Bác Ba Phi Rắn Hổ May Tát Cá Hồi xửa hồi xưa, khi mới tới đất này khai phá, rắn trong rừng U Minh con nào con nấy lớn lắm. Mới đầu, người ta kể, tui còn chưa tin. Nhưng rồi có một bữa tui cùng bả vô rừng, tính kiếm cái đìa nào lớn, nước cạn, tát bắt ít cá về ăn. Tui với bả tát tới ven rừng, nghe như có tiếng ai đang tát nước từ xa vọng lại. Chả là trong rừng có một cái đìa bề ngang chừng năm thước, bề dài chừng hơn bốn mươi thước, tui đã nhắm chừng từ bữa hổm. Tiếc thiệt, bây giờ mới tới ven rừng đã có người tát rồi. - "Ai đó mà lẹ vậy!". Tui nói bả vậy. Nhưng rồi cả hai vẫn lẹ làng đi tới. Đứng ở mé bờ đìa bên này, núp sau một thân cây tràm bự chảng, tui thấy một con rắn hổ mây ở mé đìa bên kia. Cái đuôi nó ngoéo một đầu, cái đầu nó ngoéo một bên, thân hình nó dẹp lại đu đưa. Thì ra nó đang tát nước cạn để bắt cá ăn. Tui bấm tay bả một cái đau điếng, ra hiệu đứng yên để coi con rắn hổ mây nó làm chi. Gần xế bóng mặt trời, cái đìa đã cạn, những con cá rô, cá trê đen thùi quẫy đành đạch trên bùn. Bả thích quá, kêu trời một tiếng. Thấy động, con rắn vội bỏ chạy vô rừng. Tui chỉ việc bảo bả về kêu bà con ấp xóm ra bắt mang về. Hỏng tin, mọi người hỏi bả thử coi!
Bắt Cá Kèo - Hồi xưa bác cũng đi bắt cá kèo nữa hả, bác Ba? Bác Ba đang cùng với mấy đứa cháu lối xóm ngồi chuyện trò từ trưa đến giờ dưới gốc bụi tre tàu trước nhà. Gió chướng thổi xạc xào cành lá. Ngồi thấy bác Ba có vẻ mỏi mệt, không muốn kể chuyện thêm nữa, thằng Truyền cắc cớ, kiếm chuyện hỏi thêm. - Ừ! Cá kèo tao bắt dữ lắm. Có hôm lấy ghe mà chở - Bác Ba trả lời. - Thiệt vậy hả bác? Ủa mà hồi đó bác bắt cá kèo ở đâu vậy? Thằng Truyền lại hỏi, vẻ mặt coi bộ nghi ngờ, khó hiểu. Mấy đứa trẻ khác thì mở trừng mắt nhìn theo mấy ngón tay đang múa may như phù phép của bác. - Nè, coi tao bắt đây! Bác Ba đứng dậy trỏ một ngón tay xuống đất. Tụi con nên nhớ vùng biển Đá Bạc của mình hồi đó vô cho tới tận con kinh Lung Tràm này. Cá kèo lội đặc như bánh canh trong nồi. Nhưng ngày xưa mà, đâu có phương tiện gì nhiều để bắt cá kèo như bây giờ. Chủ yếu là bắt bằng tay thôi. Cũng không phải ai cũng bắt bắng tay giỏi như tao. Tụi con coi đây. Bác Ba xòe hai bàn tay giơ lên. - Đơn giản như vầy chứ mỗi lần tao thò tay xuống sông rồi giở tay lên là bắt được mười con, mỗi kẽ tay một con, nằm im không vẫy gì được. Cá kèo coi nó trơn lùi vậy chớ không con nào chạy tuột ra khỏi được tay tao đâu. Mấy đứa nhỏ ngồi nghe chợt thấm ý, bật cười, cái đầu tụi nó gục gặc. Chỉ riêng thằng Truyền không nói, cũng không cười. Nó ngồi yên, chỉ đưa hai bàn tay ra trước mặt, cái miệng nó lép nhép nói gì như đếm thầm. Vụt một cái nó đứng dậy bước tới, nắm tay áo bác Ba Phi lại, hỏi: - Bác mới vừa nói mỗi kẽ tay bác bắt một con. Hai bàn tay có tám kẽ tất cả, vậy làm sao bác bắt được mười con một lần? Thằng nhỏ bất ngờ hỏi "trẹo cẳng ngỗng", bác Ba đớ người một lúc rồi đưa tay vỗ vỗ xuống đầu nó như thể nựng nịu. Bác xuống giọng: - Đúng thế. Thằng Truyền hỏi đúng. Thông thường làm gì bắt được một lúc mười con cá kèo như vậy. Nhưng vì tay tao bắt cá "dính" quá, nên có số cá kèo nịnh lội tới lội lui, chực sẵn bên ngoài, chờ tao thò bàn tay xuống mỗi lần như vậy, là chúng nó nhào vô hai con một lượt để "dính ké". Nhờ vậy mà mỗi lần tao giơ tay lên thì được đến mười con!
Một số bài về huyền thoại về con rắn ở rừng U Minh: Huyền thoại thầy rắn U Minh http://www.thanhnien.com.vn/Doisong/2006/9/27/163952.tno Huyền thoại rắn rừng U Minh: Những câu chuyện? dựng tóc gáy http://www.thanhnien.com.vn/Doisong/2006/11/2/168477.tno Con mãng xà dài 5,2m cân nặng 17,5 kg giờ nằm gọn trong bình rượu của một "đại gia" xứ Cà Mau
Ôi trời, cuối cùng thì chuyện Rắn may tát cá của Bác Ba Phi là xạo hay thực vậy trời? Mà người ta còn bắt cả hổ, cả cá sấu nữa mà.
Bắt gương sen (gương sen là một loài chim) Năm đó, không biết mắc cái giống gì mà gương sen tụ về cánh đồng năn sau nhà bác Ba nhiều vô kể. Con nào con nấy cả chục ký chớ không ít, thấy bắt ham. Bác Ba định bắt vài con nhậu chơi, bèn lấy sợi dây gân tóm một lưỡi câu thật chắc, móc vào đuôi con lươn bằng ngón tay cái rồi gom cỏ thành mô thả nó lên đó. Để gương sen khỏi phát hiện, cách mô vài chục thước, bác Ba trầm mình xuống nước, đầu đội giề cỏ, tay giữ chặt đầu dây còn lại có buộc sẵn một khúc tre mấy tấc. Vừa thả lươn lên mô, một bầy gương sen sà xuống tranh mồi. Con đầu tiên gắp được lươn rẩy rẩy mấy cái rồi giương cổ nuốt vào, lươn trơn vọt liền ra lỗ đít. Con thứ hai tiếp tục mổ, nuốt cũng bị y chang như vậy. Chỉ trong chốc lát có hơn chục con gương sen bị lươn xỏ dính chùm. Bao nhiêu đó cũng đủ nhậu cả xóm, bác Ba liền rút mạnh sợi dây. Lưỡi câu móc vào đít con cuối cùng. Cả bầy hoảng vía bay lên trời. Bác Ba cố hết sức bình sanh kéo ngược nó trở lại nhưng vô phương. Bỏ thì uổng, hai tay bác Ba nắm chặt khúc tre đeo theo bầy gương sen bay tuốt ra biển. Ra đến biển, thấy một chấm nhỏ phía dưới, bác Ba ngỡ là Hòn Khoai bèn thả tay rơi xuống, định quá giang ghe biển vào bờ. Ai dè, đó không phải là Hòn Khoai mà là một... chiến hạm của Mỹ. Lính Mỹ trên chiến hạm đều nháo nhào, cho bác là người từ hành tinh khác đến. Thấy vậy, bác Ba xua tay: "Nô! Nô! Tui "nô phải" người hành tinh khác đến. Tui đi bắt gương sen nhậu chơi thôi, chẳng may bị gương sen kéo bay ra biển và rớt xuống đây!". Lính Mỹ quá khâm phục tài nghệ của bác Ba nên đem rượu thịt ra thết đãi, hứa tuần sau sẽ đưa bác vào bờ. Ở dưới chiến hạm mới mấy hôm mà bác Ba cảm thấy nhớ bác gái quá xá nhớ. Một hôm, bác đứng xem lính Mỹ bắn pháo. Trời đất ơi! Nó bắn gì mà liên tù tì, hết trái này đến trái khác, phát nóng ruột. Bác nghi, chắc là nó bắn vào xóm lung của bác. Bác thủ bộ sẵn, chờ trái pháo vừa vọt ra khỏi nòng liền phóng theo om gọn phía đuôi, bay cái vèo về xóm lung. Khi bay qua xóm, bác Ba nhắm ngay cái sân trước cửa nhà mình rồi... buông tay rơi xuống. Vậy là bác Ba rơi mất... bảy ngày bảy đêm mới xuống tới đất "lận" đó(!?). Có người cắc cớ hỏi bác Ba: - Bác rơi lâu như vậy, lúc đói bác làm sao? Bác Ba trả lời tỉnh queo: -Thì... xuống ăn cơm rồi lên... rơi tiếp! Ngu sao để đói? Hổng tin... hỏi bác Ba gái tụi bây coi