1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ai đã đọc " Nhân trường hợp chị thỏ bông"? Ai thích Thảo Hảo?

Chủ đề trong 'Văn học' bởi rantanflan, 28/07/2004.

  1. 2 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 2)
  1. TDCT

    TDCT Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/05/2001
    Bài viết:
    1.183
    Đã được thích:
    0
    Nói như đồng chí thì VN ta có cả họ Xuân, họ Huy, họ Thế... hay sao? :-)
    Xin thưa, Chế Lan Viên sinh năm 1920, mất năm 1989 và tên thật là Phan Ngọc Hoan.
  2. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Hay thật, Thảo Hảo và những câu chuyện dí dỏm, sắc sảo pha thêm màu sắc triết lý. Gọi là tản văn xem ra chưa chính xác lắm. Tớ chỉ nhớ đến mấy bài thơ trẻ con và truyện ngắn Hoa muộn gì đó của PTVA, thấy cũng nhàn nhạt. Bi giờ đọc mấy chuyện này thấy hấp dẫn thật. Có lẽ tại mình cũng bức xúc với các vấn đề xã hội quá nên đồng cảm chăng?
  3. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo
    Không sợ nghèo, chỉ sợ...

    Ðề bài:
    "Tổ dân phố có 25 hộ. Trong đó có 4 hộ nghèo gia truyền. Hãy trình bày biện pháp giúp cho 4 hộ này hết nghèo chỉ trong vòng 1 năm.
    Lưu ý:
    - có một số tiền lớn của Phường cho."
    Xin bạn đọc kỹ giúp đề bài, và vận dụng ý thức trách nhiệm của một công dân mà làm thử bài toán trên, trong vòng 5 phút thôi, trước khi đọc tiếp đáp án ở phần dưới.
    Cảm ơn bạn đã làm theo chỉ dẫn.
    *
    Tôi dám đảm bảo với bạn, rằng đáp án của bạn chắc cũng không đi xa lắm khỏi các biện pháp sau:
    ?" Cấp cho 4 hộ nghèo đó một số vốn
    ?" Mở lớp dạy nghề miễn phí cho con cái họ theo học
    ?" Giới thiệu việc làm hoặc nhận họ vào làm cho cơ sở của mình
    ?" Cấp cho họ một số thẻ ưu đãi về y tế, giáo dục
    Thế thì, cho rằng 4 biện pháp kia được hưởng ứng, nghĩa là với số tiền vốn bạn cấp, họ không dùng để mua đầu máy, mà để mở hàng cơm con; cho rằng con cái họ hăng hái theo học ngay lớp dạy nghề của bạn; cho rằng họ được nhận ngay vào một xí nghiệp bạn giới thiệu và trở thành những công nhân tốt..., thì bạn có nghĩ từ đây đến cuối năm 2003, 4 hộ nghèo đó có hết nghèo không?
    Nếu bạn nói "không", bạn nên xem lại bạn. Xem lại cái ý chí của bạn có được "duy ý chí" chưa, bởi vì giao cho bạn có mỗi cái đề trên giấy thôi, với 4 hộ ít ỏi thôi, mà bạn đã lưỡng lự.
    Trong khi đó, bạn có biết không, với thành phố Hồ Chí Minh khoảng 6 triệu dân, mà vừa qua, theo báo Thanh Niên số ra ngày 4. 3. 2002, hội nghị tổng kết về Xóa đói Giảm nghèo đã coi việc xóa sổ hết các hộ nghèo trong thành phố vào năm 2003 là một mục tiêu. Và quan trọng nhất, mục tiêu này đã được "nhất trí cao" của toàn thể hội nghị.
    *
    Ðọc bài báo Thanh Niên xong, trong tâm trạng của một người nghèo, vui thì vui lắm, nhưng tôi muốn được gặp ngay một người đi họp ở cái hội nghị kia về để hỏi: "Thế nào là nghèo?"
    Bởi vì, cứ theo kinh nghiệm của mình, thì muốn xóa sổ một cái gì, tôi phải biết rõ nó là cái gì đã.
    Nếu hỏi "đói" là gì, tôi có thể khai rành mạch cái tình trạng này, và thế là tôi có thể xóa đói bằng những phương pháp cụ thể, thiết thực.
    Nhưng hỏi tôi "nghèo" là gì, thì e rằng khó trả lời.
    Bởi nghèo là một tình trạng khó có thước đo chuẩn, ở nước ta.
    Thí dụ:
    Bạn có đủ ba bữa cơm, nhưng lòng canh cánh lo đến ngày đóng học phí cho con, thế có phải là "nghèo" không?
    Bạn có đủ cơm ăn, đủ tiền đóng học phí, nhưng lúc ốm đau thì méo mặt vay tiền, thế có phải là "nghèo" không?
    Bạn có đủ tiền cơm, tiền học, tiền viện phí, nhưng ngoài đó ra, bạn không còn tiền để đi chơi, để mua sách, để xem phim..., thế có phải là "nghèo" không?
    (Tuần trước, tôi về Nam Ðịnh. Ði giữa cái thành phố xinh xắn, yên bình, vắng vẻ; vào ngày thứ bảy mà nhà nhà khép cửa, không tiếng nhạc xập xình, không cà phê chớp nháy; không một góc phố náo nhiệt mua bán, không những dãy hàng ăn đông đúc, không một khách du lịch ba lô thăm thú đền đài... Có vẻ như ở thành phố này không ai ăn được tiền của ai. Ði ngoài đường không thôi, bạn không thể mạnh miệng nói rằng đây là thành phố nghèo được. Bạn chỉ mơ hồ cảm giác như thể người ở đây bình an trong đời sống tối thiểu, ngày hai bữa chính một bữa phụ, một T.V, điện, nước, nhà tắm có xà phòng..., làm tôi nhớ, khi tôi "nghèo" (chưa lãnh lương), tôi chỉ duy trì đời sống tối thiểu, những nhu cầu của tôi tắt lịm, tôi giống con gà kiếm sao cho đủ miếng ăn rồi về ngủ mà thôi. Lãnh lương rồi, tôi mới nghĩ đến vui chơi và những thứ ngoài cơm.
    Như thế thì có phải là "nghèo" không?)
    Và nếu như anh cán bộ Xóa đói Giảm nghèo ở hội nghị đồng ý rằng những tiêu chuẩn tôi đưa ra trên kia đúng là "nghèo", thì thưa anh, anh lại làm tôi nghi ngờ rồi. Cái tình trạng đó, đến tự thân tôi lo cho tôi, mãi đến 20 năm rồi tôi vẫn chưa xóa sổ được, chỉ GIẢM được thôi, mà các anh quyết chí XÓA hết cho cả thành phố này, dù rằng với thiện chí to lớn và đáng khích lệ của những người lo cho dân, nhưng vì các anh nói rằng chỉ cần trong vòng có một năm, thì liệu có thiết thực không? Và liệu tôi có nên hy vọng?
    *
    Nhưng thôi, có lẽ tôi nên hy vọng. Không hy vọng vào tính thực tiễn, thì nên hy vọng vào ý chí. Bởi vì các anh có ý chí.
    Theo bài báo, về việc làm sao cho thành phố này không còn hộ nghèo nữa, một cán bộ Xóa đói Giảm nghèo trong các anh đã khẳng định thêm chắc nịch: "Không sợ nghèo, chỉ sợ thiếu quyết tâm".
    Thế thì, tôi tin vào các anh. Tôi chỉ xin thêm vào:
    "Không sợ nghèo, không sợ thiếu quyết tâm, chỉ sợ thiếu duy ý chí."
    © 2003 talawas
    Được honghoavi sửa chữa / chuyển vào 08:12 ngày 19/11/2004
  4. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo
    Ai sẽ làm việc này đây?

    Cả đám ăn trưa xong, ra đến bãi gửi xe thì thấy ở giỏ xe mỗi người đã có một tờ rơi in trên giấy cứng, vẽ một con gấu mặt buồn bã. Nội dung:
    Kính chào quý khách
    Hiện nay chúng tôi có
    TRẠI GẤU
    Trọng lượng từ 150 đến 300 kg/con
    Quý khách có nhu cầu lấy mật trực tiếp
    TỪ GẤU ÐANG SỐNG
    Chúng tôi đưa đón miễn phí. Xe xuất phát vào hồi 7h30 sáng thứ bảy hàng tuần tại cổng chính công viên X, TP. HCM.
    Xin liên hệ chúng tôi tại..., số điện thoại...
    Quý khách có xe riêng đi đến trại theo sơ đồ sau...
    (sơ đồ vẽ rất chi tiết, dễ tìm)
    *
    Hai tuần trước, trong chương trình "Người Ðương Thời" của VTV3, đạo diễn Lê Hoàng - người làm phim "Gái Nhảy" - có nói về ý thức trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ bên cạnh việc làm nghệ thuật, giải trí đơn thuần. Bản thân ông là người rất quan tâm đến các vấn đề khác nhau trong xã hội (chứ không phải chỉ vũ trường). Ông là người vẫn viết các bài tiểu phẩm châm biếm, và trong chương trình Người Ðương Thời này, người ta giới thiệu một bài mới viết của ông, trước một vụ việc thời sự. Bài có tên: "Ðiếu văn đọc trước mộ bò"[1]
    Ðại ý, hai mẹ con bò tót thấy một quan chức kia là rất xấu xa, nhưng mãi các cơ quan chức năng chưa phanh phui ra. Hai con bò bàn nhau, thôi thì mình hy sinh, chạy ra trước họng súng khi kẻ kia đi săn trộm, nhân cái chết của mẹ con mình, người ta mới phanh phui ra những cái tội còn to gấp trăm lần của hắn - những cái tội làm hại đến con người chứ không phải chỉ con bò, nhưng phải nhờ đến con bò thì con người mới đi tố cáo.
    Tổng hợp cả lại: ý của đạo diễn Lê Hoàng về trách nhiệm công dân của nghệ sĩ, bài viết về mẹ con hai con bò tót của ông, thêm tờ rơi quảng cáo hút ******* sống, tôi xin thử đề xuất một chuyện sau với một số văn nghệ sĩ (và chỉ một số thôi ạ!).
    Ðó là lâu nay tôi thấy các vị sống một đời sống thật là phí phạm, với mình và với cả đất nước.
    Sống bằng sự nhớ dai của những người yêu thơ và mến văn, đã từ lâu không sáng tác nữa, nhưng các vị vẫn an tâm, chẳng thấy cần làm gì nữa.
    Nhận một thứ lương nhỏ nhoi của những cơ quan văn nghệ, các vị làm việc cầm chừng rồi la cà trong quán nước; ngây ngất hơi rượu, các vị nói những chuyện thông minh và chua cay về người này kẻ nọ trong giới văn chương. Còn cái cuộc sống cụ thể xung quanh đang ngùn ngụt thay đổi, với những tin vui đến chảy nước mắt cùng những điều bất cập, ngu dốt nghe mà tức đến nghẹt thở, đều bị các vị coi khinh, như chuyện của người khác. Coi việc khoanh tay đứng bên lề cuộc sống như một việc sang trọng, các vị chẳng bao giờ dùng ngòi bút của mình lên tiếng nói như một công dân trong cuộc.
    Nhưng tôi biết, là nghệ sĩ, các vị còn yêu thiên nhiên, còn sự đa cảm, chẳng nỡ bó tay nhìn bầy gấu bị hút mật sống ngay giữa lòng một thành phố văn minh. Vả lại, đến mẹ con con bò tót còn xả thân cho công lý như thế được, chẳng lẽ ta không thể hy sinh để cứu gấu sao?
    Thế thì "2 trong 1", nên chăng có người trong các vị hy sinh làm một chuyện sau:
    Hãy mượn cho được một khẩu súng săn, và đi săn trộm trong rừng quý. Rình bắn cho được một con gấu. Bắn được cả hai mẹ con nó càng tốt. Rồi làm cách nào cho kiểm lâm họ túm gọn cả ta lẫn gấu.
    Khi đó, tên của các vị có thể trở lại một cách tiếng tăm trên mặt giấy, dù là trong một vụ săn trộm. Nhưng đó là chuyện nhỏ. Chẳng ai cần chuyện ấy, đúng không ạ! Hy sinh này chỉ cốt để cho vế thứ hai: đó là nhân vụ việc đó, người ta sẽ nói rằng "gấu là động vật quý, phải bảo vệ". Và thế thì, khi ra tòa, xin các vị cãi hộ cái câu này:
    "Nếu các ông bảo là nó quý, sao vẫn để bao nhiêu đứa giết gấu dần mòn, công khai ngay giữa ban ngày?
    Thưa các vị,
    Lằng nhằng quá phải không? Nhưng một kế hoạch giải cứu phải có những bước zích zắc của nó. Tôi đã tính kỹ càng (tuy có hơi lẩn thẩn) từng bước để cứu loài gấu. Nhưng tới đây, tôi chợt nghĩ lại, có một yếu tố quan trọng, rất có thể làm hỏng bét kế hoạch của chúng ta.
    Ðó là: các vị chỉ là văn nghệ sĩ. Nếu lâu nay các vị vẫn sống vô trách nhiệm, bông đùa, không có gì là nghiêm túc, thì xã hội gọi là phục tài đó mà vẫn có phần xem thường các vị; nhìn các vị phù du như chim hoa cá kiểng, hoặc coi hành vi của các vị nhiều phần chỉ như của trẻ con hư.
    Nếu người ta đã xem thường mình như thế, thì đến ngay cả khi mình phạm tội, cái tội ấy cũng có cơ bị người ta xem thường nốt.
    Vậy nên, việc bắn chết gấu của các vị rất dễ bị người ta phẩy tay bỏ qua, chỉ coi là một chuyến thực tế lên mây của mấy ông làm thơ say rượu lỡ tay cò.
    Và thế thì, mọi chuyện chẳng đâu vào đâu cả. Kế hoạch của chúng ta tan nát. Các vị được thả, mà gấu thì mất.
    Ồ, nhưng vẫn chưa mất hết. Vẫn còn túi mật. Ngâm ra cũng được mấy bầu rượu (thơ).
    Thể thao-Văn hoá 02.05.2003
    --------------------------------------------------------------------------------
    [1]Tuổi Trẻ Cười, tháng 3. 2003, dưới bút danh Lê Thị Liên Hoan, về vụ săn trộm hai con bò tót trong rừng Ea-So.
  5. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0
    Thảo Hảo
    Ai khiến mày lạ?

    Trong "Tôi nghe, đọc, thấy, xem" tuần trước của Khuê Văn có bàn về việc "nếu một ngày kia nhặt được vật lạ" [ talawas 11.04.2003 ].
    Khuê Văn cho rằng, nếu bỗng nhặt được vật thể lạ, người Việt ta sẽ về gọi mọi người cùng ra xem, sau đó cãi nhau như mổ bò mỗi người một ý, tiếp đó mỗi anh tự về bắt chước làm một cái vật na ná với cái vật lạ mà họ chưa biết gọi tên kia. Còn cái tên gọi thật, bản chất thật của cái vật đó, là việc cần biết nhất thì vẫn không ai biết...
    Thưa bạn Khuê Văn,
    Bạn nói chẳng có gì sai, duy có việc là bạn sống trong một đất nước có hẳn những cơ quan có thể giúp ta giám định vật thể lạ, vậy mà trong toàn bài của bạn không hề có một chữ nào nói đến vai trò của họ là sao? (xem tôi chụp mũ nhé!).
    Bởi vì, ở nước ta, bản thân việc nhặt được vật lạ chưa phải là tốt hay xấu, mà phải đợi cho có kết luận của cơ quan chức năng sau khi xem xét mới biết là rủi hay may. Chính điều này nhiều khi làm ta lưỡng lự khi bất chợt thấy một vật lạ trên đường.
    "Có nên mang về không? Có nên hét lên cho mọi người biết là nó "lạ" không?" ta tự hỏi.
    Bởi vì ta đã biết bố mẹ chúng ta hình như hơi sợ những cái gì là "lạ", họ cho rằng hệ tiêu hóa của chúng ta còn non nớt. Nếu chúng ta hét lên, họ giấu béng vào tủ, và chúng ta cũng mất luôn cả cái cơ hội gọi bạn bè đến mà thảo luận về bản chất cũng như tên gọi của cái vật lạ kia.
    Nếu bạn thường xuyên sống trong tâm trạng "không-để-bố-biết-mình-nhặt-được-vật-lạ", thì lâu dần, bạn sẽ mất thói quen ngắm nghía vật lạ ngay cả khi nó nằm hẳn trong lòng bàn tay. Trong khi con cái nhà người ta, được bố mẹ khuyến khích đi tìm cái lạ, sẽ băng rừng, vào núi, mang về những thứ lóng lánh để mà tự hào. Cũng có khi mang về, bố mẹ nó sẽ cho nó biết, vật này thường lắm, chẳng lạ đâu con, khiến nó thất vọng vứt đi, thì ít nhất cái cuộc hành trình đi tìm cái lạ của nó cũng đã là một phần thưởng.
    Thế đấy, người Việt Nam ta là con nhà lành, bố mẹ cẩn thận (có lý do). Cẩn thận dạy con tránh vật lạ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, với những bài văn không được đi trệch lối, sách đọc tham khảo thì chỉ nên đọc tác giả này (tức là thầy) mà đừng đọc tác giả kia, không thì điểm kém. Cẩn thận tránh ngắm những triển lãm nhìn-mãi-không-hiểu-ý; tránh cho nhau đọc những từ ngữ mạnh bạo, tình tính dục gì đó - những cái có thể đề cập đến tận đáy sâu con người; Ở tầng nông, lửng lơ thôi, vì đáy sâu là đáy lạ, không ai xuống tận nơi thẩm tra được.
    Chúng ta đã được giáo dục để tránh xa cái lạ, đến mức gán cho cái lạ đến 70% là nguy hiểm. Trước những vật thể lạ, chúng ta không dại mà cầm lên ngay, dí sát vào mắt tìm tương quan thị giác như người Pháp, càng không mạo hiểm lắc lắc bên tai tìm tiếng nhạc như người Ðức, càng quyết không đập vỡ xem cái bản chất, cái tận cùng của nó là gì, như chú Tây Ban Nha...(những cái này tôi lấy ở đọan trích trong bài của Khuê Văn, chứ "lạ" thế, tự tôi không nghĩ ra.)
    Không, chúng ta không liều mạng thế. Việc trước nhất, ta phải ghi nhớ: đã lạ là nhiều phần nguy hiểm. Nên nếu thấy vật lạ, chúng ta cần rủ vài người cùng đến xem cho có nhiều kẻ cùng phạm tội. Ta đứng từ xa, và quyết không đưa ra ý kiến rõ ràng. Bởi vì, nếu ý kiến của ta hay, anh bên cạnh sẽ ăn cắp mất (và đăng trên báo khác), nếu ý kiến của ta nhỡ đâu không đúng, thế thì mất mặt ta. Mà thật ra, ta không phát biểu bởi vì ta cũng không chắc được lời ta nói ra là đúng hay là sai, là hay hay là dở. Về vật lạ, ta cần có một cơ quan thẩm định, với những nhân vật ta biết thẩm định còn dở hơn ta, họ hẹn 2h nhưng 6h vẫn chưa thấy tới. Nhưng ta phải đợi họ đến, vì không thì ai là người chịu trách nhiệm trước cái vật lạ khốn kiếp tự nhiên rơi xuống cuộc đời đều đặn và an nhàn này.
    Thế rồi ta oán vật lạ... Lạ làm gì không biết cơ chứ!
    Cơ quan thẩm định rồi cũng tới, khi tất cả đều đã mòn mỏi. Và vì họ cũng là người Việt Nam, cho nên họ cũng sẽ im lặng, vì họ cũng hoang mang như ta...
    Tất cả sẽ đợi như thế. Trăng sẽ lên. Trong ánh trăng bàng bạc mà cô độc ấy, vật thể lạ trên mặt đường tan dần, tan dần. Nó teo tóp lại, lộ rõ vẻ vô hại, bợt bạt dần đi, mang theo cả cái bí mật trong lòng, trôi đi mất cả xuất xứ.
    Và chúng ta ra về, hội đồng giám định về trước vì có xe con. Chúng ta ra về sau, lòng hơi buồn buồn, vì mãi vẫn không có ai sờ được đến vật lạ đó, ngửi tới nó, thậm chí đá vào nó một cái. Và nhất là, trong lòng ta lại tiếc rẻ, nếu biết nó không hại như thế này, thì lúc nãy mình đã liều khen một câu, rồi mang về, bán.
    (Thể thao-Văn hoá số 4, ra ngày 17.01.2003)
    honghoavi
  6. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0
    Thảo Hảo
    Cái không thuộc về y đức

    Hôm qua là ngày thầy thuốc Việt Nam.
    Hôm qua chúng ta đã tặng hoa và những lời biết ơn.
    Nhưng bên cạnh lòng biết ơn chân thành đó, thì cũng phải xét đến điều sau.
    Ðó là, phàm ở đời, cái gì người ta càng cần thì càng sợ bị mất lòng. Càng sợ bị mất lòng thì đến dịp cần chúc mừng thì càng chúc mừng nhiều. Thí dụ, kỷ niệm ngày thành lập ngành cao su thì mấy ai nhớ, nhưng ngày hiến chương các nhà giáo thì phụ huynh lũ học trò đã nô nức từ tận mấy hôm trước.
    Có lẽ dân ta đối với ngành Y nước ta cũng vậy, mà còn nặng hơn. Bởi vì cái ngành này không chỉ liên quan đến sinh tử, mà còn dính líu đến vô vàn điều không liên quan đến sinh tử, nên cái "cần" và cái "sợ" của người dân đối với ngành này đi liền với nhau, lẫn lộn vào nhau, quyện thành một khối treo lơ lửng trên đầu; đầu người bệnh, và nhất là, đầu người nuôi bệnh.
    Tôi còn nhớ, một lần cô tôi đi xe máy và bị ăn cướp giật giỏ xách, làm gãy tay
    Người ta đưa cô vào bệnh viện, nằm ít hôm, chờ mổ đóng đinh vào trong xương.
    Cô nằm đó, thật như một bà hoàng, ngủ thiêm thiếp cả ngày, tỉnh dậy là ăn một tí, rồi nhìn ngó chung quanh, xem mấy trang báo, đòi uống nước cam, rồi lại lim dim ngủ.
    Chỉ có chúng tôi - những người đi nuôi cô là khổ.
    Bị cuốn vào dòng xoáy nuôi bệnh rồi, chúng tôi không còn đầu óc đâu mà nghĩ về bệnh tật, sinh - tử. Cũng không nghĩ tới viện phí hoặc giấy tờ.
    Chúng tôi chỉ đau đáu nghĩ tới giờ cô đòi... đi vệ sinh, vì mỗi lần như thế, cả đám lại phải đối mặt với cái tưởng là bé nhất mà thật ra lại rất to của các bệnh viện nước mình, ấy là khu nhà vệ sinh, tắm giặt.
    Ở cái bệnh viện rất to ấy, rất đông người bệnh và người nuôi bệnh, mà cái khu vực tối quan trọng này lại ẩm thấp và tối tăm, tanh tanh mùi bông băng, đèn tù mù soi những sọt đầy giấy và rác. Ðưa cô tôi vào rồi thì bọn tôi chỉ muốn về nhà để "tẩy trần" ngay.
    "Thế này là còn tốt", vẫn có người nói thế.
    Bởi vì ở một bệnh viện khác, tại khoa dành cho người bị liệt nửa người, mà phòng vệ sinh là "xí xổm", khiến có bệnh nhân già yếu đành phải chọn cách ngồi bệt xuống, xung quanh là nước chảy ướt đầm đìa...
    Hay như ở một bệnh viện lớn khác, nhà vệ sinh cho sản phụ lại ở ngoài hành lang đầy gió, bên trong không có đến một cái đinh móc áo, một cái gương con tối thiểu tiện nghi. Chỉ có một cái xô bẩn, mấy cái vòi, và nước thì lạnh toát. Bồn vệ sinh thì rất bẩn, người nhà thà nhịn còn hơn là phải rùng mình.
    "Thế này là còn tốt". Ai cũng nhăn mặt nói thế, trong bệnh viện cô tôi nằm.
    Có đi nuôi bệnh thì tôi mới "ngộ" ra, người ta sợ bệnh nhiều phần không phải vì "bệnh" mà vì sự mất vệ sinh của "bệnh viện".
    Nếu như bệnh viện của ta cũng như trong phim truyền hình Hàn Quốc: ai cũng sạch, chỗ nào cũng sạch - giường bệnh, nhà tắm, với lại căng tin... thì có lẽ mỗi khi có bệnh, người dân ta đã không trù trừ khi quyết định nhập viện như thế này, đến mức người nhà nhiều phen phải năn nỉ rồi dọa nạt.
    Thế đấy, cái đức hy sinh, không muốn làm phiền người khác của dân ta, nhiều khi là do hoàn cảnh (y tế) xô đẩy mà có. Lắm lúc ta không muốn nhập viện không phải vì sợ dao kéo hay kim chích; chỉ vì nghĩ đến cảnh kẻ đi nuôi mình sẽ phải ăn uống, tắm rửa, vệ sinh trong bệnh viện không thôi đã thấy rợn người, mà thương.
    Vào nuôi người trong bệnh viện rồi, mới thấy ngành Y tế nếu thương bệnh nhân và người nuôi bệnh một chút, thì cũng chẳng cần phải làm gì nhiều lắm đâu: chỉ cần nghĩ rằng họ cũng như ta, cũng có cái nhu cầu được ăn trong một căng tin sạch sẽ, được tắm giặt trong một nhà tắm sạch sẽ, được thảnh thơi về những nhu cầu vệ sinh tối thiểu, dành tâm trí cho những điều đáng để lo hơn.
    Và khi bất lực rồi, thì lại chỉ mong sao có ngay được một ông giám đốc bệnh viện sâu sát và quyết đoán như ông thủ tướng Hun Xen: ông này từng ra lệnh cho khu du lịch Ankor Wat phải xây nhà vệ sinh đàng hoàng, không thì ông cách chức.
    Nhưng điều này có lẽ cũng rất khó.
    Bởi vì ông giám đốc bệnh viện kia hẳn cũng là bác sĩ.
    Mà ngày ra trường của các bác sĩ, chắc có lẽ người ta chỉ đọc lời thề Y đức, mà không đọc lời thề Vệ sinh.
    (Thể thao-Văn hoá 2003)
    honghoavi
  7. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo
    Tôi biết ơn Hội Nhà văn và?

    Thưa Hội Nhà văn Việt Nam...
    Thưa Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam...
    Tôi, một công dân Việt Nam như mọi công dân Việt Nam, yêu thơ và khi thuận tiện cũng có làm thơ (năm chữ), cảm ơn các vị đã tổ chức ngày hội Thơ vào ngày 15. 2. 03 vừa qua trên toàn quốc.
    Mọi ngày hội đều có thể có thiếu sót, đó là điều không ai tránh khỏi, nhưng vượt lên khỏi những thiếu sót đó là điều cao cả nhất mà các vị đã làm được, ấy là nêu một tấm gương tiết kiệm sáng ngời cho toàn dân.
    Trong khi chính phủ đang kêu gọi sự tiết kiệm và dân ta cứng đầu chưa chịu nghe theo, thì các vị, những người tưởng như phiêu bồng trên mây lại chính là những người tiên phong đáng nể.
    Các vị đã tiết kiệm cái gì?
    1. Tiết kiệm không gian
    Thưa các vị trong Ban tổ chức ngày hội Thơ!
    Tôi không thể phân thân để dự hội thơ khắp nước, chỉ được dự ở một nơi được coi là xôm tụ nhất, đó là Hà Nội. Và chừng đó thôi cũng để tôi kính phục các vị rồi.
    Bởi vì, giá như chương trình hội Thơ năm nay lọt vào tay một Ban tổ chức hoang tàng khác, thì hẳn bọn chúng đã dùng cả khu Văn Miếu đó để mà làm những việc lãng phí như:
    - bày góc này bán sách thơ cũ, bán đấu giá sách thơ hiếm,
    - bày góc kia bán sách thơ hiện đại với các nhà thơ vung tay cho chữ ký một cách phí phạm,
    - in thật to (và như thế lại tốn một đống tiền) ảnh đám nhà thơ nổi tiếng, treo trong sân, đố người yêu thơ tìm cho ra trong đám đông để mà nắm áo giao lưu,
    - dựng hai, ba sân khấu khác nhau cho các loại thơ khác nhau: thơ tự do, thơ vịnh, thơ Tân hình thức, thơ vần vèo... (và như vậy lại tốn điện, tốn micro).
    - ...
    Nhưng, thưa các vị!
    Là một người yêu thơ năm chữ, tôi phản đối những hình thức trên, vì nó đi ngược lại với đường lối tiết kiệm, dù là tiết kiệm cái không gian có sẵn, chẳng để làm gì kia của Văn Miếu.
    Thật là cảm phục khi thấy buổi sáng hôm đó, trong cả khu Văn Miếu mênh mông ấy, các vị chỉ cắn răng xin dùng có mỗi một khoảnh con con để đọc và ngâm thơ, tối om om và hẹp vanh vanh, dù biết rằng, ngoài kia, trong nắng ấm, có hàng trăm người yêu Thơ và người làm thơ diện com-lê, áo dài, đang rộn chân cần nhiều chốn để loanh quanh. Nhưng, thưa các vị, ngày hội Thơ chứ có phải ngày hội Ẩm thực đâu phải không ạ? Chỉ cần đứng một chỗ, lắng nghe thơ ngâm theo kiểu cổ, qua micro, là đủ để diễn tả lòng yêu mến Thơ rồi!
    Càng cảm phục hơn sự bền chí tiết kiệm của các vị, khi đến buổi chiều, các vị chỉ dùng mỗi nhà Thái Học để các cụ trong các câu lạc bộ đến ngâm thơ; Và buổi tối, các vị chỉ dùng mỗi một hội trường Tăng Bạt Hổ.
    Cả ngày hội Thơ ở Hà Nội - nơi gần như mỗi người dân đều mang mầm mống một nhà thơ, nơi mỗi thước đất đều nảy chồi một tứ thơ, mà ngày hội Thơ chỉ tốn một diện tích khoảng chừng 500 mét vuông là hết.
    Thật chưa có một lễ hội nào, cho một thể loại nghệ thuật thuộc loại đông đảo người biết nhất (ở nước ta) thế này, mà lại tiết kiệm không gian cho nhà nước đến vậy. Nếu ai cũng biết tiết kiệm cho nhà nước như các vị, thì hẳn nước ta từ lâu đã hóa con rồng (to)!
    2. Tiết kiệm Thơ và hình thức lễ hội
    Nhưng, quan trọng nhất, là ngay trong ngày hội Thơ mà các vị dùng Thơ rất tiết kiệm, hệt như các đầu bếp biết tiết kiệm đến cả hành ngò trong ngày hội Ẩm thực.
    Cả buổi sáng ở Văn Miếu, các vị chỉ cho ngâm lại những bài thơ cũ, của đa phần là những nhà thơ đã ngậm cười nơi chín suối. Bọn nhà thơ trẻ đứng trong sân bực bội vì những bài thơ mới toanh của chúng không được đọc. Nhưng chúng phải biết chứ, làm ra một bài thơ để đời nào có dễ, và tim óc đó, tài năng đó, dù có cũ rồi, ai cũng thuộc rồi, cứ đến dịp ta vẫn nên đem ra dùng lại, kẻo phí hoài.
    Cả ba buổi của ngày hội Thơ, có lẽ các vị chỉ dùng mất khoảng 40 bài, tôi đồ vậy. Hình thức khiêm tốn như những buổi đọc thơ ở câu lạc bộ "Ông & Cháu", ấm áp nghĩa tình như những buổi đọc thơ thượng thọ, tôi ví thế có sai không, về những buổi đọc thơ của ngày hội Thơ tại Hà Nội vào đêm Nguyên Tiêu?
    Và để thích hợp với không khí trên, các vị cũng dùng lại hình thức đọc thơ "cổ kính" nhất, tức là ngâm. Tuy rằng cái hình thức đọc thơ y ỷ này có thể làm cho thơ không còn là thơ; với mục tiêu tiết kiệm đặt lên hàng đầu, tôi vẫn đồng ý với các vị. Loại hình nào mà ta đã dùng từ lâu thì cứ nên dùng lại. Chúng ta quyết không như cái Bộ Giáo dục hoang phí kia, cứ vài năm lại cải cách thay sách giáo khoa một lần. Chúng ta cố thủ trong cái ngôi đền hình thức bất khả xâm phạm của Thơ (ngâm). Không có cải cách gì hết, chúng ta tiết kiệm, tức là dùng mãi những gì đã có, dù nó có không hợp thời một chút, nhưng nó không làm chết người (mà chỉ chết Thơ), thế là xong!
    3. Tiết kiệm thời gian cho người yêu Thơ
    Thưa các vị,
    Tiết kiệm không gian giúp cho người yêu Thơ khỏi tốn thì giờ đi loanh quanh thăm thú những gian hàng thơ, tham dự những trò chơi thơ vô bổ, gặp gỡ và giao lưu với những nhà thơ thiếu thực tế, ngông cuồng.
    Tiết kiệm số lượng Thơ đọc giúp ngày hội Thơ chỉ phải diễn ra trong khoảng 6 tiếng, hệt như giờ hành chánh của công chức sau khi đã uống nước chè và nghỉ sớm.
    Tiết kiệm các hình thức sinh hoạt lễ hội Thơ, quy lại chỉ còn ngâm và đọc trong phòng, giúp cho người ta nhận ra bản chất thật sự của nhà thơ là cô đơn mà sáng tạo.
    Và tiết kiệm thời gian sinh hoạt lễ hội giúp cho khối nhà thơ phải thòm thèm, hậm hực, chờ đợi đến tận ngày này năm sau để được đọc thơ mình.
    Kết luận và tri ân
    Thưa các vị,
    Làm được các điều trên trong một bối cảnh đáng lẽ không cần phải thế; tiết chế được những thứ đáng lẽ không cần phải tiết chế, giản lược những thứ đáng lẽ được phép cầu kỳ, để ra được một ngày hội Thơ nhỏ nhắn nhất, kín đáo nhất, gần như không ai nhận ra, thì chỉ có các vị mới làm được thôi, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Liên hiệp ạ.
    Và để làm được việc phi thường như thế, tôi cảm động mà nói với các vị, rằng các vị đã cắn răng tiết kiệm hai thứ - hai thứ mà có thể chính các vị là những người có nhiều nhất, và có thể dùng vung tay nhất.
    Ðó là CHẤT XÁM và LÒNG YÊU THƠ.
    Một lần nữa xin cảm ơn các vị.
    (Thể thao-Văn hoá 21.02.2003)
    honghoavi
  8. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo
    Có đức mà không có tài

    Ở một trường P.T.C.S miền núi phía Bắc, có một ông hiệu trưởng tên Tành quê Nghệ Tĩnh và hai cô giáo miền xuôi còn trẻ, Giao và Minh.
    Trường chỉ có hai phòng học, và những giáo viên là những người đã bị Bộ Giáo dục bỏ quên. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng, bằng cách của mình, duy trì các lớp học.
    Ông hiệu trưởng vô cùng tốt bụng nhưng dốt nát. Ông đem lòng yêu cô giáo Giao, nhưng cô yêu một anh chàng thăm dò địa chất, cũng người miền xuôi lên. Chuyện ân ái của cô và người yêu bên suối bị học trò bắt gặp. Và hậu quả là sau đó bọn học trò lớp cô Giao nghỉ gần hết vì cho rằng cô giáo như thế là xấu.
    Cô giáo còn lại (Minh) đem lòng yêu ông hiệu trưởng, nhưng không được đáp lại, cô tự ái bỏ về xuôi.
    Không còn cô giáo nào, ông hiệu trưởng phải một mình cáng đáng hai lớp học gồm khoảng mấy chục học trò với trình độ mới ở mức tập đọc, chính tả, và định nghĩa góc nhọn. Nhưng cố gắng đến mấy, ông cũng không thể nào dạy nổi, ông chỉ biết hát dân ca và cho đọc lại những gì các cô giáo đã dạy. Trường học miền núi thế là tan.
    *
    Ðó là phim "Thung Lũng Hoang Vắng", mà trong brochure giới thiệu là "một bài thơ về nỗi cô đơn nhưng rất nhân bản". Xem rồi lại nhớ một bộ phim của đạo diễn Pháp, Bertrand Tavernier - phim "Bắt Ðầu Từ Ngày Hôm Nay......", nói về công việc của một thầy hiệu trưởng trường mẫu giáo vùng mỏ nghèo. Thầy phải đấu tranh với cái tăm tối của phụ huynh, cái thiếu hỗ trợ của chính quyền, và cả cái phá phách của đứa con riêng của vợ thầy. Cái sự cô đơn của thầy là sự cô đơn giữa đông đúc người, của một trí thức đang đấu tranh cho quyền lợi cộng đồng mà chưa đạt được kết quả. Nhân vật này làm người xem phải giật mình, tự hỏi rằng mình lâu nay đã thực sự sống cho ra sống chưa, khi chỉ dùng năng lực và kiến thức của mình vào những công việc có ích cho riêng bản thân.
    Nhưng để làm cho người xem giật mình và soi lại bản thân, thì đầu tiên, ông hiệu trưởng của Tavernier phải là một người giỏi trong chuyên môn cái đã. Chúng ta hay nói, có đức mà phải có tài. "Tài" đâu nhất thiết phải tài năng bẩm sinh, hơn người, mà đây chính là cái mà ông André Maurois đã viết, đó là sự đi đến tận cùng trong công việc mình làm, trong việc mình được giao, không thể lấy "miệng mồm đỡ chân tay", hay chân tay đỡ trí não được. Và đó lại là phẩm chất mà ông Tành của "Thung Lũng Hoang Vắng" thiếu hoàn toàn.
    Nếu như trong phim "Thung Lũng Hoang Vắng", các cô giáo chỉ gọi "anh Tành ơi" mà không gọi là "thầy hiệu trưởng ơi" thì người ta đã nghĩ ông Tành chỉ là một người làm tạp vụ tốt bụng trong trường: sáng ra đánh kẻng vào lớp, vận động học trò đến lớp; đi chợ mua rau, thắp đèn dầu, sửa mái lá... Chắc rằng thầy giáo miền núi thì phải làm kiêm nhiều thứ hơn thầy giáo miền xuôi, nhưng cái ông Tành này, ngoài những việc nêu trên, hoàn toàn không thấy có một phẩm chất gì thuộc về chuyên môn nhà giáo, chưa nói gì đến chuyên môn hiệu trưởng. Chưa bao giờ thấy ông đọc sách, kiểm tra giáo án. Buổi tối thì ông uống rượu (trong khi các cô giáo phải vào bản dạy lớp tối), hoặc ông sang phòng giáo viên nữ ngồi thừ ra làm người ta khó xử. Cái tốt của ông đi kèm cái dốt và tình cảm lộ liễu, nếu tôi mà là giáo viên như Giao, như Minh, ở một nơi hoang vắng như thế, chắc tôi đã phải gai người.
    *
    Xem phim xong, cứ thắc mắc hoài, vì sao một người như ông Tành, chịu bao nhiêu năm xa quê để sống với ngôi trường miền núi, tâm huyết đến mức khó tin với việc làm sao cho học trò tới lớp như thế, mà lại bàng quan với những gì học trò học trong lớp đến vậy. Và một thầy hiệu trưởng mà sao dốt thế không biết! Ông này học trường nào ra? Ai cử ông làm hiệu trưởng? Hay là Bộ giáo dục (trong phim) thấy ông dốt mà tốt, Bộ cử ông làm cái chức này, để Bộ dễ bắt nạt và bỏ mặc ông?
    Ra khỏi phòng chiếu rồi còn thấy thương. Cái sự cô đơn của ông Tành, quả thực chẳng bao giờ giải quyết được đâu, trừ khi cho ông lấy cô Giao, hoặc cho ông về miền xuôi (nhưng phải tiếp tục làm hiệu trưởng, trong một ngôi trường có nhiều việc tay chân để làm).
    (Thề thao-Văn hoá 2002)
    honghoavi
  9. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo
    Đánh kẻ ngã ngựa

    Một cúp bóng đá thế giới đã xong. Mọi người bải hoải quay lại công việc cũ. Cứ bốn năm một lần, người ta lại rút được thêm một vài bài học qua bóng đá. Năm thì "mất bò mới lo làm chuồng", năm thì "thà đánh người trước khi người đánh mình", năm lại "hai đánh một chẳng chột cũng què", nhưng có một thứ, lần cúp thế giới nào cũng có, mà cũng chẳng phải bài học, chỉ là một thực tế mà trong đời thường cũng vẫn gặp, lại gặp nhiều khi xem đá bóng (trên T.V hay đọc báo) ấy là "đánh kẻ ngã ngựa".
    Năm nay thì anh Hàn Quốc vào sâu tận những vòng trong. Nhớ những vòng ngoài, khi các anh hùng hục chạy trên sân và thỉnh thoảng ghi bàn thắng, bình luận viên suýt xoa như dõi theo một đội bóng của Hercule, lại còn dự đoán họ sẽ tranh trận chung kết. Rồi cũng chính những anh Hàn Quốc đó, vào vòng sâu và bắt đầu thua, mà thua oanh liệt đẹp mắt, chỉ vì đối thủ của họ giờ là những kẻ mạnh hơn; thì bình luận viên bẻ lái ngay sang hướng độ lượng mà cho rằng, những gì đội Hàn Quốc đạt được trước kia chỉ là nhất thời, họ nay "sức cùng lực kiệt", rằng đội Hàn Quốc đã "lạc quan tếu", rằng... nhiều thứ lắm, chỉ biết cuối cùng làm người xem như tôi hoang mang, bởi vì tôi vốn tin vào mấy anh bình luận viên, và khi anh thay đổi chính kiến quá nhanh, thì tôi bẻ lái theo không kịp. Lại hoang mang nữa vì nhìn ra trong đời hình như sẽ không có chỗ cho kẻ ngã ngựa. Khi bạn ngã, không có chuyện tại ngựa hôm nay cao hơn hôm qua, hay đường hôm nay xóc hơn hôm kia, mà người ta bắt buộc bạn phải nhận lỗi, tại hôm nay bạn cưỡi ngựa dở hơn mọi ngày. Có thể tôi coi không đủ, nhưng chưa bao giờ tôi thấy một anh bình luận viên nào bình luận trước một đội thua: "Họ chơi hay quá, chơi hay hôm cả mọi khi, nhưng đối thủ của họ quá mạnh. Thua thế này cũng là thắng rồi."
    Tôi nhớ có lần xem chương trình Yan Can Cook; Ông Yan băm tỏi rất nhanh, chặt thịt phăm phăm, đến khi bốc vào chảo thì ông làm rơi ra ngoài. Yan lập tức gân cổ lên, đại loại, ai mà chẳng có sai lầm, (chỉ xuống khán giả) cô cũng có sai lầm, anh cũng có sai lầm, sao tôi không được sai lầm? Tôi rất thích cái đoạn này, vì biết rõ là ông ấy đùa, nhưng ông ấy chỉ cho khán giả biết cách bảo vệ mình mỗi khi gặp sai lầm. Mình phải có một khoảng sai số để tự tha thứ cho mình. Mình phải trung thành với mình...
    Nhưng xem tường thuật bóng đá thì ngược lại. Bạn được học một nguyên tắc: thua tức là có lỗi, và chỉ nên ngả theo người mạnh. Bóng ào qua sân này, ta phải hồ hởi khen ngợi. Bóng ào ngược lại, ta phải đổi chiều ngay. "Ðã đến lúc đội X. phải xem lại mình," hay "Vâng, quả thực, tuổi tác, thưa các bạn, tuổi tác...", cũng là những nhân vật đó, trước đấy ít phút, ta mới khen là "đầy áp đảo", là "lão tướng đầy kinh nghiệm"... đại loại vậy. Nhưng, ta phải cứu lấy ta thôi, vì thế cờ đã đổi. Tí nữa bóng ào qua lại, ta đổi chiều cũng chưa muộn.
    *
    Ngày trước tôi vẫn hay vào cơ quan mẹ tôi chơi. Trong cơ quan có một chị mà tôi rất ghét. Chị nói năng rất ngọt. Chị lại hay nịnh. Bác trưởng phòng mẹ tôi có vẻ thân với chị ấy. Tôi thấy chị ấy hay đùa với bác, gọi bác là "sếp" luôn miệng, và "dạ" thật to mỗi khi bác gọi.
    Thế rồi bác ấy đến tuổi về hưu. Nhưng bác ấy nhớ cơ quan và thỉnh thoảng vẫn đến chơi. Vả lại, đây là cơ quan về chữ nghĩa nên "hưu" nói chung cũng chỉ là một cái mốc hành chính, chứ về mặt công việc, quan hệ, thì vẫn thế. Người ta vẫn ngồi bàn chuyện với bác về sách vở, kiến thức. Chỉ có chị kia là không nói chuyện nhiều với bác nữa.
    Một buổi chiều, mẹ tôi nhờ tôi ngồi đánh máy công văn. Bác trưởng phòng ấy vào cơ quan, lúc ấy chỉ có tôi và chị "đáng ghét". Bác ấy tìm cái gì đó trên bàn chung mà không có. Rồi bác nói to, cái sổ điện thoại đâu rồi nhỉ? Chị kia ngồi im, không trả lời. Bác hỏi lần nữa, và nhìn vào cái gáy chị "đáng ghét" đang cúi xuống chăm chú làm việc. Chị không ngẩng lên. Thật không giống chút nào với ngày xưa, cái ngày chị có gì ăn cũng mang mời "sếp", thân thiết "bố bố con con"... Từ hôm ấy, tôi thấy bác ít vào cơ quan hẳn.
    Nói bác về hưu là "kẻ ngã ngựa" thì thật là quá đáng. Nhưng nói "ngã ngựa" thật ra cũng là dành cho những ai không còn trên lưng ngựa. Mà đâu đâu cũng gặp cảnh người-ngồi-ngựa-ngã-ngựa thế này. Thế nên tôi thích cái cách cổ động viên Hàn Quốc hô to rồi đồng loạt giơ tay ra sau mỗi tiếng hô, mặt nghiêm trang và đáng tin cậy, như bố mẹ giơ tay sẵn sàng đón con rơi từ trên lưng ngựa xuống, thấy mới nhân nghĩa làm sao. Lại nghe anh bình luận viên nói, người Việt Nam chúng ta phải học họ thôi. Anh nói đúng, nhưng nhiều khi các anh đã chẳng làm gương cho chúng tôi, từ đầu giải đến cuối giải, có gần một tháng thôi, người ta đã thấy các anh quật bao nhiêu là kẻ ngã ngựa.
    (Thể thao- Văn hoá 2002
    honghoavi
  10. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo
    Không có chồng thì đừng có làm giầu

    Một hôm, hội Không chồng của chúng tôi ngồi bàn: hẳn ai cũng biết, không có chồng thì (nói chung) rất buồn. Và một trong những cách giải sầu của thành phần này, có lẽ chỉ còn là... làm giầu.
    Làm giầu thì có nhiều cách. Nhưng với thành phần căn cơ như chúng tôi, có lẽ cũng nên chọn cách căn cơ nhất là mua đất với mua nhà, loại có giấy tờ đàng hoàng, không hợp đồng xanh thì cũng sổ đỏ.
    Các thành viên của Hội tỏa đi mua nhà. Chúng tôi sẽ xoay vòng vốn với những căn nhà này. Ðến một lúc nào đó mỏi mệt thì sẽ ngừng lại, dùng tiền lời xây một căn nhà chung làm nhà dưỡng lão cho cả hội.
    Nhưng với những người như chúng tôi, hình như bao giờ sự tính toán cũng bị trật đi một tí. Khi một hôm, một chị trong hội muốn bán đi (để mua căn khác to hơn), và hạng người căn cơ như chị này cũng lại (dại dột) chọn con đường căn cơ nhất để làm giấy tờ: không mướn cò, tự mình đâm đầu vào chốn công quyền.
    Tại phòng Công chứng 1, TP. HCM, người ta hỏi, tài sản này chị có chung với ai không? Chị nói, của mình tôi thôi, vì tôi độc thân, chưa chồng.
    "Chị về phường lấy chứng nhận độc thân", người ta nói.
    Hôm sau, chị hớn hở vác giấy lên.
    Nhân viên công chứng xem và nói, vậy là phường chỉ xác nhận cho chị có một khoảng độc thân thôi, còn lùi lại trước đó cho đến năm 18 tuổi, chị có độc thân không, chúng tôi cũng cần giấy tờ chứng nhận.
    "Sao lại tận 18 tuổi?" chị hỏi.
    Nhân viên công chứng nói ra một sự thật đau lòng: 18 tuổi, đúng ra là người con gái nào cũng có thể lấy chồng rồi.
    Nhưng chị, một người đã lên rừng xuống biển suốt những năm tháng đáng ra phải lăn lộn trong bếp đó, đành bó tay. Vì muốn có giấy chứng nhận cả cuộc đời độc thân của mình, chị phải lặn lội ra tận (nhiều tỉnh) miền Bắc, sau đó vào Sài Gòn, kế tới trở về Ban chỉ huy lực lượng Thanh niên Xung phong, tiếp tục quay sang Nga xin một con dấu, trở về lại miền Nam (vài địa chỉ khác nhau), và tại đây phải đối diện với 2 trường hợp đều vô phương giải quyết (ở nước ta):
    Gặp lại nhân viên cũ của chính quyền địa phương, ông này hẳn đã về hưu hay đổi công tác, và không nhớ ra chị là ai (dĩ nhiên). Ông không còn một con dấu nào hết. Và đương nhiên là ông sẽ không chứng nhận được cho chị.
    Gặp nhân viên mới của chính quyền địa phương. Anh này sẽ nói, làm sao tôi biết chị là ai một khi chị đã chuyển nhà trước khi tôi về đây công tác. Và làm sao tôi dám chứng nhận là trong những năm (xa xưa đó), khi chị ở đây, chị đã không lấy chồng?
    Tóm lại, chị nghĩ, việc không có chồng của mình không ai chứng nhận được, trừ mình.
    Nhưng nhà nước là gì? Phải chăng là nơi đưa ra luật cho dân và hướng dẫn cách thi hành cái luật đó? Nhưng đó không phải là nước ta. Bởi vì khi chị bạn tôi hỏi anh nhân viên phòng Công chứng 1, rằng theo anh, tôi phải làm sao để có được tờ giấy chứng nhận cả cái quá trình độc thân của mình mà không phải đi ngược lại tất cả những nơi mình đã từng sống, thì anh này nói, tôi cũng không biết, có lẽ chị phải lên Phòng Tư pháp quận.
    Lên đó khác gì vào cửa tử. Bạn thử tưởng tượng xem. Bạn là trưởng phòng Tư pháp, một sáng kia thấy một người phụ nữ lù lù bước vào, chìa cái đơn ra và xin chứng nhận tôi chưa có chồng, bạn có điên dại đến mức mà chứng nhận vào không?
    Dĩ nhiên là không. Ai cũng thế thôi. Và đó là đúng luật. Chị cũng biết mọi việc sẽ như thế nên không đi. Chị về nhà, ôm mớ hồ sơ đầy bế tắc và nghĩ xem liệu có đáng không nếu chỉ vì để bán căn nhà cho dễ dàng mà phải lấy một ông chồng?
    Ngồi nghĩ quẩn, chị đâm oán hận Sở Nhà đất. Cách đây 5 năm, vào cái tuổi chị vẫn còn có thể lấy chồng được, khi mua căn nhà này, lúc đi làm giấy tờ nhà, nhân viên Nhà đất đã mặc nhiên công nhận đây là sở hữu riêng của chị, rất nhanh nhẹn, chẳng ai cần biết chị đang yêu ai, đã lấy ai; không ai đánh động hộ chị một tiếng rằng nếu chị không lấy chồng thì căn nhà này sẽ không thể bán được.
    Thế nên chị mới chủ quan.
    Mà chị nghĩ, giả sử chị có một thằng chồng đi, mà nó ngốc nghếch đến mức không đứng tên trên tài sản cùng với vợ, thì hoặc là nó đã coi cái tài sản đó không đáng kể, hoặc là nó nghĩ, vợ chồng có những cách chia với nhau, bằng dao hay bằng hoa hồng, thì lúc vợ nó bán, việc gì Nhà đất phải bận lòng...
    Nhưng, may cho chị, và may cho cả hội chúng tôi. Trời sinh voi, sinh cỏ. Trời sinh Sở Nhà đất, sinh cò.
    Có một anh cò giấy tờ nói với chị, rằng đau đầu mà làm gì với những bất nhất của luật pháp, và vì sao lại đi theo đường chính thống? Bởi vì, nếu đưa giấy tờ và tiền cho anh ấy (mà không phải cưới anh ấy), thì chỉ trong ít ngày mọi việc sẽ xong ngay.
    Anh ấy nói tự tin đến mức khiến hội chúng tôi phải họp lại, nghi ngờ, hay chính hệ thống cò của anh đã mớm cho Nhà đất những cách khó khăn để cò có tôm tép sống? Cái thế lực này gầy gò mà ghê gớm làm sao, lặn lội kiếm cơm ở khắp nơi một tí mà như có thể lũng đoạn toàn toàn guồng máy.
    Chị bạn tôi nổi xung, định làm cho ra nhẽ... Nhưng cả hội chúng tôi xông vào cản. Thôi mà con này, bỏ thói cầu toàn đi, còn cò thế chẳng hơn sao; Trong chuyện này, ít ra mày không phải lấy chồng mà cũng còn lối thoát! Nhưng một tương lai bỗng mờ mịt trước mắt: cách giải khuây (gần như) duy nhất của hội chúng tôi đã bị nhiêu khê khép lại rồi.
    (Thể thao-Văn hoá 2002)
    honghoavi

Chia sẻ trang này