1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Bạn biết gì về khiêu vũ thể thao?

Chủ đề trong 'Dancing' bởi Vo_Tong_Khach, 04/01/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Vo_Tong_Khach

    Vo_Tong_Khach Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/06/2004
    Bài viết:
    113
    Đã được thích:
    0
    Bạn biết gì về khiêu vũ thể thao?

    Người say điệu nhảy

    Phong trào khiêu vũ thể thao phát triển khá mạnh tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng trong thời gian gần đây. Tại Hà Nội, hàng chục CLB khiêu vũ thể thao ra đời. Một số trường đại học như Ngoại thương, Văn hóa, Kinh tế quốc dân... thường xuyên mở khóa đào tạo và tổ chức những đêm dạ hội như các chương trình "Latin wave" (sóng La-tinh), "Thành phố khiêu vũ", "Đôi giày vàng Hà Nội"... thu hút đông đảo các cặp khiêu vũ từ khắp nơi về thi thố tài năng. Ở TP.HCM, phong trào có vẻ chìm hơn nhưng đang có dấu hiệu khởi sắc khi Trung tâm Thể thao Q.1 quyết định đứng ra đỡ đầu cho bộ môn này. Bước đầu, các bạn trẻ đã có nơi tập luyện ở Trung tâm Thể thao Nguyễn Bỉnh Khiêm và CLB Hoa Lư. Trong số những dancer của đội tuyển quận 1 có bạn Đình Trường, 20 tuổi, con của vũ sư khá nổi tiếng Đình Huyền. Trường tập khiêu vũ từ năm lên bảy, anh cho biết: "Tôi đã từng gia nhập vũ đoàn Hoàng Thông đi biểu diễn đó đây làm nền cho ca sĩ, sau đó học rap, hip-hop, break dance... Trước khi chuyển sang chơi môn khiêu vũ thể thao, tôi cảm thấy rất tự hào về tài nghệ của mình. Đến khi có dịp chứng kiến những bước nhảy điêu luyện, sự phối hợp nhịp nhàng của các đôi khiêu vũ thể thao thì mới biết mình không là gì cả. Sau đó, tôi quyết định xin theo tập môn này. Mặc dù việc tập luyện rất gian khổ, nhưng tôi luôn cố gắng, nỗ lực hết mình". Rất nhiều bạn trẻ khi gia nhập môn này đều tỏ ra khâm phục sự vượt khó, cầu tiến của "đôi én" Hải Anh - Khánh Thi. Vì đam mê khiêu vũ thể thao, hai bạn tuổi vừa đôi mươi đã lặn lội sang tận Pháp tầm sư học đạo. Không biết tiếng Pháp, đơn độc nơi đất khách quê người, Hải Anh xin rửa bát cho nhà hàng, còn Khánh Thi giữ trẻ để có tiền học. Vượt qua nhiều khó khăn, cuối cùng đôi bạn đã khẳng định được tài năng của mình, đoạt hạng nhì Giải khiêu vũ Pháp mở rộng 2004. Từ sự thành công này, hai bạn đã được UBTDTT thừa nhận và hỗ trợ kinh phí tiếp tục sang Pháp, Anh luyện tập chuyên sâu để trở thành đại diện dancesport Việt Nam, lần đầu tiên tham dự SEA Games 23 tại Philippines 2005. Mới đây, đôi khiêu vũ quận 1 TP.HCM Hoài Anh và Anh Lâm đoạt giải nhì giải khiêu vũ quốc tế tại Malaysia nội dung rumba là thành tích đáng khích lệ cho bộ môn khiêu vũ thể thao Việt Nam trong bước đi đầu tiên.

    Khiêu vũ thể thao còn là một môn rất dễ gây... sốc. Sử Duy Vương kể: "Có lần tôi và nhóm bạn vào vũ trường chơi, nhảy theo những gì đã học liền bị một đám đông lầm tưởng rằng chơi theo phong cách giang hồ, chơi nổi, cố ý "khoe mẽ" để giành "đào". Đám này tìm cách gây hấn, bỏ khiêu vũ chuyển sang... khiêu khích. Để tránh "đổ máu", chúng tôi đã rút". Còn Lã Quý Lâm - HLV phó đội tuyển quận 1 cho biết sau khi thấy anh biểu diễn xong, một số thanh niên đã đến gặp đề nghị "anh dạy cho em vài chiêu để em... cua gái". Rất dị ứng với cách nghĩ trơ trẽn ấy nên anh tìm cách từ chối hoặc đưa ra giá thật cao để các bạn này không thể nào học được. Vậy mà vẫn có những cậu nhắm mắt đòi theo cho bằng được. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần, các cậu công tử "nhà giàu" thích chơi bời này đã bỏ cuộc vì không theo nổi giáo án tập luyện.


    Dương thịnh âm... suy
    Khiêu vũ thể thao có 10 điệu nhảy được chia làm hai dòng. Dòng cổ điển (standard) gồm 5 điệu Waltz, Viennese Waltz, Foxtrot, Quickstep, Tango và dòng La-tinh gồm 5 điệu Rumba, Chachacha, Samba, Jive, Paso Doble. Nếu phong cách cổ điển hướng đến sự chuẩn mực, thanh lịch, nam áo đuôi tôm, nữ váy dài thì phong cách La-tinh bốc lửa, phóng khoáng, trữ tình, phá cách và nồng nàn nên trang phục của nữ rất gợi cảm, thể hiện những đường cong của cơ thể. Bộ môn này hiện đang thiếu trầm trọng nữ vận động viên vì các bậc phụ huynh không chấp nhận cho con gái mình theo đuổi, bởi sợ các cô sa ngã, hư hỏng và dễ "đàn đúm". Hơn nữa, dù luyện tập nghiêm túc nhưng rất dễ bị dư luận đánh đồng với gái nhảy, ****. Hoài Anh kể cô sinh ra trong gia đình có tư tưởng tiến bộ, được tắm mình trong "cầm kỳ thi họa" từ bé, lại được "bổ túc" món khiêu vũ từ năm lên tám, nhưng đích nhắm của cha mẹ là muốn trang bị cho cô một kỹ năng giao tiếp xã hội đơn thuần chứ dứt khoát không thành một nghề vì thu nhập không đáng là bao, lại rất bấp bênh. Cái sự ngần ngại trước áp lực của gia đình và "miệng lưỡi của người đời" là một lực cản ghê gớm khiến không ít bạn nữ vừa mới gia nhập bộ môn dancesport đã vội vàng thoái lui. Thực tế cũng rất "căng thẳng" bởi chính mắt Hoài Anh từng chứng kiến những mối tình tan vỡ do... khiêu vũ thể thao. Khi mới quen nhau qua khiêu vũ, anh T. và H. rất thương nhau, nhưng khi H. đề nghị tiến đến hôn nhân thì "lời ong tiếng ve" khiến gia đình của anh T. chao đảo, cuối cùng họ không chấp nhận con trai mình lấy một cô gái "nhảy", dù rằng gia đình anh T. đã biết rất rõ tư cách đàng hoàng và sự chung thủy hết mực của H. Những trường hợp khác, nếu bạn nữ có người yêu hoặc có ý định tiến đến hôn nhân với người "ngoại đạo", thì khả năng tan đàn xẻ nghé của đôi nhảy rất... cao, tỷ lệ lên đến 90%. Việc này đặt nữ vận động viên vào sự lựa chọn quay quắt là hoặc "theo chồng bỏ cuộc chơi", hoặc chấp nhận... chia tay với tình riêng. Sự mâu thuẫn trong cách nhìn của cộng đồng về công việc của những VĐV khiêu vũ thể thao còn nằm ở chỗ xem họ biểu diễn trên sàn diễn rất lãng mạn, rất tình tứ, thậm chí là cực kỳ... ướt át, nhưng bên trong là sự lao động nghệ thuật miệt mài, là sự ép xác mà những người trong cuộc lúc đó không hề có một cảm giác... gì. Quý Lâm tâm sự: "Để đạt đến đỉnh cao hay sự tinh túy của nghệ thuật khiêu vũ thể thao, chúng tôi phải rèn luyện khổ nhọc, phải làm việc không khác gì một vận động viên điền kinh hay các bộ môn khác mới có thể trình diễn những động tác khó, đẹp mắt làm hài lòng người xem. Vì thế những suy nghĩ lệch lạc về bộ môn này là hoàn toàn không đúng".

    Và vì phải "ép xác", phải biết "hy sinh" nên nếu đôi bạn khiêu vũ nào để mặc cho tình cảm "lên ngôi" thì chắc chắn việc tập luyện sẽ chểnh mảng, phong độ sẽ xuống... sề, bước chân của người nam lúc đó sẽ nặng tựa... đeo chì, không còn dẻo dai để dìu bạn nữ. Vì thế, người trong cuộc rất cần có sự chừng mực để sự hấp dẫn giới tính không mạnh hơn chuyên môn và ngược lại.

    Để dễ so sánh kỳ công của khiêu vũ thể thao với các loại hình nhảy múa khác, có thể căn cứ vào số giờ tập, độ khó của các động tác và thái độ nghiêm túc đối với công việc. Ngoài ra, các dancer không chỉ thể hiện trình độ cá nhân điêu luyện mà quan trọng là phải có sự phối hợp ăn ý đến tuyệt vời với bạn nhảy và khả năng cảm thụ âm nhạc cực tốt. Còn một cái khó của khiêu vũ thể thao nữa là khi vai kề vai, nam không dìu nữ bằng tay mà bằng... cơ. Vì thế, những động tác này rất dễ gây nên cảm giác đắm đuối nơi người xem. Anh Quý Lâm kết thúc câu chuyện: "Có lần đến vũ trường khiêu vũ theo một điệu La-tinh với những động tác rất lãng mạn. Sau buổi diễn, một cô gái bĩu môi nói với tôi rằng: "Anh ngó vậy mà... dê lắm". Nghĩ lại chẳng biết nên khóc hay cười?...

    Theo TN 27/12/2004
    http://www.vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=3970&CatId=43


    Được Vo_Tong_Khach sửa chữa / chuyển vào 12:14 ngày 04/01/2005

Chia sẻ trang này