1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Băn khoăn về hạnh phúc ? Hãy nói chuyện với người già.

Chủ đề trong 'Hạnh phúc gia đình' bởi wildpony, 12/04/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. wildpony

    wildpony Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/05/2004
    Bài viết:
    1.221
    Đã được thích:
    0
    Băn khoăn về hạnh phúc ? Hãy nói chuyện với người già.

    Bất cứ khi nào cảm thấy mất phương hướng, cũng may điều này ít xảy ra, hay cảm thấy rối trí, hay đơn giản là buồn với những chuyện có liên quan tới gia đình, mình đều tìm đến Cụ, người đã sống qua hai thế kỷ.

    Cụ có dáng người thấp, nhỏ nhưng vững chãi. Đôi mắt đen và sâu thẳm, điều rất hiếm thấy ở những tộc người Châu Âu, đôi mắt mà mỗi lần nhìn vào chợt thấy mình thật nhỏ bé, đôi mắt toát lên lòng nhân hậu, sự thấu hiểu và đặc biệt sáng ngời hạnh phúc.

    Nếu ai đó nhìn cụ đều nghĩ rằng cụ là người thật may mắn và hạnh phúc. Thì đúng là vậy, tuổi già của cụ an nhàn, sức khoẻ củ cụ thì rất rất tốt so với tuổi tác của cụ, các con và cháu cụ đều có một cuộc sống khá tươm tất, họ yêu thương cụ như được cụ yêu thương. Thế nhưng nếu ai đó biết những gì từng đi qua cuộc đời cụ, họ sẽ phải đặt câu hỏi, tại sao cụ lại có thể thư thái đến vậy.

    Cụ chỉ tay lên từng bức tranh treo trên tường, cụ bảo : "Bức kia có giá trị không nhỏ, bà muốn sau này để lại cho chúng mày làm hồi môn sau khi bà mất đi !", và khi cụ đưa mắt sang bức chân dung của một người con trai, được vẽ bằng tranh sơn dầu, giọng cụ trầm xuống : "Đấy là con trai của bà, nó mất lúc 16 tuổi !"
    Cụ có kể lại rằng, khi xưa cụ về làm dâu trong gia đình, cuộc sống của cụ chẳng khác gì cuộc sống của các nàng dâu thời Phong Kiến ở Việt Nam cả. Dù có tình yêu nhưng cụ luôn phải chịu đựng gia đình chồng. Bữa ăn cụ không được ngồi cùng mâm với cả nhà, mà phải phục vụ cánh đàn ông ăn trước, rồi cụ ăn sau dưới bếp. Bố chồng cụ lúc bấy giờ là một nhà chính trị nổi tiếng, nhưng vô cùng khắt khe với các con. Trong cuộc đời phụ nữ trẻ, cụ đã mất đi hai người con, một người lúc ấy mới trứng nước, một người lúc mới được 16 tuổi. Cụ bảo, lúc ấy chính cụ phải chứng kiến con cụ đau đớn thế nào. Nhà cụ có trang trại nuôi bò sữa, người con trai leo lên máy gạt nghịch và bị xe đổ đè lên người, không cứu kịp. Khi cụ nhắc lại chuyện này, cụ không khóc, cụ cũng không rơm rớm nước mắt, mà chỉ thấy đôi mắt đen của cụ như trùng lại một khoảng tối thăm thẳm. Cụ chưa kịp đón chào những đứa cháu nội đầu tiên thì đã nhiều lần cụ phải chịu cảnh "tre già khóc măng non", người con dâu cả của cụ trong một lần sinh khó đã qua đời, người ta cũng không cứu được cả đứa bé. Thế là từ ấy, trong góc khuất của trái tim cụ còn thêm sức nặng của nỗi bất hạnh của con trai mình. Chưa hết, sô phận còn lấy đi của cụ người con trai thứ hai, lúc ông mới khoảng 43 tuổi, cụ lại âm thầm đeo khoác cả cái đau của con dâu, của cháu. Rồi một lần nữa, lại một người cháu nội, con trai của người con cả và người vợ mà ông đã đi bước nữa cũng qua đời vì một tai nạn rủi ro vì súng trong thời gian làm nghĩa vụ quân sự. Tiếp theo đó vài năm, cụ mất chồng. Ở đời, mỗi chúng ta có thể ít may mắn hơn nhiều người nhưng rất có thể còn ít rủi ro hơn nhiều người khác. Số phận thật ít hào phóng với cụ.

    Ở cụ, hình như nỗi đau đã lặn vào trong, cụ dành cho nó một ngăn thật nhỏ trong tim mình, cất giấu nó cho riêng mình, không bao giờ cụ nhắc tới. Cụ đón nhận cuộc sống được ban cho, không phàn nàn, không oán trách số phận, mà làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn, có lẽ vì vậy mà cụ luôn hạnh phúc ?

    Tôi thích trở về bên cụ, hít thở hương hoa đồng nội, uống tách trà tao nhã cụ pha, nhấm nháp những chiếc cookies, món khoái khẩu mà mình chưa từng thấy hàng hiệu nào có thể làm ngon hơn thế. Về bên cụ để được an ủi, để soi vào đôi mắt đen sâu thẳm của cụ mà thấy lại mình, thấy cái chưa được của mình với gia đình, với chồng, thấy bớt đi giận, bớt đi hờn, thấy mình bao dung hơn, nhẹ nhõm, thanh thản hơn, tươi vui và yêu đời hơn. Chúc mừng ngày sinh nhật thứ 90 của cụ, mong cụ mãi luôn khoẻ mạnh và còn là mái nhà để tôi trở về trong nhiều năm nữa

    Cụ là Bà Nội của chồng tôi
  2. blue08

    blue08 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/06/2004
    Bài viết:
    112
    Đã được thích:
    0
    Bài viết của bạn rất tình cảm, có những khoảng lặng trong cuộc sống khiến người ta nhìn cuộc đời một cách tích cực hơn.
    Khi mất thăng băng trong cuộc sống, tôi hay trở về nhà bố mẹ. Nơi tôi luôn mắc sai lầm và luôn được tha thứ.
  3. wildpony

    wildpony Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/05/2004
    Bài viết:
    1.221
    Đã được thích:
    0
    Thế là bạn may mắn lắm. Gia đình mình rất đông đúc, nhưng những lúc gian khó ( chủ yếu về đời sống tinh thần ), thì mình chưa bao giờ trở về đó để tìm nơi trú ẩn, tìm sự an ủi, động viên. Gia đình mình giống như một cái tổ chim, chính xác là thế, mẹ nuôi mình lớn, đến tuổi bay đi mình hoàn toàn sống cuộc sống của mình. Có lẽ cũng một phần do khoảng cách, một phần do cái tính lì, một phần quan điểm nuôi dậy con của mẹ mình là vậy.
    Nhưng cụ thì khác, cụ luôn dang tay đón mình từ những ngày đầu non nớt về làm dâu, luôn thông cảm, luôn động viên. Có những lúc ôm bao nhiêu ấm ức trong lòng, định kể lể với cụ, nhưng khi gặp cụ rồi, chưa kịp nói gì, thì cụ đã "giải mã" xong cho những vấn đề mình định nói. Từ cái nhìn đầu tiên cụ đã làm mình chột dạ, cụ nhìn thấu tâm can mình, cứ như cụ biết tất cả từ trước, lúc nào cũng bằng nụ cười hóm hỉnh, bằng những lời chậm dãi, sáng suốt... có thể vì vậy mình luôn cảm thấy có sự gắn bó không thể diễn tả, dù ít khi gặp nhau. Nhờ có cụ mà "sự nghiệp làm dâu" của mình suôn sẻ hơn nhiều
  4. baby_bluehp

    baby_bluehp Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/01/2005
    Bài viết:
    1.652
    Đã được thích:
    11
    Bài viết của chị wildpony hay và cảm động quá
    Em cũng rất thích và cảm thấy có hào hứng khi nói chuyện với người già. Bà nội em theo đạo Phật, ngày trước khi còn ở nhà đi học, em hay xuống thăm bà nội, hỏi han sức khỏe của bà,và nghe bà giảng giải kinh phật, em cảm thấy thanh thản và nhẹ nhõm rất nhiều.Bà em không hiền hoà, không sâu sắc lắm, nhưng bà cũng là người nghiêm nghị, cứng cỏi, và cũng được sống an nhàn , bình yên bên con cháu.Mỗi lần bà kể cho em nghe những câu chuyện về Phật giáo,em hiểu và thấm thía sâu sắc những giá trị cuộc sống trong đó,và thấy mình sống có định hướng tốt hơn.
    Hi vọng là bà em sẽ sống khoẻ mạnh cho đến khi em trở về quê hương.

Chia sẻ trang này