1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ẩm thực du lịch - Trên đường lượt phượt . . .

Chủ đề trong 'Du lịch' bởi DuGia, 19/11/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. DuGia

    DuGia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/05/2005
    Bài viết:
    5.696
    Đã được thích:
    3
    Những tâm hồn lảng vảng trên vùng cao mà nói thế thì thậm nguy ?!
    Anh phản đối ! Tất nhiên gu mỗi người một khác , không ai giống ai nhưng chưa gặp quý tửu mà thôi ?!
    Khoan bàn đến rượu thóc . Có lẽ chú uống rượu ngô Hoàng Su Phì bị thôi , sao đã lên Hà giang mà không tìm hiểu về rượu ngô các huyện khác nhỉ ? Có một loại rượu ngô đặc biệt sau mà khi đã uống thì cả đời không quên được ! Hy vọng thay đổi quan niệm về rượu ngô của chú ! Anh này đã chết thì CỰC êm ái - Anh cam đoan đấy !
    Nay trên đường CAO - BẮC - LẠNG ngóng sang đất Hà giang chợt tôi thấy thiêu thiếu một thứ gì, mà nếu không giới thiệu cho những người chưa có dịp đến đất Hà giang, cả những người đã sống ở Hà giang lâu nhưng có lẽ cũng chưa biết tới hoặc chưa nghe nói tới, đó là:
    RƯỢU NGÔ LŨNG PHÌN - ĐỒNG VĂN - HÀ GIANG .
    Vùng cao Tây bắc, Việt bắc thông thường đồng bào các dân tộc dùng ngô, thóc, mía, sắn...để nấu rượu.
    Nói riêng về rượu ngô có lẽ dân Du lịch chắc quá thạo và đã nghe đồn vang sấm rượu ngô Bắc hà thuộc Lào cai. Nhất là rượu ngô Bản phố vừa nặng, vừa ngọt rượu, Được ví như anh em với rượu gạo Kim sơn - Ninh bình.
    Ở Hà giang thông thường người ta hay nói tới rượu ngô Quản bạ. Chắc chưa nhiều người biết về rượu Lũng phìn. Nhưng thực sự đã nghe hoặc có duyên được uống rượu Lũng phìn dù chỉ một lần sẽ nhớ mãi hương vị của nó .
    Đêm hôm dự chợ tình Khâu vai 2005 sau một hồi tôi đi thưởng thức thắng cố và nghe hát đối. Đêm đã khuya tôi quay trở lại nhà sàn nơi tôi đã đặt chỗ ngủ, ngồi đối ẩm với hai anh em người H''''''''''''''''Mông trên ngôi nhà sàn giữa trung tâm chợ cho đến sáng.
    Do tôi giới thiệu tôi lặn lội từ dưới Hà nội lên đi chợ tình nên hai anh em rất quí nhiệt tình mời tôi uống rượu. Họ nói về quê hương nơi họ đang sống đó là xã Lũng phìn - huyện Đồng văn. Mà các bạn biết đấy mỗi một vùng quê dù nghèo đều có những sản vật tiêu biểu.Tôi bắt đầu mê khi họ nói tới rượu và nhất là cậu em tên Sùng Minh Chá lúi húi vào góc nhà sàn lôi ra một chai rượu Lũng phìn. Trước vài ba lần tôi cũng đã nghe các cao nhân về rượu ở thị xã Hà giang nói loáng thoáng về Lũng phìn...Lũng phìn. . . Lũng phìn .
    Lũng phìn là một xã thuộc huyện Đồng văn, nhưng lại rất gần thị trấn Mèo vạc, cách chưa đầy 20km. Ở đây có rất nhiều bản nấu rượu ngô, mỗi nhà nấu một kiểu, một bí quyết riêng. Nhưng quan trọng nhất là cách làm men lá của mỗi nhà. Nó là một bí mật không ai tiết lộ cho ai và rượu ngon hay không là nhờ vào men lá rừng này đấy.Nguyên liệu nấu là ngô đá vùng Mèo vạc , Đồng văn. Một khí hậu khắc nghiệt với lượng mưa không đáng kể quanh năm nên cây ngô mọc trong các hốc đá rất còi cọc và năng suất thấp ! Để thu hoạch được những tạ ngô trên các triền núi đá lởm chởm tai mèo, trên cao nguyên đá khô cằn này thật xiết bao nhọc nhằn , vất vả !!!
    Rượu Lũng phìn nấu nấu bằng nồi gỗ, đúng kiểu ra thì máng dẫn rượu cũng bằng gỗ. Nấu xong uống đã ngon nhưng nếu được chôn xuống đất lâu năm thì lại càng tuyệt vời hơn nữa.
    Nghe Chá kể tại bản của cậu ta có những nhà chôn hàng chục chum đã 20 năm có lẻ, đó là những nhà có của ăn của để , dạng "quí tộc H''''Mông ". Rượu này đặc biệt không bán mà chỉ dùng để mời khách thật quí khi tới chơi.
    Những chum rượu Lũng phìn là minh chứng thời gian , thấm đẫm hồn dân tộc H"Mông trong đó chứa đựng cả một phần lịch sử nơi địa đầu Tổ quốc này !
    Mỗi lần mở chum rượu chôn lâu năm ra là cả một mùi thơm của men bốc lên ngào ngạt, trên bề mặt của những chum rượu chôn từ mười năm trở lên luôn đóng một váng dày khoảng 2cm. muốn lấy rượu người ta phải chọc thủng váng đó.
    Rượu chôn 20 năm là đỉnh nhất , nó có màu hơi sóng sánh xanh, uống vào rất ngọt, mềm, thơm,vị tê nhẹ ở đầu lưỡi lan dần xuống cuống họng và đọng lại rồi bốc miên man lên đầu , say lúc nào không hay .Mới nghe kể , tôi chưa nhìn thấy ???!!!
    Rượu chôn 10 năm có màu vàng sậm mùi thơm không bằng rượu 20 năm nhưng cũng đã là loại cực quí và hiếm rồi ?! Mùi ngô đá phảng phất , vị bùi , ngậy nhẹ , ngọt thảo .Màu rượu vàng sẫm như ráng trời chiều trên cao nguyên Đá hoang sơ !
    Vâng Lịch sử - Huyền thoại - Hiện tại luôn nối kết nhau . Còn tại đây , giữa đêm chợ Tình , bầu trời chi chít sao cao vời vợi , ngồi dưới thung lũng Khâu vai mà như ngồi dưới đáy chum rượu . Căn nhà sàn cũng lắc lư ngả nghiêng theo tiếng Khèn , tiếng hát giao duyên . . .
    Chai rượu Sùng Minh Chá mời tôi uống cũng đã được chôn 5 năm mà tôi đã thấy quý, ngon vô cùng. Mới đầu uống một vài chén thì có vẻ hơi nhạt rượu, đến chén thứ 3 thì mới thấy không nhạt, mùi thơm dầy dậy của vị ngô khiến tôi lâng lâng. Sùng Minh Chá nói rượu này uống hàng chai không say, nhưng đã say thì rất khoái. Nó nhẹ nhàng, êm êm, không đau đầu như một vài loại rượu dưới xuôi mình. Lúc say rượu ngô này thật êm đềm , phiêu du như nằm trên áng mây trắng xốp bồng bềnh trôi quanh đỉnh đèo Mã Pí Lèng . . .
    Thôi thì tiền chủ hậu khách nhưng mà là đặc sản hiếm có nên ba anh em cũng làm ...luôn 2 chai. Quả thật đấy là mình mới uống loại 5 năm chứ mà được uống loại 10 năm, 20 năm thì không biết đã tới mức nào.Nghĩ mà thèm ! ! ! Đúng là tối nay có duyên hội ngộ, duyên đối ẩm nên tình cờ mới được thưởng thức rượu Lũng phìn này đây.
    Không hiểu mình cũng là bợm nhậu, chơi rượu nhưng chắc không đủ kiên nhẫn mà chôn 10 hay 20 năm. Nếu có chắc đời sau con mình nhấc lên chỉ còn mày ngô hoặc vỏ chấu mà thôi ! . . . Khà . . . Khà . . . . .
    Tôi vừa uống vừa nghĩ có lẽ ở Lũng phìn - đời bố chôn rượu cho đời con uống, nhưng thế cũng hay đấy chứ ?! Vì đời con mà đã uống loại rượu chôn lâu rồi thì chắc nghiện và phải nấu, lại phải chôn cho đời cháu tiếp theo... và cứ như thế thì . . .mới tồn tại được bản sắc văn hoá rượu, không bị mai một, thậm chí ngày được nâng cao hơn nữa.Tạo nên danh tiếng rượu ngô Lũng phìn - Hà giang !
    Vì là vùng cao xa xôi, giao thông cách trở, du lịch và giao lưu cũng kém phát triển nên rượu ngô Lũng phìn còn ít người biết tới, so sánh để thấy tại sao rượu ngô Bắc hà nhiều người biết hơn cả.
    Nhưng tôi tin rằng không lâu nữa, không xa nữa những người đã từng uống, đã từng biết rượu ngô Lũng phìn không thể không tới cao nguyên đá để sưu tầm cho mình loại rượu quí này.
    Hãy nhanh lên ! Khi có dịp bạn nhé ! Đừng để nó trở thành huyền thoại qua lời kể hay trang viết , rồi lại tiếc nuối khôn nguôi . . . RƯỢU NGÔ LŨNG PHÌN .

    TB : - Tặng những bạn yêu miền Cao nguyên Đá cực Bắc Tổ quốc - Hà giang mến yêu !
    - Tặng những bạn chưa uống , hoặc uống rồi các loại rượu ngô vùng Tây Bắc ! Hãy tìm và thử xem nhé !
    Viết trong phiên chợ Khâu vai 5-2005 , có sửa chữa .
    Được DuGia sửa chữa / chuyển vào 14:07 ngày 22/11/2005
  2. DuGia

    DuGia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/05/2005
    Bài viết:
    5.696
    Đã được thích:
    3
    Thêm một loại rượu Ngô nữa nhé !
    Rượu ngô Khưa Quang, đặc sản của vùng đất Bắc Cạn
    Đến Bắc Kạn, ngoài các loại đặc sản được thiên nhiên ban tặng như mật ong rừng, nấm hương, mộc nhĩ... du khách còn được biết đến một sản phẩm đặc biệt, đó là rượu ngô ?oKhưa Quang?.
    Rượu nấu từ ngô và được lấy ngay cái tên địa danh của mảnh đất đó là thôn Khưa Quang, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể làm thương hiệu của loại rượu này.
    Nghề nấu rượu ngô ở Khưa Quang có cách đây 30 năm, trước đây rượu được nấu để phục vụ nhu cầu trong gia đình và trong thôn vào các dịp lễ, tết...
    Cũng là rượu được trưng cất từ những hạt ngô, nhưng rượu ngô Khưa Quang có một hương vị riêng mà không ở địa phương nào có được. Đồng bào dùng men lá làm từ một loại lá rừng đặc biệt để nấu rượu.
    Rượu ngô Khưa Quang được trưng cất theo một phương pháp truyền thống, đó là từ những chiếc chõ làm từ cây hông. Có thể như vậy mà rượu Khưa Quang có hương vị đặc trưng riêng.
    Để rượu ngô Khưa Quang trở thành một thương hiệu giúp thôn Khưa Quang phát triển thành một làng nghề truyền thống, năm 2002, Sở Công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đã triển khai dự án: Xây dựng mô hình sản xuất rượu Khưa Quang tại xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể. Ngoài hỗ trợ nghề nấu rượu, dự án đã xây dựng xưởng bảo quản, đóng gói tại công ty xuất nhập khẩu - du lịch Bắc Kạn. Tại đây, các chuyên gia đã tiến hành phân tích, kiểm tra chất lượng rượu, hoàn thành mẫu bao bì, nhãn mác phục vụ khâu tiêu thụ sản phẩm.
    Hiện nay, rượu ngô Khưa Quang đã được du khách trong và ngoài tỉnh Bắc Kạn biết đến, là loại rượu đặc sản của tỉnh giúp cho người dân dẫu đi xa lâu ngày vẫn nhớ về một hơi men ngọt ngào, ấm cúng của đặc sản quê mình, để cho người lạ có thể biết thêm về vùng đất đặc sản chất quê.
    (Theo chuyên đề Dân tộc và Miền núi)
  3. ngheovihifi

    ngheovihifi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/08/2005
    Bài viết:
    26
    Đã được thích:
    0
    [
    Cái sự đi nó cũng dông dài mà khi thấy người hiểu và đồng cảm với mình thì cũng là tri kỷ rồi ! Có dịp ta ngồi với nhau làm vài ly nhỉ ?!
    Rất sẵn lòng và mong được quấy nhiễu nhiều phen !
    Nếu ra HN vào đúng dịp đi thì thể nào cũng chạy vài ba chuyến với nhau cho vui chứ !
    Rất cám ơn thịnh tình của bạn !
    Mong sớm gặp !
    Tình dài - Giấy ngắn . . . ! ! !

    [/quote]
    vâng nhất định rồi, ra Bắc bao giờ cũng là mong ước của em mà. Tết vừa rồi em cũng ra Bắc gần 1 tháng, cũng độc hành thôi, một mình lang thang khắp Hà nội, Hải phòng, Quảng ninh( cũng ra tận Trà Cổ, Móng Cái như hai bố con bác ấy), Bắc Ninh...em cũng đang ấp ủ một dự định đi xuyên Việt một chuyến cho hoành tráng. cũng còn phải nỗ lực nhiều, chắc phải sắm cái xe như là Win hay GN thì mới đi nổi bác nhỉ? Tiếc quá lần trước ra hà nội buồn thúi ruột mà chẳng quen ai, cứ một mình lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm,tìm ăn đủ các món đặc sản như trong sách Non nước Việt Nam có ghi ...(có cái món Gật Gù ở Tiên Yên hay phết bác nhỉ), giá lúc đó mà biết bác sớm thì hay quá, em với bác tha hồ mà hàn huyên..thôi hẹn bác dịp khác vậy. hà nội với em bao giờ cũng là tình yêu lớn.kính bác nhé
  4. equinoxe

    equinoxe Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2005
    Bài viết:
    107
    Đã được thích:
    0
    Em đi Hà Giang (và các huyện) cũng phải đến 20 lần, nhưng đúng là chẳng thể tích luỹ nhiều vốn sống phong phú như anh thật. Cũng bởi cái lịch trình nó bó buộc không cho em có nhiều thời giờ lượt phượt. Mà nói trắng ra thì niềm đam mê của em (cứ tưởng là nhiều lắm) so với anh Du Già chỉ đáng hạt cát.
    Cái vụ rượu ngô này, có lẽ là em bị cái ấn tượng ban đầu đánh gục, nên giờ cứ nhắc đến rượu ngô là em hãi. Em cũng từng ở trong một số bản người Mông và nói thật là chịu hết nổi cách mà người Mông "tẳng". Cũng trong thời gian đi bụi trong một bản Mông ở Phong Thổ mà em học được cách ngậm rượu trong họng mà vẫn nói chuyện được như thường
    Nói cho cùng thì em vẫn khoái rượu thóc hơn rượu ngô, whisky hơn rượu thóc, và Bacardi hơn whisky
  5. DuGia

    DuGia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/05/2005
    Bài viết:
    5.696
    Đã được thích:
    3
    To chú ngheo hai - fai : Cũng chả cần xe GL hay WIN đâu , chú cứ làm con xe nữ ( Drem hay Wawe ) là được rồi .
    Đi núi bê vác cũng tiện . Có dịp ra HN cứ PM cho anh , khối chỗ chơi ngoài sách vở , hay hơn nhiều !
    Độc hành đúng nghĩa thú vị phết ?!
    Hẹn gặp chạy trong tương lai gần !
    To chú Exquy - mông cưỡi Cru : Chú chạy Hà giang nhiều hơn cả anh ! Tóm lại là anh phải thuyết phục chú bằng thực tế ?!
    " Tẳng " thì khoái rồi , nhưng " Hầu " vẫn khí thế hơn ?!
    Trước nay anh vẫn cho là mình khá am hiểu rượu ngô vùng cao Tây Bắc , nhưng thời gian gần 20 năm anh chưa gặp cụ Lũng phìn thật ếch ngồi đáy giếng , bàn tay che nổi vài tia nắng sớm ?! Thật mở mắt , khai tâm tửu cho tiểu nhân đồng bằng ! Có những điều huyền diệu nơi thâm sơn cùng cốc bị mây mù che phủ !!!
    Tóm lại chú vẫn khoái anh rượu Tây hơn rượu Ta ? Khẩu vị mà . Có chăng hơi khập khiễng ! Không sao ! Bao giờ chú như anh - gặp quý tửu sẽ thay đổi cách nhìn toàn diện mà thôi !
    Sẽ có dịp bàn về rượu thóc , rượu Tây nhé !
    Nhưng cách chú ''"Đi chết " cầm chai Bacađi ra bờ biển , leo lên thuyền thúng ,đục thủng thuyền rồi tu cạn chìm từ từ sao anh không khoái chút nào !
    Ngoại cảnh đấy vào đêm giông bão dữ dội, chớp giật liên hồi , sóng thần , vòi rồng . . . thì khủng khiếp hơn nhiều - Lúc đó ta đúng chỉ là hạt cát giữa đại dương . . . và nó là " Đi Chết " thật sự !
  6. novastar

    novastar Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/03/2004
    Bài viết:
    152
    Đã được thích:
    0
    box du lịch này em ấn tượng nhất là bác Du Già !Bác đi nhiều như dân buôn chuyến mà viết hay như dân buôn chữ!
    Bội phục! Bội phục!
  7. DuGia

    DuGia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/05/2005
    Bài viết:
    5.696
    Đã được thích:
    3

    Bánh gật gù Tiên Yên
    Nếu bạn đến thị trấn Tiên Yên bạn sẽ được ăn một bữa bánh rất đặc biệt đó là bánh gật gù. Bánh được làm bằng gạo, chọn loại gạo ngon ngâm rồi xay thành bột.
    Miếng bí truyền là phải xay lẫn với một ít cơm nguội, pha trộn theo tỷ lệ nào chỉ chủ nhà mới biết. Bột xay rồi đem tráng, không mỏng như bánh cuốn, không dày như bánh đa. Bánh tráng xong cuộn lại, dài bằng gang tay, to như ngón tay cái xếp trên đĩa sứ. Bánh tráng trong, mềm, dẻo mà không dính.
    Gật gù chấm nước mắm cốt lẫn hành khô, tỏi, ớt và đặc biệt không thể thiếu là đĩa hến và mỡ gà.
    " Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên."
    Gà Tiên Yên là loại gà nuôi thả, mỏ nhỏ, chân vàng, thịt rất thơm. Thịt một chú gà sống thiến, bóc hai lá mỡ đem rán lên, đổ mỡ đun sôi cùng nước mắm và các thứ gia vị. Người ăn ngồi quanh bàn, cầm bánh gật gù chấm nước mắm nóng, ăn vào thấy người râm ran nóng, má hồng, mắt sáng, miệng xuýt xoa, rồi tự nhiên vừa ăn, vừa gật gù, tấm tắc. Người Tiên Yên bảo ăn bánh gật gù chẳng những ngon, bổ mà còn là thứ thuốc giải cảm.
    Người gật gù, bánh gật gù tạo một thú ẩm thực riêng có của Tiên Yên.
  8. equinoxe

    equinoxe Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2005
    Bài viết:
    107
    Đã được thích:
    0
    Ủa, thế còn gái Đầm Hà không thấy anh nói nốt
  9. DuGia

    DuGia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/05/2005
    Bài viết:
    5.696
    Đã được thích:
    3
    Chim mía nướng .
    Trên những nẻo đường lượt phượt , khắp các tỉnh Bắc , Trung , Nam có lẽ sau lúa thì mía là bạt ngàn hơn cả ?! Nhất là những vùng có nhà máy đường .
    Đây là một món ăn đồng quê, sở dĩ thành món đặc sản vì nó ngon và rẻ? bất ngờ. Cái thú của người ăn món này là được ngồi ngay giữa cánh đồng mía, thưởng thức hương vị mía tươi thơm mát, cái nắng vàng ươm mời mọc lúc thu về, với những chú chim mía nướng thơm phức, béo ngậy.
    Nếu có dịp về các chợ quê vào mùa chuẩn bị thu hoạch mía, bạn sẽ thấy người ta bán từng xâu chim mía mới làm lông, còn tươi nguyên, thì xin chớ thờ ơ và đừng đắn đo với túi tiền của mình: Món quà quê ấy rẻ lắm, xứng đáng với chuyến đi dã ngoại của bạn.
    Nhưng nếu không thích nấu bếp, xin mời bạn tạt vào quán nhỏ ven đường. Một túp lều lợp bằng lá mía, bên cạnh một cánh đồng mía đang ươm mật, khi cơn gió cuối thu dìu dịu thổi tan đi cái nắng gay gắt của một mùa hè đã qua, bạn có thể tự thưởng thức cho mình một phút thư giãn trên chiếc chõng tre. Chờ món chim mía rô ti.
    Thực ra món này rất đơn giản, người ta chỉ cần nướng qua những con chim mía tròn căng, rồi cho chúng vào chảo dầu, không cần ướp bất cứ thứ gia vị nào. Khi chúng đã vàng ươm trên chảo, tỏa mùi thơm khắp quán, chim được đặt trên chiếc đĩa sành dân dã, kèm một đĩa muối ớt, rau thơm, thêm chai rượu trắng.
    Nếu là người sành ăn và theo khẩu vị của mình , có thể nhồi vào trong bụng con chim những loại lá có sẵn ở thôn quê như : lá Ổi , lá Chanh . . . nhưng chỉ một loại thôi nhé !
    Có cảm giác con chim mía béo ngậy, cắn vào đâu cũng thấy thơm, thấy ngọt và có chút gì đó phảng phất như cánh đồng mía mùa thu.
    ?oChim mía? là tên gọi chung cho tất cả những loài chim cư trú trong đám mía. Ngoài giống chim mía ?ođích thực? thường nhỏ bé như chim sẻ, ở đồng mía cũng có nhiều loại chim khác như quốc, giồng giộc, cúm núm, và thi thoảng có những giống chim lớn hơn cũng làm tổ hoặc ghé qua đây tạm trú.
    Người nông dân lúc mùa nông nhàn rủ nhau đi bắt chim mía về bán. Người ta dùng lưới giăng và xua chim vào lúc tối trời. Chim bắt được, ngoài số bán cho các hàng ăn, quán nhậu, người ta còn để dành một ít để phóng sinh, thả chúng bay về những cánh đồng xanh bất tận, nơi chúng hằng sống. Ăn món chim mía, người ta không muốn thưởng thức nhiều, sợ mang tội. Vị ngọt, bùi, béo của con chim nướng hay rô ti dù rất mời gọi nhưng người thưởng thức lại muốn dừng đúng lúc.
    ..............................................................................................
    To chú Exquy : Gái Đầm Hà cũng rất đẹp ! Nhưng đang bàn chuyện ăn uống mà ! Có dịp nào rảnh , trà dư tửu hậu ta phải mở riêng diễn đàn bàn Gái đẹp trên các vùng , miền . . .

    Được DuGia sửa chữa / chuyển vào 00:52 ngày 25/11/2005
  10. DuGia

    DuGia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/05/2005
    Bài viết:
    5.696
    Đã được thích:
    3

    Xôi trứng kiến Nho Quan - Ninh bình .
    Huyện Nho Quan - Ninh Bình, vùng núi đá vôi lởm chởm, thường có rất nhiều loại kiến nâu làm tổ trên ngọn cây, có nơi gọi là kiến ngạt, kiến cong trôn . . .
    Cứ vào cữ rằm tháng hai âm lịch, mẹ tôi lại nhắc: Hoa xoan đã chum chúm rồi đấy, sắp bắt đầu mùa đánh trứng kiến rồi.
    Người dân quê tôi thường chọn một ngày nắng ráo, phải thật nắng ráo thì đánh trứng kiến mới bong; nếu thời tiết ngược lại, trứng kiến sẽ bết, khó lòng tách rời kiến mẹ ra khỏi trứng, không những thế còn khó tránh bị kiến mẹ đốt.
    Dụng cụ mang theo đánh trứng kiến gồm một câu liêm, một dao rựa, một thúng, một sàng. Quan sát kỹ để chọn tổ, tổ nào mặt ngoài kín, nhẵn mịn, tròn căng sẽ cho nhiều trứng, tổ nào xốp, hở ngoài, không nhẵn thì lép ruột.
    Lấy câu liêm quặc xuống, xả tổ kiến ra từng mảng, gác hai que tre lên miệng thúng, trên đặt chiếc sàng, trong lòng sàng đựng từng mảng tổ kiến, lấy sống dao gõ cạp sàng, trứng kiến và cả mẹ kiến rơi ra lọt qua sàng xuống thúng. Ngắt ngọn cây rừng rắc vào, kiến mẹ bu kín lá cây, lấy que gảy ra, thay lá khác, công việc này được làm tiếp tục đến khi chỉ còn vài con kiến mẹ lưa thưa trong thúng.
    Trứng kiến mang về bỏ hết kiến mẹ ra. Sau đó, dùng một chậu nước hơi ấm, đãi nhẹ cho trứng kiến thật sạch. Xong để ráo nước rồi ướp với bột canh, hành khô thái lát phi với mỡ gà vàng ươm, đổ trứng kiến vào đảo nhẹ tay cho chín tới. Lá chuối ngự hơ chín, gói trứng kiến vào trong. Gạo nếp hương vo đãi sạch, ngâm trước, đổ ra chờ ráo nước, cho gạo vào chõ xôi, đặt gói trứng kiến ở giữa ( nếu không goilá chuối , mỡ sẽ chảy hết xuống đáy nồi ).
    Đặt chõ lên bếp, nấu cho xôi chín, bắc ra, mở gói trứng kiến rắc đều lên trên, dùng đũa xới nhẹ cho thật đều, đơm lên đĩa ăn nóng.
    Xôi nếp dẻo thơm phưng phức; trứng kiến béo ngầy ngậy, nhai chậm lắng nghe tiếng trứng kiến vỡ lép bép trong miệng, thoáng hơi mỡ gà, hành phi và hương thơm lá chuối ngự. Vị hơi có tý chua , ngọt rất hấp dẫn .Thật quyện với hương nếp ,mùi xôi ngọt ngào , quyến rũ . . .
    Xôi trứng kiến quê tôi là món ăn quý của thiên nhiên ban tặng cho con người, ai một lần được thưởng thức hẳn sẽ nhớ mãi.
    ( ST )

Chia sẻ trang này