1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Bác Hai Như Sanh miệt Long Xuyên.

Chủ đề trong 'Yoga - Khí công - Nhân điện - Thiền' bởi TRANTHIENNHAN, 17/02/2008.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    156. TẠI KHÔNG NIỆM PHẬT
    Phần nhiều đồng đạo niệm Phật, cầu Phật ban rải phép mầu cho mình được tiêu tai tật bệnh. Một số người niệm Phật mong tâm hồn mình được Phật hóa, bình an thanh thản, dù đang trong tai nạn.
    "Hạnh Phúc là tự tại giữa khổ đau"
    (Viên Minh)
    Câu chuyện sau đây trình bày về hai trạng thái mong cầu ấy để chúng ta làm dữ kiện suy tư:
    Một hôm Bác bị xe đụng, mấy ông bạn già đến thăm. Có người nói nửa đùa nửa thật:
    Chắc tại lúc đạp xe lên dốc mệt anh quên niệm Phật xe mới đụng! Chớ niệm Phật sẽ được tiêu hết nghiệp.
    Bác nói:
    Tôi niệm Phật không cầu xin Phật đỡ giùm xe đụng, cầu xin như vậy làm Phật mệt lắm!
    Người bạn nói:
    Nói đùa vậy chớ niệm Phật là cầu lặng tâm.
    Bác tiếp lời:
    Thì vậy! Qua sự cố này tôi thấy tôi niệm Phật có kết quả.
    Một ông bạn đắc ý nói:
    Nếu không tu niệm chắc tai nạn còn lớn hơn nhiều hả anh?
    Bác trả lời:
    Cái đó lấy đức tin mà nhận thôi, làm sao minh chứng được. "Nếu không tu niệm chắc tai họa sẽ nặng hơn"?
    Vậy anh thấy niệm Phật kết quả làm sao?
    Tôi bị xe honda quẹt té xuống đường bể bánh chè đau vừa gì! Thế mà lòng dửng dưng không phiền giận kẻ gây tai nạn, cũng không buồn cho số mệnh, chẳng khởi tâm phân biệt lỗi phải hay tha thứ gì cả. Chỉ biết có đau và xoa bóp chỗ đau như mình tự té ênh! Thế, còn bảo mấy chú gây tai nạn cứ đi đi, tôi bớt đau sẽ tự về được! Thậm chí về nhà nhớ lại còn tự lấy làm lạ! Sao lòng mình bình an đến như vậy. Tôi nghĩ cái đó không phải tự nhiên mà có. Đó chính là kết quả của công phu tu hành niệm Phật bấy lâu nay đấy!

    157. SỐNG SAO KHỎI KHỔ
    "Trong hội ngộ đã sẵn mầm ly biệt,
    Trong an vui có ngầm chứa khổ đau."
    Khổ vui là hai mặt của một thực thể, làm sao tách rời ra được? Câu hỏi: "SỐNG SAO KHỎI KHỔ" tìm đâu ra đáp số? Họa chăng chỉ có liều mạng mộc gánh khổ tiếp cho người. Các bậc thánh nhân còn mong:
    "Biết sao trút hết gánh về ta mang"
    "Mang cho hết tai nàn thế giới"
    Điều này chắc hơi khó! Có cháu học sinh hỏi:
    Sống sao khỏi khổ, Bác Hai?
    Cháu nó không rành đạo lý lắm nên mình không giải thích nhiều với nó được. Bác đáp gọn:
    Muốn khỏi khổ phải sống vị tha. Còn sống vị kỷ quá thì phải khổ.
    Sợ nó còn ngờ vực Bác nói thêm:
    Sống vị tha dù lên đoạn đầu đài cũng an lòng như những vị anh hùng vì nước vong thân, đến ngày tàn vẫn an lòng vì đã hy sinh đời mình cho quê hương, cho dân tộc. Còn kẻ quá vị kỷ dù làm vua cũng chẳng yên, vẫn lo sợ đủ điều: sợ mất ngôi, sợ phản thần, ám sát...
    Tóm lại sống vị kỷ thì luôn bị phiền não, âu lo, còn sống vị tha dù rất gian khổ vẫn cảm thấy an vui hạnh phúc.

    158. TẬP TU VỚI NÓ
    Nắng mưa đều giúp vạn vật sinh trưởng. Cũng như thế, buồn vui đều là yếu tố giúp con người được trưởng thành. Người Phật tử phải nhận lấy những bài học khó khăn ở trường đời mà làm bước tiến đạo.
    Bác có đứa cháu gái là cư sĩ. Một hôm qua bệnh viện thăm bệnh, gặp đứa trẻ mồ côi, nó xin về nuôi.
    Ít lâu sau bác ghé thăm chơi, thấy nó cưng đứa nhỏ lắm, Bác nói:
    Nuôi con cực nhọc chớ cũng có niềm vui, nó cũng đem lại cho mình nụ cười!
    Cháu có vẻ đồng ý, bởi chính nó đang tìm được nguồn vui ở đứa bé.
    Hôm tết rồi nó đến thăm Bác. Đứa con nuôi của nó cũng đã lớn, quậy khá! Chuyện vãn một hồi sắp kiếu về, nó hỏi:
    Bác Hai ơi! Hôm con xin đứa con nuôi, Bác nói nó cho con nụ cười. Bây giờ nó cho con phiền phức rồi làm sao hả bác!
    Thì tập tu với nó! Bác nói.
    Nghe vậy nó cười rồi quày quả ra về!

    159. VỊ NGÃ
    Trên quãng đường rừng vắng vẻ, một tướng cướp đã hoàn lương đang hối hả trở về non. Mục đích anh ta về hỏi Thầy xem làm cách nào cho mau tiêu tội chướng. Đã hơn ba năm qua, dù hết lòng làm việc thiện, mà bộ đồ thâm của anh ta chưa trắng lại được, theo lời Thầy mách trước. Điều đó chứng tỏ tội giết 51 mạng người của anh còn nguyên đó. Anh buồn bã với nỗi buồn rầu ân hận xốn xang.
    Bỗng có tiếng khóc lóc van xin thảm thiết vang lên ở phía trước. Anh chạy nhanh đến, thấy một tên cướp toan giết người để đoạt của, anh vội bước tới khuyên ngăn.
    Vì tình đồng nghiệp cũ, tên cướp với giọng hách dịch nói:
    Thôi, đường ai nấy đi, nếu can vào phải chịu chung số phận với mụ này!
    Anh suy nghĩ, tay mình đã đẫm máu nhiều, chưa gột được, chả lẽ lại nhúng thêm vào máu nữa, toan bỏ về non lo gỡ tội xưa. Nhưng khi nhìn thấy ánh mắt van lơn tha thiết khẩn cầu của người cô thế lâm nguy anh không nỡ phó mặc. Sau vài giây giằng co giữa lòng vị kỷ và vị tha, anh quyết định: "Thôi ta cam đọa địa ngục để cứu người nguy khốn".
    Anh vung lên vài đường kiếm tuyệt luân, tên cướp ngã quỵ, máu ra lênh láng. Anh sững sờ nhìn xác chết như là mình mới giết người lần đầu, miệng thì thào:
    "Đó là sự bất đắc dĩ, thật ta đâu nỡ thế!".
    Nhưng lạ thay! Anh nhìn lại bộ đồ thâm của mình đã đổi trắng. Thật không thể ngờ điều mong ước từ lâu nay đã đến. Thế là dấu hiệu tội lỗi đã chấm dứt.
    Chuyện trên cho thấy những phiền não lo âu, sợ hãi chỉ bám vào lòng chấp ngã của con người. Nay, vì người quên mình, thương lo cho kẻ khác, tất cả các phiền não ấy không chỗ bám víu. Vừa đọc truyện ngụ ngôn Phật giáo đến đây, bỗng có bạn đến thăm chơi. Hàn huyên giây lâu, anh bạn hỏi:
    Anh Hai à! Có những cái buồn phiền mình biết rõ căn cội, lý do của nó, mình cố gỡ lần cũng yên được. Nhưng sao có nhiều nỗi buồn vô căn cứ "không tên" đeo đẳng ray rứt mãi trong lòng chẳng biết nguyên do. Sao lạ vậy anh?
    Bác đáp:
    Nó có tên chứ!.
    -...???
    Đúng, nó tên là "Vị Ngã".
  2. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    160. THA CHO BẢ ĐI !
    Năm rồi nước lũ to, khắp đồng sâu vùng Long Xuyên Châu Đốc bị ngập lụt. Những hộ nghèo khó lại phải dời nhà ra mé lộ xe, che lều ở đỡ. Họ không thể làm thuê mướn gì được, tình cảnh rất đáng thương!
    Những nhà hảo tâm khắp nơi thường tổ chức nhiều đoàn đến cứu trợ, xoa dịu phần nào nỗi đói khổ của đồng bào nghèo ở đây.
    Có một đoàn trên 20 người, đều là Phật tử giàu có, đến Ba Thê cứu trợ. Họ tổ chức sắp xếp quà trên 56 cái bàn. Bàn số 1 phát tiền, bàn số 2 gạo, bàn số 3 vải, bàn số 4 bánh,v.v...
    Những hộ nghèo trong xã được ủy ban tập trung và hướng dẫn cho bà con đi thành một hàng, nối nhau có trật tự đến nhận quà từ bàn 1 lần đến bàn chót là xong.
    Một số người trong đoàn cứu trợ, muốn cho đồng bào nghèo đến nhận quà có chút duyên lành với Phật Pháp nên đề nghị buộc người nào lại nhận quà ở mỗi bàn phải niệm 3 câu: "NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT".
    Có bà lão già yếu chậm lụt. Niệm chỉ có 3 câu mà "lập cà lập cập " rất lâu, có lẽ không quen niệm.
    Trước bà người ta đã đi khỏi hết còn phía sau bà con nhận quà bị dồn lại chờ đợi! Trời trưa nắng oi bức, mỏi mệt. Một cô trong đoàn cứu trợ thấy vậy có vẻ bất bình nói:
    "Thôi, tha cho bả đi!"
    Một số người mỉm cười, một số khác nhìn gay gắt.
    Đúng hay sai? Không cần thiết phải bàn. Có điều làm gì phải do lòng tự nguyện mới quý. Với lại biếu quà mà đặt điều kiện đương nhiên là hạ thấp đi sự cao đẹp của lòng nhân khiến tặng phẩm trở thành bất toàn, đồng thời hạ phẩm giá của người thọ nhận! Ta nên suy xét lại.
    161. LÀM SAO KHỎI LẪN
    Năm với tháng qua dần. Cái già nua bệnh tật kéo đến hành hạ con người! Mang lấy xác thân, cơ thể và các múi não bị lão hóa. Trí nhớ bị xói mòn, suy tư, nói làm lẫn lộn ngu ngây!
    Làm sao khỏi lẫn?
    Đó là vấn đề bức xúc cho khoa học hiện đại:
    "Sức lên Trời xuống biển có thừa,
    Nhưng thiếu sức ngăn ngừa bệnh lão!"
    Các Tôn giáo có làm gì hơn để giúp con người thoát khỏi già, bệnh, chết?
    Định luật thiên nhiên, Thành, Hoại phải như thế, nhưng trước khi nghiệp quả chưa muồi, với thời gian còn đó, ta có thể tự an định tinh thần chuyên tâm hướng thiện để giảm bớt nỗi bi đát của kiếp người.
    Chuyện "Làm Sao Khỏi Lẫn" dưới đây hun đúc tinh thần ta vươn lên để đổi thay phần nào số phận không may.
    Có cháu hỏi:
    "Con thấy mấy người già thường hay lẫn quá! Vậy làm sao khỏi bị lẫn hở Bác?
    Bác đáp:
    "Muốn khỏi lẫn hãy ráng tu ngay khi còn sáng suốt".
    Ráng tu nhưng cũng bị lẫn rồi làm sao?
    Chuyên lo tu hiền, làm lành niệm Phật dù có lẫn cũng chẳng sao! Bác thuật lại chuyện chú em bị "mad" kể trên cho cháu nó nghe và nói thêm:
    "Có ông Đại uý bị thằng lính say rượu chửi! Ông ta đánh nó. Nhiều người can: "Nó say quá biết gì, ông đánh nó tội nghiệp." Ông đáp: - "Nó muốn chửi tôi lâu lắm rồi, có điều không dám nói ra. Nay mượn hơi rượu mới chửi ra đó, chớ phải mới chửi đây đâu! Say sao không chửi dòng họ nó mà chửi tôi!"
    Mình không ưa lối đánh đập người như vậy, nhưng xét kỹ thì ông ta nói cũng có lý.
    Nghe người ta nói mấy ông già, bà cả hay lẫn quá! Một ông bạn Bác nói:
    "Không phải già mới lẫn đâu, họ lẫn hồi còn trẻ kìa!"
    Ý kiến trên rất đúng. Khi lớn tuổi, các múi não bị lão hóa, lý trí không còn suy xét phải trái người ta chỉ hành động theo tập quán, theo thói quen hằng ngày thôi. Có người lẫn, suốt ngày cứ cúng lạy hoài, gặp ăn xin có bao nhiêu tiền móc cho hết. Hoặc có người tối ngày cứ chửi hết đầu trên đến xóm dưới. Người thì gặp đồ đạc của ai cũng lấy về nhà, còn mắng người ta ăn cắp của mình nữa v.v?
    Thế nên ta hãy ráng tu hiền ngay từ bây giờ, để ngày kia dù có bị nghiệp chẳng lành lẫn lộn thì nhờ tập quán tốt, có lẫn chắc cũng dễ thương, không đến nỗi làm phiền gia đình và chòm xóm.
    162. ĐỂ NGƯỜI THỌ ÂN KHỎI TỦI
    Gặp người nguy ngặt nghèo túng, ta đem tiền của hay công lao bố thí giúp người được chút an vui đúng với ý nghĩa "Ban vui cứu khổ". Nhưng đôi khi vì vô tình sơ ý trong thái độ cho mà tặng phẩm trở lại gây thương tổn lòng tự ái của người thọ.
    Khi giúp người, nên lưu ý tế tâm một chút ta sẽ có nhiều cách cho ra mà không làm tủi lòng người nhận.
    Dưới đây là một trong vô vàn cách cho rất đẹp.
    Một hôm đi phà Thuận Giang, Bác lấy chai dầu gió "Kim" ra xức. Có người đàn bà ăn mặc lam lũ, ôm con ngồi dưới phà nhìn Bác lom lom. Khi Bác xức dầu xong cô ấy nói:
    Bác làm ơn cho con mượn xức một chút, hồi hôm giờ trong người khó chịu, cần một miếng dầu gió lắm mà không có!
    Bác đưa chai dầu cho cô ấy. Cô xức cho mình và cho con với một thái độ rất thỏa mãn. Thấy vậy Bác muốn tặng luôn, nhưng e người ta có thể nghĩ là mình gớm mà bỏ. Chờ cô xức xong trả lại. Bác mở nút chai dầu xức thêm lần nữa rồi đưa cho cô và nói:
    Biếu cô chai dầu để xức cho cháu!
    Sở dĩ Bác làm như thế để người thọ ân không tủi thân vì hiểu lầm mặc cảm là mình nghèo khổ lem luốc người ta gớm nên không thèm lấy chai dầu lại.
  3. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    163. MỘT SỰ VIỆC, HAI CÁCH NHÌN
    Có một lần Bác Hai đi đường, trông thấy một ông già mặc áo quần phèn và sờn rách, vai vác bị. Bác Hai tưởng ông đi xin, liền móc tiền vui vẻ đến cho ông. Bất ngờ bị ông gạt ra một cách phủ phàng và cự nự hằn hộc với Bác. Vì Bác đã cho lầm, ông ta không phải kẻ ăn xin. Bác buồn bỏ đi, lòng tự bảo: Sau nầy đợi người ta nài nỉ cầu xin hãy cho. Đừng quá sốt sắng có khi gặp phải phản ứng xấu.
    Tự nhủ thế chứ không làm như thế!
    Một lần khác thấy một ông già mặc quần ngắn, cũ, tay chống gậy cặp theo cái ca lớn. Bác vội thắng xe đạp lại, móc tiền ra định cho. Ông ấy vui cười khoát tay lia lịa nói:
    Không phải! Không phải! Tôi đang đi tắm lên.
    Bác bèn nắm tay ông và nói:
    Xin ông cảm phiền, tôi trông lầm, xin lỗi nhé!
    Ông già cười nói:
    Không! Không lỗi gì cả. Cám ơn lắm! Cám ơn lắm!
    Cả hai người chia tay lòng tràn ngập niềm vui không chút tốn kém.
    Qua hai mẫu chuyện kể trên cho ta thấy: Cũng cùng một sự việc giống nhau, nhưng kẻ khó tánh, bực bội, tự ái quá cao, thì nhìn thấy lửa địa ngục thiêu đốt trong lòng. Còn người lòng hướng thiện lại cảm nhận được gió mát của thiên đường tràn ngập.
    Vậy nếu có sự việc gì đó làm ta buồn phiền. Hãy xét lại mình xem! Tại mình đứng ở góc độ nào đó mà nhìn mới cảm thấy vui hay buồn chứ không do ngoại cảnh.

    164. BỐ THÍ NIỀM VUI
    Một hôm Bác Hai đang thả bộ trên cầu Duy Tân, bỗng gặp một ông lão ăn xin đang đi ngược chiều lại, Bác lấy ra hai ngàn đồng, không hiểu sao Bác tự dưng cầm hai tay kính cẩn đưa cho ông ấy. Ông ta vừa mừng vừa ngạc nhiên, ông không lấy tiền ngay mà cúi mình để cây gậy và bị vải xuống đất, rồi hai tay nâng lấy tiền Bác và xá xá một cách cung kính. Bác vổ nhẹ vai ông và bước đi.
    Bác nhìn thấy vẻ mặt ông ăn xin lúc ấy vui vô cùng. Có lẽ trong đời hành khất của ông mấy khi được người ta cho với sự kính trọng như thế.
    Đấy cũng là một cách thí niềm vui rất đẹp, khiến người thọ nhận cảm thấy mình vẫn còn đầy đủ nhân phẩm.
    165. THA LỰC VÀ TỰ LỰC
    Một người hỏi:
    Thưa Bác tu Tịnh Độ là nương nhờ tha lực. Còn tu thiền chỉ cậy vào tự lực. Vậy mình tu hành theo đường lối Thiền Tịnh song tu có mâu thuẩn hay trở ngại gì nhau không? Cách tu Thiền và Tịnh Độ ra sao?
    Bác nói:
    Nếu lòng còn phân chia pháp môn cao thấp? thì có chướng ngại mâu thuẩn. Ngược lại, nếu khéo áp dụng dung hòa thì các pháp đều trợ trưởng cho phút giây giác ngộ của hành giả.
    (Vô lượng pháp môn thệ nguyện học)
    Hết lòng cầu khẩn và tin tưởng ở tha lực mà tự lực vươn đến cao độ là đúng. Bằng như tin tha lực mà tự lực tiêu mòn bại liệt thì đó là ỷ lại, là sai với tinh thần dũng mãnh tinh tiến đại hùng lực của nhà Phật.
    " Đừng ỷ lại vào sự cứu vớt của Thần Thánh, đừng ỷ lại sự bênh vực của Thầy mình. Luôn luôn lúc nào cũng phải nhớ câu Nhơn Quả của Phật dạy, nếu Nhơn toàn thiện thì Quả cũng sẽ do đó được toàn thiện vậy."
    Có một đạo binh bị địch vây cố sức chiến đấu hơn nữa ngày, tướng binh thỏn mỏn mà vòng vây càng siết chặt. Bộ chỉ huy đang họp bàn nên liều chết hay đầu hàng. Bỗng bắt được tin viện binh sắp đến. Quân lính phấn khởi vùng lên đánh phá thủng vòng vây, bấy giờ viện binh mới tới!
    Chỉ mỗi niềm tin nơi tha lực mà tự lực cũng đã làm nên phép lạ huống là cộng với tha lực vô biên.
    Về vấn đề niệm cầu Phật Lực điều kiện tiên quyết là phải thật chí thành chí thiết:
    "Phải thật cảm Phật ngài mới ứng
    Niệm lơ là Phật chứng vào đâu?"
    Và:
    Tất cả tấm lòng thành
    Gom vào câu niệm Phật
    Khi niệm ấy phát lên
    Vang rền trong trời đất
    Rừng mê phá sạch không
    Bể khổ lấp bằng mặt
    Chỉ trong cái hoát nhiên
    Thấy rõ tam thế Phật.
    Tuy nhiên, chớ ỷ lại vào tha lực mà bỏ đi tự lực.
    Lúc nào cũng tự lóng lòng cho trong sạch, làm lành lánh dữ, noi đức từ bi hỷ xả của Phật mà tu hành, mới mong về cõi Phật được. Phật bảo: "Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi". Và:
    " Coi rồi phải thân mình tự trị
    Chẳng độ xong Phật khó dắt dìu"
    (SG)
    Như thế đủ biết chúng ta là vai chính và là đạo diễn trong vỡ tuồng đời của mình. Hãy luôn soi rọi lại lòng.
    Bất cứ khi đi đứng ngồi nằm
    Đều thấy rõ trong tâm mỗi việc.
    Việc của mình chính mình phải biết
    Nên cùng hư mọi việc đều thông
    Chẳng khi nào bất giác nơi lòng
    Được như thế sẽ không phạm tội

    Ngày đêm phải tự mình suy gẫm
    Ngăn gió trần cho lặng sóng tâm

    Đường về cõi Phật rộng mênh mông
    Gặp Phật phải qua cánh cửa lòng
    Nước bỏ tất không tìm được cá
    Cội lìa sẽ chẳng kiếm ra bông
    Thánh phàm ai tạo suy thì biết
    Mê ngộ đâu sanh nghiệm sẽ thông
    Chớ có đau Nam mà chữa Bắc
    Chủ tâm được tức vạn môn tòng

    Dù Thiền dù Tịnh dù muôn pháp
    Tự chủ nơi tâm ấy cội nguồn
    (TS)
    Mỗi lần nhớ lại hai câu thi của vị Thiền Sư nào đó:
    "Nam nhi tự hữu xung thiên chí
    Hưu hướng Như Lai hành xứ hành"
    (Làm trai chí dũng tới trời cao
    Không rập khuôn hành hạnh Như Lai)
    Bác cảm thấy hứng khởi và vô cùng thích thú, thì liền khi ấy một sự cảnh giác cao đồng thời trổi dậy, buộc mình phải soi rọi nghiêm khắc lòng mình.
    Và câu kinh Phật liền xuất hiện: "Chúng sanh đời sau không biết ngã là trọng bệnh, nên càng tu ngã mạn càng tăng"?
    Khi gặp cảnh buồn Bác niệm Phật với tâm trạng tựa nương tức được an tâm, như đứa trẻ nằm trong vòng tay của cha mẹ.
    Khi gặp việc may mắn Bác niệm Phật với lòng tri ân Tam Bảo sâu xa, tức cảm thấy an lòng vững bước trên đường hành đạo.
    Hãy mạnh dạn tiến về chân thiện mỹ tuy là phải độc hành vô lữ cô đơn nhưng không cô độc. Có ngàn tay ngàn mắt Phật và Bồ Tát đang trông chừng (từ nhãn thị chúng sanh) đang chực nâng đỡ chúng ta khi vấp ngã.
    Tóm lại, đem tất cả tâm hồn dũng mãnh của mình hòa quyện với niềm tin Phật lực sẽ có được một sức mạnh phi thường phá tan ngục tù phiền não khổ đau.
    Hãy vui tin Phật lực,
    Tự soi lại lòng mình
    Và mạnh tiến!


    166. CHƯA CHỊU CHẾT
    Có người bạn cùng tuổi với Bác, nay ông đã chết rồi! Lần đó, ông bị vỡ bao tử, đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp. Bác hay tin đến thăm.
    Ông nói:
    Hồi đó giờ tu, mà tôi chưa phát đại nguyện. Bây giờ tôi phát đại nguyện rồi anh.
    Bác không hỏi xem ông phát đại nguyện gì, ra sao? Mà lại nói:
    Tôi như anh, tôi khỏi phát đại nguyện, kể như hôm đó bao tử khâu không kịp, mình đã chết rồi là yên.
    Ừa! Tôi cũng tính như anh vậy, miễn vợ con nó xuôi một bề thì thôi.
    Vậy là anh chưa chịu chết, đã chết lại còn miễn cái nỗi gì nữa!

    167. TU SAO CHO KỊP
    Có người hỏi Bác Hai:
    Sấm Giảng có câu: "Đời cùng tu gấp kịp thì". Vậy tu gấp là tu thế nào cho kịp?
    Bác đáp:
    Các hoàn cảnh thuận, nghịch đến mình đều ứng xử đẹp là tu kịp.
  4. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    168. TU TRONG CÔNG VIỆC HÀNG NGÀY
    Một chú em bán tạp hóa. Cửa hàng của chú khá lớn. Công việc bận rộn suốt ngày. Một hôm chú gặp Bác và than : "Nghề làm ăn của con quá bận, không có thì giờ để tu hành, con không biết làm sao?
    Bác đáp: Cháu có nhiều cơ hội để tu hơn hết đó chớ. Hãy Phật hóa việc cân đong đo đếm của mình. Bao bì bảo quản hàng hóa chắc chắn trước khi trao cho khách. Hãy đem tinh thần từ bi hỷ xả của Phật mà tiếp đãi ứng xử vui vẻ với mọi người, mua bán nới nang, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Như vậy sẽ có nhiều tiến bộ trong việc tu. Kinh tế gia đình ổn định mà lại đắc hàng thêm.
    Từ sớm đến tối thiếu gì chuyện để tu. Sợ e tu không hết lo gì không có thì giờ và cơ hội để tu. Nhất là nhớ đem lòng từ bi hỷ xả giao tiếp với đời. Đó là hành đạo, là thiện mỹ hóa đời sống vậy. Ì

    169. CHỈ TOÀN THẤT BẠI
    Một đứa cháu nói với Bác:
    Bác Hai ơi! Bác già yếu lắm vậy Bác truyền lại cho tụi cháu những cái "thành công" trên bước đường tu hành của Bác đi, để Bác qua đời mang theo uổng lắm!
    Bác đáp:
    Rất lấy làm tiếc là Bác không thành công gì hết chỉ toàn "thất bại" không hà!
    Nó cười chắc không hiểu ý nên không hỏi thêm gì nữa.
    Bác thấy vậy nói thêm:
    "Thất bại là mẹ thành công" đó cháu!
    170. ĐỪNG KHUYÊN !
    "Lời nói không mất tiền mua,
    Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau." (CD).
    Lời khuyên can nhau nếu không đúng lúc, đúng chỗ, đúng người thì cầm bằng lời thóa mạ, xỉ vả. Không khuyên can ai điều gì hết, tình người đến thế thì nhạt nhẽo quá đi!
    Câu chuyện "Đừng khuyên" nói lên nỗi e ngại và dè dặt ấy!
    Có mấy chú thanh niên cư sĩ tu chung nhau trong một Phủ Thờ rộng rãi yên tịnh lắm. Một hôm, một trong số mấy chú gặp Bác Hai, và hỏi:
    Sống chung nhau để tu tập, làm sao khỏi đụng chạm, phiền hà nhau hở Bác?
    Muốn cho êm đẹp thì đừng có khuyên! Bác nói.
    Như vậy, bạn mình có làm điều gì sai trái, sắp sa ngã chẳng hạn, mình cũng mặc kệ sao?
    Bác trả lời:
    Nếu mình chưa đủ đức độ, chưa sành tâm lý, tốt hơn đừng khuyên. Muốn khuyên bạn phải biết rõ trình độ, tánh tình và mức độ thân mật giữa mình và người bạn đến đâu rồi sẽ quyết định nên khuyên can hay không, và nên nói gần hay xa, nói nhiều hay ít. Bằng không hiểu được vậy, nếu khuyên càn, sẽ mất bạn và mất lời nữa! Dù lời lẽ cháu khuyên có đúng cách mấy bạn cháu cũng chỉ nghe rằng: "Mầy hư quá, tệ quá, không bằng tao! Mầy xem có phải tao khôn hơn mày hôn?" Mặc dù cháu chưa bao giờ nói lời ấy.
    Cháu ấy ngẫm nghĩ một chốc rồi gục gật đầu: "Chắc vậy!"
    171. DỨT KHOÁT NƠI LÒNG
    Bác Hai kể:
    Thuở ấy tôi độ 16 tuổi. Một hôm bà má đang trò chuyện với khách. Em gái tôi đến bên bà nằn nì đòi cái kéo đặng cắt đồ chơi. Bận tiếp khách, bà làm lơ bỏ qua. Em tôi cứ vặt vặt áo của bà và đòi hỏi mãi. Giận quá bà đập tay xuống bàn rút cây thước giơ lên dọa đánh, miệng la mắng: "Có khách mà mầy làm lu bu, kéo dao gì? Tao đập chết bây giờ!" Vừa làm dữ, vừa dằn cái rổ may xóc xóc lên. Tưởng làm gì dữ lắm, không ngờ bà lục kiếm cái kéo đưa cho con.
    Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi thương em lắm, sợ bà má đánh em. Lúc bà giơ thước lên, tôi định bụng để bà đánh một cái cho bớt giận là nhảy lại bế em chạy.
    Trái lại, em tôi nó tỉnh bơ, chỉ hơi rụt đầu một chút khi má dọa đánh. Tuy mới 3 tuổi đầu nhưng nó thấy rõ tâm lý của bà. Nó biết bà cưng nó lắm, không đánh đâu! Và nếu cố lỳ đòi hỏi rốt cùng nó sẽ được thỏa mãn yêu cầu.
    Chuyện trên cho thấy điểm cốt yếu nằm trong tâm, còn cử chỉ "hì hồ" bên ngoài không thành vấn đề. Em tôi còn bé bỏng nhưng nó cảm thông được mức độ yêu thương của tình mẫu tử. Còn tôi là con ghẻ nên không bắt được tần số ấy!
    Chuyện "Dứt khoát nơi lòng" dưới đây cũng tương tợ. Tác giả khuyên đương sự hãy soi rọi lại tận từng sâu thẳm của tâm hồn, để nhận rõ lý do mà đối tượng cứ theo đuổi mãi, mặc dù mình đã lạnh lùng từ chối. Và đồng thời cũng tự biết cách hoán cải sự việc. Và đây là câu chuyện:
    Có cô cư sĩ, bị một thanh niên đeo đuổi hoài! Bứt rứt quá cô hỏi Bác Hai, cách đối xử sao cho người ta khỏi theo quấy nữa! Bác đáp:
    Hãy dứt khoát nơi lòng mình, tức người ta không theo nữa! Bác có người bạn, bị cô vợ ghen quá xá! Vợ chồng đánh lộn gây gổ liên miên. Chán quá anh định bỏ vợ. Khi đã hạ quyết tâm, anh đối xử với vợ thật ngọt ngào, có tiền đưa hết cho vợ, bảo sắm sửa quần áo, nữ trang v.v? Thế mà chị vợ lại sợ anh bỏ. Và rốt cuộc họ chia tay thật!
    Nếu mình đã dứt khoát nơi lòng, thì dù đối xử ngọt ngào như đường người ta cũng biết không có hy vọng gì. Còn lòng mình chưa dứt hẳn, dù có chửi họ, họ cũng theo đuổi mãi.
  5. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    LỜI CUỐI
    Con tằm đã nhả rốt đường tơ để trả nợ dâu. Nó không ước vọng gì, chỉ muốn nghỉ yên trong kén.
    Dù dở, dù hay xin quý vị hãy quét gom "CẶN BÃ" lại đem bón dưới những khóm hoa giúp sức cho các nụ đua nhau bừng nở trong khắp vườn hoa đạo:
    "Cho hương đạo thắm,
    Cho màu đạo tươi!"
    Bấy giờ quý vị lần lượt nhặt những bông hoa diễm lệ, kết thành tràng hoa lộng lẫy, để trang nghiêm ngày lễ hội.
    Xin đừng ai ngó ngàng đến CẶN BÃ, cứ để nó tự phân hóa và hòa mình biến nhập vào lòng đất lạnh.
    Thế là xong! Nó đã hoàn thành chức năng thấp thỏi của mình trong một giai đoạn luân hồi!
    Sự thế trả về cho cuộc thế
    Cửa Không chỉ giữ tấm lòng Không

    Cuối đông 1998
    Như Sanh
  6. TRANTHIENNHAN

    TRANTHIENNHAN Moderator

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    2.663
    Đã được thích:
    9
    Vậy là Nh đã làm xong một loạt Cut-paste công nghệ cao !
    Nghĩ lại, thời nào nơi nào cũng có những bậc giác ngộ, những người có trí tuệ. nếu ta biết thì ko cần phải tìm đâu cho xa, bên Tàu, Nhật rồi Tây,.. cũng ko bằng một ng Việt Nam 100% với những câu chuyện rất đời thường và thật tế. Nhằm vun bồi cho những khóm hoa sẽ nở, Nh xin các bạn hãy đọc từng bài và hãy dành một chút suy nghĩ sau mỗi bài. Những đoá hoa là của bạn, Nh chỉ là người bón phân.

Chia sẻ trang này