1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Bạn có phải là người ẩm thực sành điệu ở Cần Thơ không ?

Chủ đề trong 'Cần Thơ' bởi phanboboai, 24/08/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. TuongTuKhach

    TuongTuKhach Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    27/05/2003
    Bài viết:
    827
    Đã được thích:
    0
    Thui ngày mai đi xong, làm một cái tiển tao lên đường luôn đi
  2. sanbatcuop

    sanbatcuop Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/01/2006
    Bài viết:
    226
    Đã được thích:
    0
    Thiệt là chán quá ngày hôm qua hẹn đ/c Trung nổ ra quán mắt heo Vườn mận đợi trước.mà cái ông tướng này mặt cứ ngơ ngơ làm sao ý.cái quán to như vầy mà đi lạc ...qua quán kế bên.đã vậy lão Trung này còn dắt theo 1 chú hình như cũng"lưỡng tính"như lão .rượu ngon như vậy mà không uống toàn lo đi ...phá mồi...thật là chán hết sức.....
    Quán gì mà mồi màng chẳng có.kiếm mãi mới được 5cái mắt heo thì hết..phục vụ thì dở.báo hại khi lão nhị tuongtukhach và changtraitaydo tới thì mồi hết.rượu hết...mắt heo cũng k có mà ăn....chán quá.hehe thông cảm nha 2 Bác tại vì 2 bác tới trễ qúa.Có Chai rượu tây em với ông Bạn kia uống "dè xẻn"lắm mà khi 2 Bác tới vẫn cứ ....hết.cuối cùng đành phải chuyển qua uống rượu...tắc kè.
    Được sanbatcuop sửa chữa / chuyển vào 10:03 ngày 04/02/2006
  3. TuongTuKhach

    TuongTuKhach Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    27/05/2003
    Bài viết:
    827
    Đã được thích:
    0
    Rượu gì cũng thía thui lão à, có vào thì có ra đó mà, đầu vào khác chứ đầu ra giống nhau hết à
  4. khongtenso0

    khongtenso0 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/10/2004
    Bài viết:
    3.758
    Đã được thích:
    0
    Hôm nay "tâm hồn ăn uống" trổi dậy ! ngồi xem 1 loạt các món ăn ở quê nhà. Chép lại cho các bác xem nhé
    Cháo lòng Cái Tắc
    Trần Phỏng Điều
    Cái Tắc là thị tứ thuộc xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (Cần Thơ). Ở đây ngoài cảnh sông nước tấp nập ghe xuồng mỗi lần họp chợ, ngoài cây trái còn có những món ăn rất ngon mà giá cả lại rất bình dân ví như món cháo lòng.
    Có thể nói, cháo lòng Cái Tắc đã vang danh không chỉ trong tỉnh mà còn lan ra cả khu vực ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Một số nhà hàng lớn của TP Cần Thơ mỗi khi tổ chức ngày hội ẩm thực đều trương băng quảng cáo món cháo lòng Cái Tắc này.
    Những người bán cháo ở đây có hẳn một khu vực riêng của mình nằm giữa lòng chợ. Trong khu vực này có khoảng 10 quán cháo xếp nằm san sát nhau. Về cách nêm nếm cháo thì mỗi quán có một bí quyết riêng, người ngoài không bao giờ học được.
    Cháo ở đây được nấu rất nhừ và có phần hơi lỏng. Người bán luôn châm thêm nước cho nồi cháo đừng đặc quánh lại. Lúc cháo sôi, người ta cho tiết, thịt, phèo, gan... vào cháo, tạo cho nồi cháo có màu trắng ngà ngà điểm màu tiết trông rất hấp dẫn. Sau đó họ nêm bột ngọt, ít hành và một số gia vị khác vào. Nồi cháo được đặt trên lò để giữ cháo luôn nóng. Khi khách đến ăn, người bán lấy tô múc cháo vào, hốt một nắm giá để lên, một nhúm ngò đã thái nhỏ, cho một ít nước mắm, vắt chanh vào, rắc tiêu lên và một chút ớt bằng ngâm giấm, sau đó cho thịt, phèo, gan, đã thái... vào. Một điều lạ là người dân ở đây ít ai ăn cháo với bánh củ cải, mà thường ăn với bún, loại bún cọng nhỏ. Có lẽ ăn với bún sẽ no hơn.
    Sáng sớm, bạn đến đây ăn cháo, tô cháo được bưng ra đặt trước mặt bạn, khói bay nghi ngút, mùi thơm xông lên mũi làm cho bạn phát thèm. Sau đó người bán sẽ đem cho bạn một chén nước mắm ngon để bạn chấm lòng, cho thêm một ít ớt bằm ngâm giấm và canh vào đồng thời khi ăn bạn cho thêm bún vào, tô cháo sẽ đặc lại ăn rất ngon. Cháo ở đây ngon là nhờ nước cháo rất ngọt. Vị thơm của ngò, của tiêu, vị ngọt của thịt pha lẫn mùi thơm của nước mắm... tất cả các chất hòa quyện vào nhau trong một tô cháo tạo ra hương vị đặc trưng riêng của cháo lòng ở đây không lẫn vào đâu được.
    Tất cả các quán cháo ở đây đều được bày bán trên một sạp gỗ, xung quanh là những chiếc bàn thấp có, cao có thực khách ra vào nườm nượp.
    Nếu có dịp đến Cần Thơ, xin bạn hãy thử đến Cái Tắc thưởng thức một tô cháo lòng ở đây. Nhưng bạn nên nhớ có rất nhiều nơi bán cháo lòng lấy danh là "Cháo lòng Cái Tắc" nhưng đó không phải là chính hiệu.
  5. khongtenso0

    khongtenso0 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/10/2004
    Bài viết:
    3.758
    Đã được thích:
    0
    Vịt nấu chao Cần Thơ
    Lê Xuân Bột
    Ai đã đến vùng sông nước Cửu Long một lần đều khó mà quên được hương vị "đuông chà là" của Bến Tre, cốm dẹp Trà Vinh, bánh phồng tôm Sa Giang (Đồng Tháp) và món "vịt nấu chao", thơm, ngậy, ngọt, bùi của Cần Thơ. Tất cả đã góp phần làm đẹp hơn nét "văn hóa ẩm thực" của miệt vườn Nam Bộ.
    Ta hãy lắng nghe giọng hò ngọt ngào của cô gái chèo ghe ở chợ Nôi Cái Răng đùa vui với người yêu: "Hò ơ... Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền. Anh có thương em đừng cho bạc cho tiền. "Vịt nấu chao" một lẩu, anh mua liền cho em". Vịt nấu chao là một món ăn đặc trưng của Nam Bộ, nhưng không đâu có nhiều và ngon như ở Cần Thơ. Cả một con hẻm dài đường Lý Tự Trọng với mấy chục quán ăn liền nhau, chiều chiều xe đậu đặc kín. Món ăn này không phải là "cao lương mỹ vị" gì nhưng nó rất "khoái khẩu" với mọi lớp người. Một cái lẩu "vịt nấu chao" ăn kèm bún, mì sợi, rau xanh. Ngồi cùng vài người bạn nhâm nhi chút rượu đế, loại rượu gạo ngon "sủi tăm" như của đất bắc, trong một buổi chiều mát mẻ thì còn gì thú bằng.
    Nguyên liệu chính để nấu món này là thịt vịt (vịt ta hay vịt Xiêm, người bắc gọi là ngan), chọn một con từ 1,5 kg trở lên, vịt làm xong, thoa ngoài da một lớp nước gừng và rượu. Chặt miếng vừa phải, ướp gia vị: chao trắng, bột ngọt, tỏi, tiêu, ớt, nước cốt dừa vừa đủ, khoảng 30 phút đem chiên qua rồi đưa vào nấu. Khoai cau (khoai sọ) lại củ bằng quả trứng gà, luộc vừa chín, bóc vỏ, chiên qua. Khi thịt vịt hầm vừa chín tới thì cho khoai, hành tây, nấm rơm búp vào để sôi khoảng 15 phút rồi nhấc xuống. Khi ăn cho hỗn hợp vào lẩu (dùng than đước, hoặc bếp ga nhỏ) để ngọn lửa liu riu. Các loại rau cải xanh, cải cúc, rau muống trắng, tàu hủ, bún tàu hay mì sợi cho xen lẫn vào. ăn tới đâu nhúng tới đó. Có người thích ăn thêm hột vịt lộn hay rau diếp cá, rau cần, cù nèo, giá đậu xanh... Vịt nấu chao phải ăn nóng mới ngon. Mỗi miếng thịt để lại trong ta dư vị ngọt, bùi, thơm, ngậy của chao, nước cốt dừa, vị nồng cay của gừng, tiêu, ớt, tỏi, vị dịu mát của các vị rau. Theo kinh nghiệm của dân gian thì thịt vịt thuộc loại "khí âm" lạnh được thêm vào các vị "khí dương" (nóng) của rượu, tiêu, tỏi, chao, ớt làm trung hòa tạo ra sự cân bằng âm dương rất có lợi cho sức khỏe.
    Vịt nấu chao có mặt ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhưng chưa nơi nào được chế biến công phu và ngon hơn ở Cần Thơ. Món này nếu được ăn trong những ngày đông giá lạnh ở miền bắc thì chắc sẽ thật tuyệt.
  6. khongtenso0

    khongtenso0 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/10/2004
    Bài viết:
    3.758
    Đã được thích:
    0
    Lẩu vịt nấu chao
    Vĩnh Phương
    Trong các món vịt nấu chao, trước hết phải kể đến món lẩu vịt nấu chao. Lẩu vịt nấu chao thường được ăn với bún hoặc bánh mì, rau ăn kèm phổ biến vẫn là rau muống.
    Ở Cần Thơ, trong con hẻm gọi là hẻm 1 khu Tỉnh Đoàn trên đường Nguyễn Trung Trực từ mấy chục năm nay có một xóm khoảng bốn năm quán chuyên bán lẩu vịt nấu chao. Món này đã trở thành một thứ đặc sản địa phương mà nhiều du khách khi đến Cần Thơ phải tìm đến.
    Món lẩu vịt nấu chao thoạt trông đơn giản, chỉ có thịt vịt, một ít khoai môn và nước lẩu đậm vị chao. Thế nhưng để có được một nồi lẩu vịt đúng nghĩa, quá trình chế biến lại hết sức công phu.
    Vịt được chọn là loại vịt ít mỡ, tương đối non và nặng chừng 2,4 đến 2,8 kg. Thịt vịt làm sẵn, người cầu kỳ còn cắt bỏ đầu cánh chỉ giữ lại phần thân nhiều nạc rồi xát thịt vịt với gừng, chút xíu rượu trắng để khử mùi vịt, lau khô và để chỗ mát. Sau đó đem uớp với gia vị và chao. Chọn loại chao trắng lâu ngày, pha thêm một ít chao đỏ để lấy mùi thơm rồi uớp khoảng một buổi trước khi nấu. Có người còn chần sơ qua dầu sôi cả thịt vịt đã ướp lẫn khoai môn cau trước khi nấu để cho miếng thịt săn chắc và khoai không bị rã.
    Ở Cần Thơ, người ta lấy vị béo cho lẩu bằng nước dừa nhưng hiện tại khi lên Sài Gòn, nhiều người cho sữa tươi vào để tăng vị béo.
    Lâu nay, ở Sài Gòn, miệt Thủ Thiêm từ những năm 80, 90 có một quán ăn nổi tiếng với vịt ba món, trong đó có món vịt nấu chao. Vịt ở đây là loại vịt cổ lùn, nuôi tại chỗ và người ăn chỉ con nào quán làm ngay con đó. Gần đây, một số đầu bếp đưa món lẩu vịt nấu chao vào nhà hàng, nhưng chỉ là những món phụ làm phong phú thực đơn.
    Cách đây chừng một năm rưỡi, có một chàng trai chưa tới ba mươi tuổi, có vợ là người Cần Thơ, gia đình có nghề nấu lẩu vịt nấu chao, mạnh dạn mở một quán chuyên bán món ăn này trên đường Cộng Hoà. Người Sài Gòn cứ thích món lạ, nên ngay ngày khai trương đầu tiên chỉ làm có 20 con vịt nhưng bán chừng 2 tiếng đồng hồ đã hết veo, ngày thứ hai tăng lên 40 con, rồi 80 con và có ngày cả trăm con. Đến nay, chỉ với món lẩu vịt nấu chao nhưng chàng trai này đã gầy dựng được cơ nghiệp.
    Mới đây quán được dời từ đường Cộng Hoà về khu vực hồ bơi Không Quân để có mặt bằng rộng hơn, khoảng ba trăm chỗ ngồi. Chủ quán thấy bán được còn mở thêm một quán mới khá lớn ở địa chỉ 204 Nguyễn Văn Lượng, Q. Gò Vấp. Có người ăn món lẩu vịt ấy mà ghiền. Họ bảo nhau: chẳng cần phải đến Cần Thơ, vẫn có thể thưởng thức món vịt nấu chao bốc khói ở Sài Gòn.
  7. khongtenso0

    khongtenso0 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/10/2004
    Bài viết:
    3.758
    Đã được thích:
    0
    Nem nướng Cần Thơ
    Cát Lộc
    Cách đây khoảng 40 năm, Cái Răng (Cần Thơ) và Thủ Đức (Sài Gòn) là hai nơi nổi tiếng với món nem, mà đặc biệt là nem nướng. Nhờ nằm cách thành phố nên khách đến ăn ngoài việc tận hưởng hương vị độc đáo của món ngon, vừa đón nhận không khí trong lành của những thị trấn còn mang dáng dấp miệt vườn. Nhưng rồi không hiểu sao nem nướng lại tàn lụi ở cả hai nơi?
    Những người ăn nem nướng năm xưa không sao quên được cái thú ăn uống thời trước!
    Để làm nem nướng, phải chọn thịt nạc vừa mới sả còn bốc hơi nóng. Thịt thấm sạch máu bằng khăn the hoặc giấy xốp, rồi lạng bỏ gân, bầy nhầy. Dùng que nhỏ, nhọn xăm đều miếng thịt để máu tươm ra, thấm khăn the lượt nữa cho thật sạch máu (nếu là thịt phi-lê thì khỏi qua công đoạn này) rồi xắt lát mỏng ướp tỏi nướng vàng, tỏi tươi băm nhỏ, nước mắm ngon cô đặc, bột ngọt... Khoảng nửa giờ sau, gia vị thấm đều, cho thịt vào cối quết, thêm chút đường và tiêu xay. Khi thịt quết chuyển màu trắng, dẻo, quấn đầu chày, người ta vo viên xiên vào que, đem nướng trên lửa than cháy yếu đến khi thịt chín vàng đều thì thoa mỡ hành.
    Cũng như một vài món ăn khác, người Nam bộ ưa dùng rau thơm gói bánh tráng. Nem nướng lại càng cần rau thơm, chuối chát, dưa leo, khế... hơn bao giờ hết, và nó lại càng cần một món ăn kèm khác là bánh hỏi. Cầm một nửa chiếc bánh tráng nem, phải là tay sành mới gói thật điệu nghệ sao cho nem nướng, rau thơm, xà lách, dưa chua, bánh hỏi nằm đều, suôn, thon vừa, gọn thành một cuốn đẹp mắt. Cuốn bánh chấm nước mắm tỏi chanh đường hay tương nếp. Tuy là một món đơn giản, nhưng công phu pha chế không phải ai cũng làm được. Về sau, người ta ưa dùng tương xay thay loại nước chấm truyền thống này. Cũng như nước mắm chanh đường, tương xay được pha chế theo một công thức gia truyền. Chính thứ nước chấm này quyết định sự ngon lành của món ăn.
    Dù vắng mặt đã lâu, lớp người trẻ tuổi không mấy ai biết được, nhưng khi "sống lại", nem nướng nhanh chóng trở thành món ăn được ưa thích. Chính vì thế ma khi khai trương đến giờ, quán Thanh Vân trên đại lộ Hòa Bình, thành phố Cần Thơ, trở thành điểm hẹn của những người sành ăn. Ngoài hương vị tuyệt vời của nem nướng, quán còn một "đặc chiêu" là dưa sả. Những lát sả gốc làm dưa tuy tầm thường nhưng "lợi hại" vô cùng. Nó vừa ngọt vừa chua dịu lại thơm thơm mùi tinh dầâu, ăn chơi đã thấy sướng miệng lắm rồi, thì khi ăn kèm với cuốn nem nướng mới "đã cái khẩu" làm sao!
  8. khongtenso0

    khongtenso0 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/10/2004
    Bài viết:
    3.758
    Đã được thích:
    0
    Cháo sò huyết
    Hiền Trang
    Món cháo sò huyết là món ăn bình dân ở thành phố Cần Thơ. Sò huyết, một loại hải sản nhiều chất dinh dưỡng, bổ máu, tăng cường sinh lực và thơm ngon.
    Chế biến cháo sò huyết một cách đơn giản nhất là sò được rửa kỳ cọ sạch vỏ rồi cho vào nước sôi quãng 3-5 phút. Khi sò tách miệng, vớt ra lấy ruột rồi đem phi tỏi mỡ, hành tím cắt mỏng cho thơm, cho mắm vừa ăn. Để có một bát cháo sò huyết ngon hợp khẩu vị, người nấu phải làm sao để sò phải giòn và mềm. Có lẽ đây là một "bí quyết nhà nghề" của người nấu. Khi khách đã yên vị, thì chủ hàng múc cháo ra bát, để sò lên trên rồi rắc hành, tiêu vào. Trên bàn bày một đĩa bánh củ cải (thường được dùng ăn kèm với cháo), một lọ nước mắm, và một đĩa chanh ớt, tuỳ ý khách có thể cho thêm để hợp khẩu vị mình.
    Còn để tăng giá trị bổ dưỡng và chữa bệnh, cháo sò huyết còn có thêm đậu xanh và thịt lợn. Sò sau khi đã rửa sạch sẽ, không luộc bằng nước sôi mà dùng dao tách đôi vỏ lấy ruột sò ra để đảm bảo độ dinh dưỡng cao. Thịt nạc lợn sau khi đã băm nhuyễn cùng ruột sò được phi qua với hành tím trong mỡ vừa chín tới, nêm gia vị mắm muối, tiêu cho vừa ăn. Gạo cũng vo sạch để ráo nước. Đổ gạo vào chảo mỡ nóng đã khử tỏi, rang cho hạt gạo se lại, ngả màu vàng là được. Nêm vào gạo rang chút muối. Xong bắc nước đun sôi, đổ đậu và gạo rang vào nấu nhừ. Khi ăn cho hỗn hợp thịt lợn,sò huyết vào cháo, thêm hành lá thái nhỏ, nêm vừa ăn, tuỳ theo khẩu vị từng người. Khi múc cháo ra bát, rắc thêm tiêu và để lên trên vài cọng hành. Món cháo sò huyết thật tuyệt vời khi vừa ăn vừa thổi mới thấy vị ngon hấp dẫn của nó.
    Cháo sò huyết khác nào một phương thuốc "thần hiệu", mỗi khi ăn sẽ làm ta quên hết ưu phiền mệt mỏi sau một ngày lao động mệt nhọc.
    Cháo sò huyết
    Gần đây TP Cần Thơ mọc lên các hàng cháo sò huyết, nhưng tập trung nhiều nhất ở đường Lý Tự Trọng. Khác với lẩu cháo cá lóc, cháo sò huyết đã nhanh chóng thu hút khách ăn uống về đêm ở TP Cần Thơ vì cháo sò huyết là món ăn bình dân dành cho mọi đối tượng, mỗi tô cháo từ 3.000 - 3.500 đồng. Sò huyết là họ hàng nhà ốc có vỏ cứng sống ở vùng nước có độ mặn cao. Sò huyết cũng là một loại hải sản quý, thịt sò huyết mùi vị thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng, bổ máu, giúp tăng cường sinh lực. Sò huyết có nhiều ở vùng biển Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên... Theo giới sành ăn, sò huyết ở Bạc Liêu ngon hơn ở những vùng khác.
    Cháo sò huyết được chế biến khá đơn giản. Nguyên liệu chỉ có gạo, thân sò huyết và gia vị. Khi mua sò về, rửa cho thật sạch vỏ, cho sò vào nước sôi độ dăm ba phút chờ sò há miệng, vớt sò ra bóc ruột. Ruột bóc ra đem xào trong mỡ phi tỏi và củ hành tím cắt mỏng cho thơm, nêm muối, bột ngọt cho vừa ăn. Gạo vo sạch để ráo. Rang gạo cho vừa vàng tới. Đổ gạo vào nồi nước luộc sò, nấu cho đến khi nhừ. Nêm thêm muối, nước mắm, bột ngọt cho vừa ăn. Để có một tô cháo sò huyết ngon, ngoài việc nêm nếm vừa ăn, hợp với khẩu vị của khách hàng, sò huyết phải mềm và giòn. Và tô cháo sò huyết khi ăn phải có tiêu, hành, ngò vào.
    Đó là cách nấu nướng theo kiểu cơm hàng cháo chợ. Món cháo sò huyết trong tay các bà nội trợ có khác. Để tăng giá trị bồi bổ, giải cảm, nồi cháo sò huyết có thêm thịt heo nạc và đậu xanh (đậu hột hoặc cà tùy thích). Còn sò huyết sau khi chà vỏ sạch thì tách đôi lấy thân và huyết sò ra. Cách này có khó thật đấy nhưng bảo đảm độ dinh dưỡng cao. Thịt heo nạc sau khi bằm nhuyễn cùng với thịt sò huyết được xào sơ qua, vừa chín tới trong mỡ có khử củ hành tím. Hỗn hợp này cũng phải nêm muối, tiêu, bột ngọt cho vừa ăn. Gạo cũng vo cho sạch, để ráo. Đổ vào chảo mỡ nóng đã khử tỏi rang cho hạt gạo se lại, có mầu hơi vàng là được. Nêm vào gạo rang chút muối và bột ngọt. Xong bắc nước nấu sôi, đổ gạo rang và đậu vào nấu cho nhừ. Trước khi ăn cho hỗn hợp thịt heo, sò huyết vào cháo, thêm vào hành lá xắt nhỏ và nêm lại cho vừa ăn, tùy theo khẩu vị của từng gia đình. Khi múc cháo ra chén hoặc tô, rắc thêm tiêu và để lên trên vài cọng ngò. Món cháo sò huyết phải vừa thổi vừa ăn mới thấy hết cái "tuyệt vời" của nó.
    Sau một ngày lao động vất vả hoặc một bữa uống rượu say thì tô cháo sò huyết được xem như một phương thuốc "đặc trị". Một tô cháo sò huyết ngút khói thơm lừng với hương vị đậm đà sẽ làm cho ta "tỉnh" hẳn lên và xua tan hết bao mệt nhọc. Nếu có dịp đến thăm thành phố Cần Thơ, bạn hãy nhớ thưởng thức món cháo sò huyết. Món ăn tuy đơn giản nhưng hương vị ngọt ngào sẽ làm bạn nhớ mãi vùng đất:
    Cần Thơ gạo trắng nước trong
    Ai đi đến đò lòng không muốn về
    [nick] [nick]
    Được khongtenso0 sửa chữa / chuyển vào 06:47 ngày 08/02/2006
  9. khongtenso0

    khongtenso0 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/10/2004
    Bài viết:
    3.758
    Đã được thích:
    0
    Lẩu Mắm Tây Đô
    Thoạt kỳ thủy mắm kho là món ăn gia đình của dân Nam bộ ở thôn quê.
    Sau năm 1975, từ ruộng đổng món mắm kho ra thành thị, vào các quán nhậu. Tại đây, mắm kho được chế biến thành lẩu và chễm chệ ngự trong nhà hàng. "Phát minh" này là của người Cần Thơ nên đến nay lẩuu mắm Tây Đô lừng danh cả trong lẫn ngoài nước.
    Lẩu mắm ăn tiền ở "công nghệ chế biến" và "nghệ thuật tẩn liệm". Lựa con mắm lóc thật ngon đem nấu cho rã thịt, lược bỏ xương, đỗ nước cốt mắm qua lẩu rổi nêm nếm đường, bột ngọt, mỡ. Lươn môtồ con nửa cườm tay, cá rô bằng 3 ngón tay độ 7 - 8 con, thịt ba rọi 300gr xếp vô lẩu quạt cho sôi. Rau đổng "tẩn liệm" ít nhất cũng phải chục thứ như bông lục bình, so đũa, điên điển, bông súng, rau nhúc, rau tràng, rau dừa, rau mác, chóc, cù nèo, đậu rổng... chèn vào lẩu. Xong, nhập tiệc.
    Lẩu mắm phải ăn hơi "bạo", hít hà mới ngon. Thật ra, ít ai cưỡng nỗi sự hấp dẫn của nó, nhất là lúc đang đói bụng nên "tốc độ" thưởng thức thường nhanh, thanh toán gọn. Mùi mắm thơm hực, đẩy phổng hai cánh mũi, "gào" xúc giác dậy kéo theo "phản ứng dây chuyền" tuyến nước bọt và bao tử cùng hoạt động đòi ăn. Gắp rau để vào chén cơm, sau đó mới gắp lươn, thịt ba rọi và cá rô để lên rổi từ từ... nâng chén. Chất mắm đậm đà, thịt, cá, lươn béo ngọt nổng nàn, rau đổng thơm thảo, ngọt thanh tao, dìu dịu, nuốt một miếng chưa trôi tay cầm đũa đã tự nhiên thò vào lẩu, gắp tiếp! Ăn đến đâu bỏ tay vào đến đó, không để rau chín quá.
    Lẩu mắm "kỵ" bia, nếu nhậu phải uống rượu đế. Tết nhất, ngán ngẫm với những món ăn sang trọng, bạn thử làm món mắm kho cho cả gia đình cùng ăn.
    Với món mắm kho của dân Nam bộ, từ con mắm chai ngắc nằm trong ơ đất đến cái lẩu mắm đương đại là cả một chặng đường "nghệ thuật". Ai đã từng phải theo cha ra đổng, theo mẹ "lặn lội bờ sông" tảo tần khuya sớm, giữa trưa vào bóng mát lôi cơm nguội ra bốc ăn với mắm kho, rau đổng mới thấy kỷ niệm ấy với món mắm kho là một phần không thể quên của cuộc đời.
  10. khongtenso0

    khongtenso0 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/10/2004
    Bài viết:
    3.758
    Đã được thích:
    0
    Chè bưởi Cần Thơ
    Dạ Ngân
    Trung thu là mùa của hồng, của bưởi. Bưởi Biên Hòa, Phúc Trạch, Đoan Hùng ngon, ăn mãi không thấy chán. Nhưng mấy ai ăn bưởi mà biết giữ vỏ lại để nấu chè? ở Cần Thơ (và bây giờ đã có mặt ở nhiều nơi khác, kể cả Hà Nội) có món chè bưởi ngon tuyệt. Giá mà bữa cỗ Trung thu, cạnh hồng, cốm và chè bà cốt, chè sen, lại có thêm một chén chè bưởi thơm ngon ấy.
    Đầu tiên người ta đưa vỏ bưởi tươi ra gọt kỳ hết lớp vỏ ngoài cùng. Lại bóc sạch lớp vỏ tơi bên trong, chỉ giữ lại phần vỏ trắng và dai ở giữa. Vỏ bưởi được nhồi nhiều lần trong nước muối để làm hết vị the và đắng. Sau đó, chúng được nhồi trong nước lã, xả đến khi nào nhai thử thấy không còn hơi hướm của vỏ bưởi mới thôi.
    Sau khi ráo nước, vỏ bưởi được xắt thành hình sợi, vuông cạnh, vừa tầm như sợi bột khoai. Đưa vào nấu với nước đường tinh, chốc sau đã thành nguyên liệu cho món chè không hiểu sao trước đây chỉ Cần Thơ mới có.
    Chè bưởi có mặt đã lâu, cùng thời với món nem chay cũng làm bằng vỏ bưởi. Sau ngày giải phóng, nó biến mất một thời gian rồi lại trở về với thời mở cửa, lại giữ ngôi vị trong những món tráng miệng sở trường của một vùng bên kia sông Hậu.
    Trong tay khách đang là một chén chè nhỏ, nhỏ đến nỗi như lọt thỏm trong tay mình. Đảo nó lên, nếu không giới thiệu trong đó là vỏ bưởi, hẳn khách sẽ ngỡ là những sợi bột khoai không mầu. ấy mới tuyệt. Khi đã biết, khách sẽ không khỏi thán phục và thú vị rồi chăm chú nhấm nháp, như lắng nghe, với tất cả lòng mình. Chao, sao mà giòn, sao mà thanh, sao mà tinh khiết như lọc từ thứ bột nào, với kỹ thuật bí truyền nào. Khách phải gọi thêm chén nữa. Giờ thì phải ngắm trước đã. Trên cùng, chè được phủ bằng một lớp nước cốt dừa sệt thơm mùi vani. Gạt lớp đó sang bên, lẫn trong nước đường pha bột mỳ tinh đặc và trong suốt là đậu xanh đãi vỏ thật khéo, khéo đến mức đậu nhừ mà vẫn nguyên vẹn hình hài, vàng sáng. Ăn chè bưởi, thực khách sẽ thầm biết ơn mẹ và chị, những người tạo nên giây phút thăng hoa khi hương vị một vùng đất thấm qua lưỡi đến tận hồn người.
    Chè bưởi Cần Thơ, hình ảnh của bàn tay vén khéo và mẫn cảm của những người phụ nữ miệt vườn, hương vị của nền văn hóa miệt vườn Nam Bộ.

Chia sẻ trang này