1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Bà Đầm Dậy Sóng

Chủ đề trong 'Văn học' bởi vungocnha, 28/07/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vungocnha

    vungocnha Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/07/2007
    Bài viết:
    1
    Đã được thích:
    0
    Bà Đầm Dậy Sóng

    Bà Đầm Dậy Sóng​
    Đời có câu:" Bĩ cực thới lai" đúng hay sai không ai khẳng định được. Riêng tôi chỉ thấy: khổ thì cùng tận mà sướng thì tận cùng.
    Quê tôi nằm cạnh con sông dài bao bọc đồng lúa trĩu nặng quanh năm - là bầu nước ngọt hiền hòa của cả vùng Sài Gòn - Gia Định. Con sông ấy quanh năm êm đềm xuôi chảy nhưng thủy chung nhất mực chỉ một màu - màu đỏ.
    Không hiểu đó là màu của phù sa hay là màu của máu. Bởi nơi đây, một chiến khu D oai hùng minh chứng cho biết bao thế hệ đã nối tiếp ra đi. Máu của họ đã đổ xuống nhuộm đỏ cả đồng lúa, dòng sông, con suối... và trong đó có cả máu của người thân tôi gửi lại nơi này.
    Năm 1942, Má tôi (bà Mai Thị Tư) sinh ra và lớn lên trên vùng đất ấy trong một gia đình mà những người theo cách mạng xưa gọi là "Tiểu Tư Sản". Ông thân sinh ra bà (Ông Mai Văn Học) là một người tài, giỏi tiếng Tây, biết cách lèo lái gia đình trong cái bối cảnh nhạt nhòa: sáng Pháp chiều *********.
    Người đời có câu:"Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết". Gia đình Má tôi rơi vào cảnh ấy biết phải làm sao đây? Theo Pháp hay về với ********* đều cầm chắc cái chết.
    Có lẽ vì vậy mà nhà luôn bị đốt cháy, gia tài sự sản ngày càng khánh tận. Rồi cái ngày ấy cũng đến. Ông tôi đã vĩnh viễn ra đi mà không kịp nhìn mặt vợ con lần cuối bỏ mặc vợ dại, con thơ. Cái nhà ấy giờ như con thuyền chòng chành trên sóng, cứ trôi trong vô định. Làng xóm bảo: Ông chết vì bị ********* ghét ông theo Tây, lại cũng có người nói: Tây ghét ông theo ********* nên giết. Thực hư thế nào không ai rỏ. Chỉ có điều khi đưa ông về với vợ con, hai khoé mắt đẫm nước, máu từ miệng cứ tuôn chảy. Hôm ấy, sông Đồng Nai dậy sóng. Có lẽ sông đã khóc. Khóc cho một kiếp người và... những thế hệ sau này của ông.
    Chiến tranh..........chiến tranh là như vậy đó. Nó tàn khốc và lạnh lùng đến ghê người.
    Ít năm sau, gia đình kiệt quệ. Má tôi khi ấy mới học lớp ba trường làng buộc phải nghĩ học. Ngày ngày gánh nước mướn, lượm củi khô đổi gạo, phụ bà tôi buôn bán, gánh thuê mắm lên các ghe, xuồng xuôi ngước khắp Nam kì lục tỉnh.
    Nói đến mắm, có hằng hà sa số loại. Từ mắm cá linh, cá lóc, cá thu, mắm sặc, mắm ruốc, mắm tôm, mắm thái...v...v...đến các loại rau củ muối chung với mắm.
    Có thể nói: đó là thứ đặc sản trời phú của miền sông nước Nam bộ. Đáng kể nhất có dưa mắm.
    Nguyên liệu là những trái dưa leo, dưa chuột vừa lớn đủ được hái xuống rửa sạch để qua nắng, gió chiều, sương đêm. Ướp chung với muối hột tinh chất một tuần, vớt ra d8àn sạch nước muối trong trái dưa, lại ủ vào khạp mắm nguyên chất độ hơn ba tuần là dùng được.
    Khi dùng có thể xắt miếng mỏng ăn với ớt sừng trâu cắt khoanh hoặc trộn xả, ớt, đường, chanh, tỏi. Sang thì thêm thịt ba rọi luộc, rau râm hoặc chiên ăn chung với rau sống, khế chua, đu đủ.
    Những hình thức cầu kì ấy sau này mới phổ biến ở Sài Thành còn thôn quê tôi ngày xưa, sáng dậy lú 3-4 giờ khi trời còn tối mịt, vơ vội chén cơm nguội lạnh đêm qua, cắn miếng dưa mắm mặn đến đắng rơi nước mắt. Uống vội gáo nước mưa rồi tất tả gánh nước xuống con đường mòn hằng ngày vẫn gánh nước thuê.
    Người làng thường khen:"con bé Tư ấy giỏi quá"
    Tuổi thơ của Má tôi trôi qua như vậy đó. Thèm một cái bánh gạo chỉ một xu thôi, một cái áo lành nhưng đã cũ cũng không bao giờ có.
    Mỗi lần ngang qua trường học, bà chỉ biết cúi đầu, lầm lũi bước đi không dám ngoái nhìn. Bà sơ.............sợ cái vẫy tay của bạn bè, sợ tiếng nói trìu mến của Thầy-Cô, sợ những giọt nước mắt khóc thầm của người mẹ.
    Vài năm sau nữa, người chị Hai của Má tôi lấy chồng, xuống Sài Thành tìm kế mưu sinh. Khi ấy, Mỹ đã nhảy vào hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương, biến Sài Gòn thành trung tâm kinh tế lớ đầy hoa lệ, đầy cơ hội nhưng cũng đầy những cạm bẫy.
    13 tuổi, trước cảnh nhà khốn khó, mẹ già yếu, em nhỏ dại?má tôi quyết định xa quê xuống Sài Thành làm thuê cho đôi vợ chồng giàu có( Vợ là ?oGiám đốc? trường Gia Long, chồng là Cò mi ở một tòa án) ngay chợ Đuỗi (không hiểu tại sao nó lại có tên như vậy?) trước toà án nhân dân quận 3 ngày nay. Bà Phải làm rất nhiều việc vất vả không kể xiết để nhận những đồng tiền còm cõi gửi về quê nhà cho mẹ già nuôi các em. Thời gian trôi qua, người chị Hai và anh rể đã giúp bà về ở chung nhà thuê (số 93 Võ Duy Nghi), hướng dẫnbà công việc mới đồng thời giúp việc nhà, trông các con cho người chị ruột của mình từ việc tắm rửa, giặt giũ đến thay tã, dọn phân, đúc cơm cháo hằng ngày (Nay các con của người chị hai đều lớn khôn, thành đạt trong xã hội nhưng nào có ai đoái hoài đến công ơn người dì cũ. Có người còn từng giữ chức chủ tịch một quận trung tâm thành phố, nay là chủ tịch hội phụ nữ thành phố). Cũng tứ đó, con đường Võ Duy Nghi ?" Ngô Đức Kế hằng ngày đón chào một cô gái với chiếc bàn vé số nhỏ. Khách hàng ngày càng đông thì mâu thuẫn thường tình của con người cũng nảy nở.
    Người anh rể không vui khi thấy em vợ mình làm ăn được nên tìm mọi cách đuổi ra khỏi nhà trong đó có cả việc vu oan ăn cắp tiền và vé số của ông.
    Bà gạt nước mắt ra đi, tìm đến khu nhà trọ ở một nơi đầy những tay giang hồ cợm cán. Nơi mà chính quyền Nguỵ cũng không dám sờ đến mạnh tay.
    Việc bán vé số cũng nhiêu khê lắm điều. Mỗi tuần mới sổ một lần vào ngày thứ bảy. Sau đổi làm ngày thứ ba. Người bán phải đăng ký với chính quyền mới có giấy phép để mua vé số theo số lượng riêng của mỗi người.(Giống như việc cấp hạn ngạch trong ngành dệt may ngày nay). Tuy có đăng ký nhưng mỗi người chỉ bán số lượng rất hạn chế. Má tôi bên cạnh việc bán hết lượng vé qui định được phát, Bá còn đi lấy thêm của người khác giá 8đ và bánlại giá 13đ. Mỗi tuần bà bán được vài ngàn tờ là chuyện thường. Nhờ thế có được nhiều tiền gửi về quê nha. Ngoại tôi đã thêm phần hãnh diện và mở mày mở mặt với làng nước khi cả vùng chợ Tân Ba- Biên oà ngày ấy duy nhất chỉ có mình bà có TV để coi.
    Má tôi kể: ngày xưa bà làm ăn được là nhờ nhiều người giúp đỡ. Họ giúp hoàn toàn vì cái tâm của mình, không hề vụ lợi. Trong đó có 2 người:
    - Một là người cha xứ. Ông ấy vừa mua vé số vừa cho Má tôi mượn tiền làm vốn không cần biết có trả hay không. Má tôi hỏi: Ông cho con mượn lỡ con không trả thì sao? Ông ấy chỉ cười vẻ tin tưởng.
    - Hai là một người Mỹ làm việc ở toà đại sứ tuần nào cũng mua cả trăm cặp(có tới 700 tờ). Hôm nọ, còn 3 tiếng nữa là sổ nhưng không thấy ông ấy tới, Bà buộc phải bán cho người khác. Khi ông ấy tới mua không còn?thế là giân và la om sòm. Từ đó ngày nào Má tôi cũng phải để giành không dám bán người khác. Má tôi vừa cười vừa kể: tội nghiệp ông ấy, lần đó Ngụy quyền Sài Gòn tổ chức lễ quốc khánh. Người chen đông nghẹt, thế mà ông ấy vẫn cố len lõi đến mua cho bằng được mặc kệ mồ hôi nhễ nhại.
    Nói đến đấy, bà đúc kết lại: cuộc đời má sống bao giờ cũng cái tình là trên hết. Thà là người ta gạt má chứ má không bao giờ gạt người ta. Nhiều khi biết người ta dối mình nhưng vẫn giúp vì hoàn cảnh người ta đáng thương lắm. Hơn nữa, giúp người cũng là để trả ơn những người đã giúp má.
    Có lẽ vì triết lí sống ấy nên Má tôi được nhiều người hỗ trợ trong việc làm ăn một cách chân tình. Do vậy, năm 23 tuổi, bà đã sở hữu tron tay một ngôi nhà khang trang bằng chính mồ hôi nước mắt của mình. Đêm nằm ngủ, bà cảm thấy mình thật hạnh phúc. Trời cao có mắt đã giúp cho bà hoàn thành tâm nguyện. Má tôi quyết định đón bà tôi và các em mình xuống ở chung nhà đồng thời cũng để tiện việc học.
    Ít lâu sau, Má tôi mua một căn nhà khác khang trang hơn, lớn hơn. Đó cũng là căn nhà mà bà đã sống đến những ngày cuối đời.
    Trong các người dì của tôi, dì Út là người ham học nhất. Dì đã học xong và thi đậu bằng Tú Tài xưa trong hoàn cảnh: sáng đi học, trưa về ra chợ bán vé số phụ thêm cho chị đến tối mịt. Cuộc đời của dì có thể nói là dành trọn cho Má con tôi. Dì được xem như người cha thứ hai của chúng tôi vậy. Dì đã hi sinh cả cuôc đời con gái của mình để cùng Má tôi gánh vác chuyện gia đình, nuôi dạy các cháu.
    Rồi ngày định mệnh cũng đến. Lần ấy, Má tôi bị bất vào đồn cảnh sát vì bán vé số lậu. Một người đàn ông đã bảo lãnh cho bà - Ông trần Văn Nho - chức vụ gì trong đồn thì không rỏ. Chỉ biết ông ta có đeo quân hàm như một sỹ quan và làm việc ở bàn giấy. Hàng tuần, ông ta ghé hàng má tôi bằng xe Jeep để trò chuyện có vẻ rất tử tế. Má tôi khi ấy rất đẹp. Tóc dài, da trắng, sóng mũi cao cộng thêm nét ngây thơ của một cô gái tỉnh lẽ đã làm say lòng biết bao người. Có lẽ vì vậy mà lắm gian truân?
    Dù không thích nhưng bà buộc lòng phải cam chịu ông ta. Bởi hắn đe dọa: nếu không đồng ý làm người yêu, ông ta sẽ cho lính bắt hết tất cả chị em về bót thêm vào đó là sự quỷ quyệt của người đàn ông từng trải ở chiến trường cũng như tình trường.
    Đau xót thay! Một kẻ nắm trong tay quyền hành, súng ống cộng thêm sự đào tạo dạn dày của Ngụy quyền độc ác đã dùng chính những công cụ đó không phải để bảo vệ cho an ninh quốc gia như họ đã từng rêu rao mà là để đe dọa, ép buộc một người con gái. Biết làm sao? Biết làm sao đây trước những kẽ không còn nhân tính?
    Khốn nạn hơn, mẹ ông ta đã khăn gói từ Lái Thiêu cùng người nhà mang mâm quả trầu cau xuống hỏi cưới Má tôi cho ông ấy.
    Nên mừng hay nên lo trước việc ấy?
    Chuyện đời mấy ai học được chữ ngờ.
    Sau ngày cưới, Má tôi về làm dâu tại quê chồng - Lái Thiêu. Sự thật phũ phàng đã hiện ra. Ông Trần Văn Nho là một kẽ đốn mạt và bà má chồng cũng hèn hạ không kém khi đi cưới một người con gái con nhà đàng hoàng về chỉ để trả thù con dâu lớn. Bởi đã không ít lần khinh thường, chửi mắng bà ta.
    Căm hận vì bị người đời lừa dối, bà quyết bỏ tất cả để về Sài Gòn dù khi ấy bà đang mang thai người con trai lớn.
    Ngày sinh nỡ, Má tôi một mình ngụp lặn giữa biển đời vô tận. Thèm một ánh mắt xẻ chia, đồng cảm của người chồng, người cha, thèm một vòng tay ân cần khi trở mình trong những ngày ở cữ nhưng tất cả sao mà xa vời mờ ảo quá có chăng chỉ là những hình ảnh ghẻ lạnh của nhà chồng, của người chồng tán tận lương tâm.
    May mắn tay, bên cạnh bà lúc ấy còn có người em út - dì của tôi. Dì đã tận lực lo cho chị mình từng muỗng cơm, lo cho cháu mình từng lon sữa rẻ tiền trong những lúc dì không phải đến trường học. Còn người cha của đứa trẻ vẫn đang bận bịu bên người vợ lớn xinh xắn của mình.
    Rồi ông ta cũng trở lại với những lời ngon ngọt có cánh nhưng chỉ để ngó đứa trẻ cho có lệ. Cuối cùng là bòn rút tiền của người vợ thứ mang về cho bà lớn không chỉ một mà đến nhiều lần.
    Người xưa nói:"Cọp chết để da. Người ta chết để tiếng"
    Người đàn ông này cũng từng để tiếng nhưng tiếc thay đó lại là tiếng ác. Còn hơn cả loài cầm thú.
    Thế nhưng má tôi vẫn không thể nào tách rời khỏi gả đàn ông bạc ác kia. Bởi bà vẫn nghĩ: dù gì con mình cũng còn được một người cha. Ôi cái từ "cha" sao mà nó hiện ra trong con người ấy chỉ toàn một màu đen thẩm mà nặng hơn đá tảng.
    Nhân hậu thay một người phụ nữ! Sẵn sàng hi sinh bản thân mình vì mọi người và trên hết là vì con. Có lẽ vì thế mà "nghiệp chướng" - nói theo cách của nhà Phật - đã đeo đẳng bà cả cuộc đời.
    Rồi đứa con thứ hai ra đời. Đây thực sự là nguồn hạnh phúc của Má tôi.
    Bở khi sinh đứa con thứ hai, bà cảm thấy phấn chấn, yêu cuộc sống. Có vẻ như mọi công việc làm ăn đều suôn sẻ. Vì vậy, bà thương người con này lắm.
    Có lẽ nhờ trời thương nên bà lại gầy dựng được sự nghiệp sau lần vấp ngã đau đớn. Bà sắm được xe hơi để cuối tuần cả nhà đi nghỉ mát. Bà trang trải được mọi khó khăn trong gia đình mặc kệ sự bòn rút của người chồng bất nghĩa.
    Hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng: Bà dại dột. Dại dột lắm chăng? Có những đêm trời trở gió, một mình trăn trở trong căn phòng quạnh vắng bên đứa con thơ. Bà thấm thía nhiều sự cô đơn và càng thấm thía nhiều hơn nỗi lòng của đứa trẻ không cha.Chính bà chứ không đâu xa lạ. Ngày xưa cũng đã đau nỗi đau mất cha.
    Sâu xa hơn nữa cũng bởi tư tưởng cổ hũ của người xưa đã ăn sâu vào tiềm thức. Cái vòng ràng buộc của lễ giáo nhân luân không cho phép người đàn bà ấy rời bỏ chồng để tìm sự giải thoát cho bản thân.
    "Phận gái mười hai bến nước
    Trong nhờ, đục chịu."
    Mậu Thân năm 1968, Tướng Giáp đưa quân công kích miền nam Việt nam. Sài Gòn trở thành trận địa ác liệt.
    Má tôi.........một lần nữa khó nhọc, khăn áo lên taxi vào nhà hộ sinh.
    Ngụy quyền Sài Gòn làm khó dễ đủ điều, không cho xe di chuyển trong nội thành. Tài xế cũng không dám mạo hiểm trong hoàn cảnh bom rơi, đạn réo.
    Bà phải lê từng bước một trên con đường khó nhọc vì sự sinh tồn của hai mẹ con.
    Ông bà mình từng nói: Mẹ mang thai, tâm trạng thế nào thì sinh con ra, tính tình thế ấy. Quả đúng không sai.
    Đối với người anh lớn của tôi, bà mang thai trong tâm trạng kích động mạnh, bàng hoàng vì người đời lừa gạt. Vì thế người anh của tôi lúc nào cũng mang tâm trạng khó tính, cộc cằn nhưng lại cam chịu số phận.
    Người anh thứ hai, bà sinh ra trong tâm trạng phấn chân, tìm thấy nguồn vui bên đứa con thơ. Do vậy, lúc nào người anh này cũng vui vẻ, biết tính toán nhưng đôi khi sự tính toán ấy hóa ra hẹp hòi, thiển cận chỉ biết có bản thân.
    Người thứ ba, bà sinh ra trong hoàn cảnh đầy biến động của chiến tranh, tinh thần hoang mang đẫn đến tâm trạng đứa con lúc nào cũng trầm tư, biết lo nghĩ cho gia đình nhưng tiếc thay bà không có phần phúc nương nhờ người con ấy.
    Năm 1972, Mỹ đánh phá ác liệt miền bắc Việt Nam quyết đưa nơi này trở về thời kì đồ đá. Cục diện miền Nam hoàn toàn bế tắc.
    Việc mưu sinh gặp nhiều khó khăn, bà trở nên khó tính. Có lẽ vì vậy mà người chị kế của tôi sinh ra cũng mang nặng tính cách ấy. Biết suy nghĩ, biết lo lắng cho gia đình, cho mẹ, anh-em nhưng cách làm lại nóng vội dễ gây ra những bất hòa lớn trong gia đình.
    Bốn người con, bốn tính cách khác nhau cùng người mẹ già và các em gái. Một gia đình đông đủ ba thế hệ ấy sẽ là phúc hay họa? Chuyện đời mấy ai lường trước được.

    Câu chuyện của tôi viết hơi buồn vì đây là việc cuối cùng tôi có thể làm được cho Má tôi trước khi bà ra đi vĩnh viễn vì căn bệnh Ung thư gan.
    Nếu các bạn đọc cảm thấy không phù hợp xin cho ý kiến. Tôi sẽ ngưng bài viết ngay.
    Cảm ơn.
    Mai Hiếu Phước
    Đt: 8259462

    Còn tiếp.

Chia sẻ trang này