1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ảo ảnh - Nguyễn Hoài Linh

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Milou, 17/07/2001.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Ảo ảnh - Nguyễn Hoài Linh

    Ảo ảnh
    Nguyễn Hoài Linh

    Sau gần hai chục năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, tôi tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp. Hồi nhỏ, tôi học hành trầy trật lắm. Ngoi ngóp mãi mới lên được trung học. Bị bệnh, tôi phải nghỉ học mất hai năm. Nhưng càng học lên tôi càng sáng dạ, bây giờ thì đã tốt nghiệp bằng đỏ đàng hoàng. Tôi về nhà, nghỉ xả hơi được ba tháng thì cô bạn gái lên chơi. Nói xa nói gần một lúc, cô bảo: "Anh về quê em đi, chúng ta cùng thử nghiệm trồng giống ngô lai trên đất đồi xem sao. ở quê em, đồi bạt ngàn. Dân trồng khoai mỳ, năng suất thấp lắm". Tôi bàn với ông cậu. Cậu tôi nghe chuyện, gạt phăng. Ông đùng đùng nổi giận: "Không có một kỹ sư tài ba như anh, chúng tôi cũng đã ớn ăn bắp từ lâu rồi. Hãy cố mà quên cái bằng cử nhân của anh đi. Hẹn anh một năm, gắng mà kiếm cho được cái bằng C tiếng Anh, sau đó bàn tiếp". Mẹ tôi lo lắng: "Phải tìm cho nó một việc gì anh à, chơi mãi hư thân". Cậu tôi gãi tai: "Hơi khó đấy, để tính xem".

    Ngoài xã hội, cậu tôi oai vệ, có uy lắm, trái ý một tí là ông hét ra lửa. Không hiểu sao với mẹ tôi ông lại nhũn nhặn như vậy. Mẹ tôi thua ông cả chục tuổi, ít lời và có tiếng là nhu mì. Ba tôi mất sớm, cả đời bà chỉ biết kiếm tiền nuôi con, còn những việc quốc gia đại sự thì đều giao phó cho cậu tôi gánh vác cả.

    Một tháng sau, tôi đến nhận việc ở thư viện thành phố. Phụ trách thư viện là một phụ nữ đẫy đà, lắm lời. "Cậu đến, thư viện tách ra một phòng mới". Tôi hỏi vì sao, bà nói: "Trên bảo tôi nhận thêm người. Tôi bảo nhận thêm để ngồi mà ngó nhau à. Chừng này người đã dư rồi. Trên lại hỏi: có cách nào nhận người được không. Tôi bảo: phải mở thêm một phòng, phòng ngoại văn chẳng hạn". Tôi an ủi bà: "Vậy uy quyền của chị lớn thêm một chút". Bà hơi xìu mặt: "Đó là cái nạn chứ vinh dự gì đâu". Sau này tôi mới biết là bà sống độc thân. Suốt đời con gái làm văn thư ở cứ. Hòa bình về thì đã quá thì...

    Phòng ngoại văn ở tầng ba, gồm một phòng đọc và hai kho sách. Những kệ sách lớn, cao quá đầu người đứng im lìm quanh năm. Trí tuệ của các vĩ nhân đông tây kim cổ nhẫn nhục hứng chịu trận mưa vô hình của thời gian và bụi. Khi tôi đến tiếp quản, đã bắt đầu nghe thi thoảng vài tiếng mối ken két đâu đó.

    Gần một tuần trôi qua vắng vẻ, an nhàn, buổi chiều cuối tuần, tôi mới được đón vị độc giả đầu tiên của mình. Đó là một cô gái mang chiếc cặp da đen, đội chiếc mũ vải rộng vành. Em đỏ bừng mặt, thở hổn hển: "Em đếm được 37 bậc từ tầng một lên đây". "Em là người thứ hai biết được bí mật này". Em gạt mồ hôi trên trán bằng chiếc mũ vải: "Anh là người thứ nhất chắc?". "Không, đó là vị kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà này".

    Tôi muốn nói một câu gì đó chúc mừng vị độc giả đầu tiên của mình. Lời chúc mừng cũng như lời nhận lỗi, ít khi được người ta hào phóng nói ra.

    Em mượn cuốn "Bài tập về sức bền vật liệu", một cuốn sách dày cộp bằng tiếng Nga. Khệ nệ bê cuốn sách đến cuối phòng, em ngồi hý hoáy ghi ghi chép chép.

    Thẻ độc giả cho tôi biết một lý lịch trích ngang của em. Tên: Ngọc Lan, học ở trường Sư phạm, khoa vật lý. Các vị trưởng lão trong ngành này đều nghiêm nghị với vầng trán rộng, ngang dọc những vết nhăn như bị cày xới lên bởi những tư tưởng siêu quần. Còn em, một đồ đệ mẫn cán của họ lại có cái tên một loài hoa, có gương mặt thanh tú, vầng trán trắng mịn và cái nhìn thì bình yên quá đỗi.

    Từ bữa đó, em vẫn thường đến thư viện học bài và làm bài. Phòng ngoại văn của tôi bắt đầu có thêm độc giả mới. Đó là mấy ông cụ sáng sáng vẫn ghé lại đọc mấy tờ báo và tạp chí tiếng Pháp sau buổi tập dưỡng sinh ở các câu lạc bộ về. Cung cách đọc báo của những độc giả này quá khác nhau. Có vị đưa tờ báo ra xa hết cỡ, đọc mà như đang ngắm. Có cụ chúi sát vào trang báo như đang tìm điều gì bí ẩn đằng sau từng con chữ. Có vị mới đọc được hai dòng là mắt bắt đầu lim dim...

    Chỉ riêng độc giả của tôi là cặm cụi với những bài tập trong cuốn sách dày cộp. Thỉnh thoảng em ngước mắt, đăm chiêu nhìn ra cửa sổ. Cửa sổ phía em trông ra những mái ngói lô xô gối đầu lên nhau. Những mái phố chìm trong giấc ngủ lười biếng, bình thản. Trên trang viết của em, tôi thoáng nhìn thấy những dấu tích phân như những cái móc nhỏ xinh xắn...

    Thỉnh thoảng chúng tôi có một vài cuộc trò chuyện ngắn. Không như mọi độc giả, lúc nghỉ giải lao thường ra đứng ở hiên trước nhìn những tán cây rậm rạp lòa xòa, em thường ra hiên sau vốn hẹp và chẳng có gì để nhìn. Em giải thích:

    - Em thích nhìn những mái phố. ở đây vẫn còn những mái nhà lợp thứ ngói âm dương cổ đầy rêu. Đằng kia thấp thoáng nét cong của chùa Nghĩa Phương...

    - Cũng là một trường phái của sự hoài cổ.

    - Đường nét, hình khối của những mái phố thật đa dạng. ở đó có những ô cửa sổ. Thấp thoáng đằng sau đó là những con người với những số phận khác nhau.

    - Anh thích nhìn cây lá hơn, đầu óc được thư giãn.

    - Cây trái là cái thiện của cuộc sống. Nếu cứ nhìn ngắm mãi vào cái thiện, người ta dễ bị thiên lệch.

    Tôi đỏ bừng mặt. Không dưng lại lãnh được bài giảng về triết lý sống từ cô bé xa lạ này. Em chỉ tay ra vườn nói:

    - Những tán cây rậm rạp kia đã che đi cái chói trang của phố xá. Nó chắn đi cái bụi bặm, lọc bớt những tiếng động gắt gỏng. Anh luôn nhìn thấy những đôi mắt ngơ ngác của lũ chim sâu.

    - Em đang dối tôi...

    - Em có gì phải dối? Em ngước đôi mắt chim sâu nhìn tôi ngạc nhiên.

    - Chắc chắn em từng ngắm nhìn vườn cây rất nhiều. Không chừng phòng em là một căn gác nhỏ giữa vườn cây.

    Em bật cười khúc khích, trở lại bàn, cắm cúi với lũ dấu tích phân loằng ngoằng như những cái móc xinh xắn.

    Thường buổi sáng em đến trường, trưa về ký túc xá ăn cơm, chiều ghé qua chỗ tôi học bài đến tối mới về nhà. Nhà em ở ngoại thành, trong một khu lao động chuyên làm nghề dệt chiếu.

    Tôi hỏi sau khi tốt nghiệp em sẽ về đâu dạy. Em nói em sẽ về một vùng quê. "Có bao giờ em nghĩ rằng mình sẽ không đi dạy không?". Em hỏi lại: "Anh thấy em không có dáng làm cô giáo à?". Ngoảnh mặt nhìn cửa sổ em nói nhỏ: "Làm cô giáo thích lắm chứ, nhưng chắc vất vả lắm. Vất vả thì không sợ". "Thế điều gì làm em sợ?". Em không trả lời. Tôi có cảm giác em hơi đỏ mặt.

    *

    * *

    Em bảo đứng ở hiên trước sẽ nhìn thấy cái thiện của cuộc sống. Lúc đó tôi tin lời em. Có lẽ vì vậy mà tôi gặp nạn chăng

    Tôi nhìn thấy em đến thư viện. Không phải bằng chiếc xe đạp mi ni đỏ thường ngày. Em ngồi sau xe của ai đó chở em. Khi xe đỗ trước cửa thư viện tôi nhìn rõ ông tài của em. Đó là ông Hoàng, cán bộ tổ chức của ngân hàng thành phố.

    Em tươi tỉnh đi vào. Tôi hờ hững trao cho em cuốn giáo trình dày cộp. Cuốn sách này tôi để riêng một chỗ ngay dưới bàn làm việc của mình.

    Gần cuối buổi, tôi làm như vô tình hỏi:

    - Em quen với ông Hoàng à?

    Em thoáng bối rối.

    - Xe em bị hư, phải đi quá giang...

    Một lát em hỏi:

    - Anh biết ông Hoàng? Ông ấy vừa ra một tập thơ, có mấy tờ báo đưa vào mục điểm sách...

    Tai tôi muốn ù lên. Những đệ tử của cậu tôi đã giới thiệu tập thơ của thi sĩ Hoàng trong một cuộc nhậu ở nhà cậu. Họ gọi đó là tập thơ của một con dê đực có nhiều tiền. Tôi luống cuống trước cái nhìn của em.

    Tôi biết nói sao! Tiềm lực kinh tế của ông Hoàng đủ sức xuất bản cả chục tập thơ hạng sang. Chỉ cần một cuộc nhậu, qua vài ly khai vị, những đệ tử của ông Hoàng sẽ tôn ông lên làm nhà thơ. Được dăm vòng trăm phần trăm thì tầm vóc của nhà thơ có phần lấn át Xuân Diệu. Và khi lảo đảo rời bàn nhậu thì người ta cả quyết rằng trong tuyển tập thơ tình thế giới sắp được xuất bản ở Paris sẽ có thêm một gương mặt mới...

    Tôi biết nói sao! Tôi nghẹn giọng, ngu ngơ như một gã câm.

    Sau bữa đó, những câu chuyện chúng tôi thưa dần. Em vùi đầu ôn thi ra trường.

    Tôi thì phải tiếp nhận một đợt sách mới. Phải cắm cổ vào sổ, lên phích, phân loại...

    *

    * *

    Tháng chín, những cơn mưa dịu dàng đến rồi đi. Bầu trời xám bạc, không khí trong suốt nhẹ nhõm. Tôi vẫn ngày hai buổi đều đặn lên ngồi ở phòng ngoại văn. Tôi chưa một lần thử đếm số bậc ở hai dãy cầu thang. Không biết số liệu em cung cấp có đáng tin cậy không. Những bậc cầu thang làm bằng thứ gỗ mun đen bóng, chạm khắc cầu kỳ. Hàng ngày tôi lại ngồi ngắm các vị độc giả cao niên của mình.

    Sau ngày em thi tốt nghiệp, tôi lặng lẽ đem cuốn giáo trình dày cộp trả lại chỗ cũ. Tôi đứng tần ngần mấy phút. Sẽ còn bao lâu nữa, một ai đó lại cần đến quyển sách này.

    Chiều nay trời lại mưa. Tôi ra sau hiên đứng nhìn màn nước mù mịt giăng trên những mái phố rêu phong. Thư viện vắng vẻ, tôi đóng cửa về sớm hơn thường lệ, khoác áo mưa, tôi đạp xe vơ vẩn trên đường phố. Tôi lại nghĩ về em. Bây giờ em đã là một cô giáo. Em có về một vùng quê nào đó như em đã từng mơ ước không?

    Bất chợt tôi nhìn thấy em bên kia đường. Hình như em vừa bước ra từ nhà hàng REX. Chiếc xe vụt qua như ảo ảnh. Có phải là em không? Em vừa lướt qua tôi, không phải trên chiếc mi ni đỏ ngày nào mà là chiếc Dream đời mới nhất.

    Một ý nghĩ hiện ra trong đầu tôi nhanh như hằn chớp. Tôi quay xe, gò lưng hộc tốc đạp thẳng đến thư viện.

    Luống cuống mở cuốn danh bạ điện thoại, tôi dò tìm số máy mà tôi hoàn toàn không cần nghĩ có ngày mình sẽ cần đến.

    Tôi nóng nảy hét vào ống nói bằng một giọng lạ lẫm ngay cả với chính mình.

    A lô, có phải ngân hàng thành phố đây không ạ? Vâng, cho tôi gặp chị Ngọc Lan, nghe nói mới về đây công tác.

    - Có phải Ngọc Lan vừa tốt nghiệp trường sư phạm?

    - Vâng, khoa vật lý...

    - Xin anh chờ cho một chút... Ngọc Lan ơi, có người tìm...

    Tay tôi run bắn lên. Tiếng em nhẹ nhàng, tôi nghe rõ cả hơi thở của em:

    - A lô, Ngọc Lan đây... Xin lỗi ai ở đầu dây...

    Tôi buông máy, ôm mặt, ngồi im.

    (Báo Người Hà Nội)

    Được Milou sửa chữa / chuyển vào 05:30 ngày 20/06/2003

Chia sẻ trang này