dành cho cả tập thể dung dưỡng tội phạm là: cả lớp lên liếm cho sạch ghế của cô.
    47 học sinh lớp 7 của trường PTCS Liên Hoa, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã lên liếm sạch ghế cho cô.
    Nhưng, cô chưa hả giận. Cô bắt bỏ phiếu kín khai báo thủ phạm. 47 cái phiếu thu về toàn phiếu trắng.
    Cô tức giận ra lệnh: lên liếm ghế đợt hai, và không được liếm dối.
    47 học trò lớp 7 lại lên liếm lần nữa, ngoan ngoãn.
    *
    Phần tôi, đọc xong, thấy giận cái "con" cô giáo kia 1, thì giận đám học trò kia 47 (bởi có 47 trò mà!). Giả sử tôi có con học trong cái lớp ấy, nếu đi học về cháu mách, bố mẹ ơi hôm nay con phải liếm ghế cho cô,
    - Thế mày không dám bỏ ra khỏi lớp rồi lên mách ông hiệu trưởng à?
    - Không ạ!
    thì tôi ắt sẽ quật cho cháu nó một trận đến... thụt cả lưỡi vào. Bởi vì, cái nỗi xấu hổ có con mất dạy đánh thầy, làm sao bằng nỗi nhục có con ngoan ngoãn liếm ghế cô!
    Và sau khi đánh con xong, phụ huynh (như tôi) sẽ nghiến răng trèo trẹo:
    "Hừ hừ... hừ hừ... Ðể xem cái ngành giáo dục lần này xử ra sao, xử ra sao... Thật tức quá, giận quá, tức quá!..."
    Rồi lật tung sách Ðạo Ðức của con mình ra, xem thử có bài nào dạy về lòng tự trọng hay không.
    *
    Lòng tự trọng, đó là cái mà từ nhiều năm nay, ngành giáo dục nước ta đã tước dần tước mòn của học sinh, khởi đầu bằng những việc tưởng như nhỏ.
    Hồi bé, là lớp phó học tập, khi tôi làm bài, có trò ngồi bên luôn quay cóp. Tôi để yên cho chép nhưng rất khinh. Một lần, trò nhìn không rõ, còn nhấc cánh tay tôi lên. Tôi cáu, mắng: "Không có lòng tự trọng à!" Trò ấy giận, xin đổi chỗ, đến ngồi cạnh một trò khác dốt hơn tôi.
    Ôi, cái thời hoàng kim ấy qua rồi! Cái thời mà trẻ con học giỏi học ngu rất phân minh, và nhận đúng những gì mình đáng nhận. Lòng tự trọng của trẻ con được kích thích, khi thước đo giá trị của chúng được rõ ràng.
    Nhưng giờ đây, cuộc tỉ thí giữa học trò cũng đã hết. Ðề thi có khi còn được thầy cô cho biết trước. Có khi thầy cô lại còn đọc bài cho chép. Còn nếu mày không cho tao quay bài, mày để cho lớp tụt hạng thì mày chết với cô!
    Và lòng tự trọng của lũ học trò chết dần, khi dễ dãi nhận những danh hiệu "giỏi", "xuất sắc" mà mình chưa đáng hưởng, khi ngoan ngoãn thủ tiêu "cái tôi" để làm theo văn mẫu, bài mẫu... Chúng trẻ con mà! Vả lại, có về nói với bố mẹ thì bố mẹ biết thế, nhưng cũng chẳng xui con mình bóp quả cam; tặc lưỡi nói con thôi chấp nhận sự giả dối đi, cho yên chuyện lên lớp.
    Ðể rồi từ đó đến việc muốn cho yên chuyện thì liếm ghế, quả thật cũng không xa.
    *
    Ðấy là chuyện của học trò cấp nhỏ. Ðến sinh viên đại học, thì cái sự lôi thôi tự bằng lòng lại là một hình thức thiếu tự trọng khác.
    Tôi nhớ có lần đi ngang một trường đại học lớn ở nước mình. Hông trường có những hàng cà phê "cóc", với các "cử nhân" tương lai ngồi đó, mà nhiều người trong số ấy, xin lỗi, trông nhem nhuốc, tối tăm. Trông họ rất "hãm" cả về quần áo lẫn thần sắc. Cứ nghĩ bụng, không biết đám sinh viên này thiếu một cái gì nhỉ?... Ừ, có lẽ họ thiếu sự kiêu căng về bản thân. (Tôi dùng chữ "kiêu căng" là mức hợm nhất đi, vô lối nhất đi, mức "chiếc áo" của ông "thầy tu" thôi đấy, chưa dám nói đến "kiêu hãnh", mà họ cũng không có được). Họ không thấy mình oai, không tự phục mình vì những gì mình đang có trong đầu. Họ chẳng làm cho đám thanh niên bán CD lậu bên đường ghen tị gì cả, vì cứ nhìn bên ngoài thì có gì khác nhau lắm đâu!
    *
    Ôi, cái sự kiêu hãnh về bản thân... Vì sao nó cứ dần teo tóp...
    Còn nhớ khi bạn mới vào lớp 1 không? Bạn tự hào biết bao nhiêu phải không? "Con học lớp 1.", nói mà mặt nghiêm trang, không đùa đâu đấy! Cả gia đình "lợi dụng" sự kiêu hãnh này để ép bạn ăn thêm một bát cơm ("Mình lớp 1 mà!"), để nói bạn đừng trêu em ("Lớp 1 người lớn ai lại trêu em!")...
    Rồi lòng kiêu hãnh ấy mất dần. Chẳng ai khuyến khích nữa. Thế rồi một ngày kia, cái đứa trẻ cách đây mới có bảy năm, bướng bỉnh nhưng đầy tự trọng khi bước vào lớp 1, qua bao nhiêu lửa luyện của một lối giáo dục, đã sẵn sàng cúi đầu liếm cái ghế sạch như lau.
    © 2003 talawas
    honghoavi
  9. Hoang_Yen_new

    Hoang_Yen_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    23/01/2002
    Bài viết:
    260
    Đã được thích:
    0
    Bác Thảo Hảo đã thiếu sót khi không nhận thấy 47 đứa trẻ này chấp nhận liếm ghế đến lần thứ hai bởi vì chúng đồng lòng nhất trí "47 người như một" nhẫn nhục đối mặt với sự tức giận của cô giáo nhưng cương quyết không khai ra kẻ thủ phạm.
    Chúng bảo vệ nhau tuyệt đối và không kẻ nào trong chúng phản lại đồng đội.
    Chúng thuộc điều ba: "Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt" đấy chứ Thảo Hảo???
  10. HoManhTrung

    HoManhTrung Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/08/2003
    Bài viết:
    15
    Đã được thích:
    0
    Bố họ Chế, con họ Phan. Nghi án nghi án.

Chia sẻ trang này