1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Âm nhạc thính phòng - giao hưởng Việt Nam

Chủ đề trong 'Nhạc cổ điển' bởi meongoansister, 22/07/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. meongoansister

    meongoansister Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/09/2002
    Bài viết:
    622
    Đã được thích:
    0
    Symphonia - Cantata Chuỗi ngọc biển Đông
    07:21'' 27/08/2004 (GMT+7)

    Giáo sư Quang Hải

    Giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân Quang Hải là một trong những nhà chỉ huy dàn nhạc đầu tiên của Việt Nam. Ông đã từng là giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam (1970-1975) và là vị giám đốc đầu tiên của Nhạc viện Tp.HCM (1975-1997).
    Cho đến nay, ông là nhà chỉ huy Việt Nam duy nhất đã từng được mời chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nghệ sĩ công huân Cộng hòa Liên bang Nga - một trong những dàn nhạc nổi tiếng của thế giới.
    Ông được xem là người đầu tiên viết concerto cho nhạc cụ dân tộc và dàn nhạc giao hưởng - với concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng Quê tôi giải phóng (1985). Cho đến nay, với 7 concerto cho các nhạc khí khác nhau, ông được xem là nhà soạn nhạc viết nhiều concerto nhất Việt Nam.
    Symphonia - Cantata Chuỗi ngọc biển Đông là một sáng tác mới của ông. Tác phẩm ra đời từ sự cảm thán của tác giả về câu chuyện bà chúa đảo yêu nước, về một "địa ngục trần gian" đồng thời là nơi rèn luyện ý chí, phẩm chất của nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng yêu nước và nhất là về ý tưởng biến Côn Đảo thành một vùng đất du lịch và công nghiệp biển của kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa.
    Symphonia - Cantata là một thể loại âm nhạc kết hợp dàn nhạc giao hưởng và đại hợp xướng. Thể loại này thường dùng để ca ngợi những chiến công, những vùng đất thiêng hoặc tường thuật những câu chuyện lịch sử...
    Tác phẩm gồm 4 chương:
    Chương I: Hoàng hôn trên đảo
    Đây là hoài niệm về người chúa đảo đầu tiên - bà Phi Yến - vì đã dám can gián vua Gia Long trong việc cầu viện người Pháp nên bị vua kết tội và đày ra đảo Côn Lôn, vùng đất ma thiêng, nước độc thời bấy giờ.
    Chương này được viết theo hình thức Rondo (A - B - A'' - C - A'''') là sự thể hiện những chất liệu âm nhạc dân tộc bằng ngôn ngữ hiện đại của dàn nhạc giao hưởng.
    Chủ đề A là một nét nhạc dựa trên điệu thức 5 âm diễn tả sóng biển miên man như một hoài niệm về bà chúa đảo ngày xưa.


    Đoạn B nói lên tâm trạng của bà chúa đảo Phi Yến. Âm nhạc phát triển từ âm điệu bài Lý tầm quân (dân ca Nam bộ).


    Đoạn C tả cảnh sinh hoạt của nhân dân vùng đảo. Âm nhạc lấy âm điệu từ bài Lý vá áo (dân ca Rạch Giá).


    Chương II: Địa ngục trần gian
    Chương II có cấu trúc Rondo Sonate, ghi lại trang sử bi hùng từ khi Côn Đảo trở thành nơi giam cầm, đày ải nhiều thế hệ chiến sĩ yêu nước chống ngoại xâm.
    Chủ đề 1 mang tính chất nặng nề, khổ ải của những con người bị xiềng xích. Chủ đề 2 mang tính chất trữ tình thể hiện tình cảm yêu nước, chủ đề này gồm 2 yếu tố, trong đó yếu tố thứ hai là âm điệu bài Côn Đảo của Đỗ Nhuận. Ở giữa chương này chúng ta thấy xuất hiện âm điệu bài Nhớ ơn Võ Thị Sáu của Nguyễn Đức Toàn.

    Chương III: Hành khúc Côn Đảo
    Đây là một biến tấu với 23 biến khúc, mô tả con đường đấu tranh gian khổ nhưng rất anh dũng và vinh quang của nhân dân Côn Đảo. Ở chương này, nổi bậc thủ pháp phối khí của tác giả. Từ biến khúc 1 đến biến khúc 13, âm nhạc được dần đẩy lên cao trào như sự thắng lợi của của cuộc đấu tranh. Sau đó từ biến khúc 14 đến biến khúc 23, qua từng biến khúc với thủ pháp bớt dần biên chế dàn nhạc, biến tấu 22 chỉ còn Piccolo và Tambouro; biến tấu cuối cùng chỉ còn Tambouro độc diễn. Tác giả muốn diễn tả hình ảnh những bước chân từ xa đến gần, đấu tranh giành thắng lợi và tồn tại mãi mãi như một chân lý vĩnh cửu.


    Chương IV: Chuỗi ngọc Viễn Đông
    Được viết ở hình thức 3 đoạn phức, dàn nhạc biểu diễn cùng hợp xướng. Giai điệu của chương này dựa trên âm điệu bài hát Vượt trùng dương của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
    Vào đầu chương là hợp xướng trên nền trémolo của bộ dây và những hợp âm rải của đàn Harpe, tạo cảm giác miên man của sóng nước biển xanh muôn trùng quanh năm như bài ca của tinh thần bất diệt. Những lời ca ca ngợi vùng đảo thân yêu của tổ quốc, nơi có những con người anh dũng trong đấu tranh đang từng ngày quyết tâm lao động biến vùng đất này thành "Chuỗi ngọc biển Đông".
    Hữu Trịnh

  2. meongoansister

    meongoansister Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/09/2002
    Bài viết:
    622
    Đã được thích:
    0
    Đêm trăng của Tôn Nữ Nguyệt Minh
    15:02'' 18/09/2004 (GMT+7)

    Nữ nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh

    Đúng như tên gọi của mình, nữ nghệ sĩ dương cầm Việt kiều Tôn Nữ Nguyệt Minh trong đêm diễn 17.09.2004 tại Nhạc viện TP.HCM đã mang đến cho người yêu nhạc một đêm đầy ánh trăng, một vầng trăng, hoàn hảo, đầy đặn của đêm rằm đang tỏa sáng từ một nơi rất cao trên bầu trời âm nhạc...
    Đêm của ánh sáng
    Đêm diễn của Tôn Nữ Nguyệt Minh là một đêm đầy ánh sáng. Đó là ánh sáng rực rỡ của một buổi sáng mùa xuân với những nốt nhạc tinh nghịch, trẻ trung trong bản Sonata B dur KV 281 của thiên tài âm nhạc W. A. Mozart. Đó là ánh sáng của khát vọng trở về quê hương với ước mơ về một đất nước Ba Lan độc lập trong bản Polonaise fis moll đầy bi tráng của F. Chopin. Đó là ánh sáng của nghị lực và niềm tin vượt qua qua nghịch cảnh khi cánh tay phải đang bị liệt dần của nhạc sĩ đồng thời là nghệ sĩ biểu diễn piano A. Scriabine gửi gắm trong bản Dạ khúc (Nocturne) đầy thách thức viết cho tay trái. Đó cũng là ánh sáng chói chang của mặt trời Caribee cùng nhịp điệu cháy bỏng, mang đậm chất Latin vùng Trung Mỹ trong "Malaguena" của Ernesto Lecuona...
    Không chỉ dừng lại ở đây, Tôn Nữ Nguyệt Minh đã cho người nghe nhìn thấy một sắc độ khác của ánh sáng trong phần 2 của chương trình. Với sự chọn lọc đầy chủ ý, các tác phẩm biểu diễn ở phần 2 đã đưa người nghe từ thế giới của ánh sáng rực rỡ muôn màu trong phần 1 bước sang một thế giới của những tia sáng đầy trí tuệ trong các bản nhạc của F. Liszt. Đó là những tia sáng nặng trĩu suy tư giữa bóng tối hoài nghi trong "Thung lũng Obermann", là những tia sáng của tình yêu, hy vọng, của bình minh trong cuộc đấu tranh với nỗi bất hạnh, tuyệt vọng và bóng đêm trong "cảm hứng thơ Petrarca",đó còn là những tia sáng của niềm khát khao vươn tới sự hoàn thiện cùng vẻ đẹp viết bằng những nốt nhạc đầy lãng mạn và đối nghịch trong Fantasy "Rigoletto" ...
    Từ một nơi rất cao...

    Khán giả tán thưởng tài năng của chị

    Đêm diễn của Tôn Nữ Nguyệt Minh là một đêm diễn của tài năng. Đúng như lời nhận xét của giáo sư Woskessensky, nhạc viện Moscow: Sự dịu dàng, tinh tế trong cảm thụ cùng vẻ ung dung, thư thái đầy minh triết phương Đông trong biểu diễn đã làm nên sức mạnh, tài năng của Tôn Nữ Nguyệt Minh.
    Như câu chuyện về những đại kiếm khách sau quá trình khổ luyện đã đạt tới "thượng thừa", khi "tâm, khí, thần" và "ý, thân, kiếm" hợp nhất, ở Tôn Nữ Nguyệt Minh, trái tim, đôi tay và những nốt nhạc đã hòa làm một. Không có Nguyệt Minh, không có đôi tay diễn tấu, không có những nốt nhạc... người nghe chỉ cảm nhận được duy nhất một dòng chảy trong vắt của âm thanh mang linh hồn những nhà soạn nhạc... Phải bản lĩnh lắm, tự tin lắm, tài năng lắm mới dám chọn tác phẩm "Dạ khúc viết cho tay trái" của A. Scriabine để trình bày. Người nghe đã bị chinh phục hoàn toàn trước một Dạ khúc đầy tâm trạng cùng khát vọng của Scriabine được thể hiện chỉ với một bàn tay trái của Tôn Nữ Nguyệt Minh. Còn nữa, phải chăng, nỗi buồn trong những ngày dài xa xứ của chị đã tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ trong cảm xúc và làm nên khoảnh khắc xuất thần khi biểu diễn bản Polonaise fis moll của F. Chopin? Và thật khó có thể dùng từ nào khác hơn hai chữ: "tài năng" để nói về chị trong phần trình tấu các tác phẩm của F. Liszt. Đôi tay tài hoa của chị đã cho người nghe nhìn rõ một thế giới nội tâm đầy trăn trở, day dứt của "con người hoài nghi trong Thung lũng Obermann". Đôi tay tài hoa của chị cũng đã cho người nghe cảm nhận đầy đủ nhất nét phóng túng đầy táo bạo và lãng mạn của Fantasy "Rigoletto" và cũng chỉ đôi tay tài hoa của chị mới có thể vẽ nên một thế giới cảm xúc đầy nghịch lý của Liszt trong "Sonetto 104 del Petrarca"...

    Đôi tay tài hoa của nghệ sĩ Nguyệt Minh

    Tôn Nữ Nguyệt Minh đã tạm biệt khán giả bằng những giai điệu của bản Serenade của Schubert mang hơi ấm của tình yêu âm nhạc và nỗi nhớ quê nhà hòa trong tiếng mưa rơi của một đêm Sài Gòn đầy lưu luyến. Dường như chị đã diễn tấu bản Dạ khúc chia tay với tất cả tình cảm, tấm lòng của một người con xa xứ...Và vượt qua cơn mưa nặng hạt, trăng đã lên, dịu dàng tỏa sáng... Tạm biệt chị, người nghệ sĩ tài hoa, chúc ''"vầng trăng" Tôn Nữ Nguyệt Minh ngày càng tỏa sáng trên bầu trời âm nhạc của thế giới...
    THU THỦY
    Nữ nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh được học piano từ nhỏ cùng mẹ là bà Vũ Thị Hiền, chị tốt nghiệp xuất sắc nghiên cứu sinh nhạc viện Moscow và cũng là người đã từng nhận được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc quốc tế như: nhận bằng khen danh dự tại cuộc thi âm nhạc quốc tế danh tiếng Tchaikovsky năm 1974, giải ba cuộc thi piano quốc tế B.Smetana (Tiệp Khắc) năm 1982, huy chương bạc cuộc thi Viotti (Ý) năm 1984?Từ năm 1985, Nguyệt Minh giảng dạy tại Đại học Âm nhạc Hanns Eisler tại Berlin (Đức).
    Nguyệt Minh đã trình diễn thành công trên 20 nước (Nga, Ucraina, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Phần Lan, Tiệp, Slovakia, Hungary, Bulgaria, Lithuania, Geogia, Latvia, Armenia, Cuba, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam?) và biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Đức, Nga, Cuba, Việt Nam các bản Concerto số 3, số 5 của Beethoven, concerto số 1 của Chopin, concerto số 3 của Prokofiev, concerto ?oViệt Nam? của K. Schwaen?
  3. meongoansister

    meongoansister Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/09/2002
    Bài viết:
    622
    Đã được thích:
    0
    Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam: 10 năm tăng tốc


    Với khẩu hiệu thường trực "Tự hoàn thiện mình" và quyết tâm "Tử vì đạo" cho nền âm nhạc giao hưởng Việt Nam hiện đại, các thành viên Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã trải qua một thập kỷ tăng tốc đáng kinh ngạc, trở thành niềm tự hào của nền âm nhạc đất nước.
    Mười năm qua là khoảng thời gian phấn đấu chuyên môn không mệt mỏi của các nghệ sĩ trong dàn nhạc, với những giờ luyện tập thấm đẫm mồ hôi, trong khi đời sống chật vật vì tiền thù lao quá khiêm tốn. Không thể không nói đến sự cống hiến miệt mài của Giám đốc Dàn nhạc Ngô Hoàng Quân và các nghệ sĩ Trần Thị Mơ, Nguyễn Trí Dung, Nguyễn Diệu Hồng, Trần Hoàng Phong và Hoàng Lan, cũng như sự hỗ trợ của nhiều chỉ huy dàn nhạc người nước ngoài như nhạc trưởng người Anh Graham Sutcliffe.
    Không phụ lòng mọi người, cuộc trình diễn của Dàn nhạc tại Trung Quốc năm 2003 đã gây bất ngờ lớn cho khán giả, được giới phê bình và dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
    Đặc biệt, sự kiện đỉnh cao của một thập kỷ tăng tốc sẽ diễn ra vào những ngày đầu tháng 10 tới tại Nhật Bản. Trong khuôn khổ Festival âm nhạc "Tuần lễ các dàn nhạc châu Á 2004" tại Osaka và Tokyo, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ trình diễn bên cạnh các dàn nhạc giao hưởng Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Osaka và Malaysia.
    Đây là chuyến lưu diễn đầu tiên của dàn nhạc tại đất nước "Mặt trời Mọc", nơi sẽ mở rộng cánh cửa để các nghệ sĩ của nền âm nhạc bác học Việt Nam hòa nhập với quốc tế. Theo kế hoạch, các nghệ sĩ Việt Nam sẽ trình diễn bản "Rhapsody Việt Nam" (Đỗ Hồng Quân), "Giao hưởng số 5" (D.Shostakovich) và concerto số 1 viết cho violon và dàn nhạc cung la thứ (D.Shostakovich), biểu diễn cùng nghệ sĩ violon "Triển vọng châu Á" Bùi Công Duy.
    (Theo TTXVN

  4. MatChimUng

    MatChimUng Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    12
    Đã được thích:
    0
    Chị Mèo ngoan ơi, mất công post bài rồi, sao ko upload cả file nhạc lên để mọi người cùng thưởng thức nhỉ. Nhạc giao hưởng VN dù sao cũng gần gũi với tình cảm và tâm hồn người Việt chắc cũng dễ thưởng thức.
  5. meongoansister

    meongoansister Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/09/2002
    Bài viết:
    622
    Đã được thích:
    0
    Bạn ạ, mặc dù tôi cũng mong là đưa cả phần nhạc vào topic này nhưng rất tiếc là "lực bất tòng tâm". Lý do là trong tay tôi không có CD nhạc giao hưởng VN nào và tôi cũng mù tịt về mặt kỹ thuật nữa. Rất mong các bạn trong box có điều kiện upload các file nhạc lên.

Chia sẻ trang này