1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Bạn nghĩ gì về các thể loại âm nhạc dân tộc?

Chủ đề trong 'Âm nhạc' bởi chiaki_ruanhoc, 15/06/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. chiaki_ruanhoc

    chiaki_ruanhoc Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/05/2003
    Bài viết:
    395
    Đã được thích:
    0
    Bạn nghĩ gì về các thể loại âm nhạc dân tộc?



    Lối sống của các cụ ngày xưa khác bây giờ lắm, nhàn tản và thanh thản, trà dư tửu hậu chứ có như bây giờ đâu. Lối sống ấy được phản ánh vào âm nhạc, nên những giai điệu dân ca quan họ, rồi những điệu hò điệu ví nghe mới nhẹ nhàng thanh bình, chậm rãi đến vậy. Còn bây giờ, cái gì cũng nhanh, cuộc sống như một con tàu lao với tốc độ chóng mặt. Thì đó, nhìn giai điệu nhạc bây giờ mà xem, lại chẳng rầm rầm và vù vù đấy à.

    Ngẫm lại câu các cụ mắng "chúng bay là đồ mất gốc" chợt mỉm cười. Uh thì ngày xưa thế hệ ông bà của bố mẹ chúng ta đã chẳng lo lắng khi con cháu mình để răng trắng và mặc quần âu đấy thôi. Rồi mọi thứ cũng đâu vào đấy, được xã hội chấp nhận hết. Thì bây giờ đến lượt chúng ta nghe ông bà của chúng ta quát mắng. Khoảng cách thế hệ mà, dễ hiểu.

    Đấy, biện luận cho quan điểm của một loạt những đứa cháu "mất gốc" như các cụ nói như thế, nhưng bất chợt một ngày mưa nghe vang đâu đó câu hát "Ngồi rằng là ngồi tựa í a có mấy song đào?" thì trong mình vẫn có chút gì mênh mông lắm. Phải rồi, ngày xưa mình cũng được bố mẹ hát ru. Cái hồn của dân tộc ngấm vào máu rồi, chẳng làm sao thoát khỏi nó được đâu. Lẽ nào các cụ nói đúng, mình cũng có lỗi mỗi khi mình lắc đầu trước cái gọi là "âm nhạc dân tộc".

    Bao biện thế và ân hận thế, mình biết mình vẫn còn gắn bó với âm nhạc dân tộc lắm cho dù đôi lúc nó chỉ như một dấu chấm lặng nhỏ nhoi ẩn nấp ở một nơi nào đó trong góc quên lãng.

    Còn bạn, bạn nghĩ gì về nhạc dân tộc?
  2. brooklet

    brooklet Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/01/2003
    Bài viết:
    81
    Đã được thích:
    0
    Không biết có ai biết về ca chù không ? Hồi trước xem xong phim Tiếng Xưa cái tự nhiên khoái ca chù luôn mà hẻm biết tìm nghe ở đâu nửa . Chán wé
  3. chiaki_ruanhoc

    chiaki_ruanhoc Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/05/2003
    Bài viết:
    395
    Đã được thích:
    0
    Hik, tớ biết cái phim Tiếng Xưa ấy rùi, có ông giám đốc công ty thủ công mỹ nghệ mê ca trù chứ gì? Tớ còn nhớ phim ấy rõ lắm. Nhưng mà ấy tìm "ca chù" thì còn lâu mới tìm được, hihi, phải là "ca trù" chớ. Hay ít ra là hát ả đào . Từ từ rồi khoai sẽ nhừ, đâu sẽ có đó, sẽ có "ca chù" cho ấy, hihi . Chờ nhé.
  4. gl

    gl Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/10/2003
    Bài viết:
    917
    Đã được thích:
    0
    Vào đây load thử coi, chạy bằng real player. Nói chung thì trong này không được nhiều bài hay. Có 1 CLB ca trù kêu bằng Bích Câu Đạo Quán cũng thấy sinh hoạt thường xuyên, cứ đến nếu bạn có nhu cầu
    http://www.vov.org.vn/amthanh1/tiengviet/Amnhac/catru/catru.htm
  5. yenmusic

    yenmusic Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/08/2003
    Bài viết:
    175
    Đã được thích:
    3
    Nghệ Thuật Ca Trù ( Hát ả đào )
    1) "Hát ả đào là một lối hát mà ca nữ gọi là đào nương hay ả đào hay cô đầu vừa hát vừa gõ bằng hai que gỗ gọi là phách lên một cái sênh cũng bằng gỗ để làm nhịp, bên cạnh một người kép gẩy đàn theo, và trước mặt một ông quan viên đánh những tiếng trống nhỏ để điểm vào.
    Tiếng hát tiếng phách tiếng đàn và tiếng trống cầm chầu phải ăn nhịp với nhau theo những luật tắc riêng về tiết điệu".(1)

    Theo giáo sư Phạm Thế Ngũ thì đời nhà Trần đã có lối hát tuồng và trong cung vua và các vương hầu thường có những đội nữ nhạc múa hát hiến vui. Ðến đời Lê, phát triển rất mạnh. Khi nhà Lê mất ngôi, đất nước loạn lạc, lễ nghi nghệ thuật cũng mai một.
    Mãi đến thời họ Trịnh đứng vững ở miền Bắc, suy tôn nhà Lê lên ngôi Trung hưng mới phục hưng lại. Trong cung vua Lê, phủ chúa Trịnh đều có đội nữ nhạc tinh luyện. Chúa Trịnh Giang, Trịnh Sâm cưới cả ca nhi phong làm vương phi. Trong những dịp trình diễn, có vua chúa hoặc đại diện đánh trống chầu để ban thưởng thì người ta bỏ một cái thẻ - chữ hán là trù - để ghi lại, do đó có danh từ ca trù.

    2) Về sau được bình dân hóa và giản dị hóa để truyền xuống tận làng xã rồi tư gia, thậm chí chỉ cần một đào vừa hát vừa gõ phách, một kép gẫy đàn cũng đủ. Ðến đời Nguyễn sơ thì hát ả đào trở thành phổ biến đến khắp thôn quê. Ðó là cái thú tao nhã không chỉ của giới quyền quí (nhà Tham tụng Nguyễn Khản - anh thi hào Nguyễn Du - không lúc nào vắng tiếng hát đào nương), mà còn làm say mê cả những cậu thư sinh "hàn nho" như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát ...

    Ðến cuối thế kỷ 19, thú vui ấy đã biến tướng không còn được tao nhã nữa mà trở thành ô trọc nơi chốn cao lâu, tửu quán! Ðiển hình là ở Hà Nội xuất hiện nhiều tửu điếm hát ả đào trên phố Khâm Thiên, người ta thuê các cô gái thôn quê lỡ làng, dạy cho vài bài hát phục vụ trong chốn lầu xanh. Cụ Phạm Thị Mùi - nghệ nhân ca trù nổi tiếng ở làng Lỗ Khê (Ðông Anh, Hà Nội) lắc đầu than phiền: "Cái chuyện hát cô đầu ở Khâm Thiên làm giáo phường hát ca trù chúng tôi mang tiếng lắm". (2)

    3) Từ năm 1945 trở về sau ca trù hầu như bị quên lãng, một phần vì các giới chức thẩm quyền còn nặng thành kiến và chưa "cảm" được nghệ thuật cổ truyền tinh tế thâm trầm này, một phần vì dư luận xã hôi quá khắc khe do tâm não luôn có ấn tượng xấu với giới "xướng ca"; do vậy gây nhiều mặc cảm cho các nghệ nhân chân chính trong bộ môn đặc sắc này khiến họ phải bỏ nghề.

    Cụ Phan Thị Mơn - một nghệ nhân ca trù làng Cổ Ðạm cho biết:"Tôi về làng làm ruộng ... đập đàn, chẻ phách, giấu nhẹm giọng ca, tất cả đào kép ca trù đều vậy cả!".(3)
    Còn cụ Nguyễn Thị Sính ở phố Khâm Thiên thì "vội lấy khăn bọc bộ phách vì sợ hàng xóm nghe tiếng lách cách" (2). Các nghệ nhân khác chuyển nghề và mai danh ẩn tích. Nói chung, bộ môn ca trù đã một thời bị mai một, không có ai hoặc tổ chức nào khuyến khích, giúp đở để phục hồi.

    Ðến nổi người nước ngoài như ông Barlay, nhà nghiên cứu âm nhạc Anh, phải tiếc rẻ và lên tiếng cảnh báo: "Ca trù là loại hình âm nhạc tuyệt vời và độc đáo chỉ Việt Nam mới có, nhưng người Việt Nam bây giờ chưa trân trọng, để nó bị lãng quên. Rồi một ngày nào đó, có khi các bạn phải sang tận nước chúng tôi để tìm tài liệu học ca trù đấy". (3)

    4) Có lẻ cụ Trần Văn Khê - Giáo sư Tiến sĩ Âm nhạc - đã bỏ công sức đến tận nơi khuyến khích các nghệ nhân, đồng thời thuyết phục các giới chức hữu trách tạo mọi điều kiện thuận lợi để hồi phục ca trù.

    Ðầu năm 1990, chị Bạch Vân tìm đến các nghệ nhân nổi tiếng như Chu Văn Du, Kim Ðức, Phạm Thị Mùi ... để học nghề rồi thành lập CLB Ca trù Hà Nội. Chị thuyết phục các nghệ nhân đến với CLB. Hiện CLB có trên 200 hội viên ở nhiều lứa tuổi, thành phần ... (2)

    Bà Quách Thị Hồ, nghệ sĩ ca trù hàng đầu của Việt Nam sợ ca trù mai một cũng đã từng "năn nỉ" học trò để truyền nghề. Bà dạy: "Ca trù là khi hát phải tròn vành, rõ chữ. Ca trù ngân nga là âm ư chứ không i ơ, khi hát phải nghiêm túc, mắt nhìn thẳng, song khuôn mặt phải tươi ... Tiếng phách nghe lúc ròn tan, lúc như tiếng suối reo, lúc lại hiền hòa êm ả, phải quyện với tiếng đàn, câu hát. Một tiếng đàn, một tiếng phách, một câu hát phải hòa quyện chặt chẽ với nhau". (4)

    5) Ngày nay người ta đã quan niệm đúng đắn về ca trù, đó là: "một nghệ thuật biểu diễn thính phòng thân mật, đậm đà, có thể diễn ra trên một chiếc chiếu hoa. Ðào nương hát ngồi ngay trước mặt, người nghe ngồi thật gần ... Một nghệ thuật thân mật đẫm đầy tình trao đổi không lời. Ðào nương, người đánh trống chầu phụ họa, người gảy đàn đáy - đó là bộ ba linh hồn của ca trù". (5)
    Giáo sư Trần Văn Khê bình luận: "Tuy chỉ có ba người mà tạo nên một bầu không khí diệu kỳ gây cảm xúc mãnh liệt". Các nhạc sĩ thời nay cũng đã cố gắng sáng tác những bản nhạc phảng phất hơi hướng ca trù như Chiều Phủ Tây Hồ của Phú Quang, Không Thể Và Có Thể của Phó Ðức Phương để phổ biến sâu rộng hơn trong quần chúng. Hy vọng bộ môn nghệ thuật đặc sắc này của dân tộc không chỉ đứng vững mà còn phát triển.
    Source: http://www.phetran.com/GiaiTri/GiaiTri_17.htm
  6. yenmusic

    yenmusic Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/08/2003
    Bài viết:
    175
    Đã được thích:
    3
    Chiaki, well-done! Chiaki viết hay lắm! Yenmusic đồng ý với bạn về điểm: "Lối sống của các cụ ngày xưa khác bây giờ lắm, nhàn tản và thanh thản, trà dư tửu hậu chứ có như bây giờ đâu. Lối sống ấy được phản ánh vào âm nhạc, nên những giai điệu dân ca quan họ, rồi những điệu hò điệu ví nghe mới nhẹ nhàng thanh bình, chậm rãi đến vậy. Còn bây giờ, cái gì cũng nhanh, cuộc sống như một con tàu lao với tốc độ chóng mặt. Thì đó, nhìn giai điệu nhạc bây giờ mà xem, lại chẳng rầm rầm và vù vù đấy à!" Nhưng đấy là một khía cạnh mang đậm tính văn hoá của một dân tộc...
    Với giới trẻ hiện nay thì xu hướng thưởng thức nhạc dân tộc có phần khác một chút khi phải thêm thắt những nhạc cụ phương Tây vào để nghe có vẻ...hiện đại. Yenmusic đồng ý là phải nâng âm nhạc dân tộc lên cao hơn nhưng cũng đừng...lạm dụng quá mức mà để đàn Tây phương lấn át nhạc cụ, nét nhạc truyền thống VN.... Dưới đây Yenmusic xin được trích thư của một em gái viết cho Yenmusic sau khi đi xem buổi nói chuyện của GSTS Trần Văn Khê ngày 9 tháng 5 vừa qua....
    Hello chị,
    Hôm qua, lúc đi nghe GS nói chiện dìa, em đã suy nghĩ rất nhiều : Tại sao âm nhạc dân tộc hay như thế mà chẳng ai biết, chẳng ai quan tâm ??? Cũng như GS Thúy Hoan đã nói : lúc qua nước ngoài, bác dạo 1 khúc Trống cơm, rồi Lý ngựa ô mà chẳng ai biết ?! em nghĩ là đó là "chiện thường ngày" thôi ! Sở dĩ các loại hip hop, rock ballads, country, R&B.... được nhiều người biết tới vì nó được phổ biến rộng, chị cứ thử ra các tiệm bán CD xem, muốn bao nhiêu là có bấy nhiêu CD về hip hop, rock...còn nhạc dân tộc ? Em kiếm mờ con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái, da đen đúa, mặt mày bơ phờ mà ko đào đâu ra 1 cái CD ưng ý, mà cho dù có chỗ bán đi nữa thì cũng le hoe dzài ba cái !!! Âm nhạc đến được với người nghe và nhận được sự đồng cảm, trước hết phải dễ nghe, phải mang một cái gì đặc biệt, phải đồng địu với tâm hồn của người nghe ! Điều đó, âm nhạc dân tộc ko thiếu ! Nhưng cái thiếu, đó là TUYÊN TRUYỀN !!! Chị ko được nghe âm nhạc dân tộc mà em cứ "lải nhải" là nó hay lắm, đi vào lòng người lắm thì chắc chị đâu có tin đc, và chị cũng ko biết nó hay ở chỗ nào, đi vào lòng người ở chỗ nào ?! Em nói thiệt, em thuộc loại "mù" nhạc dân tộc dzì mún tìm hiểu thì biết tìm ở đâu, mà tìm đc tài liệu mà ko đc chính tai nghe thì cũng "mù" nốt, cũng ko biết nó tinh tuý, tuyệt vời ra sao ! Để âm nhạc dân tộc phát triển, ít ra là đến đc giới trẻ 1 cách dễ dàng hơn, theo thiển ý của em thì trong các trang web về âm nhạc dân tộc như trang web của chị, của Tiếng Hát Quê Hương, nên có thêm phần nghe nhạc online, phân chia ra từng loại như đàn bầu, đàn tranh, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù.....để ít ra những người muốn tìm lại bản sắc quê hương có dịp nâng cao hiểu biết, đồng cảm với âm nhạc quê hương !!!
    Còn 1 ý kiến nữa, nhưng em ko biết có nên nói ra ko dzì sợ nói ra, chị ....xỉu :D Thôi kệ, nãy giờ chị ráng đọc PM của em rồi, thêm 1 chút nữa chắc cũng ko sao ha ? :D Để âm nhạc dân tộc đến với giới trẻ thì ko nên chỉ có nhưng bài dân ca, nhưng bài...hoà tấu vì nghe như vậy thì hơi chán và buồn ngủ :D cho nên em mới nghĩ ra 1 tối kiến ( dzì nghĩ ra vào buổi tối nên gọi là tối kiến :D ) là phải làm 1 cuộc thay đổi lớn cho ANDT để nó để nghe hơn , "trẻ" hơn đó là kết hợp nó với âm nhạc hiện đại, ví dụ như trong 1 dàn nhạc ( có ca sĩ luôn ), mình sẽ kết hợp trống( hiện đại), organ, đàn ....( đàn gì có 1 dây á, em quên mất tên rồi :D ), bộ gõ, sáo. Trong khi hát, ca sĩ sẽ hát 1 khúc mang nhạc trẻ ( VD như tình ca ) rồi sau đó có một khoẳng lặng, âm nhạc dân tộc nổi lên, ca sĩ sẽ hát xuống giọng, hoặc hát...ráp nhẹ nhàng, hoặc nói những lời thỏ thẻ.....Trời ơi, mê ly luôn, mặc dù là nó hơi nửa nạc nửa mỡ, nhưng ai bảo là thịt nạc có thêm 1 lớp mỡ nữa là ko ngon !!! ( cháp cháp...ực...ực miam !!! ) ( VD như những bài của ca sĩ Mỹ Lệ, tuy có hơi ...gào thét 1 chút, nhưng nếu biết kết hợp với loại nhạc tùm lum của em thì chắc còn quyến rũ hơn ?! :D Ko thôi thì Quang Linh) Biết đâu mai mốt nó là 1 dòng nhạc mang đậm tính VN, mỗi khi hát lên là thế giới đều biết : "ah, đây là nhạc VN đây nè !!!" Em nghĩ thời bây giờ phải biết kết hợp nhịp nhàng giữa xưa và nay để ko bị mất đi những bản sắc dân tộc và cũng ko thiếu chất trẻ trung ! Từ chỗ dễ nghe, thích dòng nhạc 1/2 nạc, 1/2 mỡ giới trẻ sẽ đi "lần mò" để tìm hiểu âm nhạc dân tộc :D ;;) Tại sao mình ko thử ? :D Em luôn nghĩ là nếu mình ko thử thì làm sao biết mình ko làm dc ?! Nhưng dù sao đây cũng chỉ là ý kiến của riêng em, và nghe hơi bị ...tức cười :D ;;)
    Các bạn nghĩ sao?
    Yenmusic
  7. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    Em cũng muốn thực sự thưởng thức âm nhạc dân tộc như ả đào, cải lương lắm nhưng mà sao thấy khó hạp quá. Chỉ nghe được mỗi ca Huế: "Ố tang ố tang tình tang, tình tang tình, ố tang tình tang..."
    Được northernstar_2308 sửa chữa / chuyển vào 17:37 ngày 20/07/2004
  8. bochet

    bochet Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/07/2003
    Bài viết:
    1.003
    Đã được thích:
    3
    Thực ra ca trù ko hẳn là âm nhạc dân tộc, đó chỉ thịnh hành ở 1 thời gian ngắn và ko gian hẹp. âm nhạc dân tộc là đại diện cho các âm nhạc của từng dân tộc trong nước VN. mình nghĩ là như vậy. đúng là âm nhạc phản ánh cuộc sống . và ngược lại cuộc sống cũng bị ảnhhưởng bởi âm nhạc.
  9. tuandat06

    tuandat06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/06/2004
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    1
    Cái cậu này "lạ thật" cậu bảo ca trù ko phải là âm nhạc dân tộc thì nó là dạng âm nhạc nào? __________________________________________________
  10. yenmusic

    yenmusic Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/08/2003
    Bài viết:
    175
    Đã được thích:
    3
    GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HOÁ DÂN TỘC
    Ca Trù: một không gian văn hoá
    Sau Nhã Nhạc cung đình Huế, rồi cũng đến lúc Ca Trù sẽ được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thực ra điều này cần phải làm từ trước đây vì Nhã nhạc xuất hiện hầu hết trong đời sống trong cung đình phong kiến của các nước thuộc nhóm văn hóa Đồng văn gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam trong khi đó Ca Trù chỉ có một, duy nhất ở Việt Nam mới có. Ca Trù độc đáo bởi nhiều lẽ:

    Thứ nhất: Ca Trù có một bề dày thời gian tồn tại. Hình thành từ đời Lê, thuật ngữ Ca Trù lần đầu tiên xuất hiện trong chín bài hát Đại nghĩ bát giáp thưởng đào văn do tiến sĩ Lê Đức Mao làm trong dịp hội tế làng Đông Ngạc; phát triển đến mức cực thịnh vào nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX gắn liền với một loạt các khách chơi nổi tiếng có ảnh hưởng lớn trong nền văn học nước nhà như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Tản Đà v.v... và Ca Trù nhanh chóng suy tàn đến không ngờ khi cả nước đứng lên khởi nghĩa tháng 8 giành độc lập; qua hai cuộc kháng chiến dấu tích về Ca Trù gần như là mất hẳn.
    Thứ hai: Công cụ diễn xướng của Ca Trù rất độc đáo, có một không hai. Vì Ca Trù có đàn đáy, sẽ không thể tìm ra được một loại đàn nào tương tự như thế ở bất cứ nơi đâu, có lẽ bởi cấu tạo độc đáo của nó; hộp âm mặt sau hở, cần đàn dài một mét rưỡi, phần nửa trước bố trí đều từ chín đến mười ba phím; phím đàn đáy cao cộng thêm cần đàn dài tạo điều kiện cho người nhạc công mặc sức tạo sự tài hoa trong các nốt nhấn, theo như lời các cụ nghệ nhân nói lại thì ngày xưa đối với các kép đàn thâm hậu trong nghề thì chỉ cần một ngón nhấn dây thôi có thể tạo ra khoảng ba tiếng với thanh điệu khác nhau; mỗi phím đàn cao hai phân rưỡi cho nên tạo ra các độ nhấn, ở mỗi độ sức nhấn của kép đàn sẽ tạo ra một thanh âm khác. Ca Trù có bàn sênh và cỗ phách, ngay cả phách Ca Trù cũng là một nét độc đáo, phách ca Trù không giống phách ca Huế, không giống phách chèo, cũng không giống phách hát văn cho dù chúng đều chung một mục đích duy nhất là nhằm giữ nhịp cho tiếng hát, tiếng đàn. Nhưng cỗ phách Ca Trù đặc biệt hơn thế nhiều, chẳng thế mà cố nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã từng nói: trong ca Trù tiếng phách là tiếng hát thứ hai của người đào nương. Tại sao lại nói được như vậy? Trước hết trong cấu tạo của phách mang một sự điều hoà rất đặc biệt. Bàn sênh làm bằng gỗ trắc đen, hoặc gốc tre già, cầu kỳ hơn nữa có thể làm bằng gỗ chai, phách gồm hai loại, một chiếc phách cái và hai lá phách con, phách cái tạo ra tiếng đục trầm gọi là tiếng dương, lá phách tạo ra tiếng chép, âm sắc cao hơn, gọi là tiếng âm, khi kết hợp hai tiếng phách đó lại với nhau theo một trật tự và bài bản cố định thì tạo ra năm khổ phách trong Ca Trù, năm khổ phách này, quán xuyến mọi câu hát, giữ nhịp cho trống đàn và hát. Hơn thế cao độ và trường độ của người hát sẽ phụ thuộc vào tiếng phách, phách thưa thì hát chậm, phách mau thì hát dồn, hát dựng? gọi tiếng phách là tiếng hát thứ hai của đào nương là lẽ như vậy. Ca Trù độc đáo còn là vì Ca Trù có trống chầu. Trống chầu không giống trống đế của chèo, tuồng hay hát văn vì bụng trống nhỏ hơn, gần như làm bằng, da căng mặt tốt nhất là lấy da nách con trâu đực, tạo được tiếng đanh, tròn trịa. Cầm trống chầu có hai phép: Trống kép và trống thưởng. Trống kép là đánh đủ khổ như một người viết văn biết chấm, phẩy đó là công việc của một người viết văn; trống thưởng là hễ câu nào mà người đào nương hát hay, phách dẻo, hay anh kép vê, nhấn được tiếng đẹp thì có thể thưởng bằng bài ba tiếng cắc vào tang trống, đấy là công việc của một người phê bình, biết chua những câu văn đẹp. Trống hoà vào đàn và phách thì là Ca Trù, thiếu một trong ba thứ ấy thì chẳng khác gì ăn cơm mà không có canh vậy. Thế nên duy nhất trong Ca Trù người đánh trống vừa là một khán giả đến thưởng văn thưởng hát, lại vừa là một nhạc công. Độc đáo biết bao.
    Thứ ba: Ca Trù độc đáo trong hình thức và không gian diễn xướng. Ca Trù mang theo nó hơn bốn mươi điệu thức và một thể thơ - thơ Hát nói. Hình thức diễn xướng chặt chẽ và lề lối; đó là sự kết hợp của năm khổ phách, đàn, trống; khi hát đủ khổ, không thừa ra một tiếng phách nào, tiếng phách, tiếng hát, tiếng đàn hợp lại làm một thì gọi là hát khuôn, những biến tấu dựa trên căn bản của năm khổ phách, năm khổ đàn như vậy gọi là hát hàng hoa. Người nghe sành bao giờ cũng thích hát khuôn, vì hát khuôn khó. Tập hát khuôn chưa vững mà đã hát hàng hoa thì đấy không thể gọi là người sáng tạo mà chỉ là người hát linh tinh. Hát Ca Trù khó nhất là Hát Nói, có lẽ do tính độc đáo của thể thơ này vì đó là một thể loại thơ khá khoáng hoạt. Với việc mang tính độc đáo như vậy Ca Trù đã tạo ra cả một không gian văn hoá. Ca Trù có Ca Trù cửa đình một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng thông qua tục hát thờ, trong Ca Trù cửa đình có nhiều hình thức diễn xướng khác nhau như: Tế, lễ, ca, vũ, các trò chơi tạp kỹ; Ca Trù có các ca quán là một hình thức sinh hoạt văn hoá chủ yếu của các đô thị trước năm 1945; Ca Trù còn có mặt ở từ các buổi lễ có nghi thức quốc gia như tiếp sứ thần các nước, đến ở các buổi lễ tư gia như hát đám, khao, vọng, thượng thọ v.v?
    Với chỉ ba yếu tố trên Ca Trù hoàn toàn xứng đáng để có một sự công nhận một cách đúng đắn của mọi tổ chức hay các cá nhân có liên quan đến văn hoá trong và ngoài nước.
    Những bước khởi động cho công cuộc phục hưng Ca Trù
    Năm 1978, Hội đồng Âm nhạc quốc tế của UNESCO và Viện nghiên cứu quốc tế về âm nhạc đã trao bằng danh dự cho Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ, có lẽ đây là một vinh dự cho Ca Trù Việt Nam mà nghệ nhân Ca Trù Quách Thị Hồ đứng ra đại diện để nhận (Đã có người cho rằng công lao đưa Ca Trù ra thế giới thuộc về nghệ nhân Quách Thị Hồ nhưng hoàn toàn không phải thế vì trước năm 1945, hai đào nương Đàm Mộng Hoàn và Chu Thị Năm đã từng được mời và sang Hồng Kông để thu đĩa nhạc về Ca Trù).
    Đầu những năm 80, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã từng có hơn hai mươi bài viết về Ca Trù đăng trên các báo, chủ yếu là báo Văn Nghệ, và đọc ở các hội nghị, hội thảo.
    Trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến năm 1984, nhà thơ Ngô Linh Ngọc đã đạo diễn ba bộ phim tài liệu về Ca Trù, trong đó có bộ phim về Ca Trù cửa đình quay ở Lỗ Khê là một nguồn tư liệu vô cùng quý giá, vì nó tập trung được hầu hết các danh ca, danh cầm một thời như Quách Thị Hồ, Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Thị Phúc, Phạm Thị Mùi, Đinh Khắc Ban, Phó Đình Kỳ, Chu Văn Du v.v...
    Năm 1989, nhà thơ Ngô Linh Ngọc cho in quyển sách ?oTuyển tập thơ Ca Trù?, đây là một công trình nghiên cứu vô cùng đáng quý, góp phần lớn trong việc đưa thể thơ Hát Nói thành một thể loại thơ đặc biệt trong văn học.
    Năm 1994, NXB TPHCM cho in lại cuốn ?oViệt Nam Ca Trù? biên khảo của hai tác giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề. Đây là một bộ tổng tập về Ca Trù rất có giá trị, tuy cuốn sách chỉ dừng lại ở nhiệm vụ khảo cứu nhưng đã mở ra rất nhiều hướng đi cho việc nghiên cứu Ca Trù trong nay mai.
    Gần đây còn có các công trình nghiên cứu về Ca Trù của các tác giả Nguyễn Đức Mậu và Nguyễn Xuân Diện, nhưng vẫn chưa có cái nhìn đầy đủ về Ca Trù.
    Song song với việc nghiên cứu về Ca Trù, các lớp học đã được tổ chức một cách chính thức hoặc không chính thức. Từ lớp học do Bộ Văn hoá đứng ra tổ chức vào những năm 80 của thế kỷ trước đến như lớp học Ca Trù 2 tháng do Cục nghệ thuật biểu diễn đứng ra tổ chức dưới nguồn vốn hỗ trợ của quỹ Ford. Cho đến bây giờ những thành quả đạt được cũng có thể cho ta một cái nhìn đúng đắn hơn trong việc truyền dạy Ca Trù.
    Hiện trạng của Ca Trù như thế nào?

    Nghệ sĩ ca trù Nguyễn Mạnh Tiến: ?oTừ 4 - 5 tuổi tôi đã được nghe Ca Trù?

    Khi chúng tôi cầm bút viết bài này thì hầu hết các cụ nghệ nhân là danh ca, danh cầm một đời mà chúng tôi đã tôn vinh ở trên đã trở thành những người thiên cổ. Nhà thơ Ngô Linh Ngọc, người đau đáu gần nửa đời người còn lại cho việc phục hưng Ca Trù đã ra đi cách đây không lâu. Hiện giờ vẫn còn cụ Phạm Thị Mùi và cụ Phó Thị Kim Đức. Cụ Phạm Thị Mùi hiện nay đã yếu quên quên nhớ nhớ, câu được câu chăng. Còn lại cụ Kim Đức năm nay đã 73 tuổi thì cũng mệt mỏi sau hơn 60 năm hoạt động trong nghệ thuật, cụ đi hát từ năm 12 tuổi!
    Trong khi đó lớp trẻ không kế thừa được nhiều. Các nghệ sĩ như Kim Dung, Trang Nhung, Thúy Đạt, Thúy Hoà, Bạch Vân? hầu hết chưa thể được gọi là những người hát Ca Trù vì tính khuôn khổ còn thiếu, và lại những điệu thức họ được học trước kia không được là bao nhiêu, trong hơn bốn mươi điệu thức người nhiều nhất chỉ học được khoảng bẩy điệu là cùng, thế cho nên trong các chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ này thường phải có sự ghép thêm các tiết mục khác như, chèo hay hát văn thì mới đủ thời lượng thời gian biểu diễn.
    Các học viên học lớp Ca Trù hai tháng do Cục nghệ thuật biểu diễn đứng ra tổ chức dưới nguồn vốn hỗ trợ của quỹ Ford tổ chức trong tháng 11.2002 thì càng không thể gọi đấy là Ca Trù, bởi vì trong hai tháng để cầm cho vững phách thôi đã là một điều khó.
    Hạ tuần tháng 4 vừa qua chúng tôi có vinh dự được xem một đêm hát Ca Trù do Khoa Văn học trường ĐH KHXH & NV tổ chức, chương trình có mời cụ nghệ nhân Phó Thị Kim Đức cùng các học trò đến biểu diễn. Nghe cụ và chị học trò hát mọi người mới vỡ lẽ ra rằng: đã là Ca Trù thì phải như thế! Bản thân các học trò trong đó có anh kép đàn Nguyễn Công Hưng và chị Nguyễn Bạch Dương đã thuyết phục được người nghe bằng một kỹ thuật nhà nghề của giáo phường đệ nhất. Vì bản thân cụ Kim Đức là con gái của cụ quản ca giáo phường Khâm Thiên ngày xưa. Hỏi ra mới biết trong 5 năm vừa qua cụ đã miệt mài truyền nghề cho các anh chị. Thế mới biết truyền nghề cũng khác học nghề như thế nào.
    Hướng đi nào cho việc giữ gìn và phát huy di sản văn hoá Ca Trù?
    Hiện nay, Ca Trù đang trong tình trạng hỗn loạn giống hệt cảnh võ lâm thiếu đi minh chủ. Vì người có nghề thì do những mặc cảm mà không đứng lên mà quy tụ một mối. Người không có nghề thì lại đứng lên cầm cờ phất lấy phất để rồi mà chẳng biết phất đi đâu.
    Sách vở, thư tịch còn lại giúp ích cho việc nghiên cứu Ca Trù thì phần lớn chỉ dựng lại được lịch sử hình thành và phát triển, còn những sách dạy học Ca Trù như thế nào thì hầu như là không có. Cũng bởi một lẽ là việc truyền dạy Ca Trù phần lớn thông qua hình thức truyền khẩu nên việc tam sao thất bản không phải là ít.
    Cần thiết nhất là chúng ta nên mời các cụ nghệ nhân của nghề hiện nay vẫn còn rồi thu băng lại sau đó nghiên cứu định tính tập hợp và tìm cột cờ trong bó đũa, kết hợp với các thư tịch cổ còn lại có liên quan đến Ca Trù đem đối chiếu so sánh và chọn một mốc chuẩn trong việc tạo dựng thành một cuốn giáo trình dạy Ca Trù thật hoàn chỉnh cả về đàn hát lẫn phách.
    Cần phải có một khoa trong nhạc viện để tìm người có tài dạy nghề và giữa lại. Cần thành lập một đoàn nghệ sĩ chuyên nghiệp chỉ học và biểu diễn Ca Trù ở một đẳng cấp, trình độ cao. Xây dựng các mô hình làm ca quán với một phương pháp tổ chức văn hóa, văn học thật chặt chẽ. Có như vậy thì Ca Trù sẽ lại quay trở lại và tiếp tục mang sứ mệnh tạo thành những nguồn cảm hứng bất tận cho những nét đẹp của truyền thống văn hoá Việt Nam. Và như thế thì sự công nhận của quốc tế kia có lẽ cũng chỉ tồn tại trên ý nghĩa của giấy tờ. Những cái thực chất bao giờ chả là cái quý giá nhất.
    THẦN ANH (Tạp chí Người Viễn Xứ)

Chia sẻ trang này