1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ai đã đọc " Nhân trường hợp chị thỏ bông"? Ai thích Thảo Hảo?

Chủ đề trong 'Văn học' bởi rantanflan, 28/07/2004.

  1. 2 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 2)
  1. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo
    Hàng không có biết thương dân?


    1.
    Có lần tôi đi đón người ở nước ngoài về. Sân bay Tân Sơn Nhất đã khác trước nhiều, giờ có thêm hẳn một hành lang dài để thân nhân có chỗ mà bám vào chờ đợi. Hành lang này che mái hẹp, hai bên thừa ra một tí chẳng đủ che nắng cho những người đứng đợi (đã nhiều giờ). Tôi dám lấy đầu mình ra mà cá độ, là bất kỳ ai đứng đợi ở đó từ một tiếng trở lên (ấy là tôi cẩn thận) đều nảy ra ý nghĩ: ?oSao người ta không làm cái mái che rộng ra một tí??
    Những nhân viên hàng không đi đi lại lại trong khu vực có mái che, cổ đeo thẻ, tay có khi cầm máy bộ đàm, nhìn ra đám người đứng chen chúc hai bên lan can một cách thờ ơ. Tôi đứng đó mà nghĩ, nếu mình là con của anh nhân viên kia nhỉ, thể nào anh cũng quát, ai cho mày đứng ngoài nắng thế kia, vào ngay. Nhưng tôi không phải là con anh, tôi là ?ocon đỏ?, nên đến khoảng 12h trưa thì người tôi đã gây gây sốt như cảm nắng.
    Ðọc đến đây, bạn sẽ mắng: ?oÐồ ngốc! Ai bảo đợi cho lâu, đến giờ máy bay xuống hẵng ra đón!?
    Nhưng máy bay, ai đã đi thì biết, nhiều khi còn sai hẹn hơn bồ. Vả lại, xuống máy bay là một giờ, làm thủ tục xong để ra được đến nơi, lại là những giờ khác. Cả chỗ đợi chỉ có một màn hình duy nhất treo trên cao, cỡ cái T.V 21 inches, mà người biết tiếng Anh để mà diễn giải thì cũng khó đọc ra, còn người không biết diễn giải thì là đa số. Cái màn hình này lại chỉ có một mặt, đặt trường hợp bạn đã bám được vào một chỗ ?ongon? ở cái hàng rào rồi, phía sau lưng màn hình, tôi đố bạn dám buông ra để chạy tới đọc các thông số trên màn hình phía trước. Ðâm ra màn hình gần như vô dụng.
    ... Không biết máy bay đến chưa, có trễ không, hành khách đang ở trong giai đoạn nào (làm thủ tục nhập cảnh? Lấy hành lý?...), đám người đứng ngoài không ai dám rời chỗ của mình để đi uống nước hay tìm một bóng mát mà ngồi. Một trong những cái ác nhất đối với dân, theo tôi, là cái việc không thông tin đầy đủ, dẫn đến lo lắng không cần thiết. Nhiều khi, chỉ cần thêm một màn hình và một cái loa, cứ 15 phút, nửa giờ lại thông báo những thông tin cho đám người mệt mỏi ngoài kia biết được để mà thêm sức đợi. Việc này, tôi nghĩ nào có khó. Khi làm trễ chuyến bay, hàng không ta vẫn ra rả đọc những lời xin lỗi (bằng tiếng Việt lẫn Anh) suốt được cơ mà! Hàng không Việt Nam ơi! Cứ cử người ra đứng bám cái hành lang này một ngày thì mới biết thương dân. Thương dân thì sẽ thấy được cái khối người bám ngoài hành lang kia mặt mày xám ngoét, gần như không có ai cười, vì nắng, vì nóng, vì lo. Có thương dân thì mới biết dân mình trình độ mới tới đâu và nhận ra những điểm thiếu tính (thương) người trong cách phục vụ của ta, mới không để họ ở một nơi hiện đại, bay bổng nhất lại như một bầy, một lũ nhốn nháo và thiếu thông tin như thế.

    2.
    Thỉnh thoảng, chúng ta được xem những clip quảng cáo cho ngành hàng không: một cánh diều thơ mộng, một cành đào, một tiếp viên hiền hòa cười nhẫn nại, một đường băng, và một cánh bay...
    Sự đẹp đẽ như thế chắc chỉ có ở... trên trời, và có lẽ chúng ta chỉ là ?oThượng đế? khi đã ?othắt dây an toàn, dựng lưng ghế thẳng đứng và cài bàn ăn phía trước?? Còn khi ở trên mặt đất, dù ngay trong lãnh thổ của Hàng không, thì chúng ta vẫn chỉ là ?odân?? Tôi nhớ, cũng ở sân bay Tân Sơn Nhất, khách bay nước ngoài đã vô cùng bực bội trước băng chuyền lấy hành lý ở ga quốc ngoại: chỉ có một băng chuyền, thế là nhân viên hàng không bèn dỡ hành lý xuống, chất đầy trên nền, để sau mười mấy tiếng bay, hành khách giờ lại phải hì hục vào kiếm tìm, khuân khuân, vác vác. Hay như Nội Bài mới là đẹp thế, lớn thế, mà từ máy bay ra, hành khách lại phải đi một con đường dài đằng đẵng, với bao nhiêu là túi xách lỉnh kỉnh (theo thói của chúng ta)...
    Ôi! Những sự vất vả lúc còn dưới mặt đất... Thật là trái ngược với lúc ở trong thân tàu bay, cơm được bưng và nước được rót, chẳng cần động đến tí chân tay!

    (Thể thao-Văn hoá 2002)

    honghoavi
    Được honghoavi sửa chữa / chuyển vào 07:36 ngày 27/11/2004
  2. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0
    Thảo Hảo
    Để bóp (gần) chết lòng yêu nghề

    Ngày chủ nhật ở Hà Nội, lại là ngày lạnh nhất, bạn sẽ ngại ra đường (có thể vướng mắc không phải ở khâu phóng xe, mà là ở khâu thay quần áo). Nếu bạn có con nhỏ, khoảng dưới 6 tuổi; nó - bất chấp trời lạnh, nhèo nhẹo đòi đi chơi (và bạn bắt buộc phải đi, vì đã trót dại hứa), thì bạn chọn mục nào trong danh sách dưới đây ?
    về nhà ông bà ngoại
    về nhà ông bà nội
    đi siêu thị, vào khu trò chơi
    ra công viên chơi đu quay
    ra Lương Văn Can mua đồ chơi
    đi xem xiếc
    đi hội chợ với mẹ
    đi uống cà phê cùng với bố
    Danh sách có thể còn dài hơn nhiều, nhưng với một đầu óc chưa có con nhỏ như tôi thì chỉ dừng ở mức ấy. Và bởi vì "con cá lớn" của tôi không phải là làm thống kê cho một tổ chức gia đình - xã hội nào, mà là, tôi muốn bạn dẫn con bạn đi xem xiếc.
    *
    Vẫn nhớ hồi bé, thỉnh thoảng vào những dịp đặc biệt ngoan, tôi lại được đi xem xiếc. Rạp bên hồ Hale. Trong cái nhà bạt vòm cao cao ấy đầy những người, ngồi chỉ lo rơi dép xuống những khe ghế gỗ. Nhạc rộn ràng, những đoạn gay cấn thì trống rền rền căng thẳng. Giữa chừng các tiết mục là hai anh hề chạy ra, hình như trong đó luôn có một anh khá béo. Xong đến xiếc thú, có tiết mục lớp học chó. Cô giáo chỉ số 1 là ẳng một tiếng, chỉ số 2 là ẳng ẳng 2 tiếng...
    Rồi vào miền Nam, đi xem xiếc trong Sở thú. Xiếc miền Nam lúc đó phổ biến là mô-tô bay. Giữa rạp là một cái ống to, quay càng lúc cành nhanh, xe phóng trên thành ống, mà trẻ con cứ bị ám ảnh là nếu ống ngừng quay thì cả người lẫn xe sẽ bị văng ra, tan xác trên mái bạt....
    Hơn 20 năm rồi tôi mới đi xem xiếc trở lại. Lại vẫn bên hồ Hale, vào những ngày mà người ta nói là lạnh nhất ở Hà Nội. Tay buốt hết. Lạnh từ trong lạnh ra, từ ngoài lạnh vào, ép mình ở giữa lập cà lập cập. Thế mà vào rạp xiếc, giờ đã là nhà xây đàng hoàng, nhìn một cái mà muốn rơi nước mắt: khách trong rạp chỉ lèo tèo vài hàng ghế, lại đa phần là người du lịch, Á với Âu; trẻ con rất ít, mà nhạc vẫn tưng bừng, đèn sáng trưng, diễn viên áo xanh áo đỏ, cười rất tươi, chéo chân chào khách. Trong rạp không có sưởi, lạnh không khác gì ngoài trời, khách như tôi mấy lần áo và găng vẫn còn run lẩy bẩy, ngại cả vỗ tay, và có vỗ cũng không to nổi vì tay tê cóng. Vậy mà diễn viên mặc phong phanh như muôn thuở, vẫn nhiệt tình trải hết tinh xảo này đến nguy hiểm khác, nào nhào lộn, phi ngựa, cưỡi voi..., mà tổng cộng số tiền bán vé cả rạp sáng hôm ấy thật không đáng để mà bất kỳ ai liều thân; giải thích được chăng chỉ có lòng yêu nghề và sự không đắn đo vì coi đó đã là nghiệp.
    Nhưng nghĩ kỹ thì, oái oăm thay, khi nước đã giàu hơn, rạp đã to hơn, trẻ con không cần ngoan bằng ngày xưa cũng có thể được đi xem xiếc, thì sao lòng yêu nghề của diễn viên lại bị đem ra thử thách như thế này? (Nghe nói) lương thì thấp, người xem thì ít. Lại biết không chỉ diễn viên người mà cả "diễn viên" thú cũng bị thử thách, khi đi ngang qua chuồng voi, thấy voi mốc meo gầy guộc, đứng trong chuồng tối tăm; chuồng chó, chuồng ngựa lạnh lẽo, và chó xiếc trông nhem nhuốc như mấy con chó... nhà tôi.
    *
    Alphonse Daudet có một cái truyện ngắn về ông già làm nghề xay bột. Khi bắt đầu có nhà máy xay bột hiện đại hơn về làng thì cái cối xay gió của ông ế ẩm. Nhưng ông quá yêu nghề và không chấp nhận mình thua. Người ta vẫn thấy ông mỗi ngày cho la chở đi những bao bột và những cánh quạt cối xay vẫn quay đều. Rồi đến một hôm, người ta phát hiện ra, đó không phải là bột, mà là những bao thạch cao. Dân làng thương ông quá, lũ lượt đem lúa mì đến nhà máy của ông, để cái cối xay của ông được phục vụ những hạt lúa mì thực thụ.
    Lòng yêu nghề, lòng yêu nghề... đó là cái mà chúng ta vẫn hay nói, và muốn con cái của mình cũng có được cái phẩm chất đó, để sau này đời nó vui. Nhưng mà muốn nuôi được cái phẩm chất đó chắc cũng phải có sự động viên của cả cộng đồng, đừng để nó bị thử thách quá lâu mà nản, mà thui đi. Sự khổ luyện mỗi ngày của các diễn viên xiếc ở đây đúng ra phải được đền bù bằng tiếng vỗ tay của người lớn (chịu dẫn con đi), bằng sự nín thở của trẻ con (được bố dẫn đi), đó chính là thứ lương thực tinh thần để nuôi cho lòng yêu nghề đó không teo tóp.
    Thế đấy, nếu như mỗi người trong chúng ta chịu khó một năm dẫn con đi xem xiếc một lần, trước là để nó có được thú vui tuổi thơ, sau là mình ôn lại tuổi thơ của mình với nó, sau nữa (tí ti thôi cũng được), nghĩ việc này như mình đem bao bột của mình đến xay cho ông già vui, thì những buổi diễn xiếc như hôm nay đỡ đáng thương biết bao. Mà còn cao hơn nữa, nhìn tấm gương những nghệ sĩ xiếc, cái lòng yêu nghề trong chúng ta, lâu nay tưởng đã chết, biết đâu lại tự nhiên mà sống dậy thì sao!
    (Thể thao-Văn hoá 2003)
    honghoavi
    Được honghoavi sửa chữa / chuyển vào 07:32 ngày 27/11/2004
  3. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0
    Thảo Hảo
    Biết tin ai bây giờ?

    Như thế này:
    Ông bà chủ giàu sang có mỗi cô con gái rượu. Hàng ngày cô có anh tài xế đưa đi học. Một hôm cao hứng, anh ôm cô, hôn. Cô tát cho anh một cái rồi đi mách bố mẹ. Anh tài xế thế là bị đuổi việc.
    10 năm sau. Cô gái đã bỏ chồng. Ông bà chủ sa sút. Biệt thự bán đi. Ðã có lúc cùng quẫn cả nhà đe nhau treo cổ. Anh tài xế ngày xưa đột ngột xuất hiện, tay hoa hồng, tay chai rượu, đến cầu hôn.
    Cô gái không yêu nhưng đồng ý, với điều kiện: anh phải trả cô 200 triệu và chỉ 6 tháng vợ chồng.
    Họ về sống với nhau, ngay trong ngôi biệt thự cũ (anh đã mua lại).
    ***
    Làm ơn lấy giấy, bút, và hãy làm bản trắc nghiệm sau, xong tôi nói bạn nghe chuyện này...
    Bạn là cô con gái nói trên. Khi lấy anh tài xế, bạn vẫn chỉ mong cho hết 6 tháng hợp đồng hôn nhân trên. Những ngày đầu mới về, bạn thấy gớm mỗi khi anh chồng này đến ôm lấy bạn. Anh đụng đến người là bạn né. Cho nên:
    1. Những lúc anh đùa âu yếm:
    Bạn cười gượng gạo hoặc không cười, lảng tránh
    Bạn liếc mắt, mắng yêu anh ấy.
    2. Bạn không muốn ngủ cùng anh ấy. Buổi tối:
    Bạn lên ngủ với con riêng của bạn.
    Bạn khiêu khích: "Mèo mà chê mỡ à!"
    3. Có một cô gái là bạn thân của anh ấy đến tìm. Cô rất đẹp, và lẳng lơ. Anh ấy không có nhà. Bạn xông ra:
    Tiếp đãi bình thường, nghĩ bụng: "Có con này càng tốt."
    Ghen tuông ***g lộn. Xưng mình là vợ. Làm cho cô kia mất mặt.
    4. Rồi đến lúc, bạn thấy yêu anh ấy vì anh ấy quá tốt với con bạn, bố mẹ bạn, và bạn. Bạn không muốn ngủ một mình nữa. Bố mẹ bạn lại thúc giục việc ngủ chung. Anh ấy cũng muốn ngủ chung. Bạn gọi anh ấy sang phòng bạn:
    Mọi việc sẽ diễn ra bình thường.
    Chỉ là đóng kịch. Ðợi đến khi bố mẹ bạn ngủ rồi, bạn bắt anh ấy phải quay về phòng của mình.
    Rồi, bạn thuộc loại (a) hay là loại (b)?
    Tôi có hỏi một số người, tất cả là (a). Tôi cũng vậy.
    Thế người là (b) thì sao?
    Tôi cắt và ghép lại đây cho bạn thấy (b) là người nào:
    Khi lấy anh tài xế, bạn vẫn chỉ mong cho hết 6 tháng hợp đồng hôn nhân trên. Những ngày đầu mới về, bạn thấy gớm mỗi khi anh chồng này đến ôm lấy bạn. Anh đụng đến người là bạn né. Cho nên những lúc anh đùa âu yếm, bạn liếc mắt, mắng yêu anh ấy. Bạn không muốn ngủ cùng anh ấy. Buổi tối bạn khiêu khích: "Mèo mà chê mỡ à!" Có một cô gái là bạn thân của anh ấy đến tìm. Cô rất đẹp, và lẳng lơ. Anh ấy không có nhà. Bạn xông ra, ghen tuông ***g lộn, xưng mình là vợ, làm cho cô kia mất mặt.
    Rồi đến lúc, bạn thấy yêu anh ấy vì anh ấy quá tốt với con bạn, bố mẹ bạn, và bạn. Bạn không muốn ngủ một mình nữa. Bố mẹ bạn lại thúc giục việc ngủ chung. Anh ấy cũng muốn ngủ chung. Bạn gọi anh ấy sang phòng bạn, nhưng chỉ là đóng kịch. Ðợi đến khi bố mẹ bạn ngủ rồi, bạn bắt anh ấy phải quay về phòng của mình.
    ***
    Ðó là kịch "Hợp Ðồng Hôn Nhân", đang diễn ở Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Ðúng là một khối lùng nhùng của những phản ứng bất nhất. Bản trắc nghiệm trên mới chỉ ra cái sự bất nhất của cô con gái. Tôi còn có thể làm thêm bản trắc nghiệm cho hai vợ chồng ông chủ, của anh chồng cũ, và nhất là của anh tài xế. Bất nhất đến nỗi nhân vật không còn tính cách. Họ chỉ còn là những cái xác đựng những phản ứng bất chợt của biên kịch. Có lẽ trong lúc viết, biên kịch nghĩ cái phản ứng này thì gây hiệu quả sân khấu đây, và cứ thế nhồi vào nhân vật, bất kể lúc đầu mình định nặn nó thành người tốt hay người xấu.
    Có người bạn tôi làm một bộ phim tài liệu nhỏ về kịch nói Việt Nam. Nhận xét của chị về kịch VN là: tâm lý không lô-gích nên dẫn đến kịch tính giả tạo. Thôi, chị không phải mắng chúng tôi chị ạ. Chúng tôi đã phải trả giá rồi đây, không thấy sao: sân khấu kịch sống mà như chết. Chết theo một cách khác, sân khấu hơn. Nghĩa là khán phòng vẫn đông, màn hạ vẫn có vỗ tay, lúc diễn thì khán giả cười vang từng chặp. Nhưng kịch mới chỉ động được ví người mua vé mà chưa động đến trí não người xem. Người ta ngồi xem diễn viên vấp té, nói giỡn trong một tư thế hưởng thụ thụ động như xem "Trong nhà ngoài phố" ở truyền hình. Thụ động vì người ta không giật mình nhận ra bản thân ở những nhân vật kịch đó. Mà nhận ra sao được, mỗi nhân vật ở đây, như đã nói, tính cách bất định, giả tạo, có lẽ chỉ tồn tại dưới ánh đèn lung linh của sân khấu (Việt Nam), làm gì có giữa ánh sáng ban ngày của cuộc đời thực.
    ***
    Có câu chuyện nhỏ sau, chắc nhiều người đã biết: một ông bố mang thằng con bé tí ra bờ biển, bảo nó bơi đi. Nó nói, con không biết bơi, chết thì sao. Bố nó bảo, chết sao được, tao ở đây mà. Nó nhảy xuống bơi và bị sặc nước. Trong cơn vùng vẫy, nó thấy bố mình đứng khoanh tay trên bờ. Thoát chết, nó đến sừng sộ, sao bố nói thế kia... Bố nó bảo, tao muốn cho mày biết, không tin ai được, kể cả ******.
    Một cách nào đó, đi xem những vở kịch bất nhất kiểu này cũng là một cuộc luyện-bơi-không-tin-nổi-bố. Bạn sẽ thấy ở đời đúng là không tin ai nổi, bởi vì chẳng hề có quy luật của tình cảm, tâm lý ở đây nữa: lúc (biên kịch và đạo diễn) đã hứng lên rồi thì ai cũng có thể hành động ngược với bản chất của mình, bất chấp những nguyên tắc về lô-gích tâm lý đã được dạy ở... trường sân khấu.
    (Thể thao-Văn hoá 2002)
    honghoavi
  4. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0
    Thảo Hảo
    Giao trứng cho ác

    Hãy làm bài tập nhỏ này (*):
    Tìm từ trái nghĩa của các từ sau:
    Nàng dâu
    Chị dâu
    Con rể
    Chú

    *
    Bạn chịu khó làm một tí, rồi hẵng đọc tiếp...
    *
    Nếu bạn đang có con học lớp nhỏ, thì hãy luyện cho cháu làm những bài tập như trên, bởi vì, đề năm nay đã ra như thế rồi.
    Như báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 23.5.02, đã đưa tin: ngày 21.5.02, Sở GD-ÐT Cần Thơ ra đề thi tốt nghiệp tiểu học, trong đề có cái câu dễ thương sau: "Một hôm, Sẻ được bà ngoại gửi cho một chiếc hộp đựng đầy hạt kê." Rồi Sở ra một yêu cầu hóc búa là: tìm và ghi ra từ trái nghĩa với từ "bà ngoại" trong câu trên.
    Ðáp án của Sở là "bà nội".
    *
    Cuộc tranh chấp giữa bà ngoại - bà nội, ai cũng biết, là một cuộc tranh chấp mang tính truyền thống gia đình, kiểu mẹ chồng - nàng dâu, anh vợ - em rể.
    Tôi có đứa cháu gái, mỗi lần về nhà chơi, bà ngoại thể nào cũng lén lút hỏi một câu: "Yêu bà nội hay yêu bà ngoại?" và các dì vẫn trêu nó: "Mày là thuộc bên nội, không phải bên ngoại," làm con bé tức đỏ mặt tía tai.
    Thế nên, xét về nguyên nhân tâm lý sâu xa, người ra cái đáp án trên hẳn không phải là vô lý, nếu không nói là quá đúng.
    Thế nhưng, đề ra ngày hôm trước, ngày hôm sau, cũng theo báo Tuổi Trẻ, Sở GD - ÐT Cần Thơ đã họp với các trường tiểu học. Tại đây, sau nhiều tranh luận, cuối cùng Sở đồng ý đưa thêm các đáp án là "ông nội", "ông ngoại".
    Vì sao lại là ông ngoại?
    Ông ngoại quả là địch thủ của bà ngoại, điều này rõ quá rồi. Những cặp vợ chồng già, suốt ngày câu mâu nhau, khiến những cảnh ông ngoại râu bạc khề khà chịu để cho bà ngoại tóc trắng chăm cho mình mà không gắt um lên, thật chỉ có trong những clip quảng cáo sâm hay trà thanh nhiệt. Thế nên Sở GD - ÐT Cần Thơ có cái lý của họ.
    Thế ông nội dính gì vào đây?
    Ðúng là ông nội thường chỉ liên hệ rất mờ mịt với bà ngoại, ông nghe nói về bà mà thấy xa xôi chẳng khác gì nghe về một bà bán hàng ngoài chợ. Ông sinh hoạt tổ hưu và chỉ đọc báo phần "Diễn đàn Bạn đọc" mỗi ngày cũng đủ bực mình với những điều chướng tai gai mắt trong xã hội. Ông lên thăm con trai mỗi hai tháng một lần để gấp máy bay cho cháu nội. Và trong suốt thời gian được con dâu chăm sóc, ông không bao giờ nghĩ đến mẹ của cô ta. Bà như một đám mây mù mịt, nếu bà có đến chơi, ông cũng chỉ hỏi vài câu lấy lệ rồi ông xem tiếp phần thời sự thế giới trên T.V. Ông cũng không quan tâm đến chồng của bà, tức là ông ngoại. Tóm lại, giữa ông nội và bà ngoại là không có thù oán, đối địch nhau. Cho nên, đáp áp cho từ trái nghĩa với "bà ngoại" là "ông nội" thì đã có nhiều phần không đúng.
    Tôi không thích đáp án này.
    Tuy vậy, xét về mặt "đối chan chát" thì đáp án này khả dĩ hơn cả.
    "Bà" đối với "ông"
    "Ngoại" đối với "nội",
    (làm tôi nhớ bài tập của tôi hồi bé tí là làm câu đối, tôi đã làm:
    "Chị mèo đi vào nhà
    Anh chó chạy ra sân" )
    Nhưng như thế, những đáp án "bà nội", "ông ngoại" là vứt đi à?
    Tóm lại, Sở GD - ÐT Cần Thơ đã chọn đáp án "từ trái nghĩa với bà ngoại" theo tiêu chí nào? Quan hệ xã hội hay đối chan chát?
    *
    Bạn đã thấy tôi lẩn thẩn chưa? Ðó là nãy giờ tôi mới chỉ lảm nhảm viết một mình thôi đấy. Trong khi đó, xin nhắc lại, cả một Sở GD - ÐT Cần Thơ đã phải họp với các trường tiểu học trong địa phận Cần Thơ, tốn bao nhiêu giờ đồng hồ, uống bao nhiêu là nước, cãi bao nhiêu là lời lẽ, về một cái đề thi mà phải dùng cái từ trái nghĩa của "thông minh" để mô tả... thì bạn mới thấy mức độ lẩn thẩn của tôi so với độ lẩn thẩn của ngành sư phạm nước ta thật chẳng thấm tháp gì.
    Cứ tưởng tượng chừng đó con người, hàng ngày sẽ là người đưa con cái chúng ta vào khu vườn tri thức mênh mông và mới lạ, một hôm có thể tụ tập lại (theo lệnh triệu tập), để bàn bạc một cách nghiêm túc, xem từ trái nghĩa với bà ngoại là gì, mà kinh. Trong số những người dự cuộc họp như vậy, có mấy người coi chuyện đó là điên rồ, là ngớ ngẩn? Ðể đến nỗi sau cả một cuộc họp như thế, cái đề thi ấy vẫn giữ nguyên. Và hôm sau, thí sinh tiểu học vào phòng, ngơ ngác khi lần đầu trong đời biết được (bằng văn bản) là bà ngoại cũng có đối thủ.
    *
    Hai chị em tôi học chung một trường, đứa trước đứa sau. Cả hai đứa đều học qua chung một số thầy, cô. Thỉnh thoảng ngồi nhắc lại, có những người chúng tôi xuýt xoa mãi, vì sự giỏi giang, uyên bác của họ. Những người thầy ấy, ngay trước khi bước vào trường sư phạm, họ đã là những học sinh rất giỏi. Họ chọn ngành sư phạm vì họ biết mình giỏi, và người giỏi hình như bao giờ cũng có một nỗi khao khát được đứng trên bục giảng, truyền lại những điều mình say mê cho những cái cây còn non, còn có thể uốn được.
    Nhưng hình như, cũng có những người bước vào ngành sư phạm vì trình độ của họ trái nghĩa với "giỏi", và họ chỉ có thể vào cái trường lấy điểm tương đối thấp này. Cái sự dốt đeo đuổi, ám ảnh họ, làm họ sợ rừng kiến thức. Họ phải giới hạn nó lại bằng những bài tập mẫu, bằng chép-nguyên-xi-mới-được-điểm-cao; Họ sợ nhất học sinh đi lang thang vào rừng, bứt về một bông hoa lạ và hỏi họ: "Cái gì đây?" Cái gì vượt quá sức họ là họ thấy nguy hiểm. Và đối với những con sâu của ngành sư phạm, không gì nguy hiểm hơn là sự sáng tạo, tự do tìm hiểu của học trò.
    Vấn đề của giáo dục nước mình, là hình như không có thuốc trừ sâu, nếu không nói rằng đây còn là môi trường cho sâu phát triển. Và với một nền giáo dục dung dưỡng cho những sự lẩn thẩn như đã dẫn chứng ở trên, thì việc đẻ con ra, ngoài những lo âu về tài chính, sức khỏe, nuôi nấng..., bạn còn phải tính đến một nỗi lo khác - nỗi lo "giao trứng cho ác" - là một ngày kia nó sẽ phải đến trường!
    (*) Ðáp án (theo phong cách Cần Thơ) là:
    Mẹ chồng
    Em chồng
    Mẹ vợ
    Thím
    Dượng
    (Thể thao-Văn hoá 2002)
    honghoavi
  5. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo 20.12.2002
    Ra về lúc giải lao.

    Một cô gái tâm thần sống cùng ông nội nuôi. Hai ông cháu vẽ bong bóng rồi đi bán. Họ sống trong một khu chung cư, ở đó chiều chiều có một anh ca sĩ (sắp tới thời) lên sân thượng và hát một bài hát duy nhất (đợi thời). Chiều nào anh cũng gặp cô gái tâm thần kia trên sân thượng. Anh yêu cô, và ngay cả khi đã trở nên nổi tiếng, anh vẫn yêu cô.
    Cô tâm thần kia lại chính là con gái của một người họa sĩ. Ông này khi trẻ lấy được vợ đẹp, rồi nổi tiếng, tiền nhiều, danh nhiều, đâm hắt hủi vợ. Vợ ông bỏ đi, mang theo cô con gái. Một ngày kia, vì một chuyện gì đó, cô con gái này bị bỏ giữa đường ngất xỉu, và ông bán bong bóng nhặt về, nhận làm cháu nuôi.
    Ông họa sĩ có tiếng rồi thì lại mất vợ mất con. Nhớ thương khôn nguôi khiến ông năm nào cũng triển lãm tranh và lần nào cũng để bức tranh vẽ vợ mình ở gian trang trọng nhất, ai hỏi mua cũng không bán. Một hôm, cô gái bán bong bóng ghé lại, và ông họa sĩ sửng sốt, tưởng như vợ mình hiện về...
    Tiếp theo thì sao?
    Tiếp theo thì tôi không biết, bởi vì tôi bỏ về vào lúc giải lao.
    Lúc đó vở kịch đã đi được khoảng 1 tiếng 30 phút, với những màn chọc ghẹo nhau, chửi qua lại tục tĩu, và hoàn toàn không có kịch tính.
    Sự dung tục chen lẫn những ý đồ lãng mạn khuôn sáo không giấu vào đâu được. (Bong bóng biểu tượng ước mơ, dễ tan và dễ vỡ; Hiểu được và yêu được tâm thần là bằng chứng nhận đã đi được vào thế giới trong trắng chẳng bon chen...) Những màn mùi mẫn mẹ tìm lại được con kiểu kịch tôi vẫn xem khi còn 7 - 8 tuổi, nghĩa là cách đây 30 năm, xen lẫn với những cảnh nhí nhảnh thám tử "zé zé" của những phim thiếu nhi Mỹ... Có thể gọi, đây là một bữa ăn hổ lốn của những tác giả kịch đang cố tìm cách nhặt lấy từng tràng cười từ dưới khán phòng, bằng bất cứ giá nào.
    Khán giả thì cười nhiều lắm. Khán giả, ai cũng biết, không phải là vị giám khảo đáng tin cậy trăm phần trăm. Họ chao đảo và phản ứng khá là "phong trào". Không tin, bạn cứ thử xem: bạn ngồi trong khán phòng, cạnh vài người lúc đầu cười khoái chí trước những câu thoại vô duyên. Bạn đăm đăm mặt vào nhé, rồi bạn cau mày. Những người ngồi quanh bạn sẽ để ý thấy bạn không vỗ tay, bạn còn chặc lưỡi bực mình. Chỉ sau đó một chút thôi, bạn sẽ thấy những hàng xóm của bạn cười ít đi, cười hoang mang hơn, và vỗ tay cũng nhẹ nhàng hơn. Thế đấy, khán giả là không đáng tin hoàn toàn. Tuy tác giả vẫn phải căn cứ vào khách hàng của mình mà lấy chuẩn làm việc, nhưng chỉ nên căn cứ một phần nào thôi. Việc của người sáng tác là phải cố hết sức đưa ra những cái hay, cái cao hơn khán giả, nói với họ, xem này, ở đây đẹp hơn, khó hơn nhưng đẹp hơn; chứ không phải là chiều theo khán giả, hạ mọi thứ xuống cho vừa tầm. Làm như thế là coi thường khán giả, bởi khán giả là một khối co giãn, anh dở mấy nó cũng hút anh được, và anh giỏi mấy thì nó cũng lớn hơn anh được. Anh chớ có tự cao mà hạ chuẩn mực mọi thứ đi và nghĩ là làm như thế là cho khán giả "hiểu được".
    Quay lại với vở kịch, quả thực, ngoài việc đáng trách là đã để những khán giả "có lòng" với sân khấu (chịu khó đến nhà hát thay vì ra ngoài đường thuê băng Hàn Quốc về xem) không được hưởng một không khí trang trọng đúng nghĩa của nhà hát; thì đáng chán nữa là dàn diễn viên. Ðài từ của các diễn viên nữ chua ngoa, không khá hơn bất kỳ ai trong chúng ta, nghĩa là họ chỉ hơn ta là họ có... cái micro. Diễn viên diễn nhợt nhạt và ý thức là có cả khán phòng đang nhìn mình, cho nên họ nói mà không nhìn nhau, họ nhìn khán giả. Một Ngọc Trinh với giọng nói tưng tửng mà vở kịch nào rồi cũng gặp. Một Minh Nhí mãi vẫn như thế kể từ ngày anh mới xuất hiện trong mục "Trong Nhà Ngoài Phố". Mà thôi thế còn đỡ tệ hơn là một Ngọc Giàu chấp nhận nói những lời thoại tục tĩu sau bao nhiêu vai để đời của một thời sân khấu còn thịnh vượng.
    Có lẽ bạn sẽ nói tôi sai, chưa xem hết vở kịch mà đã chê như thế này. Người ngồi đến cuối mới có quyền nói mạnh. Nhưng trong trường hợp này, nếu bạn có bỏ 50.000 đồng ra, mất một buổi tối chủ nhật, đến sân khấu kịch Nhà văn hóa Phú Nhuận, xem vở kịch Ðóa Hồng Gai, bạn mới thông cảm được cho tôi.
    (Thể thao - Văn hoá 2002)
    honghoavi
  6. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo 13.12.2002
    Mỳ gói, bạn hay thù

    1. Có một lần, em gái tôi được ra nước ngoài cùng một đoàn 10 người đàn ông. Mười người đàn ông Việt Nam dễ thương, rất chăm sóc thành viên nữ hiếm hoi trong đoàn, như những người anh chăm sóc em gái út.
    Cả đoàn rong ruổi, từ ngày này sang ngày khác, từ thành phố này sang thành phố khác, đánh vật với phong cách ăn uống này rồi phong cách ăn uống khác. Trong cuộc chiến cuối cùng này, các anh trai của đoàn gục ngã. Và chị y tá, bà tiên, cô Tấm... đến nâng họ dậy chính là... mì gói.
    Ðã được nghe nhiều những mẩu chuyện về người Việt Nam ta đi công tác với một va li toàn mì. Không chứng kiến tận mắt thì cứ nghĩ chắc đây là một cách tiết kiệm. Có ở cạnh những chủ nhân của đống mì rồi mới thấy, nhiều khi không phải thế, em tôi nói. Chủ nhân của những thùng mì rất rộng rãi, chi tiêu thoải mái, nhưng họ cần mì. Có mì họ mới an tâm, như em tôi lúc nào cũng phải mang theo thuốc đau bụng rồi mới dám ăn ốc. Anh hướng dẫn viên du lịch thất vọng ra mặt khi thấy những món ăn địa phương chỉ được động tới một cách tự tin khi mì gói của đoàn đem theo đã được rót nước sôi để sẵn. Tô mì gói đứng lù lù trên bàn như một cái ao làng thân thương, nhìn thấy nó rồi thì những cậu trai mới dám (rón rén) đi chinh phục những miền đất mới.
    2. Có người bạn, chị X., hay đi công tác nước ngoài. Chị bảo, tao buồn cười nhất là sang đến nơi là y như rằng có người trong đoàn đòi đi ăn... cơm Việt Nam, hoặc tệ hơn, ăn phở. Có người ăn chỉ để so sánh cơm Việt Kiều với cơm Việt Nam (trong khi còn vô vàn cái lớn hơn thì không so sánh); có người lại đơn thuần ăn là để đỡ nhớ, dù cách đó hai ngày vừa mới chén một bát phở đêm tú hụ, đến nỗi lúc đứng dậy còn nghĩ bụng, khéo phải một tháng nữa mới dám ăn lại.
    Chị bảo, mình thì chỉ muốn có dịp ra nước ngoài thì ăn thứ họ ăn, uống thứ họ uống, thở không khí họ thở, nói tiếng họ nói, cố mà hiểu theo cách họ hiểu. Lần nào đi đến một nơi mới lạ, chị cũng ám ảnh rằng cuộc đời mình chỉ có một lần duy nhất, và biết đâu lần ghé thăm này cũng là duy nhất, khi xa Trái Ðất rồi thì không còn dịp quay lại. Cho nên cố mà sống cho đầy, bằng tất cả những giác quan mà trời đã cho... Ấy thế mà những dịp hiếm hoi ra nước ngoài, thời giờ eo hẹp thế, vẫn có những người trong đoàn của chị đòi đi chợ Việt Nam bằng được, rồi lúi húi nấu cho dẻo một nồi cơm, đến nỗi chẳng còn mấy thời giờ mà đi chơi; hoặc tệ hơn, ăn không được thức ăn người, đến nỗi coi như chuyến đi ấy là thất bại, dù xứ sở ấy có đẹp đến chừng nào.
    3. Gắn với nồi cơm hay gói mì đến mức không có không được, về sâu xa, cũng là một phần của tâm lý "giá người giống ta". Quên cái khẩu vị của mình đi ít ngày, "bỏ thói quen của mình ở nhà" vài bữa để sống với thói quen của người khác mà cũng đã khó vậy, thì cái gọi là "từng trải" làm sao có được nhiều?
    Mà ở nước mình, hình như người ta không thích người từng trải cho lắm. Nếu bạn đổi mỗi hai năm một cơ quan, thì đến năm thứ sáu người ta đã e dè bạn rồi. Người ta đặt ra câu hỏi, hay là bạn có khuyết điểm gì mà không ai chịu đựng nổi? Không từng trải thì khó thông cảm, thế nên đa phần đàn ông Việt Nam chỉ chấp nhận vợ có quá khứ trắng tinh như... nồi cơm, và phụ nữ khó mà ngồi nghe (một cách đầy chia sẻ như một người bạn thân) chồng kể chuyện mình đi chơi vui với các cô bạn cũ ra sao. Lại đến bố mẹ thiếu từng trải, chưa bao giờ mạo hiểm, nên khó mà hiểu được tâm lý khi con làm liều để còn giúp nó vượt qua...
    4. Tôi có người bạn, sống nay đây mai đó như chim, như gió. Sự tự do tỏa quanh anh này như một vòng hào quang. Trong cái bếp ở chỗ anh thuê có đầy mì gói. Nhưng đống mì để mãi chẳng thấy suy suyển là bao. Anh nói, để mì ở đấy cho tiện, nửa đêm có đói thì ăn, bận việc thì ăn, khỏi nấu, khỏi chạy ra ngoài; còn ra ngoài rồi thì ăn gì cũng được, có quan trọng gì!
    Thế đấy, mì gói cũng như đàn bà, tùy hoàn cảnh mà biến thành bà hoàng hay chỉ là con ở, còn tùy theo người mua nó muốn là nô lệ hay ông hoàng (của thói quen).
    (Thể thao - Văn hoá 2002)

    honghoavi
  7. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0
    Thảo Hảo
    Nhật ký (gã) đào đường

    Tháng 4, năm 200...
    Mình có nên đi khám bệnh không? Khi cái ham muốn điên cuồng kia lại trỗi dậy. Sáng nay ngủ dậy còn thấy rất sảng khoái. Có con chim nhà bên cạnh hót rất vui. Rồi mình đi tắm. Lúc trong nhà tắm mình còn vừa tắm vừa hát. Khi đó mình thấy yêu cuộc đời này quá...
    Rồi lúc chạy xe đi làm mình cũng còn thấy vui. Thế mà khi vừa quẹo ra con đường mới, thì tất cả thay đổi. Vừa nhìn thấy mặt đường phẳng phiu mới trải nhựa xong ít ngày, xe chạy băng băng không vướng bụi, tự nhiên cái ham muốn kia bừng lên trong người mình. Nó ngùn ngụt đến mức mình tự hỏi, sao thế này? Chẳng lẽ thuốc uống suốt quý I năm nay không có tác dụng gì sao? Không, mình nghĩ rồi, đối với dạng bệnh này, thuốc chỉ có tác dụng khi "yếu tố khởi phát cơn" đừng xuất hiện nữa. Có nghĩa là đừng có những con đường mới ra đời, mặt đường đừng quá phẳng, và người đi đường đừng mang vẻ mặt quá thỏa mãn vì được thênh thang... Nhìn thấy tất cả những thứ này, Thánh cũng phải lên cơn đào bới như mình mất thôi. Mình chỉ muốn có ngay một cái xẻng trong tay, hay một cái cuốc chim cũng được, đào một cái gì đó trên đường, nhỏ cũng được, một cái lỗ cũng được, miễn ở ngay giữa cái mặt đường phẳng phiu kia...
    Mình biết đào đường thế là sai. Một cái gì đi ngược lại quyền lợi của đám đông vô tội thì nói chung là sai, mình biết. Nhưng đó là bệnh, bác sĩ gọi tên nó là "ám ảnh phá hủy"; nó nằm ngoài ý muốn của mình, nó bất chấp ý muốn người khác, và mình chỉ mong nhân dân hiểu được cho là mình bị mắc cái chứng oan nghiệt này để mà tha thứ cho thôi.
    Tháng 7, năm 200...
    Tưởng đã đỡ sau đợt điều trị tháng tư, hóa ra kết quả lại còn đáng sợ hơn: bác sĩ nói mình chuyển sang một dạng khác của bệnh, như mặt kia của một đồng xu, có tên là "ám ảnh xây dựng".
    Hình như có sự thay đổi về thị giác và ý thức vật cản. Những con đường ở Hà Nội, trước kia mình vẫn thấy nhỏ bé, xinh xắn, rất đặc trưng Hà Nội; thì từ khoảng một tháng rưỡi trở lại đây, mình thấy nó sao mà quá to, quá trống trải, lại như không có gì có thể ngăn được hai luồng xe (dù chậm) đâm sầm vào nhau. Cứ bước ra đường là mình chỉ muốn xây ngay một con lươn, xấu xí cũng được, gây chết người như chơi cũng được, nhưng phải xây ngay, xây vội vàng, cắt cho nứt đôi một con đường, cho hoa sữa rụng đều hai nửa, cho mọi thứ hẹp lại, chật chội lại, ùn tắc lại... Trời ơi, chỉ có ngồi đây, viết lại thôi, mà cái ham muốn làm con lươn đã trỗi lên trong mình như thế này rồi, nó lại bừng bừng không khác gì cái ham muốn đào đường mấy tháng trước. Nó thiêu đốt mình, làm mình chỉ muốn lấy trộm tiền của mẹ Nhà nước, thỏa mãn cái cơn làm lươn này xong rồi muốn gì thì muốn...
    Mình đâm oán mẹ. Có lẽ mẹ chiều mình quá nên mình mới thế này. Trước tất cả những cơn điên của mình, mẹ vẫn đều đặn cấp tiền ăn sáng cho mình. Mẹ phải biết rằng, không có tiền của mẹ thì cơn điên nào có điên mấy cũng phải tỉnh chứ! Chỉ trong 2 tháng, mình đã phá được 6 con đường, cày tung 3 dãy phố, và làm được 4 con lươn. Nếu nhân dân có oán, thì phải oán mẹ mình, chứ không phải mình. Ðáng lẽ mẹ mình phải theo dõi mình chặt hơn, "siết" hết các phương tiện gây án của mình, hoặc nặng hơn, như tích Tàu, mẹ phải giết mình đi mới phải.
    Tháng 12, năm 200...
    Không có cái gì an ủi với một người bệnh hơn là việc nhìn thấy có một thằng cũng bệnh giống hệt mình.
    Hôm nay mình đi qua khu X, đã thấy một thằng cũng đang đào bới. Hình như nhà nó giàu hơn nhà mình. Mình thấy nó đông công nhân hơn, xe ủi to hơn, và đường nó đào nát hơn mà người đi qua không ai dám nói.
    Nhưng giữa những người bệnh, lại còn có cả tâm lý ganh đua: tao nặng hơn mày. Thằng này mới ở giai đoạn "phá hủy". Còn mình đã bước sang giai đoạn 3: "xây rồi phá". Mình giờ có cái thú làm đường mới, làm vừa xong thì đào bới lên. Mình thích xây đường thật to để sau đó phá thật nát. Và mình thậm chí còn tìm ra những lý do chính đáng để phá thật nát. Trò chơi này tốn tiền khủng khiếp, và mình biết mẹ phải vay tiền các dì bên nước ngoài. Trò chơi này lại làm đau lòng nhân dân qua đường, nhưng họ là nhân dân, nghĩa là không dính líu gì đến mình cả.
    Mình đã ở giai đoạn cuối của bệnh, mình chẳng sợ ai.
    Mình chỉ sợ công an.
    Nhưng có lần mình nghe trộm được mẹ nói với bố: "Ðừng lo, pháp luật nào cũng có những lý do che chở cho những thằng điên, anh ạ!"
    (Thể Thao-Văn Hoá 2002)
    honghoavi
  8. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0
    Thảo Hảo
    Tôi có đủ thuốc ngủ rồi!

    Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử rằng: "Nước Vệ có một người tướng mạo xấu xí tên là Ai Ðài Ðà (thế mà) người nam ở với hắn lại yêu quý hắn không nỡ xa rời, còn nữ nhân nhìn thấy hắn đều về xin cha mẹ: "làm vợ người khác không bằng làm thiếp cho người ấy"... Không hề nghe hắn tự xướng lên điều gì.... Hắn không có địa vị vua chúa..., cũng chẳng giàu có mà cho ai ăn, lại xấu xí khiến thiên hạ kinh hãi... Tri thức không vượt quá bốn cõi, thế mà nam nữ đều tìm cách thân cận với hắn, nhất định hắn phải có chỗ khác người thường.
    "Ta gọi hắn đến gặp ta, quả nhiên hắn xấu xí dễ sợ. Thế mà, hắn ở chung với ta chưa đến một tháng, ta để ý nết ăn nết ở của hắn, ở chưa đầy một năm, ta đâm ra tín nhiệm hắn. Lúc bấy giờ, trong nước không có tể tướng, ta bèn đem việc nước ủy thác cho hắn. Hắn lạnh nhạt ừ hữ, hờ hững như muốn chối từ, ta cảm thấy rất thẹn thùng nhưng cuối cùng vẫn giao việc nước cho hắn. Thời gian chưa lâu, hắn bỏ ta đi, ta rất hoang mang, cảm thấy như đánh mất cái gì đó, giống như trong nước không còn ai đáng chung vui với ta nữa. Thế thì sự thực hắn là loại người nào."
    Khổng Tử đáp: "Tôi từng có lần xuất du đến nước Sở, đúng lúc nhìn thấy một bầy heo con đang bú xác mẹ. Rất mau chúng kinh hoảng nhận ra vội bỏ xác mẹ mà chạy trốn, vì heo mẹ không nhìn được chúng nữa và không có dáng gì là còn sống. Bọn heo con kia sở dĩ yêu mẹ chúng, không phải là yêu cái ngoại hình mà là yêu cái tinh thần chi phối, làm chủ hình thể... Ai Ðài Ðà không nói năng gì mà được tín nhiệm, không hề lập công lao mà khiến được người thân cận, khiến người trao việc nước cho mình mà còn e mình không nhận.
    "...Sống chết, còn mất, cùng đạt, giàu nghèo, hiền và hư hỏng, khen chê, đói khát, lạnh nóng đều là biến hóa của sự vật, lưu thông của số phận... Những hiện tượng ấy không làm nhiễu loạn được thiên tính bình hòa của hắn, không xâm nhập được tâm linh sâu kín của hắn. Như vậy nội tâm hắn giữ được hòa thuận vui vẻ, tâm linh hắn không gián đoạn mà cùng vạn vật như xuân... Bình thản như nước đang ở trạng thái yên bình cao độ..., bên trong giữ được nội tâm an tĩnh mà bên ngoài không xao động. Cái gọi là đức chính là sự tu dưỡng thuần hòa của thiên nhiên. Người có đức không lộ, tự nhiên mọi người đều thích thân cận không muốn rời." (*)
    Bây giờ là lúc tôi làm bạn bực mình đây, bởi vì cái đoạn trên kia gần như không ăn nhập đến những gì tôi sắp viết ra sau đây, lại càng không ăn nhập đến tít bài. Chẳng qua tôi đọc đoạn này xong thì thích quá, nên trích lại để bạn đọc thử, để bạn thích thì bạn đi mua sách về.
    Ðó là cuốn Nam Hoa Kinh của Trang Tử (Nguyễn Tôn Nhan dịch và chú giải - NXB Thanh Niên). Mua được xong, tôi coi như một thắng lợi trong "quý I năm 2002". Ðúng là loại sách "gối đầu giường", tối nào tôi cũng đọc. Ðọc chậm chậm, vì mỗi bài, mỗi đoạn, mỗi câu, đều là những bài học; dễ hiểu có, khó hiểu có. Và có lẽ, cái hấp dẫn của sách chính là cái nhiều tầng ý nghĩa. Thêm tuổi, thêm kinh nghiệm thì đọc cũng hiểu thêm, cách khác, hoặc mức độ nông sâu khác...
    (Viết đến đây, tự nhiên tôi thấy ngượng tay. Ðấy, cái thói mình là thế. Tôi đến tuổi này rồi, đáng ra phải đọc những sách "di sản" kiểu này từ cách đây 10 năm, nay mới đọc, mà nói ra là mình đi mua về, mình đọc (bản dịch)... thì cũng ngượng. Cũng không hẳn là ngượng, mà là sợ. Sợ người đọc (vô hình) bĩu môi nói mình bịp, khoe chữ. Cái phản ứng này, tôi cũng có, đâm tôi sợ người khác cũng có. Tỉ như nghe ai nói thích nghe nhạc cổ điển, thì tự nhiên trong đầu mình đã có cái nhếch mép ngầm, "anh này trưởng giả"... Thôi thì nghĩ sao cứ nói toẹt ra vậy! Biết đâu bạn thu lại cái bĩu môi mà đọc tiếp.)
    Quay lại với Nam Hoa Kinh, sách có nguyên bản chữ Hán, bản phiên âm, chú thích từ, bản dịch nghĩa (tôi chỉ đọc được phần này), và cuối cùng là "con sâu" - phần chú giải.
    Thí dụ cái đoạn ở đầu bài kia, đáng lẽ có thể để người đọc gấp sách lại nằm ngẫm nghĩ muôn hướng, thì phần chú giải (vội vã) ghi ngay dưới bài, rất ngô nghê: "Ðoạn thứ tư, tả Ai Ðài Ðà tuy ngoại hình xấu xí nhưng có tinh thần nội tại đủ hấp dẫn, cảm hóa người khác." Và chú giải kiểu thế có mặt gần như cả phần đầu của sách, chỉ từ chương thứ ba trở đi thì phần chú giải này mới tạm buông tha ta.
    Bạn sẽ bảo tôi khó tính. Nó có gì sai đâu? Sao lại bực mình lên thế nhỉ?
    Ờ, (tôi trích dẫn tiếp đây), nhà biên kịch nổi tiếng của Pháp, Jean Claude Carriere, trong một lớp học mở ở Việt Nam, có nói, cái đầu của người đọc là một con thú lười nhác, luôn muốn nghỉ ngơi. Khi có ai đánh thức, chìa ra cho nó một câu hỏi, thì bao giờ nó cũng tìm những giải đáp gọn gàng nhất, đến nhanh trong cái đầu mê ngủ của nó nhất. Nó bảo, thế là được rồi, được rồi, đi đi, cho tao nghỉ...
    Những lời chú giải kiểu trên kia là một kiểu thuốc ngủ cho cái con thú-vốn-đã-buồn-ngủ trong chúng ta. Nếu cứ để cho người đọc đứng giữa rừng ý nghĩa, anh ta có thể lạc mất một lúc, nhưng tự anh ta sẽ tìm được đường, có khi dẫn đến thác nước bạc, có khi tới được hang u tịch, biết đâu sẽ kỳ thú gấp trăm lần cái lối mòn vạch sẵn dẫn ra... bãi giữ xe, như thế kia. Vả lại, sách của Trang Tử đâu phải loại sách đọc vào là gật gù đồng ý hay lắc đầu phản bác ngay một chiều. Chính ta có lúc thấy làm theo sách là đúng, lúc khác lại thấy thế là sai. Thế mà lời chú giải thì như đinh đóng cột, một chiều cắm vào gỗ.
    Với người lớn chúng ta thì thôi, phẩy tay không đọc phần chú giải là xong. Nhưng lại nghĩ đến chuyện dắt-tay-làm-hại như thế này hiện có đầy ở sách giáo khoa mà con em chúng ta học trong trường. Cái con thú não bộ của bọn trẻ đã bị tiêm thuốc ngủ bằng những bài văn mẫu, những dòng tóm tắt nội dung bài học in sẵn cho học thuộc. Rừng đã biến thành công viên với những lối đi tráng cứng xi măng...
    Nhưng dù sao, nói gì thì nói, mua được cuốn Nam Hoa Kinh này, tôi vẫn lấy làm đắc chí. Cũng biết ơn dịch giả bỏ công làm sách công phu, cho những kẻ không biết tí chữ Hán nào như tôi có thể đến được với một kho tàng. Tôi có chán là chỉ chán cái bản thân mình, chưa học được sự bình thản của ông Trang Tử để mà không bực với những dòng chú giải ở trong sách mà thôi.
    (*) Đoạn trích trên lấy trong sách Trang Tử - Nam Hoa Kinh - dẫn ở trên. Vì mục đích khác của bài viết hơn là trích dẫn, nên xin được lượt bớt một số câu và đổi một vài chữ để tiện liền mạch theo dõi.
    (Thể thao-Văn hoá 2002)
    honghoavi
  9. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo 01.11.2002
    À ở Việt Nam mình cái đó rất khó nói...

    Chuyện như sau:
    Có một anh phóng viên(*) gặp một quan chức ngành vệ sinh an toàn thực phẩm. Nói trắng ra cho rồi: ông Phó Cục trưởng.
    Anh phóng viên so sánh kiểu "chạm tự ái": nước người ta có những công trình lớn, nghiên cứu các mầm ngộ độc, để kịp thời phát hiện mà cảnh báo cho dân. Còn nước ta ít làm như thế. Ðợi ngộ độc rồi mới (bị động) lật ra xem đó là cái gì.
    Ông Cục phó bảo, anh nói sai rồi. Hai năm nay, chúng ta cũng nghiên cứu, phải gọi là "chủ động" chứ!
    Anh phóng viên (là người hay ăn hoa quả?) cãi lại: thế cái nghiên cứu cách đây hai năm, về độc chất trong hoa quả Trung Quốc, sao mãi các ông không "chủ động" đưa kết quả ra cho dân biết?
    Ông Cục phó nói, kết quả có rồi. Nhưng tại chúng tôi đưa táo lê Tàu đi 3 nơi xét nghiệm. Mà ba nơi này, mỗi nơi thiết bị, thuốc thử, phương pháp khác nhau, nên cho kết quả khác nhau, không thống nhất được, nên không thông báo được. Vả lại, mẫu táo, lê chúng tôi đem đi xét nghiệm ít quá, không nói được.
    Anh phóng viên bảo, gì mà kỳ vậy, thế theo Tiến sĩ (ông này tiến sĩ nhé), chừng nào mới có một cách làm việc khoa học để có kết quả chính xác?
    Ông Cục phó nói: À ở Việt Nam mình cái đó rất khó nói...
    Anh phóng viên vẫn dai dẳng: thế sao không thuê chuyên gia nước ngoài xét nghiệm cho chính xác? Cả một dân tộc ăn táo lê Tàu cơ mà...
    Ông Cục phó nói, thôi đi, đắt lắm. Vả lại, cái gì chúng ta đã làm rồi thì không làm nữa. Hơn nữa, xét nghiệm chỉ là xét nghiệm, trong khi chỉ cần "chủ động" nhìn lâm sàng (trợn mắt, tê môi, co giật, chết?) thì biết ngay là ngộ độc chứ gì!
    Và giải pháp cuối cùng cho vệ sinh và an toàn thực phẩm, theo ông, là: giáo dục dân, "địch vận" các cơ sở kinh doanh, sản xuất. Tuyên truyền là hàng đầu.
    ***
    Tuyên truyền, giáo dục là hàng đầu. Nhưng cho đến bây giờ, chỉ vì kết quả của ba phòng thí nghiệm cho ra khác nhau mà những bà nội trợ chúng ta vẫn chỉ nghe phong thanh về chất độc trong hoa quả Trung Quốc, cho nên vẫn khó mà cầm lòng được trước sự mơn mởn, rực rỡ của chúng. Không ai cho một bảng phân chất rõ ràng, cho nên chúng ta đành chỉ biết thắc mắc về sự quá trắng của bún, quá dòn của rau câu, quá to của đu đủ... Và cái nền ẩm thực của chúng ta đây phải chăng là một nền ẩm thực đầy nghi ngờ? Bố mẹ vẫn can con cái bằng một câu mơ hồ: "Ðừng ăn cái đó, độc lắm." Ðộc cái gì, may mà con cái không vặn lại, vặn lại thì bố mẹ bí. Sự bí lời giải thích cũng như sự nghi ngờ bao giờ cũng đến từ sự thiếu thông tin. Ở đây lại là cái thiếu thông tin từ một Cục với ông Cục phó quan niệm rằng công việc mình chủ yếu là thông tin cho dân đầy đủ!
    Cứ xét theo tên gọi, thì nếu bạn là vua, có phải Cục Quản lý Chất lượng Vệ sinh An toàn thực phẩm phải là kẻ nếm trước bạn? Phải là kẻ nhìn thấy đôi đũa bạc ngả xám đen trước khi bạn thấy? Còn nếu để bạn trợn mắt, chảy dãi rớt rồi, kẻ kia mới chạy đến và (chủ động) hô to: "Thạch tín!", thì kẻ ấy đáng chịu tội gì?
    "À ở Việt Nam mình cái đó rất khó nói..."
    Bởi vì, ông Cục phó kia đã giải thích việc phân chia quyền lực như sau: quản rau sạch là bộ Nông nghiệp. Quản thuốc trừ sâu không đúng cách là Cục Bảo vệ thực vật. Tác động của rau bẩn, thuốc độc thì không thấy nói ai quản, chỉ thấy anh bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vùi đầu vào nghiên cứu. Thậm chí có báo cáo lên là có tác động đến sức khỏe thì Bộ Y tế chỉ có chỉ đạo, đề xuất thôi, chứ cũng không quản. "Vấn đề nào thì Bộ ấy nghiên cứu", ông nói. "Ðược hay không là do phối hợp liên ngành".
    Cho nên cái Cục của ông muôn đời chẳng bị sao cả. Nhưng cái đáng buồn ở đây là cái thái độ của ông. Ông là quan chức mà không hề điên tiết lên trước cái cơ chế "đổ tội liên ngành" - một cơ chế tù mù không quan tòa tối thượng làm người ta nhụt chí làm việc. Ông ẩn náu vào đó mà ung dung trả lời phỏng vấn. Nếu bạn đọc tận mắt bài phỏng vấn này, thì bạn sẽ thấy thái độ của ông thật chẳng khác gì thái độ của một... ông Tây thực dân, nghĩa là thờ ơ với tính mạng con người và với cả... thức ăn bản xứ; như thể cái mà dân ta đưa vào miệng không phải là cái mà ông đưa vào mồm.
    Thế ông đưa cái gì vào mồm?
    "À ở Việt Nam mình cái đó rất khó nói..."
    (*) Báo Gia đình & Xã hội, số 25, ra ngày thứ ba, 26. 3. 02.
    (Thể thao-Văn hoá 2002)


    honghoavi
  10. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0

    Thảo Hảo
    Món nợ của ngành giáo dục

    1.
    "Ai bảo chăn trâu là khổ?
    Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Ðầu tôi đội nón mê như lọng tre. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông **** lượn trên đám cỏ. Trong khoảng trời xanh, lá biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho bằng!"
    Một trong những truyện ngắn của Sơn Nam mà tôi thích nhất là "Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư", nói về cái tình cảm gắn bó giữa những con người dùng chung một hệ thống sách giáo khoa với nhau.
    Trong truyện, một anh nhà báo đi thu tiền bạn đọc nợ quá hạn, khó đòi. Ðến nơi, sau ít câu trò chuyện, hai người phát hiện ra cùng từng học qua bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Họ cùng nhắc lại những bài học trong sách. Và cái "tình nghĩa giáo khoa thư" này đủ làm cho anh phóng viên không nỡ đòi nợ nữa.
    Nhắc lại một tí, bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư này dùng cho hệ Tiểu học suốt gần nửa đầu thế kỷ 20, do nhà nước giao cho 4 ông, đứng đầu là ông Trần Trọng Kim, soạn. Nội dung sách dễ hiểu, dễ nhớ. Những bài trong sách không quá hay. Nó vừa phải, chừng mực thôi, nhưng mẫu mực giáo khoa. Tiếp theo lại có những câu hỏi dễ thương để trò nhỏ tóm được cái chân lý mà ông thầy muốn dạy, thí dụ trong bài trên, là:
    Ta thường chăn trâu ở đâu?
    Ta chăn trâu để làm gì?
    Ði chăn trâu có gì là thú vị?
    Lại cẩn thận tóm tắt cuối bài bằng một câu ngộ nghĩnh, không sai vào đâu được; Trong bài trên, câu tóm tắt đó sẽ là:
    Dắt trâu ra đồng cho nó ăn cỏ.
    Quay lại với sách giáo khoa ngày nay, các thế hệ học trò Việt Nam mình, trải qua bao đợt cải cách sách giáo khoa, có thể khó mà có được cái tinh thần "Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư" như ngày xưa nữa. Ngay cả trong một gia đình bây giờ, cái hố ngăn cách giữa bố mẹ và con cũng đã lù lù, do mẹ không thể dạy con vì không hiểu sách của con nói gì, và con thì chê mẹ dốt vì sách lớp 6 của con mà mẹ đọc mãi không hiểu thì đúng là mẹ dốt rồi.
    (Quả thật, chẳng cần bạn là người yếu bóng vía, chỉ cần đọc sách giáo khoa của các thời kỳ rồi so sánh, cũng sẽ sợ hãi và hoang mang, nghĩ hay là thế hệ mình kém quá chăng, khi bọn trẻ con ngày nay giỏi thế, hiểu được những câu đặc từ kép Hán Việt, mà điểm số cuối năm vẫn cao ngút trời.
    Thí dụ, nghĩ tới cảnh con mình, 11 tuổi, non nớt và ngây thơ, thỉnh thoảng còn đái dầm, mà đã có thể hiểu được và học thuộc lòng được đoạn "bác học" sau trong sách Ngữ Văn cải cách lớp 6, ngay bài 1:
    Giao tiếp là hoạt động truyền đạt, tiếp nhận tư tưởng, tình cảm bằng phương tiện ngôn từ.
    Văn bản là chuỗi lời nói miệng hay bài viết có chủ đề thống nhất, có liên kết, mạch lạc, vận dụng phương thức biểu đạt phù hợp để thực hiện mục đích giao tiếp.
    ... thì bạn chẳng hãnh diện sao? Vì đó rõ ràng là bằng chứng sống của sự tiến hóa (theo hướng tích cực) của loài người mà!)
    2.
    Soạn sách Giáo khoa chắc không phải chuyện đùa, cho nên ngày trước đã phải dùng tới tận ông Trần Trọng Kim để soạn cái bộ sách Tiểu học.
    Không phải đùa, vì có lẽ, loại sách này, ngoài cái nhiệm vụ khai mở trí năng (tôi dùng từ Hán Việt nhé), hẳn còn phải làm thêm cái việc liên kết các thế hệ. Trong gia đình cũng có một thứ "tình nghĩa giáo khoa thư", khi ông bà, bố mẹ có chung với con, với cháu một loại kỷ niệm "xuyên thời gian" là những bài văn mẫu mực, hợp tuổi, của sách giáo khoa.
    Nhưng, như đã nói ở đầu bài, nếu sách giáo khoa cải cách xoành xoạch, thì cái sợi dây nối thế hệ ấy đừng mong mà có.
    Và, sự cải cách sách giáo khoa chỉ tránh khỏi (hay chậm lại) được, khi mà những bài học trong đó thật mẫu mực, "thời nào cũng thuộc được", với giá trị trải qua mấy chục năm vẫn không đổi.
    Chuyện đó hơi khó với sách giáo khoa mình, khi còn những đoạn sau, nằm nghiễm nhiên trong sách giáo khoa (cũng sách Ngữ văn cải cách lớp 6, trang 29):
    "Chiều ngày 3. 4. 2002, trại điêu khắc quốc tế lần thứ ba với chủ đề "Ấn tượng Huế - Việt Nam 2002" đã khai mạc tại công viên 3. 2, mở đầu các hoạt động nghệ thuật của Festival Huế 2002. Tham gia trại lần này có 27 tác giả quốc tế từ 18 nước của 4 châu lục và 11 tác giả Việt Nam. Giúp việc cho các nhà điêu khắc có gần 100 thợ đá, gò, hàn lành nghề và 15 sinh viên khoa điêu khắc của Trường Ðại học Nghệ thuật Huế. Trại bế mạc vào ngày 11. 5. 2002. Tất cả tác phẩm sẽ được tặng cho địa phương để xây dựng một vườn tượng tại Huế.
    (Báo Thanh Niên, ngày 4. 4. 2002)
    Thật chẳng có gì sai cả, cái đoạn báo này. Nó đúng ngữ pháp, nó có thông tin, nhưng hình như nó thiếu một cái tiêu chuẩn gì đó để đưa vào sách giáo khoa - Một cái tiêu chuẩn gì đó tôi không biết gọi tên, nhưng nó mang "chất giáo khoa", rất mẫu mực đặc trưng, không cũ với thời gian, để các thế hệ học trò cùng thuộc, cùng nhớ.
    Thế rồi sao? Thế rồi một vài năm sau, chắc lại có người thắc mắc, người ta nói, đưa như thế thì đoạn báo nào chẳng đưa vào giáo khoa được. Và người ta sẽ lại đòi thay đổi, thay những đoạn văn đại loại như trên bằng những đoạn văn khác, và học trò sẽ lại có sách cải cách.
    Nhưng học trò không phải là thứ để chúng ta thí nghiệm. Cái sợi dây "đồng môn" giữa các thế hệ học trò cũng không thể là thứ nạn nhân "bao cấp" của các nhà cải cách giáo dục. Và nếu sách cải cách cứ như thế này, thì cái món nợ "tình nghĩa giáo khoa thư" của ngành giáo dục đối với các thế hệ người Việt Nam chỉ càng chồng chất mãi lên thôi.
    (Thể thao-Văn hoá 2002)

    honghoavi

Chia sẻ trang này