1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ảnh đất và người Thái Bình

Chủ đề trong 'Thái Bình' bởi rapchieubongthienduong, 19/06/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. rapchieubongthienduong

    rapchieubongthienduong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/12/2004
    Bài viết:
    599
    Đã được thích:
    0
    Sự thân thương tội nghiệp
    Tiếng tu tù, xình xịch và ánh đèn thơm ngát
    Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam học khá lâu rồi.
    Thích văn Thanh Lam. Nhẹ nhàng mà thâm trầm, nhân bản. Cũng giống như Hai đứa trẻ chẳng có gì. Chỉ là chuyện chị em Liên, An bày dăm hàng trà thuốc nơi quán chợ nghèo phố huyện, chờ tàu hỏa đêm đêm. Con tàu dừng lại nơi ga xép ít phút, rồi vụt qua như giấc mộng. Không hy vọng bán thêm hàng, nhưng hai đứa trẻ vẫn thao thức, vì con tàu là thanh âm rộn rã của phồn hoa đô thị, là leng keng tàu điện, là những qua kem bờ Hồ mát lạnh, là bát phở ngào ngạt, là ánh đèn thơm ngát và là một thế giới khác. Khác thế giới mà chị em chúng đang sống. Thế giới của mẹt nước chè chị Tí ngáp sái cổ, của vợ chồng bác xẩm bần bật dây đàn trong bóng tối, của lò lửa liu riu gánh phở bác Siêu, của tiếng cười âm u bà già Thi điên điên chầm trong ngõ sâu, của tiếng trống thu không phố huyện, của ánh lửa liêu riêu đám người nhà cụ thừa, cụ lý đi gọi đánh tổ tôm, của con đóm đóm nhấp nháy trong tán lá tối nhạt nhòa trong ánh sao đêm và của tiếng chõng tre kẽo ket, vo ve cánh muỗi...
    Lâu rồi, quầng sáng của con tàu thơm ngát chìm vào ký ức. Thỉnh thoảng dậy lên vì Hai đứa trẻ cũng là tên một truyện ngắn đầu tay đạt giải thưởng nho nhỏ của mình - truyện ngắn đưa đường, dẫn lối vào cái nghề mà mới từ bỏ. Một lần, ngồi nói chuyện với đứa bạn thân - đang chờ chân giảng viên của một trường đại học ở thủ đô, khi từ Hà Nội về nghỉ. Hai đứa ngồi ven tỉnh lộ, nối giữa thị trấn và xã nhà, ba hoa đủ chuyện. Bóng tối ngự trị mọi nơi. Cánh đồng vốn mờ mờ cây đa Ba ngập màu đen huyền hoặc với cò kè cóc ngóe inh ỏi. Mới chừng 21 h, đường cũng tối om. Thỉnh thoáng vài ánh đèn xe máy le lói rồi mất hút, dăm tiếng cười hơ hớ của đám thanh niên vọng lại kèm theo mấy câu hát từ quán karaoke xa xăm, toàn Ngọc Sơn kiểu "tình cha ấm ấp như vầng thái dương", hay Trường Vũ "khi tôi sinh ra mang được nghe kiếp con nhà nghèo, rồi Chế Linh "đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng". Chợt, nó bảo: bây giờ ngồi đây mới thấm thía hết cảm giác hai đứa trẻ của Thạch Lam đợi tàu. Bỗng nhớ nhiều đứa bạn cũng than thở về cái cảm giác hai đứa trẻ ấy.
    Sự thân thương tội nghiệp
    Đã nghe nhiều người kể về cảm giác hẫng hụt khi rời sân bay John Kenedy, J. Rockerfeller (Mỹ), Kansai (Nhật Bản), Hongkong, Changi (Singapore), Charles De Gual (Pháp) hay Donmuang cũ (Thái lan) khi quay về Tân Sơn Nhất. Tân Sơn Nhất còn đỡ hơn Nội Bài - nhiều người nói vậy. Chắc mình cũng không tránh khỏi cảm giác ấy khi từ sân bay quốc tế Bắc Kinh về Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng như lần đầu tới Bắc Kinh. Nhà ga không quá đẹp, nhưng rộng và từng đoàn ngưởi rồng rắn đủ mọi màu da. Hiện, Bắc Kinh đang xây dựng 3 nhà ga quốc tế mới, mỗi chiếc ước chừng to gấp 5 lần nhà ga quốc tế Nội Bài để đón Olympic 2008.
    Nhiều lần về nhà, rời quốc lộ 1, rẽ vào quốc lộ 21 về Nam Định đã thấy bớt tiếng xe, theo quốc lộ 10 qua phà Tân Đệ (bây giờ là cầu) sang Thái Bình, đã thấy dường như đường rộng hơn; qua khỏi thị trấn Đông Hưng khá nhộn nhịp, tới ngã ba Đợi, rẽ vào tỉnh lộ 217 thì thưa hẳn tiếng người; hoặc tới quán Gỏi trên quốc lộ 5, rẽ vào tỉnh lộ về Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang đã im ắng tiếng còi xe, qua phà/đò Hiệp là thấy sự thân thương tội nghiệp. Bắt đầu là mùi của rơm rạ tràn lấn mặt đường khi mùa màng, hay mùi của đất cày đổ ải, hay mùi của phân trâu, phân bò. Loáng thoáng có tiếng gõ nhịp đuổi cá của một chiếc thuyền tôn bé tẻo teo dưới sông đào, tiếng xe đạp kẽo kẹt của mấy cô hàng rau hành, tiếng chông chênh của đôi quang gánh của bà già vừa tan chợ làng...
    Hồi nhỏ, những đêm trăng như dát vàng dát ngọc lên làng xóm, bố mẹ bảo sao hay thức khuya thế. Bởi đơn giản, không hiểu tại sao trăng thanh gió mát như thế này, người ta sớm chìm vào bóng tối giấc ngủ như vậy? Những lần về nhà, hay đi chơi lăng quăng trong xóm, ngoài làng, chuyện chẳng dứt, nhưng mới chập tối đã thấy nhiều người ngáp ngủ hoặc 9 - 10 h tối đến nhà họ hàng, đã tối om om, chỉ còn tiếng chó ậm ừ. Mẹ hay bảo, khuya rồi đi vê, để bà ngoại đi ngủ. Mặc mọi người ngủ, chỉ muốn ngồi một mình trong không gian ấy. Chỉ còn tiếng đồng hồ quả lắc túc tắc. Tiếng mèo cọ đầu gừ gừ, tiếng chó ngáy thiu thiu, thỉnh thoảng giật mình mê ngủ kêu nhúc nhắc. Tất cả ồn ào như chìm xuống, để sương khói, tiếng côn trùng bay lên lả lướt. Một mình lang thang trên đường làng tối mò mò, có thể thấy ánh đom đóm lấp lánh hay tiếng con sâu đất ri rỉ ven đường, tiếng ngọn tre rào rào ngả sương.
    Lạ nhất là những đêm giao thừa, đêm Tết hầu như không ngủ được hoặc ngủ rất ít. Chiều vừa chạy lên thị trấn huyện lỵ mua đào, quất, hoa trang hoàng nhà cửa. Nhưng chọn đỏ mắt cũng khó hoặc không tìm được cây đào, cành đào ra hồn; hoa thì bé dặt bé dẹo; quất cảnh thì chẳng tạo thế cũng chẳng khép tán, chẳng như mong muốn. Giá đang lan man trong chợ hoa Quảng Bá thì chỉ sợ không có tiền mua. Còn ở đây, lại sợ không có hoa ra hồn để chọn. Vì thế, mấy năm phải rung rinh cả cành đào từ Hà Nội về. Cho nó có không khí Tết thơm ngát anh đèn. Tối, tụ tập với bạn bè nhà này nhà kia, ra đình, chùa, miếu thắp hương, cầu năm mới bình yên và sức khỏe cho mọi người. Ấy thế mà vừa ồn ào rung cây bẻ lộc, chen lấn thắp hương, rào rào cúng bái, đã vắng ngắt. Chỉ còn mùi hương trầm ngan ngát. Mùi đặc biệt của đêm giao thừa. hình như mùi của cỏ cây, vạn vật, của mầm non đang cựa mình, của "mưa xuân phơi phới bay, của hoa xuân lớp lớp rụng vơi đầy". Đêm đen sờ sờ, nhưng nhìn chân trời xa xa lại thấy những quầng hồng hồng, sáng sáng. Nhớ giao thừa xưa, làng trên xóm dưới đì đùng, ngai ngái xác pháo. Nhiều người ở làng hay thương nhớ sự rộn ràng của tiếng pháo, ánh hoa xanh đỏ nở xòe của pháo hoa. Chẳng ai nhớ cái rát mặt, bỏng người khi không may với pháo, nhưng chắc ai cũng háo hức bản hòa tấu rộn rịp của làng quê sau cả năm dài say ngủ. Bây giờ, vắng tanh. Bây giờ, giao thừa không còn tối om như mực. Mọi nẻo đường ngõ xóm trong làng đều có điện thắp sáng. Nhưng ngay sau giao thừa, đường làng chỉ còn mưa xuân ti tỉ. Những bóng điện tròn đỏ quạch đung đưa trong gió. Tiếng loa phát thanh của xã i ỉ, rè rè trong sương và mưa xuân. Muốn khoảng khắc này mãi ngưng đọng, muốn ướp nó vào "lặng lẽ mùa xuân như câu hát băt đầu - từ giây phút giao thừa thì thầm nỗi ước ao"...Sợ nó tan mất khi có quảng trường thênh thang, đại lộ rộng rãi đông nghẹt người, hay xô bồ cao ốc; nhưng cũng nản chính sự tĩnh lặng thân thương tội nghiệp.
    Mọi người đã say ngủ. Bật bài Happy new year, tự rót một ly rượu, khe khẽ nhấp và miên man hát. Có lẽ, bây giờ ở Hà Nội, nam thanh nữ tú đang chen vai thích cách bên hồ Gươm xem bắn pháo hoa, mua mía lộc, lên cầu Thê Húc quàng vai chụp ảnh, vào đền Ngọc Sơn thắp hương mà ngắm hồ xanh thẫm trong mưa xuân rưng rưng? Có lẽ giờ này ở đường hoa xuân Nguyễn Huệ, ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn đã lộng lẫy đèn hoa và dòng người cuộn chảy? Có lẽ giờ này quảng trường Thiên An môn, Bắc Kinh đang rừng rực sắc đỏ? Có lẽ giờ này ở bến Hoàng Phố, bến Thượng Hải, người và xem giăng giăng như mắc cửi, huy hoàng ánh đèn?
    Mùa xuân lặng lẽ trôi đi trong căn nhà nhỏ, nơi góc sân nhỏ, sau rặng lũy tre làng xanh ngộp mắt. Nhưng mùa xuân cũng cuộn chảy nơi Hà Nội, Sài Gòn, Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Hongkong...Và New York, Paris, London, Tokyo, Seoul, Singapore...nữa.
    Còn tàu với ánh đèn thơm ngát tu tu trườn tới, rồi ầm ầm lao đi và xình xịch tan vào bóng đêm thấm đẫm, bỏ lại những làng quê tối tăm đầy những sự thân thương, tĩnh lặng tội nghiệp. Một đứa trẻ vẫn mong tàu.
    Beijing 23/ 10/ 2007
    * Nhìn từ đường mới thị trấn Quỳnh Côi về làng Quảng Bá, Quỳnh Hải. Khi phát hiện ra con đường đi tắt này (không đi ngang thị trấn), hồi đó um tùm bạch đàn, tre, chỉ có một lối mòn, không đi xe đạp được, 10 năm sau nó mới được san lấp, mở rộng thành đường nhựa hai làn xe. Phố xá đã ùa ra và sẽ chen ra. Đồng xanh ấy, ánh trăng vàng kia sẽ tan mất. Nhưng sự thân thương tội nghiệp chẳng vì thế mà biến mất, như khi mình nói chuyện với anh bí thư đảng ủy xã trẻ tuổi - con thầy giáo cũ - có năng lực, đầy nhiệt huyết về việc dùng email, internet cho anh ấy và con trai anh ấy năm nay học lớp 10 thì anh ấy kêu lên: ấy ấy, không được, không được, dùng cái đó dễ hư lắm...
    * Đường mới, thị trấn Quỳnh Côi. Ảnh: Phạm An Phú
    [​IMG]
  2. rapchieubongthienduong

    rapchieubongthienduong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/12/2004
    Bài viết:
    599
    Đã được thích:
    0
    Lâu lắm, mới chat với bạn thân của cô em.
    Bạn bè đi xa hết. Mình cô bé này lủi thủi ở nhà. Sau cũng đi học gì đó ngăn ngắn, rồi về quê chờ việc. Đợi chẳng xong, sau có người quen xin việc hộ ở bên tỉnh bạn. Cách nhau nhà chừng 40 km. Công việc đã chán, lại thêm nhiệm vụ oshin cho người đã xin hộ việc.
    Mình hỏi, sao không về nhà làm việc, làm linh tinh ở xã, thôn cũng được, đỡ vất vả. Nó bảo, cũng muốn về lắm, nhưng về mang thóc gạo nhà ra đó ngồi chơi à? Mình bảo, nếu có chừng 500 triệu - 1 tỷ đồng, thì anh sẽ xây dựng một chợ nông sản đầu mối ở xã mình. Nó cười: thế thì em về nhà làm ngay. Mình bảo, nhưng đó chỉ là một giấc mơ thôi mà. Nó bảo: đã mơ, sao anh không mơ nữa đi? Ừ nhỉ, sao lại phải hạn chế giấc mơ của mình?
    Mơ gì nhỉ?
    1. Xây dựng một chợ nông sản đầu mối oách nhất vùng + tổ chức xúc tiến thương mại cho chợ + tổ chức miễn phí khóa bồi dưỡng ngắn hạn về nông sản, bán hàng, tiếp thị...cho bà con nông dân. Đây là hạt nhân thúc đẩy vùng khỉ ho sù sụ, cò gáy hụt hơi quê mình.
    2. Thuê nhà chiến lược, nhà kinh tế, nhà văn hóa, nhà giáo dục... xịn lập quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội toàn vùng đến năm XYZ. Từ đó có quy hoạch tổng thể tới chi tiết về đô thị, nông thôn, ngành nghề, giao thông, vận tải, giáo dục, văn hóa...ZYX.
    3. Nâng cấp và xây mới đường giao thông nối liền khu vực xã mình tới quán Gỏi (đường 5, Hải Dương), lên thành phố Bắc Ninh. Đây sẽ là con đường từ huyện mình, huyện Thái Thụy, cả huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng của Hải Phòng đi Hà Nội ngắn nhất cũng như cả tỉnh Thái Bình, Nam Nam Định, Đông Thanh Hóa đi Bắc Ninh, Lạng Sơn, Việt Bắc và xa hơn là Trung Quốc qua Tân Thanh, Đồng Đăng hiệu quả nhất. Dĩ nhiên, phải xây cầu Hiệp thật oách, vì hai đứa bạn mình đã bỏ mạng ở đây khi qua đò. Cầu này nghe nói có dự án tiền khả thi (tức là có tiền thì khả thi) vì gần nhà PTT Hoàng Trung Hải, nhưng chưa thấy thành khả thi.
    4. Quy hoạch tổng thể và chi tiết cơ sở hạ tầng xã mình và mấy xã lận cận. Đô thị dù nhỏ tin hin cũng phải ra đô thị, nông thôn phải ra nông thôn. Ít nhất là sẽ có An Phú new town đối diện với làng cũ với cơ chế quản lý đô thị kiểu mới. Sẽ có nhiều đường giao thông, bãi đỗ xe, cây xanh, quảng trường, công viên, khu du lịch, đài tưởng niệm, tượng đài, hồ nước, sông ngòi... Sẽ có thư viện, nhà văn hóa, nhà hát, nhà thi đấu, sân vận động, bảo tàng (ít ra cũng phải 4-5 bảo tàng chuyên đề độc nhất vô nhị mà hiện nay Việt Nam chưa có)
    5. Sẽ trùng tu một loạt di tích của làng xã, trong vùng đang tàn tạ hoặc đã biến mất, như: đình, hệ thống cây cổ thụ (phải trồng lại thoai), chùa, miếu, đền, từ hạ, cầu ngói, cầu tre, quán đá. Dù sao một số công trình này cũng gắn với công sức của ông bà, họ hàng mình.
    6. Sẽ dựng 2 khu đền thờ + viện bảo tàng về hai cụ họ ngoại mình. Nếu không có cụ chủ nhiệm HTX mang rau hành vụ Đông về, thì chắc dân làng mình vẫn đi xe đạp, lèo tèo xe máy, chứ không có hầu hết xe máy và lèo tèo ô tô tải cũng như không có mình đang ba hoa về chợ nông sản đầu mối như hiện nay. Nếu không có cụ trùm gánh chèo, tuồng, múa lân, hạc...thì bây giờ làng mình không có í ới với chũm chọe vào dịp lễ Tết, dân mình chỉ biết cắm với cái rổ, cái rá, dần, sàng, nong, nia chứ không biết anh Lưu Bình ghẹo chị Châu Long trong đêm hoa chúc thế nào, không biết em Màu tơn tơn ra cứa Phật trêu tiểu Kính ra sao; không biết "ứ hự, tom tom chát chát tom" vị gì; chẳng biết "Mẫu ban coi sóc các tòa, khí khựa khừa khưa" thế nào? Tiện thể, ngó anh em nào ngon xôi thì cho vào đội "i ì i", "tom chát", "khí khựa khừa khưa"...để làm nòng cốt truyền bá những vụ: yêu cầu chị em phụ nữ toàn xã nhà hôm nay ra trạm xá đặt vòng, vận động các anh em cũng ra trạm xá đình sản...Rồi phải nâng cao thể chất anh chị em qua những cua bóng đá, bóng bàn, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội, thể hình, thẩm mỹ, võ thuật, điền kinh...cứ gọi là thất kinh.
    7. Mở miễn phí những khóa ngắn hạn về văn hóa, lịch sử xóm làng, bán hàng, tiếp thị, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Tàu, tiếng Quảng, tìm kiếm với google, google earth, wikimapia, email, chat chit, blog, báo điện tử, website sách các loại...cho nam phụ lão ấu để thành lập đội quân sang mấy tỉnh biên giới Tàu ăn hàng hoa quả, rau hành, ớt tỏi như tàu há mồm mà cưỡi ô tô xem hoa thị trường.
    8. Về lâu dài, là phải chạy qua nhiều cửa ải xin thành lập một và chỉ một trường học dạy từ cấp vỡ bọng tới lớp chuẩn bị thi đại học với quan điểm: điểm chác, tiền bạc không quan trọng, quan trọng là có biết "cãi" thầy cô và cái đúng hay không? Về dài về lâu, là lập một trường đại học hay cao đẳng đào tạo những nghề hot mà xã hội đang săn, chỉ với tiêu chuẩn là giỏi tiếng Anh (thêm Hoa phổ thông, Hoa Quảng Đông, Nhật, Hàn thì càng tốt) + suy nghĩ độc lập, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cái này mới quan trọng nhất, như Khổng Tử nói đại ý: Vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người. Từ đây sẽ có nhiều người biết mơ. hơ hơ
    9. Kết nối với công ty lữ hành, nối tour về đây, mở nhà hàng, khách sạn, bar, vũ trường để dụ dỗ nam phụ lão ấy chơi bời cho biết mùi đời, cứ làm mãi thì chết là hết. Có vậy, công an cảnh sát cũng mới đỡ chỉ đứng hoặc ngồi văn phòng.
    10. Tạo cơ chế trao đổi thông tin công bằng giữa mọi tầng lớp dân cư trong vùng.
    11. Phải tìm được những đứa dẻo mồm, đầu gạch, đầu ngói, đầu đá, đầu vàng, đầu bạc..(miễn là không đầu đất) để quảng cáo, PR, kêu gọi đầu tư từ chính phủ, doanh nghiệp, NGO trong và ngoài nước rót tiền vào đây để lãi mẹ để lãi con, sòn sòn lãi cháu.
    12. Tuy nhiên, cái đầu tiên và cũng quan trọng nhất là phải quảng cáo, PR cho lãnh đạo vùng, bà con làng xóm thủng được mục đích cao cả này, rằng nên mơ, đã mơ là mơ cho oách, tốt nhất cứ xem nhiều phim Mỹ, phim Hàn và chẹp chẹp thì sẽ có giấc mơ đẹp.
    Tạm thời, mơ thế này đã. Đi ngủ, mơ, mai viết tiếp
    * Tới bến đò kia là sắp đến nơi khỉ ho khụ khụ, cò gáy hụt hơi. Ảnh: Đặng Lam Điền
    [​IMG]
  3. rapchieubongthienduong

    rapchieubongthienduong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/12/2004
    Bài viết:
    599
    Đã được thích:
    0
    Khi nắng xanh về
    Đã hết những cơn mưa ri rỉ, kéo bầu trời sũng nước sát gần mặt đất. Đã cạn những giọt mưa bay bay xoay xoay vương trên vai áo như những hạt sương mai. Đã kiệt những bông hoa xoan tim tím chao liệng trong gió se se. Đã thưa những bông gạo thắm, tung cánh rực trời, liệng xuống rợp đất. Đã vắng những đàn chào mào, sáo sậu, chích chòe...cãi nhau ỏm tỏi trên cành cây gạo muôn hồng nghìn tía....
    Nắng đã xanh cành, mướt lá. Đã đẩy óng ả bầu trời bay lên. Đã dâm dấp mồ hôi trong lớp áo mỏng manh. Tự nhiên, thấy đường phố bức bối, thấy dòng người cồm cộp, thấy mặt mình dầy lên những lớp khói xe, bụi băm. Tự nhiên, "một ngày trong veo, một mùa nghiêng nghiêng, cánh đồng xa mờ, cánh cò nghiêng cuối trời" ùa tới. Muốn được rong ruổi ra vùng ngoại thành, nơi có những triền đê bát ngát cỏ, sông bắt đầu đỏ lựng phù sa, để thấy "có những chân trời xanh thế, mây xa vời, tia nắng xa vời, con sông sao lững lờ trôi". Không hiểu sao, khi ngân nga giai điệu Tháng tư về, Giấc mơ trưa, lại thấy hiển hiện lên bờ đê sông Đuống, vùng núi đồi Phật Tích đất Kinh Bắc? Và người như chầm chậm trôi từ bến phà Đen về ngã ba sông Luộc - sông Hồng, rồi về bến Hiệp. Những người lớn tuổi kể, thời bao cấp, có ca nô từ phà Đen (Hà Nội) về tận bến Hiệp (Thái Bình). Không biết bao lần mơ được nằm bồng bềnh trên thuyền. Có lẽ nắng đã ửng lên lấp loáng khắp mặt sông. Xa xa bờ có bóng người giặt giũ, bóng trẻ con tắm truồng dưới những lũy tre, bóng cây xanh mướt mát. Có màu nắng "Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu" trong Đường thi không nhỉ?Cứ trôi về bến ấy. Là về tới nhà rồi...Cứ mơ đi. Mơ tới khi lọm khọm có chiếc du thuyền, chắc sẽ treo xuôi dòng về quê nhà. Cũng như có thể ngang dọc trên sóng nước trong những đêm trăng sáng hay mưa dầm gió Bấc...
    [​IMG]
    Đã lâu lắm, không đi đường 1A, rẽ vào đường 10 qua Nam Định, thành phố Thái Bình về nhà. Đường ấy vừa xa, vừa ồn ào. Thỉnh thoảng đi quốc lộ 5, rẽ vào đường 39 A, qua phố Hiến, cầu Triều Dương, qua những con đường xanh mát và ngọt dịu hương nhãn cổ thụ ở Hưng Hà là cũng tới nhà. Ngắn nhất và thường xuyên đi là theo quốc lộ 5, rẽ vào Quán Gỏi, qua Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, thấy phà Hiệp là chẳng mấy chốc tới nhà. Hồi còn sinh viên, chưa biết đường này và cũng ít người đi, nên toàn đi lối Thái Bình và Hưng Yên. Khi nghe cô bạn nói nhiều bạn bè hồi PTTH toàn đi xe đạp về nhà cuối tuần, bèn đi thử. Thong dong đạp xe nửa ngày cũng về đến nhà. Có lần, tận 4 - 5 h chiều mới về. Tới bến phà gần 10 h đêm. Thất thểu trên đường đê gần 5 - 7 km (từ bến Trại về đò gốc Mít hay phà Hiệp). Tối om om. Về bố mẹ cứ cằn nhằn. Nhưng từ đó, chuyện đi xe đạp từ Hà Nội về nhà được viết tiếp và sau này là xe máy. Nhiều khi gặp mưa lạnh, mong mỏi có ô tô riêng để về (đường này chưa có ô tô khách về tận thị trấn). Nhưng chưa biết đến bao giờ?
    Chán nhất là đoạn đường từ ngã ba đường liên huyện Thanh Miện - Ninh Giang về phà Hiệp. Chỉ có chừng 3 km nhưng chính quyền không chịu làm. Vẫn để đường cấp phối. Nắng còn đỡ, mưa thì khốn khổ. Đứa bạn bảo khu vực này tuy nằm bên kia sông, nhưng thuộc Thái Bình, nên chẳng ai thèm quan tâm tu sửa. Bao lần về là bấy lần càu nhàu chỉ vì mấy km đường này.
    [​IMG]
    Không hiểu sao, qua sông Luộc sang bờ này bến Hiệp, đã cảm thấy rộn rã. Chỉ còn 4-5 km nữa là tới nhà. Ấy vậy mà ngồi ở phía Ninh Giang, Hải Dương, cách mỗi con sông, mùa cạn chỉ chừng 200 - 300 m, mà lòng hoang vắng, cồn cào thế?
    Thoáng chốc đã thấy thị trấn Quỳnh Côi với lớp lớp hoa dâu da trắng xóa như mây. Chạy chầm chậm để nghe hương dâu da nồng nàn, ngòn ngọt. Để nghe bầy ong líu ríu cánh....
    Cây đa Ba kia rồi. Ngạo nghễ vươn lên giữa khu đồng nội và đồng chiều. Nắng rát đầu rồi đấy nhỉ. Vẫn còn một vài bóng nón chập chờn trên ruộng. Không biết bố mẹ đã về nghỉ chưa hay còn cố làm xong việc?
    So với khá nhiều làng quê khác, buổi trưa, đường làng An Phú không tĩnh lặng để nghe thấy tiếng gà gọi trưa, tiếng võng kẽo kẹt, tiếng bà ru cháu hay thấy mùi rạ rơm nồng nồng xộc vào mũi. Chợ đầu mối rau quả họp từ 10 h sáng tới 12 h trưa ở đường trung tâm làng khá náo nhiệt. Cũng hình thành tự phát chừng 10 năm nay rồi. Mùa nào thức ấy, nào rau hành, ớt tỏi, xu hào, bắp cải, dưa hấu, dưa chuột, mía, dứa, vải, nhãn...Một phần từ đồng ruộng của làng, nhưng phần lớn do dân làng đi mua từ Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên...mang về bán buôn cho dân làng và dân buôn bán các nơi khác đến. Những người này sẽ tiếp tục mang đi các chợ khắp Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định... bán lại. Bao lần, chính quyền đẩy chợ vào sân chùa họp, nhưng được vài hôm, mọi người lại tràn ra đường chính. Cứ bần thần, nếu mình có tiền, chỉ vài trăm triệu thôi, sẽ hô hào những người buôn bán mạnh nhất của làng hợp lại mở một chợ đầu mối hoa quả cung cấp cho toàn vùng, tìm tới các công ty chế biến hàng nông sản và mối sang Trung Quốc. Bao lần về trao đổi với mấy vị bí thư, chủ tịch xã, thì bảo: đang đợi chủ trương của tỉnh, huyện. Vị bí thư trẻ lại kể: phải đợi họp đảng ủy xã, rồi đưa ra hội đồng nhân dân bàn bạc, rồi chuyển xuống các thôn, sớm nhất cũng mất 1-2 năm. Ôi, trời ơi...Vừa rồi, về lại nói chuyện với một số người. Lại kể: tỉnh có chủ trương rồi, tới cuối....năm 2008 sẽ xây dựng. Mới chat với đứa bạn làm ở Sở giao thông vận tải tỉnh, nó cũng bảo: chủ trương rồi, ta cứ chờ thôi, tự làm làm gì...
    [​IMG]
    Chạy xe chậm chậm trên đường làng. Mùi rơm rạ tươi òa lên. Làng mình mỗi năm làm 3 vụ, 2 vụ lúa, 1 vụ rau màu cuối năm, nên thường cấy và thu hoạch lúa sớm hơn làng khác. Khi các cánh đồng xung quanh còn rườm rượp lúa vàng, thì thóc làng Đó đã vào bao, rạ rơm đã thành đống lù lù hoặc ngả ngớn trên đường.
    Cũng phải đến gần 10 năm nay, làng không trồng thuốc lào. Bây giờ hình như ở quê cũng chẳng còn mấy người "nhớ ai như nhớ thuốc lào" nữa. Hồi trước, tới thời điểm này, gần như cả làng rợp trong màu xanh của thuốc lào non, rộn ràng trong tiếng dao cầu thái thuốc. Vụ chiêm, ở khu đồng nội (đồng cao), nếu không cấy lúa thì trồng thuốc lào. Bố bảo: một sào thuốc lào bằng ba sào lúa. Tới vụ thu hoạch thuốc lào, vừa thích vừa ngán. Ngán vì be bé thì bẻ thuốc, rọc thuốc đen tay, rửa mãi mới sạch. Lớn lên một chút thì lòng thuốc (quấn thuốc thành cuộn để thái). Lớn lên tí nữa, nếu khéo tay thì thái thuốc (việc này đàn ông độc quyền nhưng không phải ai cũng thái được), rồi phơi thuốc (vụ này đàn bà độc quyền), chạy thuốc...Thích vì tới vụ thu hoạch thuốc lào, bữa cơm có thêm bát canh cua rau đay, cà pháo. Vục mặt vào nước mưa đựng trong chậu nhôm dưới bóng cây bòng, rồi chan canh cua rau đay vào bát cơm, gắp quả cà pháo, cắn cái rụp, ngon ơi là ngon. Và xụp một cái là hết bát cơm. Hồi ấy, có lẽ chẳng ai mơ được ăn bữa cơm ngon hơn thế giữa trưa hè ve bắt đầu ồn ã, nắng bắt đầu xanh lá, mồ hôi xâm xấp da thịt và quạt nan, quạt mo bắt đầu giãy phành phạch?
    Bây giờ...không biết nắng đã xanh chưa? Ve đã bắt đầu rền rĩ chưa? Mùi rơm rạ tươi còn nồng nồng? Nước mưa có còn ngọt mát không? Canh cua, cà pháo có còn giòn tan, lìm lịm không?
    * Ảnh: Phạm An Phú, Phạm Thanh Tùng, Đặng Lam Điền
  4. rapchieubongthienduong

    rapchieubongthienduong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/12/2004
    Bài viết:
    599
    Đã được thích:
    0
    Con mắt làng
    Bài: Phạm Thanh Tùng
    Ảnh: Đặng Lam Điền, Tư liệu của Nguyenlefr
    Từ bao đời nay, chiếc cổng làng đã trở nên thân thuộc với người Việt, đặc biệt là vùng đồng bằng miền Bắc, duyên hải miền Trung. Có thể nói, ở đâu có làng quê, ở đó có cổng làng. Cùng với lũy tre, mái chùa, cây đa, giếng nước, mái đình, cổng làng thường hiện hữu trong mỗi giấc mơ vọng cố hương. Người tha hương nào cũng có thể thao thao về ?oto như cái đình làng ta, đẹp như cái cổng làng ta?. Cổng làng tập trung với mật độ dày đặc tại đồng bằng sông Hồng. Khác với làng quê miền Đông, miền Tây Nam Bộ thường trải dài theo kênh rạch, làng quê miền Bắc thường co cụm cố thủ trong lũy tre ngăn ngắt, cổng làng cổ kính. Làng nào cũng có cổng. Chiếc cổng như con mắt thân thương của làng quê. Những cổng làng nhỏ bé rêu phong, trầm mặc nép dưới lũy tre, cây gạo, cây muỗm cổ thụ, dẫn vào con đường hun hút cỏ, xanh bời bời bụi mây, rồi dẫn vào bao cổng xóm.
    [​IMG]
    Không rõ cổng làng có tự bao giờ; có lẽ từ xa xưa, thời mới lập làng, lập xóm, với mục đích chính là vọng gác tiền tiêu để bảo vệ làng, ngăn ngừa trộm cướp, giặc giã. Nhưng với những cổng làng còn tồn tại tới ngày nay, có thể nói rằng chúng là sản phẩm khi Nho giáo bén rễ sâu rộng ở nông thôn sau thế kỷ 15, làng quê trở thành một kiểu tiểu triều đình với ban bệ chức dịch cùng hệ thống thiết chế văn hóa, như đình thờ Thành hoàng làng, văn chỉ, từ chỉ (thờ những người đỗ đạt cao trong làng, tổng). Cổng làng kết cấu khá đơn giản, nhỏ nhắn, thường được xây bằng gạch, với một vòm hoặc 3 vòm, thậm chí 5 vòm, mái thường được đắp bằng kết cấu vôi vữa, gạch hoặc sang hơn là lợp bằng ngói mũi hài với những cánh cổng gỗ lim có bánh xe gỗ. Cũng có những cổng làng khá đồ sộ, với vọng lâu như cổng làng Thổ Hà, hoặc làm bằng chất liệu đặc biệt: đá ong như cổng làng Mông Phụ. Hai bên cổng là đôi câu đối thể hiện thần thái của từng làng, trên mái vòm thường là ba chữ Hán ?oThiểu ?" cao ?" đại? (trời cao, đất dày, người thì nhỏ bé).
    Mỗi chiếc cổng còn biểu hiện cái hồn của làng quê. Qua qui mô và thần thái của cổng, người ta có thể biết đó là làng đỗ đạt quan tước, hay làng nghề, làng thuần nông, làng giàu sang hay làng nghèo khó. Cổng làng cũng có nhiều nét chấm phá, là nét thơ mộng: ?oCổng làng rộng mở ồn ào - Nông phu lững thững đi vào nắng mai? trong thơ Đoàn Văn Cừ. Hoặc là sự tù túng, ngột ngạt với bộ cánh cổng bằng gỗ lim dày kin kít khi truy sưu, nã thuế trước năm 1945 trong tiểu thuyết Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Trong một thời gian dài trước đây, cùng với lũy tre xanh miên miết, cổng làng là bức tường thành bất khả xâm phạm níu giữ nề nếp cổ truyền cũng như sự ao tù nước đọng của làng xã.
    [​IMG]
    Chiếc cổng làng như một cổng thành thu nhỏ dưới thời phong kiến. Tại một đất nước mà văn hóa làng xã ám ảnh đậm nét như Việt Nam, nhiều khi chiếc cổng thành cũng chỉ là cổng làng được phóng đại. Hiện nay, những cổng thành (cổng nước) ấy cũng chẳng còn bao nhiêu: Ngọ Môn (Huế), Đoan Môn, Bắc Môn (thành cổ Hà Nội), cổng thành Sơn Tây?Có khi nếp cổng làng ấy còn tràn vào phố thị. Khu 36 phố phường của Hà Nội xưa, mỗi dãy phố đều được ngăn bằng những cổng gỗ, cổng tre, được đóng kín mít vào buổi tối để phòng trộm cướp.
    Mới đây, nhiều người được gặp lại hình ảnh thân thương ấy qua hàng trăm bức ảnh của họa sĩ Quách Đông Phương. Họa sĩ cho biết tại phố Sơn Tây ?" nơi anh ở, có từ 1929, tồn tại một cái cổng ngõ rồi mới vào nhà. Khi nhà cửa đất đai chia năm xẻ bảy, nên cổng ngõ biến mất, ngay từ hồi nhỏ anh cũng chỉ nghe kể lại, nhưng cái cổng ấy cứ mãi sống trong tâm tưởng. Trưng bày hơn 20 kiểu ảnh cổng làng trong triển lãm ảnh Cuộc trò chuyện tháng Tư năm 2000, trong cuộc triển lãm tiếp, Quách Đông Phương cho ra mắt hơn 500 bức ảnh, nhưng theo họa sĩ đó chỉ là già nửa những gì anh đã ghi được từ năm 1997 tới nay. Anh lang thang khắp miền đồng bằng Bắc Bộ để chớp lại hàng nghìn kiểu ảnh về cổng làng quê Bắc Bộ vì lo sợ nó sẽ biến mất hoặc sẽ bị tô vẽ thành lem luốc. Trước đây, nhiều cổng làng cổ kính bị phá tan nát trong phong trào hợp tác xã vì nhiều lý do, trong đó lý do hay được trưng nhiều nhất là cho xe cơ giới đi vào. Khi nhà cao tầng chen vai thích cánh kèn kựa, chiếc cổng làng khép nép trông thật thảm hại. Những năm gần đây, cùng với phong trào lên đời làng văn hóa, nhiều làng quê phục dựng lại cổng làng. Nhưng thường nó không theo hình dáng cũ mà được đồ sộ quá, hoành tráng hóa với lầu cao, 3 ?" 5 cửa, được tô trát hàng chữ quốc ngữ vặn vẹo, điểm phấn tô son trông kệch cỡm.
    May mắn thay, trong những mảnh vụn ấy, vẫn còn những nếp xưa, như cổng làng Mông Phụ, Thổ Hà, Bối Khê, Ước Lễ?Cổng làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, được xây dựng cách đây vài trăm năm, kết cấu đơn giản với đá ong, lợp ngói vảy cá, ngày ngày vẫn đóng mở hai cánh cổng làm bằng gỗ lim dày chừng 4-5 cm, dẫn vào không gian ngan ngát hương sắc Việt cổ. Cổng làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được xây năm 1692 với đôi câu đối ?oNhất thiên phong thổ huy hoàng cảnh - Vạn cổ sơn hà tráng lệ cư? (Tạm dịch: Một cõi trời phong tục đất đai cảnh huy hoàng ?" Nghìn xưa sông núi ở chốn tráng lệ). Thả bộ một chút là tới chùa Đoan Minh cổ kính với những hàng cột gỗ lim to đến một vòng tay người ôm và hàng chục pho tượng được tạo tác tinh tế, sinh động, đình Thổ Hà - một trong những ngôi đình cổ nhất, đồ sộ nhất xứ Kinh Bắc. Với 5 cửa (ngũ môn), hai tầng, cổng làng Bối Khê, xã Thanh Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây là một trong những cổng làng đẹp nhất, đồ sộ nhất. Qua cổng là cầu gạch cổ nối liền hai bờ của dấu tích dòng sông Đỗ Động, từ đó dẫn thẳng vào chùa Bối Khê rêu phong, hoặc bẻ làm hai nhánh dẫn vào các ngõ xóm.
    ?oXưa kia, cổng bao giờ cũng có linh hồn, là gương mặt ông quan, thi sĩ, trọc phú, nông dân, còn bây giờ là cổng sắt lạnh lùng, thậm chí có làng cũng chẳng có cổng. Những chiếc cổng làng quê nhắc nhở chúng ta từng có một quá khứ tốt đẹp khi mỗi người sống biết giữ nếp gia phong, biết sống tử tế với cộng đồng dù cuộc sống còn nghèo, trong khi ngày nay chúng ta đang giàu lên mà lại cực nghèo về văn hóa, tâm linh? ?" Quách Đông Phương nói.
  5. rapchieubongthienduong

    rapchieubongthienduong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/12/2004
    Bài viết:
    599
    Đã được thích:
    0
    Thư gửi thày mẹ
    Nguyễn Bính
    Ai về làng cũ hôm nay
    Thư này đưa hộ cho thày mẹ tôi
    Con đi mười mấy năm trời
    Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương
    Thày đừng nhớ, mẹ đừng thương
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thày mẹ ơi! Thày mẹ ơi!
    Tiếc công thày mẹ đẻ người con hư!

    Con đi năm ấy tháng Tư
    Lúa chiêm xấp xỉ giỗ từ tháng Ba
    Con đi quạnh cửa quạnh nhà
    Cha già đập lúa, mẹ già giũ rơm.
    Cha dậm gạo, mẹ thổi cơm
    Có con con vắng ai làm thay cho
    Con dan díu nợ giang hồ
    Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.

    Ai ngờ ngày tháng lưu niên
    Đã không gọi chút báo đền dưỡng sinh
    Lại mang ân ái vào mình
    Cái yêu làm tội ******** cái thân
    Bó tay như kẻ hàng thần
    Chán chường như lũ tàn quân lìa thành
    Mẹ cha thì nhớ thương mình
    Mình đi thương nhớ người tình xa xôi...
    Ở thư này thày mẹ ơi!
    Nhận cho con lấy vài lời kính thăm
    Xin thày mẹ cứ yên tâm
    Đừng thương nhớ, một vài năm con về.
    Thày ơi, đừng chặt vườn chè
    Mẹ ơi, đừng bán cây lê con trồng...
    Nhớ thương thày mẹ không cùng
    Lạy thày, lạy mẹ thấu lòng cho con...
    [​IMG]
    * ảnh: Nguyentlfr
  6. rapchieubongthienduong

    rapchieubongthienduong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/12/2004
    Bài viết:
    599
    Đã được thích:
    0
    Rét non
    Phạm An Phú
    Mới ấm lên chút chút? Mới thả lỏng thân thể một lát sau lớp lớp áo mũ dầy cồm cộp? Mới xoè tay hân hoan đón những lưỡi nắng xuân mơn man da thịt thoáng chốc sau những ngày ủ ê trời, dầm dề đất. Lại gió bấc. Lại mưa phùn. Và rét lại về?
    Chẳng phải cái buốt giá của sớm mai với sương muối, ào ào gió mùa Đông Bắc, rét ngọt như thuở đông, mà là rét dịu dàng?rét non? ấy vậy mà người xưa than thở: ?oRét tháng Ba bà già chết cóng??
    Quả cũng có vài hôm nghe thật não nề. Ai nấy đều cúm rúm trong tầng tầng lớp lớp áo mũ, gang tay, giầy tất. Nhưng dường như rét của Xuân chỉ đủ để làm nũng các thiếu nữ diện đồ len, dạ thật lộng lẫy tung tăng xuống phố. Nếu như cái rét ngọt khiến các cô xuýt xoa, xa xót vì da tay, da mặt căng lên, phải thoa thật lực các loại mỹ phầm để bảo vệ, thì trong rét non ít ai buồn ngó tới. Vì chỉ vài ngày gió Bấc quẩn quanh, gió Đông đông ào tới mang theo cái ướt rượt nồng nồng vị biển khiến nền nhà, tường vách thi nhau đổ mồ hôi? Thế nên, cũng mấy ai còn để ý đến rét. Rét non mà!
    Ngoài vườn, dãy bưởi sau những đợt trút hoa trắng ngát đất, đã dâng tràn tràn quả xanh xanh li ti chen chúc trong đám lá rợp mắt. Mấy cây muỗm xù xì thả từng chùm hoa vàng mật, hứa hẹn một mùa lúc lỉu quả. Đầu ngõ, hàng bàng bừng lên mơn mởn như những ngọn lửa xanh. Cây gạo già nua, thân gồ gề bạc thếch cũng he hé bao đốm nồng nàn để gọi chào mào, sáo sậu về ríu ran, ríu rít. Chẳng bao lâu nữa nó sẽ thắp lửa rực hoan ca một góc trời? Hình như cũng vì vậy mà mấy con dế trú tít mít trong hốc cây suốt ngày đông tháng giá đã lăng xăng ra vào ri rả gáy?
    Ai đem cây bút thần kỳ vạch đường lúa xanh miên viễn, bất tận chân trời để đám sáo sậu đậu trên lưng trâu bò tần ngần, ngơ ngẩn? Không phải màu xanh của thảm, không phải màu lục ngời ngời của ngọc bích, không phải màu xanh thăm thẳm sầu muộn của nương dâu trong Chinh phụ ngâm?mà là sắc sinh sôi, màu hy vọng của triệu triệu người dân nón lá, áo vải đất Việt. ?oƠn trời mưa nắng phải thì?? Màu hy vọng ấy sẽ thành màu chứa chan ngời lên như điệp điệp vì tinh tú trong trùng trùng ánh mắt?
    ??oThùng thùng?thình thình? tiếng trống náo nức giục giã làng trên xóm dưới chen nhau vào hội? Kìa, cái hĩm thằng cu hôm nào còn còng lưng, nám mặt run rẩy dưới chuôm sâu cấy lúa, nay xúng xính, ngời ngợi áo quần, xủng xoẻng chinh tiền, má đào mắt huyền trong đám rước, trong chiếu chèo hồn hậu sân đình, trong rực rỡ hoa đăng? Mấy bà cụ răng hạt huyền nhưng nhức, cười rưng rưng quên cả miếng trầu thắm còn đang nhai dở? Rét. Thì vẫn cứ rét. Gió. Thì mặc gió. Và cứ kệ bay bay bụi mưa. Cô gái xóm dưới ?ođội gạo lên chùa?, tấm mớ bảy mớ ba cứ bay bay xoay xoay như múa cùng chiếc yếm đào. Bay bay bụi mưa như lớp lớp ngọc châu huyền ảo đậu trên vành khăn nhung vấn, trên lọn tóc đuôi gà?
    Dường như cái duyên của rét non tiết Xuân lan toả trong đất trời làm nồng nàn rực rỡ những sân đình, mái chùa, ngôi đền tĩnh lặng, rêu phong và giục giã sắc sinh sôi chứa chan?
    * Bà ngoại ngày Tết. Ảnh: Đặng Lam Điền
    [​IMG]
  7. rapchieubongthienduong

    rapchieubongthienduong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/12/2004
    Bài viết:
    599
    Đã được thích:
    0
    Mổ lợn, tảo mộ, đánh chén và cãi nhau
    1. Hồi còn ở quê, cứ gần tới mồng sáu tháng Chạp, tôi lại nôn nao, vì sắp được đi việc họ với bố.
    Vênh lắm, chỉ suất đinh (con trai) mới có vinh dự ấy, kể cả cái đinh ấy mới lon ton (gần đây, một số họ trong làng tôi đã mở rộng cho con gái tham gia việc họ). Chừng 3 - 4 h chiều, rỗi việc, chạy lên nhà ông trưởng họ xem giết lợn. Cả làng vào cuộc việc họ. Cả làng vang rộn tiếng lợn kêu éc éc, giã giò chục chặc chục chặc. Hồi đó chưa có máy xay. Ngày đó, cả năm mới dính chút mỡ vài lần vào miệng, nên chỗ nào giết lợn là háo hức lắm. Chỉ xem thôi, và thèm thuồng. Chầu chực để được người lớn xí cho cái bọng đái hay cái đuôi lợn cũng đã thỏa lòng. Một nhóm các cụ cao niên đã đi khắp đồng trên gò dưới tảo mộ. Trẻ con cũng lăng xăng theo đuôi để biết mộ tổ, mộ cụ mấy đời hay mộ ông bà mình nằm ở gò đống hình thù con rồng hay con hổ, con cáo hay con cá, cái bút hay nghiên mực, có hữu thanh long hay tả bạch hổ chầu vào không?
    Sẩm tối, các chi chòm kéo tới ăn uống. Họ đông tới hàng trăm suất đinh, huy động giường chiếu không đủ, thì ngả cả cánh cửa gỗ nhà ông trưởng họ ra làm bàn ăn. Cả ngôi nhà 5 gian gỗ lim, với thềm đá xanh và khoảng sân lát gạch Bát Tràng tím sẫm rộng rãi bỗng chật ứ người là người. Giữa những giỏ, chả, nem, mọc, giả bò, giả cầy, xào lòng, măng miến, xôi trắng, cơm...là ồ à, thế à, hóa ra tớ phải gọi cậu bằng ông à, dạo này có đi chợ không, làm ăn thế nào, họ mình cũng có người đỗ đạt, làm ăn phát tài nhỉ....Vui tấm tức.
    Ăn xong, đến màn nhận phần. Năm nào cũng thế. Gói xôi trắng, vài miếng thịt bạc nhạc, mấy muôi xào lòng, nước luộc thịt nhạt thếch...Trẻ con thường cun cút về sớm. Xách gói phần về nhà lúc chập tối mùa đông, ánh đèn dây, đèn Hoa Kỳ của các nhà ven đường hắt quầng sáng vàng vọt ám vào màn sương lan khắp đầu làng, ngõ xóm, thấy đời tung tẩy thật. Đi qua giếng đình, thấy tiếng giũ rau hành xoa xuýt xen lẫn tiếng nói cười đùng đục trong màu sương mờ mịt. Lúc này, chỉ còn các cụ, các bác, các chú, các anh ở lại bàn việc họ.
    Một lát, đã thấy bố về, bảo: năm nào cũng như năm nào, cứ rượu vào, con cà con kê rồi cãi chửi nhau. Mà toàn các cụ, các ông phơ phơ tóc trắng. Hồi đó còn nhỏ, chỉ lờ mờ thấy rằng hình như vì, à thằng đó khinh người, nó chi dưới mà không biết điều, chi mày ít, chi tao đông.
    Bẵng đi một vài năm, không thấy việc toàn họ nữa, chi nào về chi ấy họp ở nhà trưởng chi. Một số họ khác trong làng cũng thế. Lớn lên, xa quê, cũng đến 10 năm nay chẳng việc họ, bố vẫn đóng cả hai suất. Về nhà, loáng thoáng nghe kể ngày xưa họ mình vốn mang họ Đặng Trần, vì gia biến nên phải lưu lạc, đổi họ, nhưng gia phả gốc chẳng còn. Các cụ cũng chỉ nghe nói vậy. Những cụ già có tiếng là hiểu biết, thông thạo chữ Nho mất đi. Những cụ khác lại chưa kịp già. Lại biết ít hơn và không tỏ chữ Hán.
    2. Làng Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây là khu vực chiêm trũng nằm bên đê sông Đáy. Mãi thu xếp thời gian mới về đó được, dù nghe mang máng đã lâu rằng dòng họ hiện tại của mình vốn phát tích từ đây. May mắn là có tài liệu nói tỉ mỉ về quá trình hình thành, phát triển họ Đặng Trần của giáo sư Trần Quốc Vượng.
    Cụ tổ của họ Đặng Trần là con út của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, được sinh ra trong cuộc kháng chiến quân Nguyên lần thứ hai (1285), phải gửi nhờ trong vùng người Mường vùng Thanh Thủy, Tam Nông, Phú Thọ ngày nay, sau lui về định cư tại Ba Vì, Hà Tây. Mãi tới nửa cuối thế kỷ 15, trong nhánh này mới nổi lên cụ Trần Cẩn, hiệu là Đặng Hiên tiên sinh, đỗ tiến sĩ, làm tới chức Thượng thư (không nhớ bộ gì) triều Hậu Lê. Sau, cháu họ cụ là Trần Tuân chống lại triều đình, nên bị tru di tam tộc, phải chạy nạn, đổi sang họ Đặng (lấy tên hiệu của mình), nhưng vẫn giữ chữ Trần, thành Đặng Trần. Từ đó, dòng này tách ra làm 3 nhánh. Mãi tới đời sau, một nhánh mới dạt về vùng Thường Tín, Phú Xuyên, Hà Tây sinh sống rồi dần phất lên, theo Lê Trịnh đánh Mạc, lập được nhiều chiến công, được phong quan thưởng chức. Sau đó mới dời về vùng Lương Xá, Lam Điền, Chương Mỹ ngày nay. Một nhánh về vùng Phù Đổng, Phù Dực, Bắc Ninh nay là Gia Lâm, Hà Nội lập nghiệp. Tới thế kỷ 17 - 18, nổi danh với cụ trạng nguyên Đặng Công Chất. Cụ cũng là người hưng công và cho tu sửa lại đền Gióng, chùa Kiến Sơ, dựng thủy đình múa rối nước và cho mở hội lớn. Một nhánh nữa thì về làng Thượng Yên Quyết (làng Cót), Cầu Giấy, Hà Nội cũng nhiều người đỗ đạt vinh hiển. Bà cụ chủ nhà trọ cũ của tôi vốn người làng Cót kể: vào dịp tháng Chạp, các quan họ Đặng ở nhiều nơi kéo về làng tôi ăn giỗ to lắm, có cả những quan nói giọng Nghệ nghe lạ lắm.
    Từ đó, họ Đặng Trần đời nối đời làm quan, tướng của triều đình Lê Trịnh, thông gia với nhiều đời chúa Trinh, vinh hiển trong hàng trăm năm. Dân gian vùng Chương Mỹ có câu ca: "Làm quan họ Đặng, đánh giặc họ Đinh", "Bao giờ núi Chúc hết cây - sông Ninh (Đáy) hết nước, Đặng này hết quan". Tới thời Tây Sơn - Gia Long, một số người trong họ đi theo Tây Sơn, làm tới chức quan lớn như đô đốc Đặng Tiến Đông (Đặng Đình Đông); một số người vào Nam theo Nguyễn Ánh, trở thành khai quốc công thần như cụ Đặng Trần Thường (Đặng Đình Thường).
    Hình như họ mình hiện tại là nhánh của cụ Đặng Trần Thường - một trong những khai quốc công thần của Gia Long Nguyễn Ánh, sau bị khép vào tội phản nghịch, chịu án tru di tam tộc (?), nên phải chạy về làng An Phú (tên nôm na cha mách qué là làng Đó) - vùng khỉ ho cò gáy của Thái Bình, cải sang họ Phạm (Nam Phạm - vì ngồi ở giáp Nam đình làng). Đấy là hình như, vì tra trong tộc phạ họ Đặng thì cũng chưa khớp. Chiều thu, nắng thảm vàng trên làng quê dày đặc di tích lịch sử văn hóa. Cạnh đường đê, ở xã bên là đền thờ Tiên ông quốc lão Đặng Đình Tướng, vốn là ông ngoại, đồng thời cũng là bậc đại thần của chúa Trịnh. Ngôi đền nhỏ, đơn sơ, mới được trùng tu kiểu vá víu. Trước sân là sập đá, hươu đá - tương truyền do chúa Trịnh biếu ông ngoại mình.
    Hỏi mãi không biết nhà ông trưởng họ, nên đi lăng quăng tới con đê cuối làng thì trời đổ mưa, chạy vội vào hiên chùa cổ trú chân. Chùa đang được trùng tu, cũng chẳng ăn nhập gì với cảnh cũ người xưa, nhưng còn giữ lại được một số nếp duyên dáng nguyên sơ. Tiếc là hồi đó không có máy ảnh, chứ không thì đã tách tách. Cơn thu khá dai dẳng khiến mình ngọ nguậy một hồi, phát hiện ra ngôi chùa này do chính Tiên ông quốc lão dựng lên khi về hưu trí tại quê nhà. Sau khi ông mất, dân làng tạc tượng ông, thờ trong chùa. Mưa lại hóa hay cho cơn giãy nảy tìm về nguồn cội. Ngớt mưa, bà vãi xung phong dẫn tới nhà ông trưởng họ vùng Lam Điền. Xông vào nhà, giới thiệu thế này thế kia, kẻo bị co là điên. Chưa tới 50 tuổi, nhưng là nông dân, trông ông hom hem trong căn nhà có phần loang lổ. Biếu ông ít tiền gọi là cúng giố tổ, nói mãi ông mới nhận, đưa cho cuốn gia phả dòng họ photo, rồi dẫn ra đình làng - vốn do các cụ trong họ làm quan lớn triều đình dựng lên, vào đền thờ thắp hương cho tiên tổ. Từ đường kiến trúc hình chữ Nhị, mỗi dãy có 7 gian, làm hoàn toàn bằng gỗ lim, khá đồ sộ, vốn do chúa Trịnh dựng lên vào thế kỷ 18 để cúng tiến cho họ ngoại. Hiện nay, đã được Bộ VHTT (cũ) công nhận là di tích lịch sử và hồi mình vừa tới mới đố mấy tỷ đồng trùng tu. Lúc về, hứa rối hứa rít với ông trưởng họ là sẽ về quê, nói các cụ sớm lên nhận họ. Gần đây, cũng có dòng họ ở Vũ Thư, Thái Bình lên nhận họ. Dù tìm trong gia phả không thấy, nhưng nhánh đó còn giữ được một đồng xu truyền gia khắc chữ Đặng Trần, nên vẫn tìm ra. Tình cờ quen, rồi thân với thằng bạn quê ở Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên, về nhà nó chơi, tình cờ nghe mẹ nó kể về dòng họ ngoại. Năm 1972, sông Hồng lũ dữ, các làng ngoài đê phải triệt hạ, chuyển toàn bộ vào lập làng mới trong đê, có một ông lái máy ủi họ Đặng Trần, tình cờ hỏi trong làng có ai họ Đặng Trần thì nhận họ. Họ mẹ thằng bạn là Đặng Trần cũng bị thất lạc hàng trăm năm nay, thế là từ đó sợi khói đại bác được chắp nối lại qua việc hàng năm nhánh Đặng Trần ở Mễ Sở vẫn đi góp giỗ tổ ở Lam Điền.
    3. Đã photo tài liệu chuyển cho những nơi cần chuyển, đã nói với những nơi cần nói trong họ. Bởi mình chỉ là hàng con, hàng cháu, hàng chắt, hàng chút. Có khi về quê, gặp một cu trẻ chạy lon ton, cũng "mày phải gọi nó là ông hay cụ đó" (dù trong họ, trong làng tôi không quá nặng nề về chuyện này). Thấy mấy cụ già già bảo: hồi trước chúng tớ còn bé, vẫn nghe các cụ kể, thời Pháp thuộc, cũng hay đi góp giỗ ở vùng Phú Xuyên, Thường Tín, Hà Tây gì đó, lâu rồi không nhớ. Hồi gặp làm việc với chú Lương Nguyên (Đặng Tuấn Nhuệ), của Ban yêu nhạc, VOV, chú bảo: họ gốc Đặng Trần à, tớ cũng Đặng Trần đây. Đặng Thái Sơn với tớ là con chú, chú bác đấy. Nhưng thôi, cháu chẳng dám thấy người sang bắt quàng làm (lại) họ...
    Mười năm nay, không đi việc họ. Những cụ già biết đôi chút đã mấy đi. Những cụ chưa già, lại không rõ. "Với lại, không có gia phả để đối chiếu cũng khó lắm". Nói thế thì mình chịu rồi. Hỏi bố, dạo này việc họ có gì vui không; bố bảo, vẫn thế. Vẫn mổ lợn, tảo mộ, đánh chén và cãi nhau...Vẫn chưa có nổi một quỹ khuyến học, hay quỹ học bổng để khen thưởng cho cháu con khi đỗ đạt. Vừa rồi về quê, nghe nói có thằng bé họ khác vừa thi đỗ đại học, nhưng có nguy cơ phải bỏ, vì mẹ nó (bố đã mất) không biết đào đâu ra mỗi tháng vài trăm nghìn để theo học, đang gạ bán lại ruộng. Làng với hơn 4000 nhân khẩu, chiểm một nửa dân số toàn xã (5 thôn khác gộp lại) cũng thế. Việc ai nhà nấy lo, cơm ai nhà nấy ăn, giàu sang, đỗ đạt ai nhà ấy hưởng. Hay than nghèo. Nhưng nghèo là so với tiền tỷ, chục tỷ, chứ trăm nghìn, tiền triệu thì không phải là không có. Vẫn như thuở còn chục chặc chục chặc...Nghèo đến mức chỉ biết mổ lợn, tảo mộ, đánh chén và cãi nhau?
    4. Năm xưa, tôi xem bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu của chị em đạo diễn Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa. Xem đi xem lại mấy lần. Mưa rơi và thấm vào mình từ lúc nào, từ câu chuyện, góc máy, âm nhạc (nhất là làn điệu chèo: Trấn thủ lưu đồn, Tò vò - chưa bao giờ thấy hay, mê đến vậy) và nhất là không gian đặc trưng của đồng bằng miền Bắc cách đây mấy trăm năm như ngưng đọng trong kẽ thời gian. Trong lần đầu gặp đạo diễn, phỏng vấn, khi tôi hỏi về hành trình tìm nguồn cội trong phim, đạo diễn cũng say sưa. Dường như, trong hàng chục, hàng trăm bài báo viết về phim, toàn khen về đấu tranh cho nữ quyền này khác, nhưng chưa ai chạm vào điều đó. Điều mà, đạo diễn nói rằng: có một người bạn sống ở trời Tây hàng chục năm, lần đầu tiên về Việt Nam, khi nhìn thấy mái ngói rêu phong của ngôi chùa cổ, họ đã rưng rưng. Hai chị em đạo diễn là người Việt ở nước ngoài - mà chúng ta hay gọi là Việt kiều. Người ở Đức, kẻ ở Mỹ. 20 - 30 năm, ăn bơ, uống sữa mà vẫn không dứt được mùi quê hương. Đọc thêm cuốn Và khi tro bụi cũng của chị Đoàn Minh Phượng, tôi hiểu thêm tại sao mình yêu mùi khen khét khói bếp, mùi ngai ngái của đường đất rơm rạ ngả ải trong một buổi sương mai se lạnh. Đơn giản vì chúng từng và đang thuộc về tôi...Sẽ khó yêu được những gì quá xa lạ...
    Giới trẻ, nhất là các bạn trẻ Việt Nam có cơ hội hoặc được ra nước ngoài du học, sinh sống thường nói rằng: người ta đang hướng tới con người toàn cầu, chứ không phải con người quốc gia hay tủn mủn là một làng quê, ngõ phố. Tôi chưa ra nước ngoài nhiều, chưa có điều kiện sinh sống, làm việc, tiếp xúc với nhiều sắc dân, va đập với nhiều nền văn hóa khác nhau, nên chưa biết.
    Chỉ biết rằng, nếu mình từng có một cội rễ dù tốt đẹp hay chưa hoàn thiện, dù muốn quên, muốn chối bỏ thì thật khó khăn, nhất là khi cảm nhận nó gần gũi tới mức nào.
    Beijing mưa sớm 27/ 10/2007
    [​IMG]
    Tam quan nội chùa Keo (ảnh Internet)
    [​IMG]
    Nhà bia liệt sĩ xã Quỳnh Hải
    [​IMG]
    [​IMG]
    Tượng La Hán chùa Mía, Sơn Tây, Hà Tây
    [​IMG]
    bên nghè Son, Lạng Giang, Bắc Giang
    [​IMG]
    chùa Thanh Quang, làng An Phú
  8. rapchieubongthienduong

    rapchieubongthienduong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/12/2004
    Bài viết:
    599
    Đã được thích:
    0
    Cô giáo, cái thước gỗ, cái đầu và máu đỏ
    Người bạn đồng hành thuở nhỏ
    Hồi nhỏ, thầy cô giáo với áo trắng, quần đen, xe đạp tồng tộc, túi giả da, nhất là chiếc thước gỗ to vừa to, vừa dài hằn vào trí óc non nớt. Khi còn học mẫu giáo gần lớp vỡ lòng, sáng sáng, chiều chiều, tôi hay được nghe âm thanh quen thuộc. Ấy là tiếng đập thước chan chát nhịp vần vào mặt bảng khi cô giảng bài "ô mờ ôm, chờ ôm chôm, quả chôm chôm, cái ấm nhôm". Vào lớp vỡ lòng, tôi được làm quen với người bạn đồng hành ấy. To bằng mấy đầu ngón tay người lớn, dài 50 - 60 cm. Không rõ làm bằng gỗ gì, nhưng rắn chắc, đen đen, có thể là lim hay nghiến. Mỗi năm học mới, chuẩn bị lên lớp, câu chuyện được bàn tán nhiều nhất giữa bọn học sinh thò lò mũi xanh là học lớp cô nào, cô ấy hiền hay dữ, có thước hay không có thước. Thậm chí, mấy đứa bạn còn mếu máo nhờ bố mẹ xin chuyển sang lớp cô giáo hiền. Tôi cũng từng có ý định ấy khi bị xếp vào lớp của cô giáo có chiếc thước gỗ to. Chúng tôi có nhiều bạn thân thuở ấy như: xách tai dập binh binh vào tường, tát bôm bốp, ném phấn, nhưng thân nhất là chiếc thước. Thước là vật bất khả xâm phạm. Thước bất ly thân của các bậc thầy cô dạy tiểu học và cũng là "bạn đồng hành" với mỗi chúng tôi trong mỗi buổi học. Mải chơi, vào lớp muộn, thước vào mông; mải nói chuyện; thước vào cánh tay, bàn tay, ngón tay; viết xấu, đọc sai; thước vào đầu...Nói chung là đủ. Bạn bè đều hỏi, có đau không, người được va chạm với thước đều nói: không đau. Thậm chí, hồi đó, bọn tôi còn hả hê khi bạn nào bị thầy cô tặng cho vài đòn, vài chưởng. Không rõ, trong nghiệp vụ sư phạm, các thầy cô có được học phần "trừng trị" học trò hay không mà biểu diễn nhuyễn vậy? Phải chăng truyền thống của người Việt "thương cho roi cho vọt" nên cũng khiến các thầy đồ dùng roi mây dạy học trò? Cũng chẳng phải ngẫu nhiên và dửng dưng khi người Việt gọi nghề giáo là nghề "gõ đầu trẻ". Tôi không rõ ai là người có công lớn với ngành giáo dục khi sáng tạo một người bạn thân thiết đến vậy với lũ ranh con nứt mắt? Người bạn ấy thân đến nỗi chúng tôi hay xì xèo khi cô giáo có thước mới. Mới, sạch sẽ hơn, to hơn và dài hơn, dĩ nhiên.
    Thuở học cấp 1, hình như tôi chỉ va chạm với bạn thân ấy vài lần: một lần mải chơi không vào lớp đúng giờ bị cô giáo quật vào mông, một lần bắt nạt bạn gái ngồi bên (con cô hiệu phó, hehe) nên bị cô giáo bắt đưa tay lên bàn, nhưng lẩn, nên bị cô giáo quật cho vài quật; nhưng ấn tượng nhất là hồi học lớp vỡ lòng. Vốn học khá, lại ít chơi bời quấy phá (trừ nghịch ngầm), nên tôi được cô giáo vốn là người làng, gần nhà, rất quý. Ấy vậy mà buổi học hôm đó, hình như có bạn nào ngồi đằng sau hỏi, tôi quay sang nói chuyện, có lẽ cô giáo nhắc không nghe thấy, nên cô xuống tặng cho cái thước. Tôi ngồi yên và tiếp tục học bài. Chợt thấy mấy bạn thân ngồi bên cạnh nhìn tôi lạ lắm, rồi xì xào chảy máu kìa, chảy máu rồi; tôi mới đưa tay sờ đầu, thì thấy âm ấm, rồi rịn rịn máu. Cô giáo vội xuống bảo, đừng gãi nữa, không sao đâu. Tôi vẫn đầu, tiếp tục học và cô vẫn tiếp tục giảng bài. Về nhà, đến khi mẹ tắm giặt, gội đầu, mới hỏi, tôi mới dám nói. Mẹ chỉ phàn nàn, chắc mải chơi không nghe lời nên mới bị cô giáo đánh; nhưng bà nội tôi gần 70 tuổi đầu (sau khi nghe chị con nhà bác, học cùng lớp kể lại) đã ra gặp cô giáo làm rõ chuyện. Cô giáo bảo: do em ấy gãi vào mụn nên chảy máu. Bà tôi cũng không vừa: lần sau, cháu tôi có chuyện gì, tôi sẽ đến nói chuyện với bố mẹ cô. Từ ấy, cô giáo có vẻ dè chừng tôi. Nhưng kết quả học tập, hạnh kiểm của tôi thì vẫn tốt đẹp. Sau này, học lên lớp trên, mỗi khi gặp cô, tôi đều chào hỏi, song hình như cô lại ngài ngại.
    "Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo. Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền"
    Một cô bạn blog nhắn tin: sao blog của anh hay bêu nhiều chuyện xấu của Việt Nam thế, nhất là hình ảnh các bậc thầy cô.
    Cũng không hiểu sao, gần đây, tôi ác cảm đến vậy với thầy cô giáo? Chẳng phải là do ác cảm với giáo viên từ nhỏ. Gặp bạn bè là giáo viên, toàn nói kháy, bêu xấu ngành giáo dục. Đọc báo, đập vào mắt những việc ném thước kẻ vào mặt học sinh, tát học sinh hằn đầu ngón tay, cho học sinh tát hội đồng học sinh khác, bắt học sinh liếm ghép, dọa học sinh tới mức tâm thần, giao học sinh cho quân đội tra tấn; dọa ném trẻ em vào máy giặt, dán băng keo vào mồm để trẻ khỏi quấy khóc; giở trò quỷ râu xanh nhiều lần với nhiều học sinh nhỏ tuổi...là sôi máu. Dễ chừng có thằng thầy con cô nó ở đây là cho ăn đủ liền.
    Nhưng suy cho cùng, cái ác, sự vô nhân tính của một thầy cô giáo sẽ không trở thành hệ thống nếu nó không được tiếp tay bằng những kiểu "không nghe, không biết, không thấy", "chúng tôi đã", "sau vụ (chết tươi người này), chúng tôi xin kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc" hoặc "mỗi học sinh chết là một bài học cho chúng tôi" của lũ sống bằng tiền túi dân.
    * Ảnh: Phạm Quỳnh Anh, người áo đen bên trái - được gọi là cô giáo, trường tiểu học Trưng Vương (Hà Nội) nổi danh với "thành tích" tát vào má học sinh Phương Thảo 9 tuổi, từ 10 h sáng tới 7 h tối vẫn hằn những đầu ngón tay.
    (Theo Tiến Dũng )
    http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2007/11/3B9FCD21/
    [​IMG]
  9. linhet5

    linhet5 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/04/2004
    Bài viết:
    109
    Đã được thích:
    0
    Nhà thờ chính toà Thái Bình :
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    Được linhet5 sửa chữa / chuyển vào 20:26 ngày 04/12/2007
  10. rapchieubongthienduong

    rapchieubongthienduong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/12/2004
    Bài viết:
    599
    Đã được thích:
    0
    Canh cá Quỳnh Côi
    Bài: Phạm Bắc Cường (đăng trên báo Đại đoàn kết 2000)
    Ảnh: Đặng Lam Điền (chụp ở quán Nghĩa, đối điện đền thờ thị trấn và hiệu thuốc Quỳnh Côi, tháng 12/ 2006)
    Có thể du khách sẽ chóng quên Quỳnh Côi ?" thị trấn nghèo nàn, nhỏ bé (huyện lỵ huyện Quỳnh Phụ - tỉnh Thái Bình), nhưng không dễ quên món canh cá Quỳnh Côi, dù chỉ một lần từng thưởng thức.
    Nằm trong vùng đồng bằng chiêm trũng, dân nơi đây đã chế biến nhiều món ăn từ hải sản như: rang, rán, hấp, nấu canh?Không biết canh cá Quỳnh Côi ra đời tự bao giờ. Chỉ biết rằng thời ông bà tôi xưa đã có canh cá. Hồi ấy, mỗi khi rủ nhau đi chợ huyện, người ta luôn mời nhau bát canh cá. Những đứa trẻ nông thôn chúng tôi ngày ấy mỗi khi được dẫn đi chợ phiên, chợ Tết hoặc đi thi học sinh giỏi đều được bố mẹ thưởng cho bát canh.
    Trước kia, người ta làm canh cá kỹ lắm. Cá nấu canh phải là cá quả đen bóng, lẳn từng thớ thịt. Cá được làm sạch vẩy, chặt đầu, bỏ ruột rồi luộc chin vừa. Vớt ra, lóc thịt, xương thì giã nát, hầm kỹ với nước dùng. Thịt cá được xắt nhỏ, rán giòn, vàng và hơi sém một chút mới ngon. Thoạt nhìn đã tứa nước miếng. Nay cá quả vừa ít, vừa đắt, nên phần lớn các quán đều chuyển sang dùng cá trắm cỏ. Trắm cỏ dù béo, nhưng chất thịt vẫn không đậm, không ngon bằng cá quả. Nhiều nhà còn cho thêm mấy miếng chả cá vuông, tròn, mỏng mảnh vàng ươm cho bát canh đượm màu thành thị. Người bán hàng thoăn thoắt chần bánh đa sợi, mỏng, qua nước nóng rồi chiên với nước dùng vào bát tô, trên rắc lấm tấm hành hoa, rau hung dũi, mùi tàu?đặc biệt là không được quên thìa là. Còn gì hấp dẫn bằng buổi sang mùa đông lành lạnh, gió Bấc se se mà được thưởng thức bát canh cá nóng, nhấm nháp sợi bánh đa giòn giòn, miếng cá rán vàng ươm, thơm lựng, húp hớp nước dùng ninh xương cá ngọt lịm.
    Trước đây, thị trấn Quỳnh Côi có nhiều quán canh cá, nhưng nay thưa hơn vì người ta chuyển sang làm phở, bún, miến cho đỡ mất công và lãi cũng cao hơn. Nhưng nếu về Quỳnh Côi, cứ ghé những quán như: Hải. Nghĩa?thì vẫn còn được thưởng thức hương vị xưa.
    [​IMG]

Chia sẻ trang này