1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Bác Hai Như Sanh miệt Long Xuyên.

Chủ đề trong 'Yoga - Khí công - Nhân điện - Thiền' bởi TRANTHIENNHAN, 17/02/2008.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    83. TÔN GIÁO - KHÔNG PHẢI VẤN ĐỀ
    Một hôm, bác Hai gặp lại anh bạn trước kia là người trong đạo. Sau ngày giải phóng, xét gia đình anh có thân nhân, hay công trận gì đó với Cách Mạng nên anh được cất nhắc làm cán bộ địa phương.
    Qua lời chào thân mật và đổi trao vài câu xã giao, anh ấy định kiếu từ vì đang bận công tác. Chợt nhớ điều gì, anh nán lại hỏi Bác:
    Tôi có thắc mắc này, anh em tôi hỏi thiệt anh nhé!
    Bác nói:
    Cái gì mà rào đón giữ vậy, hỏi thì cứ hỏi. Biết thì tôi nói, không thì thôi, có gì đâu.
    Anh ấy hỏi:
    Theo anh thấy, giữa vô thần và hữu thần, ngày chung cuộc ra sao? Chỗ này là tình anh em, tôi hỏi thật, chứ không phải cán bộ hỏi đâu nhé!
    Bác cười nói:
    Cách nay mười hôm, tôi có việc đi qua Nhơn Mỹ. Có một cô nhờ tôi giúp ý kiến giải quyết một vấn đề khó xử. Cô nói:
    Tôi theo đạo Cao Đài, ông nhà theo đạo Hòa Hảo. Từ khi có chồng đến giờ, nếu ở bên này thì ăn chay, cúng lạy, đọc bài nguyện theo Hòa Hảo; hễ về bên ngoại mấy nhỏ thì tôi ăn chay cúng lạy đọc kinh theo Cao Đài. Gần đây có mấy anh em trong đạo biết chuyện đó nên khuyên tôi: "Theo bên nào một bên thôi, đi hàng hai như vậy nữa không ai nhìn nhận hết là hỏng đấy!" Nghe như vậy tôi hoang mang, phân vân không biết nên bỏ bên nào, theo bên nào! Vậy anh giúp giùm ý kiến.
    Tôi nói với cô ấy:
    Theo ý riêng của tôi thì "Tôn giáo không thành vấn đề". Vấn đề là tình người với nhau, ở ăn cho có nhân hậu, thủy chung. Vấn đề là nhân quả, gieo nhân nào hưởng quả nấy, chứ tôn giáo không quan trọng lắn đâu. Nếu cô theo đạo Phật mà cô làm hung, rồi Phật bênh cô sao?
    Đức Thầy có dạy: "...Đừng ỷ lại vào sự cứu vớt của Thần Thánh, đừng ỷ sự bênh vực của Thầy mình. Luôn luôn lúc nào cũng nhớ câu Nhơn Quả của Phật dạy, nếu Nhơn toàn thiện thì Quả cũng sẽ do đó được toàn thiện vậy".
    "...Liên hoa có thiện được lên,
    Dù người ấy chẳng mang tên đạo gì.

    Mang tên đạo mà đi làm dữ,
    Thua người lành chẳng ở phái chi...".
    (TS)
    Tóm lại, tôn giáo này, tôn giáo kia, hữu thần, vô thần không thành vấn đề, mà vấn đề là "gieo nhân nào hưởng quả nấy".
    Đến đây Bác nhìn người bạn cán bộ và nói:
    Tôi thuật chuyện này để trả lời luôn câu hỏi của anh đấy.
    Cuộc trao đổi chấm dứt. Ông bạn ấy có vẻ hài lòng lắm. {

    84. GẶP PHẬT BAN NGÀY
    Có mấy cháu nữ sinh mến Bác lắm. Hôm đó mấy cháu lựa đậu nành, Bác nằm võng bên cạnh.
    Mấy cháu hỏi:
    Bác Hai ơi! Có lần nào Bác nằm chiêm bao gặp Phật hôn?
    Không, Bác trả lời Nhưng ban ngày Bác gặp Phật hoài hà.
    Tụi con hỏi thiệt mà!
    Ừ! Ban ngày là Phật thiệt đó! Còn chiêm bao là Phật nhãn thuốc à!
    Vậy, Bác Hai gặp Phật ra sao?
    Phật hiện ra đủ hạng người hết: Già, trẻ, trai, gái... À, có hóa ra gái model uốn tóc nữa.
    Thế làm sao biết là Phật?
    Biết chứ, người nào Phật hóa ra đều làm việc chơn chánh, nhơn từ, có lợi ích cho đời. Bên cạnh đó Bác cũng gặp Ma Quỷ, cũng hóa ra đủ hạng người trên, mà những người Ma, Quỷ hóa ra thì làm những việc xấu xa tội lỗi.
    Mấy cháu cười:
    Tụi con cũng gặp Phật nữa, Phật ngồi võng, tay cầm cây quạt mo.
    Vậy là ông Địa rồi! {

    85. Y KINH GIẢI NGHĨA
    Một hôm trong đám cầu nguyện ở nhà người quen, có đứa cháu hỏi:
    Chú giải thích giùm con câu:
    "Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan
    Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết"
    Bác nói:
    Cháu biết lái ghe không?
    Dạ biết chút đỉnh.
    Vậy nghe chú thí dụ: Chú lái ghe từ Hòa Hảo lên Châu Đốc. Thấy vậy, cháu nhờ chú dạy lái ghe đi Châu Đốc. Chú đồng ý.
    Bắt đầu mở dây, xô ghe ra, quay máy, bẻ tay lái qua, lại; cháu ghi nhận từng động tác một cách tỉ mỉ cho đến khi tới Châu Đốc.
    Bấy giờ, cháu trở về Hòa Hảo, xuống ghe, mở dây, xô ra rồi quay máy. Với bài bản được lập lại một cách chính xác, mà nhứt định không đến Châu Đốc được, nó sẽ trôi tấp ở đâu á!!!
    Muốn đến Châu Đốc thì phải biết cách lái ghe, biết đường nào đến Châu Đốc, rồi tùy lúc, có thể làm y như lúc học hay khi cần có thể làm ngược lại cũng đúng.
    Tóm lại, biết tại sao phải bẻ qua, bẻ lại như vậy, thì làm y cũng đúng mà làm ngược lại cũng không sai.
    Vậy là phải biết tại sao hở chú?
    Ừ! Nếu không biết tại sao thì bắt trước y hệt cũng trật, mà ngược lại càng trật hơn! {

    86. HỎI LẠI LÒNG MÌNH
    Có đứa cháu hỏi Bác:
    Có phương pháp nào bỏ sắc dục được không? Con nặng về sắc dục quá!
    Bác hỏi:
    Bộ muốn bỏ sao?
    Muốn lắm mà bỏ không được!
    Đừng hỏi phương pháp mà hỏi lại lòng mình xem, có muốn bỏ thiệt hôn?
    Hễ nếu thiệt muốn bỏ thì nó rớt ngay.
    Bác với lấy cái ly nói:
    Cũng như mình cầm cái ly, muốn bỏ thì nó liền rớt, chứ khỏi hỏi phương pháp buông ra làm sao, buông ngón nào trước, ngón nào sau.
    Hãy hỏi lại lòng mình xem, có muốn buông không? Nếu không muốn buông, dù người ta gở tay liệng đi, mình cũng lượm lại. {
  2. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    87. ĂN Ý
    Có cháu cư sĩ hỏi:
    Con bị vọng tâm quá; con niệm Phật liền hết, ít lâu sau niệm mặc niệm còn vọng cứ vọng. Con quay sang quán xét, thấy có hiệu quả, nhưng dần dần quán mặc quán, vọng vẫn vọng!
    Bây giờ Bác có phương pháp nào nữa không, chỉ cho con trị cái vọng tâm?
    Bác nói:
    Thôi! bao nhiêu đó xài không hết rồi chỉ thêm cái gì nữa. Có điều cháu cứ hạ thủ như vậy đi, tuy nó trật vuột vậy chớ nó sẽ có ý.
    Nhớ hồi nhỏ, có lần Bác về quê ở nhà ông Dượng nghỉ hè. Ông chuyên nghề đóng ghe. Bác thích xem ông làm mộc, nhất là bào cây, trong lòng muốn thử bào nhưng không dám.
    Một hôm ông ra vóc một cây chèo, tra lưỡi bào xong, bảo:
    Sanh! Mày chuốt cây chèo này coi.
    Bác mừng lắm nhưng hơi sợ, hỏi vặn lại:
    Rủi hư làm sao Dượng?
    Không hư đâu, nó có vóc sẵn rồi, mày bào láng lại là được; mà có tao đây, đâu để mày làm hư sao mà sợ.
    Bác đẩy bào trớt lớt mấy lần, Bác hỏi:
    Dượng Bảy dạy con coi, sao bào nó không ăn.
    Ông nói:
    Dạy cái gì được! Đẩy đi rồi nó ăn ý.
    Thật vậy, một lát sau Bác bào được.
    Mấy thằng bạn của nó cười rộ lên, rồi day sang Bác nói:
    Thằng hỏi đó là thợ mộc đó Bác.
    Ồ!Vậy càng hay. Bác nói. {

    88. NIỆM PHẬT THA THIẾT
    Có chú cư sĩ chuyên về pháp môn niệm Phật. Chú tối kỵ chữ "ái" dù là tình quyến thuộc cũng vậy. Chú khuyên em cháu phải dẹp bỏ tình luyến ái.
    Một hôm, chú ghé thăm Bác và nói:
    Nhờ anh giúp đỡ giùm tôi một chuyện, là mình làm sao niệm Phật cho được tha thiết đây?
    Bác biết ý chú, nên nói:
    Theo ý tôi, muốn niệm Phật thiết tha thì phải tăng trưởng tình thương!
    Chú trân trối nhìn Bác, ngầm ý hỏi vì sao?
    Bác thí dụ:
    Như mình có người thân: cha, mẹ, anh, em, chồng, vợ, gì đó... rất thương mến, đang lâm trọng bệnh hấp hối, mình niệm Phật cầu gia hộ. Tình thương giữa mình và người thân ấy tha thiết bao nhiêu, thì sự niệm Phật của mình cũng tha thiết bấy nhiêu.
    Không phản đối, nhưng Bác biết chú không hài lòng.
    Sau, Bác đem chuyện trên kể lại cho vài đứa cháu nghe, có một cháu xác nhận:
    Bác Hai nói con rất công nhận. Lần đó mẹ con mất, con hộ niệm; vì thương mẹ quá, nên con niệm Phật vô cùng thiết tha!
    Từ đó đến nay, ít có lần nào niệm Phật thiết tha được như vậy. {

    89. TRUNG ĐẠO
    Một lần Bác đi dự lễ giỗ, cúng xong định về liền, đi ngang bàn nọ có mấy cháu kéo lại mời Bác uống nước với tụi nó. Kẹt quá Bác phải ngồi lại.
    Mấy cháu hỏi:
    Thầy nói: "Thắng thất tình giữ vẹn đạo trung". Mà sao giữ vẹn "đạo trung", hả Bác?
    Bác nói:
    Trung đạo là con đường quan trọng, con đường đưa đến giải thoát, nhưng có điều nó không phải là con đường tiền chế, đã vạch sẵn, mà mỗi người phải tự vạch lấy, tự thắp đuốc lên mà đi. Trung đạo có nghĩ là vừa phải, mà cái vừa phải của người này không phải là cái vừa phải của người kia. Cũng như ăn cơm, Bác dùng một bát thấy vừa, còn mấy cháu ăn bốn năm bát mới vừa.
    Thế là cái vừa phải, không phải là cái lập thành, nó tùy theo mỗi người. Lại nữa, cái vừa phải của chính mình ngày hôm nay, cũng không phải là cái vừa phải của chính mình ngày mai nữa. Nếu ngày mai mình bị cảm, ăn cháo mới vừa, chứ không còn ăn bốn năm bát cơm được. Nên cái vừa phải, phải lấy trí tuệ ra mà liều lượng.
    Đức Phật sau khi thuyết pháp mấy mươi năm, Ngài nói: "Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi" là vậy đó.
    Có một cháu nhận được ý nghĩa đó nên nói:
    Như vậy thì trung đạo có thể dời đổi, chứ không phải là con đường cứng ngắc, cũng như mình đi trên dòng sông, phải uốn khúc, quanh co theo dòng sông, nhưng mà phải giữ giữa hai bờ.
    Bác nói:
    Không phải, trung đạo có thể lệch một bên được.
    Nó ngạc nhiên:
    Vậy là con chưa hiểu!
    Để Bác giải thích một lần nữa:
    "Trung đạo có nghĩa là quân bình", cho nên cháu chia cây mía ra làm hai mà chặt ngay giữa thì không ai thèm lấy khúc ngọn đâu. Nên muốn cho nó quân bình phải chặt khúc gốc ngắn, khúc ngọn dài.
    Tùy ở thể tích, trong lượng hay phẩm chất mà sự phân chia có thể lệch một bên, để giữ thế quân bình (Trung đạo).
    Giải tới đó, Bác chợt nhớ lại câu kinh:
    "Không phải ở giữa, mà cũng không phải ở hai bên, đó là trung đạo". (Pháp Bảo Đàn)
    Câu kinh này lúc xưa Bác mù tịt, nay tự dưng lại hiểu ra. {
  3. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    90. QUA MỘT CƠN ĐAU
    Chú ba, một người em bạn của Bác bị đau bụng nhào lăn! Lối xóm kẻ cạo gió, người kiếm thuốc lăng xăng, một lúc sau bệnh mới chịu bớt.
    Sau trận đau đó, mấy người con của chú nói:
    Qua cơn đau của ba, tụi con thấy tình chòm xóm xích lại gần hơn.
    Chú ba tiếp lời:
    Còn ba, thấy mang ơn tới cây cỏ nữa!
    Bác Hai nghe cha con nó nói vậy, Bác cười nói:
    Còn tôi, tôi mang ơn cái thân xác này lắm.
    Đồng đạo nghe qua câu chuyện đó phê bình:
    Qua cơn đau, mấy đứa con chú ba tiến xa, chú ba thì kém hơn tụi nó, còn ông Như Sanh thì ích kỷ quá!
    Một người bạn Bác Hai nghe phê bình như vậy, nói:
    Qua cơn đau đó, mấy đứa con chú ba tiến một bước, chú ba tiến hơn con của chú, còn anh (Bác Hai) tiến hơn cha con nó nữa.
    Kẻ khen qua, người chê lại, Bác chỉ cười vậy thôi.
    Về sau, mấy em cháu nhờ giải rõ ý câu nói: "Bác mang ơn cái thân này lắm!"
    Bác nói:
    Phật dạy cái thân này là nhà chứa tai họa, nào đau ốm, nạn tai... biết bao! Đó là một lối nói, chứ nhà Phật bảo: "Thân mạng không nên quí trọng mà cũng không nên khinh". Vì nều quí trọng sẽ phải tạo nghiệp bất lành để phụng sự nó, mà rốt cuộc rồi cũng phải bỏ. Nhưng không nên khinh nó, vì nhờ thân mà học được đạo, cúng dường lễ Phật, nhờ thân mà hoàn thiện được con người làm nên việc nghĩa để tiến lên địa vị Tiên, Phật. Vì thế không nên nhìn thiên lệch, cho thân là bất tịnh, tai họa... rồi xem nó như kẻ thù!
    Nếu mình nhìn thân như kẻ thù, thì người chia xương, xẻ huyết, sinh sản nuôi nấng nó, bấy giờ mình mới xem họ ra sao đây? Vô ơn bạc nghĩa chăng?
    Mình có quý trọng thân mình, mới có quý trọng công ơn sinh dưỡng của cha mẹ.
    Trở lại, vì có quý thân cha, nên đám con chú ba mới thấy thông cảm tình chòm xóm và chú ba mới mang ơn tới cây cỏ vậy. {

    91. ĐỔI MẠNG
    Hồi Pháp trở lại lần thứ hai, khoảng 1947-48 gì đó, đồn bót đóng khắp nơi. Sinh mạng người dân thời loạn rẻ rề!
    Một đêm kia, Bác nằm mộng đi ngang đồn thấy lính dẫn năm người ra xử tử (3 đàn ông, 1 đàn bà và 1 trẻ em). Nhìn thấy Bác, tên lính đồn trưởng kêu:
    Đổi mạng không?
    Bác lắc đầu. Nó mặc cả:
    Một mạng đổi hai nè!
    Bác cũng lắc đầu. Nó tăng thêm:
    Thôi, một mạng đổi năm đó!
    Bác liền gật đầu, đi vào ngồi dưới cột cờ chờ nó bắn. Tên đồn trưởng lại chớ trêu ra điều kiện:
    "Mỗi người phải mắng ông này một câu mới về".
    Mấy người đàn ông lấp bấp chưởi coi bộ gượng gạo lắm. Đến lượt người đàn bà, bà ta xỉ xỏ chưởi mắng Bác thậm tệ như oán hận đâu đời nào. Ơn cứu tử còn ràng ràng mà lòng người sao chóng phôi pha! Bác tức cười cho tình đời sao quá ư đen bạc, tiếng cười làm Bác thức giấc.
    Lòng hân hoan sung sướng vô cùng, nhớ lại việc đổi mạng cho năm người, mình chỉ thấy vậy là lời, nên xem cái chết rất nhẹ. Ngồi giữa pháp trường mà như ngồi ngắm hoa cảnh giữa công viên, không chút sợ sệt. Không nghĩ mạng đem đổi là mạng mình và năm mạng được cứu sống là mạng của người khác; giữa mình và người không phân chia, cách biệt. Đặc biệt hơn nữa là mình không hy sinh làm phước, không hồi hướng gì cả, mà chỉ thấy đổi như thế là quá lời đi thôi.
    Trong giây phút mộng mị ấy mình đã vượt khỏi tử sanh; sống chết không phải vấn đề nữa, và thấm thía được câu:
    "Nhân ngã, ngã nhân đừng cách biệt
    Sắc không, không sắc chớ lìa xa" (SG)
    Bây giờ, mình đã thức hẳn, công phu cũng khá dãi dầu, nhưng hỡi ôi!
    "Giận bấy thân sao không bằng mộng!"
    Mong các em các cháu đừng lấy cái đầu mà suy tư chuyện đổi mạng này, hãy nhường lại cho quả tim. {

    92. TÂM CHAY
    Có mấy anh em đang bàn bạc về chuyện ăn chay, câu chuyện sắp tàn, Bác nhắc:
    Hồi tôi mới ăn chay, lâu lâu hay nằm chiêm bao thấy ăn mặn. Khổ nỗi là lần nào cũng lỡ ăn rồi mới sực nhớ là mình ăn chay; như vậy công phu chay lạt bấy lâu tiêu rồi! Buồn tức, sao không nhớ sơm sớm. Khi giựt mình thức giấc, biết là chiêm bao chứ mình không có ăn mặn, lòng mừng vô cùng. Cứ lâu lâu lại mộng thấy ăn mặn một lần.
    Bẵng đi mấy mươi năm không thấy nữa, hôm rồi (cách đây khoảng mười năm), tôi nằm mộng thấy ăn cơm vơi mắm chưng, dưa ghém ngon lắm. Tưởng đồ chay, tôi ung dung ăn, gần xong mới phát giác ra mắm mặn, nhưng lòng không ân hận, ray rứt như thuở trước. Bây giờ ăn mà tâm mình nghĩ là đồ chay thôi.
    Có một điều lạ là còn một bát cơm nữa mới no, tôi tự nhiên bới ăn thêm mà tâm hồn vẫn an nhiên như lúc trước, dù biết rõ là mắm mặn rồi. Và khi thức dậy cũng không mừng vì đó là mộng, chứ mình không có ăn mặn.
    Nghe xong, ai nấy cười rồi giải tán, có lẽ họ không mấy thông cảm. Một người bạn nán lại khen:
    Kể ra về trình độ chay mặn của anh tiến xa lắm rồi đó!
    Qua giấc mộng này Bác biết thêm một tâm chay khác. Xưa nay, Bác nghĩ "Tâm chay là tâm hiền lành, từ bi Bác ái."
    "Tu thương người mới thật chay trường" (SG)
    Nay thấy, nếu tâm mình giữ được bình đẳng như trong giấc mộng trên, thì ăn gì cũng là "ăn chay" cả. Và đồng thời nhận được việc Đức Thầy ăn chay sáu ngày, chứ thật ra ngài trường chay đấy.
    Các cháu đừng động não việc này, hãy chờ đến lúc thông cảm thôi![
  4. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    93. NƯỚC MẮM MẶN
    MCột lần nọ Bác đi đám giỗ, có đãi một mâm chay, mà nước mắm chay và mặn bây giờ rất khó phân biệt, chỉ có người làm mới biết thôi. Hôm đó, họ dọn nước mắm mặn qua mâm chay. Ăn xong, cô chủ nhà phát hiện ra sự việc, sợ tội, lòng ray rứt nên đến thỏ thẻ với Bác:
    Hồi nãy lu bu, mấy chị lỡ dọn lộn nước mắm mặn qua mâm chay, mong Bác thông cảm.
    Bác điềm nhiên cười và trấn an:
    Lộn thì lộn chứ, ở đây người ta ăn nước mắm chay, đâu có ăn nước mắm mặn mà con lo! [

    94. ĂN CỰC
    Dạo đó, Bác Hai và mấy người bạn làm rẫy ở kinh Cụ Hội. Trời mùa đông năm ấy rất lạnh. Sáng sớm, mấy Bác nấu cơm ăn dưới ghe. Có ông lão trên 50 tuổi, đang dậm dấu mò cá dưới kinh. Thấy có lửa ông lội lại, ngồi nép sau lái ghe trángh gió và lấy thuốc ra hút. Vấn thuốc xong, ông với tay lấy que củi đang cháy dở trong lò và nói:
    Cho mồi nhờ điếu thuốc nha!
    Vì lạnh quá, tay ông run run, khó khăn lắm ông mới châm được điếu thuốc. Liếc nhìn thấy mấy Bác ăn cơm với dưa leo chấm tương hột, ông nói:
    Ăn cực quá vậy?
    Bác đáp:
    Ăn vậy chớ sướng hơn ông đó à!
    Lời nói đúng ngay vào cảnh sống, ông ta thấm thía than: "Vợ con đùm đeo phải ráng chớ biết sao!"[

    95. ĐÃ CÓ ĐÁP BÙ
    Có lần, Bác Hai bế một em bé độ hai tuổi, nựng nịu, hôn hít giây lát rồi đưa trả cho ba nó và nói:
    Nuôi con cực nhọc, vậy chớ nó đã có đáp bù rồi đó!
    Ba em bé nói nựng con:
    Lớn lên làm nuôi ba nghe con!
    Bác Hai đính chính:
    Chẳng phải đợi sau này lớn lên nó báo hiếu đâu, mà ngay bây giờ nó đã bù đáp rồi.
    Ba em bé vừa hôn con vừa cưới nói:
    Bác Hai khác hơn các vị cư sĩ ở chỗ đó.

    96. CHƠI ĐẸP
    Có ông cựu bí thư xã, hiền lành và có hiếu lắm. Nhưng ông không chịu thờ cúng, lễ lạy ông bà, cha mẹ vì nghĩ làm vậy là vô ích và mê tín.
    Một hôm, ông đến thăm chơi, sẵn dịp Bác Hai mời ông ở lại dự lễ cúng cơm cho bà má Bác. Đến giờ dọn cúng, ông ra ngoài mái hiên ngồi chờ. Đám giỗ đơn sơ, độ hơn mươi người khác.
    Cúng xong, Bác nói một câu chuyện mà mục đích là muốn nói cho ông bí thư đó nghe:
    Hồi nãy, tôi đứng hầu nhang cho anh em cúng, tôi sực nhớ một câu chuyện ngồ ngộ: Tôi có đứa em gái một cha khác mẹ, hiện ở Mỹ; nó có cô bạn gái người Mỹ. Năm rồi nó về Việt nam thăm quê, cô bạn mỹ đó gởi nó 20 đô la và bảo:
    "Về Việt Nam, mày coi bà má thích cái gì, mua tặng bả giùm tao. Mày nói ta cám ơn bả, vì bả sanh mày ra, nuôi mày lớn, bây giờ mày chơi đẹp với tao".
    Cô Mỹ này thật ra chưa biết bà má của em tôi ra sao cả; tuy nhiên việc làm đó là thể hiện tấm lòng tốt của người "ăn trái nhớ kẻ trồng cây" vậy.
    Hôm nay, anh em tới đây dự lễ giỗ má tôi. Thật ra không ai biết bà ra sao cả, vì bà mất hơn năm mươi năm rồi. Anh em đến đây cúng bà, chẳng qua vì tình thương với nhau thôi. Cúng xong mình hưởng, chứ người quá cố có ăn uống gì!
    Sáng hôm sau, anh em ngồi lại ăn bánh, uống trà, ông Bí thư ấy nói:
    Hôm qua, anh Hai nói vắn tắt, vậy chớ sâu lắm à! Nói chút vậy chớ thấm đó.
    Nay thì ông ấy chịu dâng hương cúng ông bà rồi. [

    97. HOA TÀN MÀ LẠI THÊM TƯƠI
    Có là câu trong chuyện Kiều mà Bác Hai thắc mắc! Sao lạ, "Hoa tàn mà lại thêm tưoi"?
    Một hôm, thím Sáu (sáu Thuần LX), người đã kể lại chuyện mua hoa tết cho Bác nghe:
    Hôm 30 tết, con đi honda chạy ngang nhà thờ, thấy có bà già đứng ôm một mớ bông. Thấy lạ, con ghé lại hỏi:
    "Bà bán hay mua mà đứng đây?"
    "Bán, mà không ai mua cả!" Bà nói.
    "Sao bà không đem lại chợ hoa bán, để đây ai biết mà mua?"
    "Lại đẳng bán gì được! Hoa người ta tươi tốt như rồng, còn của mình thì xấu hơn! Ở đây bán cầu may. Nhà có chồng ít bông để cúng nhưng tết túng tiền nhổ một mớ bán, mua đồ về cúng ông bà. Cô làm ơn mua giùm tôi đi!"
    Thấy hoa kém tươi, không muốn mua nhưng muốn giúp bả nên con nói:
    "Bà cần bao nhiêu tiền? Tôi giúp cho bà mua đồ về cúng."
    "Không, tôi không dám nhận tiền cô đâu. Cô mua giúp giùm tôi cám ơn lắm!"
    "Thôi được, bà bó hoa lại đi. Bà định bao nhiêu tiền con trả đủ cho."
    Vì con muốn giúp cho bả, nên không trả giá gì cả. Thím Sáu nói thế với Bác.
    Đem hoa về nhà con bảo mấy đứa nhỏ thay hoa cũ, chưng hoa mới mua.
    Mấy đứa cười ngất: "Hoa cũ còn tươi hơn hoa của bà nữa!"
    "Kệ thay đi, hoa này kém tươi nhưng mới mua."
    Bác chỉ nghe kể lại chuyện mua hoa thôi, nhưng Bác cảm thấy bình hoa đó vô cùng rạng rỡ. Chắc Phật trời cũng hài lòng đẹp dạ biết bao! Vì trời Phật chỉ trọng của cải mà người ta đem giúp đỡ nhau, hơn là lễ vật đem dâng cúng cho các Ngài.
    Rồi bỗng nhiên Bác cảm thông được câu: "Hoa tàn mà lại thêm tươi".{

  5. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    98. DẠY TU MÀ KHÔNG TU
    Có một cô đến than phiền với Bác:
    Con còn đứa con gái út mười sáu tuổi, nó không thích tu hành, cứ ham đua đòi theo vật chất xa hoa. Con khuyên lơn ngọt ngào thì nó còn nghe chút đỉnh, còn hễ rầy la thì nó làm dữ, cự cãi lại. Có khi không dám cự bằng lời lẽ, thì nó ra nhà sau dằn xán đồ đạc tỏ ý bất mãn. Con rất buồn phiền vì đứa con nầy, không biết phải làm sao. Mình dạy nó tu mà nó không chịu tu!
    Bác mĩm cười nói:
    Còn nó cũng dạy cô tu mà cô không chịu tu!
    Cô ấy hiểu ý nên cười xòa. Ì

    99. GIẢI THOÁT CÁI BUỒN PHIỀN
    Có đứa cháu rất kỹ lưỡng và hơi khó tánh. Một hôm đến thăm và yêu cầu Bác chỉ giùm pháp môn giải thoát nhanh chóng.
    Bác nói:
    Rất tiếc Bác không giúp được cháu điều ấy. Vì trên thực tế chính Bác cũng chưa giải thoát làm sao giúp người khác giải thoát được. Hằng ngày Bác chỉ lo sửa tánh răn lòng, đối với mọi người sao cho tròn ân vẹn nghĩa vậy thôi!
    Không thỏa mãn yêu cầu, thấy cháu buồn ra mặt, Bác nói thêm:
    Chuyện giải thoát cao xa Bác chưa với tới, Bác chỉ cởi mở lòng mình trong các việc phiền phức nhỏ nhặt ở đời thôi. Dụ như Bác nói điều gì đó làm cháu phiền lòng ray rức, hãy cởi mở ngay nó đi.
    Hãy giải thoát cái phiền phức trong lòng mình đi, cháu sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng, mát mẻ và đồng thời khi lòng tràn ngập niềm vui, tự nhiên mình sẽ ban phát niềm vui cho gia đình và xã hội. Điều đó đúng theo luật phản hồi, hễ: "Gieo vui vui nở, gieo phiền phiền sanh".
    Đối với mọi sự việc đều cố xử sự được như thế thì ta luôn sống trong an lạc và sẽ về an lạc quốc.
    Nói đến đấy thấy cháu tươi vui và thỏa mãn.{

    100. PHẬT BẢO HAY MA XÚI
    Có ông bạn hỏi:
    Anh Hai à! Kinh Phật có dạy lúc lâm chung mình nhớ niệm mười câu Nam Mô A Di Đà Phật, tức được Phật tiếp dẫn về Tây Phương.
    Vậy bây giờ mình cứ ăn chơi xả láng rồi gần chết mình niệm mười câu lục tự và nhờ xóm giềng niệm tiếp, vậy có được vãng sanh không?
    Bác đáp:
    Mình nên xét kỹ lại xem câu "cứ ăn chơi xả láng" đó là Phật bảo hay ma xúi. Nếu ma xúi mà nghe theo là đọa nhé!
    Ông bạn cười nói:
    Tôi học câu trả lời của anh đó!
  6. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    Các bác nào quan tâm thì lên Google mà search thêm nhe, khi nào rãnh mình post tiếp, còn cũng chừng 100 bài nữa. Đọc chậm và đọc từng bài thôi, ko phải dễ hiểu và dễ chấp nhận đâu.
    Mình có cuốn này cũng lâu, từ hồi năm 2ĐH, nhưng lúc ấy đọc tuy biết nó là quý nhưng hiểu chút ít, giờ mới hiểu hơn thêm chút nữa, thấy nó cần thiết cho anh chị em nên Nh post lên đây.
  7. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    100. PHẬT BẢO HAY MA XÚI
    Có ông bạn hỏi:
    Anh Hai à! Kinh Phật có dạy lúc lâm chung mình nhớ niệm mười câu Nam Mô A Di Đà Phật, tức được Phật tiếp dẫn về Tây Phương.
    Vậy bây giờ mình cứ ăn chơi xả láng rồi gần chết mình niệm mười câu lục tự và nhờ xóm giềng niệm tiếp, vậy có được vãng sanh không?
    Bác đáp:
    Mình nên xét kỹ lại xem câu "cứ ăn chơi xả láng" đó là Phật bảo hay ma xúi. Nếu ma xúi mà nghe theo là đọa nhé!
    Ông bạn cười nói:
    Tôi học câu trả lời của anh đó!

    101. ĐEN TRẮNG CUỘC ĐỜI
    Một hôm bạn Bác cần đi chợ sớm, mới ba giờ rưởi khuya anh cỡi xe honda ra đi. Đang chạy trên quảng đường vắng, còn hơn hai cây số nữa mới tới bến đò qua chợ, anh thấy có người đàn bà ôm đồ kềnh càng lỉnh kỉnh đi coi bộ nặng nhọc lắm. Anh biết khó đón xe vào giờ nầy, nên quày xe lại hỏi:
    Cô đi đâu?
    Dạ đi chợ Long Xuyên.
    Giờ nầy không có xe đâu, cô lên đây tôi chở giùm cho.
    Cô ấy mừng rỡ cám ơn rối rít.
    Anh chở cô ấy đến bến đò qua sông, rồi mạnh ai nấy đi. Lòng anh rất vui mừng vì mình làm được một việc nghĩa, giúp người trong cơn ngặt.
    Trưa lại, anh về nhà nghe bà con lối xóm nói: Hồi hôm có người đàn bà giả bộ lỡ đường, xin nghỉ nhờ nhà trong xóm nầy. Nửa đêm ả lén cuổm hết quần áo của chủ nhà đi mất. Ả mới ra đi thì chủ nhà hay kịp tri hô lên, hàng xóm túa ra kiếm, không rõ ả trốn ngã nào, mới đó mà kiếm cùng hết vẫn không được, thật là lạ!
    Bạn Bác cười nói:
    Thôi rồi! Tao chở giùm nó đến bến đò qua sông rồi, tụi bây kiếm sao được. Đâu bây xử coi tao tốt hay xấu, tội hay phước?
    Cha tôi bây giờ cũng không biết xử ông làm sao nữa!
    Ai nấy cùng cười. Chủ mất đồ thì méo mặt.
    Người xưa cũng từng gặp phải chuyện đời đen trắng khó phân nầy, nên có lời cảnh giác kẻ sau cần suy xét tận tường trước mọi việc để khỏi lầm lạc chua cay, cười ra nước mắt:
    "Chớ tin việc gì đó là ngay thẳng mà nó đúng thật ngay thẳng có khi nó lại bất công.
    Hãy đề phòng việc gì đó mình tưởng là nhân từ mà nó lại bất nhân"
    ( Mạc tín trực trúng trực,
    Tu phòng nhân bất nhân )
    102. CÓ THIÊN ĐƯỜNG, ĐỊA NGỤC ?
    Một cô nói:
    Ông nhà con hỏi có ai lên thiên đường trở về thuật lại cho mình biết không mà tin? Con không biết giải bày thế nào.
    Bác nói:
    Đâu đợi ai lên thiên đường trở lại cho mình biết. Từ sáng đến giờ mình đã lên thiên đường và xuống địa ngục nhiều lần rồi đó! Như mỗi khi mình nghĩ hoặc nói, làm điều gì đó cho mình và người được lợi ích hòa vui là mình đang ở thiên đường đó, ngược lại là địa ngục.
    Sách xưa có câu:
    "Sanh tiền bất kiến thiên đường lộ,
    Tử hậu nan ly địa ngục môn"
    Tức: Lúc sống không biết nẽo lên thiên đường, khi chết khó lìa khỏi cửa địa ngục.
    Vậy, chúng ta hàng ngày nên thường xuyên lên thiên đường cho rành đường xá, sau khi mệnh chung khỏi rơi vào địa ngục.
    Nghe chuyện trên có cháu hỏi:
    Giá như có người nói: Đời tôi chưa từng thấy lên thiên đường hay xuống địa ngục lần nào đâu, mình phải nói làm sao?
    Bác đáp:
    Có câu tư tưởng: "Chơn lý chỉ đến với kẻ chí tâm hành đạo, không đến với kẻ tò mò biện luận".
    Sách thiền có chuyện ngụ ngôn: Có tên lính ngự lâm đến hỏi một vị thiền sư hãy chứng minh rõ ràng cho hắn thấy có địa ngục hay thiên đường xem!
    Thiền sư nhìn tên lính ấy, rồi bỉu môi nói:
    Ngươi là một tên vô danh tiểu tốt cũng bày đặt hỏi thiên đường, địa ngục!
    Tên lính ngự lâm nổi sùng rút gươm của vua ban đưa ra hỏi: "Ông có biết tôi là ai không mà lớn lối khi dễ tôi như thế ?"
    Thiền sư đáp: "Vậy là anh đã biết nửa câu hỏi: Có địa ngục không?"
    Tên lính hiểu ý ngay, mĩm cười tra kiếm vào vỏ.
    Thiền sư nói tiếp: "Thế là anh hiểu nốt nửa câu sau: Có thiên đường không?"
  8. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    103. ĐẾN LÚC TÀN HƠI
    Có đứa cháu thuật lại với Bác:
    Hôm đó trời sáng nắng ráo, con gà mái của cháu đang bị bệnh, khập khiểng dẫn bầy con mới nở độ mươi hôm đi kiếm ăn. Nó đến bên đống rác bươi một lõm trống rồi "túc túc" kêu con nó đến kiếm mồi ăn.
    Mệt quá nó nằm ngoẻo đầu trên đất. Giây lát con nó ăn hết mồi đứng ngơ ngác. Nó gượng đứng lên bươi thêm một lõm nữa, rồi cũng nằm xuống nghỉ.
    Đến lần thứ ba, nó chổi dậy cố sức bươi thêm một lõm to gấp đôi lần trước rồi túc con lại ăn. Tưởng nó nghỉ khỏe nên bươi mạnh dạn hơn trước, nào ngờ nó cố gắng lần cuối cùng rồi chùi đầu xuống đất, chân duỗi ra và trút hơi thở cuối.
    Chuyện con gà vậy mà làm cháu bùi ngùi cả mấy hôm, xúc động trước tình thương lo của mẹ đối với con "đến lúc tàn hơi". Bỗng nhiên cháu khẻ gọi lên hai tiếng "Mẹ ơi!".

    104 NIỆM BỒ TÁT QUAN THẾ ÂM CHI VẬY ?
    Có cô giáo nghe Bác nói Bác thường niệm Quan Thế Âm hơn niệm Phật. Cô ấy hỏi:
    Con cũng hay niệm Quan Thế Âm như Bác, mà mình niệm Phật và Bồ Tát chi vậy Bác?
    Bác không nói niệm Phật và Bồ Tát để cầu Phật độ mình tai qua nạn khỏi, mà nói:
    Niệm Bồ Tát để nương theo đức từ bi hỉ xả, cứu khổ cứu nạn của Ngài mà tu theo.
    Mình có gieo nhân lành giúp đỡ người, thì sẽ gặt được quả tốt. Có lâm nạn sẽ có người cứu giúp cho. Và niệm như vậy mới có lợi ích thiết thực.
    Cô ấy tỏ vẻ hài lòng.

    105. SAO HAY ĐỤNG CHẠM ?
    Có ông bạn hỏi Bác Hai:
    Anh Hai à! Tại sao mình đi đâu cũng hay bị đụng chạm chống đối quá, mình không ráng nhẫn chắc phải có lắm chuyện xích mích phiền phức.
    Bác đáp:
    Tại cái "ngã" của mình to quá nên hay đụng chạm cọ quẹt đó! Tốp nhỏ lại một chút sẽ ít đụng chạm rắc rối.
    Đến chừng nào chúng ta được "vô ngã" sẽ mặc tình tự tại dạo khắp bốn phương.
    Ông bạn cười hỏi tiếp:
    Nhẫn là nhịn chịu rồi, còn nhẫn Ba La Mật là sao nữa Anh?
    Nhẫn Ba La Mật quá tầm với của mình, chờ đến mức trưởng thành nào đó mới có thể thực hiện được.
    Tạm dụ như: Người mẹ thấy con bò ra gần mé ao, lật đật chạy đến bế nó vào. Nó không biết ơn còn dẫy nẫy cào cấu mẹ nó, thế mà bà vẫn nhẫn chịu. Nhẫn ở đây là một lối nói, chứ thật ra bà chẳng có dằn nhẫn gì cả. Vì tình thương chan hòa cùng khắp.
    Nhẫn như vậy tạm gọi là nhẫn ba la mật.

    106. CÔNG ĂN CHAY BỎ HẾT
    Không rõ do sơ xuất đã ăn lộn thức ăn mặn hay không, một bà lão đến hỏi:
    Chú Hai! Mình ăn chay trường mà sơ ý ăn lộn đồ mặn, vậy thì công ăn chay từ trước bỏ hết rồi phải không Chú?
    Bác không nói hết hay còn, mà muốn khơi dạy lòng hỷ xả của bà nên nói:
    Tôi ăn chay cũng lâu lắm rồi, mà ăn xong bữa nào là bỏ liền bữa nấy, đâu đợi tới ăn lộn mới bỏ!
    Bà cười thỏa mãn.
    107. ÍT KINH SÁCH NÊN ÍT "MAD"
    Các bậc Thánh hiền viết sách răn đời hoặc lời dạy của các Ngài, kẻ thừa kế sưu tập lại thành kinh sách lưu để đến ngày nay.
    Những điều các Ngài dạy ra đều tùy theo phong tục, tập quán, trình độ và hoàn cảnh xã hội địa phương lúc bấy giờ mà chỉ cho dân biết đạo lý ở đời: "Tùy phong hóa dân sanh phù hạp". (SG).
    Ngày nay phương tiện giao thông rất tiện lợi. Người ta có thể góp nhặt các kinh sách đạo đức, triết học, khoa học... khắp đông tây, kim cổ để nghiên cứu học tập. Dĩ nhiên phải có những phương pháp, những triết lý, ý thức hệ sai khác, đối chọi nhau.
    Riêng trong lãnh vực Phật Giáo, lắm khi ta vừa gặp được vài điều mới lạ hay ho trong kinh sách liền cho đó là chơn lý tuyệt vời, vội đem ra phổ biến. Do đó thường đụng phải những ý kiến nghịch nhau. Kẻ đề cao pháp môn nầy, người ca ngợi hạnh tu kia, cãi nhau "sanh tử" chẳng hề ngã ngũ. Khách bàng quan nghe cũng muốn điên đầu!
    "Bàn với luận đặng coi chơn lý".
    Điều đó rất tốt, nhưng bàn luận để tranh hơn, bảo thủ ý kiến mình, để giành lấy phần thắng chỉ luống công vô bổ. Và cãi riết thành như "khùng cả đám". Người xưa đã sớm cảnh cáo:
    "Tận tín ư thư, bất như vô thư".
    Mẫu chuyện Ít kinh sách nên ít "mad" sau đây là lời nhắc nhở với nhau:
    Có chú em thấy mấy vị cư sĩ, hễ gặp nhau thường bàn cãi về đạo lý sôi nổi, có lúc nổi sùng lên cự lộn nhau nữa. Chú ấy gặp Bác Hai mới hỏi:
    Anh Hai, hồi anh còn trẻ mới tu, lúc ấy người tu có hay cãi nhau như bây giờ không?
    Bác nói:
    Có, mà ít hơn! Vì hồi đó ít kinh sách nên ít "mad"; còn bây giờ kinh sách quá nhiều thứ, nên "mad" nhiều!

    108. NHƯ MÙ ĐI ĐÊM
    Một hôm các em cháu bàn luận Sám Giảng. Có cháu nói trong Giảng có câu:

    "Chữ sang danh vọng như mù đi đêm.?

    Đó là một lối nói, chớ mù đi đêm hay ngày gì cũng tối đen như nhau vậy thôi!
    Có cháu cư sĩ mù lên tiếng:
    Không phải vậy đâu! Mù đi đêm khó hơn ban ngày nhiều lắm. Đi ban ngày nghe tiếng động trong xóm, tiếng ồn ào chợ búa, trường học v.v... mình đoán định được. Với lại đường sá quanh co có cầu kỳ vậy mà dễ nhận lối đi hơn đường thẳng. Nhất là đi đêm khuya vắng, trời lại mưa rỉ rả, đường bằng phẳng, trong xóm lặng trang không có tiếng động, mình cảm thấy chơi vơi mờ mịt, không biết đây là đâu cả! Thế nên mù đi đêm khó hơn ban ngày!
    Ai nấy cùng cười thông cảm và nhận thêm một bài học thực tế mà bấy lâu mình không rõ.

    109. TỰ NHẮC MÌNH DỄ HƠN
    Có chú em gặp Bác Hai và nói lên ước vọng:
    Phải con được gần Bác thường, để nhờ Bác nhắc nhở khuyến khích con tu tiến trong những lúc đạo tâm mình lui sụt, như vậy đỡ biết bao nhiêu!
    Bác nói:
    Thôi đi! Mình tự nhắc nhở mình mau hơn, chờ người ngoài nhắc lâu lắm. Ví dụ: Nửa đêm cháu chợt nghĩ quấy gì đó, ai mà nhắc cho kịp!
    Cả nhà cười ồ!

  9. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    110. TÔN GIÁO GIEO MÊ TÍN?
    Tôn giáo có gieo mê tín như lắm người nói thế không?
    Có người hỏi Bác Hai:
    Tôn giáo sao hay gieo mê tín quá vậy anh? Chừng gỡ được cũng trầy vi tróc vẩy.
    Bác đáp:
    Không phải đâu! Mê tín là khởi nguyên của tôn giáo. Nếu không có mê tín sẽ không có tôn giáo. Có điều một chánh giáo thì dẫn người ta từ mê tín đến trí tín, từ bờ mê sang bến giác. Còn tà giáo thì gây mê mờ thêm, đưa người đi sâu vào mê lộ!
    Tóm lại cái gì mình chưa hiểu tường tận mà tin đều là mê tín cả, dù là tin theo Phật hay khoa học...

    111. TU VỪA VỪA
    "Đạo suy đời rối lu bù"
    Do đó các bậc Thánh Nhân mới chấn hưng đạo đức để thiện mỹ hóa cuộc sống. Tu là làm đẹp cho đời.
    Tuy nhiên có số người nghĩ tu là phải lánh xa cuộc thế, không nhúng tay vào bất cứ việc làm nào của gia đình dù là việc làm ăn rất lương thiện.
    Câu chuyện "TU VỪA VỪA" sau đây nói lên hoạt cảnh buồn cười ấy.
    Có ông cư sĩ chuyên lo tu niệm. Việc nhà ông giao hết cho vợ con. Một hôm, gần ngày giỗ, vợ ông phơi hai giạ nếp trước sân. Bà có việc đi xóm một chốc nên bảo ông:
    "Ông ở nhà coi chừng gà giùm tôi nghe!"
    Khi bà vợ ông về thì hỡi ơi, gà xúm bươi nếp văng tứ tung, còn ông thì "mắc niệm Phật". Bà bực quá nói:
    Ông ơi! "Ông tu vừa vừa" cho vợ con nhờ với, tu như vầy chết vợ chết con hết ông ơi!!!
    112. CÒN QUÁ ÍT
    Trước sức tấn công mãnh liệt của địch thủ, người võ sĩ Nhu đạo không bao giờ trángh đỡ mà chỉ nhẹ lách. Thế là bao nhiêu thần công lực của địch thủ rơi vào khoảng trống không, vô tác dụng.
    Về mặt tâm lý thì hơi khác. Bác Hai nhận tất cả sự bôi bác nói xấu mình, lại cho là "nhơn tay". Nói chưa thấm vào đâu cái tệ mà mình đã có.
    Lối nhận tội nửa hư nửa thật làm xoa dịu sự căng thẳng giữa nhau và đồng thời vô hiệu hóa tác dụng những lời phê phán "cay nghiệt" của kẻ không ưa.
    Đó là ý nghĩa của câu chuyện CÒN QUÁ ÍT sau đây:
    Có người quen mách lại, ai đó phê bình, nói xấu Bác Hai đủ điều... Kể xong hỏi Bác:
    Người ta nói xấu anh như vậy, có đúng không?
    Bác nói:
    Cũng may, họ nói đó hãy còn quá ít. Chứ nếu họ biết cái tệ của tôi như tôi tự biết mình, thì còn có nước độn thổ bỏ xứ luôn!

    113. TU LÀ LÁNH NẶNG TÌM NHẸ
    Nghe tiếng bé khóc, bà mẹ lật đật chạy vào nhà, thấy con kẹp tay trong lọ với một vóc kẹo to tướng. Bà cười bảo:
    Buông ra!
    Bé lắc đầu bệu bạo:
    Kẹo ngon lắm mẹ!
    Buông! Lời nói rất gọn, nhưng hành động buông bỏ không đơn giản. Nó đòi hỏi ở ta một mức độ trưởng thành nào đó, mới buông bỏ được những điều ưa thích. Giới tu sĩ gọi là "cắt ái".
    Phàm người tu ai cũng muốn thong dong tự tại. Do đó ta cố gắng ăn chay, cúng lạy, niệm Phật...
    Tu lâu rồi mà sao lòng vẫn còn buồn phiền bực dọc. Thế thì tu là phải làm sao nữa? Đó là câu hỏi của một vị nữ cư sĩ trong mẩu chuyện sau đây:
    Có mấy cháu gái ở chung nhau lo tu lâu lắm rồi mà thỉnh thoảng cũng có chuyện lục đục nhau.
    Một hôm tới giờ công phu, cô vừa mặc áo tràng vừa hỏi:
    Ông Hai à! Tu là làm sao nữa Ông?
    Bác cười nói:
    "Tu là lánh nặng tìm nhẹ". Những cái gì nặng nề bực dọc, phiền muộn hãy buông bỏ đi, đừng ôm gồm chấp chứa mệt lắm!
    Nó cười rồi đi cúng.

    114. TU CÓ BỚT NGHIỆP?
    "Đã mang lấy nghiệp vào thân,
    Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa."
    * Như thế tu có bớt nghiệp không?
    Thưa có!
    Dưới đây tác giả giải bày, minh chứng một cách cụ thể tu có bớt nghiệp. Đúng như câu thơ của cụ Nguyễn Du:
    "Có Trời mà cũng có ta,
    Tu là cội phúc, tình là dây oan."
    Tin nhận rõ ràng "Tu có bớt nghiệp" ta hãy:
    "Mau cải hối cho nguôi lửa nghiệp,
    Sớm tùng lương kiếp khỏi chìm sâu!"
    Dưới đây là câu chuyện:
    Một đứa cháu bị bệnh tâm thần nhẹ. Trong thời gian bệnh phát, nó đi cùng xóm đọc Giảng Kệ, niệm Phật vang ngoài đường sá, không sợ ai cả.
    Ít lâu, bệnh bớt khá! Một hôm nó theo Bác chơi. Đi dọc đường nó hỏi Bác:
    Bác Hai! Mình tu mà sao không bớt nghiệp hở Bác? Con cố tu mà vẫn còn bị "mad"!
    Bác nói:
    Bớt chứ sao không cháu! Bình thường cháu lo tu hiền, xem Kinh Giảng, niệm Phật nên lúc bệnh tâm thần phát lên, cháu chỉ đọc Giảng Kệ, niệm Phật vậy thôi! Thế là nghiệp khổ đã bớt nhiều đấy.
    Nếu hằng ngày cháu hung dữ, nhậu quậy, đánh lộn gây gổ thì hôm "lên cơn" cháu sẽ quậy phá, đập đổ tan hoang nhà cửa, đánh vợ, chửi con, mắng nhiếc chòm xóm... Bây giờ tỉnh lại chỉ còn cả một cảnh đổ nát tan tành chứ đâu được yên lành như vầy. Được yên lành là nhờ tu hiền nên bớt khổ đó cháu!
    Nó tuy mới tỉnh cũng nhận được, gục gặt đầu nói:
    "Bác nói có lý!".
  10. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    115. CŨNG MỘT MỬNG
    "Ghét ưa đừng để dạ,
    Duỗi cẳng nghĩ thanh nhàn."
    Người đời gây ra lắm chuyện phiền hà rắc rối cũng vì lòng ưa ghét xói mòn đi hạnh phúc vốn đã ít ỏi của mình. Thế nên mấy khi mà được an nhàn.
    Trong cửa đạo, người tu cũng mắc phải cái ghét ưa ấy làm ngăn ngại không cho ta nhận được lẽ phải, tìm được an vui.
    "Lánh rồi cái ghét cái ưa,
    Gặp ông đại giác thượng thừa tối cao".
    Trên đường về chân thiện mỹ con người cần buông bỏ cái ghét ưa để được thong dong tự tại. Ngược lại ắt không khỏi buồn than "Sao tu hoài không thấy tiến!".
    Câu chuyện "CŨNG MỘT MỬNG" dưới đây rất đơn sơ nhưng biểu lộ cái chướng ngại của lòng ưa ghét ấy!
    Người bạn Bác Hai khoe con của ông:
    Thằng nhỏ tôi hồi còn đi học, quần áo chưa ủi thẳng nếp, nó không chịu mặc. Bây giờ nó phát tâm tu rồi, ngược lại đồ tốt tươm tất, nó lại không chịu mặc. Nó chỉ ăn mặc xoàng xĩnh và đi làm công quả theo các cơ sở từ thiện vậy thôi.
    Sau Bác kể lại cho các bạn khác nghe chuyện trên và kết luận:
    "Như vậy thì cùng một mửng chứ có gì". Chưa tu đồ xấu chê không mặc. Tu rồi đồ tốt kỵ không mặc thì cũng một thứ ưa ghét thôi, có hơn kém gì?

    116. CÓ TIN CHẮC KIẾP NẦY SIÊU THOÁT?
    Có chàng cư sĩ, ít nói, ngày đêm nôn nã tu hành, mong mau đắc quả. Bỗng một hôm chàng ta rêu rao là mình đã thành đạo. Y đi khắp xóm làng giảng giải đạo lý "um sùm bát nhã", khuyên mọi người tu theo y sẽ kết quả nhanh chóng:
    Tu cái rụp.
    Thành Phật cái rụp.
    Độ đời cái rụp.
    Cũng may vài tháng sau y tỉnh trí lại.
    Việc tu hành cần phải:
    "Kiên tâm mới thấy cơ trời,
    Đừng gieo nữa buổi chiều thời muốn ăn".
    Đường tu bất luận mau lâu, phải đạt đến công viên quả mãn, phước huệ tròn đầy mới mong siêu thoát. Nếu ta quá nôn nóng, rồi thời gian lần lượt trôi qua, mãi không thấy gì tức niềm tin bị chao đảo, dẫn đến bán đồ nhi phế uổng công. Hoặc quá bôn chôn e rồi phải "thành Phật cái rụp" như chàng cư sĩ trên thì quả là tai hại.
    Lời giải đáp câu hỏi: "Có tin chắc kiếp này siêu thoát không?" Nêu lên quan điểm tu hành không bị lệ thuộc vào yếu tố thời gian.
    Và câu chuyện như sau:
    Một hôm, đến thăm người em bạn, trò chuyện giây lâu, bạn Bác hỏi:
    Anh tu mà có tin chắc kiếp này siêu thoát không?
    Bác đáp:
    " Tôi tin tôi không nổi rồi, vì thấy mình tu lôi thôi quá! Có điều dám quả quyết là không bao giờ lui sụt, bỏ tu. Chẳng những kiếp này mà dù trải muôn kiếp nữa cũng vẫn tu. Bởi tu là hạnh phúc, tu là làm đẹp cuộc đời, cho nên không bao giờ thối chuyển. Còn tin kiếp này siêu thoát hay không là điều tôi không mấy quan tâm đến.".

    117. CŨNG LÀ MÓN NỢ
    "Đi ngang ngôi Tam Bảo khẽ hơi cúi đầu một chút người ấy cũng sẽ thành Phật "(Kinh Pháp Hoa).
    Một chút kính ý cũng đã gieo được duyên lành với Phật Pháp. Các vị cứu đời đều khuyên ta nên gây lấy thiện duyên với mọi người, và trángh gieo ác nhân để khỏi khổ quả về sau.
    Lại nữa, con người không thể sống đơn độc được, nên việc nghĩa ân chằng chịt nhau. Ta phải lo đền nợ thế. Đến bậc siêu nhân như Đức Thầy mà còn:
    "Nợ cùng bách tính hỡi cùng vương"
    Về vật chất, đời sống ta phải nợ nần nhau đã đành, mà chí đến chút tình thương, hay chút lòng tôn kính nhau cũng là món nợ.
    Câu chuyện "CŨNG LÀ MÓN NỢ" dưới đây nói lên một món nợ "bất đắc dĩ". "Bất đắc dĩ" vì mình không muốn tí nào nhưng không làm sao thoái thác được. Và, thật ra đó cũng là một luồng gió mát giữa cõi đời nghi ngút khói ganh hờn!
    Câu chuyện như sau:
    Vào khoảng năm 1954 Bác Hai có đi dạy khóa "Bình Dân Học Vụ" (phong trào xóa dốt). Trên đường từ nhà trọ đến trường có cái chòi lá của ông lão nghèo nàn, mà ông thì xỉn 24 trên 24.
    Có điều lạ, ông không nể sợ ai cả nhưng mỗi lần gặp Bác ông xá rất sâu, xong hai bàn tay vuốt lên đầu một cách cung kính. Bác chào đáp lễ nhưng lòng áy náy vì không muốn người ta quá tôn trọng mình như thế, ngặt không làm sao ngăn ông được. Tuy Bác không muốn được sự kính mộ ấy nhưng vẫn thấy đó là món nợ của mình với kẻ khác. Thế nào sau này nếu Bác được đắc đạo cũng phải lo độ ông ấy và độ được ông ta chắc cũng mệt lắm!!!

Chia sẻ trang này