1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ba người lính ngự lâm (A.Dumas)

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Amore, 14/12/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    Ba người lính ngự lâm (A.Dumas)

    1
    Ba tặng vật của ông đ''Actanhăng cha
    Ngày thứ hai đầu tiên của tháng tư năm 1625, thị trấn Mơng, nơi sinh ra tác giả cuốn Tiểu thuyết Bông Hồng dường như đang trong một cuộc cách mạng rộng khắp đến mức tưởng đâu các tín đồ tân giáo (1) đã làm một La Rôsen (2) thứ hai. Trông thấy đàn bà chạy trốn ở phía Phố lớn, nghe trẻ con kêu gào trên các ngưỡng cửa, nhiều thị dân vội vã ***g áo giáp vào và yểm hộ cho tư thái còn phần nào bất trắc của mình bằng một khẩu súng hoả mai hoặc một ngọn giáo, họ đi về phía lữ quán Frăng-Mơniê, ở đó một đám người đông đặc cứ lớn dần lên từng phút, nhốn nhào, ồn ào và đầy vẻ tò mò.
    Thời ấy những cơn hoảng loạn thường xảy ra, và chẳng mấy ngày là không có trong thành phố này, thị trấn nọ ghi vào hồ sơ của mình một sự kiện loại đó. Nào các lãnh chúa đánh lẫn nhau, nào nhà vua xung đột với giáo chủ, nào nước Tây Ban Nha giao chiến với nhà vua. Rồi ngoài những cuộc chiến tranh thầm lặng hoặc công khai, bí mật hoặc minh bạch, lại còn bọn trộm cáp, bọn ăn xin, bọn tân giáo, bọn lang sói, và bọn lính hầu, - nhiều khi chống lại bọn lãnh chúa và bọn tân giáo - đôi khi chống lại nhà vua, - nhưng chẳng bao giờ chống lại giáo chủ và nước Tây Ban Nha cả. Do thói quen đó mà ngày thứ hai đầu tiên nói trên kia của tháng 4 năm 1625, nghe thấy tiếng ồn ào và không trông thấy cờ hiệu vàng và đỏ (3), cũng chẳng thấy gia nhân của Quận công đờ Risơliơ (4), các thị dân liền đâm bổ về phía lữ quán Frăng-Mơniê.
    Đến đó ai nấy đều có thể nhìn thấy và hiểu rõ nguyên nhân của sự náo động kia.
    Một chàng trai trẻ? - ta háy phác hoạ chân dung chàng bằng một nét thôi- xin các bạn cứ hình dung Đôn Kihôtê (5) lúc 18 tuổi, Đôn Kihôtê bị lột vỏ, không giáp sắt, không bọc vẽ, Đôn Kihôtê mặc áo chẽn ngắn bằng len màu xanh lơ đã chuyển sang một màu khó tả của cặn rượu vang và xanh da trời. Khuôn mặt dài và nâu, lưỡng quyền cao, biểu hiện của giảo hoạt, cơ bắp cằm hết sức phát triển, dấu hiệu là người Gaxcônhơ (6) không trệch vào đâu được dù không đội ngay cả cái mũ nồi huống hồ chàng trai trẻ của chúng ta đây lại đội một chiếc mũ nồi trang trí bằng một thứ lông chim; mắt tinh và thông minh, mũi khoằm nhưng nét thanh tú, vóc người quá lớn so với một thiếu niên, quá nhỏ so với một người trưởng thành và một con mắt ít thành thạo nhìn chàng sẽ có thể tưởng lầm là con cái của một trang chủ đi du hành nếu như không có một thanh kiếm dài đeo ở một tấm dải đeo gươm bằng da nó đập vào bắp chân của chủ nó khi đi bộ và đập vào bộ lông dựng tua tủa của con ngựa khi chàng ta cưỡi ngựa.
    Bởi vì chàng trai trẻ của chúng ta có một con vật cưỡi và con vật cưỡi đó lại là kỳ đến mức nó được chú ý: đó là một chú ngựa nhỏ xứ Bêác tuổi độ mười hai hoặc mười bốn, màu vàng, không có lông đuôi nhưng không phải không có bướu ở chân, khi đi thì đầu thõng xuống quá dưới gối, điều làm cho chẳng cần mắc cương khoá mà nó vẫn còn đi được tám dặm một ngày. Khốn nỗi những đức tính của con ngựa đó bị giấu kín dưới bộ lông kỳ dị và dáng bộ chẳng thích hợp đến nỗi trong một thời mà mọi người đều sánh về ngựa thì sự xuất hiện của con ngựa cỏn con nói trên ỏ Mơng, nơi nó mới lọt vào bằng cửa ô Bôgiăngxi chừng mười lăm phút liền gây nên một cảm giác mạnh mẽ mà điều bất lợi lây sang cả người cưỡi nó.
    Cảm giác ấy đã từng nặng nề lắm đối với đ''Actanhăng - đấy là tên của anh chàng Đôn Kihôtê của con ngựa Rôxinăngtê này - đến nỗi chàng chẳng buồn tự giấu diếm cái khía cạnh lố lăng mà một con ngựa như thế đem đến cho mình, dù chàng có là một kỵ sỹ cừ mấy đi chăng nữa: cho nên chàng đã thở vắn than dài nhận lấy món tặng phẩm mà ông đ''ActanhăngÂch đã ban cho. Chàng biết rằng một con vật như vậy đáng giá ít ra hai mươi livrơ, còn những lời lẽ kèm theo thì đúng là vô giá.
    - Con ơi, nhà quý tộc xứ Gaxcônhơ nói bằng cái thổ ngữ thuần tuý của Bêac mà vua Hẳngi IV (7) chẳng bao giờ có thể sửa nổi- Con ơi, con ngựa này sinh ra tại ngôi nhà của cha con, đã sắp mười ba tuổi và ở đây từ bấy đến giờ, điều khiến con phải thương yêu nó. Chớ bao giờ bán nó, hãy để nó chết già trong yên ổn và danh giá; và nếu con đi đường với nó thì hãy nương nhẹ nó như với một người lão bộc. Vào trong triều đình - ông đ''Actanhăng cha nói tiếp - nếu như con có vinh dự đến đó, vinh dự mà vả chăng dòng dõi quý tộc lâu đời của con cho con được quyền hưởng, thì hãy bảo vệ xứng đáng danh hiệu quý tộc của con mà tổ tiên đã mang một cách xứng đáng từ hơn một trăm năm nay, bảo vệ nó vìồin và vì những người thân thích của con. Những người thân thích ấy cha muốn nói là cha mẹ con, họ hàng và bạn bè con. Đừng bao giờ chịu nhìn ai ngoài quan tể tướng và đức vua. Con nên nhớ rằng ngày nay một người quý tộc chỉ có thể tiến thân bằng chí can trường và chỉ bằng chí can trường của mình mà thôi. Kẻ nào run sợ trong một giây phút sẽ để tuột mất miếng mồi ngon mà đúng giây phút ấy thời vận chìa ra cho họ. Con đang trẻ, con phải can trường vì hai duyên cớ: thứ nhất vì con là người Gaxcông, thứ hai vì con là con của cha. Chớ sợ những thời cơ và hãy tìm kiếm những sự mạo hiểm. Cha đã cho con học múa kiếm; con có bắp chân sắt, cổ tay thép, hãy chiến đấu luôn luôn, các cuộc chiến đấu càng bị cấm đoán (8), con càng phải chiến đấu, và do đó chiến đấu với hai lần can đảm. Con ạ, ta chỉ cho con được mười lăm đồng êquy, con ngựa của ta và những lời khuyên con vừa nghe. Thêm vào đó, mẹ con sẽ cho một món thuốc cao lấy của một bà Bôhêmiêng, nó có phép màu nhiệm chữa khỏi mọi vết thương không trúng vào tim. Con hãy lợi dụng mọi cái, hãy sống hạnh phúc và trường thọ. Cha chỉ còn một điều nói thêm và đó là một tấm gương cha nêu lên với con, không phải tấm gương của cha chưa bao giờ được đặt chân vào triều đình mà chỉ có tình nguyện đi làm những cuộc chiến tranh tôn giáo; ta muốn nói đến ngài đờ T''rêvin xưa kia là bạn láng giềng của cha, nhờ trời ông ấy đã có vinh dự chơi với vua Lu-i XIII từ tấm bé! Đôi khi trò chơi của họ biến thành choảng nhau và trong những cuộc choảng nhau ấy không phải bao giờ nhà vua cũng khoẻ hơn đâu. Những đòn người phải chịu làm tăng lòng quý trọng và tình bằng hữu của Người đối với ngài đờ T''rêvin lên nhiều. Sau này trong chuyến đi Pari đầu tiên, ngài đờ T''rêvin đã đánh nhau với những người khác năm lần; từ cái chết của tiên vương đến tuổi trưởng thành của ấu vương, ngài đánh nhau bảy lần, không kể những cuộc chiến trận và vây thành, và từ cái tuổi trưởng thành ấy đến ngày nay dễ thường có đến năm trận! Cho nên mặc dù những pháp quy, những chỉ dụ, những sắc lệnh cấm quyết đấu, thế mà đấy, ngài đã là người chỉ huy (9) đội ngự lâm quân, nghĩa là thống lĩnh một binh đoàn lính Xêda mà đức vua rất coi trọng, và quan tể tướng thì kiềng, mà quan tể tướng thì mọi người đều biết đấy, nào ngài có kiềng sợ gì lắm đâu. Hơn nữa đờ T''rêvin kiếm mười nghìn êquy mỗi năm, như vậy là một quan đại thần cỡ bự rồi. Ngài bắt đầu sự nghiệp như anh đây, anh hãy mang bức thư này đến gặp ngài, và anh hãy noi theo gương ngài để làm nên được như ngài.
    Dứt lời ông đ''Actanhăng cha buộc cho cậu con thanh kiếm riêng của ông, ôm hôn chàng trìu mến lên hai bên má và cầu phước cho chàng.
    Vừa ra khỏi phòng cha, chàng trai trẻ thấy mẹ đợi chàng với món thuốc quý hoá mà nếu cứ làm theo những lời khuyên nhủ nói trên của ông bố thì ắt là chàng phải dùng đến nó luôn luôn. Việc chia tay ở phía này lâu hơn và trìu mến hơn ở phía bên kia, chẳng phải vì ông đ''Actanhăng cha không yêu thương con trai mình, cậu con trai độc nhất, mà vì ông đ''Actanhăng là một người đàn ông, và ông sẽ coi như không xứng tiếng nam nhi nếu tự buông thả mình theo nỗi xúc động, trong khi bà đ''Actanhăng là đàn bà, hơn nữa lại là người mẹ. Bà khóc sướt mướt, và ta hãy nói điều này ra để khen ngợi chàng đ''Actanhăng con, mặc dù chàg ráng sức giữ mình cho vững vàng như một ngự lâm quân tương lai phải làm như vậy, bản năng đã thắng và chàng cũng đổ mất nhiều nước mắt mà cố gắng lắm chàng mới giấu được một nửa.
    Cùng ngày hôm ấy chàng trẻ tuổi rong ruổi lên đường mang theo ba tặng vật của cha gồm, như đã nói, mười lăm êquy, con ngựa và bức thư gửi ông T''rêvin, dĩ nhiên là còn những lời khuyên răn thêm nữa.
    Với một cẩm nang như vậy, đ''Actanhăng tưởng mình, về tinh thần cũng như về thể xác mô phỏng y hệt nhân vật của Xecvăngtéc mà chúng tôi đã đem ra so sánh đến là đích đáng với chàng, khi bổn phận nhà viết sử buộc chúng tôi phải phác hoạ ra chân dung chàng. Đôn Kihôtê cho những cối xay gió là những người khổng lồ và những con cừu là những đoàn quân, thì đ''Actanhăng coi mỗi nụ cười là một điều xỉ vả và mỗi cái nhìn là một sự khiêu khích. Do đó từ Tacbơ đến Mơng, chàng luôn luôn nắm chặt nắm đấm vào chuôi kiếm dễ đến mười bận một ngày; tuy nhiên nắm đấm chưa giáng xuống một quai hàm nào và lưỡi kiếm cũng chưa hề tuốt ra khỏi vỏ. Chẳng phải vì con ngựa màu vàng hãm tài kia không làm cho khách bộ hành buồn cười đâu, mà vì ở trên con ngựa còi lách cách một thanh kiếm cỡ lớn và ở phía trên thanh kiếm đó lấp lánh một cặp mắt dữ tợn hơn là ngạo nghễ, cho nên khách qua đường phải nén tiếng cưới phá lên, hoặc, nếu cơn buồn cười thắng sự thận trọng thì họ cố gắng ít ra chỉ cười nửa miệng thôi, giống như những cái mặt nạ cổ vậy. Cũng vì thế đ''Actanhăng vẫn còn oai vệ và nguyên vẹn trong cái tính dễ bị chạm nọc của mình cho đến cái thị trấn Mơng khốn khổ này.
    Nhưng ở đây lúc chàng xuống ngựa trước cửa lữ quán Frăng-Mơniê, từ chủ quán, hầu bàn đến phu chăn ngựa chẳng có lấy một ai ra giữ bàn đạp ở chỗ bệ lên ngựa, đ''Actanhăng đã trông thấy ở một cánh cửa sổ hé mở của tầng dưới cùng một gã quý tộc vóc người đẹp đẽ, phong vận kiêu kỳ mặc dù hơi quàu quạu đang nói với hai người khác, hai người này nghe gã với vẻ kính nể. Theo thói quen, đ''Actanhăng ngờ một cách tự nhiên rằng mình là đầu đề của câu chuyện và lắng nghe. Lần này, đ''Actanhăng chỉ lầm có một nửa, không phải người ta nói về chàng mà về con ngựa của chàng. Gã quý tộc xem bộ như đang liệt kê cho các người nghe của hắn những đức tính của con ngựa, và, như đã nói, mấy người nghe xem bộ rất kính trọng người kể chuyện, họ luôn luôn phá ra cười. Mà vì một nửa nụ cười cũng đủ đánh thức cái tính hay nổi giận của chàng trai trẻ thì người ta hiểu rằng những chuỗi cười ầm ĩ như thế sẽ gây tác dụng thế nào đối với chàng.


    (1) Đạo tin lành, đạo Thiên chúa cải cách do người Pháp Canvanh (1509-1564) chủ trương, lan rộng ở nhiều nước châu Âu thời bấy giờ. Giữa đạo Giatô và đạo Tin lành có nhiều mâu thuẫn gay gắt và đã nổ ra nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo.
    (2)Thành phố ven biển miền Tây nước Pháp; pháo đài cố thủ của phái tân giáo chống lại chính quyền trung ương.
    (3)hai màu quốc kỳ Tây Ban Nha
    (4)Făng Acmang Đuyplêxix, giáo chủ Đờ Risơliơ (1585-1642) từ năm 1624 tham gia hội đồng hoàng gia và trở thành tể tướng nước Pháp. Trong nước, Risơliơ chủ trương khuất phục giới quý tộc, tập trung quyền hành vào chính quyền quân chủ trung ương. Đối ngoại đấu tranh chống đế tộc Áo và mở chiến tranh chống Tây Ban Nha. Nổi tiếng là một nhà chính trị mưu lược, độc đoán và tàn nhẫn, trên thực tế nắm hết quyền của vua Lu-i XIII.
    (5)Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Đôn Kihôtê nhà quý tộc tài ba xứ Matra của nhà văn Tây Ban Nha Xecvantéc.
    (6)Một xứ ở Tây nam nước Pháp. Người Gaxcônhơ là người trí xảo nhưng huyên hoang, khoác lác.
    (7)Vua nước Pháp từ 1589-1610; là cha đẻ của vua Lu-i XIII.
    (8)Các cuộc đấu kiếm thời bấy giờ rất phổ biến trong giới quý tộc. Risơliơ ra những đạo lệnh cấm các cuộc quyết đấu rất gắt gao và trừng phạt bằng những án tử hình, treo cổ hoặc chém đầu.
    (9)Chữ capiten có nghĩa là đại uý, là người chỉ huy một đơn vị quân đội, một hạm tàu. Ở đây dịch là người chỉ huy Đội ngự lâm quân; thực tế đội ngự lâm quân đông hàng nghìn người và trong sách này có chỗ nói đến trung đoàn ngự lâm quân.
  2. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    Tuy nhiên trước tiên đ''Actanhăng muốn thấy rõ bộ mặt của kẻ hỗn xược đã chế nhạo mình. Chàng kiêu hãnh nhìn thẳng vào người lạ mặt và nhận ra một gã đàn ông trạc bốn mươi đến bốn lăm tuổi, mắt đen và sắc nước da tai tái, mũi rất cao, ria mép đen và xén rất đẹp; gã mặc áo chẽn và quần cộc màu tím với dây tua cùng màu, không có trang sức nào khác ngoài những đường xẻ thường lệ ở cánh tay áo để lộ ra tấm sơmi. Quần cộc và áo chẽn tuy mới nhưng trông nhàu nát như những y phục du lịch để lâu trong hòm quần áo. Đ''Actanhăng nhận xét tất cả những cái đó với sự mau lẹ của người quan sát tỉ mỉ nhất và có lẽ bằng một cảm tính bản năng nó nói với chàng rằng người không quen biết kia ắt có một ảnh hưởng lớn đến cuộc đời chàng sau này.
    Trong lúc đ''Actanhăng nhìn chằm chằm vào gã quý tộc mặc áo chẽn ngắn màu tím thì gã quý tộc đưa ra một trong những điều chứng minh sành sỏi nhất và sâu sắc nhất của gã đối với con ngựa còi, hai thính giả của gã cười ồ lên, và cả gã nữa trái với thói quen của mình, cũng để lộ cho người ta nom thấy lởn vởn - nếu có thể nói như vậy - một nụ cười mờ nhạt trên khuôn mặt gã. Lần này không còn hồ nghi gì nữa, đ''Actanhăng thật sự bị lăng nhục. Đinh ninh như vậy cho nên chàng ấn mũ nồi xuống tận mắt và cố bắt chước một vài điệu bộ trong triều đình mà chàng bắt chước được ở những vị công hầu du hành qua vùng Gaxcônhơ, chàng tiến lên, một tay đặt vào đốc kiếm, tay kia chống nạnh trên háng. Khốn nỗi chàng càng bước tới, cơn giận càng làm chàng mê muội, đáng lẽ dùng một ngôn ngữ trang trọng và ngạo mạn đã chuẩn bị để bày tỏ sự thách thức của mình, chàng chỉ thấy ở đầu lưỡi mình một lời nói xỏ xiên thô lỗ kèm theo một cử chỉ hung cuồng. Chàng la lên:
    - Ê này! Ông, cái ông núp sau cửa sổ kia! Phải rồi chính ông đó. Ông cười cái gì, thử nói cho ta nghe rõ một chút rồi chúng ta sẽ cùng cười với nhau nào.
    Gã quý tộc chậm rãi đưa mắt nhìn từ con ngựa đến người cưỡi ngựa, dường như phải mất một thời gian nào đó mới hiểu những lời trách móc lạ lùng đến thế là dành cho gã, rồi khi không còn chút nghi ngờ nào nữa, cặp lông mày gã khẽ nhíu lại và, sau một lúc im lặng khá lâu, gã trả lời đ''Actanhăng bằng một giọng châm biếm và xấc xược khó bề tả nổi:
    - Thưa ông, tôi không nói với ông.
    Tức điên lên vì cái kiểu hỗn xược và nhã nhặn, lịch sự và khinh thường pha lẫn vào nhau ấy, chàng thanh niên la lớn:
    - Nhưng mà tôi, tôi nói với ông!
    Người lạ mặt còn nhìn chàng một lát với nụ cười khinh bạc rồi rời cửa sổ, từ từ bước ra khỏi lữ quán đến đứng sững trước mặt con ngựa, cách đ''Actanhăng hai bước. Thái độ bình tĩnh và vẻ mặt giễu cợt của gã khiến mấy người nghe chuyện vẫn đứng ở cửa sổ càng cười giữ.
    Thấy gã đến, đ''Actanhăng rút gươm ra nửa chừng.
    Người lạ mặt tiếp tục những lời soi mói ban nãy và nói với những người nghe bên cửa sổ, không tỏ ra chú ý mảy may đến cơn thịnh nộ của đ''Actanhăng lúc ấy đã đứng ở giữa gã với những người kia. Gã nói:
    - Chắc chắn con ngựa này bây giờ, hay đúng hơn, hồi còn nhỏ, lông màu cây mao tương. Đây là một màu rất quen thuộc trong thực vật học, nhưng cho đến nay thì rất hiếm thấy trong giống lừa ngựa.
    Con người ganh đua với ngài đờ T''rêvin giận dữ la lên:
    - Kẻ nào cười giễu con ngựa há chẳng dám cười giễu chủ nó!
    - Thưa ông, tôi không hay cười, gã lạ mặt nói, như tự ông có thể thấy trên vẻ mặt của tôi, song tôi vẫn tha thiết giữ cái đặc quyền cười khi nào tôi thích.
    - Còn tôi, đ''Actanhăng hét, tôi không muốn người ta cười khi điều đó làm chướng mắt tôi.
    Người lạ mặt tiếp tục, điềm đạm hơn bao giờ hết:
    - Thật vậy chứ, thưa ông? Thế thì chí lí lắm thay!
    Rồi quay gót hắn sửa soạn trở về lữ quán bằng cửa chính, ở đấy lúc đến đ''Actanhăng đã nhìn thấy một con ngựa thắng yên cương sẵn sàng.
    Nhưng đ''Actanhăng không phải người có cái tính buông tha như vậy một kẻ đã hỗn xược giễu cợt mình. Chàng tuổt hẳn gươm ra khỏi vỏ, rượt theo và hét:
    - Quay lại, quay lại nào, cái ông thích giễu cợt kia, ta không thèm đánh sau lưng đâu.
    Người kia quay gót lại nhìn chàng thanh niên, đầy vẻ ngạc nhiên lẫn khinh bỉ và nói:
    - Đánh tôi ấy à! Này anh bạn ơi, anh điên đấy!
    Rồi thấp giọng như nói với riêng mình, gã tiếp tục:
    - Thật phiền chứ! Của quý cho hoàng thượng đây. Người đang tìm kiếm những tay can trường ở khắp nơi để tuyển mộ vào đội ngự lâm quân của Người.
    Gã vừa mới dứt lời đ''Actanhăng đã vươn tay xỉa một mũi kiếm dữ tợn đến nỗi nếu gã không nhanh chân nhảy lùi một bước thì chắc hẳn đây là lần cuối cùng gã bông đùa rồi.
    Người lạ mặt lúc đó thấy sự việc đã quá trò giễu cợt bèn rút kiếm ra chào địch thủ và trịnh trọng đứng thủ thế. Nhưng cùng lúc ấy hai thính giả của gã có chủ quán đi cùng nhảu ùa vào thẳng cánh phang đ''Actanhăng bằng gậy, xẻng và cây kẹp than. Điều đó tạo thành một sự dụ binh khá nhanh và khá đầy đủ cho cuộc công kích đến nỗi, khi đ''Actanhăng quay lại đương đầu với trận mưa đòn kia; địch thủ của chàng tra kiếm vào vỏ cũng chính xác như thế, và, từ vai người diễn viên hụt, gã trở thành khán giả của trận đấu, cái vai trò gã đảm đương với vẻ thản nhiên của mình, tuy nhiên gã cũng còn làu bàu:
    - Ôn dịch là cái giống Gaxcông! Đặt hắn lên con ngựa vàng khè và tống khứ hắn đi.
    - Không có chuyện đó được trước khi ta giết mi, đồ hèn nhát! Đ''Actanhăng vừa hét vừa cố hết sức chống đỡ và không lùi một bước trước ba kẻ thù đang đánh chàng túi bụi.
    - Lại một trò gaxcônat (1)! Gã quý tộc lẩm bẩm. Cái bọn Gaxcong thật tình là bất trị! Nó đã nhất quyết muốn vậy thì cứ tiếp tục cuộc vũ. Chừng nào nó mệt nó sẽ xin đủ.
    Nhưng người lạ mặt không dè mình đã dây phải một tên cứng đầu cứng cổ như thế nào, đ''Actanhăng chẳng phải là hạng ngươid xin tha bao giờ. Cuộc chiến đấu tiếp tục mấy giây nữa; cuối cùng đ''Actanhăng kiệt sức để tuột mất thanh kiếm đã bị một nhát gậy đánh gãy làm đôi. Một gậy nữa gần như đồng thời nện vào trán và quật chàng ngã lăn ra, máu me lênh láng và gần như bất tỉnh.
    Ấy chính là lúc từ mọi phía người ta chạy đến nơi xảy ra chuyện. Chủ quán sợ tai tiếng đã cùng hai người hầu bàn khiêng kẻ bị thương vào trong bếp và săn sóc qua loa tại đó.
    Còn gã quý tộc, trở về chỗ cũ bên cửa sổ và với vẻ bồn chồn nào đónhìn đám đông còn đứng lại ở đấy làm cho gã bực bội hết sức.
    - Thế nào, tên điên dại ấy ra sao? Gã quay lại khi nghe tiếng cửa mở và hỏi người chủ quán đến vấn an gã.
    - Thưa đại nhân, ngài bình yên vô sợ chứ? chủ quán hỏi.
    - Phải, hoàn toàn bình an vô sự, ông chủ ạ, và tôi đây mới hỏi ông xem tên thanh niên ấy ra sao rồi.
    - Thưa đã khá hơn, lúc nãy hắn hoàn toàn bất tỉnh.
    - Thật thế ư?
    - NHưng trước khi ngất hắn đã gom hết tàn lực để vừa réo gọi ngài vừa thách thức ngài.
    - Vậy thì cái tên ngổ ngáo ấy là hiện thân của quỷ sứ!
    - Ồ thưa đại nhân, không phải là quỷ sứ, chủ quán vừa nói vừa nhăn mặt khinh bỉ, vì rằng trong lúc hắn mê man, chúng tôi đã lục soát thấy trong bọc đồ của hắn ta chỉ có một áo sơmi và trong hầu bao chỉ có 12 êquy; nhưng điều đó không ngăn hắn ta khi sắp ngất nói rằng nếu việc như thế này mà xảy ra ở Pari thì ngài sẽ phải ân hận ngay, còn ở đây thì sau này ngài mới sẽ hối tiếc.
    - Vậy thì, người lạ mặt lạnh lùng nói, đó là một ông hoàng chính tông nào đó cải trang.
    - Tôi muốn nói với ngài như vậy để ngài đề phòng, chủ quán nói tiếp.
    - Hắn ta không nhắc đến tên ai trong cơn giận dữ à?
    - Có đấy, hắn vỗ vào túi và bảo: ?oTa xem ngài T?Trêvin nghĩ như thế nào về sự lăng nhục này đối với người được ngài che chở??

  3. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    - Ngài T?Trêvin à? người lạ mặt nói và trở nên chăm chú. Hắn vỗ vào túi và thốt ra tên ngài T?Trêvin? ?Này ông chủ, trong khi gã thanh niên của ông mê man bất tỉnh, tôi chắc rằng ông không thể không nhìn cả vào cái túi ấy. Trong đó có gì?
    - Một bức thư gửi đến ngài đờ T?Trêvin, thống lĩnh ngự lâm quân.
    - Thật thế ư?
    - Bẩm đại nhân, thật quả như vậy.
    Bẩm sinh khôgn nhạy bén lắm, chủ quán không hề chú ý đến những biểu hiện do lời nói của mình gây nên trên vẻ mặt của người lạ mặt. Khách rời thành cửa sổ mà gã vẫn chống khuỷu tay lên và chau mày ra chiều lo lắng. Gã lẩm bẩm qua kẽ răng:
    - Quái thật! Lẽ nào T?Trêvin lại phái đến ta tên gaxcông này? Hắn non choẹt mà. Nhưng một nhát kiếm vẫn là một nhát kiếm, bất kể kẻ đâm nó như thế nào, và một đứa trẻ thì người ta lại ít nghi ngờ hơn mọi kẻ khác. Đôi khi chỉ một cái sảy mà nảy cái ung.
    Người lạ mặt trầm tư đến mấy phút rồi nói:
    - Này ông chủ, liệu ông có trừ bỏ hộ tôi tên cuồng loạn ấy không? Thật lòng tôi không thể giết hắn, song le ?" gã nói thêm với vẻ đe dọa lạnh lùng- song le hắn cản trở tôi. Hắn đang ở đâu?
    - Ở trong phòng của vợ tôi trên gác một, người ta đang băng bó cho hắn.
    - Quần áo và cái bao hành lý cũng ở chỗ hắn chứ?
    - Trái lại, tất cả mọi thứ đều ở dưới nhà, trong gian bếp. Nhưng vì cái thằng trẻ ranh điên khùng ấy làm phiền ông?
    - Hẳn thế rồi. Hắn gây ra ở quán ông một vụ tai tiếng mà những người tử tế không thể nào chịu được. ông hãy lên nhà tính toán tiền trọ và báo cho tên hầu của ta.
    - Sao! Ngài lên người bây giờ ư?
    - Còn phải hỏi chi nữa vì ta đã bảo ông thắng yên cương cho ngựa của ta rồi kia mà. Người ta không tuân lệnh là sao?
    - Có chứ ạ! Quan lớn có thể tận mắt nhìn thấy ngựa của ngài ở trước cửa chính, yên cương sẵn sàng để lên đường.
    - Tốt lắm, hãy làm cái việc ta vừa bảo.
    - Úi chà, chủ quán tự nói với mình, phải chăng ông ta sợ thằng nhỏ?
    Nhưng một cái nhìn oai nghiêm của người lạ mặt đã chặn đứng ngay chủ quán. Y khúm núm chào và đi ra.
    Người lạ mặt tự nhủ:
    - Không nên để cái thằng kỳ quặc kia trông thấy Milady, bà ta chắc cũng sắp đi qua; bây giờ cũng đã là chậm rồi. Đương nhiên ta lên ngựa và đi đón bà ta thì hay hơn?. Giá mà ta biết được bức thư gửi T''rêvin nói gì nhỉ!
    Và gã vừa lầu bầu vừa đi về phía nhà bếp.
    Trong khi đó, không còn hồ nghi rằng chính sự hiện diện của chàng thanh niên đã xua đuổi ngài lạ mặt khỏi lữ quán của mình, chủ quán trở lên phòng vợ và thấy đ''Actanhăng cuối cùng đã hồi tỉnh. Thế là chủ quán vừa làm cho chàng hiểu rằng cảnh sát có thể gây rắc rối cho chàng vì đã gây sự với một quan đại thần, bởi lẽ theo y, người lạ mặt chỉ có thể là một quan đại thần, vừa ép chàng phải trở dậy và tiếp tục cuộc hành trình mặc dù chàng còn yếu. Bị thúc giục, đ''Actanhăng còn choáng váng, không áo chẽn và đầu quấn đầy băng vẫn đành phải đứng lên và bắt đầu bước xuống. Nhưng vừa xuống bếp thì cái đầu tiên chàng nhận thấy là kẻ khiêu khích chàng đang ung dung đứng nói chuyện ở bậc lên xuống của một cỗ xe nặng nề thắng hai con ngựa noocmăng to lớn.
    Người đối thoại của gã, đầu ló ra trong khung cửa xe, là một thiếu phụ trạc từ hai mươi đến hai mươi hai tuổi. Chúng tôi đã nói rằng đ''Actanhăng nhận rõ được toàn bộ một diện mạo bằng một sự quan sát mau lẹ như thế nào rồi; vừa thoạt nhìn, chàng đã thấy ngay người đàn bà đó trẻ đẹp. Và sắc đẹp ấy càng làm cho chàng kinh ngạc vì nó hoàn toàn xa lạ với các xứ miền Nam mà từ trước đến giờ chàng đã từng ở qua. Đó là một người có nước da hơi xanh, mái tóc dài vàng hoe uốn thành vòng buông xoã xuống vai; cặp mắt to xanh đượm vẻ u buồn, đôi môi hồng hồng và bàn tay trắng muốt như bạch ngọc. Nàng chuyện trò sôi nổi với người lạ mặt.
    - Thế là Các hạ (2) ra lệnh cho tôi? vị phu nhân nói.
    - Phải trở lại nước Anh ngay lập tức và trực tiếp báo cho Ngài nếu Quận công rời Luân đôn.
    - Thế còn những điều huấn thị khác cho tôi? người lữ khách xinh đẹp hỏi.
    - Tất cả đều ở trong cái hộp này mà sang bên kia bờ biển Măngsơ phu nhân mới được mở ra xem.
    - Được lắm! Thế còn ông, ông làm gì?
    - Tôi trở lại Pari.
    - Không trị tội thằng nhóc hỗn xược ấy à? vị phu nhân hỏi.
    Người lạ mặt sắp trả lời, nhưng lúc gã vừa mở miệng thì đ''Actanhăng nghe thấy hết câu chuyện đã nhảy vọt lên trên bậc cửa. Chàng la lên:
    - Chính thằng nhóc hỗn xược này sẽ trị tội những kẻ khác, và ta rất mong lần này kẻ mà ta cần phải trị tội sẽ không thoát khỏi tay ta như lần đầu đâu.
    - Sẽ không thoát ư? Gã lạ mặt chau mày nói.
    - Không, trước mặt một phụ nữ, ông sẽ không dám chạy trốn đâu, tôi đoán chắc như vậy.
    Thấy gã quý tộc đưa tay vào thanh kiếm, Milady kêu lên:
    - Ông nên nhớ rằng chậm trễ một chút thôi là có thể hỏng bét cả mọi việc.
    - Phu nhân nói đúng lắm, gã quý tộc đáp, vậy thì mời bà hãy đi đường bà, tôi đi đường tôi.
    Và gật đầu chào người thiếu phụ, gã nhảy phốc lên trên mình ngựa trong khi người xà ích cũng quất mạnh đôi ngựa của cỗ xe mình. Hai kẻ đối thoại phóng nước đại, xa nhau dần theo chiều ngược nhau của đường phố.
    - Kìa! Còn tiền ăn trọ, người chủ quán gào lên, lòng quý mến của y đối với người lạ mặt chuyển thành một nỗi khinh bỏ sâu sắc khi thấy gã cao chạy xa bay chẳng thanh toán tiền nong.
    - Trả đi, đồ thô bỉ! người lạ mặt vẫn vừa phóng vừa la lên với tên hầu, tên này quẳng xuống dưới chân chủ quán vài ba đồng bạc và cũng phi ngựa theo chủ hắn.
    Đến lượt mình, đ''Actanhăng cũng băng theo tên hầu và kêu lên:
    - A, đồ hèn nhát! A, đồ khốn nạn! A, đồ quý tộc giả hiệu!
    Nhưng người bị thương còn quá yếu không thể chịu đựng được một chấn động như vậy. Chưa được mười bước, tai chàng đã ù lên, đầu chàng choáng váng, một làn máu trào qua mắt chàng và chàng ngã xuống giữa phố, miệng vẫn còn kêu:
    - Đồ hèn! đồ hèn! đồ hèn!
    - Hắn quả là rất hèn, chủ quán vừa bước đến gần đ''Actanhăng vừa lẩm bẩm, thử làm lành với chàng trai tội nghiệp bằng câu phỉnh phờ đó, giống như con sếu với con ốc sên trong ngụ ngôn.
    - Phải rồi, thật là hèn, đ''Actanhăng lẩm bẩm; nhưng mà nàng, thật là xinh đẹp!
    - Nàng nào? chủ quán hỏi.
    - Milady, đ''Actanhăng ấp úng.
    Và chàng ngất đi lần thứ hai.
    - Chẳng sao, chủ quán tự nhủ, ta mất hai nhưng còn lại tên này mà chắc chắn là ta giữ lại được ít nhất vài ba ngày. Vẫn cứ là kiếm được mười một êquy đi.
    Chúng ta biết rằng mười một êquy bằng vừa xoẳn số tiền còn lại trong hầu bao đ''Actanhăng.
    Chủ quán đã tính vào mười một ngày ốm mỗi ngày một êquy, nhưng y đã tính toán không có mặt khách trọ. Ngày hôm sau, mới 5 giờ sáng, đ''Actanhăng đã dậy, tự mình xuống bếp, yêu cầu - ngoài mấy vị khác mà danh mục không đến tay chúng tôi- rượu, dầu, mê điệt (3) rồi, tay cầm cái đơn thuốc mẹ cho chàng chế lấy một thứ thuốc cao xoa lên khắp vết thương, đồng thời thay lấy băng gạc và không muốn cho một thày lang nào giúp đỡ. Chắc là nhờ ở sự công hiệu của thuốc cao Bôhêm và có lẽ cũng nhờ ở sự vắng mặt của mọi thầy lang, đ''Actanhăng hồi sức ngay tối hôm ấy và gần khỏi hẳn vào ngày hôm sau.
    Nhưng vào lúc trả tiền cây mê điệt, dầu và rượu- khoản chi phí duy nhất của người chủ tuyệt đối nhịn ăn, trong khi ấy, con ngựa màu vàng trái lại, theo lời chủ quán, ít nhất đã ăn gấp ba lần cái suất người ta có thể giả định một cách hợp lý cho tầm vóc của nó, đ''Actanhăng chỉ thấy trong túi áo cái hầu bao bằng nhung đã sờn cùng mười một êquy đựng trong đó, còn lá thư gửi ông đờ T''rêvin thì đã không cánh mà bay.
    Chàng thanh niên bắt đầu tìm bức thư hết sức kiên nhẫn, lật đi lật lại vài chục lần túi trong túi ngoài, moi đi móc lại bọc hành lý, mở ra đóng vào cái hầu bao, nhưng khi cầm chắc rằng không thể tìm thấy bức thư, chàng lần thứ 3 nổi xung, nó suýt tạo cho chàng cơ hội tiêu phí rượu vang và dầu thơm một phen nữa. Bởi nhìn thấy cái đầu trẻ bướng bỉnh kia bốc nóng và đe doạ đập phá hết mọi thứ trong quán hàng nếu chàng không tìm ra bức thư; chủ quán đã vớ lấy một ngọn giáo, bà vợ một cán chổi và mấy thằng hầu những gậy gộc đã dùng đến hôm trước.
    - Bức thư tiến cử của ta đâu? Đ''Actanhăng la lên. Bức thư tiến cử của ta đâu? Mẹ kiếp! Mẹ kiếp! nếu không thấy, ta sẽ xiên thịt tuốt lượt các người như xiên chim ri ấy!
    Khốn thay, một tình thế đã cưỡng lại việc chàng thực hiện lời đe doạ của mình: số là như đã nói, thanh kiếm của chàng trong trận đấu đầu tiên đã bị gãy thành 2 mảnh, điều chàng quên khuấy đi mất. Do đó khi chàng muốn bạt kiếm, chàng chỉ thấy mình được vũ trang thuần tuý và giản đơn bằng một mẩu kiếm dài độ hơn một gang tay mà chủ quán đã nhét lại cẩn thận vào bao. Y đã khéo léo sửa phần còn lại thành một cái xiên mỡ.
    Tuy nhiên, nỗi thất vọng đó chưa chắc đã ngăn cản được anh chàng hung hăng của chúng ta nếu như chủ quán không suy nghĩ rằng yêu sách mà người lữ khách đưa ra cho y là hoàn toàn chính đáng. Y hạ mũi giáo và nói:
    - Nhưng, thực tế, bức thư ấy ở đâu nhỉ?
    - Ừ, bức thư ấy đâu? Đ''Actanhăng quát. Trước hết ta báo cho biết đó là bức thư gửi ngài đờ T''rêvin và phải tìm cho ra; nếu không thì ngài đờ T''rêvin, chính ngài sẽ thừa biết cách tìm ra nó.
    Lời đe doạ này khiến gã chủ quán hết hồn. Sau đức vua và quan tể tướng, ngài đờ T''rêvin mà tên tuổi có lẽ được binh lính và cả các thị dân nhắc đến nhiều nhất. Đúng là còn có đức cha Jôdep (4), nhưng tên của ông, của riêng ông, bao giờ cũng chỉ được nhắc đến rất khẽ thôi, đủ biết nỗi kinh hoàng mà Các hạ xám - như người ta thường gọi vị thân tín của quan tể tướng - gây ra thật ghê gớm biết chừng nào.
    Cho nên, vứt cây giáo của mình ra xa và lệnh cho vợ và bọn gia nhân cùng vứt cán chổi gậy gộc, chủ quán là người đầu tiên nêu gương bằng cách đích thân đi tìm bức thư bị mất. Sau một lúc tìm tòi vô ích, chủ quán hỏi:
    - Bức thư đó có cái gì quý giá không?
    Trông cậy bức thư để mở đường tiến thân vào triều đình, chàng trai gaxcông bèn kêu lên:
    - Dĩ nhiên là quý giá! Nó chứa đựng tài sản của ta.
    - Những tấm phiếu về Tây Ban Nha ư? chủ quán lo lắng hỏi.
    - Những tấm phiếu về ngân khố riêng của hoàng thượng. Đ''Actanhăng đáp, chàng tính được vào phụng sự nhà vua nhờ bức thư tiến cử kia và cho rằng có thể đưa ra câu trả lời hơi mạo muội ấy mà chẳng phải là dối trá gì.
    - Chết thật! chủ quán hoàn toàn tuyệt vọng nói. Đ''Actanhăng nói tiếp với cái vẻ chững chạc của quê hương xứ sở:
    - Nhưng cái đó không can hệ! cái đó không can hệ: tiền bạc chẳng là cái quái gì, bức thư mới là tất cả. Ta muốn thà mất một nghìn pixtôn (5) còn hơn là mất bức thư.
    Có nói đến hai mươi nghìn cũng chẳng tội vạ gì thêm cho chàng đâu, nhưng một nỗi thẹn thùng con trẻ nào đó đã ngăn chàng lại.
    Một tia sáng bỗng đập vào trí óc gã chủ quán đang quá cực và chán nản vì chẳng thấy gì hết. Gã kêu lên:
    - Bức thư đó không mất đâu!
    - A! đ''Actanhăng thốt lên.
    - Không mất đâu, nó đã bị lấy cắp.
    - Lấy cắp! Mà ai lấy?
    - Lão quý tộc hôm qua ấy! Hắn đã xuống bếp, nơi để cái áo chẽn của ông. Hắn ở đó một mình. Tôi đánh cuộc rằng hắn đã lấy cắp.
    - Ông cho là thế à? Đ''Actanhăng đáp, chưa hẳn tin như vậy; chàng biết hơn ai hết tầm quan trọng có tính chất hoàn toàn riêng tư của bức thư này và chẳng thấy cái gì ở nó có thể khêu gợi lòng tham lam cả. Sự thực là chẳng một kẻ hầu, một lữ khách nào có mặt ở trong quán lại kiếm chác được mảy may gì nếu chiếm được tờ giấy ấy. Chàng nói tiếp:
    - Vậy là ông bảo rằng ông nghi ngờ cái lão quý tộc xấc láo ấy ư?
    - Tôi nói với ông rằng tôi chắc chắn như vậy. Khi tôi bảo cho hắn biết rằng quý đại nhân là người được ngài đờ T''rêvin che chở và lại có cả một bức thư gửi cho vị quý tộc lẫy lừng đó thì hắn đã tỏ ra rất lo lắng, hỏi tôi bức thư đó ở đâu và xuống ngay nhà bếp nơi hắn biết có để tấm áo chẽn của ngài.
    - Vậy thì chính nó là kẻ ăn cắp của ta rồi; đ''Actanhăng đáp.Ta sẽ kêu lên ngài đờ T''rêvin và ngài đờ T''rêvin sẽ kêu lên đức vua.
    Nói rồi, đ''Actanhăng oai vệ rút ra hai đồng êquy đưa cho chủ quán; bác ta mũ cầm tay, tiễn chàng ra tận cổng. Chàng leo lên con ngựa màu vàng , nó đưa chàng đi đến cửa ô Xanh ăngtoan. Ở Pari không gặp biến cố gì khác nữa. Tại đây, người chủ của con ngựa bán nó lấy ba êquy, như vậy là rất được giá bởi vì đ''Actanhăng đã hành nó quá sức trong chặng đường cuối cùng. Vì thế, người lái ngựa mà đ''Actanhăng nhượng lại con vật với giá chín livrơ như nói ở trên đã không hề giấu diếm chút nào nói với chàng trẻ tuổi rằng hắn trả cái giá đắt cắt cổ ấy chỉ là vì cái màu lông độc đáo của con ngựa thôi.
    Thế là đ''Actanhăng đi bộ vào kinh thành Pari, tay cắp cái gói nhỏ và đi mãi cho đến lúc tìm thuê được một gian buồng vừa với túi tiền ít ỏi của mình. Đó là một loại buồng sát mái nhà ở phố Phu đào huyệt gần công viên Luyxembua.
    Tiền đặt cọc vừa trao xong, đ''Actanhăng liền nhận chỗ ở, dành thời gian còn lại trong ngày để khâu vào áo chẽn và quần những mảnh ren viền mà mẹ chàng đã tháo một tấm áo chẽn còn mới của ông đ''Actanhăng cha và lén cho chàng. Rồi chàng ra kè Hàng Sắt thuế làm một lưỡi kiếm cho thanh kiếm của mình, xong trở lại cung điện Luvrơ hỏi thăm luôn người lính ngự lâm đầu tiên chàng gặp xem dinh ngài đờ T''rêvin ở đâu. Nó ở ngay phố Chuồng Bồ câu cũ, nghĩa là ở ngay vùng lân cận cái buồng đ''Actanhăng chọn thuê; hoàn cảnh xem ra là một điềm lành cho sự thành công của chuyến viễn du của chàng.
    Sau đó hài lòng với cách xử sự của mình ở Mơng, chẳng hối hận ở quá khứ, tin tưởng ở hiện tại và đầy hi vọng ở tương lai, chàng đi nằm và ngủ giấc ngủ của người dũng sỹ.
    Giấc ngủ đó, hãy còn theo nếp tỉnh nhỏ, đã kéo đến tận 9 giờ sáng, giờ chàng trở dậy để đi đến dinh ngài đờ T''rêvin danh tiếng ấy, nhân vật thứ 3 trong vương quốc theo sự đánh giá của ông bố chàng.

    (1) Một kiểu huênh hoang
    (2) Tiếng dùng để tôn xưng vị Hồng y giáo chủ trong cơ đốc giáo.
    (3) Cây tường vi biển lá nhỏ có hoa màu hồng.
    (4) Biệt danh Các hạ xám (1577-1638), thầy tu ở Pari là người quân sư thân tín rất có uy thế và ảnh hưởng của Risơliơ
    (5) Một đơn vị tiền tệ

  4. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    II
    TIỀN SẢNH CỦA NGÀI ĐỜ T''RÊVIN


    Ngài đờ T''roavin, như gia đình ngài vẫn còn gọi ở Gaxcônhơ, hoặc ngài đờ T''rêvin, như cuối cùng ngài tự xưng danh ở Pari, thật sự đã bắt đầu lập thân giống như đ''Actanhăng, nghĩa là không đồng xu dính túi mà bằng cái vốn liếng là hành động táo bạo, trí thông minh và đầu óc xét đoán, nó làm cho gã quý tộc quèn nghèo khó nhất xứ Gaxcônhơ thường nhận được ở các niềm ước vọng của gã vào gia tài của cha mẹ nhiều hơn kẻ quý tộc giàu có nhất xứ Pêrigo hoặc xứ Bery nhận được trong thực tế. Vào cái thời buổi mà những đòn đánh nhau dội xuống như mưa, lòng dũng cảm phi thường, vận may còn phi thường hơn của ngài đã đẩy ngài lên tận đỉnh của cái thang gian khổ mà người ta thường gọi là ơn mưa móc của triều đình mà ngài leo lên từng bốn bậc một.
    Ngài là bạn của nhà vua và, như mọi người đều biết, nhà vua rất sùng kính kỷ niệm của vua cha Hăngri IV. Phụ thân của ngài đờ T''rêvin đã phụng sự vua Hăngri IV trong cuộc chiến tranh chống lại liên minh (1) hết sức trung thành đến nỗi sau vì, không có tiền mặt- món này suốt đời người Bêac thiếu, anh ta thường xuyên trả nợ bằng cái món duy nhất không bao giờ cần đi vay mượn, nghĩa là bằng tinh thần- sau khi Pari đầu hàng, vua Hăngri IV đã cho phép phụ thân ngài đờ T''rêvin được lấy gia huy là con sư tử bằng vàng trên nền đỏ với dòng tiêu ngữ này: Fideliset Fortis (2). Về danh giá thế là nhiều, nhưng về an lạc vật chất thì xoàng. Cho nên khi người chiến hữu lỗi lạc của Hăngri IV qua đời, cụ để lại cho người con trai cái hương hoả độc nhất là thanh kiếm và cái tiêu ngữ của mình. Nhờ hai tặng vật đó và cái tên không tì ố kèm theo, ngài đờ T''rêvin được dung nạp vào cung ông hoàng trẻ. Ở đó ngài phụng sự đắc lực quá bằng thanh kiếm và trung thành quá với tiêu ngữ của nhà ngài đến nỗi vua Lu-i XIII (3), một trong những tay kiếm cừ của vương quốc đã quen nói rằng nếu nhà vua có một người bạn thân đi đấu kiếm cần người đi làm chứng thì nhà vua sẽ khuyên người đó nên lấy nhà vua trước rồi đến ngài đờ T''rêvin sau và thậm chí có thể là ngài đờ T''rêvin trước cả nhà vua nữa.
    Cho nên vua Lu-i XIII có một tình gắn bó thật sự với ngài đờ T''rêvin, một tình gắn bó vua tôi, gắn bó ích kỷ, đúng vậy, nhưng vẫn cứ là một tình gắn bó. Đó là vì trong thời buổi bất hạnh ấy, người ta rất hay tìm cách bao bọc quanh mình những người có thể chất như ngài đờ T''rêvin. Nhiều người có thể lấy làm phương châm tính từ dũng mãnh nó là vế thứ hai của tiêu ngữ trên gia huy Ngài; nhưng ít nhà quý tộc có thể thỉnh cầu tính từ trung thành là vế thứ nhất của tiêu ngữ. Ngài đờ T''rêvin là một trong số những người này: đó là một trong những tư chất hiếm hoi kia, có trí thông minh biết vâng lời như một con chó ngao, cái dũng khí mù quáng, con mắt nhanh nhạy, bàn tay mau lẹ; người đó trời cho con mắt chỉ để nhìn xem nhà vua không hài lòng về ai, cho bàn tay chỉ để đánh kẻ nào đó làm phật ý nhà vua, dù là một Bexmơ, một Môrơve, một Pont''rôđờ Mêrê, một Vit''ri đi nữa. Tựu trung, đối với ngài đờ T''rêvin, cho đến lúc đó ngài chỉ còn thiếu có cơ hội nhưng ngài rình đợi nó và ngài quyết tâm là sẽ tóm ngay lấy gáy nó nếu như có bao giờ nó qua trước tầm tay ngài. Cho nên Lu-i XIII chỉ định ngài đờ T''rêvin làm chỉ huy Đội ngự lâm quân của mình, bọn lính này đối với Lu-i XIII về lòng tận tuỵ hay đúng hơn vì lòng cuồng tín, cũng chẳng khác gì các thường binh đối với vua Hăngri III (4) và đội cận vệ Êcôtxe đối với vua Lu-i XI (5).
    Về phía mình và về phương diện này, Hồng y tể tướng không chịu thua kém nhà vua. Khi trông thấy cái đám anh tài ghê gớm mà vua Lu-i XIII tập hợp quanh mình, thì cái ông vua thứ hai hay nói đúng hơn, cái ông vua thứ nhất kia của nước Pháp, bản thân ngài cũng muốn có đội vệ sĩ của ngài: Thế là ngài cũng có lính riêng của ngài, như vua Lu-i XIII có lính riêng của vua, và người ta thấy hai thế lực đối địch ấy tuyển lựa ở khắp các tỉnh nước Pháp và ở cả nước ngoài những người nổi tiếng về tài đấu kiếm để phục dịch cho mình. Những lúc chơi cờ buổi tối, Risơliơ và Lu-i XIII thường tranh cãi nhau luôn về tài cán của bộ hạ mình. Mỗi bên khoe khoang về phong độ và lòng quả cảm của người mình, và trong khi lớn tiếng phản đối các cuộc đấu kiếm và ẩu đả xô xát, họ ngấm ngầm xúi giục thủ hạ choảng nhau, và lấy làm buồn phiền thật sự hoặc vui mừng quá đỗi về thất bại hoặc thắng lợi của quân mình. Ít nhất thì những tập Hồi ký của một người từng trải qua một vài chiến bại và rất nhiều chiến thắng ấy cũng phải nói lên điều đó.
    Ngài đờ T''rêvin đã nắm lấy chỗ yếu của chủ mình và chính nhờ sự khôn khéo ấy mà ngài được hưởng ân sủng lâu dài và chung thuỷ của một ông vua chẳng để lại được cái tiếng là rất trung thành với bè bạn. Ngài đờ T''rêvin cho đội Ngự lâm quân của mình diễu hành trước mặt Hồng y giáo chủ Acmăng Đuyplêxix với một điệu bộ tinh quái khiến bộ ria hoa râm của Các hạ dựng lên tua tủa vì tức giận. Ngài đờ T''rêvin am hiểu một cách tuyệt diệu chiến tranh của thời kỳ ấy, thời kỳ mà người ta không sống nhờ vào sự thiệt hại của quân địch thì người ta sống nhờ vào sự thiệt hại của đồng bào họ. Binh lính của ngài họp thành một đạo quân giặc nhà trời vô kỷ luật với tất cả thiên hạ, trừ ngài ra.
    Quần áo lôi thôi, mặt mày xây xát, rượu say bí tỉ, lính của nhà vua, hay đúng hơn là của ngài đờ T''rêvin rải ra trong các quán rượu, các cuộc đi dạo, các chỗ chơi công cộng, gào thét và vểnh bộ ria lên, khua vang kiếm, và huých một cách khoái trá bọn vệ sỹ của quan tể tướng mỗi khi gặp, rồi tuốt kiếm ngay giữa phố với ngàn trò đùa rỡn, thỉnh thoảng bị giết, nhưng trong trường hợp đó, chắc chắn là được người ta khóc thương và báo thù; giết người luôn nhưng yên trí rằng không phải nằm mốc meo ở trong ngục vì có ngài đờ T''rêvin đó để đòi họ về. Cho nên ngài đờ T''rêvin được bọn đó tôn thờ và ca tụng hết lời. Toàn dân đầu trâu mặt ngựa như họ mà vẫn run sợ trước ngài đờ T''rêvin như học trò trước thầy giáo, nhất nhất vâng theo từng lời và sẵn sàng lấy cái chết để rửa sạch bất cứ điều quở trách cỏn con nào.
    Ngài đờ T''rêvin đã sử dụng cái đòn bẩy mạnh mẽ đó trước hết vì nhà vua và bạn bè của vua, vì bản thân ngài và bạn bè ngài. Vả chăng thời đó để lại khá nhiều hồi ký, mà chẳng có ở trong một hồi ký nào người ta thấy vị quý tộc tôn kính ấy bị tố cáo, ngay cả bởi kẻ thù, mà ngài thì đầy rẫy kẻ thù trong làng bút cũng như trong làng gươm: chẳng ở chỗ nào người ta thấy vị quý tộc tôn kính ấy bị tố cáo là nhận tiền thù lao về sự cộng tác của những bộ hạ cuồng tín của ngài. Với một thiên tài hiếm có về mưu cơ nó làm cho ngài ngang hàng với những người giỏi bày mưu tính kế nhất, ngài vẫn là người lương thiện. Hơn nữa, mặc dầu những trận đâm chém làm gãy xương hông và những cuộc tập luyện mệt ngoài, ngài vẫn trở thành một kẻ chim gái nhất hạng, một trong những kẻ thích và sành đỏm dáng nhất, một trong những người thích nói ra những vần từ cầu kỳ khó hiểu nhất của thời ngài; người ta nói về số đào hoa của ngài đờ T''rêvin như người ta đã nói hai mươi năm trước về số đào hoa của Batvompie. Người chỉ huy đội Ngự lâm quân vậy là được khâm phục, sợ hãi và yêu mến, cái điều làm nên tột đỉnh hạnh vận của con người.
    Vua Lu-i XIV (6) hấp thụ tất cả những tinh tú nhỏ của triều đình vào trong ánh hào quang bao la của mình; nhưng phụ thân ngài, mặt trời chói sáng, đã để lại cái huy hoàng riêng cho mỗi sủng thần, cái giá trị cá nhân cho mỗi triều thần của mình.
    Ngài lễ minh khởi của đức vua (7) và của quan tể tướng, ở Pari lúc bấy giờ người ta đếm được hơn hai trăm lễ tiểu khởi hơi kiểu cách đôi chút. Trong hai trăm lễ tiểu khởi ấy thì lễ của ngài đờ T''rêvin là một trong những lễ cầu kỳ hơn cả.
    Sân trước cửa dinh chỉ huy ở phố chuồng bồ câu chẳng khác gì một trại lính và cứ như thế ngay từ 6 giờ sáng vào mùa hè và 8 giờ sáng vào mùa đông. Năm đến sáu chục nghìn lính ngự lâm quân hình như thay phiên nhau túc trực ở đó để phô trương một quân số luôn luôn hùng hậu, không ngớt đi đi lại lại, vũ trang như trong thời chiến và sẵn sàng ứng phó với mọi sự. Dọc theo một trong những cầu thang lớn mà trên địa thế đó lẽ ra nền văn minh của chúng ta đã xây dựng được cả một toà nhà, người ta thấy leo lên leo xuống những kẻ chạy vạy xin xỏ của đô thành Pari họ đuổi theo một ân huệ nào đó, những gã quý tộc tỉnh nhỏ thèm khát được thu nạp và những tên lính hầu ăn mặc loè loẹt đủ màu đến đưa cho ngài đờ T''rêvin thư từ của chủ họ. Trong tiền sảnh, những người đắc cử, nghĩa là những người được triệu đến, ngồi nghỉ ngơi trên những chiếc ghế dài vòng cung. Ở đây tiếng rì rầm kéo dài từ sáng đến chiều, trong khi tại văn phòng riêng của mình, sát liền phòng đợi, ngài đờ T''rêvin tiếp khách, nghe những điều khiếu nại, ban ra những mệnh lệnh, và giống như đức vua đứng ở bao lơn cung điện Luvrơ, ngài chỉ cần ra cửa sổ dinh thự mình để duyệt người va binh khí của ngài.
    Hôm đ''Actanhăng tới trình diện, đám người tụ tập ở đó thật uy nghi, nhất là đối với một dân tỉnh lẻ vừa từ tỉnh mình đến, đúng là dân tỉnh lẻ này là người gaxcông, nhất là vào thời đó những người đồng hương của đ''Actanhăng đã nổi tiếng là không dễ để cho người ta doạ nạt mình. Thật vậy, một khi bước qua cánh cửa đồ sộ lởm chởm những đinh dài vuông đầu, người ta rơi vào giữa một đám con nhà võ đang đi lại xem nhau ở ngoài sân, họ gọi nhau, cãi nhau và chơi đùa với nhau. Muốn vạch ra một lối đi giữa lớp sóng cồn ấy, phải là sỹ quan, quan đại thần hoặc mỹ nhân.
    Chính ở giữa đám ồn ào và hỗn độn ấy, chàng trai trẻ của chúng ta tiến bước, tim hồi hộp, sắp lại thanh kiếm dài dọc đôi chân gầy gò, một tay cầm vành mũ dạ, với nụ cười nửa miệng của dân tỉnh lẻ bối rối muốn làm ra vẻ vững vàng. Vượt qua một nhóm người, chàng liền thở dễ dàng hơn; nhưng chàng biết rằng mọi người đang quay lại để nhìn chàng và lần đầu tiên trong đời- đ''Actanhăng cho tới ngày hôm đó vẫn khá tự tin- chàng tự thấy thấy mình đáng nực cười.
    Đến cầu thang còn ghê gớm hơn nữa: trên những bậc đầu tiên, bốn lính ngự lâm giải trí bằng trò tập dượt sau đây, trong khi dưới thềm mười hoặc mười hai bạn đồng đội của họ đợi đến lượt mình tham gia:
    Một người trong bọn đứng ở bậc cao hơn, tay cầm kiếm tuốt trần, ngăn cản hay ít nhất cố ngăn cản ba người khác đi lên gác.

    (1) Liên minh thần thánh: do phái Gia tô giáo lập ra để chống lại đạo tin lành nhằm lật đổ vua Hăngri IV
    (2) Tiếng Latinh nghĩa là: Trung thành và dũng mãnh.
    (3) Lu-i XIII (1601-1643), con của vua Hăngri IV và hoàng hậu Mari đờ Mêđixix, làm vua nước Pháp; lúc đầu cai trị dưới sự nhiếp chính của mẹ, sau trao thực quyền cho Risơliơ.
    (4) Vua nước Pháp từ 1574 đến 1589; gây chiến tranh chống đạo tin lành.
    (5) Vua nước Pháp từ 1461 đến 1483
    (6) Con vua Lu-i XIII (1638-1715) và hoàng hậu Annơ Đôtrisơ làm vua nước Pháp từ 1643 đến 1715 nổi tiếng là một ông vua tự tôn và nắm quyền tập trung vào mình, thường hay nói câu "Nhà nước là ta đây".
    (7) Buổi sớm khi nhà vua thức dậy, theo tục lệ cổ thường có những nghi lễ long trọng như hô báo và có những quan chức phục dịch vào việc này, cũng như những nghi lễ khác khi nhà vua yến tiệc, giải trí hoặc du ngoạn,?
  5. Amore

    Amore Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    636
    Đã được thích:
    0
    Ba người này đấu kiếm chống lại anh ta bằng những đường kiếm lanh lẹn. Thoạt tiên, đ''Actanhăng tưởng rằng đó là những thanh kiếm dùng để tập có núm tròn ở mũi; nhưng liền sau đó qua mấy vết xây xát, chàng nhận thấy trái lại mỗi mũi kiếm đều mài nhọn và sắc ra trò, và mỗi lần gây xây xát, không những khán giả mà cả diễn viên đều cười như điên.
    Người ngự lâm quân lúc đó đứng ở bậc trên đã đương đầu một cách kỳ diệu buộc các đối thủ của mình phải kiêng nể. Mọi người xúm quanh họ; điều kiện chơi là người nào bị kiếm chạm phải thì bị loại ra, đồng thời nhượng lượt của mình được vào hầu vị chỉ huy cho người đâm trúng. Trong năm phút, ba người bị kiếm của người trấn giữ cái bậc trên đâm sướt, một ở cổ tay, một ở cằm và một ở tai, còn bản thân anh kia không bị chạm lần nào; theo quy ước đã định, sự tài tình đó đã cho anh ta hưởng ba lượt ưu tiên.
    Cái trò chơi giết thì giờ đó đâu phải quá ư khó khăn mà cốt để người ta kinh ngạc thì đã khiến chàng du khách trẻ của chúng ta kinh ngạc. Tại tỉnh mình, mảnh đất mà tuy thể chừng cái đầu bốc nóng lên đến là nhanh chàng đã thấy các sự dự bị cho những cuộc quyết đấu dẫu có nhiều hơn một chút, nhưng xem ra cái trò huyênh hoang gaxcông của bốn đấu thủ kia vẫn là ghê gớm nhất trong mọi trò huyênh hoang chàng được nghe cho tới nay, ngay cả xứ Gaxcônhơ nữa. Chàng ngỡ mình như đang bị đưa tới cái đất nước nổi tiếng của những người khổng lồ mà Guylivơ (1) đã đến từ thời xưa ấy và chàng thấy kinh hãi, trong khi đó thì chàng chưa được đi đến đầu đến đũa: còn lại cái thềm cầu thang và gian tiền sảnh.
    Trên thềm người ta không đánh nhau nữa, người ta kể chuyện đàn bà và trong phòng đợi người ta kể chuyện triều đình. Trên thềm, đ''Actanhăng đỏ mặt, trong phòng đợi chàng rùng mình. Khi ở Gaxcônhơ, trí tưởng tượng khoái hoạt và lông bông khiến chàng trở thành đáng gờm với bọn nữ tì trẻ và đôi khi với các nữ chủ nhân trẻ, thế mà chẳng bao giờ, ngay cả trong lúc cuồng nhiệt kia, lại mơ tới được một nửa chuyện yêu đương kỳ diệu và một phần tư những kỳ tích trăng hoa kia được tôn cao thêm bằng các tên tuổi nổi nhất và những chi tiết ít che giấu nhất. Nhưng nếu như lòng yêu chuộng của chàng đối với thuần phong mỹ tục thấy chướng nghịch ở trên thềm thì lòng kính trọng của chàng đối với Hồng y giáo chủ đã nổi bất bình trong gian tiền sảnh. Ở đó đ''Actanhăng hết sức ngạc nhiên nghe thấy người ta lớn tiếng chỉ trích cái chính sách của quan tể tướng từng làm cho châu Âu run sợ, và đời tư của ngài mà vô khối đại thần quyền cao chức trọng từng bị trừng phạt vì đã đi sâu tìm hiểu. Con người vĩ đại đó được ông đ''Actanhăng sùng kính, nay đang được dùng làm trò cười cho bọn lính ngự lâm của ngài đờ T''rêvin, họ chế nhạo đôi chân vòng kiềng và cái lưng gù của ngài; vài ba người hát những bài thánh ca Nôel về bà đ''Eghiông tình nhân của ngài và bà Combalê cháu gái của ngài trong khi những người khác kết bè lại chống những tên thị đồng và vệ sĩ của quận công giáo chủ; mọi chuyện xem chừng đối với đ''Actanhăng là những điều khủng khiếp không thể có được.
    Song, khi thỉnh thoảng tên nhà vua bỗng nhiên tình cờ xem vào giữa tất cả những chuyện chế nhạo Hồng y giáo chủ thì trong một lát dường như có một miếng giẻ bịt lấy tất cả cái miệng báng bổ kia; người ta rụt rè nhìn quanh và hình như sợ vách phòng ngài đờ T''rêvin có tai vậy; nhưng rồi một lời nói bóng gió vừa đưa câu chuyện trở về Các hạ, tức thì những trận cười lại nổ ra ầm ĩ, và ánh sáng chẳng nương nhẹ gì đối với bất kỳ hành động nào của ngài.
    Tất nhiên, kia là những kẻ sắp bị tống vào ngục và bị treo cổ cả lũ, đ''Actanhăng hoảng sợ nghĩ, và chắc chắn cả ta cũng bị cùng với họ thôi, vì một khi ta nghe và thấy họ chuyện trò thì ta cũng sẽ bị coi là tòng phạm. Cha ta đã dặn dò phải kính trọng đức Hồng y giáo chủ, nếu Người biết ta cùng phường với bọn tà giáo, người sẽ nói thế nào đây?
    Cho nên, dù tôi không nói ra người ta vẫn cứ ngờ được tới điều đó, đ''Actanhăng đã không dám tham gia cuộc trò chuyện; có điều chàng căng hết tròng mắt, vểnh hết lỗ tai ra mà nhìn, mà nghe, hau háu căng tất cả năm giác quan ra để cho không lọt mất một tí gì và mặc dầu lòng tin tưởng của chàng vào những lời dặn dò của cha, chàng vẫn cảm thấy những sở thích, bản năng của mình nó đưa đẩy, lôi cuốn chàng đi đến chỗ ca tụng hơn là chê trách những điều đang diễn ra ở đây.
    Song vì lẽ chàng tuyệt đối xa lạ với đám bộ hạ của ngài đờ T''rêvin và đây là lần đầu tiên thấy chàng ở nơi này, người ta đã hỏi xem chàng muốn gì. Nghe hỏi, chàng tự xưng danh rất là nhún nhường, dựa vào danh nghĩa đồng hương vị chỉ huy, rồi nhờ người hầu phòng đến hỏi chàng xin với ngài đờ T''rêvin cho chàng được vào hầu ngài một lát. Lời thỉnh cầu đó được người hầu phòng hứa bằng một giọng bảo trợ sẽ chuyển đạt đến đúng nơi đúng lúc.
    Đ''Actanhăng, chẳng còn quá đỗi ngạc nhiên như lúc ban đầu, đã có thì giờ rảnh rang một chút để quan sát những y phục và những diện mạo.
    Trung tâm của cái nhóm náo động nhất là một lính ngự lâm tầm vóc cao lớn, vẻ mặt kiêu kỳ và mặc một bộ quần áo lạ đời nó thu hút sự chú ý của mọi người. Lúc này, anh ta không mặc áo đồng phục rộng tay của ngự lâm quân- vả chăng không tuyệt đối bắt buộc trong cái thời buổi mà tự do thì ít hơn mà độc lập thì nhiều hơn- mà mặc một cái áo nịt xanh da trời hơi cũ và sờn, bên ngoài có một tấm dải bằng da để đeo gươm rất đẹp thêu kim tuyến lấp lánh như vẩy cá trên mặt nước dưới ánh nắng mặt trời. Một tấm áo khoác dài bằng nhung đỏ sẫm buông lơi một cách duyên dáng trên vai để hở ra phía trước cái dải thêu lộng lẫy treo một thanh trường kiếm khổng lồ.
    Chàng ngự lâm quân ấy vừa hết phiên gác xong than vãn là bị cảm và thỉnh thoảng làm bộ ho húng hắng. Cho nên, theo anh ta nói với người xung quanh, anh đã phải mặc áo choàng và trong khi anh ta vừa từ trên cái đầu cao kều của mình cất tiếng nói, vừa mâm mê ria mép một cách khinh khỉnh thì người ta trầm trồ ngắm nghía cái dải đeo gươm thêu và đ''Actanhăng còn thán phục hơn bất cứ người nào khác.
    - Biết làm thế nào được, cái mốt bây giờ nó thế mà; tôi biết rõ đó là một sự điên rồ, nhưng đó là mốt. Vả lại tiền của ông bà để lại cho thì cũng phải đem xài vào việc gì chứ!
    - Này Pooctox! Một người trong đám gọi to. Đừng có hòng bọn mình tin rằng cái dải đeo gươm ấy là do ông bố cậu hào hiệp cho cậu tiền sắm đâu nhé. Cái bà đeo mạng mình gặp đi với cậu hôm chủ nhật nọ ở phía cửa ô Xanh-Onorê đã tặng cậu chứ gì!
    Người vừa được gọi là Pooctox trả lời:
    - Xin lấy danh dự của tôi và lòng tin của người quý tộc mà thề rằng tôi mua lấy bằng tiền của tôi.
    - Phải rồi, một chàng ngự lâm quân khác nói, cũng như mình ấy mà, mình đã mua cái hầu bao mới này bằng cái mà nhân tình của mình đã nhét vào trong cái hầu bao cũ.
    - Thật mà, Pooctox nói, và bằng chứng là mình đã trả 12 pixton.
    Sự thán phục càng tăng, mặc dầu sự hoài nghi còn tiếp tục tồn tại. Pooctox quay lại phía một chàng ngự lâm quân khác và hỏi:
    - Có phải không, Aramix?
    Người lính ngự lâm quân này làm thành một sự tương phản hoàn toàn với người vừa hỏi và gọi anh ta bằng cái tên Aramix: đó là một thanh niên chưa đầy hai mươi hai, hai mươi ba tuổi; khuôn mặt thơ ngây và mềm mỏng, mắt đen và dịu dàng, hai má hồng và phớt mịn như trái đào mùa thu, bộ ria thanh mảnh vẽ lên môi một đường thẳng thật gọn; hai bàn tay hình như ngại buông xuống sợ mạch máu căng phồng lên, thỉnh thoảng chàng lại véo vào dái tai để giữ cho nó một sắc hồng nhạt và trong suốt. Thói thường chàng nói năng ít và từ tốn, chào nhiều và cười không thành tiếng, để lộ hàm răng đẹp đẽ mà dường như chàng rất chú ý chăm sóc tới cũng như đối với phần còn lại của thân thể. Chàng trả lời câu hỏi của bạn bằng một cái gật đầu.
    Sự khẳng định ấy có vẻ đã chặn lại mọi mối hoài nghi đối với tấm dải đeo gươm; người ta tiếp tục ngắm nghía nó nhưng không bàn tán về nó nữa; và do một sự chuyển hướng nhanh chóng của tư tưởng, câu chuyện đột nhiên chuyển sang một đề tài khác. Một chàng ngự lâm quân khác buông một câu hỏi chẳng nhằm riêng ai mà trái lại với mọi người:
    - Cậu nghĩ sao về cái điều mà viên quan hầu của ông Sale (2) kể?
    - Nhưng hắn kể chuyện gì chứ? Pooctox hỏi, giọng tự phụ.
    - Hắn kể rằng hắn đã trông thấy ở Bruxen lão Rôsơpho, bộ hạ hết lòng tận tuỵ của tể tướng cải trang thành một tu sĩ dòng capuxanh và nhờ sự cải trang ấy lão Rôsơpho khốn kiếp đã lừa gạt ông Legơ như là một kẻ ngốc nghếch.
    - Như một thằng ngốc thực sự, Pooctôx nói; nhưng chuyện ấy có chắc không chứ?
    - Tớ nghe Aramix, người kia trả lời.
    - Thật chứ?
    Aramix nói:
    - Này Pooctôx, cậu lạ gì nữa, mình đã kể với chính cậu hôm qua rồi còn gì; thôi không bàn về chuyện ấy nữa.
    - Không bàn về chuyện đó nữa, ấy là ý kiến của riêng cậu thôi, Pooctôx nói. Không bàn về chuyện đó nữa! Dễ nghe nhỉ! Sao mà cậu kết luận vội thế. Thế nào? Hồng y giáo chủ cho một tên phản bội, một thằng cướp, một kẻ vô lại đi do thám một vị quý tộc, đánh cắp thư từ của ông ta, rồi nhờ thư từ ấy, nhờ sự giúp đỡ của tên do thám ấy, cho chặt đầu ông Sale, mượn cái cớ ngu xuẩn là ông ta định giết vua rồi cho Hoàng đệ lấy hoàng hậu! Chẳng ai biết tí gì về cái điều bí ẩn ấy cả. Hôm qua cậu cho bọn mình biết, mọi người đều rất thoả mãn, và khi bọn mình đang vô cùng sửng sốt về cái tin đó thì hôm nay cậu lại đến bảo: Thôi không bàn về chuyện đó nữa.
    - Bởi vì cậu muốn thế thì cứ bàn đi, kìa! Aramix nói với vẻ kiên nhẫn.
    Pooctôx la lên:
    - Mình là viên quan hầu của ông Sale tội nghiệp thì cái thằng Rôsơpho ấy sẽ phải nếm một bữa khốn đốn với mình.
    - Và cậu, cậu sẽ trải qua một khắc thảm sầu với ngài Quận công Đỏ (3), Aramix đối đáp.
    - A! Quận công Đỏ! Hoan hô, hoan hô, Quận công Đỏ! Pooctôx vừa vỗ tay và gật đầu tán thưởng. Ngài Quận công Đỏ, thật là tuyệt. Mình sẽ truyền bá cái biệt danh ấy, các bạn cứ yên trí. Cái thằng Aramix này thông minh đấy chứ! Không may cho cậu là không đi theo thiên hướng của mình, anh bạn thân mến ơi! Cậu mà làm tu viện trưởng thì tuyệt!
    - Ồ, do chỉ là một sự chậm trễ nhất thời. Một ngày nào đó mình sẽ làm tu viện trưởng. Pooctôx, cậu biết đấy, mình vẫn tiếp tục nghiên cứu thần học vì lẽ đó.
    - Nó sẽ làm như nó nói đấy, Pooctôx tiếp, nó chỉ làm sớm hoặc muộn thôi.
    - Sớm. Aramix nói.
    Một ngự lâm quân chêm vào:
    - Cậu ấy chỉ còn chờ một điều để quyết định dứt khoát và mặc lại chiếc áo thầy tu hiện đang treo ở đằng sau bộ quân phục của mình.
    - Cậu ấy chờ đợi cái gì? một người khác hỏi.
    - Cậu ấy đợi bao giờ hoàng hậu cho ra đời một người kế tự ngai vàng nước Pháp.
    - Này các ngài, xin đừng có đùa về vấn đề ấy. Pooctôx nói, nhờ trời, hoàng hậu hãy còn tuổi để làm việc đó.
    - Người ta đồn rằng ông đờ Bâckinhâm (4) hiện đang ở nước Pháp, Aramix nói với một nụ cười tinh quái tạo cho câu nói bề ngoài có vẻ rất bình thường đó một ý nghĩa khá là bêu giếu.
    Pooctôx ngắt lời:
    - Này anh bạn Aramix ơi, lần này thì cậu sai rồi đấy. Cái tật hóm hỉnh của cậu luôn lôi kéo cậu ra ngoài các giới hạn; nếu ngài đờ T''rêvin mà nghe thấy ắt cậu sẽ chẳng còn đủ tư cách để nói như vậy.
    - Cậu lên mặt dạy đời mình đấy hả, Pooctôx? Aramix la lên, trong con mắt hiền dịu của chàng người ta thấy thoáng qua một tia chớp.
    - Này bạn ơi, Pooctôx nói, hãy là ngự lâm quân hoặc là tu viện trưởng. Hoặc là người này hoặc là người nọ, chứ đừng có vừa là người này vừa là người kia. Hôm nọ Atôx còn nói với cậu rằng cậu hay bắt cá hai tay. A! Xin đừng cáu với nhau, mình van cậu, vô ích đấy, cậu biết giữa cậu, Atôx và tớ, chúng ta đã giao ước thế nào rồi. Rõ ràng cậu đã đến nhà bà d''Egiông ve vãn bà ta, cậu đến nhà bà đờ Boa-T''raxy, em họ bà đờ Sơvrơi và cậu được tiếng là hưởng rất nhiều ân huệ của bà ta. Trời ơi! đừng thú nhận diễm phúc của cậu, không ai khảo điều bí mật của cậu đâu, người ta biết tính kín đáo của cậu rồi. Nhưng vì cậu có đức tính ấy, quỷ thần ơi, hãy dùng nó với lệnh bà. Ai muốn quan tâm thế nào đến nhà vua và quan tể tướng xin tuỳ thích, nhưng còn Hoàng hậu thì là thiêng liêng và nếu có nói đến Lệnh bà thì hãy nói điều tốt lành.
    Aramix đáp:
    - Này Pooctôx, mình nói cho cậu hay, cậu hợm hĩnh như Nacxix (5) ấy. Cậu biết rằng mình ghét nói đạo lý, trừ phi do Atôx nói, còn về cậu, bạn thân mến ạ, cậu có mỗi cái dải đeo gươm quá ư là lộng lẫy để có thể nói mạnh về mặt đó. Mình sẽ là tu viện trưởng nếu điều đó hợp với mình; trong khi chờ đợi, mình là ngự lâm quân, với danh nghĩa đó mình nói cái gì mình thích, và lúc này đây, mình thích nói với cậu rằng cậu làm mình ngán đấy.
    - Aramix!
    - Pooctôx!
    - Này các vị ơi! Các vị ơi! người ta nhao nhao lên quanh họ.
    - Ngài đờ T''rêvin đang đợi ông đ''Actanhăng. Tên lính hầu mở cửa văn phòng ra và ngắt lời họ.
    Nghe lời thông báo đó, trong khi cánh cửa vẫn mở, ai nấy im lặng, và giữa cái im lặng như tờ ấy, chàng thanh niên gaxcong đi qua một phần chiều dài của gian tiền sảnh và bước vào phòng người chỉ huy. Đội ngự lâm quân, hết sức vui mừng là đã thoát được kịp thời đến như thế cái đoạn kết của cuộc đấu khẩu kì quặc kia.

    (1) Nhân vật chính trong truyện Nhứng cuộc phiêu lưu của Xamuen Gulivơ của nhà văn Swift
    (2) Hăngri đờ Talêrang, bá tước đờ Sale (1599-1626) bị buộc tội âm mưu chống lại Risơliơ và bị chém đầu.
    (3) Các giáo chủ mặc áo đỏ (Hồng y giáo chủ). Ở đây Quận công Đỏ ám chỉ giáo chủ Risơliơ và muốn nói lên tính độc tài và tàn nhẫn đẫm máu của ông ta.
    (4) Gioogiơ Viliơ, Quận công đờ Bâckinhâm (1592-1628), tể tướng nước Anh, sủng thần của các vua Gioogiơ I và Saclơ I, chủ trương giúp đỡ phái tân giáo Pháp ở thành La Rôsen, sau bị một sĩ quan tín đồ thanh giáo ám sát.
    (5) Trong thần thoại Hy Lạp, Nacxix là một người nổi tiếng đẹp trai. Chàng tự say mê hình ảnh của mình đến mức có lần soi mình trên dòng suối sâu, chàng đã nhảy xuống nước, bị chết đuối và hoá thành một bông hoa rất đẹp, sau hoa đó mang tên chàng (hoa thuỷ tiên)

Chia sẻ trang này