1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ẩm thực

Chủ đề trong '1980 Family Hà nội' bởi tibeou, 17/12/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. tibeou

    tibeou Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    29/01/2002
    Bài viết:
    565
    Đã được thích:
    1
    Ẩm thực

    Xôi nếp
    ====================
    Xôi sáng có nhiều chủng loại. Nhiều người thích đĩa xôi trắng ăn với lạp xường. Hạt gạo nếp bắt đầu trong lại trên chõ thì đã đến lúc đặt lạp xường vào hấp cùng. Chiếc lạp xường khô kín đáo hồng, mọng lên, tươm mỡ trên những hạt xôi dẻo đang bốc hơi trong chõ.

    Rồi còn xôi vò chè đường. Bát bột sắn quấy để nguội xếp trong thúng, bà bán hàng nhè nhẹ lấy ra, nhè nhẹ xúc mấy thìa xôi tơi từng hạt đổ lên trên. Những hạt xôi vàng cái màu nắng nỏ chất phác hiền lành của đất. Thức quà này ăn mùa đông không hợp. Phải vào cữ tháng 3, khi ở những đầu làng xa bông hoa gạo đầu tiên đã gọi về đàn chim sáo.

    Rẻ, chắc dạ hơn nhiều là xôi lạc, xôi vừng dừa, xôi đỗ, xôi ngô hay xôi xéo. Ngõ nào cũng có hàng xôi. Xôi vừng dừa, ngọt dịu, thơm, ăn ngon nhưng chóng ngấy. Tôi thích vị xôi lạc gói lá chuối khô . Cái mùi lá chuối khô hưng hức ấy thân thuộc bao nhiêu với đứa trẻ Hà Nội đã có những năm tháng sống nơi đất làng.

    Thích nhất là gói lá sen đùm nắm xôi ngô hay xôi xéo. Màu lá sen xanh xốp, mùi lá sen thơm, những hạt ngô tròn, rất mịn, xôi ít thôi, lẫn trong ngô, rồi đỗ xanh xát sạch vỏ, đồ và giã kỹ nắm thành từng nắm tròn tròn, bà hàng xôi sẽ dùng con dao bài xắt vài ba xắt mỏng tơi lên trên nắm xôi, sau cùng rưới một thìa mỡ hành phi thơm phức.

    Xôi gấc cho ngày cưới thì phải thật đỏ, thật ngọt và óng mỡ. Thứ xôi này còn nấu vào hôm 30 tết. Gấc nếp bổ đôi vét sạch ruột vào bát lớn, thêm lưng lưng chén rượu trắng đánh thật nhuyễn cho dậy màu, rồi trộn đều với gạo nếp đã ngâm nở như con ong non, đồ lên vừa được thì trộn mỡ đường. Tới công đoạn này là thì lộ tài của người ngồi bếp, vì quá tay thì xôi nát, mà kém mỡ đường thì không đủ béo ngọt. Đẹp nhất có lẽ là thứ xôi này. Nhìn đĩa xôi đỏ óng loáng nhoáng những hạt gấc màu nâu sẫm đầy vẻ tạo hình, chưa muốn lấy chồng cũng tự dưng mong thầm ngày cưới của mình cũng phải ấn tượng như thế.

    Lành hiền thì có xôi hoa cau ngày giỗ tết, món ăn không thể thiếu trong ngày lễ tết. Mồng một tết, mỗi nhà bao giờ cũng thổi xôi hoa cau bày đủ 5 ngày trên bàn thờ cúng với đĩa chè kho.

    tibeou - I love my 80 family
  2. tibeou

    tibeou Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    29/01/2002
    Bài viết:
    565
    Đã được thích:
    1
    Thịt chó
    =================
    Ở Hà Nội, Nhật Tân nổi tiếng với món thịt chó. Nơi đây thực khách đến ăn thịt cầy không ngồi ghế mà ngồi chiếu. Chính cái vẻ bình dân cộng với tài chế biến của các đầu bếp chuyên gia về thịt cầy đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của vùng đất Nhật Tân.
    Bước chân vào quán và ngồi bệt xuống một mảnh chiếu nào đấy và bắt đầu gọi. Bắt đầu có lẽ nên là món nướng. Món này phải ăn ngay khi còn nóng chứ khi nguội ngắt rồi thì hỏng bét. Một đĩa thịt thái mỏng chừng hai đến ba đốt ngón tay được dọn ra hương thơm thoang thoảng của thịt vừa nướng xong dâng lên mũi. Khoan hãy gắp thịt vào bát vội mà hãy lấy một lát giềng thái mỏng, vài lá mơ bỏ vào bát sau đó kẹp với miếng thịt và chấm nhẹ vào bát mắm tôm. Miếng thịt nướng thơm lừng có chút vị cay nồng nồng của giềng và vị hơi chát của lá mơ đệm thêm vị mặn của mắm có pha chút chua của chanh và cay của ớt thấm dần trong miệng làm hơi đau đau hai bên mang tai vì sự kích thích khẩu vị. Thịt nướng là cứ phải thịt thái hơi mỏng và pha thêm một ít mỡ mới ngon. Xin bạn chớ có tham mà ăn nhiều quá, hỏng mất những món sau đấy nhé. Nếu là đúng kiểu thì phải nhấp một tợp rượu thứ rượu nếp trắng đục như sữa, hơi ngọt và vị men nhẹ nhàng nhưng coi chừng say lúc nào không biết.
    Món thịt hấp được gọi ngay khi món nướng đã vơi vơi. Từng miếng thịt nạc được bao quanh một miếng da mỏng đều tăm tắp mười miếng như một, mười đĩa như một và mười bữa như một không bao giờ sai cũng sẽ vơi nhanh như người anh em của nó là món nướng. Vị thịt nạc ngọt lừ lừ cùng men rượu ngan ngát sẽ làm cho bạn thêm hào hứng với cuộc trò chuyện với người cùng đi. Bẻ vài mẩu bánh đa, thứ bánh làm từ bột gạo nướng vàng phồng rộm thơm lừng này luôn đi kèm với các món và xúc với dựa mận. Dựa mận được nấu nhừ nghi ngút khói mà xúc với bánh đa, ăn lúc tiết trời hơi se se lạnh của mùa thu thì thật không biết tả bằng từ ngữ nào cho chính xác.
    Nếu nãy giờ các món có vẻ hơi đậm thì ta hãy gọi thêm bát xáo măng ăn với bún cho hài hoà khẩu vị. Vị ngọt của nước xáo, vị giòn tan của măng có sự hoà hợp thú vị đến lạ lùng. Thật là sai lầm nếu không kể đến các món khác như lòng hấp, dồi nướng, bởi đã có câu sống trên đời ăn miếng dồi chó, xuống âm phủ biết có hay không. Mùi thơm ngậy lan từng kẽ răng, và cảm giác dai dai khi nhai trong miệng cũng là sự khoái khẩu đáng yêu của món ăn này.
    tibeou - I love my 80 family
  3. tibeou

    tibeou Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    29/01/2002
    Bài viết:
    565
    Đã được thích:
    1
    Đậu phụ
    ===================
    Ðậu phụ ở Hà Nội nổi tiếng nhất là đậu Mơ tức là đất Mai Ðộng và đậu Kẻ tức là đất Thượng Cát. Nhưng mà các bà nội trợ Hà Nội có lẽ sính dùng đậu Mơ hơn. Bởi vì nó được lọc kỹ, gói khéo, ăn mềm mịn và ngọt béo. Ngày hè nóng bức, có một đĩa đậu phụ Kẻ Mơ, thứ đậu lưỡi mèo ăn miếng một ấy, đem trần qua nước sôi mà chấm với chút mắm tôm vắt chanh, đánh cho ngầu bọt, rồi thả vào dăm lát ớt tươi, thì mát dạ lắm. Nhưng nhớ đừng quên dăm cánh rau tía tô tím, canh giơí xanh mà hỏng vị.
    Có một món canh đặc biệt của mùa hè Hà Nội mà không phải là ai cũng cũng thể nấu cho ngon. Ðó là món canh đậu phụ nấu thịt nạc. Thịt nạc thái nhỏ, đảo qua mắm muối cho săn, đổ nước lạnh đun sôi vài dạo, nhớ hớt bọt cho kỹ. Ðậu phụ thái con chì, cà chua bổ miếng cau, thả nhẹ nhàng vào nồi canh đang sôi, chờ cho nồi canh sôi trở lại, miếng đậu nở phồng lên, là phải nhắc nồi canh ra ngay. Nếu để sôi lâu, canh sẽ nồng hơi đậu và nước sẽ đục. Sau đó, rắc một chút hành hoa và mùi tàu thái nhỏ, nếu có mùi ta rắc vài cánh, sẽ rất thơm
    Còn như vào một buổi chiều đông giá rét, khi mâm cơm đã bưng lên chiếu, thả nốt bìa đậu cuối cùng vào chảo mỡ sôi sùng sục, rán non non thôi, không thì xác .Ðậu phụ rán chấm mắm tôm chanh ớt cũng ngon mà chấm nước mắm cốt vắt chanh chớt và rắc hạt tiêu bắc, đập thêm dăm nhánh tỏi, thôi thì cũng quên chết. Hôm nào xông xênh, mua vài ba lạng thịt vai băm nhỏ, trộn mộc nhĩ, hành hoa, hạt tiêu và chút nước mắm, viên thành viên như trái táo nhỏ, đem bổ đôi lỡ lỡ miếng đậu, kẹp thịt vào rồi đem rán vàng, sốt cà chua mà ăn với rau xà lách thì coi như nhà có cỗ.
    Nhưng thú vị nhất là sang cữ tháng mười: "Ốc tháng mười, người tháng giêng". Mua một mớ ốc nhồi béo vàng, đem bung với chuối xanh, thịt dọi ba chỉ, mẻ, nghệ, mắm tôm và không thể thiếu dăm bìa đậu phụ nướng vàng xắt quân cờ, rồi thả thêm chút hành hoa, tía tô. Ai ăn được sương sông, lá lốt thì cho, nhiều người sợ sương sông có mùi hơi như mùi dầu, thì thôi. Món ấy đem ăn với cơm gạo mùa mới gặt thổi chín xuê, thì hao lắm. Còn đem ăn với bún rối Tứ Kỳ, thì thành ra món bún ốc Khương Thượng nổi tiếng rồi đó.
    tibeou - I love my 80 family
  4. tibeou

    tibeou Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    29/01/2002
    Bài viết:
    565
    Đã được thích:
    1
    Ngô nướng.
    =====================
    Tương truyền rằng có vị quan đại thần nọ đi xứ sang Trung Hoa và được triều đình thết đãi một món ăn đặc biệt. Thời bấy giờ, nông dân nước Nam chưa biết rằng ngoài cây lúa nước còn có một loại ngũ cốc khác là cây Ngô(bắp). Vị quan đại thần ăn thấy thơm ngon vô cùng liền tìm cách đem giống cây quý lạ ấy về cho dân Nam. Nhưng lính canh tại cửa khẩu lục soát nghiêm ngặt hòng không để giống cây quý lọt ra ngoài. Vị quan đại thần nọ nhờ trí thông minh sai quân nhét hạt Ngô giống vào lỗ mũi nên đã qua trót lọt. Về đến quê hương, ông sai dân đem trồng, nhân giống cây ngô và từ đó, Ngô được trồng rộng rãi khắp các tỉnh miền bắc nước ta.
    Ngày nay người ta đã lai tạo được rât nhiều giống ngô.Ngô răng ngựa hạt trắng và to như răng ngựa.Ngô tẻ cứng, hạt màu vàng đậm như nắng dùng để xay thành bột ngô hoặc làm thức ăn cho gia súc. Còn giống ngô mà người viết muốn nói đến là ngô nếp.
    Các món ăn từ ngô nếp thôi thì đủ loại. Đơn giản thì có ngô luộc, ngô rang, ngô bung, cầu kì hơn thì có súp ngô. Nhưng cái món ăn dân dã và khó quên nhất thì phải kể đến Ngô nếp nướng. Mà lại phải thưởng thức ngô nếp nướng khi tiết trời se se lạnh thì mới cảm nhận hết được cái thú ăn tao nhã này.
    Cứ mỗi khi đài báo gió mùa đông bắc tràn về cũng là lúc bắt đầu một mùa, mùa Ngô nếp nướng...
    Bạn có thể bắt gặp các hàng ngô nướng ở khắp các đường phố hay ngõ hẻm Hà Nội về đêm.Để ngô nướng không mềm hay cứng quá thì các bà, các chị phải khéo léo chọn những bắp ngô bánh tẻ, nghĩa là không non quá mà cũng không già quá. Bóc bỏ lớp áo lá xanh mướt bên ngoài, tuốt những sợi râu ngô, bạn sẽ bắt gặp những hạt ngô trắng ngần, bóng và đều tăm tắp. Lấy tay bấm thử vào hạt ngô mà thấy có sữa trắng vị thanh ngọt trào ra, ngô ấy mà đem quạt nướng trên than hồng thì dòn, ngọt, dẻo, bùi, thơm ngon phải biết.
    Cái cách người ta ăn ngô nướng cũng có nhiều kiểu lắm. Người thì cẩn thận tẽ từng hạt ngô be bé bỏ vào miệng, nhâm nhi như sợ cái vị ngon ngọt ấy tan đi quá nhanh,người thì ăn theo hàng dọc, hết hàng này đến hàng khác, người thì lai ăn theo chiều ngang xoay quanh bắp ngô từ gốc đến ngọn hay ngược lại, kẻ thì chẳng nề hà, cứ cầm cả bắp ngô mà gặm nham nhở. Phải chăng cái cách thưởng thức ngô nếp nướng ấy cũng phản ánh tính cách và lối sống con người?
    Buổi tối mùa đông giáp tết, khi cái se se lạnh của xứ bắc còn ấp ủ trong những chồi non nhú sớm, Ba người bạn rủ nhau đi ăn ngô nướng dọc Tây Hồ. Không giống như" những cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu toả nắng" thuở nào, chị hàng ngô thật dung dị, dung dị khi chị cười và dung dị cả trong những câu chuyện chị kể. Vừa kể chuyện chị vẫn khéo léo tay quạt, tay trở để bắp ngô chín đều, vừa dòn, vừa dẻo mà không bị cháy. Bản thân người viết bài này cũng "ra tay" quạt thử, và thành quả là một bắp ngô cháy đen thui nhưng hai người bạn kia vẫn "xung phong" chén ngon lành!! Thêm vài người nữa nhập hội ngô nướng. Hết bắp nảy rồi lại đến bắp khác, họ cứ vưa ăn vừa nói chuyện râm ran, những câu chuyện trên trời dưới biển không đầu không cuối. Chị hàng ngô vẫn cười dung dị, họ như gần nhau hơn. Chuyện mãi đến khi nhìn đồng hồ thì cũng là lúc xe cộ trên đường đã thưa thớt dần...
    tibeou - I love my 80 family
  5. Rokxit

    Rokxit Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/12/2002
    Bài viết:
    1
    Đã được thích:
    0
    có món quà vặt nào ngon ngon mà ăn ko no không chị ơi
    Chữ ký, ví dụ:

    Beethoven

    sẽ cho kết quả là:
    Beethoven
  6. tibeou

    tibeou Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    29/01/2002
    Bài viết:
    565
    Đã được thích:
    1
    chờ chút, chị đang tìm
    tibeou - I love my 80 family
  7. tibeou

    tibeou Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    29/01/2002
    Bài viết:
    565
    Đã được thích:
    1
    Canh chua Hà Nội
    =======================
    Tháng ba âm lịch, sau những cơn rét Nàng Bân cuối cùng, giàn nhót đầu nhà đã mọng quả chĩu chịt. Vào mùa này, tôm cua cũng đang lặc lè những bầu trứng . Các bà hàng cua cá, sáng sáng vớt được hàng bọc trứng tôm màu ghi sẫm óng ánh. Trứng cua thì hiếm hơn và đắt hơn, màu vàng tươi rói. Các bà hàng xẻ ra thành những miếng trứng nhỏ xíu, gói vào những mảng lá sen non, bán cho khách. Mà thường chỉ ở những chợ cũ như chợ Hàng Bè, chợ Hàng Da, chợ Hôm, chợ Bưởi, chợ Mơ. mơí có những hàng trứng tôm, trứng cua như vậy. Ði các chợ mới, bói cũng không ra. Nhót xanh nấu canh trứng cua, thì ngon tuyệt. Nhưng giản dị hơn thì người ta thay nhót xanh bằng mấy giọt chanh cốm đầu mùa thơm lừng. Bát canh chua trong vắt như hổ phách, không một gợn mỡ, ăn mát và lành vô kể.
    Tháng năm tháng sáu âm lịch, nắng váng đầu váng óc, cổ họng khô khát, nuốt sao cho trôi bát cơm. Uê oải mở ***g bàn thì may trông thấy bát canh sấu. Tôi xin gọi đó là món canh chua hạng nhất của đất Hà Nội mà không món canh chua nào có thể địch nổi. Thịt nạc thăn thái xúc xắc, cho vào nước lạnh luộc qua, hớt hết bọt nổi, và cho vào dăm quả sấu xanh gọt vỏ, đun sôi thêm mấy dạo, gia chút nước mắm ngon, nhắc xuống để nguội trước khi ăn. Có thêm vài quả cà muối xổi thì hợp vị, chứ cà mối chua thì hỏng.
    Riêu cua, riêu trai, riêu hến, riêu trùng trục, riêu ốc, riêu cá hay còn gọi là dấm cá, chính là những món canh chua hấp dẫn của người Hà Nội. Người ta thường nấu chúng với các loại quả chua như muỗm, quéo, thanh trà, me, dọc, khế, tai chua.... Ví như riêu cua, dấm cá nấu với quả dọc nướng chín, riêu hến, riêu trai nấu me, muỗm thanh trà. Như thế thì canh trong nước và tươi màu. Nhưng ngon nhất của riêu cua, riêu ốc phải là nấu với dấm bỗng rượu nếp. Cái mùi thơm của nó bốc lên mới hấp dẫn làm sao, thoạt nghe mà đã muốn ứa nước miếng. Mùa hè, có nhiều nhà thích nấu canh chua bằng một loại thuỷ sản nào đó với mấy lạng măng chua đồng rừng, hay là mấy lát dọc mùng, ăn cũng hay đáo để, lại có cái để mà gắp.
    Cũng có nhà, như nhà ông bà ngoại tôi chẳng hạn, thì quen nấu các loại canh chua với món cơm mẻ. Canh chua nấu bằng cơm mẻ tuy nước canh không được trong vắt như khi nấu với dấm bỗng rượu, nhưng mùi thơm và vị chua rất dịu mềm. Sang thu, hay đầu đông, người Hà Nội chuyển sang ăn các loại canh chua hợp thời tiết dịu mát, se lạnh, ví như canh dưa nấu cá tép vụn, ốc om, lươn om, ếch om chuối đậu phụ nướng. Những món canh ít nước này khi ăn nhớ gia chút hạt tiêu bắc, sẽ rất nổi vị.
    Nhưng mà phải nhớ, mỗi món canh chua Hà Nội đòi hỏi một vài loại rau gia vị riêng, chứ không hầm bà là như canh chua ở một số vùng miền khác. Ví như riêu cua chỉ cần có mỗi hành hoa, nhưng riêu hến, riêu trai, riêu trùng trục, phải có thêm chút rau răm, riêu cá, phải cho thêm thìa là. Và riêu rươi thì ngoài thìa là, phải có thêm chút lá gấc cùng vỏ quýt thái chỉ. Các món om thì ngoài hành hoa còn có thêm tía tô, lá lốt, xương sông ...
    Chao ôi, nếu chẳng phải là đàn bà con gái Hà Nội đi làm dâu cho chính các gia đình Hà Nội, mà nghe bà mẹ chồng dạy một tràng như thế, thì sẽ hoa mắt chóng mặt đến phát ngất. Mà chưa hết, lại còn phải nhớ, khi nấu canh chua, người ta không cho các loại rau hành gia vị vào lúc canh còn ở trên bếp. Bởi vì chất chua trong canh sẽ làm vàng hành rau, trông như canh thừa nấu lại, rất mất mỹ quan. Các cô gái mới về làm dâu Hà Nội, thì nhớ nhé, chỉ khi nào người nhà bắt đầu ngồi vào bàn ăn, hãy múc canh sôi lên bát, rồi thả nhẹ một vài nhánh rau hành lên trên, chớ cho rau hành dưới đáy bát, rồi múc canh sau. Như thế cũng dễ làm vàng rau hành đấy.
    Nhưng mà cũng còn một vài ngoại lệ nữa, ấy là có một vài loại canh chua không thể cho bất cứ loại rau hành nào vào, như canh thịt nạc, sườn thăn, giò sống nấu sấu, canh trứng tôm, trứng cua vắt chanh cốm. Không phải rằng câu tục ngữ "Trăm thứ canh không hành không ngon" lúc nào cũng đúng với người Hà Nội đâu.
    Và xin nhớ một điều sau rốt, rằng người Hà Nội không bao giờ dùng một chút đường nào trong bất kể một món canh chua nào. Ăn nó lờ lợ thật khó nuốt. Và cũng không cho ớt vào canh chua. Ðó là hai đặc trưng lớn nhất để phân biệt các món canh chua của Hà Nội với canh chua của các tỉnh miền Trung, miền Nam.
    tibeou - I love my 80 family
  8. tibeou

    tibeou Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    29/01/2002
    Bài viết:
    565
    Đã được thích:
    1
    Cốm vòng.
    =============================
    Mùa thu Hà Nội cũng là mùa cốm. Những hạt cốm xanh non được coi là đặc trưng của đất Hà Thành. Cốm ngon nhất là vào độ giữa thu, khi ấy sữa hạt lúa như tích tụ cả tinh hoa của trời và đất để làm nên sự ngọt bùi, chỉ ăn một lần nhớ mãi.
    Với người Hà Nội, cốm trở thành món quà tao nhã, gợi nhớ. Hạt cốm xanh, mềm, thơm nồng mùi nắng, gói trong lá sen, buộc bằng sợi rơm vàng nhạt, trên quang gánh của các bà các cô bán rong len lỏi vào từng ngõ nhỏ với tiếng rao tha thiết. Vào những ngày thu, khi nắng đã nhạt và thoảng trong gió heo may, cùng trái bưởi vàng, quả hồng mọng đỏ, nải chuối tiêu trứng cuốc, đĩa cốm xanh tạo thêm mày sắc cho mâm cỗ trung thu, một món lộc của trời đất mùa thu.
    Vì là món quà tao nhã, cốm ăn không cốt no mà là nhâm nhi, thưởng thức. Còn gì thú hơn trong cái gió heo may lành lạnh, ngồi sà xuống vỉa hè, mua một gói cốm đùm trong lá sen, rồi bốc từng dúm bỏ vào miệng, thong thả nhai để vị thơm ngọt tan ra.
    Nói đến cốm Hà Nội phải là thứ cốm dẹt, màu xanh non làm từ thứ nếp cái vừa qua kỳ đổ sữa. Lúa nếp nào cũng làm nên cốm, nhưng muốn cho cốm dẻo, ngậy thơm thì phải là nếp hoa vàng, một loại nếp đặc sản của riêng vùng quê cốm.
    Ngoại thành Hà Nội có nhiều làng quê làm cốm, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cốm làng Vòng - thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, vốn là vùng trù phú, đất còn thấm đẫm phù sa sông Hồng. Người dân nơi đây gắn bó với ruộng đồng và nghề làm cốm cha truyền con nối tự bao đời. Nghề làm cốm cũng lắm công phu. Khi cây lúa hoe hoe vàng, chỉ mười ngày nữa là gặt rộ là lúc người làng cốm đi chọn ngắt từng bông dài, hạt mẩy về chế biến. Muốn cốm ngon thì phải tính toán cắt lúa đúng lúc. Lúa già hạt cốm không còn xanh, cứng và gãy nát. Lúa non quá, hạt cốm bết vào vỏ trấu, nhão mất ngon. Thường lúa gặt hôm nào đem rang và giã cốm hôm đó. Nghề làm cốm vất vả nhất là công đoạn rang lúa. Rang lúa sao cho vừa lửa, hạt cốm chín tới, không giòn mà tróc trấu. Giã cốm bằng loại cối riêng, nhịp chày nhẹ và đều, sao cho cốm mịn và dẻo. Vào những ngày mùa thu, chiều chiều vào làng cốm ta sẽ được thưởng thức cái hương thơm ngọt ngào lan tỏa, cùng tiếng chày giã cốm thậm thịch thâu đêm.
    Từ cốm trải qua một số công đoạn chế biến nữa, người Hà Nội có thêm bánh cốm và chè cốm... những món ăn không kém phần thi vị bởi cái dẻo thơm của cốm, bùi đậm của đậu xanh, sần sật của sợi dừa xắt mỏng. Bánh cốm đi chung với bánh su sê trở thành cặp bánh không thể thiếu trong lễ ăn hỏi từ lâu nay của người Hà Thành. Bánh cốm Hà Nội có nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất là bánh cốm của tiệm Nguyên Ninh ở phố Hàng Than. Còn chè cốm, khi ăn thường múc ra bát sứ nhỏ màu trắng. Chè nấu loãng bằng đường trắng và bột lọc trong suốt, thấp thoáng những hạt cốm xanh, thoảng mùi nếp và tinh dầu hoa bưởi, quyến rũ đến lạ lùng.
    Ngoài thứ cốm dẹt như vẫn thấy, còn có cốm phồng (làm từ hạt cốm dẹt rang cho nở phồng lên, giòn tan). Cốm phồng có khi làm bằng thóc nếp già, được đồ lên cho dẻo rồi đem làm cốm. Tuy không thơm ngon mềm như cốm dẹt, thế nhưng vào những đêm mưa gió, bên bạn bè người thân, uống chén trà nóng và thưởng thức vị thơm, giòn tan của hạt cốm phồng thì thật là thú vị.
    Mùa thu Hà Nội, mùi hương hoa sữa, mùa hương cốm mới hòa quyện, ấm áp mọi nẻo đường. Người Hà Thành đi xa sẽ không thể quên vị ngọt ngào của cốm sữa gói lá sen.
    tibeou - I love my 80 family
  9. tibeou

    tibeou Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    29/01/2002
    Bài viết:
    565
    Đã được thích:
    1
    Nộm bò khô.
    ===================
    Từ bao đời nay, nộm bò khô là thứ quà vặt thân quen xuất hiện ở khắp các ngõ phố, các chợ của Hà Nội. Nhưng để tìm được vị ngon đặc sắc đúng vị, đúng mùi của món quà dân gian này thì phải tìm đến phố Hồ Hoàn Kiếm, nơi chuyên bán nộm thịt bò khô ngon nổi tiếng khắp Hà Thành.
    Thật ra, trước kia ở phố Hồ Hoàn Kiếm này mới chỉ có một vài nhà là bán nộm bò khô trong đó nổi lên là nhà ông Long Vĩ Cường, còn lại là kinh doanh mặt hàng khác, nhưng dần dần thấy lượng khách ngày một đông, nhiều nhà cũng chuyển sang bán theo. Đến bây giờ con phố nhỏ dài vẻn vẹn không đến 300 m mà có tới gần chục quán hàng bán thịt bò khô với hàng lô dãy bàn ghế để san sát trên vỉa hè.
    Cũng là đĩa nộm bò khô với những nguyên liệu như đu đủ xanh nạo, thịt bò, rau thơm, lạc rang, nước sốt nhưng khi ăn ở những quán này, bạn sẽ cảm nhận rất rõ được vị giòn của đu đủ xanh nạo, vị thơm ngon hơi dai của những miếng thịt bò rán khô được tẩm ướp gia vị kỹ lưỡng, vị béo ngậy của lá lách, vị sừn sựt của gân, sách, vó bò và đặc biệt là vị chua cay mặn ngọt pha rất vừa phải của nước sốt.
    Ngoài ra khác với những nơi khác, những quán nộm bò khô trên phố Hồ Hoàn Kiếm này còn bán thêm chim sẻ, chim câu quay để chiều lòng thực khách có nhu cầu thay đổi khẩu vị. Các quán nộm bò khô này mở hàng bắt đầu từ 5 giờ chiều và kéo dài đến tận 11-12 giờ đêm.
    tibeou - I love my 80 family
  10. tibeou

    tibeou Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    29/01/2002
    Bài viết:
    565
    Đã được thích:
    1
    Bánh trôi bánh chay.
    ========================
    Từ xa xưa, bánh trôi, bánh chay là món đầu vị của người Việt Nam đón Tết Hàn thực. Song ngày nay, ở Hà Nội và các thành phố lớn, bánh trôi, bánh chay được liệt vào hạng quà quanh năm, ăn vào lúc hơi ngót dạ, ăn cho mát, cho ngọt, cho thơm, nhất là lúc đắng miệng. Nhìn những niêu bánh trôi trắng muốt xếp bên nhau trên chiếc đĩa Bát Tràng con con thoang thoảng mùi hương hoa bưởi, đã gợi thèm lắm rồi.
    Làm bánh trôi chẳng tốn bao nhiêu nguyên liệu, mà cách làm lại đơn giản. Bánh trôi làm hoàn toàn bằng bột gạo nếp có trộn một chút gạo tẻ cho đỡ dính. Ðường phên, thứ đường mía nguyên chất đóng bánh mỏng chỉ bằng bao diêm; muốn ngọt mát thì chọn miếng mầu nâu nhạt, muốn ngọt sắc thì lấy mầu sẫm. Bánh trôi nặn xong thả vào nồi nước sôi sục. Những viên bánh trắng chìm xuống đáy nồi, lát sau nổi lên lượn lờ như đàn cá trắng đuổi nhau, ấy là lúc bánh chín. Vớt bánh xếp vào đĩa nhỏ, rưới lên trên ít nước nguội có pha hương hoa bưởi cho mặt bánh khỏi se (khi ăn gạn bỏ nước đi). Thú nhất là lúc cắn vỡ nhân đường, vị ngọt bỗng lan tỏa, thấm vào cái dẻo của vỏ bánh nhàn nhạt ban đầu, người ăn bỗng có cảm giác bâng quơ, ngọt thơm, dẻo mềm, mát lạnh lẫn lộn trong miệng, trên răng, trên lưỡi. Theo Từ điển Văn hóa cổ truyền Việt Nam, ở Hội Ðền Hùng người ta làm một mâm bánh trôi 100 chiếc, cúng xong chia đôi, đặt 50 chiếc trên bè lá sen thả xuống sông, 50 chiếc đặt trên núi, nhắc lại sự tích Một bọc trăm trứng.
    Bánh chay cũng làm như bánh trôi, nhưng có thêm đỗ xanh, vừng và bột đao. Bánh chay nặn to gấp ba bốn lần bánh trôi, không vo tròn mà nén dẹt trũng giữa. Ðặt nhân đậu vào giữa nắm lại vo tròn rồi thả vào nồi nước sôi. Bánh chín vớt ra thả vào nước nguội xong bày vào bát, ấn dẹt, rắc vừng lên trên. Mỗi bát thường bày chẵn bốn miếng, không bày lẻ hoặc nhiều hơn, như đã thành lệ. Hòa đường kính vào bột đao và nước đun sôi cho sánh, để nguội cho thêm nước hoa bưởi vào rồi giội lên ngập đĩa bánh, ăn mát như ăn xôi vò chè đường vậy.
    Bánh trôi, bánh chay, mỗi loại có một vị ngon ngọt khác biệt.
    Bánh trôi, bánh chay còn có nhiều kiểu chế biến khác. Bánh trôi "nóng" có thêm đỗ xanh, dừa sợi, gừng củ, thay vì đường phên lại là đường cát. Nước đường nấu với gừng lát giội lên bánh dẻo ngon, ngọt lịm, thơm mùi gừng tươi. Họ hàng với bánh chay đường là bánh chay "nhân thịt", có thăn lợn, nấm hương thái nhỏ nêm nước mắm xào cho săn lại rồi trộn với mứt bí làm nhân. Bánh cũng nặn tròn luộc chín, rắc vừng như bánh chay thường và cũng giội nước đường và nước hoa bưởi, ăn nguội. Không thích nước hoa bưởi thì cho dầu thơm vani nhưng lại đánh mất đi cái hương dân tộc quen thuộc từ bao đời.
    tibeou - I love my 80 family

Chia sẻ trang này