1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Bác Hai Như Sanh miệt Long Xuyên.

Chủ đề trong 'Yoga - Khí công - Nhân điện - Thiền' bởi TRANTHIENNHAN, 17/02/2008.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    38. GIẢ CHƠN
    Có một cháu đến thăm Bác và nhờ Bác chỉ dạy phương pháp tu hành.
    Bác nói:
    Cháu ghé thăm Bác cám ơn, còn việc tu hành hãy coi sám giảng mà tu. Bác Hai cũng coi sám giảng để tu đó!
    Nó nài nỉ:
    Ngặt con còn kém quá, không phân biệt được giả chơn!
    Bác nói:
    Thôi đừng bày phân biệt, bỏ giả tìm chơn lu bu lắm. Có điều cháu nên nhớ là ngoài cái giả không có cái chơn.
    Cháu suy nghĩ một chốc rồi nói:
    Con không hiểu câu đó!
    Bác thí dụ:
    Thân mình là giả thân, thân cha mẹ cũng là giả thân, thế mà đem giả thân này hết lòng phụng sự cho giả thân của cha mẹ, cái hiếu đó không giả. Nó có sức cảm động đến đất trời; hay trái lại, đem giả thân này ở tệ bạc với cha mẹ, cái bất hiếu đó không giả. Tội đọa đến Địa ngục A tỳ.
    Thí dụ khác: Như mình đem đồng tiền, bát gạo giúp cho kẻ khốn cùng đói khó. Thân kẻ đó là giả thân, của mình là giả của, thế mà cái phước đó không giả.
    Sám giảng có câu:
    "Trồng cây lành vị quả thơm tho,
    Tuy không thấy mà sau chẳng mất."
    "Ngoài cái giả không có cái chơn", hay nói "Trong cái giả có cái chơn" cũng thế.Ì

    39. ĐÚNG HAY SAI
    Có chú hỏi:
    Hằng ngày ăn chay, cúng lạy, xem kinh, niệm Phật, tham thiền, vậy đúng hay sai?
    Đây là câu tiền đề, dọn đường cho một câu phản đề khác mà nó sẽ hỏi sau.
    Bác Hai nói:
    Mấy điều em nói đó cái nào cũng rất đẹp! Hằng ngày làm được mấy điều trên là quí lắm. Nhưng hãy xét lại lòng mình xem có bình an thoải mái không? Và trí tuệ có minh mẫn không? Bác chỉ nói đến minh mẫn thôi, chứ không nói đến phát huệ. Nếu lòng mình bình an thoải mái, trí tuệ minh mẫn là đúng. Ngược lại hằng ngày vẫn làm như trên mà lòng còn u buồn ray rứt, trí tuệ còn mờ mịt là còn sai, hãy tự tìm mà sửa lấy! Dụ như cái máy mới sửa, thay toàn bộ cái gì cũng tốt cả, nhưng quay không nổ hoặc nổ chân ba không êm là còn sai, còn trục trặc gì đó, phải chỉnh lại cho đúng nó mới êm.
    Bác không biết em nó định hỏi gì, nhưng khi trả lời như vậy hình như nó thỏa mãn không hỏi thêm nữa!

    40. BÀI DỄ LÀM TRƯỚC
    Có đứa cháu nói với Bác:
    Con không tu thì thôi, nếu tu con thích lên núi.
    Nó tính lên núi tu mau chứng quả.
    Bác Hai nói:
    Đức Thầy không phải dạy tu thấp đâu, mà Ngài dạy tu cho kịp thời cơ. Cháu từng học ở nhà trường cũng biết; khi đi thi, thầy cô thường dặn bài nào dễ làm trước, câu hỏi nào dễ đáp trước. Nếu cứ lo giải đáp bài khó, chừng mãn giờ cái khó làm chưa xong, cái dễ thì chưa làm, thế là hỏng!
    Hội này là hội thi đấy!
    "Thiên Đình lịnh mở hội thi". ( ĐT).
    Nên cái gì trong tầm tay mình cứ làm xong đi! Như ơn cha nghĩa mẹ, chòm xóm, đồng bào nhơn loại đó, hãy tu coi cho được sẽ có điểm, vậy mới kịp ngày lập hội.
    Sám giảng có câu:
    "Đền nợ thế nghĩa ân trọn vẹn,
    Chừng lập đời khỏi thẹn tấm thân".
    Chớ mong tìm cái cao xa mà lỡ cuộc!.

    41. RÚT LUI LẸ LẸ
    Có lần Bác ghé nhà người chị thăm chơi. Cơm sáng xong Bác kiếu về.
    Chị ấy nói:
    Mới ăn cơm rồi không nói gì hết, về sao?
    À! Để tôi nói chuyện này chị nghe:
    Bữa đó có hai cô gái đi đàng trước, anh bạn tôi đi sau, nghe mấy đứa nói với nhau:
    Mầy nữa có chồng, chỗ nào bà già ăn chay trường mầy bái tổ rút lui lẹ lẹ nhen!
    Sao vậy? Cô kia hỏi.
    Mấy bà ăn chay trường khó dàng trời mây đi!
    Thuật đến đây Bác Hai nói với chị chủ nhà:
    Thôi để tôi rút lui lẹ lẹ nhé!
    Chị cười đáp:
    Dạ được, chuyện kể đó đủ bữa cơm rồi!!{

    42. NÊN THEO CÂU NÀO
    Một cư sĩ hỏi Bác:
    Đức Thầy có chỗ dạy:
    "Sớm với chiều gắng chí nguyện cầu
    Thì mới được tòa chương dựa kế".
    Chỗ khác Ngài lại dạy:
    "Tu không cần lạy cần quì,
    Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau".
    Vậy phải theo hai câu nào mới đúng?
    Bác nói:
    Theo hai câu sau mới chánh, còn sự cúng lạy chỉ là điều phụ thuộc:
    "... Cúng với lạy khó trừ cho đặng" ĐT).
    Nó là điều phụ thuộc để nhắc nhở mình nhớ bổn phận mà thôi!
    Tóm lại phải theo hai câu sau, nhưng mà nên xét kỹ xem, có làm biếng thì sửa ngay.
    "Ngồi đâu cũng sửa..." là vậy!
    Thế là không thể bỏ câu nào cả! Cô nói
  2. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    43. CẦN GÌ BIẾT LỘI
    Một hôm nói chuyện với các bạn, trong bàn có một cư sĩ mà Bác không quen lắm. Câu chuyện đưa đến chỗ Bác nói:
    Muốn vớt kẻ đắm thuyền, mình phải biết lội mới được.
    Chú cư sĩ ấy bẻ:
    Như có đứa bé té xuống mương cạn, nước chỉ tới bụng thôi! Tuy nhiên đối với nó cũng nguy hiểm đến tính mệnh. Mình nhảy xuống vớt nó lên, đâu cần phải biết lội?
    Thấy chú cư sĩ quá nệ danh từ, không thông cảm ý người đối thoại. Bác thuật thêm câu chuyện:
    Chú nói vậy, tôi nhớ hồi mới tiếp thu, có mấy chú Bộ đội muốn lội qua con rạch nhỏ, nên hỏi thăm ông lão ngồi bên bờ:
    Bác ơi Bác! Rạch này lội qua được không Bác?
    Ông lão đáp:
    Được, người ta lội qua hoài có gì đâu?
    Thế là mấy chú Bộ đội xăn ống quần lên lội qua độ một mét, hụt chân nước tới cổ, hoảng hồn bò lên bờ càu nhàu:
    Vậy mà Bác bảo lội được!
    Ông lão nói:
    Cứ phóng đại qua đi chừng một sải là tới mé bờ bên kia hà!
    Mấy chú Bộ đội trách:
    Giời ơi! Bơi mà Bác gọi là lội thì chết tụi con rồi!
    Mọi người cười xòa; đó là không thông cảm danh từ.
    Cái Bác muốn nói ở đây là:
    "Tập cho mình bơi lội thật hay,
    Mới có thể vớt người chìm đắm". (TS)
    Lẽ đương nhiên phải vậy. Chú cư sĩ kia lại kéo qua việc lội dưới mương cạn thế là hết nói!
    Qua chuyện trên, Bác Hai thấm thía được hai câu giảng của Đức Thầy:
    "Nền đạo đức ta bày quá cạn
    Mà dương gian còn gạn danh từ"

    44. CHÁU PHỤ TÔI RỒI
    Một hôm nói chuyện với các cháu về cái khổ nằm ở trong lòng mình, khỏi phải lo đổi thay ngoại cảnh. Rồi Bác đưa ra câu chuyện:
    Bác có một người bạn mang một nỗi khổ tâm cực kỳ nghiêm trọng về vấn đề gia đình. Anh quyết định tự vận, đêm ấy anh viết thư tuyệt mạng xong, vừa bưng ly độc dược lên uống, anh chợt nhớ đến mấy người bạn cư sĩ ở núi Cấm. Anh liền nghĩ lại:
    Thôi, kể như mình đã uống và đã chết rồi! Mai mình đi tu quách cho xong, ai làm gì đó thì làm.
    Hạ quyết tâm xong, lòng anh rất yên ổn.
    Sáng hôm sau anh lên núi Cấm tu. Xế chiều, anh em kéo nhau lên vồ Bồ Hong ngồi nhìn xuống núi, anh nói:
    Hồi hôm, nều tôi uống ly nước đó thì bây giờ đã chôn cất xong rồi, ai về nhà nấy, riêng mình thì nằm dưới lòng đất lạnh, việc đời thì vẫn cứ trôi qua!
    Bác kết luận:
    Nỗi khổ đến tự vận không phải là nhỏ, thế mà anh chỉ đổi quan niệm thôi (kể như mình chết rồi) tự nhiên hết khổ, bước sang một giai đoạn khác như trở bàn tay.
    Thì ra cái khổ nằm trong lòng mình, chứ không nằm trong cảnh. Trường hợp của anh bạn trên hoàn cảnh vẫn còn y mà anh được yên tâm.
    Ngay lúc đó có một cháu cư sĩ lẹ miệng nói:
    "Mượn cảnh tịnh cho lòng thanh tịnh
    Chưa phải là chơn chánh pháp môn".(TS)
    Ông ấy tu như vậy có đúng không?
    Bác than:
    Thôi! Vậy là cháu phụ tôi rồi!

    45. SỐNG NHƯ LỤC BÌNH
    Một hôm Bác ghé thăm chú Tám, người bạn cư sĩ. Gặp Bác chú liền than phiền:
    Thiệt! Bây giờ không biết sống làm sao cho yên, nay bắt mai thả hoài!
    Bác nói:
    Thôi, "sống như lục bình" vậy! Có trôi đâu, tấp đâu thây kệ, lục bình đâu có quyền đòi hỏi một bến đỗ an toàn. Chỉ một lượn sóng nhỏ, một làn gió nhẹ cũng đủ làm nó tan tác. Thế mà nó vẫn nẩy nở và trổ bông được. Vậy là nó đã thể hiện được sức sống của nó rồi. Còn mình sống giữa biển trần đầy sóng gió cũng thế. Đâu ai chịu cho mình một bến đỗ an nhàn! Thôi thì kiếp phù sinh có truân chuyên trôi giạt thế nào cũng mặc. Điều quan trọng là làm sao tâm hồn mình trưởng thành và thăng hoa là được rồi.

  3. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    46. SAO KHÔNG BỀN?
    Có một đồng đạo hỏi:
    Sao có người tu hạnh rất cao, thấy dễ nể, rồi ít lâu lại sa ngã, bỏ đạo?
    Bác đáp:
    Không cánh mà tung mình lên để bay thì phải rớt thôi!
    Có người tu thật tinh tấn, ít lâu lại lui sụt, giải đãi! Sao vậy?
    Đi nhón gót thì đi chơi được ít vòng chứ đi lâu dài sao được!

    47. GIỌT NƯỚC CÀNH DƯƠNG
    Một vị nữ tu xuất gia ở chùa. Cô bị đau tim, con nhà nghèo, học vấn kém. Cô hay tủi thân, mặc cảm vô phước nên cứ buồn khóc hoài! Đồng đạo khuyên lơn, cô lại càng khóc nhiều hơn!
    Một hôm Bác đến chơi, cô trụ trì trình bày sự tình và dẫn cô ra nhờ Bác khuyên giùm, biết đâu có duyên giúp cô bớt khổ được.
    Bác nói với cô ấy:
    Ờ! Khóc được cứ khóc, mà thay vì khóc cho bản thân mình, nên khóc giùm cho kẻ khác, mình sẽ hết khổ. Sự thật dù định mệnh có khắt khe đến đâu, nhìn kỹ xung quanh mình vẫn còn có biết bao người đáng khóc hơn, đau khổ hơn. Khóc thương cho kẻ khác, cháu sẽ được niềm vui.
    Nhìn ra sân chùa thấy tượng Quan Thế Âm lộ thiên tay cầm tịnh bình, tay cầm nhành dương liễu, Bác nói tiếp:
    Giọt nước mắt vị tha là giọt nước cành dương, nó rưới tan những ưu sầu phiền não. Còn giọt nước mắt khóc cho bản thân là giọt lệ đắng cay! Tánh hay khóc thì khóc giùm cho người ta, mình sẽ hết khổ.
    Ít lâu sau, có mấy cháu gái gặp Bác cho hay;
    Nhờ Bác khuyên mà cô ấy dạo này bớt khóc nhiều lắm rồi, cô mừng lắm!

    48. TẠI SAO PHẢI TU ?
    Có người hỏi:
    Sám giảng có câu:
    "Nhìn Phật giáo mà tìm cái lý
    Coi tại sao ta phải tu hành".
    Vậy tại sao ta phải tu?
    Bác đáp:
    Câu đó không phải để tìm giải đáp chung mà mỗi người nên tự hỏi và tự trả lời. Câu trả lời cũng thay đổi theo hoàn cảnh và trình độ tiến hóa của mỗi cá nhân. Có người buồn việc nhà, thất vọng hoặc sợ tận thế... rồi phát tâm tu, như Bác Hai vì bệnh lao phổi tuyệt vọng mới tu. Rồi thời gian qua, lời giải đáp cũng thay đổi theo sự trưởng thành của mình.
    Hiện nay Bác Hai tu không vì tuyệt vọng nữa, mà vì thấy đường tu rất đẹp! Tu là hạnh phúc, cho nên vẫn theo đuổi việc tu hành. Và nếu ngày mai trưởng thành hơn nữa, câu trả lời sẽ khác và xác thực hơn!

    49. HƠN Ở HỌC NHIỀU
    Có mấy cháu tìm đến học hỏi kinh nghiệm tu hành với Bác Hai.
    Bác thường nói:
    Thật ra Bác không giỏi gì hơn mấy cháu đâu! Có chăng Bác hơn ở chỗ Bác học với mấy cháu nhiều hơn mấy cháu học với Bác.
    Mấy cháu hơi hoài nghi lời nói đó, nhưng đấy là sự thật. Cái khôn ngoan hay cái sai lầm quê dốt của kẻ khác, đều là bài học quí cho mình. Có điều cần phải nhận ra được những bài học ấy.
    "Nhận được cái ngu là khôn
    Nhân được cái quấy là phải ".

    50. XỊT SÂU TỘI KHÔNG ?
    Hồi trước lúc còn ở chùa Từ Quang, Bác có làm bốn công lúa Thần Nông.
    Có cô cư sĩ đến hỏi:
    Anh làm lúa có xịt sâu không?
    Có chứ! Bác đáp.
    Xịt vậy có tội không?
    Tội chứ, giết người ta mà!
    Tội sao anh làm?
    Không làm, để người khác làm mình ăn, đã có tội mà còn thêm tánh xấu: "Tánh ăn gian" nữa!

  4. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    51. MÌNH HAY MA !
    Có bà già đau mê man mấy ngày rồi tỉnh lại. Bà nghe người xung quanh bàn tán: "Có người chết rồi bị ma nhập xác, sống lại ăn uống thời gian chừng ngả ra chết là sình lên, giòi lúc nhúc". Thế nên bà bàng hoàng, ngờ vực, lo ngại không biết mình đây là người hay là ma quỷ nhập. Thậm chí con cháu về đêm cũng ơn ớn bà nữa! Bà đem tâm sự than vãn với Bác. Bác giải thích:
    Nếu chị biết sợ, vậy là chị chớ ai!
    Nói thế mà thấy bà vẫn chưa yên tâm, Bác đổi lối dẫn dụ khác:
    Thôi kể như mình là ma đi! Ma hay quỷ không phải là vấn đề, miễn mình còn biết niệm Phật, sợ tội phước, lo tu hành là đủ rồi.
    Đức Thầy có dạy:
    "Dẫu Tiên, Phàm, Ma, Quỷ, Súc sanh
    Cứ nhứt tâm tín nguyện phụng hành
    Được cứu cánh về nơi an dưỡng..."
    Như vậy dù mình là người hay ma quỷ cũng chẳng sao! Miễn người còn biết tu hiền niệm Phật là được rồi!
    Nghe tới đó bà mỉm cười có vẻ an tâm lắm!

    52. NÓI LẠI CHO ĐÚNG
    Có cháu cư sĩ thường đến mua sách ở một sạp sách bán sold (thanh lý) tại Thành phố và quen thân với chủ sạp. Một hôm nó đến đó tìm mua sách, chợt có người khách cũng quen với chủ sạp ghé vào. Gặp nhau họ bàn bạc về vấn đề tôn giáo một hồi. Cuối cùng người khách nói:
    Đạo Phật chủ trương làm lành!
    Chủ sạp bác:
    Không, đạo Phật không chủ trương làm lành.
    Câu chuyện đến đây thì người khách kiếu đi.
    Cháu cư sĩ về nhà trọ mà lòng cứ mãi bứt rứt, đến sáng thay vì ra bến xe Miền Tây nó quay lại sạp sách hôm qua.
    Chủ sạp hỏi:
    Ủa! Anh bảo hôm nay về, sao còn trở lại?
    Cư sĩ đáp:
    Hôm qua, nghe anh với ông khách bàn luận về "Đạo Phật chủ trương và không chủ trương làm lành" đó! Tôi chưa thỏa mãn, vì nói như vậy chưa đủ.
    Người bán sách hỏi:
    Vậy theo anh, phải nói làm sao mới đủ?
    Theo tôi, đồng ý với anh là Đạo Phật không chủ trương làm lành, nhưng hễ làm ra, đều là lành cả!
    Người bán sách tươi cười, gật đầu tỏ ý rất hài lòng. Cháu cư sĩ nói tiếp:
    Vậy là mai tôi có thể về.
    Chuyện trên được kể lại cho người bạn Bác Hai nghe. Anh ấy nói:
    Tôi cũng vậy, có lần trả lời lỡ một câu, mà không ngủ được! Hôm ấy, có mấy cháu gái đến thăm tôi. Nó than vãn việc làm ăn thất bại, lỗ lã và nói sự tổn thất nhiều mặt nặng nề do sự túng quẫn gây nên. Chúng kết luận:
    Mất tiền là mất tất cả, phải hôn Bác?
    Tôi trả lời:
    Ừ! Câu chuyện kết thúc. Trời tối, mấy cháu về nhà quen nghỉ. Còn lại một mình, tôi ôn câu chuyện đàm luận với mấy cháu ban nãy, bỗng nhớ lại việc mình tán thành câu nói "Mất tiền là mất tất cả" là sai rồi! Thế là tôi ngủ không yên, khoảng bốn giờ sáng, tôi chống gậy lần mò đến nhà quen mà mấy cháu nghỉ trọ, để đính chính. Gặp chúng nó tôi nói: "Câu nói "Mất tiền là mất tất cả" mấy cháu hỏi đêm qua, Bác ừ là sai, không đúng đâu! Mà chỉ có:
    "Mất Đạo mới là mất tất cả"
    Bấy giờ lòng tôi mới yên!

    53. KHÔNG HẾT THAM
    Có đồng đạo hỏi:
    Sao tu hoài không thấy tiến, không hết tham?
    Bác nói:
    Vì không trau sửa tấm lòng, chỉ đổi đối tượng nên tu hoài cũng vậy. Hồi chưa tu thì ham quyền thế, tiền của. Bây giờ tu thì tham phước đức, mong cho mau thành Phật, thành Tiên, đấy cũng là lòng tham thôi!
    Đổi đối tượng chứ không đổi lòng tham, có khi còn tham hơn. Thế nên, tu hoài mà không hết tham vậy!

    54. KHỔ NHẤT TRẦN GIAN
    Bác quen với mấy cháu làm giáo viên. Tụi nó thuật:
    Có một cô ở gần nhà luôn than vãn:
    "Tôi là người khổ nhất trần gian!"
    Bác cũng không hỏi xem khổ cái gì mà dữ vậy!
    Ít lâu sau, có dịp Bác ghé lại đó chơi. Mấy cháu nói:
    Cái cô mà có lần tụi con nói với Bác là khổ nhất trần gian đó! Bây giờ hết khổ nhất rồi.
    Sao vậy? Bác hỏi.
    Bởi có lần cổ đi vô trại ruộng, bên dưới kinh, tại đó chiếc xuồng cà rèm của hai vợ chồng nghèo lắm! Người vợ còn ôm con đỏ, mà họ cứ cắn đắng, gây gổ nhau luôn.
    Tối nọ, không biết xảy ra việc gì mà ông chồng đánh chửi bà vợ thậm tệ, rồi đuổi lên bờ. Còn hăm he:
    "Trại nào mà chứa vợ tôi, tôi sẽ phá trại đó luôn!"
    Bà vợ phải ngồi dưới gốc cây ôm con khóc suốt đêm!
    Cô nói:
    Thấy người ta thân phận đàn bà như mình mà vô phước quá! Đã nghèo đói, khổ sở, mà còn gặp ông chồng chẳng ra gì, lỗ mãng, vũ phu không tình nghĩa gì cả! Cô thông cảm và xót thương người đàn bà kia. Cô nghĩ phải có đem tiền theo, cô sẽ giúp đỡ họ phần nào.
    Thì ra gặp cảnh đó, nên bây giờ cô thấy "khổ nhì" rồi!
    Nhân đó, Bác nói nhắn với mấy cháu bảo cô ấy nhìn xuống một chút sẽ bớt khổ, cứ nhìn lên mấy bà hoàng hoài thì "khổ nhứt" hà!
  5. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    55. ĐẠO PHẬT Ở ĐÂY NÈ !
    Một hôm ở chùa Từ Quang, mấy cháu thanh niên ngồi xung quanh nền mộ "Thầy Phó" đàm luận đạo đức.
    Cùng lúc đó có một cháu đang lăn phuy xăng ỳ ạch. Đến khi dựng đứng phuy lên, nó nhấc không nổi!
    Bác Hai chạy lại tiếp nhưng cũng không kham vì sức Bác có ăn nhằm gì. Bác vỗ vào phuy xăng bình bình nói lớn:
    Đạo ở đây nè! Mấy đệ lại đây tu!

    56. LỠ DỊP LÊN THIÊN ĐƯỜNG
    Lần đó Bác đạp xe lên Long Xuyên. Phía bên kia lề đường, gần cầu Rạch Gòi, thấy một người đang bơm xe Hon đa, một tay thì bơm, một tay thì với vịn cái vòi xe, trông khó khăn lắm!
    Bác muốn chạy qua vịn giùm cái vòi cho ông ấy bơm, mà xe trên cầu cứ đổ xuống dốc ồ ạt, rất khó qua. Bác đành đạp xe đi luôn! Đi đã khá xa mà trong lòng vẫn còn ray rứt.
    Bác tự nghĩ, phải lúc nãy mình quyết định không ngại khó, qua giúp người thì đẹp biết mấy! Chuyện dù không đáng, nhưng thể hiện được tình người. Sự tương trợ đúng lúc cần dù nhỏ, lớn cũng là niềm vui vô hạn!
    Hôm nay mình bỏ lỡ một dịp lên Thiên đường rối đấy!

    57. MỖI NGÀY MỘT BÀI NGUYỆN MỚI
    Một hôm, Bác cúng xong, nảy ra một ý nghĩ bèn nói với người bạn ở chung nhà:
    Lẽ ra mỗi ngày mình phải có một bài nguyện mới. Mới ở đây không phải đặt ra bài nguyện khác, mà là khi đọc bài nguyện, lòng mình phải thiết tha như mới phát nguyện lần đầu vậy. Chứ không phải nguyện như học trò trả bài!

    58. NIỆM PHẬT BẢN LAI
    Có cô ở Long Xuyên nói với Bác:
    Anh hai giải giùm thế nào là Niệm Phật Bản Lai? Tôi nghe thấy huynh kia bảo xoay cái niệm vô trong làm sao đó mà tôi không hiểu nổi!
    Bác nói:
    Tôi không biết niệm theo lối đó!
    Chừng Bác kiếu về, cô ấy nói:
    Mua bán nhiều lúc cũng phiền ghê! Cúng xong, ngồi niệm Phật cũng không yên, người ta cứ kêu mua đồ hoài, vừa xả ra bán, mới ngồi lại thì người khác kêu nữa! Mà nghĩ cho cùng cũng tại mình bày buôn bán nên mới có cảnh này chứ sao! Nhưng tôi trong cảnh mẹ góa con côi, mà làm ruộng, làm sao nuôi con ăn học nổi!
    Nghe cô than như vậy, Bác nói:
    Hồi sáng cô hỏi việc niệm Phật bản lai, tôi không trả lời, vì thật ra tôi không biết cái vụ niệm xoay vô, xoay ra sao đó; còn bây giờ để tôi nói niệm Phật bản lai cho cô nghe nhé!
    Mỗi khi niệm danh hiệu Phật, cô phải nhớ luôn đến đức Từ, Bi, Hỷ, Xả của Phật đề lòng mình nương theo đó mà được thanh tịnh, mà ứng dụng tinh thần từ bi ấy vào trong đời sống.
    Bấy giờ, người ta có kêu lúc cô đang niệm Phật, cô lấy lòng Từ Bi Hỷ Xả ra để xử sự, tiếp đã vui vẻ, mua bán nới nang, chẳng những có tình nghĩa mà việc làm ăn cũng phát đạt. Bán xong, mình tiếp tục niệm nữa, như vậy vừa niệm Phật vừa có lợi. Nếu chấp ở chỗ tiếng niệm Phật phải dính liền, có người kêu tức bị đứt đoạn. Còn niệm Phật như trên thì không bị đứt, mà còn có lợi ích thiết thực nữa.
    Sau này, trên Chắc Cà Đao có vợ chồng chú Út, họ rủ nhau tu kình. Khuya ông cúng xong, ngồi niệm Phật, còn thím Út phải gánh rau cải ra chợ bán. Thím nghĩ buồn vì thân phận đàn bà thua thiệt quá!
    Có một cháu, biết câu chuyện niệm Phật bản lai nói trên, đem thuật lại cho thím Út nghe. Từ đó, Thím hoan hỷ lắm! Khuya thím vui vẻ gánh cải ra chợ bán, thím còn nói thầm (sau này thím thuật lại) với ông chồng: "Ông ngồi đó niệm Phật. Ông niệm Phật chưa chắc gì ai nhờ, chứ tôi ra chợ niệm Phật người ta nhờ lắm đó!"
    Công việc không đổi, chỉ cần đổi quan niệm mà từ thua trở thành thắng, cái bứt rứt đổi ra vui vẻ nới nang, nhường nhịn, được ưa mến và đắt hàng.

    59. NHẸ LÁCH
    Hôm nọ Bác đi xe đò, chật quá phải ngồi trên mui. Bác thấy một con gà mái đang bươi ăn giữa lộ, xe tới nó hoảng chạy, nhưng chạy xuôi chiều xe. Khoảng cách giữa gà và xe cứ thu ngắn dần: 4m, 3m rồi 2m, thấy gà sắp bị xe cán chết đến nơi, bỗng nó tạt ngang vô lề, xe chạy trớt, nó đứng tỉnh bơ như không việc gì cả!
    Bác suy tư:
    Trong đời thường của chúng ta cũng vậy. Vói các cuộc đấu tranh vô cùng phiền lụy, ta chỉ cần "nhẹ lách" qua bên là được yên ổn ngay!

  6. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    60. LÀM PHÁCH
    Có người nói:
    Tôi với người ngoài thì sao cũng được, còn em út, con cháu trong nhà mà nói không nghe thì bực tức quá! Sao vậy anh?
    Bác nói:
    Tại "làm phách" chớ sao! Tính mình là kẻ cả, bảo kẻ dưới nó không nghe thì tức chịu không được! Chứ mình tính nó như bao nhiêu người khác, thì đâu có vấn đề. Nghe thì nó nhờ, không nghe thì thôi.

    61. PHÁP MÔN GIẢI THOÁT ?
    Bác có người bạn, xưa là sĩ quan, nay đã thất sũng. Một hôm, Bác gặp mấy anh mang hình thức của người tu. Qua câu chuyện trau đổi ngăn ngắn, anh bạn hỏi:
    Thời này, mình nên tu giải thoát hay không, và tu pháp môn nào mới giải thoát?
    Bác nói:
    Thời nào cũng cần phải tu giải thoát cả! Ngặt một điều là không có pháp môn giải thoát.
    Anh bạn ngạc nhiên nhìn Bác.
    Bác nói tiếp:
    Cũng như không có cái kiếng biết chữ, mình phải biết chữ rồi, khi mắt bị làn thì mua mắt kiếng về mang để lấy chữ. Chứ không có mắt kiếng để mang cho biết chữ. Tóm lại, không có pháp môn giải thoát. Chỉ có những tâm hồn giải thoát hay không thôi. Nếu tâm hồn cởi mở thì hành pháp môn nào cũng giải thoát. Nếu lòng còn câu nệ, cố chấp, nhiễm ô... thì pháp môn nào cũng trói buộc cả!

    62. TU THẾ NÀO?
    Có lần Bác về thăm chú Ba, một người bạn thân. Anh em bàn luận đạo lý một hồi, rồi chú hỏi:
    Anh bây giờ đang tu như thế nào?
    (Ý chú muốn hỏi xem Bác đang tu Thiền, Tịnh, Phước hay Huệ...), Bác không trả lời việc đó, mà nói:
    Nãy giờ thì không có tu!
    Lẽ ra câu trả lời tới đó là đủ, nhưng sợ sau này em cháu nghe như vậy đâm hoang mang nên Bác ráng nói thêm:
    Nếu lát nữa có chuyện gì thì tu.
    Sau này nghe chuyện, chúng tôi nhờ Bác nói thêm cho rõ vấn đề hơn.
    Bác ví dụ:
    Mình đang coi lái ghe, mà nãy giờ ghe đi ngay, mình không cần bẻ lái; nếu nó chinh lũi, bấy giờ mới bẻ. Nãy giờ Bác nói chuyện đạo, tâm không nghĩ quấy thì có gì để mà tu, sửa. Nhưng nói ngắn quá, sợ em cháu sau này hoang mang nên nói thêm "lát nữa nếu có gì thì tu" là vậy!

    63. ĐỪNG ĐẶT THÀNH VẤN ĐỀ
    Một hôm, có đứa cháu là thợ may, đến thăm và hỏi Bác:
    Con may đồ, rồi trao hàng cho khách khác phái, con trao thẳng cho họ được không, hay phải qua trung gian (để xuống bàn ghế...) để người ta lấy? Hồi xưa có lệ là "nam nữ thọ thọ bất thân": Chữ thọ trước là trao, chữ thọ sau là nhận, tức nam nữ không được nhận đồ trực tiếp, mà phải để qua một trung gian nào đó rồi mới được nhận. Có mấy huynh trưởng dạy con như vậy.
    Nghe nó kể, Bác cười nói:
    Chuyện đó đã lỗi thời rồi. Đừng đặt thành vấn đề thêm khó khăn, rắc rối. Trao hàng làm như vậy, còn đo cắt mới làm sao? Hay đi xe ngồi chen chúc giữa nam nữ thì sao?
    Thôi, việc đời cứ tùy tiện, quan trọng là phải "chính tâm".
    64. TU NGAY ĐI !
    Mấy mươi năm trước, có lúc Bác đi bán củi tràm ờ Đồng Tháp với người bạn.
    Vùng Đồng Tháp đất khô cằn, không có cây cối, nên nhà nghèo cũng phải ráng mua củi, chứ không quơ đâu được.
    Ghe chèo ngang một chòi nọ, có người đàn bà ẵm con chạy ra, kêu lại hỏi giá. Bác nói:
    Củi 100đ một mét.
    Cô ấy trả 90 đ, 95 đ, rồi 97 đ.
    Bác nói:
    Chúng tôi bán không có thách giá.
    Cuối cùng cô đồng ý mua một thước. Khi trả tiền đếm đến 95 đ, cô dừng lại xin bớt 5đ. Bác không chịu. Cô trả thêm 2 đ và nói:
    Bớt 3 đ cho con tôi ăn bánh đi ông!
    Bác muốn cho nhưng nghĩ lại "mình đi hùn với bạn, nếu rộng rãi quá cũng ngặt" nên từ chối. Cô ấy phải trả đủ.
    Xô ghe ra chèo đi. Bác ngẫm nghĩ: "Người ta nghèo, xin bớt 3 đ cho con ăn bánh, mà mình không cho; trong khi đó mình định đi buôn để kiếm vốn lên bờ tu".
    Muốn tu thì "tu ngay đi" còn chờ lên bờ, xuống nước gì nữa!
    Chuyện nhỏ, chớ lòng Bác ray rứt mãi đến ngày nay đấy. Luôn luôn tự nhắc mình "Hãy tu ngay hiện tại".
  7. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    65. TỘI CẤT ĐẦU KHÔNG LÊN
    Có một ông đạo nhỏ ra đời khuyến dạy người ta tu hành. Nhiều người đến hỏi đạo, có người hỏi:
    Làm thần nông xịt sâu có tội không?
    Đạo nhỏ ấy đáp:
    Tội chứ, giết người ta làm sao mà không tội!
    Một người bán tiệm hỏi:
    Mua bán có tội không?
    Ông đạo đáp:
    Mua một đồng bán 80 xu thì không tội.
    Bác Hai nghe thuật lại chuyện ấy, Bác nói:
    Mua bán như vậy "tội cất đầu không lên", chứ sao không tội.
    Ai không tin làm thử coi!!!

    66. SAY THÌ CÓ TỘI
    Có lần Bác dự tiệc nhà người bạn. Họ đãi mặn, có riêng một mâm chay. Đồ chay dầu nhiều, hơi khó chịu, Bác với lấy ly bia uống ít hớp. Chủ nhà mừng quá nói:
    Ừ, vậy mới thông cảm chứ!
    Một người bạn khác nói thêm:
    Uống rượu không sao, miễn đừng say thôi, nếu say là có tội, phải không anh hai?
    Bác không dám ừ vì Bác biết họ cố ý gài mình tán đồng việc uống rượu của họ. Bác nói:
    Say! Không phải đợi chân này đá chân kia mới là say. Còn "nhiều thứ say lắm" mà hễ "say là có tội!".

    67. MÂU THUẪN
    Một hôm có đệ (cư sĩ) đi Cái Dầu mua đồ, còn ít tiền lẻ vừa đủ về xe. Có ông lão tới xin, đệ không cho, mặc dù vẫn còn tiền lớn vì nghĩ mình đã từng cho ông lão này hoài, để khi khác cho cũng được.
    Đến bến xe gặp người quen bán sinh tố, anh mừng rỡ kéo lại đãi một ly nước. Hai người hàn huyên một lúc, đệ móc tiền ra trả, người bạn lại cố từ chối. Dằn co một hồi đệ đành cất tiền, cám ơn và giã từ.
    Lên xe về, đệ tự nghĩ ở đời có những cái ngồ ngộ, kẻ nài xin thì không cho, người không nhận lại ép lấy.
    Nghe thuật lại Bác nói:
    Ừ! Mình phải suy nghĩ để hiểu được lẽ phải mà ứng xử. Đời là trường học lớn mà.
    Bác không nói việc đó phải làm sao, mà chỉ hoan nghênh việc chiêm nghiệm, xét lại từng sự việc trong cuộc sống để tiến bộ thôi.

    68. ĂN NGỌ
    Một ông bạn đến thăm Bác Sáu. Ông ấy ca ngợi hạnh ăn ngọ, ông cho ăn ngọ là tiết kiệm lương thực. Vì mấy năm mới hòa bình lương thực khan hiếm lắm!
    Bác Sáu nói:
    Nếu mình sống không lợi ích gì cho ai, năm bảy ngày ăn một bữa cũng hoang phí rồi, nếu mình sống có lợi ích, ăn một ngày 7-8 bữa cũng không hoang phí nữa. Cũng như cái máy, nếu nó bơm nước... một ngày đốt 7 -8 lít xăng, đâu có hoang phí gì. Còn để nằm không, một tuần lễ rịn mất một xị cũng là uổng rồi!
    Thế nên phải nhắm vào sự hữu dụng, chứ không nên nhìn vào số lượng tiêu phí mà xét đoán lợi hại.

  8. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    69. KÍCH THÍCH TỐ
    Có cháu cư sĩ hỏi:
    Có khi mình nằm chiêm bao thấy Phật, thấy Đức Thầy, vậy là sao, hở Bác?
    Bác nói:
    Vậy là mằm mộng chứ sao!
    Nó có vẻ thất vọng nói:
    Đành là mộng, nhưng mỗi lần chiêm bao gặp Phật, gặp Thầy con thấy vui lắm, tinh tấn tu hành nữa.
    Bác nói:
    Thì đương nhiên rồi, gặp mộng lành, lòng phấn tấn tu hành là tự nhiên, nhưng mà kích thích tố thiếu gì thứ. Miên vác chà gạc rượt, mình cũng niệm Phật thắng tới vậy! (Ý Bác muốn nói, có nhiều hoàn cảnh thúc đẩy, sách tấn mình tu hành; đâu đợi chiêm bao, mộng mị này nọ mới tinh tấn).
    Bác không đồng tình với việc mộng mị đó nên nói:
    Kích thích tố dùng nhiều không tốt, chỉ khi nào suy nhược lắm mới cần đến nó với một phân lượng vừa phải và thời gian nào đó thôi. Như dùng thuốc lợi tiểu hoài thì hại thận, dùng trợ tim hoài thì hại tỳ.
    Thế rồi, sau này nó khùng, khùng rất nặng! Sự việc xảy ra Bác không ân hận, vì mình không tán đồng, không vùa thêm chuyện đó, trái lại còn cảnh giác nó nữa.
    Vậy mà không khỏi, âu cũng là định mệnh!

    70. SAO CÒN THƯƠNG GHÉT
    Có người hỏi Bác:
    Đức Thầy là Phật sao còn thương ghét?
    Thương cái gì, ghét cái gì? Bác hỏi lại.
    Đức Thầy nói: "Ghét những đứa có ăn bỏn xẻn" đó! Người ấy nói.
    Bác đáp:
    Thứ đó làm sao mà thương được!
    Còn thương nữa: "Thương những người đói rách lương hiền". Họ hỏi tiếp.
    Bác nói:
    Chèn ơi! Người đói rách mà còn giữ được lương hiền, mình không thương thì thương ai?

    71. ĐỀU LÀ TẶNG PHẨM
    Có một cô và một cậu cư sĩ đã phát nguyện sống độc thân tự kết hôn với nhau. Cha mẹ đôi bên không nhìn nhận. Đồng đạo chẳng ai ngó ngàng đến, kể như là người sa đọa và làm lem ố danh dự chung của giới cư sĩ. Nên các bậc huynh trưởng nhất định trừng phạt, chứ không giúp đỡ, hầu làm gương cho kẻ khác.
    Bác Hai thấy hai người ấy nguy khốn quá, nên có giúp chút ít. Thấy thế mấy cháu thân với Bác cũng giúp theo. Vì vậy họ bị mấy cô chú chủ trương trừng phạt đó rầy trách, cho rằng giúp như vậy là vô tình mình khuyến khích người tu sa đọa. Mấy cháu nó trách lại mấy huynh trưởng đó tu hành gì mà khó quá!
    Bác Hai khuyên can mấy cháu:
    Không nên trách lại mấy cô, mấy chú như vậy! Trừng phạt để cho nó tởn mà cải hối! Giúp đỡ để cảm hóa nhau. Cái nào cũng là tặng phẩm cả. Ai có phẩm vật nào thì cho cái nấy.

    72. GIỌT LỆ CHIA LY
    Bác Hai và bạn đi đám tang ông xã. Trước khi ra về, người bạn Bác ngỏ lời chia buồn!
    Thím xã khóc sướt mướt, ông bạn ấy khuyên:
    Chú xã biết tu hiền, chay lạt thế nào cũng được về cõi Phật, quả vị đó không mất đâu. Thím yên tâm, ráng lo tu hành.
    Đến lượt Bác đến chào, thím cũng khóc tức tưởi!
    Bác nói:
    Tôi rất hoan nghinh giọt nước mắt của thím. Người bạn đường chung sống với mình, chia sẻ ngọt bùi suốt cả một đời, giờ vĩnh biệt nhau, rưới cho nhau vài giọt lệ, điều đó quí lắm! Tôi rất kính mến và cảm động trước những giọt nước mắt ấy. Nhưng tự mình có đau khổ, thím nên nghĩ rộng xót thương đến những người góa phụ khác, vô phước hơn mình. Người ta góa bụa nghèo khổ, phải tha phương cầu thực! Còn mình tuy góa bụa chứ cũng ấm no.
    Khi trở về nhà, Bác thuật lại với bạn:
    Tôi không khuyên thím xã ấy mạnh dạn để chống lại cái buồn khổ, còn ca ngợi cái khổ ấy nữa. Nhưng thím nghe lời tôi là thím hết khổ.
    Anh bạn nói:
    Nghe theo lời anh, thì thấy mình còn sướng hơn nhiều người rồi mà khổ cái gì nữa!
  9. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    73. CẮT ÁI LY GIA
    Một hôm, Bác đi nhờ xuồng của một cháu cư sĩ đi Hòa Hảo. Trên đường đi, hai cậu cháu nói chuyện dài dài... Vấn đề đưa đến chỗ thắc mắc, nó nói:
    Phải ly gia cắt ái mới giải thoát được chứ cậu?
    Bác nói:
    Cắt ái có nghĩa là trưởng thành, vươn lên, chứ không phải là cắt ngang như cháu cắt bông cúng Phật mỗi ngày vậy đâu. Như hoa sen vượt lên khỏi bùn vậy, mà hễ hoa sen sắc hương càng diễm lệ bao nhiêu, thì ngó sen nó phải bám sâu vào lòng đất bấy nhiêu. Như cây, hễ hoa trái thạnh mậu chừng nào thì rễ bám sâu vào lòng đất chừng ấy. Con người cũng vậy, phải bám vào gia đình và xã hội này mà thăng hoa.
    Cháu nó không cãi nhưng không hài lòng mấy!

    74. DIỆT TÁNH THAM
    Cũng cháu cư sĩ kia hỏi:
    Cậu hai à! Làm sao diệt được tánh tham?
    Biết cô thừa hiểu nhưng muốn trắc nghiệm lại xem có gì mới lạ hơn không, Bác nói:
    Tánh tham diệt làm sao được! Mình tu còn tham tổ hơn người ta mà diệt tánh tham gì được!
    Mình tu mà tham cái gì đâu, cậu?
    Người ta không tu thì chỉ tham danh lợi, tình... ở cõi trần này thôi. Còn mình chê là nhỏ nhen, mau tan, mau rã, lại muốn cái gì vĩnh viễn trường tồn, bất sinh, bất diệt mới chịu. Vậy là tham hơn người ta rồi, làm sao mà diệt được! Có môn làm cho nó lớn thêm lên.
    Cô nói:
    Ngặt mình không chịu tham lớn, mà chỉ ưa tham nhỏ thôi thì làm sao?
    Bác nói:
    Phải ráng mà trưởng thành, trưởng thành tới đâu thì tánh tham lớn theo tới đó.
    Ví dụ: Hồi nhỏ mình thích chơi búp bê, nhà chòi..., ai đụng tới là tóe lửa à! Rồi lớn lên, tự nhiên mình bỏ và lại muốn xe hơi, nhà lầu, ghế Bộ Trưởng... lớn hơn nữa như Tổ, Phật lại muốn thế giới là vàng ròng và mọi người đều là Bồ Tát cả!
    Mình trưởng thành tới đâu thì tánh tham lớn theo tới đó, chứ diệt nó không được đâu.
    Thế là thêm một lần nữa, cháu nó không phản đối nhưng lại cũng chẳng mấy hài lòng.

    75. TỘI DO TÁC Ý
    Có cô giáo hỏi:
    Dạy học, đánh học trò có tội không?
    Bác nói:
    Hồi ở chùa Từ Quang, có mấy cây xoài, tụi nhỏ hay lén thọc phá. Hễ Bác gặp là rượt la, làm dữ lắm! Mà hễ nghe trong lòng nổi nóng là thôi ngay.
    Cô giáo hỏi:
    Tại sao vậy?
    Mình nóng lên là có rượt có la, còn hồi nãy tuy rượt, tuy la chứ không có rượt la.
    Trong Pháp Bảo Đàn nói:"Tối ngày làm đủ các việc mà chẳng có chỗ làm" là vậy đó.
    Có đứa cháu chạy honda ôm. Vợ chồng nó có một thằng con thôi; mà thằng bé cũng quậy phá lắm!
    Một hôm, nó quấy rầy gì đó, ba nó bắt cúi xuống, lấy roi ra xong, bỗng bảo:
    Thôi đi chơi đi!
    Thằng bé mừng quá bỏ chạy. Vợ nó nói:
    Sao anh không đánh nó vài roi, cho nó chừa, còn bảo nó đi chơi nữa!
    Giận quá nên không đánh!
    Xử sự như vậy là đẹp lắm chứ! Vì quá giận thì đòn sẽ phản tác dụng, nó trở thành đòn thù, chứ chẳng phải răn dạy nữa. Và vô tình làm cho trẻ con tập nhiễm tính nóng giận, dữ dằn của mình nữa.

    76. GẦN MỰC THÌ ĐEN
    Một cô dạy mẫu giáo đến hỏi Bác:
    Mấy chị cư sĩ dạy con: "Mình tu, đừng nên gần những người tu giải đãi, những người kém đạo đức hoặc không tu. Vì "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Chỉ nên gần gũi những người tinh tấn, vì họ có thể trợ duyên cho mình tu tiến. Mấy chị dạy con như vậy Bác thấy sao?
    Bác cười nói:
    Hay! "Rằng hay thì thật là hay,
    Nghe qua ngậm đắng trêu cay thế nào!"
    (Kiều)
    Nghĩ như vậy thì người đạo cao đức cả, ai mới chịu gần gũi với mình đây!

    77. TRỜI SANH KHÔNG CÓ DƯ
    Một hôm, Bác Hai nói chuyện với Bác Sáu, bạn thân của Bác:
    Trời sanh không có gì dư! Anh Sáu! Cả tánh xấu, anh cũng khỏi bỏ nữa, miễn anh xài đúng chỗ thì tánh xấu cũng tốt.
    Bác Sáu rất sáng ý, liền nhận ngay:
    Đúng rồi! Hồi hôm tôi xem tivi chuyện "Bên cầu dệt lụa" tức "Trần Minh khố chuối". Lúc Trần Minh đậu trạng, vua muốn gả công chúa cho, nên bảo một vị thượng quan điều tra lý lịch Trần Minh. Vị thượng quan này kêu hai người thí sinh đồng hương với Trần Minh để điều tra gián tiếp. Hai người này thi rớt và rất ghét Trần Minh, nghe quan hỏi về Trần Minh, chúng nó liền bêu xấu:
    Bẩm thượng quan! Thằng Trần Minh xấu lắm! Xài không được đâu! Nó nói láo dữ lắm, mẹ nó mà nó còn dám nói láo nữa!
    Nó nói láo làm sao với mẹ?
    Bẩm! Con biết rõ, bữa đó nó chưa ăn cơm. Nó xin được một bát cơm đem về cho mẹ, mẹ nó hỏi:
    Con ăn cơm chưa? Vậy mà nó dám nói "ăn rồi" đó thượng quan!
    Thuật đến đây Bác Sáu cười nói:
    Tôi thích tác giả đặt đoạn đó lắm!
    Bác Hai tiếp lời:
    Nói láo là một trọng giới trong nhà Phật, là một tính xấu ngoài xã hội nhưng Trần Minh không xấu, không phạm giới. Trái lại ai cũng kính nể, thán phục lời nói dối đó.
    Thế nên không tính nào xấu hay tốt cả.
    Dùng đúng chỗ thì tính xấu cũng tốt, ngược lại, xài không đúng chỗ, tính tốt cũng thành xấu!
    Như đức "khoan dung" là đức tánh tốt tuyệt vời, nhưng khoan ra (thứ người) mới quý; còn khoan vô (thứ mình) thì tệ hại vô cùng!
    "Thứ người nghĩa nọ rộng lan,
    Thứ mình tội lỗi ngày càng thêm cao". (TS)
    Còn cái tánh "vạch lá tìm xâu" moi móc lỗi lầm của thiên hạ, là tính rất xấu, tính tiểu nhơn. Nhưng ngược lại, moi móc xét nét lỗi lầm của chính mình là quân tử.

  10. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    78. ĐẠI BỒ TÁT ĐỘ
    Một hôm Bác ghé thăm quý đồng đạo ở chùa Bình Minh. Bác thuật lại chuyện một người bạn, bị giam ở trong tù. Ông ấy kể:
    Cứ mỗi ngày tới ngày thăm nuôi thì tên "tù chúa" kiểm xoát từng giỏ xách đồ ăn. Giỏ nào có đồ ngon (gà quay, thị khìa...) thì hắn lấy chia nhau ăn. Còn đồ chay hắn chừa lại, mà còn cấm đàn em không được đụng đến đồ chay của người ta.
    Từ đó người bạn Bác viết thư về bảo người nhà gửi đồ chay cho ông, đồng thời ông phát tâm tu luôn.
    Chuyện đến đây Bác liên tưởng đến chuyến đi tàu Chợ Mới Long Xuyên.
    Khi tàu đi ngang trạm Cà Mau (Ông chưởng) bị lính gọi lại xét và bắt 10 giạ cám (thời cấm lưu thông lúa gạo). Hàng không đem lên, cô chủ cám cứ đi theo năn nỉ mãi. Cuối cùng thấy không đáng gì nên lính cho đi. Lúc này trời sáng hẳn, cô chủ cám xuống hầm gặp Bác, vừa mừng vừa nói:
    Chú hai ơi! Con niệm Quan Thế Âm hết biết!
    Tàu chạy đi, Bác suy nghĩ, cười một mình. Lúc xưa, Ban Hoằng Pháp của Giáo hội khuyên người ta tu niệm, chưa chắc gì người ta niệm tha thiết bằng tụi này nó làm khó.
    Bác kết luận:"Bồ Tát làm Phật sự, Quỷ Vương cũng làm Phật sự vậy".
    Mấy cháu ở chùa nói:
    Bồ Tát làm Phật sự người ta thương. quỷ vương làm Phật sự người ta ghét.
    Bác nói:
    Bởi vậy Đại Bồ Tát mới dám làm quỷ vương, chứ Tiểu Bồ Tát không dám làm quỷ vương đâu!
    Từ đó nơi chùa Bình Minh có câu thành ngữ: "Đại Bồ Tát độ!". Ai tu hành lôi thôi các bạn hay nhắc khéo:
    Chắc chờ Đại Bồ Tát độ quá!

    79. NHƯ CỦA CHO THÊM
    Có cháu hỏi:
    Bác Hai già yếu, cô thân, bệnh hoạn, nghèo túng vậy Bác có thấy buồn không?
    Bác đáp:
    Có lần Bác mua khoai, người bán cân rồi còn lại vài củ họ bảo:"Thôi cho ông luôn đó!". Những củ cho thêm này hồi nãy mình chê, lựa bỏ lại, thế mà bây giờ thấy nó tốt, vì của cho thêm đâu có tính tiền.
    Bác nghĩ đời sống mình từ đây kề về sau kể như là Thượng Đế cho thêm, nên dù nó có đen tối, èo ọt gì cũng quý. Bác tự an ủi thế và cám ơn thượng đế.
    Hồi còn trẻ, mỗi ngày qua, Bác thấy tiếc nuối vì đã chết đi hết một ngày; bây giờ già rồi ngược lại, mỗi lần trong bóng hoàng hôn buông xuống, Bác mừng tự nhủ: "Vậy là mình sống thêm được một ngày nữa!".

    80. HAI LỐI SỐNG
    Một hôm ông Jorba, gặp một ông lão trồng cây hồ đào (loại cây lâu năm), ông ta hỏi:
    Nội ơi! Nội năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
    Cụ già ngẩng đầu lên cười đáp:
    Lão sống như không bao giờ chết.
    Còn tôi sống như sắp chết đến nơi vậy. Jorba nói.
    Hai lối sống kể trên đều tuyệt vời cả. Ở phương diện nào đó mình phải sống như không bao giờ chết; và ở một mặt khác, mình phải biết sống như sắp chết đến nơi vậy.

    81. SẴN SÀNG
    Có lần Bác đi thăm người bạn, ngày về là lúc trời bão nhưng mình có vấn đề phải về thôi.
    Mấy người bạn cầm nán lại nhưng Bác quyết đi, dù mưa cũng đi.
    Bác dẫn xe đạp ra về, nhưng may, ngày hôm ấy về đến nhà không bị mưa. Tắm xong lên giường nằm, Bác nghĩ lại hôm nay mình đi dưới trời mưa gió mà lòng bình an như ngày đẹp trời vậy bởi mình sẵn sàng chấp nhận.
    Bác suy rộng ra, nếu đối với mưa gió của đời mình, mà mình có tâm trạng sẵn sàng như vậy, chắc là sống yên lành, hạnh phúc lắm.

    82. THIẾU CHỨNG MINH
    ó một cô bán thuốc tây ở Cái Dầu, trường trai tu hành hơn ba mươi năm nay, gặp Bác, cô than vãn:
    Cháu còn chút ray rứt là mấy đứa con của cháu nó cũng hiền lành ăn tương vậy, nhưng nó ham chưng dọn theo đời lắm, nói nó không chịu nghe theo. Không biết làm sao khuyên cho nó nghe vậy chú!
    Bác đáp:
    Nó không nghe là phải đó! Con đường mình đi suốt ba mươi năm mà chưa thể hiện được gì cho bản thân cả! Bây giờ bảo nó theo mình, nếu nó nghe theo là nó mù quáng, không biết suy xét.
    Vậy tại mình thiếu đức hả chú?
    Không, tu hiền chay lạt đâu có thiếu đức, tại mình thiếu chứng minh cho nó thấy "tu là hạnh phúc" đó thôi. Nếu chứng minh được trên thực tế tu là hạnh phúc, thì cô cấm nó tu, nó cũng lén cô mà tu nữa, cô không chỉ dạy, nó cũng rình xem cô tu làm sao đặng bắt chước.
    Cô ấy gật gật đầu:
    À! Có lẽ vậy.

Chia sẻ trang này